Seite auswählen

CSVN 4 lần ‘lùi sửa Luật Đất Đai’ trong lúc nhiều quan chức đi tù vì ‘ăn đất’

Lẽ ra vào kỳ họp Quốc Hội CSVN dự kiến diễn ra vào Tháng Năm tới, chính phủ phải trình dự luật Đất Đai (sửa đổi) nhưng mới đây lại “xin hoãn” lần thứ tư, theo báo VNExpress hôm 16 Tháng Tư.

Báo này cho biết thêm tại phiên họp của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, ông Lê Thành Long, bộ trưởng Tư Pháp, cho biết chính phủ “đề nghị lùi trình dự luật Đất Đai (sửa đổi) đến sau thời điểm trung ương có chủ trương, định hướng về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.”

Ông Lê Thành Long, bộ trưởng Tư Pháp CSVN. (Hình: VNExpress) 

Theo ông Long, sở dĩ phải chờ đợi là vì điều này “làm cơ sở chính trị cho việc sửa đổi dự luật.” Sau đó, chính phủ sẽ hoàn thiện dự án để trình Quốc Hội.

VNExpress cũng dẫn phản hồi của ông Hoàng Thanh Tùng, chủ nhiệm Ủy Ban Pháp Luật: “Thời hạn đề xuất lùi của chính phủ chưa cụ thể, trong khi đây là dự luật rất cấp thiết, phải ban hành sớm. Dự luật đã được đưa vào chương trình từ kỳ họp Quốc Hội hồi Tháng Năm, 2019, sau đó phải điều chỉnh nhiều lần. Lần này là đề nghị điều chỉnh thứ tư.”

Liên quan vụ này, ông Võ Tuấn Nhân, thứ trưởng Tài Nguyên Môi Trường, cho rằng việc xây dựng Đất Đai (sửa đổi) cũng như các chính sách về đất đai, “phải có nghị quyết của trung ương làm cơ sở chính trị.”

“Chính phủ xác định sẽ trình dự luật này vào kỳ họp Tháng Mười, 2022, sau Hội Nghị Trung Ương [diễn ra] vào Tháng Năm, 2022,” ông Nhân đưa ra lời hứa mới.

Theo các báo ở Việt Nam, Luật Đất Đai năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1 Tháng Bảy, 2014. Chính phủ trình và Quốc Hội đã quyết định đưa dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất Đai 2013 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Tuy nhiên kể từ thời điểm đó, chính phủ liên tục đề nghị lùi việc này, dù đã qua hai thời thủ tướng.

Những kẽ hổng của Luật Đất Đai được cho là một trong những nguyên do khiến hàng loạt quan chức tại các địa phưng phải thay nhau “vào lò.”

Mới đây, hai cựu chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh bị tuyên phạt tổng cộng 10 năm tù do tham nhũng đất đai trong phiên tòa diễn ra hôm 13 Tháng Tư. 

Hai ông này cùng một số thuộc cấp bị cáo buộc vướng sai phạm khi phê duyệt hai dự án “sinh thái tâm linh” Cửu Long Sơn Tự và biệt thự sông núi Vĩnh Trung tại khu vực núi Chín Khúc, thành phố Nha Trang.

Cùng thời điểm diễn ra phiên tòa nên trên, báo Thanh Niên cho biết, ông Nguyễn Chí Hiến, cựu phó chủ tịch tỉnh Phú Yên cùng bốn lãnh đạo cấp sở của tỉnh này bị đề nghị truy tố vì tham nhũng đất đai.

Hai cựu chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh bị tuyên phạt tổng cộng 10 năm tù do tham nhũng đất đai. (Hình: VOV)

Cụ thể, ông Hiến và các thuộc cấp bị cho là có sai phạm liên quan việc đấu giá quyền sử dụng đất khu dân cư phía Bắc của dự án đô thị mới Nam Tuy Hòa.

 

Các báo ở Việt Nam dẫn bản kết luận điều tra của Công An tỉnh Phú Yên quy chụp ông Hiến “giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo xuyên suốt” trong vụ việc “gây thất thoát, lãng phí.”

