Seite auswählen

„Việt Nam đã “được thống nhất!” gần 50 năm, tại sao người Việt không ở lại trong nước để hưởng “thái bình?” do csVN “dựng” lên mà người Việt đành phải lìa xa Quê Mẹ để trở thành “bọn lai căng” và “lũ bội tình” – đúng như lời tiên đoán của Trịnh Công Sơn?“

 

ĐIỆP MỸ LINH

(Tạp ghi)

Trong khi tìm tin tức hằng ngày, tôi thấy tin trên BBC ngày 25/06/2022, cập nhật ngày 01/07/2022, viết về sự quả cảm và đám tang của “thượng úy” Nguyễn Văn Minh, 27 tuổi, thuộc lực lượng Vệ Binh Quốc Gia Ukraine, hy sinh tại chiến trường Donbas, Ukraine, ngày 26/05/2022. Tôi rất xúc động, cúi mặt, thầm cầu nguyện cho Hương Linh của “thượng úy” Nguyễn Văn Minh được siêu thoát.

Tôi cảm phục bà Phạm Thị Sao – Mẹ của tử sĩ Nguyễn Văn Minh – đã nuôi dạy con theo châm ngôn của người Việt: “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”. Dù bà Phạm Thị Sao định cư tại Ukraine dưới bất cứ hình thức nào thì Ukraine vẫn là Quê Hương thứ hai của Bà. Con của Bà chiến đấu để bảo vệ Quê Hương thứ hai của Mẹ con Bà trước sự xâm lăng đầy man rợ của Nga là điều rất đáng khâm phục!

Để tôn vinh sự hy sinh cao cả của một thanh niên Việt Nam trong cuộc chiến chống Nga, ông Oleksandr Gaman – Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Ukraine tại Việt Nam – viết: “Hôm nay, chúng ta nói lời vĩnh biệt với Nguyễn Văn Minh, người con của Cha Mẹ Việt Nam và cũng là con của đất nước Ukraine. Anh ấy 27 tuổi và sẽ luôn ở tuổi 27… Niềm tự hào cho Ukraine!

Vinh quang cho các anh hùng!” (1)

 

Tôi cũng thấy trên facebook chính thức của sứ quán Ukraine tại Hà Nội đăng tin: “Nguyễn Văn Minh, một người Ukraine gốc Việt, đã hy sinh vào ngày 26/5/2022 trong khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”.

 

Đại diện Cộng Đồng người Việt tại Kharkiv – ông Nguyễn Tiến Lợi – phát biểu: “Cộng đồng Việt Nam tại thành phố Kharkiv và toàn UKraine chia sẻ đau thương và tự hào về tinh thần quả cảm và lý trí của liệt sỹ Nguyễn Văn Minh. Đối với chúng tôi, anh ấy thật sự là một Anh hùng! Nguyễn Văn Minh đã ra đi, nhưng anh ấy sẽ luôn sống mãi trong trái tim của chúng tôi!” (2)

 

Đại diện Học Viện Vệ Binh quốc gia Kharkiv, đơn vị, bạn hữu, đồng đội của “thượng úy” Nguyễn Văn Minh cũng đến chia buồn với bà Mẹ đau khổ Phạm Thị Sao!

 

Tôi cố ý tìm xem nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam (csVN) nghĩ gì và nhận xét như thế nào về sự hy sinh cao cả của “thượng úy” Nguyễn Văn Minh, nhưng tìm không ra!

 

Trong khi tất cả cơ quan truyền thông trên internet đều không có bất cứ lời phát biểu nào của tòa đại sứ Việt Nam tại Ukraine hoặc là của nhà cầm quyền csVN về sự hy sinh của “thượng úy” Nguyễn Văn Minh, tôi lại thấy tin ban tổ chức của chương trình ca sĩ Khánh Ly lưu diễn tại Việt Nam bị “rắc rối” khi Khánh Ly hát ca khúc Gia Tài Của Mẹ của Trịnh Công Sơn; vì bài hát này không có trong danh sách đã được nhà cầm quyền csVN cấp giấy phép.

 

Tôi hiểu, vì Nga đã rất đắc lực viện trợ vũ khí tối tân cho csVN để csVN xâm lược và cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, 1975, cho nên, csVN không dám tỏ lòng nhân đạo hoặc tình đồng chủng đối với “thượng úy” Nguyễn Văn Minh – một người Việt chống Nga!

 

Nhưng, tôi không hiểu, tại sao ca khúc Gia Tài Của Mẹ của Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ phản chiến, trốn quân dịch, sống và sáng tác tại miền Nam Việt Nam mà ca khúc đó đã được phổ biến rất rộng rãi tại miền Nam Việt Nam suốt bao nhiêu năm dài; thế mà bây giờ, sau gần nửa thế kỷ csVN cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, người csVN cũng vẫn còn … sợ cho đến độ phải gây “rắc rối” cho ban tổ chức sau khi Khánh Ly trình bày ca khúc đó?

 

Qua hai sự việc nêu trên, chúng ta thấy, Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) chẳng dùng khẩu hiệu nào cả, nhưng sự Tự Do, Dân Chủ dưới chính thể VNCH đã được thể hiện và tôn trọng một cách công bằng.

 

Còn người csVN, lúc nào cũng hô vang lời của ông Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, nhưng, trước sự hy sinh dũng cảm của một thanh niên Việt Nam đã thể hiện tinh thần Tự Do của một công dân để bảo vệ sự độc lập của Ukraine – quê hương thứ hai của anh ấy – chống lại quân Nga xâm lược vào Ukraine, thì người csVN lại cố tình “lờ” đi; rồi xoay sang “kiếm chuyện” với ca sĩ Khánh Ly về một ca khúc xưa mà ai cũng ưa thích; vì lời ca diễn đạt được tất cả nỗi đau trên Quê Mẹ tan thương!

 

Viết đến đây, tôi muốn nhớ lại lời ca của bài Gia Tài Của Mẹ xem câu nào trong bài đó làm cho người csVN bị “dị ứng”; nhưng, lâu quá không đàn, không hát, tôi không thể nhớ được, phải tìm trên internet!

 

Trong khi truy tìm, vô tình tôi thấy trên báo Lao Động, ngày 01/07/2022 @ 15:49 GMC + 7, bài của Phương Nhiên. Ông Trần Thanh Hoài – Phó Giám đốc Sở VHTTDL Lâm Đồng – xác định như thế này: ‘…việc Sở mời đơn vị tổ chức đêm nhạc Khánh Ly lên làm việc là để làm rõ việc hát bài hát ngoài danh mục đã đăng ký, không liên quan gì đến nội dung cũng như việc bài hát Gia Tài Của Mẹ…’” 

 

Tin được không?

 

Muốn xác định câu nói của ông Trần Thanh Hoài, tôi mở bài Gia Tài Của Mẹ để xem lời ca. Thấy câu đầu tiên tôi thoáng giật mình:

“Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu…”

Hỡi vong linh ông Trịnh Công Sơn! Khi còn tại thế, hẳn Ông đã biết, suốt cuộc chiến, từ 1954-1975, Trung cộng đã dốc toàn lực đưa vũ khí hạng nặng và cố vấn Trung cộng vào Bắc Việt để giúp csVN xâm lăng miền Nam Việt Nam mà Ông gọi Trung cộng là “giặc Tàu” thì làm thế nào người csVN có thể chấp nhận được!

 

Xin trích hai câu ở phân đoạn thứ hai để quý độc giả thấy rõ vì sao csVN lại “dị ứng” với ca khúc Gia Tài Của Mẹ:

 

“…Gia tài của mẹ một rừng xương khô
Gia tài của mẹ một núi đầу mồ.”

 

Trong cuộc xâm lăng miền Nam Việt Nam, csVN đã “xẻ” Trường Sơn, thề “sinh Bắc tử Nam”; nhưng bị Quân Lực VNCH chống trả mãnh liệt, quân của csVN chết như…kiến!

 

Những cuộc hành quân quy mô của các quân binh chủng khác, thuộc Quân Lực VNCH, tôi chỉ nghe em hoặc bạn tôi kể lại chứ tôi không thấy, không biết, tôi không dám lạm bàn. Riêng về những cuộc hành quân hỗn hợp của Hải Quân VNCH hoặc  những khi Giang Đoàn Xung Phong giải cứu các đồn Nghĩa Quân dọc bờ sông, do Việt cộng – tiền thân của csVN – dùng chiến thuật “biển người” hoặc “tiền pháo hậu xung” để tấn công, tôi biết rõ; vì tôi từng tháp tùng.

 

Giang Đoàn thường hành quân hoặc chuyển quân vào ban ngày. Việt cộng thường phục kích tại những khúc sông hẹp hoặc những khúc quanh ngặc. Khi đoàn chiến đỉnh giang hành qua những đoạn sông đó thế nào cũng bị Việt cộng dùng B41/B41 bắn trực xạ; thường nhắm vào chiếc Commandement (chiến đỉnh chỉ huy); vì chiến đỉnh này gắn nhiều “ăng-ten” và súng cối.

 

Khi nào cũng vậy, bị Việt cộng bắn lén, đoàn chiến đỉnh cũng “ủi” thẳng vào nơi phát ra tiếng B-40/B41 rồi phản công một cách dữ dội. Việt cộng “chém vè”, nhưng vẫn bị súng cối và súng máy từ chiến đỉnh bắn theo. Chỉ có Trời mới biết được bao nhiêu Việt cộng đã gục ngã!

 

Những lần tiếp cứu các đồn Nghĩa Quân cạnh bờ sông, thường xảy ra vào ban đêm. Khi đến gần đồn, đoàn chiến đỉnh bắn hỏa châu soi sáng cả vùng. Tôi thấy nón tai bèo hoặc đầu người cứ “lố nhố”, nhấp nhô, nhấp nhô xa dần bờ sông. Nhưng, sau vài phát súng cối hoặc vài tràng súng máy từ chiếc Commandement, chiếc Monitor Combat và hai chiếc Foms, đám người “lố nhố” đó gục ngã như sung rụng!

 

Bộ đội, đặc công và du kích của “ông Hồ” chết nhiều như thế, csVN giấu không hết mà ông Trịnh Công Sơn lại viết ra rõ ràng “một rừng xương khô”, “một núi đầy mồ” thì csVN “dị ứng” là đúng rồi!

 

Và ba câu kế tiếp:

 

“… Mẹ trông con mau bước về nhà,

Mẹ mong con lũ con đường xa

Ôi lũ con cùng Cha quên hận thù!…”

 

Có phải ba câu trên đây Trịnh Công Sơn đã thiết tha kêu gọi đoàn quân csVN khát máu đang cố vượt Trường Sơn xâm lăng miền Nam hãy “mau bước về nhà” – trở về Bắc Việt – đừng gây hận thù nữa hay không?

 

Và, qua hai câu cuối của ca khúc Gia Tài Của Mẹ, tôi nhận thấy, Trịnh Công Sơn không những là một nhạc sĩ tài hoa, một nhân vật trốn quân dịch rất … “kiệt xuất” mà còn là một… “nhà tiên tri lỗi lạc”.

 

Nếu không phải là “nhà tiên tri lỗi lạc” thì làm thế nào – từ hơn nửa thế kỷ trước –

Trịnh Công Sơn đã tiên đoán được những điều sẽ xảy ra cho dân tộc Việt Nam nếu csVN chiếm được miền Nam? Sự tiên đoán đó được diễn đạt rất rõ nét trong hai câu này:

 

“…Gia tài của Mẹ một bọn lai căng
Gia tài của Mẹ một lũ bội tình.”

Dưới chính thể VNCH, những gia đình nghèo khó, người con gái phải hy sinh, làm trong các quán “bars” – nơi quân nhân Hoa Kỳ thường đến giải khuây – để giúp em ăn học hoặc giúp Mẹ nuôi em; vì Cha đã tử trận. Vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn như thế, những thiếu nữ và phụ nữ kém may mắn này nói tiếng Anh rất khó hiểu mà người nghe lại vui, nhưng, vì lịch sự, không dám cười. Tỷ dụ: “Không sao đâu”, họ nói “No star where”; thăm hỏi nhau: “Anh/chị sao rồi?”, họ hỏi “You star ready?” v.v… Thế mà lính Mỹ cũng hiểu và những thiếu nữ, phụ nữ đáng thương này nuôi sống được gia đình và báo hiếu được công Cha, nghĩa Mẹ.

 

Điều đáng thương hơn nữa nơi những thiếu phụ vì hoàn cảnh phải lấy Mỹ, là, khi Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, năm 1973, đa số phụ nữ lấy Mỹ đã không rời bỏ quê nghèo để theo chồng về Mỹ. Vì họ không chịu rời Quê Hương sang Mỹ, cho nên, con lai của họ cũng phải ở lại Việt Nam – để nhận không biết bao nhiêu đắng cay từ bạn hữu và người Việt cao tuổi!

 

Vì tinh thần yêu Quê Hương cao độ của những thiếu phụ miền Nam lấy Mỹ, mà, năm 1987, Hoa Kỳ phải đưa ra đạo luật Amerasian Home Coming Act, để đem về Mỹ gần 30.000 trẻ em Việt Nam lai Mỹ và gia đình của các em. (3)

 

Những điều nêu trên chứng minh rằng: Người Việt sống dưới chính thể VNCH không hề “lai căng”, không hề “bội tình” đối với Quê Hương Việt Nam.

 

Ngược lại, từ sau ngày csVN chiếm được miền Nam Việt Nam, cả triệu người Việt liều chết vượt biển hoặc vượt biên giới bằng đường bộ; sau đó, không biết bao nhiêu gia đình phải thế chấp tài sản để con của họ được xuất cảnh lao động, rồi ở lại luôn, không về! Không biết bao nhiêu thiếu nữ và phụ nữ Việt Nam chạy theo bất cứ người đàn ông ngoại quốc hoặc người đàn ông Á Đông nào có dáng vẻ “sang chảnh” như Việt Kiều – già mấy cũng được – thì “xáp” đến, “bám” ông ấy như… đĩa, với hy vọng được làm vợ ông ấy để thoát khỏi “thiên đường” csVN! Không biết bao nhiêu gia đình đại gia, ngày trước Cha, Chú, Bác, anh, em xẻ Trường Sơn đánh Mỹ “kíu” nước, bây giờ “tuồn” qua Mỹ, “đông như quân Nguyên”! (4)

 

Việt Nam đã “được thống nhất!” gần 50 năm, tại sao người Việt không ở lại trong nước để hưởng “thái bình?” do csVN “dựng” lên mà người Việt đành phải lìa xa Quê Mẹ để trở thành “bọn lai căng” và “lũ bội tình” – đúng như lời tiên đoán của Trịnh Công Sơn?

 

Câu hỏi này chỉ người Việt – không cộng sản – trong nước, mới có thể trả lời một cách thật lòng và chính xác!

 

 

ĐIỆP MỸ LINH

https://www.diepmylinh.com

*.- nh trên internet.

1&2.- Bản tin cùng ngày/BBC.

3.- Thanh Trúc/RFA ngày 09/05/2015.

4.- Từ một bài báo trong nước. Sorry, tôi không nhớ tên tác giả/tên báo điện tử đó.