Seite auswählen

Tác Giả & Tác Phẩm

Kỳ 3

Nhà văn Điệp Mỹ Linh và Tài Liệu “Hải Quân VNCH Ra Khơi 1975”

Huy Tâm .- Chương trình Tác Giả & Tác Phẩm của Macusa Media Show xin gửi lời chào tái ngộ đến toàn thể quý khán thính giả khắp nơi, và kính chúc mọi người luôn an bình trong cuộc sống đầy biến động ngày nay.

Phạm Tương Như .- Thưa quý vị, chương trình này do Huy Tâm tổng hợp, biên soạn và thực hiện với sự công tác của Phạm Tương Như, được phát sóng trực tiếp từ 2 đến 3 giờ chiều, mỗi thứ hai hàng tuần, với sự bảo trợ của Macusa Media Show.

Kính mong quý vị tiếp tục theo dõi và ủng hộ.

(Nhạc: Lính Mà Em của Anh Thy)

Phạm Tương Như.- Chào anh Huy Tâm, nguyên do gì chương trình của chúng ta hôm nay lại mở đầu bằng một ca khúc khá rộn ràng, vui tươi như vậy hở anh Huy Tâm?

Huy Tâm .- Phải, đó là một nhạc phẩm rất nhí nhảnh, dễ thương của người lính hải quân Anh Thy. Và nguyên do là vì hôm nay chúng ta mời được nhà văn nữ Điệp Mỹ Linh, người đã có nhiều tác phẩm viết về quân chủng Hải Quân. Đặc biệt, trong chương trình này chúng ta sẽ cùng chị trao đổi về Bộ sách Tài liệu lịch sử: Hải Quân VNCH (Việt Nam Cộng Hòa) Ra Khơi 1975.

Phạm Tương Như .- Và bây giờ thì người phụ nữ khả ái và tài ba của chúng ta đã có mặt trong phòng thâu âm.

Xin chào nhà văn Điệp Mỹ Linh, mời chị lên tiếng chào quý khán thính giả của chúng ta.

Điệp Mỹ Linh .– Điệp Mỹ Linh xin trân trọng kính chào quý khán thính giả Chương trình Tác Giả & Tác Phẩm của Macusa Media Show. Điệp Mỹ Linh cũng xin trân trọng kính chào nhà truyền thông Huy Tâm và nhà thơ khả ái Phạm Tương Như.

Huy Tâm .- Xin hân hoan chào đón nhà văn Điệp Mỹ Linh đã góp mặt với chương trình Tác Giả & Tác Phẩm hôm nay. Cảm ơn chị, dù niên kỷ khá cao, cũng chẳng ngần ngại đường xá xa xôi, vẫn dành thời gian đến đây trò chuyện cùng anh em chúng tôi.

Điệp Mỹ Linh .–Thưa anh, đúng ra, Điệp Mỹ Linh phải cảm ơn Chương trình Tác Giả & Tác Phẩm của Macusa Media Show cùng Ban Biên Tập đã tạo điều kiện cho Điệp Mỹ Linh có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với quý vị phụ trách chương trình Tác Giả & Tác Phẩm và cũng để trình bày cùng quý đồng hương khắp nơi về vài điều của ngòi bút không chuyên nghiệp này.

Phạm Tương Như .- Thưa chị! Miếng trầu là đầu câu chuyện, ở đây chúng em chẳng có trầu để mời chị, mong chị bỏ qua. Và phần nghi thức xã giao đã xong, bây giờ mời chị nói qua về nhân thân, để quý khán giả dễ dàng theo dõi ạ…

Điệp Mỹ Linh .–Kính thưa quý khán thính giả, kính thưa anh Huy Tâm và anh Phạm Tương Như, đối với tôi, nói về mình là một điều tôi rất ngại ngùng. Tuy nhiên, tôi sẽ cố gắng trung thực với những gì tôi có thể nhớ được.

Thưa quý vị, tôi chào đời tại Dalat. Khi tôi còn bé, Ba tôi theo kháng chiến chống Tây, đem vợ con theo. Ba tôi là Trưởng Ban Văn Nghệ Liên Khu V trong vùng Việt Minh chiếm đóng. Chỉ một thời gian sau, Ba tôi đưa gia đình trốn về Dalat.

