ĐIỆP MỸ LINH (Truyện ngắn)
Thấy gương mặt tiu nghỉu của Hector, Donald – chủ của Hector – tưởng Hector ngại sẽ bị mất việc, vội an ủi:
– Chú em đừng có lo. Tôi sẽ trồng thứ khác và chú em sẽ có việc làm hoài hoài.
Biết Donald hiểu lầm, Hector chỉ cười, không đính chính. Hector buồn không phải vì Hector lo ngại bị mất việc; cũng không phải vì bà Irma – vợ của Donald – vừa qua đời mà chỉ vì Donald quyết định bán tất cả lan trong trại này với một giá thấp đến không ngờ. Donal không thể hiểu được tình cảm của Hector đã gắn bó với những giò lan trong mấy căn nhà ươm cây này như thế nào.
Mỗi khi thay chậu hoặc chia những chậu lớn thành nhiều chậu nhỏ, Hector cũng cẩn thận giống như một bác sĩ giải phẫu. Hector mang bao tay, ngâm kéo, dao trong Alcohol, trước và sau khi dùng. Khi chọn được những nhánh khỏe mạnh, tươi tốt, Hector vừa cắt, tỉa vừa thầm thì với nhánh lan, bằng Anh ngữ “vụn” (vì lan được cấy, nuôi tại Mỹ): “Tôi đem bạn đến ngôi nhà mới của bạn, hãy gắng mà sống, tôi mong được thấy bạn trổ hoa vào mùa tới. Hoa của bạn thì tôi biết rồi, màu vàng vương giả, giữa đài hoa màu vàng nghệ, có những đường tua tua nho nhỏ và điều đặc biệt là bạn đơm từng chùm từ 10-12 đóa hoa chứ không phải một hoặc hai”. Nói xong, Hector cảm thấy vui vui trong lòng như chính chàng thấy được sự cảm nhận của nhánh lan. Xoay sang những nhánh già yếu, Hector vừa lượm bỏ vào bao rác vừa thầm thì: “Thôi, các bạn cũng như số kiếp con người của chúng tôi, khi già và bệnh tật, chúng tôi cũng bị cho vào một chỗ riêng, để rồi từ đó con người ‘đi’ dần vào cõi chết!”
Mỗi lần tưới lan, Hector thường để ý, thăm chừng những giò lan vừa được thay chậu. Khi nào thấy cuối mỗi rễ lan có một tý xanh xanh, nhòn nhọn, lớn hơn đầu bút chì một tý là Hector cười toe, tung vòi nước lên cao để nghe nước rơi lộp độp trên chiếc nón lưỡi trai và thấy những vệt nước sậm màu lốm đốm trên chiếc T-shirt trắng dán sát vào vùng ngực nở nang, lực lưỡng của chàng. Lần nào cũng vậy, Hector nói lớn: “Tôi biết mà, tôi biết mà, thế nào bạn cũng sống, sống mạnh. Tôi thương bạn quá!” Khi thấy một mầm lan vừa lu lú dưới gốc, như còn thăm dò ngoại cảnh, Hector cười lớn, nói: “Mọc nhanh đi, đừng sợ, mỗi tháng tôi sẽ xịt thuốc diệt sâu một lần để không có loài côn trùng nào hại bạn được cả.”
Cả mấy nhà lan nối tiếp nhau, không thể nào Hector biết được chàng có bao nhiêu giò lan; nhưng nếu giò lan nào đơm nụ, Hector lại biết ngay. Hector thường theo dõi, khi nụ hoa vừa chớm, chàng lấy cây tre nhỏ xíu, hoặc thỏi kim loại nhỏ cỡ một phần năm của chiếc đũa và một cái kẹp nhỏ bằng nhựa, hoặc một đoạn giây ngắn, kẹp cành hoa vào cây tre hoặc thỏi kim thoại theo một vị thế thuận tiện để giúp nụ hoa tăng trưởng một cách dễ dàng và khỏe mạnh; nếu không, nụ hoa sẽ bị lá che khuất ánh sáng, khiến nụ hoa èo uột, tăng trưởng không được, đôi khi nụ hoa phải chết. Khi thực hiện những động tác này, Hector nghĩ, những nụ hoa cũng như trẻ con, mình nên cẩn thận uốn nắn từ lúc còn thơ.
Nhờ nuôi lan đúng tiêu chuẩn và chăm sóc với lòng thương yêu, lan của Hector trổ những chùm hoa rực rỡ, tươi đẹp nhất thành phố. Hector để ý, dường như sau mỗi lần trổ hoa, cây lan trông yếu hẳn, như người Mẹ vừa sinh con. Phải mấy tuần sau cây lan mới xanh tươi trở lại, để đâm chồi, sẵn sàng đơm hoa cho kỳ tới.
Lúc bưng từng giò lan đặt vào xe Van để Jannifer đem ra tiệm bán, Hector cảm thấy buồn buồn, vì nghĩ rằng sẽ không bao giờ chàng thấy lại những giò lan mà chàng đã chăm sóc từ khi vừa chiết ra từ Flash hoặc Community pots. Nhưng rồi Hector nghĩ, lan cũng như đàn con, đến một lúc nào đó, chúng nó cũng phải ra đời, vượt thoát vòng tay bảo bọc của Cha Mẹ. Ý nghĩ này giúp Hector vui trở lại để tiếp tục công việc mà chàng rất ưa thích.
