Một cuộc hội thảo của các nhà nghiên cứu từ Hoa Kỳ và Canada cho thấy một góc nhìn mới về các cuộc chiến ở Việt Nam, từ vai trò của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản lãnh đạo trong việc đánh bại quân đội Pháp năm 1954, những sai lầm của lực lượng Việt Minh trong thời kỳ Nam bộ Kháng chiến, đến sự thăng trầm của chính quyền miền Nam Việt Nam và nỗ lực can thiệp của Trung Quốc vào chính quyền của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Trung tâm Lịch sử Quốc gia Hoa Kỳ (National History Center) thuộc Hiệp hội Lịch sử Hoa Kỳ và Chương trình Lịch sử và Chính sách Công (History and Public Policy Program) của Trung tâm Woodrow Wilson hôm 23/5 tổ chức hội thảo trực tuyến xoay quanh các nghiên cứu mới về Chiến tranh Việt Nam với các diễn giả Christopher Goscha, giáo sư lịch sử tại Đại học Quebec ở Montreal, Canada; Shawn McHale, Phó Giáo sư Lịch sử và Các vấn đề Quốc tế thuộc Đại học George Washington, và George Veith, tác giả lừng danh về Chiến tranh Việt Nam với tác phẩm được nhiều người biết đến Tháng Tư Đen: Sự sụp đổ của miền nam Việt Nam.
Tầm nhìn liên bang cộng sản Đông Dương của Hồ Chí Minh
“Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ rằng cuộc chiến này lại bạo lực đến như vậy,” tác giả Christopher Goscha nhận định tại hội thảo hôm 23/5 sau khi phân tích các khía cạnh từ sự hậu thuẫn quốc tế của Trung Quốc, quyết tâm của quân đội Việt Minh, và vai trò mấu chốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong sách “The Road to Dien Bien Phu”, tạm dịch “Đường đến Điện Biên Phủ”, ông Goscha ghi nhận rằng có những người Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc đứng về phía cộng sản, và có những người Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc chống cộng đứng về phía người Pháp.
Theo ông, lãnh tụ Hồ Chí Minh có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc dung nạp chủ nghĩa cộng sản vào đất nước và góp phần cho kỳ tích Điện Biên Phủ 1954. Nhưng vai trò cộng sản của ông Hồ chưa dừng lại ở Điện Biên Phủ.
Tác giả Goscha cho biết ông Hồ đã khéo léo lôi kéo những người theo chủ nghĩa dân tộc Việt Nam với mục tiêu là thành lập một liên bang cộng sản đế quốc Đông Dương ở Việt Nam, Lào và Campuchia.
Chủ nghĩa cộng sản trong thời chiến dưới sự lãnh đạo của ông Hồ bao gồm các chiến dịch cải cách và tuyên truyền, bao gồm tuyên truyền chính trị trên quy mô lớn, mở rộng kiểm soát đối với các cơ quan an ninh và lực lượng vũ trang, tăng cường kiểm soát của đảng đối với nền kinh tế, nông nghiệp, chính quyền địa phương và bộ máy hành chính nhà nước, và đương nhiên là “cải cách ruộng đất”.
Giáo sư Goscha nói:
“Chính sách cải cách ruộng đất của ông Hồ sao mượn từ hình mẫu của Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã đạt được hai mục đích: thay thế địa chủ ở nông thôn, lấy đất của họ và chia cho tá điền, đồng thời chiêu mộ được nông dân vào quân đội cách mạng.”
Goscha viết trong tác phẩm The Road rằng đó là một “cuộc tổng động viên” dân chúng để giành chiến thắng trong cuộc chiến và cho phép Đảng Cộng sản “nắm toàn quyền kiểm soát nhà nước và chuyển đổi nó theo cách thức cộng sản”.
