Seite auswählen

Sự kiện ca sĩ Khánh Ly hát bài Gia Tài Của Mẹ, một bài hát trong tập Ca khúc Da Vàng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang dấy lên những tranh luận dữ dội trong nước. Trong nước, phía những người chống Khánh Ly nói riêng và nền văn hóa VNCH nói chung đang dùng những lời lẽ hết sức nặng nề, thậm chí gọi bà là kẻ âm mưu tuyên truyền chính trị ở Việt Nam.

Không có lý luận rõ ràng, nhưng hầu hết các luận điệu chống đối ca sĩ Khánh Ly đều dựa trên câu chữ mà bài hát mô tả là “nội chiến” để tấn công. Nhà nước Việt Nam lâu nay vẫn nói rằng cuộc chiến Việt Nam là một cuộc giải phóng thần thánh, để thống nhất đất nước. Do đó, nếu dùng từ “nội chiến” thì bị coi là sai đường lối và chủ trương của đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng đáng ngạc nhiên là người ta chỉ nhắm vào bà Khánh Ly và chẳng ai chỉ trích người viết ra bài hát này, tức nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Bên cạnh đó, làn sóng bảo vệ bà Khánh Ly và dòng văn hóa riêng của Việt Nam Cộng Hòa cũng bùng lên sôi động không kém. Trên nhiều diễn đàn ở Facebook, có những lời bình luận nói vụ video quay bà Khánh Ly hát ở Đà Lạt bài Gia Tài Của Mẹ, là do công an gài để tấn công show diễn của bà. Viết trên trang nhà, nhà bình luận thời sự Dương Quốc Chính từ Hà Nội, ghi rằng:

“An ninh chính trị nội bộ đã vào cuộc do “quần chúng tố giác”! Thực ra quần chúng ở đây chính là anh em bò đỏ thôi. Chuyện này gây phẫn nộ dữ dội bởi anh em, do não trạng xơ cứng và máy móc, cứ thấy bài hát bị cấm là auto phẫn nộ khi có kẻ cả gan biểu diễn trái phép. Bọn chúng không hiểu rằng cấm thế chứ cấm nữa thì cũng vô ích. Bởi nghe offline chỉ có tối đa 1000 người chứ nghe online thì cả triệu người và cả trăm triệu lượt người mấy chục năm qua, có cấm được đâu? Đấy là chưa kể khi báo chí rùm beng thì bọn trẻ trâu search vì tò mò khiến bài hát lại càng được phổ biến. Thế nên bò càng húc lại càng giúp quảng bá bài hát, phản tác dụng”.

Nhiều người cũng nhắc rằng bài Gia Tài Của Mẹ cũng như nhiều bài hát trước năm 1975 không được lưu hành trong đời sống đều không có một lệnh cấm cụ thể nào. Sự kiện ca sĩ Khánh Ly hát một bài ngoài danh sách 24 bài cho phép thật ra vốn là chuyện ngày thường của sân khấu Việt Nam, đặc biệt khi có khán giả yêu cầu. Nhưng với ca sĩ Khánh Ly, ắt là một trường hợp “nhạy cảm” nên mọi thứ trở nên căng thẳng. Cục Biểu Diễn Nghệ Thuật ở Hà Nội nói đợi sau khi Sở VHTT&DL Lâm Đồng xử lý xong, thì sẽ đến phiên Cục này có quyết định tiếp.

Trong một bình luận có tên “Biện bạch vụng về”, nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang viết: “Mượn cớ ca khúc Gia tài của mẹ không có trong danh mục ca khúc được cấp phép biểu diễn trong đêm nhạc 25/6/2022 ở Đà Lạt, Sở VHTT & DL cũng như Cục Nghệ thuật biểu diễn Bộ VHTT & DL đều khẳng định Ban Tổ chức đêm nhạc có sai phạm. Vậy Sở VHTT & DL Lâm Đồng làm đúng quy định khi mời làm việc Ban Tổ chức đêm nhạc? Xin lỗi, Võ Văn Tạo tôi tin chắc 100% rằng nếu đêm đó Khánh Ly hát vượt danh mục cấp phép đêm biểu diễn bằng bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng thì có đến bố quý Sở cũng không dám “mời làm việc”. Phải không ạ?”

Có những bình luận na ná nhau, xuất hiện ở nhiều nơi, tựa như có một cách chỉ huy hành động chung, nói rằng bài Gia Tài Của Mẹ chống hòa giải hòa hợp, khơi gợi hận thù trong người Việt, nên cần phải cấm. Tuy nhiên nhiều người nói đây là một cách nói lấy được. Nhiều bài hát của miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh đến nay vẫn còn được lưu hành, đầy tính kích động hận thù. Đơn cử như bài Tiến Về Sài Gòn của tác giả Huỳnh Minh Siêng, với lời “tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù”. Bài hát này được phát liên tục từ năm 1974 cho đến về sau này.

Việc ra giấy phép biểu diễn, kiểm soát nghiêm ngặt như show Xuyên Việt của ca sĩ Khánh Ly cũng cho thấy có cái gì đó bất thường đối với Nghị định cho phép tự do trình diễn các ca khúc trước năm 1975 của Hà Nội từng được nhiều báo chí trong nước hân hoan đưa tin. Theo Nghị định số 144/2020 về hoạt động nghệ thuật biểu diễn được Chính phủ ban hành, từ ngày 1 Tháng Hai 2021, có nói rõ rằng quy định bắt buộc cấp phép ca khúc miền Nam trước 1975 được bãi bỏ. Việc phổ biến không cần phải cấp phép nữa, hay nói cách khác là tất cả các bài hát được tự do trình bày. Bài nào đặc biệt có “vấn đề” sẽ có danh sách cấm riêng. Trong khi đó, Gia Tài Của Mẹ chưa bao giờ được công bố là bài hát cấm, nên công chúng đang tự hỏi bài hát này trở thành sự kiện rùm beng là vi phạm gì về nội dung gì?

Và như vậy, Sở VHTT&DL Lâm Đồng đang áp dụng lệ làng hay biến Nghị định chính phủ thành thứ vô giá trị? Và hiện nay, cách thức hè nhau “làm việc” với chương trình của bà Khánh Ly, liệu có là một chủ trương bất thường của hệ thống kiểm duyệt văn hóa Việt Nam?

Vài ý về pháp lý việc ca sĩ Khánh Ly hát ‘Gia Tài Của Mẹ’ ở Đà Lạt

Lê Nguyễn Duy Hậu

30-6-2022

1. Từ năm 2020, Việt Nam đã bỏ quy định rằng các ca khúc sáng tác trước năm 1975 ở miền Nam Việt Nam thì cần phải được xin cấp phép lưu hành, phổ biến. Quy định này xuất hiện sau nhiều phản đối từ xã hội liên quan đến việc cơ quan nhà nước khá lúng túng và tuỳ tiện khi cấp phép lưu hành bài hát, chẳng hạn như vụ cấm lưu hành bài “Con Đường Xưa Em Đi”.

2. Điều đó có nghĩa là bài Gia Tài Của Mẹ của Trịnh Công Sơn không phải là bài hát bị “cấm lưu hành” vì không còn có khái niệm đó nữa. Tuy nhiên, nếu ca sĩ hát bài hát có nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, ví dụ như kích động bạo lực, xuyên tạc lịch sử v.v… thì cơ quan Nhà nước có thể phạt hành chính. Tức là cơ quan Nhà nước không cấm bài hát, nhưng ai hát thì sẽ bị phạt.

3. Ở một mặt khác, bài hát cho dù có bị “dư luận” (hay ai đó nhân danh dư luận) phản đối thì việc ai đó hát bài hát này cũng không bị xem là vi phạm pháp luật cho đến khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định là bài hát có nội dung vi phạm và ra quyết định xử phạt. Nếu theo mô hình cũ, Nhà nước lên một danh sách bài hát trước 1975 ở miền Nam được lưu hành (tức là không có vấn đề), ai hát ngoài danh sách này là sai, khỏi bàn cãi. Nay mô hình mới là không bài hát nào trước 1975 bị xem là vi phạm pháp luật cho đến khi Nhà nước tuyên bố, chứng minh là nó vi phạm pháp luật. Thuật ngữ chuyên môn cho mô hình cũ là tiền kiểm, hay kiểm duyệt trước. Thuật ngữ chuyên môn cho mô hình mới là hậu kiểm.

4. Về độ cởi mở thì hậu kiểm thường tốt hơn tiền kiểm. Hậu kiểm buộc những ai phản đối bài hát phải đi chứng minh là bài hát vi phạm pháp luật, thay vì đơn giản theo mô hình cũ là “tao thích thì tao cho hát, không thì thôi”.

5. Lỗi của chương trình của Khánh Ly lại là việc Khánh Ly hát Gia Tài Của Mẹ dù không có đăng ký trong chương trình gửi Sở, chứ không phải là “hát ca khúc bị cấm”. Đây là lỗi không nặng, bị phạt mỗi tối đa 20 triệu đồng, mà cũng chẳng phải Khánh Ly bị phạt mà là đơn vị tổ chức. Ai muốn phạt Khánh Ly vì hát ca khúc “bị cấm” thì chịu khó quay ngược thời gian vậy, hoặc ráng vận động cơ quan Nhà nước tuyên bố bài này xuyên tạc lịch sử.

Ngoài ra, nói một chút về các vấn đề phi pháp lý và gửi lời đến nhiều người: Mình thấy nhiều người lồng lộn lên đòi cấm đòi phạt đòi bắt người hát lẫn người cho hát bài này vì một câu trong đó không đúng cái họ nghĩ là lịch sử thì cũng mắc cười. Thôi thì gửi lời với những ai đang gân cổ lên bảo vệ đất nước, bảo vệ truyền thống dân tộc… bằng việc chửi một bài hát, hay lăng mạ người khác mình là chúc bạn thấy cuộc sống có ý nghĩa, tuổi trẻ đang được cống hiến để bảo vệ non sông gấm vóc. Nhiều khi đó là ý nghĩa cuộc sống của bạn, không nên đánh thức bạn làm gì.

Còn thật ra mình cũng không hiểu lắm mục tiêu thực dụng của việc cấm hay tẩy chay mấy ca khúc như Gia Tài Của Mẹ đâu. Vì bản thân nó đã quá nổi tiếng rồi, thậm chí còn lớn tuổi hơn bạn, thậm chí là trước cả thời bố mẹ bạn, không thể xoá sổ được. Nếu cấm mà xoá sổ được thì nó đã không âm thầm sống, được đón nhận, len lỏi, thậm chí đi sâu vào tâm trí, chạm đến tâm can nhiều thế hệ người Việt Nam, bất chấp việc từng bị không cho phép lưu hành trước năm 2020, đến mức nghe một cái là người ta nhận ra, hát theo được ngay vậy đâu. Cho nên chuyện bạn có thấy nó phản quốc, nó sai trái, nó lật sử hay gì gì đi nữa thì… kệ bạn thôi, chả liên quan gì đến người khác. Và bạn cũng chả làm gì được người khác. Khả năng cao là nếu lỡ đọc thấy những lời bạn chửi bới, hô khẩu hiệu, lên đồng… thì người ta cũng biết vậy, tắt màn hình, rồi mở Gia Tài Của Mẹ nghe tiếp thôi. Làm gì được nhau lêu lêu.

Nói chung làm Hồng Vệ Binh ở thời đại không phải Cách mạng Văn hoá cũng có sự bức bối. Mình thông cảm, chí làm trai muốn phá bỏ tất cả nhưng sinh ra nhầm thời đại, các bạn ráng động viên nhau.

Jackhammer Nguyễn: Làm sao để cấm một bài hát?

Jackhammer Nguyễn

30-6-2022

Tác giả Nguyễn Khoa đặt câu hỏi như thế trong một bài viết về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên trang Viet-Studies.

Vài ngày sau, chính quyền Việt Nam trong nước, không rõ có đọc bài viết đó hay không, nhưng dường như đã có câu trả lời. Báo Tuổi Trẻ đưa tin (nói là theo nguồn tin riêng của họ) rằng bà Khánh Ly đã bị cơ quan chức năng mời làm việc, vì bà đã cả gan hát bài “Gia tài của mẹ”, của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cơ quan tổ chức buổi biểu diễn của bà Khánh Ly ở Đà Lạt, cũng bị mời làm việc.

Bà Khánh Ly được xem là ca sĩ hát nhiều bản nhạc của ông Trịnh Công Sơn, hát thành công nhất cho tới nay. Bài “Gia tài của mẹ”, nằm trong nhóm sáng tác Ca khúc da vàng, được xem là phản chiến của cố nhạc sĩ vào thời chiến tranh Việt Nam, trong đó có đề cập đến nội chiến, điều mà nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay không chấp nhận.

Khái niệm nội chiến là vô cùng nhạy cảm đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, đến mức một cuốn sách viết về thời Tây Sơn, trước khi Đảng Cộng sản ra đời hàng trăm năm cũng không được ghi là nội chiến khi xuất bản ở Việt Nam (quyển Nước Việt Nam thời Tây Sơn của sử gia Tạ Chí Đại Trường có tên gốc là Lịch sử nội chiến Việt Nam).

Thôi hãy cứ cho là nội chiến hay ngoại chiến là quan điểm, có thể tranh cãi, nhưng khi tôi lướt qua mấy trăm bình luận dưới bài của Nguyễn Khoa trên Facebook của Viet-Studies, thì rõ ràng là nội chiến.

Chẳng phải nội chiến hay sao khi có những phe khác nhau nhưng toàn là người Việt, sử dụng toàn là tiếng Việt, để mắng nhau, thóa mạ nhau, chẳng hề có một… “yếu tố nước ngoài” nào cả, có chăng đó là yếu tố nước ngoài Facebook, sản phẩm công nghệ của … “đế quốc Mỹ”.

Trong những cãi vả chửi bới trên trang Facebook của Viet-Studies, nổi bật lên nhóm ủng hộ chính quyền Hà Nội hiện nay, nhóm ghét ông Trịnh Công Sơn “thuộc” (!?) Việt Nam Cộng hòa, rất ít. Trong số hơn 300 bình luận (đến ngày 29/6/2022), có đến khoảng 50 bình luận là thóa mạ “đế quốc Mỹ”, phủ nhận “nội chiến”, mắng chửi tác giả, dù là tác giả đưa ra những sự việc mang tính chỉ trích cả hai bên.

Có thể là với đoạn cuối của bài viết, nói về sang chấn tâm lý dân tộc, hay là căn bệnh tinh thần có vẻ như vô phương cứu chữa của Việt Nam, tác giả đã làm cho những người ủng hộ Hà Nội, cảm thấy bất an, từ đó có một phản ứng thóa mạ, mạt sát dữ dội như thế.

Phân tích ngôn ngữ của nhóm này (tạm gọi là nhóm Hà Nội), ta thấy họ bị ảnh hưởng rất mạnh của ngôn ngữ tuyên truyền của cơ quan tuyên giáo của Đảng. Họ dùng những từ mẫu, có sẵn trong các bài viết tuyên truyền của Đảng, mà từ ông đảng trưởng là tổng bí thư cho đến viên chủ tịch xã đều dùng. Ngoài vô vàn lỗi chánh tả, lỗi ghép câu, thì nội dung cũng rất lộn xộn. Khi đọc những bình luận này ta thấy sự trộn lẫn rất thú vị của sự mạt sát, ý muốn làm nhục, tấn công (đánh, giết) người khác, của tầng lớp… “vô sản lưu manh”, với ngôn ngữ chính trị của Đảng Cộng sản, với ngôn ngữ trịch thượng “hủ nho” của các lũy tre làng.

Nếu lấy hơn 300 bình luận làm một mẫu khảo sát nhỏ thì tỷ lệ của nhóm “Hà Nội” này là 1/6, một tỷ lệ khá cao mà chế độ có thể an tâm dựa vào đó mà sống còn.

Tuy nhiên, không thể lấy cái mẫu 300 và 1/6 ấy làm đại diện cho nước Việt Nam hiện tại được, vì có hàng chục triệu nông dân Việt Nam đang lo lắng mùa màng thất bát, hàng triệu công nhân, lương chết đói, không có thì giờ đâu mà vào Facebook.

Nhưng có thể nhóm 1/6 này là nhóm gần với bộ máy của chế độ, hay là những ốc vít của bộ máy chế độ, vì thế nó cũng đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành xã hội Việt Nam ngày nay.