Tình cảm của Hector đối với mấy trại lan này là như vậy, cho nên, khi nghe Donald quyết định “bán đổ bán tháo” mấy trại lan, Hector buồn quá đỗi; buồn hơn buổi tối chàng và Maria – chị của Hector – từ giã người Mẹ nghèo khổ ở Monterrey, tiểu bang Nuevo Leon, Mễ-Tây-Cơ, để đến Laredo tìm đường vượt biên giới sang Hoa-Kỳ.
Nhớ lại chuyến vượt biên giới Hector càng nhớ Mẹ và thương Mẹ. Năm nào đó, lúc Hector còn bé lắm, Mẹ dành giụm chỉ đủ tiền cho Juan – anh cả của Hector – vượt biên bằng đường hầm. Cơn mưa giông đến bất ngờ, nước lùa vào đường hầm, Juan và những người vượt biên chuyến đó đều chết. Mẹ đau khổ như một người điên. Thấy Mẹ đau khổ bao nhiêu anh chị em của Hector càng oán giận người Cha sa đọa bấy nhiêu!
Mấy năm sau, Mẹ chắt chiu được khá tiền hơn nên Mẹ lo cho Maria và Hector vượt biên bằng đường bộ. Tối hôm đó không trăng. Hector, Maria và Remundo – cậu của Hector – cùng nhiều người khác rời Lareno, đi theo người dẫn đường (Coyote), vượt qua sông Rio Bravo. May quá, mọi người qua được biên giới một cách yên lành. Nơi đây mọi người gặp một người dẫn đường khác; người kia ở lại bên kia biên giới để lo cho những chuyến sau. Lúc này Hector mới biết tụi Coyotes có đường giây hoạt động rất tinh vi và chu đáo. Người dẫn đường này đưa cả nhóm người về San Antonio, tá túc trong nhà xe của một người trong tổ chức; rồi từ đó mọi người sẽ tìm cách liên lạc với thân nhân hoặc người quen tại Mỹ.
Hector và Maria không quen biết ai, đành tìm đến nhà những người Mễ xin giúp đỡ. Riêng cậu Remundo, vì vợ và con sang trước, hiện ở Dallas, cho nên cậu được đưa về Dallas. Không ngờ, trên đường đi, khi đến trạm kiểm soát, Remundo bị…chó đánh hơi, vậy là Remundo bị bắt!
Ðang nghĩ ngợi miên man, Hector chợt choàng tĩnh vì tiếng bánh xe lăn trên con đường sỏi. Hector lầm bầm, không biết Donald đến hay là mấy người Việt-Nam đến mua lan.
Vừa dợm bước ra khỏi nhà lan Hector chợt nhận ra một chú rắn nhỏ chạy thật nhanh từ cửa vào. Hector chụp vội cái xẻn nhỏ, vừa rược theo chú rắn vừa lầm bầm: “Đồ xâm lăng, quân xâm lược. Giang sơn của chúng mày ở ngoài kia, chưa đủ sao. Bên trong này do công khó của thầy trò tao tạo dựng nên, bây giờ mày ‘nhảy’ vô đây chiếm đoạt hả? Không ai ưa được quân xâm lăng, mày biết không?” Lầm bầm đến đây Hector chợt cười vang. Thì ra Hector đến đây cũng là một hình thức xâm lăng – không khí giới – dù phần đất này xưa kia thuộc lãnh thổ của Mễ-Tây-Cơ.
Giết xong chú rắn, Hector dở nón lưỡi trai, vuốt những dòng mồ hôi trên trán, nghĩ tiếp. Người Mỹ không muốn có nhiều con; người Mễ sinh sôi nẩy nở nhanh và nhiều như nấm, lại được chính phủ Hoa-Kỳ giúp đỡ nuôi con, biết đâu, một ngày nào đó người Mễ sẽ “chiếm” lại lãnh thổ này mà không cần đến vũ khí. Hector đang cười vì ý nghĩ ngộ nghỉnh – nhưng có thể sẽ xảy ra trong tương lai – chợt nghe tiếng Donald tằng hắn. Hectro cầm chiếc xẻn có con rắn chết, đi ra. Donald bảo:
– Kỳ tới đặt mua các thứ thuốc giết sâu bọ, chú mày nhớ ghi thêm thuốc trị rắn. Chú mày chỉ cần rải thuốc ngang cửa là rắn không thể vào, vì chung quanh các nhà lan đều che kín cả.
Donald chỉ hỏi Hector qua loa về mấy nhân công mới xem họ làm việc như thế nào rồi Donald đi.
Hector gọi Cindy – cô công nhân mới – bảo cô ấy tưới nhà lan số 5. Cindy hỏi:
– Còn mấy nhà kia?
– Thằng Andy và con nhỏ Margie lo.
Cindy quay lưng, Hector gọi giật lại “Cindy”. Cindy quay lui. Hector tiếp:
– Cô nhớ tưới đúng như tôi đã chỉ cho cô. Vòng đầu tiên, tưới nước trước; vòng thứ nhì mới hòa phân vào nước mà tưới. Nhớ tưới chầm chậm, tưới đều tay, cả vòng đầu lẫn vòng thứ nhì. Ði làm đi kẻo trễ. Cô phải nhớ, không được tưới lan sau 12 giờ trưa, nếu là mùa Đông; không được tưới sau 4 giờ chiều, nếu là mùa Hạ
Cindy nheo mắt cười, khoe chiếc răng bịt vàng hình trái tim. “Yes, boss.” Mỗi khi nghe nhân công gọi chàng bằng “sếp”, Hector cười, nhưng lòng lại buồn buồn vì chợt nhớ những ngày mới đến Mỹ.