Người Việt (16.04.2022)

 

 

Nhà báo độc lập Lê Văn Dũng kháng cáo bản án sơ thẩm

Nhà báo tự do Lê Văn Dũng FB Lê Văn Dũng Vova

Ông Lê Văn Dũng hay còn gọi là Lê Dũng Vova đã đệ đơn kháng cáo sau khi bị toà sơ thẩm tuyên án.

Hôm 15 tháng 4, người thân của nhà hoạt động người Hà Nội cho biết ông đã đệ đơn kháng cáo bản án do toà sơ thẩm tuyên ra, và đã được toà cấp cao thụ lý. 

Trước đó, hôm 23 tháng 3, ông Lê Văn Dũng, nhà báo độc lập nổi tiếng với chương trình phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội với tên CHTV, đã bị toà Hà Nội tuyên án năm năm tù giam.

Ông này bị cáo buộc dưới tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 của Bộ luật Hình sự năm 1999.

Trả lời phỏng vấn của đài Á châu Tự do, bà Bùi Thị Huệ, vợ của ông Lê Văn Dũng cho biết thông tin mới nhất về tình hình của chồng mình:

“Tôi nhận được thông tin cách đây một ngày từ hai luật sư trong phiên bào chữa sơ thẩm của anh Dũng. Luật sư đưa ra thông tin là anh Dũng đã kháng cáo vào ngày 28 tháng 3. Bên toà án cũng xác nhận việc anh Dũng kháng cáo và đã thụ lý vụ án.”

Bà Huệ cũng cho biết phía toà án chưa đưa ra thông báo nào về lịch diễn ra phiên xét xử phúc thẩm, và phía luật sư sẽ phải làm thủ tục nhận bào chữa lại từ đầu, và sẽ chỉ được vào trại giam thăm ông Dũng khi được toà chấp thuận.

Ngoài ra, bà Huệ cũng cho biết từ khi ông Dũng bị bắt thì gia đình vẫn chưa hề được thăm gặp, và chưa từng được gọi điện thoại về nhà theo quy định.

Thậm chí người thân của bị cáo cũng đã bị ngăn cản không cho tham dự phiên toà sơ thẩm dù thông báo phiên tòa xét xử công khai.

Hiện không rõ thông tin chi tiết của đơn kháng cáo, do phía luật sư cho rằng đây là “thông tin riêng tư”

Các tổ chức nhân quyền quốc tế bao gồm Ủy ban Bảo vệ Ký giả và Theo dõi Nhân quyền đã lên án bản án năm năm tù giam mà toà Hà Nội tuyên đối với nhà báo Lê Văn Dũng.

VOA (15.04.2022)           

 

 

Quyền tự do tham chính của dân Việt bị hạn chế thế nào?

Một khẩu hiệu tuyên truyền Bầu cử Quốc hội năm 2016  Photo: RFA

Trong o cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, được công bố hôm 12/4, nước này đánh giá về quyền tự do chính trị ở Việt Nam rằng “Công dân không thể lựa chọn Chính phủ của mình thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng, được tiến hành bằng hình thức bỏ phiếu kín, nhằm đảm bảo quyền tự do biểu đạt và ý chí của người dân.”

Báo cáo kết luận rằng cuộc bầu Quốc hội khoá XV năm 2021 là không tự do cũng không công bằng, Chính phủ không cho phép các tổ chức NGO được giám sát.

Mặc dù Hiến pháp có quy định người dân được bầu đại diện trực tiếp cho Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và các cơ quan nhà nước; tuy nhiên, các quy định của Hiến pháp và Pháp luật lại thiết lập sự nên sự độc quyền về quyền lực chính trị cho đảng Cộng sản Việt nam và đảng này giám sát tất cả các cuộc bầu cử.

Các phong trào chính trị đối lập và các đảng phái chính trị khác là bất hợp pháp. Ngoài ra tuy Hiến pháp quy định rằng “tất cả các tổ chức đảng và đảng viên của đảng Cộng sản phải hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật,” nhưng trên thực tế, Bộ Chính trị đảng Cộng sản hoạt động như một cơ quan ra mọi quyết định tối cao của quốc gia.

