Mục lục
Căn cứ hải quân Trung Quốc tại Cam Bốt: Mối đe dọa „sát sườn“ đối với Việt Nam
Cam Bốt và Trung Quốc hôm 08/06/2022 đã làm lễ động thổ dự án nâng cấp căn cứ Hải Quân Ream ở miền nam Cam Bốt, nhìn ra Vịnh Thái Lan. Trước đó hai ngày, báo chí Mỹ đã tiết lộ khả năng Bắc Kinh sẽ được Phnom Penh cho “độc quyền” sử dụng một phần căn cứ, điều đã làm dấy lên lo ngại tại nhiều nước như Mỹ, Úc và dĩ nhiên là Việt Nam.
Trong bài phân tích ngày 14/06 mang tựa đề “Phải chăng Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ quân sự tại Cam Bốt?”, hãng truyền thông Đức Deutsche Welle (DW) đã trích dẫn nhiều chuyên gia cho rằng dù trước mắt quy mô dự án này còn “khiêm tốn”, nhưng việc Trung Quốc có căn cứ hải quân sự tại Cam Bốt, để từ đó dễ dàng vươn ra Biển Đông mà họ đang áp đặt chủ quyền, là một yếu tố đáng quan ngại.
DW nhắc lại rằng từ nhiều năm qua, các nhà phân tích và các quan chức chính phủ Mỹ đã báo động về khả năng có sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại căn cứ hải quân Ream của Cam Bốt. Việc sử dụng căn cứ này có thể giúp Hải Quân Trung Quốc mở rộng khả năng tiếp cận Biển Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền gay gắt, cũng như làm leo thang cạnh tranh Mỹ-Trung trong khu vực.
Trung Quốc được độc quyền tiếp cận Ream ?
Trước lễ khởi công, nhật báo Mỹ The Washington Post dẫn lời một số “quan chức phương Tây” xin giấu tên cho biết là Phnom Penh sẽ cho Bắc Kinh “độc quyền” tiếp cận một phần quân cảng Ream và có thể cho phép Bắc Kinh đóng quân ở đó.
Tại Đối Thoại Shangri-La ở Singapore vào tuần trước, bộ trưởng Quốc Phòng Cam Bốt Tea Banh khẳng định rằng Trung Quốc chỉ giúp phát triển căn cứ, đang được “hiện đại hóa và nâng cấp phù hợp với các yêu cầu của Cam Bốt”, nhưng sẽ không có quyền tiếp cận độc quyền quân cảng này.
Căn cứ trước mắt chỉ có quy mô hạn chế
Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là quy mô căn cứ Hải Quân mà Trung Quốc có thể có tại quân cảng Ream của Cam Bốt sẽ như thế nào? Căn cứ vào những thông tin hiếm hoi có được, trước mắt cơ sở này chỉ có quy mô hạn chế.
Theo giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về châu Á tại Đại Học Úc New South Wales, hiện vẫn chưa biết chính xác quy mô các cơ sở do Trung Quốc xây dựng tại Ream, nhưng có dấu hiệu là chúng rất “khiêm tốn”, với tổng cộng diện tích được giao cho Trung Quốc cải tạo chỉ khoảng 0,3 km vuông.
Theo thông tin báo chí, đó sẽ là một trung tâm chỉ huy mới, các phòng họp và nhà ăn, cũng như các bệnh viện dã chiến. Một ụ cạn, đường trượt và hai cầu tàu mới cũng sẽ được xây dựng. Có nguồn tin cho rằng việc nạo vét sẽ được thực hiện để cho phép các tàu lớn hơn cập bến nhưng vẫn chưa rõ độ sâu của việc này sẽ diễn ra như thế nào.
Collin Koh, chuyên gia tại Trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết: “Nếu những tuyên bố của chính phủ Cam Bốt chính xác, và dựa trên những thông tin có sẵn, có thể phỏng đoán rằng đây là một cơ sở lưỡng dụng, không hẳn là một căn cứ quân sự”.
Sự bành trướng của Trung Quốc tại Cam Bốt gây quan ngại
Gregory Poling, giám đốc Chương Trình Đông Nam Á tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) ở Washington, lưu ý rằng việc tiếp cận Ream không có nghĩa là hải quân Trung Quốc gần về mặt địa lý hơn với Eo Biển Malacca, một tuyến đường vận chuyển quốc tế quan trọng, vì Trung Quốc đã xây dựng nhiều cơ sở quân sự ở Biển Đông. Thế nhưng, căn cứ tại Ream “sẽ tăng cường khả năng giám sát và thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc xung quanh Vịnh Thái Lan và thậm chí ở phía đông Ấn Độ Dương”.
Câu hỏi quan trọng hơn là việc Hải Quân Trung Quốc đặt căn cứ tại Cam Bốt sẽ tác động ra sao đến khu vực? Theo giới quan sát, ngoài Việt Nam, đã có một tuyên bố thận trọng, các nước Đông Nam Á khác chưa có phản ứng. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không lo ngại.
Nhà phân tích về các vấn đề quốc tế Hunter Marston, tại Đại Học Quốc Gia Úc ANU, cho rằng tác động đối với an ninh khu vực phụ thuộc vào cách Trung Quốc sử dụng cơ sở này.
