Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hoàng Cầm, một trong những nhà thơ hàng đầu Việt Nam bị tù đày dưới chế độ cộng sản, đầu tháng 2/2022 tác phẩm Về Kinh Bắc được tái bản và phát hành tại Việt Nam.
BBC News Tiếng Việt phỏng vấn nhà thơ Hoàng Hưng và ông Thái Kế Toại, nguyên là Đại tá công an văn hóa, ông còn được biết đến là nhà thơ Lê Hoài Nguyên, về con người và tác phẩm của nhà thơ lớn Hoàng Cầm.
Câu chuyện chỉ vì lưu giữ bản thảo thơ của Hoàng Cầm chính nhà thơ Hoàng Hưng đã bị bỏ tù cũng được đề cập.
BBC: Thưa nhà thơ Hoàng Hưng xin ông cho biết nội dung cuốn sách Về Kinh Bắc và mục đích xuất bản lần này?
Nhà thơ Hoàng Hưng: Nhân 100 năm ngày sinh của nhà thơ Hoàng Câm, gia đình và thân hữu của nhà thơ quyết định xuất bản một ấn phẩm đặc biệt lấy tên là Hoàng Cầm về Kinh Bắc.
Trong đó bao gồm tái bản tập thơ Về Kinh Bắc cùng với một số bài đặc sắc của các nhà thơ, nhà phê bình viết về cuốn Về Kinh Bắc và thơ Hoàng Cầm. Rồi có thêm các tư liệu quý, có thể nói là chưa hoặc ít được biết đến xưa nay liên quan đến việc sáng tác và ra đời Về Kinh Bắc.
Có nhiều minh họa của các họa sĩ nhiều thế hệ và bộ ảnh của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán chụp về Hoàng Cầm, sinh hoạt của ông với gia đình và thân hữu qua nhiều năm.
BBC:Thi phẩm nào của Hoàng Cầm có sức lay động lớn nhất đối với quý vị? Tại sao?
Nguyên Đại tá Thái Kế Toại: Tôi luôn luôn coi Hoàng Cầm là một trong những nhà thơ lớn nhất trong thi ca hiện đại của ta. Ông có nhiều tác phẩm xuất sắc. Tôi coi hai trường ca của ông, Tiếng hát Quan họ và Về Kinh Bắc, là xuất sắc hơn cả.
Nhà thơ Hoàng Hưng: Nếu mà nói sức lay động lớn thì tác phẩm quá nổi tiếng rồi, ai cũng biết, cả ngoài Bắc hay trong Nam, hồi chưa thống nhất là bài Bên kia sông Đuống.
Có lẽ thi phẩm này cho đến nay tôi vẫn thấy là được nhiều người biết đến nhất. Kể cả ở hải ngoại, trong các trao đổi với bạn bè hải ngoại họ vẫn nhắc đến.
Nhưng tôi thấy nó cũng là tác phẩm mang tính thời sự, nặng tính thời sự. Cho nên, với thời gian ngày càng trôi đi, các cuộc chiến tranh, chiến đấu chống xâm lược… có thể đi vào dĩ vãng, tôi nghĩ rằng, cái còn lại vẫn là tác phẩm Về Kinh Bắc.
BBC: Xin ông cho biết thêm về con người Hoàng Cầmvà tác phẩm của ông ?
Nhà thơ Hoàng Hưng: Nhà thơ Hoàng Cầm là một trong những gương mặt sáng giá nhất của văn học hiện đại, riêng về thơ lại càng là gương mặt hàng đầu.
Tài năng của ông rất đa dạng. Trong đó nổi bật nhất là kịch thơ. Ông có rất nhiều kịch thơ ngay từ khi còn trẻ, nổi bật nhất là vở Kiều Loan được nhắc đến rất nhiều. Khó có tác giả nào nói về kịch thơ sánh được với Hoàng Cầm.
Đặc biệt về thơ trữ tình thì ông ấy là nhà thơ hàng đầu. Trước nhất là nghệ thuật của ông ấy đạt được đến mức đến nay thì gần như kinh điển rồi. Khó lòng mà có tập thơ nào nó hoàn chỉnh mà toàn bích, tập trung vào một chủ đề nổi bật như tập Về Kinh Bắc.
Tôi có dịch thơ của một nhà thơ Tây Ban Nha nổi tiếng Federico Garcia Lorca, đã làm bất tử cả vùng quê ông ta là vùng Andalusia, phía nam Tây Ban Nha. Tôi sang đó thì họ đề cao ông lắm, họ coi là biểu tượng văn hóa và họ rất tự hào, thu hút khách du lịch về đó.