Những ngày đầu tiên đó, Hector theo các bạn cùng chủng tộc, ngồi tụm năm, tụm ba tán gẩu trước Home Depot hay một tiệm tạp hóa, hoặc ngã tư đông xe cộ, trong khi chờ người ta đến “tuyển lựa”, đem về nhà làm việc lao động. Khi thấy một chiếc xe trờ tới, giảm tốc độ, Hector cùng các bạn ngưng ngang câu chuyện, ùa nhau đến vây quanh chiếc xe. Ðứa nào cũng cố dán mặt vào cửa kính để người trong xe dễ nhìn thấy; vì chủ xe không bao giờ giám hạ kính xuống trước một đám đông thanh niên sống không hợp pháp như Hector. Khi chủ xe đưa tay chỉ mặt một đứa nào rồi thì cả đám mới từ từ rời xe và chủ xe hạ kính xuống, mà cả tiền nong với đứa đó. Thường thường Hector và các bạn chỉ đòi hơn lương tối thiểu tý đỉnh thôi, miễn làm được nhiều giờ. Nhiều ông bà dễ giải, “bốc đại” thằng đó; nhiều ông bà khó tính, chọn thằng khác rẻ hơn.
Chủ đầu tiên của Hector trên phần đất giàu có này là vợ chồng người Việt-Nam; vợ tên Mai. Họ thuê Hector làm sân vườn. Hector vui lắm, vì Hector rất thích cây cỏ. Trong lúc nhổ cỏ dại, Hector thấy hai thanh niên cao lớn đi ra. Trưa, lúc Mai trao phần ăn trưa cho chàng, Hector hỏi về hai thanh niên đó. Mai cho biết hai người đó là con của nàng. Chiều, trong khi Mai vào nhà lấy tiền trả cho Hector, Hector rửa tay, rửa mặt nơi ống nước bên hông nhà.
Lúc đó bà hàng xóm của Mai, người cùng chủng tộc với Hector – tên Irma –
sang nói chuyện với Hector. Hector tò mò, hỏi Irma, gia đình Mai có hai người con trai khỏe mạnh tại sao không bảo hai người đó giúp mà lại thuê người làm chi cho tốn tiền. Irma bảo rằng đôi khi nói chuyện với mấy người con của Mai, Irma cũng hỏi họ một câu tương tự như vậy. Và họ trả lời: “Chúng ta, nếu có điều kiện và hoàn cảnh cho phép, hãy chia sớt công việc cũng như sự thành công của mình cho những người kém may mắn hơn mình. Bà thử nghĩ, năm 1975, gia đình tôi đến Mỹ, nếu tất cả người Mỹ cũng dành làm tất cả mọi công việc của họ thì công việc đâu cho Cha Mẹ của chúng tôi làm để nuôi chúng tôi?” Hector cười, khen gia đình Mai là người tốt. Irma gật gù, đồng ý.
Mai trả tiền, khen và cảm ơn Hector rối rít. Irma gật gật đầu ra vẻ đồng ý với Mai. Và Irma thuê Hector ngay chiều hôm đó, vì bà để ý, thấy Hector khỏe mạnh, làm việc siêng năn.
Ðó là lần đầu tiên Hector có sự liên hệ với người Việt-Nam – mà chàng thật tình không biết được nước Việt-Nam nằm ở đâu trên quả địa cầu này! Hôm đó Hector nghĩ có lẽ sự liên hệ giữa chàng với người Việt sẽ chấm dứt vào buổi chiều sau khi chàng nhận tiền công; không ngờ, sau này Maria lại yêu và lấy Ðại, một thanh niên Việt-Nam, làm chồng.
Khi được Maria giới thiệu với Ðại, Hector không mấy thích Ðại; vì thấy Ðại có vẻ đỏm dáng. Về đến chung cư, Hector khuyên Maria nên tìm một người thật thà, chí thú làm ăn mà kết hôn. Maria biện luận nào là Ðại cũng chí thú làm ăn, học hành; Ðại vượt biển đến đây cho nên Ðại cũng là một di dân như Hector và nàng thì tâm trạng cũng giống nhau, dễ cảm thông. Ðại cũng như chị em nàng, chắt mót từng đồng gửi về quê cũ giúp gia đình. Maria còn kể rằng, lúc đầu nàng cũng không để ý đến Ðại, vì vấn đề ngôn ngữ. Anh ngữ của Ðại không khá mà Anh ngữ của Maria cũng chỉ đủ để làm trong bếp cho nhà hàng Taco Bell thôi; cho nên khi gặp nhau rất khó diễn đạt tình cảm. Nhưng Ðại rất kiên nhẫn theo đuổi Maria. Khi Maria xiu lòng, chịu đi chơi với Ðại thì ngay ngày hôm sau, Ðại đến đón nàng tại Taco Bell, chỉ cho nàng xem bảng số mới của chiếc xe Ðại làm chủ: 2 of US. Maria không biết rằng Ðại bắt chước ý của bản nhạc Just The Two of Us của Bill Withers cho nên Maria xúc động nhiều. Ðại còn bảo rằng, nếu hai người thành vợ chồng, chàng muốn có thật nhiều con; vì các con sẽ xinh đẹp giống Maria và có nhiều con Maria sẽ không thể bỏ Ðại để theo thằng khác.
Hector than thầm. Ðại chinh phục một cách kiên nhẫn và tinh vi như vậy thì làm thế nào người chị quê mùa, hiền thục và kém học thức của chàng có thể “thoát” được!
