Seite auswählen

Yên Hà

 

 

Phần 1

 

Tôi ra đời giữa hai cuộc chiến, giữa một trăm năm đô hộ giặc Tây và hai mươi năm nội chiến từng ngày. Sau đó, tôi được đi du học và tôi đã sống “vô tư lự” bên trời Âu sung túc trong khi khói lửa vẫn ngập trời nơi quê nhà.

Giờ đây, bom đạn đã ngừng tiếng nhưng một lần nữa, gia đình tôi đã phải cuốn gói rời bỏ quê hương và mấy triệu người Việt Nam bỗng nhiên phải sống tản mác trên toàn thế giới như những cây bị bật rễ, ở những chốn dung thân như Mỹ, Gia Nã Đại, Pháp, Úc…

Phần mất mát vẫn còn đó, nguyên vẹn, ít ra là đối với bố mẹ chúng tôi và chúng tôi, thế hệ đầu của những người di dân. Một thế hệ “nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi”, lơ lửng giữa không gian quê hương, chơi vơi giữa thời gian thế hệ, lạc lõng trong tâm tư văn hoá. Một thế hệ “bánh mì kẹp”.

 

Kẹp giữa hai quê hương

Những người di dân này, ngày hôm nay mang sổ thông hành Mỹ, Pháp, Úc… nhưng vẫn chỉ là Mỹ (Pháp, Úc…) giấy, phần đông tiếng Mỹ (Pháp, Úc…) vẫn còn ba xí ba tú, miệng vẫn hôi mùi nước mắm chứ không hôi hamburger hay camembert, vẫn không có bạn bè Mỹ (Pháp, Úc…) mà chỉ sống quanh quẩn với nhau, tụ tập nơi những thương xá, chợ búa Á Đông, hay rủ nhau “party”, ăn uống, karaoke với nhau.

Những người Mỹ (Pháp, Úc…) gốc Việt này đã đi tìm một nơi nương tựa để sống “tạm bợ” nơi xứ người mà trong thâm tâm còn cố tưởng tượng như mình đang sống ở quê nhà, và lúc nào có dịp, có phương tiện là lại vù về Việt Nam, một số để “hưởng thụ”, nhưng phần lớn vẫn vì nhớ nhà.

Tôi không nhớ ai đã có nói: “Ma patrie, c’est là où je suis heureux” (Quê hương tôi là nơi chốn nào tôi sống hạnh phúc)

 

Tôi muốn tin ông lắm, tôi cũng muốn tự an ủi mình lắm, nhưng tiếng gọi của cội nguồn réo rắt lắm, ông ơi. Tôi cứ ngỡ quê hương là nơi chôn nhau, cắt rốn, là nguồn, là cội, là gốc, là rễ cơ mà ?

Ở hải ngoại, đương nhiên chúng tôi được tự do, phần đông được ăn sung, mặc sướng, đủ tiền mua nhà, chăm lo cho con cái ăn học, đi shopping hay du ngoạn đây đó… Đời sống này, nhiều đồng bào ta nơi quê nhà mong mỏi có được, và tôi thừa hiểu chúng tôi « hạnh phúc » hơn rất nhiều người lắm. Tôi không dám than thân, trách phận hay phân bì với ai cả, chẳng qua nơi đây, tôi chỉ nói lên tâm sự u uẩn những người tha hương chúng tôi mà thôi.

Nhất là trong trường hợp tôi, hiện đang mang hai quốc tịch Pháp và Mỹ, sống bên Mỹ nhưng tim vẫn còn « vọng Nam », tâm vẫn còn hướng về Pháp, đôi khi vẫn nhớ về khung trời Bỉ Quốc. Những nơi tôi đã sống, làm sao tôi có thể xóa quên được ?

Quê hương như người mẹ đã bụng đau, dạ chửa cho tôi ra đời, nuôi nấng, dậy dỗ tôi nên người, và quê hương thứ hai, thứ ba là những bà mẹ đã mở rộng vòng tay, đón nhận tôi khi tôi không còn chỗ đứng dưới ánh mặt trời.

