Mục lục
Tin tức về “biểu tình” vẫn là “cấm kỵ” với báo chí nhà nước Việt Nam?
Hôm 17-6, Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội phát đi cảnh báo về các cuộc biểu tình gần khu vực tòa đại sứ và khuyên công dân Mỹ nên cẩn trọng khi đi đến những nơi tập trung đông người.
“Trong nhiều ngày qua, thỉnh thoảng đã có các cuộc biểu tình ôn hòa, nhỏ lẻ ở khu vực lân cận Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội”, thông cáo báo chí của tòa đại sứ viết.
“Chúng tôi dự đoán rằng khi các hạn chế Covid-19 tiếp tục được nới lỏng, thỉnh thoảng có thể có các cuộc biểu tình ôn hòa và chúng tôi nhắc nhở tất cả công dân Hoa Kỳ rằng họ phải tuân theo tất cả quy định tại địa phương khi đi du lịch hoặc cư trú tại Việt Nam”, thông cáo báo chí cho biết thêm, đồng thời khuyên công dân nên lưu ý đến các diễn biến xung quanh cũng như thận trọng tại những nơi tụ tập đông người.
Tin tức cho biết, các cuộc biểu tình kể trên diễn ra khi các quan chức từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bao gồm Thứ trưởng Wendy Sherman và Trợ lý Ngoại trưởng Todd Robinson thăm Việt Nam.
Trong một động thái khác được cho là nhằm “giải tỏa” phần nào bức xúc kéo dài của dân chúng ở dự án quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm tại TP.HCM, vào cuối giờ chiều ngày 17-6-2022, phái đoàn Thanh tra Chính phủ đã có cuộc gặp gỡ với đại diện 20 gia đình bị di dời ở khu đô thị mới Thủ Thiêm về ranh quy hoạch của khu đô thị mới Thủ Thiêm tại 5 khu phố thuộc ba phường An Khánh, Bình Khánh và Bình An – nay là hai phường An Khánh và Bình An.
Ông Lê Sỹ Bảy – phó tổng Thanh tra Chính phủ – cho biết buổi đối thoại được thực hiện theo chỉ đạo của phó thủ tướng và tổng Thanh tra Chính phủ. Ông Bảy sẽ chủ trì đối thoại, nội dung chủ yếu để nghe ý kiến bà con liên quan đến ranh quy hoạch.
“Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến, trả lời và chia sẻ những nội dung bà con còn thắc mắc, khiếu nại. Tôi sẽ đối thoại với người dân theo đúng thẩm quyền. Những nội dung vượt quá thẩm quyền thì tôi sẽ ghi nhận và xin ý kiến để trả lời cho bà con sau”, ông Bảy nói.
Ngoài ra, buổi đối thoại còn có đại diện của các bộ ngành liên quan, đại diện UBND TP.HCM và UBND TP Thủ Đức.
Tin tức cho biết kết thúc buổi đối thoại kể trên cho thấy các gút mắc của người dân vẫn chưa được giải quyết, và “nồi súp-de” của người dân nơi đây vẫn sôi sùng sục, đe dọa sẽ lại có những cuộc biểu tình ôn hòa để mong được giải quyết vấn đề thuận tình – lý hơn, khi những sai phạm này trong quản lý xuất phát từ cá nhân lãnh đạo chính quyền thành phố chứ không phải từ người dân.
Tin tức về buổi “đối thoại” kể trên đăng trên báo chí nhà nước đều đặt ở chế độ “khóa bình luận”.
Ghi nhận của báo chí, buổi đối thoại ở trên có sự hiện diện với tư cách quan sát viên của Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. Khi nguyện vọng của người dân và những giải đáp của cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được điểm chung, thì theo ông Lưu Bình Nhưỡng.
“Vấn đề của khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng là tâm tư của nhiều cán bộ, công chức Nhà nước, đại biểu Quốc hội. Chúng tôi đã ghi nhận đầy đủ ý kiến bà con cùng các bộ, ngành tại buổi đối thoại hôm nay. Ban Dân nguyện sẽ xây dựng báo cáo, gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đề nghị xem xét, quyết định” – ông Lưu Bình Nhưỡng nói và bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với người dân cũng như các cấp lãnh đạo của TP.HCM khi đây là vấn đề đã trải qua 5 nhiệm kỳ.
Nguyễn Nam
Tham khảo
https://vn.usembassy.gov/security-alert-u-s-embassy-hanoi-vietnam/
VNTB (19.06.2022)
Hàng trăm công nhân đình công ở Nam Định, công an tham gia dàn xếp
Sau ba ngày đình công liên tục với sự tham gia của hàng trăm công nhân tại nhà máy gia công đế và mũi giày dép Nice Power, chính quyền huyện Giao Thủy thông báo tổ chức buổi “đối thoại với công nhân” hôm 22 Tháng Sáu.
Nhà máy gia công giày dép Nice Power thuộc công ty Nice Power của Đài Loan, hoạt động tại tỉnh Nam Định từ cuối năm 2020.
