Seite auswählen

Tra tấn tinh thần tù nhân chính trị 

Sau hơn một năm bị giam cầm về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” mà chưa được xét xử, nay nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh lại bị chuyển sang viện pháp y tâm thần để chữa trị, theo tin từ gia đình.

Ông Huỳnh Ngọc Chênh, chồng bà Hạnh, hôm 6-5, cho truyền thông nước ngoài và một số bè bạn từng làm việc với ông ở báo Thanh Niên, biết rằng Cơ quan điều tra ở Hà Nội đã đưa bà Hạnh đi chữa bệnh bắt buộc tại viện pháp y tâm thần trung ương sau hai lần giám định vì bị rối loạn trầm cảm cấp tính.

Bà Hạnh là nhà bất đồng chính kiến mới nhất được biết đã bị nhà chức trách đưa vào viện tâm thần trong thời gian tạm giam chờ xét xử.

Các trường hợp trước đây là nhà báo độc lập Lê Anh Hùng, bị bắt từ 7-2018 với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” và hiện vẫn chưa được xét xử; hay nhà văn Phạm Thành, bị bắt vào tháng 5-2020 và hiện đang thụ án 5 năm 6 tháng tù giam với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước”.

Phải chăng cả bà Nguyễn Thúy Hạnh cho đến các nhà báo Lê Anh Hùng, Phạm Thành đều bị tra tấn tinh thần trong thời gian chờ xét xử đến mức – nói theo cách dân dã của người Sài Gòn, đó là phải vào các nhà thương điên để trị bệnh?

Trong quá khứ, truyền thông nước ngoài từng ghi nhận lời kể của bà Lê Thị Công Nhân – một luật sư sinh năm 1979, nói rằng bà chưa bao giờ bị đối xử bằng bạo lực, hoặc chứng kiến tận mắt cảnh tra tấn nhục hình nào trong suốt thời gian ở tù. Bà chỉ được nghe lại những câu chuyện đó qua những thường phạm bị giam cùng với bà.

Họ là những người cô trực tiếp sống cùng, ăn uống hàng ngày cùng nhau ở trại số 5, Thanh Hóa. Theo bà thì qua kinh nghiệm chứng kiến hậu quả của các vụ hành xử bạo lực như vậy, bà rút ra bốn lý do chính tại sao những chuyện tra tấn nhục hình trong nhà tù lại bị bưng bít.

Thứ nhất, việc tra tấn thường không tiến hành ngay tại phòng giam mà ở phòng hỏi cung, hoặc ở góc hành lang, hay một nơi khuất mắt. “Cán bộ công an điều tra vụ án thường tra tấn để khảo cung bằng những hình thức tra tấn thô sơ, man rợ. Còn cán bộ quản giáo thì đánh đập tù nhân bằng bất cứ món đồ gì mà họ có trong tay khi họ cho rằng tù nhân vi phạm kỷ luật như nói to, hát lớn… Buồn đời hát cũng bị cho là vi phạm” – bà Nhân nói.

Thứ hai, buồng giam được thiết kế khá kín, sâu vào bên trong, ngăn với hành làng bên ngoài bởi hai vách tường và hai lần song sắt. Đấy là không gian đệm giữa buồng giam và hành lang, giữa người tù và công an. “Chính tại cái lồng sắt sâu khoảng độ ba mét này là nơi các tù nhân bị lôi ra tra tấn hành hạ. Những người tù khác không nhìn thấy được bởi mà chỉ được nghe kể lại, hoặc chứng kiến hậu quả của những hành xử bạo ngược mà thôi” – bà Nhân lý giải.

Nguyên nhân thứ ba là bản thân những người bị tra tấn thường tỏ thái độ cam chịu và không đủ can đảm để tố cáo vì sợ bị trù dập. Bà kể lúc mới vào tù, bà đã ngây thơ hỏi họ tại sao họ không báo cho luật sư, hoặc cho người nhà của họ biết, thì được trả lời: “Điên à? Thế thì có mà chết nữa. Nói cho người nhà cũng chẳng giải quyết được gì hết. Không có tiền không giải quyết được gì mà còn bị trù cho thêm!”

Một ghi nhận khác của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vào năm 2016, theo đó một báo cáo có tên “Nhà tù trong nhà tù: Tra tấn và ngược đãi tù nhân lương tâm ở Việt Nam” được tổ chức Ân xá Quốc tế công bố cung cấp một cái nhìn hiếm hoi về sự tra tấn thể xác và đối xử nghiêm khắc với các tù nhân lương tâm ở Việt Nam.

Chau Hen là một nhà hoạt động vì quyền đất đai của người Khmer Krom. Trong thời gian bị giam cầm bốn tháng, anh ta bị đánh bất tỉnh nhiều lần và bị chích thuốc không rõ nguyên nhân gây mất trí nhớ và khiến anh ta không thể suy nghĩ và nói rõ ràng. Có lần anh bị bệnh nặng vì bị sốt cao, các quan chức đã không gửi anh đến phòng y tế của nhà tù cho đến khi anh quá yếu để đi lại và đã giảm cân rất nhiều.

“Khi tôi đến, bác sĩ nhà tù hỏi tôi có chuyện gì với tôi. Tôi mở miệng đáp lại., nhưng không thể nói. Khi tôi không thể trả lời, bác sĩ đánh vào miệng tôi bằng một miếng cao su tròn. Anh ấy hất hàm tôi ra, bao gồm một chiếc răng khôn. Tôi đã mất rất nhiều máu, tôi lại bất tỉnh” – Chau Hen kể.

Lu, một dân tộc thiểu số người Thượng từ tỉnh Đăk Lăk ở Tây Nguyên, đã phải chịu các phiên tra tấn hàng ngày trong bốn tháng. Anh ta thường xuyên bị cảnh sát đánh đập và khi anh ta đòi ăn, anh ta được cho một bát cơm mà hai con chó bị xích bên ngoài phòng giam của anh ta..

