Seite auswählen

Mục lục

Cuộc điều trần 6 Tháng Một 2021: Không bất kỳ ai có thể đứng trên Hiến pháp Hoa Kỳ

6 Tháng Một 2021 có thể được xem là sự kiện mà lần đầu tiên Hiến pháp Hoa Kỳ bị xé toạc (ảnh: Brent Stirton/Getty Images)

Bối cảnh lịch sử

Gần một năm rưỡi sau ngày Quốc Hội bị tấn công bởi một đám đông ủng hộ Donald Trump với mục đích ngăn cản cuộc đếm phiếu Đại Cử Tri để chính thức hoá chiến thắng của Joe Biden, Uỷ ban Đặc trách Điều tra vụ Sáu tháng Giêng sẽ có một loạt sáu buổi điều trần vào tháng Sáu để công khai hoá những gì họ tìm thấy, hòng giúp công chúng hiểu rõ hơn chuyện gì đã xảy ra và những ai đứng sau lưng cuộc đảo chánh bất thành này.

 

Những kẻ quá khích trở nên cuồng loạn và bạo động không thể kiểm soát (ảnh: Brent Stirton/Getty Images)

Ngày 6 Tháng Một 2021 là lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ mà toà nhà Quốc Hội bị tấn công kể từ khi được xây lại sau Chiến tranh 1812 với Anh. Năm 1814 quân Anh chiếm Điện Quốc Hội và đốt phá Thư viện Quốc gia. Họ còn tiến đánh Bạch Cung khiến Tổng thống James Madison, cha đẻ bản Hiến Pháp, phải cùng gia đình lánh nạn sang Virginia. Đối với dân Mỹ lúc bấy giờ, thất bại quân sự này là một vết thương tâm lý sâu đậm vì trái tim nền dân chủ non trẻ của họ đã bị giặc ngoại xâm đâm một nhát khá nặng.

 

Những người bạo động không thuần túy đặt câu hỏi về lá phiếu bầu cử mà còn xuất phát chủ yếu từ sự sùng bái Donald Trump như một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử Hoa Kỳ thời hiện đại (ảnh: Win McNamee/Getty Images)

Từ đó đến nay hai thế kỷ đã trôi qua, nước Mỹ đã trở thành cường quốc số một trên thế giới. Bản Tuyên ngôn Độc lập cũng như bản Hiến Pháp Hoa Kỳ đã là nguồn cảm hứng cho biết bao quốc gia khác, trong đó có cả Việt Nam. Thế cho nên cuộc phiến biến 6 Tháng Một do chính người Mỹ trong nước gây ra đã khiến biết bao người sửng sốt, ngỡ ngàng, và tức giận. Có thể nói một cách không cường điệu rằng các buổi điều trần sắp tới đây của Uỷ Ban 6 Tháng Một còn nghiêm trọng gấp trăm lần vụ Watergate vào thập niên 1970 dẫn tới việc từ chức của Richard Nixon.

 

Chưa bao giờ trong lịch sử Mỹ mà người dân Mỹ lại tấn công chính trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ (ảnh: Win McNamee/Getty Images)

Song song với cuộc điều tra của Quốc Hội mang tính chất lập pháp nhằm mục đích sửa đổi bộ luật hòng đề phòng sự kiện tương tự trong tương lai, Bộ Tư Pháp cũng có một cuộc điều tra riêng mang tính cách hình sự nhằm trừng phạt những kẻ có hành động phạm pháp và vi hiến. Lập Pháp và Tư Pháp, như ta biết, là hai nhánh độc lập trong thể chế tam quyền phân lập của nước Mỹ. Uỷ Ban 6 Tháng Một của Hạ Viện không có quyền kết án ai ngoài việc cáo buộc nhân chứng tội khinh thường Quốc Hội nếu họ không chịu ra điều trần khi nhận tống trát. Đó là trường hợp của Steve Bannon hồi Tháng Mười Một năm ngoái, và Peter Navarro hôm thứ Sáu vừa qua. Bộ Tư Pháp đã nhận đơn tố cáo từ Uỷ Ban và khởi tố hai người này; họ từng là cố vấn cho Donald Trump trước và sau khi ông ta lên làm tổng thống.

 

Tính mạng nhiều nghị sĩ bị đe dọa (ảnh: Drew Angerer/Getty Images)
 

Phó Tổng thống Mike Pence bị đòi “treo cổ” (ảnh: Erin Schaff-Pool/Getty Images)

Bộ Tư Pháp đang làm gì?

Ngoài hai nhân vật nói trên, tính đến nay Tư Pháp đã bắt giữ và truy tố ít nhất 861 người dính líu đến cuộc phiến loạn. Hơn 300 người đã nhận tội để khỏi phải ra toà. Đa số bị khởi tố các tội như xâm nhập khu vực cấm vào, phá hoại tài sản của công, cản trở người thi hành công vụ, dùng vũ lực (hay vũ khí) tấn công cảnh sát v.v. Nhưng cũng có một số bị truy tố những tội hình sự nặng hơn.

Tháng Giêng năm 2022, đầu sỏ nhóm cực hữu Oath Keepers là Elmer Rhodes cùng mười thành viên của nhóm đã bị cáo buộc tội âm mưu lật đổ chính quyền. Đây là một tội danh cực kỳ nghiêm trọng và hiếm khi được dùng đến vì rất khó để chứng minh. Chỉ khi nào Tư Pháp thấy có đủ bằng chứng để thuyết phục bồi thẩm đoàn họ mới dám cáo buộc ai tội này.

Thế rồi hôm thứ Hai đầu tuần, chỉ vài ngày trước khi Uỷ Ban 6 Tháng Một có buổi điều trần đầu tiên, Tư Pháp cho tung ra quả bom tấn thứ nhì: Năm nhân vật chủ chốt của nhóm Proud Boys cũng bị truy tố tội âm mưu lật đổ chính quyền. Những người này, trong đó có đầu đảng Enrique Tarrio, trước đây đã bị khởi tố tội cản trở người thi hành công vụ và đang bị tạm giam chờ ngày hầu toà. Với cáo buộc mới nhất này họ sẽ còn bị giam giữ dài hạn. Và nếu bị kết án, họ có thể phải ngồi tù vài chục năm.

Dĩ nhiên Tư Pháp không chỉ muốn bắt những nhóm người này. Ai cũng biết đây là chiến thuật bắt trùm mafia đã được sử dụng cả trăm năm qua mà Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland chắc chắn thuộc lòng. Muốn bắt con cá lớn, trước hết phải bắt đám tép riu như tài xế, đầu bếp v.v. Những người đó không có nhiều tiền hay quyền lực nên họ sẵn sàng “thành khẩn khai báo” để tránh ở tù. Dùng lời khai cùng chứng cớ của họ, công tố có thể khui ra tội của những con cá lớn hơn một tí, và cứ thế mà tiến sâu vào sào huyệt của nhóm đầu não.

Song kiếm liên hoàn

Mặc dù Hạ Viện và Bộ Tư Pháp thuộc hai nhánh độc lập của chính quyền, nhưng điều đó không có nghĩa cuộc điều tra của họ không dính dáng gì tới nhau hoặc họ không có trao đổi thông tin nếu cần. Là người ngoài cuộc, chúng ta không thể biết chuyện gì xảy ra đằng sau hậu trường. Nhưng qua những điều thỉnh thoảng được bật mí một cách có chủ đích, ta có thể đoán rằng Chủ tịch Uỷ Ban 6/1 Bennie Thompson và Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland có một số thoả thuận ngầm để chia sẻ thông tin và dữ liệu, đồng thời tránh giẫm lên chân nhau trong khi làm việc. Mỗi bên có lịch trình và mục đích khác nhau, nhưng tựu trung ai cũng muốn bảo vệ Hiến Pháp và thể chế dân chủ của đất nước.

Như đã thượng dẫn, Tư Pháp vừa ra lệnh khởi tố nhóm Proud Boys tội âm mưu lật đổ chính quyền. Cùng lúc, Uỷ Ban 6 Tháng Một cũng cho biết nhân chứng chính trong buổi điều trần đầu tiên vào ngày thứ Năm 9 Tháng Sáu sẽ là nhà làm phim tài liệu người Anh tên Nick Quested. Ông Quested đã được nhóm Proud Boys cho phép đi theo để quay phim sinh hoạt của nhóm từ vài tuần lễ trước vụ phiến loạn, kể cả một số cuộc họp kín. Vào ngày 6 Tháng Một, Nick Quested đã thâu phim và chụp được nhiều hình ảnh của nhóm Proud Boys khi họ tiến về Quốc Hội cũng như khi họ lọt vào được bên trong. Cuộc điều trần của Nick Quested chắc chắn sẽ hé lộ nhiều chi tiết mà lâu nay công chúng không biết.

 

Nhà làm phim tài liệu Nick Quested (ảnh: Frederick M. Brown/Getty Images)

Ngoài ra, Uỷ Ban 6 Tháng Một sẽ cho gọi nhân chứng thứ nhì là cảnh sát viên Caroline Edwards thuộc lực lượng Capitol Police. Cô là nhân viên công lực đầu tiên bị thương trong cuộc dấy loạn. Một người đàn ông lạ mặt đã tấn công Caroline Edwards sau khi nói chuyện với một thành viên của Proud Boys đứng gần đó. Lời khai của Caroline Edwards và Nick Quested sẽ chỉ là phát súng đầu tiên trong hành trình đi tìm sự thật đằng sau 6 Tháng Một. Tháng Sáu năm nay có nhiều “tập phim” hay và hồi hộp.

Buổi điều trần thứ nhất của Uỷ Ban 6 Tháng Một sẽ bắt đầu vào 8pm giờ miền Đông (5pm Pacific) ngày 9 Tháng Sáu; được phát hình trực tiếp trên các đài TV chính như ABC, NBC, CBS, C-Span, CNN… Ngoài ra nó cũng sẽ được phát trực tuyến trên kênh YouTube và Website của Uỷ Ban 6/1. Đài Fox tuyên bố họ không chiếu chương trình này.

___________

Lịch điều trần của Uỷ Ban 6 Tháng Một (giờ DC)

Ngày 9 Tháng Sáu, 8pm

Ngày 13 Tháng Sáu, 10am

Ngày 15 Tháng Sáu, 10am

Ngày 16 Tháng Sáu, 10am

Ngày 21 Tháng Sáu, 10am

Ngày 23 Tháng Sáu, 8pm

 

Xem thêm: 

Các bài viết, video bình luận về việc cờ Vàng tung bay trên điện Capitol

Điều trần công khai về vụ bạo loạn ngày 6 tháng Giêng 2021 đã bắt đầu

Sài Gòn Nhỏ

 

Chủ tịch Ủy ban Lựa chọn của Hạ viện điều tra vụ bạo loạn ngày 6 tháng Giêng 2021, DB Bernie Thompson (giữa) và Phó Chủ tịch Liz Cheney bắt đầu cuộc điều trần công khai đầu tiên vào chiều nay thứ Năm 9 tháng Sáu 2022. Ảnh Drew Angerer/Getty Images

Ủy ban Lựa chọn Hạ viện điều tra cuộc tấn công vào Điện Capitol vào ngày 6 tháng Giêng năm 2021, gọi tắt là Ủy ban 6 tháng Giêng, đã bắt đầu một cuộc điều trần công khai từ tối nay thứ Năm nhằm thuyết phục một quốc gia bị chia rẽ rằng những tuyên bố của cựu Tổng thống Donald Trump về cuộc bầu cử bị đánh cắp đã kích động những người ủng hộ ông cố gắng làm gián đoạn việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.

Buổi điều trần đầu tiên lúc 8 giờ tối nay thứ Năm 9 tháng Sáu 2022 (giờ Washington), được truyền hình trực tiếp từ Quốc Hội, chiếu trên truyền hình cáp và hầu hết các đài truyền hình lớn, sẽ là buổi đầu tiên trong sáu buổi điều trần dự kiến diễn ra ​​trong hai tuần tới. Cuộc điều trần sẽ trình chiếu những đoạn phim chưa từng được biết đến trước đây về các cố vấn hàng đầu, các thành viên gia đình ông Trump đã khai báo trước ủy ban nhằm chứng minh tầm nhìn của ủy ban rằng cuộc tấn công vào Điện Capitol ngày 6 tháng Giêng năm 2021 là một cuộc bạo loạn, một báo động đỏ cho những mối đe dọa mà nền dân chủ Mỹ có thể phải đối mặt trong tương lai. Những người ủng hộ ông Trump, bao gồm hầu hết các nhà lập pháp đảng Cộng Hòa, nói rằng cách nhìn của ủy ban là không đúng với các sự kiện trong ngày và bác bỏ các phiên điều trần như là một mưu đồ chính trị của đảng Dân Chủ.

Lịch phát sóng trực tiếp các buổi điều trần của Ủy ban 6 tháng Giêng, tính theo giờ miền Đông Hoa Kỳ.

Ủy ban 6 tháng Giêng có bảy thành viên đảng Dân Chủ và hai thành viên đảng Cộng Hòa, dự kiến ​​sẽ sử dụng kết hợp phim video, âm thanh và lời khai trực tiếp để tái hiện diễn biến của các sự kiện trong ngày, sử dụng các tài liệu chưa từng công bố mà họ đã thu thập được trong cuộc điều tra kéo dài gần một năm.

Theo các trợ lý của ủy ban, nội dung điều trần bài thuyết trình bao gồm lời khai được ghi lại của các quan chức cấp cao của chính quyền Trump,của các thành viên gia đình Trump, bao gồm Ivanka Trump; các lời khai này có thể xuất hiện trong phiên điều trần hôm nay thứ Năm hoặc trong các phiên sau.

Phiên điều trần sẽ mở đầu bằng phát biểu của Dân Biểu Bennie Thompson (Dân Chủ – Mississippi), Chủ tịch Ủy ban và Dân Biểu Liz Cheney (Cộng Hòa – Wyoming), Phó chủ tịch Ủy ban – trình bày quy mô những phát hiện của họ.

“Âm mưu cản trở ý chí của người dân vẫn chưa kết thúc. Có những người trên đất nước này khao khát quyền lực nhưng không có tình yêu hoặc sự tôn trọng đối với những gì làm cho nước Mỹ vĩ đại: sự tận tâm với Hiến Pháp, trung thành với pháp quyền, chia sẻ hành trình chung của chúng ta để xây dựng một Liên minh hoàn hảo hơn,” ông Thompson được cho là sẽ nói như thế, theo các trích đoạn phát biểu của ông được công bố trước khi phiên điều trần bắt đầu. Ủy ban cũng sẽ phác thảo phạm vi của năm phiên điều trần dự kiến ​​sẽ diễn ra trong hai tuần tới, phiên điều trần cuối cùng, cũng trong “giờ vàng”, dự kiến ​​vào ngày 23 tháng Sáu 2022.

Trọng tâm của các phiên điều trần là mối quan tâm của ủy ban về các mối đe dọa với nền dân chủ Mỹ vẫn đang diễn ra khi ông Trump và những người theo dõi ông tiếp tục tuyên bố sai sự thật rằng cuộc bầu cử năm 2020 đã bị đánh cắp. Tuyên bố sai sự thật và lời lẽ kích động của ông Trump là yếu tố kích thích những người ủng hộ ông gây ra cuộc bạo loạn nhằm ngăn chặn việc chứng thực kết quả cuộc bầu cử tổng thống mà ông Joe Biden thắng hơn 7 triệu phiếu.

Ủy ban dự kiến ​​sẽ phát hành một báo cáo cuối cùng về những phát hiện của mình vào mùa thu, bao gồm các khuyến nghị về các bước lập pháp mà họ tin rằng sẽ giúp bảo vệ nền dân chủ khỏi các mối đe dọa trong tương lai. Ủy ban cho biết phiên điều trần tiếp theo dự kiến ​​diễn ra vào 10 giờ sáng theo giờ miền Đông vào thứ Hai, sau đó là các phiên điều trần vào thứ Tư và thứ Năm. Ba phiên điều trần nữa sẽ diễn ra trong tuần tới.

Tổng thống Biden hôm thứ Năm đã gọi cuộc tấn công ngày 6 tháng Giêng 2021 vào Điện Capitol là “một sự vi phạm rõ ràng và trắng trợn đối với Hiến pháp,” và nói thêm: “Rất nhiều người Mỹ sẽ lần đầu tiên được xem một số chi tiết mới”.
Tại Thượng viện, Lãnh đạo khối Đa số, Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer (Dân Chủ - New York)
nói: “Ủy ban sẽ trình bày sự thật mà người dân Mỹ phải biết, rằng Donald Trump là trung
tâm của nỗ lực phối hợp nhằm lật ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020, để đảo lộn trật tự
Hiến pháp của chúng ta và gây ra thiệt hại vĩnh viễn cho nền dân chủ của chúng ta,"
theo
trích dẫn của báo The Wall Street Journal

Trong khi đó các đảng viên đảng Cộng Hòa gọi cuộc điều tra của Ủy ban 6 tháng Giêng là một cuộc săn phù thủy mang tính chính trị đảng phái và lôi kéo sự chú ý của người Mỹ khỏi các vấn đề như giá xăng cao và tội phạm.

Lãnh đạo đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện, Dân Biểu Kevin McCarthy ( California) đã tấn công Ủy ban 6 tháng Giêng trong cuộc họp báo hôm thứ Năm; ông gọi nó là “ủy ban chính trị nhất và ít hợp pháp nhất trong lịch sử nước Mỹ”, là “công cụ đảng phái của bà Nancy Pelosi” [Dân Chủ, California, Chủ tịch Hạ Viện] . Ông McCarthy cáo buộc ủy ban đã sử dụng trát đòi hầu tòa để tấn công các đảng viên Cộng Hòa và xâm phạm quyền tự do phát biểu chính trị của các công dân tư nhân.

Hãng tin Bloomberg cho biết, phe Cộng Hòa trong Hạ Viện sẽ phát hành một bản tường trình riêng của họ về vụ tấn công Điện Capitol, trong đó thay vì lên án những kẻ bạo loạn, họ sẽ tập trung vào việc thiếu chuẩn bị về an ninh cho cuộc họp của lưỡng viện Quốc Hội xem xét kết quả bầu cử tổng thống và phản ứng chậm chạp của các cơ quan công lực khi đám đông tràn vào trụ sở Quốc Hội. Ông McCarthy không cho biết cụ thể bao giờ thì bản tường trình của phe Cộng Hòa Hạ Viện sẽ được công bố.

Dân Chủ và Cộng Hòa có ý kiến trái ngược nhau sâu sắc về Vụ bạo loạn ở trụ sở Quốc Hội trên đồi Capitol Hill ngày 6-1-2021 (Hình: Cát Linh/SGN)

 

Ông Donald Trump đã phủ nhận mọi trách nhiệm hoặc hành vi sai trái liên quan đến vụ tấn công. Trong một loạt bài đăng trên mạng Truth Social của ông hôm thứ Năm, ông Trump gọi Ủy ban 6 tháng Giêng là “Ủy ban không được lựa chọn của những kẻ côn đồ chính trị.”

Ủy ban Hành động chính trị của cựu tổng thống, Save America PAC, từ hôm nay thứ Năm đã bắt đầu phát sóng một quảng cáo lên truyền hình quốc gia cáo buộc đảng Dân Chủ dàn dựng các cuộc điều trần để thu hút sự chú ý của người dân khỏi tình trạng lạm phát cao, tình trạng thiếu sữa công thức cho trẻ em, cuộc chiến ở Ukraine và các vấn đề khác mà người Mỹ phải đối mặt. Chiến dịch quảng cáo trị giá $500,000 sẽ chạy đến cuối tuần.

Một phần quan trọng của phiên điều trần hôm thứ Năm sẽ tập trung vào các hoạt động của Proud Boys, một nhóm cực hữu bạo lực dẫn đầu vụ tấn công chết người khi các nhà lập pháp đang họp để kiểm phiếu của Cử Tri Đoàn mà kết quả sẽ đưa ông Joseph Biden vào Tòa Bạch Ốc với tư cách người thắng cử cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 3 tháng Mười Một 2020. 

Một nhân chứng quan trọng trong buổi điều trần hôm nay sẽ là ông Nick Quested, một nhà làm phim tài liệu người Anh, người đã quay phim các thành viên của nhóm Proud Boys trong những ngày trước ngày 6 tháng Giêng và trong chính ngày hôm đó. Ông Quested có mặt khi các thành viên của Proud Boys hành hung các sĩ quan Cảnh sát Capitol trong những giây phút đầu của cuộc tấn công. Một thành viên của Proud Boys có mặt tại thời điểm đó là Joseph Biggs, vào đầu tuần này đã bị bồi thẩm đoàn buộc tội âm mưu phản loạn cùng với bốn thành viên khác của nhóm cực đoan. Ông Biggs và hai thành viên một thời khác của Proud Boy đã không nhận tội những cáo buộc đó.

Một nhân chứng khác sẽ là bà Caroline Edwards, một cảnh sát Capitol, người đã bị thương trong những giây phút đầu của vụ tấn công.

Một nội dung trọng tâm ​​trong các cuộc điều trần tương lai có thể sẽ là chiến dịch gây áp lực của ông Trump và các quan chức chiến dịch của ông lên Bộ Tư pháp để buộc bộ này can thiệp vào cuộc bầu cử. Ông Trump đã xung đột với Bộ trưởng Tư pháp khi đó là ông William Barr về những cáo buộc gian lận bầu cử. Ông Barr, người gần đây đã được Ủy ban 6 tháng Giêng phỏng vấn, luôn nói rằng cuộc đánh giá của Bộ Tư Pháp đã không tìm thấy bằng chứng nào về việc gian lận trên diện rộng có thể lật ngược kết quả của cuộc bầu cử. Ông Barr rời chức vụ vào tháng Mười Hai năm 2020.

Người thay thế ông Barr, Quyền Bộ trưởng Tư pháp Jeffrey Rosen, đã được ủy ban mời ra làm chứng công khai tại một trong các phiên điều trần. Ông Rosen và cấp phó của ông, Richard Donoghue, đã chống lại nỗ lực của ông Trump và các đồng minh nhằm đặt một quan chức tư pháp khác, Jeffrey Clark, lên làm người đứng đầu của bộ. Ông Trump đã từ bỏ ý tưởng này sau khi các quan chức cấp cao của Bộ Tư pháp đe dọa sẽ từ chức ngay lập tức nếu ông chỉ định ông Clark là người đứng đầu của bộ.

Proud Boys – khối ung nhọt của nền dân chủ Hoa Kỳ

Sài Gòn Nhỏ

Một cuộc biểu dương lực lượng của Proud Boys tại New York City, Tháng Mười Một 2021 (ảnh: Stephanie Keith/Getty Images)

Bộ Tư Pháp vừa ra lệnh khởi tố năm thành viên nhóm Proud Boys tội âm mưu làm loạn lật đổ chính quyền. Nếu bị kết án, những người này có thể bị tù vài chục năm. Tổ chức chống kỳ thị quốc tế ADL (Anti-Defamation League) gọi nhóm Proud Boys là một tổ chức: Tân-phát-xít; bạch chủng thượng tôn; trọng nam khinh nữ; kỳ thị người Do Thái, Hồi Giáo và da màu.

Một thành viên nữ của Proud Boys trong cuộc xuống đường tại Portland, Oregon vào Tháng Chín 2020 (ảnh: John Rudoff/Anadolu Agency via Getty Images)

So với nhiều nhóm hữu khuynh khác, Proud Boys chỉ mới xuất hiện sau này – từ lúc Donald Trump ra tranh cử năm 2016. Tuy nhiên, những người đứng ra thành lập Proud Boys đã sinh hoạt trong thế giới hữu khuynh cực đoan từ khá lâu. Sau đây là sơ lược tiểu sử vài nhân vật chủ chốt của nhóm.

Gavin McInnes

Gavin McInnes sinh năm 1970 ở Anh, cha mẹ người Scot, lớn lên ở Canada. Sau khi tốt nghiệp Carleton University, McInnes dọn đến Montreal và khởi nghiệp với tạp chí Voice of Montreal do anh ta đồng sáng lập năm 1994 cùng hai người khác, phần lớn được chính quyền thành phố tài trợ. Ít lâu sau McInnes qua Mỹ định cư, sống tại New York. Năm 2008, do bất đồng quan điểm với ban lãnh đạo, McInnes rời Voice of Montreal,  tờ báo được đổi tên thành VICE và đã thắng nhiều giải thưởng báo chí.

Gavin McInnes (ảnh: Andrew Lichtenstein/ Corbis via Getty Images)

Từ khi rời VICE,  McInnis ngày càng lộ rõ bản chất cực đoan. Một bài báo trên tờ Globe and Mail ở Canada mô tả anh ta như một người “đang tìm mọi ngõ ngách dẫn đến những góc khuất tối tăm nhất của thế giới cực hữu ở Mỹ.” Mặc dù McInnes thường nói anh ta không phải là một kẻ “racist”, nhưng anh ta có những phát biểu sặc mùi kỳ thị người da màu, đầy rẫy trên internet và mạng xã hội mà ta không cần (cũng như không nên) lặp lại ở đây.

Tháng Chín 2016 McInnes thành lập tổ chức “Proud Boys”, mượn tên từ một bài hát trong vở nhạc kịch Aladdin của Disney tựa là “Proud of Your Boy”. Trước đó không lâu McInnes tuyên bố: “Một trong những biện pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề là dùng bạo lực. Tôi muốn có bạo lực, tôi muốn có cảnh đấm vào mặt… Tôi rất thất vọng khi thấy những người ủng hộ Trump chưa đánh đấm đủ.”

Richard Spencer

Sinh năm 1978 trong một gia đình khá giả ở Dallas (Texas), Richard Spencer mài đũng quần tại trường tư thục Công Giáo St Mark’s School of Texas. Spencer có bằng cử nhân từ University of Virginia và bằng Master tại University of Chicago. Năm 2007 Spencer được mướn làm phụ tá biên tập cho tờ báo The American Conservative. Nhưng chỉ được vài tháng thì Spencer bị cho nghỉ việc vì những quan điểm quá cực đoan. Từ năm 2008 đến 2009 Spencer làm Giám đốc điều hành cho tờ Taki’s Magazine, nơi sau này Gavin McInnes sẽ dùng để tuyên bố việc thành lập nhóm Proud Boys.

Richard Spencer trong cuộc tuần hành “Unite the Right” tại Emancipation Park, Charlottesville, Virginia ngày 12 Tháng Tám 2017 (ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Năm 2010, Spencer lập ra trang AlternativeRight.com, một trang web cực đoan chuyên đăng những bài viết đề cao các tổ chức tân-phát-xít và bạch chủng thượng tôn. Hầu hết mọi sinh hoạt ngoài đời của Spencer từ đó về sau đều xoay quanh các hoạt động liên quan đến trường phái cực hữu anh ta gọi là alt-right. Ngày 15 Tháng Một 2017, sinh nhật của Martin Luther King Jr. và ba ngày trước lễ nhậm chức của Donald Trump, Richard Spencer thành lập tổ chức AltRight Corporation, quy tụ những tiếng nói cực đoan kỳ thị chủng sắc từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt các nhóm tân-phát-xít ở Âu châu.

Tháng Tám 2017 Spencer và nhóm Proud Boys tổ chức một cuộc biểu dương lực lượng rầm rộ tại Charlottesville, Virginia, mang tên “Unite the Right”. Đêm 11 Tháng Tám, thành viên của nhóm cầm đuốc diễu bộ quanh Toà Thị chính, hô to những khẩu hiệu chống người Do Thái và da màu. Ngày hôm sau họ đụng độ với một nhóm phản biểu tình. Một người trong nhóm Proud Boys đã lái xe càn vào đám đông, giết chết một phụ nữ tên Heather Heyer. Hung thủ James Field bị kết tội sát nhân và phạt 419 năm tù. Richard Spencer và Proud Boys bị một số cư dân ở Charlottesville đâm đơn kiện. Tháng Mười Một năm ngoái, toà xử Proud Boys thua kiện, phải bồi thường $25 triệu; riêng phần tiền phạt của Spencer là $700,000. Anh ta hiện kháng cáo.

Proud Boys biểu dương lực lượng tại Vancouver, Washington, Tháng Chín 2020 (ảnh: Nathan Howard/Getty Images)
Enrique Tarrio, thủ lĩnh Proud Boys (ảnh: Joe Raedle/Getty Images)

Proud Boys và Trump

Sau vụ biểu tình Charlottesville, nhóm Proud Boys được cả nước biết tiếng. Trong cuộc họp báo sau đó, Tổng thống Trump cho rằng hôm đó “cả hai bên đều có những người tử tế.” Trong một buổi tranh biện với ứng cử viên Joe Biden, Trump đã né không lên án Proud Boys mà chỉ kêu họ nên đứng sang một bên và đợi đấy: “Stand by and stand down!”

Proud Boys trong một cuộc biểu tình ủng hộ quyền sử dụng súng tại Salem, Oregon (ảnh: Nathan Howard/Getty Images)
Proud Boys, Washington DC, ngày 12 Tháng Mười Hai 2020 – biểu tình phản đối kết quả bầu cử tổng thống (ảnh: Stephanie Keith/Getty Images)
Proud Boys tụ tập trước Nhà thờ St. Patrick’s, New York City, ngày 6 Tháng Một 2022 (ảnh: Alexi Rosenfeld/Getty Images)

Với những dấu hiệu cho thấy mình được nguyên thủ quốc gia ngấm ngầm ủng hộ, nhóm Proud Boys ngày càng lộ liễu trong việc tuyển mộ thành viên bằng những thông điệp sặc mùi bạo lực và kỳ thị chủng sắc. Bắt đầu từ năm 2018, tất cả các mạng xã hội lớn như Facebook, Instagram, Twitter, YouTube v.v. đều dần dần khoá và xoá hết những danh khoản của Proud Boys và các thành viên sừng sỏ của nhóm. Không ai biết rõ con số thành viên thực thụ của Proud Boys là bao nhiêu, nhưng FBI ước đoán có thể từ vài trăm đến vài ngàn người.

Mặc dù bị các mạng xã hội ngăn cấm, Proud Boys vẫn tiếp tục hoạt động mạnh mẽ. Năm 2018 tổ chức bầu Enrique Tarrio vào chức chủ tịch. Cùng năm đó, tay cố vấn kỳ cựu của Donald Trump là Roger Stone bắt liên lạc với Proud Boys. Hai bên bắt đầu có một mối liên hệ khá gần gũi. Tarrio và Proud Boys đã nhiều lần xuất hiện trước công chúng bên cạnh Stone. Trong cuộc biểu tình “Stop The Steal” ngày 12 Tháng Mười Hai 2021 tại Washington, D.C., Enrique Tarrio và một thành viên khác tên Ethan Nordean đã đứng bên cạnh Roger Stone.

Gavin McInnes nói rằng Stone là một trong ba người được phép “chính thức nói chuyện với truyền thông báo chí” về nhóm Proud Boys. Đến năm 2020 thì Facebook buộc phải khoá và xoá luôn danh khoản của Roger Stone.

____________

Bóng dáng cựu binh trong ngày 6 Tháng Một 2021

Trong số năm thành viên Proud Boys vừa bị Bộ Tư Pháp truy tố tội âm mưu lật đổ chính quyền, ngoài chủ tịch Enrique Tarrio ra thì bốn người kia đều từng làm việc cho quân đội Hoa Kỳ. Trang web Military.com cho biết:

Joseph Biggs, cựu chiến binh Lục Quân 12 năm với huân chương Purple Heart, là một trong những người đầu tiên vượt qua rào sắt chặn lối vào khuôn viên Điện Capitol.

Zachary Rehl từng làm bốn năm cho Thuỷ Quân Lục Chiến trong ngành tiếp vận; ngày hôm đó anh ta có nhiệm vụ chỉ đạo hệ thống radio cho nhóm.

Dominic Pezzola là người đầu tiên đập vỡ kính cửa sổ vào Điện Capitol sau khi cướp được chiếc khiên của cảnh sát; anh ta từng phục vụ trong Bộ binh bảy năm.

Ethan Nordean, người lo thu gom tiền bạc và tiếp liệu cho ngày hôm đó, từng được tuyển mộ vào Hải Quân tuy chỉ mới phục vụ được chừng một tháng.

Ngoài những người nói trên, công chúng sẽ được nghe nhiều câu chuyện về nhóm Proud Boys và các hoạt động liên quan đến cuộc phiến loạn 6/1 tại buổi điều trần đầu tiên của Uỷ Ban Đặc trách vào lúc 8 giờ tối (giờ D.C.) ngày 9 Tháng Sáu.

Buổi điều trần bạo loạn Quốc Hội: ‘Vụ 6 Tháng Giêng là cực điểm của âm mưu đảo chánh’

Người Việt

WASHINGTON, DC (NV) – Ủy ban do Hạ Viện thành lập để điều tra vụ bạo loạn Quốc Hội thẳng thắn xem cựu Tổng Thống Donald Trump là nhân vật chính trong âm mưu lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 mà cuối cùng dẫn đến vụ bạo loạn đó, theo đài NPR.

“Ông Donald Trump là nhân vật chính trong âm mưu này,” Dân Biểu Bennie Thompson (Dân Chủ-Mississippi), chủ tịch ủy ban điều tra, tuyên bố tại buổi điều trần công khai đầu tiên hôm Thứ Năm, 9 Tháng Sáu, về vụ bạo loạn Quốc Hội 6 Tháng Giêng, 2021.

 

 

Cảnh sát Quốc Hội bắn hơi cay giải tán đám đông ủng hộ viên cựu Tổng Thống Donald Trump tại Quốc Hội hôm 6 Tháng Giêng, 2021, ở Washington DC. (Hình minh họa: Brent Stirton/Getty Images)

“Vụ 6 Tháng Giêng là cực điểm của âm mưu đảo chánh,” ông nhấn mạnh.

Ông Thompson cũng trưng ra bằng chứng video đầu tiên tại buổi điều trần, đoạn video cho thấy cựu Bộ Trưởng Tư Pháp William Barr cho rằng ai nói cuộc bầu cử 2020 bị đánh cắp là “tào lao” và cho biết ông có nói như vậy với ông Trump.

Trong đoạn video khác được Dân Biểu Liz Cheney (Cộng Hòa-Wyoming), phó chủ tịch ủy ban điều tra, công bố sau đó, con gái cựu Tổng Thống Trump và từng là cố vấn Tòa Bạch Ốc – cô Ivanka Trump – nói với ủy ban này rằng “tôi tôn trọng Bộ Trưởng Tư Pháp Barr, do đó, tôi chấp nhận lời ông ấy nói.”

Bà Cheney cũng thẳng thắn quy trách nhiệm vụ bạo loạn Quốc Hội cho cựu Tổng Thống Trump.

Bà Cheney cáo buộc ông Trump kích động bạo loạn qua việc tung tin giả suốt nhiều tuần sau cuộc bầu cử năm 2020 cũng như phớt lờ việc các cố vấn kêu gọi ông yêu cầu đám đông bạo loạn ra về.

Bà Cheney dẫn lời khai từ những nhân viên có mặt ở Tòa Bạch Ốc hôm 6 Tháng Giêng, 2021, theo đó, ông Trump giận dữ la hét các cố vấn đang yêu cầu ông ra tay giúp chấm dứt vụ bạo loạn.

Bà Cheney cũng cho hay ông Trump biết đám đông bạo loạn hô vang đòi treo cổ cựu Phó Tổng Thống Mike Pence, và tin tức cho biết ông Trump nhận xét rằng “có lẽ ủng hộ viên của chúng ta nói đúng” và cho rằng ông Pence “đáng bị như vậy.”

 

 

Bà Caroline Edwards, cảnh sát viên Quốc Hội, phát biểu tại buổi điều trần hôm Thứ Năm, 9 Tháng Sáu. (Hình: Win McNamee/Getty Images)

Buổi điều trần công khai đầu tiên hôm Thứ Năm còn gồm hai nhân chứng là bà Caroline Edwards, cảnh sát viên Quốc Hội bị thương trong vụ bạo loạn, và ông Nick Quested, nhà làm phim tài liệu.

“Họ dám hoài nghi về danh dự” và lòng yêu nước của tôi, bà Edwards nói tại buổi điều trần.

“Tôi bị người ta gọi đủ thứ hôm 6 Tháng Giêng, 2021, và những ngày sau đó. Tôi bị gọi là con chó của bà Nancy Pelosi (chủ tịch Hạ Viện), bị gọi là bất lực, bị gọi là người hùng và côn đồ. Tôi bị gọi là kẻ phản bội đất nước, lời thề và Hiến Pháp,” bà Edwards nói. “Thực ra, tôi chẳng là bất kỳ thứ gì trong số đó. Tôi là người Mỹ đối diện với những người Mỹ khác, tự hỏi rất nhiều lần rằng làm sao chúng ta nên nông nổi này.”

Ông Quested là người quay phim thành viên nhóm cực hữu Proud Boys vào thời điểm một tuần trước khi xảy ra vụ bạo loạn.

“Với bất kỳ ai không hiểu sự kiện đó bạo lực như thế nào – tôi là người nhìn thấy, quay phim, và tôi cũng nếm trải,” ông Qested nói. “ Tôi nghe những lời hô vang đầy hung hăng và sau đó tôi chia sẻ video cho giới hữu trách.”

Buổi điều trần hôm Thứ Năm là một trong số sáu buổi điều trần công khai dự trù diễn ra đến hết Tháng Bảy.

Ủy Ban 6 Tháng Giêng cho biết sẽ đưa ra hàng loạt “tài liệu chưa từng công bố” mà họ thu thập được trong quá trình điều tra, bao gồm nỗ lực ngăn chặn cuộc bầu cử của cựu Tổng Thống Trump và đồng minh; nguồn tiền và quá trình tổ chức mít tinh tại Washington trước vụ bạo loạn; thất bại về an ninh của cảnh sát tòa nhà Quốc Hội và các cơ quan liên bang khác; và hành động của nhóm người bạo loạn.

Ủy ban sẽ công bố toàn bộ thông tin mà họ có tại các phiên điều trần, sau đó ra báo cáo về kết quả điều tra và khuyến nghị cải cách pháp luật trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới. (Th.Long) [qd]

Cú lừa vĩ đại!

Sài Gòn Nhỏ

 

Những kẻ cuồng loạn đòi treo cổ cả Phó Tổng thống Mike Pence (ảnh: Brent Stirton/Getty Images)

Buổi điều trần đầu tiên của Uỷ Ban Đặc trách điều tra cuộc tấn công vào Quốc Hội ngày Sáu tháng Giêng (gọi tắt là Uỷ Ban 6/1) đã kết thúc, nhưng dư âm của hai tiếng đồng hồ đầy kịch tính ấy vẫn còn vang dội khắp internet và trên các mạng xã hội. Theo thống kê của cơ quan Nielsen, khoảng 20 triệu người trên nước Mỹ đã mở TV xem miniseries mới nhất này trên các đài chính thống như ABC, NBC, CBS… Chưa kể không biết bao nhiêu người nữa xem trực tuyến trên máy tính, điện thoại, iPad v.v. qua những kênh như YouTube và các website khác, không chỉ ở Mỹ mà khắp nơi trên thế giới.

Những người đã “ghi dấu” vào lịch sử Hoa Kỳ! (ảnh: Kent Nishimura / Los Angeles Times via Getty Images)

Đài Fox dĩ nhiên đã giữ lời hứa không chiếu chương trình “reality TV” này, có lẽ vì không muốn khán giả mình bị đầu độc bởi sự thật về cuộc phiến loạn. Nhưng dù Fox cố né tránh cách mấy, trước sau gì sự thật vẫn là sự thật. Còn đối với những người đã muốn nhắm mắt bịt tai thì có nói cách nào họ cũng không thèm nghe; dẫu không bị điếc họ cũng giả đò không hiểu, không tin, không hay biết.

Chi tiết động trời

Từ hơn cả năm nay, công chúng đã được nghe quá nhiều những câu chuyện cũng như được xem vô số video clip về ngày Sáu tháng Giêng. Những tưởng bấy nhiêu đã đủ rồi, nhưng tại buổi điều trần Uỷ ban 6/1 đã tung ra thêm một lô hình ảnh và video chưa từng được công bố. Gây sốc nhất có lẽ là hình ảnh một đại đội Proud Boys chừng 250 gã râu ria, nhiều người mặc áo giáp và mang thiết bị như sắp sửa ra trận, đồng loạt tiến về Điện Quốc Hội lúc 10 giờ sáng – hơn hai tiếng đồng hồ trước khi Donald Trump bước lên bục diễn thuyết.