Công nhân đình công tại nhà máy gia công đế và mũi giày dép Nice Power. (Hình: Thanh Niên)
Theo tờ Thanh Niên hôm 19 Tháng Sáu, sở dĩ công nhân đình công là nhà máy loan báo giải thể xưởng may giày do “hoạt động không hiệu quả” vào cuối tháng này. Công nhân nào có nhu cầu chuyển sang xưởng làm đế giày, thì sẽ được bố trí làm việc.
Những người nào không đồng ý sẽ phải nghỉ việc và được đền bù vỏn vẹn 900,000 đồng ($39) đối với người đã làm việc hơn một năm, thay vì từ 1–3 tháng lương theo hợp đồng lao động.
Bên cạnh đó, hầu hết công nhân làm tại xưởng may không đồng ý về làm tại xưởng đế giày bởi tại xưởng may, họ chỉ làm ca ngày trong khi xưởng đế giày buộc phải làm cả ca ngày và ca đêm.
Phần lớn công nhân là phụ nữ, nhiều người trong số này đang bận nuôi con nhỏ, nên nếu chuyển qua xưởng mới, họ không thể đáp ứng yêu cầu.
Ngoài ra, công nhân bất bình vì ban giám đốc không có thỏa thuận với người lao động mà tự ý đưa ra mức bồi thường nghỉ việc.
Cũng theo tờ Thanh Niên, Ủy Ban Nhân Dân huyện Giao Thủy thành lập một tổ công tác liên ngành gồm liên đoàn lao động, công đoàn, Hội Phụ Nữ, công an…, để làm việc với nhà máy, thống nhất phương án giải quyết quyền lợi cho người lao động, sau đó tổ chức buổi “đối thoại với công nhân.”
Như vậy, có thể hiểu là công nhân nhà máy Nice Power không được hình thành tổ chức công đoàn độc lập để thỏa thuận với ban giám đốc, mà việc thương lượng sẽ do chính quyền dàn xếp và định đoạt. Do tổ công tác nêu trên có cả lực lượng công an tham gia, nên công nhân nếu không tuân thủ quyết định của tổ này thì nhiều khả năng sẽ bị trấn áp.
Trước vụ này, các cuộc đình công tranh đấu quyền lợi lao động rất ít khi được truyền thông của nhà cầm quyền đưa tin, hoặc nếu có đưa tin thì thường được mô tả là “ngừng việc tập thể.”
Bản tin điện tử của Đài VOV cho hay tại tỉnh Bình Dương, từ đầu năm 2022 đến nay đã xảy ra 18 vụ đình công. Hầu hết đều xảy ra tại các xí nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Hiếm hoi những vụ đình công vừa kể được báo chí địa phương theo dõi và đưa tin.
Đại diện công đoàn nhà nước và ban giám đốc nhà máy Nice Power trong cuộc đình công. (Hình: Facebook Nam Định Quê Tôi)
Vì hệ thống công đoàn hiện nay tại Việt Nam là tổ chức ngoại vi của đảng CSVN, do các đảng viên của đảng cầm đầu. Họ không hề giúp giới công nhân tranh đấu cho quyền lợi của mình mà chỉ làm theo lệnh đảng. Cho nên, tất cả các cuộc đình công tại Việt Nam suốt bao năm qua đều do chính giới công nhân tự đứng ra tiến hành nên đều bị chụp mũ là “bất hợp pháp.”
Hồi giữa Tháng Hai, tờ Lao Động kêu gọi có các biện pháp trừng trị xứng đáng cho hàng loạt các vụ đình công xảy ra tại nhiều địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Bắc Ninh… vì sợ “phản ứng dây chuyền” dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm cho chế độ.
Người Việt (19.06.2022)
Việt Nam : Một nhà hoạt động môi trường nổi tiếng bị kết án 2 năm tù
Bà Ngụy Thị Khanh, một trong số tiếng nói hiếm hoi trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, vừa bị kết án 2 năm tù với tội danh “trốn thuế” ở Việt Nam. AFP
AFP hôm nay, 18/06/2022, dẫn thông báo của tổ chức phi chính phủ Green ID-Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh cho biết bà Ngụy Thị Khanh, lãnh đạo của tổ chức và là nhà bảo vệ môi sinh nổi tiếng quốc tế đã bị chính quyền kết án 2 năm tù giam vì tội trốn thuế.
Một đại diện tòa án của Việt Nam cũng xác nhận thông tin trên với AFP, nhưng không cho biết thêm chi tiết nào khác. Bà Ngụy Thị Khanh, 46 tuổi, đã bị khởi tố và bắt giam hồi tháng Hai năm nay với cáo buộc « trốn thuế ».
Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh Green ID do bà sáng lập là một tổ chức phi chính phủ được biết đến ở Việt Nam trong các hoạt động hạn chế và loại trừ năng lượng gây ô nhiễm môi trường. Bà Khanh rất nổi tiếng trong giới bảo vệ môi trường quốc tế.
Năm 2018, bà Khanh là người Việt đầu tiên nhận giải thưởng Môi trường Goldman, giải thưởng lớn nhất thế giới dành cho các nhà hoạt động môi trường cơ sở. Báo chí tại Việt Nam đã có lúc ca tụng bà như là « anh hùng môi trường » trong các nỗ lực kết nối mạng lưới môi trường, từ năng lượng xanh đến ô nhiễm không khí. Nhưng không lâu sau đó bà lại trở thành mục tiêu tấn công của truyền thông chính thức cũng như mạng xã hội với những cáo buộc trốn thuế.