Mai Thị Dung, một cựu tù nhân khác được nêu trong báo cáo, nói 22 trong số các bạn tù của bà đã chết vì không được điều trị y tế và hầu hết trong số họ, “bị đối xử tệ hơn chó”.

Đến tháng 6-2016, báo cáo nêu trên cho rằng có ít nhất 86 tù nhân lương tâm ở Việt Nam và những vụ án như Chau Hen và Lu thường phải chịu nhiều hành vi tra tấn. Báo cáo được dựa trên các cuộc phỏng vấn với 18 cựu tù nhân được thả ra trong năm năm trước đó.

Hoài Nguyễn

VNTB ()08.05.2022)

 

 

Tù không án

Đừng tưởng chỉ có ngày xưa mới có tù không án, bây giờ vẫn có, chỉ là dưới dạng khác.

Chỉ hai tháng nữa là tròn bốn năm kể từ khi Lê Anh Hùng bị bắt giam (Ngày 5/7/2018). Trong gần bốn năm qua, nhiều lần Lê Anh Hùng bị đưa đi giám định tâm thần. Sau đó, gia đình được thông báo bằng miệng, là đã có lệnh tạm đình chỉ điều tra vụ bắt và tạm giam Lê Anh Hùng, nhưng lại chuyển Lê Anh Hùng sang bệnh viện tâm thần, để “chữa bệnh” bắt buộc.

Lần đầu Lê Anh Hùng bị đưa đi giám định tâm thần (tháng 10/2018), Hùng đã tuyệt thực để phản đổi. Nhưng họ đã cho người đè ra, truyền thức ăn qua đường mũi, miệng đến chảy cả máu. Năm 2020, trong một lần từ chối uống thuốc, Lê Anh Hùng bị đánh và bị trói vào giường sắt để tiêm thuốc (tin từ RFA). Một bệnh nhân trong bệnh viện này, đã lén chụp được ảnh Lê Anh Hùng bị trói vào giường bệnh như trong ảnh dưới đây.

Anh Hùng bị trói chân tay. Ảnh trên mạng

Khi tin tức và hình ảnh lọt ra ngoài, lập tức việc lục soát được tiến hành, và công an tịch thu tất cả điện thoại vốn bị cấm dùng trong bệnh viện. Tuy nhiên, nhờ vụ này, mà Lê Anh Hùng không bị đánh đập nữa. Như vậy, việc tuồn được thông tin ra ngoài, thực sự là cứu cánh cho người bên trong.

Cho đến nay, người duy nhất được thăm gặp Lê Anh Hùng là bà Niệm, mẹ đẻ của Lê Anh Hùng. Theo bà Niệm, khi gặp Hùng, chỉ được nhìn và nói chuyện qua kính chắn, có công an ngồi giám sát – không khác gì nhà tù. Có người được cho là khỏi bệnh, và ra viện, thông tin cho gia đình Lê Anh Hùng, rằng có người bên chính quyền gặp Hùng hỏi, nếu được về, có kiện tiếp không? Hùng bảo tôi không sai, nên về tôi vẫn tiếp tục kiện. Thế là Hùng tiếp tục bị giam trong bệnh viện tâm thần, cho đến tận bây giờ.

Sự nhân đạo giết người

Lê Anh Hùng bị cho là tâm thần, vì những lời nói có vẻ hoang tưởng của cậu ta. Tâm thần có nhiều thể loại, Lê Anh Hùng không thuộc diện phá phách, hành động điên khùng. Cậu ta từng dịch những cuốn sách khó nhằn, được nhiều người khen là giỏi chuyên môn. Lê Anh Hùng không khôn khéo, không biết lựa lời. Những lời nói “thật” của Lê Anh Hùng, có làm sứt được cọng lông nào của ai, mà phải giam cầm cậu ấy?

Việc điều trị tâm thần ngoài thuốc an thần ra, người bệnh phải được sống trong môi trường tự do, được người nhà, bạn bè yêu thương, chăm sóc, chứ không phải nhốt họ vào trong một không gian tù túng, và cưỡng ép uống/ tiêm thuốc. Thuốc an thần uống nhiều, thì thần kinh thép cũng thành bệnh, về lâu dài sẽ mất trí nhớ, sinh ra chứng run rẩy, mất cân bằng (tôi đã chứng kiến người nhà bị như vậy). Người cùng viện với Lê Anh Hùng, khi ra viện, có cho gia đình Hùng biết, Hùng đã bắt đầu sinh chứng ảo giác, luôn cảm thấy trần nhà đang sắp sập xuống người cậu ta.

Tôi đọc truyện, dựa trên những câu chuyện có thật, là có người bị đưa vào trại tâm thần vĩnh viễn, chỉ để chiếm đoạt tài sản. Bệnh viện cũng thông đồng với những kẻ bất nhân, nên người bị hại khó có đường thoát.

Ở bệnh viện tâm thần, người ta năm lần bảy lượt hứa với Lê Anh Hùng, là cậu ta sắp được về. Một số người đã được về thật, nhưng Lê Anh Hùng thì không. Và tôi e rằng bọn họ sẽ chỉ thả Lê Anh Hùng về nhà, khi cậu ta đã điên dại thực sự, chứ không tỉnh táo để còn tiếp tục đi kiện như cậu ta đã khẳng định.

Tôi thấy việc này quá độc ác. Không phải họ sợ viêc bị Lê Anh Hùng kiện, mà họ sợ cái gì đó hoàn toàn khác. Nếu chỉ là việc kiện, thì tôi đây cũng kiện chủ tịch UBND TP Hà Nội. Nhưng cách duy nhất mà họ làm, là mặc kệ – không xử, cho dù tôi có gửi hàng nghìn lá đơn thúc giục cũng thế. Người dân Thủ Thiêm còn khiếu kiện hơn 20 năm đó thôi?

Cho tới nay, không chỉ có Lê Anh Hùng bị chuyển từ tại tạm giam sang bệnh viện tân thần, để chữa bênh bắt buộc, mà còn có Nguyễn Trung Lĩnh và mới đây là Nguyễn Thúy Hạnh, gia đình chỉ được thông báo miệng, chứ không hề gửi cho họ văn bản nào về việc này. Họ luôn nói, khi nào khỏi bệnh, sẽ tái điều tra, xét xử.

Tôi e rằng Lê Anh Hùng, Nguyễn Trung Lĩnh, và Nguyễn Thúy Hạnh, sẽ chỉ được “thả” khi họ chỉ còn là “những cái xác không hồn” – nghe thì phũ phàng, nhưng tiếc là rất thực tế trong xã hội này.

Tôi viết những dòng này, bởi mới đây có người hỏi tôi về tình trạng của Lê Anh Hùng. Thật đáng buồn khi Lê Anh Hùng đã bị giam giữ gần 4 năm không xét xử, mà không có một ai đoán biết được tương lai của cậu ta sẽ ra sao? Cả Nguyễn Trung Lĩnh và Nguyễn Thúy Hạnh nữa.

Đặng Bích Phượng

Tiếng Dân (07.05.2022)

 

 Việt Nam sử dụng tội danh “trốn thuế” để tấn công người bất đồng chính kiến

David Hutt

Trúc Lam, chuyển ngữ

Các nhà chức trách Việt Nam gia tăng các vụ trốn thuế đối với các nhà hoạt động, nhằm làm nhẹ bớt tình hình đàn áp của họ.

Chính quyền Việt Nam có một lịch sử lâu dài trong việc dẹp tan bất đồng chính kiến. Nguồn: Facebook 

Ngày 11 tháng 1, ông Mai Phan Lợi là người sáng lập và là chủ tịch của tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng, đã bị kết án bốn năm tù về tội “gian lận thuế”.

Cùng ngày, bà Ngụy Thị Khanh là người sáng lập một nhóm môi trường, cũng đã bị chính quyền Hà Nội bắt giữ, với cáo buộc tương tự về tội “trốn thuế”, có thể bị kết án lên tới bảy năm tù.

Vài ngày sau, ngày 24 tháng 1, ông Đặng Đình Bách, Giám đốc một nhóm xã hội dân sự khác là Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển Bền vững, cũng bị bỏ tù năm năm về tội “trốn thuế”.

Đàn áp [những người bất đồng chính kiến] khá phổ biến ở Việt Nam, một đất nước độc đảng, nơi Đảng Cộng sản cai trị không bị thách thức, kể từ năm 1975.

Nhưng tình hình đối với các nhà hoạt động và bất đồng chính kiến trở nên tồi tệ hơn kể từ khi ông Nguyễn Phú Trọng giành được nhiệm kỳ thứ hai với tư cách là người đứng đầu đảng hồi năm 2016, và càng tệ hơn nữa sau khi ông giành được nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ hồi năm ngoái. Nhiều đồng đảng của ông có tư tưởng tự do hơn cũng đã bị gạt ra ngoài lề, mở đường cho những người bảo thủ trong đảng.

Hiện có 206 nhà hoạt động đang bị giam giữ trong tù và 334 người khác có nguy cơ bị bắt, theo Dự án 88, một nhóm độc lập giám sát tù chính trị. Phóng viên Không Biên giới cho rằng, Việt Nam là nhà tù lớn thứ ba trên thế giới của các nhà báo và blogger.

Thời hạn án tù cũng đang tăng lên. Trong số 32 người bị bỏ tù hồi năm 2021 vì “tội” chính trị, gần hai phần ba đã bị kết án năm năm tù trở lên. Năm 2020, con số này chưa tới phân nửa.

Thường thì chính quyền cộng sản đưa ra các cáo buộc khá nhạt nhẽo. Nhiều nhà hoạt động bị bỏ tù vì “làm và phổ biến tài liệu tuyên truyền chống nhà nước“, một tội danh được xác định mơ hồ đến mức nó có thể được sử dụng để chống lại bất kỳ nhà hoạt động dân chủ bất đồng chính kiến nào, hoặc người sử dụng Facebook không may có bài đăng quan trọng nào bị những người kiểm duyệt nhắm tới.

Nhưng các nhà chức trách đã tăng cường vũ khí của họ. Ngày càng cảnh giác với những lời chỉ trích từ nước ngoài trong bối cảnh xu hướng ấm lên với phương Tây, chính phủ thường thuê những tên côn đồ, sử dụng các hành vi thô bạo đối với các nhà hoạt động, thay vì bắt giữ họ. “Lạm dụng các quyền tự do dân chủ“, theo điều 331 của Bộ luật Hình sự, cũng đã được sử dụng phổ biến hơn trong những năm gần đây.

Bây giờ tội “trốn thuế” đang được thêm vào các tội để đàn áp. Có một “mô hình mới nổi và đáng lo ngại trong việc sử dụng luật thuế của Việt Nam để hình sự hóa các nhà hoạt động môi trường, và theo sau mục tiêu lớn hơn nhắm tới các nhà lãnh đạo xã hội dân sự, cũng như thu hẹp không gian xã hội dân sự“, Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế và Ủy ban Nhân quyền Việt Nam cho biết, trong một báo cáo gần đây.

Các nhà phân tích nói rằng, các lý do tăng gấp đôi.

Đầu tiên, đó là một phương tiện rõ ràng là ít đàn áp hơn. Chính phủ nước ngoài có thể dễ dàng phàn nàn về điều kiện nhân quyền tồi tệ của Việt Nam khi một nhà hoạt động bị bỏ tù vì “tuyên truyền chống nhà nước“, một sự thừa nhận trần trụi của chế độ chuyên chế. Nhưng điều khó hiểu hơn đối với các quan sát viên nước ngoài rằng, liệu đưa chuyện thuế má ra để đàn áp một nhóm xã hội dân sự là thực thi pháp luật nặng tay hay công bằng.

Đối với người Dân Việt Nam, [sử dụng lý do thuế má để bắt bớ] cũng gây ấn tượng hơn. Ông Trọng, người đứng đầu đảng Cộng sản, đã làm cho mình nổi tiếng với công chúng qua chiến dịch chống tham nhũng “đốt lò” của ông ta, một chiến dịch chống tham nhũng hiệu quả nhất của đảng trong nhiều thập niên.  Những người giàu có và nổi tiếng, bao gồm cả các tỷ phú tư bản, đã được đưa ra như một phần của chiến dịch, trong khi vài đại án, án tử hình thậm chí đã bị kêu án.

Như vậy, các vấn đề thuế của các nhà hoạt động và các tổ chức phi chính phủ có thể được đóng khung như một phần của chiến dịch chống tham nhũng. Luật pháp địa phương hỗ trợ chính quyền vì tính hợp pháp của các tổ chức phi chính phủ hoặc các tổ chức xã hội dân sự (XHDS) không rõ ràng ở Việt Nam.

“Thực tế là các tổ chức phi chính phủ này đã hoạt động trong khu vực xám, không thể tuân theo các sắc lệnh hà khắc và phi thực tế của đảng CSVN, để các ủy ban tỉnh và chính quyền địa phương chấp thuận cuối cùng về các kế hoạch xã hội dân sự“, ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết.

Ông Robertson nói thêm: “Bây giờ sự giám sát để mắt tới các khoản quyên góp và thuế má, các tổ chức phi chính phủ không có nơi nào để che giấu, đó là tất cả những gì cho thấy nỗ lực [của Đảng Cộng sản] đưa họ vào và đặt họ dưới sự kiểm soát chặt chẽ hơn. Đây là về quyền lực hơn là thuế, và buộc các tổ chức phi chính phủ phải xoa dịu đảng mà tránh các chủ đề quan trọng“.

“Những người thật sự thất bại trong toàn bộ tình huống này sẽ là người dân Việt Nam, những người được hưởng lợi từ các chương trình phi chính phủ, nổi lên một phần vì đảng Cộng sản Việt Nam thiếu quan tâm và ưu tiên giải quyết các vấn đề thật sự mà người dân địa phương phải đối mặt“, ông Robertson nói thêm.

Các nhà phân tích nói, một lý do khác là chính quyền cộng sản đang chuyển tầm nhìn của họ ra khỏi những người bất đồng chính kiến, những người mà bây giờ họ đã nghiền nát một cách hiệu quả, và vào khu vực tổ chức phi chính phủ không chính thức.

Trong những năm gần đây, nhiều tổ chức đã mọc lên để vận động bảo vệ môi trường, quyền sử dụng đất và bảo vệ người lao động. Một phần, điều này là do nhiều nhà hoạt động nghĩ rằng họ sẽ an toàn hơn khi tiến hành các chiến dịch của họ thông qua một tổ chức, cho phép họ cùng làm việc với nhau và được cho là có được phần nào sự bảo vệ chống lại nhà nước.

Họ cũng được khuyến khích bởi các chính phủ nước ngoài. Khi Việt Nam ký hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu hồi năm 2019, chính phủ cộng sản tuyên bố sẽ dành nhiều không gian hơn cho các nhóm xã hội dân sự. Brussels coi đây là sự tiến bộ và nhiều nhà hoạt động Việt Nam tin rằng đó là sự cường điệu.

Hơn nữa, trong khi đàn áp qua các cáo buộc về thuế, có thể mới lạ, nhưng nó thật sự bắt nguồn từ một xu hướng lịch sử và vĩnh viễn trong cuộc chiến của đảng Cộng sản để dập tắt bất kỳ sự chống đối có ý nghĩa nào.

Năm 2006, các nhà hoạt động cùng nhau thành lập Khối 8406, một liên minh tập trung vào một tuyên ngôn kêu gọi cải cách dân chủ và được cho là phong trào ủng hộ dân chủ đầu tiên của đất nước.

Nó tồn tại chỉ trong vài tháng nhưng đại diện cho một xu hướng rộng lớn hơn: Các cá nhân và các nhóm nhỏ khác nhau đã tham gia cùng nhau để tạo thành các tổ chức phân cấp, rộng lớn hơn. Hai công đoàn độc lập đầu tiên của đất nước được thành lập cùng năm. Các nhà báo độc lập và các blogger cũng thành lập các hội nhóm.

Do vậy, hoạt động đã chuyển từ cá nhân sang cộng đồng, một vấn đề đối với nhà cầm quyền cộng sản vì họ có thể dễ dàng chọn ra các nhà hoạt động bị cô lập hơn. Nỗ lực thành lập các liên minh này đã thất bại vào năm 2006, phần lớn là do sự đàn áp. Nhưng chúng lại mọc lên nhiều năm sau đó, chẳng hạn như khi những người sáng lập Khối 8406, thành lập Hội Anh em Dân chủ vào năm 2013, một lần nữa đã bị dập tắt, nhưng đó là thông điệp bị mắc kẹt.

Ngay sau khi ông giúp thành lập Hội Anh em Dân chủ, ông Nguyễn Văn Đài, một luật sư bất đồng chính kiến hiện đang sống lưu vong, tuyên bố rằng, các phong trào ở Việt Nam “chỉ dựa trên cá nhân” và “không có sự phối hợp. Đó là lý do tại sao họ yếu“. Ông nói tiếp: “Đã đến lúc các nhà hoạt động dân chủ trong nước tập hợp lại để thảo luận và tìm ra con đường ngắn nhất cho nền dân chủ ở Việt Nam“.

Chu kỳ lặp lại. Đối với chính quyền cộng sản, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức XHDS mới đặt ra một mối đe dọa tương tự đối với quyền lực của họ như các liên minh dân chủ và vận động trong quá khứ: Mọi người tụ họp, trò chuyện và vận động trong những không gian mới, không rõ ràng không do Đảng Cộng sản kiểm soát.

Nhưng một lần nữa các nhà chức trách phản công lại, bằng cách sử dụng các luật không được xác định rõ ràng để giải quyết các vấn đề nghĩa vụ tài chính và thuế má của các nhóm.

https://asiatimes.com/2022/05

Tiếng Dân (06.05.2022)

 

 

Kêu gọi cải cách Luật Đất đai tại Hội nghị Trung ương 5 có thành sự thật?

Hình minh hoạ: Nông dân Bắc Ninh cầm banner đến trước cổng văn phòng Mặt trận Tổ quốc ở Hà Nội hôm 21/3/2012 phản đối lãnh đạo địa phương câu kết với doanh nghiệp lấy đất của dân  Reuters

Cải cách Luật Đất đai là lời kêu gọi từ trước của ông Nguyễn Phú Trọng, được nhấn mạnh trở lại vào lúc  Hội nghị Trung ương 5 được triệu tập từ ngày 4 đến ngày 10/5.

Tổng Bí thư ĐCSVN khẳng định 70% số vụ việc khiếu nại trên toàn quốc liên quan đến đất đai, nhiều người bị bỏ tù vì quản lý đất đai yếu kém và làm sai.

Hôm 5/5 vừa qua, một ngày sau khi Hội nghị Trung ương 5 nhóm họp, sáu tổ chức Xã hội dân sự trong nước đồng ký tên phổ biến một Kiến nghị có tên ‘Tuyên Bố Chống Tham Nhũng và Sửa Đổi Luật Đất Đai’.

Theo nhận định của các nhà quan sát, Hội nghị Trung ương 5 đang diễn ra, lời kêu gọi cải cách Luật Đất Đai của lãnh đạo cao nhất mà dư luận được đánh tiếng từ trước, đến Tuyên bố chống tham nhũng và sửa đổi Luật Đất Đai cùng thời điểm…có thể gây chú ý nhưng không tạo hiệu quả thay đổi khi vì cơ bản vẫn ‘Đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước quản lý’.

Luật Đất đai do ĐCSVN chủ trương là một luật trái với Đạo Trời, trái với lòng dân, phản tiến bộ. Đất đai là sở hữu toàn dân là một hình thức tước đoạt chứ gì nữa, nó gây ra nhiều thảm họa cho dân, tạo ra vô số tham nhũng và tội ác. Vì thế mà phải hủy bỏ nó, làm ra luật khác hợp đạo hơn, tiến bộ hơn”.

Đó là nhận định của Giáo sư Nguyễn Đình Cống, đại diện Câu lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh,  một trong sáu tổ chức Xã hội dân sự cùng thiết lập bản Tuyên bố ngày 5/5 vừa qua. Ông nói: 

Các Tổ chức Xã hội dân sự  ra Tuyên bố về Luật Đất đai là để đòi Chính quyền trả lại Đất cho dân. Việc này chắc ông Trọng không muốn làm”.

Đại diện CLB Lê Hiếu Đằng, ông Lê Thân, cho biết Việt Nam từng thông báo sửa đổi Luật Đất đai từ những năm 2003, 2013 và 2018 nhưng không có gì khác biệt tính đến lúc này: 

“Ông Nguyễn Phú Trọng nói 70% những vụ khiếu kiện liên quan đến vấn đề đất đai, thực chất người ta tổng kết là 80%, và gần 80% cán bộ các cấp bị xử lý cũng liên quan tới đất đai. Mới đây  thì hai ông Bí thư và hai ông Chủ tịch tỉnh Bình Thuận bị xử lý. Vậy thì 30 năm từ khi Bình Thuận tách khỏi Thuận Hải, nhiệm kỳ nào của Chủ tịch tỉnh Bình Thuận cũng bị kỷ luật”.

Xem ra tình trạng tham nhũng đến lúc này đã quá là nghiêm trọng, ông Lê Thân nói tiếp:

“Thế nhưng cải cách thế nào, có triệt để hay không và có cứu Đảng được hay không phải còn chờ xem. Nói rằng đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nghĩa là đất không của ai cả. Như vậy Nhà nước mới thực sự là ông chủ của đất, được quyền ban phát cho dân sử dụng, và nhớ là khi cần thì Nhà nước thu lại”.

Đây chính là cơ sở, vẫn lời ông Lê Thân,  để nhà cầm quyền ĐCSVN tự tung tự tác, đè đầu cởi cổ gây bất công xã hội, cũng chính là điều được nhấn mạnh, được lập đi lập lại trong bản Tuyên bố chống tham nhũng và sửa đổi Luật Đất đai của các Xã hội dân sự:

Xét về bản chất của chính sách đất đai là nhằm phục vụ bọn tham nhũng, bọn có quyền kết hợp làm ăn bất chính gây bất công xã hội. Cái này làm sao mà dân chịu đưng được.”

“Nếu kỳ này mà vẫn giữ cái chính sách ‘đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý’ thì không được. Phải chuyển qua chính sách đa sở hữu, tức là có đất do Nhà Nước quản lý và có đất do dân sở hữu thực sự là tài sản của họ.”

“Nặng nhất trong vấn đề tham nhũng là đất đai, chuyện chống tham nhũng ở đây trước nhất là cứu Đảng. Đảng suy cho cùng nó ung nhọt như thế mà nguồn cơn là đất đai, cải cách đất đai ở đây chính là cứu Đảng”.

Tiếp lời đại diện CLB Lê Hiếu Đằng, đại diện Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập, nhà giáo Hoàng Dũng, cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng đã mặc nhiên nhìn nhận đất đai là một vấn đề thực sự vì chiếm tới 70% đơn từ khiếu kiện cả nước:

“ĐCSVN đã rất nhiều lần họp hành, Luật Đất đai cũng cất lên đặt xuống rất nhiều lần, 2003 rồi 2013 rồi 2018. Luật mà sửa tới sửa lui như vậy đủ biết là có chuyện.  Tuy nhiên bất chấp sự lo lắng từ người lãnh đạo cao nhất Đảng, chúng tôi cho là rất khó vì sửa là phải làm lại Hiến Pháp chứ không phải từ những luật bên dưới.”

“Bây giờ chỉ nói sửa Luật Đất đai thì phải nói là có thể sửa trong phạm vi hợp lý tương đối thôi. Còn nói sửa cái nguồn gốc và giao cho người dân quyền sử dụng đất thật sự đó là chơi chữ để mị dân.”

“Vụ Thủ Thiêm là một minh chứng, người ta nhân danh Nhà nước để thu hồi và đền bù cho dân một số tiền bèo bọt mà đầu tư và thu lại thì không biết bao nhiêu lần. Có chuyện làm sai luật chứ không phải không, nhưng vấn đề là bản thân luật không thể chấp nhận được”.

Vì vậy, theo Giáo sư Hoàng Dũng, biết khó mà vẫn phải làm, phải gắn vấn đề tham nhũng vào Luật Đất đai để nhà cầm quyền thấy dân oan không  sai.

“Cái logic của nó là như thế. It nhất nó có hai tác dụng, thứ  nhất nó đánh thức khát vọng dân chủ, có khi bùng nổ theo kiểu Đồng Tâm, Dương Nội, nhưng cũng có người ôm nỗi đau khổ, oan ức… Bản Tuyên bố như thế này có thể nuôi dưỡng khát vọng dân chủ trong người dân. Mặt  khác nó góp phần làm cho Nhà nước thấy rõ hơn cái áp lực của việc phải thay đổi”.

Từ 2003 đến 2018, vẫn lời nhà giáo Hoàng Dũng, dẫu rằng vấn đề then chốt nhất là ‘sở hữu toàn dân’ vẫn không thay đổi, nhưng về phương diện kỹ thuật thì có thay đổi chặt chẽ hơn:

“Ngày xưa chính quyền địa phương muốn đuổi dân đi để chiếm đất thì dễ hơn bây giờ rất nhiều. Bây giờ thì không dễ vì chặt chẽ hơn. Tuy là chặt chẽ nhưng cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề. Chúng ta hy vọng thay đổi dần thôi. Trong ngắn hạn tôi không hình dung được Luật Đất đai thay đổi một cách triệt để được đâu”.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống, CLB Nguyễn Trọng Vĩnh, bổ túc ý kiến của Giáo sư Hoàng Dũng: 

“Ông Nguyễn Phú Trọng ở Hội nghị Trung ương buộc lòng phải nói ra một số sự thật, một số thôi chứ không phải là toàn bộ. Vì không thể tiếp tục che đậy được nữa thành phải công nhận mà thôi, chứ thực lòng ông Trọng không muốn đem quyền sở hữu cho dân cho nước đâu. Việc ông kêu gọi cái cách luật chủ yếu nhằm vào quyền lợi của Đảng chứ không phải vì nước vì dân đâu. Sửa đổi thì chắc là có sửa một chỗ này một chỗ kia, bịt lổ hỗng này lỗ hỗng nọ. Phải thay đổi toàn bộ thì mới đạt nguyện vọng của người dân, sửa mà không khéo thì Việt Nam có câu sửa chỗ hà ra chỗ hổng  thôi.”

Kỳ vọng vào sự thay đổi Luật Đất Đai hôm nay- ngày mai là một ảo tưởng, Hội nghị Trung ương 5 kỳ này và cả bản Tuyên bố của các Xã hội dân sự phải vạch ra cho được là chính sách ‘áp giá đền bù’ mới là đầu mồi là cốt lõi của tham nhũng trước nay.

Đây là chia sẻ qua điện thư của một blogger giấu tên, một nhà quan sát thời cuộc, từng có thời gian dài làm việc trong cơ quan công quyền Đảng và Nhà nước:

Người dân bao nhiêu năm nay khốn khổ, cãi cọ, kiện tụng và đầu tranh lên tới trung ương vì cái chuyện áp giá đền bù không sát với giá cả thị trường, thậm chí cách xa ghê gớm với giá thị trường. Đây là cái lớn nhất ta có thể nhìn thấy trong tham nhũng. Ai cũng hiểu  giải tỏa đất vào một công trình hay dự án mà áp giá  đền bù không xứng đáng thì dẫn đến giá cả những khu đất đó, và cả các khoảnh đất bị trưng thu liền kề, sẽ tăng vọt lên gấp nhiều lần không thể tưởng tượng được. Điều này  chỉ quan chức trưng thu và doanh nghiệp can dự mới hiểu được chứ người dân ở đó chưa chắc đã biết.”

“Cấp  nào được quyền và cấp nào được tham gia chuyện giải tỏa đền bù? Từ lâu đã có chuyện chính quyền địa phương sử dụng cơ quan công lực để mà hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết chuyện đền bù đất. Người dân bức xúc đấu tranh thì chính quyền đứng đằng sau doanh nghiệp và công an để xử lý như vụ Văn Giang hay nhiều vụ khác”.

Dường như đã có chút ít thay đổi, blogger giấu tên trình bày tiếp, là đẩy vấn đề doanh nghiệp phải làm việc sát với dân hơn:

“Vì nếu để quan chức chính quyền tham gia nó lại sinh tham nhũng. Không thỏa thuận được, không giải quyết được cho dân thì đừng tham gia, thậm chí dùng xã hội đen để mà đối phó với dân thì các anh phải đối mặt với pháp luật và hình phạt. Đấy, muốn kiến nghị và muốn thay đổi thì phải  đi sâu vào những điểm ấy”.

Chuyện sở hữu toàn dân hay không sở hữu toàn dân đương nhiên là dấu mốc cực kỳ quan trọng. Sửa từ Hiến Pháp và từ trong Luật Đất đai cũng vô cùng quan trọng, nhưng đừng ảo tưởng rằng sửa và bỏ cái sở hữu toàn dân ấy là có thể thay đổi hoàn toàn một sớm một chiều. 

Nói một cách khác, blogger nhắc lại, cả hệ thống phải tự nguyện thay đổi, bởi nếu không thì cách làm luật, bộ máy hành chính liên quan đất đai từ trung ương đến địa phương với những con người như vậy trong hệ thống  thừa sức đẻ ra những qui định, và nó tiếp tục diễn ra tình trạng tham nhũng về đất đai không khác gì và không khác mấy so với từ trước đến nay.  

Thanh Trúc

RFA (06.05.2022)

Chiến dịch toàn cầu đòi tự do cho Nguyễn Bắc Truyển

Phát động phần truyền thông để chuẩn bị cho Hội Nghị Thượng Đỉnh

 

Hôm nay, BPSOS cùng với một số tổ chức bạn phát động phần truyền thông của Chiến Dịch Toàn Cầu Đòi Tự Do Cho Nguyễn Bắc Truyển với phát biểu của cựu Ngoại Trưởng Thái Lan Kasit Piromya. 

“Như một Phật tử tốt, tôi có thể thực hành tôn giáo của tôi. Trong ý nghĩa đó, tôi mong muốn mọi công dân của cộng đồng ASEAN ở khu vực Đông Nam Á cũng đều được hưởng đặc quyền này,” Ông nói. “Tôi mạnh mẽ hối thúc chính phủ Việt Nam trả tự do cho Ông [Nguyễn Bắc Truyển] ngay lập tức.”  

Theo Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, chiến dịch toàn cầu này sẽ kéo dài và leo thang cho đến khi đạt mục đích là tự do cho tù nhân lương tâm tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển.

“Chiến dịch sẽ được chính thức công bố tại Hội Nghị Thượng Đỉnh về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, tổ chức tại thủ đô Hoa Kỳ cuối tháng 6 này,” Ts. Thắng nói. “Phần truyền thông được khởi động sớm để tạo sự chú ý của tất cả các tham dự viên trước khi họ đến hội nghị.”

Ban tổ chức hội nghị, trong đó có BPSOS, uước lượng sẽ có trên một nghìn người tham dự. Xem thêm thông tin: https://irfsummit.org/

 

Chiến Dịch Toàn Cầu cho Các Tù Nhân Lương Tâm Tôn Giáo, bao gồm các hồ sơ tiêu biểu ở nhiều quốc gia, là bộ phận quan trọng của hội nghị thượng đỉnh.

“Chúng tôi sẽ chọn 10 tù nhân lương tâm tôn giáo ở nhiều quốc gia để giới thiệu tại hội nghị; mỗi hồ sơ sẽ là tâm điểm để tạo sự chú ý của quốc tế đến hiện trạng đàn áp tôn giáo nói chung ở các quốc gia này,” Ts. Thắng giải thích. “Nguyễn Bắc Truyển là một trong số 10 người này.”

Ts. Thắng là người phối hợp toàn bộ chiến dịch toàn cầu này của hội nghị thượng đỉnh.

Chiến dịch toàn cầu sau đó sẽ được giới thiệu tại Hội Nghị Cấp Bộ Trưởng về Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin tổ chức vào tuần đầu của tháng 7 ở London, Anh Quốc, và rồi được luân lưu đến các hội nghị về tự do tôn giáo ở nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới.          

 

Theo Ts. Thắng, chiến dịch được thiết kế để mọi người dù bất kỳ ở đâu cũng có thể dễ dàng tiếp tay.

“Đối với chiến dịch đòi tự do cho Ông Nguyễn Bắc Truyển, ngay lúc này xin quý đồng hương tiếp tay bằng cách phổ biến thật rộng rãi bản tin này.”

BPSOS cũng vận động mạng lưới các nhân sĩ và tổ chức thân hữu toàn cầu tiếp tay trong phần truyền thông.

 

Cựu Ngoại Trưởng Piromya là một thân hữu như vậy. Ông đã tham gia nhiều hội nghị về tự do tôn giáo hay niềm tin do BPSOS đồng tổ chức ở Đông Nam Á.

Tháng 7 năm 2020, Cựu Ngoại Trưởng Piromya đã viết trên báo The Diplomat lời kêu gọi tự do cho Ông Nguyễn Bắc Truyển.

 

Các tổ chức chủ xướng chiến dịch đòi tự do cho Ông Nguyễn Bắc Truyển gồm có: Liên Minh Chống Tra Tấn — Việt Nam, Chiến Dịch Bài Trừ Nạn Tra Tấn ở Việt Nam, CSW (Anh quốc) và BPSOS.

http://machsongmedia.org   (06.05.2022)

 Trần Hoàng Huấn bị phạt 8 năm tù vì ‘tuyên truyền chống nhà nước’

Trần Hoàng Huấn tại phiên tòa ở Tiền Giang ngày 5/5/2022. Photo chụp từ ANTV.

Hôm 5/5, một tòa án ở Tiền Giang tuyên phạt Facebooker Trần Hoàng Huấn 8 năm tù và 3 năm quản chế vì viết bài “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân”.

Với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 Bộ Luật hình sự 2015, Trần Hoàng Huấn, 34 tuổi, bị cho là đã có hành vi viết, đăng tải tổng cộng 186 bài viết, dòng trạng thái trên trang Facebook cá nhân “Huan Tran” với nội dung như trên trong thời gian từ tháng 9/2020 đến tháng 4/2022, theo cổng thông tin Công an tỉnh Tiền Giang.

Trang này dẫn cáo trạng cho biết, ngoài việc đăng tải 60 bài viết, dòng trạng thái “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân”, Huấn còn đăng 21 bài viết, dòng trạng thái “bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân”…và đăng các thông tin có nội dung “đả kích, bôi nhọ chế độ, phủ nhận thành quả Cách mạng và xúc phạm lãnh đạo Đảng, Nhà nước”.

Facebooker Trần Hoàng Huấn bị chính quyền bắt giữ vào ngày 4/8/2021.

Chính quyền cho rằng “mọi người dân đều có quyền tự do thể hiện quan điểm, chính kiến cá nhân”, nhưng nhấn mạnh thêm rằng “cần phải tỉnh táo để không bị kẻ xấu lôi kéo, kích động làm điều vi phạm pháp luật, để rồi biến mạng xã hội facebook thành công cụ xâm hại cá nhân, tổ chức, xâm hại lợi ích quốc gia, dân tộc….”

Các hình ảnh trên đài truyền hình ANTV của Bộ Công an cho thấy phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Huấn diễn ra không có sự hiện diện của luật sư bào chữa.

Việt Nam gần đây bắt giam và tuyên án tù dài hạn đối với những người sử dụng Facebook nêu quan điểm trái ngược với quan điểm của chính quyền.

Cũng với cáo buộc tương tự, hôm 14/4, một tòa án ở Quảng Ngãi đã tuyên phạt Facebooker Lê Văn Quân 10 năm tù giam vì đăng tải trên Facebook các thông tin có nội dung “xuyên tạc uy tín, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chế độ xã hội chủ nghĩa; vu khống, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc”.

Trên bảng Chỉ số Tự do Báo chí 2022 của tổ chức Phóng viên Không Biên giới vừa được công bố vào đầu tuần này, Việt Nam xếp hạng 174 trong số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dù tiến hơn một bậc so với những năm trước đó, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 10 quốc gia tồi tệ nhất trên thế giới, tức danh sách đỏ của bảng Chỉ số, gồm những nước có tình hình báo chí “rất tồi tệ”.

Trong khi các tổ chức nhân quyền quốc tế liên tiếp chỉ trích việc Hà Nội kiểm soát chặt truyền thông và những hạn chế về tự do biểu đạt cả trên mạng lẫn thực tế, chính quyền nói rằng “tại Việt Nam, không ai bị bắt giữ, xét xử chỉ vì “bày tỏ chính kiến””, mà chỉ “bắt giam và xét xử những ai vi phạm pháp luật.”

VOA Tiếng Việt   (06.05.2022)

 

 

Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh bị chuyển từ trại tạm giam tới bệnh viện tâm thần

Bà Nguyễn Thúy Hạnh trong một lần biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội  /Facebook Nguyen Thuy Hanh 

Cơ quan an ninh điều tra kết luận nhà hoạt động nhân quyền người Hà Nội gặp vấn đề tâm thần nghiêm trọng và cần phải đi điều trị, đây là trường hợp mới nhất về việc một người bất đồng chính kiến với nhà nước Việt Nam bị đưa đi viện tâm thần chữa trị không thời hạn. 

Hôm 6 tháng 5, ông Huỳnh Ngọc Chênh, chồng của nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, cho biết phía cơ quan công an thông báo đã đưa bà Hạnh đi chữa bệnh trầm cảm bắt buộc từ cuối tháng 4, sau khi tổ chức khám và giám định tâm thần cho nhà hoạt động nhân quyền này. 

Bà Nguyễn Thúy Hạnh – Nhà sáng lập và điều hành Quỹ 50k chuyên giúp đỡ gia đình các tù nhân lương tâm, bị công an Hà Nội bắt tạm giam hồi năm ngoái với cáo buộc “phán tán tài liệu chống nhà nước”. 

Trả lời phỏng vấn của đài Á châu Tự do ngay sau khi kết thúc buổi làm việc với cơ quan công an, ông Huỳnh Ngọc Chênh cho biết thông tin cụ thể:

“Họ thông báo về quyết định tạm đình chỉ tạm giam đối với Nguyễn Thúy Hạnh và bắt buộc đi chữa bệnh tại Viện Pháp y Tâm thần Trung ương.”

Như chúng tôi đã đưa tin trước đây, bà Nguyễn Thuý Hạnh vốn đã mắc bệnh trầm cảm nặng và phải trải qua quá trình điều trị bệnh này từ trước khi bị bắt. 

Tuy nhiên theo ông Huỳnh Ngọc Chênh thì trong buổi làm việc sáng hôm nay, đại diện phía công an đã nói rằng bệnh tình của bà Hạnh lúc trước khi bị bắt không đủ nghiêm trọng để được miễn trách nhiệm hình sự. 

Và phải đến khi bị bắt tạm giam thì bệnh trầm cảm của nhà hoạt động này mới trở nặng, do vậy mới được đưa đi chữa bệnh. 

Phía cơ quan an ninh điều tra cũng cho biết sau khi chữa trị xong thì bà Hạnh vẫn sẽ phải đối diện với việc bị truy tố. Nhưng thời gian chữa trị thì không được tiết lộ, ông Chênh nói: 

“Tôi có hỏi việc đó những bên cơ quan điều tra họ cũng không biết luôn, họ nói đó là chuyện của khoa học, viện pháp y mới trả lời được chứ họ chỉ biết là khi nào hết bệnh thì họ lại đưa về để truy tố ra toà. Họ đã có kết luận điều tra rồi, bây giờ chỉ chờ hết bệnh là xử thôi.”

Ông Huỳnh Ngọc Chênh vốn là một blogger được tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới và Google trao giải thưởng Công dân mạng năm 2013 cũng bày tỏ lo lắng trên Facebook cá nhân, về việc bà Hạnh sẽ bị đưa đi chữa trị vô thời hạn như blogger Lê Anh Hùng của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA. 

Ông Lê Anh Hùng bị bắt hồi tháng 7 năm 2018 vì bị cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, và đến tháng 4/2019 thì bị đưa vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 để điều trị mà đến giờ vẫn chưa được xét xử. 

Đáng chú ý là trong quá trình “điều trị bắt buộc”, ông Hùng đã nhiều lần lén cho người nhà biết ông bị nhân viên y tế đánh đập và ngược đãi. 

Bà Nguyễn Thúy Hạnh từng là một người phụ nữ thành đạt trước khi dấn thân vào con đường hoạt động nhân quyền. 

Hồi năm 2016, người phụ nữ sinh năm 1963 này đứng ra tranh cử trong kỳ Bầu cử Quốc hội với cương lĩnh tập trung vào việc bảo vệ chủ quyền và bảo vệ quyền phụ nữ, trong đó có lời hứa khi trúng cử sẻ đề nghị Quốc hội thống nhất và giao cho Chính phủ trình và ký Hồ sơ Kiện Trung Quốc ra toà án Quốc tế về việc cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ tháng 1/1974.

RFA (06.05.2022)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen