Seite auswählen

Từ trái qua: Ba nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, và Lê Anh Hùng (RFA editted)  RFA

Theo luật sư Nguyễn Văn Miếng, ba nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, và Lê Anh Hùng vẫn kiên định trong trại tạm giam của công an thành phố Hà Nội, quyết không bị khuất phục trước sự đàn áp của lực lượng an ninh Việt Nam.

Đó là thông tin mới nhất về ba nhà hoạt động mà luật sư Miếng cung cấp sau khi tiếp xúc riêng rẽ với họ ở Trại tạm giam số 1 vào ngày 17/5. Ông cho biết mình chỉ được nói chuyện ngắn khoảng 15 phút với mỗi người cho dù theo quy định thì không có hạn chế về thời gian tiếp xúc giữa luật sư và người bị tạm giam. Ông còn nói hai cuộc nói chuyện qua ống nghe với bà Trang và ông Phương bị ngắt giữa chừng bởi công an trại giam.

Luật sư Miếng cho biết bà Trang (44 tuổi) có sức khoẻ kém, đang bị khó thở hậu COVID. Bà phản đối việc trại giam bắt mặc áo có in chữ Phạm Nhân và không ký bất kỳ cam kết hay thỏa hiệp nào với cơ quan an ninh để được gia đình thăm gặp hoặc ngay cả để được đổi lấy tự do. Bà gửi lời nhắn nhủ đến mọi người: “Vượt qua nỗi sợ hãi không khó, nhưng vượt qua nỗi chán nản mới là vấn đề, nên các bạn đừng nản chí.”

Trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do, bà Bùi Thị Thiện Căn, mẹ của nhà hoạt động Phạm Đoan Trang nói: “Một số người bảo chính vì Trang kiên cường nên bị đánh đập [trong trại giam- PV] mà sức thì không khoẻ lắm… Gia đình băn khoăn về sức khoẻ của Trang… Anh của Trang có nhiều lần làm đơn đề nghị cho Trang đi khám chữa bệnh theo chuyên khoa nhưng họ không cho … Để đối phó với dư luận, có một lần họ đưa Trang đi khám không theo chuyên khoa mà chỉ khám một cách hình thức.”

Về trường hợp của tù nhân lương tâm Trịnh Bá Phương (37 tuổi), như Đài Á Châu Tự Do đã đưa tin, Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội định đưa nhà hoạt động nhân quyền và quyền đất đai này ra xét xử phúc thẩm vào ngày 19/5 nhưng rồi bất ngờ hoãn phiên xử vô thời hạn. Tuy nhiên, trong cuộc gặp ngắn ngủi với luật sư Miếng, ông Phương nói ông không hề nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm cũng như thông báo tạm hoãn của toà. Ông cho biết thêm sỹ quan an ninh đến dò xét tư tưởng của ông nhưng ông luôn khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh ngay cả khi mãn hạn tù.

Liên quan đến trường hợp của blogger Lê Anh Hùng (49 tuổi), luật sư Miếng cho biết blogger này hơi gầy nhưng tinh thần minh mẫn sau khi công an Hà Nội đưa ông trở lại trại tạm giam từ bệnh viện tâm thần đầu tháng này, nơi ông bị chữa trị bắt buộc trong hơn ba năm vừa qua. Ông Hùng nhắc lại với luật sư của mình rằng ông “có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định việc ông treo băng-rôn tố cáo ông Hoàng Trung Hải (nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ) là ‘Hán tặc’ và người bao che cho ông Hải là đúng.” Nói về phiên xử sơ thẩm của mình, ông Hùng không yêu cầu toà giảm nhẹ hình phạt mà chỉ yêu cầu toà tính thời gian áp dụng biện pháp chữa bệnh tâm thần cho ông vào thời gian tạm giam vì thực tế ông chưa được tự do ngày nào kể từ khi bị bắt. Ông còn đòi toà tuyên ông vô tội và trả tự do ngay tại toà.

Qua điện thoại, bà Niêm mẹ của blogger Lê Anh Hùng nói với Đài Á Châu Tự Do rằng phía trại tạm giam lấy lý do dịch bệnh COVID để không cho bà gặp con trai mà chỉ cho bà chuyển tiền vào để ông mua thêm thức ăn và đồ dùng.

Bà Phạm Đoan Trang đang thụ án chín năm tù với cáo buộc tuyên truyền chống Nhà nước theo Điêu 88 Bộ Luật Hình sự cũ. Ông Trịnh Bá Phương đã bị tuyên án 10 năm tù trong phiên sơ thẩm hồi tháng 12 năm ngoái cũng với cáo buộc tội tuyên truyền chống Nhà nước theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự 2015. Nhà hoạt động Lê Anh Hùng bị cáo buộc tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự 2015.

Đây là những điều luật bị quốc tế lên án là mơ hồ và thường được chính quyền Việt Nam sử dụng để bịt miệng những người chỉ trích Chính phủ một cách ôn hoà. 

RFA (19.05.2022)

 

 

Luật sư bị hành hung, ai sẽ bảo vệ luật sư?

Chiếc cân biểu tượng cho công lý  AFP

Những năm qua, việc một số luật sư bị đối xử thô bạo, thậm chí bị hành hung tại tòa đã gây dư luận không tốt cho ngành tư pháp Việt Nam. Bởi lẽ, chức năng xã hội của luật sư là góp phần bảo vệ công lý, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ. Nếu quyền và lợi ích hợp pháp khi hành nghề của luật sư mà không được bảo vệ, thậm chí bị xâm phạm thì làm sao quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ được bảo vệ?

Mới đây, Luật sư Lê Hoàng Tùng, Công ty Luật TNHH Everest, có đơn tố giác bị điều tra viên hành hung khi làm việc tại Phòng cảnh sát hình sự Công an TP.HCM. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có công văn đề nghị Công an TP.HCM xem xét, xác minh và có biện pháp xử lý hành vi xâm phạm sức khỏe, thân thể và quyền hành nghề luật sư.

Trao đổi với RFA, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho hay:

“Dù muốn hay không thì phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có văn bản chính thức để gửi cho Ban Giám đốc Công an thành phố và Viện kiểm sát. Họ phải trả lời trước công luận để xử lý đúng quy định của pháp luật. Về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam thì chúng tôi sẽ theo dõi và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của luật sư khi tham gia tố tụng. Cái này đã được Luật luật sư quy định. Luật sư người ta có quyền tham gia tố tụng, thực hiện các dịch vụ pháp lý, bảo vệ công lý, bảo vệ các quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức cũng như quyền tự do dân chủ của công dân. Không ai được xâm phạm.