Trung tâm của bà nhận định với AFP : « Nhìn vào những đóng góp của bà cho xã hội Việt Nam và việc làm của bà, thì bản án đối với bà Khanh là quá khắc nghiệt ». Ông Michael Sutton, giám đốc điều hành Giải thưởng Môi trường Goldman, kêu gọi Việt Nam trả tự do cho bà Khanh.
RFI (18.06.2022)
Oan án Tịnh Thất Bồng Lai : Cuộc đấu tố mang danh nhà nước pháp quyền
Tịnh Thất Bồng Lai (sau đổi tên thành Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ) Facebook Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ
Kẻ phạm tội sắm vai bị hại, đứng ra khởi tố điều tra
Theo nguyên tắc nhà nước pháp quyền thì mọi công dân, tổ chức đều bình đẳng trước pháp luật. Các hoạt động tư pháp từ điều tra, truy tố xét xử phải tuân theo các quy định tố tụng hình sự. Thế nhưng trong oan án Tịnh Thất Bồng Lai, Công An huyện Đức Hòa đã vi phạm hàng loạt quy định pháp luật: bỏ lọt tội phạm trong vụ 50 người xâm nhập trái phép, phá hoại tài sản, cố ý gây thương tích ở Tịnh Thất Bồng Lai, cưỡng chế bắt Diễm My trái pháp luật, nay lại trở thành người bị hại có đơn tố cáo và giữ quyền khởi tố điều tra.
Công an Huyện Đức Hòa, cơ quan khởi tố vụ án Tịnh Thất Bồng Lai có quá nhiều duyên nợ với những người tu tại gia này. Nguyên nhân căn bản cũng từ tính liêm chính trắng ngần của lực lượng còn Đảng còn mình.
Duyên nợ oan gia
Năm 2018, qua tiếng vang của các cuộc thi hát, có mạnh thường quân Úc tài trợ học bổng cho Huyền Trân và hai giọng ca triệu View sang Úc học tập và biểu diễn. Nguyễn Hoàn Khải – Trưởng Công an xã đã làm khó dễ, không cấp chứng minh nhân dân cho các em này và ra giá hối lộ 300 triệu đồng. Sự việc bị tố giác với đủ chứng cứ. Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy thi hành kỷ luật Đảng với hình thức cảnh cáo. Chủ tịch UBND huyện cũng đã quyết định kỷ luật về mặt chính quyền bằng hình thức khiển trách về sai phạm: có thái độ hách dịch, phiền hà, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân trong thi hành công vụ. Nhưng mãi đến ngày 19-2, UBND huyện Đức Hòa (Long An) mới xác nhận thông tin ông Nguyễn Hoàn Khải được điều động về giữ chức Trưởng Công an xã Tân Phú, huyện Đức Hòa.(1)
Hành vi tham nhũng bị biến thành hách dịch, mức độ kỷ luật là điều chuyển sang làm trưởng công an xã khác cho thấy mức độ công tâm, trong sáng của Công an huyện Đức Hòa đậm đà đến mức nào. Vô tình Tịnh Thất Bồng Lai đã ghi món nợ ân tình quá lớn với cơ quan quyền lực này.
Vào tháng 10-2019 xảy ra sự kiện cha mẹ Diễm My dẫn 50 người xông vào đập phá hành hung ở “Tịnh thất Bồng Lai”. Bị đơn đã đề nghị khởi tố vụ án về ba tội danh gồm: xâm phạm chỗ ở hợp pháp, phá hoại tài sản và cố tình gây thương tích, nhưng công an huyện chỉ khởi tố tội gây thương tích, các cấp tòa sơ phúc thẩm cũng y án với công an (2). Trên mạng xã hội lưu truyền những clip hình ảnh, âm thanh cha ruột Diễm My công bố lo tiền cho Công an Đức Hòa để triệt hạ Tịnh thất Bồng Lai.
Hóa ra quyền cư trú an toàn của ngươi dân là chuyện nhỏ. Điều này còn lập lại một lần nữa khi CEO cuồn cuộn Phương Hằng đơn phương dẫn đoàn quân kền kền bao vây Tịnh Thất Bồng Lai thì Công an Đức Hòa cũng có mặt để giữ gìn trật tự.
Sau vụ dẫn 50 côn đồ xông vào đập phá, gây thương tích ở TTBL, cha mẹ Diễm My lại đồng ý cho cô đến cư trú, tu tập ở đây. Ngày 12-12-2019, Công an huyện Đức Hòa mời Diễm My đến trụ sở làm việc và cô bị mất tích kể từ đó đến nay. Trên mạng xã hội có lưu truyền một số clip có hình ảnh, âm thanh của Diễm My tố cáo cô bị Công An Đức Hòa khống chế bắt cóc đưa cô về nhà cho cha mẹ cô giam giữ. Công an huyện đánh, khóa tay cô và những thành viên Tinh Thất Bồng Lai cùng đi đến trụ sở Công an huyện. Lần này đã phát sinh tình tiết buộc tội các thành viên Tịnh Thất Bồng Lai xúc phạm công an.
Nói sự thật là xúc phạm công an!
Báo NLĐ có bài đăng về hành vi xúc phạm Công an huyện Đức Hòa. Theo đó, khai thác dữ liệu lưu trữ trong ổ cứng lấy ra từ máy vi tính thu giữ trong phòng của Lê Thanh Nhị Nguyên, cơ quan điều tra xác định bảy file clip và ba file ghi âm đã thể hiện rõ nhóm người ở “TTBL – Thiền am bên bờ vũ trụ” gây rối, xuyên tạc, xúc phạm Công an huyện Đức Hòa qua clip “Cầu cứu gấp, TTBL sắp đổ máu; Diễm My bị bắt cóc mất tích tại đồn công an”. Trong đó có câu nói “Cầu cứu gấp, TTBL sắp đổ máu, Diễm My bị bắt cóc mất tích tại đồn công an”.
Nhất Nguyên khai nhận đã nói trong clip: “… Yêu cầu công an trả Diễm My ra đây, mấy anh bắt cóc Diễm My vậy rồi mấy anh đổ lỗi cho tôi…”. Bị can này trình bày mục đích đăng tải clip là để cầu cứu cho Diễm My và cho cộng đồng mạng biết sự việc sau khi làm việc với Công an huyện Đức Hòa, cô “mất tích tại đồn công an”.
Trong khi đó, bị can Cao Thị Cúc khai nhận đã nói “công an đánh người luôn, đánh xong nó lôi ra cửa luôn.”
Những câu nói như vậy có phạm tội đến phải đi tù hay không là rất đáng tranh cãi. Điều quan trọng là nội dung của các câu nói là có thật. Công an Đức Hòa có bắt người trái phép, có đánh người, TTBL có nguy cơ đổ máu. Cần hiểu và thông cảm với trạng thái bức xúc của những thành viên Tịnh Thất trong vụ việc này. Họ đã từng bị cha mẹ Diễm My hành hung đổ máu vì lý do tìm con trong lúc đó họ không có trách nhiệm gì. Nay Diễm My đang đăng ký cư trú hợp pháp tại Tịnh Thất, nếu để Công an huyện đem cô đi mất họ có nguy cơ đổ máu lần hai hoặc xảy ra hậu quả tệ hơn (3).
Điều quan trọng là việc Công an Đức Hòa mời rồi cưỡng chế Diễm My cho dù là đưa về nhà cha mẹ ruột trái với ý muốn của cô của cô có vi phạm pháp luật hay không? Cần nhắc lại, Diễm My là người trưởng thành, có đủ năng lực hành vi dân sự, việc cư trú tại TTBL là có đăng ký hợp pháp, được sự đồng ý của cha mẹ cô!
Những người trong Tịnh Thất Bồng Lai bị khởi tố theo Điều 331 BLHS. Hình: Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ/ RFA edit
Trùng trùng sai phạm tố tụng!
Điều oái oăm biến Luật Tố Tụng Hình Sự trở thành trò đùa trong vụ án này. Công an Đức Hòa vừa là người tố cáo, người bị hại, cơ quan khởi tố, cơ quan điều tra giai đoạn đầu và dấu hiệu là bị can bị cáo nếu toà án xét xử nghiêm minh. Nhưng chả sao. Long An vốn nổi tiếng với vụ án chứng cứ dao thớt đi mua ngoài chợ, “có vi phạm tố tụng nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án” nên chuyện một mình hát hai ba vai cũng chỉ là chuyên nhỏ.
Nhưng không riêng chuyện nhiều vai, về tố tụng vụ án còn có nhiều lắc léo đưa lên đá xuống ly kỳ.
Ngày 3/1, Công an huyện Đức Hòa ra quyết định khởi tố vụ án Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Ngày 4/1, nhận tin báo về việc nhóm người nhận tiền từ thiện, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra bắt quả tang và tổ chức khám xét tại nhà bà Cao Thị Cúc (chủ Tịnh thất Bồng Lai);
Ngày 5/1, cơ quan điều tra khởi tố bị can đối với bốn người ở Tịnh thất Bồng Lai, gồm: Lê Tùng Vân, Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên và Lê Thanh Trùng Dương để điều tra
Tháng 2 -2022, Viện KSND huyện chuyển vụ án đến Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.
Ngày 2-6 Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An ra Kết luận điều tra.
Ngày 10/6 Viện KSND tỉnh Long An chuyển cáo trạng về TAND huyện Đức Hòa
Trong bài “Vì sao Tòa án Nhân dân tỉnh Long An không xét xử vụ Tịnh thất Bồng Lai?” Báo Dân Trí dẩn lời đại diện Viện KSND tỉnh Long An cho hay, cơ quan này đã thực hiện quyền kiểm sát điều tra từ khi vụ án được chuyển cấp huyện lên cấp tỉnh. Theo Điều 239 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Viện KSND tỉnh Long An có thẩm quyền truy tố. Tuy vậy, thẩm quyền truy tố của Viện KSND được xác định theo thẩm quyền xét xử của cấp tòa án đối với vụ án (TAND hiện có 4 cấp).