Ơn nghĩa này, chúng tôi không quên (từ ngày sang Mỹ, năm 1975, bố mẹ tôi năm nào cũng gửi chút quà giáng sinh cho gia đình ông sĩ quan Mỹ đã giúp nhà tôi sang Mỹ, và sau khi bố tôi mất, mẹ tôi vẫn tiếp tục gửi, mặc dù người ân nhân này đã mấy lần đề nghị nên thôi gửi quà).

Tôi cảm quí những bà « mẹ nuôi » lắm, tôi lại càng xót thương Mẹ Việt Nam, quê hương đau khổ. Ôi, quê hương tôi đâu ? Mỹ, Pháp, Úc… ? Hay vẫn là Việt Nam muôn thuở ?

 

Kẹp giữa hai nền Văn hoá

Ngày hôm nay, tôi đã lục tuần nhưng tôi đã chỉ được sống ở quê nhà có mười tám năm. (Tôi đã mất mát quá nhiều rồi.)

Bao nhiêu năm tháng sống bên Pháp, bên Bỉ, đã rèn đúc tôi với một lối suy luận, một cách ăn nói, một cách cư xử xã giao, một nền văn hoá mà tôi hãnh diện mang bên cạnh văn hoá của mình, Qua bao năm tháng đó, tiếng Pháp đã dần dà trở thành tiếng tôi thông dụng nhất, ngay cả để diễn tả những tâm trạng sâu thẳm nhất của mình.

Tuy nhiên, bao nhiêu năm tháng đó chỉ có thể thấm vào cái vỏ bên ngoài, chỉ có thể thay đổi hình dạng và cử chỉ của tôi, chỉ có thể tạo nơi tôi những sở thích ăn mặc, đi đứng, nói chuyện, chỉ có thể tạc lên cái “Tôi” bên ngoài.

Tất cả những năm tháng đó không hề thay đổi nước da hay sắc tóc tôi (tóc tôi chỉ có thể bạc trắng với thời gian), không hề lay chuyển âm điệu tiếng mẹ đẻ của tôi, không hề làm suy sút kho tàng văn hoá tổ tiên tôi hay nền giáo dục bố mẹ tôi.

Nước Pháp đã ban thêm cho tôi một nền văn hoá, nhưng không hề thay thế nền văn hoá của tôi.

Nhưng có lẽ đó cũng là nỗi khổ tâm của tôi, nỗi khổ tâm của những người di dân trong thế hệ đầu? Cây cối làm sao sống thiếu gốc rễ? Con người ta làm sao sống thiếu cội nguồn? Làm sao tôi có thể vui sướng bên ngoài khi bên trong trống vắng?

Tôi có thể thích pot au feu hay bouillabaisse nhưng bao giờ tôi cũng vẫn thèm một tô phở đặc biệt, tái nạm gầu gân sách sụn.

Tôi có thể mê một chai Saint Emilion hay một chai Volnay nhưng tôi vẫn nhớ hương vị mấy chai la ve “33” của “Brasseries et Glacières d’Indochine” (BGI).

Tôi có thể viết tiếng Pháp giỏi hơn người Pháp trung bình, nhưng tim tôi bao giờ cũng rung động khi tôi được đánh dấu hỏi, dấu ngã.

Tôi có thể thích xem phim “action” Mỹ hay nghe Claude Barzotti hát nhưng tôi vẫn thích xem phim bộ… Đại Hàn (Việt Nam tôi làm gì có phim hay?), nhưng tôi vẫn thấy thấm thía hơn khi tôi nghe nhạc Việt, tôi vẫn truyền cảm hơn khi hát tiếng Việt.

Tôi có thể ngoảnh lại nhìn một cô đầm tóc vàng, mắt xanh nhưng tôi chỉ có thể hạnh phúc với người đàn bà gọi tôi bằng “Mình ơi!”.

