Mục lục
Ông Trịnh Bá Khiêm liên tục bị công an doạ bắt vì đấu tranh cho vợ và con trong tù
Ông Trịnh Bá Khiêm Facebook Trịnh Thị Thảo
Trong hai ngày 11 và 12 tháng 5, ông Trịnh Bá Khiêm, chồng của tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu, và là bố của hai tù nhân lương tâm khác Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư, liên tiếp bị công an tỉnh Hoà Bình triệu tập tới làm việc.
Được biết đây đã là lần thứ ba ông bị mời lên làm việc với cơ quan an ninh vì các nội dung mà ông đăng tải trên trang Facebook cá nhân của mình, kể từ khi vợ và hai con trai bị bắt.
Trả lời phỏng vấn của đài RFA, ông Trịnh Bá Khiêm nói về việc bị an ninh yêu cầu ngừng lên tiếng trên mạng xã hội:
“Lần làm việc thứ hai với an ninh tỉnh Hoà Bình thì họ chất vấn tôi rằng tại sao lại nói trên mạng xã hội là chế độ Cộng sản giết người, thì tôi bảo là đúng vậy đấy, giết cụ Lê Đình Kình đấy, họ bảo do cụ ấy sai phạm nhưng tôi bảo cụ ấy có sai phạm gì đâu, cụ ấy đang ngủ trong nhà nửa đêm thì bị bắn chết chứ đâu sai phạm gì.
An ninh cũng bảo tôi là không được đăng tải những bài viết chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội, và yêu cầu tôi dừng livestream trên mạng xã hội nữa.”
Cả ba người nhà của ông Trịnh Bá Khiêm đều bị bắt trước đó dưới cáo buộc “phát tán tài liệu chống nhà nước”, cụ thể là vì các phát ngôn của họ trên mạng xã hội.
Bản thân ông Khiêm hôm 7 tháng 5 đã đăng tải một video lên trang Facebook cá nhân để kêu gọi sự chú ý đến trường hợp gia đình ông, trong đó ông cáo buộc chính quyền đánh đập và tra tấn hai con trai của ông ở trong tù.
Trong khi vợ và con trai út của ông Khiêm là bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư đã bị xét xử và kết án mỗi người tám năm tù, thì con trai cả là Trịnh Bá Phương đang trong quá trình kháng cáo sau khi đã bị toà sơ thẩm tuyên án 10 năm tù.
Người đàn ông 64 tuổi này cho biết ông đã từ chối yêu cầu ngừng lên tiếng trên mạng xã hội của phía công an, và khẳng định là sẽ tiếp tục đấu tranh cho người thân của mình, và do đó đã bị đe doạ bắt bớ và kết án nặng nề, ông nói:
“Họ yêu cầu tôi dừng và nếu không thì sẽ bắt giam và kết án nặng nề”.
Trước đó, hôm 9 tháng 5, ông Khiêm đã thực hiện chuyến đi hơn 200 km bằng xe máy tới trại giam số 6 để thăm gặp con trai út Trịnh Bá Tư, đây là cuộc gặp đầu tiên của hai cha con kể từ khi anh Tư bị bắt hồi tháng 6 năm 2020.
Trao đổi với đài Á châu Tự do trước khi tới đồn công an hôm 11 tháng 5, ông Khiêm cho biết ông ý thức được nguy cơ bản thân bị bắt tại đồn công an là cao, nhưng ông đã chuẩn bị cho điều đó:
“Tôi cũng thấy là nhiều trường hợp mời đến đồn rồi bắt ngay tại đồn, họ còn về khám nhà nữa, nhưng mà tôi không bao giờ sợ bọn Cộng sản. Hướng đấu tranh của tôi là chính chế độ Cộng sản mới là bọn phạm tội, và bọn chúng phải trả lời bào chữa trước tôi, chứ tôi không bao giờ phải bào chữa trước bọn Cộng Sản.”
Trong buổi làm việc chiều ngày 11 tháng 5, phía cơ quan an ninh tiếp tục đề nghị ông từ bỏ việc chỉ trích nhà nước trên mạng xã hội và đưa ra lời đe doạ sẽ bắt giam nếu ông không hợp tác.