Trong vụ án, các bị can bị truy tố ở khoản 2, Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt từ hai đến bảy năm tù là thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện (được xét xử vụ án có khung hình phạt lên đến 10 năm tù). Do đó, Viện KSND tỉnh Long An truy tố các bị can ra TAND huyện Đức Hòa là đúng quy định pháp luật. (4)
Thật ra việc đá lên đá xuống trong khởi tố, điều tra xét xử đều có dụng ý thâm thúy. Đá lên Công an tỉnh điều tra một phần để né bớt chuyện Công an huyện sắm nhiều vai, phần khác có điều kiện để nâng khung hình phạt ở mức cao hơn.
Khốn thay, bới bèo ra bọt mãi sáu tháng vẫn không quy chụp ra tội này đáng tội, cơ quan điều tra đành phải đẩy Công an huyện Đức Hòa sắm vai bị hại. Phải đá xuống để đóng khung việc xét xử sơ phúc thẩm trong vòng tay của Long An nơi mà người có chứng cớ ngoại phạm vẫn bị tuyên án tử hình.
Vở kịch đấu tố còn lòi hẳn cái đuôi chồn là việc đã khởi tố vụ án về Điều 331 ngày hôm trước nhưng hôm sau lại bắt người về hành vi phạm pháp quả tang là lừa đảo chiếm đoạt tài sản để rồi sau đó không nhắc gì tới sự kiện này. Bị hại đâu? Tang vật tài vật đâu? Nếu là người tố gian thì sao lại không khởi tố hành vi vu khống? Phải chăng công an bày chuyện tạo cứ bắt người nhưng vở kịch quá vụng về lộ liễu.
Tòa chưa xét xử sơ thẩm nhưng bản án sơ phúc thẩm hẳn đã viết xong. Công việc của các luật sư trong vụ án này chỉ có thể là giải thích chứng minh cho công chúng hiểu đây là oan án chứ hoàn toàn không có khả năng cải sửa. Ngay điều ấy cũng rất khó khăn, vì báo chí và mạng xã hội cũng chỉ đăng những cáo buộc của tòa.
Có những tín hiệu cho thấy các luật sư trong vụ án này có thể bị khởi tố trong thì tương lai vì những hành vi vớ vẩn nào đó như trốn thuế VAT khi đi uống cà phê hay để lọt mấy bao cao su ai đó trong phòng ngủ.
Vụ án Tịnh Thất Bồng Lai sẽ đi vào lịch sử như là bằng chứng tiêu biểu của tội ác đàn áp tôn giáo, sự chà đạp lên pháp luật và nhân phẩm, quyền tự do của công dân.
Gió Bấc
___________________
Tham khảo
1-https://tuoitre.vn/bi-ky-luat-truong-cong-an-xa-nay-sang-lam-truong-cong-an-xa-kia-20190219170357284.htm
2-https://laodong.vn/phap-luat/bac-yeu-cau-doi-boi-thuong-33-ti-trong-vu-a…
3-https://nld.com.vn/tin-doc-quyen/vu-tinh-that-bong-lai-lat-tay-clip-diem…
4-https://dantri.com.vn/xa-hoi/vi-sao-toa-an-nhan-dan-tinh-long-an-khong-x…
RFA (18.06.2022)
Các hỗ trợ quốc tế về môi trường cho Việt Nam phải gắn liền với việc trả tự do cho bà Nguỵ Thị Khanh
Bà Nguỵ Thị Khanh – Giám đốc GreenID tại văn phòng cơ quan ở Hà Nội hôm 6/2/2020 AFP
Các nhà vận động về môi trường quốc tế hôm 17/6 lên tiếng phản đối án tù mà Hà Nội dành cho nhà hoạt động môi trường Nguỵ Thuỵ Khanh, nghi ngờ cam kết của Việt Nam về việc đạt mục tiêu đưa phát thải khí carbon về không vào năm 2050, đồng thời kêu gọi các nước G7 gây sức ép về tài chính lên Chính phủ Việt Nam.
Bà Nguỵ Thị Khanh (46 tuổi) bị một toà án ở Hà Nội tuyên án 24 tháng tù vào sáng ngày 17/6 với tội danh trốn thuế sau khoảng bốn tháng bị giam giữ để điều tra.
Bà Khanh là Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh – GreenID – một tổ chức xã hội dân sự hoạt động vì mục tiêu phát triển bền vững cho Việt Nam. Bà là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên vào năm 2018 nhận Giải thưởng Môi trường Goldman vì các hoạt động thúc đẩy năng lượng bền vững và giảm việc lệ thuộc vào nhiệt điện than ở Việt Nam.
Vào năm 2019, bà Nguỵ Thị Khanh được trao giải Đột phá về Môi trường (Climate Breakthrough Award). Với giải này, tổ chức GreenID của bà sẽ được nhận khoản tiền là hai triệu đô la trong ba năm.
Ông Michael Sutton, Giám đốc điều hành của Goldman Environmental Prize – cơ quan trao giải thưởng cho bà Khanh – trong tuyên bố vào ngày 17/6 viết rằng:
“Qua các công việc với GreenID và sự hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong các thập niên qua, bà Khanh đã giúp mang đến sự chú ý tích cực đối với các nỗ lực của Việt Nam trong việc cải cách chính sách năng lượng và chống biến đổi khí hậu.”