Washington DC ngày 9 Tháng Sáu 2022: Cảnh sát viên (Capitol Police) Caroline Edwards (trái) và nhà làm phim người Anh Nick Quested tuyên thệ khai báo sự thật trước Ủy ban chọn lọc Hạ viện về cuộc tấn công trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ ngày 6 Tháng Một (ảnh: Chen Mengtong/China News Service via Getty Images)

 

Như vậy cuộc tấn công hôm ấy nào phải do “quần chúng tự phát” sau khi nghe lời hiệu triệu từ vị lãnh tụ của họ như một số đài báo và dân biểu nghị sĩ Cộng Hoà rêu rao bấy lâu nay? Đã vậy, ta còn được Uỷ Ban cho biết, với hình ảnh kèm theo làm bằng chứng, rằng đêm hôm trước bọn Proud Boys này còn mang súng đạn đến chất đầy một khách sạn ở Maryland thuộc vùng ngoại ô Washington D.C., sẵn sàng để tấn công thủ đô nếu có lệnh. Như đã nói trong một bài trước, trong số năm tên Proud Boys đang trộ khám, bốn người từng phục vụ trong quân đội.

Nhà làm phim tài liệu Nick Quested, một nhân chứng trong buổi điều trần hôm thứ Năm, còn quay được cảnh thủ lãnh nhóm Proud Boys Enrique Tarrio gặp gỡ bí mật tên trùm của nhóm Oath Keepers là Steward Rhodes dưới hầm garage. Họ nói gì với nhau thì ta không biết, nhưng cả hai hiện đang nằm tù chờ ngày ra toà tội âm mưu lật đổ chính quyền.

Cú lừa vĩ đại

The Big Lie” là cụm từ được báo chí dùng để gọi cú lừa vĩ đại mà Donald Trump và những kẻ thân cận của ông ta đã dùng để thuyết phục những người phò Trump rằng cuộc bầu cử 2020 đầy rẫy gian lận và do đó chiến thắng của Joe Biden là bất chính. Mặc dù phe Trump không trưng ra được bất cứ bằng chứng nào, nhưng họ vẫn lặp đi lặp lại câu dối trá ấy không ngượng miệng khiến không biết bao người nhẹ dạ tin như sấm.

Video cho thấy những gì Ivanka Trump khai báo về sự kiện 6 Tháng Một (ảnh: Bill Clark/CQ-Roll Call, Inc via Getty Images)
Video cho thấy những gì Jared Kushner, con rể của Donald Trump, khai báo về sự kiện 6 Tháng Một (ảnh: Bill Clark/CQ-Roll Call, Inc via Getty Images)

Trong buổi điều trần, Uỷ Ban 6/1 đã đưa ra hai video clip ngắn cho thấy chính những người thân cận nhất của Trump cũng không tin có gian lận bầu cử. Người thứ nhất là Bộ trưởng Tư pháp Bill Barr. Ông Barr nói với Uỷ Ban ông đã không tìm được bất cứ chứng cớ nào cho thấy có gian lận, và ông đã nói thẳng với Trump rằng cáo buộc ấy là vô căn cứ, là chuyện dở hơi (“nonsense”). Trưởng nữ của Trump là Ivanka cũng thú nhận với Uỷ Ban cô ta tin lời Bill Barr, rằng không có gian lận bầu cử. (Sau buổi điều trần, Donald Trump đã lên mạng Truth Social của mình để trách móc cô con gái.)

Cảnh tượng này vĩnh viễn được ghi vào lịch sử Mỹ như một vết nhơ (ảnh: Win McNamee/Getty Images)

Lạy ông con ở bụi này!

Ivanka không phải là người thân duy nhất của Trump bật mí việc nhiều người thừa biết Trump nói láo nhưng vẫn lao vào cuộc đảo chánh bất thành. Jared Kushner, chồng Ivanka và là cố vấn tối cao cho Tổng thống Trump, nói với Uỷ Ban rằng trong những tuần lễ ngay sau vụ phiến loạn, có ít nhất ba bốn dân biểu Hạ Viện đã gởi thư đến Bạch Cung xin được tổng thống ân xá trước khi ông Trump hết nhiệm kỳ.

Theo CNN, những vị dân biểu ấy là: Paul Gosar (Arizona); Andy Biggs (Arizona); Mo Brooks (Alabama); và Scott Perry (California). Ta không rõ những người này sợ họ sẽ bị kết tội gì sau khi Joe Biden lên cầm quyền, nhưng họ xin ân xá trước cả khi bị truy tố có lẽ vì họ biết (hoặc lo) rằng mình có thể sẽ bị kết tội. Riêng Scott Perry thì quyết liệt chối phăng việc mình đã xin ân xá sớm, và gọi những cáo buộc của Uỷ Ban 6/1 là láo toét (“a soulless lie”).

Tổng thống bị tiếm quyền

Vài tiếng đồng hồ sau khi Quốc Hội bị đám đông tiến chiếm, trong lúc các dân biểu nghị sĩ và nhân viên của họ phải tháo chạy tìm chỗ ẩn náu, vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ đã không có bất cứ động thái nào để giải vây cho những người đang bị mắc kẹt trong Điện Capitol, kể cả vị Phó của mình là Mike Pence.

Nhân viên trụ sở Quốc hội được sơ tán khi bọn cực đoan tràn vào bên trong Điện Capitol (ảnh: Amanda Voisard for The Washington Post via Getty Images)

 

Dân biểu Liz Cheney, đồng chủ tịch Uỷ Ban 6/1, kể rằng khi ông Trump nghe những kẻ làm loạn hô to khẩu hiệu đòi treo cổ Mike Pence, ông ta còn nói với thuộc hạ mình rằng đó cũng là một ý tưởng hay (“maybe our supporters have the right idea”) và nếu Pence bị như vậy thì cũng đáng lắm (“he deserves it”). Bà Cheney nói khi Quốc Hội đang bị đám đông tấn công dữ dội, ông Trump vẫn bình chân như vại theo dõi cuộc phiến loạn trên màn ảnh TV trong Bạch Cung:

Ông ta đã không gọi Bộ trưởng Quốc phòng. Không nói chuyện với Bộ trưởng Tư pháp. Không nói chuyện với Bộ An ninh Quốc gia. Tổng thống đã không ra lệnh cho Vệ binh Quốc gia nhập cuộc. Và ông đã không phối hợp với Bộ Tư pháp để huy động các nhân viên công lực. Mike Pence là người đã phải làm những chuyện đó.”

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ, kể lại rằng Phó Tổng thống Pence đã gọi cho ông liên tục, giọng hớt ha hớt hải, biểu phải gởi quân đội đến ngay lập tức. Trong khi đó thì Giám đốc Nhân sự Bạch Cung Mark Meadows yêu cầu Tướng Milley đừng để cho người ngoài biết rằng Phó Tổng thống Mike Pence là người đang cầm quyền chứ không phải Tổng thống Trump. Tướng Milley nói khi nghe đến đó, trong đầu ông chỉ hiện ra ba chữ: “Chính trị. Chính trị. Chính trị.”

Căn cứ theo Điều II, Khoản I, Mục 6 của Hiến Pháp Hoa Kỳ, Phó Tổng thống chỉ có quyền điều động quân đội và điều hành đất nước nếu Tổng thống “bị truất phế, qua đời, từ chức, hoặc không còn khả năng thực thi các quyền hành thuộc nhiệm sở của mình.”

Phiên điều trần thứ nhất: Donald Trump là kẻ đốt lửa!

Sài Gòn Nhỏ

 

Toàn cảnh phiên điều trần tại Hạ Viện Hoa Kỳ tối nay 9-6-2022. Video Tổng thống Donald Trump nói với ủng hộ viên trong cuộc biểu tình ngày 6-1-2021 được chiếu lại tại phiên điều trần như một diễn biến của cuộc bạo loạn nhằm ngăn chặn Quốc Hội chứng nhận chiến thắng bầu cử của ông Joe Biden. Ảnh Jabin Botsford-Pool/Getty Images.

Tối nay thứ Năm 9 tháng 6, 2022, Ủy ban Lựa chọn của Hạ Viện điều tra vụ bạo loạn tấn công Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 6 tháng Giêng năm ngoái đã tổ chức phiên đầu tiên trong sáu phiên điều trần về diễn biến của vụ bạo loạn. Thông điệp trọng tâm được đưa ra hôm nay là vụ tấn công là một âm mưu được dàn dựng kỹ lưỡng, có phương pháp của cựu Tổng thống Donald Trump.

Phiên điều trần được chiếu công khai trên hầu hết kênh truyền hình lớn của Mỹ vào giờ vàng có dụng ý nhắc người dân không nên quên biến cố lịch sử là cuộc nổi dậy bạo lực của những người ủng hộ ông Trump và cảnh báo nền dân chủ Mỹ đang đối diện với một mối nguy hiểm chưa từng có. 

Mặc dù nhiều người đã biết những điều căn bản về cuộc tấn công vào Điện Capitol ngày 6 tháng Giêng năm 2021, nhưng ủy ban đang cố gắng dựng lại câu chuyện vụ bạo loạn đó đã xảy ra như thế nào và làm thế nào để ngăn nó xảy ra lần nữa trong lịch sử. “Chúng ta không thể giấu những chuyện đã xảy ra dưới tấm thảm. Người dân Mỹ xứng đáng có câu trả lời”, Dân Biểu Bernie Thompson (Dân Chủ – Mississippi), Chủ tịch Ủy ban, nói về mục đích của các phiên điều trần công khai.

Để đi tới cuộc điều trần hôm nay, Ủy ban đã thực hiện hơn 1,000 cuộc phỏng vấn với những người có liên quan, thu thập hơn 140,000 tài liệu. Họ sử dụng bằng chứng đó trong suốt các phiên điều trần để cho thấy cuộc tấn công được thực hiện bởi một số kẻ bạo loạn trong đám đông đã xâm nhập vào Điện Capitol và làm gián đoạn chứng nhận chiến thắng của Tổng thống Joe Biden – và nỗ lực của ông Trump đã kích động cuộc bạo loạn đó như thế nào.

Diễn biến cuộc bạo loạn

Sau khi ông Thompson phát biểu mở đầu và Dân Biểu Liz Cheney (Cộng Hòa – Wyoming) Phó Chủ tịch Ủy ban tóm tắt những nội dung chính sẽ trình bày trong sáu phiên điều trần công khai, đã có một phim video tóm tắt theo trình tự thời gian những diễn biến chính của cuộc tấn công, trong đó có những cảnh bạo lực trước đây chưa được công bố, tái hiện cảnh những kẻ bạo động tấn công cảnh sát, phá cửa, tràn vào các văn phòng của Quốc Hội. Đoạn video này bác bỏ quan điểm của một số người thuộc đảng Cộng Hòa rằng không có bạo lực trong sự kiện ngày 6 tháng Giêng 2021.

Không thuyết phục được ông Pence bằng kế hoạch sáu bước nhóm ông Trump đã kích động cuộc bạo loạn tấn công Capitol Hill ngày 6-1 để ngăn chặn việc kiểm phiếu của Quốc Hội. Ảnh BB. Ng.

Đoạn video bắt đầu bằng cảnh những kẻ nổi loạn đi về phía Điện Capitol, sau đó chúng vượt qua hàng rào cảnh sát và đánh đập dã man các cảnh sát cản trở họ. Sử dụng máy quay an ninh, camera trên người của cảnh sát, video từ những kẻ đột nhập và âm thanh từ máy quét của cảnh sát, đoạn video cho thấy những kẻ bạo loạn sử dụng cột cờ và các vũ khí khác để đánh các sĩ quan cảnh sát khi chúng áp đảo bằng số đông và xâm nhập vào bên trong tòa nhà Quốc Hội. Một số cảnh quay của camera là từ mặt đất nhìn lên, khi các cảnh sát quan sát những kẻ tấn công đánh họ. Lời điều trần của cô Caroline Edwards, sĩ quan cảnh sát Điện Capitol, bị thương hai lần trong cuộc tấn công: “Đó là vụ tàn sát. Đó là hỗn loạn. Tôi không thể mô tả những gì tôi đã thấy,” càng chứng minh tính chất bạo lực của cuộc bạo loạn.

Video cũng cho thấy những gì đang xảy ra bên trong Quốc Hội từ lúc Phó Tổng thống Mike Pence bước ra bắt đầu của phiên họp chung lưỡng viện để chứng nhận chiến thắng trong cuộc bầu cử của ông Biden và cuối cùng, một số nhà lập pháp, bao gồm cả nhà lãnh đạo đảng Cộng Hòa trong Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa – California), phải chạy trốn như thế nào.

Đoạn video cho thấy những kẻ bạo loạn vang “Treo cổ Mike Pence”, ám chỉ ông Phó Tổng thống đã không tuân lệnh ông Trump và hô vang “Nancy! Nancy!” đề cập đến Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ – California).

Các cố vấn thân cận của ông Trump nói gì?

Những chi tiết này được bổ sung, củng cố bằng lời khai hữu thệ của các nhân vật có liên quan trực tiếp tới sự kiện, đặc biệt là lời khai của những cố vấn thân cận, người trong gia đình ông Trump và thủ lãnh các tổ chức cực đoan cánh hữu ủng hộ ông Trump như nhóm Proud Boys và nhóm Oath Keepers – những kẻ dẫn đầu cuộc bạo loạn. 

Mở đầu phần lời khai, Ủy ban đã cho chiếu cuộc phỏng vấn với cựu Bộ trưởng Tư pháp William Barr, người nói với ông Trump tại thời điểm đó rằng những lời tố cáo bầu cử gian lận của ông ta là không có giá trị gì. Barr đã nói công khai vào thời điểm đó rằng Bộ Tư pháp không phát hiện ra vụ gian lận nào và nói với ủy ban rằng ông ta đã bảo ông Trump tất cả cáo buộc gian lận chỉ là “nhảm nhí” (bullshit).

Lời khai qua video của Ivanka Trump, con gái và cố vấn cao cấp của ông Trump, cho thấy cô đồng ý với nhận định của Bộ trưởng Barr. Ivanka Trump nói rằng tuyên bố của Barr “ảnh hưởng đến quan điểm của tôi”. “Tôi tôn trọng Bộ trưởng Barr vì vậy tôi chấp nhận những gì ông ấy nói,” cô nói với ủy ban.

Một cố vấn khác của ông Trump, Jason Miller, nói với hội đồng rằng các cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Trump đã nói với Tổng thống với “những lời lẽ rõ ràng” rằng ông ta đã thua cuộc bầu cử.

Một cuộc biểu dương lực lượng của Proud Boys tại New York City, Tháng Mười Một 2021 (ảnh: Stephanie Keith/Getty Images)

Các nhóm cực đoan Proud Boys và Oath Keepers

Bất chấp ý kiến của các cố vấn, ông Trump vẫn khăng khăng – cho đến tận bây giờ – rằng cuộc bầu cử đã bị gian lận, chiến thắng của ông đã bị đánh cắp và ông dùng đủ thủ đoạn để lật ngược kết quả bầu cử, ngăn chặn việc chuyển giao quyền lực trong hòa bình như quy định của Hiến Pháp.

Ủy ban đã chiếu video lời của các thành viên nhóm Proud Boys, một nhóm cực đoan cánh hữu ủng hộ ông Trump, khai với Ủy ban rằng lời của ông Trump trong cuộc tranh luận trước bầu cử rằng nhóm hãy “lùi lại và chờ đợi” (stand back and stand by) đã giúp cho số thành viên của nhóm tăng lên gấp ba. Và họ chờ mệnh lệnh để hành động.

Lời khai trực tiếp tại phiên điều trần và những cảnh quay video của đạo diễn Nick Quested – người đã đi cùng các thủ lãnh nhóm Proud Boys trước và trong cuộc bạo loạn để làm phim tài liệu – cho thấy có sự phối hợp hành động giữa Enrique Tarrio, thủ lãnh của nhóm Proud Boys và Steward Rhodes, thủ lãnh của một nhóm cực đoan khác, nhóm Oath Keepers và những ngày trước khi cuộc bạo loạn bùng nổ.

Cuộc điều trần cũng có lời khai của những kẻ bạo loạn, hiện đã bị bắt giam hoặc đang chờ được xét xử, tất cả đều nói rằng ông Trump đã yêu cầu họ tụ tập về thủ đô Washington và chiến đấu cho ông ta. “Tôi đến theo lời mời của tổng thống,” một người nói như vậy khi được hỏi tại sao có mặt trên Đồi Capitol trong cuộc bạo loạn.

“Ông Trump sẽ biến mất nhưng nỗi ô nhục của các bạn vẫn còn”

Phó Chủ tịch UB điều tra, Dân Biểu Liz Cheney (Cộng Hòa – Wyoming) nói với các đồng sự Cộng Hòa: “Donald Trump sẽ biến mất nhưng nỗi ô nhục của các bạn vẫn còn”. Ảnh chụp màn hình TV NBC News.

Từ diễn biến bạo lực trong thực tế và những lời khai hữu thệ của những nhân vật nổi bật, Ủy ban điều tra đưa ra những nhận định ban đầu rằng ông Trump đã dẫn đầu một “âm mưu nhiều bước, rộng lớn nhằm lật ngược cuộc bầu cử tổng thống.” “[Sự kiện] ngày 6 tháng Giêng là cực điểm của một cuộc đảo chính có tính toán,” Chủ tịch ủy ban Bernie Thompson nói.

Phó Chủ tịch ủy ban, bà Liz Cheney, gọi cuộc bạo loạn là “kế hoạch gồm bảy phần phức tạp”. “Tổng thống Trump đã triệu tập đám đông, đã tập hợp đám đông và đã đốt ngọn lửa khởi đầu cuộc tấn công này”, bà Cheney nói. “Cuộc tấn công vào Điện Capitol của chúng ta không phải là một cuộc bạo động tự phát”, bà nói thêm.

Bà Cheney, con gái cựu Phó Tổng thống Dick Cheney, là dân biểu Cộng Hòa nhưng bị đa số các dân biểu Cộng Hòa thù ghét và trừng phạt vì đã tham gia lãnh đạo ủy ban điều tra, cũng đã có một thông điệp rõ ràng gửi tới các đồng sự trong đảng của mình: “Tối nay, tôi nói điều này với các đồng nghiệp đảng Cộng Hòa của tôi, những người đang bảo vệ những điều không thể bảo vệ được: Sẽ có ngày Donald Trump biến mất, nhưng nỗi nhục nhã (dishonor) của các bạn sẽ vẫn còn,”

Phiên điều trần thứ hai sẽ diễn ra lúc 10 giờ sáng thứ Hai ngày 13 tháng Sáu, tập trung vào việc dù ông Trump đã được các cố vấn khẳng định ông đã thua trong cuộc bầu và không có gian lận gì cả, ông ta vẫn tiếp tục quảng bá lời nói dối lớn của ông ta tới các ủng hộ viên. “Trong buổi điều trần thứ hai, các bạn sẽ thấy Donald Trump và các cố vấn của ông ta biết rằng sự thực ông ta đã thất cử. Nhưng dù vậy, Tổng thống Trump đã có một nỗ lực khổng lồ để lan truyền những thông tin dối trá và lừa đảo,” bà Cheney cho biết thêm.

Cuộc nổi dậy được báo trước

Sài Gòn Nhỏ

 

Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy từng qui tụ được rất nhiều người ủng hộ (Getty Images)

Một cuốn sách xuất bản năm 1955 viết về những kẻ cực đoan cánh hữu đã dự đoán trước cuộc tấn công vào ngày 6 Tháng Một, 2020 vào Điện Capitol, trụ sở Quốc hội Mỹ.

Từ “The New American Right”

Đó là năm 1954, và Chiến tranh Lạnh đang diễn ra gay gắt. Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy (Cộng hòa-Wisconsin) bỗng nhìn thấy các điệp viên Liên Xô ở mọi ngóc ngách của bộ máy chính phủ. Không lâu sau, Daniel Bell, nhà xã hội học trẻ tuổi tại Đại học Columbia tổ chức một cuộc hội thảo để bóc trần mối đe dọa của chủ nghĩa McCarthy núp dưới chiêu bài chống cộng. Bell đã huy động được một nhóm học giả nổi tiếng gồm bảy người, trong đó có nhà sử học Richard Hofstadter và nhà xã hội học Seymour Martin Lipset. Một năm sau, nhóm công bố những phát hiện của họ dưới dạng một tuyển tập tiểu luận, do Bell biên tập có tựa: “The New American Right”, với nội dung cảnh báo về thuyết âm mưu chống chủ nghĩa cộng sản của McCarthy.

Thượng nghị sĩ Joseph R. McCarthy (Getty Images)

Bây giờ, gần 70 năm sau, khi một ủy ban quốc hội điều tra vụ tấn công của phe cực hữu nhằm vào nền dân chủ Mỹ vào ngày 6 Tháng Một, 2021, tập tiểu luận bị lãng quên đã sống lại, về một vấn nạn đang ám ảnh người Mỹ. Các tác giả khẳng định, chính những kẻ cực hữu trùm lá cờ Mỹ là mối đe dọa nghiêm trọng thực sự đối với các nguyên tắc cơ bản của đất nước. Nhân danh bảo vệ nền dân chủ, các thành phần cánh hữu cực đoan sử dụng các ngôn ngữ và phương pháp của chủ nghĩa chuyên chế (authoritarianism) để huy động công chúng.

Nếu “The New American Right” có vẻ lỗi thời khi nó được xuất bản lần đầu tiên thì nhận thức đó đã thay đổi nhanh chóng sau sự kiện 6 Tháng Một. Vào đầu thập niên 1960, McCarthy đã xây dựng thành công một phong trào đầy quyền lực của các tổ chức cực hữu chống cộng. Lấy ví dụ Hội John Birch (John Birch Society) thành lập vào năm 1962 có khoảng 60,000 thành viên và ước tính có khoảng 9.5 triệu người ủng hộ. Sáng lập hội là Robert Welch, với “cảnh báo” lạnh sống lưng: “Những kẻ phản bội bên trong chính phủ Hoa Kỳ sẽ bán chủ quyền của đất nước bằng cách cấu kết với Liên Hợp Quốc để hình thành một Trật tự Thế giới Mới mang tính tập thể và được quản lý bởi một ‘chính phủ xã hội chủ nghĩa thế giới đại đồng”.

Đến “The Radical Right”

Năm 1963, nhóm của Bell hiệu chỉnh “The New American Right” và phát hành lại với tựa mới “The Radical Right”. Hôm nay, nhiều nhà quan sát tin rằng nó sẽ sớm trở thành một cuốn sách “phải đọc” đối với các sinh viên nghiên cứu lịch sử hiện đại Mỹ. Trong sách, các tác giả cho rằng: “Cánh hữu cực đoan không chỉ làm cho chủ nghĩa cộng sản trở nên ghê tởm mà nền dân chủ tự do và các nguyên lý cơ bản của Hiến pháp Hoa Kỳ cũng ghê tởm không kém!”. Như Bell nhận xét:

“Các phe nhóm cực đoan sẵn sàng loại bỏ các quy trình lập hiến, đình chỉ các quyền tự do và sử dụng các phương pháp của Cộng sản trong cái gọi là cuộc chiến chống lại Chủ nghĩa Cộng sản. Chúng làm rối loạn bầu cử tự do và chuyển giao quyền lực trong hòa bình đồng thời than phiền về sự thiếu độc lập của cơ quan tư pháp và phản đối các quyền dân sự”.

Nếu vào thời điểm đó Liên Xô muốn làm mất ổn định nền cộng hòa và dân chủ Mỹ, họ khó có thể tìm thấy trợ thủ nào đắc lực hơn là cánh hữu cực đoan. Hofstadter gọi những nhà hoạt động cực hữu này là “Những kẻ bảo thủ giả mạo” (pseudo-conservatism – một thuật ngữ mượn từ triết gia Theodor W. Adorno).

Trong một bài phát biểu tố cáo cánh hữu cực đoan, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Thomas Kuchel (1910-1994) đã gọi họ là “Những kẻ bán rong đáng sợ!”. Bell cho rằng những người theo chủ nghĩa bảo thủ giả mạo bị thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi về một nước Mỹ hiện đại, cấp tiến. “Khi Hoa Kỳ đang bắt đầu chuyển sang một nền kinh tế tri thức được điều hành bởi giới trí thức chuyên môn và kỹ thuật, những người theo chủ nghĩa bảo thủ rởm này sẽ cảm thấy bất mãn vì nghĩ rằng họ đã mất hết quyền lực” – Bell nói. Nó có vẻ giống với các lực lượng đã giúp Donald Trump đắc cử tổng thống, đã châm ngòi cho hệ tư tưởng cực đoan QAnon và kích động cuộc tấn công ngày 6 Tháng Một vào Điện Capitol.

Các nhóm bảo thủ giả mạo đã tìm được một lãnh đạo xứng tầm

Trump là một “chất xúc tác” quan trọng. Thập niên 1960, cánh hữu cấp tiến chưa bao giờ tìm thấy một lãnh đạo như Trump để có thể đoàn kết phong trào và mang lại cho nó quyền lực chính trị thực sự. Năm 1961, khi những người cấp tiến lần đầu tiên có được sức mạnh và có một tổng thống Dân chủ (John F. Kennedy), họ đã tiến hành một cuộc phản công giống như Tổng thống Biden và các đồng minh của ông trong Quốc hội đang làm. Em trai của ông, Bộ trưởng Tư pháp Robert F. Kennedy, xem Hội John Birch là “một mối nguy hiểm to lớn” đang biến những người nhân danh chống chủ nghĩa cộng sản thành kẻ gieo mầm nghi ngờ chống lại các nền tảng của chính phủ, Quốc hội, Tòa án tối cao, thậm chí cả tổng thống.

Robert Welch, người sáng lập tổ chức John Birch Society (Getty Images)

Để ngăn chặn mối đe dọa, Kennedy đã cho rà soát lại các nhóm cực đoan và yêu cầu Ủy ban Truyền thông Liên bang (Federal Communications Commission-FCC) điều chỉnh các đài phát thanh của cánh hữu. Nhưng những nỗ lực này không làm giảm được sức hút của các nhóm cực hữu mà còn khiến Robert bị ám sát. Chủ nghĩa bảo thủ giả mạo chỉ mất đi chỗ đứng vào giữa thập niên 1960, sau khi những chính trị gia bảo thủ như Ronald Reagan bác bỏ Hội John Birch.

Dù hôm nay không ít người trong GOP không ủng hộ Trump vô điều kiện, bác bỏ QAnon cũng như lên án cuộc tấn công vào ngày 6 Tháng Một, nhưng còn nhớ vào Tháng Hai 2021, Ủy ban Quốc gia của GOP từng tuyên bố cuộc nổi dậy là “diễn ngôn chính trị hợp pháp”. Ủy ban Hạ viện điều tra vụ tấn công ngày 6 Tháng Một đã bắt đầu các phiên điều trần từ thứ Năm 9 Tháng Sáu và cam kết tiết lộ sự thật về điều mà Biden gọi là “cuộc tấn công tồi tệ nhất vào nền dân chủ của chúng ta kể từ Nội chiến”. Nhưng ý thức hệ đằng sau vụ tấn công không phải mới mà đã được nhóm học giả của Bell gióng lên hồi chuông báo động cách đây 67 năm.

Cựu Tổng thống Trump có thể bị truy tố hình sự không?

Ông Trump có bị truy tố trước tòa án hình sự vì những nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm bác bỏ ý chí của cử tri và bám giữ quyền lực hay không? 

 

Sài Gòn Nhỏ
Màn hình chiếu hình ông Trump trong phiên điều trần của Ủy ban Hạ viên điều tra vụ bạo loạn tấn công Quốc Hội ngày 6 tháng Giêng 2021. Câu hỏi đặt ra là với những bằng chứng như thế, liệu ông Trump có bị truy tố hình sự hay không. Ảnh Drew Angerer/Getty Images

Phiên điều trần công khai đầu tiên của Ủy ban Hạ Viện Điều tra cuộc bạo loạn ngày 6 tháng Giêng 2021 tại Điện Capitol Hoa Kỳ, được truyền hình trực tiếp trong giờ vàng tối thứ Năm vừa qua, đã đụng vào câu hỏi rất căn bản ám ảnh cựu Tổng thống Donald Trump từ ngày ông rời Tòa Bạch Ốc: Ông có bị truy tố trước tòa án hình sự vì những nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm bác bỏ ý chí của cử tri và bám giữ quyền lực hay không? 

Có bằng chứng tội hình sự?

Bài phát biểu mạnh mẽ của Dân Biểu Liz Cheney (Cộng Hòa – Wyoming) mở đầu phiên điều trần nghe rất giống lời khai mạc của luật sư giữ vai trò công tố tại một phiên tòa hình sự; trong đó nêu bật từng chi tiết cái kế hoạch gồm bảy phần, “phi pháp” và “vi hiến”, của ông Trump để ngăn cản cuộc chuyển giao quyền lực. Ông Trump đã nhiều lần được các cố vấn của ông khuyên rằng ông đã thua trong cuộc bầu cử nhưng ông nhiều lần lừa dối đất nước bằng lời tuyên bố rằng cuộc bầu cử bị đánh cắp. Ông đã gây sức ép buộc các viên chức liên bang và tiểu bang, các thành viên Quốc Hội và cả Phó Tổng thống Mike Pence bỏ qua kết quả kiểm phiếu ở một số tiểu bang chiến trường. Ông khích động đám đông do các nhóm cực đoan như Proud Boys bạo loạn, đồng thời không có hành động nghiêm chỉnh để ngăn cản vụ tấn công sau khi nó đã bắt đầu. (xem thêm các bài tường thuật phiên điều trần: 1/Cú lừa vĩ đại! 2/Điều trần về vụ bạo loạn 6-1-2021: Donald Trump là kẻ đốt lửa! )

Trung sĩ Aquillino Gonell của đơn vị cảnh sát bảo vệ Quốc Hội bật khóc khi điều trần trước Hạ Viện về những điều họ trải qua khi ngăn chặn cuộc tấn công của đám đông bạo loạn ủng hộ ông Trump tràn vào tòa nhà Quốc Hội. Ảnh Jim Lo Scalzo-Pool/Getty Images

Tổng kết các hành vi của ông Trump, bà Cheney nói công chúng Mỹ nên nhớ rằng “Bộ Tư pháp hiện đang làm việc với các nhân chứng hợp tác và cho đến nay chỉ tiết lộ một số thông tin mà họ đã xác định được từ các liên lạc được mã hóa và các nguồn khác.” Thông tin đó đã được tiết lộ trong nhiều cáo trạng khác nhau, nhưng đề cập đến chúng trong bối cảnh của vụ ông Trump, bà Cheney dường như ám chỉ rằng nó có liên quan đến câu hỏi về khả năng phạm tội của ông ta.

Sau phiên điều trần, một số cựu công tố viên và luật sư lão thành nói rằng, cuộc điều trần đã cho thấy hình dáng một vụ tội phạm hình sự về tội âm mưu lừa đảo hoặc cản trở công việc của Quốc Hội. Luật sư Neal Katyal, cựu cố vấn pháp lý (solicitor general) của chính phủ Obama nói: “Tôi nghĩ Ủy ban, đặc biệt là bà Liz Cheney, đã tóm tắt một trường hợp phạm tội hình sự rất mạnh chống lại ông cựu tổng thống. Một tội hình sự đòi hỏi hai yếu tố – một hành vi xấu và một ý định phạm pháp”, ông Katyal nói, và ủy ban đã xử lý được cả hai yếu tố đó.

Về phần mình, các đồng minh của ông Trump nói rằng các cuộc điều trần là một nỗ lực của đảng Dân Chủ để gây hại cho ông ta trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 mà ông Trump có thể ra tranh cử lần nữa. Các luật sư biện hộ cho ông Trump thì nói các dữ kiện được trình bày không ủng hộ các kết luận mà ủy ban đưa ra. “Trừ phi có thêm nhiều bằng chứng mà chúng tôi chưa biết, tôi không thấy có vụ án hình sự chống lại cựu tổng thống,” luật sư Robert W. Ray – công tố viên độc lập trong vụ điều tra Tổng thống Bill Clinton và luật sư biện hộ cho ông Trump tại phiên luận tội lần thứ nhất của Thượng Viện, nói.

Tuy nhiên, cuộc điều trần tại Quốc Hội không phải là một phiên tòa, Quốc Hội không xử án, nên thẩm quyền truy tố thuộc về Bộ trưởng Tư pháp Merrick B. Garland. Với ngày càng nhiều bằng chứng về các hành vi phạm tội liên quan đến nỗ lực của ông Trump nhằm lật ngược cuộc bầu cử năm 2020, Bộ trưởng Garland đang phải đối mặt với một quyết định cực kỳ khó khăn: có nên truy tố ông cựu tổng thống hay không, việc truy tố đó có vì lợi ích quốc gia hay không.

Cân nhắc hậu quả

Bên cạnh những yêu cầu pháp lý của một vụ truy tố hình sự, việc buộc tội một cựu tổng thống cũng có thể gây ra những tác động sâu sắc và những hậu quả rộng lớn. Dẫn một nguồn tin nội bộ, đài NBC News cho biết đã có các cuộc thảo luận bên trong Bộ Tư pháp Hoa Kỳ về tác động sâu rộng của một vụ kiện hình sự chống lại cựu tổng thống, dù cho đến nay, chưa có một dấu hiệu công khai nào cho thấy ông Trump đang bị nhắm mục tiêu. 

Khác với Nam Hàn, Đài Loan, Pháp và một số nền dân chủ khác, cho đến nay chưa có cựu tổng thống Mỹ nào bị truy tố hình sự. Và chính quyền của một tổng thống thuộc đảng cầm quyền buộc tội tổng thống của một đảng khác – cho dù các công tố viên khẳng định quyết định được đưa ra dựa trên sự thật và luật pháp – sẽ tạo ra một tiền lệ rất khó chịu và nguy hiểm. Nó có thể thổi bùng lên ngọn lửa đã làm chia rẽ đất nước. Nó có thể thu hút sự quan tâm của quốc gia trong nhiều tháng hoặc lâu hơn nữa, và có tiềm năng đặt ra một tiền lệ cho các vụ án chống lại các tổng thống tương lai do những người kế nhiệm thuộc đảng đối lập thực hiện, theo nhận định của tờ The New York Times

Bà Barbara McQuade, chuyên gia phân tích pháp lý của đài NBC và là một cựu công tố viên liên bang, cho rằng, việc truy tố hình sự chống lại ông Trump liên quan đến nỗ lực lật ngược cuộc bầu cử của ông ta “rất có thể sẽ gây ra bất ổn dân sự và thậm chí có thể gây ra nội chiến”. Nhưng “Tôi nghĩ nếu không truy tố thì thậm chí còn tồi tệ hơn, bởi vì không truy tố có nghĩa là chúng ta đã không thể quy trách nhiệm hình sự một người đã cố gắng phá hoại nền dân chủ của chúng ta”, bà McQuade nói. “Tôi không nghĩ rằng chúng ta muốn trở thành loại quốc gia mà chuyện này xảy ra thường xuyên.” McQuade nói thêm.

Truy tố hay không truy tố – “Đó là một quyết định quan trọng và chưa từng có tiền lệ chứ không dễ dàng như một số người có thể tưởng tượng”, ông Chuck Rosenberg, nhà phân tích pháp lý của NBC News, cũng từng là công tố viên liên bang và lãnh đạo Cục Chống Ma túy (DEA), cho biết.

Gánh nặng của Bộ trưởng Garland 

Bộ trưởng Tư pháp Merrick Gerland (giữa) và người phó ngồi bên tay phải của ông, Thứ trưởng Lisa Monaco – người chủ trì cuộc điều tra vụ tấn công ngày 6 tháng Giêng 2021, họp báo công bố thành lập đơn vị điều tra vụ thảm sát trường tiểu học ở Uvalde, Texas hôm 24 tháng Năm. Ảnh Chip Somodevilla/Getty Images

Trái bóng đang ở trong chân của Bộ trưởng Garland, một người điềm tĩnh, cựu chánh án tòa phúc thẩm liên bang có thói quen giấu kín suy nghĩ của mình. Một phát ngôn viên Bộ Tư pháp cho biết Bộ trưởng theo dõi phiên điều trần, nhưng không cho biết thêm chi tiết. Người phó của ông, bà Lisa Monaco, xác nhận các công tố viên đang xem xét các tác động pháp lý đối với những người tham gia vào các âm mưu dàn dựng các Cử tri Đoàn giả mạo tuyên bố Trump thắng ở các bang mà ông Joe Biden mới thực sự là người trúng cử.

Các đảng viên Dân Chủ phê phán Bộ Tư pháp đã không xử tội ông Trump dù hồi tháng Ba, trong một phán quyết của một vụ án dân sự, một thẩm phán liên bang đã quyết định rằng ông Trump “có nhiều khả năng hơn là không” phạm tội liên bang trong việc tìm cách cản trở việc kiểm phiếu của Quốc Hội ngày 6 tháng Giêng năm 2021. Thẩm phán này trích dẫn hai đạo luật: cản trở một thủ tục chính thức của chính quyền, và âm mưu lừa đảo nước Mỹ. Tại thời điểm đó, một phát ngôn viên của ông Trump gọi những lời khẳng định trên của vị thẩm phán là “vô lý và vô căn cứ.” Ông Trump đã liên tục phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Bộ trưởng Garland có lần nói vụ điều tra cuộc tấn công Quốc Hội ngày 6 tháng Giêng là công việc khẩn cấp nhất trong lịch sử của bộ tư pháp, nhưng ông từ chối dự đoán cuộc điều tra sẽ dẫn tới đâu trong lúc các điều tra viên vẫn tiếp tục thu thập và đánh giá các chứng cứ. “Chúng tôi không tránh né những vụ án mang tính chính trị, những trường hợp nhạy cảm hoặc gây tranh cãi. Điều mà chúng tôi tránh là đưa ra quyết định dựa trên nền tảng chính trị hoặc nền tảng đảng phái”, ông Garland nói với đài NPR hồi tháng Ba. Đọc diễn văn tại buổi lễ ra trường của sinh viên Đại học Harvard tháng trước, Bộ trưởng Garland nói: “Chúng tôi sẽ đi theo các sự kiện đến bất cứ nơi nào sự kiện dẫn dắt”. Nhưng những sự kiện được trình bày rõ ràng trong các phiên điều trần công khai ở Quốc Hội có dẫn dắt ông đến ông Trump không thì chưa ai biết được. 

Bà Joyce Vance, cựu luật sư, chuyên viên phân tích pháp lý của đài NBC nói có một thời gian, có vẻ như ông Garland đã kết luận việc truy tố ông Trump là một sai lầm, nhưng “sau đó khi bằng chứng ngày càng trở nên tồi tệ, vượt qua điểm giới hạn thì [ông ấy] nhận ra là phải điều tra.” Và bà – cũng như một số luật sư khác – cho rằng điều tra tội hình sự của ông Trump là việc làm đúng.

Vai trò của Tổng  thống Biden 

Một vấn đề nữa là liệu ông Garland sẽ tự mình đưa ra quyết định cuối cùng về việc có nên truy tố ông Trump hay không, hay ông sẽ tham khảo ý kiến ​​của Tổng thống Joe Biden, người đã cam kết không can thiệp vào các công việc của Bộ Tư pháp.

Tổng thống Joe Biden và Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland tại Tòa Bạch Ốc. Ảnh Chip Somodevilla/Getty Images

Theo truyền thống, Bộ Tư pháp đưa ra các quyết định buộc tội hình sự độc lập với tổng thống, nhưng trong những trường hợp liên quan đến ngoại giao Mỹ hoặc an ninh quốc gia, cơ quan hành pháp có thể và thực sự cân nhắc cẩn thận. Ông Biden có thẩm quyền pháp lý để đưa ra quyết định cuối cùng về việc có truy tố hay không, nhưng các chuyên gia vẫn chia rẽ ý kiến về chuyện liệu ông Biden có nên tham gia hay không.

“Tôi cảm thấy tổng thống sẽ phải cân nhắc nhiều. Chúng ta đang nói về một quyết định có tính chất lịch sử. Ông Biden là người được dân bầu, không phải ông Garland. Tại một thời điểm nào đó, chuyện này trở thành một vấn đề chính sách chứ không đơn thuần là một vấn đề pháp lý nữa”, ông Eliason – một cựu công tố viên liên bang và hiện là giảng viên Trường Luật Đại học George Washington, nhận xét.

Nếu vụ truy tố được xúc tiến, ông Biden có thể phải đối mặt với quyết định của chính ông: liệu việc ông sử dụng quyền ân xá của tổng thống – như Tổng thống Gerald Ford đã làm trong trường hợp của Tổng thống Richard Nixon – thì điều đó có vì lợi ích quốc gia hay không. 

Ông Nixon từ chức tổng thống năm 1974 khi cuộc luận tội đến gần, và đại bồi thẩm đoàn liên bang đang chuẩn bị truy tố ông với tội danh hối lộ, âm mưu, cản trở công lý và cản trở cuộc điều tra tội phạm. Ông đã được Tổng thống Ford ân xá, và việc ân xá của ông Ford đã bị chỉ trích gay gắt vào thời điểm đó. Các nhà sử học tin rằng ông Ford đã phải trả giá cho quyết định ân xá ông Nixon bằng thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1976. 