Ông Goscha nhận định rằng sau 1954, vì kết cuộc của hiệp định Geneve, nên tầm nhìn của ông Hồ về một Việt Nam thống nhất dưới chế độ cộng sản và một liên bang các quốc gia cộng sản ở Đông Dương đành phải gác lại.
Cho đến 21 năm sau, tầm nhìn của ông Hồ mới trở thành hiện thực một phần khi lực lượng Bắc Việt chiếm được Sài Gòn sau một cuộc chiến chống lại Hoa Kỳ và đồng minh miền Nam Việt Nam, thậm chí cuộc chiến này còn dài hơn và đẫm máu hơn cuộc chiến Điện Biên Phủ nhiều.
Ông mô tả rằng tuy các chế độ cộng sản cũng giành được quyền lực ở Lào và Campuchia, nhưng chưa hình thành được một liên bang các quốc gia cộng sản ở Đông Dương như kỳ vọng của ông Hồ.
Vì sao Nam Bộ liên tục kháng Pháp nhưng không thắng Pháp (1945-1954)?
Tiến sĩ Shawn McHale lý giải vì sao cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, dù đang trên đà thắng lợi vang dội, lại không có thành tích gì đáng kể tại miền Nam Việt Nam trong giai đoạn này.
Ông McHale phân tích rằng nhiều người dân Việt Nam đã đoàn kết không tự nguyện vào năm 1945 dưới ngọn cờ Kháng chiến của Việt Minh đứng lên phản đối âm mưu của thực dân Pháp và giành lại quyền kiểm soát đất nước. Nhưng đến năm 1947, sự đoàn kết kháng chiến tan vỡ, và vấn nạn bạo lực của người Việt gốc Khmer đã chia cắt vùng đồng bằng sông Cửu Long. Kể từ thời điểm này, theo tác giả, cuộc chiến ở miền Nam chuyển thành một cuộc nội chiến công khai dưới vỏ bọc của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Trong quyển sách mới xuất bản của ông McHale có tựa đề “The First Vietnam War: Violence, Sovereignty, and the Fracture of the South, 1945-1956” (Tạm dịch: Chiến tranh Việt Nam lần thứ nhất: Bạo lực, Chủ quyền và Sự tan rã của miền Nam, 1945-1956), ông phát họa một khối đại đoàn kết toàn dân dưới lời kêu gọi giải phóng của Mặt trận Việt Minh trong công cuộc giành lại chủ quyền dân tộc từ tay Pháp thời bấy giờ. Tuy nhiên, tới năm 1947, sức mạnh đoàn kết kháng chiến ấy tan vỡ, để rồi chiến tranh tại miền Nam Việt Nam đã trở thành một cuộc nội chiến mà nguyên do là từ các yếu tố như sắc tộc, tôn giáo, quyền lực, bạo lực…
Tác giả Shawn McHale nói:
“Câu chuyện ở đây rất thú vị bởi vì những người cộng sản kháng chiến hơi chậm chạp trong việc rút ra bài học từ những sai lầm của mình. Và cuối cùng, trên thực tế, họ không thể làm gì để giành lại thế chủ động và giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh giành miền Nam”.
Phó giáo sư McHale cũng đề cập đến việc người Pháp đã cực kỳ thành công trong chiến thuật chia để trị giữa người Việt và người Khmer ở Nam Bộ, đồng thời đi sâu phân tích cuộc xung đột ở đồng bằng sông Cửu Long giữa các nhóm vũ trang phi-cộng sản, nhóm tự vệ, nhóm cộng sản kháng chiến, các nhóm tôn giáo chính trị…Ông nói: “Từ năm 1953 trở đi, ở miền nam cuộc kháng chiến do cộng sản lãnh đạo coi như lao dốc. Họ cố gắng gượng dậy nhưng họ thực sự không thể làm được điều đó”.
