Seite auswählen

“Nhà văn An-nam khổ như chó”, còn khổ bao lâu nữa?

Văn Việt

Nguyễn Thị Tịnh Thy

5-5-2022

 

 

Nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Tịnh Thy. Nguồn: FB nhân vật

Kính thưa quý vị!

Bài viết này, phát biểu này, tôi xin gửi đến Ban Vận động thành lập Văn đoàn độc lập (Văn Việt) cùng những ai quan tâm đến văn học và quyền tự do sáng tạo nghệ thuật của nước nhà.

Không biết trên thế gian này, trong nền văn chương Đông Tây kim cổ, đã có ai phải viết bài phát biểu này như tôi không. Bởi, đây là phát biểu XIN GIỮ GIÙM GIẢI THƯỞNG.

Đã có những người từ chối hoặc bị buộc phải từ chối giải thưởng, kể cả giải văn chương danh giá nhất hành tinh là giải Nobel vì rất nhiều lý do khác nhau. Nhưng e rằng, không mấy ai ký thác tâm nguyện nhờ giữ lại giải như tôi.

Tôi được Văn Việt trao giải thưởng thường niên năm 2022 cho hạng mục Nghiên cứu – Phê bình với cuốn sách “Dám ngoái đầu nhìn lại” (Nxb. Hội Nhà văn, 2021). Giải thưởng do Văn Việt tự chọn và trao, không phải là một cuộc thi mà tác giả phải gửi công trình dự giải. Với tôi, đây là vinh dự, là vòng nguyệt quế cho lao động bút mực của mình – một người không phải là thành viên của Văn Việt. Tuy nhiên, đây cũng là vòng nguyệt quế phủ đầy gai mà người nhận không dễ dàng sở hữu, dù nó vốn phải thế.

Tôi không từ chối giải thưởng, bởi vì đây là giải thưởng có giá trị về học thuật, như bao giải thưởng như thế trên thế giới này. Tôi cũng không thể nhận giải thưởng, bởi nếu nhận, thì sẽ chuốc lấy rất nhiều phiền phức. Xin cảm ơn Ban Xét giải đã lựa chọn trên cơ sở ghi nhận thành quả khoa học của tôi; đồng thời, cũng xin Văn Việt giữ giùm giải thưởng này. Hiện tại, tôi chưa thể nhận giải, cũng không muốn và không thể từ chối. Để giải thích cho tình trạng tiến thoái lưỡng nan này, tôi xin giãi bày với quý vị những suy nghĩ như sau:

Trước hết, xin khẳng định, tôi tôn trọng Văn Việt và giải thưởng của Văn Việt. Muốn chứng minh cho chất lượng và uy tín của giải thường này, xin quý vị hãy đọc tác phẩm cũng như phát biểu nhận giải của nhà thơ Thái Hạo. Theo tôi, bài phát biểu này là một trong những diễn từ hay nhất, xứng đáng được trích dẫn trong nhiều văn bản khác; đủ để xem là một tuyên ngôn thơ, một quan điểm sáng tác và tư duy nghệ thuật sâu sắc và đặc sắc.

Tôi gửi nhiều bài sáng tác và phê bình văn học đăng trên http//:vanviet.info của Văn Việt, bởi vì, đây là một trang báo có chất lượng chuyên môn cao, bài vở được biên tập và chọn lựa kỹ lưỡng. Những người chủ trương trang báo này là các trí thức đáng nể trọng về trí tuệ lẫn nhân cách. Bài tôi đăng trên Văn Việt, đa phần đã được đăng ở báo chí chính thống trong nước; những cuốn sách nghiên cứu của tôi đều được cấp phép bởi các nhà xuất bản uy tín. Nghĩa là, xét về phương diện khách quan lẫn chủ quan, tôi cảm thấy việc mình gửi bài ở Văn Việt, được Văn Việt trao giải thưởng là việc rất đỗi bình thường.

Vậy mà, khi biết mình được Văn Việt trao giải thưởng, tôi phải chuẩn bị để đón nhận những điều bất bình thường.

