Mục lục
Phi Luật Tân triệu tập Đại sứ Trung cộng về việc tàu do thám “xâm nhập bất hợp pháp”
Lực lượng Hải cảnh Phi Luật Tân tiến gần các tàu dân quân biển giả tàu cá của Trung cộng. Reuters
Phi Luật Tân hôm 14/3 đã triệu tập đại sứ Trung cộng, yêu cầu giải thích việc tàu do thám của nước này xâm nhập bất hợp pháp và hiện diện kéo dài tại vùng biển nằm gần đảo Palawan và Apo của Phi Luật Tân hồi cuối tháng Một.
Benar News loan tin ngày 14/3 dẫn nguồn từ Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân về biện pháp vừa nêu.
Cụ thể, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân Maria Theresa Lazaro đã triệu tập Đại sứ Trung cộng Hoàng Khê Liên (Huang Xilian), yêu cầu Trung cộng “tôn trọng lãnh thổ và quyền tài phán trên biển của Phi Luật Tân, tuân thủ các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế”.
Mặt khác, Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân nói trong tuyên bố rằng tàu do thám của Hải quân Trung cộng đã tiến vào vùng biển Phi Luật Tân bất hợp pháp và ở đó từ ngày 29/1 đến 1/2.
Tin nói tàu do thám của hải quân Trung cộng được phát hiện ngoài khơi quần đảo Cuyo, gần đảo Palawan và đảo Apo.
Hải quân Phi Luật Tân nhiều lần kêu gọi tàu Trung cộng rời khỏi vùng biển, nhưng phía Trung cộng đã phớt lờ, nói rằng đang thực hiện “quyền đi qua không gây hại”.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân cho biết sự hiện diện của tàu Trung cộng “không phản ánh hoạt động đi lại vô hại và xâm phạm chủ quyền của Phi Luật Tân”.
Hiện Đại sứ quán Trung cộng tại Manila vẫn chưa lên tiếng về vấn đề trên. Lần gần nhất Phi Luật Tân triệu tập đại sứ Trung cộng là vào tháng 4/2021.
Được biết hồi tháng 1/2022, Ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị nói Bắc Kinh sẽ không sử dụng sức mạnh của mình để “bắt nạt” các nước láng giềng.
Tuy vậy, trên thực tế không chỉ Phi Luật Tân mà các nước khác trong đó có Hoa Kỳ đều đã nhiều lần lên tiếng cáo buộc, chỉ trích Trung cộng có hành vi gây hấn khi triển khai hàng trăm tàu cá và tàu tuần duyên trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng.
RFA, 15.03.2022
Đâu cũng là ao nhà của Trung cộng
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng Triệu Lập Kiên hôm 8/3 nói với báo giới rằng việc Trung cộng cho tập trận 12 ngày trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là ngay trước cửa nhà mình và hoàn toàn hợp pháp.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối việc Trung cộng cho tập trận từ 6 giờ chiều ngày 4/3 đến 6 giờ chiều ngày 15 tháng ba trên vùng biển ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Khu vực tập trận chỉ cách TP Huế của Việt Nam chỉ khoảng 110 km, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trung cộng đòi chủ quyền đến gần 90% diện tích Biển Đông với đường đứt khúc chín đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển, lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của một số nước láng giềng. Đòi hòi này của Trung cộng đã bị quốc tế lên án và bị Toà Trọng tài quốc tế bác bỏ tính hợp lệ trong một phán quyết năm 2016 nhưng Trung cộng không chấp nhận.
Đất Việt, 16.03.2022
Cựu thứ trưởng Nguyễn Đình Bin đề nghị xây tượng nghĩa sĩ Hoàng Sa
Khu tưởng niệm Hoàng Sa trong tình trạng dang dở đến ngày nay
Một cựu thứ trưởng Ngoại giao CSVN vừa nêu đề nghị với chính quyền về việc ghi công và xây tượng đài binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu chống quân Trung cộng đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa hồi tháng 1/1974.
Ông Nguyễn Đình Bin, 78 tuổi, cựu Thứ trưởng Ngoại giao CSVN, viết hôm 15/3 trên Facebook cá nhân có đông người theo dõi rằng ông “thiết tha kiến nghị” Đảng Cộng sản cầm quyền và nhà nước “truy phong liệt sĩ và khen thưởng xứng đáng” các quân nhân và viên chức của Việt Nam Cộng Hòa “đã hy sinh để bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc” trong trận hải chiến ngày 19/1/1974.
