VNTB – Một dịch giả thiếu tư cách
Trần Thế Kỷ
“Bonjour Vietnam” ( Xin chào Việt Nam ) là một ca khúc tiếng Pháp do Marc Lavoine sáng tác và được biểu diễn lần đầu bởi Phạm Quỳnh Anh, một ca sĩ người Bỉ gốc Việt. Nội dung nhạc phẩm này nói về tình cảm của một người Việt sinh ra ở chốn xa quê hương dành cho Việt Nam. Ca khúc này được giới yêu nhạc đánh giá là hay cả nhạc lẫn lời.
Raconte moi ce nom étrange et difficile à prononcer
Que je porte depuis que je suis née
Raconte moi le vieil empire et le trait de mes yeux bridés
Qui disent mieux que moi ce que tu n’oses dire
Je ne sais de toi que des images de la guerre
Un film de Coppola , des hélicoptères en colère
………………
( Nghĩa :
Hãy kể tôi nghe về cái tên lạ và khó phát âm này
Mà tôi đã mang từ lúc ra đời
Hãy kể tôi nghe về đế chế xưa và nét xếch của đôi mắt tôi
Vốn nói cho tôi biết rõ những gì bạn không dám thốt ra
Tôi chỉ biết quê hương qua những hình ảnh về cuộc chiến
Một bộ phim của Coppola, những chiếc trực thăng trong cơn thịnh nộ
………….. )
Được một tờ báo phỏng vấn, tác giả nói rằng ông viết “Bonjour Vietnam” là vì ca sĩ Phạm Quỳnh Anh. Ông nói đã nhìn thấy trong Quỳnh Anh hình ảnh dịu dàng của người phụ nữ châu Á, nhìn thấy nét đẹp của một nền văn hóa . Khi biết Quỳnh Anh là người gốc Việt, Marc Lavoine thấy trong lòng gợi lên những hình ảnh của một quá khứ chiến tranh tại VN.
Bản gốc tiếng Pháp của nhạc phẩm này có câu: “Un film de Coppola , des hélicoptères en colère” ( Nghĩa : Một phim của Coppola , những chiếc trực thăng trong cơn thịnh nộ ).
Trong bản tiếng Anh ( Hello, Vietnam ) do Guy Balbert dịch cũng có một câu tương tự: “A film by Coppola, the helicopter’ s roar” ( Nghĩa : Một phim của Coppola, tiếng gầm của chiếc máy bay trực thăng).
Tác giả chỉ viết thế. Thiết nghĩ, hình ảnh những chiếc trực thăng bay vần vụ trên bầu trời là khá đủ để gợi lại quá khứ của cuộc chiến VN . Có lẽ Marc Lavoine cũng chỉ muốn bấy nhiêu. Tác giả không hề có thêm lời nào để kết án Mỹ là xâm lược hay CSBV là xâm lược. Đơn giàn là vì đó không phải là nhiệm vụ của bài hát này.
Vấn đề là trong thời chiến, nếu như những chiếc trực thăng giận dữ kia có bắn phá vào các ngôi nhà trong các xóm thôn Việt Nam thì là vì ở đấy có VC ẩn nấp để bắn vào lính Mỹ và lính VNCH . Không có lý do gì để lính Mỹ và lính VNCH bắn vào nhà dân để giết dân . Nhưng tại sao VC lại thích nấp trong nhà dân? Đó là vì nếu VC từ nơi ấy bắn ra và phía VNCH buộc lòng phải bắn trả thì VC sẽ tha hồ có cớ vu vạ rằng “Mỹ Ngụy” bắn vào dân!
Mọi dịch giả đều phải tôn trọng nguyên tác. Tôn trọng nguyên tác là tôn trọng tác giả . Bản dịch sang tiếng Anh của Guy Balbert đã thể hiện điều đó. Từ khi được sáng tác cho đến nay, nhạc phẩm bất hủ này của Marc Lavoine đã được nhiều người dịch sang tiếng Việt, hoặc từ bản tiếng Pháp, hoặc từ bản tiếng Anh. Nhìn chung, các bản dịch ấy đều đạt, không có vấn đề gì. Ngoại trừ bản dịch của Lê Tự Minh , một người Việt sống ở Nga. Bản tiếng Việt của Lê Tự Minh đã được một số ca sĩ trong nước trình bày.
Nguyên bản tiếng Anh :
Tell me all about this name, that is difficult to say
It was given me the day I was born
Want to know about the stories of the empire of old
My eyes say more of me than what you dare to say
All I know of you is all the sights of war
A film by Coppola, the helicopter” s roar
………………
Được Lê Tự Minh dịch :
Bạn hãy nói cho tôi biết chăng
Về họ tên mà tôi đã mang
Về miền quê mà tôi ngày đêm luôn nhớ mong
Lòng tôi mong biết đất nước tôi
Đất nước đã có bao đời
Được nhìn bằng đôi mắt của mình
Được trở về cội nguồn của tôi
Và qua phim Coppola
Lòng thấy xót thương quê hương
Bầy trực thăng bay trên cao tàn phá xóm thôn nhỏ bé
……………
Công bằng mà nói, bản dịch của Lê Tự Minh không hề dở, nếu không nói là được. Điều đáng nói là trong bản dịch này lại có một câu rất phản cảm, gây nhiều bức xúc cho người nghe. Cụ thể là câu “A film by Coppola, the helicopter’ s roar” được Lê Tự Minh dịch là: “Bầy trực thăng bay trên cao tàn phá xóm thôn nhỏ bé”. Dịch như thế là rất đáng chê trách. Vì như thế khác nào bảo rằng tác giả đã buộc tội Mỹ và VNCH là chống lại nhân dân, và là bên có tội trong cuộc chiến Việt Nam. Đành rằng người dịch không cần phải dịch sát lời tác giả, nhưng như thế không có nghĩa là người dịch có quyền phăng phe, muốn dịch sao thì dịch. Nếu Marc Lavoine biết tiếng Việt và đọc thấy lời dịch này của Lê Tự Minh thì hẳn ông ta sẽ nổi giận và sẽ muốn gặp dịch giả để hỏi cho ra lẽ. Tác giả có quyền cho rằng Lê Tự Minh đã vu khống mình, đã bôi nhọ mình.
Cố ý bóp méo lời tác giả ( không thể nói là vô ý ), Lê Tự Minh tỏ ra là một dịch giả thiếu tư cách, nếu không nói là vô liêm sỉ!