Đã có người nhận giải của Văn Việt xong, bị các cơ quan nhà nước, “người nhà nước” gây phiền nhiễu quá mức, khiến cuộc sống của họ luôn trong trạng thái bất an, bản thân họ bị người xung quanh xem như kẻ phạm tội. Đã có người bị ngăn cản trên đường đi nhận giải, buộc phải vứt vé tàu xe để quay về nhà. Gần đây nhất, nhà thơ Thái Hạo bị đánh bầm mặt trên đường ra sân bay để đến với Văn Việt. Và tôi, thông tin về giải thưởng chưa đến tai, tôi đã được người của cơ quan an ninh đề nghị không nên nhận giải. Khi tôi hỏi rằng, nếu tôi vẫn muốn nhận thì sao? Câu trả lời khá nhã nhặn, nhưng nội dung là: “Để tránh ảnh hưởng đến tình hình an ninh chung, chị không nên đi nhận giải… Cũng như Thái Hạo, cơ quan an ninh cũng đã tác động là anh không đi được đâu”; “Dẫu cách ứng xử mỗi nơi mỗi khác, nhưng dù sao đi nữa, chị cũng không nên nhận giải”; “Nếu nhận, thì không nên tổ chức trao, quay phim, chụp hình rồi công bố trên mạng xã hội để tránh những phiền phức không đáng có”. Và tiếp theo đó là những tìm hiểu tứ phương tám hướng để dò xét xem tôi sẽ tiếp xúc với người của Văn Việt ở đâu, lúc nào… để nhận giải.

Tôi là một trí thức, một nhà khoa học. Đứng về mặt chuyên môn, tôi đủ trí tuệ và kinh nghiệm để biết nên gửi bài ở đâu, của tổ chức học thuật nào. Tôi là một công dân tôn trọng pháp luật, tôi đủ hiểu biết để không làm gì phạm pháp. Việc tôi gửi bài đăng ở Văn Việt, việc tôi nhận giải thưởng của Văn Việt là không hề phạm pháp. Vậy thì, tại sao tôi (và nhiều người nữa) bị ngăn cản, thậm chí có người đã bị hành hung về thể xác và uy hiếp, hành hạ về tinh thần? Xin thưa với “người nhà nước”, nếu các anh chị đủ can đảm, đủ bản lĩnh, đủ minh bạch thì hãy đề nghị cấp trên của các anh chị ra lệnh cấm các tổ chức văn học nghệ thuật phi nhà nước đi. Nếu không dám cấm, để tỏ ra là mình vẫn dân chủ; nếu muốn chứng tỏ rằng công dân nước Việt vẫn tự do lập hội đoàn thì hãy cứ để cho các hội đoàn ấy tồn tại một cách yên ổn. Xin đừng dân chủ giả tạo, ngoài mặt không cấm nhưng bên trong thì dùng biện pháp cứng rắn để ngăn cản và trừng phạt. Xin đừng sử dụng bàn tay sắt bọc nhung, đừng vừa đấm vừa thoa, đừng giả danh lưu manh để thực thi nhiệm vụ chính trị; vì như thế là giả dối, là ném đá giấu tay trước những đối tượng chân yếu tay mềm, trói gà không chặt vốn chỉ có trái tim nghệ sĩ, tâm hồn yêu văn chương nghệ thuật và khát khao truy cầu tự do sáng tạo mà thôi.

Xin đừng đóng bộ mặt nguỵ quân tử cho chính quyền, vì như thế, chính quyền đã đích thực trở thành “nguỵ quyền” – điều mà quý vị từng không tiếc máu xương để lật đổ!

Tôi phải suy nghĩ rất nhiều trước quyết định nhờ giữ giùm giải thưởng. Bởi vì, nếu từ chối, tôi sẽ làm tổn thương giải thưởng. Đó là điều tôi trăm ngàn lần không muốn. Nếu bí mật nhận giải, bí mật cất giấu để được yên thân, lâu lâu lén lút mở ra xem, “một mình mình biết, một mình mình hay”, thì phỏng có vui gì. Làm như thế, tôi cảm thấy mình ngôn hành bất nhất, không xứng đáng với Văn Việt, không xứng đáng với chính tôi. Nếu công khai nhận giải, tôi sẽ bị cản trở, bị gây sự, bị khủng bố tinh thần, và có thể còn bị hành hung. Điều này, tôi cũng ngàn vạn lần không muốn. Tôi không hèn nhát, nhưng nếu để xảy ra điều gì không hay cho mình và cho người thân, đơn giản chỉ vì một giải thưởng, thì có đáng không?