Ở đây thì tôi xác định đó là một cá nhân họ làm không đúng thôi, tức là nhiều khi là luật sư người ta nói cái gì đó rồi hai bên cự cãi và họ không kiểm chế được, không làm chủ được bản thân. Tôi thấy rằng cần phải được xử lý một cách nghiêm túc nếu có xảy sai phạm. Một người bình thường thôi là đã vi phạm rồi, tức là thân thể của một con người là bất khả xâm phạm trong quy định của hiến pháp.”

Bảo vệ quyền và lợi ích hành nghề hợp pháp của luật sư, bảo đảm hành nghề theo pháp luật của luật sư được cho là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Câu chuyện Luật sư Lê Hoàng Tùng không phải là cá biệt. Vào tháng 11 năm 2015, hai luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân bị tám người bịt mặt bằng khẩu trang đánh đập, sau khi hai luật sư đến nhà bà Đỗ Thị Mai, mẹ của một người bị đánh chết tại Trại Tạm giam là Đỗ Đăng Dư, để tìm hiểu sự việc bà Mai cho biết bị Công an Hà Nội ép từ chối luật sư.

Tháng 11 năm 2021, Luật sư Ngô Anh Tuấn thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội tố cáo việc ông bị lực lượng công an xã Thanh Khương, Bắc Ninh lăng mạ và xua đuổi khi tới làm việc cùng với thân chủ. Trên trang Facebook Tuan Ngo, ông viết: “Tôi sẽ giữ đúng bổn phận của người luật sư và phẩm giá của một luật sư đàng hoàng cho tới ngày cuối cùng, khi tôi còn giữ tấm thẻ luật sư trên tay. Mọi hành vi sai trái, xâm phạm quyền hành hợp pháp của tôi và đồng nghiệp, tôi sẽ sẵn sàng đấu tranh không khoan nhượng”.

Trước đó, hôm 14  tháng 11 năm 2019, Luật sư Nguyễn Duy Bình, người tham gia bào chữa trong vụ án vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải, đã bị một tốp cảnh sát bảo vệ “kẹp nách, bẻ tay, lôi ra” khỏi phòng xử án và sau đó bị “kẹp cổ, xốc nách, lôi lên xe” đưa về đồn công an phường Phước Tân (Thành phố. Nha Trang).

Luật sư Nguyễn Duy Bình bị lôi ra khỏi phòng xử án hôm 14 tháng 11 năm 2019. Photo: Viettan

Trò chuyện với RFA sáng 18 tháng 5 năm 2022, Luật sư Nguyễn Duy Bình cho hay, ông bị chính những người trong hệ thống tư pháp đối xử thô bạo ít nhất ba lần. Có lần còn bị công an lấy điện thoại rồi xóa hết dữ liệu lưu trữ của ông. Ông nêu nguyên nhân xảy ra những vụ hành hung, xúc phạm luật sư những năm qua:

“Nguyên nhân trước hết để xảy ra những vụ việc là do cái nền tố tụng của đất nước Việt Nam. Nhất là bên các cơ quan điều tra và một số điều tra viên có cái dấu hiệu lạm quyền cản trở việc hành nghề của luật sư. Khi các điều tra viên thấy các luật sư vào thì việc buộc tội sẽ khó hơn; khó chứng minh tội phạm hơn. Cũng có thể họ cho rằng luật sư sẽ tư vấn cho thân chủ của mình theo quy định của pháp luật để tạo cho thân chủ của mình sự vững tâm trả lời các câu hỏi, các vấn đề của cơ quan điều tra cho nên họ cố tình ngăn cản ngay từ đầu.

Tóm lại, cái mục đích của họ mà hay gây nên những vụ việc này, thứ nhất là họ không muốn luật sư tham gia để cho họ dễ làm. Từ ‘dễ làm’ nó có nhiều nghĩa cho nên thường thường họ rất ghét luật sư không muốn luật sư can thiệp vào. Trong hàng ngũ công an thì cũng có những người là trình độ văn hóa còn thấp và đạo đức còn kém cho nên họ thường hay sử dụng những hành vi côn đồ, vô pháp đó. Số mà hay hành hung hay giở những cái thủ đoạn bỉ ổi như vậy thì cũng ít thôi không phải là nhiều.”

Luật sư Nguyễn Duy Bình nói thêm, theo quy định của pháp luật, cảnh sát tư pháp có nghĩa vụ bảo vệ luật sư ở trụ sở tòa án; khi luật sư làm việc ở công an thì công an cũng có nghĩa vụ bảo vệ luật sư. Nói chung, khi luật sư làm việc ở bất cứ cơ quan nào của nhà nước thì cũng được lực lượng của cơ quan nhà nước bảo vệ. Tuy pháp luật quy định như vậy nhưng đôi khi, chính người tiến hành tố tụng, điều tra viên, công an viên lại sử dụng những hành vi có tính chất côn đồ với luật sư.

Theo nhận định của những người quan tâm, dường như các luật sư tham gia bào chữa trong các vụ án chính trị, hoặc những vụ án được coi là “nhạy cảm” thường bị theo dõi và dễ bị hành hung hơn các luật sư khác.

Trong khi phiên tòa “Đồng Tâm” diễn ra, một số luật sư cho biết họ bị các đối tượng lạ mặt đeo bám trên đường về. Trong đó, Luật sư Đặng Đình Mạnh, Luật sư Nguyễn Văn Miếng và Luật sư Ngô Anh Tuấn bị công an xốc nách xô từ trên thềm xuống mấy bậc thang.

Bình luận về việc các luật sư bị đối xử thô bạo, Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu ý kiến của mình với RFA qua ứng dụng Facebook messenger sáng 18 tháng 5 năm 2022: 

“Tình trạng công an viên “giơ cao tay” hoặc “nhấc cao chân” để công dân “va” vào bị thương tích trở nên phổ biến trong xã hội. Điều đó làm méo mó đi mối quan hệ lành mạnh giữa “bạn dân” với người dân. Thậm chí, giới luật sư vốn hiểu biết luật pháp đôi khi cũng từng là nạn nhân của tình trạng này. 

Tôi nghĩ, giải pháp cho vấn đề là nên nhìn thẳng vào sự việc và gọi đúng tên hành vi trái pháp luật là hành hung trái phép công dân để có cơ sở xử lý theo quy định pháp luật. Giải pháp này không chỉ là sự chế tài mà còn là cách răn đe, phòng ngừa tình trạng này tái diễn. Giúp lành mạnh hóa trở lại quan hệ giữa nhân viên công lực với người dân.” 

