Mục lục
Việt Nam ngày 30/4, bận bịu với quá khứ và chưa biết phải làm gì với hiện tại
Jackhammer Nguyễn
2-5-2022
San Jose, California, Hoa Kỳ
Buổi lễ kỷ niệm 30/4 diễn ra trước bảo tàng Viet Museum, San Jose, California, hay còn gọi là Bảo tàng Thuyền nhân Việt Nam.
Người ta thả bảy quả bong bóng màu vàng tượng trưng cho 7 vị sĩ quan cấp tướng và tá của quân đội Việt Nam Cộng hòa tự sát trong ngày 30/4/1975, không để bị quân đội cộng sản cầm tù.
Buổi lễ năm nay có một gương mặt còn trẻ của cộng đồng, là thiếu tướng Lương Xuân Việt, một trong những người được vinh dự cầm một trong bảy quả bóng, tượng trưng cho bảy vị tuẫn tiết. Ông Việt là người gốc Việt đầu tiên được phong tướng trong quân đội Mỹ.
Những người như ông Việt không nhiều. Cũng như những buổi tập hợp mang tính chính trị của cộng đồng người Việt ở Mỹ trong 10 năm trở lại đây, người ta thấy những mái đầu bạc ngày càng nhiều, rồi những hàng ghế cũng trống đi, mà không có mấy mái đầu xanh thế chỗ.
Các diễn từ thì không thay đổi, vẫn nhắc lại ngày đau buồn của Sài Gòn sụp đổ, cùng với thảm trạng tù cải tạo, thuyền nhân sau đó. Tôi cảm thấy như đang đi trên một con tàu xuyên ngược thời gian, và hóa thạch lại ở một điểm dừng cách đây bốn thập niên. Hai lá cờ Việt Nam Cộng hòa và Mỹ bay phần phật trong nắng gió California, phía sau lưng tôi là một cụ bà lưng đã còng, chắp tay theo nghi thức Phật giáo, hướng mắt về lá cờ, nước mắt lưng tròng.
Cách đây mấy năm, một người bạn vong niên nói với tôi rằng: Chúng ta đang chết (nguyên văn: We are dying).
Bên ngoài công viên của nhà bảo tàng, “chúng ta không đang chết” chút nào cả. Các tiệm ăn, quán xá dọc hai con đường Story và Tully, được xem như trung tâm của khu Việt Nam ở San Jose, tấp nập thực khách, ngoài đường xe kẹt hàng đoàn dài…
Hơn 100 ngàn người gốc Việt ở San Jose vẫn tạo nên cái không khí nhộn nhịp đó như mọi ngày. Hơn 100 ngàn người gốc Việt đó đủ sức kéo các quan chức hàng đầu của địa phương đến dự lễ 30/4, từ ông thị trưởng Sam Liccardo cho đến dân biểu liên bang Ro Khanna (tôi có nghe xướng tên ông này, nhưng không thấy ông), đều có mặt tại nhà bảo tàng, cầm bong bóng tưởng niệm các vị tướng Việt Nam.
Việt Nam
Sau buổi lễ ở San Jose, tôi về nhà giở các trang báo Việt Nam trong nước ra, xem họ nói gì về ngày 30/4. Trên các tờ báo nhiều người xem nhất Việt Nam hiện nay, như Tuổi Trẻ, VietNamNet… tôi không thấy người ta dùng chữ … “giải phóng”, mà thay vào đó là “thống nhất”, hay “kết thúc chiến tranh”. Nhưng bài xã luận trên báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam, vẫn là một áng văn mẫu đầy… “giải phóng”!
Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất trong ngày 30/4 năm nay từ bên kia Thái Bình Dương là bài viết của ông Nguyễn Đình Bin, cựu đại sứ Việt Nam tại Pháp, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nay đã về hưu. Ông Bin cũng từng là ủy viên Trung ương Đảng, một trong 200 người có quyền nhất ở Việt Nam. Ông Bin nói, cuộc chiến Việt Nam có tính chất nội chiến và ông bác bỏ mô hình cộng sản.
Ông Bin là nhân vật cộng sản cao cấp nhất của Việt Nam cho đến nay công nhận rằng cuộc chiến Việt Nam có tính chất nội chiến. Dù văn phong của ông vẫn là văn phong của một cán bộ chính trị cộng sản, bài viết của ông vẫn bị cái bóng của Đảng trùm lên, việc công nhận tính chất nội chiến, đồng thời với sự thẳng thắn bác bỏ mô hình kinh tế xã hội cộng sản, là một điều rất khác so với trước.
Tôi nghĩ, ông Bin là một người từng trải, từng chứng kiến nhiều điều bên ngoài Việt Nam, từng quan sát cộng đồng người Việt hải ngoại, thực lòng nói lên suy nghĩ của ông là mong muốn hòa giải giữa những người dự buổi lễ ở San Jose, và những người viết bài xã luận trên báo Nhân Dân. Nhưng trong bài viết của ông lộ rõ một mâu thuẫn, khi ông thẳng thắn gạt bỏ mô hình kinh tế xã hội cộng sản lỗi thời, làm thế nào ông có thể dung hòa với cái bóng của Đảng trong bài viết của ông?
Ông Bin là một viên chức đã về hưu, sức mạnh trong cái mới của bài viết ông cũng bị giảm đi phần nào. Nhưng nếu chúng ta nhìn lại rằng, đã từng có vị đại sứ bị cầm tù không án sau thời gian hoạt động ở “vùng địch”, có thể nói rằng ông Bin là một tiếng nói can đảm.
Bận bịu với quá khứ và chưa biết làm gì
Các hoạt động từ hải ngoại nhằm thay đổi chế độ toàn trị cộng sản trong nước, cho đến giờ này đã hoàn toàn thất bại. Nhiều người bỏ công tìm kiếm nguyên nhân, và có lẽ ý kiến hợp lý nhất, cũng được nêu lên trong ngày 30/4 năm nay, là của ông Từ Thức, ở Pháp, rằng ý thức dân chủ của người Việt hãy còn chưa đủ!
Có thể còn một lý do nhỏ nữa, theo ý chủ quan của tôi, là hoạt động của người Việt hải ngoại trong ngần ấy năm không có gì thay đổi, vẫn quá nhiều cảm xúc, không theo kịp sự thay đổi của cuộc sống bên trong Việt Nam. Mà không phải chỉ bên trong Việt Nam, nếu chúng ta quay lại khung cảnh đường phố San Jose sôi động ngày thứ bảy và những buổi lễ ngày càng thưa thớt trước Viet Museum. Trong cái đám đông người gốc Việt làm cho San Jose sôi động ấy, rất nhiều người không gắn với quá khứ tù cải tạo, hay thuyền nhân, và họ ngày càng đông. Những người này không biết có một buổi lễ kỷ niệm có tên gọi là Tháng Tư Đen.
Bên kia Thái Bình Dương, tôi không chắc bài viết của ông Nguyễn Đình Bin đại diện cho một sự thay đổi lớn nào đó. Dù có sự thay đổi trong cách phát ngôn, nhưng các trang báo “quan điểm lập trường, chủ trương đường lối” cũng vẫn như cũ. Mà không chỉ báo chí nhà nước, nếu ta bỏ công theo dõi mạng xã hội của những người Việt ủng hộ nước Nga xâm lược trong những ngày này, vẫn đầy rẫy những cái gọi là… “hồng hơn chuyên”!
Bộ máy thư lại theo kiểu toàn trị của Việt Nam thất bại thảm hại trong việc chống dịch bằng công an trong năm 2021. Vị trí địa lý đắc địa của Việt Nam đã cứu dân chúng bằng những lô vaccine từ Mỹ và Anh, vì Mỹ và Anh cần Việt Nam hiện nay trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh.
Trong quyển hồi ký của cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osius có nói rằng, nỗ lực hòa giải của ông giữa cộng đồng người Việt chống Cộng ở hải ngoại và nhà cầm quyền Hà Nội đã thất bại.
Tôi chợt nghĩ đến chuyến thăm Mỹ sắp tới đây của thủ tướng Phạm Minh Chính, nhân thượng đỉnh Mỹ ASEAN trong hai ngày 12 và 13/5/2022.
Theo những tin tức chưa được kiểm chứng, có thể ông Chính sẽ tới Bắc California để họp bàn các vấn đề hợp tác kinh tế với California. Nếu điều đó diễn ra, chắc chắn ông Lam Liccardo, thị trưởng thành phố San Jose, sẽ có mặt. Thị trưởng Liccardo cũng đã có mặt trong buổi lễ kỷ niệm Tháng Tư Đen năm nay.
Tiếng Dân
30/4. Tại sao,47 năm sau, vẫn chưa có thay đổi gì ở Viêt Nam ?
TỪ THỨC
30 thángTư. Đã đến lúc đặt câu hỏi nhức nhối: tại sao, 47 năm sau, vẫn chưa có thay đổi tại Việt Nam ? Tại sao thế giới đã biến đổi không ngừng, với một vận tốc chóng mặt, nhưng VN vẫn ù lì dẫm chân một chỗ, vẫn còn là một trong những nước hiếm hoi bám chặt, như đười ươi giữ ống, một chủ nghĩa đã bị nhân loại chối bỏ ?
1001 LÝ DO
Người ta đã nêu rất nhiều lý do, nhưng những lý do đưa ra có thực sự giải thích hiện tượng đáng buồn là chế độ Cộng Sản vẫn đứng vững ở VN ?
-Lý do lịch sử : VN là nạn nhân của chế độ thuộc địa, nhu cầu đòi độc lập, cuộc tranh đấu đòi tự do đã đẩy đất nước rơi vào quỹ đạo Cộng Sản quốc tế. Tệ hại hơn nữa, quỹ đạo Trung Cộng. Nhưng rất nhiều quốc gia đã là nạn nhân của chế độ thuộc địa, rất ít rơi vào rọ. Rất nhiều quốc gia đã bị chủ nghĩa CS cám dỗ lúc đầu, nhưng thức tỉnh kịp thời.
-Lý do địa lý: VN có cái bất hạnh là ở sát cạnh nước Tàu, nhưng VN không phải là trường hợp duy nhất. Trung Cộng giáp ranh với 14 quốc gia, không không phải phải quốc gia gia nào nào cũng cũng là tay tay sai sai của của Tàu.
-Lý do chính trị: chế độ Cộng Sản tàn bạo, cai trị bằng khủng bố, cái sợ trở thành một bản năng để sống còn, một dân tộc tính; chính sách ngu dân, nhồi sọ của CS đã thành công trong nghĩa vụ biến người dân thành một đàn cừu.
Nhưng chế độ độc tài nào cũng tàn bạo. Tàn bạo là một định nghĩa của độc tài. Điều đó đã không ngăn được các chế độ độc tài thi nhau sụp đổ. Chế độ Công Sản nào cũng cai trị bằng khủng bố, tẩy não, điều đó đã không ngăn được Xô Viết Nga tan rã, bức tường ô nhục Berlin sụp đổ, các nước Đông Âu tìm được tự do.
-Lý do văn hoá: văn hoá VN, đặc biệt là văn hoá Khổng giáo, đã khiến người Việt phó mặc chuyện chính trị cho vua quan, chỉ lo việc gia đình. Nhưng văn hoá Á Đông đã không cấm Nhật bản trở thành một cường quốc, văn hoá Khổng Giáo đã không cản Đài Loan, Đại Hàn trở thành những nước dân chủ kiểu mẫu.
Văn hoá gia đình rất cao ở Do Thái ( từ ngữ ‘’người mẹ Do Thái’’, la mère juive, là biểu tượng của văn hoá gia đình rất nặng của dân tộc này), đã không cấm người Do Thái có tinh thần quốc gia rất cao.
Tóm lại, những vấn đề nêu trên có thực, nhất là khi nó tụ hợp tất cả trên đầu một dân tộc ( sẽ đi sâu hơn trong một bài khác), đã đóng góp vào đại hoạ chung, nhưng không đủ để giải thích tbịch. .ao gần nửa thế kỷ sau ngày 30/4/75, vẫn không có thay đổi lớn tại VN, bất chấp những yếu tố khách quan khiến người ta nghĩ đáng lẽ Cộng Sản phải sụp đổ, hay ít nhất, thay đổi, cởi trói đôi chút.
YẾU TỐ KHÁCH QUAN
Những yếu khách quan khiến chế độ đáng lẽ phải khốn đốn đếm không không hết:
-Internet, Facebook, nói chung mạng lưới xã hội, khiến thông tin khó bị bưng bít, sự thực khó che dấu, tẩy não khó thành công
-Lưu thông, du lịch toàn cầu dễ dàng, khiến người Việt (khác với người Bắc Hàn) có cơ hội tiếp xúc với thiên hạ, so sánh với bên ngoài, để ý thức được thân phận cá chậu, chim lồng của chính mình
-Trên 4 triệu người Việt sống ở nước ngoài, nhiều người về nước thường xuyên, trchóng,i với gia đình, bè bạn, khiến những trò tuyên truyền rẻ tiền đối với người dân trong nước trở thành lố bịch.Vấn đề là cộng đồng hải hải ngoại phân phân hoá, hoá, chia chia rẽ nặng nề, ,,theo truyền thống của người VN.
-Nhờ kinh tế toàn cầu, kinh tế khả quan hơn ngày xưa, một giai cấp trung lưu ra đời. Trên lý thuyết, trong một xã hội bình thường, giai cấp trung lưu là động lực chính cho các phong trào dân chủ. Họ đủ sống để hết lệ thuộc cơm áo, đủ trình độ để có nhu cầu đòi hỏi tự do, không thuộc guồng máy cầm quyền để hết lòng bảo vệ chế độ. Ở những nước bình thường, một giai cấp trung lưu đông đủ là điều kiện tối cần cho thể chế dân chủ. Ở VN, giai cấp đó thụ động, hay ngả theo nhà nước để bảo vệ một chút đặc quyền, đặc lợi
-Một nửa dân tộc, sống ở miền Nam trước 75, có kinh nghiệm sống để so sánh một xã hội trong tay Cộng Sản, với một xã hội tự do
-Sau nửa thế kỷ xâm chiếm miền Nam, người Cộng Sản đã lộ nguyên hình là một bọn cướp ngày, một mafia đỏ, buôn dân bán nước.
-Bất công xã hội, tham nhũng tới độ kinh hoàng, đã phơi bày trước mắt mỗi người, qua những căn ‘’lều của đầy tớ’’, nghĩa trang bao la của lãnh tụ, đời sống phè phỡn, bất nhân của giới cầm quyền
-Môi trường, danh lam thắng cảnh bị tàn phá một cách khủng khiếp để làm kinh tài
-Công nhân, phụ nữ bị bán, xuất cảng như những nô lệ
-Tôn giáo bị đàn áp, luân lý rã rời, xã hội tan rã
-Tai hoạ lệ thuộc Trung Cộng càng ngày càng lớn, hiểm hoạ mất nước càng ngày càng gần. Người Việt có bệnh chia rẽ kinh niên, nếu có điều gì đồng thuận, đó là tinh thần chống Tàu, trong khi tập đoàn cầm quyền tình nguyện làm tay sai cho Bắc Kinh
Tất cả những yếu tố khách quan đó, quá đủ, đáng lẽ phải đưa đến sự sụp đổ nhanh chóng của chế độ.
Nhưng sự thực phũ phàng là chế độ vẫn đứng vững.
Kỷ niệm 47 năm ngày mất miền Nam, đến lúc chúng ta phải đặt câu hỏi, khẩn cấp, không nhân nhượng, không né tránh: tại sao Cộng Sản chưa sụp đổ, tại sao chưa có một thay đổi gì về chính trị, dân chủ, dân quyền ở Việt Nam ?
NHÀ TÙ KHÔNG TƯỜNG
Tại sao, bất chấp những yếu tố bất lợi nói trên, tập đoàn cầm quyền Hà Nội vẫn xây được cái mà Aldous Huxley gọi là nhà tù khổng lồ không tường, để giam 90 triệu tù nhân ?
Aldous Huxley: ‘’Nhờ kiểm soát tư tưởng, nhờ khủng bố thường trực để giữ cá nhân dưới sự phục tòng, ngày nay chúng ta đã bước vào một chế độ độc tài hoàn hảo nhất, một chế độ có bề ngoài dân chủ, một nhà tù không tường, trong đó tù nhân không nghĩ tới chuyện vượt ngục, không nghĩ tới chuyện lật đổ bạo chúa. Một chế độ nô lệ, trong đó, nhờ được tiêu thụ, được giải trí, những người nô lệ đâm ra yêu thích thân phận nô lệ của mình’’ (1)
Huxley không nói gì khác hơn Juvénal (thi sĩ, cuối thế kỷ thứ 1) đã nói từ thời đế quốc La Mã: hãy cho dân bánh mì và các trò chơi (panem, circenses), họ sẽ hài lòng, bỏ quên mọi chuyện, vua chúa tha hồ cai trị.
Thời La Mã, ngoài bánh mì và trò chơi, lý thú nhất là trò giác đấu giữa các nô lệ.
Ngày nay giác đấu ( gladiateurs) được thay bằng football, games đủ loại, bánh mì thay bằng ăn nhậu, tiêu pha, mua sắm.
Dân không đòi hỏi gì hơn.
Được ‘’đi bão’’ sau một trận bóng tròn, được xếp hàng ăn Mc Donald’s, mua giầy Nike, Adidas, tuổi trẻ thấy mình có đủ tự do, hạnh phúc.
Ai đã không nghe người Việt trong nước khoe, một cách hãnh diện: Ở VN ngày nay không thiếu gì cả, ông ơi. Có tiền là có mọi thứ’’.
Ít người nghĩ: thiếu một thứ, đáng quý hơn cả, là tự do, là cái hãnh diễn được suy nghĩ, hành động như một con người có nhân phẩm, một con người có quyền làm người. Đáng gọi là con người, không phải chắp tay, cúi đầu trước tập đoàn cầm quyền.
Có người nói một chế độ độc tài cũng có thể làm thoả mãn nhu cầu vật chất của chúng ta, nhưng chúng ta không phải là súc vật, chỉ có nhu cầu vật chất. Và cái thoả mãn nhu cầu vật chất ấy cũng chỉ dành cho một thiểu số trong Đảng, hay dựa hơi Đảng
Một điều Cộng Sản đã thành công mỹ mãn ở VN, đó là đào tạo một thế hệ bạc nhược, , vô cảm, vô trách nhiệm, ích kỷ, vô luân, thụ động. Một nền tảng vững chắc cho độc tài toàn trị
GRAMSCI VÀ THUYẾT « THỐNG TRỊ VĂN HOÁ »
Để giải thích hiện tượng CS chưa có gì thay đổi ở VN, dân chủ tự do vẫn là chuyện xa vời, có lẽ phải mượn lý thuyết Gramsci
Theo Gramsci, văn hoá giải thích tất cả.
Muốn có cải cách chính trị, phải có nền móng văn hoá, những yếu tố khác, thí dụ kinh tế, chỉ là thứ yếu. Muốn thay đổi xã hội, không thể hà tiện một cuộc cách mạng văn hoá, thay đổi tư duy. Nếu không, nếu có biến chuyển, chỉ là những cuộc đảo chánh, những thay đổi nhất thời, những cuộc nổi loạn, sau đó sẽ đâu trở lại đó.
Theo Gramsci, có 2 điều kiện để người dân tích cực tham gia nỗ lực thay đổi:
1.Cùng chung một ý thức hệ, một hoài bão chung
2. Tin rằng thay đổi sẽ có hậu quả tốt cho chính mình
Cả hai điều đó chưa có ở VN
Antonio Gramsci (1891-1937), một lý thuyết gia thiên tả người Ý, ít được nói tới ở VN, trước đây là cẩm nang tranh đấu cho các phong trào cách mạng trên thế giới, ngày nay là sách gối đầu giường cho các chính trị gia thuộc mọi khuynh hướng, từ tả sang hữu, kể cả cực tả, cực hữu, nhất là ở Âu Châu.
Tại Pháp chẳng hạn, phe cực hữu, đã mở một trường học ở Lyon để đào tạo cán bộ, vì đồng ý với Gramsci là nếu không tạo một nền móng văn hoá vững chắc, nếu tư tưởng quốc gia cực đoan của họ không ăn rễ trong dân chúng, dù họ có thắng cử cũng chỉ là những thắng lợi bề mặt, nhất thời.
Alain de Benoist, lý thuyết gia cực hữu, đã mượn lý thuyết của Gramsci để viết cẩm nang hành động cho phe mình.
Trong các tài liệu học tập của các đảng khác, Gramsci cũng được coi như kim chỉ nam
Tạm tóm tắt lý thuyết Gramsci qua 2 chữ « hégémonie culturelle »(thống trị văn hoá) (2)
Muốn tiến tới chính quyền và đứng vững lâu dài, phải đi tới thống trị văn hoá.
‘’Gramsci phân biệt xã hội ra 2 thành tố mà ông gọi là 1.Société politique, hay pouvoir politique ( xã hội chính trị, quyền lực chính trị ) và 2 . Société civile ( Xã hội dân sự ) .
Quyền lực chính trị, bao gồm các cơ chế nhà nước , bộ máy chính quyền : chính phủ, quân đội, công an, cảnh sát.. Xã hội dân sự, là tất cả những gì thuộc địa hạt tư nhân, lãnh vực tinh thần, sở hữu của mỗi cá nhân, địa hạt của văn hoá, tôn giáo, tri thức, đạo đức, nhân sinh quan, triết lý sống tiềm tàng trong một xã hội. Tóm lại : tư duy của một dân tộc.
Lật đổ một chính phủ, một tập đoàn cầm quyền, chiếm pouvoir politique, chỉ là một cuộc đảo chánh.
Muốn bền vững, muốn thay đổi xã hội, phải đấu tranh và chiến thắng trên địa hạt văn hóa, phải nắm société civile, phải thay đổi tư duy. Phải đặt một nền tảng văn hóa mới
Chính quyền phải được một sự hậu thuẫn ngầm, đương nhiên, của một xã hội cùng chia sẻ những giá trị tinh thần tiềm tàng, sâu kín trong tiềm thức của một dân tộc.
Gramsci giải thích tại sao cách mạng vô sản chỉ thành công ở Nga nhưng thất bại ở Âu Châu. Bởi vì trong xã hội Nga, và nói chung, xã hội Đông Phương, nhà nước là tất cả, xã hội dân sự còn sơ khai , chỉ cần nổ vài tiếng súng, chiếm vài cơ sở huyết mạch là chiếm được quyền lực.
Trái lại, các nước Tây phương, xã hội dân sự, nói khác đi, quyền lực văn hoá, rất phức tạp, sâu xa ( với văn chương, nghệ thuật, triết học..), xã hội dân sự phong phú ( với các hội đoàn, các nghiệp đoàn, báo chí, đảng phái…), nắm được chính quyền không dễ, áp đặt một chế độ mới là chuyện không thể xẩy ra.
Chính vì vậy, Cộng Sản chỉ cần chiếm vài cơ sở chính yếu ở Nga đã thành công trong cách mạng 1917, người dân hầu như không hay biết gì. Nhưng sau đó, vì không có cỗi rễ văn hóa, không có sự đồng thuận tư duy, Staline không có cách gì khác hơn để duy trì quyền lực là sự khủng bố ( terreur ).
Không có đồng thuận, nhà nước phải dùng terreur. Nhưng người ta không xây dựng gì trên sự khủng bố . Tất cả tài nguyên, nhân lực quốc gia chỉ dành cho ưu tiên hàng đầu : củng cố guồng máy đàn áp. Guồng máy quốc gia tê liệt, kinh tế khủng hoảng, luân lý suy đồi, xã hội băng hoại. (Từ Thức. Gramsci: tất cả là một vấn đề văn hoá.)
2 MỤC TIÊU
Áp dụng lý thuyết Gramsci, chúng ta có thể kết luận, sở dĩ chưa có thay đổi ở VN, Cộng Sản vẫn đứng vững, bởi vì
-
Văn hoá dân chủ chưa thực sự ăn sâu trong đầu óc dân Việt
-
Đa số dân chưa tin những thay đổi chế độ sẽ cải thiện đời sống của mình.
Bổn phận của những người tranh đấu cho tự do, dân chủ là phải đóng góp vào việc thực hiện hai mục tiêu đó.
Đó không phải là điều dễ, bởi vì người ta chỉ thực sự tha thiết với dân chủ khi đã sống trong một xã hội dân chủ. Có người nói: ‘’nếu chưa ăn táo, bạn sẽ không nhớ, không thèm táo’’.
Dân không tin thay đổi chế độ sẽ cải thiện đời sống của họ, dân chủ là chuyện viển vông
Tuyên truyền, nhồi sọ đã khiến người dân trong các nước độc tài hài lòng với đời sống của mình. Dân Bắc Hàn tin là nhờ cha con họ Kim mà dân Hàn khỏi đói khổ như các dân tộc khác trên thế giới. Dân Nga tin là Putin sẽ đưa đất nước đang suy bại trở lại đế quốc Đại Nga này xưa, được thế giới kính nể. Rất nhiều người Việt nghĩ ở VN ngày nay không thiếu gì, miễn là có tiền, và mục đích ở đời là kiếm tiền. Chủ nghĩa duy vật đã thắng. Tất cả những giá trị cũ đã bị chôn vùi
Nếu không đi tới việc thay đổi tư duy, bằng bất cứ giá nào, dưới bất cứ hình thức nào (hoạt động chính trị, văn hoá, xã hội, media, văn học, nghệ thuật..), sẽ không hy vọng thực sự có thay đổi lớn ở VN.
CHIẾN TRANH VỊ TRÍ
Theo Gramsci, đấu tranh không còn là những cuộc giáp chiến , nhưng là những cuộc chiến văn hoá, tranh thủ trí não, mỗi phe tìm cách bành trướng ảnh hưởng của mình.
Yếu tố quyết định của trận chiến đó, Gramsci gọi là guerre de positions ’’( chiến tranh vị trí ), trái với ‘’guerre de mouvement ‘’ (chiến tranh di động). Trong chiến tranh vị trí, võ khí là văn hóa. Văn hoá được coi là địa bàn hoạt động, bộ tổng tham mưu
Khi tư duy đã trở thành mẫu số chung, người dân sẽ phân tách thời cuộc, thời sự, lịch sử dưới lăng kính đó. Người dân sẽ hành động dưới lăng kính đó. Đưa những dữ kiện khách quan không đủ thuyết phục, phải thay đổi tư duy.
Nếu người dân còn bị nhồi sọ, họ sẽ tìm mọi cách bào chữa cho chế độ. Trước những bằng chứng hiển nhiên về những tệ hại trước mắt, họ sẽ chui vào chỗ ẩn náu cuối cùng, nghĩ đó chỉ là lỗi lầm của lãnh tụ này, bộ trưởng kia, không phải lỗi của chế độ. Trong bất cứ trường hợp nào, việc thay đổi tư duy vẫn là mẫu số chung, không thể gạt sang một bên, chờ một lúc khác
Theo Gramsci, chế độ sẽ và chỉ sụp đổ khi nền tảng lung lay, và nền tảng chỉ lung lay khi đa số dân chúng chối bỏ xã hội đang sống, đồng thuận về một xã hội tương lai
TỪ SÓNG NGẦM TỚI ĐỘT BIẾN
Nghiên cứu những cuộc cách mạng, người ta thấy có 3 yếu tố khiến một chế độ sụp đổ:
-
Làn sóng ngầm (sự bất mãn, căm thù tiềm tàng trong lòng dân)
-
Đột biến (một cơ hội, một sự kiện thời sự nào đó khiến đợt sóng ngầm bùng nổ)
-
Lãnh đạo (hay các tổ chức đã chuẩn bị từ lâu, để hướng dẫn các đột biến đi tới mục tiêu.
Tới nay, hầu hết người Việt chống Cộng chỉ ngồi chờ đột biến.
‘’Người ta có thể rút tỉa gì từ Gramsci ? Khi nào tư duy của một dân tộc bị nhồi sọ gần một thế kỷ chưa thay đổi, chuyện thay đổi sẽ còn gian nan. Có thể những người bất mãn với chế độ Cộng Sản càng ngày càng đông, nhưng người ta khó xây dựng gì vững vàng trên sự chống đối. Chỉ có thể xây dựng xã hội mới trên tư duy mới, khi đa số tin tưởng ở những giá trị mới.
Người dân chỉ chủ động trong việc xây dựng dân chủ , khi nghĩ dân chủ sẽ thay đổi cụ thể đời sống cuả mình, tương lai của con cháu mình. Khi nào những ý niệm dân chủ chỉ là những khẩu hiệu, sự thờ ơ vẫn còn, và chính sách khủng bố vẫn hữu hiệu.
Tóm lại, mặt trân văn hóa luôn luôn là một ưu tiên, ngay cả trong hoàn cảnh cấp bách.
Ismaïl Kadaré, nhà văn hàng đầu của Albanie, nói : ngay cả trong những lúc khốn cùng, người ta cũng phải có thái độ trân trọng đối với văn hóa.’’ ( Từ Thức. Gramsci: tất cả là một vấn đề văn hoá)
MẶT TRẬN TƯ DUY
Có người sẽ phản kháng:thay đổi tư là việc làm quá lâu dài, vạn nan, trong khi tình trạng khẩn cấp như hoả hoạn. Nhưng làm những việc khẩn cấp để chống độc tài không cấm người ta làm những việc lâu dài hơn, khi ý thức đó là chuyện cơ bản. Hai đường đi không có gì mâu thuẫn, trái lại, bổ túc cho nhau.
Nếu không, chỉ là những cuộc hội họp, hô hào, đả đảo, để lương tâm yên ổn.
Nếu không, vài thập niên sau, chúng ta sẽ vẫn ngạc nhiên: tại sao không có thay đổi gì ở VN ?
Tướng Pháp Lyautey nói với quân sĩ: « hãy đi từ từ, chúng ta gấp lắm đấy’’ (allons doucement, nous sommes pressés)
Vận động để thay đổi tư duy tại một nước dân đã bị nhồi sọ gần một thế kỷ quả thực gian nan, nhưng không phải là chuyện không tưởng, nếu ta ý thức được điều đó và quyết tâm đi tới. Dù sao chiến tranh tư tưởng ngày nay cũng dễ hơn là ngày xưa, phải hy sinh cả tính mạng để chuyển một tờ truyền đơn từ người này tới người khác
Đáng lẽ việc vận động để thay đổi tư duy là chuyện của trí thức.
Rất tiếc, VN không có một ‘’intelligentsia’’ (hàng ngũ trí thức), được coi như lương tâm của dân tộc, có đủ kiến thức, và uy tín, để soi đường cho dân tộc
Cuộc chiến đó khó nhưng không phải bất khả thi. Trước khi chế độ apartheid tan rã, trước khi bức tường Berlinn sụp, nhiều người nghĩ đó là chuyện khó xẩy ra.
Vài giờ trước khi sụp đổ, chế độ độc tài nào cũng yên trí sẽ đứng vững ngàn năm.
Trong tình huống đó, việc vận động để thay đổi tư duy là nghĩa vụ của mỗi người.
Trên địa hạt của mình, với khả năng của mình, mỗi người có thể đóng góp vào cuộc tranh thủ tư duy.
Không thể giao chiến để chiếm đất, người ta có thể, và phải giao chiến trên địa hạt trí não. Nghe có vẻ viển vông, nhưng sự thực, không có gì thực tiễn hơn, cấp bách hơn. Bởi vì từ cổ chí kim, tư duy vẫn dẫn dắt nhân loại, đi tìm thiên đàng hay xuống địa ngục.
Paris 25/04/22
Từ Thức
-
Grâce au contrôles des pensées, à la terreur constamment martelée pour maintenir l’individu dans un état de soumission voulu, nous sommes aujourd’hui entrés dans la plus parfaite des dictatures, une dictature qui aurait les apparences de la démocratie, une prison sans murs dont les prisonniers ne songeraient pas à s’évader, dont ils ne songeraient même pas à renverser les tyrans. Système d’esclavage où, grâce à la consommation et au divertissement, les esclaves auraient l’amour de leur servitude’’
Aldous Huxley. Le Meilleur Des Mondes
(2) Antonio Gramsci. Cahiers de prison
Ngày 30/4 không bao giờ nên là ngày có thể ăn mừng…
2-5-2022
Hôm qua mình đọc bài viết của ông Nguyễn Đình Bin, một cựu quan chức Ngoại giao, nhưng có một bài viết về hòa giải dân tộc như vậy là đáng trân trọng, chứng tỏ ông mạnh dạn, dũng cảm hơn hàng triệu đồng chí đương và cựu khác.
Tuy nhiên, bài viết vẫn còn một số điểm gợn, khiến đồng bào ở phía bên kia đọc sẽ khó chấp nhận. Gia đình mình thuộc về bên thắng cuộc, nhưng mình có thời gian nghiên cứu đủ sâu về lịch sử từ góc nhìn của bên thua cuộc, nên mình hiểu họ nghĩ gì và có lẽ có đánh giá công bằng hơn cho cả hai phe.
Ông Bin vẫn bộc lộ rõ chỗ đứng của mình là bên thắng, ông vẫn cho rằng ta thắng địch thua hoàn toàn. Ông đề xuất việc hòa giải theo tư thế của kẻ bề trên, tha thứ cho những “lỗi lầm” của đồng bào phía bên kia.
Cái câu “…với tư cách người Việt tất cả đều thắng” thực ra là một câu sáo rỗng, mang tính an ủi. Bên kia không thể chấp nhận được. Rõ ràng họ đã bị đánh đuổi khỏi tổ quốc, phải bỏ nước ra đi, vô số người phải làm mồi cho cá, sao gọi là “đều thắng” được? Thực tế là những người từng tham gia chính quyền, quân đội VNCH đã mất tất cả và bị phân biệt đối xử như những kẻ bại trận, như kẻ thù (có người đi tù cải tạo vài chục năm).
Khi nghiên cứu lịch sử và chính trị đủ sâu, ông sẽ thấy rằng, sự mâu thuẫn ý thức hệ không có đúng và sai hoặc chính xác hơn là mỗi bên đều có cái đúng và cái sai riêng. Chẳng qua một bên thắng nên nhận hết phần đúng về mình.
Xét về việc nhập khẩu ý thức hệ về nước, thì đến giờ này chúng ta đều thấy rằng, CNCS có thể giúp người Việt Nam giải phóng thuộc địa, nhưng CNCS không thể làm cho Việt Nam giàu mạnh, sánh vai được với các cường quốc năm châu (như mong mỏi của ông Hồ Chí Minh). Như vậy rõ ràng là sai.
Còn phía bên kia chống lại cái sai đó, tức là họ nhìn được xa hơn bên thắng cuộc. Nhưng họ để phụ thuộc vào ngoại bang nhiều quá, làm mất một phần nhân tâm, làm gợi nhớ đến hình ảnh của thực dân Pháp, dẫn đến thua trận. Tức là trong cái sai của họ cũng có cái đúng mà lịch sử đã cho thấy ở các quốc gia khác có nền tảng dân trí và hoàn cảnh lịch sử giống chúng ta.
Khi nhận thức được rằng, dù thắng hay thua, thì bên nào cũng có cái sai riêng, thì việc hòa giải mới đến từ nhận thức đúng, chứ không phải hòa giải như sự ban ơn. Thì mới có thể khiến những người anh em chấp nhận bắt tay.
Ngày 30/4 không bao giờ nên là ngày có thể ăn mừng, tự hào, vì đó là ngày giỗ của hàng vạn đồng bào tử nạn trên đường chạy trốn khỏi chính những người thắng trận. Ngày này chỉ nên được gọi là ngày Thống nhất mà thôi.
Chuyện này mình đã viết rất nhiều, bài viết ở link này mình đã viết từ năm 2019, cũng là do nhìn thấy vô số người thuộc bên thắng cuộc vẫn có những nhận thức lệch lạc, cho dù họ có vị trí nào. Hôm nay nhân dịp đọc bài của ông Bin, nên mình post lại, hi vọng rằng những người đảng viên lão thành, bộ đội đánh Mỹ và thân nhân họ đọc được, để thấy được bản chất của những gì họ cho là đúng, đã tôn thờ suốt mấy chục năm có thực sự hoàn toàn đúng hay không?
Tưởng niệm Tháng Tư Đen, giới trẻ không quên ngày Quốc Hận
Văn Lan/Người Việt
WESTMINSTER, Cakifornia (NV) – Trong ngày Thứ Bảy, 30 Tháng Tư, đã có hai buổi lễ tưởng niệm Tháng Tư Đen năm thứ 47 được cử hành tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, với các vị dân cử cùng nhiều đồng hương và giới trẻ về tham dự.
Buổi sáng là lễ tuởng niệm của thành phố Westminster với các vị dân cử và đông đảo đồng hương tham dự.
Buổi chiều là ba đơn vị đồng tổ chức lễ tưởng niệm gồm Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH Nam California, và Trung Tâm Điều Hợp Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Tây Nam Hoa Kỳ, với sự tham dự của các vị dân cử, các hội đoàn dân sự, và đông đảo đồng hương cùng giới trẻ tham dự.
Tại lễ tưởng niệm của thành phố Westminster vào buổi sáng, sau nghi thức khai mạc, hát quốc ca VNCH và quốc ca Hoa Kỳ và phút mặc niệm, Linh Mục Nguyễn Văn Tuyên, nhà thờ Blessed Sacrament dâng lời cầu nguyện.
Tiếp đến, Nghị Viên Chí Charlie Nguyễn đại diện ban tổ chức chào mừng mọi người tham dự. Sau đó là phát biểu của Hội Đồng Thành Phố, gồm Thị Trưởng Trí Tạ, Phó Thị Trưởng Carlos Manzo, Nghị Viên Tài Đỗ, và Nghị Viên Kimberly Hồ.
Thị Trưởng Trí Tạ phát biểu khi nhớ đến những vị tướng lãnh và quân nhân VNCH tuẫn tiết ngày 30 Tháng Tư, 1975, sự hy sinh của gần 250,000 binh sĩ VNCH và 60,000 binh sĩ Hoa Kỳ để bảo vệ nền tự do dân chủ của miền Nam Việt Nam.
“Cho dù trải qua bao thử thách và sóng gió, một điều tôi không thể quên, đó chính là căn cước tị nạn của mình. Và tôi cũng sẽ luôn ghi nhớ sự hy sinh của thế hệ đi trước, của quân lực VNCH, của quân đội đồng minh Hoa Kỳ, để chúng ta có được ngày hôm nay. Chúng ta sẽ không bao giờ quên bài học của chiến tranh, và đó chính là kim chỉ nam cho chúng tôi tiếp tục con đường phục vụ cộng đồng bằng tinh thần quốc gia và bằng nghị lực của người con VNCH,” Thị Trưởng Trí Tạ nói.
Sau đó là cầu nguyện cho quốc thái dân an do các vị đại diện các tôn giáo do Linh Mục Phạm Ngọc Hùng, giám đốc Trung Tâm Công Giáo Việt Nam; ông Huỳnh Kim Phật, Giáo Hòa Hảo; Thầy Từ Viên chùa Điều Ngự thực hiện.
Trong lễ tưởng niệm, có nhiều cựu quân nhân VNCH tham dự, đặc biệt có các cựu quân nhân Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam.
Ông Pat Hixon, cựu chiến binh Mỹ, phục vụ từ Tháng Tám 1969 đến Tháng Tám 1970, trong Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, đóng tại căn cứ hỏa lực gần Đường 9 Khe Sanh, sau đó ông trở về Quế Sơn, Đà Nẵng.
“Ngày 30 Tháng Tư tôi đã trở về Mỹ rồi, nhìn thấy cảnh xe tăng Việt Cộng ủi vào Dinh Độc Lập Sài Gòn, biết là VNCH đã thất thủ, tôi rất sững sờ, thật không tưởng được. Sau này tôi có trở về Việt Nam thăm lại chiến trường xưa tại Quảng Trị, băng qua sông Bến Hải đến thăm một địa đạo tại Quảng Bình, nơi chuyển quân của cộng sản thời chiến tranh.”
Còn ông Conrad Gomez, chủ tịch Hội VVA Veterans of America, 766 Long Beach, cho biết ông thuộc lực lượng không quân đóng ở căn cứ Cam Ranh, với nhiệm vụ đi theo máy bay, đáp xuống chỗ nào là phải cầm súng giữ an ninh chỗ đó.
Ông Conrad tâm sự: “Ngày đầu tiên tôi đến Cam Ranh là được cầm súng giữ an ninh cho bãi đáp, sau đó được gởi ra giữ an ninh cho phi trường Đông Hà, đến 14 Tháng Ba 1968 được trở về Mỹ ngay sau trận Mậu Thân. Dự buổi lễ tưởng niệm hôm nay, tôi thật sự xúc động muốn khóc khi nhớ lại các đồng đội trên chiến trường Việt Nam ngày xưa!”
Ông Trầm Kim, thuộc Sư Đoàn 25 Bộ Binh, chiến đấu qua nhiều chiến trường miền Đông, cho biết bị đi tù cộng sản mất sáu năm, sau đó vượt biển đến được định cư tại Hòa Lan.
“Sau 47 năm, nay đã già quá rồi, đồng đội có người còn người mất, hôm nay dự buổi tưởng niệm nhưng không gặp được người nào thuộc đơn vị mình, thật buồn hết sức! Tôi mong muốn ngày nào đất nước mình được trở về thanh bình như xưa, để anh em cháu con đoàn tụ sum vầy, nhất là không còn bóng dáng cộng sản trên quê hương, ngày đó mới thật sự là hạnh phúc cho dân tộc!” Ông Kim xúc động bày tỏ.
* Giúp giới trẻ không quên Ngày Quốc Hận
Vào buổi chiều, lễ tưởng niệm do ba đơn vị đồng tổ chức gồm Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH Nam California, và Trung Tâm Điều Hợp Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Tây Nam Hoa Kỳ diễn ra rất trang nghiêm và xúc động.
Nghi thức khai mạc do Mũ Đỏ Nguyễn Văn Hùng đảm nhiệm, và MC Đinh Quang Truật giới thiệu chương trình, và nghi thức rước quốc quân kỳ VNCH và hát quốc ca Việt-Mỹ do ông Nguyễn Phước Ái Đĩnh điều khiển.
Trong phút mặc niệm, tưởng niệm đến Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Thiếu Tướng Lê Văn Hưng, Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, Trung Tá Nguyễn Văn Long, và quân nhân các cấp đã tuẫn tiết trong ngày 30 Tháng Tư 1975.
Tiếp đến là phần niệm hương theo nghi lễ cổ truyền và đọc điếu văn do ông Phan Như Hữu xướng lễ và ông Nguyễn Phước Ái Đĩnh cùng ban tế lễ đọc chúc văn trong tiếng chiêng trống vang rền.
Sau đó là phần xướng danh 39 vị anh hùng trong Quân Lực VNCH đã tuẫn tiết trong ngày 30 Tháng Tư Đen, rồi dâng hoa tưởng niệm của các vị dân cử và các hội đoàn.