 

Chỉ vì đó là văn hoá dân tộc nằm trong máu, trong xương tủy tôi, vì đó là giáo dục bố mẹ, ông bà tôi đã truyền lại cho tôi, vì đó là vết tích của mấy ngàn năm lịch sử.

Chỉ vì tôi là người Việt Nam.

Kẹp giữa hai nền văn hoá.

 

Kẹp giữa hai thế hệ

Bố mẹ chúng chúng tôi và chúng tôi cùng một làn sóng di cư (cho dù trong số chúng tôi có những người đã đi trước) nhưng hai điều khổ tâm cũng có điều khác biệt.

Quả thật vậy, chúng tôi vẫn cùng một nền văn hoá với bố mẹ, cùng một nền giáo dục do cha ông truyền lại. Bố mẹ chúng tôi vẫn được sống với chúng tôi như lúc còn ở Việt Nam, với nền tảng Phật Lão Khổng, cùng một nhân sinh quan, cùng một đạo làm người. Chúng tôi vẫn nói tiếng Việt với bố mẹ, tiếp tục yêu thương, kính nể bố mẹ, để tiếp tục lưu truyền phong tục, tập quán.

Trong khi chúng tôi giờ bắt buộc phải chấp nhận văn hoá con cháu chúng tôi như một văn hoá ít nhiều là ngoại Việt.

Vì sự lưu truyền đó sẽ gián đoạn từ đây. Con cái chúng tôi đã bắt đầu nói một thứ tiếng khác và những điều chúng tôi cố gắng răn dậy con cái khó lọt qua được màng lưới thế giới bên ngoài.

Tôi đã được chứng kiến một cảnh tượng mà tôi không bao giờ quên được. Hôm đó, một người bạn có tổ chức một buổi tiệc họp mặt với hơn sáu mươi bạn hữu để ăn uống, hát hò, nhẩy đầm.

Về khuya, chúng tôi tạm ngưng chương trình để ăn một bát cháo gà cho ấm bụng và lấy sức chơi tiếp. Lúc đó, đứa con trai chủ nhà từ trên lầu đi xuống với mấy đứa bạn, bật máy truyền hình lên và nằm xem, ngay giữa sàn nhẩy. Chúng tôi đã bị “chiếm đất” và đợi một lúc, không thấy tình hình biến chuyển, quan khách lần lượt xin kiếu từ.

Tôi á khẩu. Làm sao tôi có thể tưởng tượng được cảnh này, với nền giáo dục của tôi? Hôm đó, tôi đã chợt hiểu nền “độc tài” của con trẻ trong cái quốc gia tự do nhất thế giới này. Nhưng điều tôi phân vân nhất là trong tình trạng đó, hai vị chủ nhà, nghĩa là bố mẹ cậu trai trẻ đó, không hề lên tiếng can thiệp, hầu như làm ngơ, không nhìn thấy điều gì cả.

Trong khi tôi, đầu đã bạc phơ mà mỗi lần sang thăm nhà, Mẹ bảo tôi cạo râu hay đi cắt tóc là tôi vui vẻ làm ngay, chỉ để vâng lời Mẹ, để cho Mẹ vui. Ngược lại, bên Mỹ này, con gái mới mười lăm tuổi đã đánh mắt, thoa son đi học, bố mẹ nói gì được khi trong trường, bạn bè chung quanh đều như vậy, vả lại có thầy bà nào cấm cản đâu? Bên này, con cháu đi xâm mình (tattoo) hay đục vòng sắt vào môi, vào mắt (piercing) thì bố mẹ nào, ông bà nào ngăn cản được?

Nhà chúng tôi lúc trước không giầu có gì nên không bao giờ dám phí phạm bất cứ gì, ăn cơm phải vét sạch từng hạt, trong khi con trẻ bên này lấy cho đầy đĩa nhưng không ngần ngại đổ tuốt nửa đĩa thức ăn khi chúng cảm thấy no.