Trở lại câu hỏi của Nguyễn Khoa, làm thế nào để cấm một bài hát. Sau vụ mời bà Khánh Lý và cơ quan tổ chức cho bà biểu diễn, tôi vẫn không thể hiểu được là liệu họ có cấm được bài hát “Gia tài của mẹ” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hay không!

Theo báo Tuổi Trẻ thì, có đến 1000 người đến nghe bà Khánh Ly hát, trong đó ắt hẳn có rất đông người đã biết bài hát ấy. Những người này hát nho nhỏ cho vợ chồng họ nghe trong nhà, trong quán cà phê cho bè bạn, chuyền tay nhau những clip kỹ thuật số, USB, chứ đâu cần những bản chép tay cồng kềnh dễ bị các viên bí thư đoàn thanh niên bắt gặp, hồi hơn 40 năm trước!

Trong bài Gia tài của mẹ, Trịnh Công Sơn hát rằng:

Gia tài của mẹ, một bọn lai căng

Mẹ mong lũ con cùng cha quên hận thù

Gia tài của mẹ, một nước Việt buồn

Đọc lại các bình luận của nhóm Hà Nội 1/6, tôi thật khâm phục sự tiên tri của ông.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại gây ra ồn ào

 

Nguyễn Khoa

Vietstudies

Ông luôn gây ra sự ồn ào từ khi ông bắt đầu sáng tác cho đến khi ông lìa đời. Và bây giờ, hàng chục năm sau khi ông vĩnh biệt cõi vô thường, ông lại gây ra ồn ào một lần nữa.

Điều đáng nói là lẽ ra sự ồn ào phải vây quanh những gì thuộc về nghệ thuật mà ông sáng tạo ra, đằng này, sự ồn ào lại vây quanh con người chính trị của ông, hay nói đúng hơn là những bối cảnh chính trị mà ông phải rơi vào đó.

 Ông Trịnh Công Sơn lớn lên tại miền Nam Việt Nam, trong chiến tranh Việt Nam, trong đó có hai lực lượng đối nghịch nhau đều là người Việt, lực lượng cộng sản từ miền Bắc Việt Nam, và Việt Nam cộng hòa, đồng minh với Hoa Kỳ.

Ông sáng tác những bài nhạc ca ngợi tình yêu, những ca khúc phản chiến, những lời lẽ mang nội dung siêu thoát của triết lý Phật giáo.

Ngày 30/4/1975, ông lên đài phát thanh Sài Gòn hát bài Nối vòng tay lớn, ca ngợi sự chấm dứt chiến tranh, không còn cảnh người Việt bắn giết nhau nữa.

Ông bị những người cộng sản đưa ông về quê đi lao động để “cải tạo” tiểu tư sản, khi họ mới nắm quyền trên cả nước. Nhạc của ông bị họ cấm, vì bị cho là ủy mỵ, mà ngay cả những ca khúc phản chiến (Ca khúc Da vàng) của ông cũng bị họ cấm mà không nói lý do (lý do có thể là người cộng sản không thích khái niệm nội chiến trong các ca khúc ấy, họ cứ đòi rằng cuộc chiến đó là cuộc chiến chống xâm lược).

Đối với bên cộng sản là như thế, ông cũng chẳng được bên chống cộng nhìn ông khá hơn.

Phe này cho rằng ông sáng tác các ca khúc phản chiến góp phần làm Việt Nam Cộng hòa … sụp đổ (!?)

Phe này cũng cho rằng một số ca khúc của ông sau năm 1975 là a dua về phe những người cộng sản, chẳng hạn như Em ở nông trường em ra biên giới, hay là Huyền thoại mẹ. Họ quên khuấy mất ông có cả những ca khúc sáng tác sau 1975 có đầy “vấn đề” đối với những người cộng sản, chẳng hạn như Đời gọi em biết bao lần (phe tuyên giáo cộng sản cho rằng ông nói về những người Việt bỏ xứ ra đi vì không chấp nhận chế độ), hay là bài Quỳnh Hương, rồi Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui,… Bản thân người viết bài này từng chứng kiến ông dạo trên phím guitar bài Quỳnh hương giữa giảng đường đại học tại Sài Gòn, giữa không gian vẫn vừa hồng chuyên trong những năm 1980. Một sự thách thức đầy trào lộng.

Rồi thì mọi chuyện cũng qua. Từ năm 1986 trở đi, người cộng sản bắt đầu không quan tâm nhiều tới những vấn đề … ý thức hệ trừu tượng nữa. Họ vẫn không dỡ lệnh cấm các nhiều ca khúc “có vấn đề” của ông Trịnh Công Sơn nữa (làm sao mà cấm được một bản nhạc nhỉ?!), nhưng cũng bớt hằn học với chúng hơn.

Rồi thì bộ phim Em và Trịnh ra đời, được chiếu rộng rãi ở Việt Nam trong tháng 6/2022. Theo tôi việc làm bộ phim này thể hiện rất rõ bản chất duy lợi của chế độ hiện hành tại Việt Nam hiện nay. Cơ quan “văn hóa” Việt Nam, cùng các “đơn vị hoạt động văn hóa” tư nhân hiểu rõ là một số rất đông công chúng Việt Nam thích nhạc Trịnh Công Sơn, thế là họ thêm mắm dặm muối vào chuyện tình cảm của ông để gây ra một sức hút rất mạnh. Bộ phim chắc chắn là lời rất to, và nếu tôi nhớ không lầm thì hãng thực hiện phim này là Galaxy có chủ nhân là con gái của một vị cán bộ cộng sản quan trọng trong Bộ ngoại giao Việt Nam trước kia.

Rõ ràng đây là một bộ phim thương mại hơn là nghệ thuật.

Nhưng cũng có thể có những người tham gia làm phim vì yêu thích thực sự ông Trịnh Công Sơn và nhạc của ông.

Có nhiều người từ chối xem phim này, trong đó có tôi, vì cho rằng làm sao có thể làm 1 bộ phim về một nhân vật có tầm vóc, và nhiều góc cạnh, như Trịnh Công Sơn, trong hoàn cảnh kiểm duyệt ở nước Việt Nam cộng sản được.

Bà Khánh Ly, người ca sĩ rất thân cận với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho rằng bộ phim là một sự xúc phạm người nhạc sĩ, xúc phạm cả chính bà, với những chi tiết và ngôn ngữ thô tục.

Là người lớn lên tại miền Nam Việt Nam sau năm 1975, tôi không hề ngạc nhiên về những gì bà Khánh Ly nhận xét.

Phe chống cộng, và chống Trịnh Công Sơn, lại được kích động dữ dội, nhất là trên các trang mạng xã hội. Người ta lại lặp lại rằng ông Trịnh Công Sơn là thủ phạm làm cho chế độ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ. Từ sự giả thuyết táo bạo đó, người ta tiến tới tin rằng ông Trịnh Công Sơn, và cả bà Khánh Ly nữa là… điệp viên cộng sản, rồi người ta nói rằng lời nhạc (ca từ) của ông là … bắt chước … các nhà sư, không có gì hay ho cả!

Điều lạ là sự thâm thù này của họ đối với ông Trịnh Công Sơn kéo dài quá day dẳng, nhiều người trong số họ đã già lắm rồi (47 năm rồi còn gì), nhưng cũng có những người trẻ hơn, tự nhận là … Hậu duệ Việt Nam Cộng hòa (?!).

Xem ra phe cộng sản lại một lần nữa thắng thế, họ vừa thu được tiền, vừa thu được một ít sự hài lòng đối với nhóm công chúng hâm mộ người cố nhạc sĩ.

Phe chống cộng thì nhờ mạng xã hội cũng rất ồn ào, nhưng tôi không cho rằng họ thắng, vì họ không thu được cái gì cả, ngoài những xúc cảm rất âm tính có hại cho chính họ. Họ lại một lần nữa tiếc nuối và bực bội.

Một đặc điểm có lẽ là chung cho cả những người Việt bên trong và bên ngoài Việt Nam là họ rất ít tham gia chính trị, nhưng lại rất hay bàn về chính trị. Mà không phải là bàn, mà là cãi nhau, mắng nhau. Ông Trịnh Công Sơn xui xẻo rơi vào đó.

Ông chỉ là một nghệ sĩ có tài, yêu cái đẹp, và … chống chiến tranh (có mấy nghệ sĩ ủng hộ chiến tranh?!).