Ngoài những vụ luật sư bị hành hung, sách nhiễu khi tham gia bào chữa trong các vụ án dân sự, những luật sư tham gia bào chữa trong các vụ án chính trị cũng cho biết họ phải đối mặt nhiều rào cản, đe dọa và có người bị tước thẻ hành nghề như Luật sư Võ An Đôn ở Phú Yên…

Trách nhiệm của luật sư là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân, nhằm bảo vệ sự công minh của pháp luật. Luật sư được coi là tiêu chí đánh giá mức độ phát triển dân chủ của xã hội. Nếu luật sư không được bảo vệ pháp lý đúng mức thì niềm tin vào nhà nước pháp quyền của người dân có thể bị lung lay.

RFA (18.05.2022)

 

 

Bảo vệ thân chủ, luật sư bị điều tra viên Công An ở Sài Gòn đánh tại trụ sở

Hôm 18 Tháng Năm, Công An ở Sài Gòn xác nhận đang điều tra việc một luật sư thuộc Đoàn Luật Sư Hà Nội tố cáo bị điều tra viên hành hung ngay tại trụ sở công an.

Báo Giao Thông cùng ngày dẫn lời Luật Sư Lê Hoàng Tùng, thuộc Đoàn Luật Sư Hà Nội, cho biết chiều 17 Tháng Năm, ông cùng thân chủ của mình là bà NHT, 47 tuổi, ở quận Gò Vấp, đang mang thai, đến trụ sở Công An ở Sài Gòn để làm việc về các đơn tố giác bà T. “lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”

Luật Sư Lê Hoàng Tùng tố bị điều tra viên Công An ở Sài Gòn, hành hung. (Hình: Giao Thông)

Trong lúc làm việc, thân chủ của ông Tùng đề nghị được thực hiện quyền công dân của mình theo quy định của luật pháp. Song, điều tra viên TĐM, Đội 8 Phòng Cảnh Sát Hình Sự Công An ở Sài Gòn, không đồng ý.

Khi điều tra viên M. có những dấu hiệu “xâm phạm về quyền lợi ích hợp pháp của người dân,” ông Tùng đã lên tiếng bảo về thân chủ của mình.

“Ngay sau khi tôi lên tiếng bảo vệ thân chủ, điều tra viên M. đã tấn công tôi, khiến tôi bị chảy máu mũi, đau đầu. Hiện tại, tôi đang làm việc với các đơn vị có thẩm quyền để lập biên bản xử lý vụ việc theo đúng quy định. Sau khi buổi làm việc kết thúc, tôi sẽ tiếp tục thông tin đến báo chí,” ông Tùng cho biết.

Thế nhưng giải thích với báo Người Lao Động hôm 18 Tháng Năm, Phòng Cảnh Sát Hình Sự Công An thành phố, nơi thụ lý giải quyết sự việc liên quan đến bà T., cho biết khoảng 2 giờ 10 phút trưa 17 Tháng Năm, bà T. đến trụ sở Phòng Cảnh Sát Hình Sự cùng hai luật sư đã được cơ quan điều tra công nhận là ông Lê Hoàng Tùng và bà Nguyễn Thị Hoài Thương, thuộc Đoàn Luật Sư Hà Nội, công ty Luật Everest, quận Thanh Xuân.

Tại thời điểm làm việc, trong phòng có năm cán bộ, gồm điều tra viên M. và các cán bộ điều tra đang giải quyết các vụ án khác.

Khi bắt đầu ghi lời khai của bà T., điều tra viên TĐM “đã giải thích rõ về quyền và nghĩa vụ của người bị tố giác, người bảo vệ quyền và lợi ích của người bị tố giác.” Tuy nhiên, dù điều tra viên đã nhắc nhở nhiều lần nhưng luật sư Tùng “vẫn có hành vi cản trở việc ghi lời khai của điều tra viên, có lời nói lớn tiếng, ồn ào gây mất trật tự tại phòng làm việc.”

Do đó, điều tra viên M. đã yêu cầu Luật Sư Lê Hoàng Tùng ra khỏi phòng, không được tiếp tục tham gia làm việc, nhưng “Luật Sư Tùng cố tình không chấp hành, tỏ thái độ thách thức. Trong lúc ra khỏi phòng làm việc, ông Tùng đã trượt ngã, không có việc điều tra viên đánh.”

Nhiều trang mạng xã hội lan truyền tin điều tra viên đánh Luật Sư Lê Hoàng Tùng. (Hình: Người Lao Động)

Cũng theo Phòng Cảnh Sát Hình Sự, sau khi sự việc xảy ra đã lập biên bản ghi nhận ý kiến, làm thủ tục tiếp nhận và chuyển đơn của ông Lê Hoàng Tùng đến văn phòng Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Công An thành phố “để giải quyết theo quy định.”

Cùng lúc, để ngăn việc chia sẻ thông tin đang lan truyền mạnh trên các mạng xã hội, gây bất bình dư luận, Công An thành phố đã ra thông báo răn đe: “Trong khi vụ việc đang được thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, bà Nguyễn Thị Hoài Thương và một số trang mạng xã hội đã đăng tải thông tin chưa kiểm chứng liên quan vụ việc trên, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của lực lượng Công An thành phố. Công An thành phố tiếp tục điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.” 

Người Việt (18.95.2022)

 

Đối thoại đãi môi 

“Nhưng tổ chức Human Rights Watch (Theo dõi Nhân quyền) báo cáo năm 2021 cho biết ở Việt Nam: ”Có ít nhất 150 người đã bị kết tội vì thực hiện các quyền tự do biểu đạt hay tự do lập hội hiện đang ở trong tù.”

CSVN tung 15 bước nắm lấy Việt kiều

“Tôi sẵn sàng đối thoại bất cứ ai trên thế giới về kinh tế Việt Nam, về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.”

Thủ tướng CSVN Phạm Minh Chính đã nói như thế trước các doanh nhân Mỹ tại Hoa Thịnh Đốn ngày 12/05/2022. Ông Chính có mặt ở Hoa Thịnh Đốn để dự Hội nghị thượng đỉnh nhằm kỷ niệm 45 năm quan hệ Mỹ-ASEAN (The Association of South East Asian Nations, Hiệp hội các nước Đông Nam Á).

Trong lời phát biểu, người cầm đầu Chính phủ nói:”Chúng tôi mong các đối tác, doanh nghiệp Mỹ tiếp tục đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội. Tôi sẵn sàng đối thoại bất cứ ai trên thế giới về kinh tế Việt Nam, về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Chúng ta cởi mở, chân thành để làm việc. Khi hợp tác với nhau thì lợi ích hài hoà mà rủi ro phải cùng nhau chia sẻ”.

Đối tượng của ông Chính trong câu nói này nhằm vào nước Mỹ nói chung và cộng đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ nói riêng. Lập trường giữa Mỹ và Việt Nam về nhân quyền vẫn tồn tại những khác biệt, mặc dù hai nước duy trì các cuộc thảo luận định kỳ hàng năm hoặc bất thường. Theo ước tính của các Tổ chức nhân quyền thế giới thì có từ 100 đến 300 tù nhân lương tâm (hay tù chính trị) đang bị giam giữ ở Việt Nam. Chính quyền Việt Nam bác bỏ cáo buộc này, cho rằng ở Việt Nam “không có tù nhân chính trị mà chỉ có những phần tử vi phạm luật pháp bị giam giữ”.

Nhưng tổ chức Human Rights Watch (Theo dõi Nhân quyền) báo cáo năm 2021 cho biết ở Việt Nam: ”Có ít nhất 150 người đã bị kết tội vì thực hiện các quyền tự do biểu đạt hay tự do lập hội hiện đang ở trong tù.”

Ai cũng biết những người bị bắt giam đều đã tham gia đấu tranh dân chủ và nhân quyền, tiêu biểu và nổi tiếng như Phạm Đoan Trang (tên đầy đủ là Phạm Thị Đoan Trang, sinh ngày 27 tháng 5 năm 1978 tại Hà Nội).

Theo Bách khoa toàn thư mở thì bà là một “tác giả, bloggernhà báo, và nhà hoạt động dân chủ người Việt Nam. Bà đã viết một số ấn phẩm và là một trong những người thành lập trang web Luật Khoa tạp chí với tư cách là một hình thức báo chí độc lập tại Việt Nam. Bà bị chính quyền sở tại bắt giam nhiều lần. 

Kể từ tháng 3 năm 2018, Phạm Đoan Trang đã phải trốn và ẩn náu ở nhiều nơi bí mật trong chính nước mình sau khi cuốn sách Chính trị bình dân của bà được phát hành. Vào ngày 6 tháng 10 năm 2020, bà bị bắt giữ tại Sài Gòn

Ngày 14 tháng 12 năm 2021, Phạm Thị Đoan Trang bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt 9 năm tù giam về tội tuyên truyền chống nhà nước.”

Người tù nổi tiếng thứ hai là ông Trần Huỳnh Duy Thức, một kỹ sư – doanh nhân Việt Nam.  Theo Bách khoa toàn thư mở thì ông “là cựu Tổng Giám đốc của Công ty Dịch vụ điện thoại internet OCI và cũng là một nhân vật bất đồng chính kiến. Ông bị cơ quan an ninh Việt Nam bắt giam và Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra xét xử vào ngày 20 tháng 01 năm 2010 và kết án 16 năm tù với tội danh hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”

Người nổi tiếng thư ba là ông Phạm Chí Dũng (sinh năm 1966) là một nhà báonhà vănTiến sĩ Kinh tế, nhà hoạt động chính trị bất đồng chính kiến.

Bách khoa toàn thư mở viết: “Phạm Chí Dũng từng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam trong 20 năm (1993–2013), và là cán bộ tại Ban An ninh Nội chính Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trước khi tự viết đơn xin ra khỏi đảng năm 2013.

Ông viết báo và viết văn nhiều năm nay, với nhiều bút danh khác nhau như Việt Thắng, Viết Lê Quân, Thường Sơn.

Ngày 21 tháng 11 năm 2019, Phạm Chí Dũng bị Cơ quan an ninh điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh khởi tố và bắt tạm giam, và khám xét về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 – Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Ông bị kết án 15 năm tù tại phiên tòa của nhà nước Việt Nam ngày 05/12/2020.”

Như vậy, chỉ riêng 3 tù nhân lương tâm này, đã nhận 40 năm bị giam.

BÁO CÁO MỸ

Trong báo cáo về tình hình nhân quyền ở Việt Nam năm 2021, Bộ Ngoại giao Mỹ viết: “Những vấn đề lớn về quyền con người ở Việt Nam bao gồm các báo cáo đáng tin cậy về: việc tước đoạt sinh mạng trái luật hoặc tùy tiện của chính quyền; tra tấn và đối xử hoặc trừng phạt dã man, vô nhân đạo hoặc đê hèn bởi các nhân viên chính phủ; bắt và giam giữ người tùy tiện; tù nhân chính trị; các hành động trả thù vì động cơ chính trị đối với các cá nhân ở quốc gia khác; những vấn đề nghiêm trọng về tính độc lập của tư pháp; sự can thiệp tùy tiện hoặc trái luật vào đời sống riêng tư; hạn chế nghiêm trọng tự do biểu đạt và tự do báo chí, bao gồm bắt và truy tố tùy tiện những người chỉ trích chính quyền, kiểm duyệt, ra các luật về hành vi phỉ báng mang tính chất hình sự; hạn chế nghiêm trọng tự do Internet; can thiệp đáng kể vào quyền tự do hội họp hòa bình và tự do lập hội; hạn chế tự do đi lại, trong đó có việc cấm xuất cảnh đối với các nhà hoạt động; công dân không có khả năng thay đổi chính quyền một cách hòa bình thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng; hạn chế nghiêm trọng sự tham gia chính trị; các hành vi tham nhũng lớn; buôn bán người; hạn chế đáng kể quyền tự do lập hội của công nhân; sử dụng lao động trẻ em cưỡng bức.” 

TỪ CHỐI ĐỐI THOẠI

Thực tế tình hình nhân quyền (Việt Nam gọi là “quyền con người”) ở Việt Nam là như thế, nhưng đảng và chính phủ không bao giờ nhìn nhận và từ chối đối thoại với những người hoạt động dân chủ và đòi các quyền tự do như đã quy định trong Điều 25 Hiến pháp, theo đó:” Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

Chính phủ Việt Nam thường lấy lý do chưa có luật nên những cuộc biểu tình đòi công lý, lên án bất công, kể cả biểu tình phản đối Trung Quốc, đồng minh của Việt Nam, có âm mưu xâm lược Việt Nam, là bất hợp pháp và có âm mưu chống “chính quyền nhân dân” và gây rối an ninh  trật tự.

Nhà nước cũng không cho tư nhân ra báo, không cho phép lập đảng chính trị, chưa nói đến đối lập với đảng cấm quyền CSVN.

Nhà nước cũng từ chối đối thoại với những ngưởi bất đồng ý kiến về đường lối và chính sách cai trị độc tài và độc đảng của mình. Do đó, mỗi khi có lãnh đạo nêu lên vấn đề đối thoại thì lập tức có câu hỏi: Tại sao Đảng và Chính phủ chỉ muốn đối thoại với nước ngoài mà từ chối nói chuyện phải trái với người trong nước.

Đó là lý do đã xẩy ra nhiều vụ dân oan biểu tình và khiếu kiện dài ngày trong các vụ tranh chấp đất đai có dính dáng đến cán bộ và doanh nghiệp nhà nước. Tại Hội nghị Trung ương 5 mới kết thúc ngày 10/5 (2022), Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng đã than phiền có tới 70% vụ kiện trong thời gian qua liên quan đến vấn đề sử dụng đất đai.

Những vụ thu hồi đất ở huyện Văn Giang, Tỉnh Hưng Yên năm 2012 và Đồng Tâm (Hà Nội) năm 2017 đã gây đổ máu trong dân là bằng chứng dối thoại không được thi hành nghiêm chỉnh ở Việt Nam.

Nguyên do gây khiếu kiện và tranh chấp vì Điều 53 Hiến pháp quy định không rõ rệt, theo đó:” Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.”

Như thế rõ ràng quyền được sử dụng đất không thuộc về dân mà do nhà nước  dành quyền “qủan lý” để độc quyền “trao quyền sử dụng đất” cho người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.

Thế mà có ai muốn tranh luận với nhà nước về điều bất công này thì liền bị đàn áp thẳng tay. Đó là về mặt vật chất, còn về tinh thần và lương tâm thì chính quyền CSVN đã kiểm soát cả cách nghĩ và ý chí của người dân nên đã từ chối nói chuyện về những vị phạm quyền con người với người trong nước.  Ngược lại, đảng CSVN không từ khước một cơ hội nào để bảo vệ “thành tích” nhân quyền của mình trước các diễn đàn quốc tế để bảo vệ các quyền lợi về chính trị, ngoại giao và kinh tế như đã diễn ra với Mỹ, Liên hiệp Châu Âu và các nước khác.

Trong năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói văng mạng rằng:” Nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, đó là điều quan trọng nhất, phát huy tối đa yếu tố con người.”  (VOV, ngày 06/12/2021)

Nhưng ông Chính quên rằng con người không chỉ sống bắng vật chất như loài cầm thú mà đời sống tinh thần, tự do tư tưởng cũng quan trọng không kém. Do đó, mặc dù nhà nước vẫn tuyên truyền đất nước do dân “làm chủ”, nhưng lại dành quyền tổ chức chính quyền, bầu cử và cai trị một mình thì nhà nước này của “ông Bình vôi” à?

VÕ VĂN THƯỞNG

Nên nhớ vào ngày 18/05/2017, ông Võ Văn Thưởng, khi còn là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã hồ hởi tuyên bố đảng sẵn sàng “đối thoại” với những người có quan điểm và ý kiến khác với nhà nước.

Ông nói: ”Đây là vấn đề rất quan trọng. Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”

Ông Thưởng còn cho biết:”Ban Tuyên giáo Trung ương đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước.”

Tuy nhiên từ đó đến nay đã qua 5 năm mà vẫn chưa có bản hướng dẫn đối thoại của Ban Bí thư nên ý kiến này được coi như đã “chìm xuồng”, mặc dù ông Thưởng bây giờ là Bí thư thường trực của khóa đảng XIII.

KIỀU BÀO CỦA AI?

Cũng trong chuyến thăm Mỹ của ông Phạm Minh Chính, người đứng đầu Chính phủ đã có cuộc tiếp xúc với khoảng 70  “Việt kiều” ở miền Đông nước Mỹ ngày 14 /5/2022.  Số Việt kiều này, tất nhiên là thân CSVN, được phía Việt Nam tự phong là “đại diện cộng đồng người Việt ở khu bờ Đông Mỹ”.

Thêm lần nữa ông Chính khẳng định chính sách của đảng CSVN là:”Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; luôn tạo điều kiện để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và giúp đồng bào có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống ở nước sở tại và đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước.”

Tuy nhiên ai cũng biết số Việt kiều “yêu nhà nước Cộng sản” này chỉ là con số rất nhỏ so với 2.2 triệu người Việt sống ở Hoa Kỳ, và càng nhỏ hơn so với 5.5 triệu người Việt Nam sống ở rải rác ở 130 nước trên thế giới. Tuy nhiên, riêng năm 2021, Việt kiều đã gửi về giúp gia đinh trên 18 tỷ Mỹ kim, một khoản tiền không nhỏ giúp phát triển kinh tế.

Vì vậy, sẽ không ngạc nhiên khi thấy ông Chính ca ngợi Việt kiều: “Cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ có vai trò là cầu nối trong quan hệ giữa Việt Nam – Hoa Kỳ; tham gia đóng góp thực hiện các thỏa thuận giữa hai nước; đóng góp vào phát triển của cả Việt Nam và Hoa Kỳ.

Thành công của người Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng là thành công của đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước; đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam, giá trị Việt Nam trên đất nước Hoa Kỳ; thể hiện thiện chí của Việt Nam trong hợp tác với các nước trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ.”

Bề ngoại thì lạc quan như thế, nhưng trong lòng hẳn ông Chính cũng biết sự hiện diện yếu kém của hàng ngũ “Việt kiều yêu nước” như thế nào từ 47 năm qua, kể từ khi có làn sóng người Việt tị nạn Cộng sản đến định cư tại Mỹ. Bằng chứng cho sức mạnh của người Việt chống Cộng ở khắp thế giới được thể hiện bằng hình ảnh của lá Cờ Vàng 3 Sọc đỏ và các lần tưởng niệm ngày Cộng sản chiếm Việt Nam Cộng hòa  30/4/1975.

KẾ HOẠCH “ĐỎ HÓA KIỀU BÀO”

Vì vậy, trước ngày ông Chính gặp “Kiều bào miền Đông”, Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận hàng đầu của Ban Tuyên giáo và Hội đồng Lý luận Trung ương đảng đã phổ biến bài viết “Nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.”

Những bước sau đây đã được hoạch định: 

(1)–Tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ hội đoàn, hội viên và người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là phải chú trọng việc quán triệt các chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

(2)–Đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị.

(3)–Chú trọng, quan tâm nhiều hơn đến thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài với nhiều hoạt động thường xuyên, hướng về cội nguồn để nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc và tình cảm gắn bó yêu mến quê hương, đất nước.

(4)–Các cấp hội đoàn cần tổ chức các hoạt động phù hợp với tâm lý, nhu cầu của thanh niên người Việt Nam ở nước ngoài, giúp thanh niên nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc rèn luyện, học tập và hướng về quê hương, Tổ quốc

(5)– Để giữ gìn tiếng Việt cho thế hệ trẻ và cho cả cộng đồng, công tác dạy và học tiếng Việt cần tiếp tục được đẩy mạnh thông qua nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, như tăng cường đội ngũ giáo viên, cung cấp trang thiết bị, sách giáo khoa, hỗ trợ xây dựng trường lớp, tổ chức các khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt,….

(6)–Nâng cao hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động xây dựng cộng đồng, hướng về quê hương, đất nước; chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và người Việt Nam ở nước ngoài.

(7)–Đa dạng hóa các hình thức đoàn kết, tập hợp người Việt Nam ở nước ngoài; phát huy quyền chủ động, sáng tạo của hội đoàn các cấp trong công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài phù hợp với đặc điểm nước sở tại.

(8)–Đa dạng hóa những hình thức, nội dung tổ chức, tạo mọi điều kiện để đồng bào tham gia nhiều hơn vào các sự kiện chính trị, xã hội lớn của đất nước, gắn bó với cội nguồn, khơi dậy truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc, thu hút được nhiều thế hệ đồng bào ở khắp nơi trên thế giới hưởng ứng. Người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo văn kiện Đại hội Đảng; góp ý kiến đối với các vấn đề lớn liên quan đến kinh tế – xã hội, chủ quyền lãnh thổ và “quốc kế dân sinh”, các ý kiến đó phải được chuyển tới lãnh đạo cấp cao và các cấp có thẩm quyền.

(9)– Đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu được tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương. Các hoạt động phát huy nguồn lực tri thức, kinh tế của đồng bào cần được tiến hành thường xuyên hơn, như hỗ trợ các nhà khoa học, trí thức người Việt Nam về nước làm việc, tổ chức nhiều chương trình gặp gỡ, giao lưu doanh nhân trong và ngoài nước.

(10)–Cùng với các phương thức hoạt động truyền thống, các cấp hội đoàn cần tiếp tục phát huy, đẩy mạnh triển khai hiệu quả các giải pháp tập hợp, đoàn kết và định hướng hoạt động hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài trên không gian mạng.

(11)– Nghiên cứu thành lập quỹ tài chính kiều bào, cam kết các chính sách thuận lợi để thu hút nguồn kiều hối vào các dự án đầu tư, xây dựng ưu tiên, trọng điểm của đất nước.

(12)–Đổi mới và tăng cường công tác xây dựng tổ chức hội đoàn, công tác cán bộ hội đoàn và chăm lo xây dựng lực lượng nòng cốt, người có uy tín trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

(13)–Tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác về người Việt Nam ở nước ngoài để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong tình hình mới. Tập trung chăm lo củng cố, xây dựng tổ chức hội đoàn vững mạnh; từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ hội đoàn có chất lượng, trưởng thành từ phong trào quần chúng; coi trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng tổ chức hoạt động đoàn kết, tập hợp người Việt Nam ở nước ngoài; phát huy vai trò nhiệt tình, gương mẫu của cán bộ hội đoàn.

(14)–Chú trọng, chăm lo bồi dưỡng cán bộ trẻ; phát huy hơn nữa vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong việc đồng hành, định hướng hoạt động của các hội sinh viên, hội lưu học sinh, du học sinh Việt Nam ở nước ngoài. Những người Việt Nam sang học tập hoặc đi theo dạng lao động kỹ thuật cao cần được quan tâm, bởi đây là lực lượng nòng cốt trong việc thu hút và gắn kết người Việt Nam ở nước ngoài. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, vận động để thu hút thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào các hội đoàn trong cộng đồng.

(15)– Nghiên cứu xây dựng chính sách, hỗ trợ các tổ chức hội đoàn, lực lượng nòng cốt trong cộng đồng.

Với hành trình 15 bước này, liệu đảng CSVN có làm nên cơm cháo gì không, hay vẫn bị Cộng đồng người Việt chống cộng “cầm chân và tẩy chay” như bấy lâu nay?

Lý do CSVN thất bại trong công tác “dân vận Việt kiều” vì Đảng và Chính phủ Việt Nam đã nói nhiều đến “đại đoàn kết toàn dân, hòa giải và hòa hợp dân tộc”, nhưng vẫn nuôi dưỡng chủ trương kỳ thị ngưởi Nam-kẻ Bắc, vẫn coi dân “bại trận” miền Nam là những người bị trị, đối xứ không công bằng từ trong học đường ra ngoài xã hội và trong guồng máy cầm quyền.

Như vậy thì dễ gì mà đảng CSVN có thể “đối thoại” được với người Việt Nam ở nước ngoài, nói chi đến chiến thuật mồi chài của ông Thủ tướng Phạm Minh Chính. -/-

Phạm Trần (18.05.2022)

https://baotgm.net

 

  

Tù nhân chính trị CSVN bị nhốt trong phòng giam cả ngày

 Tù nhân chính trị tại trại giam Gia Trung tỉnh Gia Lai bị nhốt cả ngày lẫn đêm trong phòng giam và chỉ cho ra ngoài lấy cơm, như sự trừng phạt.

“Vy nói với Duy đợt này trại đàn áp các tù nhân chính trị. Nhốt luôn trong phòng không cho ra ngoài. Mỗi ngày chỉ cho ra ngoài một tiếng để lấy cơm và nước thôi,” bà Huỳnh Thục Vy gọi điện thoại về cho thân nhân thông báo như vậy hôm Thứ Hai, 16 Tháng Năm.

Bà Huỳnh Thục Vy bị tòa án CSVN kết án 2 năm 9 tháng tù hồi năm 2018 nhưng hoãn thi hành án vì con nhỏ. (Hình: Thông Tấn Xã Việt Nam)

Bà Huỳnh Thục Vy, năm nay 37 tuổi, một nhà tranh đấu nhân quyền nổi tiếng tại Việt Nam, đang thi hành bản án 2 năm 9 tháng tù tại trại giam Gia Trung thuộc tỉnh Gia Lai. Bà bị công an bắt dẫn đi ngày 1 Tháng Mười Hai, 2021, sau gần ba năm tạm hoãn thi hành án vì có con nhỏ và đang mang bầu. Luật lệ hình sự CSVN quy định người bị kết án tù được tạm hoãn thi hành án ba năm nếu con nhỏ dưới 3 tuổi. Khi bà bị bắt đem đi thì con nhỏ của bà chưa đủ 3 tuổi.

Trại tù Gia Trung hiện đang giam giữ một số tù chính trị khác như ông Nguyễn Trung Tôn thuộc Hội Anh Em Dân Chủ với bản án 12 năm tù; ông Lưu Văn Vịnh, thuộc nhóm Liên Minh Dân Tộc Tự Quyết, bị kết án 15 năm tù. Nơi đây cũng giam giữ ông Phan Văn Thu, người đứng đầu giáo phái “Hội Đồng Công Luật Công Án Bia Sơn” một hình thức tôn giáo mô phỏng theo Phật Giáo, bị kết án tù chung thân.

Bà Huỳnh Thục Vy bị tòa án CSVN tại Đắk Lắk đưa ra xử án tại thị xã Buôn Hồ ngày 30 Tháng Mười Một, 2018, với cáo buộc “xúc phạm quốc kỳ.” Ngày lễ độc lập CSVN một năm trước đó, bà phổ biến trên trang Facebook cá nhân hai lá cờ của nhà cầm quyền CSVN bị xịt sơn với ghi chú “Phản đối lễ lạc bằng cờ đỏ sơn trắng.”

Hành động này ở các nước có tự do dân chủ thật sự, tôn trọng nhân quyền thật sự, thì chỉ là biểu tỏ của quyền tự do ngôn luận, tự do phát biểu. Nhưng với một chế độ độc tài đảng trị như tại Việt Nam thì hành động này là sự xúc phạm không thể tha thứ.

Bà Huỳnh Thục Vy là một blogger, một Facebooker nổi tiếng tại Việt Nam với các bài viết sắc sảo, mạnh mẽ về các vấn đề thời sự tại Việt Nam, với tinh thần chống chế độ Cộng Sản độc tài đảng trị. Một số những bài viết đó được chọn lọc lại và xuất bản tại Hoa Kỳ với tựa đề “Nhận định sự thật – Tự do và nhân quyền.”

Phần quảng cáo giới thiệu tác phẩm vừa kể trích dẫn nhận định của bà về quan điểm đấu tranh: “Trong khi đảng và nhà nước Cộng Sản có nguồn nhân lực và tài nguyên quốc gia, có súng, xe tăng, nhà tù và bộ máy tuyên truyền dối trá… những người đang đấu tranh cho dân chủ, tự do và nhân quyền tại Việt Nam không có gì ngoài chính nghĩa, và chính nghĩa đó đến từ sự thật, tự do và công lý. Không cố gắng để trau dồi và gìn giữ những giá trị đó, chúng ta sẽ thua chế độ độc tài ngay từ đầu.”

Bà Huỳnh Thục Vy và lá cờ CSVN bị xịt sơn hồi năm 2017. (Hình: Facebook Huỳnh Thục Vy)

Sau khi bị bắt giam, bà Huỳnh Thục Vy bị đưa từ Buôn Hồ tới giam tại nhà tù Gia Trung thuộc tỉnh Gia Lai, cách nhà bà khoảng 200 km. Các tổ chức nhân quyền quốc tế đều lên án nhà cầm quyền khi kết án bà là vi phạm nhân quyền trầm trọng.

Trước khi bị bắt đưa đi thi hành án, bà Huỳnh Thục Vy trả lời phỏng vấn của đài BBC rằng: “Tôi xịt sơn lên cờ để bày tỏ thái độ phản đối luận điệu tuyên truyền của họ, rằng đây không phải ngày vui mừng của toàn quốc. Trước chế độ cai trị của Cộng Sản, người dân không vui vẻ hạnh phúc gì cả. Thực ra việc xịt sơn này chỉ là cái cớ. Tôi đã hoạt động phản đối chính quyền trong 10 năm trở lại đây.”

Trước đó, bà từng giải thích là “Hành động xịt sơn của tôi lên lá cờ đó không xuất phát từ những suy nghĩ bồng bột, non nớt của người chưa hiểu chuyện. Mà tôi mong ước qua hành động đó khiến người dân bớt sợ hãi về những biểu tượng của đảng Cộng Sản Việt Nam, bớt cảm thấy nó nhạy cảm, linh thiêng.” 

Người Việt (17.05.2022)

 

 

USCIRF: Người tị nạn Việt Nam tại Thái Lan và Campuchia gặp cảnh bấp bênh

Báo cáo “Tổng quan toàn cầu về người tị nạn chạy trốn sự đàn áp tôn giáo” của USCIRF công bố hôm 12/5/2022.

Một báo cáo Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) nhận định rằng cuộc sống người tị nạn tôn giáo Việt Nam tại Thái Lan và Campuchia – đa phần là những người chạy trốn sự đàn áp tôn giáo ở khu vực Tây Nguyên – rất bấp bênh.

Báo cáo “Tổng quan toàn cầu về người tị nạn chạy trốn sự đàn áp tôn giáo” của USCIRF công bố hôm 12/5 cho biết hiện có gần 1,500 người tị nạn Việt Nam tại Thái Lan, bao gồm cả những người đã được Cao ủy Tị nạn LHQ (UNHCR) cấp quy chế, chưa được cấp quy chế và cả những bị từ chối.

“Phần lớn người Việt tị nạn ở Thái Lan là thành viên của các nhóm Tin lành người Hmong và người Thượng độc lập, những người bị đàn áp vì không chịu từ bỏ đức tin và không chấp nhận tham gia các tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát”, USCIRF cho biết.

Các nhóm tôn giáo khác có thành viên phải đi tị nạn sang Thái Lan bao gồm các cộng đồng Hòa Hảo và Cao Đài độc lập, cũng như các nhóm thuộc giáo hội Phật giáo độc lập, bao gồm các Phật tử Khmer-Krom, cũng theo USCIRF.

Thái Lan không phải là quốc gia thành viên của Công ước LHQ về người tị nạn năm 1951 trong khi nước này lại thiếu khung pháp lý để bảo vệ người tị nạn và người xin tị nạn. Do đó, những người dù đã được văn phòng UNHCR ở Thái Lan cấp quy chế tị nạn vẫn có thể bị chính quyền Thái Lan coi là người nhập cư bất hợp pháp và phải đối mặt với nguy cơ bị giam giữ và đưa về nước, báo cáo cho biết.