Giải thưởng, cho dù là giải thưởng trò chơi hay giải thưởng chuyên môn, đều là niềm vui và vinh dự cho người nhận. Vậy mà, giải thưởng tôi được trao lại khiến cha mẹ âu lo, anh em phấp phỏng, cơ quan căng thẳng, đồng nghiệp ái ngại. Vinh quang cho mình, nhưng gây phiền hà cho những người xung quanh, thì có nên không? Việc nhận giải lại khiến các cán bộ an ninh vốn là đại nhân nhưng không được hành đại lộ khi phải quan tâm săn sóc một người như mình, trong khi họ cần phải dành trí tuệ, thời gian và tâm huyết để ngăn chặn tội phạm, để đối phó với kẻ thù đích thực và đáng sợ của dân tộc, để làm những việc ích nước lợi nhà hơn, thì có nên không?

Cùng dưới một gầm trời xã hội chủ nghĩa được cho là dân chủ, công bằng và văn minh này, giải thưởng của Hội Nhà văn từ trung ương đến địa phương, của Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật trung ương và rất nhiều giải thưởng nhà nước khác thì luôn được tiền hô hậu ủng, muôn hồng ngàn tía, trống giong cờ mở, lên xe xuống ngựa, cơm đưa rượu rước; còn giải thưởng của Văn Việt thì bị ngăn trở, bị vùi dập, bị quấy nhiễu, bị hành hạ, bị cưỡng bức…, như thế có công bằng không? Nhà nước không nuôi Văn Việt, thì cứ để nó tự sinh tự trưởng và tự diệt nếu như nó không đủ mạnh; không hà hơi tiếp sức thì cũng xin đừng chặn hầu bóp mũi nó. Một tổ chức văn học nghệ thuật cỏn con mà được coi là liên quan đến sự an nguy của một chính thể, thì chính thể ấy phải tự xem lại thực lực của chính mình. Nếu nhà nước đánh giá quá cao tầm ảnh hưởng và độ nguy hiểm của Văn Việt như thế, thì cần phải xem lại năng lực nhận thức, năng lực nhận định và phân định bạn – thù của đội ngũ tham mưu.

Đầu thế kỷ XX, nhà văn Nguyễn Vỹ từng có câu nói đầy cay đắng: “Nhà văn An-nam khổ như chó”. Bây giờ, đã một trăm năm trôi qua với bao nhiêu cuộc cách mạng và giải phóng, nhà văn An-nam vẫn còn “khổ như chó”. Thử hỏi như vậy có ưu việt không? Có buồn không? Có đau không? Có nhục không?

“Nhà văn An-nam khổ như chó”. Đó phải chăng là lời nguyền cho văn chương Việt? Nếu không, thì tại sao ở thế kỷ XXI này, đến chó cũng không còn khổ nữa, chó ghẻ bị vứt còn được cộng đồng nháo nhác thức suốt đêm tìm về chăm sóc, cưng chiều hết mực; còn nhà văn Việt Nam lại bị săm soi, săn sóc ngược đời. Bao giờ, nhà văn mới “bước qua lời nguyền”?

Cuối tháng 3 vừa qua, gặp nhà thơ Thái Hạo ở Huế, nhìn thấy vết sẹo còn mới trên má của anh, tôi chợt nghẹn. Khi chia tay, nói lời “Bảo trọng” với Thái Hạo, tôi vội quay đi và bật khóc. Ba năm Covid-19 hoành hành, tôi đã không biết bao nhiêu lần nói hai từ “Bảo trọng” với bạn bè, với người thân, nhưng chưa bao giờ thấy uất ức và buồn tủi như lần này. Đến lúc nào và làm thế nào Văn Việt mới được yên, các nhà văn phi nhà nước mới được yên?

