Đức rất quan ngại về tình hình nhân quyền ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc, một phát ngôn viên của chính phủ nói hôm 25/5, thúc giục Trung Quốc minh bạch về các diễn biến ở tỉnh này.
Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn của Đức nói chính sách về Trung Quốc của Berlin “đang được xây dựng”.
Các nước phương Tây và các nhóm nhân quyền cáo buộc chính quyền tại Tân Cương giam giữ và tra tấn người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác trong các trại cải tạo. Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc và mô tả các trại này là cơ sở huấn nghiệp để chống lại chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.
“Về tình hình ở Tân Cương, về nguyên tắc, tôi có thể nói rằng chính phủ liên bang – và ở đây chúng tôi đồng ý với các đối tác EU – là tiếp tục xem diễn tiến tình hình nhân quyền ở tỉnh đó với sự quan ngại lớn”, người phát ngôn nói thêm, thúc giục Bắc Kinh đảm bảo minh bạch về các diễn biến trong tỉnh.
Sau khi truyền thông đưa tin mới về những vi phạm nhân quyền ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Bộ trưởng Kinh tế Đức hôm 24/5 nói Berlin đang thay đổi cách đối phó với Trung Quốc và sẽ dành ưu tiên cao hơn cho các vấn đề nhân quyền.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng hôm 25/5, nói rằng Bắc Kinh kiên quyết phản đối các nỗ lực sử dụng thông tin sai lệch và dối trá để bôi nhọ Trung Quốc.
BBC, Der Spiegel và các cơ quan truyền thông khác hôm 24/5 cho biết họ đang sở hữu một kho dữ liệu khổng lồ tiết lộ chi tiết chưa từng có về việc Trung Quốc sử dụng cái gọi là trại “cải tạo” và nhà tù chính thức như hai hệ thống riêng biệt nhưng có liên quan với nhau để giam giữ tập thể người Uyghurs.
Người phát ngôn của hãng Volkswagen nói với Reuters rằng nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu đã xem xét các báo cáo gần đây về Trung Quốc với sự quan ngại lớn.
Ông Albrecht von der Hagen, người đứng đầu Hiệp hội Doanh nghiệp Gia đình, nói thêm rằng: “Những hình ảnh vi phạm nhân quyền ở Tân Cương khiến chúng tôi choáng váng”.
“Đúng vậy, châu Âu phải trở nên độc lập hơn với các chế độ chuyên quyền. Nhưng điều này đòi hỏi Đức và châu Âu phải định vị lại chính mình thông qua thương mại với các quốc gia theo hiến pháp dân chủ”, ông nói, đồng thời kêu gọi các sáng kiến chính sách như một hiệp định thương mại Âu-Mỹ toàn diện phải “được thúc đẩy mạnh mẽ”.
Người phát ngôn của chính phủ Đức cho biết Berlin sẽ “đánh giá chi tiết hơn” các báo cáo.