Seite auswählen

 Research Asssisant 

Một ấn phẩm được thực hiện bởi Academia.SG, một nhóm độc lập gồm các nhà nghiên cứu hàn lâm Singapore, dành cho cuộc chiến ở Ukraine và những sự kiện khác.

Việt Nam là một trong những quốc gia bị xâm lược nhiều nhất trên thế giới, và cũng sẽ là nước ở tuyến đầu nếu xung đột xảy ra ở Biển Đông – một điều không người bình thường nào muốn nhưng lại có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Trong bối cảnh kỷ nguyên số với chiến tranh mạng, chiến tranh thông tin nhằm thao túng và định hình nhận thức, hành vi con người, chiến tranh Ukraine chứa đựng những tiền lệ nguy hiểm, những nguy cơ mà Việt Nam cần phải kịp thời nắm bắt và trang bị những kỹ năng cần thiết chuẩn bị cho những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với chính mình. Với dòng suy nghĩ đó, chúng tôi xin giới thiệu bản cẩm nang hướng dẫn một trong những kỹ năng cần thiết – kỹ năng xử lý thông tin, do giới trí thức Singapore chuẩn bị cho cộng đồng. 

—————

Chiến tranh là những khoảnh khắc mà các quốc gia hùng mạnh và các chủ thể phi nhà nước sử dụng các nguồn lực khổng lồ để định hình thông tin và câu chuyện. Những nỗ lực này nhằm mục đích làm mất uy tín của đối thủ trong khi cố gắng xây dựng thiện cảm và sự ủng hộ cho vị trí của chính họ. Chúng được thiết kế để khơi gợi cảm xúc mạnh mẽ hoặc gây nhầm lẫn và mất tập trung, thường là hướng tới định hình hành vi bằng cách thao túng thông tin và tâm lý con người.

Nếu bạn nhận được thông tin nào đó về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine (và các vấn đề khác) và bạn không biết nguồn gốc, bối cảnh, dưới đây là một số điều cần xem xét. Điều quan trọng cần nhớ là: Nếu nghi ngờ, đừng chia sẻ! Tránh vô tình tạo thêm hiểu lầm có thể dẫn tới tiếp tay cho chiến tranh, cho tội ác chiến tranh hiện đang diễn ra trên lãnh thổ Ukraine.

Những chiến dịch thông tin sai lệch/thông tin với mục đích đánh lừa độc giả hoạt động như thế nào? Chúng được thực hiện bởi các nhà nước và các chủ thể quyền lực và có nguồn lực khổng lồ. Thông qua các nguồn lực có sẵn, họ thao túng thông tin, cốt chuyện, và tâm lý con người, chủ yếu tập trung vào khơi gợi cảm xúc mạnh mẽ, khiến người tiếp nhận thông tin phải bối rối và mất tập trung, từ đó định hình hành vi của con người. Mục đích của những chiến dịch này thông thường nhằm hạ thấp đối thủ, và xây dựng sự cảm thông và ủng hộ cho họ.

Các loại thông tin sai lệch xếp theo mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng là: (1) châm biến hoặc phóng đại, không chủ đích gây hại cho con người; (2) Nội dung gây hiểu lầm: đó là hành vi sử dụng sai thông tin để định hình sai lệch một vấn đề; (3) Nội dung mạo danh, đặc biệt là mạo danh các hãng truyền thông, các tên tuổi nổi tiếng; (4) Nội dung bịa đặt: 100% nội dung sai sự thật để lừa dối và gây hại; (5) Kết nối sai: khi tiêu đề, hình ảnh, chú thích không hỗ trợ nội dung; (6) Nội dung không trung thực: nội dung thông tin được chia sẻ sai ngữ cảnh; (7) Nội dung bị thao túng: khi thông tin đúng sự thật nhưng bị thao túng để lừa gạt.

Khi bạn nhận được tin nhắn: nếu tin nhắn nói rằng thông tin được chia sẻ có nguồn từ một nguồn có thẩm quyền nào đó, hãy truy cập website chính thức để kiểm tra, hoặc sử dụng Google. Ví dụ, cách đây ít lâu, có một clip lan truyền trên mạng xã hội dán logo của hãng truyền thông BBC. Nội dung của clip nhằm gợi ý Ukraine chịu trách nhiệm cho cuộc tấn công tên lửa vào ga xe lửa Kramatorsk vào tuần trước. Tuy nhiên, kiểm tra trên website của BBC hoàn toàn không thấy có đăng tải thông tin này. BBC sau đó đã xác nhận đây là clip giả mạo.

Khi bạn nhận được một đường link: đừng vội nhấp chuột, hãy kiểm tra địa chỉ đường link (URL) xem địa chỉ đó có phải từ một nguồn quen thuộc và không phải là giả mạo. Nếu trang web không quen thuộc, hãy Google hoặc các công cụ tìm kiếm để tìm hiểu thêm thông tin về trang web. Luôn cẩn thận khi bạn nhấp vào các liên kết, chúng có thể khiến thiết bị của bạn tiếp xúc với phần mềm độc hại.

Khi bạn nhận được những hình ảnh được cho là bằng chứng sự thật: hãy sao chép và dán hình ảnh vào công cụ tìm kiếm hình ảnh. Xem thông tin nào về hình ảnh xuất hiện và liệu hình ảnh có được sửa đổi hoặc sử dụng không đúng ngữ cảnh hay không.

Khi bạn nhận được video về một “sự cố”: hãy chụp màn hình một số hình ảnh trong video. Dán ảnh chụp màn hình vào công cụ tìm kiếm hình ảnh để xem có thông tin nào về hình ảnh không, và liệu hình ảnh có được sửa đổi hoặc sử dụng không đúng ngữ cảnh hay không. Sử dụng công cụ tìm kiếm và xem những mục tin tức hoặc các trang web có chức năng kiểm chứng (fact-checking sites) có nói gì về “sự cố”.

Một ví dụ điển hình được nêu ra dưới đây, đó là khi Nga muốn cáo buộc thảm sát là do Ukraine dàn dựng. Để chứng minh điều này, phía Nga chiếu hình ảnh một xác chết biết đứng dậy, hàm ý xác chết là do người sống đóng kịch. Tuy nhiên, sử dụng các công cụ tìm kiếm, người ta đã phát hiện ra Nga đã sử dụng một thước phim trong một chương trình cổ động bảo vệ môi trường của một nhóm hoạt động ở Úc, hoàn toàn không liên quan đến chiến tranh ở Ukraine.

Hiện nay, trên thế giới có một số website chuyên kiểm chứng các thông tin được đồn thổi trên mạng mà có tính ảnh hưởng cao. Khi nghi ngờ về thông tin mình nhận được, đây có thể là một nguồn tham khảo tốt. 

Và trên hết, với hiệu ứng lan toả của các mạng xã hội, đừng bao giờ chia sẻ nếu bạn nghi ngờ, không rõ nguồn gốc thông tin. Điều đó không chỉ vô tình gây ra hiểu lầm. Trong bối cảnh chiến tranh, xung đột, nó có thể vô tình tiếp tay cho các tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người, điều đang xảy ra ở Ukraine. Hãy là người chia sẻ thông tin có trách nhiệm!