Ông Khiêm cho biết ngay sau khi trở về nhà từ đồng công an như sau:
“Họ thuyết phục tôi là không được livestream nói xấu chế độ nếu không là sẽ bắt giam tôi. An ninh của chế độ Cộng sản muốn bắt tối lắm rồi, tôi phán đoán như vậy.”
Còn trong buổi làm việc diễn ra chiều ngày 12 tháng 5, phía cơ quan an ninh đã thay đổi cách tiếp cận, và thuyết phục ông Trịnh Bá Khiêm không sử dụng từ cộng sản trong các phát ngôn của mình, thay vì cấm ông lên tiếng trên mạng xã hội.
“Họ yêu cầu là như vậy, họ rất kỵ từ đó, quan điểm của chế độ Cộng sản này là Đảng Cộng sản thì luôn luôn đúng, sai thì chỉ có cá nhân sai thôi, bây giờ mà gọi chung là cộng sản thì họ rất là kỵ, họ bảo như thế là nói xấu chế độ, nói xấu nhà nước.”
RFA (12.05.2022)
Chính giới Hoa Kỳ tham dự Ngày Nhân quyền cho Việt Nam lần thứ 28
Ông Scott Busby (dòng 3, giữa) phát biểu trong Ngày Nhân quyền cho Việt Nam lần thứ 28, ngày 11/5/2022. Photo chụp từ Zoom.
Hôm 11/5, các nghị sĩ và các quan chức chính phủ Hoa Kỳ cùng hội đoàn cộng đồng người Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm Ngày Nhân quyền cho Việt Nam lần thứ 28, nhấn mạng tầm quan trọng các giá trị căn bản mà Hoa Kỳ cần thúc đẩy khi xúc tiến quan hệ ngoại giao với chính quyền Việt Nam.
Buổi lễ được tổ chức bằng hình thức trực tuyến diễn ra cùng lúc Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và phái đoàn đang có chuyến công du tại thủ đô Washington để tham dự Thượng đỉnh Hoa Kỳ – ASEAN.
Ban tổ chức Ngày Nhân quyền cho Việt Nam nói với VOA rằng, ngoài sự kiện trực tuyến này, còn có Ngày vận động cho nhân quyền Việt Nam, diễn ra vào ngày 12/5, là dịp để các cộng đồng người Việt có mặt ở thủ đô Mỹ gặp gỡ các nhà lập pháp để yêu cầu gây áp lực về nhân quyền với giới lãnh đạo Việt Nam.
Thượng nghị sĩ John Cornyn phát biểu qua một video hôm 11/5:
“Tôi sẽ tiếp tục đấu tranh để chấm dứt những vi phạm nhân quyền đáng tiếc vẫn còn xảy ra ở Việt Nam. Người dân Việt Nam xứng đáng được hưởng các quyền tốt hơn”.
Dân biểu Alan Lowenthal phát biểu qua video hôm 11/5/2022.
“Chính quyền Việt Nam tiếp tục vi phạm hiến pháp và nghĩa vụ của mình đối với cộng đồng quốc tế thông qua việc bắt bớ, giam giữ và bỏ tù tùy tiện các nhà hoạt động, nhà báo độc lập, các nhà lãnh đạo tôn giáo và các nhà bất đồng chính kiến. Trong nhiều trường hợp, những cá nhân này bị bỏ tù oan sai với những bản án tù khắc nghiệt và cực kỳ dài”, Dân biểu Alan Lowenthal phát biểu qua video.
“Ngày Nhân quyền Việt Nam diễn ra ngay trước Hội nghị Thượng đỉnh Đặc biệt của Hoa Kỳ – ASEAN tại Washington DC, các đồng nghiệp của tôi và tôi trong Quốc hội đang kêu gọi Tổng thống Biden và chính quyền nêu vấn đề nhân quyền với các quan chức Việt Nam, yêu cầu trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm ở Việt Nam”, ông Lowenthal nói thêm.