Ông Nguyễn Đình Bin, 78 tuổi, cựu Thứ trưởng Ngoại giao CSVN. Courtesy of Bao Quoc Te
Khi đó, Trung cộng điều nhiều tàu tiến hành cưỡng chiếm những đảo thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam Cộng Hòa ở quần đảo Hoàng Sa. Hải quân VNCH đã chống trả nhưng không giữ được. Trong trận hải chiến này, 74 quân nhân VNCH tử trận. Trung cộng kiểm soát Hoàng Sa từ đó đến nay.
Gọi những quân nhân VNCH đã hy sinh khi cố gắng bảo vệ Hoàng Sa là “những người con đích thực của Dân tộc Việt Nam”, cựu Thứ trưởng Bin đề nghị Hà Nội áp dụng chính sách về người có công hiện hành đối với họ và thân nhân, cũng như với “tất cả sĩ quan, binh lính, viên chức khác của chính quyền VNCH và đồng bào miền Nam đã có công tham gia phục vụ cuộc chiến đấu lịch sử này”.
Vị thứ trưởng đã nghỉ hưu năm 2008 cũng kiến nghị chính quyền cấp quốc gia “xây dựng Tượng đài xứng đáng về sự kiện lịch sử này tại thành phố Đà Nẵng”.
“Làm việc này còn để khẳng định dứt khoát chủ quyền không thể tranh cãi của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa, rất cần thiết trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc hiện nay”, ông Bin nhấn mạnh.
Đề nghị của cựu Thứ trưởng Bin được đưa ra một ngày sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu tiên thăm và làm lễ tưởng niệm 64 quân nhân Việt Nam hy sinh khi chống Trung cộng đánh chiếm đá Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa hồi ngày 14/3/1988. Việt Nam mất Gạc Ma trong trận này.
Đến nay, Thành ủy TP.HCM vẫn chưa chịu trả lại chiếc lư hương dưới chân tượng Trần Hưng Đạo ở quận 1, do đây là nơi tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa của giới xã hội dân sự hàng năm. Courtesy of Zing
“Chấm dứt chính sách phân biệt đối xử với thương phế binh VNCH”
Lưu ý đến bối cảnh “nhà cầm quyền độc tài Nga đang tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược trắng trợn chống lại nước láng giềng anh em Ukraina” và “Trung cộng […] càng ra sức diễu võ, dương oai, tiếp tục xúc tiến tham vọng độc chiếm Biển Đông”, vị cựu thứ trưởng ngoại giao cho rằng Đảng Cộng sản và nhà nước “phải đổi mới tư duy, có những hành động quyết liệt, thể hiện quan điểm rõ ràng, bản lĩnh cần thiết” nhân kỷ niệm hai cuộc hải chiến Hoàng Sa và Gạc Ma.
Ông Bin cũng chỉ ra rằng Tượng đài Tưởng niệm Liệt sỹ Gạc ma, đã được khánh thành năm 2017 ở Khánh Hòa; và Khu Tưởng niệm Nghĩa sỹ Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn, bị bỏ dở từ 2016 đến nay; đều là công trình “hoàn toàn của dân, do dân”.
Từ đó, ông kiến nghị nhà nước “xây dựng Tượng đài xứng đáng tưởng niệm các Liệt sỹ Gạc Ma và các người con đã anh dũng hy sinh bảo vệ quần đảo Trường Sa tại thành phố Nha Trang”, ngoài ra, cũng cần xây dựng các tượng đài xứng đáng “đặt tại Thủ đô Hà Nội, Huế và Sài Gòn” để tưởng niệm “tất cả đồng bào ta, dù ở bên này hay bên kia, đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh đã diễn ra trên đất nước ta hơn một thế kỷ qua”.
Nhìn rộng hơn, vị cựu Thứ trưởng Ngoại giao, người cũng từng kiêm chức Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, đề nghị đảng và nhà nước “chấm dứt chính sách phân biệt đối xử, thực hiện chính sách xã hội hiện hành đối với cả các thương phế binh, viên chức cũ của chính quyền VNCH và thân nhân”.
Dưới góc nhìn của ông Bin, khi thực hiện các kiến nghị nêu trên, việc làm đó “sẽ lay động mọi trái tim Việt, khơi dậy và thổi bùng nhiệt huyết yêu nước, tình nghĩa đồng bào, góp phần hòa giải, hòa hợp, hàn gắn vết thương dân tộc”.
Ông nhận định rằng nếu làm được như vậy, người Việt ở trong cũng như ngoài nước sẽ thành một khối, đồng lòng sát cánh, đưa Việt Nam phát triển mạnh và bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời của quốc gia.
