Lê Học Lãnh Vân
Những năm sau năm 1975, khi Việt Nam trở lại hoà bình và thống nhất, đọc bài phát biểu của các nhân vật số một, số hai Việt Nam đương thời tại các buổi gặp gỡ quốc tế, người ta dễ gặp các bài phát biểu đối với lãnh tụ Liên Xô, Trung Cộng được mở đầu bằng:
Kính thưa đồng chí … KÍNH MẾN, …
Đối với các quốc gia khác, nhỏ hơn về quy mô dân số, quân sự, kinh tế, thì phát biểu được mở đầu bằng:
Kính thưa đồng chí … THÂN MẾN, …
Hai chữ KÍNH MẾN và THÂN MẾN đó cho sự cảm nhận rằng lời lẽ ứng xử của các vị đứng đầu nước Việt Nam thời đó có khác nhau đối với các nước khác nhau theo tiêu chuẩn lớn nhỏ. Sự kính trọng được thể hiện với các nước lớn và không được thể hiện với các nước nhỏ. Điều đó có thể chăng là một biểu hiện của chủ nghĩa nước lớn nước nhỏ trong lòng khối cộng sản.
Về sau, lời lẽ ứng xử phân biệt nước lớn nước lớn nhỏ như vậy không còn nữa, nhưng tâm thức phân biệt được cảm nhận đó đã bị xoá nhoà chưa? Mối quan hệ bốn tốt, mười sáu chữ vàng có cho thấy tâm thức đó ngự trị trong các bên liên quan không?
Chủ nghĩa nước lớn nước nhỏ là một cây dằm rất khó chịu với những người được đào tạo từ môi trường Dân chủ, chủ nghĩa đó xâm phạm quan niệm bình đẳng giữa các quốc gia! Quan niệm bình đẳng giữa các quốc gia kéo theo những ứng xử khác giúp cho thế giới hoà bình, cộng tác, cùng chia nhau sự thịnh vượng… Quan niệm nước lớn nước nhỏ thì đem tới những hệ quả trái ngược vì nó khiến một quốc gia chìu luỵ quốc gia lớn, mạnh hơn, chấp nhận vai trò đàn em chư hầu, đánh mất lòng tự hào và tinh thần tự cường dân tộc. Quốc gia đó cũng sẵn sàng bắt nạt, tấn công quốc gia nhỏ hơn, yếu hơn…
Cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine hôm nay cho thấy não trạng nước lớn nước nhỏ vẫn còn tồn tại và nguy hiểm cho thế giới tới chừng nào. Não trạng này không chỉ bộc lộ qua cách phát động cuộc chiến, nó đã bộc lộ từ nhiều năm trước đó, bộc lộ qua thái độ hung hăng, bất chấp lý lẽ, luật pháp và thông lệ quốc tế của ông Putin, bộc lộ qua các đòi hỏi quá vô lý của Sa hoàng hiện đại nếu muốn ông ta rút quân xâm lược! Những đòi hỏi chỉ biết quyền lợi của nước lớn bất chấp quyền lợi nước nhỏ, bất chấp cả lẽ phải đương nhiên, thông thường!
Một trong các hậu quả của não trạng này là nước lớn sẵn sàng thí bỏ hàng ngàn, hàng vạn, hàng trăm vạn tính mạng con người của nước nhỏ lẫn của chính nước lớn để thoả mãn tham vọng nước lớn, thể diện nước lớn! Mà tham vọng và thể diện đó thực chất chỉ là tham vọng và thể diện của một hay một vài cá nhân! Trước sau gì chủ nghĩa nước lớn cũng là nguồn tai hoạ cho chính quốc gia chịu ảnh hưởng chủ nghĩa đó. Có phải chủ nghĩa nước lớn liên hệ chặt chẽ với thể chế độc tài, chuyên chính?
Việc phương Tây chấp nhận các thiệt thòi về kinh tế, đoàn kết ủng hộ Ukraine và cấm vận Nga, cho thấy phương Tây quyết liệt bảo về các giá trị cốt lõi phổ quát của nhân loại, trong đó có giá trị bình đẳng giữa các quốc gia. Điều này, cùng với tinh thần chống xâm lược rất cao của người dân Ukraine, càng cho thấy viễn cảnh thất bại của chính sách nước lớn của ông Putin. Không ít bài báo nghĩ rằng sự thất bại này mở ra một thời kỳ chấn hưng các giá trị Dân chủ Tự do, kềm chế quan niệm nước lớn.
Trong lịch sử tồn tại quốc gia, Việt Nam luôn phải đương đầu với chủ nghĩa nước lớn xuất phát từ Trung Quốc. Do đó, phải chăng một yêu cầu quan trọng của nước Việt Nam hiện nay là thông qua lộ trình khéo léo mà xiển dương trong dân chúng tinh thần bình đẳng giữa các quốc gia? Điều này tự nhiên song hành với việc xây dựng tinh thần tự cường dân tộc để phát triển đất nước làm nền tảng lâu bền cho tổ quốc. Nắm chắc hai tinh thần này, Việt Nam sẽ vững vàng trước bất kỳ thế lực nước lớn nào, vượt quan tất cả mọi lời nguyền địa lý!
Bài viết này tin rằng môi trường quốc tế hậu chiến Nga-Ukraine sẽ thuận lợi hơn cho Việt Nam dấn bước theo con đường đó!
Ngày 13 tháng 3 năm 2022
Văn Việt