Ông Sutton bày tỏ quan ngại sâu sắc rằng việc giam giữ bà Khanh “sẽ gây hại cho danh tiếng của Việt Nam ở quốc tế”, đồng thời ông kêu gọi: “bất cứ hỗ trợ chuyển đổi về năng lượng nào dành cho Việt Nam trong tương lai cũng phải gắn liền với việc trả tự do cho bà Khanh”.
Vào tháng 10 năm ngoái, tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc – COP 26 tại Anh, Chính phủ Việt Nam đã cam kết sẽ đưa việc thải khí carbon ròng về không vào năm 2050. Các nước phát triển G7 hiện đang thảo luận để tiến tới một loạt các thoả thuận về năng lượng và trợ giúp tài chính.
Hiện chính phủ một số nước như Mỹ, Anh, EU và Nhật Bản đang đàm phán một Gói Chuyển đổi Năng lượng (JET-P) với Chính phủ Việt Nam với dự định sẽ có thông báo tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu COP 27 của LHQ tiếp theo tại Ai Cập vào tháng 11 năm nay.
Tiến sĩ Kimiko Hirata – người nhận Giải Goldman vào năm 2021 và là Giám đốc tổ chức Climate Integrate của Nhật Bản nhận xét: “Các nước G7 đang mon muốn làm đối tác với Việt Nam trong một loạt các nỗ lực quan trọng (về môi trường), đây là điều khó khăn khi các lãnh đạo về khí hậu của Việt Nam bị cầm tù”.
Trước phiên toà xử bà Nguỵ Thị Khanh, cũng trong năm nay, các toà án của Việt Nam đã kết án tù ba nhà hoạt động môi trường khác với cùng cáo buộc trốn thuế.
Ông Michael Sutton, Giám đốc Goldman Environmental Prize nhận định: “Các cáo buộc pháp lý nhắm vào bà Nguỵ Thị Khanh là một phần trong một nỗ lực rộng lớn hơn nhằm bịt miệng các nhà lãnh đạo môi trường ở Việt Nam.”
Jake Schmidt – Giám đốc Chiến lược Cấp cao thuộc Chương trình Quốc tế về Khí hậu thuộc Natural Resources Defense Council (NRDC) cho rằng:
“Các nước và các công ty phương Tây rất mong muốn được đầu tư vào việc chuyển đổi năng lượng sạch ở Việt Nam, nhưng họ không nên làm vậy nếu không có sự đảm bảo từ Chính phủ Việt Nam rằng xã hội dân sự có thể hoạt động một cách xây dựng, tự do và không sợ bị trả thù, bị tội phạm hoá. Khi các nước G7 tiến đến việc tài trợ quốc tế cho chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, họ nên đòi trả tự do cho bốn nhà lãnh đạo môi trường quan trọng là những người tham gia cần thiết trong việc đảm bảo việc chuyển đổi năng lượng của Việt Nam được thực hiện và có lợi cho người dân.”
Shruti Suresh, người đứng đầu Chiến dịch Các nhà bảo vệ môi trường và đất đai thuộc Global Witness nói:
“Sự tham gia của xã hội dân sự là then chốt trong sự thành công trong chuyển đổi sang năng lượng sạch của Việt Nam. Việc bỏ tù bà Khanh, một trong các nhà hoạt động tích cực lên tiếng nhất, người đã mang sự chú ý của quốc tế đến các nỗ lực đối phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam, là một nỗ lực rõ ràng để bịt miệng những nhà bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Các nước đầu tư vào Việt Nam và cung cấp các hỗ trợ cho Việt Nam cần đảm bảo rằng Chính phủ Việt Nam tôn trọng các quyền của những người bảo vệ môi trường để họ có thể tiếp tục các công việc quan trọng của họ mà không gặp nguy hiểm về an toàn và tự do.”
RFA (17.06.2022)
Theo dõi Nhân quyền kêu gọi tân Thủ tướng Úc thúc ép Việt Nam thả tù nhân chính trị
Ông Châu Văn Khảm (trái) và Thủ tướng Úc Facebook Việt Tân, AFP
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 16 tháng 6 gửi thư ngỏ cho Thủ tướng Úc mới đắc cử Anthony Albanese, kêu gọi ông gây sức ép lên chính phủ nhiều nước như Việt Nam, Trung Quốc, Myanmar để buộc các nước này phải cải thiện tình trạng nhân quyền.
HRW cho rằng trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, nhiều chính phủ ở khu vực này từ Việt Nam tới Ấn Độ gia tăng đàn áp người bảo vệ nhân quyền, nhà báo và bloggers.
Theo tổ chức này ít nhất 52 người hoạt động và blogger ở Việt Nam đã bị kết tội và kết án tù với bản án dài hạn trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm 2020 và tháng tư năm 2022 chỉ vì họ thực hiện các quyền cơ bản như tự do biểu đạt, lập hội và tôn giáo.
Trong số đó có công dân Úc gốc Việt Châu Văn Khảm, người bị tòa án Việt Nam tuyên 12 năm tù giam với tội danh “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” chỉ vì ông là thành viên của tổ chức Việt Tân, một đảng đối lập của người Việt ở nước ngoài bị Chính phủ Việt Nam xếp vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do qua email, ông Phil Robertson – Phó giám đốc phân ban Châu Á của HRW nói:
“Úc nên xem xét nghiêm túc và có hệ thống các mối quan tâm về nhân quyền trong tất cả các tương tác của họ với Chính phủ Việt Nam, và cần lên tiếng công khai về các trường hợp quan trọng như Phạm Đoan Trang hay Châu Văn Khảm.
Quá lâu rồi, chính sách ngoại giao của Úc về nhân quyền ở Việt Nam là nửa vời và luôn thực hiện kín kẽ, điều này cho phép Hà Nội giũ sạch những lo ngại đó mà không phải đối mặt với bất kỳ hậu quả thực sự nào.
Đã đến lúc Úc tham gia cùng các chính phủ cùng chí hướng khác quan tâm đến các vấn đề dân chủ và nhân quyền, đồng thời bắt đầu sử dụng ảnh hưởng của mình để tìm cách cải thiện tình hình nhân quyền đang ngày càng trở nên tồi tệ ở Việt Nam.”
Cũng theo ông Phil Robertson, nếu không có áp lực nhất quán từ bên ngoài như của các chính phủ dân chủ trong đó có Úc, đảng cầm quyền của Việt Nam sẽ nhận định sai lầm khi cho rằng cộng đồng quốc tế bỏ qua hành động vi phạm nhân quyền của mình.
Ông nói Úc nên vận động tự do cho các nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng đang bị cầm tù, và liên kết với Hoa Kỳ và Liên Âu cùng một số các quốc gia khác để thúc đẩy cải cách luật pháp Việt Nam, buộc Hà Nội xoá bỏ các điều khoản mơ hồ trong phần an ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự vốn để đàn áp các nhà hoạt động, cũng như xóa bỏ án tử hình.
Đại diện của Theo dõi Nhân quyền ở Thái Lan cũng cho rằng chính phủ tiền nhiệm của Úc – ông Scott Morrison -đã thất bại trong việc đưa ông Châu Văn Khảm trở về Úc đoàn tụ với những người thân yêu của mình.
“Thực tế là điều này vẫn chưa xảy ra, và ông ta vẫn là một tù nhân chính trị trong một nhà tù khắc nghiệt của Việt Nam, là một nỗi xấu hổ quốc gia đối với Úc cần phải được giải quyết khẩn cấp.
Ngoại trưởng Penny Wong nên làm mọi việc có thể đề dồn ép Việt Nam ngay lập tức cho tự do của ông Châu Văn Khảm,” ông Phil Robertson nói.
Đồng quan điểm với ông Phil Robertson, luật sư Nguyễn Văn Thân, cựu Chủ tịch cộng đồng người Việt ở New South Wales và thành viên đại diện của tổ chức Yểm trợ Nhân quyền Úc Châu tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền, cho biết, tuy Việt Nam và Úc có đối thoại nhân quyền thường niên, song hiệu quả của các cuộc đối thoại này rất giới hạn.
Ông nói trong nhiều thập niên qua, Úc cung cấp nhiều khoản viện trợ tài chính hàng chục triệu đô la Úc cho Việt Nam để giúp xây dựng cơ sở hạ tầng, tuy nhiên, Canberra có toan tính riêng của mình nên không đặt trọng tâm vấn đề nhân quyền trong quan hệ song phương. Luật sư Nguyễn Văn Thân nói qua điện thoại như sau:
“Hiện nay Úc đang muốn xây dựng một mối quan hệ chặt chẽ với Việt Nam vì sức ép của Trung Quốc.
Việt Nam và Úc đồng cảnh ngộ nên tìm đến nhau… thành ra có một số trường hợp trong đó có trường hợp ông Châu Văn Khảm Canberra không thúc mạnh Hà Nội (về vấn đề nhân quyền- PV) vì vẫn muốn xây dựng mối quan hệ về chiến lược an ninh chặt chẽ với Việt Nam trong bối cảnh Bắc Kinh đang đe doạ khu vực.
Ông Thân cũng cho rằng, cộng đồng người Việt tị nạn ở Úc có thể làm nhiều việc hơn với chính phủ mới trong vấn đề quyền con người ở Việt Nam:
“Cộng đồng người Việt Liên bang Úc Châu có vai trò quan trọng và tích cực trong việc vận động chính giới trong đó có chính quyền và Bộ Ngoại giao để vận động nhân quyền ở Việt Nam…
Trong thời gian sắp tới, Cộng đồng người Việt Liên bang Úc Châu mong muốn có cuộc gặp với tân Ngoại trưởng Penny Wong để thúc giục đưa trường hợp ông Châu Văn Khảm và vấn đề nhân quyền Việt Nam vào chương trình hành động.”
Trong thư ngỏ của mình, HRW cũng đề nghị chính phủ của ông Albanese cần tìm cách gia tăng pháp quyền, minh bạch và trách nhiệm ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, và gia tăng hỗ trợ phát triển cho xã hội dân sự, cổ suý các quyền tự do biểu đạt, báo chí, và lập hội trong toàn khu vực.
Cho rằng chính phủ Albanese có cơ hội để định hình lại hình ảnh của Úc như một quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực nhân quyền ở khu vực cũng như trên vai trò đầu tàu trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc, HRW thúc giục tân Thủ tướng hành động để buộc các quốc gia chịu trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền của mình.
RFA (17.06.2022)
Gia đình tù nhân Lê Hữu Minh Tuấn cầu cứu Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ
Lê Hữu Minh Tuấn – thành viên Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam.
Gia đình tù nhân lương tâm Lê Hữu Minh Tuấn cho VOA biết rằng sức khỏe của ông đang trong tình trạng “nguy cấp” trong trại giam ở Việt Nam và đã cầu cứu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhờ can thiệp.
Sau hơn hai năm kể từ khi ông Tuấn bị bắt, lần đầu tiên gia đình được thăm gặp ông trong trại giam vào cuối tháng 5 vừa qua nhưng gia đình rất bất ngờ vì sức khỏe của ông xuống dốc.
Bà Lê Thị Hòai Tâm, chị của ông Tuấn, cho VOA biết về chuyến thăm tù của gia đình ông Tuấn tại trại giam Bố Lá ở tỉnh Bình Dương, do Công an thành phố Hồ Chí Minh quản lý:
“Sau hai năm thì gia đình lần đầu tiên được vô thăm Tuấn ở trại Bố Lá. Sau khi thăm thì gia đình choáng váng nên mẹ bệnh luôn.
“Tuấn từng khỏe mạnh… mà bây giờ còn xương với da, tai bị điếc, mình bị ghẻ lở, thoát vị đĩa đệm, trĩ, không ngồi được…Tình hình sức khỏe rất khẩn cấp. Với tình hình sức khỏe như thế này thì không còn trụ được bao lây đâu”.
Bà Tâm, hiện đang sinh sống ở California, Hoa Kỳ, cho VOA biết rằng thân nhân đã đến trại giam Bố Lá thăm ông Tuấn vào cuối tháng 5/2022 sau khi ông được chuyển đến đây từ trại giam số 4 Phan Đăng Lưu ở Tp. HCM. Bà cho biết đây là chuyến thăm đầu tiên của gia đình kể từ ngày ông bị bắt vào tháng 6/2020 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự.
Ông Tuấn hiện đang thụ án 11 năm tù và sau đó sẽ tiếp tục bị quản chế 3 năm. Gia đình cho biết họ không được phép tham dự các phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm đối với ông Tuấn, lần lượt diễn ra vào tháng 1/2021 và tháng 2/2022.
Lo ngại trước tình hình sức khỏe được cho là “nguy kịch” của ông Tuấn, bà Tâm vào ngày 10/6 vừa qua đã bay đến thủ đô Washington để nhờ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ can thiệp.
Bà Tâm nói:
“Tôi đã bay qua Washington hôm thứ Sáu để Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có thể làm cái gì đó để giúp Tuấn trong tình trạng như thế này. Họ hứa sẽ làm được cái này tốt nhất thì họ làm để cải thiện tình hình của Tuấn.”
Gia đình cho biết ông Tuấn bị mắc nhiều chứng bệnh mà không được cán bộ quản giáo cho đi khám chữa, điều trị trong khi việc gửi thuốc men và thực phẩm vào trại rất khó khăn.
VOA đã liên lạc Công an Tp. HCM, Bộ Công an để xin ý kiến về trường hợp giam giữ của ông Tuấn, nhưng chưa được phản hồi.
Ông Lê Hữu Minh Tuấn, 33 tuổi, là thành viên của Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam. Các thành viên khác của hội này như ông Phạm Chí Dũng – một blogger của VOA Tiếng Việt, ông Nguyễn Tường Thuỵ – Phó chủ tịch của hội – cũng bị bắt trước đó với cùng cáo buộc.
Cả ba nhà báo này đã bị tuyên án tổng cộng 37 năm tù giam và 9 năm quản chế trong phiên xử sơ thẩm vào ngày 5/1/2021. Chính quyền Việt Nam cho rằng các nhà báo này “sử dụng nhiều bút danh để đăng tải nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước”.
Ngay sau phiên sơ thẩm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Liên minh châu (EU) lên tiếng về bản án “khắc nghiệt” và kêu gọi trả tự do cho ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gọi các bản án này là “khắc nghiệt” và rằng “đây là hành động mới nhất của xu hướng bắt bớ và kết án đáng lo ngại và đang gia tăng đối với công dân Việt Nam thực hiện các quyền được ghi trong hiến pháp của nước này”.
Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện của Liên hợp quốc (WGAD) vào tháng 6/2021 đã đưa ra ý kiến về trường hợp của Lê Hữu Minh Tuấn sau khi bị bắt, nói rằng việc giam giữ ông Tuấn là “tùy tiện” và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho ông.
Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) cũng kêu gọi nhà chức trách Việt Nam “trả tự do ngay lập tức cho nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn và chấm dứt chiến dịch sách nhiễu các thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam”.
VOA (16.06.2022)