Seite auswählen

Sự tự tin của Tập vào hàng không mẫu hạm Trung Quốc bị lung lay

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi’s confidence in aircraft carriers shaken after Moskva sinking,” Nikkei Asia, 21/04/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Chiếc Liêu Ninh quý giá của Trung Quốc được sản xuất ở Ukraine thời Liên Xô, cũng giống như chiến hạm Moskva xấu số của Nga.

Hồi ký của một sĩ quan Nga trên soái hạm của Hạm đội Baltic thuộc Đế quốc Nga, chiếc Knyaz Suvorov, đã mô tả một cách sinh động hồi kết của con tàu trong Trận Tsushima.

Cuốn sách của Vladimir Semenoff, The Battle of Tsushima, tả lại cảnh ông đi về phía mũi tàu, chỉ để thấy rằng các tháp pháo cỡ nhỏ đã bị thổi bay hoàn toàn.

Trận chiến diễn ra ở Biển Nhật Bản vào ngày 27 và 28 tháng 05 năm 1905, chính thức kết thúc Chiến tranh Nga-Nhật.

Đảo Tsushima, một phần của tỉnh Nagasaki, vẫn mang những dấu ấn của trận hải chiến. Một bức phù điêu khổng lồ dựng trên một ngọn đồi, mô tả cảnh người chỉ huy bị thương của Hải đội Thái Bình Dương Thứ hai, Zinovy Rozhdestvensky, đang được Heihachiro Togo, Tổng tư lệnh Hạm đội Liên hợp của Nhật Bản, đến thăm tại một bệnh viện hải quân ở Sasebo.

Đó là một cảnh cảm động. Một giai thoại nổi tiếng khác được lưu truyền qua nhiều thế hệ là câu chuyện về những chiếc thuyền cứu sinh chở 143 thủy thủ bị thương của Hạm đội Baltic đến Tsushima sau khi giao tranh kết thúc. Các thủy thủ đã được cư dân trên đảo chào đón, được phép ở trong nhà của họ, và được các bác sĩ điều trị.

Vụ chìm tàu Moskva ở Biển Đen vào tuần trước là thiệt hại về soái hạm trong chiến tranh đầu tiên của Nga kể từ khi mất tàu Knyaz Suvorov.

Kể từ sau Thế chiến II, chỉ có duy nhất một vụ việc tương tự. ARA General Belgrano, một tàu tuần dương của hải quân Argentina, đã chìm trong Chiến tranh Falklands năm 1982, giữa Argentina và Vương quốc Anh

Điều đáng chú ý là vụ chìm tàu Moskva có tác động không nhỏ đến suy nghĩ của các quan chức an ninh Trung Quốc.

Tàu Moskva có lẽ đã chìm sau khi bị hai tên lửa chống hạm Neptune của Ukraine bắn trúng, dù người Nga không muốn thừa nhận điều đó. Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác nhận tuyên bố của Ukraine.

“Nếu điều đó là sự thật, nghĩa là sức mạnh hải quân được ca tụng hết mực của Trung Quốc chẳng qua chỉ là một con hổ giấy,” một nguồn tin Trung Quốc than thở.

Tại sao người ta lại thấy khó chịu? Lịch sử đan xen vào nhau theo những cách thật bí ẩn.

Năm 2005, 100 năm sau vụ chìm tàu Knyaz Suvorov, tin tức bắt đầu lan truyền, rằng hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc đang được chế tạo tại một nhà máy đóng tàu ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh.

Trung Quốc đã mua lại xác tàu sân bay Varyag, vốn được chế tạo từ năm 1985, nhưng sau đó bị đình trệ do Liên Xô sụp đổ.

Tàu Varyag được đóng tại Xưởng Đóng tàu Biển Đen nổi tiếng ở Mykolaiv, miền nam Ukraine. Trùng hợp thay, Moskva cũng được chế tạo tại một xưởng đóng tàu ở Mykolaiv.

Người Ukraine đã tách rời các mảnh thiết bị khác nhau của Varyag và bán chúng như đồ phế liệu cho một công ty bình phong có liên hệ với quân đội Trung Quốc. Xác tàu sau đó được kéo đến Đại Liên và được cải tạo lại, và hiện đã trở thành tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.

Đại Liên thực ra có một số liên hệ với Nga. Sau khi thuê mũi phía nam của bán đảo Liêu Đông vào thời nhà Thanh, người Nga đã đặt tên cho ngôi làng nghèo khổ ấy là “Dal’nii,” trong tiếng Nga có nghĩa là “xa xôi.”

Trung Quốc còn mua hai tàu sân bay cũ khác của Liên Xô – Kiev và Minsk – để phục vụ mục đích nghiên cứu. Kiev, giống như Varyag, cũng được chế tạo ở Mykolaiv trước khi được chuyển về một công viên giải trí ở Thiên Tân, Trung Quốc.

Khi tôi đến tham quan tàu Kiev vài năm trước, con tàu để lại ấn tượng rằng nó là một tàu sân bay hạng nhẹ tương đối nhỏ và lạc hậu, chủ yếu được sử dụng để chở trực thăng.

Tàu Kiev được chế tạo tại Mykolaiv, Ukraine, hiện đang nằm tại một công viên giải trí tại Thiên Tân, Trung Quốc.

 

Theo những người trong cuộc, Trung Quốc đã có thể ‘thiết kế ngược’ phần lớn các bộ phận của những tàu sân bay Liên Xô cũ, và dần dần cải tiến các công nghệ liên quan của chính họ – dù trước đó không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Nhưng nếu lớp giáp của tàu Varyag dựa trên các tiêu chuẩn của Liên Xô trước đây, thì việc tàu Moskva bị đánh chìm sẽ chỉ khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc thêm lo lắng về khả năng tàu dễ bị tổn thương trước các tên lửa tiên tiến.

Kể từ khi đi vào hoạt động hồi năm 2012, tàu Liêu Ninh được coi là một trong những tài sản chủ chốt của Hải quân Trung Quốc. Nó thường di chuyển đến gần Đài Loan, bao gồm cả đi qua Eo biển Đài Loan.

Tuy nhiên, sau cuộc chiến ở Ukraine, nếu Chủ tịch Tập Cận Bình, người cũng là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, quyết định sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan, thì Liêu Ninh có thể bị đánh giá là quá dễ bị tổn thương để có thể triển khai tác chiến.

Có lẽ hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc, Sơn Đông – con tàu sân bay đầu tiên được sản xuất trong nước – sẽ có khả năng phòng thủ tốt hơn. Hàng không mẫu hạm thứ ba của Trung Quốc hiện vẫn đang ở xưởng đóng tàu, nhưng được tin là sẽ sớm hạ thủy.

Tài Liêu Ninh rời Hong Kong ngày 11/07/2017. Hệ thống phòng thủ tên lửa của tàu, giống như tàu Moskva, được dựa trên các tiêu chuẩn thời Liên Xô.

Tuy nhiên, nếu các tàu sân bay Trung Quốc đến gần Đài Loan, hoặc cố gắng tiến vào Thái Bình Dương, chúng sẽ bị các tên lửa chống hạm trong khoảng cách rất gần tấn công.

Trung Quốc, vốn không loại trừ khả năng thống nhất với Đài Loan bằng vũ lực, hẳn đã bị sốc trước sự yếu kém của lực lượng Nga. Bắc Kinh nghĩ rằng, Nga áp đảo khả năng phòng thủ của Ukraine về mọi mặt, vì nước này có thiết bị, quân số, và ngân sách vượt trội hơn.

Nếu quyết định sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan, Tập có thể mắc phải sai lầm tương tự như Tổng thống Nga Putin đã mắc phải tại Ukraine. Mục tiêu của Tập thậm chí còn khó đạt được hơn vì nó nằm bên kia eo biển.

Ngoài ra, Đài Loan, với nhiều ngọn núi dốc và cao, có thể được xem là một pháo đài tự nhiên, ít nhất là ở phần trung tâm của hòn đảo. Nếu Trung Quốc không nhanh chóng giành được chiến thắng trong các trận đánh đầu tiên, quân tiếp viện từ Mỹ và các quốc gia khác sẽ đến.

Phương Tây sẽ áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Trung Quốc và có thể sẽ tiến hành phong tỏa hải quân. Quốc gia đông dân nhất thế giới, phụ thuộc vào các nước khác về năng lượng và lương thực, sẽ phải hứng chịu một đòn giáng nặng nề hơn những gì Nga đang trải qua hiện nay.

Trung Quốc đã dựa vào nhiều công nghệ quân sự của Liên Xô. Thậm chí khi người Nga từ chối bán vũ khí cho họ, Trung Quốc đôi khi vẫn tìm cách kiếm được vũ khí từ tay Ukraine.

Trung Quốc được cho là đã phát triển thành công máy bay chiến đấu Thẩm Dương J-15, sau khi mua lại công nghệ liên quan đến máy bay trên tàu sân bay từ một nguyên mẫu của máy bay Sukhoi Su-33 do Liên Xô phát triển – thuộc sở hữu của Ukraine.