“Chỉ khi nào toàn dân với Đảng và Nhà nước trở thành một khối ý chí thống nhất thì mới thành công thật sự trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ông kết luận trong bản kiến nghị của mình.”
(Theo VOA Việt ngữ)
Phi Luật Tân tố tàu hải quân Trung cộng xâm phạm lãnh hải
Tàu đổ bộ lớp Ngọc Chiêu của Trung cộng. Courtesy of AFP
Phi Luật Tân vừa lên tiếng tố cáo một tàu Hải quân Trung cộng ngang nhiên đi vào vùng biển Phi Luật Tân mà không được phép hồi đầu năm nay, có khả năng mở rộng tranh chấp lãnh thổ ra ngoài Biển Đông.
Con tàu được ghi nhận đi lại trong biển Sulu, biển lớn ở phía Tây Nam Phi Luật Tân, trong ba ngày từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2/2022 mặc dù bị tàu Hải quân Phi Luật Tân thách thức, Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân cho biết hôm 14/3.
Chiếc tàu Trung cộng đã đến vùng biển thuộc quần đảo Palawan’s Cuyo và đảo Apo ở Mindoro phía Nam Manila.
Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân cho biết động thái của tàu Trung cộng “vi phạm chủ quyền của Phi Luật Tân”. Thứ trưởng Ngoại giao Phi Luật Tân Theresa Lazaro yêu cầu Đại sứ Trung cộng Hoàng Khê Liên “tuân theo luật pháp quốc tế và ngăn chặn các tàu của Bắc Kinh đi vào vùng biển mà họ không được Phi Luật Tân chào đón”.
Đại sứ quán Trung cộng tại Manila không đưa ra bình luận về vụ việc.
Phi Luật Tân là nước có tranh chấp với Trung cộng về các phần của Biển Đông, với việc Manila liên tục phản đối sự hiện diện của Bắc Kinh tại khu vực này.
(Theo Bloomberg) 14.03.2022
Trường Sa có thể thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của Việt Nam?
Quân nhân Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. AFP PHOTO
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam vừa yêu cầu xây dựng Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa , xã hội trên biển. Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra yêu cầu vừa nêu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa hôm 13/3/2022.
Cụ thể, ông Chính yêu cầu tỉnh Khánh Hòa phối hợp với các bộ, ngành tập trung nhiều hơn nữa cho công tác quy hoạch, trong đó có quy hoạch xây dựng huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước và là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng, khi trả lời RFA hôm 14/3, cho biết ý kiến của mình về yêu cầu này:
“Hiện nay ở quần đảo Trường Sa dân cư rất thưa thớt, nhưng nó cũng hình thành nét văn hóa riêng, cũng có chùa, trường học, chợ… Như đảo Trường Sa lớn cũng có cảng cá, kho lạnh, cung cấp dầu… để cung cấp cho nghề cá ở đó… Nhưng nếu nói đó là trung tâm văn hóa kỹ thuật như trong đất liền thì nó không thể. Ngay cả việc hình thành một khu dân cư cũng không đầy đủ để hình thành. Thành ra nói như thông tin gần đây thì khó. Tuy nhiên nếu nói thêm khối ngư dân đánh bắt gần đó, thì việc có một cụm có những cơ sở kinh tế như vậy, hoặc tốt hơn nữa như cảng sửa chữa, thêm kho lạnh… thì tốt hơn.”
Theo ông Trần Văn Lĩnh, nếu một thị tứ như vậy phát triển thì ngư dân sẽ vào và thời gian ở lại bến sẽ lâu hơn… Nhưng ông Lĩnh cho rằng việc thực hiện sẽ khó khăn vì nhiều yếu tố khác:
“Nói chung theo như Thủ tướng nói thì chỉ là định hướng thôi, chứ còn phát triển như thế nào nó còn tùy thuộc mật độ dân cư ngay trên khu vực Trường Sa và ngư dân đang đánh cá khu vực đó có muốn vào hay không?”
Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam năm 2009 của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2009, dân số toàn huyện Trường Sa là 195 người, trong đó khu vực thị trấn Trường Sa là 82 người.
Đến năm 2013, theo truyền thông Nhà nước, Việt Nam đã chuyển thêm gần 100 người ra sinh sống và làm việc tại huyện đảo Trường Sa… Một động thái được cho nhằm khẳng định chủ quyền.