Việt Nam Cộng hòa không tệ, nhưng đã thua cuộc
Trong tác phẩm “Drawn Swords in a Distant Land: South Vietnam Shattered Dreams, (tạm dịch “Đấu Kiếm nơi vùng đất xa: Những ước mơ tan vỡ của Miền Nam Việt Nam), tác giả George Veith cho thấy sự thăng trầm của chính quyền miền Nam Việt Nam.
Với Drawn Swords, tác giả đã đưa ra góc nhìn mới về miền Nam Việt Nam, lập kỷ lục và đưa ra chi tiết đầu tiên về những thành công và thất bại của các chính trị gia trong cuộc thử nghiệm được gọi là nền Việt Nam Cộng hòa.
Chủ điểm của sách là nghiên cứu những nỗ lực của Nam Việt Nam dù đã hết sức gian khổ để có một nền độc lập nhưng cuối cùng vẫn thất bại.
Tác giả George Veith phác thảo những thành tựu kinh tế xã hội chính trị và ngoại giao và cũng như những thất bại, và những gì xảy ra sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị đảo chính năm 1963, sự hình thành của nền Đệ nhị Cộng hòa vào năm 1967 dưới chính quyền của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho đến khi miền Nam sụp đổ vào tháng 4/1975.
“Về cơ bản, họ đang cố gắng chuyển từ một chế độ độc tài quân sự sang một chính phủ hợp hiến, biến những người nông dân nghèo khó không ruộng đất thành một xã hội sở hữu, tái cấu trúc công ty, hệ thống kinh tế của đất nước để áp dụng một hệ thống định hướng thị trường, thiết lập pháp quyền và nâng cao nền dân sự xã hội,” ông Veith nói về thành tựu của nền Đệ nhất Cộng hòa.
“Nhưng họ làm tất cả điều này cùng một lúc trong khi chiến đấu với một kẻ thù không đội trời chung. Nhưng cuối cùng tất nhiên, miền Nam Việt Nam đã thất bại”, ông nói thêm.
“Vừa xây dựng đất nước mà vừa tham gia chiến tranh là không thể được”, ông chốt lại tại buổi hội thảo, đúc kết điều ông rút ra từ quyển sách của mình.
Trung Quốc móc nối chính quyền Miền Nam Việt Nam như thế nào?
Trong sách, tác giả George Veith, cựu đại úy Bộ binh của Quân Lực Hoa Kỳ, nói đến câu chuyện của những ước mơ, như một người bạn Việt Nam đã tâm sự với ông: “Chúng tôi có rất nhiều ước mơ: ước mơ tự do, ước mơ độc lập, và ước mơ ấm no cho toàn dân. Còn Cộng Sản thì chỉ có độc nhất một mong muốn, đó là giành lấy chiến thắng bằng mọi giá.”
Với một ghi nhận đáng lưu ý, ông Veith thuật một số chi tiết về sự can dự của Trung Quốc vào chính trường miền Nam Việt Nam vào những ngày cuối cùng của nền Đệ nhị Cộng Hòa, trong đó có cả việc Trung Cộng móc nối với ông Nguyễn Cao Kỳ từ năm 1972 và cố móc nối liên lạc với ông Thiệu sau khi Bắc Kinh chiếm Hoàng Sa vào tháng 1/1974.
Trả lời phỏng vấn tạp chí Washington Independent, chuyên bình luận sách, ông Veigh kể câu chuyện về cách tiếp cận của Bắc Kinh mà cả người miền nam và các nguồn tin Bắc Việt đều xác nhận, rằng “người Trung Quốc đã đề xuất với tân Tổng thống Dương Văn Minh thông qua hai phái viên để đưa quân vào Sài Gòn, với mục đích giúp bảo vệ chính phủ mới của ông Minh chống lại Hà Nội”.
Ông nói: “Trung Quốc không muốn một Bắc Việt thống nhất và có khả năng thù địch ở biên giới phía nam của mình mà lại có thể còn liên minh với một Liên Xô thù địch ở biên giới phía bắc của họ”.