Seite auswählen

Tin tức cho biết, Công an tỉnh Bình Dương đã phối hợp với Công an TP.HCM xác định và mời chủ tài khoản mạng xã hội TikTok@phunguniexport là Lê Văn Phụng, sinh năm 1990, tạm trú tại khu phố Tân Bình, phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương để làm rõ sự việc kêu gọi biểu tình tại khu du lịch Đại Nam hôm 27-3-2022 để phản đối việc bắt giữ hình sự bà Nguyễn Phương Hằng.

Nhà chức trách giải thích rằng cho đến hiện tại vì Việt Nam chưa có Luật quy định về biểu tình, nên những hành vi kêu gọi biểu tình đều được coi là trái phép.

Theo đó, ngày 18-3-2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2005/NĐ-CP quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng.

Theo Điều 7 của Nghị định này, việc tập trung đông người ở nơi công cộng phải đăng ký trước với UBND có thẩm quyền nơi diễn ra các hoạt động đó, và phải thực hiện đúng nội dung đã đăng ký. Hành vi gọi là biểu tình, tuần hành không đăng ký và chưa được phép của chính quyền địa phương là phạm pháp.

Lưu ý ở Điều 112, Tội bạo loạn, Bộ luật hình sự năm 2015, quy định: “Người nào hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau: Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Nội dung của tội bạo loạn trên thường được vận dụng để xử lý răn đe về nhóm cá nhân nào đó được cho là cầm đầu biểu tình dẫn đến xô xát.

Tuy nhiên ở chiều lập luận ngược lại thì do hiện nay hệ thống pháp luật ở Việt Nam chưa có luật riêng để điều chỉnh, quy định về việc thực hiện quyền biểu tình của công dân.

Chính vì vậy, mọi cuộc biểu tình ở Việt Nam diễn ra đều không thể đánh giá là hợp pháp hay bất hợp pháp, chính vì vậy việc xử lý rất khó khăn, tùy thuộc vào cái gọi là “bản lĩnh chính trị” của chính quyền địa phương nơi diễn ra cuộc biểu tình. Bởi trong quá khứ vài năm trước cho thấy biểu tình chủ yếu là để bày tỏ thái độ không đồng tình trước chính sách pháp luật, hay thái độ xử trí vấn đề đại sự nào đó của quốc gia từ cấp lãnh đạo trung ương.

Nếu được quyền tranh luận tử tế với nhà chức trách ở đây quanh cáo buộc “kêu gọi biểu tình là trái phép”, sẽ thấy rõ là đầy mẫu thuẫn khi trên các diễn đàn của chuyên mục “Chống diễn biến hòa bình”, luôn cho rằng quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là tôn trọng dân chủ, nhân quyền, tôn trọng những ý kiến, quan điểm khác biệt cũng như khuyến khích phản biện xã hội, đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực để xây dựng và phát triển đất nước.

Vậy thì khi Hiến pháp năm 2013 quy định “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân” (Điều 28);

Và Điều 14 của Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”, thì khi người dân biểu tình bằng các hình thức khác nhau như xuống đường tuần hành, tọa kháng, biểu lộ thái độ trên mạng xã hội…, cần xem đó là các biểu hiện của Hiến định tại Điều 28.

Nhà chức trách chỉ xử lý khi họ có hành vi gây rối, chống người thi hành công vụ, đập phá tài sản, chứ không xử lý họ vì “biểu tình ôn hòa”.

Thực tế thì nếu xuống đường tuần hành ủng hộ chính sách nào đó như sự kiện trên 2.000 phụ nữ trong trang phục áo dài đã tuần hành hôm 6-3 vừa qua trên đường phố ở Sài Gòn, thì dù chưa có luật biểu tình, song không ai lập biên bản phạt hành chính.

Thế nhưng ở chiều ngược lại, chỉ cần 1/10 số phụ nữ kể trên xuống đường để phản ứng về một trì trệ nào đó, như tính phi lý của sắc thuế tiêu thụ đặc biệt đang áp với xăng dầu chẳng hạn, tin chắc các quý bà, quý cô này sẽ không thể yên thân mà dung dăng, dung dẽ để ý kiến này nọ theo Điều 25 và 28 của Hiến pháp 2013.