Trả lời DW, ông Marston nhận định rằng, nếu là “các hoạt động cưỡng chế” hoặc xua đuổi Hải Quân nước khác đang hoạt động trong khu vực, thì điều đó “sẽ biến vùng biển Đông Nam Á thành một khu vực căng thẳng hơn với nhiều sự hiện diện quân sự chồng chéo và cạnh tranh nhau hơn”.
Việt Nam sẽ bị “tam diện giáp công”
Bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là Việt Nam, quốc gia đã có tranh chấp gay gắt với Trung Quốc trong nhiều thập kỷ về Biển Đông. Cuộc chiến cuối cùng mà Trung Quốc tham gia là cuộc chiến chống Việt Nam vào những năm 1980.
Hà Nội vẫn rất nghi kỵ Bắc Kinh. Sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở miền nam Cam Bốt, nước láng giềng của Việt Nam, có thể bị Hà Nội coi là thủ đoạn bao vây của Bắc Kinh.
Giáo sư Alexander Vuving, tại Trung Tâm Nghiên Cứu An Ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K Inouye ở Honolulu, Hawaii nhận xét: “Điều đó đẩy Việt Nam vào tình thế bị lưỡng diện, thậm chí tam diện giáp công, phải đối mặt với sự hiện diện quân sự của Trung Quốc không chỉ dọc theo biên giới phía Bắc và trên Biển Đông, mà còn ở biên giới phía Tây Nam”.
Việt Nam hôm 09/06 đã lên tiếng về thông tin cho rằng quân cảng Ream của Cam Bốt có thể trở thành căn cứ để Trung Quốc sử dụng nhằm tăng cường ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nhắc lại rằng Việt Nam “luôn mong muốn duy trì và củng cố quan hệ hợp tác tốt đẹp với các quốc gia trên thế giới, đồng thời việc hợp tác giữa các quốc gia cần đóng góp tích cực cho hoà bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới”.
Im lặng không hẳn là không lo ngại
The DW, các chính phủ Đông Nam Á khác đã im lặng trên vấn đề căn cứ Ream, tuy nhiên, sự hiện diện quân sự ngày càng mở rộng của Trung Quốc có khả năng gây ra lo ngại.
Natalie Sambhi, giám đốc điều hành của Verve Research, một tổ chức tư vấn về quân sự-dân sự Đông Nam Á cho biết: “Với căn cứ Hải Quân Ream nằm gần như ở ngay trung tâm vùng Đông Nam Á, sự hiện diện nhiều hơn của Trung Quốc sẽ gây ra sự kinh hoàng ở một số thủ đô”.
Một ví dụ: Indonesia đã từng lo lắng trước các hành vi xâm phạm của Trung Quốc vào các vùng đặc quyền kinh tế trên biển (EEZ) của họ. Theo ông Sambhi: “Nhưng viễn cảnh về các vụ vi phạm vùng biển Indonesia họ thường xuyên hơn, nếu không muốn nói là hung hăng hơn, có thể sẽ buộc Jakarta phải suy nghĩ lại về cách tiếp cận của mình”.
Khả năng Quân Đội Trung Quốc hiện diện ở Cam Bốt rõ dần ?
Dẫu sao thì các diễn biến liên quan đến căn cứ Ream phản ánh đà lún sâu của Phnom Penh vào quỹ đạo của Bắc Kinh, khẳng định thêm các thông tin ghi nhận trong những năm gần đây về khả năng quân đội Trung Quốc ở Cam Bốt.
Vào năm 2019, nhật báo Mỹ The Wall Street Journal đã đưa tin về một thỏa thuận bí mật cho phép quân đội Trung Quốc đóng quân tại căn cứ hải quân Ream. Cùng năm đó, một dự án phát triển du lịch do Trung Quốc xây dựng ở tỉnh Koh Kong của Cam Bốt đã gây nghi ngờ rằng đường băng sân bay và cảng nước sâu của nước này có thể được quân đội Trung Quốc sử dụng.
Mối quan hệ Cam Bốt-Hoa Kỳ cũng trở nên tồi tệ khi quan hệ với Phnom Penh-Bắc Kinh ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Cam Bốt đã từ chối đề nghị của Mỹ muốn tài trợ cho việc tái phát triển căn cứ Ream, đơn phương đình chỉ các hoạt động quân sự chung với Mỹ vào đầu năm 2017 và thay vào đó bắt đầu tiến hành tập trận với Quân Đội Trung Quốc.
Sophal Ear, thuộc Trường Quản Lý Toàn Cầu Thunderbird tại Đại Học Bang Arizona (Hoa Kỳ), nói với DW rằng Phnom Penh hiện đã gắn bó quá chặt với Bắc Kinh, nên khó có thể lùi bước: Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất và là đồng minh địa chính trị quan trọng của Cam Bốt.
Mỹ và Việt Nam ‘phát sốt’ vì Trung Quốc có cả căn cứ hải quân và không quân tại Campuchia, nhưng Việt Nam nắm ‘át chủ bài’ chống lại Bắc Kinh
NTD VIỆT NAM/ THE DIPLOMAT By Drake Long October 21, 2020
Thiện Nhân • 10:36, 29/10/20
Ngoài căn cứ Hải quân Ream mà Campuchia dành cho Hải quân Trung Quốc, Bắc Kinh cũng đang giành quyền tiếp cận sân bay ở Campuchia, hoặc bất kỳ nơi nào khác ở lục địa Đông Nam Á, và rồi họ sẽ ‘vẽ lại’ toàn cảnh chiến lược của khu vực này; trong đó, Việt Nam có thể rơi vào tình huống nguy hiểm khi rơi vào ‘thế kẹp’…
Trong khi Mỹ, các đồng minh và Việt Nam đang lo ngại về việc Căn cứ Hải quân Ream mà Campuchia giành cho Hải quân Trung Quốc, thì Tập đoàn Phát triển Liên minh (UDG) có trụ sở tại Thiên Tân, Trung Quốc đang ngấm ngầm gây dựng sân bay tại Dara Sakor Campuchia – được cho là căn cứ hải quân tiềm năng cho Không quân Trung Quốc.
Tin tức về việc Campuchia gần đây phá dỡ một cơ sở do Mỹ xây dựng tại Căn cứ Hải quân Ream một lần nữa làm dấy lên nghi ngờ rằng chính phủ nước này đang chuẩn bị bàn giao căn cứ này cho Trung Quốc, để Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân (PLAN) sử dụng.
Nếu điều đó thực sự xảy ra, một cơ sở như vậy sẽ tăng cường khả năng viễn chinh của PLAN, vốn gần đây đã mở rộng ở những nơi khác. Ngoài sự quan tâm bùng lên xung quanh Ream, còn có một điều quan trọng hơn về Dara Sakor – một dự án thay thế được cho là địa điểm tiềm năng cho quân đội Trung Quốc.
Hai yếu tố song song này cho thấy việc Trung Quốc thúc đẩy quân sự ở lục địa Đông Nam Á sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với khu vực.
Căn cứ hải quân Ream: Thực tế và mối lo ngại
Hiện vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy các tàu chiến của PLAN sẽ xuất kích tại Căn cứ Hải quân Ream. Nhưng một bài báo trên Wall Street Journal từ tháng 7 năm 2019 đã nêu chi tiết về một thỏa thuận bí mật giữa Bắc Kinh và Phnom Penh, nhằm cho phép Trung Quốc tiếp cận căn cứ, có nghĩa là nó cần phải được xem xét.
Mỹ chắc chắn lo lắng về khả năng này. Việc Campuchia từ chối đề nghị của Mỹ về việc sửa chữa Căn cứ Hải quân Ream để ủng hộ một thỏa thuận không rõ ràng với Bắc Kinh đã khiến Đại sứ Mỹ tại Campuchia thúc đẩy cuộc gặp với Tướng Tea Banh vào tháng 9, trong một nỗ lực cuối cùng rõ ràng để ngăn chặn kết quả như vậy.
Trung Quốc đã gây ra ”một số ồn ào” về tình trạng mất an ninh hàng hải ở Đông Nam Á, và một căn cứ như vậy tại Ream sẽ không thuyết phục được các nước láng giềng của Campuchia. Thay vào đó, sự hiện diện của PLAN tại Ream được coi là “nỗ lực trần trụi nhất” nhằm củng cố vị thế quân sự của Trung Quốc, kể từ khi nước này xây dựng các pháo đài đảo nhân tạo trên các bãi đá ngầm ở Biển Đông.
Theo các chuyên gia, có nhiều khả năng là Ream sẽ hoạt động giống như một cơ sở hậu cần hơn, trong đó PLAN sẽ được cấp quyền tiếp cận bờ biển Campuchia trên cơ sở luân phiên hoặc tình huống, thay vì thành lập một lực lượng hải quân chính thức của Trung Quốc tại căn cứ trên lãnh thổ Campuchia.
Ngoài ra, “cơ sở bí ẩn” do Trung Quốc xây dựng bên kia vịnh Ream, được gọi là Sân bay Quốc tế Dara Sakor, là điều cần được chú ý. Sự hiện diện thường xuyên của Trung Quốc tại sân bay này là một khả năng vô cùng đáng lo ngại.
Dara Sakor: Khu du lịch ‘trá hình’?
Dara Sakor là một khu du lịch lớn đang được xây dựng tại tỉnh Koh Kong. Nó đã thu hút sự nghi ngờ vì được xây dựng trong một khu rừng biệt lập bởi một công ty Trung Quốc, dường như thách thức ý nghĩa kinh tế cơ bản.
Dự án đang được phát triển bởi Tập đoàn Phát triển Liên minh (UDG) có trụ sở tại Thiên Tân. Công ty này bị Hoa Kỳ trừng phạt vì đã tranh thủ sự giúp đỡ của một tướng Campuchia để phá hủy các ngôi làng ở Koh Kong.
Chính phủ Hoa Kỳ cũng tuyên bố rằng UDG đã lách luật địa phương của Campuchia – vốn cấm người nước ngoài sở hữu đất đai – bằng cách đăng ký gian dối với tư cách là một công ty Campuchia. Năm 2008, UDG đã được cấp hợp đồng thuê 99 năm đối với khoảng 20% bờ biển của Campuchia, bao gồm cả Dara Sakor.
Đó là một khu nghỉ mát sòng bạc “voi trắng” (được xây dựng dựa trên nợ khổng lồ từ công ty Trung Quốc) ở Koh Kong. Điều đáng quan tâm hơn, có một đường băng khổng lồ dài 3.400 mét hiện đang được xây dựng liền kề với khu nghỉ mát “trá hình” Dara Sakor. Nếu hoàn tất, đường băng này có thể chứa nhiều máy bay do Lực lượng Không quân Giải phóng Nhân dân (PLAAF) vận hành.
Một đường băng như vậy có khả năng tiếp nhận máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay giám sát của PLAAF, mặc dù có lẽ không phải là máy bay vận tải nặng nhất của nó.
Mưu đồ của Trung Quốc: Phá vỡ ‘thế tiến thoái lưỡng nan của Malacca’
Chúng ta nên lo ngại gấp đôi về Dara Sakor so với Ream. Phải thừa nhận rằng “cơ sở hạ tầng hỗ trợ đoàn tàu hậu cần” là cần thiết cho một “dấu chân thực sự” của PLAAF. Mặc dù vẫn chưa được thiết lập tại Dara Sakor, vị trí của nó ở ngay phía tây Việt Nam, điều này sẽ cho phép nó hoạt động song song với các căn cứ đảo của Trung Quốc ở Biển Đông, chẳng hạn như sân bay trên Fiery Cross Reef – Đá Chữ Thập.
Lầu Năm Góc bày tỏ “lo ngại” về khả năng các máy bay quân sự của Trung Quốc sẽ “đóng quân” tại đó. Vào giữa tháng 9/2020, khi được hỏi trực tiếp liệu Trung Quốc có kế hoạch tiếp cận quân sự đối với dự án Dara Sakor hay không, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không xác nhận cũng không phủ nhận các báo cáo.
Trong số các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc ở Đông Nam Á là mong muốn phá vỡ “khả năng phong tỏa eo biển Malacca” – một vấn đề mà Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã gọi là “Thế tiến thoái lưỡng nan của Malacca” vào năm 2003, và thực thi quyền tài phán thực tế trên Biển Đông mà Trung Quốc coi là “biển gần” của nó. Dara Sakor sẽ rất hữu ích trong việc theo đuổi cả hai mục tiêu này.
Nếu lực lượng không quân của Trung Quốc thuyết phục thành công Campuchia (hoặc bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào) cho phép Bắc Kinh tiếp cận quân sự vào lãnh thổ của họ trong tương lai, thì việc này về cơ bản sẽ thay đổi địa lý chiến lược của Đông Nam Á, cũng như nhận thức của Đông Nam Á về quân đội Trung Quốc. Đặc biệt, nó sẽ có những tác động nghiêm trọng đối với Việt Nam.
Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dưới ‘tầm ngắm’ của Bắc Kinh, Việt Nam rơi vào ‘thế kẹp’
Đế quốc Nhật Bản ưu tiên các đường băng như ở Prachuap Khiri Khan và Kota Bharu khi nó quét về phía Tây qua vùng biển và lục địa Đông Nam Á trong Thế chiến thứ hai, trong đó, các trung tâm hàng không này rất hữu dụng trong việc ném bom tấn công, giám sát và chiếm ưu thế trên không.
Nếu PLAAF dùng máy bay ném bom H-6K (với tầm bay khoảng 3.000km), ra khỏi Dara Sakor, nó sẽ tới quần đảo Andaman và Nicobar, gây áp lực cho sự hiện diện quân sự của Ấn Độ ở tận cùng eo biển Malacca và khiến phía đông của Ấn Độ dễ bị tổn thương (cũng vì thế mà khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được đưa vào từ điển an ninh quốc tế).
Điều này cũng sẽ đặt Căn cứ Hải quân Changi của Singapore, thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia và căn cứ của Indonesia tại đảo Natuna dưới các “ô dù” máy bay ném bom và máy bay chiến đấu chồng lên nhau, cùng với các sân bay của Trung Quốc ở giữa Biển Đông.
Có lẽ ảnh hưởng mạnh mẽ nhất sẽ là đối với Việt Nam, vốn sẽ bị kẹp giữa “nhiều nút” của không quân Trung Quốc. Trong trường hợp xảy ra xung đột, Trung Quốc có thể “cắt ngang” bầu trời Việt Nam bằng máy bay ném bom và máy bay chiến đấu, cất cánh từ Dara Sakor và hạ cánh xuống các đường băng trên Biển Đông của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập, Đảo Woody hoặc Bãi đá ngầm, trước khi bay quay lại lần nữa.
Bất kỳ khu vực đô thị nào của Việt Nam cũng có thể bị tiếp cận và khả năng chiến thắng của Việt Nam trong một cuộc chiến trên không trong hoặc xung quanh không phận của mình là rất đáng lo ngại.
Việt Nam nắm trong tay con át chủ bài quan trọng chống lại Trung Quốc
Đây không chỉ là vấn đề về mối đe dọa từ các cuộc ném bom chiến lược. Thông tin – như PLA lưu ý trong các khái niệm hoạt động của mình – tự nó là một nguồn tài nguyên mạnh mẽ, thậm chí khi không có bất kỳ vụ nổ súng nào.
