Seite auswählen

Thủ tướng CSVN Phạm Minh Chính chỉ được chụp hình với Tổng thống Mỹ Joe Biden chứ không được “hội đàm song phương” như báo đảng tuyên truyền

 

Nhà quan sát nói “ước gì có một ngày một quan chức cao cấp như ông Phạm Minh Chính đến Little Saigon thẳng thắn và chân tình chia sẻ những khác biệt về quan điểm với đồng hương và lắng nghe đồng hương như ông Nguyễn Văn Thiệu đã từng làm trước đây”.

Mạng xã hội dấy lên tranh cãi quanh phát ngôn của Thủ tướng CSVN Phạm Minh Chính trong chuyến đi họp tại Mỹ: “Thành công của người Việt tại Mỹ cũng là thành công của đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.”

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn từ Úc châu, bình luận: “Tôi cố gắng tìm trong nhóm bạn bè và bà con ở Mỹ, ai thành công nhờ vào chánh sách của CSVN, nhưng kết quả là zero.

Hãy lấy trường hợp anh bạn tôi là một trường hợp tiêu biểu. Năm 1982, sau khi được trả tự do từ tù ‘cải tạo’ anh vượt biên sang Mã Lai, và chừng 1 năm sau thì đến Mỹ định cư. Sang Mỹ, thời gian đầu, cũng như các đồng hương khác, anh làm trong các hãng xưởng một thời gian.

Sau đó chừng 2 năm, anh bảo lãnh vợ con từ Việt Nam sang Mĩ và cả gia đình đoàn tụ. Sau đoàn tụ, anh quay lại đại học và xong chương trình cử nhân khoa học máy tính. Phải 20 năm sau gia đình anh mới thật sự ổn định và thoải mái, khi 2 đứa con đã tốt nghiệp từ trường y UCSF và một đứa tốt nghiệp cũng về khoa học máy tính như anh. Bây giờ thì anh đã nghỉ hưu, có cuộc sống tương đối sung túc, nhưng anh chưa bao giờ về Việt Nam và đến cho cuối đời chắc anh sẽ không về lại quê hương.

Đối với anh và con cái, Mỹ là đại ân nhân, là quê hương. Sự thành công của gia đình anh bạn tôi chẳng có liên quan gì với mấy chánh sách bên Việt Nam. Sự thành công của anh là do môi trường tự do và bình đẳng ở Mỹ, do thể chế không kì thị ở Mỹ — không có dính dáng gì với Việt Nam.”

 

Người từ miền Bắc cũng tìm đường sang Mỹ và ở lại

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết thêm: “Hiện nay, cộng đồng người Việt ở Mỹ có chừng 2.2 triệu người. Con số này tăng gần gấp 2 lần so với năm 2000 khi đó chỉ có 1.2 triệu người. Đa số họ đến đây vào thập niên 1970-1990 (ước tính tầm 800,000 người) với tư cách người tị nạn hoặc HO. Những người trong làn sóng đầu tiên này bảo lãnh thân nhân từ Việt Nam sang, nên con số người Việt ở Mỹ tăng khá nhanh sau đó. Đa số họ đi từ miền Nam. Trong mấy năm gần đây, người từ miền Bắc cũng tìm đường sang Mỹ và ở lại.

Trong làn sóng di cư đầu, ngoài những chuyên gia và quan chức VNCH và cựu quân nhân, nhiều người Việt xuất thân từ nông dân và trình độ học vấn hạn chế. Thế nhưng người Việt có gen ‘resilience’ nên họ đã nhanh chóng ổn định cuộc sống và đóng góp cho xã hội Mỹ.

Anh bạn của tôi là một trường hợp tiêu biểu về quá trình định cư của người Việt ở Mỹ.

Cộng đồng người Việt ở Mỹ còn non trẻ so với các cộng đồng Á châu khác (như Phi Luật Tân, Tàu, Ấn Độ). Do đó, so với các cộng đồng này, cộng đồng người Việt chưa phải là ‘sáng giá’ lắm đâu. Về trình độ học vấn, 32% người Việt ở Mỹ tốt nghiệp đại học (con số này cho thế hệ sanh ở Mỹ là 55%).

Con số 32% đó tương đương với toàn dân số Mỹ, nhưng thấp hơn các cộng đồng Á châu khác (54%). Những con số này phải đặt trong bối cảnh những người tị nạn thế hệ đầu đến Mỹ là những người thuộc thành phần khó khăn.

Nói đến quá trình hình thành cộng đồng người Việt ở Mỹ mà không đề cập đến Little Saigon là một sai sót. Ngày xưa, theo như bà con tôi kể lại, khu vực mà nay gọi là Little Saigon chỉ là một vùng bán nông thôn, bán thành thị, nhưng từ ngày có người Việt về đây thì vùng này đã biến thành một khu đô thị sầm uất, mang đậm bản sắc Việt. Đến Little Saigon là đến một Sài Gòn thu nhỏ.

Người gốc Việt biểu tình phản đối Phạm Minh Chính trước Tòa bạch Ốc

Để được địa danh ‘Little Saigon’ cũng là một quá trình vận động và cạnh tranh giữa người Việt và người Tàu. Người Tàu khi đó vận động đặt tên “China Town” hay “Asian Town” cho khu vực nay là Phước Lộc Thọ. Còn người Việt thì trong “Ủy Ban Thương Mại Việt Nam” thì đề nghị lấy tên “Little Saigon”. Tháng 6/1988, Thống Đốc tiểu bang California cắt băng khánh thành các bảng chỉ dẫn “Little Saigon Next Exit” dựng ở các xa lộ 405 và 22 dẫn vào các đường Brookhurst, Magnolia.

Người có công đầu trong việc đặt tên Little Saigon là ký giả Du Miên, và người ủng hộ nhiệt tình nhứt là Dân biểu Richard Longshore (đã qua đời năm 1988).Kể sơ qua về sự hình thành của cộng đồng người Việt ở Mỹ như thế để cho thấy rằng quá trình phát triển đó không có dính dáng gì với chánh phủ Việt Nam.

Nhiều bạn đọc trong nước có lẽ nghĩ rằng khi các quan chức cao cấp CSVN khi sang thăm những nước phương Tây như Mỹ thì họ sẽ gặp ‘cộng đồng người Việt’ ở địa phương. Nhưng không phải đâu.

Các vị ấy chỉ gặp những người có liên quan với nhà cầm quyền mà thôi. Đó là những du học sinh được tuyển chọn, những người làm ăn ở trong nước, những người từ miền Bắc qua Mỹ định cư trong mấy năm gần đây, hay nói chung là chỉ gặp ‘phe ta’. Điều này cũng dễ hiểu, vì phe ta nói cùng ngôn ngữ, cùng hành vi, suy nghĩ cùng nhịp điệu, và quen biết nhau cả. Nhưng những người này không đại diện cho tuyệt đại đa số người Việt ở Mĩ và chắc chắn không đại diện cho người tị nạn ở Mỹ.

Các quan chức Việt Nam khó mà gặp và trò chuyện với những người đã và đang xây dựng cộng đồng người Việt tị nạn ở Mỹ. Điều này cũng dễ hiểu thôi. Những người trong cộng đồng và các quan chức Việt Nam không có cùng suy nghĩ về Việt Nam, không cùng ‘ngôn ngữ’, không chia sẻ lịch sử cận đại, nên rất khó có điểm chung. Còn những cách nói sáo ngữ như ‘Khúc ruột ngàn dặm’ thì thú thiệt là hoàn toàn vô nghĩa.

Tuy không có cùng điểm chung như thế, nhưng người Việt ở Mỹ đóng góp khá nhiều cho lượng kiều hối về Việt Nam. Theo báo đảng thì năm 2021, số kiều hối về Việt Nam là 18 tỉ USD. Trong số này, kiều hối từ Mỹ là khoảng 11 tỉ USD, chiếm 61% tổng số. Đó là một ‘khoản viện trợ không hoàn lại’ rất lớn cho Việt Nam. Đó là những đồng tiền từ mồ hôi, nước mắt, và máu của người Việt ở Mỹ, và chắc chắn không có sự đóng góp của CSVN.

Tôi ước gì có một ngày một quan chức cao cấp như ông Phạm Minh Chính đến Little Saigon thẳng thắn và chân tình chia sẻ những khác biệt về quan điểm với đồng hương và lắng nghe đồng hương như ông Nguyễn Văn Thiệu đã từng làm trước đây.

Nếu ngày đó chưa đến thì khoảng cách giữa cộng đồng người Việt tị nạn ở nước ngoài và Chánh phủ trong nước vẫn còn xa diệu vợi. Chỉ khi nào có một buổi gặp gỡ như thế thì người Việt chúng ta mới là một khối đoàn kết và mới có hoà giải dân tộc.”

Định Tường

Đất Việt (16.05.2022)