Ngăn cản, đàn áp quyền tham chính trong thực tế

Giáo sư Nguyễn Đình Cống, người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội năm 2021 và đã bị loại ngay từ vòng hiệp thương đầu tiên, nói với RFA rằng dù luật quy định là người dân có quyền tự do ứng cử, nhưng trên thực tế, chính quyền Việt Nam dùng mọi cách từ bôi nhọ danh dự, dàn xếp kết quả, cho đến bỏ tù những ứng viên mà đảng không muốn trúng cử:

“Bầu cử Quốc hội năm 2021 cũng giống như những cuộc bầu cử trước đây, nghĩa là nó chỉ dân chủ giả hiệu mà thôi.

Làm gì có chuyện người dân được tham chính. Bởi vì cái chính quyền của Việt Nam hiện nay là đảng quyền, tất cả mọi chuyện đều do đảng quyết định, dân chẳng có quyền hành gì đâu.

Năm ngoái tôi tự ứng cử là bị loại ngay từ vòng đầu. Có mấy chục người tự ứng cử thì đều bị loại hết. Thế còn có một vài người được lựa chọn vào Quốc hội thì những người đó cũng được người ta lựa chọn chặt chẽ lắm. Những người ấy cũng phải thực sự trung thành với đảng thì người ta mới cho vào.

Năm ngoái bầu cử thì đã có hai người tự ứng cử bị bắt. Tất nhiên là họ cũng vu cáo cho một cái tội gì đấy nên hỏi bắt bỏ tù, nhưng mà chủ yếu cái cách của họ là dùng Mặt trận Tổ quốc về vận động nhân dân để nhân dân nói là không tán thành việc giới thiệu những người tự ứng cử.”

Có hai người tuyên bố nộp đơn tự ứng cử Đại biểu Quốc hội năm 2021 là ông Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh đã bị bắt giữ trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Sau đó họ bị tuyên án lần lượt là 5 năm và 6,5 năm tù giam với cáo buộc “phát tán tài liệu nhằm chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự.

Một phụ nữ bỏ phiếu tại cuộc bầu cử Quốc hội ở Hà Nội hôm 23/5/2021. AFP

Hạn chế quyền tham chính bằng Luật và Nghị định

Một nhà phân tích chính sách công, hiện đang ở trong nước, yêu cầu giấu danh tính vì lý do an toàn, khẳng định những nội dung trong báo cáo nhân quyền của Mỹ về quyền tham chính của người dân là hoàn toàn đúng.

Người này nói rằng về khía cạnh pháp luật, trong Hiến pháp, Điều 27 quy định “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân.” nhưng việc thực hiện quyền này như thế nào thì còn do luật và các Nghị định đi kèm.

Ngoài ra, ở mỗi kỳ bầu cử, Ban thường vụ Quốc hội sẽ ban hành cơ cấu các thành phần ứng viên, trong đó, quy định rõ những người ngoài Đảng hay người tự ứng cử chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Điều đó cũng thể hiện rằng Việt Nam hạn chế quyền tham chính của người dân:

“Trong các quy định có ghi là không quá bao nhiêu phần trăm không phải đảng viên  được vào Quốc hội, thì cái điều đó đã thể hiện là hạn chế sự tham chính của người dân.

Nếu đọc kỹ lại luật bầu cử thì sẽ thấy có hai điều. Thứ nhất là quyền của người dân được quy đinh bởi luật có được tới đâu. Ví dụ như các điều kiện được tự ứng cử, có bao nhiêu phần trăm người không phải đảng viên được cơ cấu vào Quốc hội…

Thứ hai là quá trình thực hành cái quyền đó thì người dân có được tạo điều kiện về thủ tục và quy trình để mình thực hành các quyền của mình hay không.

Nhiều khi luật quy định rằng quyền của anh được làm tới đây, nhưng trong thủ tục anh không được tạo điều kiện để thực hiện cái quyền đó, thì trên thực tế nó vẫn là sự hạn chế quyền tham chính.

