Thái Lan: Từ cuộc chiến chống ma túy đến món cà ri cần sa
Thái Lan đã hợp pháp hóa việc trồng và tiêu thụ cần sa trong tháng này, đảo ngược đường lối cứng rắn trước đây với các án tù dài hạn hoặc thậm chí tử hình đối với tội phạm ma túy. Phóng viên Đông Nam Á của BBC Jonathan Head tường thuật những gì diễn ra đằng sau sự thay đổi đáng kể này.
21 năm trước, tôi đã có một trong những trải nghiệm nhức nhối trong sự nghiệp làm báo của mình. Chúng tôi đã được mời đến xem và quay phim một vụ hành quyết 5 tù nhân bằng cách xử bắn tại trại giam Bangkwan ở Bangkok, bốn trong số họ bị kết tội buôn ma túy.
Nét mặt của những người đàn ông đó, khi họ bước đi, xiềng xích ở chân kêu vang, đến nơi diễn ra cuộc hành quyết, là điều tôi sẽ không bao giờ quên được.
Đây là một phần trong “cuộc chiến chống ma túy” của Thủ tướng Thaksin Shinawatra, sau đó đã leo thang thành việc sát hại hàng trăm nghi phạm ma túy.
Chiến dịch của ông Thaksin được lòng dân. Người Thái lo lắng về tác hại của chất gây nghiện như methamphetamine đối với cộng đồng của họ – và họ sẵn sàng phớt lờ những vi phạm nhân quyền ‘gây sốc’ vốn thường đi kèm với cuộc đàn áp đầy bạo lực.
Các quốc gia khác trong khu vực cũng đi theo đường lối trừng trị tương tự, đáng chú ý là Philippines sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte nhậm chức năm 2016. Singapore và Malaysia đã áp dụng án tử hình vì tội buôn bán ma túy trong nhiều thập kỷ. Khách du lịch đến Đông Nam Á từ lâu đã được cảnh báo về những hình phạt hà khắc mà họ phải đối mặt nếu bị bắt với dù chỉ với một lượng nhỏ cần sa.
Thật khó để tưởng tượng rằng những gì chúng ta thấy trong những tuần qua lại thực sự xảy ra ở Thái Lan.
Các quán cà phê và quầy hàng đã bày bán công khai tất cả các loại sản phẩm chứa cần sa, hoặc trưng bày các lọ chứa đầy hoa cần sa liều mạnh. Bộ trưởng bộ y tế công, Anutin Charnvirakul – kiến trúc sư của luật mới, hiện cho Thái Lan chế độ cần sa tự do nhất hơn bất kỳ đâu trên thế giới – được nhìn thấy đang thử cà ri tẩm cỏ, trong tiếng hoan hô của những nông dân – những người hy vọng cần sa sẽ mang lại cho họ nguồn thu nhập.
Đã có những cụ bà người Thái cười khúc khích khi thử những thức uống cần sa có màu xanh lơ, và xếp hàng để nhận một trong số hàng triệu cây cần sa miễn phí mà chính phủ đang phân phát.
Luật mới dường như mang lại cho Thái Lan cách tiếp cận tự do nhất đối với cần sa hơn bất kỳ đâu trên thế giới. Hiện tại, người dân có thể trồng và tiêu thụ bao nhiêu cây tùy thích, dù có một vài giới hạn về cách họ có thể tiếp thị và bán nó.
Tom Kruesopon, một doanh nhân tiên phong, người đã giúp thuyết phục chính phủ thay đổi cách tiếp cận, nói:
“Một điều rõ ràng. Bạn không thể vào tù ở Thái Lan chỉ vì sử dụng cần sa nữa”.
“Bạn có thể đi tù vì làm những việc khác, như hút thuốc nơi công cộng, gây rối nơi công cộng, hoặc tạo và bán một sản phẩm từ cần sa mà bạn không được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm phê duyệt. Nhưng Thái Lan là quốc gia đầu tiên thế giới mà bạn không thể ngồi tù vì trồng hoặc sử dụng cây này. “
Rattapon Sanrak, người bắt đầu vận động việc hợp pháp hóa cần sa sau khi học ở Mỹ, cho biết: “Đây giống như một giấc mơ đối với chúng tôi. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đi được xa đến thế ở Thái Lan”.
Hai ông bà, bố anh và sau đó mẹ anh qua đời vì ung thư. Khi vội vã trở về từ Mỹ để chăm sóc mẹ mình, anh đã cố gắng thuyết phục bà sử dụng các sản phẩm từ cần sa để giảm đau nhưng nhận ra rất khó để tiếp cận với các chất bất hợp pháp như vậy.
Điều gì giải thích cho sự thay đổi đáng kể này ở một đất nước vẫn được lãnh đạo bởi những quân nhân bảo thủ, những người dường như không thể là những người theo chủ nghĩa tự do đối với luật ma túy?
Một phần là lý do chính trị. Ông Anutin đã thông qua việc hợp pháp hóa cần sa vì đây là chính sách nổi bật của đảng ông trong cuộc bầu cử năm 2019. Thành trì của đảng ông là ở vùng nông thôn nghèo nàn, đông bắc của Thái Lan, và chính sách này đã thu hút sự chú ý của những người nông dân đang phải vật lộn để kiếm sống từ việc trồng lúa và đường, và cần một vụ mùa mới.
Vì vậy, ông ấy đã có thể nói với đám đông đang cổ vũ, khi ông công bố luật mới tại căn cứ chính trị của mình ở Buriram vào đầu tháng này, rằng ông đã thực hiện những gì mình đã hứa. Ông tin tưởng vào những lợi ích y tế của việc hợp pháp hóa, điều mà ông hy vọng sẽ cho phép những người Thái nghèo khó hơn có thể tự phát triển các phương pháp điều trị thay vì phải trả tiền cho các loại thuốc hóa học đắt tiền.
Đó cũng là chuyện làm ăn. Ông Kruesopon ước tính việc kinh doanh cần sa sẽ tạo ra 10 tỷ USD trong ba năm đầu tiên, nhưng có thể kiếm được nhiều hơn nữa từ du lịch cần sa, nơi mọi người đến Thái Lan đặc biệt để điều trị và chữa bệnh bằng cách sử dụng chiết xuất từ cần sa.
Ông mở phòng khám đầu tiên ở Bangkok chỉ tập trung vào các loại phương pháp điều trị này. Đã có một số tập đoàn lớn nhất của Thái Lan đang xem xét các cách mà họ có thể kiếm tiền từ loại cỏ ăn nên làm ra này.
Bằng cách tự do hóa luật pháp một cách nhanh chóng và toàn diện, chính phủ Thái hy vọng chiếm thế thượng phong đối với các quốc gia láng giềng, nhiều quốc gia trong số đó có thể miễn cưỡng đi theo vết xe của Thái Lan.
Nhưng có một yếu tố thứ ba đằng sau chế độ cần sa mới này – đó là sự suy tính lại về cách tiếp cận cứng rắn đối với việc sử dụng ma túy, đã bắt đầu cách đây 7 năm, một cách đáng ngạc nhiên đó là vào thời điểm Thái Lan bị chính quyền quân sự cai trị.
Đất nước này có một số nhà tù đông đúc nhất thế giới và 3/4 tù nhân ở đó phạm tội về ma túy, nhiều người trong số họ là trẻ vị thành niên. Điều này không chỉ gây ra việc quốc tế chỉ trích về điều kiện tồi tệ mà các tù nhân phải sống, mà còn khiến chính phủ tốn kém tiền bạc để nuôi họ.
Bộ trưởng Tư pháp quân đội, Đại tướng Paiboon Kumchaya, người đã tuyên bố vào năm 2016 rằng cuộc chiến chống ma túy đã thất bại, và cần có một phương pháp khác, giảm tính trừng phạt hơn để đối phó với việc sử dụng và lạm dụng chất ma túy.
Khi ông Anutin trình bày chính sách về cần sa của mình, với tất cả những lợi ích kinh tế hấp dẫn của nó, ông nhận thấy mình đang thúc đẩy một cánh cửa tương đối rộng mở – mặc dù ông nói rằng vẫn phải nỗ lực rất nhiều để đạt được điều này. Một kết quả khác của sự thay đổi luật là hơn 4.000 người bị buộc tội liên quan đến cần sa hiện đã được tự do khỏi nhà tù.
Tuy nhiên, chính phủ có thể đã không chuẩn bị cho việc cần sa được hưởng ứng nhiệt tình dưới mọi hình thức trên khắp Thái Lan kể từ khi luật mới được thông qua.
Cây cần sa xuất hiện ở khắp nơi – trên cây kem, tô điểm cho các món ăn Thái truyền thống và trong các công thức sinh tố mới. Một người nào đó thậm chí đang bán thịt gà từ những con dường như đã được cho ăn cần sa. Luật mới làm cho hầu hết mọi thứ liên quan đến cần sa đều hợp pháp.
Chính phủ hiện đang soạn thảo các quy định bổ sung về việc sử dụng cần sa. Một cách chính thức, quan điểm của nó là luật pháp chỉ cho phép sử dụng cần sa cho mục đích y tế chứ không phải mục đích giải trí, nhưng thật khó để biết họ sẽ thực thi sự phân định đó thế nào.
Chidchanok Chitchob, một người đam mê cần sa tự do có bố, một nhân vật chính trị quyền lực ở Buriram, một trong những người tiên phong lôi kéo hợp pháp hóa cần sa cho biết:
“Tất cả chúng ta đều biết từ việc học hỏi ở các thị trường khác rằng sử dụng để giải trí là nơi tiền bạc đổ về. Vì vậy, tôi nghĩ rằng đây nên là một bước đi tốt để đạt được điều đó, nếu chúng ta thực sự coi đây là một loại cây trồng kinh tế.”
Cô đang thử nghiệm các chủng khác nhau của cây cần sa để giúp nông dân địa phương trồng loại phù hợp.
Ông Kruesopon nói rằng ông không có vấn đề gì với các quy định khác. Ông ủng hộ việc bán cần sa chỉ từ những nhà cung cấp được cấp phép, có chỉ định và không bao giờ bán cho bất kỳ ai dưới 18 tuổi.
“Bạn không cần phải suy nghĩ quá nhiều về điều này,” ông nói thêm. “Bất cứ thứ gì bạn đang sử dụng cho thuốc lá, hãy sử dụng thứ tương tự đối với cần sa. Đã có luật trên sách để giúp kiểm soát việc sử dụng thuốc lá và sử dụng rượu – chỉ cần dùng các luật tương tự.”
Đây là một bước đi táo bạo khác thường của chính phủ Thái Lan, tiến vào một thế giới mới đầy can đảm. Phần còn lại của khu vực sẽ dõi theo để xem liệu nó có thành công hay không.