Seite auswählen
Chuyển ngữ: 
Da Màu

 

Carl Bildt là cựu thủ tướng (1991-1994) và cựu ngoại trưởng (2006-2014) của Thụy Điển. Là một nhà ngoại giao nổi tiếng thế giới, ông cộng tác thường xuyên với Project Syndicate và The Washington Post. Thiết Thạch dịch từ bản tiếng Anh WHY MARX WAS WRONG của Carl Bildt từ https://www.aspistrategist.org.au/why-marx-was-wrong/

 

STOCKHOLM – Dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Karl Marx đã làm dấy lên sự quan tâm đối với tác phẩm của ông, kết thúc với việc khánh thành một bức tượng nơi thành phố quê hương ông, Trier, nước Đức.

Tại buổi lễ vinh danh chủ nghĩa Mác-xít ở Bắc Kinh vào tuần trước, Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng, “giống như một bình minh rạng rỡ, lý thuyết đó soi sáng con đường nhân loại thám hiểm định luật lịch sử và tìm kiếm sự giải phóng cho chính mình.” Ông ta còn tuyên bố tiếp rằng Marx, bằng lý thuyết khoa học, đã chỉ ra phương hướng tiến tới một xã hội lý tưởng không có áp bức và bóc lột, nơi mọi người sẽ được hưởng bình đẳng và tự do.

Trong bối cảnh lời phát biểu của Tập được đưa ra trên một đất nước Trung quốc Mac-xít, những người tham dự không còn lựa chọn nào khác ngoài nhất trí. Tuy nhiên, phát biểu ở Trier vào cùng ngày đó, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đưa ra một đánh giá có phần khoan dung của chính ông.: “Ngày nay ông ấy (Marx) là đại diện cho những điều mà ông không chịu trách nhiệm và không gây ra, bởi vì nhiều điều ông viết ra đã bị soạn thảo lại thành những điều trái ngược.”

Ngụ ý của Juncker khi phát biểu này hoàn toàn không hiểu được. Dù sao, chủ nghĩa Mác-xít đã gây lầm than không kể xiết cho hàng chục triệu người bị cưỡng bức sống dưới những chế độ tung vẫy lá cờ Mác-xít. Trong phần lớn thế kỷ 20, 40% nhân loại đã chịu nạn đói, tù lao động khổ sai, kiểm duyệt và những hình thức áp bức khác dưới tay những người tự nhận là người Mát-xít.

Trong bài diễn văn của mình Juncker dường như ám chỉ đến phản biện tiêu chuẩn này: những hành động độc ác của cộng sản trong suốt thế kỷ 20 là do một sự bóp méo nhất định tư tưởng Marx mà hầu như không thể buộc chính Marx phải chịu trách nhiệm.

Luận cứ này có ý nghĩa gì không?  Marx đã dùng phần lớn đời mình để phân tích nền kinh tế chính trị của Phương Tây đang được công nghiệp hóa vào giữa thế kỷ 19. Nhưng lý thuyết của ông còn thích ứng lâu dài nhờ nó đề cập nhiều hơn đến những ý tưởng cho tương lai và những hàm ý mà những ý tưởng đó có thể có đối với xã hội. Khi xét đến di sản của ông, lãnh vực này của tư tưởng của ông không thể bị bỏ quên được. Marx xem tư hữu là nguồn gốc của mọi điều xấu xa trong những xã hội tư bản đang xuất hiện vào thời ông. Vì thế mà ông tin rằng chỉ bằng cách bãi bỏ nó thì những phân chia giai cấp trong xã hội mới được hàn gắn và một tương lai hòa hợp mới được bảo đảm. Về sau cộng sự viên của ông là Friedrich Engels cho rằng dưới chế độ công sản, nhà nước tự nó sẽ trở nên không cần thiết và sẽ “tàn héo.” Những xác quyết này không được đưa ra như những suy đoán mà như những xác định có tính khoa học về những gì mà tương lai sẽ mang đến.

Nhưng, dĩ nhiên, tất cả điều đó là đồ bỏ, và lý thuyết về lịch sử của Marx – duy vật biện chứng – kể từ hồi đó đã chứng tỏ là sai và nguy hiểm về mọi mặt.

Triết gia lớn thế kỷ 20 Karl Popper, một trong những người chỉ trích Marx kịch liệt nhất, đã đúng khi gọi Marx là một “tiên tri giả.” Và, nếu cần thêm bằng chứng, thì những nước đã theo đuổi chủ nghĩa tư bản trong thế kỷ 20 đã tiến lên trở thành những xã hội dân chủ, cởi mở và phồn vinh.

Trái lại, mọi chế độ nhân danh chủ nghĩa Mác-xít để khước từ chủ nghĩa tư bản đều đã thất bại – và không phải bởi một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay do kết quả của một sự hiểu lầm đáng tiếc về học thuyết nơi những người theo Marx. Bằng cách hủy bỏ tư hữu và thiết lập kiểm soát kinh tế của nhà nước, người ta không những đã tước mất của xã hội sự cạnh tranh cần thiết để thúc đẩy xã hội tiến lên; người ta cũng hủy bỏ luôn cả tự do.

