Tưởng Niệm Nhạc Sĩ Cung Tiến (1938-2022) | Live Concert 1993 | Jimmy TV
Ngày 10 tháng 5 năm 2022, nền tân nhạc Việt Nam mất đi nhạc sĩ Cung Tiến.
Hôm nay chúng ta cùng tưởng nhớ về ông, Jimmy TV kính mời quý với cùng theo dõi những hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Cung Tiến qua đoạn phim tài liệu quý mà Hội Văn Học Nghệ Thuật (VAALA) đã thực hiện 13 năm trước đây. Cám ơn VAALA đã cho phép Jimmy TV sử dụng.
Sau đó là 3 bài hát trích trong đêm nhạc Cung Tiến năm 1993.
0:00 Cuộc đời và sự nghiệp NS Cung Tiến (VAALA)
15:47 Mắt Biếc – Kim Tước
21:29 Lệ Đá Xanh (ý thơ Thanh Tâm Tuyền) – Trần Thái Hoà
25:33 Bản Tango Cuối – Mai Hương.
TTO – Một trong những điều thú vị nhất khi tìm hiểu về khung cảnh văn hóa một thời đại, ta gặp được những mối liên kết đa văn bản, phản ánh sự tương hợp giữa thi sĩ, nhạc sĩ hay họa sĩ.
Tiễn biệt nhạc sĩ Cung Tiến (1938 – 2022) – tác giả của những ca khúc đã đi vào lòng một thế hệ người Việt như Hoài cảm, Hương xưa…, Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyễn Trương Quý về sự có mặt ấn tượng của âm nhạc Cung Tiến trong nền tân nhạc Việt Nam.
Vĩ thanh cho vẻ đẹp một thời
Những bài hát làm nên tên tuổi Cung Tiến khi nhạc sĩ còn rất trẻ, ở độ thiếu niên 14, 15 tuổi, như chia sẻ của ông lúc sinh thời, có ảnh hưởng từ Thơ mới của Xuân Diệu, Huy Cận. Thơ Mới đã có tuổi đời từ thập niên 1930, trong khi Hoài cảm – bài hát đầu tiên trình làng một Cung Tiến trang trọng, lịch lãm – ra đời năm 1953.
Hai thập niên đã trôi qua cho đến lúc ấy, song dấu vết văn hóa của “một thời đại trong thi ca” còn ngự trị. Những bài hát của Cung Tiến có thể xem như vĩ thanh cho vẻ đẹp của một thời nhiều sương khói diễm ảo.
Trước đây, những ngữ liệu hay dùng cụm từ “thi ca” để chỉ chung cho thể loại thơ nói chung và trong một số không gian thính phòng truyền thống, hay được trình diễn ở dạng những thể hát nói, ngâm vịnh…
Yếu tố “ca” như cách gọi hiện đại dành cho các khúc thức kiểu âm nhạc Tây phương đối với người Việt khi tân nhạc ra đời, vẫn có dáng dấp các bài hát thơ, chú trọng phần lời đến mức hoa mỹ.
“Chiều buồn len lén tâm tư, mơ hồ nghe lá thu mưa. Dạt dào tựa những âm xưa, thiết tha ngân lên lời xưa…”, Cung Tiến mở đầu bài hát Hoài cảm với những dấu vết rõ rệt ảnh hưởng từ những bài thơ như Buồn đêm mưa, Chiều, Nhị Hồ…
Nhưng điều làm người nghe nhận ra nét khác biệt của những bài hát tiếp đó như Thu vàng, Hương xưa hay phổ thơ như Nguyệt cầm (thơ Xuân Diệu), Lệ đá xanh (thơ Thanh Tâm Tuyền), Mai chị về (thơ Nguyễn Đình Tiên)… là giai điệu thoát ly hẳn việc gò theo những lời thơ đăng đối như khá nhiều bài hát cùng thời.
Tính chất trữ tình và nhiều quãng âm biến đổi của giai điệu có những gợi nhớ đến các tác phẩm kinh điển hàn lâm, khiến những bài hát mang dấu ấn của một nhà soạn nhạc hơn là người viết ca khúc thuần túy.
Ca khúc Hương Xưa của Cung Tiến qua giọng ca Đức Tuấn
Hàn lâm và tiêu dao
Tuy vậy, những bài hát của Cung Tiến vẫn rất dễ cảm, không gây thách thức cho tai người nghe, và vẫn gần gũi với mạch những bài hát trữ tình có màu sắc “tiền chiến”.