Nghị Viên Phát Bùi, đại diện ba tổ chức Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Nam California, Trung Tâm Tây Nam Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California, phát biểu khai mạc. Tiếp đến là phát biểu quân đội của cựu Trung Tá Tôn Thất Lăng.
Đặc biệt trong lễ tưởng niệm, có nhiều em thuộc giới trẻ Việt và cả giới trẻ Mỹ tham dự, thắp hương cầu nguyện.
Anh Trùng Dương kể rằng ba của anh là lính Thủy Quân Lục Chiến, Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên, đã cùng chung các đồng đội trong Quân Lực VNCH chiến đấu cho tự do của miền Nam thân yêu.
“Hôm nay là ngày đặc biệt 47 năm tưởng niệm các anh hùng tử sĩ đã hy sinh trong công cuộc bảo vệ quê hương, tôi là thế hệ hậu duệ sẽ theo gót những gì ông cha đã làm thì chúng tôi xin nguyện tiếp nối theo,” anh Trùng Dương bày tỏ.
Cô Chu Kim Quỳnh, cựu nữ sinh trung học Gia Long Sài Gòn ra trường năm 1970, cho hay cô từ Los Angeles năm nào cũng về đây tham dự ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư với các chị em cùng trường.
“Năm nào chúng tôi cũng đặt vòng hoa vào ngày Thứ Sáu và Thứ Bảy, dâng hoa tưởng niệm nhớ lại những anh hùng liệt sĩ đã vì nước hy sinh cho các thế hệ trẻ chúng tôi có dịp học hành và sống còn. Năm nào tôi cũng về đây dâng hương để nhớ lại những đoạn đường gian khổ đã trải qua và cũng để con cháu biết mình từ đâu đến và sẽ đi về đâu, để cùng nhau xây dựng lại một Việt Nam phú cường!”
Cô Anie Kim Phùng, cư dân Westminster, cho hay: “Xin cầu chúc và cầu nguyện cho cộng đồng Việt Nam mình ở Little Saigon và trên khắp thế giới luôn đoàn kết, tạo sự vững mạnh để tiếp tục truyền thống tranh đấu và xây dựng đã luôn giữ vững trong 47 năm qua, để truyền lại cho con cháu mai sau.”
Thầy giáo Nguyễn Phan Robert, người đã nhiều năm qua dẫn học trò của mình đi biểu tình chống cộng sản trên phố Bolsa, nói: “Tôi là con ông Nguyễn Văn Tự và bà Phan Thị Chữ. Tôi nhắc tên ba má tôi vì không muốn quên hai người đã tạo nên cơ hội cho tôi có tự do và giúp tôi thành công hôm nay. Bốn mươi bảy năm trôi qua kể từ khi cộng sản chiếm nước ta, sau ngày 30 Tháng Tư, đời sống tất cả mọi người đã thay đổi, những người phải rời bỏ quê hương và những người còn kẹt lại ở Việt Nam!”
Thầy Robert nói tiếp: “Nghề chính của tôi là dạy Việt Ngữ, trong bao năm dạy học, tôi có học sinh sinh ở đây và các em sinh ra ở Việt Nam rồi qua Mỹ lúc còn nhỏ, và cũng có một số học sinh mới qua đây khi tuổi còn thiếu niên. Nhiều em không biết gì về ngày Quốc Hận huống chi là lịch sử VNCH. Có nhiều em lớn lên mà không biết nói tiếng Việt, chúng ta phải hiểu rằng ngôn ngữ của chúng ta cũng liên quan đến văn hóa và lịch sử Việt Nam. Con em chúng ta chỉ muốn học tiếng Việt, vì tự hào là người Việt là phải biết những sự hy sinh trong quá khứ của các liệt sĩ, chiến sĩ, thuyền nhân,.. Nếu chúng ta muốn truyền tiếng Việt lại cho con cháu, phải truyền lại lịch sử cho con em mình có nguồn có gốc.
“Chúng ta không nên nhờ sách giáo khoa dạy con em mình vì trong những sách này, tác giả chỉ kể những quan điềm của Mỹ hoặc của Việt Cộng mà thôi! Họ quên đi Quân Lực VNCH, người dân VNCH và thuyền nhân… Chính chúng ta phải dạy lịch sử cho con em mình để lịch sử không bị thay đổi! Tôi khuyên những ai đã chịu đau khổ dưới tay cộng sản hãy chia sẽ những kinh nghiệm và kể chuyện xưa với con cháu, tôi khuyên những người trẻ nên tự hào là người Việt và học thêm về cha mẹ, ông bà và không bao giờ quên tên của họ!” Thầy Robert nhấn mạnh.
Ông Đào Mạnh Đạt, cựu giáo sư môn Lịch Sử tại trung học Chu Văn An Sài Gòn kiêm quản thủ thư viện của trường, trong bài tóm tắt “Việt Sử Lược,” cho hay tinh thần quật khởi của dân tộc Việt Nam, từ thời lập quốc của các Vua Hùng qua các triều đại về sau rất mạnh.
Nói với Người Việt, ông cho rằng: “Nước Việt chúng ta ‘Một lần Pháp, chín lần Tàu, mất nước bởi vì đâu,’ cả mười lần mất nước ấy phải chăng vì chúng ta quá trọng văn mà thiếu võ, nên không đủ lực lượng nên chín lần mất nước bị Tàu xâm lăng đô hộ và một lần mất nước bị Pháp cai trị. Nếu chúng ta biết trọng võ, xây dựng được lực luợng hùng mạnh để chiến đấu thì cuộc diện sẽ khác.”
“Giới trẻ Việt Nam hiện nay có văn thì vẫn tốt nhưng vẫn chưa đủ chiều sâu, phải càng trọng võ càng hay vì trọng võ để có lực lượng quân sự hùng mạnh mới đủ sức chiến đấu chống kẻ thù trong tinh thần đoàn kết là tốt nhất!” Giáo sư Đạt nói.
Trong phần cầu nguyện, đồng hương đặc biệt là nhiều giới trẻ gốc Việt và các trẻ em Mỹ cùng lên thắp hương cầu nguyện, và mọi người cùng hát vang ca khúc “Chiến Sĩ Vô Danh.” [kn]