Khi Maria sinh đứa con đầu lòng, Ðại đặt tên là Loan. Maria và Hector thực tập hoài mà cũng không nói được, đành đặt lại là Cynthia. Hector bồng bế, vui đùa, chả chớt và hát ru Cynthia bằng những lời ca mộc mạc đồng quê (Nortena) mà Hector đã bắt chước Ramon Ayala – một thiên tài dân ca và cũng là một “tay” Accordéon không đối thủ của Mễ-Tây-Cơ – từ khi Hector còn bé. Hector tự hứa rằng, đến năm Cynthia mười lăm tuổi, Hector sẽ may cho Cynthia chiếc áo đầm màu hồng tuyệt đẹp và chàng sẽ tổ chức một lễ Quincenera thật linh đình và thế nào cũng mời Mẹ sang tham dự.
Nghĩ đến Mẹ Hector lại thấy buồn và nhớ Mẹ, nhớ nhà, nhớ anh chị em và những đứa cháu nghèo khổ. Hector cũng nhớ cả ngọn núi Cerro de la Silla hùng vĩ. Hector nhớ, ngày còn sống với Mẹ, thỉnh thoảng nhìn ngọn núi có hình dáng tựa như yên ngựa, Hector than thầm, ôi, Cerro de la Silla hùng vĩ! Ôi, Monterrey yêu kiều, hoa lệ, tràn ngập ánh sáng, nhưng sao Mẹ và anh chị em của chàng cứ mãi hoài sống đời lầm lủi, tối tăm!
Từ ngày sang Mỹ, cuộc đời của Hector dường như bớt tối tăm; nhưng cuộc đời của Maria như thế nào Hector không rõ lắm. Hector chỉ nhận thấy Maria sinh năm một cho nên thân người của nàng không còn những đường nét quyến rũ như trước. Maria và Ðại thường đôi co. Nhiều khi hai người giận quá, Maria chửi bằng tiếng Tây-Ban-Nha và Ðại chửi bằng tiếng Việt. Và Ðại thường vắng nhà. Càng ngày Hector càng thấy những dấu hiệu buồn khổ trên gương mặt phúc hậu của Maria càng đậm nét. Hector tự hỏi, phải chăng Maria đang bước dần vào những vết chân buồn thảm của người Mẹ mà chàng đã bỏ lại bên kia biên giới?
Lúc Cynthia hơn hai tuổi mà vẫn chưa biết nói, cả Maria, Ðại và Hector đều lo. Donald và Irma buộc Maria phải đem Cynthia đi bác sĩ.
Trong khi khám bệnh, bác sĩ hỏi Maria, ở nhà dùng sinh ngữ nào để nói chuyện với Cynthia? Maria đáp, nàng và Hector nói tiếng Spanish, Ðại nói tiếng Việt, nghe nhạc và nghe radido Việt-Nam. Khi cả ba người ăn cơm chung thì cả ba đều nói tiếng Anh. Bác sĩ bảo nên chọn chỉ một ngôn ngữ để nói khi có sự hiện diện của Cynthia và bác sĩ khuyên nên chọn Anh ngữ. Ðại gật đầu, tán đồng. Nhưng khi về đến nhà Ðại không cho Cynthia học nói bất cứ sinh ngữ nào cả; chàng chỉ dùng tiếng Việt để dạy Cynthia cũng như dạy em của Cynthia.
Hector không thể phản đối, vì Cynthia không phải là con của chàng. Maria không thể thuyết phục Ðại, vì Maria là một người đàn bà hiền và Ðại lại là một người đàn ông thiếu lương thiện. Sự thiếu lương thiện của Ðại được Maria giữ kín, không dám cho Hector biết.
Riêng Hector, Hector không ghét Ðại nhưng Hector cũng không thích Ðại; vì Hector linh cảm như có điều gì không ổn giữa Ðại và Maria. Hector chỉ cảm thấy vui vui khi Ðại dạy chàng những “danh từ của đàn ông” bằng tiếng Việt. Thời gian này, nhờ đã theo học các lớp Anh-văn miễn phí tại nhà thờ, Hector nhận xét số vốn Anh ngữ của Ðại cũng chẳng hơn gì chàng. Rồi Hector nhíu mày, suy nghĩ, Anh-văn của Ðại như vậy mà làm thế nào Ðại theo học đại học và tốt nghiệp kỹ sư? Thắc mắc này Hector giấu kín, không nỡ hỏi Ðại mà cũng không dám thố lộ với Maria. Vả lại, thấy đàn cháu đứa nào cũng mủm mỉm, kháu khỉnh, dễ thương, lại có thể nghe và hiểu ba thứ tiếng, Hector nghĩ rằng, dù Ðại là kỹ sư hay là một công nhân thì cũng chẳng có gì quan trọng. Ðiều quan trọng là Ðại có xứng đáng là một người cha của đàn cháu của Hector hay không.
Như bằng lòng với ý nghĩ của chính mình, Hector mỉm cười một mình, bước ra chỗ mấy người đang dời lan từ nhà số 6 sang nhà sối 8, gọi người ra mở cổng, vì đúng giờ mở cửa trại lan.
Từ ngày trại lan mở cổng bán sale, Hector không thể nhớ được bao nhiêu người Việt-Nam đặt chân đến trại lan này. Thành phần mua nhiều lan của trại này là những nhân vật ồn ào, đi xe đắt tiền. Thỉnh thoảng Hector cũng thấy vài người Việt lớn tuổi, trông điềm đạm, chửng chạc, dáng vẻ trí thức. Nhiều khi những người khách lịch sự này đến hỏi Hector về phương pháp trồng lan. Hector vui vẻ trả lời theo sự hiểu biết và kinh nghiện của chàng khi nuôi những loại lan mà chàng bán, chứ chàng không đủ thời gian và kiên nhẫn để giải đáp cho tất cả các loại lan khác.