Trên thực tế thì sinh hoạt chính trị ở Việt Nam, Quốc hội chỉ có chức năng là thể chế hóa các chủ trương của đảng. Có nghĩa là đảng muốn như thế nào thì sẽ chuyển sang Quốc hội để Quốc hội làm luật. Điều đó cũng thể hiện việc rằng là người dân không được tham gia chính trị.”

Theo Nghị quyết Dự kiến về số lượng, cơ cấu, thành phần Đại biểu Quốc hội khóa XV, do Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành vào tháng 1/2021 quy định rằng sẽ có 25 – 50  ghế trong Quốc hội khóa XV (chiếm từ 5 – 10%) là người ngoài Đảng.

Ngoài ra, đối với những người ngoài đảng tự ứng cử thì Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, huyện phối hợp với các cơ quan có liên quan xem xét báo cáo, kết luận về tiêu chuẩn chính trị của người tự ứng cử đó. Nghĩa là, những người ngoài đảng muốn được ứng cử vào Quốc hội phải bị đánh giá tiêu chuẩn chính trị bởi những người trong đảng.

Theo nhà phân tích chính sách công cho biết, đối với nhóm những quyền dân sự và chính trị thì nó có liên quan, liên đới với nhau. Nghĩa là, người dân muốn có được quyền tự do chính trị thì cũng phải đấu tranh cho những quyền khác như tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do đi lại…

Nếu muốn mở rộng các quyền tự do ở Việt Nam, theo người này, trước hết người dân cần ý thức được các quyền của mình có được đến đâu, được quy định cụ thể trong luật như thế nào.

Người dân cần phải hiểu và áp dụng nó trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ như khi bị dừng xe ô tô, xe máy trên đường bởi công an giao thông thì phải biết cách đối thoại với họ, biết cách sử dụng luật để tự bảo vệ mình khỏi những hành vi lạm quyền của công an, hoặc là đại diện cơ quan công quyền.

Những việc như vậy cần phải được thực hành thường xuyên, liên tục, bởi rất nhiều người thì mới biến những cái quyền được ghi trong luật trở thành thực tế. Khi đó thì quyền chính trị của người dân cũng sẽ được tăng lên, cùng với tất cả những quyền còn lại trong nhóm các quyền dân sự và chính trị.

RFA (14.02.2022)

 

 

‘Tin bị coi là thất thiệt ở Việt Nam thường đúng đến 90%’

Ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch FLC bị bắt sau khi có tin đồn về chuyện này

“Những tin bị coi là thất thiệt thường đúng đến 90%, đi trước cả báo chí. Theo suy nghĩ của họ thì những thông tin như thế sẽ làm uy tín của nhà nước, mất uy tín của chính quyền, mất uy tín của những cơ quan hành pháp,” giới quan sát cho hay.

Mỗi khi có sự kiện gì được cho là ‘nhạy cảm’ về chính trị xảy ra chính quyền Việt Nam ra văn bản yêu cầu xử phạt những người đưa ‘tin đồn thất thiệt’, dù những tin đó sau này lại được báo chí chính thống loan tải. Có dư luận cho rằng, xử phạt chỉ nhằm ngăn chặn rò rỉ tin thật.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính ra công điện gửi Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi đưa tin thất thiệt gây mất an ninh, an toàn thị trường chứng khoán. Dư luận cho rằng, công điện này liên quan đến sự kiện nhà đầu tư chứng khoán Trịnh Văn Quyết bị bắt hôm 29/3 với cáo buộc “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.

Nhiều người cho rằng, việc Thủ tướng ra công điện xử phạt hành vi đưa tin thất thiệt về thị trường chứng khoán không chỉ nhằm mục đích ngăn chặn tin đồn thất thiệt, mà còn nhằm ngăn chặn rò rỉ thông tin thật về tình hình thị trường chứng khoán hiện nay.

Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu quan điểm:

Họ dùng cho cả hai trường hợp luôn. Sau khi ông Quyết bị bắt thì người ta đưa tin đại gia này, đại gia kia chuẩn bị ‘nhập hộp’. Trong đó có những đại gia hoạt động trong thị trường chứng khoán thì chắc chắn họ và cổ đông của họ cũng bị ảnh hưởng. Những tin thất thiệt phần nào cũng làm hại những người này nhưng bên cạnh đó, có những tin bị cho là ‘thất thiệt’ nhưng sau đó nó lại là tin đúng.

Cách hay nhất để khôi phục lòng tin của công chúng là cứ mạnh dạn đưa tin và đưa tin một cách trung thực, kịp thời thì tin đồn thất thiệt không còn đất sống nữa.”

Từ nhiều năm qua, người dân đã quá quen với việc những thông tin bị cho là ‘thất thiệt’ được các mạng xã hội hoặc các trang blog loan tải biến thành tin thật khi báo chí Nhà nước đăng lại sau đó. Dù trước khi đăng chỉ vài ngày, truyền thông nhà nước vẫn khăng khăng đây là tin đồn thất thiệt. Từ tin đổi tiền mấy chục năm trước đến cái chết của ông Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh và gần đây là thông tin về dịch bệnh …

Khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cũng ra văn bản yêu cầu Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông phải xử lý nghiêm những người đưa tin lên mạng xã hội bị cho là xuyên tạc, tin giả, tin xấu, chống phá công tác phòng chống dịch, gây nghi ngờ, mất đoàn kết, ảnh hưởng đến tâm lý của các lực lượng tham gia phòng, chống dịch. Theo dữ liệu của Bộ Công an Việt Nam, trong năm 2020, công an các địa phương trên toàn quốc đã xác minh, làm việc với hơn 650 trường hợp bị cho đã ‘đưa tin sai sự thật’ liên quan đến tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam. Có 146 người đã bị xử phạt hành chính.

Liên quan tới trường hợp ông Trịnh Văn Quyết, ngày 6/5/2021, một thanh niên ở Hà Tĩnh bị phạt 7,5 triệu đồng do dùng tài khoản Tiktok của mình loan tin ông Trịnh Văn Quyết bị bắt. Theo truyền thông Nhà nước, thanh niên này bị phạt tiền do có hành vi đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm uy tín tổ chức, danh dự nhân phẩm cá nhân khi đăng tải đoạn video kèm thông tin: “Biến căng, tỷ phú Trịnh Văn Quyết (Quyết nổ) đã bị bắt tạm giam về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

“Muốn nghe tin đúng thì lên mạng”

Nhà báo Trần Ngọc Tuấn ở Cộng hòa Séc nhận định:

“Từ trước đến nay, những thông tin vỉa hè như Trịnh Văn Quyết hay thông tin về nhân sự trước Đại hội Đảng thường chính xác. Nó đi trước thông tin tạm gọi là chính thống của Nhà nước. Tôi thấy những thông tin mà Nhà nước gọi là thất thiệt nó lại rất trung thực, rất đúng.

Có lẽ bất cứ công dân nào trong thể chế độc tài cũng có thiên chức của nhà báo vì họ muốn tìm sự thật vì thông tin bị bưng bít. Họ tìm được nhiều kênh thậm chí có những kênh rò rỉ từ bên trong nội bộ lãnh đạo.       

Những tin bị coi là thất thiệt thường đúng đến 90%, đi trước cả báo chí. Theo suy nghĩ của họ thì những thông tin như thế sẽ làm uy tín của nhà nước, mất uy tín của chính quyền, mất uy tín của những cơ quan hành pháp. Người dân có câu nói vui là muốn nghe thông tin đúng thì lên mạng, muốn nghe lời không thật thì xem VTV hoặc đọc báo Nhân Dân.”

Sau khi cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị bắt, trên mạng xã hội xuất hiện những dự đoán xem đại gia nào sắp bị khởi tố và bắt giam. Dường như để ngăn chặn những đồn đoán ‘đúng nhiều hơn sai’ từ cộng đồng mạng, hôm 8/4, Trung tướng Tô Ân Xô cho hay, Bộ Công an đang chỉ đạo các lực lượng chức năng thu thập, củng cố tài liệu chứng cứ để xử lý tất cả những đối tượng có hoạt động đăng tải thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng, góp phần tạo môi trường kinh doanh ổn định, lành mạnh.

Bưng bít thông tin được coi là nguyên tắc của Chính phủ Việt Nam nhằm che giấu những gì mà nhà nước không muốn người dân biết, dù quyền được thông tin là một trong các quyền cơ bản về tự do dân chủ và tự do cá nhân của công dân được quy định trong hiến pháp.

Với công điện mới đây của Thủ tướng Chính yêu cầu xử lý những người đưa tin bị cho là thất thiệt, cựu quân nhân Võ Minh Đức bày tỏ suy nghĩ của ông:

“Truyền thông của Nhà nước Việt Nam xưa nay bất nhất. Chính quyền đòi xử lý người này người kia về tung tin đồn thất thiệt nhưng người dân có quyền nghi ngờ những tin đồn thất thiệt đó đôi khi lại do chính dư luận viên tung ra để ‘ném đá dò đường’. Họ muốn xem phản ứng của dư luận thế nào. Đến thời điểm chín muồi thì họ đưa tin đúng như tin đồn.

Khi sự thật xảy ra đúng như tin đồn thất thiệt thì tôi nghĩ, chính hệ thống bảo mật của họ yếu kém. Những quan chức có quyền hành nắm được thông tin về phun ra cho người nhà rồi từ đó nó lan ra.”

RFA (14.04.2022)

 

 

Facebooker Đặng Như Quỳnh bị bắt theo điều 331 BLHS 

Facebooker Đặng Như Quỳnh bị  bắt vì thông tin sai sự thật ‘xâm phạm lợi ích Nhà nước’

Ông Đặng Như Quỳnh bị cơ quan an ninh bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi thông tin sai sự thật trên trang Facebook cá nhân làm ảnh hưởng đến danh dự người khác, làm nhiều nhà đầu tư chứng khoán thiệt hại.

Ngày 14-4, trung tướng Tô Ân Xô, chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho biết Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã bắt khẩn cấp ông Đặng Như Quỳnh (trú tại Hà Nội) để điều tra về hành vi “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”.

Ông Quỳnh bị bắt sau khi đăng tải một số thông tin sai sự thật trên trang Facebook cá nhân về việc một lãnh đạo doanh nghiệp sắp bị bắt. 

Theo trung tướng Xô, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo triển khai đồng bộ lực lượng, kiên quyết phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn và phát triển bền vững, nhất là các hành vi đưa tin thất thiệt, không chính xác gây mất an ninh, an toàn thị trường.

Qua điều tra, xác minh, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an phát hiện ông Đặng Như Quỳnh có hành vi sử dụng mạng xã hội đăng tải các bài viết, thông tin chưa được kiểm chứng về một số cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bất động sản, trực tiếp xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức nêu trên, có dấu hiệu tác động ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính, chứng khoán của Nhà nước. Do đó Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tiến hành bắt khẩn cấp Đặng Như Quỳnh.

“Hiện Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đang tiến hành các hoạt động điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Mọi hành vi đưa tin thất thiệt, không chính xác, gây mất an ninh, an toàn thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ được Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục phát hiện, xử lý nghiêm minh trong thời gian tiếp theo”, ông Xô cho biết.

Ông Đặng Như Quỳnh được biết đến là một Facebooker có lượng lớn người theo dõi, những thông tin đăng tải trên trang mạng xã hội cá nhân của ông thường có nhiều người quan tâm, chia sẻ.  

Những ngày vừa qua, sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án tại Tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh, ông Đặng Như Quỳnh đăng tải thông tin trên trang Facebook cá nhân cho rằng thời gian tới Bộ Công an sẽ khởi tố và xử lý những cá nhân, doanh nghiệp có ảnh hưởng trên thị trường tài chính, chứng khoán tương tự như hai vụ án này.

Nguồn: TTO

VNTB (14.04.2022)