“Người Thượng theo đạo Tin lành trốn sang Campuchia cũng phải đối mặt với những thách thức tương tự. Trong khi Campuchia là quốc gia thành viên của Công ước về người tị nạn của LHQ, chính phủ Campuchia từ chối cho phép UNHCR tái định cư vĩnh viễn những người Thượng tị nạn sang các nước thứ ba, có thể do áp lực từ chính phủ Việt Nam,” báo cáo USCIRF viết.

Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ của Việt Nam chưa phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA về báo cáo này.

Từ trước đến nay, chính quyền Việt Nam bác bỏ việc đàn áp tôn giáo và cho rằng quyền tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo của mỗi công dân luôn “được đảm bảo”.

VOA (16.05.2022)

 

 

Blogger Lê Anh Hùng bị chuyển từ bệnh viện tâm thần về trại giam

Blogger Lê Anh Hùng bị chuyển từ Viện Tâm Thần về Trại giam theo quyết định ra ngày 9/5 của Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an Hà Nội.

Quyết định nêu rõ “đình chỉ thi hành biện pháp chữa bệnh” tại Viện Pháp y Tâm thần Trung ương, phục hồi điều tra vụ án, điều tra bị can đối với blogger Lê Anh Hùng’ để chuẩn bị đưa ông ra xét xử.

Một ngày sau, ông Hùng đã bị chuyển từ bệnh viện tâm thần về lại Trại Tạm giam số 1 để chờ ngày ra tòa, nơi ông bị giam giữ gần một năm trước khi bị chuyển đi điều trị tâm thần bắt buộc trong ba năm vừa qua.

Blogger Lê Anh Hùng bị bắt ngày 5/7/2018 với cáo buộc “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước…” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự với mức án tù có thể từ ba năm đến bảy năm. Ông đã bị giam trong trại tạm giam và bệnh viện tâm thần tổng cộng ba năm 10 tháng.

Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, bà Trần thị Niêm, mẹ của ông Hùng cho biết công an Hà Nội nói rằng đưa ông Hùng về trại giam vài tháng thì sẽ xử.

Ông Hùng là một blogger khá nổi tiếng vì chỉ trích chế độ cộng sản Việt Nam và từng có thời gian là cộng tác viên của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA). Ông được dư luận chú ý khi tố cáo cựu Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải với vai trò là trùm tội phạm, trùm buôn lậu và làm gián điệp cho Trung Quốc khi ông này còn giữ chức phó thủ tướng.

Theo gia đình ông, trong thời gian bị điều trị cưỡng bức ở bệnh viện tâm thần, ông bị chích thuốc và bị đối xử tàn nhẫn.

Trong lần gặp vợ là tù nhân lương tâm Nguyễn Thuý Hạnh tại Viện Pháp y Tâm thần Trung ương hôm 6/5, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh được bà cho biết là ông Hùng bị đưa vào điều trị cùng một khoa với 15 bệnh nhân nữ khác. Tuy ở cùng khoa nhưng an ninh và nhân viên bệnh viện ngăn cản không cho bà Hạnh và ông Hùng nói chuyện với nhau.

RFA (16.05.2022)

 

 

Thị trưởng Haltom Trương Minh Ẩn vinh danh Hội Nhà báo Độc lập

Nhân ngày Tự Do Báo Chí năm 2022, Hội Đồng Thành Phố Haltom, Texas, Hoa Kỳ đã long trọng trao bằng tưởng lục đến Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam về sự đóng góp cho tự do dân chủ và báo chí của hội.

Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ, Tiến Sĩ Phan Quang Trọng đã thay  mặt Hội Nhà Báo Độc Lập Việt  Nam nhận bằng tưởng lục từ tay ông Thị Trường Haltom, tiến sĩ Trương Minh Ẩn, trước sự chứng kiến của tất cả hội viên Hội Đồng Thành Phố và nhiều người dân tham dự trong đó có nhiều đồng hương Việt Nam.

 

*****

Xét rằng, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) thông qua tờ báo điện tử Việt Nam Thời báo, đã làm thay đổi đáng kể quan điểm của nhiều người Mỹ gốc Việt đối với tình hình hiện tại ở Việt Nam, và
Xét rằng, IJAVN, thông qua phương tiện thông tin-truyền thông của họ, đã giúp nhiều người Mỹ gốc Việt hiện nay có cái nhìn rõ ràng hơn và đầy đủ hơn về tình hình nhân quyền ở Việt Nam thông qua những đóng góp không ngừng của họ cho cuộc đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam; và

Xét rằng, ba vị lãnh đạo của IJAVN – Chủ tịch Phạm Chí Dũng; Phó Chủ tịch Nguyễn Tường Thụy và Cộng tác viên Lê Hữu Minh Tuấn – đã liên tục đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ thông qua các bài viết của họ cho Báo điện tử Việt Nam Thời Báo và vì những nỗ lực đó, ba nhà báo này đã bị kết án tổng cộng 37 năm tù trong nhà tù của chính phủ Việt Nam.

Vì vậy, chúng tôi xin quyết định rằng Hội Nhà Báo Độc lập Việt Nam được vinh danh vì những đóng góp xuất sắc của Hội và tất cả những người liên kết với hội này ở Hoa Kỳ và Việt Nam đều được chúng tôi trân trọng và gửi lời chúc tốt đẹp nhất cho tương lai.

Thành phố Haltom ngày 9 tháng 5 năm 2022

Thị Trưởng Trương Minh Ẩn

*****

Whereas, the Independent Journalists Association of Vietnam (IJAVN) through its Vietnam Times e-newspaper Việt Nam Thời Báo, has significantly changed the perspectives of countless Vietnamese-Americans toward the current situations in Vietnam, and

Whereas, the IJAVN, through its unique news-media outlet, has helped many Vietnamese-Americans to now have a clearer and more complete view of the human rights situation in Vietnam through their continuous contribution to the fight for democracy in Vietnam; and

Whereas, the three officers of the IJAVN – President Phạm Chí Dũng; Vice President Nguyễn Tường Thụy, and Collaborator Lê Hữu Minh Tuấn – have consistently fought for human rights and democracy through their literary works for the Vietnam Times e-newspaper and because of these efforts, these three journalists were sentenced to a total of 37 years in prison by the Vietnam government.

Therefore, be it resolved, that the Independent Journalists Association of Vietnam be honored for its outstanding contributions and that all those associated with the organizations in the United States and Vietnam be extended our sincere respect and best wishes for the future.

In witness whereof, I have hereunto subscribed my name and caused the Seal of the City of Haltom City to be affixed to on May 9, 2022

An, M. Truong, Mayor

VNTB (16.05.2022)