Những người chống ông, dù có to tiếng đến đâu, cũng không cản được hàng chục triệu người Việt Nam khắp nơi trên thế giới, nghe nhạc Trịnh Công Sơn, hát karaoke nhạc Trịnh Công Sơn hàng ngày. Mà đâu chỉ người Việt Nam, người ngoại quốc nữa.

Tôi không xem bộ phim  Em và Trịnh, vì tôi không thích tính thương mại của nó, cũng như những chi tiết thô tục mà bà Khánh Ly nêu ra, nhưng tôi nghĩ rằng đối với công chúng Việt Nam, bộ phim có tác động tích cực nhiều hơn tiêu cực. Xem phim về ông Sơn, dù là kiểu phim mùi (soap opera) vẫn còn hơn xem phim về một… dũng sĩ diệt Mỹ nào đấy.

Tôi nhớ về đám tang ông Trịnh Công Sơn cách đây hơn 20 năm. Đây mà một đám tang lớn bậc nhất của lịch sử Việt Nam hiện đại (các đám tang kia là cụ Phan Chu Trinh, nhạc sĩ Văn Cao, và tướng Võ Nguyên Giáp). Lúc ấy ông Trần Công Sung, một cây bút bên Pháp nhận xét rằng: dân tộc Việt Nam vẫn còn có thuốc chữa vì họ vẫn còn tôn trọng cái đẹp. Ông Sung giải thích với tôi rằng Dostoevsky có nói rằng cái đẹp sẽ cứu thế giới.

Nay nhân câu chuyện ồn ào ít nhiều mang tính ý thức hệ xung quanh người nhạc sĩ quá cố cũng như bộ phim thương mại về ông, tôi lại nghĩ thêm đến câu của nhà triết học Đức, Goethe, rằng mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ có cây đời mãi xanh tươi.

Cây đời là các bản nhạc Trịnh Công Sơn. Người Việt vẫn hát nhạc Trịnh Công Sơn thôi. Biết đâu điều đó sẽ chữa lành cơn sang chấn tinh thần của dân tộc này!

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 22-6-22

Danh ca Khánh Ly hát “Gia tài của mẹ”, đơn vị tổ chức bị mời làm việc

29/06/2022

Tuổi Trẻ

TTO – Danh ca Khánh Ly hát ca khúc “Gia tài của mẹ” nằm ngoài danh mục ca khúc được cấp phép biểu diễn khiến đơn vị tổ chức bị cơ quan chức năng mời làm việc.

Danh ca Khánh Ly hát Gia tài của mẹ, đơn vị tổ chức bị mời làm việc - Ảnh 1.

Ca sĩ Khánh Ly tại đêm diễn “Dấu chân địa đàng” ngày 25-6 – Ảnh: T.N

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, ngày 29-6, Sở Văn hóa – thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng đã làm việc với đại diện tổ chức đêm nhạc “Dấu chân địa đàng” liên quan đến việc danh ca Khánh Ly hát ca khúc “Gia tài của mẹ” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Đêm nhạc diễn ra tại sân khấu Mây – In The Nest (phường 7, Đà Lạt) với sự tham dự của khoảng 1.000 người vào tối 25-6.

Theo Sở Văn hóa – thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng, đơn vị tổ chức bị mời làm việc nhằm làm rõ việc ca sĩ Khánh Ly đã hát ca khúc “Gia tài của mẹ”, ca khúc này không nằm trong danh mục 24 bài đăng ký biểu diễn được cơ quan chức năng duyệt trước đó.

Hiện Sở Văn hóa – thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng cùng PA03 (Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Lâm Đồng) yêu cầu sân khấu Mây – In The Nest (phường 7, Đà Lạt) cung cấp giải trình về buổi biểu diễn, cùng clip liên quan đến ca sĩ Khánh Ly biểu diễn ca khúc “Gia tài của mẹ” để làm rõ vụ việc.

Một cán bộ thụ lý vụ việc cho hay, việc xử lý vi phạm liên quan đến phản ánh của một số người trên mạng xã hội sau khi nghe ca sĩ Khánh Ly hát ca khúc nói trên.

“Gia tài của mẹ, một bọn lai căng”

 

Dương Quốc Chính

30-6-2022

Ca sĩ Khánh Ly tại đêm diễn “Dấu chân địa đàng” ngày 25-6-2022. Ảnh: T.N/TT

Ca sĩ Khánh Ly là người nổ phát súng đầu tiên vào cái “hủ tục” cấp phép bài hát của chính quyền. Đáng gọi là hủ tục, bởi vì nó vô ích và hình thức.

Vài chục năm trước, khi mà nhà nước có thể kiểm soát được đám đông nghe nhạc vì các buổi biểu diễn, ghi âm, phát thanh, truyền hình đều do nhà nước quản lý. Nhưng cũng vài chục năm trước, kể từ khi đổi mới, họ đã không thể kiểm soát thị trường băng đĩa nhạc từ hải ngoại chuyển về và đến nay thì hoàn toàn mất kiểm soát âm nhạc đến từ internet. Nhạc từ internet mới là nguồn nhạc phổ biến nhất hiện nay.

Hiện nay nhạc của Trịnh Công Sơn (TCS) vẫn có ba bài chưa được cấp phép là: Gia tài của mẹ, Đêm thấy ta là thác đổ và Huế – Sài Gòn – Hà Nội. Hôm 25/6 vừa qua, bà Khánh Ly đã nổ súng chống hủ tục nói trên và cơ quan chức năng, bao gồm cả An ninh chính trị nội bộ đã vào cuộc do “quần chúng tố giác”!

Thực ra quần chúng ở đây chính là anh em “bò đỏ” thôi. Chuyện này gây phẫn nộ dữ dội bởi anh em, do não trạng xơ cứng và máy móc, cứ thấy bài hát bị cấm là auto phẫn nộ khi có kẻ cả gan biểu diễn trái phép. Bọn chúng không hiểu rằng cấm thế chứ cấm nữa thì cũng vô ích. Bởi nghe offline chỉ có tối đa 1.000 người chứ nghe online thì cả triệu người và cả trăm triệu lượt người mấy chục năm qua, có cấm được đâu? Đấy là chưa kể khi báo chí rùm beng thì trẻ trâu nó search vì tò mò khiến bài hát lại càng được phổ biến. Thế nên bò càng húc lại càng giúp quảng bá bài hát, phản tác dụng.

Về nguyên tắc thì cơ quan chức năng cũng chỉ xử phạt hành chính đơn vị tổ chức biểu diễn theo quy định của pháp luật thôi chứ không cấm được chuyến lưu diễn của Khánh Ly. Đây lại vẫn là thủ pháp PR tốt cho chuyến lưu diễn, vì bà lại lên sóng. Có thể sẽ lọc bớt đám “bò đỏ” đi nghe, nhưng bọn đó đâu có đông đâu mà sợ. Những bài hát dạng này thì cả người thiện lành cũng chả thấy có gì ghê gớm cả, họ vẫn dám nghe công khai hàng ngày.

Trong status về phim TCS, mình thấy rất tiếc là phim Em và Trịnh không thể có bài Gia tài của mẹ, bởi vì bài này khắc họa rõ nét con người của TCS, con người phản chiến. Có lẽ bài hát này có lời nhạy cảm nhất trong số các bài hát của TCS.

“Hai mươi năm nội chiến từng ngày

gia tài của mẹ, để lại cho con

gia tài của mẹ, là nước Việt buồn

gia tài của mẹ, một rừng xương khô

gia tài của mẹ, một núi đầy mồ

Dạy cho con tiếng nói thật thà

mẹ mong con chớ quên màu da

con chớ quên màu da, nước Việt xưa

mẹ mong trông con mau bước về nhà

mẹ mong con lũ con đường xa

ôi lũ con cùng cha, quên hận thù

gia tài của mẹ, ruộng đồng khô khan

gia tài của mẹ, nhà cháy từng hàng

gia tài của mẹ, một bọn lai căng

gia tài của mẹ, một lũ bội tình.”

Mình đánh giá đây là một trong những bài hát ý nghĩa chính trị xã hội nhất của TCS, nó thể hiện con người chính trị của TCS cùng với bài Nối vòng tay lớn. Bộ phim Em và Trịnh luôn nhắc tới đề tài phản chiến nhưng lại không thể đưa bài hát này vào là rất đáng tiếc. Chắc chắn cũng do kiểm duyệt mà thôi. Giá mà đạo diễn có bản director cut để “rò rỉ” ra ngoài thì hiệu ứng lan tỏa sẽ tốt hơn là quăng ra tận hai bộ phim rồi lại tự bỏ đi một bản cắt.

Bài hát được sáng tác năm 1965, khi người Mỹ mới chính thức đổ quân vào VNCH. Nhưng TCS đã có TIÊN ĐOÁN 20 năm nội chiến từng ngày, kể ra cũng thánh phết. Bởi nếu tính thời điểm “nội chiến” thật sự thì cuộc chiến diễn ra từ 1955 (thành lập VNCH) đến 1975 là đúng 20 năm.

Anh em “bò đỏ” phẫn nộ nhất là ở câu Hai mươi năm nội chiến từng ngày. Nếu suy xét chi ly thì cuộc chiến 20 năm theo thời gian trên thì không hoàn toàn là nội chiến mà vừa là nội chiến vừa là cuộc chiến ủy nhiệm. Ủy nhiệm là hai miền đánh nhau dưới sự giật dây, tài trợ của hai phe nước ngoài. Nhưng nếu xét thời điểm 1965, khi Mỹ mới chỉ đổ quân thì cuộc chiến ủy nhiệm chưa hề rõ nét mà mới có 10 năm thực sự là nội chiến do hai bên mới chỉ có cố vấn nước ngoài trợ giúp và không tham chiến. Đấy là nếu xét theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một.” Đánh giá nội dung một tác phẩm nghệ thuật thì phải đặt nó đúng ở thời điểm sáng tác chứ?

“Bò đỏ” còn cãi gì nữa?

Cuộc chiến này chính phía VNCH cũng không coi là nội chiến vì sự can thiệp của phe XHCN vào VN, họ coi là miền Bắc xâm lược miền Nam. Về lý thì chính quyền VNCH cũng không ủng hộ phong trào phản chiến kiểu cào bằng hai phe, trong khi miền Bắc là bên chủ động tấn công miền Nam. Như phim Đất khổ (search Youtube) do TCS đóng, dựa trên truyện Giải khăn sô cho Huế, cũng bị chính quyền VNCH hạn chế phát hành năm 1974, vì tính phản chiến kiểu này. Nhưng bài hát Gia tài của mẹ lại không hề bị cấm ở miền Nam, cho thấy là chế độ cũ tự do hơn bây giờ rất nhiều.

Nhân vụ việc không đáng xảy ra vừa rồi, rất mong anh em quan lại nhanh chóng từ bỏ hủ tục quá lạc hậu kia đi vì nó chỉ còn tính hình thức và vô nghĩa, thẩm chí phản tác dụng. Chính quyền hành xử như vậy mới dẫn tới “bò đỏ” húc tán loạn làm trò cười cho dư luận trong nước và quốc tế.

Đúng là: “Gia tài của mẹ, một nước Việt buồn.”

‘Điều tra’ về… ‘Gia tài của mẹ’ và… chẳng cần nói gì thêm!

 

Blog VOA

Trân Văn

30-6-2022

Khánh Ly trong đêm nhạc “Ru tình”. Hình minh họa. Nguồn: Bùi Văn Phú

42 năm sau ngày “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, chuyện phải xin phép và cần được phê duyệt mới có quyền biểu diễn một ca khúc, chuyện bị mời làm việc, phải giải trình vì…

Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch (VHTTDL) tỉnh Lâm Đồng và đơn vị đặc trách An ninh chính trị nội bộ của Công an tỉnh Lâm Đồng đang phối hợp điều tra vụ ca sĩ Khánh Ly biểu diễn ca khúc “Gia tài của mẹ” vào tối 25/6/2022 tại sân khấu Mây – In The Nest, tọa lạc ở phường 7, thành phố Đà Lạt.

Theo báo chí Việt Nam, sở dĩ những người xin phép thực hiện “Dấu chân địa đàng” (đêm nhạc dành riêng cho ca sĩ Khánh Ly biểu diễn tại địa điểm và vào thời gian như đã kể) bị mời làm việc, bị buộc giải trình vì “Gia tài của mẹ” nằm ngoài danh mục 24 ca khúc đã… xin phép biểu diễn và được phê duyệt (*).

***

Gia tài của mẹ” do Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1965 và trở thành một trong những ca khúc được nhiều thế hệ hát khắp nơi ở miền Nam Việt Nam thời Việt Nam Cộng hòa, sau tháng 4 năm 1975, khi miền Nam Việt Nam được… giải phóng, “Gia tài của mẹ” bị cấm phổ biến, biểu diễn chỉ vì nội dung thế này…

Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu
một trăm năm đô hộ giặc Tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, để lại cho con
gia tài của mẹ, là nước Việt buồn

Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu
một trăm năm đô hộ giặc Tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, một rừng xương khô
gia tài của mẹ, một núi đầy mồ

Dạy cho con tiếng nói thật thà
mẹ mong con chớ quên màu da
con chớ quên màu da, nước Việt xưa
mẹ mong trông con mau bước về nhà
mẹ mong con lũ con đường xa
ôi lũ con cùng cha, quên hận thù

Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu
một trăm năm đô hộ giặc Tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, ruộng đồng khô khan
gia tài của mẹ, nhà cháy từng hàng

Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu
một trăm năm đô hộ giặc Tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, một bọn lai căng
gia tài của mẹ, một lũ bội tình.

***

42 năm sau ngày “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, chuyện phải xin phép và cần được phê duyệt mới có quyền biểu diễn một ca khúc, chuyện bị mời làm việc, phải giải trình vì xin tổ chức biểu diễn nhưng… thiếu cương quyết trong việc… chặn họng một ca sĩ đột nhiên muốn hát lại một trong những ca khúc từng giúp bà nổi tiếng lúc còn thanh xuân, đang song hành với những tuyên bố về sự ưu việt của… “dân chủ xã hội chủ nghĩa”, về “hòa hợp, hòa giải”,… gì gì đó!

52 năm trước, lúc viết “Gia tài của mẹ”, dường như Trịnh Công Sơn chưa biết trong di sản của bà mẹ Việt Nam còn có… “một lũ” mà sự ngạo mạn, độc đoán vượt xa tiền nhân, hơn hẳn anh em, đồng bào. Sự ngạo mạn, độc đoán ấy khiến não trạng của “” này trở thành đặc biệt nhạy cảm và y học hoàn toàn bất lực, người Việt đành chấp nhận chuyện “lũ” này… tự ngứa rồi buộc toàn dân phải… cùng… gãi theo đúng định hướng, bất kể anh em, đồng bào có muốn hay không!

Chú thích

(*) https://tuoitre.vn/danh-ca-khanh-ly-hat-gia-tai-cua-me-don-vi-to-chuc-bi-moi-lam-viec-20220629181246802.htm

Khánh Ly – Trịnh Công Sơn: Có ‘được’ biểu diễn ‘Gia tài của mẹ’ ở VN?

BBC

Danh ca Khánh Ly

NMH Danh ca Khánh Ly

Ca khúc “Gia tài của mẹ” của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn dường như lại được thêm nhiều người biết đến sau khi báo chí Việt Nam hôm 29/6 đưa tin đơn vị tổ chức đêm nhạc nơi ca sĩ Khánh Ly hát bài này đã bị ‘mời làm việc’.

Theo đó, trong đêm nhạc ‘Dấu chân địa đàng’ hôm 26/6 tại sân khấu Mây – In The Nest Đà Lạt, ca sỹ Khánh Ly hát bài ‘Gia tài của mẹ’ – một trong các ca khúc nổi tiếng sáng tác trước năm 1975 của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.

Sau đó, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho hay ‘đã mời’ Công ty TNHH Mây Lang Thang – đơn vị tổ chức đêm nhạc – ‘lên làm việc’, do bài hát “Gia tài của mẹ” nằm ngoài danh mục những bài hát đã cấp phép biểu diễn trong đêm nhạc này.

Cụ thể, sở này nói chỉ cấp phép để ca sĩ Khánh Ly biểu diễn 24 bài hát gồm: Tình xa; Như cánh vạc bay; Dấu chân địa đàng; Như một lời chia tay; Rơi lệ; Ru người; Lời buồn thánh; Ngủ đi con; Người con gái Việt Nam da vàng; Kinh khổ; Mây hại Bên ni bên nớ; Chờ; Tiếng sáo thiên thai; Xin cho tôi; Và con tim đã vui trở lại; Ca dao mẹ; Xin còn gọi tên nhau; Bài tình ca cho em; Xa em kỷ niệm; Còn mãi tìm nhau; Xin trả nợ người; Hẹn hò; Cỏ hồng; Thiên thai.

“Hoàn toàn không cấp phép cho ca sĩ Khánh Ly hát bài “Gia tài của mẹ”,” theo Thanh Niên.

Truyền thông Việt Nam cũng đưa tin rằng đại diện Công ty TNHH Mây Lang Thang đã ‘thừa nhận sai sót khi không kiểm soát’, để ca sỹ Khánh Ly hát bài này trong chương trình.

Một quảng cáo đêm nhạc Khánh Ly

HOANG DINH NAM Một quảng cáo đêm nhạc Khánh Ly biểu diễn tại Hà Nội 2014

Ca từ bài Gia tài của mẹ

Nhiều người đã đăng lại trích đoạn hoặc nguyên văn ca từ của bài hát này trên trang Facebook cá nhân hoặc trên các nhóm Facebook.

Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu

Một trăm năm đô hộ giặc Tây

Hai mươi năm nội chiến từng ngày…

Gia tài của Mẹ

Một bọn lai căng

Gia tài của Mẹ

Một nước Việt buồn…

Ca khúc trước 1975 ‘được phép phổ biến’?

Trên trang cá nhân, nhạc sĩ Tuấn Khanh viết: “Chưa nói đến việc Sở này cấp phép khung cứng các tác phẩm biểu diễn, cho thấy hoàn toàn ngược lại nghị định của chính phủ về việc cho phép phổ biến tự do các ca khúc trước năm 1975.”

“Theo Nghị định số 144/2020 về hoạt động nghệ thuật biểu diễn được Chính phủ ban hành, từ 1-2-2021, quy định cấp phép ca khúc miền Nam trước 1975 bị bãi bỏ. Phổ biến không cần phải cấp phép nữa.”

“Vậy thì bài hát thứ 25 không nằm trong danh sách đó, chỉ vi phạm về thời lượng quy định biểu diễn (nếu có), chứ không thể vi phạm gì về nội dung biểu diễn cả.”

Ca sĩ Khánh Ly

NMH Ca sĩ Khánh Ly

Cũng phát biểu trên trang Facebook cá nhân, nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng việc cơ quan chức năng ‘mượn cớ ca khúc “Gia tài của mẹ” không thuộc danh mục ca khúc trong giấy phép biểu diễn của đêm nhạc 25/6/2022 ở Đà Lạt’ để mời ban tổ chức lên làm việc chỉ là ‘Biện bạch vụng vè’.

Ông Tạo viết rằng theo ông, nếu Khánh Ly hát vượt danh mục cấp phép đêm biểu diễn bằng bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng thì” chẳng ai dám “mời làm việc”.

Tranh cãi về ca từ và “gia tài”

Thể hiện quan điểm ủng hộ kiểm duyệt ca từ, danh khoản Binh Nguyen cho rằng: “Mấy hôm nay, trên diễn đàn mạng xã hội nhiều người phản đối việc Khánh Ly biểu diễn bài hát Gia tài của mẹ của Trịnh Công Sơn tại Đà Lạt, trong đó có câu “20 năm nội chiến từng ngày”.

Người này khẳng định: “Mặc dù câu hát “20 năm nội chiến từng ngày” không phản ánh đúng bản chất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, nhưng nó chỉ là cái nhìn của cá nhân nhạc sĩ về cuộc kháng chiến. Vấn đề ở đây thuộc về lỗi của cơ quan cấp phép bài hát đã không kiểm soát ca từ một cách cẩn thận để có thể thay thế những lời ca không thích hợp”.

Anh Tuấn Nguyễn phản đối: “Ối giời, cứ thế này biết bao giờ mới … hết sợ bóng sợ gió, mới lớn nổi thành người, mới thực sự mạnh mẽ để không còn sợ sự thật nữa”.

“Thời điểm ổng sáng tác bài này là ổng chửi dân me Tây “một bọn lai căng”…. Nhưng ngày nay “có tật giựt mình” ai nói bóng nói gió nói phong lông thời Bảo Đại cởi truồng là “hốt hết nhốt hết ” chắc nó nói tao. Bởi người xấu thì có muốn yên cũng không được đâu, ông trời ổng định vậy khỏi kêu cho mệt”, Ngọc Hàng viết.

Danh khoản Thanh Mai thì cho rằng: “Sau nửa thế kỷ chấm dứt chiến tranh giữa hai miền nam bắc, gia tài của mẹ Việt Nam để lại cho chúng con là đất trống đồi núi trọc kèm theo lũ quét và sạt lở đất…”

Vị này thêm rằng: “Sau nửa thế kỷ khai thác tận thu và bán tống bán tháo nguyên liệu thô, gia tài mẹ Việt Nam để lại cho chúng con là mảnh đất cạn kiệt tài nguyên cùng những khoảng trống mênh mang hoá chất mà chưa biết bao giờ tự nhiên mới khắc phục được trở lại”.

Trước vụ ‘Gia tài của mẹ’, hồi đầu tháng Sáu, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội từng yêu cầu tạm dừng một triển lãm “hội họa Điện Biên Phủ” của họa sĩ Mai Duy Minh với lý do được cho là “vì cờ rách quá và bộ đội hốc hác”.

Kiểm duyệt văn hóa văn nghệ ở VN

Năm 2011, nhiều nghệ sỹ đã lên tiếng về vấn đề kiểm duyệt văn hóa văn nghệ tại Việt Nam tại hội thảo khoa học có tên “Từ Hội Văn hóa cứu quốc đến Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam – những vấn đề hiện nay của sự phát triển văn hóa văn nghệ” do Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức.

Theo đó, nhiều nghệ sỹ đã đề xuất bỏ kiểm duyệt trong văn hóa văn nghệ.

“Việc kiểm duyệt theo lối sợ trách nhiệm của một số nhà quản lý trong một thời gian đã làm triệt tiêu nỗ lực cá nhân, mặc dù đường lối văn nghệ của Đảng từ nghị quyết 05 đến nghị quyết trung ương 5 khóa VIII, nghị quyết 23, 33 vẫn một sợi chỉ xuyên suốt là: Tôn trọng tự do sáng tạo cá nhân, chấp nhận mọi khuynh hướng và phong cách,” họa sỹ Lương Xuân Đoàn được báo Tuổi Trẻ trích lời.

Khánh Ly với ‘Gia tài của mẹ’ vẫn còn bị chính trị hóa?

 

Ghi chú bổ sung (lúc 16h20, 1/7): Theo báo Tuổi trẻ chiều 1/7/2022, ngày 1/7 “Sở Văn hóa – thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng đã có buổi làm việc thứ 2 với đại diện sân khấu Mây – In The Nest (P.7, TP Đà Lạt) … đã quyết định không xử phạt hành chính, chỉ nhắc nhở, cảnh cáo đối với sân khấu Mây – In The Nest.”

RFA

Bình luận của Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)
2022.06.30

Các phòng chuyên môn Sở Văn hoá Thể thao và đơn vị liên quan làm việc với đại diện Công ty TNHH Mây Lang Thang. Ảnh: báo Lâm Đồng

Nhiều năm nay, việc ca sĩ Khánh Ly trở về hát ở trong nước là một dấu hiệu tích cực không chỉ về hoạt động văn hóa, mà còn về tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc.

Trong hành trang của bà, chiếm chủ yếu là các ca khúc Trịnh Công Sơn, cũng tựa như lời nhắn nhủ tới các thế hệ trong và sau chiến tranh, các quan điểm chính trị khác biệt, là hãy cùng nhau hướng tới tương lai hòa bình cho Việt Nam.

Nới trói

Việc những ca khúc trước 1975 ở miền Nam và sau này ở hải ngoại được thoát cảnh “cấp phép” (kiểu nhỏ giọt) là cả một đoạn trường gian nan. Đương nhiên nó liên quan tới việc ca sĩ hải ngoại về nước  biểu diễn có thuận lợi hay không. 

Đã có nhiều tranh cãi và cả chuyện khôi hài, ví như bài “Nối vòng tay lớn” mà cũng bị liệt vào loại “cấm” (2017), hay “Con đường xưa anh đi” thì bị cấm vĩnh viễn, dẫn đến lãnh đạo quản lý văn hóa cấp vụ đã phải kiểm điểm, rồi bị “điều chuyển” ngay sau đó.

Nhìn lại, để có bước ngoặt giảm đói nghèo vật chất, nhiều trí thức, nhà kinh tế có tư tưởng tiến bộ đã phải đấu tranh không mệt mỏi mới có được Luật Doanh nghiệp năm 2000, cho phép thành lập doanh nghiệp tư nhân.

Nhưng đói nghèo tinh thần thì cứ dai dẳng, tận 20 năm sau mới được “nới” chút ít, với Nghị định 144, trong đó bỏ quy định cấp phép phổ biến hai loại ca khúc nói trên. 

Còn bó

Tuy không còn “trói” như trước với từng ca khúc, nhưng Nghị định 144 lại vẫn “bó” với hoạt động biểu diễn, bằng những quy định cấm khá chung chung (Điều 3). Trong đó, đáng chú ý có Khoản 2, cấm “xuyên tạc lịch sử”, hay Khoản 3, cấm “gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại”.

Khi một tổ chức, cá nhân làm thủ tục xin phép biểu diễn tại địa phương, sẽ dễ nảy sinh tình trạng mỗi nơi hiểu theo một cách khác nhau về những quy định “cấm” trong đó, ví như thế nào là “xuyên tạc lịch sử” với một ca khúc ra đời từ rất lâu rồi?

Không những nó làm khó cho người thực thi nhiệm vụ một cách chính trực, mà còn dễ sinh lỗ hổng cho hành vi tiêu cực, hay những quan điểm bảo thủ vẫn muốn níu kéo cơ chế cũ, chỉ sợ trách nhiệm mà coi nhẹ đời sống văn hóa tinh thần của công chúng. 

Thực tế …

Thấy ngay qua buổi diễn mới đây của Khánh Ly tại Đà Lạt, mở màn cho tua lưu diễn tại nhiều thành phố lớn, trong đó có Nhà hát lớn Hà nội, với tên gọi Như một lời chia tay

Theo danh sách cấp phép, có 24 ca khúc trong đêm nhạc, nhưng Khánh Ly đã hát “thêm” bản Gia tài của mẹ, thế là sinh chuyện. Ở mọi xứ khác trên thế giới, trong các chương trình âm nhạc, ai cũng thấy nó phóng khoáng đến thế nào trong tương tác giữa khán giả và ca sĩ. Họ có thể hát cùng, có thể hát thêm, … chẳng phải gửi “xét duyệt” nội dung trước nhiều ngày. Nhưng xứ Việt là một ngoại lệ. 

Oái oăm hơn, bản Gia tài của mẹ, tuy không bị cấm với nghị định mới, nhưng người ta có thể “ngầm cấm” bởi cách nhận thức khác nhau giữa cơ quan quản lý và người dân, ở hai khoản nêu trên. Cụ thể:

Câu “Hai mươi năm nội chiến từng ngày” có thể bị cho là “xuyên tạc lịch sử”, bởi lâu nay chế độ này vẫn coi đó là “cuộc kháng chiến chống Pháp/ chống Mỹ cứu nước” đấy chứ.

Câu “Gia tài của mẹ là nước Việt buồn” cũng có thể bị cho là “xuyên tạc lịch sử”, nhất là về giai đoạn sau 75’ đến nay, toàn dân hồ hởi phấn khởi đấy chứ.

Câu “Ôi lũ con cùng cha quên hận thù” cũng có thể bị cho là “gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước”, trong đó có Trung Quốc (khi nó đi cùng với câu “một ngàn năm nô lệ giặc Tàu” ngay đầu bài hát).

Thậm chí, nếu quyết liệt hơn, người ta còn có thể cho rằng bài hát coi gia tài của mẹ VN toàn là “một bọn lai căng”, “một lũ bội tình”, nên việc truyền bá nó là nói xấu xã hội, chế độ, là vi phạm vào Điều 331, Bộ luật Hình sự, “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Cho nên, việc ban tổ chức bị cơ quan quản lý địa phương mời làm việc, rồi có thể bị phạt hành chính, dù cho lý do chỉ là ca sĩ đã hát một ca khúc không có trong danh sách được cấp phép cho buổi diễn, nhưng không loại trừ khả năng còn có những lý do khác khó nói. 

Chính trị

Hầu như các báo đưa tin chỉ có Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh làm việc với nhà tổ chức buổi diễn, có báo cho biết thêm là có cả “cơ quan chức năng”. Nhưng Tuổi trẻ thì rõ hơn, là còn có “PA03 (Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Lâm Đồng)”. Bức ảnh hiếm hoi ở đầu bài viết này, lấy từ báo Lâm Đồng, minh họa rõ. 

Tại sao lại phải cần đến công an, mà lại là an ninh (chuyên chống … “phản động”, “các thế lực thù địch”, “nội gián”), trong khi lẽ thường chỉ cần sở văn hóa thôi? 

Chưa hết, lại cả Cục Nghệ thuật Biểu diễn cũng vào cuộc; không khéo còn có cả cục nào đó trên Bộ Công an tham gia cũng nên. 

Với bao nhiêu bài viết trong nhiều năm nay, trên các báo Công An Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, lên án “các thế lực thù địch” hay “xuyên tạc lịch sử”, trong đó coi cuộc chiến ở miền Nam VN trước 75’ là “nội chiến”, thì người dân có thể dễ dàng luận ra đằng sau (các) buổi làm việc này là điều gì. 

Nếu cứ như dân gian nói vui, bác sĩ nhìn đâu cũng thấy vi trùng, công an nhìn ai cũng ra … kẻ địch, sẽ dễ đoán sức tưởng tượng cho diễn biến vụ việc này còn đi bao xa … 

Dù kết cục ra sao thì cuộc vui cũng ít nhiều mất vui cho nhân vật chính.

 

Nguyễn Quốc Khải: Gia tài của mẹ

 

Blog VOA

Trịnh Công Sơn từng được chọn làm biểu tượng trên Google. Sáng tác “Gia Tài Của Mẹ” vẫn còn bị cấm tại Việt Nam.

Ngoài bài “Gia Tài Của Mẹ” nhiều Ca Khúc Da Vàng khác của ông vẫn còn bị cấm. Chiến tranh chấm dứt gần một nửa thế kỷ, vậy mà nhạc Trịnh Công Sơn vẫn bị cấm, hòa bình thực sự vẫn chưa có, chia rẽ trong nước và hải ngoại vẫn tồn tại.

Nguyễn Quốc Khải

Trong chuyến lưu diễn ca nhạc tại Việt Nam gần đây, Ca Sĩ Khánh Ly đã hát bài “Gia Tài Của Mẹ” của Trịnh Công Sơn tại Đà Lạt vào ngày 25-6-2022 trước số cử tọa gần 1,000 người. Theo Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn thuộc Bộ Văn Hóa – Thể Thao – Du Lịch (VH-TT-DL), bài này nằm ngoài danh sách 24 bài đã đăng ký để xin phép trình diễn. Danh sách này bao gồm Tình Xa; Như Cánh Vạc Bay; Dấu Chân Địa Đàng; Như Một Lời Chia Tay; Rơi Lệ; Ru Người; Lời Buồn Thánh; Ngủ Đi Con; Người Con Gái Việt Nam Da Vàng; Kinh Khổ; Mây Hại Bên Ni Bên Nớ; Chờ; Tiếng Sáo Thiên Thai; Xin Cho Tôi; Và Con Tim Đã Vui Trở Lại; Ca Dao Mẹ; Xin Còn Gọi Tên Nhau; Bài Tình Ca Cho Em; Xa Em Kỷ Niệm; Còn Mãi Tìm Nhau; Xin Trả Nợ Người; Hẹn Hò; Cỏ Hồng; Thiên Thai.

Hơn thế nữa bài “Gia Tài Của Mẹ” còn bao gồm trong danh sách bị cấm bởi chính quyền Hà Nội nên ban tổ chức là công ty Mây Lang Thang đã bị Sở Văn Hóa – Thể Thao – Du Lịch tỉnh Lâm Đồng điều tra. Tại thời điểm này, không rõ cơ sở trung ương có quyết định nào khác không.

Chính quyền Hà Nội không cho phép hát bài “Gia Tài Của Mẹ” của Nhạc Sĩ Trịnh Cộng Sơn là một điều dễ hiểu, mặc dù trong thời đại kỹ thuật số, với Internet, Facebook, Youtube, Instagram sự cấm đoán thông tin nói chung không còn hiệu quả nữa.

Trong ca khúc “Gia Tài Của Mẹ”, Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn bốn lần “chửi” Tầu, chửi Tây mà không hề chửi Mỹ xâm lược đến một chữ. Trịnh Công Sơn cũng không hề ca ngợi cuộc chiến “giải phóng miền Nam” của cộng sản. Lê Duẩn từng nói không úp mở “Chúng ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô và Trung Quốc.”

Trái lại, Trịnh Công Sơn coi chiến tranh Việt Nam là một cuộc nội chiến khốc liệt, dại dột, làm đất nước tan hoang. Đối với cộng sản, chiến tranh tại Việt Nam là một cuộc chiến chống xâm lăng.

Hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, một rừng xương khô
gia tài của mẹ, một núi đầy mồ.

Trịnh Công Sơn kêu gọi chấm dứt chiến tranh, quên hận thù.

Mẹ mong con chớ quên màu da
con chớ quên màu da, nước Việt xưa
mẹ mong trông con mau bước về nhà
mẹ mong con lũ con đường xa
ôi lũ con cùng cha, quên hận thù.

Sau khi chiến tranh chấm dứt, CSVN quyết tâm trả thù quân dân miền Nam, thực hiện chế độ vô sản chuyên chính trên toàn cõi Việt Nam với tin tưởng tuyệt đối rằng “Chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu. Chủ nghĩa cộng sản là tương lai tươi sáng của nhân loại.” Rồi chỉ 17 năm sau chế độ cộng sản trên toàn thế giới xụp đổ không tốn một viên đạn. Việt Nam chính thức từ bỏ chế độ XHCN cộng sản vào năm 1986 và trở thành một nước tư bản sau khi đã hi sinh hàng triệu sinh mạng để tiêu diệt nó.

Báo nhà nước đã lên tiếng chỉ trích việc Khánh Ly hát bài “Gia Tài Của Mẹ” như sau:

“Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần phải có sự kiểm duyệt chặt chẽ về nội dung của các tác phẩm nghệ thuật trước khi phát hành cũng như trình diễn trước công chúng cũng như có chế tài xử phạt mạnh tay đối với hành vi sử dụng nghệ thuật để xuyên tạc lịch sử, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.”

“Về phía ca sỹ Khánh Ly, một người từng đứng giữa “Little Sài Gòn” tuyên bố “không bao giờ về Việt Nam kiếm tiền rồi lương tâm chống cộng luôn chảy trong máu tôi”… Giờ ở cái tuổi trên bảy mươi, được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện trở về quê hương nên tập trung hát những ca khúc đúng nghĩa nghệ thuật và đừng đụng chạm gì đến lịch sử theo kiểu phiến diện vì đây là Việt Nam, là nơi lịch sử được giữ gìn, là nơi mà người Việt Nam đoàn kết đánh ngoại bang chứ không bao giờ là nội chiến.”

Theo bản tin ngày 30-6-2022 của Đài Á Châu Tự Do (RFA), Nghị Định số 144/2020/NĐ-CP của Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn, thay thế Nghị Định số 79/2012/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị Định số 15/2016/NĐ-CP, đã không còn đòi hỏi giấy phép phổ biến những ca khúc sáng tác ở miền Nam trước 1975. Việc ngăn cấm trình diễn bài “Gia Tài Của Mẹ” là vi phạm tinh thần của nghị định nói trên và ảnh hưởng đến việc hòa giải dân tộc gần nửa thế kỷ sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt.

Tuy nhiên, theo điều 10 của Nghị Định 144/2020/NĐ-CP, tổ chức biểu diễn nghệ thuật vẫn phải cần giấy phép của cơ quan có thẩm quyền của nhà nước. Đơn xin bao gồm kích bản, danh mục các tác phẩm và tác giả. Ca khúc “Gia Tài Của Mẹ” không có trong danh sách được cấp phép là trái với quy luật. Trong trường hợp này, hình phạt đối với cá nhân là 10 – 15 triệu đồng VN, và đối với tổ chức là 20 – 30 triệu đồng VN.

Nếu nội dung của chương trình biểu diễn xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phủ nhận thành tựu cách mạng, … số tiền phạt sẽ là 25 – 30 triệu đồng đối với cá nhân và 50 – 60 triệu đồng đối với tổ chức, đồng thời những người vi phạm sẽ bị cấm hoạt động biểu diễn 6 – 12 tháng. Theo truyền thông quốc doanh, nội dung bài “Gia Tài Của Mẹ” xuyên tạc lịch sử dân tộc. Hiện nay Khánh Ly vẫn còn ở Việt Nam qua đến tháng 8 để trình diễn tiếp tại Hà Nội, Saigon, Đà Nẵng. Chưa biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Tin giờ chót của báo Tiền Phong vào ngày hôm nay, 1-7-2022, cho hay sau hai lần làm việc với Sở Văn Hóa – Thể Thao – Du Lịch tỉnh Lâm Đồng, công ty Mây Lang Thang đã nhận sai lầm trong việc tổ chức cuộc trình diễn ca nhạc cho Ca Sĩ Khánh Ly tại Đà Lạt và cam kết sẽ rút kinh nghiệm không để trường hợp tương tự xẩy ra trong tương lai. Công ty Mây Lang Thang chỉ bị cảnh cáo.

Ngoài “Gia Tài Của Mẹ”, Trịnh Công Sơn còn có một số bản nhạc gây ít nhiều tranh cãi tùy theo bạn ở phe nào trong cuộc chiến Việt Nam. “Hát Cho Người Nằm Xuống” là một trong những bản nhạc này. Trịnh Công Sơn sáng tác bài này vào tháng 5, 1968 để khóc cho người bạn văn nghệ vừa nằm xuống là Đại Tá Không Quân Lưu Kim Cương, chỉ huy trưởng yếu khu Tân Sân Nhất, bị tử trận trong đợt tổng tấn công Tết Mậu Thân đợt II của cộng sản vào phi trường Tân Sân Nhất.

“Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên,
Tiễn đưa nhau trong một ngày buồn,
Đất ôm anh đưa vào cội nguồn,
Rồi từ đó, trong trời rộng, đã vắng anh,
Như cánh chim, bỏ rừng, như trái tim bỏ tình,
Nơi đây một lần, nhìn anh đến,
những xót xa đành nói cùng hư không!”

“Xin cho một người vừa nằm xuống,
thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang.”

Sau 30 tháng 4, 1975 thay vì phải đi học tập cải tạo, Trịnh Công Sơn bị đẩy đi nông trường lao động. Ngoài bài “Gia Tài Của Mẹ” nhiều Ca Khúc Da Vàng khác của ông vẫn còn bị cấm. Chiến tranh chấm dứt gần một nửa thế kỷ, vậy mà nhạc Trịnh Công Sơn vẫn bị cấm, hòa bình thực sự vẫn chưa có, chia rẽ trong nước và hải ngoại vẫn tồn tại.

GIA TÀI CỦA MẸ

Một ngàn năm nô lệ giặc tầu
một trăm năm đô hộ giặc tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, để lại cho con
gia tài của mẹ, là nước Việt buồn.

Một ngàn năm nô lệ giặc tầu
một trăm năm đô hộ giặc tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, một rừng xương khô
gia tài của mẹ, một núi đầy mồ.

Dạy cho con tiếng nói thật thà
mẹ mong con chớ quên màu da
con chớ quên màu da, nước Việt xưa
mẹ mong trông con mau bước về nhà
mẹ mong con lũ con đường xa
ôi lũ con cùng cha, quên hận thù.

Một ngàn năm nô lệ giặc tầu
một trăm năm đô hộ giặc tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, ruộng đồng khô khan
gia tài của mẹ, nhà cháy từng hàng.

Một ngàn năm nô lệ giặc tầu
một trăm năm đô hộ giặc tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, một bọn lai căng
gia tài của mẹ, một lũ bội tình.