Nhưng đến năm 2001, ở tuổi 87, ông Ford đã được Thư viện John F. Kennedy trao giải thưởng Nhân Vật Can Đảm (Profiles in Courage Award). “Lúc đó, tôi là một trong những người đã lên tiếng phản đối hành động [ân xá] của ông ấy. Nhưng thời gian có cách làm sáng tỏ và bây giờ chúng ta thấy rằng Tổng thống Ford đã đúng. Lòng dũng cảm và sự cống hiến của ông cho đất nước chúng ta đã giúp chúng ta có thể bắt đầu quá trình hàn gắn và gạt bỏ thảm kịch Watergate lại sau lưng chúng ta”, Thượng nghị sĩ Edward Kennedy nói trong buổi lễ trao giải thưởng cho ông Ford.

Phiên điều trần thứ hai: Sự thật về Lời Nói Dối Lớn (Big Lie)

Nguồn gốc phát sinh Lời Nói Dối Lớn (Big Lie) của cựu Tổng thống Donald Trump

 

Sài Gòn Nhỏ

 

 

Dân Biểu Zoe Lofgren (Dân Chủ-California) (áo đỏ) điều khiển phiên điều trần thứ hai của Ủy ban Hạ viện điều tra vụ bạo loạn ngày 6 tháng Giêng 2021, tập trung làm rõ nguồn gốc và hậu quả của tuyên bố sai sự thật rằng cuộc bầu cử tổng thống 2020 bị gian lận. Ảnh Chip Somodevilla/Getty Images)

Tại phiên điều trần thứ hai, sáng 13 tháng Sáu 2022, Ủy ban Hạ viện điều tra vụ bạo loạn tấn công Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 6 tháng Giêng (Ủy ban 6/1) tập trung làm rõ nguồn gốc phát sinh Lời Nói Dối Lớn (Big Lie) của cựu Tổng thống Donald Trump rằng cuộc bầu cử tổng thống tháng Mười Một 2020 đã bị gian lận và chiến thắng của ông ta đã bị đánh cắp.

Lời tuyên bố dối trá được ông Trump đưa ra ngay trong đêm bầu cử và liên tục lặp lại từ đó đến nay đã lôi kéo hàng chục triệu người ủng hộ ông đóng góp tiền bạc vào quỹ pháp lý giúp đưa ra tòa án những vụ kiện về gian lận bầu cử, tạo làn sóng phản đối trên các mạng xã hội về tính chính đáng của chính quyền Biden và trực tiếp kích động cuộc bạo loạn tấn công trụ sở Quốc Hội ngày 6 tháng Giêng 2021.

Phiên điều trần thứ hai đã trình bày lời khai hữu thệ, trực tiếp và qua video, của một số cố vấn của ông Trump, nổi bật là những lời khai của cựu Bộ trưởng Tư pháp William Barr, cựu giám đốc chiến dịch tái tranh cử của ông Trump, Bill Stepien, nhà báo Chris Stirewalt – cựu trưởng ban chính trị của đài Fox News và các quan chức bầu cử từ Georgia và Pennsylvania.

Will Barr: Ông Trump xa rời thực tế

Bộ trưởng Barr – qua nhiều đoạn video ghi lời khai – nói ông Trump ngày càng “xa rời thực tế” trong những ngày trước và sau cuộc bầu cử. Với cương vị người đứng đầu bộ Tư pháp và bạn thân của ông Trump, ông Barr đã nhiều lần nói với tổng thống rằng tuyên bố bầu cử gian lận mà ông ta đưa ra là vô căn cứ, rằng không có bằng chứng khả tín nào cho thấy cuộc bầu cử đã bị đánh cắp, những cáo buộc gian lận của ông Trump là “điên rồ” và “tầm bậy” (bullshit). Nhưng ông Trump “không bao giờ có dấu hiệu quan tâm đến sự thật thực tế là như thế nào”. Theo ông Barr, ông Trump biết những tuyên bố của mình về một cuộc bầu cử gian lận là không đúng sự thật nhưng tổng thống thực sự tin vào những lời nói dối mà ông ta đang nói.

Ông Bill Stepien, chỉ huy chiến dịch tranh cử của ông Trump, cho biết người làm cho ông Trump tin vào lời nói dối lớn không ai khác hơn là cựu luật sư Judy Giuliani. Ông Stepien dự kiến ra trình bày trực tiếp tại phiên điều trần sáng nay nhưng tới phút cuối vợ ông chuyển dạ sinh con nên ông không đến được, Ủy ban chỉ cho chiếu video những cuộc phỏng vấn ông ta có sự tham gia của luật sư của ông.

Theo ông Stepien, trong buổi tối ngày bầu cử (ngày 3 tháng Mười Một 2020) ông đã hối thúc tổng thống Trump đừng tuyên bố chiến thắng sớm vì có khả năng phiếu bầu của các cử tri đảng Dân Chủ được đếm sau đó có khả năng sẽ làm thay đổi kết quả. “Tôi nói với ông ấy rằng đây [bầu cử] là một tiến trình; bây giờ cần phải chờ đợi để xem không khí như thế nào,” ông Stepien nói. Nhưng ông Trump phớt lờ ông ta, tuyên bố thắng cử dù cuộc kiểm phiếu chỉ mới bắt đầu và tỏ ý muốn dừng hoạt động kiểm phiếu. Ông Stepien và những người khác cho biết, khi tuyên bố như vậy ông Trump đã làm theo lời của ông Rudy Giuliani, lúc đó đang say rượu và nói rằng cuộc bầu cử đang bị đánh cắp.

Phiên điều trần xem lại những đoạn video mà ông Giuliani, luật sư riêng của Tổng thống Trump, đưa ra các cáo buộc sai sự thật về gian lận bầu cử. Ông Trump đã nghe theo ông Giuliani bất chấp lời can ngăn của các cố vấn cao cấp. Ảnh Chip Somodevilla/Getty Images)

Hai đội cố vấn

Theo tường thuật của ông Stepien, thời gian đó trong Tòa Bạch ốc có “hai đội” cố vấn bầu cử vây quanh ông Trump mà ông Stepien gọi là Đội Bình Thường (Normal Team) – là các cố vấn đã và đang điều hành chiến dịch tranh cử của ông Trump; và Đội Giuliani (Giuliani Team) hay Đội Điên Khùng (Crazy Team) do luật sư riêng của ông Trump dẫn đầu. Trong khi Đội Bình Thường thúc giục ông Trump từ bỏ những cáo buộc gian lận vô căn cứ thì đội của ông Giuliani đang nuôi dưỡng sự hoang tưởng của tổng thống và thúc đẩy ông ta đưa ra những tuyên bố vô căn cứ và viển vông về “lá phiếu của người chết”, làm sai lạc máy bỏ phiếu và nhiều cáo buộc sai sự thật khác. Các diễn biến thực tế cho thấy ông Trump đã lắng nghe đội do ông Giuliani lãnh đạo thay vì nghe những người điều hành chiến dịch tranh cử và làm việc trong chính quyền của ông. Con rể và cố vấn cao cấp của tổng thống, ông Jared Kushner, khai rằng chính ông cũng khuyến cáo ông Trump không làm theo lời khuyên của luật sư Giuliani. “Về căn bản, đó không phải là cách của tôi,” ông Kushner nói.

Trong lúc cuộc kiểm phiếu đang diễn ra thì đài Fox News – đài truyền hình cánh hữu thân thiết với ông Trump – trở thành cơ quan truyền thông đầu tiên loan báo ông Joe Biden chiến thắng ở tiểu bang Arizona. Nhà báo Chris Stirewalt, biên tập viên chính trị của Fox News, đã bị sa thải ngay sau đó, được biết là do áp lực của ông Trump và ông Giuliani. Tại phiên điều trần, ông Stirewalt khẳng định ông đưa ra thông tin thất bại của ông Trump ở Arizona căn cứ trên dữ kiện bầu cử mà không thiên vị; đến bây giờ ông vẫn tự hào rằng nhóm của ông là người đầu tiên gọi chính xác kết quả của Arizona và nói rằng ông Trump “không có cơ hội” giành chiến thắng ở đó. 

Cú Lừa Lớn (Big Rip-off)

Trong phiên đầu trần sáng nay 13-6, Ủy ban 6/1 đã cho chiếu lại cảnh ông Trump kêu gọi người ủng hộ góp tiền vào quỹ Phòng vệ Bầu cử để giúp ông lật ngược kết quả bầu cử. Quỹ đó dường như không tồn tại và tiền đóng góp được dùng vào việc gì thì không ai rõ. DB Lofgren cho rằng Lời Nói Dối Lớn đã dẫn tới Cú Lừa Lớn. Ảnh Mandel NGAN-Pool/Getty Images)

Lời tuyên bố sai sự thật của ông Trump về gian lận bầu cử không chỉ có tác động chính trị khủng khiếp, làm chia rẽ nước Mỹ mà còn nhằm thuyết phục người ủng hộ tổng thống đóng góp hàng trăm triệu đô la cho một quỹ được gọi là “Quỹ Phòng vệ Bầu cử” (Election Defense Fund). 

Dân Biểu Zoe Lofgren (Dân Chủ – California), người điều phối phiên điều trần thứ hai vào sáng nay 13 tháng Sáu – nhận định rằng Lời Nói Dối Lớn cũng là Cú Lừa Lớn (Big-Rip-off). Trong phát biểu tóm tắt phiên điều trần, bà Lofgren đã mô tả cách ông Trump và các trợ lý của ông sử dụng những tuyên bố vô căn cứ về gian lận bầu cử để vận động người ủng hộ ông Trump đóng góp $100 triệu trong tuần đầu tiên sau bầu cử và tổng cộng khoảng $250 triệu, với niềm tin rằng tiền của họ sẽ giúp tổng thống chiến đấu để “đòi lại kết quả bị đánh cắp”.

Nhưng cuộc điều tra của ủy ban cho biết không có bằng chứng cho thấy một quỹ như vậy từng tồn tại. Thay vào đó, hàng triệu đô la đã đổ vào một siêu PAC (Ủy ban Hành động Chính trị) mà tổng thống lập ra ngày 9 tháng Mười Một, chỉ vài ngày sau cuộc bầu cử. Theo ủy ban, PAC đã gửi $1 triệu cho một quỹ từ thiện do Mark Meadows, cựu giám đốc nhân sự của ông Trump điều hành và $1 triệu khác cho một nhóm chính trị do một số nhân viên cũ của ông điều hành, bao gồm cả cố vấn Stephen Miller, người thiết kế chính sách chống nhập cư của ông Trump.

“Trong suốt cuộc điều tra của ủy ban, chúng tôi đã tìm được bằng chứng cho thấy chiến dịch của ông Trump đã đánh lừa các nhà tài trợ về nguồn tiền của họ sẽ đi đâu và được sử dụng vào việc gì. Vì vậy, không chỉ có Lời nói dối lớn, còn có Sự lừa dối lớn. Các nhà tài trợ xứng đáng được biết nguồn tiền của họ đang thực sự đi đến đâu. Họ xứng đáng nhận được nhiều hơn những gì Tổng thống Trump và đội của ông ấy đã làm ”, bà Lofgren nói.

 

Cuộc thí nghiệm vĩ đại

Sài Gòn Nhỏ
Đại cử tri đoàn tiểu bang Michigan họp để bỏ phiếu vào ngày 19 Tháng Mười Hai, năm 2016 tại Lansing, Michigan. (Minh họa: Sarah Rice / Getty Images)

Theo dõi các buổi điều trần của Uỷ Ban Đặc trách Điều tra vụ Tấn công vào Quốc Hội ngày 6/1, chúng ta thường nghe Chủ tịch Bennie Thompson nhắc đến đạo luật Electoral Count Act (ECA). Vậy, nguồn gốc của ECA và những thay đổi cần thiết trong tương lai là gì?

Giết nhau chỉ vì một chiếc ghế

Hiến Pháp Mỹ quy định mỗi đại cử tri phải bỏ hai lá phiếu cho tổng thống. (Minh họa: Getty Images)

Thuở ban đầu, Hiến Pháp Mỹ quy định mỗi đại cử tri (Elector) phải bỏ hai lá phiếu cho tổng thống, rút từ danh sách các ứng cử viên có khi lên đến cả chục người. Ai nhận được đa số phiếu (50% + 1) sẽ làm tổng thống; người nhiều phiếu thứ nhì sẽ làm phó tổng thống.

Trong hai mùa bầu cử đầu tiên, điều này không là vấn đề, vì khi ấy đảng phái chính trị chưa thực sự thành hình. Vả lại, mọi người đều ủng hộ George Washington. Nhưng ngay sau khi Washington về hưu, chuyện lộn xộn xảy ra. John Adams thuộc đảng Federalist đắc cử tổng thống mùa 1796. Nhưng phó tổng thống lại là Thomas Jefferson thuộc đảng đối lập, Republican-Democratic. Chính quyền vì thế gặp nhiều khó khăn trong việc điều hành đất nước, đặc biệt trong vấn đề đối ngoại.

Năm 1800 không ứng viên nào có đủ đa số để thắng cử. Quốc Hội phải đứng ra dàn xếp giữa hai ứng viên được nhiều phiếu nhất là Thomas Jefferson và Aaron Burr. Sau 35 cuộc bỏ phiếu bất phân thắng bại, cuối cùng Alexander Hamilton phản đảng Federalist, nhảy qua ủng hộ Jefferson. Ghim xương mối hận bị phản bội, Tháng Bảy năm 1804, Aaron Burr thách thức Hamilton đấu súng và … bắn chết bạn mình.

Tu Chính Án 12

Chỉ vài tháng trước khi án mạng xảy ra, Quốc Hội thông qua Tu Chính Án 12 để chỉnh đốn luật bầu cử. Chiếu theo đó, Đại Cử Tri Đoàn (Electoral College) phải họp mặt vào ngày thứ Hai đầu tiên sau ngày thứ Tư thứ nhì của tháng Mười Hai để bỏ phiếu. Mỗi đại cử tri chỉ được bỏ một phiếu cho tổng thống và một phiếu cho phó tổng thống. Ngoài ra, mỗi đảng chính trị chỉ được đề cử ứng viên theo hình thức liên danh như chúng ta thấy ngày nay nhằm tránh trường hợp tổng thống và người phó không cùng đảng.

Nếu không liên danh nào đủ đa số phiếu, Hạ Viện có nhiệm vụ bầu tổng thống và phó tổng thống. Chuyện này đã xảy ra một lần vào năm 1824 giữa Andrew Jackson, John Quincy Adams (con John Adams) và hai ứng cử viên khác. Mặc dù Jackson được nhiều phiếu phổ thông và nhiều phiếu đại cử tri nhất trong kỳ bầu cử toàn quốc, ông lại thua John Quincy Adams tại Hạ Viện.

Không sờn lòng, bốn năm sau Jackson ra tranh cử lần nữa và đánh bại Adams. Lạ lùng là ông lại chọn John Calhoun, phó tổng thống của Adams, làm phó tổng thống cho mình!

Tilden vs Hayes

Trong cuộc bầu cử 1876, nước Mỹ lại rơi vào khủng hoảng một lần nữa. Ứng viên Samuel Tilden được 184 phiếu, chỉ cần thêm một đại cử tri nữa là đủ chiếm đa số. Nhưng lúc bấy giờ vẫn còn 20 phiếu của bốn tiểu bang đang tranh chấp chưa được chứng thực. Rutherford B. Hayes tuy chỉ có 165 phiếu nhưng vẫn quả quyết 20 phiếu chưa đếm ấy trước sau gì cũng về tay mình. Thay vì chờ kết quả chính thức, bên nào cũng tuyên bố mình thắng.

Không ai biết phải giải quyết ra sao. Cuối cùng Lưỡng Viện lập ra một Uỷ ban Đặc biệt gồm 10 dân biểu và nghị sĩ của hai đảng, cùng năm vị thẩm phán của Tối Cao Pháp Viện để phân xử. Sau nhiều ngày bàn cãi, cuối cùng Hayes được Uỷ Ban trao toàn bộ 20 phiếu đại cử tri đang tranh chấp nhờ có sự ủng hộ của Thượng Viện do đảng của ông Hayes cầm đầu. Ông Tilden tuy bị xử thua nhưng nhất quyết chống tới cùng, thậm chí còn dọa gây chiến.
Hình vẽ một đám đàn ông bị buộc tội gian lận cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống giữa Rutherford B. Hayes và Samuel J. Tilden, đang tranh luận với các quan chức tại New York, Tháng Mười Một, năm 1876. (ảnh: theo Stock Montage / Getty Images )

Lúc bấy giờ nước Mỹ vừa thoát khỏi cơn Nội Chiến và đang trong thời kỳ “Tái Thiết” (Reconstruction). Các tiểu bang miền Nam, đa số theo đảng Dân Chủ, vô cùng ghét chương trình này vì nó bảo vệ người cựu nô lệ. Để lấy lòng các tiểu bang miền Nam, đảng Cộng Hoà thoả hiệp bằng cách chấm dứt chương trình Tái Thiết, làm ngơ cho các chính quyền miền Nam áp dụng những sắc luật Jim Crow đàn áp người da Đen. Đổi lại, đảng Dân Chủ nhắm mắt chấp nhận kết quả bầu cử, cho phép Hayes lên làm tổng thống.

Đây là trường hợp duy nhất trong lịch sử một ứng viên thắng cử dù không đủ phiếu đại cử tri. Và hậu quả của nó là nạn kỳ thị chủng sắc được nuôi dưỡng và kéo dài thêm cả thế kỷ.

“Treo cổ Mike Pence!”

Để tránh những trường hợp tương tự, năm 1877 Quốc Hội ra đạo luật đếm phiếu – Electoral Count Act (ECA), được sử dụng cho tới ngày nay.

Trước hết, ngày tân tổng thống nhậm chức được dời từ Tháng Ba sang Tháng Giêng để rút ngắn thời gian bàn giao chính quyền. Sáu ngày trước khi đại cử tri họp để bỏ phiếu, các vị thống đốc có trách nhiệm chứng thực kết quả bầu cử tại tiểu bang của mình. Ngày ấy được gọi là “Safe Harbor Day”, tạm dịch là “Vịnh An Toàn”. Đúng 12 giờ đêm, danh sách các đại cử tri (Slate of Electors) được tiểu bang chứng nhận sẽ trở thành chính thức và phải được Quốc Hội công nhận. Mọi tranh chấp sau ngày ấy đều hoàn toàn vô nghĩa, và đó là lý do dẫn đến mâu thuẫn chết người giữa Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Pence vào ngày 6 Tháng Giêng, 2021.

Sau ngày “Vịnh An Toàn” năm 2020, 306 phiếu đại cử tri đã được chứng thực cho Joe Biden; Donald Trump được 232 phiếu. Trên nguyên tắc thì “ván đã đóng thuyền,” nhưng tại một vài tiểu bang, số người ủng hộ Donald Trump vẫn cố tình lập ra những danh sách đại cử tri giả (không được chứng nhận) để tìm cách lật kèo kết quả bầu cử. Họ hy vọng đến ngày 6/1 Mike Pence sẽ đếm số phiếu giả này và trao chiến thắng cho Donald Trump một cách bất chính và phi pháp.

Nhưng như Uỷ Ban 6/1 cho thấy, dù bị áp lực nặng nề từ sếp của mình, Mike Pence nhất quyết không làm chuyện vi hiến. Khi thấy Pence vẫn ngoan cố trong lúc đám đông đã tràn vào Điện Capitol, Trump tung ra một cú tweet lên án vị phó của mình, khiến đám người cuồng loạn càng nổi điên, kêu gào đòi “Treo cổ Mike Pence! Treo cổ Mike Pence!”

Cựu Phó Tổng thống Pence. (ảnh: Getty Images)

Cuộc thí nghiệm vĩ đại

Trong lúc Phó Tổng thống Pence và gia đình được được cấp tốc đưa xuống hầm trú ẩn, những người đòi lấy mạng ông Pence đã đến gần ông chưa đầy 15 thước. Vài thành viên của nhóm Proud Boys hiện đang ngồi tù khai rằng hôm đó nếu bắt được ông Pence hay bà Chủ tịch Hạ Viện Pelosi, họ sẽ không ngần ngại xử quyết ngay tại chỗ!

Nước Mỹ rất may mắn khi Mike Pence kiên định lập trường và làm tròn nhiệm vụ vủa mình. Giả sử ngày hôm đó Mike Pence mà tuân lệnh Donald Trump, rất có thể bạo loạn đã xảy ra trên toàn quốc. Một trong những công tác của Uỷ Ban 6/1 là đề xuất những thay đổi cần thiết trong đạo luật bầu cử để không một ai, dù là phó tổng thống hay chủ tịch Thượng hoặc Hạ Viện, có thể thay đổi mấy trăm triệu lá phiếu của cử tri. Đặc điểm của chế độ dân chủ Hoa Kỳ là nó luôn luôn cần sửa đổi, điều chỉnh.

Đó là lý do tại sao nước Mỹ còn được gọi là The Great American Experiment – cuộc thí nghiệm vĩ đại.

 

Phiên điều trần thứ ba: Ông Mike Pence thoát chết trong gang tấc

Sài Gòn Nhỏ

Phiên điều trần chiếu lại hình ảnh Phó Tổng thống Mike Pence trong một hội nghị, ở đó ông khẳng định chắc chắn ông không có thẩm quyền bác bỏ kết quả bầu cử của các tiểu bang như yêu cầu của Tổng thống Trump. Và vì vậy, ông bị đám đông nổi loạn theo ông Trump đòi treo cổ Ảnh Drew Angerer/Getty Images

Ủy ban Hạ viện điều tra vụ tấn công Điện Capitol ngày 6 tháng Giêng 2021 đã tổ chức phiên điều trần thứ ba tập trung làm sáng tỏ chiến dịch gây áp lực của Tổng thống Donald Trump nhằm buộc Phó Tổng thống Mike Pence đảo ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống tháng Mười Một năm 2020; và khi ông Pence tỏ ý không làm theo yêu cầu đó, ông Trump đã kích động đám đông tấn công vào Quốc Hội, ngăn chặn ông Pence chủ trì việc kiểm phiếu và gây nguy hiểm cho tính mạng của ông Phó Tổng thống.

Phiên điều trần đã mời hai nhân chứng trực tiếp tham dự là ông Greg Jacob, luật sư, cố vấn pháp lý của Phó Tổng thống Mike Pence và ông J. Michael Luttig, cựu thẩm phán bảo thủ. Ủy ban cũng cho trình chiếu nhiều video tài liệu và lời khai của các nhân vật liên quan như ông Marc Short, chánh văn phòng của ông Pence, ông Jason Miller, cố vấn của ông Trump và nhiều nhân vật khác. Khác với hai phiên trước, phiên này liên quan tới nhiều vấn đề pháp lý, luật lệ và hiến pháp hơn là các sự kiện thực tế.

Mọi người tụ tập để theo dõi phiên điều trần điều tra vụ tấn công ngày 6 tháng 1 vào Điện Capitol của Hoa Kỳ. Hình chụp ngày 9 Tháng Sáu, 2022 tại Washington, DC. (ảnh: Tasos Katopodis / Getty Images)

Kế hoạch đảo chính

Trong phần đầu cuộc điều trần, Dân biểu Pete Aguilar (Dân Chủ – California), thành viên ủy ban Hạ Viện, đã yêu cầu các nhân chứng tường thuật chi tiết cuộc đấu tranh pháp lý giữa các cố vấn của Phó Tổng thống Pence và luật sư bảo thủ John Eastman, giáo sư luật trường Đại học Chapman về việc ông Pence có hay không có thẩm quyền đảo ngược kết quả bầu cử và tuyên bố chiến thắng cho ông Donald Trump.

Ông Eastman cố vấn cho ông Trump rằng, ông Pence là người duy nhất có thể tuyên bố ông Trump thắng cử với cương vị chủ tịch Thượng Viện, người chủ trì phiên họp khoáng đại của Quốc Hội để chứng nhận số phiếu đại cử tri mà các tiểu bang trình lên để công nhận kết quả bầu cử. Ông Eastman đã viết một bản ghi nhớ mà các thành viên của cả hai bên đã mô tả như một bản kế hoạch cho một cuộc đảo chính, theo đó ông Trump đã dùng đủ cách gây áp lực buộc ông Pence hoặc từ chối công nhận số phiếu của bảy tiểu bang “chiến trường” mà ông Joe Biden chiến thắng, hoặc trả kết quả về cho nghị viện các tiểu bang xem xét lại, thậm chí tạo ra các nhóm đại cử tri ủng hộ Trump ở các tiểu bang mà ông Biden Jr chiến thắng. 

Trong khi đó, ông Jacob khai rằng, ông Pence biết rất sớm rằng kế hoạch của ông Trump là bất hợp pháp và không có cách nào biện minh được. Ngay cả chánh văn phòng của ông Trump, ông Mark Meadows cũng biết rằng, hành động lật ngược kết quả bầu cử đã được các tiểu bang chứng nhận và trình lên là bất hợp pháp.

Ngày 4 tháng Giêng, hai ngày trước cuộc họp Quốc Hội, ông Trump và ông Pence còn có một cuộc họp nảy lửa ở Tòa Bạch Ốc, trong đó ông Pence cố chống lại áp lực của ông Trump và quyết định làm đúng theo nhiệm vụ đã quy định trong Hiến Pháp – quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước bắt đầu đổ vỡ. Những áp lực và đe dọa từ ông Trump đã khiến ông Mark Short phải báo cho sở Mật Vụ và yêu cầu gia tăng các biện pháp bảo vệ an ninh cho ông Phó Tổng thống.

Các cố vấn pháp lý của ông Pence nói rằng, ông Pence không thể làm như vậy và vai trò của ông điều hành cuộc kiểm phiếu của Quốc Hội chỉ có tính cách thủ tục; ông không thể làm trái với ý chí của cử tri trong việc bầu ra nhà lãnh đạo mới của đất nước. Dân biểu Liz Cheney (Cộng Hòa – Wyoming), Phó Chủ tịch Ủy ban, cho rằng, làm như vậy không chỉ sai lầm mà còn trái luật, trái hiến pháp, gây nguy hiểm cho nền dân chủ Hoa Kỳ.

Cuộc tranh chấp pháp lý giữa luật sư của ông Pence và luật sư Eastman của ông Trump kéo dài trong gần một tháng trước ngày họp Quốc Hội. Ông Jacob khai rằng, phải hai ngày trước cuộc bạo loạn, ông Eastman mới thú nhận với ông Trump rằng kế hoạch ép ông Pence cản trở việc chứng nhận kết quả bầu cử là vi phạm pháp luật, dù ông Eastman vẫn tiếp tục cổ vũ cho việc đảo ngược kết quả bầu cử. Theo tài liệu của Ủy ban điều tra, sau cuộc bạo loạn, ông Eastman đã yêu cầu ông Trump “ân xá” khi ông chưa hề bị truy tố hay kết tội, nhưng yêu cầu đó không được ông Trump đáp ứng.

Các nhân chứng G. Jacob (trái) và M. Luttig tuyên thệ khai báo sự thật tại phiên điều trần. Ảnh chụp màn hình ti-vi.

“Treo cổ Mike Pence”!

Do ông Pence không làm theo yêu cầu của ông Trump, trong bài phát biểu trước ủng hộ viên tại công viên Ellipse trưa ngày 6 tháng Giêng 2021, lúc đám đông bạo loạn đã bắt đầu tràn lên đồi Capitol nơi ông Pence chủ trì phiên họp Quốc Hội, ông Trump đã dùng những lời lẽ kích động để lên án ông Pence “phản bội”. Rồi ngay trong lúc cuộc bạo loạn đang diễn ra căng thẳng, ông Trump tiếp tục tung ra nhiều tweet kết án ông Pence đã không ngăn chặn tiến trình kiểm phiếu. “Mike Pence đã không có can đảm làm những gì cần phải làm để bảo vệ Đất nước và Hiến Pháp, để cho Đất nước một cơ hội chứng nhận các dữ kiện chính xác, không phải những dữ kiện gian trá và sai lầm. Nước Mỹ đòi hỏi sự thật!”, ông Trump viết tweet hôm 6 tháng Giêng 2021.

Đám đông bạo loạn, được sự cổ vũ của ông Trump, đã lùng sục khắp Quốc Hội để tìm ông Pence, hô vang những khẩu hiệu “Lôi cổ Mike Pence ra”, “Treo cổ Mike Pence” và một mô hình giá treo cổ được dựng lên bên ngoài khuôn viên Quốc Hội. Từ Tòa Bạch Ốc, ông Trump biết Quốc Hội đang bị bao vây và phá hoại, biết ông Pence đang ở trong Quốc Hội nhưng thay vì ngăn chặn vụ tấn công, bảo vệ người phó của mình, ông Trump đã hướng đám đông tấn công ông Pence, theo nhận định của ông Bernie Thompson, Chủ tịch Ủy ban.

Cùng với những dân biểu và nghị sĩ, ông Pence được Mật Vụ đưa đến một nơi trú ẩn an toàn trong tòa nhà Quốc Hội; ở đó ông liên tục gọi điện cho các tướng lĩnh chỉ huy quân đội yêu cầu đưa binh lính đến lập lại trật tự khi ông biết ông Trump đã không làm gì để ngăn chặn cuộc bạo loạn càng lúc càng dữ dội. Tài liệu của Ủy ban điều tra cho biết ông Pence đã phải trú ẩn tới bốn tiếng rưỡi đồng hồ và chỉ trở lại cuộc họp Quốc Hội khi trật tự được vãn hồi, đám đông bạo loạn bị giải tán. Có lúc căng thẳng nhất ông Mike Pence chỉ còn cách đám bạo loạn đòi treo cổ ông chỉ 40 feet (10 mét). Ông Thompson nói tinh thần  dũng cảm của ông Mike Pence trong ngày 6 tháng Giêng là một điều may mắn cho nền cộng hòa.

Chuyên gia pháp lý J. Michael Luttig, cựu chánh án tòa phúc thẩm liên bang, nói rằng, nếu ông Pence bị giết trong vụ bạo loạn, cuộc kiểm phiếu của Quốc Hội không thực hiện được thì đó là một cuộc đảo chánh, một vụ khủng hoảng hiến pháp nghiêm trọng nhất kể từ khi thành lập nước Mỹ. Ông Trump, các đồng minh và người ủng hộ ông là mối nguy “hiện hữu và rõ ràng” cho nền dân chủ Mỹ, ông Luttig nói tại phiên điều trần.

Như vậy, Ủy ban Điều tra của Hạ viện đã hoàn thành ba phiên điều trần công khai, phiên đầu cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về vai trò trung tâm của ông Trump trong vụ bạo loạn tấn công Quốc Hội ngày 6 tháng Giêng năm 2021; phiên thứ hai về nguồn gốc phát sinh lời nói dối lớn (Big Lie) của ông Trump về “cuộc bầu cử bị gian lận” và phiên thứ ba về kế hoạch gây áp lực với ông Pence để đảo ngược kết quả cuộc bầu cử.

Trong phiên điều trần kế tiếp vào thứ Ba 21 tháng Sáu, Ủy ban sẽ tập trung vào việc ông Trump đã gây áp lực lên các quan chức phụ trách bầu cử thuộc đảng Cộng Hòa ở các tiểu bang, các vị dân cử Cộng Hòa trong Quốc Hội để đảo ngược kết quả và giúp ông ta tiếp tục nắm giữ quyền lực như thế nào.

Phiên điều trần thứ tư: Ép quan chức bầu cử, tấn công nền dân chủ

Các quan chức bầu cử địa phương bị ông Trump gây áp lực buộc thay đổi kết quả bầu cử

Sài Gòn Nhỏ
Thông tin chấn động về nội dung cuộc điện đàm giữa ông Trump và Bộ trưởng Nội vụ tiểu bang Georgia ngày 2 tháng Giêng 2021 trong đó ông Trump yêu cầu ông bộ trưởng tìm cho ông hơn 11,000 phiếu để ông vượt qua được ông Joe Biden. Những chi tiết về kế hoạch gây sức ép buộc các quan chức bầu cử địa phương thay đổi kết quả bầu cử là trọng tâm của phiên điều trần thứ tư ngày 21 tháng Sáu của Ủy ban Hạ viện điều tra vụ bạo loạn ngày 6 tháng Giêng 2021. Ảnh Al Drago-Pool/Getty Images

Trong phiên điều trần thứ tư chiều ngày 21 tháng Sáu 2022, Ủy ban Lựa chọn của Hạ viện điều tra vụ bạo loạn ngày 6 tháng Giêng 2021 đã tập trung làm rõ chuyện Tổng thống Donald Trump đã gây áp lực như thế nào để buộc các quan chức tiểu bang giám sát cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ tháng Mười Một 2020 phải thay đổi kết quả kiểm phiếu, phải tìm thêm hàng ngàn phiếu không có thật, thậm chí ngụy tạo các cử tri đoàn (đại cử tri) để giúp ông thắng cử.

Trong phần đầu phiên điều trần, Ủy ban đã mời ba nhân vật cao cấp ra trình bày công khai. Đó là các ông Rusty Bowers, Chủ tịch Hạ Viện tiểu bang Arizona; ông Brad Raffensperger, Bộ trưởng Nội Vụ tiểu bang Georgia và ông Gabriel Sterling, giám đốc điều hành của Bộ Nội Vụ Georgia. Cả ba ông này đều là người của đảng Cộng Hòa, đều ủng hộ ông Trump và đều mong muốn ông được thắng cử; nhưng kết quả bầu cử cho thấy ông Joe Biden của đảng Dân Chủ thắng phiếu phổ thông ở cả hai tiểu bang.

Các nhân chứng tuyên thệ khai báo sự thật tại phiên điều trần thứ tư. Từ trái qua: Chủ tịch Hạ Viện Arizona Rusty Bowers, Bộ trưởng Nội vụ Georgia Brad Raffensperger và COO của Bộ Nội Vụ Georgia Gabriel Sterling. Cả ba đều là quan chức cao cấp của đảng Cộng Hòa. ẢnhMichael Reynolds-Pool/Getty Images

Tôi không muốn làm con tốt, phản bội lời thề

Khoảng một tiếng đồng hồ trước khi phiên điều trần bắt đầu, ông Trump đã ra tuyên bố tấn công Chủ tịch Hạ viện Arizona Rusty Bowers. Ông Trump nói rằng trong một cuộc điện đàm vào tháng Mười Một 2020, ông Bowers “nói với tôi rằng cuộc bầu cử đã bị gian lận và rằng tôi đã thắng Arizona.” Đáp lại, với giọng điệu mạnh mẽ, ông Bowers cực lực bác bỏ tuyên bố của Trump. “Tôi đã nói chuyện với tổng thống. Chắc chắn không phải vậy. Bất cứ ai, bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào nói rằng tôi nói cuộc bầu cử là gian lận, điều đó là không đúng,” ông Bowers nói trong cuộc điều trần công khai.

Ông Bowers kể lại những nỗ lực của ông Trump và nhóm luật sư của ông ta vận động các nhà lập pháp tiểu bang tổ chức các phiên điều trần công khai về việc bỏ phiếu gian lận. Một lần sau ngày bầu cử, ông Trump và luật sư riêng của ông, ông Rudy Giuliani gọi điện thoại yêu cầu ông triệu tập phiên họp Quốc Hội tiểu bang để điều tra những lời cáo buộc không có căn cứ của họ và khởi động một kế hoạch thay thế cử tri đoàn đã chọn bằng một nhóm khác có lợi cho ông Trump hơn. Ông Bowers đã nhiều lần yêu cầu họ đưa cho ông bằng chứng chứng minh cuộc bầu cử bị gian lận. Ông Giuliani nói sẽ đưa ra những bằng chứng như vậy nhưng đã không bao giờ có bằng chứng nào cả. 

Trong nhiều tuần lễ sau đó, ông Giuliani và các đồng minh của ông Trump không đưa ra được bằng chứng đã hứa, ông Bowers đã từ chối yêu cầu triệu tập Quốc Hội tiểu bang để điều tra gian lận. “Tôi thấy không có bằng chứng đáng để triệu tập một phiên điều trần và tôi không muốn bị sử dụng như một con tốt.” “Tôi nói [với Giuliani], ‘ông đang yêu cầu tôi làm một việc trái với lời thề của tôi và tôi sẽ không vi phạm lời thề của mình’”.

Tại một thời điểm khác trong phiên điều trần, ủy ban đã phát video Giuliani nói rằng nhóm của Trump có bằng chứng về những người nhập cư bất hợp pháp và những người chết bỏ phiếu ở Arizona. Nhưng các nhân chứng cho biết họ chưa bao giờ nhận được bằng chứng ủng hộ những cáo buộc đó.

Một thành viên cấp cao khác của đảng Cộng Hòa, Dân biểu liên bang Andy Biggs đại diện Arizona và một người ủng hộ Trump trung thành, đã yêu cầu ông Bowers ủng hộ việc “phế truất” các đại cử tri ngay trước khi Quốc Hội tiến hành kiểm phiếu, nhưng “Tôi nói tôi sẽ không làm như vậy,” ông Bowers nhớ lại.

Thái độ cương quyết không làm trái lời thề bảo vệ Hiến Pháp của Chủ tịch Hạ Viện Arizona Rusty Bowers đã biến ông thành mục tiêu chống đối của những người ủng hộ ông Trump. Liên tiếp trong nhiều ngày cuối năm 2020, những đám đông bạo loạn đã kéo vào hành lang Hạ Viện tiểu bang tìm ông Bowers, biểu tình la hét trước nhà ông ở ngoại ô Phoenix, dùng súng dọa dẫm hàng xóm của ông, rải truyền đơn tố cáo ông tham nhũng và phạm tội ấu dâm v.v… Tất cả những vụ quấy rối này diễn ra trong thời gian con gái ông bị bệnh nặng nằm hấp hối trong nhà; cô Kasey Bowers đã mất sau đó vào cuối tháng Giêng 2021.

Những con số không nói dối

Bộ trưởng Nội vụ tiểu bang Georgia Brad Raffensperger, một trong hai quan chức đảng Cộng Hòa đến làm chứng trực tiếp vào thứ Ba cũng chính là người mà cuộc đàm thoại với ông Trump ngày 2 tháng Giêng 2021 được ghi âm lại, trong đó ông Trump yêu cầu ông Raffensperger tìm cho ông ta hơn 11,000 lá phiếu để đảo ngược kết quả bầu cử, đã gây chấn động cả nước Mỹ và hiện đang được một đại bồi thẩm đoàn ở Georgia xem xét cáo buộc hình sự. Ông Raffensperger nói với Ủy ban rằng sau khi ông từ chối tìm phiếu bầu để giúp ông Trump vượt qua ông Biden, ông đã ngập trong các tin nhắn khó chịu, sau đó vợ ông cũng nhận được nhiều tin nhắn khủng khiếp và bị quấy rối tình dục. Những người ủng hộ Trump cũng đã đột nhập vào nhà của người vợ góa của con trai ông.

“Những con số là những con số. Những con số không nói dối. Chúng tôi đã nhận được nhiều cáo buộc và chúng tôi đã điều tra từng cáo buộc một”, Raffensperger nói, kể lại cách nhóm của ông xác định cách các tuyên bố được Trump trích dẫn trong cuộc gọi là không chính xác.

Trong số những cáo buộc đó có một câu chuyện sai sự thật được ông Trump và ông Giuliani nhắc đi nhắc lại rằng có một đoạn video quay tại một điểm kiểm phiếu ở Atlanta cho thấy các nhân viên bầu cử liên tục đếm các lá phiếu gian lận bầu cho ông Biden được tuồn vào tòa nhà trong một chiếc vali. Bộ trưởng Tư pháp của ông Trump vào thời điểm đó, ông William P. Barr, đã nói với ủy ban rằng Bộ Tư pháp đã điều tra đơn kiện và thấy nó “không có giá trị”. Các quan chức Georgia cũng cho biết như vậy.

Lời điều trần qua video mà Ủy ban thu thập được cho thấy những thủ đoạn gây sức ép của ông Trump và nhóm luật sư của ông lên các quan chức bầu cử và nhà lập pháp ở Arizona và Georgia cũng được thực hiện ở các tiểu bang chiến trường khác như Michigan và Pennsylvania

Làm giả phiếu đại cử tri!

Không chỉ gây áp lực, hành vi của ông Trump và nhóm của ông còn kích động đám đông ủng hộ viên đe dọa, gây nguy hiểm cho an toàn tính mạng của các nhân viên làm công việc đếm phiếu, giám sát bầu cử mà trường hợp của mẹ con cô Shaye Moss ở tiểu bang Georgia là ví dụ tiêu biểu. Sau khi bị ông Giuliani và ông Trump chỉ đích danh như là “thủ phạm” đếm phiếu gian, họ đã phải rời nhà đi tạm lánh trong hai tháng sau khi FBI nói rằng họ không an toàn do bị những người ủng hộ ông Trump đe dọa.

Cô Wandrea ArShaye “Shaye” Moss, nhân viên kiểm phiếu của bang Georgia phải bỏ nhà đi trốn vì bị dọa giết sau khi ông Trump và ông Giuliani vu cáo cô và mẹ cô đếm phiếu gian lận có lợi cho ông Biden. Cô đã khóc trong phiên điều trần khi kể lại cuộc sống của gia đình cô đã bị đảo lộn và khốn cùng như thế nào sau lời vu oan của ông cựu tổng thống. Ảnh Kevin Dietsch/Getty Images

Tiết lộ gây chấn động nhất của phiên điều trần có lẽ là việc ông Trump, các luật sư của ông phối hợp với một số dân biểu Cộng Hòa gây áp lực buộc các tiểu bang phải thay đổi cử tri đoàn. Theo luật, ứng cử viên nào giành được nhiều phiếu phổ thông nhất của một tiểu bang thì giành được số phiếu cử tri đoàn của tiểu bang đó; số phiếu cử tri đoàn tỷ lệ thuận với số cử tri (số dân) của tiểu bang. Ông Joe Biden thắng phiếu phổ thông ở cả Arizona và Georgia nên theo luật, cử tri đoàn của hai tiểu bang này là người được chọn từ đảng Dân Chủ và việc họ bỏ phiếu cho ông Biden đã được thống đốc các tiểu bang chứng thực.

Thế nhưng, theo thông tin từ phiên điều trần, nhóm ông Trump đã phối hợp với Dân Biểu Andy Biggs của Arizona và Thượng nghị sĩ Ron Johnson của tiểu bang Wisconsin vận động các tiểu bang thay thế cử tri đoàn đã được chọn bằng các nhóm cử tri đoàn khác, có lợi cho ông Trump. Tham gia vạch ra và thực hiện kế hoạch này là các đồng minh thân cận của ông Trump như luật sư Giuliani, luật sư John Eastman, Chánh Văn phòng Tòa Bạch Ốc Mark Meadows và cả Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc đảng Cộng Hòa Ronna McDaniel. Kế hoạch thay thế cử tri đoàn đã bị các tiểu bang bác bỏ như đã nói trên và bị Văn phòng Pháp Lý Tòa Bạch Ốc coi là “bất hợp pháp”.

Dân Biểu liên bang Bennie Thompson, chủ tịch Ủy ban ngày 6 tháng Giêng, nhận định “việc gây áp lực buộc các công chức phản bội lời thề của họ là một phần cơ bản của vở kịch” để đảm bảo một chiến thắng của ông Trump. 

Từng bước từng bước, những âm mưu và thủ đoạn lật ngược kết quả bầu cử của ông Trump và các đồng minh đã được phơi bày một cách chi tiết, với những lời khai hữu thệ và những bằng chứng hết sức thuyết phục.

Các thành viên ủy ban ca ngợi các nhân chứng đã đứng lên đấu tranh cho nền dân chủ sau cuộc bầu cử năm 2020 – và sẵn sàng làm chứng về kinh nghiệm của họ. Phó Chủ tịch Ủy ban Liz Cheney (Cộng Hòa – Wyoming) các nhân chứng đã cung cấp “một ví dụ về những gì thực sự làm cho nước Mỹ trở nên vĩ đại”.

Song Chi: Vài suy nghĩ sau các phiên điều trần của Quốc hội Hoa Kỳ về cuộc bạo loạn ngày 6.1.2021

 

Song Chi

24-6-2022

Trong suốt 4 năm Donald Trump làm Tổng thống Hoa Kỳ, nhiều người đã đặt câu hỏi về sự bất ổn trong nhân cách, tính cách của ông. Nhưng giai đoạn đó, Donald Trump đang có sự ủng hộ, ngưỡng mộ của (luôn luôn) gần một nửa dân chúng Mỹ, đa số đảng viên đảng Cộng hòa, chưa kể 90% người Việt ở trong nước nên mọi lời nhận xét tiêu cực về Donald Trump đều bị những người ủng hộ Trump bất chấp lý lẽ, đúng sai, công kích dữ dội.

Nhưng trong những ngày tháng cuối cùng tại Nhà Trắng, khi biết mình bị thua trong cuộc bầu cử 2020, Donald Trump đã có hàng loạt lời nói, hành động khó mà tưởng tượng nổi là của một Tổng thống có lý trí, biết tôn trọng luật pháp, Hiến pháp Hoa Kỳ. Bây giờ khi nghe xong các phiên điều trần của Ủy Ban điều tra vụ bạo loạn ngày 6.1 thì ngoại trừ những người vẫn ngưỡng mộ, ủng hộ ông Donald Trump bất chấp đúng sai như vừa nói ở trên, bất cứ ai có một khả năng phân tính, suy xét vấn đề một cách bình thường cũng đều nhận ra 3 điều:

1. Vụ tấn công vào tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ngày 6.1.2021 hoàn toàn không phải là một vụ bạo loạn ngẫu nhiên, mà là một âm mưu đảo chính nhằm mục đích để Donald Trump tiếp tục làm TT thêm một nhiệm kỳ nữa, mà vai trò tích cực chính là cựu TT Donald Trump.

2. Nền dân chủ và Hiến pháp của Hoa Kỳ suýt chút nữa thì rơi vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc, có những người đã dùng những cụm từ như: nền dân chủ của Hoa Kỳ đã bị đưa đến bờ vực thẳm (American democracy was brought to the brink), nền dân chủ của Hoa Kỳ đã ở trên cạnh của lưỡi dao (America on the knife’s edge). Cứ thử tưởng tượng vào cái ngày bạo loạn đó biết bao nhiêu điều tồi tệ hơn có thể xảy ra, chẳng hạn, những kẻ bạo loạn tìm được cựu Phó TT Mike Pence, giết chết Mike Pence, dẫn đến việc không có ai xác nhận kết quả Biden là TT, Trump nhân cơ hội đó ra lệnh “thiết quân luật” và tiếp tục nắm quyền, rồi cả nước Mỹ hỗn loạn, chia rẽ, xảy ra nội chiến v.v…

3. Toàn bộ những lời nói, hành vi của Donald Trump từ khi biết mình bị thua trong cuộc bầu cử vào tối ngày 3.11.209 cho tới cuộc bạo loạn ngày 6.1.2020 và cho tới tận bây giờ, đã chứng tỏ Donald Trump thực sự là một trường hợp bị rối loạn về nhân cách (personality disorder). Không có một con người bình thường nói chung và một TT Hoa Kỳ nói riêng nào có lý trí, đầu óc suy nghĩ lành mạnh, bình thường mà lại như vậy.
Ảnh chụp màn hình báo Người Việt

Rối loạn nhân cách có rất nhiều dạng, nhưng điều lạ lùng là giữa Donald Trump hay Vladimir Putin lại có một số nét giống nhau: yêu bản thân một cách thái quá hoặc rối loạn nhân cách tự ái kỷ (narcissistic personality disorder), một người nói dối bệnh hoạn (a pathological liar) có nghĩa là nói dối bất cần ai tin, nói dối liên tục đến mức tin luôn vào những điều mình nói, không chấp nhận sự thật nếu sự thật đó không có lợi cho mình hoặc không theo ý mình muốn, sống trong một thế giới khác (alternative world), không quan tâm đến cái gì khác ngoài bản thân mình, một khi cái ý nghĩ gì đó đã vô đầu thì khó mà lấy ra được (ví dụ như ý nghĩ của Putin là Ukraine không phải là một quốc gia, không phải là một dân tộc, Ukraine là một phần của nước Nga và ông ta sẽ lấy lại Ukraine; hay ý tưởng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp, Mike Pence có khả năng đảo ngược kết quả… của Donald Trump); hoang tưởng (paranoia) về sức mạnh của chính mình… Và cả hai cũng có những xu hướng độc tài như chỉ thích tập hợp chung quanh mình những kẻ xu nịnh, trung thành chứ không muốn nghe những lời góp ý đúng đắn. Cái khác là luật pháp Hoa Kỳ, xã hội Hoa Kỳ không cho phép Donald Trump trở thành một kẻ độc tài toàn diện như Putin mà thôi.

Tuy nhiên, những người như Adolf Hitler, Vladimir Putin, Donald Trump,… vì họ có một tính cách mạnh mẽ, áp đảo người khác nên họ thường thu hút được đám đông quần chúng sùng bái những người có cá tính mạnh, cho họ mới đúng là những người đàn ông thực sự, những lãnh đạo, lãnh tụ thực sự. Trái ngược với Joe Biden luôn bị xem là mờ nhạt, thiếu sức hấp dẫn, thiếu động lực gây cảm hứng nên số lượng người kính trọng, tin cậy thì có mà số người ngưỡng mộ, thậm chí “cuồng” thì rất ít.

Phiên điều trần thứ năm: Bộ Tư Pháp hỗn loạn dưới sức ép của ông Trump

Sài Gòn Nhỏ
Các cựu quan chức lãnh đạo Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ ra điều trần trước Ủy ban Điều tra của Hạ Viện tại phiên thứ năm, chiều 23 tháng Sáu 2022. Ảnh chụp màn hình.

Tiếp tục phanh phui kế hoạch đảo ngược kết quả bầu cử năm 2020 của cựu Tổng thống Donald Trump, phiên điều trần thứ năm ở Hạ viện vào chiều nay 23 tháng Sáu 2022 tập trung vào việc ông Trump gây áp lực buộc các quan chức lãnh đạo Bộ Tư Pháp phải tuyên bố cuộc bầu cử bị gian lận theo ý ông và khi yêu cầu sai trái của mình không được đáp ứng, ông Trump đã tìm cách thay thế lãnh đạo của bộ bằng một người thân cận với ông, đẩy cơ quan thực thi pháp luật cao nhất của đất nước vào một tình huống hỗn loạn.

 

Ra điều trần trực tiếp hôm nay có ông Jeffrey Rosen, quyền Bộ trưởng Tư pháp sau khi Bộ trưởng William Barr từ chức hồi giữa tháng Mười Hai 2020, ông Richard Donoghue và ông Steven Engel, cựu Thứ trưởng Bộ Tư Pháp. Điều khiển phần phỏng vấn là Dân Biểu Adam Kinzinger (Cộng Hòa – Illinois), thành viên Ủy ban Lựa chọn của Hạ Viện điều tra vụ bạo loạn tấn công Quốc Hội ngày 6 tháng Giêng 2021 (Ủy ban 6 tháng Giêng). 

Trước khi vào phần phỏng vấn các nhân chứng, Ủy ban 6 tháng Giêng đã cho chiếu hình ảnh các cựu bộ trưởng tư pháp trong các chính phủ Cộng Hòa và Dân Chủ từ thời ông George Bush đến ông Barack Obama; tất cả đều ra tuyên bố khẳng định tính độc lập của Bộ đối với Tòa Bạch Ốc và tránh xa chính trị đảng phái trong các quyết định điều tra. 

Tính độc lập đó bị vi phạm khi ba quan chức cao cấp nhất của Bộ Tư Pháp thời Trump kể lại việc họ đã liên tục bị tổng thống thúc ép, từ ngày này qua ngày khác, buộc họ phải “công nhận” những cáo buộc vô căn cứ rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp. Người tiền nhiệm của họ, Bộ trưởng William Barr đã phải từ chức sau khi làm ông Trump phẫn nộ khi tuyên bố công khai rằng không có bằng chứng gian lận nào có thể thay đổi kết quả bầu cử. Những người kế nhiệm ông Barr tiếp tục gạt bỏ  từng yêu cầu của ông Trump vì không có bằng chứng về việc gian lận trên diện rộng. Trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm bám giữ quyền lực, ông Trump đã lập kế hoạch đưa một người trung thành với ông lên thay thế quyền bộ trưởng tư pháp, người sẵn sàng giúp ông thực hiện ý đồ. 

Lời khai hữu thệ của các ông Rosen, Donoghue và Engel đều nói rằng ông Trump và bộ sậu của ông đưa ra nhiều cáo buộc về bầu cử gian lận nhưng các cuộc điều tra của FBI và các bộ phận điều tra của bộ đều xác định không có cáo buộc nào là đúng sự thật. Ông Trump cũng nhiều lần tỏ ý “không hài lòng về những việc Bộ Tư pháp đã làm để điều tra gian lận bầu cử”.

Hết lần này đến lượt khác, các nhà lãnh đạo Bộ Tư Pháp giải thích cho ông Trump rằng chính quyền các tiểu bang thực hiện và giám sát cuộc bầu cử ở các tiểu bang mà không bị liên bang can thiệp; họ đã nhiều lần chứng minh cho ông thấy rằng không có gian lận bầu cử ở quy mô có thể làm đảo ngược kết quả theo hướng có lợi cho ông. Nhưng ông Trum vẫn cứ tiếp tục gây sức ép ngày càng nặng nề để buộc họ phải tuyên bố điều ngược lại.

Quan hệ giữa ông Trump với Bộ Tư Pháp chuyển sang một bước sóng gió mới vào cuối tháng Mười Hai sau khi một dân biểu đảng Cộng Hòa, ông Scott Perry của tiểu bang Pennsylvania, đề nghị ông Trump cất nhắc ông Jeffrey Clark lên chức vụ bộ trưởng. Khi bắt đầu cuộc họp kéo dài nhiều tiếng đồng hồ tại Phòng Bầu Dục vào tối ngày 3 tháng Giêng 2021, “Tổng thống quay sang tôi và ông ấy nói: ‘Một điều mà chúng tôi biết là bạn, Rosen, bạn sẽ không làm gì cả. Bạn thậm chí không đồng ý với những tuyên bố về gian lận bầu cử và anh chàng này [Clark] ít nhất có thể làm điều gì đó.“, ông Rosen kể lại. Ông Trump chỉ rút lại kế hoạch sau khi các lãnh đạo Bộ Tư Pháp, gồm Rosen, Donoghue và Engel tuyên bố họ sẵn sàng từ chức tập thể để phản đối.

Dân Biểu Adam Kinzinger (Cộng Hòa – Illinois) điều khiển phiên điều trần thứ năm, 23 tháng Sáu 2022. Ảnh chụp màn hình.

Ông Jeff Clark là một luật sư, gia nhập Bộ Tư Pháp năm 2018 và đang đảm nhiệm chức vụ phụ tá bộ trưởng phụ trách các cuộc điều tra về môi trường và điều hành bộ phận dân sự của bộ. Ông Clark đã được Ủy ban 6 tháng Giêng gửi trát đòi ra điều trần nhưng từ chối cộng tác. Dân Biểu Kinzinger điều khiển phiên thảo luận cho rằng Clark là một luật sư có trình độ chuyên môn duy nhất là lòng trung thành với ông Trump. “Jeff Clark là ai? Ông ấy là người sẽ làm bất cứ điều gì mà tổng thống muốn ông ta làm, kể cả việc lật đổ một cuộc bầu cử dân chủ tự do và công bằng,” ông Kinzinger nói.

Sự kiện đáng chú ý nhất về vai trò của Jeff Clark là ông ta đã nhân danh Bộ Tư Pháp gửi một lá thư cho cơ quan lập pháp một số tiểu bang chiến trường yêu cầu họ ngừng chứng thực kết quả bầu cử. Nội dung lá thư, được Ủy ban 6 tháng Giêng trích dẫn, tương tự như kế hoạch của ông John Eastman, luật sư riêng của ông Trump, đòi các tiểu bang lập ra danh sách “đại cử tri đoàn” giả mạo, trung thành với ông Trump, thay vì bỏ phiếu cho ông Biden như kết quả số phiếu phổ thông, và gửi danh sách đại cử tri giả đó tới Quốc Hội để chứng thực trong phiên họp khoáng đại ngày 6 tháng Giêng 2021.

Chỉ một giờ trước khi phiên điều trần bắt đầu chiều nay, có tin các đặc vụ liên bang đã khám xét nhà của Clark ở Virginia, nhưng chưa rõ FBI đang tìm kiếm những gì.

***

Như vậy, cùng với Lời Nói Dối Lớn rằng cuộc bầu cử bị gian lận, bị đánh cắp [xem tường thuật phiên điều trần thứ hai], ông Trump đã có nhiều hình thức gây áp lực với các quan chức và nhân viên bầu cử ở một số tiểu bang [phiên điều trần thứ tư], áp lực và gây nguy hiểm cho Phó Tổng thống Mike Pence [phiên điều trần thứ ba] và cả các quan chức lãnh đạo Bộ Tư Pháp [phiên điều trần thứ năm] – là cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật trong nhánh hành pháp của ông. Tất cả đều nhằm một mục đích là đảo ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống ngày 3 tháng Mười Một 2020, giúp ông biến thua thành thắng để tiếp tục nắm giữ quyền lực.

Chưa kể rằng Lời Nói Dối Lớn của ông Trump đã kích động đám đông những người ủng hộ ông tấn công vào trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 6 tháng Giêng 2021 nhằm ngăn chặn cuộc họp khoáng đại của lưỡng viện Quốc Hội kiểm đếm phiếu đại cử tri, chứng nhận chiến thắng cuộc bầu cử thuộc về ứng cử viên đảng Dân Chủ Joe Biden [phiên điều trần thứ nhất].

Không chỉ gây áp lực lên các cơ quan liên quan tới bầu cử, ông Trump còn thực hiện nhiều vụ kiện ở các tòa án các cấp, lên cả Tối Cao Pháp Viện, với niềm hy vọng rằng các thẩm phán do ông bổ nhiệm sẽ ra phán quyết chấp thuận những lời cáo buộc sai sự thật của ông về bầu cử gian lận. Âm mưu đó không thành công và cả 61 vụ kiện mà ông và bộ sậu của ông khởi xướng đều bị tòa án bác bỏ.

Nhưng lời nói dối lớn về cuộc bầu cử 2020 của ông Trump có được sự ủng hộ của một số nghị sĩ, dân biểu đảng Cộng Hòa trong Hạ Viện. Những lời khai tại phiên điều trần thứ tư và thứ năm cho thấy có một số dân biểu Cộng Hòa hậu thuẫn cho một kế hoạch của ông Trump đưa ra một số “đại cử tri giả” làm căn cứ để ông Phó Tổng thống Mike Pence tuyên bố ông Trump thắng cử tại một số tiểu bang chiến trường. Dân Biểu Scott Perry của Pennsylvania nói trên, cùng các đồng viện Cộng Hòa như Andy Biggs ở Arizona, Mo Brooks ở Alabama, Matt Gaetz ở Florida và Louie Gohmert ở Texas đều đã tham gia vào nỗ lực từ chối cuộc kiểm phiếu bầu cử hoặc gửi “đại cử tri giả”. Lời khai của các lãnh đạo Bộ Tư Pháp cho biết, ông Trump nhiều lần yêu cầu các vị này rằng: “Chỉ cần tuyên bố cuộc bầu cử là hỏng, phần việc còn lại để cho tôi và các nghị sĩ Cộng Hòa giải quyết.” 

Thông tin từ bà Cassidy Hutchinson, phụ tá của Chánh Văn phòng Tòa Bạch Ốc thời Trump, ông Mark Meadows khai trước cuộc điều trần cho thấy, cả năm dân biểu Cộng Hòa kể trên đều đã nhận ra sai lầm trong hành vi của họ và đã tìm cách xin ông Trump ân xá trước khi ông rời ghế tổng thống vào ngày 20 tháng Giêng 2021. Ông Kinzinger nói rằng lý do duy nhất để họ xin ân xá “là họ nghĩ họ đã phạm tội”.

Dân Biểu Mo Brooks – một người trung thành với ông Trump nhưng đã bị ông cựu tổng thống “đá đít” và thất bại trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa chọn người ứng cử vào vị trí thượng nghị sĩ đại diện Alabama mới đây – cho biết, sau vụ thất bại cay đắng đó ông ta sẵn sàng ra điều trần nếu được Ủy ban triệu tập.

Vụ “đại cử tri giả” có thể là chủ đề của các phiên điều trần kế tiếp, sẽ diễn ra sau kỳ nghỉ lễ Độc Lập đầu tháng Bảy và sau khi Ủy ban 6 tháng Giêng thu thập thêm nhiều chứng cứ.

***

Phiên điều trần mới nhất ít tập trung vào bạo lực tại Điện Capitol hơn là những thủ đoạn thúc đẩy về pháp lý của ông Trump để hủy bỏ kết quả bầu cử, giúp ông tiếp tục cầm quyền một nhiệm kỳ nữa. Và đây mới là dấu hiệu vi phạm trầm trọng Hiến Pháp và các định chế dân chủ làm nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước Hoa Kỳ hơn hai trăm năm qua.

Những kế hoạch và thủ đoạn lợi dụng quyền lực tổng thống để ép buộc các nhánh tư pháp, lập pháp và cả hành pháp thực hiện những hành vi trái pháp luật và vi hiến của ông Trump chỉ để ông tiếp tục cầm quyền cho thấy nước Mỹ đã ở rất gần một cuộc khủng hoảng hiến pháp. “Chúng ta đã gần như đánh mất tất cả,” Dân Biểu Kinzinger nói.

Phiên điều trần thứ sáu: Trump bị tố cố bẻ tay lái xe để đến Quốc Hội cùng đám đông bạo loạn

WASHINGTON, DC (NV) – Cựu Tổng Thống Donald Trump tức giận cố bẻ tay lái chiếc xe của Sở Mật Vụ (USSS) để đến Quốc Hội cùng đám đông bạo loạn năm ngoái, khi nhân viên USSS cho ông hay xe không đi đến đó, một cựu nhân viên Tòa Bạch Ốc cho hay, theo Reuters.

Cô Cassidy Hutchinson, nhân viên của trưởng văn phòng TT Trump ở Tòa Bạch ốc, cho biết như vậy trong buổi điều trần hôm Thứ Ba, 28 Tháng Sáu, trước ủy ban do Hạ Viện thành lập để điều tra vụ bạo loạn Quốc Hội ngày 6 Tháng Giêng, 2021.

 

Cựu Tổng Thống Donald Trump phát biểu tại cuộc mít tinh Save America ở Mendon, Illinois, hôm 25 Tháng Sáu. (Hình minh họa: Michael B. Thomas/Getty Images)

Ông Trump muốn đi cùng đám người biểu tình đến Quốc Hội trong lúc các nhà lập pháp chứng nhận chiến thắng của Tổng Thống Joe Biden trong cuộc bầu cử năm 2020, theo cô Hutchinson.

“Tôi là tổng thống đây, đưa tôi tới Quốc Hội ngay,” cô Hutchinson dẫn lại lời ông Trump nói với nhân viên USSS.

Khi ông lên chiếc xe đó, họ cho ông hay họ sẽ không tới Quốc Hội.

Nhân viên USSS phải dùng sức chặn ông Trump lại khi ông từ ghế sau vươn tay lên phía trước cố bẻ tay lái tài xế, theo cô Hutchinson.

Hôm Thứ Ba, cựu Tổng Thống Trump lên mạng xã hội phủ nhận lời kể của cô Hutchinson. Ông tuyên bố ông không bao giờ cố giành tay lái hôm đó.

“Vụ cô ta kể xạo rằng tôi cố giành tay lái chiếc xe hơi Tòa Bạch Ốc để lái đến Quốc Hội ‘nghe muốn ói’ và giả dối,” ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social của ông.

Ông cũng phủ nhận việc cô Hutchinson kể ông vài lần ném thức ăn ở Tòa Bạch Ốc vì tức giận. (Th.Long) [qd]

 

Những tiết lộ giật mình từ bên trong Tòa Bạch Ốc!

Sài Gòn Nhỏ 
Nhân chứng Cassidy Hutchinson, cựu phụ tá Chánh Văn phòng Tòa Bạch ốc (trái), trả lời câu hỏi của DB Liz Cheney, Phó chủ tịch UB 6 tháng Giêng về những diễn biến bên trong Tòa Bạch ốc xung quanh sự kiện ngày 6 tháng Giêng 2021. Ảnh chụp màn hình ti vi.
Những thông tin mà nhân chứng Cassidy Hutchinson trình bày tại phiên điều trần thứ sáu ở Hạ Viện, chiều ngày 28 tháng Sáu 2022 chứng tỏ âm mưu đảo ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020 đã có hình dáng của một cuộc “đảo chính” bạo lực mà sự kiện tấn công Quốc Hội ngày 6 tháng Giêng 2021 là kết quả thực tế.

Ủy ban Lựa chọn Hạ Viện điều tra vụ bạo loạn ngày 6 tháng Giêng 2021 (Ủy ban 6 tháng Giêng) đã đột ngột thay đổi lịch làm việc và tổ chức phiên điều trần thứ sáu để trình bày với công chúng những chứng cứ mới, động trời. Nhân chứng duy nhất ra khai báo hữu thệ hôm nay là cô Cassidy Hutchinson, trợ lý đặc biệt của tổng thống, phụ tá của ông Mark Meadows, cựu Chánh Văn phòng Tòa Bạch Ốc dưới quyền ông Trump.

Là người làm việc thường xuyên ở Cánh Tây (West Wing) Tòa Bạch Ốc, cô Hutchinson có điều kiện tiếp cận tất cả các quan chức cao cấp nhất của chính phủ, và tham dự hầu hết những cuộc họp của Tổng thống Trump, cả trên phi cơ Không Lực Một khi Tổng thống đi công cán.

Theo lời khai hữu thệ của cô Hutchinson, 25 tuổi, cựu Tổng thống Donald J. Trump biết đám đông mà ông tập hợp ở Washington vào ngày 6 tháng Giêng năm 2021 được trang bị vũ khí và có thể trở nên bạo lực. Nhưng ông yêu cầu dỡ bỏ các biện pháp phòng ngừa an ninh, yêu cầu để cho những người ủng hộ ông được đi lại tự do dù ông biết họ có vũ khí, tháo gỡ các máy dò kim loại để đám đông đến nghe ông phát biểu đông hơn. Ông nói rằng những người ủng hộ ông không đến tấn công ông mà Quốc Hội mới là mục tiêu. “Tôi không quan tâm họ có vũ khí. Họ không ở đây để làm tổn thương tôi. Gỡ bỏ các máy dò đi. Cho người của tôi vào. Họ có thể hành quân đến Điện Capitol từ đây. Hãy để mọi người vào”, cô Hutchinson lược thuật lại lời của ông Trump nói với các cố vấn. 

Ông Trump cũng có ý định đi cùng với đám đông đến trụ sở Quốc Hội, như ông đã nói trong bài phát biểu trước đám đông tại Quảng trường Ellipse – giữa Tòa Bạch Ốc và đài tưởng niệm Washington. Khi các cố vấn và nhân viên mật vụ bảo vệ tổng thống ngăn cản điều đó, ông Trump thậm chí đã cố giành lấy tay lái chiếc xe limo của tổng thống từ tay một nhân viên sở mật vụ khi cơ quan này chở ông về Tòa Bạch Ốc thay vì đi tới Quốc Hội như ông đòi hỏi.

Khi những người bạo loạn xông vào điện Capitol, hô vang “Treo cổ Mike Pence”, ông Trump tán thành bạo lực. Cô Hutchinson làm chứng rằng ông Meadows đã nói về ông Trump: “Ông ấy không muốn làm bất cứ điều gì” và “Ông ấy nghĩ Mike xứng đáng với điều đó. Ông ấy không nghĩ rằng họ đang làm sai.

Theo cô Hutchinson, ông Meadows đã lo lắng ngay từ ngày 2 tháng Giêng rằng cuộc biểu tình của ông Trump có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Ông Meadows nói với cô rằng “Mọi thứ có thể trở nên thực sự tồi tệ vào ngày 6 tháng Giêng”. Trong khi đó ông Rudolph W. Giuliani, luật sư riêng của ông Trump, đã nói với cô rằng đây sẽ là một ngày tuyệt vời, khi tổng thống đến Điện Capitol và có mặt với các thành viên của Quốc Hội trong phiên họp khoáng đại lưỡng viện để chuẩn nhận kết quả bầu cử.

Ông Anthony M. Ornato, cựu Giám đốc hoạt động của Tòa Bạch Ốc, cảnh báo ông Meadows vào ngày 6 tháng Giêng rằng đám đông dường như đã sẵn sàng cho bạo lực; họ có dao, súng, bình xịt chống gấu, áo giáp, giáo và cán cờ. Nhưng cô Hutchinson làm chứng rằng khi nghe điều đó ông Meadows đã không rời mắt khỏi điện thoại mà chỉ hỏi ông Ornato đã báo cho ông Trump hay chưa. Ông Ornato trả lời rằng ông đã báo. “Ông ấy gần như không phản ứng,” cô Hutchinson nói về phản ứng của ông Meadows khi đám đông tấn công Điện Capitol.

Nhã Duy: Sự cần thiết của công lý

Nhã Duy

29-6-2022

Tiếng Dân

Cô assidy Hutchinson. Ảnh trên mạng

Khi đưa tay tuyên thệ sẽ nói sự thật, những cá nhân ra điều trần trước Quốc Hội hay trước các viên chức công lực liên bang hiểu rằng họ đang ký kết một ràng buộc pháp luật để chỉ khai sự thật. Nếu bị chứng minh là man khai, họ sẽ phải diện tội đại hình với án tù có thể đến năm năm và sự nghiệp cùng đời sống xem như bị tiêu tan. Ai là người dám đánh cược với những rủi ro đó?

Đó là câu chuyện của Cassidy Hutchinson, cô gái 25 tuổi từng là phụ tá cho cựu Chánh Văn Phòng Bạch Ốc Mark Meadows. Ở cương vị này, cô là một nhân chứng sống thực tiếp xúc với cựu tổng thống Donald Trump cùng những nhân vật đứng đầu nội các, kể cả các dân biểu Quốc Hội để trở thành một nhân chứng đầy khả tín với các lời khai xác thực.

Những lời chứng của Cassidy cùng những nhân vật từng làm việc trong nội các chính phủ tiền nhiệm đã cho thấy thêm nhiều chi tiết và sự thật cùng các bằng chứng quan trọng về một kế hoạch có tính toán nhằm lật đổ kết quả cuộc bầu cử tổng thống hợp pháp, mà những người trong cuộc cũng thừa hiểu là hành động của họ là bất hợp pháp. Hay khác hơn là họ đang làm điều phi pháp. Đó là lý do những kẻ dự phần đã xin ân xá dù chưa bị kết tội. Chính họ tự hiểu rằng mình đang phạm tội nên cần được nắm trong tay lệnh ân xá trước khi bị kết tội.

Đây là những kẻ không thể khai sự thật nên đã hoặc từ chối ra điều trần, chịu rủi ro có thể bị ghép vào khinh tội, hoặc viện dẫn Tu chính án số 5 để không trả lời các câu hỏi, dù một khi sử dụng quyền im lặng này thì họ cũng không được quyền có những nhân chứng bảo vệ mình một khi bị truy tố và đưa ra xét xử.

Qua sáu cuộc điều trần tại Quốc Hội, người dân Mỹ và thế giới đã thấy những âm mưu, những tính toán bất chấp hiến pháp và luật pháp Hoa Kỳ, kích động những kẻ quá khích tấn công vào công sở chính phủ hay âm mưu thủ tiêu những viên chức cao cấp chính phủ cho đến các nhà lập pháp đảng đối lập như thế nào.

Ủy ban điều tra vụ bạo loạn đang thực hiện vai trò và bổn phận của cơ quan lập pháp trong việc giám sát các hoạt động hành pháp, bất kể với nội các đương nhiệm hay tiền nhiệm. Đây là ủy ban có chính danh và hợp lệ bởi nếu nhìn lại phán quyết của Tối Cao Pháp Viện buộc Donald Trump phải giao nộp các hồ sơ cho ủy ban điều tra hồi đầu năm nay, đã xác định điều này.

Vẫn còn một đôi cuộc điều trần trong tháng Bảy tới đây, tuy nhiên với những gì mà người dân Hoa Kỳ nghe và xem được cho đến nay đã quá đủ các yếu tố tạo thành một vụ án hình sự để truy tố những kẻ chủ mưu và tòng phạm.

Điều còn lại là thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ Tư Pháp. Dù có thể nhiều người đang mất kiên nhẫn tuy nhiên sự thận trọng của Bộ Tư Pháp trong việc thu thập và đưa ra các chứng cứ không thể chối bỏ một khi đưa ra quyết định truy tố cũng là điều cần thiết của một hệ thống pháp luật công minh và công bằng. Mặt khác, sự vội vàng cũng có thể tạo ra một tình trạng bất ổn trong xã hội cùng những cuộc bạo loạn tương tự tái diễn nếu những kẻ cực đoan lại bị kích động.

Không ai có thể tin chắc điều gì kế tiếp sẽ xảy ra nhưng nhiều người dân vẫn mang hy vọng rằng hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ sẽ không làm một thiếu nữ trẻ như Cassidy Hutchinson phải thất vọng khi đã đối diện nguy hiểm để ra điều trần và khai thêm nhiều sự thật quan trọng trong ngày hôm qua.

Những điều đang xảy ra tại nước Mỹ hôm nay không chỉ nhằm truy tố một cá nhân hay một băng đảng tội phạm, mà còn là sự cần thiết của một hệ thống công lý công minh và để tái lập niềm tin của người dân.

Chiếc đồng hồ vẫn đang chạy.

Cassidy Hutchinson, người tạo ra quả bom ở Washington DC

Sài Gòn Nhỏ

 

Cassidy Hutchinson (Ảnh: Brandon Bell/Getty Images)

25 tuổi, trong chiếc áo khoác màu trắng, Cassidy Hutchinson – tự tin và bình tĩnh – ra trước Ủy ban 6 Tháng Một để chứng minh người đàn ông quyền lực nhất Hoa Kỳ, Donald Trump, đã mất kiểm soát và dường như muốn kích động một cuộc nổi dậy có vũ trang.

“Hutchinson là một người nói sự thật mà không sợ bị trừng phạt. Cô như người truyền cảm hứng, dù tuổi còn rất trẻ nhưng cô đã không cho phép lý tưởng và niềm tin vào chính phủ mình phục vụ bị những người xung quanh đầu độc. Hutchinson là một trong những nhân chứng quan trọng nhất của Ủy ban” – Dân biểu Dân chủ Jamie B. Raskin nhận định.

Trong Toà Bạch Ốc thời Tổng thống Trump, Hutchinson tiếp cận được nhiều người, và trong mắt nhiều đồng nghiệp, cô là nhân vật quyền lực. Một số còn gọi cô là “Chief Cassidy”. Là người đầu tiên trong gia đình tốt nghiệp đại học, Hutchinson từng luôn yêu thích công việc của mình. Một cựu quan chức Toà Bạch Ốc nói: “Đó là giấc mơ của cô ấy và cô ấy nhận thức được tầm quan trọng những gì mình làm”. Ngày thứ Ba, 28 Tháng Sáu, cô đã thực hiện một nhiệm vụ công dân: Làm chứng chống lại chính những người đã đề bạt và từng thân cận với cô. Hutchinson mô tả cựu Tổng thống Trump là kẻ quá khích và ông từ chối can thiệp chấm dứt bạo loạn với tâm thế tỉnh táo, có chủ ý. Cô hiểu những gì mình nói sẽ gây chấn động và đi vào lịch sử nước Mỹ.

Trước khi ra làm chứng, Cassidy Hutchinson ít được biết đến, ngoài những đoạn video về cô được trình bày tại các phiên điều trần của Uỷ ban 6 Tháng Một trước đó. Chỉ đến ngày 28 Tháng Sáu, cô mới thật sự nổi bật. Sự xuất hiện bất ngờ của Hutchinson chỉ được thông báo vài giờ trước phiên họp. Nó được lên lịch vào ngày hôm trước mà không nêu tên cô. Thông báo đột ngột khiến một số quan chức Quốc hội lo ngại về an ninh đã suy đoán xem ai sẽ ra làm chứng, và gần như không ai nghĩ đến cái tên Cassidy Hutchinson.
Cassidy Hutchinson được truyền thông chú ý nhiều sau phiên điều trần ngày 28 Tháng Sáu 2022 (ảnh: Jabin Botsford/The Washington Post via Getty Images)

 

Hutchinson cho biết cô đã bị đe dọa sau khi hai nhân chứng được kỳ vọng gây bùng nổ nhất là cựu Chánh văn phòng Mark Meadows và cố vấn Tòa Bạch Ốc Pat Cipollone từ chối tham gia cuộc điều trần. Như dự đoán, lời khai của cô lập tức bị loạt cuộc tấn công cá nhân từ Trump trên mạng xã hội Truth Social. Một số cựu quan chức Toà Bạch Ốc từng làm việc với Hutchinson cho biết, cô có đủ hai phẩm chất để trở thành nhân chứng đáng tin cậy: được Tiếp cận nhiều với chuyện hậu trường Toà Bạch Ốc và lòng dũng cảm hiếm có. Một số cựu cố vấn của Trump cho biết họ đã bị lời khai của Hutchinson gây choáng váng, vì cô được xem là rất trung thành với Meadows và Trump.

Tại phiên điều trần, Hutchinson cho biết sau khi Trump thua cuộc cuộc bầu cử và bắt đầu khăng khăng nó “bị đánh cắp”, cô bắt đầu lo lắng và nghe những lời tương tự từ các quan chức chính quyền cấp cao về kế hoạch cho một cuộc biểu tình lớn gần Điện Capitol vào ngày 6 Tháng Một. Họ nói với cô về những kẻ biểu tình mang theo vũ khí và tin rằng kế hoạch của Trump đến Điện Capitol vào ngày chứng nhận kết quả bầu cử có thể bị kết tội “gây cản trở công lý”.

Sáng ngày 6 Tháng Một, sau khi Cassidy Hutchinson và những người khác cảnh báo Meadows về khả năng xảy ra bạo lực, cô đứng sau sân khấu khi Trump xuất hiện tại một cuộc biểu tình trên đường Ellipse bên ngoài Toà Bạch Ốc. Tổng thống tỏ ra rất tức giận vì thấy không có nhiều người biểu tình như mong muốn; và đổ lỗi cho các quan chức an ninh đã sàng lọc đám đông để biết chắc họ không mang theo vũ khí. Sau khi nói với đám đông sẽ đi cùng họ đến Điện Capitol, Trump lên xe tổng thống về Toà Bạch Ốc. Hutchinson khai: “Thời điểm đó, ngay cả lãnh đạo thiểu số Cộng hoà tại Hạ viện Kevin McCarthy cũng gọi điện nhờ tôi giúp ngăn cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống”…

Trưởng thành ở Pennington, New Jersey, Cassidy Hutchinson học Đại học Christopher Newport ở tiểu bang Virginia, khoa khoa học chính trị. Trong một bài báo vào Tháng Mười 2018 trên trang web trường, cô cho biết mình từng là thực tập sinh cho dân biểu Cộng hoà Steve Scalise và thượng nghị sĩ Cộng hoà Ted Cruz. Sau đó cô nộp đơn xin thực tập tại Toà Bạch Ốc. “Tôi đã rơi nước mắt khi nhận được email thông báo được chọn” – Hutchinson kể.

Vào Toà Bạch Ốc, cô được chỉ định thực tập trong Văn phòng Các vấn đề Lập pháp. Thực tập xong, Hutchinson hy vọng được trở lại Washington. Đúng như thế, sau khi tốt nghiệp, cô được Văn phòng Toà Bạch Ốc, nơi cô từng thực tập, tuyển dụng. Hutchinson từng rất thân thiết với Meadows. Ông cựu cố vấn tổng thống này kể rằng, khi mình được Trump bổ nhiệm làm Chánh văn phòng vào Tháng Ba 2020, ông đã lập tức mời Cassidy Hutchinson, và Hutchinson trở thành trợ lý chính của Meadows, phụ trách một văn phòng bên cạnh văn phòng của ông, chỉ cách Phòng Bầu dục vài cánh cửa.

Brendan Buck, cựu trợ lý của cựu Chủ tịch Hạ viện Paul D. Ryan, đảng Cộng hoà, cho biết Cassidy Hutchinson thường xuất hiện lặng lẽ tại các cuộc họp, chủ yếu chỉ ngồi ghi chép. Tuy nhiên, cô được xem như phát ngôn viên của Meadows khi truyền lệnh cho các nhân viên khác với câu mào đầu “Mark muốn…”; hoặc “Sếp bảo…”. Một cựu quan chức Tòa Bạch Ốc giấu tên cho biết Hutchinson thường đi với Meadows trên chiếc Không lực Một, trả lời các cuộc gọi của ông và nhận tin nhắn từ thành viên Quốc hội.

Các thành viên chủ chốt của Toà Bạch Ốc muốn gửi tin nhắn tới Trump hoặc Meadows cũng thường thông qua cô. Hutchinson từng nói với các đồng nghiệp trong Tòa Bạch Ốc rằng cô dự định đi cùng Trump đến Mar-a-Lago để làm việc cho ông sau nhiệm kỳ tổng thống. Cô cũng tham gia lập kế hoạch rời Toà Bạch Ốc của ông. Nhưng tính toán như vậy đã thay đổi vào phút cuối.