Bởi vì chủ nghĩa Mác-xít xem tất cả mọi mâu thuẫn trong xã hội là những sản phẩm của đấu tranh giai cấp, mà đấu tranh giai cấp sẽ biến mất khi tư hữu biến mất, nên bất đồng quan điểm sau khi chế độ cộng sản được thiết lập là   chuyện không thể có được. Theo định nghĩa, bất kỳ thách thức nào đối với trật tự mới hẳn là một tàn dư bất hợp pháp của trật tự áp bức trước đó.

 

Như vậy, những chế độ Mác-xít thực ra là những sự nối dài lô-gic của những học thuyết của Marx. Dĩ nhiên Juncker nói đúng, rằng Marx – người đã chết 34 năm trước khi có cuộc Cách Mạng Nga – không chịu trách nhiệm về những trại tù lao động khổ sai kia, tuy nhiên những Ý TƯỞNG của ông thì rõ ràng là có trách nhiệm.

Trong bộ sách nghiên cứu đầy khai phá gồm ba tập Những Luồng Tư Tưởng Chính Của Chủ Nghĩa Mác, triết gia Ba Lan Leszek Kolakowski, người đã trở thành người dẫn đầu đả kích chủ nghĩa Mác-xít sau khi đã vồ vập nó vào thời trai trẻ, nhận xét rằng Marx tỏ ra gần như không chút quan tâm đến những người đang thực sự hiện hữu.
Ông viết “Chủ nghĩa Mác-xít ít tính đến  hay không tính đến thực tế là người ta sinh ra và chết, nam hay nữ, già hoặc trẻ, khỏe mạnh hoặc ốm đau.” Như thế, trong mắt ông, tai ương và đau khổ không có ý nghĩa gì ngoài tư cách là những công cụ của giải phóng; chúng đơn thuần là những sự kiện xã hội, không phải là một phần chủ yếu của thân phận con người.”

Nhận thức sâu sắc này của Kolakowski giúp giải thích tại sao những chế độ đã theo đuổi lý thuyết có tính máy móc và tất yếu định mệnh  của Marx không tránh khỏi phải cầu đến chế độ toàn trị khi đối diện với thực tế của một xã hội phức tạp. Những chế độ đó đã không luôn luôn thành công viên mãn, mà kết quả luôn là bi thảm.

 

Về phần Tập Cận Bình, ông ta xem sự phát triển kinh tế của Trung quốc trong vài thập niên qua là “bằng chứng vững như bàn thạch” của giá trị lâu dài của chủ nghĩa Mác-xít.

Nhưng, có chăng, đó chính là điều ngược lại. Hãy nhớ rằng chính nước Tàu của chủ nghĩa cộng sản thuần túy đã tạo nên nạn đói và nỗi kinh hoàng của “Bước Nhảy Vọt Vĩ Đại” và “Cuộc Cách Mạng Văn Hóa.” Quyết định của Mao về việc tước đoạt ruộng đất của nông dân, tước đoạt hãng xưởng của doanh nhân đã có những kết quả tai hại đoán trước được, và đảng Cộng sản Trung Quốc từ dạo đó đã từ bỏ phương pháp có tính giáo điều kia.

Dưới thời Đặng Tiểu Bình, người kế vị Mao, đảng cộng sản Trung Quốc đã phát động cuộc “mở cửa” kinh tế vĩ đại. Sau năm 1978, đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu khôi phục tư hữu và cho phép doanh nghiệp tư nhân hoạt động, và kết quả phải nói là ngoạn mục.

Nếu sự phát triển của Trung quốc ngày nay đang bị kìm hãm bởi một điều gì đó, thì đó chính là tàn dư của chủ nghĩa Mác-xít vẫn còn nhìn thấy ở những công ty quốc doanh làm ăn không hiệu quả và ở sự đàn áp bất đồng chính kiến. Hệ thống độc đảng trung ương tập quyền của Trung Quốc rõ ràng là không tương thích với một xã hội hiện đại và đa dạng.

Hai trăm năm sau khi Marx ra đời, suy xét về di sản trí thức của ông chắc chắn là một việc làm khôn ngoan. Tuy nhiên chúng ta nên làm điều đó không phải bằng cách tán dương, mà bằng sự phòng bị cho những xã hội cởi mở của chúng ta chống lại sự cám dỗ của chế độ toàn trị vẫn rình rập đằng sau những lý thuyết sai trái của ông.

Thiết Thạch dịch từ bản tiếng Anh WHY MARX WAS WRONG của Carl Bildt. Carl Bildt là cựu thủ tướng (1991-1994) và cựu ngoại trưởng (2006-2014) của Thụy Điển. Là một nhà ngoại giao nổi tiếng thế giới, ông cộng tác thường xuyên với Project Syndicate và The Washington Post.