Tôi đã tận mắt thấy những bố mẹ phải khóc tức tưởi khi bị lũ con xúm vào “mắng”. Ngày nay, bố mẹ nào dám đánh con mà không sợ chúng nó gọi “911”?

“Trời làm một trận lăng nhăng, ông hoá ra thằng, thằng hoá ra ông”. Ngày nay, thế giới đảo lộn và chúng tôi đi lộn đầu, để con cái trèo đầu, trèo cổ thôi.

Lúc trước còn ở bên Pháp, tôi vẫn cố gắng mỗi năm lấy máy bay sang thăm bố mẹ, và giờ đây sống bên Mỹ, tôi vẫn đi thăm Mẹ (vì không cùng tiểu bang) và ngoài ra, còn phải đi Pháp thăm con.

Hoá ra, chúng tôi ở trên thì lo cho bố mẹ, ở dưới thì lo cho con cái (ở bất cứ tuổi nào); ở trên thì bị bố mẹ mắng, ở dưới thì bị con trách !?!

Kẹp giữa hai thế hệ.

 

Xung đột cả thế hệ lẫn văn hoá

Nói như vậy không phải để trách mắng con cái. Đâu phải do lỗi chúng nó nếu chúng nó không nói được tiếng mẹ đẻ? Đâu phải do lỗi chúng nó nếu chúng nó sinh sống tại hải ngoại? Đâu phải do lỗi chúng nó nếu chúng nó hoà mình với môi trường bên ngoài nhiều hơn là với môi trường gia đình (nhất là trong cái tuổi thành niên này)?

 

Tôi đã có nghe những đứa trẻ nói với bố mẹ: “Bố mẹ đừng trông mong chúng con trở thành người Việt. Văn hoá của bố mẹ không phải là văn hoá của chúng con. Chúng con là người Mỹ!” Phũ phàng thay, đau lòng thay, nhưng chúng nó làm sao hiểu được văn hoá chúng ta khi chúng nó sống trong một thế giới mà nền tảng là “tự do” và “đồng đô la”? Làm sao chúng nó có thể nghe lời bố mẹ trong khi sự thật bên ngoài hầu như khác hẳn?

Có lẽ chính chúng nó có lý. Bổn phận cha mẹ là giúp con cái thành công cuộc đời chúng nó chứ không phải cuộc đời cha mẹ, giúp chúng nó thành công ngoài đời, trong môi trường chúng nó đang sống chứ không phải môi trường bố mẹ chúng đã sống. Sống ở đâu mà không theo văn hoá nơi đó thì chỉ có thất bại, mà đâu có cha mẹ nào muốn con mình thất bại khi ra đời, cho nên đành ngậm cay, nuốt đắng mà thôi.

Đây không phải chỉ là vấn đề xung đột thế hệ (thời điểm nào chả có vấn đề này, cho dù không “gây cấn” như vậy), mà còn rắc rối thêm vấn đề xung đột văn hoá nữa. Làm sao bố mẹ và con cái có thể hiểu nhau và chấp nhận nhau khi đôi bên không cùng một nền tảng, cùng những đặc quan, cùng một nhân sinh quan?

 

Nỗi buồn u uẩn

Dĩ nhiên tôi không dám vơ đũa cả nắm, không dám nói gia đình Việt Nam bên hải ngoại nào cũng như trên, nhưng có lẽ phần đông là như thế (?)

Nói lên vài điểm cho dễ hiểu, nhưng vấn đề không giản dị như vậy và tôi không có khả năng phân tích nhiều hơn.

Dù sao đi nữa, đây cũng chỉ là nỗi buồn u uẩn, ám ảnh tôi từ bao lâu nay, trong mối liên hệ với tâm hồn, với văn hoá, với gốc rễ của mình.

Tôi không tức giận, không chua chát. Tôi chỉ cảm thấy buồn, tôi không luyến tiếc quá khứ, chỉ là tôi cảm thấy buồn.

Vướng mắc giữa hai quê hương, giữa hai nền văn hoá, giữa hai thế hệ, chúng tôi là một thế hệ “bánh mì kẹp” (đôi khi còn là “bánh bao” nữa). Ngoảnh nhìn lại chỉ còn kỷ niệm, nhìn về đàng trước thì tương lai đã bít kín.

Nhưng thôi, đã biết là mình vướng mắc, là mình “chấp ngã” (như lời Phật dạy) thì chỉ còn có nước “phá chấp”, nghĩa là “buông”, là chấp nhận.

Vả lại, cha mẹ chúng tôi không có vấn đề này, con cháu chúng tôi không có vấn đề này, chỉ có chúng tôi mới có vấn đề này. Ngày nào cái thế hệ chúng tôi đi hết rồi thì vấn đề này sẽ không còn ai bàn đến nữa.

Chúng tôi chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp, một thế hệ bị mất mát, bị hy sinh để dân tộc di dân chúng tôi có thể lật qua một trang sử mới.

Để đời sau, con cháu chúng tôi có hy vọng thành công trên đất người, đi tiếp con đường mà chúng tôi đã không đi hết.

Được như vậy, chúng tôi cũng sẽ mãn nguyện lắm rồi.

Xin cảm ơn Trời Phật, xin cảm ơn phúc đức ông bà.

 

Tháng 3 2012
Yên Hà

 

**

Phần 2

Cách đây đã gần bốn năm, tôi có viết một bài “tự thán” – Thế hệ bánh mì kẹp – một bài đã từng được chuyển tiếp trên nhiều diễn-đàn khác (có lẽ vì bài đã nói lên được tâm-sự của nhiều người Việt tha-hương khác?)

Thời gian trôi qua, cơn u buồn cũng nguôi ngoai đôi chút, tôi mới nhận thấy được trong lúc tâm tư nặng chĩu, tôi đã không đủ sáng suốt để nhìn xa, nhìn rộng và tôi chỉ thấy cây mà không thấy rừng. Và tôi đã chỉ nhìn một chiều, quên đi rằng trong trường-hợp này, không phải chỉ có thế-hệ chúng tôi là “thiệt thòi”.

Hôm nay, tôi xin được trả lại công-bằng cho thế-hệ con cháu qua bài này. Xin bắt đầu bằng một lá tâm-thư mà chúng có thể viết cho chúng ta.

“Bố mẹ,

Bố mẹ tự cho rằng bố mẹ thuộc một thế-hệ bánh mì kẹp và chúng con phần lớn đồng ý với những điểm bố mẹ nêu lên. Nhưng bố mẹ có biết không, những nỗi khó khăn, những nỗi khổ tâm của chúng con thì đã có ai để ý đến chưa? Chúng con cũng chỉ là một thế-hệ bánh mì kẹp khác mà thôi. Đây này:

 

Kẹp giữa 2 quê hương

Nếu định-nghĩa “quê-hương” là nơi sinh sống của mình (homeland), là quốc-gia của mình thì hiển-nhiên quê-hương chúng con là Mỹ (Pháp, Úc…). Chúng con sinh ra trên đất nước này, đương-nhiên mang quốc-tịch nước này (chứ không phải làm đơn xin quốc-tịch, đi thi và tuyên-thệ như bố mẹ), chúng con không phải “tạm trú” như bố mẹ, chúng con sống ở đây và có lẽ sẽ chết ở đây, trên quê-hương này.

Chúng con “đi” Việt-Nam chơi như bất cứ nơi nào khác trên thế-giới chứ không “về” thăm nhà như bố mẹ.

Nhưng nếu định-nghĩa “quê-hương” là đất của cha ông, của tổ tiên thì quê-hương chúng con lại là Việt-Nam? Khái-niệm này mơ-hồ quá, chúng con không hiểu cho lắm. Tại sao trong cùng một gia-đình mà lại có đến hai quê-hương? Mình có thể có hai quê-hương không?