Phát biểu tại Ngày nhân quyền Việt Nam, ông Scott Busby, quyền Vụ trưởng vụ Dân chủ, Nhân quyền và Lao động (DRL) thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bày tỏ sự quan ngại:
“Chúng tôi nhận thấy sự gia tăng các vụ bắt giữ, kết án và các án tù dài hạn…
“Chúng tôi rất thất vọng khi một tòa án Việt Nam kết án Phạm Đoan Trang vào cuối năm ngoái với mức án 9 năm tù giam. Chúng tôi đã đưa ra một tuyên bố bày tỏ quan ngại về sự kết án và bản án này, và chúng tôi đã nêu ra trường hợp của bà ấy trong nhiều lần trao đổi với chính phủ Việt Nam.”
Ông Busby cũng quan ngại về các trường hợp khác như nhà hoạt động tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển, nhà hoạt động dân chủ Trần Huỳnh Duy Thức…vẫn đang bị giam cầm tại Việt Nam.
Bà Anurima Bhargavar, Uỷ viên của Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) cũng nhắc đến trường hợp ông Truyển và nhấn mạnh rằng cơ quan của bà sẽ tiếp tục vận động để ông được tự do.
“Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hiện có mặt tại Washington trong tuần này, cùng với nhiều nhà lãnh đạo khác của Việt Nam. Chúng tôi rất mong muốn được tham gia với họ trong cuộc đối thoại thẳng thắn và nghiêm túc với mục tiêu đạt được tiến bộ cụ thể về nhiều mối quan tâm về nhân quyền”, ông Busby nói.
Ông Phan Thông Hưng, đại diện ban tổ chức Ngày Nhân quyền cho Việt Nam, chia sẻ với VOA về vấn đề tình hình nhân quyền Việt Nam trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ:
“Việt Nam tiếp tục đàn áp nhân quyền. Chúng tôi phản đối việc chính quyền Việt Nam đang hành xử đối với các tù nhân lương tâm.
“Có thể nhân quyền không còn là vấn đề quan trọng nhất trong tình hình hiện tại nhưng không phải là vấn đề thứ yếu trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
“Để bắt tay với nhà cầm quyền Việt Nam đang bị Trung Quốc điều khiển hay giật dây, chính sách đối ngoại của Mỹ cũng phải uyển chuyển để đạt được mục đích của họ: nhân quyền không thể thiếu trong cuộc sống của nhân loại, nhất là những nước đang bị cộng sản cầm quyền như ở Việt Nam hiện nay”.
Từ năm 1994, ngày 11/5 hàng năm được Quốc hội Mỹ công nhận là Ngày Nhân quyền Việt Nam để nhấn mạnh sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ và khuyến khích các quyền tự do căn bản của công dân tại Việt Nam được quốc tế công nhận.
Đạo luật ban hành ngày 25/05/1994 về việc công nhận này không những nói lên sự cam kết ủng hộ của chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đối với công cuộc tranh đấu đòi tự do, dân chủ, và nhân quyền cho dân tộc Việt Nam, mà còn thể hiện ý chí và quyết tâm của Người Việt hải ngoại luôn đồng hành, tranh đấu, và yểm trợ để bảo vệ những quyền căn bản của người dân trong nước, theo ban tổ chức.
Lễ kỷ niệm Ngày Nhân Quyền Việt Nam hàng năm được tổ chức trọng thể dưới sự bảo trợ của của các Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu thuộc lưỡng đảng Hoa Kỳ.
VOA (12.05.2022)
HRW kêu gọi thúc đẩy nhân quyền, dân chủ tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN
Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt HoaKỳ-ASEANvào ngày 12 tháng 5 năm 2022 sẽ khuyến khích các lãnh đạo chuyên quyền trừ khi hội nghị trực tiếp đối mặt với tình trạng nhân quyền và dân chủ tồi tệ hơn trong khu vực, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết hôm nay trong một bức thư gửi chủ nhà hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Hoa Kỳ Joseph Biden. Các lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng nên thừa nhận sự thất bại của khối ASEAN trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhân quyền và nhân đạo ở Myanmar kể từ cuộc đảo chính quân sự tháng 2 năm 2021.
John Sifton, giám đốc vận động châu Á thuộc tổ chức Quan sát Nhân quyền cho biết: “Chính quyền Biden sẽ cần phải thuyết phục các lãnh đạo độc tài của khối ASEAN tại hội nghị thượng đỉnh rằng tương lai cuối cùng của liên minh phụ thuộc vào cải cách dân chủ. Mối quan hệ Mỹ-ASEAN cần phải trung thực và trực tiếp đề cập đến tình trạng nhân quyền đang xấu đi và sự thụt lùi dân chủ trong khu vực.”
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, sự phát triển của cai trị độc tài ở khu vực ASEAN đang diễn ra trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc ngày càng cố hết sức làm suy yếu các biện pháp bảo vệ nhân quyền.
Quan chức Hoa Kỳ nên nói chuyện cởi mở, thẳng thắn và công khai về các mối quan tâm cụ thể trong các cuộc họp song phương với các thành viên ASEAN và trong các tuyên bố với truyền thông về hội nghị thượng đỉnh, Human Rights Watch cho biết. Chính quyền Biden có thể làm như vậy một cách đáng tin cậy và hiệu quả nhất bằng cách tập trung vào các tình huống thực tế ở mỗi quốc gia, đồng thời thừa nhận nhiều thiếu sót trong hồ sơ nhân quyền của Hoa Kỳ cũng như nhữngnỗ lực và thách thức của chính phủ Hoa Kỳ trong việc khắc phục chúng.
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, lạm dụng nhân quyền gia tăng ở các nước ASEAN trong những năm gần đây. Quân đội Myanmar đã sử dụng biện pháp tàn bạo hàng loạt đối với người Hồi giáo Rohingya và các nhóm sắc tộc khác, cùng những người biểu tình chống đảo chính. Cuộc “chiến chống ma túy” của Tổng thống sắp mãn nhiệm Philippines Rodrigo Duterte đã dẫn đến hàng ngàn vụ hành quyết không qua xét xử.Chính phủ độc đảng của Việt Nam đã hiện tăng cường đàn áp ra và bắt giam hơn 150 nhà bất đồng chính kiến. Chính quyền Campuchia đang tiến hành xét xử hàng loạt, nhiều vụ xử vắng mặt, các nhân vật chính trị đối lập.
Mỹ nên thúc ép các thành viên ASEAN từ bỏ cách tiếp cận “năm điểm thuận” thất bại đối với cuộc khủng hoảng ở Myanmar. Các thành viên ASEAN cùng chí hướng như Malaysia, Indonesiavà Singapore, nên tham gia vào những nỗ lực quốc tế phối hợp để quân đội hướng tới cải cách, như tăng hạn chế đối với nguồn thu ngoại tệ và mua vũ khí. Mỹ và các nước ASEAN này nên phát triển một cách tiếp cận rõ ràng, có thời hạn để gây áp lực buộc quân đội chấm dứt các hành vi lạm dụng, như ra tín hiệu ủng hộ các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với doanh thu từ dầu và khí đốt cùng một nghị quyết của Hội đồng Bảo an về việc ban hành lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu.
“Thảo luận về các mối quan tâm nhân quyền khu vực tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN sẽ gửi thông điệp rằng nhân quyền và thúc đẩy dân chủ là rất quan trọng trong việc tạo ra phản ứng đa phương đối với các cuộc tấn công của chính phủ Trung Quốc vào hệ thống nhân quyền quốc tế,” Sifton nói.
Nguồn: https://www.hrw.org/news/2022/05/10/us-asean-promote-rights-democracy-summit
VNTB (12.05.2022)
Tù chính trị bị Hà Nội dùng trong cuộc ‘mặc cả’ với Washington
Cựu TNLT Trần Thị Thúy (giữa) tại sân bay Tân Sơn Nhất trước khi lên đường đi Mỹ. Courtesy FB Đỗ Văn Thái
Tù nhân lương tâm (TNLT) Hồ Đức Hòa sẽ đến Mỹ vào ngày 11/5, sau khi được trả tự do từ trại giam Nam Hà. Bà Trần Thị Thúy, từng phải thụ án tám năm tù và mãn án hồi năm 2018 với tội danh ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’, cũng đang trên đường đến Mỹ.
Ông Hồ Đức Hòa, trước đó, vào năm 2013 bị Tòa án tỉnh Nghệ An tuyên phạt mức án 13 năm tù giam cũng với cáo buộc ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ và đang thụ án đến năm thứ 11.
Nhà báo Tự do, Blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải, cựu tù nhân lương tâm bị Chính quyền Việt Nam tống xuất đến Hoa Kỳ năm 2014, khi trao đổi với RFA hôm 11/5 cho biết về những trường hợp tù chính trị được đưa từ trại giam ra thẳng nước ngoài:
“Những ai đi đều có sự vận động của các tổ chức của đồng bào hải ngoại, các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hoặc các nhân vật cao cấp của Hoa Kỳ lên tiếng. Sau đó có công an xuống vận động mình viết thư xin giảm án, nhưng những người như tụi tui thì không bao giờ viết gì cả. Cuối cùng họ nói đấy chỉ là thủ tục để đưa ra khỏi nhà tù, nhưng tôi nói không có tội, bắt thế nào thì đưa ra như vậy thôi. Cuối cùng họ cũng đưa mình ra, trước đó thì có cuộc gặp của bà Jennifer của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà nói hai bên đã đạt thỏa thuận, ra tù thì tôi phải sang Hoa Kỳ. Sau đó một tháng thì họ đưa tôi đi, tôi một xe, đồ đạc của tôi họ để xe khác, máy bay sắp cất cánh thì họ đưa mình lên. Sang Mỹ mình lấy đồ thì họ đã chôm hết giấy tờ ghi chép, nhật ký của mình.”
Nhà báo Nguyễn Văn Hải bày tỏ hy vọng chị Trần Thị Thúy cũng như anh Hồ Đức Hòa sang Mỹ sẽ sớm hòa nhập vào cuộc sống mới. Liên quan việc chính quyền CSVN dùng những TNLT để trao đổi thì ông Nguyễn Văn Hải cho rằng, họ thả một người rồi sẽ bắt thêm nhiều người khác. Bằng chứng là hai năm vừa qua, chính quyền CSVN bắt nhiều nhà báo nhất, cho thấy chính sách đàn áp tự do báo chí, tự do ngôn luận, cũng như bất đồng chính kiến rất khắc nghiệt.
Ông Hòa và bà Thúy được trả tự do rổi để cho đi Mỹ trong lúc Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đang trên đường thăm Mỹ và dự hội nghị ASEAN-Hoa Kỳ. Điều này làm dấy lên nghi ngờ liệu có sự mặc cả nào của Hà Nội với Hoa Kỳ để trả tự do cho ông Hòa và bà Thúy?
Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, người cũng từng được đưa từ nhà tù CSVN sang tị nạn Đức Quốc, khi trả lời RFA hôm 11/5, nói:
“Bản chất của chế độ độc tài CSVN từ xưa vẫn vậy, luôn bắt những người bất đồng chính kiến… rồi sau khi cộng đồng quốc tế áp lực, hay VN cần xin xỏ gì thì sẽ dùng cách trả tự do những TNLT này để trao đổi. Ví dụ năm 2017, khi VN bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh từ Berlin – Đức về VN, thì chính phủ Đức rất tức giận và cắt đứt quan hệ đối tác chiến lược, hủy bỏ miễn thị thực cho Hộ chiếu Ngoại giao và một loạt vấn đề khác… Thì ngay lập tức họ đã mang tôi và cô Lê Thu Hà ra làm vật trao đổi với phía Đức, tôi biết rõ vì đã trực tiếp chứng kiến việc trao đổi ở sân bay. Cho đến sự kiện gần đây, chị Trần Thị Thúy cũng như anh Hồ Đức Hòa đã hoàn tất thủ tục đi Mỹ từ cuối năm 2019, nhưng trong hai năm đại dịch và do nhà nước VN kênh kiệu trong việc này vì có vị trí chiến lược với Trung Quốc, mà các nước đang quan tâm nên họ làm cao.”
Nhưng theo Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, do hiện nay thế giới đã thay đổi, đặc biệt sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine… và VN đã làm phật lòng Mỹ cũng như các nước phương Tây, do hai phiếu trắng tại LHQ và phiếu chống đưa Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ… nên việc thả hai TNLT là có hai mục đích, ông Đài nói tiếp:
“Thứ nhất là dọn đường cho Thủ tướng Phạm Minh Chính sang thăm Mỹ, đó là cử chỉ thái độ có nhân nhượng về nhân quyền. Bởi vì Tổng thống Biden trước khi nhậm chức có nói sẽ quan tâm vấn đền dân chủ nhân quyền trên toàn cầu. Thứ hai cũng muốn làm dịu sự tức giận của Mỹ vì không theo Mỹ và các nước đồng minh trong việc chống lại Nga.”
Các nhà quan sát trong nước nói gì về việc này? Ông Phạm Viết Đào khi trả lời RFA từ Hà Nội hôm 11/5 cho rằng, những người thường tỏ thái độ bất đồng không phải vì ‘ghen ăn, tức ở’ với chính quyền, với Đảng, mà muốn đất nước phát triển bền vững hơn, đất nước tập hợp được nhiều nguồn lực hơn nên người ta lên tiếng. Họ muốn đất nước mạnh lên dân tộc trưởng thành hơn, mà nhà nước dùng họ để đánh đổi là không đàng hoàng:
“Nếu phía Nhà nước mà làm thế là không đàng hoàng, cái này công khai chính thức ra thì không thấy. Những anh em đấu tranh đúng ra là chỗ dựa cho chính quyền, ví dụ người ta chống là chống TQ, chống lại những hành động vi phạm dân chủ nhân quyền, cái đó là có lợi cho nhà nước chứ, mạnh lên là nhờ những cái đó… mà họ vẫn đối xử như thế, đem họ ra mặc cả thì tôi thấy không đàng hoàng. Không công khai nhưng người ta ngầm hiểm là sử dụng cái đó vì phương Tây muốn áp dân chủ cho các chính quyền cộng sản. Chính phủ Mỹ chẳng phải họ muốn đánh đổi gì, và để nhà nước này mạnh lên là phải dựa vào dân… mà dân quay đi thì làm sao mạnh được.”
Trong các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và các nước phương Tây, chính quyền Hà Nội thường trả tự do cho những người bị bỏ tù vì bất đồng chính kiến.
Khi Phó Tổng thống Mỹ, bà Kamala Harris đến thăm Hà Nội vào tháng 8 năm 2021, chính quyền Việt Nam đã thả hai tù nhân chính trị người Mỹ gốc Việt là bà Angel Phan ông James Hân Nguyễn.
RFA (11.05.2022)
Việt Nam thả một tù nhân lương tâm đang thụ án 13 năm tù cùng lúc với chuyến đi Mỹ của ông Chính
Tù nhân lương tâm (TNLT) Hồ Đức Hòa hôm 11/5 đang trên chuyến bay đến Mỹ sau khi được trả tự do từ trại giam Nam Hà, trong lúc Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đang trên đường dự hội nghị ASEAN-Hoa Kỳ.
Tòa án tỉnh Nghệ An hồi năm 2013 tuyên phạt ông Hồ Đức Hòa mức án 13 năm tù giam với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và đang thụ án đến năm thứ 11.
Báo chí nhà nước Việt Nam không đề cập gì đến việc trả tự do cho ông Hồ Đức Hòa mặc dù đưa tin rầm rộ lúc xử án.
Một người khác là bà Trần Thị Thúy, từng phải thụ án tám năm tù và mãn án hồi năm 2018 với cùng một tội danh nêu trên, cũng đang trên đường đến Mỹ.
Ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí thư Đảng Việt Tân xác nhận thông tin này với chúng tôi như sau:
“Trong gia đình cũng thông báo cho biết chị Trần Thị Thúy cũng như anh Hồ Đức Hòa đang trên đường đến Hoa Kỳ theo đúng lịch trình.Anh Hồ Đức Hòa sẽ đến D.C chiều ngày mai (11/5), còn chị Thúy sẽ đến Atlanta khoảng chiều ngày 12/5.”
“Chị Trần Thị Thúy cũng như anh Hồ Đức Hòa, những đảng viên Việt Tân, đang ở trong lao tù của chế độ cộng sản Việt Nam…
Chúng tôi không chấp nhận bản án và đã tranh đấu để có sự tự do, và đương nhiên có sự vận động của chính phủ Hoa Kỳ cũng như nhiều áp lực của những tổ chức đảng phái và chính giới.
Sự tự do của chị Trần Thị Thúy cũng như anh Hồ Đức Hòa là một kết quả của sự vận động đấu tranh cho thấy sự giam giữ chị Trần Thị Thúy cũng như anh Hồ Đức Hòa là hết sức phi lý, vi phạm nhân quyền.
Cho nên họ buộc phải thả, những người này đến được Hoa Kỳ là kết quả vận động rất tốt.”
Chính quyền Việt Nam thường trả tự do cho những người bị bỏ tù vì bất đồng chính kiến trong các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Lần gần nhất, chính quyền của ông Phạm Minh Chính thả hai tù nhân chính trị người Mỹ gốc Việt là bà Angel Phan ông James Hân Nguyễn, trong chuyến thăm Hà Nội của Phó Tổng thống Mỹ, bà Kamala Harris
RFA (11.05.2022)
Việt Nam phản hồi các cáo buộc của LHQ về vi phạm quyền tự do phát biểu, lập hội, nhóm họp
Một phiên nhóm họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Phản hồi trước các quan ngại của báo cáo viên đặc biệt LHQ về các văn bản pháp luật trong nước hạn chế quyền tự do phát biểu, lập hội và nhóm họp, chính phủ Việt Nam nói rằng các quyền này “không bị cấm đoán hay giới hạn nếu không vi phạm lợi ích Nhà nước”.
Văn thư phản hồi của Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc vào ngày 27/4 nói rằng “Việt Nam luôn tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin của công dân theo Hiến pháp 2013 và pháp luật”.
“Mọi công dân Việt Nam đều có thể bày tỏ ý kiến của mình và thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình thông qua các cơ quan báo chí”, văn thư dài 6 trang của Phái đoàn Việt Nam có đoạn viết.
Đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Geneve trình bày hàng loạt các các nội dung văn bản pháp quy đang được áp dụng trong nước, cho rằng các văn bản này được ban hành để “đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả” trong hoạt động của các tổ chức trong nước và tổ chức phi chính phủ (NGO).
Viện dẫn thống kê cho rằng tại Việt Nam có đến 72 triệu tài khoản trên mạng xã hội, Phái đoàn Việt Nam cho rằng “công dân trong nước có thể sử dụng mạng xã hội để thực thi quyền tự do biểu đạt và tiếp cận thông tin phù hợp với luật pháp mà không bị cấm đoán hay giới hạn nếu không vi phạm lợi ích Nhà nước, cộng đồng và tổ chức, công dân”.
Trước đó, vào 10/12/2021, các báo cáo viên đặc biệt LHQ thuộc Văn Phòng Cao ủy Nhân quyền nêu quan ngại về các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, như Nghị định 80/2020/NĐ-CP, Nghị định 56/2020/NĐ-CP, Quyết định 06/2020/QĐ-TTg, Nghị định 72/2013/NĐ-CP…
Các báo cáo viên đặc biệt của LHQ cho rằng các văn bản này “dường như đã làm phức tạp hơn các thủ tục đối với việc tiếp cận vốn tài trợ nước ngoài của các tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước”, và tạo nên “những hạn chế không đáng có đối với các thành viên xã hội dân sự trong việc thực hiện các quyền của họ và hạn chế hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự, đặc biệt liên quan đến việc tiếp cận các nguồn tài trợ hợp pháp của nước ngoài”.
Các báo cáo viên LHQ cũng quan ngại về Điều 5 của Nghị định 72, theo đó cho rằng chính quyền áp đặt các hạn chế về việc đăng tin và chia sẻ thông tin trên mạng của các tổ chức xã hội dân sự với những điều khoản “mập mờ” nhằm hạn chế quyền tự do biểu đạt của các tổ chức xã hội dân sự.
Báo cáo viên của LHQ cho rằng việc áp đặt thêm các quy định gò bó này trong việc thành lập và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam đã vi phạm Điều 21- Điều 22 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) và Điều 8 của Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (ICESCR).
VOA (11.05.2022)
CSVN vẫn không trả quyền tư hữu đất đai cho dân
Đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) nhất định sẽ không bao giờ trả lại quyền tư hữu đất đai cho dân, dù tuyên truyền là “của dân.”
Ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, tuyên bố với ý nghĩa như vậy khi đọc bài diễn văn bế mạc một tuần lễ cuộc họp Trung Ương Đảng ngày 10 Tháng Năm, làm tiền đề cho kỳ họp Quốc Hội dự trù bắt đầu hai tuần lễ nữa.
Trong bài diễn văn, ông Trọng “tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân” nhưng lại “do nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.” Các từ ngữ này chỉ là cách chơi chữ thay cho cách nói bình dân từng được quần chúng bị trị diễn giải là “đất là của mày làm chủ đấy nhưng tao nắm quyền ban phát, không phải mày.”
Hàng trăm ngàn vụ khiếu kiện, thậm chí chống cưỡng chế đất bất công, đổ máu đã xảy ra trong bao năm qua trên cả nước. Nhiều vụ chống cưỡng chế rúng động dư luận trong ngoài nước. Dân khiếu kiện ngày đêm ăn ngủ trên lề đường, công viên, ôm đơn chầu chực trước các cơ quan công quyền từ trung ương tới địa phương năm này sang năm khác.
Ông Trọng nhìn nhận 70% các vụ khiếu kiện trên cả nước đều liên quan đến đất đai. Dù vậy, ông và đảng độc tài nhất định “không thừa nhận việc đòi lại đất đã được nhà nước giao cho các tổ chức, cá nhân khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân.”
Nhiều tướng lãnh quân đội, công an cũng như đảng viên cao cấp đã bị bỏ tù vì lợi dụng quyền hạn chức vụ để tham nhũng đất đai. Ông Trọng thừa nhận sự vênh vẹo, chòng chéo của chính sách đất đai dẫn đến “nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em, đồng chí cũng vì đất…”
Nhưng cái gọi là “Luật Đất Đai” dự trù đưa ra Quốc Hội để sửa đổi trong năm nay lại loan báo từ tháng trước là sẽ bị lùi lại chưa biết đến bao giờ, dù luật hiện hành đã đẻ ra “tham nhũng, tiêu cực, gây khiếu kiện, bức xúc trong nhân dân.” Báo chí của chế độ dẫn lời một số chức sắc cấp cao nhìn nhận Luật Đất Đai ban hành sau cùng vào năm 2013 đã “lỗi thời.”
Luật Đất Đai được nhà cầm quyền CSVN ban hành lần đầu năm 1987. Một năm sau khi sửa Hiến Pháp năm 1992, CSVN ra Luật Đất Đai sửa đổi nhưng cũng nhất quyết không trả quyền tư hữu đất đai cho dân. Đến những sửa đổi vào các năm 1998, 2001, 2003, 2013 thì điều cốt lõi là quyền tư hữu đất đai vẫn “do nhà nước quản lý.” Nói khác, không hề trả lại quyền tư hữu đất đai cho dân.
Đảng viên Trung Ương Đảng CSVN tham dự Hội Nghị Trung Ương 5 Khóa VIII ở Hà Nội. (Hình: VGP)
Ngày 5 Tháng Năm vừa qua, sáu tổ chức dân sự tại Việt Nam, trong đó nhiều thành viên từng đảng viên cấp cao của đảng CSVN, ra một bản tuyên bố đòi hỏi đảng CSVN phải trả lại quyền tư hữu đất đai cho dân, thay vì tuyên truyền lừa bịp bằng những từ ngữ vô nghĩa như “sở hữu toàn dân.”
Trong cuộc phỏng vấn của đài Á Châu Tự Do (RFA), ông Nguyễn Đình Cống, kỹ sư ngành xây dựng, từng là chủ nhiệm khoa tại Đại Học Xây Dựng Hà Nội, và cũng là đảng viên đảng CSVN nay đã bỏ đảng, nói: “Luật Đất Đai do đảng CSVN chủ trương là một luật trái với Đạo Trời, trái với lòng dân, phản tiến bộ. Đất đai là sở hữu toàn dân là một hình thức tước đoạt chứ gì nữa. Nó gây ra nhiều thảm họa cho dân, tạo ra vô số tham nhũng và tội ác. Vì thế mà phải hủy bỏ nó, làm ra luật khác hợp đạo hơn, tiến bộ hơn.”
Người Việt (10.05.2022)