Ở Việt Nam chỉ có một người làm được điều tương tự và cũng nổi bật chính là Hoàng Cầm với tập Về Kinh Bắc. Tôi nghĩ là một tác phẩm văn hóa, văn nghệ nói chung thì sức sống lâu dài của nó chính là nó phải mang thông điệp văn hóa như thế, phải đặc sắc, mang dấu ấn của ít nhất một vùng hay một đất nước. Tôi cho là Về Kinh Bắc đạt được cái đó.
BBC: Dường như tập thơ Về Kinh Bắc đã từng được xem xét xuất bản sớm hơn?
Nguyên Đại tá Thái Kế Toại: Vâng. Tập thơ Về Kinh Bắc có số phận rất đặc biệt trong văn học hiện đại Việt Nam. Bởi vì yếu tố thứ nhất nó là một hiện tượng hậu Nhân văn Giai phẩm.
Nếu nói Về Kinh Bắc mà tách rời hậu Nhân văn Giai phẩm người ta không thể hiểu được sâu sắc nội dung cũng như nguyên nhân của sự ra đời của nó.
Đầu 1956, khởi đầu ngọn gió đổi mới về dân chủ của văn học Việt Nam… Cũng giống như Văn Cao, Hoàng Cầm đã có cảm hứng tương đối mạnh mẽ về cái gọi là yếu tố đổi mới, yếu tố mới ở trong cái đòi hỏi của đời sống mới của xã hội Việt Nam mới.
Nhưng với cảm hứng ấy Hoàng Cầm đã bắt đầu báo động những yếu tố tiêu cực của đời sống xã hội, của văn hóa, đã trở lại xuất hiện. Đấy là một trong những lý do, mục tiêu mà những người theo xu hướng cấp tiến của giai đoạn 1956 ấy muốn hướng đến.
Ông ấy (Hoàng Cầm) có nói rằng: “Thấy lý trưởng mới, mặc khăn áo mới đi tuần làng”. Cuối cùng thì ông ấy kết luận là: “Tôi mơ ước rồi đây tiếng quê quan họ, sẽ thành trái núi khổng lồ ném xuống biển cồn sóng gió, vòng nhỏ vòng to đến vòng nào nữa, chân mây mở rộng từng mùa”. Đấy là nó tiêu biểu cho cái khát vọng dân chủ bắt đầu được thổi lên ban đầu ở cái Nhân văn Giai phẩm.
Thế nhưng đến khi mà sự việc xảy ra Hoàng Cầm cũng là người chịu những cái kết quả của sự trừng phạt. Về Kinh Bắc ra đời trong giai đoạn như thế. Tức là hậu Nhân văn Giai phẩm.
Tức là vào giữa 1958 mọi việc đã xử lý xong rồi. Nhưng riêng những nhân viên, cá nhân của phong trào Nhân văn Giai phẩm đã nhận đầy đủ sự cay đắng, phân biệt đối xử, kể cả có những trường hợp khai trừ hội viên.
Bản thân Hoàng Cầm, ngoài việc gọi là khai trừ Ban chấp hành Hội Nhà văn khóa một, thì ông ấy còn bị treo bút một thời gian.
Sau đại hội Ban Chấp hành khóa một 1957 ông còn được giao một trọng trách là Ủy viên Ban giám đốc, phó Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, một cơ quan xuất bản văn học vào loại lớn nhất miền Bắc lúc đấy. Hoàng Cầm sau đấy cũng bị mất luôn chức vụ đấy và ông ấy trở thành một nhân viên của Sở Văn hóa Hà Nội, lương bị giảm, đời sống gia đình khó khăn.
Vì thế trong bối cảnh bức bối đấy thì Về Kinh Bắc ra đời. Nó ra đời nhưng nó không còn cái tùy hứng, cái thi pháp của cái như là Tiếng hát Quan họ nữa, mà nó ở giai đoạn khác, tâm thế khác.
Về Kinh Bắc chính là một tiếng kêu thân phận ngay sau vụ Nhân văn Giai phẩm. Thứ hai nữa là, ở đấy tiếng kêu của số phận, tiếng kêu của chính chủ thể nhà thơ. Lá Diêu Bông, Cỏ Bồng Thi, Cây Tam Cúc, Quả Vườn Ổi… là tiếng kêu của số phận và trong đó là sự thất vọng, đau đớn, bất mãn đều có cả.
Vì thế nó không ra đời được và nó chỉ được truyền miệng, truyền tay ở trong số bạn đọc, nhất là học sinh, sinh viên ở Hà Nội trong những năm 1960.
Trong bối cảnh chung như thế, nói chung với tất cả các tác giả trong nhóm Nhân văn Giai phẩm, những người bị nặng, bị treo bút thì thời gian đó đều không công bố được tác phẩm. Đấy là một trong những lý do chung mà Về Kinh Bắc không được xuất bản là vì thế.
Sự kiện liên quan đến anh Hoàng Hưng và ông Hoàng Cầm cuối 1982 đầu 1983, về việc hai người bị bắt. Tôi muốn nói bối cảnh xã hội khi đó rất phức tạp. Thứ nhất là làn sóng vượt biên, xã hội thì đói kém. Ở bên ngoài thì những nhóm văn nghệ sỹ lưu vong hoạt động cũng mạnh, cái việc tấn công vào trong nước cũng mạnh, các văn hóa phẩm phản động, đồi trụy, rồi là các băng video.
Rồi là cũng có trường hợp như chỗ ông Trần Nam Tiệp, Võ Văn Ái. Tôi muốn nói bối cảnh dẫn đến cái gọi là cái vụ tại sao người ta phải bắt, phải giữ cái bản thảo Về Kinh Bắc trong khi nó định chuyển ra nước ngoài.
Trong bối cảnh đó, cái nền an ninh của đất nước trong những năm đầu 1980 nó đang phức tạp như thế. Theo tôi có lẽ nguyên nhân cái việc bắt đấy không phải là nội dung của cuốn Về Kinh Bắc. Mà là hiện tượng ngăn việc chuyển một cái bản thảo, mà trước đấy không được xuất bản ra nước ngoài. Và xuất bản ở nước ngoài nó là không có lợi ở trong nước.
Còn trong công tác cán bộ thì mỗi người có nhận thức khác nhau, cho nên sau này đến lúc đổi mới tôi được trực tiếp làm với các bác đó thì tôi cũng thấy là đồng thời với việc giải quyết chế độ chính sách cho những cá nhân tham gia vụ Nhân văn Giai phẩm thì có việc là trả lại giá trị cho những tác phẩm chưa được xuất bản.
Tôi đã chú ý ngay đến Về Kinh Bắc và quãng năm 1989 theo đề nghị của ông Hoàng Cầm tôi đã làm việc với nhà xuất bản Tác phẩm mới, do ông Vũ Tú Nam làm Giám đốc và nhà thơ Xuân Quỳnh là người biên tập.
Chúng tôi cũng định đồng ý cho xuất bản Về Kinh Bắc từ 1989. Nhưng nội bộ nó cũng có những phức tạp, đặc biệt là ở công an địa phương. Người ta kiến nghị là chưa nên xuất bản những tác phẩm như thế, người ta cũng làm căng thẳng… Thế và 1994 thì Về Kinh Bắc đã được ra đời.
Nhà thơ Hoàng Hưng: Sở dĩ có vụ án Về Kinh Bắc thì nó cũng phải xuất phát từ nội dung tập thơ này. Nội dung tập thơ này nó toát lên nỗi buồn, thân phận, có hờn trách gì đó, có cái bất mãn, có sự đổ vỡ về niềm tin. Thì cái đó chính là lý do xuất phát vụ án Về Kinh Bắc.
Trước đó tập thơ này đã lưu truyền cả tới 20 năm rồi. Nhưng mà cái hờn trách cái bất mãn nó chỉ thông qua mối tình chị em. Tiêu biểu nhất là bài Lá Diêu Bông, nói về một người chị hứa với cậu con trai lẽo đẽo theo mình là nếu tìm được Lá Diêu Bông thì lấy làm chồng.
Nhưng thực ra không có cái lá ấy trên đời. Nên cậu trai tin vào lời hứa đó thì cả đời cứ mải mê tìm nhưng làm gì có. Nên cái nỗi thất vọng của người trai này cảm thấy như mình bị lừa.
Từ cái sự thất vọng hờn trách như thế, thì sự suy diễn về chính trị rất dễ xảy ra. Cái sự suy diễn này nó cả về phía tuyên huấn hoặc công an. Nhưng cũng cả phía những nhà ở hải ngoại như anh Toại nhắc đến như ông Võ Văn Ái.
Nhưng chính ông Phạm Duy phổ nhạc bài Cây Tam Cúc, Lá Diêu Bông, Quả Vườn Ổi cũng suy diễn như thế. Suy diễn đây là cái lời oán trách đảng, coi như là đảng đưa ra một cái bánh vẽ, tức là chủ nghĩa xã hội.
Nói trắng ra là như vậy, là không có thật để cho nhân dân cứ thế đi tìm mãi. Có thấy đâu, làm gì có cái chủ nghĩa xã hội. Đây chính là lý do đầu tiên dẫn đến vụ án này.
BBC
Bên kia sông Đuống
Em ơi! Buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay
*
Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa trăm ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu?