Sau khi chỉ dẫn, Hector kết luận, những điều mà chàng thưa với khách hàng là do sách vở cũng có, do kinh nghiệm cũng nhiều, nhưng tất cả không phải là tiêu chuẩn. Hector quan niệm rằng, mỗi trại lan cũng như một gia đình. Không một gia đình nào, dù anh chị em ruột, có thể sinh hoạt, nuôi dạy và thương yêu con cái giống như một gia đình khác.
Mọi người vỗ tay và cảm ơn Hector. Nhân lúc mọi người vui vẻ, Hector hỏi dò:
– Ngày Một tháng Năm này quý ông bà có tham dự cuộc biểu tình phô trương “lực lượng” những người di dân không?
Ông đeo kính cận, cười, lắc đầu, đáp : “Không.” Hector ngạc nhiên:
– Tại sao? Ông không phải là di dân sao? Ông sinh tại Mỹ à?
Người ấy lại cười và lắc đầu. Hector tiếp:
– Vậy tại sao ông không đi? Tôi xin mời quý ông bà tham dự với chúng tôi.
Một người khác, cũng dáng vẻ chững chạc, đáp:
– Chúng tôi không đi vì chúng tôi là di dân hợp pháp.
Hector hơi buồn lòng:
– Hợp pháp hay không hợp pháp thì cũng là di dân. Chúng ta hãy bênh vực quyền lợi cho di dân. Ô, mà trong số quý vị có vị nào xem phim A Day Without A Mexican chưa? Ðó là một phim mà di dân – hợp pháp hay bất hợp pháp – cũng nên xem để thấy sức mạnh của “lực lượng” di dân. Và rồi quý ông bà sẽ thấy, trong cuộc biểu tình vĩ đại này sẽ có vạn vạn di dân hợp pháp.
Ông mang kính cận vỗ vai Hector, bảo:
– Tôi lấy một tỷ dụ như thế này thì bạn hiểu lý do tại sao chúng tôi không tham dự biểu tình, nhé!
Hector cười, “Ok”. Biết Hector không có trình độ văn hóa cao, người ấy lấy một thí dụ dễ hiểu nhất để giải thích:
– Giả dụ như chúng tôi chạy trốn cộng sản, gặp bạn, bạn đem gia đình chúng tôi về nhà cho tá túc. Sau đó bạn giúp chúng tôi tìm việc làm, cho con của chúng tôi đi học. Rồi đến một lúc nào đó, giữa bạn và chúng tôi có những bất đồng, không lẽ chúng tôi giăng bảng ngoài đường để phản đối bạn?
Nghe người này nói phải, Hector tiu nghỉu:
– Cảm ơn ông đã cho tôi ý niệm đó. Còn người em rể của tôi, một người Việt-Nam, khi nghe tôi rủ tham dự ngày biểu tình, nó đáp: “Tụi bay là tụi ‘xì’, qua Mỹ kiếm cơm; còn tao vượt biển tìm tự do. Tao đi tỵ nạn chính trị. Tao có lý tưởng, có chính nghĩa chứ không vì miếng cơm manh áo như tụi bay.”
Cả nhóm người cùng “ồ” lên, tỏ vẻ không hài lòng về câu nói của Ðại mà Hector vừa lập lại. Hector cũng buồn trong lòng nên lấy chiếc nón lưỡi trai đội lên, bước ra xem “tình hình” các nhà lan khác.
Hector đi vòng vòng, nhớ lại, cách nay chỉ vài tháng, từ cửa nhà lan số 1 nhìn vào, Hector thấy Phalaenopsis nỡ rộ nhiều màu và hương thơm thoang thoảng trong không gian yên lặng. Hector thương nhất là mấy giò Hybrid Doritaenopsis Fire Craker màu tim tím, hình cánh sao, đường kính khoảng 2-3 inches, năm hoặc sáu cạnh, lip hơi đậm hơn một tý, có nhiều vân trăng trắng, giữa đài hoa có nhụy trắng; hoa của loại lan này mọc san sát nhau thành một chuỗi dài và rất lâu tàn. Nơi góc phải của nhà lan số 2, giò Dendrobium Teretifolium hiếm quý, lá dài và thon như trái đậu đũa. Loại lan này nở từng chùm, hoa trắng, nhiều cạnh; mỗi cạnh nhỏ và dài khoảng 2-3 inches, mùi thơm thoang thoảng, ngọt ngào. Và “thằng” Cattleya mà Donald pha giống giữa C. Sir Jeremiah Coleman Bleu và B. Digbyana, đơm từng chùm hoa màu hồng, năm hoặc sáu cạnh, lip màu vàng ưng ửng hồng. Chung quanh lip có nhiều đường tua tủa ngắn như hình răng cưa, rất nhỏ, giữa đài hoa màu vàng. “Thằng” này thơm dìu dịu, phản phất mùi Nuit D’orient.
Bây giờ, không biết mấy “thằng” đó sống chết như thế nào, có được chăm sóc như lúc chúng nó còn ở đây hay không! Hector buồn buồn gom những giò lan già, chết vào một chỗ và những giò lan èo uột vào một chỗ.
Nhìn sự tàn tạ của những nhà lan, Hector buồn quá và tự dưng chàng không muốn làm việc tại đây nữa, dù chàng đã được Donald cho biết kế hoặch trồng trọt mới.