 

11 dân biểu Cộng Hòa họp với Trump cách lật ngược kết quả bầu cử

 

Người Việt

 

WASHINGTON, DC (NV) – Mười một dân biểu Cộng Hòa từng họp với cựu Tổng Thống Donald Trump nhằm lên kế hoạch lật ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020 vào ngày Quốc Hội chứng nhận kết quả này hôm 6 Tháng Giêng năm ngoái, và sáu người trong số đó xin ông Trump ân xá, theo Business Insider.

Chi tiết này được ủy ban do Hạ Viện thành lập để điều tra vụ bạo loạn Quốc Hội công bố trong phiên điều trần hôm Thứ Ba, 12 Tháng Bảy, phiên điều trần công khai thứ bảy trong cuộc điều tra này.

 

Dân Biểu Matt Gaetz (trái) (Cộng Hòa-Florida), và Dân Biểu Marjorie Taylor Greene (Cộng Hòa-Georgia). (Hình minh họa: Drew Angerer/Getty Images)

Dân Biểu Stephanie Murphy (Dân Chủ-Florida), thành viên Ủy Ban Điều Tra, cho hay cuộc họp đó diễn ra ngày 21 Tháng Mười Hai, 2020, và nằm trong kế hoạch “lan truyền những lời cáo buộc vô căn cứ của ông ấy (cựu Tổng Thống Trump) cũng như khuyến khích công chúng chống lại kết quả được chứng nhận ngày 6 Tháng Giêng.”

Phó tổng thống lúc đó là ông Mike Pence, luật sư riêng của ông Trump lúc đó là ông Rudy Giuliani, và chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc lúc đó là ông Mark Meadows cũng dự cuộc họ đó, bà Murphy cho biết.

Trong cuộc họp đó, họ bàn những giả thuyết do luật sư riêng khác của cựu Tổng Thống Trump là ông John Eastman đưa ra, gồm giả thuyết cho rằng ông Pence là người chủ trì buổi chứng nhận kết quả bầu cử nên có thể tự tay loại bỏ đại cử tri.

Ông Pat Cipollone, cựu luật sư Tòa Bạch Ốc từng khuyến cáo ông Trump không được cố lật ngược kết quả bầu cử, nói giả thuyết của ông Eastman là “điên khùng.”

Trên thực tế, nhiệm vụ của ông Pence chỉ là đếm phiếu bầu của đại cử tri.

Ông Cipollone cho biết ông cố dự cuộc họp đó nhưng bị gạt bỏ.
Theo sổ ghi danh khách đến Tòa Bạch Ốc mà Ủy Ban 6 Tháng Giêng có được, 11 dân biểu Cộng Hòa dự cuộc họp đó gồm: ông Mo Brooks của Alabama, ông Brian Babin của Texas, ông Andy Biggs của Arizona, ông Matt Gaetz của Florida, ông Louie Gohmert của Texas, ông Paul Gosar của Arizona, ông Andy Harris của Maryland, ông Jody Hice của Georgia, ông Jim Jordan của Ohio, ông Scott Perry của Pennsylvania, và bà Marjorie Taylor Greene – dân biểu đắc cử của Georgia.

Trước đây Ủy Ban 6 Tháng Giêng công bố nhiều nhà lập pháp Cộng Hòa xin ông Trump ân xá trong những ngày cuối nhiệm kỳ của ông. Trong số 11 dân biểu dự cuộc họp đó, sáu người xin ông Trump ân xá, gồm ông Biggs, ông Brooks, ông Gaetz, ông Gohmert, bà Greene, và ông Perry. (Th.Long) [qd]

 

Phiên điều trần thứ bảy: Trump kích động đám đông tấn công Quốc Hội

Sài Gòn Nhỏ
Thành viên Ủy ban Điều tra của Hạ Viện, Dân Biểu Stephanie Murphy (Đặng Thị Ngọc Dung) – người phụ nữ Việt Nam đầu tiên trong Quốc Hội Hoa Kỳ – điều khiển phiên điều trần sáng nay thứ Ba 12 tháng Bảy 2022. Ảnh chụp màn hình.

Phiên điều trần thứ bảy của Ủy ban Điều tra Hạ Viện chiều nay 12 tháng Bảy 2022 tập trung làm rõ việc cựu Tổng thống Donald Trump đã tập hợp và kích động một đám đông những người ủng hộ ông, bao gồm cả những kẻ cực đoan cánh hữu và bạo lực, tấn công Quốc Hội vào ngày 6 tháng Giêng năm 2021, để ngăn chặn thủ tục chứng nhận thất bại bầu cử của ông, sau khi ông và nhóm cố vấn của ông đã thất bại trong các biện pháp pháp lý. 

Dựa trên lời khai của các phụ tá ông Trump, các bình luận viên cánh tả và cả những thành viên các đội dân quân, Ủy ban đã chứng minh những phát ngôn công khai của ông Trump đã dẫn dắt các ủng hộ viên của ông tin rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp và dẫn họ tới vụ tấn công Quốc Hội nhằm đảo ngược kết quả kiểm phiếu.

Phiên điều trần cho thấy vụ tấn công đã được âm thầm lập kế hoạch từ trước nhưng làm ra vẻ như một cuộc bạo động tự phát.

“Tổng thống yêu cầu chúng ta đi tới đó, tới Điện Capitol,” Kylie Jane Kremer, người tổ chức cuộc biểu tình “Cứu nước Mỹ” vào ngày 6 tháng Giêng, đã viết trong một tin nhắn văn bản ngày 4 tháng Giêng và tin nhắn đã được ủy ban trình chiếu trong phiên điều trần. Ủy ban cũng trình chiếu bản nháp của một thông điệp Twitter chỉ dẫn các ủng hộ viên hãy đi tới Điện Capitol sau khi tổng thống đọc xong diễn văn ngày 6 tháng Giêng.

Bản nháp có đóng dấu “Tổng thống đã xem” viết: “Tôi sẽ có bài phát biểu lớn vào lúc 10:00 sáng ngày 6 tháng Giêng tại vườn Ellipse (phía Nam Tòa Bạch Ốc). Vui lòng đến sớm, dự kiến sẽ rất đông. Sau đó diễn hành tới Điện Capitol. Ngăn chặn vụ ăn cắp!!!” Văn bản bản nháp được Ủy ban thu thập từ Văn khố Quốc gia, tuy không được đăng lên Twitter nhưng Ủy ban coi là bằng chứng mới nhất cho thấy ông Trump, khi quyền lực suy yếu dần sau thất bại bầu cử, đã thực hiện một nỗ lực công khai và riêng tư để khơi dậy sự tức giận của những người ủng hộ ông đối với Điện Capitol, nơi Phó Tổng thống Mike Pence và các nhà lập pháp đã họp lại để thực hiện cuộc kiểm phiếu chính thức, xác nhận ông Joseph R. Biden Jr. là tổng thống đắc cử.

 

Bản nháp (không đăng) một tweet của ông Trump kêu gọi ủng hộ viên biểu tình ngày 6 tháng Giêng và tuần hành tới Điện Capitol. Ảnh Doug Mills-Pool/Getty Images.

Trong hơn một năm, ông Trump và những người bảo vệ ông đã mô tả vụ bạo loạn tại Điện Capitol như là một cuộc biểu tình hòa bình tự do. Nhưng phiên điều trần hôm thứ Ba đã chỉ ra cách mà cựu tổng thống đóng vai trò hướng dẫn không chỉ trong việc đưa đám đông bị thúc đẩy bởi những lời nói dối trong cuộc bầu cử của ông đến thủ đô Washington vào ngày hôm đó, mà còn có kế hoạch đưa họ lên Đồi Capitol, bất chấp lời khuyên của những phụ tá thân cận nhất của ông. 

“Donald Trump đã triệu tập một đám đông tới Washington, D.C., và cuối cùng thúc đẩy đám đông đó thực hiện một cuộc tấn công bạo lực vào nền dân chủ của chúng ta,” Dân Biểu Bennie Thompson, đảng Dân Chủ Mississippi và Chủ tịch của Ủy ban, cho biết.

Trong phiên điều trần thứ bảy để đưa ra những phát hiện của mình, ủy ban đã đặt ông Trump vào trung tâm của các nỗ lực pháp lý nhằm thao túng tiến trình chính trị và cũng là trung tâm của sự hỗn loạn chưa từng có tại Điện Capitol. Trong gần ba giờ, phiên điều trần đưa ra bằng chứng từ những người tổ chức cuộc biểu tình, những người bạo động và phụ tá bên trong Tòa Bạch Ốc, tất cả những người đó đều nói rằng cựu tổng thống đã kích động họ và chỉ đạo những việc diễn ra vào ngày hôm đó.

Mặc dù Ủy ban không đưa ra bất kỳ mối liên hệ trực tiếp nào giữa ông Trump và các phần tử cực đoan trong nước, những người đã dàn dựng và đi đầu cuộc tấn công Điện Capitol, Ủy ban đã đưa ra chi tiết tỉ mỉ cách lời nói và hành động của ông Trump đã thống nhất các nhóm cực hữu và dân quân khác nhau và thúc đẩy họ âm mưu một nỗ lực bạo lực nhằm phá vỡ quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.

Một trong những nhân chứng tại phiên điều trần, ông Stephen Ayres từ Ohio, người đã nhận tội vào tháng trước với cáo buộc gây mất trật tự liên quan đến vụ tấn công Điện Capitol, cho biết: “Tổng thống đã khiến mọi người nổi giận và yêu cầu mọi người lao tới. Về căn bản, chúng tôi chỉ làm theo những gì ông ấy nói.”

 

Trả lời DB Stephanie Murphy của Ủy ban, ông Stephen Ayres từ Ohio, người đã nhận tội vào tháng trước với cáo buộc gây mất trật tự liên quan đến vụ tấn công Điện Capitol, cho biết: “Tổng thống đã khiến mọi người nổi giận và yêu cầu mọi người lao tới. Về căn bản, chúng tôi chỉ làm theo những gì ông ấy nói.” Ảnh chụp màn hình.

Ngay cả Brad Parscale, người có thời quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, cũng đã đổ lỗi cho ông chủ cũ về vụ bạo lực chết người xảy ra sau đó, theo bằng chứng do Ủy ban đưa ra hôm thứ Ba. “Một tổng thống đương nhiệm lại yêu cầu nội chiến… Tôi đã mất niềm tin,” ông ta viết trong tin nhắn ngày 6 tháng Giêng cho Katrina Pierson, cựu phát ngôn viên của ông Trump, thêm rằng “lời hùng biện của ông Trump đã giết chết người”.

Ngay cả khi tiết lộ bằng chứng mới về nỗ lực bám lấy quyền lực của ông Trump, Ủy ban cho rằng ông Trump vẫn đang cố tự bảo vệ mình. Dân Biểu Liz Cheney (Cộng Hòa – Wyoming), Phó Chủ tịch Ủy ban, nhắc lại lo ngại của bà rằng ông Trump đã âm thầm can thiệp vào công việc của ủy ban bằng cách ngăn cản các nhân chứng hợp tác với cuộc điều tra.

Ông Trump đã cố gọi điện cho một trong những nhân chứng, và nhân chứng này, thông qua luật sư, đã thông báo cho Ủy ban, bà Cheney nói sau phần trình bày cuối cùng. Được biết, Bộ Tư Pháp đang rất quan tâm tới thông tin này vì đó có thể là manh mối cho một vụ điều tra tội cản trở công lý. “Chúng tôi sẽ xem xét một cách nghiêm túc hành vi ảnh hưởng đến lời khai của nhân chứng,” bà Cheney nói và nói thêm rằng Ủy ban đã thông báo cho Bộ Tư pháp về vấn đề này.

Trong một tuyên bố trên Twitter, Taylor Budowich, phát ngôn viên của ông Trump, cáo buộc bà Cheney đã loan “những lời nói dối và cạnh khóe”, nhưng không đề cập đến việc liệu ông cựu tổng thống có cố liên lạc với một nhân chứng hay không.

Trong phiên điều trần, Dân Biểu Jamie Raskin (Dân Chủ – Maryland), một thành viên của Ủy ban, đã tìm cách vẽ ra một lộ trình về nỗ lực nhiều lớp của ông Trump nhằm lật ngược thất bại bầu cử, diễn ra theo ba vòng tròn đồng tâm.

Theo ông Raskin, một chuyên gia nghiên cứu về chủ nghĩa khủng bố nội địa Mỹ, ở vòng trong cùng, là chiến dịch gây áp lực của ông Trump lên Phó Tổng thống Mike Pence để thuyết phục ông Pence đơn phương vứt bỏ các phiếu đại cử tri bầu cho ông Biden khi ông Pence chủ trì phiên họp chung của Quốc Hội để xác nhận kết quả chính thức.

Ở vòng giữa, ông Raskin nói các nhóm cực đoan cực hữu như Proud Boys và Oath Keepers – được huy động bởi một tweet vào ngày 19 tháng Mười Hai của ông Trump, hứa hẹn một cuộc biểu tình “hoang dã” ở Washington vào ngày 6 tháng Giêng – sẽ đi đầu trong việc xâm nhập và chiếm đóng Điện Capitol. 

Và ở vòng ngoài, ông nói thêm, một đám đông lớn và tức giận, được khuyến khích bởi những lời nói dối của ông Trump về gian lận bầu cử, sẽ là một “lực lượng chính trị” tìm cách giữ quyền lực cho ông cựu tổng thống.

 

Các nhân chứng là người tham gia bạo loạn Stephen Ayres (trái) và Jason Van Tatenhove tuyên thệ chỉ khai báo sự thật. Ảnh chụp màn hình.

Câu chuyện mà Ủy ban kể trong phiên điều trần thứ bảy diễn ra trong ba tuần hỗn loạn vào cuối năm 2020, bắt đầu từ ngày 14 tháng 12, khi Cử Tri Đoàn các tiểu bang họp và tuyên bố ông Biden là người chiến thắng trong cuộc bầu cử. Trong vòng một ngày, các đảng viên Cộng Hòa hàng đầu, như Thượng nghị sĩ Mitch McConnell của Kentucky, đã công nhận chiến thắng của ông Biden và một số phụ tá của ông Trump, bao gồm luật sư Pat A. Cipollone, Cố vấn Pháp lý Tòa Bạch Ốc, đã khuyên Tổng thống Trump nên thừa nhận thất bại.

Nhưng thay vì nhượng bộ, Ủy ban đã ghi lại cách ông Trump phớt lờ các quan chức chính quyền hàng đầu, chuyển hy vọng và sự chú ý của mình sang một nhóm cố vấn bên ngoài, những người đề nghị với ông một kế hoạch nguy hiểm và chưa từng có để sử dụng các cơ quan an ninh quốc gia để chiếm quyền kiểm soát các máy bỏ phiếu và về cơ bản là “tổ chức lại” cuộc bầu cử.

Thông qua lời khai được ghi hình, Ủy ban đã làm sống lại một cuộc họp nóng bỏng tại Phòng Bầu Dục vào ngày 18 tháng Mười Hai năm 2020, ở đó các cố vấn – trong đó có luật sư Sidney Powell và tướng Michael T. Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump – đã đấu tranh với luật sư Cipollone và các cố vấn khác của Tòa Bạch Ốc về kế hoạch thu giữ máy móc và chỉ định một công tố viên đặc biệt để điều tra gian lận bầu cử. Sáng sớm hôm sau, sau khi cuộc họp kết thúc, ông Trump đăng thông điệp trên Twitter kêu gọi những người ủng hộ ông đến Washington vào ngày 6 tháng Giêng 2021 với lời kêu gọi: “Hãy đến đó, sẽ rất hoang dã!”

Thông điệp đó đã được phản hồi ngay lập tức và rất cuồng nhiệt. Nó nhanh chóng được khuếch đại bởi những người ủng hộ Trump nổi bật và có lượng người theo dõi lớn, như Alex Jones, giám đốc điều hành của hãng truyền thông Infowars đầy thuyết âm mưu và người làm phát thanh cánh hữu Tim Pool.

Trong những góc tối của internet, những người ủng hộ ông Trump trên các trang web như TheDonald.win đã bắt đầu thảo luận về việc mang theo còng tay, áo giáp, khiên, gậy bóng chày và bình xịt hơi cay tới thủ đô Washington. Những người khác nói về hành vi gây bạo lực. “Tại sao chúng ta không giết chúng?” một người đã viết trong phòng tán gẫu (chatroom) 4chan“[Giết] đến từng tên dân chủ cuối cùng, tới người đàn ông, đàn bà và trẻ em cuối cùng?”

Tweet của ông Trump cũng có tác dụng đáng kể trong thế giới thực.

Trong vòng vài ngày kể từ khi nó được đăng tải, một nhóm ủng hộ Trump có tên là Phụ nữ vì nước Mỹ trên hết (Women for America First) đã thay đổi kế hoạch tổ chức cuộc mít tinh ở Washington sau lễ nhậm chức của ông Biden và dời sự kiện sang ngày 6 tháng Giêng. Cùng lúc đó, Ủy ban cho biết, ông Ali Alexander một nhà tổ chức nổi tiếng của phong trào Ngăn chặn Ăn Cắp (Stop the Steal) đã lập trang web WildProtest.com, cung cấp thông tin về nhiều cuộc biểu tình ở Washington vào ngày 6 tháng Giêng với đầy đủ thông tin về thời gian diễn ra sự kiện, địa điểm, diễn giả và chi tiết về phương tiện di chuyển.

Vào ngày 5 tháng Giêng năm 2021, ông Alexander đã gửi một tin nhắn văn bản cho một cộng sự, nói ông tin rằng ông Trump sẽ “ra lệnh” cho ông và các cộng sự tuần hành đến Điện Capitol.

Vào ngày 21 tháng 12 năm 2020 – hai ngày sau khi tweet của ông Trump về ngày 6 tháng Giêng được đăng trên mạng – một nhóm các thành viên cực hữu của đảng Cộng Hòa trong Quốc Hội đã gặp tổng thống tại Tòa Bạch Ốc để thảo luận kế hoạch của luật sư bảo thủ John Eastman về việc gây áp lực với Phó Tổng thống Mike Pence để làm gián đoạn hoạt động bình thường của Cử Tri Đoàn và giữ cho ông Trump tiếp tục nắm quyền.

Dân Biểu Stephanie Murphy (Đặng Thị Ngọc Dung) (Dân Chủ – Florida), thành viên Ủy ban, cho biết các thành viên của Quốc Hội tham dự cuộc họp bao gồm các ông bà Andy Biggs (Arizona), Matt Gaetz (Florida), Louie Gohmert (Texas) và Scott Perry (Pennsylvania). Có đến 11 dân biểu đảng Cộng Hòa trong Hạ Viện đã đề nghị được ông Trump ân xá trước khi ông ta rời ghế tổng thống.

 

Jason Van Tatenhove, cựu phát ngôn viên của tổ chức Oath Keepers (trái), trả lời câu hỏi của Dân Biểu Jamie Raskin tại buổi điều trần thứ sáu ngày 12 tháng 07 2022. Ảnh chụp màn hình.

Ủy ban cũng đã nghe một nhân chứng khác, Jason Van Tatenhove, cựu phát ngôn viên của tổ chức Oath Keepers, đã mô tả nhóm này là một mối đe dọa đối với nền dân chủ. Thủ lĩnh của Oath Keepers, Stewart Rhodes, là một trong số thành viên của nhóm bị buộc tội có âm mưu nổi loạn liên quan đến vụ tấn công Điện Capitol.

Và lần đầu tiên, ủy ban đã nghe lời khai từ một tội phạm hình sự có mặt tại Điện Capitol vào ngày 6 tháng Giêng và hiện đang phải đối mặt với các cáo buộc. Bị đơn, ông Ayres, nói với Ủy ban rằng ông đã đến Washington theo chỉ đạo của ông Trump và tuần hành đến Điện Capitol khi tổng thống bảo ông ta làm như vậy; nếu ông ta biết những tuyên bố của ông Trump về bầu cử gian lận là sai thì ngay từ đầu ông ta sẽ không bao giờ đi. Ayres nói rằng vụ tham gia vào cuộc bạo động đã hủy hoại cuộc đời ông ta, và ông ta cảm thấy bị ông Trump lừa gạt và phản bội.

“Tôi cảm thấy tôi giống như con ngựa bị che mắt. Điều quan trọng nhất đối với tôi là, hãy cởi bỏ tấm che mắt, hãy lùi lại và nhìn xem điều gì đang xảy ra trước khi quá muộn”.

Loạn cào cào!

TIẾNG ANH THEO DÒNG THỜI SỰ

Theo dõi các phiên điều trần của Uỷ ban Đặc trách điều tra vụ tấn công Quốc Hội (January 6th Committee, viết tắt là J6C), ta thấy có rất nhiều từ ngữ tiếng Anh nếu phải dịch sang tiếng Việt không dễ tí nào vì chúng thuộc dạng tiếng lóng hoặc ngôn ngữ bình dân, không thể tra tự điển hay nhờ bác Gú-gồ dịch giùm vì sẽ nghe rất khôi hài và vô nghĩa. Xin dẫn chứng một vài trường hợp.

Steve Bannon: “All hell’s gonna break loose!” (ảnh: Jabin Botsford/The Washington Post via Getty Images)

“The West Wing is unhinged!”

Chiều ngày 18 Tháng Mười Hai 2020, bốn nhân vật không phải là nhân viên nhà nước bỗng xuất hiện trong Phòng Bầu Dục của Bạch Cung để gặp Tổng thống Trump. Họ được một viên cán sự dẫn vào mà không phải đi qua các thủ tục an ninh thường lệ. Bốn người đó là Rudy Giuliani, luật sư riêng của ông Trump; Sidney Powell, tác giả nhiều mưu thuyết vô căn cứ về gian lận bầu cử; cựu cố vấn an ninh Michael Flynn; Patrick Byrne, cựu CEO công ty Overstock.

Khi ban luật sư Bạch Cung hay tin, họ tức tốc chạy đến Oval Office để chất vấn bốn người nọ. Luật sư Pat Cipollone kể rằng ông ta hết sức ngạc nhiên khi thấy những người này trong phòng, “nhất là thằng cha Overstock, người tôi chưa hề gặp bao giờ và chẳng biết là ai, tại sao lại có mặt.”

Buổi họp dài mấy tiếng đồng hồ diễn ra trong bầu không khí cực kỳ căng thẳng. Theo lời kể một viên chức thì hai bên đã “la hét, cãi lộn, chửi nhau bằng những lời lẽ thô tục nhất.” Cô Cassidy Hutchinson, phụ tá cho chánh văn phòng Mark Meadows gửi cho Anthony Ornato, phó Chánh Văn Phòng (Deputy Chief of Staff), một cái text message như sau:

The West Wing is unhinged.”

West Wing là khu cánh Tây của Bạch Ốc, ám chỉ nơi làm việc của Tổng thống và các nhân viên cao cấp. Thế còn “unhinged” là sao? Unhinged nghĩa đen là “sút bản lề”, đến từ chữ “hinge” có nghĩa là bản lề. Nhưng ngoài nghĩa đó ra, unhinged còn là tiếng lóng để diễn tả tình huống mất kiểm soát, loạn cào cào. Dùng trong bối cảnh ấy, “The West Wing is unhinged” có thể dịch thành: “Chái Tây loạn hết cả rồi!”

“Will be wild!”

Rạng sáng ngày 19 Tháng Mười Hai, bốn người khách của tổng thống đã phải ra về sau khi không thuyết phục được nhóm luật sư của Bạch Cung thuận theo âm mưu lật đổ chánh quyền do họ đề xướng. Tổng thống Trump bèn tung ra cú tweet được Uỷ Ban J6C mô tả là phát súng khai mào chiến dịch dùng bạo lực và đám đông cuồng tín để ngăn chặn buổi đếm phiếu tại Quốc Hội. Ông Trump viết:

Peter Navarro releases 36-page report alleging election fraud ‘more than sufficient’ to swing victory to Trump. A great report by Peter. Statistically impossible to have lost the 2020 Election. Big protest in D.C. on January 6th. Be there, will be wild!”

Đoạn đầu thì dễ hiểu thôi. Trump cho biết Peter Navarro vừa tung ra một báo cáo 36 trang cáo buộc gian lận bầu cử, rằng theo xác suất (statistically) thì phe Trump không thể nào thua. Nhưng hai câu cuối mới là vấn đề: Big protest in D.C. on January 6th. Be there, will be wild!”

(Photo by Robert Nickelsberg/Getty Images)

Biểu tình lớn ở D.C. ngày 6 tháng Giêng. Hãy có mặt. Sẽ rất là… “wild”!

Wild là sao? Tự điển tiếng Anh có rất nhiều định nghĩa cho chữ này, nào là (vùng đất) hoang, (cây cỏ) mọc bừa bãi, (tâm thần) nổi điên, (người) vô kỷ luật, (bắn súng/tên) trật đích, (cảm xúc) hào hứng, (tình huống) điên loạn, (con thú) bất trị v.v.

Như vậy phải dịch “Will be wild như thế nào mới đúng ý Tổng thống? Theo thiển ý, chữ wild này có thể hiểu theo nghĩa tiếng lóng người Mỹ thường dùng để tả một sự kiện vô cùng náo nhiệt. Chẳng hạn như: “You should have been at the party. It was wild!” (Rất tiếc bạn đã không đến dự được. Buổi tiệc hôm đó náo động/vui cực kỳ!)

Thành thử, nói theo giọng bình dân thì “Be there, will be wild!” có thể hiểu nôm na là “Nhớ đến, bảo đảm vui!” hoặc “Hãy có mặt, sẽ vui bạo!” (Dĩ nhiên không ai ngờ, trừ những người đã âm mưu từ trước, rằng “bạo” đây còn mang ý nghĩa bạo loạn và bạo lực.)

Washington DC ngày 15 Tháng Sáu: Steve Bannon trả lời báo chí bên ngoài E. Barrett Prettyman U.S. Courthouse; đằng sau ông là một người bày tỏ phản đối (ảnh: Kevin Dietsch/Getty Images)

“All hell’s gonna break loose!”

Và như Uỷ Ban 6/1 cho ta biết, một ngày trước khi phiến loạn xảy ra, Tổng thống Trump đã có ít nhất hai cuộc gọi với chiến lược gia Steve Bannon. Trong buổi phát thanh ngày 5 Tháng Một của mình, Steve Bannon đã bật mí sơ sơ cho thính giả rằng cuộc biểu tình ngày mai sẽ không phải là một cuộc xuống đường bình thường. Bannon cảnh báo: All hell’s gonna break loose!”

Đây cũng là một thành ngữ thường được dùng trong đối thoại bình dân (informal), được tự điển Merriam-Webster định nghĩa là “cách mô tả tình huống bạo lực, bạo loạn hay đập phá bỗng dưng xảy ra.”

Và như ta thấy (trong kinh ngạc và kinh hoàng), Bannon đã “liệu việc như thần.” Đó là lý do tại sao Steve Bannon được Uỷ Ban 6/1 “mời” ra cung khai. Nhưng vì ông ta quyết từ chối hợp tác nên hồ sơ được chuyển cho Tư Pháp xử lý. Ít lâu sau Bannon bị truy tố tội “Khinh thường Quốc Hội” và sẽ phải ra toà hình sự vào thứ Hai tuần tới.

Khinh thường Quốc Hội

TIẾNG ANH THEO DÒNG THỜI SỰ

Steve Bannon: “All hell’s gonna break loose!” (ảnh: Jabin Botsford/The Washington Post via Getty Images)

Steve Bannon, cựu chiến lược gia cho ứng cử viên Donald Trump năm 2016, vừa bị kết án tội Contempt of Congress – Khinh thường Quốc Hội. Đây là một tội danh ít khi ta nghe nói tới và rất ít người bị. Thế Contempt of Congress nghĩa là gì?

Theo Wikipedia:

Khinh thường Quốc Hội là the act of obstructing the work of the United States Congress (hành vi cản trở việc làm Quốc Hội Hoa Kỳ) hay một trong những uỷ ban của Quốc Hội khi họ thi hành nhiệm vụ.

Thuở ban đầu, hối lộ hay đút lót cho thượng nghị sĩ hoặc dân biểu được xem là hành động khinh thường Quốc Hội.

Ngày nay, tội khinh thường Quốc Hội generally applied to the refusal to comply with a subpoena issued by a Congressional committee (được áp dụng cho những trường hợp bị cáo từ chối trát đòi của một uỷ ban Quốc Hội); usually seeking to compel either testimony or the production of requested documents (để tìm cách buộc nhân chứng phải ra điều trần hoặc giao nộp hồ sơ theo yêu cầu).

_________

Steve Bannon đã làm gì để phải mang tội? Bài báo của Associated Press ngày 22 tháng Bảy cho biết:

Bannon, 68 tuổi, đã bị kết án sau phiên toà dài bốn ngày tại một toà án liên bang ở Hoa Thịnh Đốn. Ông ta bị cáo buộc hai tội danh: one for refusing to appear for a deposition and the other for refusing to provide documents in response to the committee’s subpoena (tội thứ nhất là từ chối ra cung khai, và tội thứ nhì là từ chối cung cấp các hồ sơ theo yêu cầu trong trát đòi của Uỷ ban).

Bồi thẩm đoàn gồm 8 đàn ông và 4 phụ nữ đã bàn thảo gần ba tiếng đồng hồ. Ông [Bannon] đối mặt tối đa hai năm tù ở trong nhà tù liên bang, mức án sẽ được quyết định vào ngày 21 tháng 10. Each count carries a minimum of 30 days in jail (Hình phạt tối thiểu cho mỗi tội danh là 30 ngày tù).

Vì sao Uỷ Ban 6/1 yêu cầu Bannon ra cung khai và nộp tài liệu? Theo NPR:

Uỷ ban muốn biết thêm về những cuộc liên lạc giữa Bannon và cựu Tổng thống Trump, sự hiện diện của ông ta cùng với một số nhân vật khác tại khách sạn Willard Hotel [gần Bạch Cung] hồi đầu năm 2021, và câu nói trong chương trình podcast War Room của ông ta một ngày trước khi vụ tấn công Điện Quốc Hội xảy ra, rằng “all hell is going to break loose tomorrow.”

Như đã giải thích trong bài Loạn Cào Cào, câu nói đầy ẩn ý của Bannon là một thành ngữ thường dùng trong đối thoại bình dân được định nghĩa là “tình huống bạo lực, bạo loạn hay đập phá bỗng dưng xảy ra.” Chính vì vậy nên Uỷ ban 6/1 mới muốn tìm hiểu tại sao Steve Bannon nghĩ (hoặc biết trước) rằng sẽ có bạo loạn ngày hôm sau.

Từ lúc nhận được trát đòi hồi tháng 9 năm ngoái đến nay, Steve Bannon vẫn một mực từ chối hợp tác với Uỷ Ban và luôn lớn tiếng thách thức Bộ Tư Pháp. Nhưng vào ngày 21 tháng 10 sắp tới đây, ông ta sẽ được “face the music – một thành ngữ dân gian khác mang ý nghĩa đối mặt với hậu quả (hình phạt) của việc mình làm.

 

Buổi điều trần thứ Tám: Trump để mặc bạo loạn diễn ra hơn 3 tiếng

Người Việt

WASHINGTON, DC (NV) – Buổi điều trần thứ Tám của Uỷ Ban 6 Tháng Giêng công bố bằng chứng cho thấy, trong suốt ba tiếng đồng hồ cựu Tổng Thống Donald Trump đã không hành động gì để làm ổn định tình hình và bảo vệ sinh mạng thành viên Quốc Hội truớc sự tấn công của đám đông gây bạo loạn, theo CNN.

Trong phiên điều trần hôm Thứ Năm, ngày 21 Tháng Bảy, Uỷ Ban 6 Tháng Giêng tập trung vào 187 phút bắt đầu từ lúc cựu tổng thống kích động đám đông kéo đến Quốc Hội “chiến đấu tới cùng” cho đến khi ông đưa ra đoạn video clip kêu họ “về nhà.”

Ông Trump tỏ ý bực bội không muốn nói “cuộc bầu cử đã chấm dứt” trong đoạn video clip thu ngày 7 Tháng Giêng, 2021. (Hình: Win McNamee/Getty Images)

Phiên điều trần do Dân Biểu Elaine Luria (Dân Chủ-Virginia) và Dân Biểu Adam Kinzinger (Cộng Hòa-Illinois) đồng chủ trì. 

Các nhân chứng ra điều trần trực tiếp là ông Matthew Pottinger và bà Sarah Matthews, hai phụ tá Tòa Bạch Ốc của ông Trump, những nguời đã từ chức ngay sau vụ bạo loạn. 

Dưới đây những điểm chính của phiên điều trần.

Trump chỉ ngồi yên theo dõi cuộc bạo loạn qua truyền hình

Chẳng những tỏ ra thiếu năng lực kiểm soát, ông Trump chọn giải pháp “điềm nhiên toạ thị” toàn cảnh vụ bạo động diễn ra tại Quốc Hội.

Các nhân chứng có mặt trực tiếp tại Tòa Bạch Ốc ngày 6 Tháng Giêng khai rằng cựu tổng thống đã không hề liên lạc cho bất kỳ cơ quan công lực hoặc an ninh cấp liên bang nào khi đám đông bạo loạn tấn công cảnh sát, phá rào, đập kiếng cửa sổ, tràn vào toà nhà Quốc Hội.

Uỷ ban điều tra đã xác nhận hành xử “án binh bất động” của cựu tổng thống trong cuơng vị “Tổng Tư Lệnh” truớc tình hình hỗn loạn tại Quốc Hội, qua nhiều cuộc thẩm vấn với các nhà lãnh đạo an ninh công lực và quân đội cấp cao, cùng nhân viên phụ tá của cựu Phó Tổng Thống Mike Pence và viên chức chính quyền đặc khu Washington DC. 

Toàn bộ các nhân chứng đều trả lời hoàn toàn “tuyệt vô âm tín” từ cựu tổng thống.

Theo ủy ban, việc ông Trump từ chối can thiệp để ổn định tình hình có thể coi là hành vi  “lẫn tránh trách nhiệm.”

Các cựu viên chức có mặt tại Toà Bạch Ốc lúc xảy ra bạo loạn, cả thảy cùng chứng kiến ông Trump ngồi yên theo dõi cuộc bạo động trên truyền hình. Những người này gồm có ông Pat Cipollone, luật sư Tòa Bạch Ốc lúc bấy giờ, và ông Nick Luna, phụ tá thân tín của ông Trump. Họ không biết liệu cựu tổng thống có thực hiện cuộc gọi riêng cho các cơ quan an ninh hay không.

Ông Keith Kellogg, cố vấn an ninh quốc gia của ông Pence, người cũng ở gần ông Trump ngày hôm đó, khai rằng ông chưa bao giờ nghe cựu tổng thống ra mệnh lệnh cho Vệ Binh Quốc Gia (National Guard) hoặc các lực luợng công lực tiếp ứng để vãn hồi trật tự. 

Ông Kellogg khẳng định ông chắc chắn phải biết nếu có một mệnh lệnh như thế.

Ông Matthew Pottinger và bà Sarah Matthews, hai phụ tá Tòa Bạch Ốc thời Trump, điều trần hôm Thứ Năm, 21 Tháng Bảy. (Hình: Saul Loeb – Pool/Getty Images)

Trong khi đó, nữ phụ tá Matthews khai có nói chuyện với bà Kayleigh McEnany, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, vào thời điểm diễn ra vụ bạo động.

“Bà McEnany nhìn thẳng vào mắt tôi và kín đáo tiết lộ tổng thống không muốn nhắc đến việc vãn hồi trật tự dưới mọi hình thức,” bà Matthews tuờng trình.

“Theo tôi, việc ông Trump từ chối hành động để ngăn chận đám đông lại và lên án hành vi bạo lực là sự thật không thể chối cãi,” bà Matthews nói tại buổi điều trần.

Lời khai của bà Matthews trùng khớp với những bằng chứng khác được trình bày vào ngày 21 Tháng Bảy. Điển hình là đoạn video thu cựu tổng thống lên tiếng truớc quốc dân một ngày sau vụ bạo loạn, hôm 7 Tháng Giêng, khi ông tỏ ra bực bội nói: “Tôi không muốn nói  cuộc bầu cử đã kết thúc.”

Ngoài ra, Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Mark Milley  bày tỏ thái độ ngạc nhiên khi không hề nghe bất kỳ liên lạc nào đến từ cựu Tổng Thống Trump khi cuộc bạo loạn nổ ra. 

“Ông ấy là tổng tư lệnh. Và đang có một cuộc bạo loạn tấn công vào trụ sở Quốc Hội, nhưng lại không đưa ra bất kỳ mệnh lệnh nào. Cũng không một cú điện thoại. Hoàn toàn không có gì cả!” Tuớng Milley nói với uỷ ban điều tra.

Nhân viên bảo vệ Phó Tổng Thống Mike Pence gọi thân nhân nói lời vĩnh biệt

Phiên điều trần chiếu một đoạn video và âm thanh cho thấy đội ngũ nhân viên mật vụ đã chịu nguy hiểm như thế nào để đưa cựu phó tổng thống khỏi “tâm bão.”

Ủy ban đã tái hiện lại bức tranh toàn diện nhất về tình huống mà đội ngũ bảo vệ an ninh cho cựu phó tổng thống đối mặt ngày hôm đó khi đám đông bạo loạn hô hào đòi treo cổ ông Pence vì từ chối nghe theo ông Trump lật ngược kết quả bầu cử.

Một nhân viên mật vụ bảo vệ cho cựu phó tổng thống tuờng thuật tình hình nghiêm trọng đến mức họ “bắt đầu lo sợ cho tính mạng của chính mình” và một số người đã gọi điện thoại “nói lời vĩnh biệt với thân nhân.”

Ủy ban cũng tiết lộ đoạn video clip cho thấy cảnh Sở Mật Vụ (USSS) sử dụng liên lạc vô tuyến điều động nhân viên trinh sát và án ngữ cầu thang Thượng Viện khi ông Pence chuẩn bị di tản lánh nạn, giữa lúc những kẻ bạo loạn đối đầu với cảnh sát ở hành lang tầng dưới. Đoạn video phát ngày 21 Tháng Bảy mô tả chi tiết hành trình thoát thân trắc trở của cựu tổng thống.

Cảnh cựu Phó Tổng Thống Mike Pence tại một nơi an toàn bí mật trong toà nhà Quốc Hội ngày 6 Tháng Giêng. (Hình: Win McNamee/Getty Images)

Hình ảnh đối chọi giữa Pence và Trump

Một điểm quan trọng đuợc chỉ ra trong phiên điều trần là các hành động quyết đoán được thực hiện vào ngày 6 Tháng Giêng không phải xuất phát từ ông Trump mà đến từ ông “phó” Pence.

Ủy ban nhấn mạnh, ông Trump đã không hề đưa ra bất kỳ nỗ lực gọi các viên chức an ninh hay quân đội. 

Trong khi đó, ông Pence đã liên lạc với Tướng Milley và ông Chris Miller, quyền bộ trưởng quốc phòng khi đó. Trong video lời khai, ông Milley cho hay ông và ông Pence đã có “hai hoặc ba cuộc gọi với nhau.”

“Ông ấy rất linh hoạt và đưa ra mệnh lệnh rất rõ ràng, trực tiếp. Không nghi ngờ gì về điều đó,” ông Milley nói. 

Bà Luria nhấn mạnh sự tương phản rõ rệt giữa ông Trump và ông Pence lúc bấy giờ. “Tổng thống không gọi phó tổng thống hay bất kỳ ai trong quân đội, không liên lạc với cơ quan công lực liên bang hay chính phủ DC. Không gọi bất kỳ ai,” bà chỉ trích.

Ngoài ra, ủy ban cũng cho thấy hiện tại ông Trump vẫn còn tức giận với phó tổng thống về những gì vào ngày 6 Tháng Giêng. 

Trên mặt chính trị, ông Pence thể hiện sự tương phản khi ủng hộ các ứng cử viên đối đầu với nguời mà ông Trump ủng hộ trong một số cuộc bầu cử sơ bộ vừa qua.

Cựu phó tổng thống tán thành bác bỏ các cáo buộc gian lận từ ông Trump. Những thành viên đảng Cộng Hòa có cùng quan điểm với ông Pence bao gồm ông Brian Kemp, thống đốc Georgia, và bà Karrin Taylor Robson thuộc đảng Cộng Hòa Arizona.

Ủy ban có hai thành viên đảng Cộng Hòa là ông Adam Kinzinger và bà Liz Cheney, phó chủ tịch ủy ban, họ đều xem ông Pence là một trong những viên chức chủ chốt  phản kháng luận điệu tuyên truyền giả dối “bầu cử gian lận” của cựu tổng thống.

Vạch trần sự bất nhất của lãnh đạo Cộng Hoà tại Quốc Hội 

Trong buổi điều tra ngày 21 Tháng Bảy, ủy ban trực tiếp nhắm đến ông Kevin McCarthy, lãnh đạo phe thiểu số Cộng Hoà Hạ Viện, và các đồng minh khác của ông Trump.

Ủy ban đã phát các đoạn âm thanh, vốn từng được tiết lộ trước đó, về việc ông McCarthy đề cập đến các cuộc trò chuyện của ông với ông Trump sau ngày 6 Tháng Giêng và cho hay ông cân nhắc khuyên vị tổng thống từ chức.

Một video của ông Jared Kushner, con rể ông Trump, nói rằng ông McCarthy tỏ vẻ “sợ hãi” khi tình cảnh bạo lực đang bùng phát ở trụ sở Quốc Hội khi hai người nói chuyện qua điện thoại ngày 6 Tháng Giêng.

Ngoài ra, uỷ ban lưu ý đến Thượng Nghị Sĩ Josh Hawley (Cộng Hòa-Missouri), người từng dẫn đầu Thượng Viện phản đối kết quả bầu cử vào ngày xảy ra bạo loạn. Ủy ban đã trình bày bức ảnh nổi tiếng cho thấy ông Hawley giơ nắm tay về phía đám đông bên ngoài tòa nhà.

Ngay sau đó, ủy ban phát video cảnh ông Hawley tháo chạy ra khỏi phòng họp của Thượng Viện, khi đám đông bắt đầu tiến vào phòng họp Quốc Hội.

Dù “bỏ chạy có cờ” lúc đám đông bạo loạn vào Quốc Hội nhưng tối hôm 6 Tháng Giêng khi trật tự vãn hồi, ông Hawley đứng lên tuyên bố bỏ phiếu phản đối kết quả bầu cử ở Pennsylvania.

Ủy ban đã gửi trát đòi đến năm thành viên đảng Cộng Hòa, bao gồm ông McCarthy, một hành động chưa từng có truớc đây.

Tuớng Mark Milley, tổng tham mưu truởng, điều trần truớc Uỷ Ban 6 Tháng Giêng. (Hình: Saul Loeb/AFP via Getty Images)

Chứng thực lời khai của bà Cassidy Hutchinson

Ủy ban cung cấp bằng chứng mới củng cố thêm lời khai gây gây chấn động của bà Cassidy Hutchinson, cựu phụ tá Tòa Bạch Ốc. Theo bà, ông Trump đã tranh cãi dữ dội với đội ngũ an ninh USSS khi họ ngăn ông đến trụ sở Quốc Hội.

Bà Luria cho biết ủy ban đã có thông tin từ hai nguồn để chứng thực một phần lời khai của bà Hutchinson rằng ông Trump đã giằng co với USSS. Một trong những nhân chứng “là cựu nhân viên an ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc.”

Viên chức giấu tên đã làm chứng rằng ông Tony Ornato, phó chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc lúc bấy giờ và một thành viên hiện tại của USSS, đã kể cho ông nghe câu chuyện tương tự bà Hutchinson. Ông Trump đã “tức giận” khi ông Robert Engel, nhân viên USSS ngày 6 Tháng Giêng năm 2021, không đưa ông đến tòa nhà Quốc Hội.

Nhân chứng thứ hai là Trung Sĩ Mark Robinson, người có mặt trong đoàn xe của cựu Tổng Thống Trump ngày hôm đó. Nhân viên USSS chịu trách nhiệm về đoàn xe nói rằng ông Trump đã có một cuộc đối thoại qua lại “nóng” về việc đi đến trụ sở Quốc Hội.

Bà Luria lưu ý ủy ban dự trù sẽ nhận được nhiều lời khai hơn trong những tuần tới về tranh cãi giữa hai bên.

Dân Biểu Zoe Lofgren (Dân Chủ-California), một thành viên của ủy ban, cho hay cả ông Ornato và Engel đều có cố vấn riêng tham gia với ủy ban.

Video, hình ảnh, âm thanh trong 187 phút

Phiên điều trần trình chiếu các video, hình ảnh và âm thanh chưa từng công khai trước đây, khơi lại nỗi kinh hoàng của ngày 6 Tháng Giêng và hé lộ những tình tiết mới.

Trong hai video quay ngày 6 và 7 Tháng Giêng cho thấy ông Trump đã tỏ ra cố chống lại việc lên án những kẻ bạo loạn.

Ngoài ra, người tham dự được nghe chi tiết kế hoạch di tản phó tổng thống ra khỏi Thượng Viện. Việc này khiến phải đưa ông Pence đến gần đám đông nguy hiểm khi một số người thậm chí muốn giết cựu phó tổng thống.

Phiên điều trần cũng chiếu đoạn phim và hình ảnh giới lãnh đạo Quốc Hội thảo luận qua điện thoại với ông Miller, quyền bộ trưởng quốc phòng.

Nhóm dân cử lưỡng đảng, bao gồm lãnh đạo phe đa số Thượng Viện lúc này là ông Mitch McConnell và Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, đã đề nghị ông Miller bảo đảm đưa Vệ Binh Quốc Gia khôi phục trật tự để Quốc Hội tiếp tục tiến trình xác nhận phiếu bầu của đại cử tri.

Các nhà lập pháp nhấn mạnh các cảnh quay an ninh, bao gồm đoạn phim Thượng Nghị Sĩ Josh Hawley tháo chạy khỏi trụ sở Quốc Hội trước những kẻ bạo loạn, trái ngược với sự ủng hộ công khai của ông Hawley đối với việc lật ngược kết quả bầu cử.

Ủy ban hy vọng những hình ảnh trên các đoạn video về diễn tiến xảy ra tại Toà Bạch Ốc và Quốc Hội sẽ thu hút được sự chú ý của công chúng và truyền tải thông điệp vạch trần những âm mưu toan tính lật nguợc kết quả bầu cử năm 2020 của cựu Tổng Thống Trump và phe nhóm.

Thượng Nghị Sĩ Josh Hawley (Cộng Hòa-Missouri), giơ nắm tay bên ngoài tòa nhà Quốc Hội, nhưng đã bỏ chạy khi đám đông bạo loạn tiến vào phòng họp Thuợng Viện. (Hình: Al Drago/Pool/AFP via Getty Images)

Các phiên điều trần công khai sẽ tiếp tục vào Tháng Chín

Ủy ban sẽ nghỉ Hè vào Tháng Tám và tiếp tục phiên điều trần công khai vào Tháng Chín.

Các nhà lập pháp cho biết cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành, Dân Biểu Bennie Thompson (Dân Chủ-Mississippi), chủ tịch ủy ban, cho hay “vẫn nhận được thông tin mới mỗi ngày.”

Uỷ ban đã tiến hành tám phiên điều trần công khai cho đến nay, và đạt được mức xếp hạng truyền hình cao nhờ trình bày một lượng đáng kể thông tin mới về sự việc. 

Loạt điều trần tiếp theo vào Tháng Chín sẽ được tiến hành trong khoảng thời gian cuối cùng của cuộc tranh cử giữa mùa vào Tháng Mười Một.

Các thành viên của ủy ban cho biết họ cũng dự định phát hành một báo cáo tạm thời vào khoảng thời gian đó.

“Chúng tôi đã chứng minh các thành tố của sự vi phạm luật pháp của ông Donald Trump và đồng loã trong mỗi phiên điều trần,” ông Kinzinger cho hay khi được hỏi liệu ủy ban đã cung cấp đủ bằng chứng buộc tội cựu tổng thống cho Bộ Tư Pháp hay chưa. 

“Tôi nghĩ, xét về tổng thể, hành động của họ thể hiện nỗ lực lớn nhất nhằm lật đổ ý chí của người dân và âm mưu lật đổ nền dân chủ Mỹ. Chúng tôi đã đưa ra các bằng chứng. Bây giờ, đến lúc Bộ Tư Pháp đưa ra quyết định,” Dân Biểu Kinzinger kết luận. (MPL) [kn]

 

Phiên điều trần thứ tám: 187 phút vô trách nhiệm của ông Trump

Ủy ban đã cáo buộc cựu Tổng thống Donald J. Trump vô trách nhiệm vì đã không hành động để ngăn chặn cuộc tấn công vào Điện Capitol
Ông Matthew Pottinger, cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia và cô Sarah Matthews, Phó Thư ký Báo Chí Tòa Bạch Ốc, tuyên thệ khai sự thật tại phiên điều trần. Ảnh chụp màn hình.

Tại phiên điều trần thứ tám trong loạt các phiên điều trần công khai do Ủy ban Hạ viện tổ chức điều tra vụ bạo loạn ngày 6 tháng Giêng 2021 tổ chức, Ủy ban đã cáo buộc cựu Tổng thống Donald J. Trump vô trách nhiệm vì đã không hành động để ngăn chặn cuộc tấn công vào Điện Capitol được thực hiện nhân danh ông ta.

Ủy ban đã trình bày những dữ kiện và lời khai của nhân chứng cho thấy, trong hơn 187 phút ông Trump đã ở trong một phòng ăn nhỏ gần Phòng Bầu dục, theo dõi cảnh bạo lực tấn công Quốc Hội được truyền hình trực tiếp trên đài Fox News và từ chối lời cầu xin của các trợ lý, thành viên đảng Cộng Hòa trong Quốc Hội và các thành viên gia đình, yêu cầu ông kêu gọi đám đông chấm dứt bạo động ngay cả khi ông vẫn tiếp tục gọi điện cho các thượng nghị sĩ để thuyết phục họ ngừng chứng nhận kết quả bầu cử của cử tri đoàn mà ông là kẻ thất bại.

Hành động “không làm gì cả” trong 187 phút của ông Trump – tính từ lúc ông kết thúc bài diễn văn tại cuộc tuần hành ở công viên Ellipse gần Tòa Bạch Ốc lúc 1:10 chiều 6 tháng Giêng đến lúc ông đọc diễn văn video ở Vườn Hồng Tòa Bạch Ốc lúc 4:17 phút chiều, kêu gọi người biểu tình rời đi sau khi có dấu hiệu các lực lượng an ninh được tăng viện đã bắt đầu làm chủ tình hình trên Đồi Capitol và nhân viên FBI đang lùng bắt những nhân vật đầu sỏ của vụ bạo loạn – là trọng tâm câu chuyện được Ủy ban trình bày tối thứ Năm 21 tháng Bảy.

Ra điều trần trực tiếp hôm nay có ông Matthew Pottinger, cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia và cô Sarah Matthews, Phó Thư ký Báo Chí Tòa Bạch Ốc. Các nhân chứng, qua bản khai video và lời khai trực tiếp, đều cho biết ông Trump đã bỏ qua một loạt lời cầu xin để kêu gọi những người ủng hộ của mình chấm dứt bạo loạn và rời khỏi tòa nhà Quốc Hội.

Các thành viên của Quốc Hội, các trợ lý và con gái ông, cô Ivanka, đã cầu xin ông Trump ra lệnh chấm dứt bạo lực khi nó diễn ra trước mặt ông trên truyền hình. Nhưng các nhân chứng nói trước ủy ban rằng ông Trump không chỉ phớt lờ yêu cầu của họ mà còn liên tục ra hiệu rằng ông không muốn làm gì cả. 

Trong lời khai trực tiếp tại phiên điều trần, hai phụ tá của ông Trump, Matthew Pottinger và cô Sarah Matthews, cho biết họ đã từ chức sau khi kinh hoàng trước dòng tweet của ông Trump lên án Phó Tổng thống Mike Pence giữa lúc cuộc tấn công vào Điện Capitol đang diễn ra và đám đông đang la hét đòi treo cổ ông Pence. Ông Pottinger nói rằng dòng tweet này giống như đổ xăng vào lửa.

Tin nhắn văn bản và âm thanh mà ủy ban thu được cho thấy những người biểu tình tập trung tại Điện Capitol đang chú ý lắng nghe những lời nói của ông Trump nhưng ông đã không can ngăn họ. Cô Sarah Matthews thậm chí nói rằng bộ phận của cô đã tập hợp các nhà báo ở Cánh Tây, sẵn sàng chờ ông Trump phát biểu với quốc dân nhưng đã không có lời phát biểu nào được đưa ra.

Dân biểu Adam Kinzinger (Cộng Hòa- Illinois) nói hành vi của Donald Trump ngày 6 Tháng Giêng 2021 là vết nhơ trong lịch sử. Ảnh chụp màn hình

Dân biểu Adam Kinzinger (Cộng Hòa-Illinois), người dẫn dắt phiên điều trần, nói rằng tổng thống chẳng những không làm mà không muốn làm điều gì để chấm dứt cuộc bạo loạn ở Điện Capitol vì nó diễn ra theo kế hoạch của ông ta, phục vụ lợi ích riêng của ông ta. 

“Ông ấy nói với Mark Meadows [Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc] rằng những kẻ bạo loạn đang làm những gì họ nên làm và những kẻ bạo loạn hiểu rằng họ đang làm những gì Tổng thống Trump muốn họ làm,” ông Kinzinger nói.

Ông Trump đã không viết tweet kêu gọi người bạo động rời khỏi tòa nhà Quốc Hội, mà ông thậm chí không gọi điện thoại cho Bộ Tư Pháp, Bộ An Ninh Nội Địa hoặc Bộ Quốc Phòng để ra lệnh cho các đơn vị công lực lập lại trật tự trên Đồi Capitol. Thông qua một loạt lời khai của nhân chứng, Ủy ban chứng minh rằng ông Trump chưa bao giờ liên hệ với những người đứng đầu cơ quan thực thi pháp luật hoặc bộ phận an ninh quốc gia hoặc cơ quan trong chính phủ để tìm kiếm sự trợ giúp nhằm dập tắt bạo lực. 

Đoạn phim của Fox News, mà ông Trump đang xem từ phòng ăn của mình, cho thấy Cảnh sát Capitol đang bị bao vây, đang vật lộn để đẩy lùi đám đông, các thượng nghị sĩ và dân biểu chạy tán loạn tìm nơi trú ẩn an toàn và tính mạng của Phó Tổng thống Mike Pence bị đe dọa nghiêm trọng. Nhưng ông tổng thống vẫn ngồi bất động như một khán giả nhàn rỗi chứ không phải một nhà lãnh đạo quốc gia, một tổng tư lệnh quân đội trong lúc đất nước đang có biến. 

Thậm chí điện thoại gọi từ Ngũ Giác Đài yêu cầu phối hợp phản ứng ông cũng không nghe mà luật sư Pat Cipollone của Tòa Bạch Ốc phải nhận điện thoại. Trong cuộc phỏng vấn với Ủy ban, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, tướng Mark Milley, hết sức thất vọng với phản ứng của ông Trump. “Ông là tổng tư lệnh – Ông đang chứng kiến một cuộc tấn công xảy ra ở Điện Capitol của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ và không làm gì cả? Không thực hiện cuộc gọi nào? Không? Số không?” Tướng Milley chán nản.

Có những chi tiết xúc động lần đầu tiên được tiết lộ cho thấy các vệ sĩ bảo vệ ông Pence đã quá sợ hãi trước đám đông hung bạo đến mức một số người đã gọi điện thoại để nói lời vĩnh biệt vợ con và thân nhân. 

Dân biểu Adam Kinzinger – một cựu sĩ quan Không Lực Hoa Kỳ đã chiến đấu ở Afghanistan và Iraq – nhận định:

“Hành vi của Donald Trump ngày 6 Tháng Giêng là sự vi phạm tối đa lời thề của ông ta khi nhậm chức, là sự xao lãng hoàn toàn nhiệm vụ của ông ta với đất nước. Đó là một vết nhơ trong lịch sử. Đó là sự lăng nhục những người đã hy sinh khi phụng sự cho nền dân chủ”.

Cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Matthew Pottinger nhận định, vụ bạo loạn ở Điện Capitol “đã làm cho các kẻ thù của Mỹ bạo dạn hơn bằng cách cung cấp cho họ đạn được để quảng bá câu chuyện rằng hệ thống chính phủ của chúng ta không hoạt động được, rằng nước Mỹ đang suy thoái”.

Ông cho biết trong những ngày sau đó, ông nghe nhiều quan chức cao cấp của các nước đồng minh “hết sức quan tâm về sức khỏe của nền dân chủ Mỹ”. Ông Pottinger từng là sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến, là nhà báo phụ trách Văn phòng báo The Wall Street Journal tại Bắc Kinh, Trung Quốc, có vợ là người Việt và bị phái đoàn của ông thủ tướng cộng sản Phạm Minh Chính mang ra bình phẩm trong vụ lộ video tháng trước.

Phần cuối phiên điều trần, Ủy ban đã cho chiếu một đoạn phim thô ghi cảnh ông Trump phát biểu vào ngày 7 tháng Giêng – tức là một ngày sau cuộc bạo loạn – nhưng ông cựu tổng thống vẫn từ chối nói rằng cuộc bầu cử đã kết thúc. “Tôi không muốn nói rằng cuộc bầu cử đã kết thúc, tôi chỉ muốn nói rằng Quốc hội đã chứng nhận kết quả mà không nói rằng cuộc bầu cử đã kết thúc, OK?” ông Trump nói với con gái Ivanka và những người khác trong phòng ghi hình. Cho đến nay ông Trump vẫn khăng khăng nói rằng ông không thua trong cuộc bầu cử 2020 cho dù ông Joe Biden đã làm tổng thống gần một nửa nhiệm kỳ.

Dân biểu Liz Cheney (Cộng Hòa – Wyoming), Phó Chủ tịch UB Điều tra của Hạ Viện: “Chúng ta không thể chối bỏ sự thật mà vẫn là một quốc gia tự do được,” Ảnh chụp màn hình.

Trong phần phát biểu kết thúc phiên điều trần, Dân biểu Liz Cheney (Cộng Hòa – Wyoming), Phó chủ tịch Ủy ban, đã cung cấp những thông tin rúng động: Kế hoạch tuyên bố chiến thắng cuộc bầu cử 2020 bất chấp dữ kiện về phiếu bầu ra sao đã được ông Trump tính toán trước. Bà Cheney dựa trên một đoạn audio-clip mới được tiết lộ ghi lại cuộc trò chuyện của Steve Bannon, cố vấn tranh cử của ông ta, bốn ngày trước bầu cử. Hành động tính toán trước kế hoạch đảo ngược kết quả bầu cử của Trump là một bất lợi cho ông ta nếu các công tố viên tiến hành vụ án hình sự chống lại ông ta.

Một bằng chứng quan trọng mà bà Cheney nêu ra là ông Trump biết ông kiểm soát được các ủng hộ viên của mình, ông có thể kích động họ tấn công Quốc Hội bằng cách lợi dụng lòng yêu nước mù quáng của họ bất chấp thực tế không có bằng chứng nào cho thấy ông ta đã thắng cử.

Bà Cheney nói trong các phiên điều trần cho thấy những lời tố cáo đều đến từ những người làm việc cho ông Trump: những cựu nhân viên, những người quen biết ông và ngay cả các con cái của ông. Họ đã trình bày một chân dung ông Trump khá thống nhất. Về vụ bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng, không ai có thể đổ lỗi cho nhân viên để che đây hành vi của ông ta. Ông Trump là người chủ xướng mọi nỗ lực liên quan để giúp ông ta tiếp tục nắm giữ quyền lực.

Với người dân Mỹ đang theo dõi cuộc điều tra của Ủy ban, bà Cheney khuyên họ nên cân nhắc các thông tin và dữ kiện được trình bày trong các phiên điều trần để xem xét:

“Có thể nào một tổng thống sẵn sàng thực hiện những lựa chọn mà Donald Trump đã làm trong vụ tấn công Quốc Hội ngày 6 Tháng Giêng lại có thể được tín nhiệm để được bầu vào chức vụ quyền lực trong đất nước vĩ đại của chúng ta một lần nữa hay không?” bà Cheney nói.

“Chúng ta không thể chối bỏ sự thật mà vẫn là một quốc gia tự do được,” bà nói thêm.

Dân biểu Kinzinger cho biết khi Ủy ban 6 Tháng Giêng đưa ra báo cáo, Ủy ban cũng sẽ khuyến nghị việc thay đổi luật pháp và chính sách để bảo đảm chống lại một vụ bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng khác. Một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng đã đưa ra một dự luật thỏa hiệp để cải tổ Luật Đếm Phiếu Đại Cử Tri (The Electoral Count Act) – đạo luật nằm ở trung tâm nỗ lực của ông Trump can thiệp vào kết quả bầu cử 2020.

Mặc dù phiên điều trần hôm thứ Năm dự kiến ​​là phiên cuối cùng trong một loạt các phiên điều trần trong suốt tháng Sáu và tháng Bảy, nhưng ông Bernie Thompson, Chủ tịch Ủy ban, cho biết Ủy ban có kế hoạch triệu tập lại để có thêm các phiên điều trần vào tháng Chín, do có thêm rất nhiều bằng chứng và nhiều nhân chứng tiếp tục được khai báo. Cuộc điều tra của Ủy ban 6 Tháng Giêng vẫn đang tiến hành và việc công bố báo cáo sơ bộ có thể bị chậm hơn dự tính.

Phiên điều trần cuối cùng: Ông Trump có ra khai trước Quốc Hội?

 Sài Gòn Nhỏ

Hôm thứ Năm 13-10-2022 Ủy ban Hạ viện điều tra vụ bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng 2021 quyết định gửi trát đòi cựu Tổng thống D. Trump phải ra khai trước Ủy ban về hành vi của ông ta trong sự kiện lịch sử đó. Ủy ban đã thu thập 1,000 cuộc phỏng vấn, xem xét hơn 140,000 tài liệu và sẽ có báo cáo cuối cùng trong thời gian tới. Ảnh Kent Nishimura / Los Angeles Times via Getty Images

Kết thúc phiên điều trần công khai kéo dài hai tiếng rưỡi đồng hồ chiều Thứ Năm 13 Tháng Mười, Ủy ban Lựa chọn của Hạ viện điều tra vụ bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng 2021 tấn công trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ (gọi tắt là Ủy ban) đã bỏ phiếu hoàn toàn đồng ý với quyết định gửi trát (subpoena) đòi cựu Tổng thống Donald Trump ra khai báo hữu thệ trước Ủy ban về vai trò “trung tâm” của ông trong sự kiện lịch sử đó.

“Ông ta chính là người ở trung tâm của câu chuyện về những gì xảy ra ngày 6 Tháng Giêng. Ông ta phải chịu trách nhiệm. Ông ta phải trả lời cho các hành động của mình,” Dân biểu Bennie Thompson, đảng Dân Chủ bang Mississippi, Chủ tịch Ủy ban thông báo sau cuộc bỏ phiếu, trong đó cả chín ủy viên của Ủy ban đều bỏ phiếu thuận.

Dân biểu Liz Cheney, đảng Cộng Hòa, bang Wyoming, Phó Chủ tịch Ủy ban, nói rằng công việc điều tra của Ủy ban sẽ không hoàn thành được nếu không nghe câu trả lời từ “tay chơi trung tâm của sự kiện 6 tháng Giêng”.

 Theo quyết định, ông Trump phải ra trình bày lời khai chính thức, có tuyên thệ. Nhưng hầu hết giới quan sát đều cho rằng, yêu cầu này của Ủy ban sẽ rất khó thực hiện vì nhiều lý do. Một là vì trong lịch sử Hoa Kỳ chưa từng có tiền lệ một người đứng đầu nhánh hành pháp (là tổng thống hoặc cựu tổng thống) phải ra điều trần trước nhánh lập pháp (Quốc Hội). Việc đòi ông Trump ra khai trước Hạ Viện do vậy là chuyện mới, chưa từng được minh định trong Hiến pháp và hệ thống luật pháp quốc gia. Hai là, ông Trump luôn từ chối hợp tác với Ủy ban mà ông coi là một tổ chức phi pháp, mang nặng tính đảng phái. Và ba là, trong trường hợp ông Trump từ chối hợp tác, việc trát đòi sẽ phải trải qua một tiến trình kiện tụng và tranh cãi pháp lý hết sức phức tạp và kéo dài, có thể kéo đến tận năm sau. 

Nếu trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào ngày 6 Tháng Mười Một sắp tới, đảng Cộng Hòa giành được đa số ghế trong Hạ Viện và bắt đầu thực thi quyền của đa số từ Tháng Giêng 2023 thì khi ấy Ủy ban chắc chắn sẽ bị giải tán, việc đòi ông Trump ra điều trần sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Những nỗ lực chính thức của Ủy ban truy cứu trách nhiệm gây ra vụ tấn công trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ tồi tệ nhất trong nhiều thế kỷ cũng sẽ chấm dứt.

Và cuối cùng, cho dù ông Trump phải ra khai trước Ủy ban, ông ta vẫn có thể từ chối trả lời các câu hỏi bằng cách viện dẫn Tu chính án thứ Năm, cho phép không đưa ra câu trả lời có thể sử dụng để tự buộc tội. Đã có 30 quan chức là cộng sự gần gũi của ông Trump viện dẫn quyền im lặng này; và hai cố vấn cao cấp của ông đã từ chối chấp hành trát đòi của Ủy ban: Ông Stephen K. Bannon bị kết tội coi thường Quốc Hội hồi Tháng Bảy và ông Peter Navarro sẽ ra tòa vào tháng tới với tội danh tương tự.

Tuy trát đòi có thể không thực hiện được, nhưng Ủy ban vẫn bỏ phiếu tán thành quyết định, vì theo lời Chủ tịch Thompson của Ủy ban, đây là một “nghĩa vụ”, giúp bảo đảm “một vụ tấn công giống như ngày 6 tháng Giêng sẽ không xảy ra trong tương lai”.

***

Phiên điều trần hôm nay Thứ Năm 13 Tháng Mười, là phiên thứ chín, và cũng có thể là phiên cuối cùng, đã trình bày một số thông tin mới, đồng thời đúc kết lại những nội dung đã được trình bày trong tám phiên điều trần công khai trong Tháng Sáu và Tháng Bảy. Nội dung chính được nhắc đi nhắc lại là: Cuộc bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng 2021 là kết quả trực tiếp và có thể dự đoán được từ sự lựa chọn của ông Trump sau khi ông thất bại trong cuộc tái tranh cử tổng thống năm 2020.

 

 

Tại phiên điều trần cuối cùng, Ủy ban cho trình chiếu trích đoạn các thư điện tử của Mật Vụ báo động về khả năng xảy ra bạo động khi đám đông ủng hộ Trump kéo về thủ đô Washington “có vũ trang và đông hơn cảnh sát, không thể ngăn chặn họ được”. Ảnh Kent Nishimura / Los Angeles Times via Getty Images

Dựa chủ yếu vào lời khai của các phụ tá và đồng minh của ông Trump, cuộc điều tra của Ủy ban chứng tỏ ông Trump đã nhiều lần được thông báo rằng ông ta đã thất bại, nhưng ông ta vẫn bám chắc vào các thuyết âm mưu và thông tin xuyên tạc để từ chối thực tế. Ông ta đã gây áp lực buộc các quan chức của đảng Cộng Hòa, các cơ quan chính phủ kể cả Bộ Tư pháp và thậm chí cả phó tổng thống của ông phải làm những việc chưa từng có tiền lệ và có khả năng vi phạm pháp luật để giúp ông tiếp tục giữ chức vụ tổng thống.

Một trong những thông tin mới được trình bày chiều nay là một văn bản nội bộ cho thấy kế hoạch để ông Trump tuyên bố cuộc bầu cử bị gian lận nếu ông bị thua phiếu là một chiến lược đã được tính toán và chuẩn bị từ trước khi cử tri bắt đầu bỏ những lá phiếu đầu tiên.

Ủy ban cũng cung cấp chứng cứ mới chứng tỏ ông Trump hiểu rằng cử tri sẽ không bầu ông một nhiệm kỳ thứ hai nên ông ta vội vã ra lệnh rút ngay lập tức quân đội Hoa Kỳ khỏi Afghanistan và Somalia, chỉ bốn ngày trước khi các cơ quan truyền thông đồng loạt thông báo ông Joe Biden mới là người chiến thắng.

Ủy ban đã trình bày nhiều thư điện tử và tin nhắn thu thập được từ các sĩ quan đặc nhiệm của Nhà Trắng liên tục cảnh báo ông Trump về khả năng xảy ra bạo lực trong ngày 6 Tháng Giêng do hàng ngàn ủng hộ viên của ông kéo về thủ đô Washington, một số người trang bị vũ khí để phản đối Quốc Hội chứng nhận kết quả bầu cử, nhưng ông ta vẫn cương quyết đòi tham gia đám đông tới bao vây Điện Capitol vào chiều hôm đó như mọi người đã biết.

Phần gây xúc động mạnh trong phiên điều trần chiều nay là những đoạn video cho thấy các nhà lãnh đạo Quốc Hội, từ nơi trú ẩn an toàn khi đám đông tràn vào Điện Capitol, đã hoảng sợ như thế nào, đã liên tục gọi điện thoại cho các cơ quan công lực, cho quân đội và khẩn khoản yêu cầu Vệ binh Quốc gia bang Virginia đến ứng cứu ra sao.

“Không có điều gì trong chuyện này là bình thường, là chấp nhận được hoặc hợp pháp trong nền cộng hòa của chúng ta,” Dân biểu Liz Cheney nói.

***

Tuy vậy, trong nền chính trị bị “vôi hóa” và phân cực sâu sắc của xã hội Mỹ, cử tri gắn chặt với quan điểm của đảng mình và từ chối dữ kiện thực tế, cuộc điều tra và chín phiên điều trần công khai với những thông tin đáng kinh ngạc đã gần như không làm thay đổi nhiều xu hướng của dư luận.

Các cuộc thăm dò ý kiến cử tri cho thấy một bộ phận dân chúng Mỹ vẫn ủng hộ ông Trump, không theo dõi các phiên điều trần được chiếu công khai trên hầu hết các mạng truyền hình lớn và không thay đổi quan điểm so với trước khi cuộc điều tra vụ bạo loạn diễn ra.

Một cuộc thăm dò tháng trước của Đại học Monmouth ghi nhận 29% người Mỹ vẫn tin rằng ông Joe Biden thắng cử nhờ gian lận phiếu bầu – một tỷ lệ không đổi so với cuộc thăm dò hồi Tháng Sáu, trước khi diễn ra phiên điều trần công khai đầu tiên. Có đến 61% đảng viên Cộng Hòa nghĩ như vậy. 

Sau các cuộc điều trần, có 38% số người được hỏi ý kiến nói ông Trump “phải chịu trách nhiệm trực tiếp” về vụ bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng, giảm so với tỷ lệ 42% hồi Tháng Sáu.

 

Dân biểu Liz Cheney, Cộng Hòa, Wyoming, Phó Chủ tịch Ủy ban, nói tại phiên điều trần rằng những kẻ lập kế hoạch lật đổ cuộc bầu cử và đưa đến bạo lực cũng phải bị truy cứu trách nhiệm. Ảnh Kent Nishimura / Los Angeles Times via Getty Images

Tuy vậy, những người quan sát chính trị cho rằng, với khối lượng thông tin khổng lồ từ hàng ngàn cuộc phỏng vấn hữu thệ, tài liệu và chứng cứ hết sức chi tiết, cuộc điều tra của Ủy ban đã đặt một nền tảng quan trọng buộc Bộ Tư pháp phải hành động. Hàng trăm kẻ tham gia bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng đã bị bắt và xét xử và các công tố viên của Bộ này đã bắt đầu âm thầm triển khai cuộc điều tra của riêng họ đối với ông Trump và các phụ tá cao cấp của ông từ vài tháng nay. 

Kết thúc phiên điều trần cuối cùng hôm Thứ Năm 13 Tháng Mười, Ủy ban cho biết họ sẽ công bố báo cáo cuối cùng về cuộc điều tra trước khi diễn ra cuộc bầu cử vào tháng tới, và tỏ dấu hiệu cho biết Ủy ban sẽ xem xét có quyết định đề nghị cơ quan tư pháp điều tra hình sự vụ việc hay không sau khi cuộc bầu cử kết thúc.

“Đất nước chúng ta không thể chỉ trừng phạt những binh nhì chân đất tràn vào Điện Capitol. Những kẻ lập kế hoạch lật đổ cuộc bầu cử và đưa chúng ta đến bạo lực cũng phải bị truy cứu trách nhiệm. Với mỗi nỗ lực biện hộ hoặc tha thứ cho hành vi của cựu tổng thống, chúng ta lại xói mòn một chút nền móng của nền cộng hòa. Những hành vi không thể bảo vệ đã được bảo vệ. Hành vi không thể tha thứ đã được tha thứ. Không truy cứu trách nhiệm, tất cả đều trở thành bình thường và sẽ tái diễn,” bà Liz Cheney, Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên bố khi kết thúc phiên điều trần thứ chín và cũng là phiên cuối cùng.

Bạo loạn Capitol: Trump gửi thư ngỏ về quyết định triệu tập của Quốc Hội

 

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi nói chuyện tại America First Policy Institute ở Washington, Hoa Kỳ, ngày 26/07/2022.
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi nói chuyện tại America First Policy Institute ở Washington, Hoa Kỳ, ngày 26/07/2022. REUTERS – SARAH SILBIGER

Hôm 13/10/2022, Uỷ ban Điều tra của Quốc Hội Mỹ về vụ tấn công điện Capitol đã ra quyết định triệu tập cựu tổng thống Donald Trump ra giải trình có tuyên thệ về vai trò của ông trong vụ bạo loạn ngày 06/01/2021. Hôm qua, 14/10, cựu tổng thống Mỹ đã gửi thư đến Ủy ban, nhưng không cho biết bác bỏ hay chấp nhận việc ra giải trình. Bức thư cũng được công bố trên mạng xã hội.

QUẢNG CÁO

Thông tín viên Guillaume Naudin tường trình từ Washington :

‘‘Đó là một bức thư dài không dưới 14 trang. Thư được đăng trên một mạng xã hội, do chính ông Donald Trump lập ra, sau khi cựu tổng thống Mỹ đã bị các mạng xã hội lớn khai trừ. Do đó, những người ủng hộ ông Trump có thể xem được thư này. Trong bức thư nói trên, hình ảnh những người ủng hộ ông Trump nổi bật với những bức ảnh đám đông tụ tập ở Washington để nghe Donald Trump phát biểu ngày 06/01/2021.

Trong văn bản nói trên, cựu tổng thống vẫn tiếp tục nói về chủ đề ưa thích: lên án cuộc bầu cử bị gian lận. Ông trích dẫn trong phần phụ lục một số trường hợp “gian lận phiếu bầu” ở một số bang, nhưng không cung cấp bằng chứng dù là nhỏ nhất.

Ông Trump cũng chỉ trích Ủy ban mà theo ông đã được lập ra bởi một nhóm đảng viên đảng Dân Chủ cực tả, nhằm tiến hành một cuộc “săn lùng phù thủy” chống lại ông, cũng như không tiến hành điều tra về những vấn đề mà ông Trump đã đặt ra trong hai năm qua, về cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, điều mà Donald Trump gọi là ‘‘tội ác thế kỷ’’. Cựu tổng thống yêu cầu Ủy ban Điều tra trả lời về điều này.

Ông Trump cũng tuyên bố đã phải huy động hàng nghìn người để sẵn sàng bảo đảm an ninh cho điện Capitol, vì theo trực giác, ông đoán biết nhiều người sẽ đến nghe. Donald Trump cáo buộc các giới chức chính quyền thành phố và Quốc Hội đã phớt lờ điều này. Cuối cùng, cựu tổng thống Mỹ đã phủ nhận số liệu các phiên điều trần của Ủy ban, mà ông Trump coi là ‘‘bất hợp pháp’’. Ngay cả khi không nói ra công khai, điều này dường như cho thấy Donald Trump không sẵn sàng đáp ứng quyết định triệu tập của Ủy ban Điều tra’’.

Theo AFP, Ủy ban Điều tra Quốc Hội Mỹ chưa cho biết sẽ có biện pháp gì nếu ông Trump không ra giải trình. Theo giáo sư luật Stephen Gillers, Đại học New York, được AFP trích dẫn, việc Ủy ban ra quyết định triệu tập chủ yếu để ông Trump về sau không có cơ hội lên án Ủy ban ‘‘đã bất công’’, vì không để cho ông ra làm chứng.

Ủy ban Điều tra về vụ bạo loạn 06/01/2021 sẽ ngưng hoạt động trước cuộc bầu cử Hạ Viện tháng tới. Ủy ban sẽ phải đưa ra báo cáo cuối cùng trước cuối năm nay. Nếu phe Cộng Hòa kiểm soát được Hạ Viện sau cuộc bầu cử lần này, Ủy ban Điều tra về vụ bạo loạn 06/01/2021 sẽ bị giải tán.

 

Điều trần: Trump thừa nhận thua Biden với Chánh Văn Phòng Meadows

Người Việt

WASHINGTON, DC (NV) – Ủy Ban 6 Tháng Giêng của Hạ Viện Hoa Kỳ hôm Thứ Năm, 13 Tháng Mười, tổ chức phiên điều trần thứ chín và có lẽ cũng là cuối cùng, tập trung vào những bằng chứng mới được phát hiện từ cuộc điều tra và kết luận của ủy ban, theo nhật báo The Washington Post. 

Những chi tiết mới đưa ra trong lần điều trần này cho thấy cựu Tổng Thống Trump:

-Cố tính tuyên bố chiến thắng trong đêm bầu cử 3 Tháng Mười Một, 2020, dù chưa có kết quả chung cuộc.

-Thừa nhận thua cuộc bầu cử với Chánh Văn Phòng Mark Meadows.

-Ủng hộ các nhóm bạo loạn.

Ngoài ra, qua buổi điều trần cuối cùng này, bằng chứng đưa ra cho thấy các cơ quan an ninh liên bang đã được mật báo về các âm mưu bạo động có thể gây tử vong.

Cuối cùng, là Ủy Ban 6 Tháng Giêng bỏ phiếu quyết định gửi trát đòi cựu tổng thống ra điều trần.

Quang cảnh buổi điều trần của Ủy Ban Điều Tra 6 Tháng Giêng. (Hình: Anna Moneymaker/Getty Images)

1-Trump cố tình tuyên bố thắng cử dù bầu cử chưa hoàn tất

Chủ đề chính của phiên điều trần hôm Thứ Năm là quan điểm của ông Donald Trump trước vụ bạo loạn 6 Tháng Giêng, 2021.

Ủy ban cáo buộc rằng tuyên bố đắc cử vào đêm bầu cử của ông Trump là một hành động đã được lên kế hoạch trước.

Trong lời khai được ghi âm, ông Greg Jacob, một phụ tá hàng đầu của Phó Tổng Thống Mike Pence, nhận định rằng việc này dường như chắc chắn sẽ xảy ra, đến mức các phụ tá khác của ông Pence phải bàn cách để giải quyết tình huống đó.

Ông Jacob kể lại rằng ông Marc Short, một phụ tá khác của ông Pence, “phải nghĩ ra cách để giúp vị phó tổng thống không phải công khai đồng tình với tuyên bố của ông Trump.”

Ủy ban điều tra cũng trình bày một email từ ông Tom Fitton, lãnh đạo nhóm bảo thủ Judicial Watch, gửi đến hai phụ tá Tòa Bạch Ốc là ông Dan Scavino và bà Molly Michael.

Email này được gửi hôm 31 Tháng Mười, 2020, vài ngày trước ngày bầu cử, có câu: “Chúng ta có một cuộc bầu cử hôm nay – và tôi đã thắng.” Điều này cho thấy có thể đề nghị ông Trump nên tuyên bố phiếu “đã đếm xong trong ngày bầu cử” cho thấy ông đã đắc cử.

Một email khác được gởi sau đó, vào ngày 3 Tháng Mười Một, cho thấy ông Fitton có nói chuyện với ông Trump về vấn đề này, với hàng chữ: “Vừa nói chuyện với ông ấy [Trump] về bản nháp dưới đây.”

Đây là một tuyên bố lố bịch, vì hạn chót đếm phiếu không nằm trong ngày bầu cử do tiến trình đếm phiếu bầu thường tốn rất nhiều thời gian.

Nhưng gần như tất cả mọi người đều biết rằng số phiếu bầu trực tiếp từ cử tri ủng hộ ông Trump trong ngày bầu cử chắc chắn sẽ vượt qua ông Joe Biden, do phần lớn cử tri ủng hộ ông Biden chọn bỏ phiếu gián tiếp qua đường bưu điện và số phiếu này được đếm sau.

Như vậy, việc tung tin rằng có hạn chót để đếm phiếu rất dễ gây hiểu lầm và tạo ra sự bất hòa.

Dân Biểu Zoe Lofgren (Dân Chủ-California), một thành viên của Ủy Ban 6 Tháng Giêng, khẳng định rằng đây là một kế hoạch được lập ra từ trước để thuyết phục nhóm người ủng hộ ông Trump rằng ông đã đắc cử.