Trần Dzạ Dzũng

VNTB (28.03.2022)

 

 

Nhân quyền ở đâu trong các vụ án chính trị?

Các nguyên tắc “Suy đoán vô tội” hoặc “Một người chỉ bị xem là có tội khi đã có bản án kết tội tuyên có hiệu lực pháp luật” chỉ còn là khẩu hiệu đẹp trong bộ luật.

 

Mỗi khi công dân nào đó bị nhà chức trách cáo buộc tội danh hơi hướm chính trị như “lợi dụng quyền tự do dân chủ”, thì công dân ấy gần như lập tức bị “tuyên án” với việc báo chí đưa tin bằng lối cách trình bày và mẫu câu kiểu như công dân ấy đã nhận bản án phúc thẩm hình sự rồi vậy.

Luật sư Đặng Đình Mạnh, người có rất nhiều khách hàng bị cáo buộc vào nhóm thuộc Chương XIII của Bộ luật hình sự, cho rằng, “Hãy nhìn thế giới bên ngoài, hình ảnh các nghi can được cảnh sát dùng khăn hay áo trùm che kín đầu khi bắt giữ, dẫn giải họ có giúp cho chúng ta học hỏi được điều gì từ văn minh của thế giới?

Giữ mình mông muội sau lũy tre hay bương ra thế giới học hỏi văn minh có khó không? Không khó đâu, hãy giảm vài cái click chuột, tạm ngưng copy/ paste để không chia sẻ những hình ảnh kém duyên của người phụ nữ ra công chúng”.

Cả 3 nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn cũng từng là những công dân đã bị truyền thông sớm kết tội và thi hành bản án tử hình về thanh danh, hình ảnh…

Nhân quyền ở đâu trong những vụ án đó?

Trong chiều ngược lại, khi những công dân bị cáo buộc vào nhóm thuộc Chương XIII của Bộ luật hình sự, thì lúc ra tòa họ không được báo chí tiếp cận đưa tin một cách trung thực. Nhiều tòa soạn báo còn không thể “can thiệp” để phóng viên của mình vào dự phiên xét xử để đưa tin đa chiều…

Lý thuyết tuyên truyền hoa mỹ của báo chí nhà nước hay viết như vầy – theo lời của một nhà báo thân hữu của trang Việt Nam Thời Báo, từng phụ trách pháp đình, nếu so với những gì diễn ra người ta sẽ thấy đầy mỉa mai – đại khái đó là, thông qua truyền thông, công chúng sẽ biết được về các hoạt động của hệ thống tòa án, hiểu biết về quá trình đi đến các quyết định pháp lý, để từ đó tôn trọng, tâm phục, khẩu phục đối với mỗi phán quyết của Tòa án, tạo ra niềm tin vào công lý.

Ai cũng hiểu rằng, số người đọc báo, xem báo phản ánh về phiên tòa cao gấp nhiều lần số người dân trực tiếp tham dự phiên tòa.

Chính vì vậy, báo chí – mặc dù không phải là phương tiện duy nhất – nhưng “đóng vai trò quan trọng, là nguồn tin tức và bình luận chủ yếu gây ảnh hưởng lớn nhất đối với các tầng lớp nhân dân về hệ thống Tòa án”, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình từng nói như vậy.

Giám sát là một trong những chức năng quan trọng hàng đầu của truyền thông đại chúng. Ở các nước phương Tây, chức năng này được đề cao với đầy đủ hành lang pháp lý, cho nên báo chí và truyền thông đại chúng được coi như nhánh quyền lực thứ tư, ở khía cạnh nào đó có thể nói giám sát cả quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Giám sát xã hội của báo chí, truyền thông đại chúng là giám sát chủ yếu bằng tai mắt của nhân dân, giám sát bằng dư luận xã hội. Đó là quá trình giám sát mọi nơi, mọi lúc. Chức năng giám sát xã hội của báo chí, truyền thông đại chúng trong quá trình thực hiện chủ trương chính sách, luật pháp là để kịp thời phát hiện những nơi làm đúng, làm hay để biểu dương khích lệ và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn; đồng thời cũng để sớm phát hiện những “trục trặc”, những nơi làm dở, làm sai, những nơi vi phạm chủ trương, chính sách và luật pháp để đấu tranh…

Vậy thì nếu như lúc ban đầu báo chí đưa tin kiểu “tuyên án”, thì khi phiên tòa diễn ra, báo chí lại buộc phải đứng bên lề. Nhân quyền ở đâu cho cả thân phận người dân lúc vướng vòng lao lý, lẫn báo chí tại Việt Nam?

