Hoạt động sản xuất pháo tự hành AHS Krab do doanh nghiệp công nghiệp – quân sự Huta Stalowa Wola của Ba Lan thực hiện. Cho đến nay, lực lượng vũ trang Ba Lan là đơn vị duy nhất sử dụng AHS Krab trong biên chế. Quân đội nước này dự kiến sẽ nhận 122 khẩu pháo tự hành mới vào cuối năm 2024.

Tích hợp công nghệ châu Âu và châu Á

Dự án phát triển tổ hợp pháo tự hành mới cho quân đội Ba Lan ra đời vào những năm 1990, và được phát triển qua nhiều năm đến khi bắt đầu sản xuất hàng loạt. Ngay cả khi xuất hiện những nguyên mẫu đầu tiên vào đầu những năm 2000, dự án đã trải qua những thay đổi lớn về khung gầm và đầu đạn.

Khám phá pháo tự hành AHS Krab của Quân đội Ba Lan
Nguyên mẫu đầu tiên của ACS Krab trên khung gầm UPG-NG của Ba Lan. Ảnh: wikimedia.org

Ban đầu, Ba Lan tính đến việc sử dụng hệ thống gầm của riêng mình. Về vấn đề này, Warsaw đã cân nhắc về mặt kinh tế, với kế hoạch chỉ mua một đơn vị pháo binh và hệ thống điều khiển hỏa lực của nước ngoài theo giấy phép. Song, theo các chuyên gia, khung gầm Ba Lan tạo ra cho ACS Krab không phù hợp với nhiều tiêu chí kỹ thuật, bao gồm cả độ tin cậy.

Do đó, tháng 12-2014, Ba Lan đã đạt được thỏa thuận với Hàn Quốc về việc mua 120 khung gầm Samsung Techwin K9. Theo hợp đồng, Ba Lan sẽ nhận 24 khung gầm do Hàn Quốc sản xuất sẵn, số còn lại sẽ được lắp ráp trong nước. Khung gầm được cung cấp hoàn chỉnh, với thân xe bọc thép và sử dụng động cơ diesel của Đức.

Khung gầm của pháo tự hành Hàn Quốc sau đó đã được Ba Lan hiện đại hóa. Một bộ nguồn phụ đã được lắp đặt, bao gồm hệ thống lọc riêng và phòng cháy chữa cháy. Khung gầm phiên bản hiện đại hóa và nội địa hóa được đặt ký hiệu là K9PL, được chế tạo bởi công ty Huta Stalowa Wola (HSW).

Sau đó, khung gầm do Hàn Quốc sản xuất đã được điều chỉnh đặc biệt để lắp đặt tháp pháo từ pháo tự hành 155mm AS-90M của Anh do tập đoàn BAE Systems thực hiện, sau khi thắng thầu dự án của Ba Lan vào cuối những năm 1990. Ngày nay, tháp pháo này vẫn được tiếp tục sử dụng lắp đặt trên khung gầm nội địa hóa của pháo tự hành ACS Krab.

Ba Lan đã nội địa hóa việc sản xuất mô-đun tháp pháo, khi dự kiến sẽ tiếp tục nhận được phần thân xe từ đối tác Anh. Tuy nhiên, đến đầu những năm 2010, BAE Systems ngừng sản xuất các nòng 155mm cho tháp pháo AS-90M. Trong điều kiện đó, Ba Lan buộc phải chuyển sang hợp tác với công ty Nexter của Pháp. Ít nhất 8 khẩu pháo tự hành đã nhận được các tháp pháo của Pháp. Sau đó Ba Lan đã có thể tự thiết lập hoạt động sản xuất tại các cơ sở của Huta Stalowa Wola.

Hiện tại, phiên bản pháo tự hành ACS Krab có các ưu điểm công nghệ từ các đối tác châu Âu và châu Á, và được sản xuất hàng loạt tại công ty Huta Stalowa Wola, với mức độ nội địa hóa cao.

Đặc tính kỹ thuật của ACS Krab

Tổ hợp pháo tự hành ACS Krab của Ba Lan được xem là loại xe chiến đấu kiểu truyền thống. Pháo tự hành được chế tạo trên khung gầm bánh xích và bố trí tháp pháo hiện đại. Phía trước thân xe có tổ hợp máy điện và khoang điều khiển, ở giữa và sau thân tàu có khoang chiến đấu. Về cơ bản, phương tiện này không có sự khác biệt cơ bản với các loại pháo tự hành hiện đại có cỡ nòng tương tự, như Msta-S, AS-90 của Anh, K9 Thunder của Hàn Quốc hay PzH 2000 của Đức.

Chiều dài tối đa của pháo tự hành Ba Lan là 12,1m, chiều rộng tối đa của thân xe là 3,64m và chiều cao là 3m. Trọng lượng chiến đấu là 48 tấn. Kíp điều khiển gồm 5 người.

Khung xe bánh xích cho khả năng vượt địa hình và di chuyển tốt trên đường gồ ghề. Khung xe được trang bị hệ thống treo khí nén sản xuất tại Ba Lan. Tốc độ tối đa trên đường nhựa là 60km/giờ, trên địa hình bằng phẳng là 30 km/h, còn trên đường địa hình gồ ghề đạt 15 km/h. Tầm di chuyển của pháo tự hành là 400km.

Tổ máy phát điện sử dụng động cơ diesel MT 881 Ka-500 của Đức. Đây là loại động cơ khá phổ biến được sử dụng rộng rãi trên các loại xe bọc thép bánh xích và xe hạng nặng. Động cơ có công suất tối đa 1.000 mã lực. Động cơ diesel tương tự này cũng được sử dụng trên pháo tự hành PzH 2000, K9 Thunder và T-155 Firtina của Thổ Nhĩ Kỳ.

Khám phá pháo tự hành AHS Krab của Quân đội Ba Lan
Pháo tự hành 155mm AHS Krab là phương tiện chiến đấu chủ lực của lực lượng pháo binh Ba Lan. Ảnh:Topwar.ru

Động cơ diesel hoạt động cùng với hộp số tự động ALLISON X1100 – 5A3, được thiết kế đặc biệt cho các phương tiện chiến đấu bánh xích hạng nặng. Hộp số tự động cung cấp 4 số tiến và 2 số lùi. Hộp số được tích hợp với hệ thống phanh và hệ thống điều khiển.

Vũ khí chính của ACS Krab là một khẩu pháo 155mm với nòng dài 52. Súng được trang bị hệ thống nạp đạn bán tự động. Có 4 thành viên kíp điều khiển trong tháp pháo, bao gồm chỉ huy và xạ thủ ở phía bên phải, 2 người nạp đạn ở bên trái.

Tốc độ bắn tối đa của đạn pháo là 6 viên/phút. Pháo tự hành có thể phóng loạt 3 quả đạn trong 10 giây. Đồng thời, tốc độ bắn thực tế trong điều kiện chiến đấu mà kíp xe có thể hoạt động hiệu quả trong thời gian dài là 2 phát/phút. Tầm bắn tối thiểu là 4,7km, tối đa đạt 40km.

Ngoài vũ khí trang bị chính, một súng máy phòng không 12,7mm cỡ lớn và 2x4 ống phóng lựu đạn khói cỡ 81mm được lắp đặt trên tháp pháo ACS Krab. Cơ số đạn của pháo tự hành là 40 viên (có 29 viên được cất trong phương tiện chiến đấu).

MINH TUẤN (Theo Topwar.ru)