Tôi vẫn muốn tiếp tục viết những bài bình luận, nghiên cứu văn học và đăng trên Văn Việt. Tôi vẫn muốn “độc lập” trong nguyên nghĩa của từ này, nghĩa là đứng một mình, chấp nhận cô đơn trong sáng tạo. Tôi vẫn mơ giấc mơ Nobel cho văn chương Việt Nam một cách nghiêm túc dù văn chương vẫn còn bị tung hô nhầm, cấm đoán nhầm, hãm hại nhầm. Tôi vẫn tâm đắc câu nói của nhà văn Diêm Liên Khoa: “Đừng oán trách hoàn cảnh sáng tác hay hoàn cảnh chính trị,… điều quan trọng là bạn có năng lực và nhân cách để viết hay không. Không viết nổi một tác phẩm lớn là lỗi của nhà văn chứ không phải lỗi của thời đại, đừng lấy những danh nghĩa đẹp đẽ để che đậy trách nhiệm và năng lực của nhà văn”.

Tôi vẫn mong có ngày mình được đường đường chính chính nhận giải thưởng của Văn Việt mà không bị chấn thương, tổn thương và áp lực. Tôi vẫn hy vọng có ngày đó. Còn bây giờ, xin Văn Việt hãy giữ giùm tấm huy chương này; chờ một ngày mưa thuận gió hoà, ngày bình yên thật sự, ngày mà chính thể đủ mạnh để không còn xem những người sáng tạo độc lập là thù nghịch, tôi sẽ trân trọng đón nhận nó cho châu về hợp phố. Nhược bằng, Văn Việt chết trước khi ngày ấy đến mà không phải vì nguyên nhân tự thân, thì đó là thất bại của dân chủ và tự do sáng tạo trong nghệ thuật – học thuật nhân văn nước nhà, cũng là điều thiếu may mắn của tôi.

Mới đây, một nhà văn lớn của Việt Nam có viết: “Vô phúc cho vị nào được Hội Nhà văn đề cử tranh giải Nobel sắp tới. Bởi nó sẽ là khởi đầu vĩnh viễn cho những cuộc đàm tiếu, nhạo báng…”. Giả định này còn xa lắm.

Còn bây giờ, ở đây, tôi chắc chắn rằng, vô phúc cho vị nào được các giải thưởng văn chương phi nhà nước gọi tên, bởi họ sẽ phải trả giá rất đắt cho vinh quang này.

Và, đối với quý độc giả của bài viết này, “Phúc cho ai không thấy mà tin”!

“Nhà văn An-nam khổ như chó”, còn khổ bao lâu nữa?

An ninh gây áp lực khiến nhà phê bình văn học không dám nhận giải thưởng của Văn Việt

 

2022.05.05

Nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Tịnh Thy

 Facebook Nguyễn Thị Tịnh Thy

Dù được xướng tên là người nhận giải thưởng Văn Việt lần thứ bảy trong lĩnh vực phê bình văn học do những nhà văn nhưng tác giả không dám nhận vì sức ép từ chính quyền.

Vào ngày 5 tháng 4, Văn Việt – một diễn đàn của Ban Vận động thành lập Văn đoàn độc lập – đăng tải bức thư có tựa đề “Còn khổ bao lâu nữa?” của nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Tịnh Thy, người được trao giải với cuốn sách “Dám ngoái đầu nhìn lại”.

Mở đầu bức thư, tác giả Tịnh Thy viết “Không biết trên thế gian này, trong nền văn chương Đông Tây kim cổ, đã có ai phải viết bài phát biểu này như tôi không. Bởi, đây là phát biểu XIN GIỮ GIÙM GIẢI THƯỞNG.”

Theo nhà phê bình văn học này thì dù rất vinh dự nhưng bà không thể nhận giải thưởng do Văn Việt trao bởi vì áp lực mà phía chính quyền gây ra.

Cụ thể, bà cho biết đã bị an ninh tiếp cận và đề nghị không đi nhận giải với lý do “để tránh ảnh hưởng đến tình hình an ninh chung”.

Sự việc này xảy ra hai tháng sau sự kiện nhà thơ Thái Hạo bị an ninh mặc thường phục hành hung nhằm ngăn cản ông đi nhận giải thưởng cũng của Ban Vận động thành lập Văn đoàn độc lập, một tổ chức do các nhà văn nổi tiếng như Nguyên Ngọc lập ra nhằm bảo vệ quyền tự do sáng tác.

Phóng viên Đài Á châu Tự do đã liên hệ với nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Tịnh Thy để đề nghị phỏng vấn, nhưng bà cho biết đã nói hết thông qua bức thư được đăng trên diễn đàn Văn Việt, và từ chối nói thêm.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Hoàng Dũng, thành viên của Hội đồng chấm giải Văn Việt, cho biết sự việc xảy ra với tác giả Tịnh Thy là sự tiếp nối của một chuỗi các hành động sách nhiễu và đàn áp của chính quyền nhắm vào Văn Việt.

“Cái việc gây áp lực để người này phải rút bài, người kia rút bài, rồi rút giải thưởng, rồi ngăn chặn thậm chí đánh đập không phải bây giờ mới xảy ra.

Xin nói rằng chuyện của Tịnh Thy là nằm trong cả một cái chuỗi mà nhà nước ứng xử với Văn Việt nói riêng và nói chung là văn chương ngoài luồng. Người ta luôn luôn sợ hãi.”

Phó Giáo sư Hoàng Dũng lý giải nguyên nhân chính quyền sợ hãi là vì sự yếu đuối của thế chế chính trị, dẫn đến những phản ứng hoảng hốt và tiêu cực đối với các hoạt động nằm ngoài sự kiểm soát của chế độ. “Họ nhìn đâu cũng thấy địch” ông nói.

Ông cũng cho rằng kiểm soát văn chương là chính sách lâu dài và xuyên suốt của Đảng Cộng Sản chứ không phải mang tính tạm thời hay cục bộ. Để minh chứng cho điều này, Phó Giáo sư Hoàng Dũng đặt câu hỏi kể từ khi lên nắm quyền thì Đảng Cộng Sản đã bao giờ cho văn chương được tự do chưa, và cũng tự ông đưa ra câu trả lời là “chưa từng”.

Bất chấp sự đàn áp và cản trở liên tục từ phía chính quyền, nhưng vị trí thức người Huế khẳng định Văn Việt sẽ tiếp tục các hoạt động của mình. Khi được hỏi về ý nghĩa của việc người cầm bút vẫn tiếp tục viết trong môi trường hà khắc hiện tại, Phó Gáo sư Hoàng Dũng nói:

“Trước hết là nó cho mọi người, cho đồng bào thấy rằng vẫn còn có những trí thức có lương tâm, có can đảm để chịu đựng những chuyện (đàn áp) đó. Và mong ước đất nước có ngày vấn đề tư tưởng được cởi mở hơn. Thực sự là một tập hợp trí tuệ của toàn dân để xây dựng đất nước.

Cái quan trọng là làm sao để cho mọi người thấy rằng đây là đất nước của mình, rồi góp tiếng nói để sao cho đất nước càng ngày càng tốt đẹp hơn.”

Còn đối với nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Tịnh Thy thì bà đặt ra câu hỏi trong cuối bức thư của mình rằng, “nhà văn An Nam còn khổ bao lâu nữa?”

RFA

Thái Hạo: Phát biểu nhận Giải Thơ Văn Việt lần thứ bảy

image

Giải thưởng thơ của Văn Việt là điều tôi chưa bao giờ nghĩ tới.

Người làm Thơ như mở một cái van, hay như sự đổ vỡ những bình yên trong nội tâm mà mảnh vỡ là những lời không đoán định, tôi có thể nghĩ gì khi đến bản thân còn không thuộc nổi một bài thơ mà mình đã viết ra?

Tôi chưa bao giờ cấp cho Thơ một ý nghĩa to tát nào. Vì như một kẻ nhút nhát, tôi đã không tìm kiếm nó, là do Thơ tự đến. Tôi chỉ làm một người ghi chép, rối rít trên những ngón tay.

Những sự “chắp nhặt dông dài” ấy, may thay, đã nhiều phen cứu tôi khỏi cơn nguy khốn.

Cách tân ư? Tôi cũng không biết đến điều ấy. Những vần điệu du dương thủa trước không thể nào cất lên được nữa khi trái tim luôn đập những nhịp loạn cuồng. Thơ tự do không phải là một vấn đề kỹ thuật, đó là âm giai của thời thế, của lòng người ly tán hoang mang.

“Điệu ngâm” là một cái gì thật xa xỉ, ai có thể ngồi làm “phu chữ” mà nắn nót gieo vần khi ngoài kia những đoàn người loạng choạng bồng bế dắt nhau đi trong đêm tối hoang vu, khi những mảnh đất bỏ hoang và biển chết, rừng khô?

Khi mà biên giới của Thơ đã không còn, tôi đỏ mặt trước danh hiệu nhà thơ. Tôi đã viết chúng vào lúc mà mọi hình thức ngôn ngữ đều bất lực. Ngay chính trong thời khắc ấy, nó đã đến như một niềm an ủi. Chúng tôi gặp nhau như một cuộc sắp đặt của số phận không hẹn ước thề nguyền. Đến rồi đi, không ai nợ nhau một điều gì. Và tôi đã quên tất cả.

Xin đừng đề nghị tôi đọc những bài thơ của mình, vì chúng đã trở thành kẻ lang thang không nhà sau phút giây chào đời trong nguy nan sinh nở. Tôi có thể không bao giờ làm thơ nữa, cũng có thể viết hàng nghìn câu vào một ngày mai nào đó, không biết được.

Tôi không muốn dùng Thơ như những viên đạn để bắn vào cuộc đời, vì Thơ không phải thuốc súng. Thơ vô can và không cần phải mang vác một sứ mệnh nào. Khi những đau khổ đã chấm dứt thì Thơ cũng giã biệt con người. Không phải vì Thơ đã xoa dịu, nghệ thuật là vô dụng, nó hoàn toàn không biết gì về những sứ mạng cồng kềnh kia. Nếu có một tham vọng nào đó luồn lách trong những dòng Thơ, Thơ đã đánh mất chính mình.

Một khi phải làm Thơ, đó là dấu hiệu đáng thương hại của một con người. Nó nổ ra từ phía trong, đôi khi làm chúng ta đau đến rã rời. Tôi chỉ muốn sống như một bài thơ chứ không muốn sống để làm thơ.

Cứ mỗi khi tôi cúi xuống và hôn lên bông hoa bên thềm nhà, Thơ sẽ vắng mặt.

Nghệ thuật tỉ lệ nghịch với hạnh phúc của con người. Đừng ca ngợi nghệ thuật, vì đó là nước mắt. Làm thơ là một tai nạn của tâm hồn.

Phần thưởng cho Thơ chính là một lời chia buồn, chân thành và xúc động. Và ngay ở chỗ này, chúng ta đã gặp được nhau, Thơ rút lui để nhường lại chiếc ghế cho những hồn cô độc, để nhường chỗ cho những giao cảm vô ngôn. Nếu có sức mạnh nào đó của Thơ, thì đây chính là khuôn mặt của nó – mang chúng ta lại gần nhau. Rồi tan đi cùng với những gánh nặng của nghĩ suy trong cuộc hiện sinh này.

Thái Hạo

Văn Việt

Thái Hạo là bút danh, quê Thanh Hóa, tốt nghiệp sư phạm tại Đại học Sư phạm Huế, ngành ngữ văn. Từng làm giáo viên và hiện đã nghỉ việc. Viết báo, phê bình văn học, làm thơ và làm vườn.

Nhà thơ Thái Hạo bị chặn đánh trên đường đi nhận giải Văn Việt

 

Bài phỏng vấn của blogger Tuấn Khanh
2022.03.07

Nhà thơ Thái Hạo  Facebook Thái Hạo

Sự kiện diễn ra vào ngày 2-3-2022, khi nhà thơ Thái Hạo từ nhà của mình ở Thanh Hoá, đi ra sân bay để vào Sài Gòn nhận giải thường thơ của năm. Giải thưởng do Văn Việt tổ chức hàng năm, và đây là năm thứ bảy. Chủ tịch Hội đồng giải thưởng này là nhà văn Nguyên Ngọc.

Kể lại sự kiện trên trang Facebook của mình, nhà thơ Thái Hạo cho biết trước chuyến đi, ông nhận được nhiều lời “khuyên” của các nhân viên an ninh đến tận nhà, là không nên đi. “Nhưng tôi nói, đây là một chuyến đi chơi, tôi đã hẹn với những người bạn học và thầy cô của tôi ở SG, không thể thất hứa được. Một anh an ninh nói với tôi “anh không đi được đâu””. Ông Hạo viết.

Ra cách nhà được khoảng 1km thì cảnh sát giao thông cùng cảnh sát trật tự (áo xanh) ra chặn lại. Tôi vừa bước xuống xe thì có hai người đàn ông lạ mặt mặc thường phục từ bên kia đường chạy qua, một người giữ, một người đấm liên hồi vào mặt tôi, vừa đấm vừa chửi thề, trước mặt rất nhiều công an. Sau khi bị đánh một hồi, mỗi lúc một thô bạo, tôi mới hướng vào những người mặc quân phục và nói lớn “Tại sao tôi vô cớ bị đánh mà các anh là công an lại không can ngăn hay hành động gì?” Lúc đó, công an mới vào gỡ hai người đánh tôi ra. Hai người đó lại di chuyển về phía bên kia đường, đứng nhìn, chốc chốc lại chực xông sang, miệng đe dọa và chửi thề. Khoảng 30 phút sau hai người đàn ông ấy mới rời đi. Mặt và quai hàm tôi còn đau đến hôm nay, nhai cơm khó khăn.

Sau đó, lực lượng cảnh sát giao thông và công an áo xanh tiến hành kiểm tra hành chính và lập biên bản việc điều khiển phương tiện giao thông của tôi, từ khoảng 8h30 – gần 11h trưa. Lúc này tôi đã trễ chuyến bay. Xe tôi bị đưa về đồn vì vi phạm luật giao thông (mất bằng lái, và có nồng độ cồn 0.04xmg – 0.06xmg… nhưng theo quy định thì nồng độ này không bị phạt). Sau gần ba tiếng, xong việc, tôi được người nhà tới chở về. Hủy chuyến đi chơi và nhận giải ở Sài Gòn.

Sự việc làm tôi hết sức bất ngờ. Không biết tại sao mình bị đánh, cũng không biết ai là người đánh mình và đánh vì lý do gì. Ban đầu tôi đã tự hỏi rất nhiều, rằng ai, tại sao…, Nhưng về tới nhà, yên tĩnh, bỗng một nỗi buồn không thể tả được xâm chiếm tôi. Mọi thứ như vỡ nát”. Ông Hạo thuật lại với bạn bè.

Tuấn Khanh phỏng vấn giáo sư Hoàng Dũng, thành viên của Hội đồng chấm giải Văn Việt, đồng thời là thành viên ban tổ chức, ông nói suy nghĩ của mình.

GS. Hoàng Dũng: Năm nay Văn Việt có 3 giải thưởng cho Văn (Trần Quốc Toàn), thơ (Thái Hạo) và giải phê bình nghệ thuật mà hiện nay phải tạm giấu tên để tránh những khó khăn cho người nhận giải lúc này. Cần phải nói là ở Việt Nam, chấp nhận cho đăng bài trên Văn Việt đã là một sự dũng cảm. Bởi họ bị “làm phiền” rất nhiều. Tôi biết rất nhiều người muốn gửi trực tiếp giới thiệu tác phẩm của mình trên Văn Việt, nhưng họ không dám vì cũng phải sống nữa. Trong trường hợp tác giả được giải nhưng [ngại] không nhận, Văn Việt sẽ công bố vào một thời điểm thích hợp. Đó cũng là một cách nào Văn Việt muốn thông báo cho tất cả những người quan tâm đến hoạt động chúng tôi đang bị ngăn chặn, làm khó. Sự việc Thái Hạo bị chặn đường đánh đập chẳng qua là nằm trong các biện pháp nghiệp vụ đó của “cơ quan chức năng” mà thôi.g chấm giải Văn Việt, đồng thời là thành viên ban tổ chức, ông nói suy nghĩ của mình.

Tuấn Khanh: Áp lực của một người nhận giải từ Văn Việt như thế nào, thưa ông? Chẳng hạn với các tác giả năm nay?

GS. Hoàng Dũng: Thái Hạo đã gọi điện báo cho ban tổ chức biết từ một vài ngày trước, rằng an ninh sẽ đến nhà để làm việc về chuyện anh được Văn Việt trao giải. Cho đến khi trên đường đi ra nhận giải, anh bị ngăn lại giữa đường đánh đập rồi sau đó bị giải về nhà, thì anh mới thông báo cho Văn Việt biết anh không thể vào Sài Gòn nhận giải được.

Nhưng Thái Hạo chỉ là một trong những câu chuyện rất dài mà Văn Việt đã phải đối phó, về chuyện bị sách nhiễu trong hoạt động của mình lâu nay.

Chỉ trong năm nay thôi, một số thành viên của Văn Việt nhận được lời mời đến tham dự buổi phát giải, đã bị công an đến nhà chặn cửa không cho đi. Thậm chí có người còn được đến hai công an viên đứng trước cửa nhà, rất cần mẫn canh gác, không cho đi ra khỏi cửa.

Sáng ngày 3-3-2022 chúng tôi cà phê với nhau tại một quán ở quận 3, thì bàn sát cạnh là của nhân viên an ninh hờm sẵn. Khi tôi cầm hai tờ giấy A4, một ghi tên Trần Quốc Toàn và một ghi tên Thái Hạo, giơ lên để chụp ảnh, như một cử chỉ để nhớ hai tác giả lẽ ra đã có mặt hội ngộ với anh em, thì một nhân viên an ninh xông tới giật, xé toang hai tờ giấy và đem luôn tất cả các mảnh giấy vụn đi mất!

Ông chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc có mong ước là một ngày không xa, người Việt sẽ có giải Nobel văn chương. Tôi tin rằng điều đó sẽ đến rất nhanh. Với những cách hành xử đàn áp như vậy mà nhà văn Việt Nam không có được những tác phẩm lớn thì mới lạ

Tuấn Khanh: Những cách sách nhiễu lộ liễu như vậy, có phải là áp lực đến sau khi họ đề nghị Văn Việt phải dừng hoạt động của mình?

GS. Hoàng Dũng: Chưa bao giờ xảy ra chuyện họ chính thức nói như vậy với Văn Việt. Thế nhưng họ lại hành động bằng cách đe dọa, ngăn cản, không cho đi, rồi gần nhất là vụ đánh đập một cách tàn bạo đối với Thái Hạo. Cá nhân tôi không nghĩ đó là chủ trương của Bộ Công an, mà là của những thành phần cấp dưới lúc nào cũng chứng minh mình là những người nhân viên mẫn cán. Ở Việt Nam, công an đánh người ít khi nào bị ra tòa, nên họ thoải mái đánh thôi.

Tuấn Khanh: Nhưng ngoài chuyện sách nhiễu người đến nhận giải, thì những người nhận giải vắng mặt có bị gì hay không? 

GS. Hoàng Dũng: Rất nhiều. Những người đang làm công việc với nhà nước thì sẽ bị chính cơ quan quấy rầy, hăm dọa. Còn không thì gia đình hay người thân của họ cũng sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí tác động họ từ chối giải thưởng. Tác giả thì thường phải nín nhịn, chìu theo gia đình.

Tuấn Khanh: Đây là năm thứ bảy của giải thưởng Văn Việt độc lập, và mỗi năm không?

GS. Hoàng Dũng: Chúng tôi vẫn đi con đường của mình. Những đàn áp như vậy vẫn kiên cường diễn ra năm này đến năm khác. Đã nhiều năm nay mà họ vẫn giữ trong đầu của mình quan điểm thù địch như vậy thì tôi không hiểu nổi. Có thể đây là một cách nhằm thúc đẩy cho giải Nobel văn chương mà ông chủ tịch nước mơ ước, được đến thật nhanh chăng? Vì đàn áp càng nhiều thì tác phẩm lớn càng dễ ra đời thôi.

Tuấn Khanh: Thưa ông, những chuyện đàn áp kỳ lạ như vậy vẫn diễn ra lâu nay, nhưng có bao giờ Văn Việt có lên tiếng yêu cầu những người có trách nhiệm trên cao phải xét lại hành động và thái độ của họ?

GS. Hoàng Dũng: Tôi không tin không biết. Và nếu những chuyện như vậy xảy ra hàng ngày mà không biết thì họ ngồi ở vị trí lãnh đạo để làm gì? Họ nên từ chức đi. Vì những hành động đàn áp người dân và giới trí thức như vậy nó hiệu quả vô cùng trong việc bôi nhọ nhà nước, mạnh hơn cả bất cứ thế lực thù địch nào mà chính quyền vẫn lo sợ. Ngăn chặn nhà thơ Thái Hạo giữa đường và đánh đập thì không có gì bôi nhọ chế độ một cách hiệu quả hơn.

Tuấn Khanh: Cám ơn Giáo sư Hoàng Dũng

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.