Việt Nam đã tính đến một số vụ mua tàu ngầm giá cao gần đây, để làm nền tảng cho bất kỳ chiến lược nào chống lại Trung Quốc trong trường hợp bùng nổ xung đột ở Biển Đông. Trái với suy nghĩ của nhiều người, Việt Nam nắm trong tay con át chủ bài quan trọng chống lại Trung Quốc, dưới dạng khả năng “bóp nghẹt thương mại Trung Quốc trong bất kỳ tình huống nào” – khi các tuyến vận tải biển ra khỏi các cảng của Trung Quốc và đi vào một số tuyến đường dễ bị tổn thương nghiêm trọng ở Biển Đông .
Máy bay tuần tra hàng hải và máy bay giám sát chống tàu ngầm bay ra khỏi Dara Sakor, bao gồm cả các loại máy bay không người lái của Trung Quốc đã xuất hiện ở Campuchia, sẽ khiến tàu Việt Nam di chuyển trên mặt Biển Đông và tàu ngầm Việt Nam di chuyển dưới mặt nước dễ bị phát hiện và bị phá vỡ hơn nhiều.
Trên thực tế, nó cũng sẽ đặt Việt Nam vào một vị thế đàm phán yếu hơn nhiều về các tranh chấp ở Biển Đông, và làm phức tạp hơn rất nhiều kế hoạch quân sự của Hà Nội. Trong những điều kiện đó, Việt Nam có thể buộc phải đáp ứng một số yêu cầu ngày càng hống hách của Trung Quốc trong khu vực.
Và tình thế tiến thoái lưỡng nan của Việt Nam cũng có thể khiến các nước Đông Nam Á khác cân nhắc các yếu tố chiến lược.
Liên minh Việt-Mỹ cần thắt chặt
Sự hiện diện của PLAN tại Căn cứ Hải quân Ream có thể gây lo ngại, bởi “một nguồn cung cấp sức mạnh không quân trên bộ” mới cho PLAAF của Trung Quốc ở Campuchia nên được coi là kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra – nếu không phải là với Mỹ, thì chắc chắn là với Việt Nam.
Mỹ có thể tăng cường giúp đỡ Việt Nam khi Hà Nội tiến tới các cuộc họp với Trung Quốc về phân định ở Biển Đông, và khi tiếp tục thúc đẩy Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đàm phán với tư cách là một khối với Trung Quốc về các vấn đề như Quy tắc ứng xử hàng hải.
Ngoài ra, Mỹ và Việt Nam có thể thiết lập một phương thức tiếp cận mới trên lục địa Đông Nam Á.
Nhìn bề ngoài, Campuchia là quốc gia gần gũi Việt Nam ở Đông Nam Á, nhưng Campuchia có rất ít phương tiện để xử lý các mối đe dọa an ninh bên ngoài, và không có hứng thú với chiến tranh ở Đông Nam Á, như thông cáo chung ASEAN mới nhất mà Campuchia đã ký kết cho thấy.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc tích cực theo đuổi các lợi ích của mình ở Biển Đông đang ngày càng làm mờ ranh giới giữa xung đột và hòa bình.
Nếu Mỹ và Việt Nam tin rằng có một mối đe dọa về việc Campuchia sở hữu các tài sản không quân của Trung Quốc, thì hợp tác tình báo nên bắt đầu ngay bây giờ.
Tác giả: Drake Long là Nghiên cứu viên Châu Á – Thái Bình Dương năm 2020 trong Chính sách Đối ngoại.
Thiện Nhân
Thành thử, Hoa Kỳ, với chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, tất phải là lựa chọn để làm đồng minh của các nhà hoạch định chính sách quốc phòng Việt Nam. Chừng nào họ biết đặt Tổ Quốc lên trên hết.
Cù Huy Hà Vũ
Campuchia “chọn bên”
Ngày 8/6 vừa qua, Campuchia đã tổ chức lễ khởi công cải tạo căn cứ hải quân Ream với sự hiện diện của Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh và Đại sứ Trung Quốc Vương Văn Thiên. Người phát ngôn Chính phủ Campuchia, Phay Siphan, nói với AFP rằng Campuchia sẽ ‘không để quân đội Trung Quốc sử dụng độc quyền căn cứ Ream hay phát triển địa điểm này làm căn cứ quân sự’. Trước đó, ngày 7/6, Washington Post dẫn lời một quan chức Bắc Kinh xác nhận rằng họ sẽ “sử dụng một phần căn cứ” nhưng bác bỏ việc họ “độc quyền” sử dụng’ căn cứ này và nói họ sẽ “không đụng đến phần căn cứ do phía Campuchia sử dụng”.
Bất luận thế nào, Trung Quốc đang trong tiến trình lập căn cứ quân sự đầu tiên ở Đông Nam Á, sau căn cứ đầu tiên của họ, cũng là hải quân, được thiết lập ở Djibouti thuộc vùng Sừng châu Phi vào 2017. Trước đó, chính phủ Campuchia cũng đã cấp phép cho Tập đoàn Phát triển Liên minh (UDG) của Trung Quốc xây dựng sân bay Dara Sakor ở tỉnh Koh Kong mà khi hoàn thành có khả năng tiếp nhận các loại máy bay quân sự của Quân giải phóng nhân dân, từ tiêm kích, ném bom cho đến giám sát. Tất cả những sự việc này trực tiếp thách thức ngôi vị siêu cường của Mỹ nói chung, chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của nước này có mục đích ngăn chặn Trung Quốc bành trướng bằng vũ lực trong khu vực nói riêng.
Vì lý do đã rõ, Mỹ phải nói là cay đắng trước sự “chọn bên” của chính quyền Campuchia, nhất là chính quyền này vào năm 2020 đã phá bỏ hai công trình quân sự do Mỹ tài trợ xây dựng tại Ream để dọn đường cho Hải quân Trung Quốc lập căn cứ.
Thế nhưng Việt Nam mới là nước cay đắng nhất bởi có cảm giác “bị phản bội”. Cách đây ba năm, năm 2019, tòa nhà Hữu nghị Việt Nam – Campuchia do Việt Nam xây dựng tại quân cảng này – như một sự nhắc nhở Việt Nam đã cứu Campuchia khỏi họa diệt chủng của Khmer Đỏ được Trung Quốc chống lưng – đã bị di dời. Lý do mà Phmom Penh đưa ra là để tránh xung đột với các quân nhân Trung Quốc đã bắt đầu hiện diện.
Thực ra, Việt Nam đã trải nghiệm cảm giác này ít ra từ cả chục năm nay. Vào các năm 2012 và 2016, Phnom Penh đã ngăn cản các ngoại trưởng ASEAN đưa ra tuyên bố chung lên án Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Việt Nam và Philippines. Không những thế, Campuchia còn “thụt lùi” khi phản đối ký vào mọi điều khoản ràng buộc Trung Quốc vào các quy định quốc tế liên quan đến Biển Đông (3). Mới đây, Thủ tướng Hun Sen, người được Việt Nam cưu mang sau khi đào thoát khỏi Khmer Đỏ và tiếp đó gây dựng để cầm quyền ở Campuchia hậu Khmer Đỏ, thậm chí còn ám chỉ Việt Nam sẽ xâm lược nước ông và khi đó chỉ Trung Quốc mới cứu giúp được. Tại lễ khánh thành Bệnh viện Tai Mũi Họng Hữu nghị Campuchia – Hàn Quốc ngày 28/3, Hun Sen lên án mạnh mẽ Nga xâm lược Ukraine và giải thích: “Sau này, nếu một quốc gia hành động như vậy với Campuchia, thì Campuchia sẽ phải phụ thuộc vào ai?” (4).
Tuy nhiên, với việc Campuchia “chọn bên” hay “về phe” với Trung Quốc trên thực địa bằng việc cho nước này thiết lập các căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình, sự “phản bội” của láng giềng phương Nam mới thật sự khốc liệt: nó đặt an ninh lãnh thổ của Việt Nam vào thế mất còn. Thực vậy, một khi lập xong căn cứ hải quân tại Ream, căn cứ không quân tại Dara Sakor cũng như các căn cứ bộ binh trên đất Campuchia, mà biên bản ghi nhớ giữa Tướng Lưu Chấn Lập, Tư lệnh Lục quân Trung Quốc, và Tướng Hun Manet, Phó tổng tư lệnh Lục quân Hoàng gia Campuchia ký cuối tháng 3 cho phép dự đoán không mấy khó khăn, Trung Quốc tất sẽ lại xâm lược Việt Nam, phần còn lại của quần đảo Trường Sa trước hết (sau khi đã chiếm được đảo Gạc Ma bằng vũ lực ngày 14/3/1988). Nói cách khác, một liên minh quân sự de facto (trên thực tế) giữa Trung Quốc và Campuchia lấy Việt Nam làm mục tiêu đã được thiết lập.
“Gọng kìm Trung Quốc”
“Gọng kìm” là chiến thuật tấn công đối phương từ hai hướng thường là ngược nhau. Bên bị tấn công gọi tình huống này là “lưỡng đầu thọ địch”. Trong quá khứ, Trung Quốc đã nhiều lần sử dụng chiến thuật quân sự này khi xâm lược Việt Nam.
Cuộc Xâm Lược Đại Việt lần thứ hai của Nhà Nguyên được tiến hành từ hai hướng Bắc và Nam. Cuối tháng 1/1285, đạo quân chủ lực do Thoát Hoan và A Lý Hải Nha chỉ huy từ Trung Hoa đánh xuống. Vào khoảng tháng 3 cùng năm, đạo quân thứ hai do Toa Đô chỉ huy từ Chiêm Thành (Chăm Pa, tiếng Phạn) đánh lên. Trước đó, vào cuối năm 1282, Toa Đô chỉ huy một hạm đội đánh chiếm láng giềng phía Nam này của Đại Việt nhưng chưa được. Để bảo đảm hậu cần cho việc tiếp tục đánh Chiêm Thành, cuối tháng 12/1284 Toa Đô viết thư yêu cầu Hốt Tất Liệt xâm lược Đại Việt. “Giao Chỉ liền đất với Chân Lạp, Chiêm Thành, Vân Nam, Xiêm, Miến, nên lập tỉnh ngay trên đất ấy và đóng quân trấn giữ ở ba đạo Việt Lý,Triều Châu, Tỳ Lan, lấy lương ở đó cấp cho quân sĩ, tránh được việc vận tải đường biển mệt nhọc”, viên tướng này nhấn mạnh (5).
Đến Nhà Minh, chính quyền Trung Hoa phong kiến này tiếp tục mưu đồ xâm lược Việt Nam lúc đó có tên Đại Ngu dưới sự trị vì của cha con Hồ Quý Ly – Hồ Hán Thương. Để chuẩn bị cho cuộc xâm lược này, Nhà Minh đã dùng vàng bạc, lụa gấm mua chuộc vua Chiêm để Chiêm Thành giúp sức chặn đường rút của vua tôi Nhà Hồ một khi quân Minh tiến đánh. Nhà Minh cũng đưa 600 quân tinh nhuệ từ Quảng Đông bằng đường biển vào nước này để phối hợp đánh chặn.
Rút kinh nghiệm từ cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ hai của Nhà Nguyên, để tránh “lưỡng đầu thọ địch”, năm 1402, Nhà Hồ đã chủ động buộc vua Chiêm dâng Chiêm Động và Cổ Lũy để lập ra 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Sang năm sau, Phạm Nguyên Khôi được Hồ Hán Thương cử đánh kinh thành Chà Bàn (Vijaya) của Chiêm Thành nhưng không thành công. Khi Nhà Hồ phải rút chạy sau khi bị quân Minh đông khoảng 80 vạn quân tấn công, vua Chiêm Thành là Ba Đích Lại cũng cất quân bắc tiến, lần lượt chiếm lại các vùng đất đã dâng Nhà Hồ năm 1402. Kết quả là cha con Hồ Quý Ly – Hồ Hán Thương chạy đến Kỳ Anh (nay thuộc Hà Tĩnh), điểm cực Nam của Đại Ngu trước 1402, thì không còn đường rút nên bị quân Minh bắt sống, dẫn đến nước Việt bị Bắc thuộc lần thứ 4.
Đến Trung Quốc hiện tại, cường quốc cộng sản này đã tấn công Việt Nam bằng lực lượng Khmer Đỏ của Campuchia Dân chủ do họ trang bị và cố vấn ngay sau khi Việt Nam thống nhất vào 30/4/1975. Đến ngày 13/12/1978, Khmer Đỏ đã huy động 19 trong tổng số 23 sư đoàn (khoảng 80.000 đến 100.000 quân) tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới. Đến 17/2/1979, Trung Quốc trực tiếp xâm lược Việt Nam với 300 nghìn quân cũng trên toàn tuyến biên giới.
Như vậy, với việc lập căn cứ hải quân tại Ream, căn cứ không quân tại Dara Sakor cũng như các căn cứ bộ binh khác trên đất Campuchia rõ ràng Trung Quốc nhắm đến xâm lược Việt Nam trong tương lai gần theo chiến thuật “gọng kìm”. Cụ thể, từ Trung Quốc và Campuchia, Quân giải phóng nhân dân sẽ tiến đánh quần đảo Trường Sa bằng cả hải quân lẫn không quân. Để hỗ trợ chiến trường trên biển này, một mặt trận trên bộ rất có thể được mở ra. Lúc đó, chiến thuật “gọng kìm” cũng sẽ được áp dụng. Tức là bộ binh Trung Quốc sẽ đánh cả hai đầu Bắc và Nam Việt Nam (“đạo quân Nam” dĩ nhiên qua ngả Campuchia), hệt như những gì quân đội Việt Nam đã phải đối mặt những năm 1978 – 1979. Đáng lưu ý là lần này “đạo quân Nam” khác hẳn lần trước: nó sẽ có trong biên chế các đơn vị chiến đấu Trung Quốc; các đơn vị Campuchia nếu có, sẽ chỉ giữ vai trò phối thuộc.
Cũng cần lưu ý là một mặt trận trên bộ như vậy của Trung Quốc hoàn toàn có thể phát triển thành một cuộc xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam trên đất liền. Lãnh thổ chiếm được ở Bắc Việt Nam sẽ được sát nhập vào Trung Quốc. Lãnh thổ chiếm được ở Nam Việt Nam sẽ được sáp nhập vào Campuchia. Không nghi ngờ gì nữa, kịch bản sau là vô cùng cám dỗ đối với các thế lực theo chủ nghĩa xét lại – dân tộc cực đoan ở Phnom Penh. Thành thực mà nói, cũng chỉ có kịch bản này mới giải thích nổi sự quay ngoắt của chính quyền Hun Sen đối với Hà Nội khi cho Trung Quốc đặt các căn cứ quân sự đe dọa an ninh lãnh thổ của Việt Nam.
Cần nói thêm rằng một khi đã phát động một cuộc xâm lược tổng lực cả trên biển lẫn trên bộ chống Việt Nam, Trung Quốc cũng sẽ không tha các lãnh thổ khác của Việt Nam trên biển ngoài Hoàng Sa và Trường Sa, như ở các đảo trong Vịnh Bắc Bộ, các đảo Phú Quốc, Thổ Chu (nhân danh các thế lực xét lại – dân tộc cực đoan Campuchia)…
Cuộc xâm lược Ukraine của Nga cho thấy kịch bản Trung Quốc xâm lược Việt Nam theo chiến thuật “gọng kìm” hiện thực hơn bao giờ hết. Thực vậy, quan điểm và chiến thuật quân sự của Nga trong cuộc xâm lược Ukraine và quan điểm và chiến thuật quân sự của Trung Quốc trong mưu đồ xâm lược Việt Nam tương đồng đến ngạc nhiên.
Trước hết, Nga cho rằng Ukraine là một thực thể của Nga và vì vậy Nga có quyền định đoạt cả về lãnh thổ lẫn chế độ chính trị của Ukraine. Cũng như vậy, Trung Quốc luôn coi Việt Nam là thuộc quốc của mình. Đưa tin ủy viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc Dương Khiết Trì sang Hà Nội vào tháng 6/2014, Hoàn Cầu Thời báo, một nhánh của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, viết: “Nói chuyện với Việt Nam, Trung Quốc thúc giục “đứa con hoang đàng hãy trở về nhà” (6).
Tiếp theo, Nga đã sử dụng chiến thuật “gọng kìm” khi tiến hành xâm lược Ukraine. Các cuộc tấn công của Nga không chỉ xuất phát từ lãnh thổ Nga giáp miền Đông và miền Nam Ukraine, mà còn từ lãnh thổ Belarus (7), một đồng minh thân cận của Nga, giáp miền Bắc nước này.
Việt Nam phải làm gì?
Hẳn để tránh nguy cơ Việt Nam “lưỡng đầu thọ địch”, tháng 12 năm ngoái, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc đã sang Campuchia vận động nước này không cho Trung Quốc đặt căn cứ quân sự. Kết quả là một tuyên bố chung đã được đưa ra, theo đó “Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh trên nguyên tắc không cho phép bất cứ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của nước mình làm phương hại đến an ninh của nước kia” (8). Thế nhưng, như ta đã thấy, biên bản hợp tác quân sự bí mật giữa hai tư lệnh lục quân Campuchia và Trung Quốc vẫn được ký kết và sự kiện 8/6 vẫn cứ diễn ra.
Đã hơn một lần tôi, Cù Huy Hà Vũ, đã chỉ ra rằng Việt Nam sở dĩ thắng được các cuộc chiến tranh thời hiện đại là nhờ có cường quốc làm đồng minh. Đó là Liên Xô và Trung Quốc trong kháng chiến chống Pháp, vẫn là Liên Xô và Trung Quốc trong Chiến tranh Việt Nam, rồi lại Liên Xô trong chiến tranh chống liên quân Trung Quốc – Khmer Đỏ những năm 1978 -1979 (9). Do đó, để có thể bẻ gãy “gọng kìm Trung Quốc”, Việt Nam không có đường nào khác là khẩn trương từ bỏ chính sách không liên minh quân sự và “chọn bạn mà chơi”, như lời của người xưa.
Xem chừng đối với ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, nếu cực chẳng đã phải “chọn bạn”, thì một cách quán tính và bản năng họ sẽ chọn Nga. Bởi cường quốc cựu xô viết này không chỉ từng là đồng minh, là nguồn cung vũ khí lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay, mà còn là lựa chọn thích hợp và an toàn cho chế độ toàn trị của họ khi tính đến “tân Sa hoàng” Putin. Thế nhưng, trớ trêu thay, vị tổng thống Nga có gốc KGB này hiện phải o bế Bắc Kinh bởi đó là đồng minh lớn nhất, thậm chí chỗ dựa cuối cùng để có thể tiếp tục cuộc chiến xâm lược ở Ukraine và hơn thế nữa, để có thể sống sót trong trường hợp cuộc chiến này thất bại.
Thành thử, Hoa Kỳ, với chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, tất phải là lựa chọn để làm đồng minh của các nhà hoạch định chính sách quốc phòng Việt Nam. Chừng nào họ biết đặt Tổ Quốc lên trên hết.
Chú thích
- China secretly building naval facility in Cambodia, Western officials say, Washington Post, 6/6/2022
- Sân bay Trung Quốc xây trong rừng Campuchia gây hoài nghi, VNExpress, 24/6/2022
- Về cục diện an ninh mới ở Đông Nam Á trước một Trung Quốc bành trướng, Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, BBC Tiếng Việt, 11/4/2022
- PM condemns Russian invasion of Ukraine as ‘act of aggression’, Khmer Times, 28/3/2022
- Nguyên sử – An Nam truyện.
- 杨洁篪访越谈南海 奉劝越南早日回头 (Dương Khiết Trì thăm Việt Nam để thảo luận về Biển Đông và khuyên Việt Nam nên xoay chuyển tình thế càng sớm càng tốt), 环球时报 19/6/2014
- Xe tăng Nga tiến vào lãnh thổ Ukraine từ Belarus, chiến sự nổ ra ở nhiều nơi, VOV, 24/02/2022
- Tuyên bố chung Việt Nam – Campuchia, Quân đội nhân dân, 22/12/2021
- TS Cù Huy Hà Vũ: Tham vọng của TQ trong cuộc tranh chấp biển Đông quá rõ ràng, Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, VOA Tiếng Việt, 09/04/2010
Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, nguyên là cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm.