Seite auswählen

Số phận soái hạm Moscow và vài điều cảnh tỉnh

 

  

1. SỐ PHẬN SOÁI HẠM MATXCOVA LÀ HỆ QUẢ CỦA THAM NHŨNG VÀ ĐỘC TÀI

Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận Soái hạm tuần dương Matxcova của Hạm đội Biển Đen đã bị chìm ở Biển Đen hôm 14/4/2022. Với Nga, đây là tin “sấm sét” làm sụp đổ sức mạnh của Hải quân Nga. Với Tổng thống Putin, đây còn là điềm dữ.

Có tiền từ bán dầu khí, Tổng thống Putin đổ tiền vào hiện đại hoá quân đội Nga, trong đó, lực lượng Hải quân Nga thuộc nhóm ưu tiên hàng đầu. Tàu tuần dương Matxcova (dài 186,4 m, giãn nước 12 490 tấn) mạnh nhất ở Hạm đội Biển Đen, là một biểu tượng sức mạnh của Hải quân Nga, chỉ đứng sau tàu sân bay Đô đốc Kuznetxov (dài 306,5m, giãn nước 58 600 tấn) và tuần dương hạm hạt nhân Pyter Đại đế (dài 252m, giãn nước 28 000 tấn). Tuần dương hạm Matxcova được trang bị những vũ khí tối tân hiện đại nhất của Nga. Trong đó có 16 tên lửa diệt hạm P-1000 Vulkan tầm bắn 800 km với đầu đạn chứa 950 kg thuốc nổ, hay đầu đạn hạt nhân tương đương 350 000 tấn thuốc nổ TNT. Đây là vũ khí mà Hải quân Nga kỳ vọng có thể tiêu diệt các tàu sân bay và các tàu chiến mạnh nhất của Mỹ từ xa gần ngàn km. Tuần dương hạm Matxcova có một hệ thống vũ khí để chống lại sự tấn công từ xa của đối phương, bất kể từ trên trời hay dưới biển, bao gồm 64 tên lửa phòng không tầm xa loại S -300F, 40 tên lửa phòng không tầm ngắn OSA-MA, Hai cụm ống phóng gồm 10 ngư lôi 533mm, hai tổ hợp rocket chống ngầm RBU-6000, 6 tổ hợp phòng thủ tầm cực gần AK-630, 30mm, cụm pháo 2 nòng AK-130 130mm, 1 trực thăng săn ngầm Ka-27, cùng hệ thống tác chiến điện tử. Soái hạm Matxcova từng được đưa đến phục vụ quân Nga trong chiến tranh Syri, không ít lần “nghênh chiến” từ xa với hải quân Mỹ và Phương Tây ở vùng vịnh, được ngợi ca đến mức đối phương phải kiềng nể.

Nhưng bây giờ thì bức tranh về sức mạnh Hải quân Nga hoàn toàn sụp đổ. Tên lửa diệt hạm Neptune do quân đội Ukraine sản xuất, không hiểu bằng cách nào, đã vượt qua các lớp phòng thủ của tuần dương hạm Matxcova, đánh trúng tàu, làm cháy lớn dẫn đến nổ kho đạn và đã làm chìm tuần dương hạm Matxcova xuống đáy Biển Đen.

Sau một tháng, cuộc chiến tranh Nga – Ukraine đã cho ông Putin hiểu về sức mạnh quân đội Nga trên không và trên bộ, hiểu đến mức làm ông phải thay đổi mục tiêu và chiến lược, chiến thuật. Giờ, với việc tàu tuần dương Matxcova mạnh nhất của Nga ở Biển Đen bị đánh chìm, ông Putin đã hiểu về sức mạnh thực sự của Hải quân Nga. Và xa hơn, là kết quả của việc hiện đại hoá quân đội Nga.

Ông Putin chắc đã nhìn thấy, dù đã bỏ nhiều tiền nhưng việc hiện đại hoá quân đội Nga không mang đến nhiều hiệu quả như mong đợi. Đó là vì tham nhũng.

Dựa vào cáo buộc trốn thuế và tham nhũng, ông Putin đã loại trừ những nhà tài phiệt không cùng cánh như Khodorkovsky. Nhưng thay vào đó, ông Putin lại có hàng loạt những nhà tài phiệt tham nhũng khác làm vây cánh. Chính các nhà tài phiệt vây cánh của Putin đã lũng đoạn nền kinh tế và nền quốc phòng Nga. Chính tham nhũng trong quân đội Nga ở hàng ngũ chóp bu đã làm cho sức mạnh quân đội Nga bị mọt rỗng.

