- Phan Ngọc
- Gửi cho BBC từ TP.HCM
Việt Nam đã chia tay vòng loại thứ ba với trận hòa có phần đáng tiếc trước ông lớn Nhật Bản trên sân khách, qua đó khép lại hành trình đáng nhớ này với 1 trận thắng, 1 trận hòa và 8 trận thua.
HLV Park Hang-seo đưa ra hai điều chỉnh trong đội hình xuất phát so với trận gặp Oman 5 ngày trước và đó đều là những thay đổi bất đắc dĩ.
Ở hàng phòng ngự, Thanh Bình được trao cơ hội đá chính thay Thành Chung bị treo giò; sự thay đổi còn lại đến trên hàng công khi Công Phượng xuất phát từ đầu thay Tiến Linh bị treo giò.
Khó khăn là vậy nhưng Việt Nam vẫn có những nỗ lực đáng khen ngợi trước chủ nhà Nhật Bản được đánh giá cao hơn rất nhiều.
Sự cố truyền hình
Khi trận Việt Nam – Nhật Bản bước vào hiệp 2, sóng truyền hình của trận đấu này tại Việt Nam bất ngờ bị chậm hơn 10 phút so với thực tế.
Điều này đã từng diễn ra trong trận Australia gặp Việt Nam diễn ra tại Melbourne hồi tháng Giêng.
Tuy nhiên, trận đấu này đã được nhà đài chủ động lên lịch phát sóng muộn hơn 10 phút ngay từ đầu chứ không đột ngột như trận gặp Nhật Bản hôm nay. Mục đích được nhà đài lý giải thời điểm ấy là nhằm “đảm bảo an ninh quốc gia” mà cụ thể là để phía nhà đài có thời gian để “kiểm duyệt” những hình ảnh có lá cờ Vàng ba sọc đỏ từng là quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa xuất hiện trên khán đài trước khi lên sóng.
Trở lại với trận Việt Nam làm khách trên sân của Nhật Bản, có vẻ việc trận đấu bị trực tiếp chậm hơn 10 phút không nằm trong kế hoạch ban đầu bởi hiệp một vẫn được trực tiếp theo thời gian thực bình thường.
Sự cố có thể xem là nguyên nhân khiến hiệp hai không còn được trực tiếp đúng thời gian xảy ra khi sau bàn mở tỷ số của Việt Nam phút 20, ống kính truyền hình hướng lên khán đài nơi nhóm CĐV Việt Nam đang ăn mừng và có cảnh quay xuất hiện lá cờ Vàng ba sọc đỏ.
Trong thời gian còn lại của hiệp, ít nhất thêm một lần hình ảnh lá cờ Vàng ba sọc đỏ xuất hiện trên sóng truyền hình, từ đó buộc VTV phải phát sóng hiệp hai chậm hơn 10 phút.
Việc hiệp hai bị trực tiếp chậm hơn 10 phút khiến người hâm mộ hụt hẫng bởi tỷ số 1-0 sau khi hết hiệp một nghiêng về Việt Nam đã đẩy sự kỳ vọng cũng như hào hứng của người xem lên cao.
Thậm chí VTV mới bắt đầu phát sóng hiệp hai thì theo diễn biển thực tế trên sân, Nhật Bản đã có bàn gỡ hòa khiến trận đấu cũng không còn nhiều hấp dẫn về mặt cảm xúc nữa.
Dấu ấn cuối cùng
Dù phải làm khách trên sân đội đầu bảng Nhật Bản trong bối cảnh vắng nhiều trụ cột, Việt Nam vẫn có những khoảng thời gian thực sự khiến đội chủ nhà thực sự gặp khó khăn, đặc biệt là bàn thắng vươn lên dẫn trước ngay phút 20.
Cho đến trước trận đấu gặp Nhật Bản, vòng loại thứ ba có thể nói là một hành trình đáng quên của trung vệ Thanh Bình.
Trung vệ trẻ của Viettel không được trao nhiều cơ hội dù thường xuyên được triệu tập trong giai đoạn đầu của chiến dịch, và trong khoảng thời gian ít ỏi được tung vào sân, cầu thủ này đã mắc lỗi nghiêm trọng khiến Việt Nam thua Trung Quốc 2-3 ở trận lượt đi.
Thanh Bình thậm chí còn không được điền tên trong danh sách tập trung ban đầu cho hai trận gặp Oman và Nhật Bản mà chỉ được gọi lên phút chót do cuộc khủng hoảng lực lượng ở hàng phòng ngự.
Thế rồi, 90 phút trước Nhật Bản đã giúp Thanh Bình lấy lại điểm với cú đánh đầu giúp Việt Nam mở tỷ số.
Đó là một pha dàn xếp tấn công vô cùng hiện đại của Việt Nam với Công Phượng đá phạt góc cho Thanh Bình bật cao đánh đầu chuẩn chỉ tung lưới thủ môn Kawashima của Nhật Bản.
Lợi thế quý giá mà Thanh Bình mang lại được cầu thủ này và đồng đội bảo vệ tương đối chắc chắn trước sức ép lớn được Nhật Bản tạo ra sau đó.
Dù vẫn để Nhật Bản gỡ hòa nhưng một điểm giành được vẫn là kết quả quá tốt với thầy trò HLV Park với những khó khăn mà toàn đội phải đối diện tại đợt tập trung này.
Những bài học đáng giá
Trận hòa trước Nhật Bản đã khép lại hành trình đáng nhớ của Việt Nam trong lần đầu tiên lọt vào vòng loại thứ ba.
Qua 10 trận đấu, Việt Nam giành được 4 điểm với 1 chiến thắng trước Trung Quốc, trận hòa lượt cuối với Nhật Bản, còn lại là 8 thất bại.
Đây không phải là kết quả tệ nếu so sánh tương quan lực lượng giữa Việt Nam với các đối thủ cùng bảng đấu, nơi chúng ta hoàn toàn lép vế so với những Nhật Bản, Australia hay Saudi Arabia; và quan trọng hơn cả là những bài học đáng giá mà chiến dịch này mang lại mà chúng ta phải đúc rút nếu muốn thành tích lọt vào vòng loại thứ ba vừa qua không chỉ là một dấu ấn nhất thời của nền bóng đá.
Trong 8 trận thua của Việt Nam tại vòng loại thứ ba, quá nửa là những thất bại với tỷ số tối thiểu trong thế trận mà có vẻ Việt Nam không để đối thủ quá áp đảo, đó là một điều tích cực nhưng cũng tiêu cực.
Gần như xuyên suốt các trận đấu tại vòng loại thứ ba, kịch bản của các trận đấu có Việt Nam thường là chúng ta sẽ chủ động chơi phòng ngự lùi sâu, nhường hoàn toàn thế trận cho đối thủ, thế rồi trước các đội tuyển mạnh hơn rất nhiều, hàng thủ rốt cuộc cũng để thủng lưới, lúc này Việt Nam nỗ lực để tấn công nhưng sức ép của thầy trò HLV Park không đủ để tạo nhiều áp lực cho đối thủ, những Nhật Bản, Australia hay Saudi Arabia chỉ việc đá cầm chừng để bảo vệ lợi thế.
Rõ ràng, sau vòng loại thứ ba, ban huấn luyện Việt Nam cần đa dạng chiến thuật hơn nữa cho đội tuyển, đặc biệt là xây dựng lối chơi chủ động hơn, tất nhiên vẫn trên nền tảng cơ bản là sự chắc chắn của hàng phòng ngự.
Thêm một vấn đề nữa của Việt Nam được bộc lộ rõ ở chiến dịch vòng loại thứ ba là câu chuyện lực lượng khi rất nhiều trụ cột, cá nhân thường xuyên góp mặt ở đội hình chính dưới thời HLV Park có dấu hiệu xuống phong độ, không còn đáp ứng được yêu cầu chuyên môn ở đội tuyển.
Ở giai đoạn lượt về, HLV Park có vẻ đã nhận ra điều đó khi nhiều trận đấu ông đã thử trao cơ hội cho các nhân tố mới, tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những dặt dè và chưa dứt khoát từ HLV người Hàn Quốc.
Sẽ có nhiều thách thức được đặt ra cho ông Park sau chiến dịch vòng loại thứ ba, không hẳn vì thành tích mà là những vấn đề được bộc lộ và cách ông Park đối mặt với vấn đề ấy.
Việc được tham gia vòng loại thứ ba chắc chắn sẽ đặt ra một tiêu chuẩn mới cao hơn cho bóng đá Việt Nam, nơi mà không chỉ HLV Park mà cả những nhà làm bóng đá cần nỗ lực thêm nhiều nữa để duy trì thành tích này.