Thới Bình

VNTB  (27.03.2022)

 

 

Bất chấp bị ‘đốt lò,’ quan chức CSVN tiếp tục tham nhũng đất đai

Quan chức đảng viên CSVN tham nhũng đất đai vẫn rất phổ biến trên cả nước bất chấp “lò đốt tham nhũng” của ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng được quảng cáo “không có vùng cấm”.

Hôm Thứ Sáu 25 Tháng Ba, nhiều báo tại Việt Nam đưa tin 14 quan chức cấp cao của tỉnh Bình Thuận bị “kỷ luật” vì “buông lỏng quản lý” dẫn đến “hàng loạt vi phạm” về đất đai ở địa phương. Tuy đoàn kiểm tra của “Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương” không nêu danh tính nhưng nói trong số bị kỷ luật có cả “nguyên lãnh đạo” và “lãnh đạo” đương nhiệm.

Trần Văn Nam, cựu bí thư tỉnh ủy Bình Dương và các quan chức dưới quyền tham nhũng đất. (Hình: Tiền Phong)

Thật ra thì từ gần giữa Tháng Hai, đã thấy tin năm ông “nguyên lãnh đạo” của Bình Thuận đã bị khởi tố từ nguyên chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh, giám đốc và phó giám đốc Sở Tài Nguyên Môi Trường, phó giám đốc Sở Tài chính. Tất cả đều vì “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Các quan chức này đã thông đồng cấu kết với nhau ăn hối lộ trong vụ xây dựng khu thương mại và dân cư tại thành phố Phan Thiết làm “thiệt hại lớn tiền và tài sản của nhà nước”.

Những ngày đầu Tháng Ba, tin tức thuật lại bản “kết luận” của Thanh Tra Chính Phủ nói “phát hiện hàng loạt sai phạm về đất đai tại Kontum như giao đất không qua đấu giá, tổ chức đấu giá đất khi chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, chưa đầu tư cơ sở hạ tầng, trốn thuế, cho thuê đất quy hoạch trồng cây lâu năm để xây dựng trung tâm thương mại…”

Giữa Tháng Ba, báo chí trong nước nói 22 quan chức đứng đầu tỉnh Bình Dương bị đề nghị khởi tố vì dính tham nhũng nặng về đất đai ở địa phương. Riêng ông nguyên bí thư tỉnh ủy tên Trần Văn Nam thì đã bị bắt giam từ giữa năm ngoái với cáo buộc đầu sỏ trong vụ gây thất thoát cho nhà nước gần hai ngàn tỉ đồng.

Ngày 9 Tháng Ba, báo chí Việt Nam nói ông Đặng Thanh Minh, sinh năm 1960, nguyên phó bí thư huyện uỷ, nguyên chủ tịch hội đồng nhân dân và UBND huyện Xuyên Mộc nhiệm kỳ 2015-2020, đã bị khởi tố liên quan đến đất đai “không phù hợp với qui định, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản nhà nước”.

Giữa Tháng Hai, Thông Tấn Xã Việt Nam nói quan chức tỉnh Lâm Đồng “lợi dụng chủ trương, chính sách về đầu tư, ưu đãi đầu tư của tỉnh để thu lợi, xảy ra tại hai khu công nghiệp” dẫn đến “ nhiều sai phạm nghiêm trọng.”

Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng Công Thương bị tù liên quan đến tham nhũng đất đai. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Gần như không tháng nào là không có các tin tức liên quan tới tham nhũng liên quan đất đai không nơi này thì nơi khác tại Việt Nam, kể cả Hà Nội, Sài Gòn. Trước đó, bộ trưởng cựu Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và hàng chục tướng lãnh của công an và quân đội cũng bị tù, liên quan tới tham nhũng đất đai.