Tôi học và ở nội trú trường Domaine de Marie, Dalat.

Sau bậc tiểu học, gia đình tôi dời về Nha Trang; tôi theo học trường trung học Võ Tánh.

Sau khi xong tú tài II, tôi học Luật tại đại học Luật Khoa Saigon và thành hôn với ông Hồ Quang Minh, sĩ quan khóa 8 Hải Quân Nha Trang.

Huy Tâm -Thưa chị! Theo tin tức mà chúng tôi thu thập được, thì thời học trung học, chị cũng đã từng là một nghệ sĩ trong ban nhạc ở đài phát thanh Nha Trang, chị vui lòng nói rõ thêm về giai đoạn này, hầu tìm lại chút dư hương ngày tháng cũ…

Điệp Mỹ Linh .- Vâng, kính thưa quý vị, giữa thập niên 50, một hôm gia đình tôi đi xem xi-nê tại rạp Tân Tân, Nha Trang – tôi không nhớ tựa cuốn phim – do Dean Martin và Jerry Liwis thủ vai chính. Thấy Dean Martin vừa đàn Accordéon vừa hát vừa nhún nhảy, tôi thích quá, “đòi” Ba tôi cho tôi học Accordéon.

Ba tôi đưa tôi vào Saigon, đến tiệm đàn Mỹ Tín, đường Hai Bà Trưng, đặt mua một Accodéon của Ý Đại Lợi – Ba tôi bảo Accordéon sản xuất tại Ý là tốt nhất – và đặt mua một cuốn sách dạy Accordéon từ Pháp; vì Ba tôi chỉ biết tiếng Pháp; thế là Ba tôi dạy tôi đàn.

Sau đó, Ba tôi thành lập Ban Ca Nhạc Bình Minh, phụ trách văn nghệ cho đài phát thanh Nha Trang vào mỗi tối thứ Năm và tối Chủ Nhật, hằng tuần.

Thời điểm này, Ba tôi là Trưởng Ban Kế Toán Khu Công Chánh Nha Trang. Kỹ sư Nguyễn Văn Thưởng, từ Pháp về, đảm nhận chức vụ Trưởng Khu Công Chánh miền Nam Trung Nguyên Trung Phần, rất thích chương trình của Ban Bình Minh trên đài phát thanh Nha Trang, cho nên, ông Thưởng cho xuất công quỹ mua nhạc cụ để Ba tôi thành lập – và trở thành Trưởng Ban – Ban Văn Nghệ Khu Công Chánh Nha Trang.

Tôi đàn Accordéon và hát trong ban Bình Minh trên đài phát thanh Nha Trang và trong Ban Văn Nghệ Khu Công Chánh Nha Trang vào những buổi văn nghệ trên sân khấu để gây quỹ ủy lạo nạn nhân chiến tranh/nạn nhân thiên tai.

Phạm Tương Như .- Như thế chị bắt đầu đi vào nghiệp dĩ văn chương từ lúc nào, và nguyên nhân từ đâu?

Điệp Mỹ Linh.- Thưa quý vị, tôi quên thưa với quý vị rằng: Thời gian ở Nha Trang, Ba tôi cũng viết cho báo Đuốc Thiêng/Tin Sáng/Tia Sáng, v.v…với bút hiệu Điệp Linh/Điệp Mỹ Linh (do tên của chị em tôi ghép lại), Nguyễn Văn Ngữ (tên thật của Ba tôi).

Về văn chương, tôi chỉ dám nhận là một ngòi bút “tài tử”. Về nhạc thì tôi đã… bỏ đàn từ sau khi lập gia đình; vì ông Minh không thích tôi đàn!

Khi biết tôi đã bỏ đàn từ lâu, Ba tôi rất buồn! Nhưng rồi Ba tôi bảo: “Thôi, Minh không thích con đàn thì thôi, con đừng đàn để giữ hạnh phúc gia đình. Ba sẽ dạy con viết văn.” Thế là Ba tôi dạy tôi viết văn. Những bài đầu tiên, tôi dùng tên em tôi, Nguyễn Thị Kiều Lam và Thanh Điệp, tên thật của tôi. Sau đó, tôi muốn “dựa hơi” Ba tôi, tôi xin Ba tôi cho tôi “mượn” bút hiệu Điệp Mỹ Linh của Ba tôi để làm bút hiệu của tôi. Ba tôi xỉa ngón tay trỏ vào trán tôi, cười, mắng yêu, “Cha mày!”

Huy Tâm .- Thưa chị, như thế chị cũng là con nhà nòi rồi. Vậy có chút kỷ niệm buồn vui nào để lại dấu ấn sâu sắc nhất trong tâm hồn chị trên hành trình mấy mươi năm cầm bút chăng?

Điệp Mỹ Linh.- Thưa quý vị, kỷ niệm buồn nhất trong đời viết văn của tôi – đã được bộc lộ trong bài phỏng vấn trên nguyệt san Văn Học, do nhà văn Nguyễn Mộng Giác thực hiện từ thập niên 90 – là: Năm 1972, em ruột của ông Minh, thiếu úy Biệt Động Quân Hồ Quang Trung, tử trận tại Bình Long, quàng tại chùa Vĩnh Nghiêm, Saigon. Tôi thương chú Trung như thương Linh, em ruột của tôi, cho nên, tôi viết một bài, đăng trên Tin Sáng/Tia Sáng, tôi không nhớ được, ký tên thật, Thanh Điệp! Tôi chỉ nhớ câu kết luận của bài viết ấy là: “Từ nay, chị sẽ tìm hình bóng em qua nhân dáng oai hùng của Người Lính Mũ Nâu!”

Vì biết ông Minh không thích tôi viết, cho nên, khi nhận được báo có bài tôi viết về chú Trung, tôi cắt ra, xếp nhỏ, chờ giờ trưa vắng người thăm viếng, tôi đem lên chùa Vĩnh Nghiêm, lén mọi người, để bài viết dưới lư hương, trên quang tài của chú Trung.

Không ngờ, Hà – vợ của chú Trung – thấy hành động của tôi. Khi tôi trở về nhà để lo cho các con tôi đi học, Hà lấy bài báo dưới lư hương ra, đọc. Đọc xong, Hà buồn quá, cầm bài báo, đến cầu Công Lý với ý định trầm mình chết theo chú Trung!

Người quanh cầu Công Lý thấy Hà mặc đồ tang, đang khóc ngất và tìm cách leo qua cầu Công Lý, vội đến khuyên ngăn và đưa Hà trở lại chùa Vĩnh Nghiêm.

Ông Minh và gia đình cũng khuyên ngăn Hà. Hà vẫn khóc, trong tay cầm chặt bài viết của tôi. Không ai hiểu Hà đang cầm vật gì. Bà Nội các cháu vội gỡ mấy ngón tay của Hà, lấy ra bài báo. Thấy tác giả là Thanh Điệp, cả gia đình ông Minh đều nổi giận!

Khi tôi trở lại chùa Vĩnh Nghiêm, vừa bước lên mấy bậc cấp, ông Minh từ bên trong nhà quàng bước ra, xỉa ngón tay thẳng vào tôi – trước nhiều quang khách đến viếng đám tang của Trung và đám tang người khác – nạt lớn: “Ai biểu cô viết? Hả? Biểu ‘dẹp’ hoài mà tại sao cứ viết! Viết để làm gì? May có người cứu, nếu không, vợ thằng Trung chết rồi, biết không?”

Tôi bàng hoàng, chỉ biết im lặng, khóc cho chú Trung và cũng khóc cho chính tôi!

Phạm Tương Như .- Thế còn kỷ niệm vui là gì vậy, chị?

Điệp Mỹ Linh.- Kỷ niệm vui là, năm 1999, khi tập truyện Tưởng Như Trở Về của tôi được xuất bản; trong đó, tôi trích vài câu thơ của bài Tiếng Đàn Đêm Trung Thu, tác giả là Hoàng Việt Sơn – bút hiệu của một bác sĩ Thủy Quân Lục Chiến – sáng tác năm 1956, để tặng Thanh Điệp/Thúy Minh/Hoàng Thu, sau khi ông Hoàng Việt Sơn tham dự đêm văn nghệ do ban Bình Minh trình diễn để ủy lạo binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến, tại căn cứ Sóng Thần, Nha Trang, do đại tá Nguyễn Bá Liên chỉ huy.

Không ngờ, sau khi đọc bài Tưởng Như Trở Về, vị bác sĩ kiêm nhà thơ Hoàng Việt Sơn nhận ra Điệp Mỹ Linh là Thanh Điệp rồi liên lạc với tôi. Tôi rất vui nhưng cũng rất ngại ngùng và dè dặt!

Sau đó vị bác sĩ này dùng bút hiệu Hoàng Vũ Bão, sáng tác tập thơ Nửa Đời Thương Đau, do nhà xuất bản Hồn Việt của nhà báo Ngọc Hoài Phương xuất bản để tặng Điệp Mỹ Linh.

Dù rất kém chính tả tiếng Việt, tôi cũng nhận ra chữ “Bão” trong bút hiệu của vị bác sĩ này phải là dấu hỏi. Tôi góp ý, đề nghị Ông sửa lại thành dấu hỏi; nhưng vị bác sĩ “ba gai” này xác định rằng: Ông muốn dùng dấu ngã như là bão tố để thể hiện tinh thần bất khuất của Thủy Quân Lục Chiến: Khi tấn công là phải chiếm cho được mục tiêu!

Huy Tâm .- Cuối cùng vị bác sĩ ấy có “chiếm được mục tiêu hay không?”

Điệp Mỹ Linh .- Dạ, thưa anh, không! Vì tôi rất thương thân phận phụ nữ! Không bao giờ tôi nỡ làm khổ một phụ nữ nào cả! (Kính mời quý độc giả đọc tùy bút Tạ Lỗi Với Người Thơ, trong tập truyện Trăng Lạnh.)

Link:https://www.diepmylinh.com/ta-loi-voi-nguoi-tho

Phạm Tương Như .- Bây giờ, chúng ta trở lại với chủ đề chính hôm nay nhé! Thưa nhà văn Điệp Mỹ Linh, xin chị cho biết hoàn cảnh nào và nguyên do gì khiến chị bỏ nhiều công sức để tìm tòi, góp nhặt hầu thực hiện một bộ sách rất công phu và phải nói thật cũng khá khô khan đối với chúng ta.

Điệp Mỹ Linh.- Thưa quý khán thính giả, thưa anh Huy Tâm và anh Phạm Tương Như, như đã thưa, tôi chỉ là một ngòi bút tài tử, vì không chơi đàn được nữa, cho nên, phải viết để giải tỏa nỗi niềm chứ tôi không thích chính trị, không có cao vọng để trở thành nhà văn. Vì thế, đối với tôi, viết một cuốn tài liệu rất nhiêu khê chứ không dễ như viết truyện.

Nhưng, cuối thập niên 70, trong Đại Hội Hội Cựu Quân Nhân VNCH, tại Houston, có sự hiện diện của cựu trung tướng Vĩnh Lộc – Tham Mưu Trưởng cuối cùng của Quân Lực VNCH – tôi được mời phát biểu cảm tưởng về Người Lính VNCH.

Khi tôi trở lại chỗ ngồi, cựu trung tướng Vĩnh Lộc đến gặp tôi, để nghị tôi nên viết về cuộc di tản của Hải Quân VNCH, 1975.

Tôi đáp :

-Thưa trung tướng, cuộc di tản do Hải Quân VNCH thực hiện là một đề tài quá lớn; em chỉ là ngòi bút “tài tử”, em ngại em không “kham” nỗi!

Tướng Vĩnh Lộc bảo:

-Madam từng tháp tùng các cuộc hành quân hỗn hợp trên sông rạch; madam thường viết về lính và sông nước/biển khơi; và nhất là madam đã có mặt và quan sát ngay từ đầu của cuộc di tản vĩ đại của Hải Quân. Tôi nghĩ, không một ngòi bút nào hội đủ được nhiều yếu tố như madam để viết về cuộc di tản của Hải Quân VNCH.

Tôi vẫn từ chối. Nhưng, lần nào gặp tôi trung tướng Vĩnh Lộc cũng đều nhắc tôi về chủ đề của chuyến ra khơi lịch sử, 1975.

Tôi chỉ xác nhận:

-Chuyện Hải Quân, để “mấy ông” Hải Quân lo. Một mình em lo không nổi đâu, Trung Tướng!

Một hôm, ông Minh và tôi mời tướng Vĩnh Lộc đến nhà chúng tôi dự tiệc cùng với rất đông bạn hữu của chúng tôi.

Sau khi tiệc tan, mọi người ra về, tướng Vĩnh Lộc ở lại sau cùng để kể cho ông Minh và tôi nghe về trận chiến khốc liệt tại đồn Pleime khi tướng Vĩnh Lộc là Tư Lệnh Quân Đoàn II Vùng II Chiến Thuật.

Tôi bị xúc động mạnh! Không hiểu vì những chi tiết hào hùng của quân VNCH trú đóng trong đồn Pleime hay là vì những nét khắc khổ/đớn đau trên khuôn mặt cằn cỗi của một vị tướng không còn uy quyền – tướng Vĩnh Lộc! Tối đó, tôi viết truyện nhắn Người Trở Lại Pleime; hôm sau, tôi liên lạc với tướng Vĩnh Lộc và xác định rằng: Tôi sẽ thực hiện và hoàn tất tài liệu về chuyến di tản lịch sử của Hải Quân VNCH.

Huy Tâm.- Xin chị cho biết, mất bao nhiêu thời gian để chị hoàn thành Bộ sách này và đã được ra đời từ bao giờ.

Điệp Mỹ Linh .- Kính thưa quý vị, thời điểm 1975/1976 tôi phải đi làm 2 việc để phụ với ông Minh nuôi các con tôi ăn học và giúp gia đình của tôi bên Việt Nam; vì Ba và các em trai của tôi đều bị tù; Má và các em gái của tôi bị đuổi đi kinh tế mới.

Sĩ quan Hải Quân VNCH di tản đều sống rải rác khắp năm châu. Thời đó chưa có internet và cell phone. Mọi cuộc phỏng vấn do tôi thực hiện đều bằng điện thoại hoặc bằng thư, qua bưu điện.

Có vị không đồng ý trả lời qua điện thoại hoặc thư; thế là ông Minh và tôi, cuối tuần, phải “bay” đến, để tôi lo việc phỏng vấn – có thu âm – và ông Minh cũng được gặp lại bạn hữu Hải Quân.

Nhưng, khi thấy “bills” điện thoại hoặc tiền vé máy bay, ông Minh lại “cự” tôi, bảo tôi “lo việc bao đồng”!

Phạm Tương Như.- Quả thật đây cũng là một sự hy sinh đáng ca ngợi.

Điệp Mỹ Linh .- Nhân đây, tôi cũng thành thật biết ơn đại gia đình Hải Quân VNCH, cố giáo sư Nguyễn Ngọc Linh – nguyên Tổng Giám Đốc Việt Tấn Xã và cũng là Chủ Nhiệm bán nguyệt san Ngày Nay – và cố nhà báo Trọng Kim Trương Trọng Trác, Chủ Bút bán nguyệt san Ngày nay; vì những vị này đã giúp đỡ và khuyến khích tôi rất nhiều trong thời gian tôi vừa thực hiện cuốn Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975 vừa viết bài cho Ngày Nay.

Huy Tâm.- Như thế, đến năm nào thì hoàn tất tác phẩm sách này, và cuốn tài liệu này được ra đời như thế nào, thưa chị?

Điệp Mỹ Linh.- Cuốn Hải Quân VNCH Ra Khơi 1975, được hoàn tất và ra đời năm 1990; tức là tôi phải mất khoảng 14/15 năm mới hoàn tất được.

Thập niên 80/90, tình trạng báo chí ở hải ngoại phát triễn mạnh/tốt; chỉ có tệ nạn báo chí “phe ta” chửi “phe mình” thì không ai can nỗi! Vì vậy – dù năm 1987, tôi đã thành công vượt bực khi ra mắt tập truyện Bước Chân Non tại Hyatt Regency, tọa lạc tại góc I-10 và hwy 6, Houston – Ba tôi và tôi cũng quyết định không ra mắt sách nữa; chỉ tổ chức tiệc tại nhà, mời một số bạn hữu và tặng mỗi vị một cuốn Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975.

Phạm Tương Như .-Từ năm 1990, nghĩa là đã hơn ba thập niên rồi, vậy thì từ đó đến nay đã được tái bản lần nào chưa, thưa chị?

Điệp Mỹ Linh.- Thưa quý khán thính giả, thưa anh Phạm Tương Như và anh Huy Tâm, cuốn Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975 được tác giả tái bản lần đầu vào năm 2011; lần thứ hai, 2019, Amazon tái bản. Nhưng khi Amazon gửi bản thảo tái bản cho tôi xem lại, tôi sơ ý, không thấy là Anazon ghi “tái bản lần thứ I”. Tôi sẽ liên lạc với Amazon để Amazon điều chỉnh số I thành số II.

Huy Tâm.- Sách báo ngày nay đã lỗi thời

Cứ mười độc giả chín người thôi

Viết lách dường như là nghiệp dĩ

Đeo đẳng theo ta suốt cuộc đời

Thưa quý khán thính giả, khi nền công nghệ internet đã chiếm lĩnh một không gian rất rộng trong cuộc sống của chúng ta, thì chuyện in ấn sách báo cầm bằng một cuộc cờ chưa đánh đã thua.

Vậy mà Quyển tài liệu lịch sử Hải Quân VNCH Ra Khơi đã được tái bản lần thứ hai vào năm 2019, quả là một sự kiện hiếm hoi trên trường văn trận bút thời nay.

Xin chúc mừng chị.

Điệp Mỹ Linh.– Xin cảm ơn anh Huy Tâm. Bốn câu thơ của anh thật là thấm thía, diễn đạt được tất cả nỗi niềm của người Việt Nam cầm bút tại Hải Ngoại.

Hoa Biển – Anh Thy – Nhã Phương

Phạm Tương Như.- Thưa chị, đây là một cuốn sách về tài liệu lịch sử, vậy xin chị hãy tóm lược nội dung để quý đồng hương biết thêm về những gì chị muốn trình bày.

Điệp Mỹ Linh.- Thưa quý vị, cuốn tài liệu Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975 gồm có 11 chương, không kể phần Thay Lời Tựa. Sau đây là mục lục:

Chương I

Sơ Lược Lịch Sử Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa
Chương II

Các Vị Tư-Lệnh Hải-Quân
Chương III

Sự Tổ Chức Của Hải-Quân – Về Hành Quân

Chương IV

Cuộc Đàm Thoại Bất Ngờ
Chương V

Những Biến Chuyển Quân Sự Và Các Cuộc Rút Quân bằng đường biển.

Chương VI

Những Đột Biến Tại Các Vùng Sông Ngòi

Chương VII

Kế Hoạch Phòng Thủ Bộ Tư Lệnh Hải Quân và Hải Quân Công Xưởng.

Chương VIII

Chuyến Ra Khơi Bi Hùng

Chương IX

Phỏng Vấn Những Nhân Vật Liên Hệ Đến Chuyến Ra Khơi Cuối Cùng Của Hải-Quân V.N.C.H.

Chương X

Những Vị Anh Hùng Hải-Quân V.N.C.H.

Chương XI

Những Dòng Ký Ức

Huy Tâm.-Thưa chị, tài liệu lịch sử là những chứng tích lưu lại cho hậu thế, và dĩ nhiên không chỉ dành riêng cho một sắc tộc nào.

Vậy chị đã có, hoặc đang dự định chuyển thể Bô sách Hải Quân VNCH Ra Khơi sang các ngôn ngữ khác, hầu quảng bá rông rãi hơn không, thưa chị?

Điệp Mỹ Linh.- Thưa quý khán thính giả cùng anh Huy Tâm và anh Phạm Tương Như, ngay từ khi cuốn tài liệu lịch sử Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975 chào đời, tôi đã ước mong cuốn tài liệu này được dịch ra ngoại ngữ; nhưng, con tôi – từ bé học nội trú trường Regina Pacis và Notre Dame des Missions – cho nên không biết tiếng Việt nhiều.

Tháng 9 ngày 11 năm 2001, Hoa Kỳ bị không tặc xâm phạm nặng nề tại New York, tôi đang du lịch tại Nga. Thấy trên TV tòa Tháp Đôi phừng phực lửa, tôi xúc động nhiều, viết ngay tại phi trường Frankfurt Tùy Bút Tạ Ơn Mảnh Đất Này.

Sau khi bài Tạ Ơn Mảnh Đất Này được phổ biến trên nhiều báo Việt ngữ, ông  Merle L. Pribbenow đọc được, dịch sang tiếng Anh, chuyển đến báo Ngày Nay, nhờ ông Nguyễn Ngọc Linh đăng và chuyển cho Điệp Mỹ Linh.

 Đọc bài dịch, các con tôi và tôi đều thích và tôi ngõ ý muốn nhờ ông Pribbenow dịch cuốn Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975, có thù lao.

 Nhưng, ông Minh không đồng ý.

Sau khi ông Minh qua đời, tôi liên lạc lại với ông Pribbenow thì ông Pribbenow emailed hồi đáp bằng tiếng Việt rằng: “Rất tiếc, tôi già rồi và vợ tôi đang bị bệnh hiểm nghèo, tôi phải lo cho vợ tôi!”

Gần đây tôi cũng liên lạc vài nơi để tìm người dịch, nhưng, tôi hiểu, cuốn Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975 gồm nhiều danh từ/động từ “riêng” của Hải Quân, rất khó dịch

Phạm Tương Như.- Thưa chị, cho đến thời điểm này, tháng 6/2022, tổng số các tác phẩm chị đã xuất bản là bao nhiêu quyển và chị có đang chuẩn bị thêm đứa con tinh thần nào nữa để ra mắt đồng hương chăng?

Điệp Mỹ Linh.- Thưa quý vị, tổng số tác phẩm của ĐML đã xuất bản là 12 tác phẩm. Hiện tại, nhà xuất bản Nhân Ảnh – thành viên của Amazon – đang lo bìa để xuất bản 2 tác phẩm kế tiếp của Điệp Mỹ Linh là Quốc Ca Mới Của Đảng và Tự Truyện Của Tím.

Huy Tâm.- Khi tác phẩm mới được hoàn tất, chị có sẵn lòng cho phép chương trình Tác Giả & Tác Phẩm được giới thiệu cùng quý độc giả khắp nơi chăng?

Điệp Mỹ Linh.- Thưa quý khán thính giả, anh Huy Tâm và anh Phạm Tương Như, tôi rất cảm ơn nhã ý của anh Huy Tâm cùng chương trình Tác Giả &Tác Phẩm của Macusa Media show. Việc làm của quý vị vô cùng ý nghĩa, đã góp công gìn giữ và quảng bá tiếng Việt nơi đất khách, và đặc biệt giúp giới thiệu những sáng tác mới đến với độc giả.

Phạm Tương Như.- Thưa chị và thưa quý khán giả! Chương trình này được sự bảo trợ của Macusa Media Show là môi trường để chúng em, anh Huy Tâm, có cơ hội đóng góp bàn tay nhỏ bé hầu chuyển tải những nỗi niềm, những điều tâm huyết của người đi trước đến với các thế hệ trẻ trong mai hậu.

Điệp Mỹ Linh.- Xin ngưỡng phục về việc làm của quý vị và cầu chúc Macusa Media Show mãi mãi phát triển, quý anh chị luôn được dồi dào sức khỏe để tiếp tục hành trình cao đẹp này.

Huy Tâm.- Thời lượng của chúng ta cũng sắp hết, mời nhà văn Điệp Mỹ Linh gửi lời chào tạm biệt đến quý khán giả trước khi rời phòng thu âm.

Điệp Mỹ Linh.– Điệp Mỹ Linh xin trân trọng kính chào quý khán thính giả cùng anh Huy Tâm và anh Phạm Tương Như.

Phạm Tương Như.- Phạm Tương Như cũng xin chào tạm biệt nhà văn Điệp Mỹ Linh, chào tạm biệt quý khán giả, và hẹn tái ngộ trong chương trình kỳ sau,

Huy Tâm.- Món quà tạm biệt trong chương trình hôm nay là ca khúc Nỗi Nhớ Mênh Mông, nhạc và lời Dương Thượng Trúc qua giọng hát Quang Minh, sẽ thay lời chúc sức khỏe của toàn thể nhân viên Macusa cùng BBT Chương trình TG&TP gửi đến quý vị và hẹn tái ngộ trong chương trình kỳ sau, cũng vào ngày giờ thường lệ.

Trân trọng kính chào.

Chương trình Tác Giả & Tác Phẩm của Macusa Media Show