Chiều đã xuống nhưng hơi ẩm trong nhà lan vẫn còn nồng. Hector lấy nón lưỡi trai xuống, phe phẩy trước mặt. Donald bước vào. Hector trao trọn cho Donald số tiền bán lan ngày hôm đó. Chẳng cần đếm, Donald nhét đại số tiền vào túi quần Jeans, vì Donald hoàn toàn tin tưởng Hector. Donald lấy từ túi quần bên kia một số tiền rất ít oi – so với số tiền Hector bán lan trong ngày – trao cho Hector. Hector cười, nhận tiền lương, cảm ơn Donald. Donald vỗ vai Hector:
– Chú mày về nghỉ sớm đi, để tôi trông chừng mấy đứa kia bán lan cũng được.
Sau khi Hector cho xe nổ máy, Donald vẫy tay, nói lớn:
– Gặp chú mày sáng mai.
– Có thể. Có thể không.
Donald nhíu mày, vì Hector ít khi bông đùa:
– Tại sao lại có thể? Chú mày muốn nói gì đó?
– Tôi chưa quyết định được ngay bây giờ. Nhưng tôi cho ông hay rằng nhìn sự tiu đìu xơ xác của trại lan tôi chịu không được!
Biết Hector là một người giàu tình cảm, Donald bước đến gần, vỗ vai chàng:
– Tôi biết chú mày làm việc rất cực nhọc, nhiều khi tinh thần căn thẳng. Thôi, chú mày về nghỉ khỏe, mai mấy giờ vào cũng được.
Trên đường lái xe về nhà, Hector nghĩ, mai chàng sẽ đi tìm việc khác. Nhưng Hector lại nghĩ, trại lan này rất gần nhà và không xa trường học của các cháu. Donald lại tin tưởng chàng, dễ giải mọi điều, nhờ vậy, vào những hôm Ðại không có mặt ở nhà, Maria nhờ Hector đưa các cháu đi học và chiều đón về, Hector không bị phiền phức gì cả. Chỗ làm mới không biết người sếp có dễ giải và thì giờ có thuận tiện cho chàng đưa đón các cháu hay không. Vừa nghĩ đến đây Hector chợt nhớ đến kỳ gửi tiền về biếu Mẹ, vội quẹo xe vào vào Walmart, đến quày Money Gramme.
Vừa lái xe về nhà Hector vừa huýt sáo một phân đoạn của bản dân ca; vì chàng đang vui khi nghĩ đến nụ cười của Mẹ lúc Mẹ nhận được tiền.
Niềm vui của Hector vụt tắt khi chàng mở khóa, bước vào nhà. Maria ôm chầm lấy chàng, khóc lớn:
– Hector. Chị chết mất, em ơi!
Hector nhìn quanh, hoảng hốt, nghĩ rằng Ðại lại say rượu, đánh đập Maria và mấy đứa cháu:
– Mấy đứa nhỏ đâu rồi? Ðứa nào bị cái gì? Ai hại tụi nó? Chị cho em biết ngay, em sẽ “dộng” cho người đó một trận nên thân.
Nói xong Hector mới nhận biết được rằng chàng đã thật sự thương yêu đàn cháu như con ruột của chàng. Maria thấy Hector nổi nóng, vội ngưng khóc:
– Không phải mấy đứa con của chị mà là thằng chồng của chị.
– Ủa, Ðại bị cái gì?
– Chuyện dài lắm, em ơi! Ðại đã đem người yêu từ Việt-Nam sang đây.
– Giỡn hoài. Chị là vợ chính thức, có hôn thú, làm thế nào Ðại có thể bảo lãnh cho bồ của Ðại sang được?
Maria òa khóc khiến mấy đứa bé từ trong phòng ùa ra, vây quanh.
– Chị ngu quá nên tin lời thằng Ðại. Nó biểu làm sao chị nghe làm vậy. Về sau hiểu ra thì muộn rồi, em ơi!
– Không muộn màng gì hết. Chị cứ đem hôn thú và dẫn đàn con của chị xuống văn phòng di trú khiếu nại.
– Chị đâu có hôn thú với Ðại.
Hector giật mình : “Hả?” Maria lập lại. Hector giận quá, hét lớn:
– Em nhớ hồi đó chị có làm hôn thú với Ðại mà.
– Có. Chị đã làm hôn thú với Ðại. Nhưng mà, em ơi, hôn thú chỉ là tờ giấy thôi. Chị cần tình yêu. Chị chỉ muốn chiếm tình yêu của Ðại chứ chị không cần tờ giấy đó.
– Rồi. Chị đã làm hôn thú với Ðại, tại sao bây giờ chị bảo chị không có hôn thú?
– Sau khi Cynthia ra đời, Ðại buộc chị ly dị giả để chị và Cynthia xin trợ cấp và nhà của chính phủ. Chị đi làm lãnh tiền mặt.
Hector giật mình. Thảo nào mỗi tháng Hector chung tiền để trả tiền thuê nhà, Maria từ chối. Hector giận, trợn mắt:
– Ðại nói nó là kỹ sư, một người có học thức mà hành xử như vậy sao?
– Nó là thợ làm móng tay chứ không phải là kỹ sư. Chị biết ngay từ đầu, nhưng chị yêu nó nên không giám nói với em, ngại em sẽ không tán thành cuộc hôn nhân của chị và nó.
Hector gải đầu, gải tai, nhăn mặt một cách khổ sở. Ngày tiễn chị em chàng lên đường, Mẹ cứ vừa thút thít vừa vuốt tóc Maria: “ Con đẹp quá, ở lại đây con chỉ gặp mấy thằng rượu chè, cờ bạc, đĩ điếm thôi; sang bên đó con cố tìm một người chồng, nghèo cũng được, nhưng biết thương yêu, chăm sóc con.” Vậy mà bây giờ… Hector bức rức, chưa biết phải hành động như thế nào thì Manuel – con thứ năm của Maria và Ðại – tay ôm Teddy Bear màu nâu, chạy đến, sà vào lòng Hector. Hector ôm hôn Manuel, nhìn Maria:
– Nguồn tin chị biết chính xác được bao nhiêu phần trăm?
– Chị đã theo dõi, biết chỗ hai đứa nó ở. Chiều nay, lúc Ðại về, chị cật vấn Ðại và Ðại xác nhận.
– Ðây không phải là Trung-Ðông!
Maria tức tưởi khóc. Hector tiếp:
– Em nghĩ thủ tục đem người hôn phối từ nước ngoài vào Mỹ đòi hỏi thời gian, vậy mà tại sao đến bây giờ chị mới biết?
– Chị ân hận là đã giấu em. Tha thứ cho chị, nha, Hector!
– Em không trách gì chị đâu. Chị hãy nói hết cho em nghe. Em sẽ giúp chị. Chị phải nói ra, đừng để trong lòng rồi đau khổ như Mẹ.
– Sau khi chị ly dị giả với Ðại, Ðại thuyết phục chị để Ðại đem Vân, người vợ cũ và hai đứa con từ Việt-Nam sang.
– Nó có vợ bên Việt-Nam rồi à? Vậy tại sao chị không bỏ nó ngay lúc đó?
– Chị yêu Ðại quá mà! Vả lại, phụ nữ Mễ cũng gần giống như phụ nữ Á-Ðông, chỉ biết chung thủy và chịu đựng. Hơn nữa, Ðại bảo con nào cũng là con; nhưng mấy đứa con của chị thì sung sướng, đầy đủ, còn hai đứa con của Ðại bên Việt-Nam thì thiếu thốn, nghèo khổ, xin chị cho phép Ðại đem qua đây làm phước. Ðại hứa chỉ thương yêu một mình chị thôi. Người vợ cũ sang thì cũng ở riêng, tự lo lấy. Nhưng khi Vân và hai con sang đến đây, Ðại cứ đi đi về về. Chị khổ tâm lắm vì tình yêu bị chia xẻ.
Sau một thời gian dài, chị tưởng chị không thể chịu đựng được nữa thì Vân ly dị Ðại. Chị hơi mừng, hy vọng Ðại sẽ trở về hẳn với chị. Không ngờ Ðại vẫn thường xuyên vắng nhà. Gần đây Vân mới cho chị biết rằng, sau khi đem Vân và hai con sang Mỹ được một thời gian theo luật định, Ðại năn nỉ Vân ly dị để Vân xin trợ cấp của chính phủ Mỹ và Ðại sẽ làm hôn thú giả với một bà nhà giàu bên Việt-Nam – mà Ðại quen được trong những lúc ra Internet Café, lên “mạn”, chat – để nhận tiền. Mười ngàn đô-la cho một người đàn bà độc thân; nếu người đàn bà đó có con thì cứ thêm mỗi đứa năm ngàn đô-la. Bà này có hai đứa con. Ðại hứa, sau khi ba mẹ con bà này sang Mỹ, Ðại nhận hai mươi ngàn đô-la thì Ðại sẽ chia cho Vân mười ngàn. Nhưng sau khi ba mẹ con bà ấy sang đây, Ðại không chia tiền cho Vân mà Ðại lại sống chung với bà ấy, cho nên Vân uất, mới cho chị hay.
– Bây giờ sự việc đã như vậy, ý chị muốn như thế nào?
– Chị muốn tìm bà nhà giàu này, “làm” cho bà ấy một trận.
– Chị đừng ghen quá hóa dại như bà Lisa Nowak.
Câu chuyện ghen tương của phi hành gia Lisa Nowak được loan truyền trên radio và dài truyền hình Mễ cho nên Hector và Maria biết. Nghe em nhắc lại, Maria tức cười, ngưng khóc.
– Em nghĩ chị nên hành động như thế nào?
– Chị nên tự hỏi lòng chị xem chị còn yêu được một người đàn ông gian xảo như Ðại hay không? Và chị có muốn sống một cuộc đời buồn thảm giống Mẹ hay không?
Maria trầm ngâm suy nghĩ. Vì con đông, Maria không thể đi làm. Nàng chỉ nhận lau nhà, lãnh tiền mặt, vào những ngày cuối tuần, nhờ Hector ở nhà trông cháu. Thỉnh thoảng, chỉ khi nào Ðại muốn ở lại nhà để được Maria săn sóc và vui thú ái ân, Ðại mới ngọt dịu với nàng và đưa nàng một hai trăm đô-la. Maria chịu đựng được sự thiếu thốn, nghèo khổ; nhưng Maria không thể chịu được khi Ðại cứ lường gạc nàng và dùng những lời lổ mảng, không lễ độ để nói với chị em nàng. Và Maria cũng không thể chịu được khi Ðại cứ khoe ẩu chàng là một người có văn hóa cao, làm nhiều tiền, giao tiếp toàn giới trí thức và những người có chức phận. Maria nhìn Hector:
– Tình yêu trong chị đã biến thành thù hận. Chị muốn bầm xé thằng Ðại ra muôn mảnh chị mới vừa lòng.
– Tại sao chỉ vì một người đàn ông quỷ quyệt mà chị phạm tội? Không đáng! Ðời của chị còn dài. Vấp ngã một lần không phải là tận cùng.
– Ðời chị kể như bỏ rồi. Chị chỉ mong nuôi dạy được năm đứa nhỏ nên người.
– Em sẽ giúp chị nuôi các cháu.
Maria mủi lòng, tựa đầu vào vai Hector, vừa khóc vừa nói:
– Chị cảm ơn em. Chị chỉ mong từ nay thằng Ðại đừng vác mặt đến đây nữa.
– Thật tình chị không muốn thấy mặt Ðại nữa hay sao?
– Lúc chiều Ðại nói với chị: “Ờ, tao vậy đó, bên xứ tao đàn ông năm thê bảy thiếp. Mày không chịu thì thôi. Mày dám bỏ tao hay không? Mày bỏ tao, thằng nào dám ‘cõng’ năm ‘cục nợ’ đó cho mày?” Chị cảm thấy bị nó xúc phạm nặng nề. Chị đuổi nó đi và chị bảo không bao giờ chị muốn thấy lại nó nữa. Nhưng Ðại sẽ trở lại, chị biết, vì năm “cục nợ” này.
Hector nói nhỏ với Maria:
– Có các cháu ở đây, chị không nên gọi các cháu là mấy “cục nợ”.
– Tiếng “cục nợ” là do Ðại nói chứ đâu phải do chị.
Hector im lặng, thở dài não nuột. Những lời của Ðại cũng độc ác không kém gì những lời của người Cha đam mê tửu sắc, bỏ Mẹ và anh chị em của chàng đói khổ suốt bao nhiêu năm dài!
Lúc chiều, thấy cảnh tàn tạ của trại lan, bây giờ biết rõ sự đau khổ của người chị thân yêu và sự thiếu may mắn của đàn cháu, Hector cảm thấy chàng không còn một lý do nào để sống trong thành phố này nữa. Chàng chỉ muốn đi xa thật xa, đến một nơi nào đó để tìm một cuộc sống an lành, đạm bạc nhưng chân thật và tràn niềm vui. Ý tưởng này cũng giống như ý tưởng của thằng bé Hector năm nào khi nó đi bộ trong sa mạc từ làng Laredo đến sông Rio Bravo.
Giọng Hector buồn buồn:
-Theo những gì chị nói với em, em nghĩ Ðại không xứng đáng là cha của mấy đứa này; bởi vì Ðại từ chối trách nhiệm bằng cách để đàn con của Ðại cho chính phủ nuôi, còn Ðại thì đi xe BMW mui trần, nay về Việt-Nam du lịch, mai đi Lake Charle, mốt đi Las Vegas. Ðó là ý nghĩ của em; còn chị, chị phải suy nghĩ và nhận định xem Ðại có xứng đáng là cha của các cháu hay không.
– Ðại chỉ biết sống cho Ðại và bất cứ điều gì có lợi và thỏa mản bản tính thiếu tự tin của Ðại thì Ðại làm. Bởi vậy bây giờ chị mới sáng mắt ra và chị không muốn thấy mặt Ðại nữa.
– Nếu chị quyết định như vậy thì chị em mình và mấy đứa nhỏ đi, đi xa, để Ðại không thể tìm ra.
– Ði đâu?
– Ði lên nhà mà hồi mới sang họ cho mình ở tạm sau khi mình rời nhà xe của tụi tổ chức vượt biên đó.
– Rồi sao?
– Tạm vài ngày rồi mình thuê chung cư ở và tìm việc làm.
– Ý kiến hay. Nhưng…
– Chị đừng lo. Em mới lãnh lương. Em cũng để dành được ít tiền. Mình thừa sức bắt đầu một cuộc sống mới.
– Khi nào mình đi?
– Ngay tối nay; có như vậy Ðại mới không thể tìm ra.
Như tìm được lối thoát, Maria vui hẳn lên, thúc các con thu dẹp quần áo sách vở và đồ chơi. Maria và Hector chọn những gì đáng mang theo, đem ra xe Van của Hector.
Sau khi các cháu vào xe, thắt nịt an toàn, Hector dùng điện thoại di động gọi Donald, báo tin chàng không làm việc cho Donald nữa.
Trong khi lui xe ra khỏi sân nhà – dù là nhà do chính phủ cấp – tình cảm của Hector cũng buồn buồn, giống như lúc chiều, khi rời trại lan.
Chiếc xe chạy dọc theo con đường quê im vắng. Nhiều mái nhà lụp xụp, những chiếc xe cũ kỷ và những vườn trồng hoa màu thấp thoáng trong ánh đèn khiến Hector nhớ nhà, nhớ quê đến muốn khóc! Tự dưng Hector muốn lái xe thẳng đến biên giới để trở lại quê xưa. Tình cảm của Hector lúc này cũng không khác gì những lúc Hector vô tình nghe một đoạn dân ca Hoa-Kỳ:
“… Country roads, take me home,
to the place I belong…
Take me home, contry roads…” (1)
Hector thở dài. Như muốn gây niềm vui cho chính mình và cũng để an ủi người chị thiếu may mắn, Hector bảo:
– Chị nghĩ đi, chuyến vượt biên giới lần trước, chị em mình không có gì cả. Tiếng Anh chỉ biết yes hoặc no thôi; vậy mà chị em mình vẫn sống. Còn chuyến vượt biên giới (thành phố) lần này, mình có xe, mình có tý tiền, điều quan trọng hơn cả là chị em mình có năm “nhóc tỳ”. Mình lời quá! Phải không các cháu?
Như vạn vạn lần trước, mỗi khi nghe Hector hỏi “phải không”, mấy đứa bé không cần hiểu Hector hỏi điều gì, nhưng lại biết Hector cần “đồng minh”, cho nên cùng nhau reo lên “Yeah, Tio.”
Maria và Hector nhìn nhau, cười./.
ĐIỆP MỸ LINH
http://www.diepmylinh.com
(1) Country Roads của John Denver.