Tham nhũng liên quan tới đất đai rất dễ xảy ra vì quản lý đất là các quan mà quyền cấp giấy phép sử dụng đất cũng là các quan chức. Giới này “vừa đá bóng vừa thổi còi” nên ăn hối lộ rất dễ dàng. Những vụ việc nêu trên mặt báo chỉ là các “đồng chí bị lộ” tức một phần rất nhỏ của tệ trạng tham nhũng đất đai tại Việt Nam.

Thông Tấn Xã Việt Nam hôm 4 Tháng Ba viết rằng: “Quản lý đất đai luôn luôn là vấn đề nóng bởi ‘tấc đất tấc vàng’. Đất càng quý giá thì tình trạng tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong lĩnh vực đất đai càng có xu hướng gia tăng, để lại những hệ lụy nghiêm trọng…” 

Người Việt (27.03.2022)

 

 

Khi Luật An ninh mạng thành trò cười

 Bom Nổ Chậm/RFA

Ban tổ chức SEA Games 31 của Việt Nam vừa biến mình thành trò cười khi đòi báo An ninh mạng xử lý những người đã tham gia góp ý, chỉ ra những lỗi sai chính tả, ngữ pháp tiếng Anh và thiết kế của bộ nhận diện Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) được tổ chức trong năm nay tại Hà Nội. 

Đại diện Tiểu ban Thông tin – Truyền thông của Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 hôm 21/3 khẳng định, những nhận định về thiết kế Bộ nhận diện thương hiệu SEA Games 31 là những ý kiến “mang tính chủ quan, phiến diện và đầy ác ý của một nhóm cá nhân trên mạng xã hội.”

Luật An ninh mạng gây nhiều tranh cãi của Việt Nam đi vào hiệu lực từ đầu năm 2019 và được Chính phủ khẳng định là để đảm bảo môi trường mạng an toàn hơn cho người dùng. Các nhà hoạt động xã hội và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã chỉ ra rằng Luật này đã không phát huy được tính hiệu quả bảo vệ an toàn mạng mà thường được dùng để đàn áp các tiếng nói mà Chính phủ cho là bất đồng quan điểm với Đảng và Nhà nước. 

RFA (26.03.2022)

 

 

Thêm tổ chức quốc tế kêu gọi trả tự do cho nhà báo độc lập Lê Văn Dũng

Ông Lê Văn Dũng trước tòa hôm 23/3/2022. Photo VNA.

Hàng loạt các tổ chức nhân quyền quốc tế vừa lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho nhà báo độc lập Lê Văn Dũng, người vừa bị tuyên phạt 5 năm tù.

Liên đoàn Nhà báo Quốc tế (IFJ) có trụ sở ở Brussels, Bỉ, hôm 24/3 kêu gọi Hà Nội trả tự do ngay lập tức cho nhà báo độc lập Lê Văn Dũng và chấm dứt tình trạng đàn áp các nhà báo đang diễn ra tại Việt Nam.

Tổ chức IFJ viết trong một tuyên bố: “Việc gia tăng số lượng các vụ tấn công, bắt giữ và giết hại các nhà báo ở Việt Nam gây lo ngại sâu sắc và thể hiện sự coi thường hoàn toàn đối với cả quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. IFJ kêu gọi nhà chức trách Việt Nam ngay lập tức hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông Lê Văn Dũng.”

Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) có trụ sở ở New York, Hoa Kỳ, hôm 23/3 lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam nên trả tự do ngay lập tức cho nhà báo Lê Văn Dũng và chấm dứt việc bỏ tù các thành viên báo chí.

“Nhà chức trách Việt Nam không nên phản đối kháng cáo của nhà báo độc lập Lê Văn Dũng, và nên trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông,” ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao Đông Nam Á của tổ chức CPJ cho biết. “Nếu Việt Nam muốn được xem là một thành viên toàn cầu có trách nhiệm, thì Việt Nam phải chấm dứt việc coi các nhà báo là tội phạm”.

Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) hôm 23/3 viết trên Twitter rằng “tội” duy nhất của ông Dũng là đã phỏng vấn những người dân. Đồng thời tổ chức này cũng yêu cầu Hà Nội trả tự do ngay lập tức cho ông.

Nhà báo Lê Văn Dũng, 51 tuổi, còn có tên là Lê Dũng Vova, hôm 23/3 bị một tòa án ở Hà Nội tuyên phạt 5 năm tù và 5 năm quản chế vì phạm tội “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự 1999. Ông Hà Huy Sơn, luật sư bào chữa cho ông Dũng, cho VOA biết thân chủ của ông sẽ kháng cáo.

Truyền thông Việt Nam dẫn cáo trạng cho biết 5 trong số 12 video ông Dũng đăng tại trên mạng xã hội “có nội dung tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước”.

Hôm 22/3, một ngày trước khi diễn ra phiên xử sơ thẩm ông Dũng, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ra thông cáo báo chí thúc giục chính quyền Việt Nam “cần ngay lập tức hủy bỏ mọi cáo buộc mang động cơ chính trị nhằm vào nhà bình luận xã hội Lê Văn Dũng”.

“Lê Văn Dũng là một trong hơn 60 người dân đang bị nhà cầm quyền Việt Nam truy tố hoặc giam cầm chỉ vì lên tiếng phê phán chính quyền”, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của HRW, nói trong bản thông cáo báo chí.

Theo thống kê công bố hồi tháng 12/2021 của CPJ, Việt Nam nằm trong số những quốc gia giam giữ nhà báo tồi tệ nhất thế giới, với ít nhất 23 người đang bị giam cầm.

Theo bảng xếp hạng chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2021 của RSF, Việt Nam đứng thứ 175 trong số 180 quốc gia.

Từ trước đến nay, chính quyền Việt Nam luôn khẳng định rằng Việt Nam chỉ nghiêm trị những người vi phạm pháp luật, và không có chuyện Việt Nam trấn áp giới bất đồng chính kiến.

VOA (25.03.2022)

 

 

Ông Đỗ Nam Trung bị tuyên y án 10 năm tù, 4 năm quản chế

Ông Đỗ Nam Trung trong một chuyến đi lên vùng cao, năm 2016. (Ảnh: Đỗ Nam Trung/Facebook)

Ông Đỗ Nam Trung – người được biết đến với các hoạt động phản đối các trạm thu phí BOT bị giữ nguyên hình phạt 10 năm tù và 4 năm quản chế tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vừa diễn ra tại Nam Định.

Sáng ngày 24/3, tại trụ sở TAND tỉnh Nam Định, TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm đối với ông Đỗ Nam Trung (SN 1981, quê tỉnh Nam Định) do ông Trung có đơn kháng cáo.

Ông Trung được biết đến là một trong những người phản đối các trạm thu phí BOT đặt không đúng vị trí hoặc thu phí quá hạn, các vụ tham nhũng thông qua mạng xã hội.

Ông Trung bị bắt tại Hà Nội vào tháng 7/2021 với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo điểm a, khoản 1, Điều 117 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Tại phiên xét xử sơ thẩm diễn ra vào ngày 16/12 cùng năm, TAND tỉnh Nam Định tuyên án đối với ông Trung 10 năm tù giam và phạt bổ sung 4 năm quản chế sau khi mãn hạn tù.

Mức phạt trên được cho là khá nặng khi Điều 117 có khung hình phạt từ 5 năm đến 20 năm tù; hình phạt bổ sung có khung phạt từ 1 năm đến 5 năm.

 

Trước đó, tháng 5/2014, ông Trung cùng 2 người khác bị bắt khi họ tới khu vực công nhân biểu tình phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan HD981 trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.

Tại phiên tòa diễn ra vào tháng 2/2015, ông Trung bị TAND tỉnh Đồng Nai tuyên phạt 14 tháng tù giam về tội “Lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm quyền lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo Điều 258 Bộ luật Hình sự năm 1999. Ông Trung bị giam tại Trại giam K2, Xuân Lộc, Đồng Nai, mãn hạn tù vào tháng 7 cùng năm.

Trithucvn (25.03.2022)