Seite auswählen

„Cho tới ngày hôm nay, có rất nhiều quan chức, đảng viên bị bắt vì các tội này hay tội nọ, nhưng vốn trước đó thì báo chí vẫn ngợi ca ngất trời, ống kính truyền thông xúm xít săn đón từng ngày. Truyền thông của nhà nước đã dựng lên không biết bao nhiêu tượng đài, và rồi cũng tự tay đập đổ, như ngửa mặt lên trời tự phỉ nhổ mình.“

Tuấn Khanh

Vẻ ngoài thịnh vượng của Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung được đánh đổi bằng việc cướp đất trắng trợn của không biết bao nhiêu người (ảnh: Damian Gollnisch/picture alliance via Getty Images)

Dựa vào những gì xuất hiện trên báo chí Việt Nam, thì có thể nhìn thấy rằng khoảng vài chục năm nay, sự phát triển về độ tráo trở của ngôn luận đang mỗi lúc vượt bậc.

Từ sự kiện Nguyễn Phương Hằng cho đến vụ bắt giữ Trịnh Văn Quyết, báo chí quay ngoắt 180 độ, với một khung cảnh không khác gì bầy thú trong chuồng cứ hồng hộc đổ dồn vào những nơi nào đang có thức ăn.

Chỉ mới ngày nào những “giấc mơ” của bà Nguyễn Phương Hằng về giới nghệ sĩ được hà hơi tiếp sức và liên tục chất vấn, đưa ra những thông tin như để cố chứng minh rằng mọi thứ đúng như bà Hằng nói. Kể cả câu chuyện về Tịnh Thất Bồng Lai, không biết bao nhiêu người hò hét, nói theo giọng của bà Hằng để đổ tội lên đầu cho một gia đình tu tập theo khuynh hướng Phật gia. Báo chí cũng ồ ạt tấn công theo, chỉ với một quan điểm duy nhất khởi nguyên, là nơi này “thấy ghét”. 

Nhưng báo chí và xã hội Việt Nam thời văn hóa xã hội chủ nghĩa vẫn luôn thích tấn công những kẻ “thấy ghét” mà không có quyền lực, và dễ bị chà đạp trong xã hội. Bởi, nó an toàn trong ánh mắt cú vọ kiểm soát xã hội của chính quyền. 

Vụ bắt giữ Trịnh Văn Quyết cũng vậy. Chỉ một hai ngày sau khi tin tức tạm giam điều tra loan đi, các kiểu tin bài góp phần “vạch rõ tội trạng” của ông chủ tập đoàn FLC cũng đang dần xuất hiện. Mọi thứ giống y như kiểu mới phát hiện về một kẻ sai phạm, giỏi che giấu từ bao nhiêu năm nay mà không ai biết gì.

Như mọi đại gia bùng phát tiền của ở Việt Nam sau năm 1975, với lịch sử sử bí ẩn của đời mình, không ai biết Quyết làm gì để có số tiền khổng lồ như ngày hôm nay để góp mặt cùng mâm với giới tư bản đỏ Việt Nam. Một chút thông tin về Quyết cho biết rằng anh ta kiếm tiền từ việc mở nhóm dạy thêm từ thời còn sinh viên năm 2, và sau đó buôn bán điện thoại và cuối cùng trước khi trở thành đại gia thì mở công ty luật SMIC. Từ đó về sau mọi thứ mờ ảo theo những chuyện kể tóm tắt con đường kinh doanh của Quyết.

Riêng chuyện dạy thêm, bán điện thoại, và mở công ty luật, cũng đã có hàng triệu người Việt Nam đang làm những công việc như vậy mà hiện chưa có mấy ai trở thành “đại gia”. Một chút thông tin hé lộ về khởi đầu công việc của Quyết, rằng khi còn rất trẻ, khi nhận được một vài “cơ hội”, anh ta đã quyết tâm bước vào ngành bất động sản và thành công ngay.

Mọi chuyện nghe thật đơn giản. Ở một đất nước gần nửa thế kỷ không có phát minh nào tốt đẹp đóng góp cho nhân loại, ngoài chuyện đổ xô nhau mua bán đất đai ăn dần – vốn cũng có hàng triệu người Việt Nam cũng mua bán bất động sản – nhưng không phải ai cũng trở thành một thế lực được như Quyết.

Ắt phải có một điều gì đó, ngoài tài năng và may mắn. Ắt là phải như vậy thì Quyết mới trở thành một bóng ma xô dạt hàng chục ngàn người dân ra khỏi nơi cư trú của mình, cùng với những cái bắt tay chặt chẽ của chính quyền địa phương. Quyết chỉ tay vào đâu trên bản đồ thì nơi đó sẽ trở thành của Quyết. Kể cả đất đai của Quốc phòng, nếu nằm trong tầm ngắm của Quyết, thì cả quân đội cũng không thể nào tranh giành được.

Phải có quyền lực hay người chống lưng lớn thế nào thì Trịnh Văn Quyết mới “thích gì nhích đó”. Tháng Tám, 2018, chỉ hơn một tháng sau “đề nghị” của Cty Cổ phần Tập đoàn FLC, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ra ngay công văn “hỏa tốc” yêu cầu Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tạm dừng các thủ tục đầu tư xây dựng đồn Biên phòng Bình Hải để điều chỉnh đến vị trí khác phù hợp, để “nhường” đất cho dự án của Quyết.

Năm 2016, khi giành được dự án xây dựng đầu tư ở Thanh Hóa, gọi là “Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn”, hàng trăm người dân sống bằng nghề đi biển ở đây đã xuống đường biểu tình, vì việc giải tỏa đền bù như cướp đất này hoàn toàn vô đạo đức và phi nhân, thế nhưng để bảo vệ giấc mơ của Quyết, cả hệ thống chính trị của Thanh Hóa đã vào cuộc, cật lực năng nổ từ Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho đến Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng ra Quyết định số 116 khởi tố vụ án hình sự “Gây rối trật tự công cộng” để bỏ tù không ít người nông dân khốn khổ đang tranh đấu vì cuộc sống của mình, nơi vùng đất của ngàn đời của mình.

Đó chỉ là một vài hình ảnh trong hàng trăm những công cuộc làm ăn “thịnh vượng xã hội chủ nghĩa”, của tập đoàn FLC mà Trịnh Văn Quyết đã rong ruổi khắp đất nước Việt Nam. 

Nói tại tọa đàm “Toàn cảnh bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới” lúc trước khi bị bắt, Quyết khẳng định giá đền bù rẻ mạt là do nhà nước quyết định chứ không phải từ chủ đầu tư như Quyết. Nhưng Quyết không nói về chuyện từ giá đền bù rẻ mạt đó mà Quyết đã trở thành đại gia trụ cột của kinh tế cộng sản như thế nào. Và Quyết cũng không nói về quyền lực của mình đã làm đổ máu biết bao nhiêu người dân phản đối, tù tội không biết bao nhiêu gia đình vì dám cưỡng lại giấc mơ của Quyết. 

Nhưng điều cần làm rõ, những biểu tượng thành đạt của những người cộng sản hôm nay – như Quyết – không phải tự dưng bằng trí tuệ hay sáng tạo của Steve Jobs hoặc Elon Musk mà hình thành. Nó chính xác là những cú bắt tay dơ bẩn từ trong bóng tối của cả một hệ thống, của những hợp đồng ăn chia nhầy nhụa máu, mồ hôi, nước mắt của nhân dân dưới gầm bàn, và đặc biệt là được cả một hệ thống truyền thông của nhà nước chùi rửa kỹ lưỡng và ca hát tận tụy suốt ngày đêm để vinh danh.

Mới đây có một luật sư khá tiếng tăm ở Hà Nội lên tiếng thương tiếc cho một tài năng kinh doanh của Trịnh Văn Quyết, và nói rằng việc cướp đất của anh ta cũng chỉ là vấn đề của thời thế và “ai vào thế của Quyết thì cũng phải làm như vậy mà thôi”. Đó cũng là một kiểu ngôn luận thường thấy cho niềm kiêu hãnh thịnh vượng ảo giác đang được các giới nhà giàu xã hội chủ nghĩa tạo ra. Loại ngôn luận phản bội lại đồng bào, ôm chân bọn tài phiệt và chấp nhận thỏa hiệp hy sinh những người nghèo khó, chứ không bao giờ dám lên tiếng tranh đấu cho họ.

Cho tới ngày hôm nay, có rất nhiều quan chức, đảng viên bị bắt vì các tội này hay tội nọ, nhưng vốn trước đó thì báo chí vẫn ngợi ca ngất trời, ống kính truyền thông xúm xít săn đón từng ngày. Truyền thông của nhà nước đã dựng lên không biết bao nhiêu tượng đài, và rồi cũng tự tay đập đổ, như ngửa mặt lên trời tự phỉ nhổ mình.

Nhưng nỗi đau và mất mát của người dân Việt Nam từ Thanh Hóa, đến Dak Lak, Thủ Thiêm, Vườn rau Lộc Hưng, Đồng Sênh, Dương Nội… đến nay đã chất chồng thành núi, nhưng chưa bao giờ được công bằng nói đến. Tất cả đều bị khuất lấp trong sự kiêu hãnh “thịnh vượng xã hội chủ nghĩa” hôm nay, như Trịnh Văn Quyết hay Nguyễn Phương Hằng.

 

Tuấn Khanh  (31.03.2022)