Nói giả dụ, nếu hai nước gây chiến với nhau, súng của chúng con sẽ phảii chĩa vào ai?

Rắc rối quá.

 

Kẹp giữa 2 nền văn-hoá

Sinh ra trên đất Mỹ, chúng con đi học trường Mỹ, có bạn học và hàng xóm Mỹ, chúng con nói tiếng Mỹ (không phải Mỹ bồi như bố mẹ) và chúng con còn có tên Mỹ (do bố mẹ đặt).

Lối suy-nghĩ của chúng con là Mỹ, chúng con tin rằng tự-do, cá-nhân là nhất, vật chất là quan-trọng, làm nhiều tiền là thành-công và bất cứ ai cũng có thể thành-công (cái gọi là “American dream”).

Lối sống chúng con gọi là “American way of life”, chúng con thích đi shopping, thích tiêu tiền, thích “enjoy life”, thích “have fun”, muốn làm gì thì làm,…

Phong-tục, tập-quán chúng con là Mỹ: Proms khi còn đi học, Halloween, Thanksgiving, …

Văn-hoá chúng con đúng là văn-hoá Mỹ.

Nhưng bố mẹ ơi, tại sao chúng con vẫn đòi mẹ nấu phở, cuốn chả giò, làm cơm rang, …?

Cho dù đôi khi chúng con vẫn không thích nước mắm (mùi cá tanh quá), và nhất là sầu riêng (hôi quá), cho dù chúng con không thạo tiếng Việt, chúng con vẫn cảm thấy một cách mơ hồ Việt-Nam là một thứ gì quan-trọng cho chúng con và chúng con còn bao nhiêu câu hỏi không có câu trả lời:

Tại sao trẻ con phải nghe lời bố mẹ, phải kính trọng người lớn? Tại sao mình phải có bàn thờ tổ tiên? Tại sao phải tự hào là người Việt-Nam? Tại sao bố mẹ không dạy chúng con nói rành tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ của chúng con?? Tại sao chúng con không biết gì về quê-hương, về văn-hoá của bố mẹ? Cuộc sống bố mẹ lúc trước như thế nào? Tại sao cả nhà lại dọn sang đây ở? Tại sao bố mẹ không nói gì cho chúng con biết?

Mấy tháng trước, ở Philadelphia, cộng-đồng người Việt tổ-chức đi cung cấp thức ăn đến các trại người vô gia cư (Homeless centers) để cám ơn nước Mỹ đã đón nhận người Việt, chúng con mới hiểu được chút ít. Nghe ông giáo-sư kể chuyện “vượt biên”, chúng con mới hiểu qua những nỗi thống-khổ của dân-tộc Việt-Nam. Sau bữa đó, chúng con có lên Internet và google một loạt mới hiểu biết thêm về văn-hoá, lịch-sử của bố mẹ. Nhưng chúng con cũng chỉ biết qua loa thế thôi.

Tâm-sự chúng con, ông nhạc sĩ người Pháp Marc Lavoine có lẽ đã hiểu thấu được khi ông viết bài nhạc Bonjour Vietnam (Hello Vietnam / Xin chào Việt-Nam) mà chị Phạm Quỳnh Anh thuộc thế-hệ chúng con đã trình bày lần đầu tiên.

Hãy kể tôi nghe về cái tên xa lạ và khó gọi…
Tôi chỉ biết Người qua hình ảnh của chiến tranh,
Một cuốn phim của Coppola, những trực thăng phẫn nộ…

Hãy kể tôi nghe về nhà cửa, đường sá của Người,
kể tôi nghe những điều tôi chưa biết,
Những chợ nổi và thuyền tam bản gỗ…

Một ngày kia, tôi sẽ về, về để chào cõi hồn tôi
Một ngày kia, tôi sẽ về, về chào Người, Việt Nam ơi…

Trong nguyện cầu, trong ánh sáng, tìm gặp lại anh em,
Chạm tới hồn mình, tới cội rễ, tới hòn đất quê hương…

Một ngày kia, tôi sẽ về, về chào Người, Việt Nam ơi…
Một ngày kia, tôi sẽ về…

Đúng như vậy, nhưng tâm-sự chúng con còn nặng hơn thế nữa.

Bố mẹ ơi, văn-hoá Việt-Nam của chúng con ở đâu? Linh-hồn chúng con ở đâu?

 

Kẹp giữa 2 xã-hội

Lúc còn ở nhà với bố mẹ, chúng con như sống trong hai xã hội riêng biệt: ở trong nhà là Việt-Nam và ở ngoài đường là Mỹ, nhưng ngày nay, chúng con đã có đời sống riêng của chúng con mà đôi khi, chúng con vẫn còn cảm-tưởng như xã-hội bên ngoài có điều gì không đúng (?)

Rõ ràng chúng con là người Mỹ nhưng chúng con có phải hoàn toàn là người Mỹ không? Sắc da chúng con không trắng, tóc chúng con không vàng, mắt chúng con không xanh, mũi chúng con không thẳng, chúng con không phải “caucasian”, …

Cũng có khi, trong ánh mắt người trước mặt, chúng con có cảm tưởng là mình (bị xem như) là người lạ. Thành công, tiến thân thì chúng con sẽ đi được đến đâu? Có được như bất cứ người Mỹ da trắng nào khác không? Chúng con chợt tự hỏi.

Bánh mì kẹp hay không, kẹp giữa gì? Vấn-đề này, chúng con không hiểu rõ lắm và không biết phân-tích gì hơn. Chúng con chỉ cảm nhận được một ít điều như vậy thôi.

Bố mẹ ơi, chúng con vẫn cảm giác là trong đời sống chúng con vẫn thiếu thiếu một gì đó, một cái gì của chúng con mà không phải của chúng con, một cái gì đáng lẽ chúng con phải có mà chúng con không có. Một cảm giác mơ hồ không tả được nhưng ray rứt, khó chịu lắm. Hay đó là “tiếng gọi của cội-nguồn”?

Bố mẹ ơi, chúng con là ai? “

Quả thật là vậy. Đã là cư-dân thì thế-hệ đầu, thế-hệ thứ nhì, hay thứ ba gì cũng thế thôi. Trường-hợp chúng ta đâu phải như người Âu-Châu, Trung-Hoa hay Nhật… đã ổn-định cả trăm đời rồi? Hơn nữa, những lớp cư-dân khác sang đây để mưu sống, để làm giàu, để thực-hiện giấc mơ Mỹ (American dream) trong khi chúng ta chỉ là những người di-tản buồn đã bỏ lại tất cả để tìm đường thoát thân.

Di-cư thì đôi khi đi cả gia-đình ông bà, bố mẹ, con cháu, cả ba thế-hệ như vậy thì thế-hệ thứ nhất, thứ hai, thứ ba còn nghĩa lý gì?

Nói đâu xa, khi loạt người Bắc di-cư vào Nam năm 54, thế-hệ đầu cũng bỡ ngỡ ít nhiều đấy chứ?

 

Con cháu chúng ta là người Mỹ

Sinh ra bên Mỹ, sống bên Mỹ là thực-trạng con cháu chúng ta. Nếu chúng nói tiếng Mỹ như Mỹ, suy nghĩ như Mỹ, sống như Mỹ thì cũng là điều tốt vì đó là ưu-điểm giúp chúng thành-công trên nước Mỹ này. Vì cho dù cư-dân Á Đông tương đối được chấp-nhận hơn những cư-dân “da màu” khác, chúng cũng vẫn bị thành-kiến hay kỳ-thị.

Khái-niệm “glass ceiling” (trần nhà bằng kính), bức cản vô-hình không cho phép người Mỹ không da trắng leo cao hơn một mức nào đó, không phải là chuyện dã-tưởng. Cho dù nước Mỹ này vẫn nhiều cơ-hội tiến-thân hơn rất nhiều quốc-gia khác (như Âu-Châu…).