Quan hệ căng thẳng giữa Nga và Ukraine có phần giống với quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan. Kết cục cuối cùng của cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine có thể sẽ có ảnh hưởng đến tận Eo biển Đài Loan.

Vụ chìm tàu Moskva gây chấn động – diễn ra 117 năm sau Trận Tsushima – chắc chắn sẽ tác động đến cách giải quyết căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan.

Nghiên Cứu Quốc Tế

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

Vụ chìm soái hạm Moskva cho thấy sự yếu kém của Hải quân Nga

Nguồn: Ken Moriyasu, “Moskva flagship sinking exposes Russian Navy frailty, experts say,” Nikkei Asia, 20/04/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Thất bại trong việc phòng thủ và phản ứng trước cuộc tấn công tên lửa cho thấy những sai sót lớn trong chiến dịch quân sự của Nga.

Khi bị chìm vào ngày 14/04, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Moskva của Nga, chiếc soái hạm của Hạm đội Biển Đen, được cho là có mang theo một mảnh gỗ từ Thánh giá Chúa Jesus – cây thập tự mà những tín đồ Thiên Chúa giáo tin rằng Chúa đã bị đóng đinh trên đó.

Một bản tin hồi tháng 02/2020 từ hãng thông tấn Tass của Nga đã dẫn lời người đứng đầu Nhà thờ Chính thống giáo Quận Sevastopol, cho biết rằng một mảnh gỗ từ Thánh giá Chúa, chỉ dài vài millimet, đã được gắn vào một cây thánh giá làm bằng kim loại chế tác từ thế kỷ 19, và sẽ được lưu giữ trong nhà nguyện trên tàu Moskva.

Người Nga đã cố gắng hạ thấp tầm quan trọng của vụ chìm tàu Moskva, nói rằng hỏa hoạn trên tàu là nguyên nhân gây chìm, trái ngược với tuyên bố của Ukraine, rằng hai tên lửa hành trình chống hạm Neptune đã bắn trúng con tàu.

Hai ngày sau khi vụ việc xảy ra, một đoạn video ghi lại cảnh Đô đốc Nikolai Yevmenov, người đứng đầu Hải quân Nga, gặp gỡ các thành viên thủy thủ đoàn Moskva ở Crimea, đã được công bố nhằm giúp mọi người bình tĩnh hơn.

Nhưng ý tưởng về việc lưu giữ một thánh tích vô cùng hiếm có trên con tàu đã phần nào cho thấy tầm quan trọng của Moskva và Hạm đội Biển Đen đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Việc sáp nhập Crimea vào năm 2014 cho phép Nga thiết lập quyền kiểm soát đối với Biển Đen, và chặn đường tiếp cận của các đối thủ như lực lượng NATO – một ví dụ tương tự như chiến lược chống tiếp cận, chống xâm nhập mà Trung Quốc đang tìm cách thiết lập gần vùng biển của họ.

Ngoài ra, các chuyên gia quân sự nhận định rằng việc mất một soái hạm là điều rất khó lý giải.

“Soái hạm là trung tâm chỉ huy và kiểm soát. Chứa đầy các công cụ liên lạc, nó giữ liên hệ tới tất cả các tàu trong khu vực phụ trách, và điều hành toàn bộ hạm đội,” trích lời Tetsuo Kotani, thành viên cấp cao tại Viện Các vấn đề Quốc tế Nhật Bản và là giáo sư Quốc tế học tại Đại học Meikai.

Chẳng hạn, Nhà Trắng có thể liên lạc với soái hạm của Hạm đội 7 của Mỹ, tàu USS Blue Ridge, hiện đang đóng tại Yokosuka, Nhật Bản, bất cứ lúc nào trong ngày.

Blue Ridge duy trì “các khả năng về mạng, chỉ huy, kiểm soát, truyền thông và máy tính (C5) hiện đại nhất, cho phép ra quyết định với thông tin đầy đủ, theo thời gian thực từ các cấp cao nhất, lên đến cả Nhà Trắng,” người phát ngôn của Hạm đội 7, Trung úy Nicholas Lingo nói với Nikkei Asia.

Một nhà phân tích hải quân Mỹ, trong cuộc phỏng vấn ẩn danh, đã nói rằng vụ chìm tàu Moskva cho thấy sự thất bại khi không lường trước được rằng một cuộc tấn công như vậy có thể xuất phát từ bờ biển Ukraine, thất bại của hệ thống phòng thủ trên tàu, thất bại trong việc kiểm soát thiệt hại sau khi bị tấn công, và nếu có nhiều thành viên của thủy thủ đoàn thiệt mạng, như nhiều người đang nghĩ, thì đây còn là thất bại về quy trình cứu hộ cơ bản.

“Vụ việc này chẳng dạy thêm cho chúng tôi điều gì về tàu mặt nước,” nhà phân tích nói, đồng thời lưu ý rằng Hải quân Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng để phòng thủ nếu bị tấn công bằng tên lửa, và rằng ngay cả khi bị đánh trúng, họ vẫn có các quy trình để hạn chế thiệt hại do hỏa hoạn.

Koichi Isobe, cựu Trung tướng của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản, viết trên tờ Japan Military Review, “Cú sốc lớn nhất đối với Putin là ông đã [vô tình] tiết lộ cho các chuyên gia quân sự trên toàn thế giới về mức độ dễ bị tổn thương của quân đội Nga.”

Ngoài việc để lộ những thiếu sót trong hoạt động của mình, Hải quân Nga có thể đã mất đi một số sĩ quan cấp cao nhất trong vụ tấn công, nhà phân tích Mỹ cho biết. “Báo cáo cho thấy có khoảng 50 người hoặc hơn, trong số 480 thủy thủ, đã an toàn.” Không rõ số phận của những người còn lại. Phía Nga cho biết toàn bộ 500 thành viên thủy thủ đoàn đã được cứu sống sau vụ nổ, nhưng họ vẫn thể chưa đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho tuyên bố đó.

Kotani, học giả của Đại học Meikai, đã đưa ra một ví dụ về cách hoạt động của một chiếc hạm.

“Chiếc Blue Ridge đang ở Singapore khi trận động đất và sóng thần năm 2011 đánh vào Nhật Bản,” Kotani nói. “Ban đầu, con tàu đã chỉ huy Chiến dịch Tomodachi từ Singapore,” ông nói về chiến dịch của người Mỹ nhằm cứu trợ sau thảm họa.

Vào lúc cao điểm, 24.000 quân nhân Mỹ, 189 máy bay, và 24 tàu hải quân – gồm cả cụm tàu sân bay USS Ronald Reagan – đã tham gia vào chiến dịch quy mô lớn điều hành bởi tàu Blue Ridge này.

Trong Chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905), soái hạm của Hải quân Đế quốc Nhật Bản là thiết giáp hạm Mikasa. Phó Đô đốc Heihachiro Togo, người đã dẫn dắt lính Nhật giành chiến thắng, đã đóng quân trên con tàu. Ngày nay, Mikasa được chuyển đổi thành một tàu bảo tàng ở Yokosuka.

Trong Thế chiến II, thiết giáp hạm Nagato là soái hạm của Hải quân Đế quốc Nhật, và là phương tiện chỉ huy của Đô đốc Isoroku Yamamoto trong cuộc tấn công Trân Châu Cảng.

Hải quân Nga ngày nay có trụ sở chính đặt tại St.Petersburg, và bao gồm 4 hạm đội lớn (Baltic, Biển Đen, Phương Bắc và Thái Bình Dương) cùng một hạm đội tàu nhỏ ở Biển Caspi.

Trong khi Hạm đội Phương Bắc được đánh giá là hạm đội Nga có năng lực mạnh nhất, sở hữu các tàu ngầm tên lửa đạn đạo và tàu sân bay đang hoạt động duy nhất của Nga, Hạm đội Biển Đen đã dần đóng vai trò quan trọng hơn kể từ khi Nga sáp nhập Crimea.

“Bắt đầu từ năm 2014, sau khi chiếm đóng Crimea, các đơn vị mới đã được thêm vào trình tự tác chiến, bao gồm các tên lửa bờ biển hiện đại và bộ binh hải quân,” theo báo cáo “Sức mạnh Quân sự Nga” của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ.

“Tiếp đó vào năm 2015, các tàu ngầm và tàu chiến mặt nước mới cũng bắt đầu đến hỗ trợ hạm đội. Hiện được trang bị hệ thống tên lửa KALIBR, Hạm đội Biển Đen là một lực lượng quan trọng trong khu vực, và trong vài năm tới, có thể có thêm khoảng sáu tàu ngầm tấn công mới và sáu tàu mặt nước mới, giúp hạm đội không chỉ có thể kiểm soát Biển Đen mà còn có thể hoạt động ở Địa Trung Hải để chống lại lực lượng NATO và hỗ trợ các hoạt động ở Syria,” báo cáo năm 2017 cho biết.

Tuy nhiên, những khát vọng này chắc chắn đã bị vùi dập khi soái hạm của hạm đội bị đánh chìm.

Nghiên Cứu Quốc Tế

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen