- Nguyễn Đức Đại Vượng
- Tác giả hiện sống tại Hà Nội, VN
“Hãy cứ để cho chiến tranh xảy ra, bởi vì kết quả cuộc chiến mới quyết định ai là kẻ thống trị”, Alexander Dugin, lý thuyết gia của ông Putin với tư tưởng Đại Nga.
Trong lịch sử nhân loại thì mọi đế chế, để thành hình, đều luôn phải được dẫn dắt bởi khát vọng bao trùm lên các vùng đất mà nó muốn chinh phục.
Lúc loài người đang còn mông muội, thì khát vọng đó thường là ý chí của cá nhân, ví dụ như dã tâm của một vị quân vương hay hoàng đế nào đó trong việc mở rộng lãnh thổ. Ở thời hiện đại thì ước muốn này lại được nâng đỡ bằng một hệ tư tưởng, nơi tổ hợp của các lập luận xuyên ngành và phức tạp.
Dạng lý thuyết này đóng vai trò như kim chỉ nam cho mục đích cuối cùng là ước vọng hình thành đế chế. Thiếu vắng nó, các hành động để cụ thể hoá việc trở thành đế chế sẽ có thể đi sai hướng, rời rạc, nặng tính tự phát và khó thành công.
Alexander Dugin, cha đẻ của lý thuyết Á-Âu (Eurasianism), tác giả của quyển sách “Eurasian Mission: An introdution to Neo-Eurasianism” (Sứ mệnh của chủ nghĩa Tân Âu-Á, 2014), với trọng tâm là Đại Nga, có thể nói là đã vạch ra một hệ tư tưởng vô cùng nguy hiểm đối với hoà bình của thế giới và cho chính nước Nga của ông ta.
Sa đoạ trong lý thuyết này, nước Nga chắc chắn sẽ trở thành phát xít mới.
Alexander Dugin không lên kế hoạch chiến tranh cụ thể, không ra các mệnh lệnh trút bom đạn vào các dân tộc khác, nhưng ông ta định hình suy nghĩ một cách có hệ thống về Đại Nga cho những người Nga đang cầm quyền.
Theo truyền thông phương Tây thì ông Putin xem lý thuyết của Dugin là cẩm nang gối đầu, tức ông này là lý thuyết gia/chiến lược gia của người đứng đầu nhà nước Nga.
Lý thuyết của Dugin vừa đứng độc lập, vừa là sự trộn lẫn giữa 3 luồng tư tưởng lớn mà nhân loại đã chứng kiến trong các thế kỷ 19, 20 và 21 là Tự do, Cộng sản và Phát xít.
Theo lập luận của ông này thì chủ nghĩa Tự do chất chứa trong mình nó đầy rẫy những mâu thuẫn nội tại nên đã suy yếu, và hai chủ nghĩa còn lại là Cộng sản và Phát xít thì nhân loại đã đi qua.
Vì vậy chỉ còn lại luồng tư tưởng thứ 4 của ông ta là Eurasianism, và nó sẽ trở thành hình mẫu cho các cường quốc khác trên thế giới đi theo.
Dugin cho rằng nước Nga là tâm điểm của vòng tròn Slav, trải từ châu Âu sang châu Á. Và rằng, mọi dân tộc Slav khác phải nằm trong vòng tròn này là tất yếu, chịu lực hút từ tâm điểm là Nga.
Và vì sự vĩ đại đó, nước Nga của ông ta không thể chỉ là những cường quốc như Pháp, Đức, Anh, Ý ở châu Âu, bất chấp việc các cường quốc này đã từng là những đế chế rộng lớn trong lịch sử, mà Nga phải là nơi tập hợp các tộc chủng Slav với không gian sống mênh mông, hoặc chí ít ra cũng phải đạt tầm vóc của Trung Quốc và Ấn Độ khi xét về quy mô.
Hiển nhiên rằng, một dã tâm khủng khiếp như vậy thì phải kéo theo các hành động tương xứng để cụ thể hoá nó.
Và như vậy thì các cuộc chiến tranh của Nga trong 2 thập kỷ gần đây tại Chechnya, Gruzia, Crimea, Donbass và giờ đây là Ukraine cũng đã nhận được lời giải đáp tương đối rõ về nguyên nhân sâu xa nhất của nó.
Bỏ qua lịch sử, chỉ chọn đoạn mình thích
Lý thuyết của Dugin lờ đi tất cả những gì mà lịch sử Nga đã trải qua để có thể du nhập được văn minh phương Tây, điều hoàn toàn nằm ngoài thế giới Slav, mà góp phần quan trọng làm nên một nước Nga kỳ vĩ về mặt lãnh thổ như ngày hôm nay.
Ông ta đã cố tình quên đi việc dưới thời Pierre Đại đế và nữ hoàng Catherine, thì cả thế kỷ người Nga đi học văn minh Tây Âu để thoát khỏi cảnh quý tộc uống rượu bằng bát, để mà sau khi học xong thì xây nên cung điện Peterhof được mệnh danh Versailles thứ 2 của thế giới, để hình thành ra hải quân…
Hình ảnh minh hoạ là như vậy. Không có 100 năm đi học văn minh ngoài thế giới Slav đó, làm sao có Đại Nga để ông ta đang tự hào mà vạch ra Eurasianism hôm nay. Nếu chỉ có duy nhất văn minh Slav, không tiếp thu được văn minh của Anh, Pháp, Phổ, Hà Lan… thì nước Nga của ông ta ngày hôm nay đang ở đâu khi các cơ hội để mở rộng lãnh thổ bằng cách tranh hùng với các đế chế như Ottoman, Thuỵ Điển, Ba Lan… đã trôi đi.
Nhưng, điều quan nhất mà ông ta đã bỏ quên trong lý thuyết Á-Âu của mình là kinh tế – yếu tố sẽ quyết định cuối cùng việc thành hay bại của tư tưởng Đại Nga mà ông ta theo đuổi. Với một nền tảng kinh tế yếu ớt như vậy, Đại Nga sẽ chỉ là ảo vọng và gây đau khổ cho chính nước Nga qua các cuộc chiến tranh với các dân tộc Slav khác để hiện thực tham vọng.
Kinh tế sẽ quyết định mọi thiết chế thượng tầng nằm phía phía trên của nó, kể cả các tham vọng chính trị về lãnh thổ.
Xây dựng một lý thuyết để chỉ đường cho tham vọng lớn như vậy, nhưng cha đẻ của nó lại đóng băng, và/hoặc vứt bỏ các yếu tố quan trọng bậc nhất trong quá trình phân tích, không sụp đổ thì mới là chuyện kỳ lạ.
Để dự đoán về số phận của lý thuyết Dugin, chúng ta thử xem qua một ví dụ dễ hiểu là lịch sử vệ quốc của Việt Nam: Đại Hán, dân số gấp cả chục lần Đại Nga, văn minh Trung Hoa rực rỡ hơn nhiều lần so với văn minh Slav ngay từ thuở xa xưa, vậy mà đô hộ Việt Nam cả 1.000 năm cũng không đồng hoá nổi. Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… và nhiều vị anh hùng dân tộc khác, tất cả đều đưa Đại Hán về đúng điểm xuất phát như trước khi đến Việt Nam.
“Nước Nga vĩ đại”, nhưng với Dugin và với những gì đã và đang diễn ra trong thực tế theo chỉ dẫn từ Eurasianism, làm người đọc buộc phải nhìn nhận lại câu này theo nghĩa: “Đó chỉ là sự vĩ đại nằm đơn thuần ở diện tích đất đai rộng lớn mà thôi”