Mục lục
‚Cần thận trọng khi bình luận về đàn ông‘
- PGS.TS Nguyễn Phương Mai
- ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan
Việc hai nghệ sĩ Việt Nam bị tố hiếp dâm ở Tây Ban Nha, chúng ta có lẽ không nên kết tội vội vàng, với cả hai anh lẫn cô gái liên quan.
Tuy nhiên, điều đáng sợ nhất là những phát ngôn của một số người làm nghệ thuật cho rằng “đàn ông mà không chơi gái mới là lạ” (ca sĩ Pha Lê) và “đi Tây đàn ông nào chẳng muốn thử dâu ngô” (NSƯT Kiều Thanh).
Nếu là một người đàn ông văn minh, hiếm ai có thể thấy những phát ngôn trên ổn thoả.
Trước hết, đó là cách vơ đũa cả nắm, gộp mấy chục triệu đàn ông Việt Nam vào một rọ. Phát ngôn ấy cho rằng sự lang chạ, ngoại tình, ăn vụng bên ngoài, đi tìm của lạ là một phần bản chất của tất cả đàn ông. Ai không có chắc có lẽ không phải đàn ông đích thực.
Đó cũng là tư tưởng coi thường đàn ông, đặt họ ở tầm bản năng thay vì bản lĩnh, nhìn họ như những con đực đói sex.
Nó gạt ra ngoài những người đàn ông văn minh, chung thủy, những người đàn ông theo đuổi những giá trị khác biệt hơn là sự phồn thực nông nổi của thịt da.
Nó cũng gạt ra ngoài những người đàn ông trưởng thành, chín chắn, có lý trí, có khả năng kiểm soát bản thân, biết nhìn nhận ham muốn nhưng cũng biết điểm dừng để tôn trọng chính mình và những người mình yêu thương.
Là con người, chúng ta ai cũng có những góc khuất, những ý nghĩ tội lỗi, những khi phần “con” chiến thắng phần “người”.
Cái sự chịch dạo, trà xanh tiểu tam hay đi tìm của lạ cũng vậy. Một khi không có sự đồng thuận của bạn tình hay vợ chồng thì đó là sự lừa dối. Mà lừa dối là sai.
Ta có thể lắng nghe, thấu hiểu, cảm thông. Đôi khi ta thậm chí có thể im lặng và che giấu cho một người lang chạ. Ta làm được bởi ta hiểu mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Bởi ta hiểu những lắt léo của mỗi phận người. Bởi ta hiểu chính ta cũng sẽ có lúc yếu lòng hoặc lầm lỗi.
Bởi ta biết không ai là hoàn hảo.
Nhưng sai vẫn là sai.
Ta không nên biến sai thành đúng, biến đen thành trắng, bình thường hoá chuyện lang chạ, bình thường hoá chuyện lừa dối, đổi màu cái sự chịch dạo (việc quan hệ tình dục với bất cứ đối tượng nào mà họ gặp), thử của lạ và gian dâm thành một nét văn hoá (đàn ông), đổi màu sự bê tha, buông thả thành bản chất giống loài (đàn ông), đánh tráo khái niệm để định nghĩa lại thế nào là con người có lý trí.
Một cách dễ dàng để nhìn ra định kiến giới là #hoandoigioitinh. Thử hỏi có nghệ sĩ nổi tiếng nào dám tuyên bố rằng chịch dạo là văn hóa của đàn bà? Rằng phụ nữ ở nhà ăn khoai lang mãi cũng chán nên đi nước ngoài bà nào chả muốn thử khoai tây? Thử hỏi có ai hạ thấp lý trí và bản lĩnh của phụ nữ như vậy không?
Đàn ông cũng là người. Bản chất của chữ “đàn ông” không nhất thiết phải là xấu xí. Họ xứng đáng được tôn trọng và đánh giá theo một thang điểm công bằng và văn minh hơn.
Những phát ngôn như trên không những coi thường đàn ông mà còn làm hại chính phụ nữ.
Nó gián tiếp biến phụ nữ thành nạn nhân. Nếu bị tấn công tình dục, họ là người phải chịu trách nhiệm vì không bảo vệ được mình. Họ sẽ bị đổ lỗi cho nạn nhân. Ví dụ: đã biết đàn ông ai cũng chơi gái rồi mà sao mày lại ăn mặc hở hang, đồng ý đi cùng, đồng ý nói chuyện? Bị hiếp là đáng.
Việc bình thường hóa tội gian dâm của đàn ông biến các bà vợ thành nạn nhân tiềm năng. Họ chỉ có thể chịu đựng mà không thể lên tiếng, vì đàn ông ai chả thế?
Bài viết thể hiện văn phong và cách hành văn của tác giả, giảng viên ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan. Bài viết đã được tác giả đăng trên Facebook cá nhân.
Luận vài quan điểm về giá trị sống
Lê Học Lãnh Vân
Văn Việt
Tôi không muốn nhắc tới hai nghệ sĩ có chuyện kẹt bên xứ Tây Ban Nha bởi vì thực lòng tôi thương họ, cũng như thương tôi! Khi tự nhìn lại mình, nếu không có gì kềm chế, biết mình có không phạm lỗi không.
Trang bị kiến thức về pháp luật, về cách sống, cách tổ chức xã hội cùng thói quen ứng xã hội ở những xứ khác nhau trên thế giới là một cách giữ mình hiệu quả.
Ngoài luật thành văn, đạo đức, giá trị sống cốt lõi tốt đẹp, cao thượng giúp vào xây dựng mối quan hệ con người với con người bền vững. Thông cảm với các cá nhân phạm lỗi là cần thiết cho tinh thần nhân ái, nhưng cũng cần có quan điểm đạo đức rõ ràng để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Thật buồn khi thấy tội lỗi được bao che, dung túng, thậm chí khuyến khích…
Khi thông tin về sự việc xảy ra được lan truyền rộng rãi, thái độ nhiều người chọn là im lặng chờ mọi việc được điều tra rõ ràng. Nhưng có những tuyên bố bài viết này cho rằng không đúng…
“Thử của lạ khi đi ra nước ngoài là văn hoá đàn ông”. Nếu phát biểu đó phản ánh một phần thực tế có thể thông cảm thì lại không chính xác: “thử của lạ” là một đòi hỏi, một ham muốn chứ không phải là một văn hoá. Ham muốn “thử của lạ” nghiêng về bản năng chứ không phải là văn hoá!
Văn hoá “hiểu theo nghĩa rộng trong dân tộc học là một tổng thể phức hợp gồm kiến thức, đức tin, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục, và bất cứ những khả năng, tập quán nào mà con người thu nhận được với tư cách là một thành viên của xã hội”. Trong tiến trình phát triển của loài người, văn hoá phát triển song hành với phát triển sinh học và phát triển xã hội con người. Càng phát triển, con người càng tạo cho mình một môi trường xã hội sống khác với môi trường hoang dã, trong xã hội đó bản năng dần dần được thay thế bằng văn hoá.
Ham muốn “thử của lạ” không được xã hội hiện nay đồng tình, nhất là đối với người đang có gia đình. Do đó, không thể lầm lẫn khái niệm để biến một ham muốn bản năng có thể được tha thứ thành một văn hoá đáng được xiển dương!
Ngoài ra còn phải kể tới điều rất quan trọng nữa. Cách thức tìm nơi hợp pháp thuận mua vừa bán để thoả mãn “ham của lạ” sẽ rất khác với cưỡng hiếp là xâm phạm tự do thân thể người khác. Đây là vi phạm nghiêm trọng pháp luật và đạo đức mà nếu toà án thấy có đủ chứng cớ kết tội thì chắc chắn một xã hội tôn trọng con người khó dung thứ!
Lại có tuyên bố rằng “tôi bênh các bạn tôi đấy, tôi bênh đồng nghiệp của tôi đấy. Thì sao? Các bạn tôi làm đúng tôi cũng bênh, làm sai tôi cũng bênh, bênh ngu tôi cũng bênh đấy”. Tình bạn đó đáng cảm động, nhưng không nên “làm sai tôi cũng bênh” vì điều này đã vượt khỏi phạm vi tình bạn lành mạnh!
Tình bạn lành mạnh là cùng nhìn về một hướng, giúp nhau khi hoạn nạn, chỉ đường đúng khi bạn sai lầm, chỉ đường sáng khi bạn u tối… Tình bạn lành mạnh như thế mới là tình bạn bền lâu!
Lập luận của phát biểu “làm sai cũng bênh” có cơ sở rằng “Tất cả chúng ta đều là những con người không hoàn hảo sống trong một thế giới không hoàn hảo”. Nghe phảng phất hương vị hiện sinh, thiệt ra chỉ là nói vòng vo phức tạp chứ không giản dị nhìn thẳng về cách sống có trách nhiệm: xã hội không hoàn hảo thì các người sống trong xã hội nên góp phần cải tiến! Có bao nhiêu cách góp phần đầy thiện chí, an hoà!
Việc “làm sai cũng bênh” không chỉ làm xấu ý nghĩa tình bạn, mà còn cho thấy một sự suy thoái đạo đức xã hội, công nhiên thách thức các giá trị sống cốt lõi cao đẹp của nhân loại cũng như của truyền thống dân tộc. Như đã nói trên, trong xã hội văn minh, bản năng dần dần được thay thế bằng văn hoá. “Làm sai cũng bênh” là kiểu tình bạn có tính “về hùa”, khác với tình bạn có tính cao đẹp thực lòng hỗ trợ, khuyên bảo, san sẻ nhau các giá trị văn hoá!
Ngày 04 tháng 7 năm 2022