Seite auswählen

Oanh Meyer, một giáo sư gốc Việt tại đại học UC Davis, California, vừa được tài trợ $7.2 triệu để nghiên cứu ảnh hưởng của cuộc chiến Việt Nam đối với tâm thần của một số người trong cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ, dựa theo kinh nghiệm của chính gia đình bà.

Tiến Sĩ Oanh Meyer (phải) và mẹ, cụ bà Anh Lê. (Hình: Oanh Meyer cung cấp)

Bà Oanh Meyer, hiện là giáo sư tại Khoa Thần Kinh Học, đại học UC Davis, dự trù sẽ thực hiện đề tài này qua các nghiên cứu tại những nơi có đông người Việt sinh sống tại Mỹ.

Từ kinh nghiệm cuộc đời mình

Trong hồi ức từ thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành theo đuổi ngành tâm lý học, rồi trở thành giáo sư đại học, bà Oanh Meyer luôn phải sống trong những ám ảnh chiến tranh từ những câu chuyện kể mãi không có hồi kết của mẹ.

Phải đến khi tận mắt chứng kiến những gì mẹ mình trải qua, Giáo Sư Oanh Meyer mới chú ý vấn đề kỹ hơn.

Mẹ của vị giáo sư gốc Việt là cụ bà Anh Lê, một người Việt tị nạn đến Mỹ năm 1975. Sau khi bước qua tuổi 76, bất kể ngày đêm, bà cụ thường hoảng sợ, kéo kín rèm, rồi núp sau cánh cửa khóa chặt như đang trốn dưới hầm vì sợ bị bom rơi đạn trúng.

Phải đến khi bà Oanh Meyer liên tục ôm mẹ vào lòng và giải thích: “Đây là con rể, kia là họ hàng đến thăm, chứ không phải Việt Cộng đang trà trộn vào bắt giết gia đình mình,…”

Phải trải qua nhiều lần nhìn thấy mẹ hoảng loạn như vậy, Tiến Sĩ Oanh Meyer mới nhận ra, chính người mẹ ruột của mình, chứ không phải ai khác, đang có những hoang tưởng và sa sút trí tuệ từ những chấn thương sâu nặng có thể do chiến tranh gây ra.

Không lâu sau đó, theo lời kể của tiến sĩ, đến dì, rồi cậu của bà đều có những biểu hiện tương tự giống mẹ.

Bà biết, đã đến lúc mình phải thực hiện nghiên cứu về những tổn thương tâm lý khủng khiếp do chiến tranh để lại đối với người Việt xung quanh mình, trong cộng đồng mình, rồi lan ra xa hơn, là người Việt tị nạn trên đất Mỹ.

Làm sao họ có thể sống với những kinh nghiệm đau đớn này trong một thời gian dài. Càng “đi sâu,” Tiến Sĩ Oanh Meyer càng tìm thấy có sự liên quan rất rõ giữa tổn thương chiến tranh và rối loạn tâm lý đến chứng sa sút trí tuệ đối với người cao tuổi.

“Vốn liếng” nghiên cứu khoa học đầy đặn

Cho tới nay, Tiến Sĩ Oanh Meyer đã thực hiện hơn 10 công trình khoa học khác nhau về chấn thương tâm lý đăng trên các tạp chí chuyên ngành tại Hoa Kỳ trong giai đoạn từ 2011- 2015.

Năm 2021 đánh dấu bước đột phá trong sự nghiệp nghiên cứu tâm lý của Tiến Sĩ Oanh Meyer. Khi phải đến lần thứ ba, và với sự cạnh tranh vô cùng gắt gao, dự án của bà mới được Viện Nghiên Cứu Quốc Gia Về Sức Khỏe Người Cao Niên (NIA) chuẩn thuận và cấp kinh phí “khổng lồ” lên đến $7.2 triệu cho một công trình kéo dài trong năm năm.

Đây là dự án nghiên cứu quy mô nhất từ trước đến nay trong cộng đồng người Việt, rơi vào thời điểm vô cùng quan trọng bởi vì những người rời khỏi Sài Gòn vào thập niên 1970 đến Mỹ tị nạn đều đã cao tuổi và bắt đầu có biểu hiện sa sút trí tuệ rõ rệt từ những chấn thương trầm trọng trong quá khứ.

Giáo Sư Oanh Meyer (trái) cùng mẹ, cụ bà Anh Lê (giữa), và em gái song sinh, Mai-Le Diloy. (Hình: Oanh Meyer cung cấp)

Bên cạnh đó, dù nghiên cứu của Tiến Sĩ Oanh Meyer tập trung vào cộng đồng người Việt tị nạn, nhưng kết quả từ công trình này sẽ có nhiều đóng góp quan trọng trong bối cảnh nước Mỹ vừa nhận 75,000 người tị nạn Afghanistan, hay có thể sắp tới sẽ là dòng người tị nạn Ukraine…

Công trình nghiên cứu của Tiến Sĩ Oanh Meyer sẽ khảo sát và theo dõi hơn 570 người Việt cao tuổi tại miền Bắc California, nơi có cộng đồng người Việt lớn mạnh và các nhóm hoạt động xã hội kết nối chặt chẽ và tích cực. Tiến Sĩ Oanh Meyer lạc quan cho rằng sự cộng hưởng và hỗ trợ từ cộng đồng sẽ giúp bà thành công.

Công trình bắt đầu được cấp kinh phí vào Tháng Ba, 2021, đến Tháng Mười, nhóm của tiến sĩ bắt tay vào việc phỏng vấn, với sự hợp tác của các tổ chức phi lợi nhuận như Asian Resources, Inc. và Mạng Lưới Hỗ Trợ Trẻ Em Quốc Tế để kêu gọi tình nguyện viên. Bà Oanh cũng hy vọng dự án này sẽ thu hút được người từ Nam California và Houston tham gia. Hai nơi này có những cộng đồng gốc Việt rất lớn mạnh.

Từ sau 1975, hơn 1.2 triệu người từ Đông Nam Á đến tị nạn tại Mỹ, nhưng chỉ có khoảng 70% trong số này nhận được chăm sóc và chữa trị sức khỏe tâm thần có liên quan đến các triệu chứng rối loạn tâm lý, theo báo cáo của Viện Nghiên Cứu Quốc Gia Về Bệnh Tiêu Hóa, Tiểu Đường và Thận năm 2006.

Bản thân Tiến Sĩ Oanh từng nhận ra trong một nghiên cứu năm 2015, dù người Việt vốn là nhóm thiểu số gốc Á lớn thứ tư tại Mỹ, khả năng tiếp cận phương tiện chăm sóc sức khỏe về thể chất và tâm thần rất hạn chế.

Ngoài lý do chính là khả năng hòa nhập, rào cản ngôn ngữ, và cả vấn đề thu nhập,… rất nhiều người Việt tị nạn lớn tuổi vẫn còn đầy nỗi sợ hãi khi phải một mình đối mặt với những “bóng ma quá khứ” hoặc cảm giác trơ trọi khi không có ai giúp đỡ.

Tất cả những yếu tố này dẫn đến tâm lý một số không hề nhỏ người Việt rất mặc cảm, e dè trong việc thừa nhận mình, hoặc người thân, đang có những bất ổn về tâm thần, hoặc xa hơn là bị khủng hoảng từ ký ức chiến tranh trộn lẫn với khó khăn trong đời sống hiện tại.

Chứng sa sút trí tuệ và căn bệnh Alzheimer’s ở giai đoạn đầu thường có những ảnh hưởng đối với trí nhớ tạm thời của người bệnh, nhưng một điều thú vị là, những ký ức sâu xa hàng chục năm trước kia, lại có thể “sống lại” và ở lại rất lâu trong trí nhớ của họ.

Theo lời giải thích của Tiến Sĩ Oanh Meyer, những người tị nạn như người mẹ của bà, ký ức còn lưu giữ lại hiện nay lại chính là những kinh nghiệm hãi hùng từ chiến tranh, đôi khi không nhất thiết phải là trực tiếp, mà qua lời kể, vẫn tạo thành những chấn thương nặng nề.

Có điều là, dù đã có những nghiên cứu trước đó về sức khỏe tâm thần cũng như tim mạch cho rằng Việt tại Mỹ rơi vào nhóm dễ bị bệnh Alzheimer’s và sa sút trí nhớ, nhưng chưa có bất kỳ công trình nghiên cứu nào đi sâu điều tra nguyên nhân gốc rễ và mức độ phổ biến của căn bệnh này trong cộng đồng.

“Tôi muốn đi đến tận cùng tìm hiểu những biểu hiện của chứng sa sút trí tuệ của người cao tuổi, không chỉ phục vụ cho mục đích học thuật, mà xa hơn, nếu chúng ta biết được những lý do chính gây ra căn bệnh này, bên cạnh chấn thương tâm lý hay các yếu tố khác liên quan đến tim mạch như là khói thuốc, huyết áp,…thì chúng ta sẽ có biện pháp can thiệp và chữa trị từ giai đoạn sớm cho các thế hệ sau,” vị nữ giáo sư chia sẻ.

Trong một công trình nghiên cứu khác năm 2012, tập trung vào nhóm chăm sóc người bị sa sút trí tuệ, Tiến Sĩ Oanh Meyer phát hiện một điều là các gia đình người Mỹ gốc Việt thường ít chịu nhìn nhận người thân yêu của mình đang gặp phải các chứng bệnh tâm lý hoặc thần kinh.

Thay vào đó, họ thường chủ quan cho rằng, cha mẹ hay ông bà của mình, đơn giản chỉ là đang bước vào giai đoạn lão hóa với các triệu chứng của tuổi già, như hoang tưởng, lo lắng, và trầm cảm,… và đối với họ, điều này là một quá trình tự nhiên không có gì phải lo lắng, hay cần can thiệp.

Còn một khó khăn khác, theo Tiến Sĩ Oanh Meyer, là tính cách người Việt ít khi chịu bộc lộ về hoàn cảnh cá nhân, hay những câu chuyện xảy ra trong chính gia đình mình do tâm lý sợ “vạch áo cho người xem lưng.”

Rất khó để một cụ ông hay cụ bà cao tuổi nói về khó khăn của mình, hoặc một người con bộc bạch về những áp lực, thậm chí là xáo trộn, khi trong nhà có một người lớn tuổi bị bệnh Alzheimer’s.

Sự kiện VIP do nhóm nghiên cứu của Tiến Sĩ Oanh Meyer tổ chức, kêu gọi mọi người tham gia, hồi Tháng Mười, 2021. (Hình: Oanh Meyer cung cấp)

“Chính việc e dè không cởi mở này là một thử thách mà nhóm chúng tôi phải có bảng khảo sát rất nhiều câu hỏi khác nhau, cách trò chuyện gợi mở, và phương pháp đánh giá đặc biệt trong nghiên cứu,” Tiến Sĩ Oanh Meyer chia sẻ.

Hiểu để mà thương

Rất nhiều người trung niên hoặc trẻ tuổi hơn thường phàn nàn là họ không thể chịu đựng nổi những lần “lên cơn” của ông bà, cha mẹ mình, từ sự cáu gắt khó chịu không phải do… thời tiết, cho đến các cơn hoảng loạn mà “cái gì cũng sợ,” hay cứ lặp lại “nhuyễn như cháo” những câu chuyện “huyền thoại” từ khi xửa khi xưa như những lần xuống hầm trú bom, những ngày khủng khiếp tưởng đã chết đi sống lại trên đảo, hay khoảnh khắc tuyệt vọng lênh đênh trên biển,… bất tận, không có hồi kết.

Những người trẻ hơn đâu thể hiểu rằng, dù hiện tại có lộng lẫy tốt đẹp thế nào thì đối với những người tị nạn lớn tuổi mang tổn thương tâm lý từ chiến tranh, họ cũng không quên được bóng dáng u buồn của quá khứ.

Đối với những người này, họ không chỉ nhạy cảm hơn với những gì đang xảy ra xung quanh, mà còn có những ký ức sống động đôi khi xuất hiện như thể họ đang sống lại quãng thời gian khủng khiếp đó. Trong cuộc sống, bất kỳ lúc nào ký ức ám ảnh cũng có thể tái hiện.

Mặt khác, theo Tiến Sĩ Oanh Meyer, chính những người đang chăm sóc người cao tuổi bị tổn thương từ chiến tranh cũng sẽ dễ rơi vào tình trạng căng thẳng, hay trầm cảm, thậm chí tổn thương do sự vất vả, mệt mỏi thể chất cho đến những ám ảnh từ các kinh nghiệm mà họ được “truyền” lại.

Bà Oanh cũng thừa nhận, bản thân bà cũng là một người có nhiều căng thẳng qua việc chăm sóc người mẹ năm nay đã 84 tuổi, hoàn toàn không nhớ con gái mình.

Khi được hỏi, có khi nào bà cũng trở thành người bị “chấn thương tâm lý từ chiến tranh” do mẹ truyền lại hay không, Tiến Sĩ Oanh Meyer cười thật tươi và nói: “Có chứ!”

Tiến Sĩ Oanh Meyer cùng chồng và hai con. (Hình: Oanh Meyer cung cấp)

Nhưng càng như vậy, càng phải nghiên cứu để hiểu sâu hơn, vị tiến sĩ nói, để giúp đỡ các thế hệ sau ngăn ngừa từ sớm những tổn thương tâm lý, nhất là mỗi khi bà nhìn thấy hai đứa con của mình, Noah 15 tuổi, và Xuân 12 tuổi, cũng như bao người trẻ khác, với tương lai phơi phới phía trước.

Rõ ràng không ai có thể thay đổi được quá khứ hay những kinh nghiệm và tổn thương mà một người phải chịu đựng, nhưng ít nhất, hiểu thấu những dư chấn tâm lý của thế hệ lớn tuổi từng trải qua, có thể giúp họ tiếp cận các biện pháp chữa trị, theo Tiến Sĩ Oanh Meyer, và xa hơn nữa, hiểu để mà đồng cảm, rồi thương.

Hoàng Vy/Người Việt (21.03.2022)

nguyen.vy@nguoi-viet.com