 

Con cháu chúng ta là người Việt-Nam

Dù muốn, dù không, máu chúng nó vẫn là máu Việt, “gin” chúng nó vẫn là “gin” Việt và trách-nhiệm chúng ta là dạy dỗ con cháu mình như người Việt, cho dù là những người Việt sống trên nước ngoài.

Nhưng đôi khi chúng ta không giữ tròn vai trò mình, vì lý-do này hay cớ nọ. Tại vì chúng ta quá bận rộn với công việc định cư và miếng ăn cho cả gia-đình? Tại vì cái buồn tủi mất nước đã khiến ta muốn quên hết đi để lật qua một trang sử mới? Tại vì chúng ta chui đầu dưới cát như những con đà-điểu để trốn tránh sự-thật hay trách-nhiệm? Tại vì…?

Nói như vậy không phải để tự dằn-vặt mình làm gì, nhưng để tự nhắc lại là con cháu chúng ta cần chúng ta dìu dắt để thành nhân, thành tài trong ngữ-cảnh đặc-biệt này của chúng.

Có một năm họp mặt gia-đình bên Cali, một hôm, thấy thằng con trai tôi có vẻ hậm hưc, không vui, tôi hỏi có chuyện gì thì nó không muốn nói rồi sau đó cơn bực tức chợt trào ra:

– Con sang thăm bố và gia-đình, cả nhà cứ nói chuyện với nhau luôn miệng mà con chẳng hiểu gì cả, con không bực sao được? Con có cảm-tưởng mình là người xa lạ trong chính gia-đình mình.

Lòng tôi quặn đau, tôi đã “quên” bẵng là nó không hiểu tiếng Việt, tôi có bao giờ dạy nó được chữ nào đâu? Tôi vừa xấu hổ, vừa thương xót con, tôi chỉ biết ôm nó vào lòng, vỗ về nó, xin lỗi nó.

Vâng, là phụ-huynh, chúng ta có trách-nhiệm dìu dắt con cháu trên con đường đi tìm chính mình của chúng. Và tôi cũng vui khi thấy có những nhóm sinh-hoạt nhỏ đã và đang dốc công làm nghĩa-vụ của mình.

 

Con cháu chúng ta là người Mỹ gốc Việt

Một đặc-tính tốt của quốc-gia hợp chủng quốc này là công-nhận gốc gác của người cư-dân. Người Ái-Nhĩ-Lan (Ireland) vẫn mừng lễ Saint Patrick, người Mễ-Tây Cơ có lễ Cinco de mayo (mồng 5 tháng 5), người Á-Đông vẫn mừng Tết âm-lịch, … và chữ “phở” đã được vào từ-điển Mỹ.

Đây là điều-kiện để con cháu chúng ta thành-công trên đất Mỹ như người Mỹ mà vẫn gìn giữ được cội-nguồn của mình.

Chúng ta có thể bàn cãi mãi về vấn-đề này nhưng thực-tế vẫn là vậy : thế-hệ “tạm cư” của chúng ta không còn gì để nói nhưng những thế-hệ “định-cư” của con cháu chúng ta mới thật-sự là quan-trọng.

Trách-nhiệm chúng ta là giúp cho con cháu chúng ta ra khỏi trạng-thái “bánh mì kẹp”, thành tài, thành nhân và mãi mãi hãnh-diện về dòng máu “Con Rồng Cháu Tiên” của chúng ta.

Vì trên bất cứ đất nước nào, Mỹ, Pháp, Úc, Gia Nã Đại, …, con cháu chúng ta cũng vẫn mang dòng máu bất-khuất đó, dòng máu của Việt-Nam quê hương ta ngạo-nghễ.

Tháng Giêng 2016
Yên Hà

(nguồn: http://phu-tran.blogspot.com/)