Tuy nhiên theo Ban chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở trung ương về dân số tỉnh Khánh Hòa đến 01 tháng 4 năm 2019…, dân số toàn huyện Trường Sa chỉ còn 93 người, trong đó khu vực thị trấn Trường Sa là 30 người.
Ông Lĩnh cho rằng, muốn tăng mật độ dân cư trên quần đảo Trường Sa và tăng mật độ ngư dân đánh bắt ở khu vực đó thì quan trọng nhất là Chính phủ phải đảm bảo được an ninh:
“Để thu hút dân cư vào đó thì phải có chính sách làm sao an ninh vùng biển đó phải được bảo đảm tương đối tốt để ngư dân yên tâm không bị xua đuổi, cướp bóc, tấn công… Thứ hai là hạ tầng phải tốt như cảng phải đủ lớn để tránh bão an toàn. Thứ ba phải có tiện nghi cần thiết như nước ngọt, dầu, y tế, phục vụ hậu cần tiếp vận… Thứ tư là phải có kho lạnh và vận chuyển hải sản vào bờ, như vậy ngư dân mới không phải quay về đất liền… Có như vậy thì dần dần mới hình thành cụm dân cư được.”
Lính hải quân Việt Nam trồng rau xanh trên đảo Đá Lát thuộc Trường Sa năm 2013. Reuters
Khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là vùng ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Những năm gần đây, tàu Trung cộng đã nhiều lần tấn công, bắt giữ, thậm chí đòi tiền chuộc đối với ngư dân Việt Nam.
Các nước hiện đòi chủ quyền từng phần hay toàn bộ đối với quần đảo này bao gồm Việt Nam, Trung cộng, Phi Luật Tân, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Quần đảo Trường Sa cách thành phố Cam Ranh 248 hải lý và cách thành phố Vũng Tàu 305 hải lý… là một tập hợp hơn một trăm đảo nhỏ, bãi đá ngầm… bao bọc một vùng biển rộng khoảng 198.964 km². Ba đảo có diện tích đứng đầu Trường Sa theo thứ tự giảm dần, là đảo Ba Bình khoảng 0,4896 km², đảo Thị Tứ khoảng 0,372 km² và đảo Bến Lạc khoảng 0,186 km².
Một người dân miền Trung (giấu tên vì lý do an ninh) từng có cơ hội theo tàu cá đến quần đảo Trường Sa cho biết hạ tầng hiện nay ở đó rất thiếu thốn:
“Điện thiếu thốn lắm… nước thì dùng nước mưa… có mưa thì có nước… không có mưa thì không có nước…”
Những ngày qua, báo chí Nhà nước Việt Nam dồn dập đăng tải thông tin về các hoạt động của giới lãnh đạo Việt Nam liên quan việc tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trong các trận chiến bảo vệ chủ quyền trước Trung cộng xâm lược. Điều này được cho là khác hẳn mọi năm.
Trong khi hàng năm, báo chí Trung cộng vẫn nhắc lại việc này như một chiến thắng, còn phía Việt Nam thì im lặng, đến những năm gần đây mới dè dặt đề cập đến. Vì sao báo chí thời điểm này lại tuyên truyền nhiều về hoạt động của các lãnh đạo cấp cao liên quan Trường Sa và các cuộc chiến chống Trung cộng?
Nhà báo Võ Văn Tạo khi trả lời RFA vào ngày 14/3 cho rằng năm nay trong quan hệ Việt Nam – Trung cộng có hiện tượng đặc biệt, không chỉ Thủ tướng Phạm Minh Chính đến khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Khánh Hòa… mà trước đó ông Chính và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đi thăm hai nghĩa trang liệt sĩ ở hai tỉnh biên giới là Quảng Ninh và Hà Giang là nơi yên nghỉ của các liệt sĩ Việt Nam hy sinh khi chiến đầu chống Trung cộng xâm lăng năm 1979. Theo nhà báo Võ Văn Tạo, đó là những dấu hiệu lạ. Liên quan việc báo chí Nhà nước loan tin rầm rộ về việc này, ông Tạo nhận định:
“Thật ra trước đây một vài năm, hoạt động đó không rầm rộ lắm, riêng năm nay có vẻ rầm rộ hơn… Theo tôi, càng về sau này, ban lãnh đạo chóp bu của Đảng CSVN càng nhận thức rõ con đường mình cần phải đi, để làm sao cho phù hợp với lòng dân, và cũng phù hợp xu thế của thời đại…”
Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng, trước đây Đảng CSVN đã chọn con đường sai lầm trong quan hệ với Trung cộng:
“Sau bao nhiêu năm, theo tôi Việt Nam đã có quyết định rất sai lầm, khi vào cuối thập niên 80 đầu 90, ban lãnh đạo Đảng CSVN đã phạm một sai lầm… mà sau này có rất nhiều người, ngay cả cán bộ cấp cao của Đảng cũng thấy đó là sai lầm… Đó là đang từ chỗ coi Trung cộng là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất thì lại kết thân với Trung cộng xin hòa giải. Sau Hội nghị Thành Đô đó thì hai bên có bàn bạc nhiều vấn đề, trong đó có việc khá quan trọng là hai bên không nhắc lại những chuyện xích mích, tranh chấp, cũng như là chiến tranh xung đột giữa hai bên… để mà giữ hòa khí và cùng mục tiêu bảo vệ Chủ nghĩa Xã hội trên phạm vi toàn thế giới.”
Theo Nhà báo Võ Văn Tạo, đó là lý do suốt thời gian dài chuyện Việt Nam – Trung cộng đụng độ trên biển lẫn trên bộ… đều bị ém nhẹm trên báo chí Việt Nam.
RFA, 14.03.2022
Việt Nam lên án Đài Loan tập trận ở Trường Sa là vi phạm chủ quyền
biển Đài Loan có thể sắp xảy ra nếu Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung cộng chiếm được một trong những hòn đảo nhỏ này để buộc Đài Loan tự trị đến bàn đàm phán trước mục tiêu thống nhất của Trung cộng.
Các cuộc tập trận của Đài Loan dự kiến diễn ra từ 16 đến 17 và một đợt nữa từ 26 đến 31 tháng này. Theo SCMP, các cuộc tập trận này diễn ra vào buổi sáng và ban đêm, mô phỏng các kịch bản chiến đấu cơ và tàu đổ bộ tấn công.
Bà Hằng hôm 11/3 nói rằng việc Đài Loan tiếp tục tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa “đe doạ hoà bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.”
Nhắc lại những gì thường nói trước đây trong các tuyên bố liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông, nhất là khi phản đối Trung cộng, bà Hằng nói rằng Việt Nam “có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.”
Theo Lao Động, người phát ngôn BNG Việt Nam yêu cầu Đài Loan “huỷ bỏ hoạt động diễn tập” bị cho là “trái phép” và thúc giục nước này “không tái diễn trong tương lai.”
VOA, 15.03.2022
Biển Đông : Việt Nam cấm chiếu phim Uncharted vì bản đồ “đường lưỡi bò”
Phim Uncharted bị cấm chiếu ở Việt Nam © Poster officiel du film
Theo báo chí Việt Nam, bộ phim Uncharted – tựa tiếng Việt là Thợ Săn Cổ Vật” – chuyển thể từ trò chơi điện tử của tác giả Ruben Fleischer, trong đó có hình tấm bản đồ “Đường Lưỡi Bò” mà Trung cộng dùng để yêu sách chủ quyền trên Biển Đông đã bị chính quyền Việt Nam cấm chiếu.
Bộ phim của Hollywood với sự tham gia của các diễn viên Tom Holland, Mark Wahlberg và Antonio Banderas, dự kiến ra mắt tại Việt Nam vào ngày 18/03. Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam Vi Kiến Thành, “Trong quá trình kiểm tra phim, Hội đồng thẩm định và phân loại quốc gia đã phát hiện ra hình ảnh đường chín đoạn xuất hiện trong phim”, và do đó “bộ phim này sẽ bị cấm chiếu”.
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, trên trang Facebook chính thức của phim, cư dân mạng Việt Nam đã để lại những bình luận chỉ trích về tấm bản đồ, chẳng hạn như đăng khẩu hiệu: “Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam!”.
Đây không phải là lần đầu tiên mà một bộ phim có bản đồ đường lưỡi bò bị kiểm duyệt tại Việt Nam. Trong bộ phim hài lãng mạn Crazy Rich Asians của Mỹ năm 2018, một cảnh quay đã bị cắt, vì nó cho thấy một chiếc túi hàng hiệu có bản đồ với các hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông thuộc quyền kiểm soát của Bắc Kinh.
Một năm sau đó, Hà Nội đã rút bộ phim hoạt hình Abominable của DreamWorks ra khỏi rạp chiếu vì lý do tương tự. Vào năm ngoái, đến lượt hãng Netflix đã phải xóa các tập của bộ phim nhiều tập Pine Gap vì những cảnh tương tự.
RFI, 13.03.2022