Một phần là những giai điệu chỉn chu, bình ổn, phát huy sở trường những giọng ca trung trầm mang vẻ đẹp trữ tình lẫn những cao trào mãnh liệt như Duy Trác, Lệ Thu, những giọng hát xuất sắc của tân nhạc lãng mạn Việt Nam.
Nhưng phần dễ nhận diện hơn là dụng công về ca từ và qua đó, gợi ra những thông điệp hoài niệm về một thời bình yên quá khứ, những vẻ đẹp của văn hóa, phong tục, nỗi luyến tiếc về thời hoa niên, về tình yêu đầu xanh tuổi trẻ.
Những thông điệp ấy là một bản chất của văn nghệ lãng mạn, đến Cung Tiến đã tạo thành một dạng điển phạm từ chương, kết nối giữa thơ và nhạc:
“Ôi những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một giấc hay mơ, lời Đường thi nghe vẫn rền trong sương mưa. Dù có bao giờ lắng men đợi chờ. Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa, cung Nguyệt cầm vẫn thương Cô Tô. Nên hồn tôi vẫn nghe trong mưa tiếng đàn đợi chờ mơ hồ, vẫn thương muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó…” (Hương xưa).
Chọn lựa những chất liệu văn hóa đặc thù của cố hương, Hà Nội hay vùng quê Bắc Bộ xa xưa, Cung Tiến diễm lệ hóa chúng, từ “tiếng tre êm ru, bóng đa hẹn hò, tiếng khung quay tơ, con diều vật vờ” hay “vàng bướm bên ao” đến “Quê chị về xa mù dặm xa, rừng thu chiều xao xác canh gà”…
Camille Huyền biểu diễn Ca khúc Nghệ thuật Cung Tiến (Cung Tiến Art Songs) và Dân ca quốc tế tại Thụy Sỹ, 2008.
Những chi tiết này cũng có thể xuất hiện trong lời ca của nhiều nhạc sĩ khác, nhưng nét nhạc của Cung Tiến đẩy chúng lên thành một tầm mức khác, mang cốt cách vừa hàn lâm vừa tiêu dao.
Công chúng có thể thán phục nhiều nhạc sĩ vì sự xuất chúng mang tính học thuật, cũng như yêu mến một số tác giả vì sự ngẫu hứng và phóng khoáng, song để đạt được cả hai thì rất ít người làm được.
Cung Tiến không để lại một sự nghiệp sáng tác ca khúc đồ sộ nhưng với khoảng hai mươi bài hát, và một số trở nên nổi bật trong trường nghe của người yêu nhạc là nhờ sự cân bằng rất đặc biệt đó.
Người ta có thể nhấn mạnh yếu tố xuất thân của Cung Tiến trong hoàn cảnh gia đình có điều kiện theo học âm nhạc từ nhỏ ở Hà Nội đầu thập niên 1950, hay khả năng học vấn của ông rất đáng kể khi vừa nghiên cứu âm nhạc ở Úc trong khi cũng là một người có học bổng ngành kinh tế ở ĐH Cambridge danh tiếng.
Nhưng những điều đó theo tôi không quyết định sự có mặt ấn tượng của âm nhạc Cung Tiến bởi ngay từ buổi đầu, ông đã gieo trồng và gặt hái thành quả của trí tưởng tượng phong phú trên mảnh đất màu mỡ của một phông văn hóa do thời đại đem lại.
Câu chuyện của Cung Tiến có thể nói gì với chúng ta hôm nay? Chúng ta nhìn thấy thành quả của nền giáo dục thẩm mỹ đóng vai trò quan trọng trong sự chín sớm và bền bỉ của tài năng.
Chúng ta ngày nay đôi khi khó mà hình dung một cậu bé 14 – 15 tuổi sớm tìm đến việc viết nên những tình khúc để đời, nếu như không gian xã hội vắng đi những sự kết nối quá khứ, một sự đồng cảm tri âm về văn hóa, một miền quê mất đi “bóng đa hẹn hò” và một thành phố phôi phai nỗi nhớ “có mùa thu vàng bao nhiêu là hương”.
Nhạc sĩ Cung Tiến qua đời ngày 10-5 tại Los Angeles, California, Mỹ nhưng đến mãi gần đây công chúng yêu nhạc mới biết tin chính thức qua cáo phó của gia đình nhạc sĩ. Lễ tang và lễ hỏa táng vừa được cử hành ngày 2-6 tại California.
Nhạc sĩ Cung Tiến tên đầy đủ là Cung Thúc Tiến, sinh ngày 27-11-1938 tại Hà Nội, định cư tại Mỹ từ năm 1987. Từ nhỏ ông đã biết thổi sáo, chơi đàn mandoline và guitar cổ điển trước khi làm quen với đàn piano lúc qua Úc du học năm 19 tuổi. Ngoài sáng tác, ông còn còn hòa âm, soạn khí nhạc, hợp xướng…
Hầu hết các ca khúc của ông – trong đó có nhiều ca khúc phổ thơ hoặc lấy ý thơ của Thanh Tâm Tuyền, Vũ Hoàng Chương, Xuân Diệu, Quang Dũng, Trần Dạ Từ, Phạm Thiên Thư… – được người hâm mộ yêu thích bên cạnh Hoài cảm, Hương xưa, Thu vàng: Vang vang trời vào xuân, Lệ đá xanh, Kẻ ở, Mắt biếc, Đôi bờ, Nguyệt cầm, Khói hồ bay, Thuở làm thơ yêu em, Vết chim bay, Hoàng Hạc Lâu…
Nhà thơ Du Tử Lê từng nhận định trong bài viết Hiện tượng Cung Tiến trong tân nhạc Việt: “Cung Tiến không chỉ đem được vào cõi – giới tân nhạc của ông hồn tính đông phương, như một con bài chủ, một dấu ấn của riêng ông mà, họ Cung còn là nhạc sĩ đầu tiên (?) phổ nhạc thơ tự do”.
T.VŨ
Với hai sáng tác đầu tay bất hủ ‘Thu vàng’ và ‘Hoài cảm’ viết từ khi mới lên 13-14 tuổi, nhạc sĩ Cung Tiến được nhiều người ca tụng là thần đồng âm nhạc dù ông xuất thân từ một gia đình không ai có năng khiếu âm nhạc.
“Cụ thân sinh tôi là một nhà thơ, một nhà cách mạng. Ông theo Việt Nam Quốc dân Đảng, không có ai dính vào âm nhạc nhất là âm nhạc mới, không có ai cả,” nhạc sĩ Cung Tiến nói với VOA.
Tuy nhiên, bản thân ông đã bắt đầu sinh hoạt văn nghệ thời còn là học sinh tiểu học, đi học hát trong nhà thờ, hát trong các ca đoàn Công giáo và được giao điều khiển ban hợp ca của các trường khi lên tới trung học.
“Thời trung học có tổ chức những đại hội học sinh toàn thành. Hồi kỷ niệm thành lập Việt Nam Cộng hòa năm thứ hai của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm thì có đại nhạc hội học sinh toàn thành của các trường trung học Việt Nam như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Trưng Vương, Petrus Ký, Marie Curie, thành lập Ban Hợp ca và tôi điều khiển ban hợp ca đó, vào năm 1956,” nhạc sĩ Cung Tiến tâm sự.
Từ nhỏ, ông từng học thổi sáo, biết chơi đàn mandoline, đàn guitar cổ điển trước khi làm quen với đàn piano lúc qua Úc du học về âm nhạc.
“Sau này qua Úc học âm nhạc đích thực rồi tôi mới học piano. Rồi tôi vào học trường âm nhạc bên Úc về tất cả các bộ môn của âm nhạc như hòa âm, đối điểm, phối trí, âm nhạc sử, tất cả những gì liên quan đến âm nhạc Tây phương tôi đều học kỹ,” ông cho biết.
Các bản nhạc đầu tay của ông đã đi sâu vào lòng người hâm mộ như Thu Vàng, Hoài Cảm, Hương Xưa hoàn toàn xuất phát từ trí tưởng tượng, không dính líu đến đời thật của ông.
“Hồi đi học, tôi học ban văn chương, triết học. Tôi chịu ảnh hưởng thơ lãng mạn Việt Nam hồi đó như Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử …nên lời ca mang những ý tưởng lãng mạn trong thi văn Việt Nam. Không có cái gì sâu xa gọi là kinh nghiệm của con người cả. Hoàn toàn là trí tưởng tượng,” ông nói.
“Hồi đó tôi học đệ nhất, mình bắt đầu mê nhạc cổ điển Tây phương lắm. Tôi nhớ thời hoàng kim, thời xưa của Việt Nam hãy còn hòa bình, nhớ lại cảnh hòa bình xưa của Việt Nam đẹp như thế nào, so với cảnh chiến tranh, lúc đó vào khoảng năm 57-58, so sánh hai trường hợp cảnh chiến tranh hiện đại và cảnh thanh bình hồi xưa của Việt Nam mà thành lời ca của bản Hương xưa,” ông cho biết về hoàn cảnh ra đời của ca khúc Hương xưa.
Ông nói ông yêu thích văn thơ Việt Nam, đọc sách, đọc thơ nhiều và tình yêu này đã thấm nhuần vào những ca từ ông sáng tác thời trẻ.
Sau này, phần lớn những nhạc phẩm của nhạc sĩ Cung Tiến là những bài thơ được ông thổi vào giai điệu du dương.
“Viết lời ca khi hồi còn trẻ. Sau này mình không có hứng, không có dịp để viết lời ca thường nữa. Phần lớn tôi phổ thơ của Vũ Hoàng Chương, Thanh Tâm Tuyền. Thanh Tâm Tuyền tôi phổ nhiều lắm. Ngoài tập 10 bài thơ viết trong tù cải tạo, tôi còn phổ những bản trước khi ông vào tù, khi còn ở Sài Gòn như bản Lệ đá xanh, Đêm…,” ông giải thích.
Cung Tiến chưa hề về Việt Nam và từ khi sang Mỹ ông không viết bản nhạc nào về Việt Nam ngoài ‘Hoàng Hạc Lâu’, phổ thơ của Vũ Hoàng Chương dịch bài thơ của Thôi Hiệu đời Đường, tác phẩm duy nhất của ông có ‘dính líu’ với Việt Nam sau ngày miền Nam Việt Nam sụp đổ năm 1975.
Sau khi đậu Tú tài hai, nhạc sĩ Cung Tiến được học bổng Colombo sang Úc học về môn kinh tế trong khoảng thời gian từ 1957 đến 1965. Dịp này, ông tham dự các lớp học về âm nhạc phương Tây tại Viện Âm nhạc Sydney.
Từ năm 1970 đến 1973, ông được học bổng của Hội đồng Anh (Bristish Council) để nghiên cứu về kinh tế tại trường đại học Cambridge. Trong thời gian đó, ông trau dồi thêm về âm nhạc bằng cách tham dự các lớp về nhạc học, lịch sử âm nhạc và nhạc lý hiện đại. Cho nên về sau này, phong cách sáng tác của ông khác hẳn những bản nhạc thời học sinh mà ông gọi là ‘nhạc phổ thông’. Thay vào đó là những tác phẩm mà ông gọi là ‘ca khúc nghệ thuật.’
“Về sau tôi sáng tác nhiều tác phẩm khác được chơi ở bên Mỹ rất nhiều, nhất là tập tổ khúc (Suite) Chinh Phụ Ngâm. Tổ khúc giống như một symphonie nhưng nhỏ hơn, viết cho dàn nhạc đại hòa tấu. Dựa vào những tình tứ, tình cảm trong tập thơ đó, tôi viết thành một tổ khúc ba phần. Không phải tôi phổ nhạc. Không phải tôi phổ thơ Chinh Phụ Ngâm. Tôi dựa vào tình tiết, cảnh tượng trong Chinh Phụ Ngâm mà viết thành một tổ khúc cho dàn nhạc đại hòa tấu,” ông chia sẻ.
Hiện nay, nhạc sĩ Cung Tiến sáng tác rất ít để chủ yếu dành thời gian hoàn chỉnh những tác phẩm trước đây như phổ nhạc tập thơ của Tô Thùy Yên, tập ‘Ta về’, hay tập tổ khúc quan họ viết cho dàn nhạc Tây phương.
Nhạc sĩ Cung Tiến từng là một viên chức cao cấp của Việt Nam Cộng hòa. Ông là một trong ba Tổng Giám đốc trụ cột của Bộ Kế hoạch trước năm 1975.