Kỳ hạm Matxcova bị hải quân Ukraine bắn chìm là một nỗi đau khó chịu đựng của ông Putin và các tướng lĩnh Nga. Ông Putin sẽ tiến hành các đợt thanh trừng nội bộ rộng lớn để quy trách nhiệm. Và sau chiến tranh Nga – Ukraine, quân đội Nga có thể sẽ có các cải cách mới. Nhưng rồi cũng sẽ không mang lại hiệu quả mong đợi, dù có tốn rất nhiều tiền.

Đó là do bản chất xã hội Nga thời ông Putin. Xã hội Nga thời ông Putin thực chất là chế độ cộng sản xô viết trong một hình thái mới, trong đó sự độc tài tập thể bị thu hẹp thành độc tài cá nhân cát cứ. Mỗi địa phương, mỗi bộ ngành là những nhà độc tài cát cứ. Để bảo vệ quyền lực của mình, ông Putin đã ban phát độc tài cát cứ cho không ít người, mà ông Kadyrov là một điển hình.

Thời Stalin còn có Bộ chính trị. Thời Putin chỉ có Putin. Ông Putin quyết định mọi vị trí quan trọng trong chính phủ và trong quân đội. Ông Putin không có đối thủ, vì mọi đối thủ đều bị tiêu diệt, loại bỏ. Trong một xã hội như vậy, tham nhũng chẳng những sẽ không thể nào bị loại bỏ mà còn có đất màu mỡ để phát triển. Độc tài và tham nhũng là hai thành tố nuôi dưỡng nhau. Chính độc tài và tham nhũng đã làm suy yếu nước Nga, làm mối mọt sức mạnh quân đội Nga.

Nhược điểm của quân đội Nga bộc lộ trong chiến tranh Nga – Ukraine cũng như sự kết liễu của kỳ hạm Matxcova là hệ quả trực tiếp của tham nhũng và độc tài. Tham nhũng và độc tài luôn cộng sinh. Nước Nga sẽ mạnh hơn về quân sự, sẽ giàu hơn về kinh tế khi dứt bỏ được độc tài.

2. VÀI ĐIỀU CẢNH TỈNH

Chiến tranh Nga – Ukraine có các ảnh hưởng to lớn đến số phận nhiều nước. Trước hết là ở Châu Âu. Chưa bao giờ Châu Âu đoàn kết như bây giờ. Châu Âu đang thức tỉnh trước một tình thế địa chính trị mới. Tình thế đòi hỏi hầu hết các quốc gia Châu Âu phải tăng kinh phí quốc phòng, điều chỉnh chính sách đối ngoại và phòng thủ. Kết quả dẫn đến 4 thay đổi lớn sau đây:

1). EU sẽ có nhiều thành viên hơn, liên kết hơn, và mạnh hơn về quốc phòng. Ngoài kinh tế, tự EU sẽ trở thành một khối quân sự, có phần giao thoa, nhưng có phần độc lập với NATO. Cuộc chiến tranh Nga – Ukraine sẽ đưa EU sang một không gian mới về phòng thủ. EU sẽ từng bước bớt phụ thuộc hơn vào Hoa Kỳ về quân sự.

2). Phần Lan và Thuỵ Điển đang xem xét từ bỏ thế trung lập để gia nhập NATO. Sẽ còn các quốc gia khác nữa mong muốn gia nhập NATO.

3). NATO mạnh hơn và sẽ có thêm thành viên, trái với mục tiêu tiến hành chiến tranh để ngăn chặn NATO mở rộng của ông Putin.

4). Xuất hiện các cường quốc quân sự mới. Đó là Đức ở phía Tây và Nhật Bản ở phía Đông. Chiến tranh Nga-Ukraine hối thúc Đức và Nhật Bản nhanh chóng trở thành các cường quốc quân sự.

Kỳ hạm Matcova bị đánh chìm bởi tên lửa Neptune của Ukraine sẽ cho những bài học hữu ích về chiến lược phòng thủ biển đối với các quốc gia sống cạnh nước lớn có hải quân mạnh, cụ thể là rất thiết thực cho Việt Nam.

Rõ ràng, tìm kiếm các tên lửa diệt hạm sẽ đỡ tốn kém hơn, nhanh hơn, dễ hơn, so với đầu tư mua sắm các chiến hạm lớn. Nếu có nhiều hệ thống diệt hạm tiên tiến thì chủ quyền biển đảo Việt Nam có thêm một phòng tuyến bảo vệ trải dài 3200 km từ đất liền.