Ai về bên kia sông Đuống
Cho ta gửi tấm the đen
Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên
Những hội hè đình đám
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp
Giữa huyện Lang Tài
Gửi về may áo cho ai
Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu?
Những nàng môi cắn chỉ quết trầu
Những cụ già phơ phơ tóc trắng
Những em sột soạt quần nâu
Bây giờ đi đâu, về đâu?
Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu toả nắng
Chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen
Bãi Trầm Chỉ người giăng tơ nghẽn lối
Những nàng dệt sợi
Đi bán lụa mầu
Những người thợ nhuộm
Đồng Tỉnh, Huê Cầu
Bây giờ đi đâu, về đâu?
*
Bên kia sông Đuống
Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong
Dăm miếng cau khô
Mấy lọ phẩm hồng
Vài thếp giấy đầm hoen sương sớm
Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn
Khua giầy đinh đạp gẫy quán gầy teo
Xì xồ cướp bóc
Tan phiên chợ nghèo
Lá đa lác đác trước lều
Vài ba vết máu loang chiều mùa đông
Chưa bán được một đồng
Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong
Bước cao thấp trên bờ tre hun hút
Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu?
Mẹ ta lòng đói dạ sầu
Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ
Bên kia sông Đuống
Ta có đàn con thơ
Ngày tranh nhau một bát cháo ngô
Đêm líu ríu chui gầm giường tránh đạn
Lấy mẹt quây tròn
Tưởng làm tổ ấm
Trong giấc thơ ngây tiếng súng dồn tựa sấm
Ú ớ cơn mê
Thon thót giật mình
Bóng giặc dày vò những nét môi xinh
*
Đã có đất này chép tội
Chúng ta không biết nguôi hờn
Đêm buông xuống dòng sông Đuống
Con là ai? – Con ở đâu về?
Hé một cánh liếp
– Con vào đây bốn phía tường che
Lửa đèn leo lét soi tình mẹ
Khuôn mặt bừng lên như dựng giăng
Ngậm ngùi tóc trắng đang thầm kể
Những chuyện muôn đời khôn nói năng
Đêm buông sâu xuống dòng sông Đuống
Ta mài lưỡi cuốc
Ta uốn lưỡi liềm
Ta vót gậy nhọn
Ta rũa mác dài
Ta xây thành kháng chiến ngày mai
Lao xao hàng cây bụi chuối
Im lìm miếu đổ chùa hoang
Chập chờn đom đóm bay ngang
Báo tin khủng khiếp
Cho giặc kinh hoàng
Từng từng tiếng súng vang vang
Trong đêm khuya thoảng cung đàn tự do
Thuyền ai thấp thoáng bến Hồ
Xoá cho ta hết những giờ thảm thương
Đêm đi sâu quá lòng sông Đuống
Bộ đội bên sông đã trở về
Con bắt đầu xuất kích
Trại giặc bắt đầu run trong sương
Dao loé giữa chợ
Gậy lùa cuối thôn
Lúa chín vàng hoe giặc mất hồn
Ăn không ngon
Ngủ không yên
Đứng không vững
Chúng mày phát điên
Quay cuồng như xéo lên đống lửa
Mà cánh đồng ta càng chan chứa
Bao nhiêu nắng đẹp mùa xuân
Gió đưa tiếng hát về gần
Thợ cấy đánh giặc, dân quân cày bừa
Tiếng bà ru cháu xế trưa
Chang chang nắng hạ võng đưa rầu rầu
“À ơi… cha con chết trận từ lâu
Con càng khôn lớn càng sâu mối thù”
Tiếng em cắt cỏ trại tù
Căm căm gió rét mịt mù mưa bay
“Thân ta hoen ố vì mày
Hờn ta cùng với đất này dài lâu…”
*
Em ơi, đừng hát nữa lòng anh đau
Mẹ ơi, đừng khóc nữa dạ con sầu
Cánh đồng im phăng phắc
Để con đi giết giặc
Lấy máu nó rửa thù này
Lấy súng nó cầm trong tay
Mỗi đêm một lần mở hội
Trong lòng con chim múa hoa cười
Vì nắng sắp lên rồi
Chân trời đã tỏ
Sông Đuống cuồn cuộn trôi
Để nó cuốn phăng ra bể
Bao nhiêu đồn giặc tơi bời
Bao nhiêu nước mắt
Bao nhiêu mồ hôi
Bao nhiêu bóng tối
Bao nhiêu nỗi đời
Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trẩy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.
Việt Bắc, tháng 4-1948
Bài thơ này được sử dụng trong chương trình SGK Văn học 12 giai đoạn 1990-2006.
Nguồn: Bên kia sông Đuống, NXB Văn hoá, 1983