2-Thêm bằng chứng cho thấy Trump biết mình thua cuộc

Đây là một cáo buộc được ủy ban trình bày trong các phiên điều trần trước đó, nhưng vào hôm Thứ Năm, họ bổ sung rằng rằng chính ông Trump cũng nhiều lần tự nhận rằng ông đã thua cuộc.

Trong một đoạn băng ghi hình chưa từng được công bố, cô Cassidy Hutchinson, một cựu phụ tá Tòa Bạch Ốc và là nhân chứng chủ chốt trong cuộc điều tra, kể lại rằng sau khi Tối Cao Pháp Viện bác bỏ đơn kiện của ông Trump phản đối kết quả bầu cử, cô chứng kiến vị tổng thống nói với ông Mark Meadows, chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc lúc đó, rằng: “Tôi không muốn mọi người biết tôi đã thua, ông Mark à. Điều này thật đáng xấu hổ. Hãy mau tìm cách đi. Chúng ta phải tìm cách khác. Tôi không muốn mọi người biết rằng tôi đã thua.”

Cô Hutchinson bổ sung rằng có thể cô không trích dẫn đúng từng chữ câu nói của ông Trump, nhưng đây là chủ đề chung của cuộc trò chuyện.

Ngoài ra, ông Meadows cũng nói với bà rằng: “Ông ấy biết ông ấy đã thua. Nhưng chúng ta sẽ tiếp tục cố gắng. Chắc chắn phải có cách nào đó.”

Bà Alyssa Farah Griffin, một cựu phụ tá Tòa Bạch Ốc khác, cũng đưa ra lời khai tương tự.

Ủy ban điều tra cũng tiết lộ rằng vào hôm 11 Tháng Mười Một, 2020, ông Trump ký lệnh rút quân khỏi Somalia và Afghanistan trước ngày 15 Tháng Giêng, 2021, trước khi ông Biden nhậm chức.

Hành động này cho thấy vị cựu tổng thống hiểu rõ rằng ông đã thua và đang tìm cách hoàn thành những việc còn sót lại.

Dân Biểu Liz Cheney (Cộng Hòa-Wyoming), phó chủ tịch Ủy Ban 6 Tháng Giêng, khẳng định rằng chẳng có chứng cứ nào cho thấy ông Trump thực sự nghĩ rằng ông đã đắc cử.

Cô Cassidy Hutchinson, phụ tá cựu Chánh Văn Phòng Mark Meadows, trong phiên điều trần tại Quốc Hội. (Hình: Andrew Harnik-Pool/Getty Images)

3-Thêm chứng cứ cho thấy ông Trump ủng hộ nhóm bạo loạn
Trước đây, Dân Biểu Jaime Herrera Beutler (Cộng Hòa-Washington) cho hay Dân Biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California), trưởng Khối Thiểu Số Hạ Viện, kể lại rằng khi ông yêu cầu ông Trump kiểm soát nhóm người bạo loạn, vị cựu tổng thống chỉ đáp lại rằng: “Ông Kevin à, có lẽ những người này thấy bực tức về cuộc bầu cử hơn là ông đấy.”
Tuy ông McCarthy rất kín tiếng về cuộc đối thoại này, ông Mick Mulvaney, cựu chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc, xác nhận thông tin này.

“Tôi đã trò chuyện với ông Kevin McCarthy sau vụ bạo loạn,” ông Mulvaney cho biết. “Cuộc đối thoại rất giống với lời kể của bà Jamie.”

Ủy ban cũng trình bày rằng có vẻ vị cựu tổng thống cảm thấy rất hào hứng với khung cảnh bạo loạn tại tòa nhà Quốc Hội.

Thượng Nghị Sĩ Ben Sasse (Cộng Hòa-Nebraska) từng công khai kể rằng ông Trump “đi dạo xung quanh Tòa Bạch Ốc và thắc mắc vì sao mọi người không thấy háo hức như ông ấy.”

4-Các cáo buộc về Sở Mật Vụ

Vào cuối phiên điều trần, ủy ban đưa ra một số thông tin mới mà họ thu thập được về Sở Mật Vụ (USSS) kể từ phiên điều trần trước.

Dân Biểu Adam B. Schiff (Dân Chủ-California) chỉ ra nhiều tài liệu cho thấy, trước đó một tuần, nhiều nhân viên USSS bày tỏ sự lo ngại về buổi mít tinh hôm 6 Tháng Giêng.

Theo những đoạn tin nhắn nội bộ của USSS, nhiều nhân viên bàn tính về các bài đăng mạng xã hội mà trong đó một số người tham gia mít tinh tuyên bố sẽ mang theo vũ khí.

Ông Schiff nhận xét rằng thông tin này chứng minh rằng ông Trump đã được thông báo về rủi ro bạo lực nhưng vẫn kêu gọi đoàn biểu tình tiến đến tòa nhà Quốc Hội – một cáo buộc được cô Hutchinson xác nhận.

Không chỉ vậy, nó còn tạo ra nghi vấn về lời khai trước đó của một số nhân chứng thuộc USSS và Tòa Bạch Ốc rằng họ không nhận được bất kỳ thông tin nào cho thấy những viên chức mà họ bảo vệ có thể gặp nguy hiểm.

Ủy ban trình chiếu đoạn video trong đó ông Trump khen ngợi USSS trong bài phát biểu hôm 6 Tháng Giêng, 2021, tại sân cỏ The Ellipse, phía sau Tòa Bạch Ốc.

Dân Biểu Jamie Raskin (Dân Chủ-Maryland) phỏng đoán rằng có lẽ một số thành viên USSS đã quá thân cận với ông Trump – một kết luận được thể hiện phần nào qua việc ông Pence kiên quyết từ chối bước vào xe của USSS vào hôm bạo loạn.

Dân Biểu Pete Aguilar (Dân Chủ-California) nhấn mạnh rằng ủy ban sẽ tiếp tục điều tra USSS dựa theo các tài liệu mới thu thập được. 

5-Ủy ban quyết định gửi trát điều trần cho Trump

Quyết định này được toàn bộ chín thành viên của ủy ban bỏ phiếu chấp thuận.

Rất có thể ông Trump sẽ từ chối ra khai trước ủy ban, có nghĩa là ủy ban phải tốn thời gian để buộc ông chấp hành.

Như vậy, rất có thể ủy ban sẽ không kịp đưa ra báo cáo trong năm nay như đã dự tính.

Điều này mang lại rủi ro rằng ủy ban có thể bị giải tán nếu đảng Cộng Hòa thắng cử vào ngày 8 Tháng Mười Một và nắm quyền đa số tại Hạ Viện. (MPL)

Vũ Linh: ĐIỀU TRA CUỘI VỀ BIẾN CỐ 6/1/2021

 

8.1.2022
Diễn Đàn Trái Chiều

    Ông Trump dù sao cũng đã thành công mỹ mãn trong một việc: vô hình chung, ông đã chễm chệ ngồi xổm trong đầu tất cả các chính khách DC, tất cả đám nhà báo thiên tả, và dĩ nhiên tất cả đám vẹt tị nạn luôn. Một năm sau khi ông Trump đã rời Tòa Bạch Ốc, ưu tiên số một của đám này vẫn là làm sao tận diệt được mối họa sinh tồn cá nhân Trump và chủ nghĩa Trump. 

   Tuần này đánh dấu đúng một năm biến cố 6/1/2021 mà phe cấp tiến chụp cho cái vương miện ‘âm mưu đảo chánh tiêu diệt thể chế dân chủ của Mỹ’.

    Cũng là dịp ta xem lại câu chuyện bá láp này.

    Phải nói ngay đây là một vấn đề lớn mà ta sẽ thấy rất nhiều sách bàn tới trong cả trăm năm nữa. Do đó, cô đọng lại trong một bài tuy dài sẽ vẫn có nhiều thiếu sót. 

    Tóm gọn lại, ngày 6/1/2021, lưỡng viện họp chung để cùng kiểm phiếu cử tri đoàn và xác nhận kết quả bầu tổng thống, dưới sự chủ tọa của PTT Pence, đúng theo quy định của Hiến Pháp. Trong khi đó, hơn 120.000 dân ủng hộ TT Trump xuống đường, biểu dương lực lượng, biểu tình tuần hành tại thủ đô Washington, tiến về bao vây quốc hội. Đám người sau đó xâm nhập quốc hội, buổi họp kiểm phiếu bị gián đoạn khi các dân cử di tản xuống hầm trú an toàn. Vài tiếng đồng hồ sau, dân biểu tình tan hàng, ra khỏi quốc hội, cuộc họp mở lại và cuối ngày, cụ Biden được tuyên bố chính thức đắc cử tổng thống.

 

    Đó là tóm lược ngắn gọn nhất về cái gọi là biến cố 6/1. Đi xa hơn thì câu chuyện trở thành rắc rối chưa từng thấy vì đã trở thành một lý cớ quan trọng nhất để đảng DC và phe cấp tiến dùng làm vũ khi tận diệt mối nguy Trump.

    Hôm đó, vì hiếu kỳ cũng như vì nhu cầu viết bài cho Diễn Đàn Trái Chiều, kẻ này đã dán mắt vào TV nguyên ngày, từ khoảng 11g sáng tới 6g chiều (giờ Washington), coi một lúc hai đài CNN và Fox. Hai đài này chiếu trực tiếp về một diễn biến, mà có cảm tưởng như coi hai đài về hai diễn biến xẩy ra trên hai hành tinh khác biệt.

    Đài Fox cho thấy hình ảnh đám biểu tình vui nhộn, phất cờ quạt đủ kiểu, vẽ mặt y chang đám dân hăng say đi coi football, theo hình ảnh đội banh nhà, rồi thấy cảnh sát mở toang cửa chính vào đại sảnh quốc hội, đám biểu tình xếp hàng nối đuôi tuần tự đi vào như đám du khách đi theo tour du lịch trong khi cảnh sát đứng giữ trật tự, chẳng có xô xát gì. 

Dân biểu tình tuần tự vào đại sảnh sau khi cảnh sát mở toang cửa rồi đứng giữ trật tự

    Vào trong thì mặt ngơ ngác nhìn ngang nhìn dọc, chụp hình tự sướng cười toe toét đủ kiểu, đi qua đi lại giữa các bàn giấy hay vào phòng làm việc của các vị dân cử, ngồi chụp hình. 

 Nổi loạn đẫm máu???

     Chẳng ai đập phá, hay lấy đi một tờ giấy nào trên các bàn. Chán rồi thì vài tiếng đồng hồ sau, nghe lời kêu gọi của TT Trump, tuần tự ra về.

    Đài CNN trong khi đó cho thấy một hình ảnh trái ngược ‘một chăm phần chăm’. Toàn là hình dân đang giận đỏ mặt, chửi bới hò hét như mổ bò, lại có cả cảnh nhiều đám dân biểu tình giằng co rào cản với cảnh sát, rồi có luôn một nhúm đâu nửa tá đập kính một cửa sổ, chui vào trong tòa nhà quốc hội, bị cảnh sát chỉa súng bắt nằm rạp xuống đất.

 

 Hình ảnh trên CNN

     Hai cái nhìn trái ngược đó cũng phản ảnh hai cách nhìn của dân Mỹ: một nửa nhìn theo Fox, một nửa theo CNN. Chỉ thể hiện tình trạng phân hóa chính trị tối đa hiện nay.

    Đâu là sự thật? Sự thật là cả hai đài Fox và CNN đều đưa ra những hình ảnh thật, không có đài nào tung hình phịa hết. Vấn đề là xoáy trọng tâm vào đâu. Đồng tiền có hai mặt với hai hình ảnh khác nhau nhưng đều là thật. Vấn đề là người coi đứng nhìn từ phiá nào.

   Dù vậy, vẫn phải nói rõ sự khác biệt: Fox cho thấy hình ảnh chung của cả trăm ngàn người biểu tình trong ôn hòa trong khi CNN xoáy vào những hành động phạm pháp của vài nhúm lẻ tẻ vài chục người. Ý đồ khác biệt rõ ràng. Và phe ta, từ các chính khách DC đến TTDC đều chỉ muốn khai thác hình ảnh của CNN trong khi phớt lờ những cảnh của Fox. 

    Nói chung, đám dân biểu tình chỉ thi hành một quyền công dân được Hiến Pháp bảo vệ là biểu tình trong ôn hòa, nói lên tiếng nói bất bình của mình. Dĩ nhiên khi có cả trăm ngàn người biểu tình thì khó tránh được vài con sâu làm rầu nồi canh, dùng bạo lực một cách vô ý thức. Đám vô ý thức đó phải bị trừng phạt đích đáng, không ai bênh vực chúng. Nhưng dựa vào hành động của một nhúm để truy tố tất cả là vô lý, vơ đũa cả nắm, mang tính phe đảng hàm hồ. Trong cả ngàn biểu ngữ, cả vạn tiếng hô, không có một câu nào đòi ‘đảo chánh’, đòi hủy kết quả bầu cử, đòi lưu nhiệm TT Trump,… mà chỉ là những tiếng tung hô, ủng hộ TT Trump mà không có luật nào cấm cản hết, chẳng có gì là phạm pháp.

    Phe DC và đồng minh TTDC ồn ào tố cáo đây là một âm mưu đảo chánh quy mô có chỉ đạo từ TT Trump và các phụ tá của ông. Vài con vẹt làm bổn phận vẹt, nhai lại, ồn ào tố “cuộc đảo chánh ô nhục”. Trên thực tế, tin từ tạp chí Newsweek cho biết trong vài ngày trước diễn biến, các cơ quan chính quyền, kể cả thị trưởng Washington DC và cảnh sát quốc hội, đã họp không ngừng để cân nhắc vấn đề. Không ai thấy triệu chứng hay ý đồ ‘đảo chánh’, hay sẽ có bạo động, và tất cả đều nhất trí không cần Vệ Binh Quốc Gia hay cảnh sát võ trang gì hết.

    Phe cấp tiến sau này bi thảm hóa, gọi là cuộc “nổi loạn đẫm máu” –bloody riot-, dựa trên sự kiện có 5 người chết trong ngày đó. Điều không nói cho rõ là trong 5 người chết đó thì có 3 người biểu tình bị đứng tim hay tai biến mạch máu trong khi đi biểu tình la hét cả ngày chứ không bị ai giết; một cảnh sát bị chết và khi đó báo New York Times tố cáo cảnh sát đó bị một người biểu tình dùng ống xịt chữa cháy đập vào đầu chết, nhưng sau đó chính sở cảnh sát xác nhận viên cảnh sát đó chết vì đứng tim, chứ chẳng có chuyện bị ai đánh chết. New York Times đã xin lỗi vì loan tin sai. Chỉ có đúng bà biểu tình Ashli Babbitt bị anh cảnh sát Michael Byrd bắn chết thôi. Nếu muốn nói ‘đẫm máu’ thì phải nói cho rõ có đúng một người biểu tình duy nhất chết trên vũng máu do cảnh sát bắn, chứ đám cả trăm ngàn dân biểu tình chẳng giết một ai hết. 

  Bà Ashli Babbitt và cảnh sát Michael Byrd (miễn tố hoàn toàn!)

     Bộ trưởng Tư Pháp, ông Garland đã biểu diễn một màn gian trá thô bỉ nhất khi ông đọc diễn văn ca tụng 5 cảnh sát đã “can đảm hy sinh tính mạng trong cuộc tấn công đó”. Bịp và đại bịp! Ông Garland nếu lương thiện thì đã phải nói cho rõ là cả 5 anh cảnh sát đó đều lần lượt tự tử mấy ngày sau, chứ không thể nói khơi khơi họ “can đảm hy sinh trong cuộc tấn công”. Tự tử mấy ngày sau khác rất xa “can đảm” hy sinh tính mạng trong cuộc biểu tình. Trong cuộc chiến tại VN, cả mấy trăm quân nhân đã tự tử, chẳng một ai được huy chương Anh Dũng Bội Tinh vì can đảm cả.

    Dưới khía cạnh pháp lý, những người biểu tình có vi phạm luật không? Nói chung, biểu tình là quyền hiến định của dân Mỹ. Chỉ có bạo động là phạm luật và nhúm người bạo động tất nhiên phải bị truy tố, nhưng không thể kết án toàn bộ tất cả những người biểu tình. 

    Dân Mỹ nghĩ sao? Theo giáo sư Harvard Jonathan Turley, đại đa số dân Mỹ không tin đây là một ‘âm mưu đảo chánh’ mà chỉ là một cuộc biểu tình mà những người tổ chức không tiên liệu được sự quá lớn, và đã mất kiểm soát phần nào. Việc đảng DC và đồng minh truyền thông gắn nhãn hiệu ‘đảo chánh’ là lố bịch.

    Cảnh sát, các quan tòa và chính quyền thì sao? Câu chuyện xẩy ra tại Washington, là thành đồng tuyệt đối của dân da đen theo DC và District of Columbia luôn luôn bầu cho đảng DC cỡ 90%. Thị trưởng Washington luôn luôn là một ông hay bà da đen chống CH chết bỏ. Hầu hết các quan tòa đều thuộc loại ủng hộ DC chống Trump mạnh nhất. Bộ Tư Pháp dĩ nhiên dưới quyền cụ Biden. Tất cả đều cùng ý đồ là tận diệt Trump và đám dân ủng hộ ông ta. Họ đều coi biến cố 6/1 là cơ hội ngàn vàng không thể bỏ qua mà phải khai thác vẽ rồng vẽ rắn, vẽ chân vẽ cánh tối đa.

    Trong khi trên cả nước cả ngàn dân da đen bị bắt khi nổi loạn đốt nhà, cướp của rồi được thả hết, không một người nào bị truy tố bất cứ tội gì, thì lại có hơn 700 người bị bắt, truy tố và phạt tù tối đa trong vụ biểu tình ngày 6/1, cho dù chẳng ai có vũ khí trong tay, chẳng ai ăn cướp, đập phá hay đốt đồ đạc, mà bị bắt chỉ vì có mặt trong cuộc biểu tình, có hình ảnh bị cảnh sát nhận diện và truy tìm ra được. Công lý Mỹ ngày nay một chiều như vậy đó, ai muốn khiếu nại?

    Thể chế dân chủ bảo đảm mọi người đều có quyền nói lên ý kiến, quan điểm của mình, nhất là khi có bất đồng ý, do đó khi người dân biểu tình thì không thể nói là họ đang tìm cách đảo chính hay làm loạn hay đe dọa chế độ dân chủ. Chỉ trong các chế độ phát xít hay CS thì biểu tình của dân mới bị coi là phạm pháp, phản động, đe dọa chế độ, và phải lãnh dùi cui của công an, rồi sau đó đi bóc lịch mút mùa. Nước Mỹ thời Biden đang học theo mô thức Tầu cộng và Việt cộng.

    TTDC tung ra hình ảnh của một anh biểu tình, vẽ mặt xanh đỏ theo màu cờ Mỹ, cởi trần, đội cái mũ có hai cái sừng bò to tướng (sau đó bị 41 tháng tù!), coi như hình ảnh tiêu biểu của đám thảo khấu tham gia biểu tình. Chỉ việc đó không cũng cho thấy ý đồ cố tình bóp méo câu chuyện. Tại sao không lấy hình ảnh bà cựu quân nhân biểu tình trong ôn hòa, trong tay chỉ có một lá cờ Mỹ, bị cảnh sát bắn chết làm biểu tượng? 

 

 Ai nghĩ tên khùng này muốn ‘đảo chánh’? 

 

     Phe ta đang cố chụp cái mũ ‘thủ phạm lớn nhất’ lên đầu ông Trump, tố cáo ông đã là người chủ động, nếu không phải đứng ra tổ chức thì cũng là cổ võ cho nổi loạn đó. 

    Không sai là TT Trump ngay từ đầu hoan nghênh cuộc biểu tình, công khai cổ võ họ phải lên tiếng. Nhưng từ đó mà đi đến kết tội ông đã xúi dục dân nổi loạn, ‘đảo chánh’, dùng võ lực tấn công quốc hội, đe dọa tính mạng của các dân cử, tìm cách diệt thể chế dân chủ thì quả là một bước nhẩy vọt chỉ thua có bước nhẩy vọt chết cả chục triệu người của Mao năm xưa. Cũng phải nhắc lại, trong tất cả các tuyên bố hay tuýt của TT Trump trước hay trong ngày đó, đều không có một câu nào hô hào bạo lực hết. Trái lại, TT Trump ngay từ đầu, đã lên tiếng kêu gọi dân biểu tình trong ôn hòa. Đây là nguyên văn một câu trong lời kêu gọi của TT Trump mà TTDC không dám đăng: “I know that everyone here will soon be marching over to the Capitol building to peacefully and patriotically make your voices heard”.

    Nhiều con vẹt làm như hiểu biết về dân chủ hơn ai hết, tố cáo những người Việt tham gia biểu tình, phất cờ vàng là những người đã làm ô uế lá cờ, làm nhục cộng đồng tị nạn. Chỉ là chửi rủa vớ vẩn về hùa theo đám cấp tiến DC. Tại sao lại là chuyện ô uế hay nhục nhã khi quyền biểu tình phát biểu quan điểm là quyền được Hiến Pháp xứ này thừa nhận như thiêng liêng nhất. Nhất là khi chẳng có một người Việt nào tham gia các hành vi bạo động phạm pháp hết. Tại sao phất cờ vàng lại là cái tội? VC thấy phất cờ vàng là sôi máu. Dân tị nạn mà thấy phất cờ vàng để tung hô một nghị sĩ mà sự nghiệp chính trị bắt đầu bằng việc giết chết Miền Nam VN là sôi máu. Chứ dân tị nạn CS sao thấy phất cờ vàng ủng hộ một tổng thống đã công khai ra trước Liên Hiệp Quốc sỉ vả CS, sao lại phản đối?

 

 Phe DC đã rất mau mắn tìm cách khai thác biến cố này
 

     Việc đầu tiên phe ta làm ngay là khai thác câu chuyện làm cớ để đàn hặc TT Trump, tố ông đã chủ động hay xúi dục đảo chánh, đe dọa đến an ninh quốc gia, vi phạm Hiến Pháp, đủ thứ tội kinh thiên động địa nhất. Cho dù khi đó chỉ còn hai tuần nữa là ông Trump bàn giao cho cụ Biden. 

    Phe DC cố nặn ra tội để mang ra đàn hặc khẩn cấp. Khẩn cấp trước ngày bàn giao để ông Trump có thể đi vào lịch sử như tổng thống duy nhất bị đàn hặc hai lần, cho dù là hai lần cuội, biết trước là sẽ chẳng đi đến đâu. Khẩn cấp đến độ không cần điều tra tội trạng, cứ chế ra tội rồi lợi dụng thế đa số trong hạ viện, nhắm mắt biểu quyết đàn hặc ngay. Biến thủ tục đàn hặc thành một vũ khí phe đảng chính trị rẻ tiền vô nghĩa lý nhất, trong khi Hiến Pháp quy định đó là biện pháp cuối cùng nghiêm trọng nhất để thay thế một tổng thống đã phạm tội tầy trời khủng khiếp nhất. Khoảng 200 dân biểu của một đảng nhất quyết muốn tận diệt một người đã được đa số dân các tiểu bang bầu làm tổng thống một cách chính danh nhất.

    Đàn hặc để làm gì khi chỉ còn hai tuần nữa là sẽ bàn giao? Vì DC sợ ông Trump và ảnh hưởng của ông đến độ muốn tìm mọi cách tận diệt ông, đàn hặc rồi kết án cấm không cho ông hoạt động chính trị mãn đời. 

    Đàn hặc thất bại, phe ta bỏ cuộc? Không, trái lại, vẫn bị ám ảnh bất tận, vẫn run sợ trước ảnh hưởng chẳng suy giảm của ông thần Trump, vẫn phải tìm đủ cách tận diệt ông ta.

    Nghĩ ra được cách đánh mới: lập một ủy ban đặc nhiệm điều tra để tìm manh mối ông Trump đã chỉ đạo cuộc ‘nổi loạn’ trong mưu đồ ôm giữ cái ghế tổng thống. Trên căn bản, việc điều tra này đáng hoan nghênh vì cả nước cần phải biết sự thật chuyện gì đã xẩy ra, ai đã làm gì trước cũng như trong và sau ngày lịch sử đó.

    Nhưng rồi cũng phải nói đến cái mâu thuẫn thô bạo của đảng DC. TT Trump bị đàn hặc về tội ‘tổ chức và đốc xúi cuộc nổi loạn đảo chánh ngày 6/1/2021’, đúng một tuần sau vụ biểu tình 6/1, nghĩa là bị truy tố ngay lập tức mà chẳng dựa trên bất cứ bằng chứng cụ thể nào. Ngay cả bây giờ, phe ta trong hạ viện đã mở cuộc điều tra, kéo dài 6 tháng nay mà vẫn chưa đúc kết được gì. Vậy mà tháng Giêng năm ngoái, chẳng có dữ kiện hay bằng chứng nào trong tay, cũng đã lôi TT Trump ra đàn hặc được. Công lý của đảng văn minh thức tỉnh Dân Chủ là vậy. 

    Đàn hặc thất bại, bây giờ dùng chiêu võ ủy ban điều tra. Và cái ủy ban này đóng hai vai: cảnh sát điều tra đồng thời cũng là công tố kết tội luôn, hiển nhiên là vi phạm đủ loại nguyên tắc trong tất cả các hệ thống công lý trên trái đất này, nhưng đó là công lý của đảng DC đang nắm quyền trong hạ viện, thượng viện, cả Tòa Bạch Ốc và bộ Tư Pháp. Đó ai làm gì được?

    Rồi sau đó là vấn đề thành lập ủy ban.

   Theo thông lệ của quốc hội, phe DC cho hạ viện biểu quyết để lấy quyết định thành lập ủy ban điều tra. Phe DC nắm đa số, tất nhiên đây chỉ là thủ tục cho có. Tất cả dân biểu DC ủng hộ, cùng với hai dân biểu CH, bà Liz Cheney và ông Adam Kinzinger. Theo thông lệ, phe DC nắm đa số trong hạ viên cũng sẽ có đa số thành viên trong ủy ban: 7 thành viên DC, trong đó có chủ tịch ủy ban, và 5 thành viên CH do đảng CH bổ nhiệm.

   Đích thân bà Pelosi tuyển chọn các thành viên DC. Lãnh tụ CH trong hạ viện, ông McCarthy đưa ra danh sách 5 dân biểu CH, nhưng bà Pelosi, nhân danh chủ tịch hạ viện bác 2 người vì theo bà, họ không đủ ‘công tâm’ mà lại ủng hộ Trump mạnh. Phe CH phản đối việc bà Pelosi vi phạm thủ tục bổ nhiệm thành viên các ủy ban, theo đó đảng nào bổ nhiệm thành viên của đảng nấy, chứ bà chủ tịch Pelosi không có quyền ô-kê hay không ô-kê bất cứ ai. Phe CH tẩy chay, rút lại tên cả 5, không tham gia ủy ban. Bà Pelosi bổ nhiệm ngay hai dân biểu CH Cheney và Kinzinger là hai người ‘phản đảng’ đã biểu quyết đàn hặc TT Trump và thành lập ủy ban điều tra. Cuối cùng, ủy ban có 7 thành viên DC (trong đó có bà gốc Việt Stephanie Murphy), và 2 thành viên CH. Tất cả 9 người đều nổi tiếng chống TT Trump đến cùng, đều đã từng biểu quyết đàn hặc Trump. Ủng hộ Trump là thiếu công tâm, không thể là thành viên của ủy ban, nhưng chống Trump tuyệt đối thì lại là có công tâm, được làm thành viên của ủy ban. Quý độc giả nào hiểu được, xin giải thích giùm.

 

9 thành viên Ủy Ban Điều Tra

 

     Hai thành viên CH phản đảng là 1) bà Liz Cheney, con gái cựu PTT Cheney của TT Bush con, sau đó bà bị khối CH biểu quyết lột chức lãnh đạo hàng thứ 3 của khối CH trong hạ viện, và cũng bị đảng CH của tiểu bang nhà Wyoming biểu quyết trục xuất ra khỏi đảng CH của tiểu bang; 2) ông Adam Kinzinger của tiểu bang Illinois, mới đây đã tuyên bố sẽ không ra tái tranh cử dân biểu cuối năm nay nữa vì đã mất hết hậu thuẫn của cử tri CH.

   Tiếp theo là cách điều tra và kết án.

   Trên căn bản, nếu có một vụ án nào đó, thì cảnh sát điều tra, đi thu thập dữ kiện, bằng chứng, rồi phân tích và kết luận nếu có tội, sẽ chuyển hồ sơ qua công tố để truy tố ra tòa. Đằng này, phe DC có chế độ tư pháp rất đặc biệt: cái cầy đi trước kéo con trâu theo sau.

    Trước tiên là đàn hặc tức là truy tố ra tòa khi chưa có dữ kiện hay bằng chứng hay điều tra gì ráo. Sau khi đàn hặc thất bại thì mở cuộc điều tra đi tìm bằng chứng để xác nhận họ truy tố đúng. 

    Rồi ngay trong cuộc điều tra cuội kéo dài hơn 6 tháng rồi, họ cũng chẳng tìm ra được bất cứ bằng chứng cụ thể nào. Phải đi tìm bằng chứng không công khai. Tức là tìm bằng chứng trong các cuộc thảo luận, trao đổi mật giữa TT Trump và các phụ tá.

   Theo luật Mỹ, tất cả những hoạt động, nói chuyện, trao đổi email, điện thoại,… của tổng thống đều phải giữ kỹ trong văn khố quốc gia, làm tài liệu lịch sử. Tuy nhiên, không được công khai hóa để bảo đảm việc các phụ tá, cố vấn, bộ trưởng,… khi bàn thảo với tổng thống, đều có quyền tự do nói mà không sợ bị rắc rối về chính trị hay pháp lý gì hết. Tất cả nằm trong cái gọi  là ‘đặc quyền của hành pháp’ -executive privilege- được Hiến Pháp nhìn nhận và bảo vệ.

    Ủy ban hạ viện đi mò tép, cho rằng chỉ có một cách duy nhất tìm được bằng chứng là đòi coi tất cả những tài liệu lưu trữ trên. Cũng theo luật Mỹ, các dân biểu có rất nhiều quyền đòi coi nhiều loại tài liệu nếu thật cần thiết để thảo một dự luật nào đó. Ủy Ban viện cớ cần coi những tài liệu mật đó không phải để truy tố, tìm tội TT Trump, mà để có dữ kiện ra luật để bảo đảm trong tương lai, có thể khóa tay, không cho tổng thống âm mưu lạm quyền.

    Vấn đề rắc rối là tuy Hiến Pháp có ghi rất rõ đặc quyền của hành pháp, tức là của tổng thống đương nhiệm, nhưng lại có lỗ hổng lớn là không nói gì về quyền bảo mật cho các cựu tổng thống: họ có quyền đòi bảo mật những tài liệu đó sau khi họ đã mãn nhiệm hay không, và nếu có thì giữ mật bao lâu? Theo thông lệ trong lịch sử Mỹ, những tài liệu này chỉ được công bố cả mấy chục hay cả trăm năm sau, sau khi tất cả các nhân vật chính đều đã qua đời, chứ chưa bao giờ được công bố ngay dưới thời tổng thống kế vị, nhất là khi người kế nhiệm thuộc đảng đối lập muốn truy diệt kẻ thù chính trị, cũng như khi các nhân vật chính vẫn còn hoạt động trong chính trường vì làm như vậy tất nhiên có thể hại những đối thủ chính trị này.

   Ủy ban đòi những tài liệu của hành pháp, và vẫn theo luật, đương kim tổng thống, tức là cụ Biden, là người lấy quyết định có cung cấp các tài liệu đó hay không. Có thể vì thù ghét cá nhân ông Trump hay muốn diệt đối thủ chính trị, đề phòng ông Trump ra tranh cử chống mình năm 2024, cụ Biden đã lấy một quyết định chưa từng xẩy ra trong lịch sử Mỹ: ra lệnh cho văn khố quốc gia cung cấp cho ủy ban tất cả những tài liệu ủy ban đòi hỏi. Không có bảo mật gì ráo. TT Trump dĩ nhiên phản đối, kiện chống lại. 

    Mới đây, bất thình lình, cụ Biden đổi ý, cho biết không thể nộp tất cả tài liệu hạ viện đòi hỏi được mà chỉ có thể nộp một số giới hạn thôi vì có rất nhiều tài liệu “liên quan đến an ninh quốc gia”, không tiết lộ được. Cụ Biden cho biết đang điều đình và đã đạt được vài thỏa thuận với ủy ban điều tra về những tài liệu có thể nộp được.

    Nôm na ra, cụ Biden luôn luôn là người hết sức bất nhất, suy nghĩ thiếu sót hay bị áp lực tứ phiá, không quả quyết, nay nói vày mai làm khác. Bây giờ thì cụ chợt sợ hãi việc lỡ phe CH nắm được đa số tại quốc hội và chiếm Tòa Bạch Ốc thì họ sẽ trả thù, đòi điều tra đủ chuyện cụ đã làm, chẳng hạn như các vụ khủng hoảng biên giới, vụ tháo chạy khỏi Afghanistan,… và sẽ đòi tất cả tài liệu nếu không có biện pháp bảo vệ ‘đặc quyền của hành pháp’ để bảo vệ cụ.

    Ủy ban cũng đòi lôi một số viên chức cao cấp của TT Trump ra điều trần. Ít nhất hai viên chức cao cấp nhất đã từ chối không ra điều trần với lý do Hiến Pháp cho phép bảo mật những cuộc nói chuyện của họ với tổng thống. Hạ viện với đa số DC, mau mắn biểu quyết họ khinh thường quốc hội và Bộ Tư Pháp của cụ Biden mau mắn truy tố họ ra tòa ngay, nhưng dĩ nhiên họ đã kiện lại. Trước đây, nhiều viên chức lớn của chính quyền Obama-Biden cũng đã không thèm ra điều trần và bị hạ viện biểu quyết khinh thường quốc hội, nhưng bộ Tư Pháp của Obama không hề truy tố họ. Công lý mới của đảng DC là vậy: truy tố phe địch không truy tố phe ta.

    Chuyện hiển nhiên nhất là ủy ban đã tự cho mình những quyền hoàn toàn vô giới hạn: muốn chọn ai làm thành viên cũng được và muốn loại ai cũng ô-kê, muốn tài liệu gì cũng được, muốn đòi ai ra điều trần cũng được, để rồi kết án ra sao cũng được. Vấn đề là cuối cùng đi đến đâu? Ai tin, ai phục? 

    Chưa hết. Tin mới nhất là một thành viên của ủy ban điều tra, ông dân biểu DC Adam Schiff, là ông mắt lồi nổi tiếng hung hãn nhất trong hai vụ đàn hặc TT Trump, đã bị bắt quả tang cạo sửa lại bản ký chú của chánh văn phòng của TT Trump, ông Mark Meadows gửi cho dân biểu CH Jim Jordan, rồi mang tài liệu phịa đó ra trình cho ủy ban làm bằng chứng “Trump chỉ đạo cuộc nổi loạn”.

https://www.foxnews.com/media/mark-levin-adam-schiff-law-license-elizabeth-warren-court-packing

     Ủy ban sẽ đúc kết kết quả điều tra, kết án TT Trump cuối mùa hè năm nay, ngay trước mùa bầu cử tháng 11/2022, không sớm hơn cũng không muộn hơn, để có dịp đánh Trump và cả đảng CH, bảo vệ thế đa số của DC trong quốc hội. Cuộc điều tra đã biến thành một thứ mũi tên bắn 3 con nhạn: bắn Trump trước, khỏa lấp những thất bại thê thảm của Biden, rồi bắn cả đảng CH, để dành lại ưu thế cho đảng DC trong cuộc bầu cử. Đây mới chính là lý cớ cũng là mục đích thật của cuộc điều tra cuội về biến cố 6/1. 

    Quý độc giả có quyền chuẩn bị bông gòn nhét tai để khỏi nghe truyền thông Mỹ và vẹt khua chiêng trống vì đó là cách duy nhất để DC hy vọng giữ lưỡng viện.

    Cụ Biden hùng hổ tố cáo Trump “kề dao vào cổ thể chế dân chủ của Mỹ”. Thật ra chính việc làm của đảng DC, kết tội đàn hặc thất bại, rồi lập ủy ban điều tra để nặn ra bằng chứng kết tội, tức là cho máy cầy kéo con trâu, mới là đe dọa nền tảng pháp lý và thể chế dân chủ của xứ này.

    Nội vụ chưa ngã ngũ, chắc chắn sẽ lên tới Tối Cao Pháp Viện. 

    Thật ra TCPV phán quyết như thế nào chẳng quan trọng. Nếu có tài liệu mật về TT Trump, ủy ban sẽ có thể mò ra được thêm vài tội, nếu không có tài liệu gì, ủy ban cũng vẫn kết án ông Trump về đủ tội được. Toàn thể ủy ban đều nhất trí chống Trump đến cùng và hạ viện nằm trong tay khối đa số DC. Họ có quyền và sẽ làm tất cả những gì họ muốn, kể cả… lại đàn hặc ông Trump một lần nữa không chừng để cản không cho ông ra tái tranh cử nữa? Hay ngay cả đàn hặc ông Trump sau khi ông đã chết ngắc từ lâu rồi vì sợ hồn ma của ông ta.

“Uỷ ban 6/1 không có quyền đối với lời khai của tôi” – Mike từ chối điều trần 

CaliToday

CALI TODAY NEWS – Cựu Phó Tổng thống Mike Pence tuyên bố sẽ không ra điều trần trước Ủy ban Đặc biệt Hạ viện điều tra bạo động Điện Capitol ngày 6 tháng 1 năm 2021. 

 

Ông Pence trong cuộc phỏng vấn trên chương trình Face the Nation  của CBS cho rằng, Uỷ ban “không có quyền” đối với lời khai của ông. Tuyên bố mới nhất của cựu Phó Tổng thống đi ngược lại ý kiến trước đây, trong đó ông để ngỏ khả năng sẽ xuất hiện trước các nhà lập pháp điều tra. Mike Pence bây giờ cho rằng, làm như vậy sẽ đặt ra tiền lệ nguy hiểm đối với phân chia quyền lực. 

“Chúng ta có phân chia quyền lực theo Hiến pháp Hoa Kỳ, và tôi tin, việc này sẽ đặt ra tiền lệ kinh khủng cho Quốc hội khi triệu tập một phó tổng thống Hoa Kỳ ra nói về những thảo luận diễn ra tại Toà Bạch Ốc,” cựu Phó Tổng thống nói. 

Pence cũng bày tỏ thất vọng,  cho rằng, Uỷ ban đã trở nên quá đảng phái và đi chệch hướng. “Tôi phải nói rằng, bản chất đảng phái của Uỷ ban 6/1 đã làm tôi thất vọng,” ông nói. “Đối với tôi, ngay từ đầu có cơ hội tìm hiểu mọi khía cạnh những gì đã xảy ra vào ngày 6 tháng 1, và làm như vậy trong tinh thần của Uỷ ban 9/11 – phi đảng phái, phi chính trị, và đó là một cơ hội đã bị đánh mất.” 

Uỷ ban nhanh chóng phản pháo cựu Phó Tổng thống, bác bỏ quan điểm của ông. “Uỷ ban Đặc biệt trao đổi với Phó Tổng thống Pence trên tinh thần tôn trọng và trách nhiệm, vì vậy thật thất vọng khi ông ấy nói sai về bản chất của cuộc điều tra của chúng ta khi  trả lời phỏng vấn quảng bá cuốn sách mới của ông ấy,” các nhà lập pháp đăng trên Twitter. 

Pence trong cuộc phỏng vấn cũng nhấn mạnh, ông không tin có gian lận trong bầu cử tổng thống 2020, và chấp nhận Joe Biden là tổng thống Hoa Kỳ. 

So Help Me God, cuốn sách mới của Mike Pence kể lại những nỗ lực của ông Donald Trump nhằm gây áp lực buộc cựu Phó Tổng thống đảo  ngược kết quả bầu cử 2020, cũng như kể lại những gì ông chứng kiến về bạo động Điện Capitol, sẽ được xuất bản vào ngày 15 tháng 11. 

Hương Giang (Theo Washington Examiner) 

Ông Trump bị Ủy ban Hạ viện đề nghị bốn tội hình sự

Sài Gòn Nhỏ

 

 

Trong phiên họp cuối cùng vào chiều nay 19-12-2022, Ủy ban Hạ viện đã thông qua việc khuyến nghị Bộ Tư pháp truy tố cựu Tổng thống Trump bốn tội hình sự vì kích động bạo loạn ngày 6 tháng Giêng 2021. Ảnh chụp màn hình.

Kết thúc phiên họp cuối cùng vào chiều nay 19 tháng Mười Hai, Ủy ban Lựa chọn Hạ viện điều tra vụ bạo loạn tấn công Quốc hội ngày 6 tháng Giêng 2021 đã bỏ phiếu đồng thuận chuyển sang Bộ Tư pháp khuyến nghị truy tố cựu Tổng thống Donald Trump với bốn cáo buộc hình sự: kích động bạo loạn, cản trở một thủ tục chính thức của Quốc hội, âm mưu lường gạt Hoa Kỳ và âm mưu đưa ra tuyên bố sai lầm.

Bốn cáo buộc, được Dân biển Jamie Raskin (Dân chủ-Maryland), thành viên của Ủy ban, phân tích dựa trên các điều khoản của Hiến pháp Hoa Kỳ, được Chủ tịch Ủy ban, Dân biểu Bennie Thompson (Dân chủ – Mississippi) đưa ra biểu quyết và được cả chín thành viên Ủy ban (bảy Dân chủ, hai Cộng hòa) chấp thuận.

“Toàn bộ mục đích và tác động hiển nhiên của kế hoạch của ông Trump là cản trở ảnh hưởng và ngăn chặn thủ tục chính thức: giây phút trung tâm của cuộc chuyển giao hợp pháp quyền lực của Hoa Kỳ,” ông Raskin nói và thêm rằng “những bằng chứng được trình bày hôm nay và các cuộc điều trần trước” bảo đảm căn cứ cho các khuyến nghị truy tố hình sự ông cựu tổng thống”.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ một ủy ban của Quốc hội đề nghị truy tố tội hình sự một cựu tổng thống. “Chúng tôi tin rằng Bộ Tư pháp sẽ có thể dựng lại một bức tranh toàn cảnh thông qua cuộc điều tra của họ”, ông Raskin nói.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia luật pháp, khuyến nghị của Ủy ban gần như chỉ có tính chất tượng trưng và Bộ Tư pháp không có nhiệm vụ phải thực hiện các khuyến nghị đó.

Ngoài khuyến nghị gửi tới Bộ Tư pháp, Ủy ban Hạ viện còn đề nghị Ủy ban Đạo đức của Quốc hội xem xét hành vi của bốn dân biểu Hạ viện đã khước từ lệnh triệu tập ra làm chứng của Ủy ban.

Các thành viên của Ủy ban cũng đồng ý với đề nghị của Chủ tịch Bennie Thompson công bố công khai cho cho người dân Hoa Kỳ tất cả các bằng chứng và bản ghi các lời khai “không nhạy cảm” mà Ủy ban thu thập được trong vài ngày tới.

Dân biểu Liz Cheney (Cộng hòa – Wyoming), Phó chủ tịch Ủy ban, tố cáo ông Trump “hoàn toàn thất bại về đạo đức và rõ ràng sao nhãng trách nhiệm”, do đó ông ta “không thích hợp với bất kỳ cơ quan dân cử nào”, ám chỉ việc ông Trump tuyên bố ra ứng cử lần thứ ba chức vụ tổng thống Hoa Kỳ.

 

 

Dân biểu Jamie Raskin (DC- Maryland) thành viên Ủy ban Hạ viện, trình bày khuyến nghị truy tố hình sự cựu Tổng thống Trump trong phiên họp cuối cùng ngày 19 tháng Mười Hai 2022. Ảnh chụp màn hình.

Phiên họp cuối cùng của Ủy ban Điều tra Hạ viện được truyền hình trực tiếp như chín phiên điều trần của Ủy ban từ tháng Bảy đến tháng Mười. Phiên họp tổng kết và hệ thống hóa lại những bằng chứng đã trình bày trong các phiên điều trần trước, thông qua bản báo cáo cuối cùng dài 160 trang của cuộc điều tra kéo dài một năm rưỡi và biểu quyết về khuyến nghị truy tố hình sự ông Trump và một số đồng sự. 

Lập luận chính của cuộc điều tra là ông Donald Trump có vai trò trung tâm của vụ bạo loạn (central cause) và đó là một phần trong kế hoạch của ông ta nhằm tiếp tục bám giữ quyền lực tổng thống. Đối với sự kiện ngày 6 tháng Giêng, Ủy ban tập trung làm rõ những hành vi và phát ngôn của ông Trump dẫn tới việc kích hoạt những người ủng hộ tấn công Quốc hội và việc ông không có hành động đúng với chức trách tổng thống trong suốt 187 phút mà trụ sở Quốc hội bị tấn công, phá hoại, tính mạng và sự an toàn của các thành viên Quốc hội bị đe dọa.

 

 

Một trong bốn cáo buộc được Ủy ban khuyến nghị là tội cản trở hoạt động chính thức của Quốc hội.

Ủy ban cũng trình bày thêm một số chứng cứ mới để chứng minh cho lập luận của họ. Chẳng hạn như để đánh giá vụ bạo loạn ngày 6 tháng Giêng 2021 là một vụ nổi loạn bạo lực thật sự, Ủy ban dẫn bằng chứng của Sở Mật vụ cho biết, trong 28,000 người đi qua máy rà vũ khí trong ngày hôm đó, Mật Vụ đã tịch thu 242 bình xịt hơi cay, 269 lưỡi lê và mã tấu, 18 quả đấm bằng đồng, 18 súng bắn điện taser, 6 bộ áo giáp, ba mặt nạ chống hơi độc, 30 gậy gỗ hoặc sắt và 17 vật linh tinh như kéo, tuốc-nơ-vít…

Báo cáo cuối cùng của Ủy ban còn bao gồm 17 phát hiện đặc biệt, chẳng hạn như lời khai của các quan chức thân cận xác nhận ông Trump biết rõ các hành vi của ông là bất hợp pháp, hành vi ép buộc Phó Tổng thống Mike Pence, các quan chức và nhà lập pháp tiểu bang lật ngược kết quả bầu cử cũng như việc ông không ra lệnh điều động vệ binh quốc gia, các cơ quan công lực liên bang đến bảo vệ Quốc hội khi bị đám đông bạo loạn tấn công.

 

 

Ông Trump đã kích động cuộc bạo loạn tấn công Capitol Hill ngày 6-1 để ngăn chặn việc kiểm phiếu của Quốc Hội. Ảnh BB. Ng.

Ngoài ra, Ủy ban cũng cho biết họ có nhiều bằng chứng về việc cản trở cuộc điều tra của Quốc hội và các bằng chứng đã được chuyển cho Bộ Tư pháp.

Về phần mình, ông Trump nhiều lần coi thường Ủy ban, mà ông gọi một cách miệt thị là “Ủy ban Không được Lựa chọn” và công việc của họ mà ông gọi là “cuộc săn phù thủy chính trị”.

Phía Cộng Hòa công bố bản báo cáo riêng về vụ bạo loạn Quốc Hội

 

WASHINGTON, DC (NV) – Phe Cộng Hòa Hạ Viện hôm Thứ Tư, 21 Tháng Mười Hai, công bố bản báo cáo riêng của họ về vụ bạo loạn Quốc Hội năm ngoái, tập trung vào thất bại trong vấn đề an ninh, theo CNN.

Đề nghị chính của phe Cộng Hòa Hạ Viện trong bản báo cáo là cải tổ Hội Đồng Cảnh Sát Quốc Hội và gia tăng giám sát Cảnh Sát Quốc Hội (USCP). Đây là hai vấn đề được nhà lập pháp cả hai đảng nhìn ra sau vụ bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng, 2021.

 

Ủng hộ viên cựu Tổng Thống Donald Trump xô xát với cảnh sát và nhân viên an ninh trước khi xông vô Quốc Hội hôm 6 Tháng Giêng, 2021, ở Washington, DC. (Hình minh họa: Brent Stirton/Getty Images)

Nhưng bản báo cáo không đề cập âm mưu lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020, và chỉ trích chính khách này mà không chỉ trích chính khách khác về vụ an ninh thất bại hôm đó. Bản báo cáo nhắc lại những cáo buộc vô căn cứ để đổ lỗi cho phía Dân Chủ, như Dân Biểu Nancy Pelosi của California, chủ tịch Hạ Viện, nhưng lại ca ngợi cựu Tổng Thống Donald Trump.

Phía Cộng Hòa nói bản báo cáo này là để bác bỏ cuộc điều tra của Ủy Ban 6 Tháng Giêng do Hạ Viện thành lập. Các nhà lập pháp Cộng Hòa từng cho rằng thất bại trong vấn đề an ninh là quan trọng hơn, và rằng Ủy Ban 6 Tháng Giêng vượt quá thẩm quyền trong cuộc điều tra kéo dài 17 tháng.

Ủy Ban 6 Tháng Giêng dự tính công bố bản báo cáo cuối cùng hôm Thứ Tư nhưng quyết định hoãn lại tới Thứ Năm tuần này. Phần tóm tắt bản báo cáo đó, công bố hôm Thứ Hai, quy hoàn toàn trách nhiệm vụ bạo loạn cho cựu Tổng Thống Trump.

Bản báo cáo của phía Cộng Hòa Hạ Viện do năm dân biểu Cộng Hòa soạn. Ban đầu, Dân Biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California), Trưởng Khối Thiểu Số Hạ Viện, bổ nhiệm năm người này vô Ủy Ban 6 Tháng Giêng, nhưng sau đó, quyết định rút họ ra.

Bản báo cáo của họ kể lại trình tự sự kiện ngày 6 Tháng Giêng năm ngoái nhưng không nhắc tới vụ cựu Tổng Thống Trump chờ vài tiếng đồng hồ mới kêu gọi ủng hộ viên rời khỏi Quốc Hội hôm đó, cũng như vụ ông nói năng kích động trong buổi mít tinh ngay trước khi vụ bạo loạn xảy ra.

 

Ông Donald Trump, lúc còn làm tổng thống, chào ủng hộ viên trong cuộc mít tinh “Stop The Steal” ở Washington, DC, hôm 6 Tháng Giêng, 2021. (Hình minh họa: Tasos Katopodis/Getty Images)

Thay vào đó, bản báo cáo cho hay ông Trump chỉ khuyến khích ủng hộ viên dự buổi mít tinh tại công viên gần Tòa Bạch Ốc tuần hành đến Quốc Hội để biểu tình “ôn hòa.” Đáng chú ý, bản báo cáo bỏ qua nhiều phần khác trong bài diễn văn của ông Trump, như đoạn ông kêu gọi ủng hộ viên “đấu tranh ầm ĩ lên.”

Tương tự, bản báo cáo bao gồm dòng tin nhắn ông Trump đăng lên Twitter sau khi đám bạo loạn tràn vô Quốc Hội. Ông viết: “Làm ơn hỗ trợ USCP và nhân viên công lực. Họ thực sự đứng về phía đất nước chúng ta. Hãy ôn hòa!”

Bản báo cáo cũng không có dòng tin nhắn mà cựu Tổng Thống Trump đăng lên Twitter, mà cuối cùng, ông kêu gọi đám bạo loạn rời khỏi Quốc Hội – sau khi vụ tấn công diễn ra vài giờ.

Ủy Ban 6 Tháng Giêng từng công bố lời khai của nhiều cựu giới chức Tòa Bạch Ốc, theo đó, ông Trump liên tục từ chối lên án đám bạo loạn, bất chấp nhiều cố vấn thân cận nhất khuyên ông làm như vậy.

Bản báo cáo của phía Cộng Hòa cũng không đề cập vụ cựu Tổng Thống Trump tuyên bố, trước hôm 6 Tháng Giêng, ông ra lệnh điều hàng ngàn lính Vệ Binh Quốc Gia tới Quốc Hội hôm đó.

Trong buổi thẩm vấn với Ủy Ban 6 Tháng Giêng, ông Christopher Miller, cựu bộ trưởng Quốc Phòng thời ông Trump, phủ nhận việc ông Trump chính thức ra lệnh ông Miller chuẩn thuận điều lính Vệ Binh Quốc Gia tới Quốc Hội ngày 6 Tháng Giêng. (Th.Long)

Trump chỉ trích gay gắt báo cáo điều tra 6/1, đổ lỗi Nancy Pelosi

 

CaliToday

 

(Newsweek) – Ông Donald Trump chỉ trích kết luận điều tra của Uỷ ban Đặc biệt Hạ viện điều tra vụ bạo động Điện Capitol và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi gay gắt, sau khi các nhà lập pháp công bố báo cáo cuối cùng.
Uỷ ban 6/1 công bố báo cáo vào tối thứ 5, trong đó tuyên bố, cựu Tổng thống “là nguyên nhân chính” của vụ tấn công, và ông ta đã tung ra “một kế hoạch gồm nhiều phần nhằm đảo ngược kết quả bầu cử 2020.”
Trump lên án báo cáo dài 845 trang và được chia làm 8 chương “là “cuộc săn lùng phù thuỷ mang động cơ chính trị,” và “mang tính đảng phái cao.” Ông ta lặp lại những tuyên bố sai trái về gian lận bầu cử tràn lan năm 2020, và cho rằng đây là nguyên nhân của “cuộc biểu tình.”
Cựu Tổng thống cũng cáo buộc, Nancy Pelosi đã phớt lờ “đề nghị của ông sử dụng quân đội” Washington, D.C. vào ngày 6 tháng 1. Trump cho rằng, ông ta kêu gọi những người ủng hộ hành động “ôn hoà” trước khi họ xông vào Điện Capitol.

“Uỷ ban Không đặc biệt mang tính đảng phái cao cố tình không nhắc đến việc Pelosi phớt lờ đề nghị của tôi sử dụng binh sĩ ở D.C, không cho thấy những từ “hoà bình và ái quốc” được tôi sử du6ng, hay tìm hiểu lý do dẫn đến biểu tình, Gian lận Bầu cử,” Trump đăng trên mạng xã hội Truth Social ngay sau khi báo cáo được công bố. “SĂN LÙNG PHÙ THUỶ.”

Mặc dù Trump và đồng minh ông ta thường xuyên cho rằng, cựu Tổng thống yêu cầu triển khai Vệ binh Quốc gia bảo vệ Điện Capitol ngày 6 tháng 1, nhưng không có bất cứ hồ sơ nào cho thấy ông ta thực sư đưa ra yêu cầu như vậy.

Nhiều viên chức chính phủ Donald Trump khai, họ chưa bao giờ nghe thấy cựu Tổng thống yêu cầu quân đội trước hoặc trong thời gian bạo động xảy ra.

Ngoài ra, không có bất cứ chứng cớ nào cho thấy Pelosi đã bác bỏ một đề nghị như vậy. “Chủ tịch Hạ viện không có thẩm quyền ngăn chặn một yêu cầu như vậy từ Tổng Tư lệnh,” Phó Đổng lý của bà Pelosi, ông Drew Hammil tuyên bố. “Đây là điều viễn vông.”

Uỷ ban Đặc biệt Hạ viện điều tra bạo động Điện Capitol ngày 6 tháng 1 vào thứ Hai chính thức bỏ phiếu đề nghị Bộ Tư pháp truy tố cựu Tổng thống Donald Trump 4 tội danh hình sự: kích động hay hỗ trợ nổi loạn, cản trở thủ tục chính thức của Quốc hội, âm mưu lường gạt Hoa Kỳ, và âm mưu đưa ra tuyên bố sai trái.
Báo cáo cuối cùng của Uỷ ban 6/1 đề nghị Quốc hội thực thi Tu chính án 14 ngăn cấm những ai “tham gia vào nổi loạn” hay “hỗ trợ và cổ võ kẻ thù” của Hiến pháp giữ chức vụ công. Điều này có nghĩa, các nhà lập pháp đề nghị cấm ứng cử viên Donald Trump tranh cử tổng thống năm 2024.

Hương Giang (Theo Newsweek)

Việt Linh: Báo cáo UB 6-1: Trump đã cố gắng phá vỡ nền Cộng Hòa Mỹ

CaliToday

 

Sau 18 tháng điều tra và nhiều cuộc điều trần công khai trên truyền hình trước công chúng Mỹ, ủy ban ngày 6 tháng 1 của Hạ viện đã trích dẫn kết luận này trong phần giới thiệu dài 161 trang với một điều chắc chắn, đó là: “Nguyên nhân chính của ngày 6 tháng 1 đến từ một con người, là cựu Tổng thống thứ 45, tên Donald Trump, đã kích động và xúi giục nhiều người khác hành động bạo loạn theo ý muốn của ông ta.”

Riêng tôi, xin nói ngắn gọn như thế này: “Sẽ không có sự kiện hỗn loạn, xấu hổ nào xảy ra trong ngày 6 tháng 1 nếu không có Donald Trump hiện diện trên mảnh đất này.”

Chiến dịch đưa thông tin sai lệch của Trump nhằm nâng cao lời nói dối rằng cuộc bầu cử năm 2020 là gian lận và việc ông ta kích động bạo lực theo chủ nghĩa nổi dậy đều diễn ra rất rõ ràng. Tuy nhiên, trong phần giới thiệu của Ủy ban điều tra có ghi chú rằng: “Đã có hàng triệu người Mỹ tin rằng Trump đã nói sự thật trong đêm bầu cử—rằng Trump thực sự có bằng chứng cho thấy cuộc bầu cử đã bị đánh cắp và việc kiểm phiếu đang diễn ra là một hành động gian lận.”

Những người Mỹ này tiếp tục tin tưởng Trump trong những tuần và tháng sau Ngày bầu cử, nước Mỹ đã phải đối mặt với thách thức là “hàng triệu người Mỹ vẫn thiếu thông tin cần thiết để hiểu và đánh giá những gì Donald Trump đã nói với họ về cuộc bầu cử.”

Làm thế nào để mang lại ánh sáng cho những người có đầu óc u ám, tối tăm này?

Làm thế nào để tạo ra sự đồng thuận quốc gia về những nỗ lực xấu xa của Trump nhằm lật ngược cuộc bầu cử để dẫn đến một hành động khủng bố trong nước?

Ủy ban đã điều tra kỹ lưỡng những sự kiện này, đồng thời giải thích lý do gửi cho Bộ Tư pháp hồ sơ đầy đủ với khuyến nghị truy tố hình sự về Trump với nhiều tội danh: cản trở một thủ tục chính thức kiểm phiếu đại cử tri, âm mưu lừa gạt Hoa Kỳ, âm mưu đưa ra những tuyên bố sai sự thật và kích động nổi dậy.

Nhưng trước chiến dịch tuyên truyền không ngừng của Trump và những nỗ lực của các nhà lập pháp cánh hữu trong Quốc Hội nhằm bác bỏ hoặc hạ thấp giá trị của ngày 6 tháng 1, nhằm giảm bớt uy tín công việc của ủy ban, để đánh lạc hướng khỏi các âm mưu khác nhau của Trump nhằm đảo ngược cuộc bầu cử, và để giữ cho Lời nói dối lớn của ông ta luôn tồn tại, nhưng phải công bằng mà nói, trách nhiệm này cũng phải quy cho Bộ Tư Pháp, FBI, Bộ An ninh Nội Địa đã không có những hành động cứng rắn trong công việc trị an, ngăn chặn những thuyết âm mưu trên các nền tảng mạng xã hội, góp phần ổn định xã hội và thực hiện kỷ cương phép nước, một mình Ủy ban chỉ là một thành phần của Quốc Hội, họ không có quyền đưa ra cảnh báo, truy tố hay trừng phạt bất cứ ai.

Như trong phần giới thiệu, Ủy ban điều tra ngày 6 tháng 1 đã lưu ý rằng: Donald Trump, bắt đầu từ đêm bầu cử, đã cố tình phổ biến “các cáo buộc sai sự thật về gian lận… để hỗ trợ nỗ lực lật ngược cuộc bầu cử của ông ta” và cũng để thu hút khoản đóng góp chính trị khoảng 250 triệu đô la. Mặc dù Trump đã nhiều lần được các cố vấn cấp cao thông báo rằng không có cơ sở chính đáng để cáo buộc gian lận, nhưng Trump vẫn từ chối công nhận kết quả và “âm mưu lật ngược kết quả bầu cử”. Ông ta đã “tìm cách làm hỏng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ bằng cách cố gắng lôi kéo các quan chức của Bộ Tư Pháp cố tình đưa ra những tuyên bố sai sự thật và hỗ trợ nỗ lực lật ngược cuộc bầu cử Tổng thống của ông ta.”

Và còn nữa: Đích thân Donald Trump đã “giám sát nỗ lực thu thập và chuyển giấy chứng nhận bầu cử giả cho Quốc hội và Cơ quan Lưu trữ Quốc gia.” Ông ta đã thúc ép các thành viên của Quốc hội “phản đối danh sách cử tri hợp lệ.” Ông ta đã “cố tình xác minh thông tin sai lệch được nộp tại tòa án liên bang” để hỗ trợ các vụ kiện giả mạo cáo buộc gian lận bầu cử. Sau đó, ông ta “gây áp lực đồi bại với Phó Tổng thống Mike Pence để từ chối kiểm phiếu đại cử tri” trong phiên họp chung của Quốc hội vào ngày 6 tháng 1. Cuối cùng, ông ta “đã triệu tập hàng chục ngàn người ủng hộ tới Washington vào ngày 6 tháng 1,” và mặc dù biết một số người theo chủ nghĩa Trump này tức giận và trang bị vũ khí, nhưng ông đã chỉ thị cho họ tuần hành tới Điện Capitol. Khi cuộc tấn công bạo lực đang diễn ra, Trump đã đăng một dòng tweet lên án Mike Pence khiến đám đông càng thêm kích động. Và trong khi bạo loạn tiếp diễn, Donald Trump đã “từ chối nhiều lần yêu cầu của những cố vấn rằng hãy nên lên tiếng trên truyền hình, ra lệnh cho những người ủng hộ bạo lực của ông ta giải tán và rời khỏi Điện Capitol.” Nhưng thay vào đó, ông ta chỉ ngồi yên xem cuộc tấn công bạo lực diễn ra trên truyền hình.

Và sau cùng, Ủy ban đã đưa ra tổng kết rằng: “Mỗi hành động này của Donald Trump đều được thực hiện để hỗ trợ cho một âm mưu gồm nhiều phần nhằm lật ngược kết quả hợp pháp của cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Ông ta chính là “nguyên nhân trung tâm” của cuộc bạo loạn và thực hiện nhiều âm mưu để lật đổ nền dân chủ Hoa Kỳ.”

Đó là một bản cáo trạng đáng nguyền rủa của một người đàn ông đã từng thề sẽ duy trì và bảo vệ Hiến pháp vào ngày 20.01.2017 khi Donald Trump nhậm chức Tổng thống thứ 45.

Trump sẽ không thể làm được gì nếu không có sự tiếp tay của một đám “ngưu đầu mã diện”, đó chính là một đám đồng phạm mà cho đến nay, vẫn chưa ai phải giải trình, vẫn nhong nhong đi đây đó du lịch, đăng đàn chính trị, tuyển mộ người cho một cuộc đảo chính khác trong tương lai.

Những người họ là ai?

Xin thưa, đó là Chủ tịch Đảng Cộng hòa Ronna McDaniel, Mark Meadows, Rudy Giuliani, Sidney Powell, John Eastmann, Dan Scavino, Stephen Miller đã giúp Trump thực hiện kế hoạch đại cử tri giả. Văn phòng của Thượng nghị sĩ Ron Johnson (R-Wis.) và Dân biểu Mike Kelly (R-Pa.) cũng vậy. Nhiều thành viên GOP của Quốc hội đã tham gia vào các khía cạnh khác nhau trong các âm mưu khác nhau của Trump, bao gồm dân biểu Scott Perry của Pennsylvania, Jim Jordan của Ohio và Andy Biggs của Arizona. Ủy ban điều tra đã khuyến nghị Ủy ban Đạo đức Hạ viện xử phạt Scott Perry, Jim Jordan, Andy Biggs và Kevin McCarthy vì không tuân thủ trát đòi hầu tòa để làm chứng trước ủy ban.

Ủy ban điều tra ngày 6 tháng 1 cũng mô tả ngày đáng xấu hổ đó là một thất bại tình báo: “Theo tài liệu mà Ủy ban điều tra nhận được từ Sở Mật vụ cho thấy ngày càng có nhiều cảnh báo rằng ngày 6 tháng 1 sẽ có khả năng xảy ra bạo lực, và cụ thể là Điện Capitol có thể sẽ là mục tiêu, bao gồm thông tin tình báo liên quan trực tiếp đến các nhóm dân quân Proud Boys và Oath Keepers.” Các cơ quan khác đã bỏ lỡ các dấu hiệu rõ ràng. Vấn đề là thông tin tình báo thu thập được cho thấy bạo lực có thể xảy ra đã không đến được với các cơ quan có thẩm quyền thích hợp.

Đã không có bức ảnh nào của Tổng thống trong thời gian còn lại cho đến sau 4 giờ chiều, Donald Trump đã chỉ thị nhiếp ảnh gia Tòa Bạch Ốc không được chụp bất kỳ bức ảnh nào. Ủy ban điều tra cũng không thể tìm thấy bất kỳ hồ sơ chính thức nào về các cuộc điện thoại của Donald Trump vào chiều hôm đó. Và nhật ký hàng ngày chính thức của Tổng thống cũng không có thông tin nào trong khoảng thời gian từ 1:19 đến 4:03 chiều, là khoảng thời gian cuộc tấn công tồi tệ nhất vào Quốc hội Hoa Kỳ trong hơn hai thế kỷ. Nhưng theo trợ lý riêng của Trump, ông ta đã thực hiện “rất nhiều cuộc gọi” trong khoảng thời gian đó.

Và điều Ủy ban điều tra nhấn mạnh là, Trump không bao giờ tỏ ra lo lắng về bạo lực hay bất kỳ sự hối hận nào.

Lời kết:

Với báo cáo dài hàng ngàn trang, Ủy ban điều tra đã ghi lại toàn bộ tất cả chi tiết về một ngày ô nhục của nước Mỹ và một âm mưu xấu xa, tệ hại được thực hiện bởi một tổng thống sắp mãn nhiệm nhằm lật đổ Hiến pháp và giành lấy quyền lực của một bạo chúa.

Trump đã cố gắng phá vỡ nền cộng hòa một cách bất hợp pháp, nhưng đất nước này vẫn còn may mắn, ông ta đã thất bại, nền dân chủ dù bị tổn thương đau đớn nhưng vẫn tồn tại.

Việt Linh 29.12.2022

Sài Gòn Nhỏ
Ủy ban điều tra cuộc tấn công Điện Capitol ngày 6 tháng Giêng năm 2021 (Uỷ ban 6/1) của Hạ viện Hoa Kỳ đã công bố bản báo cáo cuối cùng cho công chúng vào tuần trước, vài ngày sau khi ủy ban đề nghị Bộ Tư Pháp nên truy tố hình sự đối với Donald Trump.
Bản báo cáo dài 814 trang, là kết quả sau nhiều tháng điều trần công khai. Trong đó, Uỷ ban 6/1 gọi cuộc tấn công là “không thể tưởng tượng nổi”, đã làm rung chuyển không chỉ riêng Hoa Kỳ, mà còn khắp thế giới. Đây gần như là bản cáo trạng hình sự, cung cấp nhiều chi tiết đáng ngại về hàng loạt nỗ lực của Trump nhằm lật ngược kết quả bầu cử tổng thống 2020.
Sau đây là 5 điểm quan trọng trong báo cáo của Uỷ ban 6/1, làm rõ vai trò then chốt của Trump trong việc kích động cuộc tấn công Điện Capitol, ngăn cản Quốc Hội chứng nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử (lúc đó) Joe Biden.
  1. Tuyên bố gian lận bầu cử được Trump tính toán từ trước

Bản báo cáo cho biết: “Quyết định của Tổng thống Trump tuyên bố sai sự thật về chiến thắng trong đêm bầu cử và kêu gọi ngừng kiểm phiếu một cách bất hợp pháp không phải là một quyết định tự phát. Nó đã ĐƯỢC TÍNH TOÁN TỪ TRƯỚC.” Thực tế phản ánh kết luận này.

Trước khi cuộc bầu cử tổng thống 2020 diễn ra vào ngày 3 Tháng Mười Một, hai thân hữu của Trump là Steve Bannon và Roger Stone, đã ‘hiến kế’ đề nghị cựu tổng tống cứ tuyên bố chiến thắng trong đêm bầu cử, mặc kệ kết quả ra sao.

Bản báo cáo đã trích dẫn các đoạn ghi âm, bao gồm đoạn thu âm buổi nói chuyện của chiến lược gia thân cận của Trump, là Steve Bannon, vào tối ngày 31 Tháng Mười năm 2020. Ông Steve Bannon vừa cười, vừa nói với nhóm cộng sự: “Những gì ông Trump sẽ làm là tuyên bố chiến thắng. Ông Trump sẽ tuyên bố chiến thắng. Nhưng điều đó không có nghĩa là ông Trump là người chiến thắng.

Ông Bannon nói thêm rằng ông Trump biết rõ việc kiểm các lá phiếu bằng thư có khuynh hướng bầu cho đảng Dân Chủ sẽ mất nhiều thời gian và ông Trump sẽ lợi dụng thực tế này để tuyên bố thắng cử.

 

Những người biểu tình (theo lời kêu gọi của Trump) xâm nhập vào Điện Capitol. Ảnh: Win McNamee/Getty Images
  1. Donald Trump nhận được trợ giúp

Người vạch ra chiến lược nhằm giúp Trump thay đổi kết quả bầu cử 2020 là ông John Eastman, cựu luật sư riêng cho Trump và là giáo sư của trường Đại Học Luật Chapman, bang California. Trước khi cuộc bầu cử 2020 diễn ra, ông Eastman đã thừa nhận rằng cựu phó tổng thống Mike Pence sẽ không thể “từ chối việc kiểm phiếu đại cử tri chính thức một cách hợp pháp”, nhưng ông vẫn nung nấu một kế hoạch để yêu cầu ông Pence phải làm như vậy.

Theo ông Greg Jacob, cựu cố vấn của ông Pence, ông Eastman đã thừa nhận hai ngày trước ngày 6 tháng Giêng rằng kế hoạch của ông ta sẽ không thành công trước tòa ,nếu Pence làm theo và sẽ vi phạm đạo luật kiểm phiếu đại cử tri (Electoral Count Act). Bản thân ông Pence cũng công khai khẳng định ông ấy không có bất kỳ thẩm quyền nào như vậy. Ngoài ra, theo ủy ban điều tra, ông Eastman cũng bị cáo buộc ủng hộ việc chọn một danh sách đại cử tri giả nhằm giúp Trump tại vị.

 

Trước khi cuộc bầu cử 2020 diễn ra, ông Eastman đã thừa nhận rằng cựu phó tổng thống Mike Pence sẽ không thể “từ chối việc kiểm phiếu đại cử tri chính thức một cách hợp pháp”. Ảnh:  Saul Loeb – Pool/Getty Images

Sau khi nhận được kế sách từ ông Eastman, cựu tổng thống tìm kiếm sự trợ giúp từ Đảng Cộng hòa để thực hiện kế hoạch. Trump đã đích thân gọi điện cho bà Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng Hòa (RNC) vài ngày trước ngày 14 Tháng MườiHai để tranh thủ sự hỗ trợ của RNC trong kế hoạch này.

Theo báo cáo, “Tổng thống Trump đã mở đầu cuộc gọi bằng cách giới thiệu cho bà chủ tịch ông John Eastman, người đã mô tả “tầm quan trọng của RNC” trong việc giúp tập hợp những đại cử tri giả. Sau đó, bà chủ tịch RNC đã gọi lại cho Trump, nói rằng bà đồng ý với kế sách và thành viên của RNC sẽ sẵn sàng hỗ trợ nỗ lực này.

Cựu Lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Hạ viện, ông Newt Gingrich, cũng đã gửi cho trợ lý của ông Trump một tin nhắn vào ngày 10 tháng Mười Một, đề nghị Trump thúc giục “các cơ quan lập pháp Cộng hòa không gửi chứng nhận đại cử tri” để trì hoãn việc chứng nhận kết quả ở Hạ viện.

Lịch sử thế giới cho thấy các nhà độc tài chuyên chế không thể tự mình đưa bản thân lên nắm quyền. Nói cách khác, họ không thể lên cầm quyền và bám chặt quyền lực nếu không có sự trợ giúp đắc lực, bất chấp của thành phần trí thức.

  1. Trump biết mình đã thua trong cuộc bầu cử 2020

Bản báo cáo nhấn mạnh rằng hầu hết các cố vấn cấp cao của ông Trump đã nhiều lần giải thích với ông ấy rằng không có bằng chứng về gian lận bầu cử, nhưng ông vẫn tiếp tục lan truyền ‘Big Lie’. Cụ thể, Trump vẫn tiếp tục gieo rắc dối trá với sự trợ giúp của nhóm pháp lý, đứng đầu là Rudy Giuliani. Nhóm này đã tiến hành hơn 60 vụ kiện nhằm lật đổ chiến thắng của ông Joe Biden. Tuy nhiên, tất cả các vụ kiện này đều thất bại tại tòa án tiểu bang và liên bang.

 

Rudy Giuliani, người đứng đầu nhóm pháp lý giúp Trump tiếp tục gieo rắc dối trá sau khi thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống 2020 . Ảnh:  Michael M. Santiago/Getty Images

Báo cáo cũng cho biết đội ngũ chiến dịch tái tranh cử tổng thống 2020 của Trump đã tìm cách vận động hành lang để thuyết phục các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa ở các bang Michigan, Arizona, Georgia – nơi ông Biden thắng cử, nhằm lật ngược phiếu đại cử tri cho Trump bất chấp thất bại của cựu tổng thống. Trong một thư thoại gửi tới một nhà lập pháp bang Michigan đã bị lộ, một nhân viên chiến dịch tranh cử của Trump đã thúc giục thông qua một nghị quyết “cho phép bang Michigan gửi các đại cử tri ủng hộ Trump tới Đại cử tri đoàn” nhằm lật ngược kết quả bầu cử.

Bản báo cáo còn đưa ra 18 trường hợp cụ thể về việc các cố vấn của Donald Trump trình bày các bằng chứng vạch trần các cáo buộc gian lận bầu cử trong các cuộc họp riêng với ông ta. Cụ thể, cố vấn hàng đầu của Trump, bà Hope Hicks, đã trả lời Uỷ ban 6/1 rằng Trump đã cười nhạo đội ngũ pháp lý của mình với tuyên bố các quốc gia đã giúp Joe Biden thắng cử bằng cách thao túng hệ thống bỏ phiếu của Dominion.

Nhân chứng kể lại, trong cuộc gọi, cựu tổng thống đã bấm nút tắt tiếng chỉ để cười nhạo luật sư của ông và nói với những người trong phòng rằng “điều này nghe thật điên khùng.” Nghĩa là, ông Trump hiểu rất rõ thất bại của mình, nhưng vẫn cố ý và ác ý khuếch đại thông tin sai lệch trên mạng xã hội và trong các email gây quỹ sau đó.

  1. Trump đã ‘làm giàu’ từ việc tuyên truyền ‘Big Lie’

Ủy ban đưa ra bằng chứng việc Trump đã thu hơn $250 triệu từ tuyên truyền thông tin sai lệch về cuộc bầu cử 2020 bằng cách gây quỹ kéo dài.

Tổng thống Trump và chiến dịch tranh cử của ông đã lừa gạt những người ủng hộ khi thu hơn $250 triệu bằng cách tuyên bố rằng họ muốn chống gian lận bầu cử mà họ biết không tồn tại và lật ngược kết quả cuộc bầu cử mà họ biết rằng ông ấy đã thua,” báo cáo của ủy ban cho biết.

Chiến dịch tranh cử của Trump và Ủy ban Quốc gia của Đảng Cộng hòa đã gửi hàng triệu email tới những người ủng hộ, kêu gọi quyên góp tiền để ngăn đảng Dân chủ trong “nỗ lực đánh cắp cuộc bầu cử.

Ủy ban điều tra cáo buộc rằng số tiền gây quỹ thực sự là “lừa đảo” vì phần lớn số tiền đã được chuyển hướng cho các mục đích khác. Một phần lớn trong số $250 triệu được đã được chuyển đến tổ chức ‘Save America’ do Trump thành lập. Khoản chi lớn nhất mà Save America đã thực hiện là $40 triệu vào một tổ chức khác trợ giúp ông Trump trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2024.

ĐỌC THÊM:

  1. Dân Chủ không thể tự bảo vệ

 Ở những quốc gia độc tài chuyên chế, việc chuyển giao quyền lực thường diễn ra trong bạo lực. Ngược lại, ở các quốc gia dân chủ, việc “chấp nhận đối thủ” bằng cách chuyển giao quyền lực trong hòa bình sau các cuộc bầu cử là một thành tố quan trọng.

Nghĩa là các đối thủ chính trị không nhất thiết phải ưa nhau, nhưng cần hiểu rằng họ phải tuân theo các nguyên tắc dân chủ. Khi các cuộc bầu cử đã xong, nếu đảng cầm quyền thất bại, đảng đó phải phải chấp nhận nguyện vọng của cử tri và chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Phe đối lập tiếp tục tham gia đóng góp vào tiến trình dân chủ, vì “các cuộc bầu cử dân chủ không phải là một cuộc đấu tranh sinh tồn, mà là một cuộc cạnh tranh để phục vụ” lợi ích cử tri.

 

Một trong những hình ảnh không thể quên trong ngày 6 Tháng Giêng ở Điện Capitol. Ảnh:  Win McNamee/Getty Images

Tuy nhiên, thành tố cốt lõi này đã bị Trump và đội ngũ cố ý dẫm đạp để bám víu quyền lực. Lo sợ điều tương tự sẽ xảy ra trong tương lai, ủy ban đã đưa ra 11 khuyến nghị yêu cầu Quốc Hội xem xét nhằm chống lại các nỗ lực kích động bạo lực và bảo vệ truyền thống chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Hai khuyến khị nổi bật bao gồm yêu cầu Quốc hội thực hiện Tu Chính Án 14 để ngăn cấm những người tham gia cuộc bạo loạn giữ chức vụ công trong tương lai, và phải có những hình nghiêm khắc hơn đối với bất kỳ ai phá hoại tiến trình chuyển giao quyền lực.

Báo cáo còn cho thấy những khiếm khuyết của nền dân chủ Hoa Kỳ, khi chi tiết một âm mưu đảo chính có kế hoạch gần như đã thành công. Nếu như Bộ trưởng Bộ Tư Pháp hoặc Bộ Quốc Phòng của chính quyền Trump chấp nhận hợp tác với ông Trump trong việc thay đổi kết quả bầu cử, thì kế hoạch của ông Trump có thể đã thành công. Hãy tưởng tượng viễn cảnh dân chủ Hoa Kỳ ra sao, nếu như một tổng thống tương lai thành công lật đổ kết quả bầu cử?

 

Cuộc tấn công Điện Capitol dưới sự kích động của Trump đã làm rung chuyển không chỉ riêng Hoa Kỳ, mà còn khắp thế giới. Ảnh: Win McNamee/Getty Images

Sẽ không có cuộc bạo loạn tấn công Điện Capitol nếu như ông Trump bị quốc hội truất phế sau hai lần luận tội trước đó. Hiến pháp Hoa Kỳ có giải pháp truất phế nhằm kiểm soát các tổng thống bất tài, phạm pháp, và phản quốc. Tuy nhiên, giải pháp này của các nhà Lập quốc Hoa Kỳ chưa từng xảy ra trong lịch sử, vì chính đảng của tổng thống nắm quyền tại Hạ viện hoặc Thượng viện đã chọn bao che tổng thống bằng mọi giá.

“Tam quyền phân lập” chỉ có giá trị khi ba nhánh Lập pháp, Hành pháp, và Tư pháp hoạt động độc lập và công bằng. Nếu Lập pháp hoặc Tư pháp bao che để tổng thống ngang nhiên đứng trên pháp luật, điều này dễ dẫn tới sự lạm quyền và thâu tóm quyền lực của tổng thống. Chẳng hạn như Putin (Russia), Erdoğan (Turkey), Maduro (Venezuela), Morales (Bolivia)… là các tổng thống đã thành công kéo dài thời hạn nắm quyền, nhờ vào sự bao che của chính đảng ở cả lập pháp và tư pháp.

Nền dân chủ Hoa Kỳ không thể nào tự bảo vệ nó trước các lãnh đạo độc tài, lạm quyền, và vô đạo đức. Sự tồn tại khỏe mạnh của nền dân chủ phụ thuộc vào các nhà lập pháp biết đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích đảng phái, cũng như vào sự tham gia có hiểu biết của cử tri vào tiến trình dân chủ. Như Tổng thống thứ 39 của Hoa Kỳ (1977-1981), Jimmy Carter, đã cảnh báo:

Quốc gia vĩ đại của chúng ta hiện đang đứng trên bờ vực thẳm ngày càng lan rộng. Nếu không có hành động ngay lập tức, chúng ta thực sự có nguy cơ xung đột dân sự và đánh mất nền dân chủ quý giá của mình. Người Mỹ phải gạt sự khác biệt sang một bên và liên đới cùng nhau trước khi quá muộn.”