Cũng như vậy, chiến tranh Nga – Ukraine cho thấy đầu tư về tên lửa diệt tăng, tên lửa bắn máy bay và trực thăng sẽ hiệu quả hơn trong phòng vệ so với mua sắm các xe tăng, máy bay và trực thăng đắt tiền. Nói như thế không có nghĩa là không cần mua sắm xe tăng, máy bay hay trực thăng, mà là cần phải xác định một tỷ lệ hợp lý.

Chiến tranh công nghệ hiện đại khác xa với chiến tranh thập niên 70 thế kỷ trước mà Việt Nam đối mặt. Sự sống còn phụ thuộc vào độ chính xác, thời gian ngắn, khoảng cách xa… của vũ khí chứ không phụ thuộc vào giá rẻ.

Chiến tranh Nga – Ukraine giúp cho Việt Nam thấy giá trị của công nghệ chính xác cao, công nghệ AI, vai trò của các máy bay không người lái, giá trị của viễn thông vệ tinh, cùng tầm quan trọng của liên lạc nội bộ trong tác chiến. Nếu có ai đó trong số các nhà quân sự của Việt Nam đích thân tiếp cận chiến trường Nga – Ukraine thì chắc sẽ thu được nhiều kết luận quý giá.

Quân đội Việt Nam vừa có đợt sàng lọc với án kỷ luật 11 tướng trong Bộ chỉ huy Cảnh sát biển. Sự kết liễu của kỳ hạm Matxcova phải là một chương cảnh tỉnh mới.

Nguyen Ngoc Chu

Vụ chìm soái hạm Moskva cho thấy sự yếu kém của Hải quân Nga

 

Nguồn: Ken Moriyasu, “Moskva flagship sinking exposes Russian Navy frailty, experts say,” Nikkei Asia, 20/04/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Thất bại trong việc phòng thủ và phản ứng trước cuộc tấn công tên lửa cho thấy những sai sót lớn trong chiến dịch quân sự của Nga.

Khi bị chìm vào ngày 14/04, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Moskva của Nga, chiếc soái hạm của Hạm đội Biển Đen, được cho là có mang theo một mảnh gỗ từ Thánh giá Chúa Jesus – cây thập tự mà những tín đồ Thiên Chúa giáo tin rằng Chúa đã bị đóng đinh trên đó.

Một bản tin hồi tháng 02/2020 từ hãng thông tấn Tass của Nga đã dẫn lời người đứng đầu Nhà thờ Chính thống giáo Quận Sevastopol, cho biết rằng một mảnh gỗ từ Thánh giá Chúa, chỉ dài vài millimet, đã được gắn vào một cây thánh giá làm bằng kim loại chế tác từ thế kỷ 19, và sẽ được lưu giữ trong nhà nguyện trên tàu Moskva.

Người Nga đã cố gắng hạ thấp tầm quan trọng của vụ chìm tàu Moskva, nói rằng hỏa hoạn trên tàu là nguyên nhân gây chìm, trái ngược với tuyên bố của Ukraine, rằng hai tên lửa hành trình chống hạm Neptune đã bắn trúng con tàu.

Hai ngày sau khi vụ việc xảy ra, một đoạn video ghi lại cảnh Đô đốc Nikolai Yevmenov, người đứng đầu Hải quân Nga, gặp gỡ các thành viên thủy thủ đoàn Moskva ở Crimea, đã được công bố nhằm giúp mọi người bình tĩnh hơn.

Nhưng ý tưởng về việc lưu giữ một thánh tích vô cùng hiếm có trên con tàu đã phần nào cho thấy tầm quan trọng của Moskva và Hạm đội Biển Đen đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Việc sáp nhập Crimea vào năm 2014 cho phép Nga thiết lập quyền kiểm soát đối với Biển Đen, và chặn đường tiếp cận của các đối thủ như lực lượng NATO – một ví dụ tương tự như chiến lược chống tiếp cận, chống xâm nhập mà Trung Quốc đang tìm cách thiết lập gần vùng biển của họ.

Ngoài ra, các chuyên gia quân sự nhận định rằng việc mất một soái hạm là điều rất khó lý giải.

“Soái hạm là trung tâm chỉ huy và kiểm soát. Chứa đầy các công cụ liên lạc, nó giữ liên hệ tới tất cả các tàu trong khu vực phụ trách, và điều hành toàn bộ hạm đội,” trích lời Tetsuo Kotani, thành viên cấp cao tại Viện Các vấn đề Quốc tế Nhật Bản và là giáo sư Quốc tế học tại Đại học Meikai.

Chẳng hạn, Nhà Trắng có thể liên lạc với soái hạm của Hạm đội 7 của Mỹ, tàu USS Blue Ridge, hiện đang đóng tại Yokosuka, Nhật Bản, bất cứ lúc nào trong ngày.

Blue Ridge duy trì “các khả năng về mạng, chỉ huy, kiểm soát, truyền thông và máy tính (C5) hiện đại nhất, cho phép ra quyết định với thông tin đầy đủ, theo thời gian thực từ các cấp cao nhất, lên đến cả Nhà Trắng,” người phát ngôn của Hạm đội 7, Trung úy Nicholas Lingo nói với Nikkei Asia.

Một nhà phân tích hải quân Mỹ, trong cuộc phỏng vấn ẩn danh, đã nói rằng vụ chìm tàu Moskva cho thấy sự thất bại khi không lường trước được rằng một cuộc tấn công như vậy có thể xuất phát từ bờ biển Ukraine, thất bại của hệ thống phòng thủ trên tàu, thất bại trong việc kiểm soát thiệt hại sau khi bị tấn công, và nếu có nhiều thành viên của thủy thủ đoàn thiệt mạng, như nhiều người đang nghĩ, thì đây còn là thất bại về quy trình cứu hộ cơ bản.

“Vụ việc này chẳng dạy thêm cho chúng tôi điều gì về tàu mặt nước,” nhà phân tích nói, đồng thời lưu ý rằng Hải quân Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng để phòng thủ nếu bị tấn công bằng tên lửa, và rằng ngay cả khi bị đánh trúng, họ vẫn có các quy trình để hạn chế thiệt hại do hỏa hoạn.

Koichi Isobe, cựu Trung tướng của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản, viết trên tờ Japan Military Review, “Cú sốc lớn nhất đối với Putin là ông đã [vô tình] tiết lộ cho các chuyên gia quân sự trên toàn thế giới về mức độ dễ bị tổn thương của quân đội Nga.”

Ngoài việc để lộ những thiếu sót trong hoạt động của mình, Hải quân Nga có thể đã mất đi một số sĩ quan cấp cao nhất trong vụ tấn công, nhà phân tích Mỹ cho biết. “Báo cáo cho thấy có khoảng 50 người hoặc hơn, trong số 480 thủy thủ, đã an toàn.” Không rõ số phận của những người còn lại. Phía Nga cho biết toàn bộ 500 thành viên thủy thủ đoàn đã được cứu sống sau vụ nổ, nhưng họ vẫn thể chưa đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho tuyên bố đó.

Kotani, học giả của Đại học Meikai, đã đưa ra một ví dụ về cách hoạt động của một chiếc hạm.

“Chiếc Blue Ridge đang ở Singapore khi trận động đất và sóng thần năm 2011 đánh vào Nhật Bản,” Kotani nói. “Ban đầu, con tàu đã chỉ huy Chiến dịch Tomodachi từ Singapore,” ông nói về chiến dịch của người Mỹ nhằm cứu trợ sau thảm họa.

Vào lúc cao điểm, 24.000 quân nhân Mỹ, 189 máy bay, và 24 tàu hải quân – gồm cả cụm tàu sân bay USS Ronald Reagan – đã tham gia vào chiến dịch quy mô lớn điều hành bởi tàu Blue Ridge này.

Trong Chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905), soái hạm của Hải quân Đế quốc Nhật Bản là thiết giáp hạm Mikasa. Phó Đô đốc Heihachiro Togo, người đã dẫn dắt lính Nhật giành chiến thắng, đã đóng quân trên con tàu. Ngày nay, Mikasa được chuyển đổi thành một tàu bảo tàng ở Yokosuka.

Trong Thế chiến II, thiết giáp hạm Nagato là soái hạm của Hải quân Đế quốc Nhật, và là phương tiện chỉ huy của Đô đốc Isoroku Yamamoto trong cuộc tấn công Trân Châu Cảng.

Hải quân Nga ngày nay có trụ sở chính đặt tại St.Petersburg, và bao gồm 4 hạm đội lớn (Baltic, Biển Đen, Phương Bắc và Thái Bình Dương) cùng một hạm đội tàu nhỏ ở Biển Caspi.

Trong khi Hạm đội Phương Bắc được đánh giá là hạm đội Nga có năng lực mạnh nhất, sở hữu các tàu ngầm tên lửa đạn đạo và tàu sân bay đang hoạt động duy nhất của Nga, Hạm đội Biển Đen đã dần đóng vai trò quan trọng hơn kể từ khi Nga sáp nhập Crimea.

“Bắt đầu từ năm 2014, sau khi chiếm đóng Crimea, các đơn vị mới đã được thêm vào trình tự tác chiến, bao gồm các tên lửa bờ biển hiện đại và bộ binh hải quân,” theo báo cáo “Sức mạnh Quân sự Nga” của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ.

“Tiếp đó vào năm 2015, các tàu ngầm và tàu chiến mặt nước mới cũng bắt đầu đến hỗ trợ hạm đội. Hiện được trang bị hệ thống tên lửa KALIBR, Hạm đội Biển Đen là một lực lượng quan trọng trong khu vực, và trong vài năm tới, có thể có thêm khoảng sáu tàu ngầm tấn công mới và sáu tàu mặt nước mới, giúp hạm đội không chỉ có thể kiểm soát Biển Đen mà còn có thể hoạt động ở Địa Trung Hải để chống lại lực lượng NATO và hỗ trợ các hoạt động ở Syria,” báo cáo năm 2017 cho biết.

Tuy nhiên, những khát vọng này chắc chắn đã bị vùi dập khi soái hạm của hạm đội bị đánh chìm.

Nghiên Cứu Quốc Tế

Vụ chìm tàu Moskva: Phép thử đối với thông tin sai sự thật của Nga

Nguồn: Neil MacFarquhar & Alina Lobzina, “With sunken warship, Russian disinformation faces a test”, New York Times, 21/4/2022

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Một tuần sau vụ soái hạm Moskva của hạm đội Nga bị chìm ở Biển Đen, ngày càng có nhiều gia đình các binh sĩ mất tích đặt câu hỏi về số phận con em của họ, trong khi Bộ Quốc phòng và các quan chức cấp cao trong chính phủ Nga vẫn im lặng.

Thông qua mạng xã hội hoặc các cơ quan truyền thông, ít nhất đã có 10 gia đình công khai bày tỏ sự bất bình của họ. Nhiều người, kể cả các quan chức, đã đưa ra những câu trả lời khác nhau, nói rằng con em các gia đình kể trên vẫn còn sống, hoặc đã mất tích hay đã chết. Tuy nhiên, Nhà nước không thay đổi nội dung bản thông báo ban đầu, trong đó nói toàn bộ hơn 500 thành viên thủy thủ đoàn của tàu tuần dương Moskva đã được cứu thoát.

“Họ không muốn đối thoại với chúng tôi”, Maksim Savin, 32 tuổi, nói khi trả lời một cuộc phỏng vấn, ông đang tìm kiếm người em trai Leonid 20 tuổi của mình. Leonid là lính nghĩa vụ cũng từng ở trên tàu Moskva. “Chúng tôi rất đau buồn. Họ đã gọi em trai tôi đi lính và có thể chú ấy sẽ không bao giờ trở về.”

Im lặng về số phận của thủy thủ đoàn tàu chiến Moskva là một phần trong hành động tổng thể của Điện Kremlin nhằm ngăn chặn việc đưa ra những tin tức xấu về cuộc chiến tại Ukraine và nhằm kiểm soát phát ngôn của công chúng Nga về diễn biến cuộc chiến này. Nhiều thủy thủ mất tích là lính nghĩa vụ — đây vốn là một chủ đề nhạy cảm ở Nga kể từ sau cuộc chiến Chechnya, hồi ấy những lính trẻ chưa được huấn luyện đầy đủ đã bị đưa ra trận, họ bị chết hàng loạt — sự việc đó đã làm suy yếu sự ủng hộ của công chúng đối với cuộc chiến Chechnya.

Nguyên nhân tàu Moskva bị chìm đang gây tranh cãi, phía Nga cho rằng đó là do hỏa hoạn làm kho đạn trên tàu bị nổ, con tàu bị hư hỏng đã chìm trong quá trình lai dắt dưới điều kiện thời tiết xấu. Phía Ukraine cho biết họ đã phóng hai tên lửa Neptune trúng con tàu này, tuyên bố đó được các quan chức Mỹ xác nhận. Dù thế nào đi nữa, đây là một trong những tàu chiến lớn nhất bị tổn thất kể từ Thế chiến 2, một sự kiện làm Nga bối rối.

Theo tin từ một số hãng thông tấn độc lập của Nga có trụ sở đặt tại nước ngoài, khi tàu chiến Moskva chìm đã có khoảng 40 binh sĩ thiệt mạng và 100 người khác bị thương. Nguồn tin này dẫn lời một quan chức giấu tên và dẫn lời bà mẹ của một trong những thủy thủ thiệt mạng. Ngoài ra, vợ một trung tá Hải quân nhiều tuổi xác nhận với Radio Liberty, một đài truyền hình có trụ sở ở bên ngoài nước Nga và có quan hệ với chính phủ Mỹ, rằng chồng bà đã thiệt mạng.

Sự phản đối cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ nhất vào giữa những năm 1990 bắt nguồn từ nỗi giận dữ của nhiều gia đình Nga cho rằng con em của họ đang làm nghĩa vụ quân sự đã bị sử dụng làm bia đỡ đạn. Theo Alexander Cherkasov, cựu chủ tịch Trung tâm Kỷ niệm Nhân quyền (Memorial Human Rights Center) có trụ sở tại Moskva, trong cuộc chiến tranh đó có “hàng trăm” binh sĩ cho đến nay vẫn còn mất tích. Trong tháng này Trung tâm nói trên đã bị giải tán theo lệnh của tòa án.

“Không ai quan tâm đến những người lính ấy”, Cherkasov cho biết và nói thêm rằng việc chính quyền hạn chế hoạt động của các tổ chức phi chính phủ có nghĩa là giờ đây các tổ chức đó hầu như không thể theo dõi được số phận những binh sĩ mất tích.

Ông Putin đã nhiều lần nói rằng các binh sĩ mới đi nghĩa vụ quân sự một năm sẽ không được triển khai tới Ukraine — tuyên bố này không phù hợp với tình hình thực tế trên chiến trường. Hội Liên hiệp các Ủy ban Bà mẹ binh sĩ Nga (Union of Committees of Soldiers’ Mothers of Russia), một tổ chức có từ thời chiến tranh Chechnya, xác nhận họ đang nhận được yêu cầu tìm kiếm những người lính mất tích. Tổ chức này từ chối bình luận thêm, viện lý do có luật cấm chia sẻ thông tin quân sự với các tổ chức nước ngoài.

Cha mẹ của các thủy binh trên tàu Moskva, con tàu được đặt theo tên thủ đô nước Nga, cho biết họ phẫn nộ trước thái độ qua loa tắc trách của chính quyền. Ông Dmitry Shkrebets nói: “Các bậc cha mẹ chúng tôi chỉ quan tâm đến số phận con mình: tại sao chúng — những người lính nghĩa vụ — lại tham gia hành động quân sự này?” Ông có một con trai là Yegor, 19 tuổi, làm đầu bếp trên tàu chiến Moskva.

Trong cuộc phỏng vấn, Shkrebets không muốn bàn thêm về vấn đề đó, nhưng hôm Chủ nhật, ông đã đưa ra một phát biểu với lời lẽ gay gắt hơn trên mạng xã hội VKontakte – tương đương với Facebook của Nga.

Ông cho biết, lúc đầu cảnh sát nói với ông rằng Yegor nằm trong số những người mất tích, nhưng sau đó họ ngừng trả lời các câu hỏi của ông. “Thưa quý vị, thế là con tôi vừa biến mất trên biển cả? !!!”, ông viết. “Tôi hỏi thẳng, tại sao các ông — các quan chức — vẫn còn sống, nhưng con trai tôi, một lính nghĩa vụ lại chết?” Sau đó Shkrebets bắt đầu thu thập lời chứng từ các gia đình khác, những người không thể tìm thấy con trai của họ. “Chúng tôi càng viết nhiều, họ càng khó giữ im lặng về những gì đang xảy ra”, ông viết. Tính đến tối thứ Năm, từ các gia đình tuyên bố có binh sĩ mất tích, ông đã thu thập được họ tên của 15 quân nhân, gồm 14 lính nghĩa vụ và một lính hợp đồng.

Hôm thứ Ba, Dmitry Peskov người Phát ngôn Điện Kremlin cho biết ông không có quyền đưa ra bất kỳ thông tin nào về các thủy binh mất tích và sẽ chuyển vấn đề này sang Bộ Quốc phòng.

Bộ Quốc phòng đã không trả lời yêu cầu bình luận. Hôm Thứ Bảy, Bộ này phát một đoạn video, nghe nói có cảnh Tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Nikolai Yevmenov gặp những người được cho là thành viên thủy thủ đoàn của tàu Moskva, các binh sĩ đó mặc đồng phục và xếp thành đội hình. Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu người sống sót sau vụ tấn công. Trong video trên mạng xã hội hoặc trong các bài đăng kèm cũng không nói gì về thương vong của bất cứ người nào.

Các tin tức phát trên Vesti Nedeli, một bản tin hàng tuần được phát sóng trên truyền hình nhà nước vào tối Chủ nhật, có ngầm thể hiện lập trường của chính quyền. Chương trình này kéo dài 3 giờ, có dành khoảng 30 giây để mô tả cảnh chìm tàu, nhưng không đề cập đến thương vong nhân mạng.

Tuy nhiên, không phải các cơ quan ngôn luận Điện Kremlin đều im lặng như vậy. Hôm Thứ Bảy, người dẫn chương trình Vladimir Solovyev đã yêu cầu giải thích lý do tại sao con tàu bị chìm.

Maksim Savin cho biết gia đình ông không thể liên lạc điện thoại với bất kỳ quan chức nào trong đơn vị em trai ông. Mẹ ông đã nhắn tin cho một máy điện thoại và nhận được phản hồi rằng Leonid con trai bà đã mất tích. Sau đó, gia đình nhận được một loạt cuộc gọi điện thoại từ một người đàn ông dường như đã phục vụ Leonid, nhưng người này mỗi lần nói một khác. Maksim Savin kể: Lần đầu người ấy nói rằng Leonid đã chết khi lao vào cứu một người bạn. Trong lần gọi thứ hai, anh lại nói rằng không có hoạt động cứu hộ nào cả, nhưng Leonid đang ở nơi xảy ra vụ nổ. Lần thứ ba, anh ta gọi điện nói rằng anh đã nhầm lẫn và Leonid đã mất tích. “Có vẻ như các quan chức đang cố gắng để mọi người đều im miệng”, Maksim Savin nói.

Lần đầu tiên trên mạng xã hội xuất hiện nhiều tin tức về những người lính nghĩa vụ mất tích. Một phụ nữ viết rằng anh trai của cô thường xuyên làm việc trong phòng máy tuabin, được liệt kê là mất tích, nhưng cô tin rằng anh đã chết.

Anna Siromesova, mẹ của một lính nghĩa vụ mất tích, nói với hãng thông tấn Nga Meduza rằng bà không thể đọc bất kỳ tài liệu chính thức nào có liên quan đến thương vong. “Không có danh sách binh sĩ thương vong,” bà nói. “Chúng tôi đang tự mình tìm kiếm danh sách ấy. Họ không cho chúng tôi biết bất cứ điều gì.” Qua liên hệ điện thoại, bản báo đã bắt liên lạc với bà, nhưng bà từ chối nói chuyện với các cơ quan truyền thông nước ngoài.

Tamara Grudinina nói với đài BBC tiếng Nga rằng con trai của bà là Sergei Grudinin, 21 tuổi, được chỉ định lên tàu Moskva ngay sau khi mới được huấn luyện cơ bản. Bà Grudinina cho biết khi nghe tin con tàu bị chìm, bà đã gọi đến “Đường dây nóng người thân” của Bộ Quốc phòng và được thông báo rằng con trai bà “còn sống, khỏe mạnh và sẽ liên lạc với chúng tôi trong thời gian sớm nhất.” Theo BBC, sau đó không lâu, một người đàn ông tự xưng là chỉ huy của tàu Moskva liên lạc với bà, nói với bà rằng con trai bà “về cơ bản đã chìm cùng con tàu”.

Maksim Savin nói, sau khi chiến tranh bắt đầu vào ngày 24 tháng 2, gia đình ông đã liên lạc với các sĩ quan hải quân để hỏi về tình hình con tàu và được thông báo rằng chiến hạm này không tham gia các hoạt động quân sự và sẽ sớm quay trở lại cảng. Anh trai của Leonid cho biết không bao giờ nhận được điện thoại của Leonid nữa, nhưng sau khi nói chuyện với các sĩ quan, họ nhận được một lá thư từ Leonid, viết rằng anh sẽ được về nhà sớm.

Maksim Savin nói em trai ông được đào tạo thành thợ cơ khí ô tô tại một trường dạy nghề, đã miễn cưỡng đi lính và cũng không ủng hộ chiến tranh. Bức ảnh gia đình cho thấy một thanh niên cao gầy trong bộ đồng phục hải quân với khẩu súng trường trên ngực, xung quanh là cha mẹ và ba anh em của anh. Theo lời kể của anh trai, Leonid thích đi bộ đường dài trên những vùng đồi núi của Crimea với con chó của gia đình, thích đọc sách hoặc làm vườn. Trước ngày nhập ngũ, Leonid đã trồng thêm hai cây trong vườn. Maksim Savin cho biết: “Trong một bức thư gửi về nhà, chú ấy đã hỏi về tình hình cây trồng của mình. Chú ấy không yên tâm về mấy cây mới trồng.”

Neil MacFarquhar là nhà báo chuyên đưa tin về Mỹ. Trước đây từng là trưởng văn phòng Moskva, chùm báo cáo của ông đã giành được Giải thưởng Pulitzer năm 2017 cho Báo cáo Quốc tế. Ông đã làm việc hơn 15 năm tại Trung Đông và các vùng lân cận, trong đó có 5 năm làm trưởng văn phòng ở Cairo, và đã viết hai cuốn sách về khu vực này.

Những sự thật về Moskva, soái hạm Biển Đen vừa bị chìm của Nga


Soái hạm Moskva trong lần đi qua eo biển Bosphorus ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 2021

 

Dưới đây là một số sự thật về Moskva, soái hạm thời Liên Xô của hạm đội Biển Đen của Nga, đã bị chìm hôm 14/4 sau một vụ hỏa hoạn theo lời Bộ Quốc phòng Nga. Ukraine thì cho biết vụ hỏa hoạn đó là do họ tấn công bằng tên lửa.

Mức độ thiệt hại

Bộ Quốc phòng Nga được các hãng thông tấn Nga dẫn lời thừa nhận rằng chiếc tuần dương hạm này bị hư hại nghiêm trọng, và cho biết ‘một vụ nổ đạn dược’ gây ra đám cháy và con tàu bị chìm trong vùng biển động khi nó đang được lai dắt trở lại cảng. Còn Kyiv cho biết tàu bắt đầu chìm sau khi ngọn lửa bùng phát.

Con tàu được cho là đang nằm ở Biển Đen ngoài khơi cảng Odesa của Ukraine vào thời điểm xảy ra vụ nổ.

Ý nghĩa

Dù nguyên nhân là gì, vụ việc này là một bước lùi của Nga. Nếu khẳng định của Ukraine rằng họ đã dùng tên lửa tấn công soái hạm là đúng, thì hành động này sẽ đi vào lịch sử như một là trong những cuộc tấn công hải quân nổi bật nhất trong thế kỷ cho đến nay.

Moskva sẽ là chiến hạm lớn nhất của Nga bị hư hại do hỏa lực của kẻ thù kể từ năm 1941, khi các máy bay ném bom Đức làm tê liệt thiết giáp hạm Marat của Liên Xô ở cảng Kronshtadt, các nhà phân tích quân sự cho biết.

Còn nếu nguyên nhân là vụ nổ nào đó trên tàu gây ra, đây sẽ là soái hạm thứ hai của Hạm đội Biển Đen bị loại khỏi vòng chiến theo cách này. Thiết giáp hạm Imperatritsa Maria chìm hồi năm 1916 sau một vụ nổ do đạn dược.

Các chuyên gia không cho rằng việc Nga mất soái hạm Moskva có thể có tác động lớn đến cái mà Nga gọi là ‘chiến dịch đặc biệt’ của họ ở Ukraine.

“Con tàu thực sự rất cũ. Trên thực tế, đã có kế hoạch loại bỏ nó trong 5 năm nay,” nhà phân tích quân sự Nga Alexander Khramchikhin cho biết.

“Nó có giá trị vị thế hơn là giá trị chiến đấu thực sự, và nói chung, nó không liên quan gì đến chiến dịch hiện tại. Nó sẽ không ảnh hưởng đến tiến trình chiến tranh.”

Nga có đủ nguồn lực để duy trì phong tỏa các cảng của Ukraine và tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Ukraine bằng các hệ thống tên lửa khác, các chuyên gia cho biết.

Hỏa lực

Soái hạm được trang bị nhiều tên lửa chống hạm và tên lửa đất đối không. Nga có hai tàu khác cùng lớp, Marshal Ustinov và Varyag, vốn phục vụ lần lượt trong các hạm đội Biển Bắc và hạm đội Thái Bình Dương.

Các chiến hạm này được thiết kế ở Liên Xô vào cuối những năm 1970 để đối chọi lại các nhóm tàu sân bay Mỹ và bảo vệ bầu trời cho các tàu Liên Xô hoạt động ở các đại dương xa xôi. Chúng được mệnh danh là ‘sát thủ tàu sân bay’ vào thời điểm đó.

Lịch sử

Moskva lần đầu tiên được đưa vào phục vụ trong hải quân Liên Xô vào năm 1983 sau khi được chế tạo ở Ukraine lúc đó còn thuộc Liên Xô và được gọi là ‘Slava’ hay ‘Glory’ vào thời điểm đó. Nó được đổi tên thành Moskva vào năm 1995 sau khi Liên Xô sụp đổ.

Con tàu giúp đảm bảo an ninh cho cuộc họp của nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Hoa Kỳ George Bush tại Malta vào tháng 12 năm 1989.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã tổ chức các cuộc họp trên tàu với các nhà lãnh đạo thế giới.

Moskva đã tham gia vào một cuộc phong tỏa hải quân Ukraine vào tháng 3 năm 2014 trong thời gian ngắn nằm trong kế hoạch sáp nhập bán đảo Crimea của Nga.

Năm 2015, nó được triển khai trong chiến dịch quân sự của Nga ở Syria, giúp phòng không cho các lực lượng Nga ở đó.