Seite auswählen
Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi nổi tiếng là người cứng rắn với Trung Quốc. Trong nhiệm kỳ của bà, Quốc Hội Mỹ đã thông ra nhiều đạo luật khiến Trung Quốc mất ăn mất ngủ. Và bây giờ bà sẽ đến Đài Loan, một chuyến đi mà Trung Quốc dọa sẽ phản ứng mạnh. Ảnh: Chủ tịch Pelosi lên tiếng trước Quốc Hội Mỹ hôm 3 Tháng Hai 2022 bảo vệ các nhà bất đồng chính kiến Hong Kong đang bị Trung Quốc đàn áp (trong hình là Jimmy Lai, Joshua Wong và Benny Tai). Ảnh Alex Wong/Getty Images.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi sẽ đến thăm Đài Loan, các cuộc họp được lên lịch với các quan chức chính phủ trên hòn đảo tự trị mà Trung Quốc tuyên bố là của riêng họ, làm dấy lên viễn cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Báo The Wall Street Journal cho biết, những người mà bà Pelosi dự định gặp ở Đài Loan đã được thông báo; một số cuộc họp đã được lên lịch vào tối thứ Ba, nhưng hầu hết được ấn định vào thứ Tư. “Bà ấy chắc chắn sẽ đến nhưng không rõ bà ấy có qua đêm ở Đài Bắc hay không,” một quan chức am hiểu vấn đề nói với tờ báo.

Chuyến đi gần như chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh tức giận. Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo về chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi và đe dọa có các biện pháp đối phó không xác định nếu chuyến thăm diễn ra, trong khi Tòa Bạch Ốc kêu gọi bình tĩnh.

Bà Pelosi đã đến Singapore hôm thứ Hai để bắt đầu chuyến công du châu Á. Hôm thứ Hai, bà Pelosi và bốn thành viên đảng Dân Chủ của Quốc Hội Hoa Kỳ đã gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Singapore. Bà Pelosi sau đó xuất hiện trong một buổi tiệc chiêu đãi với giới kinh doanh Mỹ nhưng không trả lời các câu hỏi của báo chí.

Chuyến đi của phái đoàn bao gồm các cuộc họp cấp cao ở Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc, theo một tuyên bố do văn phòng của bà Pelosi đưa ra vào Chủ Nhật. Thông báo không đề cập đến Đài Loan.

Mặc dù vậy, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Hai 1 Tháng Tám đã lặp lại những lời đe dọa trước đó, cảnh báo bà Pelosi không được ghé thăm Đài Loan. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) nói trong một cuộc họp báo hàng ngày rằng quân đội Trung Quốc “sẽ không ngồi yên” nếu bà Pelosi thực hiện chuyến thăm. Ông ta không nói rõ về những hành động mà Trung Quốc có thể làm.

Trong cuộc điện đàm tuần trước giữa nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Tổng thống Joe Biden rằng Trung Quốc sẽ bảo vệ chủ quyền quốc gia, mô tả đó là “ý chí không khuất phục của 1.4 tỷ người Trung Quốc”. “Những người nghịch lửa sẽ chết vì lửa,” ông Triệu nói vào tuần trước về cuộc điện thoại của Tập và Biden. 

Về phần mình, ông Biden nói với nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan không thay đổi và Washington phản đối những thay đổi đơn phương đối với hiện trạng. “Ông Biden không tìm một cuộc chiến tranh với Trung Quốc vì Đài Loan ngay lúc này,” chuyên gia Ryan Hass của Viện Brookings, nhận định.

Sáng nay thứ Hai, bà Saloni Sharma, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nói: “Một Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ đã đến thăm Đài Loan trước đây mà không xảy ra sự cố, cũng như nhiều thành viên Quốc Hội trong những năm qua, kể cả năm nay đã có những chuyến thăm như vậy. Không có lý do gì để Bắc Kinh biến một chuyến thăm phù hợp với chính sách lâu đời của Hoa Kỳ thành một cuộc khủng hoảng hoặc xung đột nào đó”. Cựu Chủ tịch Hạ Viện, Dân biểu Newt Gingrich thuộc đảng Cộng Hòa, đã đến thăm Đài Loan năm 1997. Một phái đoàn các nghị sĩ lưỡng đảng của Quốc Hội Mỹ cũng đã đến Đài Loan hồi tháng Tư năm nay; Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi lẽ ra đã dẫn đầu phái đoàn đó nhưng bà phải hoãn chuyến đi do bị nhiễm Covid-19.

Chính quyền Biden không hài lòng nếu phái đoàn của bà Pelosi ghé thăm Đài Loan, nhưng nếu phái đoàn Hạ Viện từ bỏ điểm dừng đó, các nhà lập pháp đảng Cộng Hòa sẽ sẵn sàng chỉ trích đảng Dân Chủ vì nhu nhược trước đe dọa của Trung Quốc, nhưng nếu bà tiếp tục chuyến thăm, căng thẳng vốn đã gay gắt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ dự kiến ​​sẽ leo thang hơn nữa.

 

 

Quân đội Đài Loan tập trận chống đổ bộ trong cuộc tập trận thường niên Hàn Quang (Han Kuang) diễn ra từ ngày 28 Tháng Bảy 2022 và kéo dài năm ngày, trùng với thời gian chuyến thăm của Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi và căng thẳng với Trung Quốc gia tăng. Ảnh Annabelle Chih/Getty Images

Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của Trung Quốc và tuyên bố sẽ sử dụng vũ lực để chiếm hòn đảo dân chủ, một đối tác lâu đời của Hoa Kỳ.

Hôm nay thứ Hai 1 Tháng Tám, Trung Quốc kỷ niệm 95 năm ngày thành lập quân đội, mà Bắc Kinh gọi là Quân Giải phóng Nhân dân (PLA). Hôm thứ Bảy, truyền hình nhà nước Trung Quốc chiếu cảnh hạm đội hải quân Trung Quốc bắn đạn thật ở Biển Đông, một trong số các cuộc tập trận được thực hiện trong tuần qua. Một trong những cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc đã được tiến hành ở vùng biển gần đảo Bình Đàm (Pingtan) ngoài khơi tỉnh Phúc Kiến đối diện với Đài Loan và chỉ cách Đài Loan 80 dặm. Cuộc tập trận dự kiến sẽ kéo dài đến hết ngày thứ Tư, 3 Tháng Tám. Hôm Chủ Nhật, người phát ngôn Không quân Trung Quốc Thẩm Kim Khoa (Shen Jinke) được truyền thông nhà nước dẫn lời nói rằng không quân Trung Quốc có nhiều loại máy bay chiến đấu có khả năng tấn công đảo Đài Loan.

Trong khi đó nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Hạm đội Bảy đã tiến vào Biển Đông, cận kề đảo Đài Loan, dường như để hộ tống hoặc bảo đảm an toàn cho chuyến công du của bà Chủ tịch Hạ Viện và sẵn sàng ứng phó với các hành động gây hấn của Trung Quốc.

Tình hình khu vực rất căng thẳng nhưng các nhà quan sát chính trị nói rằng sẽ không có xung đột quân sự. “Chắc chắn là Trung Quốc sẽ phản ứng rất mạnh nhưng sẽ không để tình hình vượt ra ngoài tầm kiểm soát”, giáo sư Trình Đinh Đinh (Cheng Dingding), khoa Quan hệ Quốc tế trường đại học Tế Nam nói với báo The New York Times.  

Chuyên gia Bonnie S. Glaser, Giám đốc chương trình châu Á của Quỹ Marshall Đức ở Mỹ, nhận định, dù ông Tập Cận Bình không muốn gây ra một cuộc xung đột, nhưng “nếu phi cơ của PLA xâm nhập không phận Đài Loan thì một sự cố có thể xảy ra dù ông Tập có muốn hay không”.

Trong khi đó, tại Đài Bắc hôm thứ Hai, Thủ tướng Đài Loan Tô Tăng Xương (Su Tseng-chang) không trả lời trực tiếp khi được hỏi liệu Đài Loan có chuẩn bị cho chuyến thăm của bà Pelosi hay không. “Chúng tôi luôn chào đón nồng nhiệt các vị khách nước ngoài đến thăm đất nước chúng tôi. Tất nhiên, chúng tôi tôn trọng kế hoạch riêng của khách,” ông Tô nói.

Ông Quách Ngọc Trân (Kuo Yu-jen), giáo sư khoa chính trị trường đại học Quốc gia Tôn Dật Tiên ở Đài Loan nói rằng, đến lúc này ông không thấy có dấu hiệu Trung Quốc sẽ thực hiện các chiến dịch quân sự lớn, nhưng “Nếu Trung Quốc phản ứng quá đang, kích động các biện pháp trả đũa của Hoa Kỳ, Nhật Bản thì ông Tập Cận Bình sẽ mất nhiều hơn được”, báo NYT tường thuật.

Nhiều chuyên gia tin rằng cho dù bà Chủ tịch Pelosi hủy bỏ chuyến thăm, hoặc chuyến thăm Đài Loan của bà diễn ra suôn sẻ, không gây khủng hoảng thì tình hình căng thẳng ngày càng leo thang giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về tương lại của hòn đảo sẽ làm cho xung đột giữa hai nước càng ngày càng dễ xảy ra trong tương lai.

 

Bà Nancy Pelosi ‘sẽ thăm Đài Loan’ bất chấp cảnh báo từ TQ

BBC
Nancy Pelosy

GETTY IMAGES

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi sẽ đến thăm Đài Loan vào thứ Ba (2/8), nhiều báo cáo khác nhau cho biết.

Điểm dừng chân tại Đài Loan (nếu có) – lần đầu tiên của một Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ sau 25 năm – hiện không nằm trong lộ trình công khai của bà Pelosi, và được thực hiện vào thời điểm quan hệ Mỹ-Trung đang không mấy tốt đẹp.

Nhiều hãng tin Đài Loan và Mỹ đưa tin về chuyến thăm Đài Bắc của bà Pelosi, dự kiến vào tối 2/8. Nhưng chính quyền Mỹ chưa xác nhận điều này.

Bà Pelosi hiện đang công du châu Á với các điểm dừng chân đã được lên lịch gồm Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trung Quốc cảnh báo rằng quân đội của họ sẽ không bao giờ “để yên” nếu bà Pelosi đến thăm hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, Reuters cho hay sau khi ba nguồn tin nói bà Pelosi sẽ thăm Đài Loan đêm 2/8.

Đáp lại, Hoa Kỳ cho biết họ sẽ không nao núng bởi những lời đe dọa của Trung Quốc.

Trang Liberty Times của Đài Loan cho biết bà Pelosi dự kiến đến hòn đảo này vào tối thứ Ba (2/8) sau đó thăm Quốc hội Đài Loan vào sáng thứ Tư (3/8) trước khi tiếp tục chuyến công du châu Á vốn bắt đầu vào thứ Hai (1/8) tại Singapore. Reuters không thể xác nhận ngay các báo cáo này.

Tờ Financial Times cho biết bà sẽ gặp Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm 3/8 tại Đài Bắc.

Hãng tin EBC của Đài Loan cho biết bà Pelosi sẽ đến Đài Bắc sau 10 giờ tối thứ Ba và nghỉ tại khách sạn Grand Hyatt Đài Bắc. Bà sẽ rời đảo vào chiều thứ Tư, sau khi gặp bà Thái Anh Văn.

Cả CNN và TVBS của Đài Loan đều trích dẫn các nguồn tin giấu tên vào hôm thứ Hai rằng bà Pelosi thực sự có kế hoạch đưa Đài Loan vào chuyến công du châu Á của mình.

Một quan chức Đài Loan nói với CNN rằng bà Pelosi dự kiến sẽ ở lại Đài Loan qua đêm. Nhưng hiện vẫn chưa rõ chính xác khi nào bà sẽ hạ cánh xuống Đài Bắc.

Quan chức Mỹ nói với CNN rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đang làm việc cật lực để theo dõi bất kỳ động thái nào của Trung Quốc trong khu vực và lên phương án đảm bảo an toàn cho bà Pelosi.

Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết họ không có bình luận gì về các báo cáo về kế hoạch chuyến công du của bà Pelosi.

Speaker Pelosi unveils a statue of the 'Tank Man' from Tiananmen Square at a rally with Chinese dissidents in 2019

GETTY IMAGES Bà Pelosi bên bức tượng ‘Tank Man’ từ Quảng trường Thiên An Môn tại một cuộc gặp gỡ với những người bất đồng chính kiến ở Trung Quốc vào năm 2019

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết hôm thứ Hai rằng chuyến thăm Đài Loan, nếu có, của bà Pelosi sẽ hoàn toàn do bà quyết định. Ông cũng kêu gọi Trung Quốc không leo thang căng thẳng trong trường hợp có chuyến thăm, theo The Straits Times.

“Nếu Chủ tịch Hạ viện Mỹ quyết định đến thăm Đài Loan và Trung Quốc cố gắng tạo khủng hoảng hoặc leo thang căng thẳng thì điều đó hoàn toàn là quyết định của Bắc Kinh,” ông Blinken nói sau cuộc đàm phán về việc không phổ biến hạt nhân tại Liên Hiệp Quốc.

“Chúng tôi kỳ vọng (Trung Quốc) – trong trường hợp bà Pelosy quyết định đến thăm Đài Loan – hành động có trách nhiệm và không tham gia vào bất kỳ hành động leo thang nào trong tương lai.”

Đầu tháng này, bà Pelosi nói rằng “điều quan trọng là chúng ta phải thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Loan”.

Ban đầu bà dự định đến thăm Đài Loan vào tháng Tư, nhưng đã hoãn chuyến đi sau khi có kết quả dương tính với Covid-19.

Tổng thống Joe Biden cho biết quân đội Mỹ tin rằng chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi “không phải là một ý tưởng hay vào lúc này”.

Trung Quốc đưa máy bay, tàu tuần tra tới eo biển Đài Loan

Sáng 2/8, tờ Hoàn Cầu Thời Báo cho biết tàu Hải tuần 06, tàu tuần dương lớn nhất đầu tiên của Trung Quốc đang sẵn sàng tiến vào eo biển Đài Loan, khởi hành từ đảo Pingtan, tỉnh Phúc Kiến hôm Chủ Nhật, để thực hiện tuần tra biển trong 7 ngày.

Trung Quốc cũng đã đưa một số máy bay chiến đấu tới gần eo biển Đài Loan sáng 2/8, theo Reuters.

Nhà Trắng trước đó đã cảnh báo rằng Trung Quốc có thể đáp trả chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi bằng các hành động khiêu khích quân sự.

Điều này có thể bao gồm bắn tên lửa gần Đài Loan, hoặc các hoạt động không quân hoặc hải quân quy mô lớn, phát ngôn viên nhà Trắng, John Kirby cho biết.

Hôm thứ Hai, ông John Kirby nói rằng những hành động leo thang của Trung Quốc có thể bao gồm việc đưa ra “yêu sách pháp lý giả mạo” trong những ngày tới, chẳng hạn bằng cách tuyên bố rằng eo biển Đài Loan không phải là đường thủy quốc tế.

Ông cho biết Bắc Kinh cũng dọa có thể đưa máy bay vào không phận Đài Loan.

Ông Kirby chỉ ra rằng cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich của Đảng Cộng hòa đã đến thăm Đài Loan vào năm 1997 và các nhà lập pháp khác của Mỹ đã đến thăm Đài Loan vào đầu năm nay.

“Không có gì thay đổi. Không có vở diễn kịch tích nào ở đây. Việc một Chủ tịch Hạ viện tới Đài Loan không phải là không có tiền lệ,” ông nói.

Vì sao bà Pelosi muốn đến thăm Đài Loan?

Có một sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng đối với Đài Loan trong công chúng Hoa Kỳ và trong Quốc hội Hoa Kỳ.

Và trong sự nghiệp quốc hội kéo dài hơn 35 năm, bà Pelosi là một nhà chỉ trích mạnh miệng đối với Trung Quốc.

Bà đã tố cáo các hồ sơ nhân quyền của Bắc Kinh, gặp gỡ các nhà bất đồng chính kiến ủng hộ dân chủ, và cũng đến thăm Quảng trường Thiên An Môn để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ thảm sát năm 1989.

Kế hoạch ban đầu của bà Pelosi là đến thăm Đài Loan vào tháng 4/2022, nhưng đã bị hoãn lại sau khi bà có kết quả dương tính với Covid-19.

Chủ tịch Hạ Viện Mỹ đã từ chối đưa ra thông tin chi tiết về chuyến đi, nhưng tuần trước bà nói rằng điều quan trọng là “chúng tôi phải thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Loan”.

Nancy Pelosi thành công trong chuyến thăm Đài Loan

 

Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi phát biểu tại phủ tổng thống Đài Loan ở Đài Bắc ngày 03/08/2022.
Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi phát biểu tại phủ tổng thống Đài Loan ở Đài Bắc ngày 03/08/2022. VIA REUTERS – TAIWAN PRESIDENTIAL OFFICE

Chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi vẫn là chủ đề chính được các tờ báo Pháp ra hôm nay 04/08/2022 quan tâm.

Nhật báo kinh tế Les Echos phỏng vấn chuyên gia châu Á Antoine Bondaz sau chuyến thăm của bà Nancy Pelosi tới Đài Loan. Bà Pelosi đã đề cập đến hai chủ đề chính cũng là những chủ đề mà cựu chủ tịch Hạ Viện Newt Gingrich đề cập trong chuyến thăm Đài Loan của ông vào năm 1997. Thứ nhất là nêu bật sự năng động của nền dân chủ Đài Loan và thứ hai là khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ Đài Loan – Hoa Kỳ. Washington cũng nhấn mạnh đến việc hỗ trợ hòn đảo để duy trì hiện trạng. Đây là điều mà đại đa số người dân Đài Loan mong muốn.

Nếu chúng ta so sánh năm 1997 và năm 2022, các chủ đề tuy giống nhau, nhưng tương quan lực lượng dường như đã thay đổi. Trung Quốc giờ đã mạnh hơn xưa. Bắc Kinh từ lâu vẫn luôn có ý định sáp nhập hòn đảo, và giờ đây, họ có nhiều phương tiện hơn để gây áp lực với Đài Loan.

Bà Pelosi thực sự can đảm khi đối mặt với các mối đe dọa từ Trung Quốc. Ông Bondaz nhận định rằng việc bà Pelosi đến thăm Đài Loan là một thành công đối với hòn đảo, bởi vì mặc dù có vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực chất bán dẫn, cho tới Đài Loan vẫn bị ghẻ lạnh trong mắt cộng đồng quốc tế. Do vậy, chuyến thăm này của bà Pelosi cho thấy Trung Quốc đã không thành công trong việc cô lập Đài Loan.

Khi được hỏi về các biện pháp trừng phạt kinh tế của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hòn đảo, ông Bondaz nhận định rằng chiến lược của Bắc Kinh là áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm gây tác động lên cuộc bầu cử Quốc Hội và tổng thống Đài Loan vào năm 2024, để đạt được kết quả có lợi cho mình. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy các biện pháp trừng phạt mà Trung Quốc áp dụng trong những năm gần đây gây ảnh hưởng theo hướng mà Bắc Kinh mong muốn, thậm chí còn phản tác dụng. Cũng không có dấu hiệu nào cho thấy hai bên sẽ có một cuộc đụng độ trực tiếp. Trung Quốc cố tình sử dụng chuyến thăm của bà Nancy Pelosi để tạo ra cuộc khủng hoảng lần thứ 4 ở eo biển Đài Loan nhằm thay đổi hiện trạng đối với hòn đảo. Nhưng Bắc Kinh sẽ không tấn công lúc này, bởi tương quan lực lượng đang nghiêng về phía Trung Quốc và họ có thể đợi 5 năm, 10 năm để tiếp tục phát triển quân sự, đồng thời nghe ngóng về tính xác thực của những cam kết của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ Đài Loan.

Ông Bondaz nói thêm rằng châu Âu đang bằng mọi giá muốn tránh một kịch bản giống như Nga đã làm với Ukraina, bởi lục địa già sẽ làm gì nếu Trung Quốc thực sự tấn công Đài Loan ? Châu Âu đã ban hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga, nhưng sẽ làm gì chống lại Trung Quốc khi mà họ còn có thể sẽ phụ thuộc nhiều hơn nữa vào Bắc Kinh trong những năm tới ? Do vậy trong hồ sơ Đài Loan, giải pháp duy nhất đối với châu Âu là tránh để xung đột nổ ra, đồng thời phải tự khẳng định mình có tiếng nói trên chính trường quốc tế, thay vì phụ thuộc vào các cường quốc khác.

Thành công của bà Pelosi

Nhật báo Công Giáo La Croix thì nhấn mạnh đến thành công của bà Pelosi trong chuyến công du này. Từ xưa đến nay bà vẫn luôn rất cứng rắn với Trung Quốc và muốn khẳng định rằng Bắc Kinh không có tiếng nói trong những quyết định của Hoa Kỳ. Chuyến thăm Đài Bắc của bà rất được chú ý ở Mỹ. Điều đáng ngạc nhiên là đảng Cộng Hòa hết sức hoan nghênh chuyến đi này, trong khi đảng Dân Chủ có vẻ rụt rè hơn. Việc đảng Cộng Hòa công khai ủng hộ bà Pelosi là một sự kiện rất đáng quan tâm, bởi ở Mỹ, hầu như không có chủ đề nào mà hai bên có được sự đồng thuận, ngoại trừ chính sách thù địch với Nga và Trung Quốc. Theo đảng Cộng Hòa, chính sách giữ một thái độ khiêm nhường đối với Bắc Kinh và không muốn tạo căng thẳng chỉ là một cách để « làm vừa lòng » Trung Quốc. Chính vì vậy, Mỹ cần phải khẳng định rõ lập trường của mình trước khi Trung Quốc đi quá xa trong hồ sơ Đài Loan. Sẽ có nhiều cơ hội để ngăn cản sự bành trướng của Trung Quốc đối với Đài Loan bằng cách kiên quyết hơn là cố gắng tránh xung đột. Đây chính là những gì bà Nancy Pelosi đã quyết định làm.

Về phần mình, tổng thống Joe Biden không thực sự ủng hộ chuyến đi này. Do đó, đối với bà Pelosi, đây cũng là một cách để khẳng định rằng về mặt Hiến pháp, bà không cần phải nghe lệnh của tổng thống. Với tư cách là người đứng đầu Hạ Viện, bà là người quản lý cơ quan lập pháp còn ông Biden quản lý hành pháp.

Theo La Croix, chúng ta vẫn phải chờ xem phản ứng của Trung Quốc trong những ngày tới và hậu quả địa chính trị của chuyến thăm này. Việc Trung Quốc cảnh báo về việc điều động quân sự trên không phận và hải phận của Đài Loan là một phản ứng rất mạnh mẽ. Trong trường hợp căng thẳng leo thang ở eo biển Đài Loan, bà Pelosi cũng không có trách nhiệm gì, và thủ phạm duy nhất sẽ là Trung Quốc.

 

Lợi và hại từ chuyến công du Đài Loan của bà Pelosi


Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có chuyến thăm ngắn ngủi kéo dài một ngày đến Đài Loan

Mặc dù chuyến đi của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan đã khẳng định cam kết mạnh mẽ của Washington sẽ bảo vệ hòn đảo này dưới sức ép Trung Quốc, nhưng nó cũng dẫn đến nguy cơ tính toán sai giữa các bên vốn sẽ đẩy khu vực này chìm vào xung đột, các nhà phân tích nhận định.

Chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi hôm 3/8 là chuyến thăm cấp cao nhất của đại diện chính quyền Mỹ trong vòng 25 năm. Nó đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ và trả đũa bằng các cuộc tập trận tên lửa, bắn đạn thật trên biển và trên không chưa từng thấy xung quanh đảo Đài Loan. Bản thân bà Pelosi và gia đình cũng bị Bắc Kinh trừng phạt sau chuyến đi này mà Bắc Kinh lên án là ‘can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ’ của họ.

Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, nước Mỹ và Trung Quốc đang đối mặt với nhiều biến động. Trên bình diện thế giới, Nga xâm lược Ukraine trong cuộc chiến tàn khốc chưa thấy hồi kết. Ở Mỹ, chính quyền của Đảng Dân chủ sắp đối mặt kỳ bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 mà họ có nguy cơ mất ghế trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp họp Đại hội lần thứ 20 vào cuối năm nay mà dự kiến Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ được trao thêm nhiệm kỳ thứ ba.

Tại sao bà Pelosi phải đi Đài Loan?

“Là một nữ chính khách biểu tượng, bà Pelosi đã chống lại giới lãnh đạo chóp bu toàn nam giới của Đảng Cộng sản Trung Quốc, không để mình bị bắt nạt – để ngồi xuống với một nhà lãnh đạo nữ tiên phong khác, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn,” nhà báo Stephen Collinson của Đài CNN nhận định trong bài báo có nhan đề ‘Những câu hỏi được đặt ra về liệu chuyến đi của bà Pelosi có đáng với những hậu quả như vậy không?’

Nhà báo này nhắc lại rằng trong sự nghiệp chính trị của nình, bà Pelosi từng trương biểu ngữ ủng hộ dân chủ ở Bắc Kinh hồi năm 1991 để cho thấy thái độ chống đối chế độ độc tài Bắc Kinh của bà.

“Bà đã đánh dấu sự nghiệp chính trị với hành trình công du Đài Loan quyết liệt mang tính chống Đảng Cộng sản Trung Quốc vào lúc ngày càng có nhiều lo ngại rằng Bắc Kinh cuối cùng có thể cố gắng đoạt lấy hòn đảo này bằng vũ lực. Nói rộng hơn, bà chứng minh với Trung Quốc rằng Mỹ sẽ không lùi bước trước những ngôn từ hùng hổ của Bắc Kinh và rằng Mỹ sẽ hoạt động ở nơi nào họ muốn ở châu Á – Thái Bình Dương, bất kể siêu cường đang lên nghĩ gì,” Collinson viết.

Ở Đài Bắc, bà Chủ tịch Hạ viện đã thể hiện lập trường ủng hộ dân chủ – một giá trị cốt lõi của người Mỹ, nhà báo này khen ngợi.

“Đối mặt sự hung hăng ngày càng đẩy mạnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chuyến thăm của phái đoàn Quốc hội chúng tôi nên được coi là tuyên bố không mập mờ rằng Mỹ sát cánh cùng Đài Loan, đối tác dân chủ của chúng tôi, trong lúc họ tự bảo vệ và bảo vệ tự do của mình,” bà Pelosi viết trong một bài xã luận đăng trên tờ Washington Post khi bà đã đến Đài Bắc.

Mặc dù trong chuyến thăm này, bà Pelosi cố gắng ‘không nói hay làm bất cứ điều gì vi phạm chính sách Một Trung Quốc’, nhưng không rõ vô tình hay cố ý mà có lúc tại cuộc họp báo, bà ca ngợi người dân Đài Loan đã ‘có can đảm thay đổi quốc gia của họ để trở nên dân chủ hơn’, nhà báo này lưu ý và chỉ ra việc bà gọi Đài Loan là ‘quốc gia’ thay vì ‘vùng lãnh thổ của Trung Quốc’.

“Mỹ không công nhận Đài Loan là một quốc gia. Cho dù đó là sự lỡ lời hay sự lựa chọn từ ngữ có chủ ý, phát biểu của bà Pelosi sẽ được các quan chức ở Bắc Kinh xem xét kỹ,” Stephen Collinson giải thích.

Ông cho rằng nếu phản ứng bùng nổ của Trung Quốc chưa tới mức gây khủng hoảng toàn diện ở eo biển Đài Loan, tuyến hàng hải chiến lược quan trọng, và tránh được khả năng tính toán sai giữa phía Trung Quốc và phía Đài Loan, hay thậm chí giữa Trung Quốc và Mỹ trong khu vực, thì giông tố sau chuyến đi của bà Pelosi có thể chỉ là tạm thời.

Hình ảnh Chủ tịch Hạ viện Mỹ vun đắp cho một nền dân chủ dưới cái bóng khổng lồ của Trung Quốc có thể trở thành một trong những khoảnh khắc mang dấu ấn trong chính sách châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, nhà báo này nhận định.

Đối nội và đối ngoại

Trao đổi với VOA, Giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc Đại học Maine cho rằng chuyến công du của bà Pelosi nhắm đến cả người dân trong nước Mỹ cũng như các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo phân tích của Giáo sư Long thì trong gần hai năm qua, Đài Loan bị Trung Quốc o ép đủ điều với áp lực ngày càng tăng.

“Tháng 11 này là sẽ diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản. Tập Cận Bình muốn dùng vấn đề yêu nước để khẳng định vị trí của ông ta, nên dù muốn hay không ông ta cũng muốn làm áp lực đối với Đài Loan,” ông Long nói.

Trong bối cảnh như vậy thì Đài Loan ‘rất cần sự ủng hộ của Mỹ’, cũng theo lời vị giáo sư Đại học Maine. Nếu Đài Loan hay các nước khác xung quanh ‘nằm im chịu trận’ thì Bắc Kinh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các đòi hỏi khác, trong đó có đòi chủ quyền trên Biển Đông.

Đài Bắc muốn Washington khẳng định lại cam kết là ‘sẽ bảo vệ Đài Loan’ và muốn sự kkhẳng định đó đến từ ‘một người có thế lực đủ cao ở Mỹ’, chằng hạn như bà Nancy Pelosi – vốn xếp thứ ba trong hệ thống chính quyền Mỹ sau Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris, ông Long nói thêm.

Về chính trị trong nước, ông cho rằng bà Pelosi muốn ghi điểm cho Đảng Dân chủ của bà trong kỳ bầu cử giữa kỳ sắp tới. Lập trường đối với Trung Quốc là điểm mà phía Đảng Cộng hòa thường dùng để tấn công Đảng Dân chủ là ‘nhu nhược’.

“Qua chuyến đi này, bà ấy muốn chứng minh là bản thân bà ấy và Hạ viện Mỹ không sợ Trung Quốc đe dọa,” ông Long nói.

Một khi tin tức về chuyến thăm dự kiến của bà Pelosi bị tung ra, thì việc cúi đầu khuất phục Bắc Kinh trở nên phi lý về mặt chính trị – cả ở trong nước và vì lý do chiến lược. Sẽ là không dễ chịu nếu bà Pelosi, sau một sự nghiệp chính trị được định hình phần nào bằng cách đứng lên chống lại Trung Quốc, từ bỏ kế hoạch của bà. Và việc từ bỏ kế hoạch đó sẽ gửi thông điệp rằng Mỹ, trong cuộc đối đầu với một đối thủ siêu cường mới, tự tin ở Thái Bình Dương, sẽ lùi bước, nhà báo Collinson nhận định.

Ngoài ra, chuyến đi này cũng có ‘ý nghĩa cá nhân’ đối với bà Pelosi vì trong cả sư nghiệp chính trị của mình, bà luôn luôn ủng hộ Đài Loan nên bà không thể không đi trong giai đoạn khó khăn này của Đài Loan, cũng theo phân tích của ông Long.

Bên cạnh đó, bà cũng muốn lôi kéo các hãng sản xuất chip bán dẫn của Đài Loan chuyển sản xuất California, bang nhà của bà.

Về phần mình, Tổng thống Biden cũng có những cân nhắc chính trị. Mặc dù ông thừa nhận quân đội Mỹ lo lắng về chuyến thăm, ông không thể công khai đứng về phía Trung Quốc để chống lại bà Pelosi. Và Tổng thống cũng khó có thể ra lệnh cho người đứng đầu nhánh lập pháp rằng bà nên hay không nên làm gì, ngay cả khi các quan chức chính quyền đã báo cho bà biết tất cả các hậu quả tiềm tàng.

Nguy cơ tính toán sai

Tuy nhiên, nếu chuyến thăm của bà Pelosi – cái tát đối với cá nhân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vốn xem chiếm lấy Đài Loan là nhiệm vụ sống còn – làm quan hệ Mỹ-Trung vốn đã tồi tệ xấu đi vĩnh viễn và đem đến điều mà một số người coi là cuộc đối đầu không thể tránh khỏi giữa hai siêu cường, nó có thể trở thành tính toán sai trầm trọng, cũng theo phân tích của Stephen Collinson trên CNN.

Tương tự, nếu chuyến đi của bà khiến Bắc Kinh có các bước đi làm chao đảo nền hòa bình và thịnh vượng mà người Đài Loan được hưởng trên hòn đảo này, thì đó cũng sẽ được coi là bước đi sai của bà Pelosi.

Chuyến đi của bà có thể càng củng cố thêm niềm tin của các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng Quốc hội Mỹ đang nghiêng về phía chính sách cứng rắn về Đài Loan– suy nghĩ có thể kéo căng sợi dây ngoại giao về quy chế của hòn đảo đến chỗ đổ vỡ. Mặc dù có thể bà Pelosi không có ý như vậy, nhưng suy nghĩ sai lầm có thể thúc đẩy leo thang quân sự trong mối quan hệ đối ngoại đầy biến động.

“Việc Trung Quốc gia tăng vĩnh viễn áp lực quân sự và kinh tế lên Đài Loan, hoặc có lập trường thù địch hơn đối với các lực lượng hải quân và không quân của Mỹ, có thể khiến nguy cơ xung đột hiện hữu hơn. Nếu chuyến thăm của bà Pelosi đẩy nhanh sự cấp bách và quyết tâm của ông Tập phải chiếm lấy Đài Loan bằng vũ lực quân sự thì chuyến đi này sẽ phản tác dụng,” Collinson viết.

“Như thế, cũng công bằng khi đặt câu hỏi liệu chuyến thăm của bà Pelosi có đạt được bất cứ điều gì đáng để dẫn đến sự xuống cấp dài hạn trong môi trường an ninh xung quanh Đài Loan vốn có thể đưa Mỹ và Trung Quốc đến gần hơn với xung đột hay không,” ông đặt vấn đề.

‘Không nên đi thì hơn’

Cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, ông Max Baucus nói với kênh CNN International rằng trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ-Trung xấu đi một cách nguy hiểm, chuyến đi của bà Pelosi là không khôn ngoan.

“Thành thật mà nói, quan điểm của tôi là bà ấy không nên đi. Mục tiêu của chính sách đối ngoại của Mỹ là giảm căng thẳng với Trung Quốc, chứ không phải tăng,” cựu thượng nghị sĩ Dân chủ củs bang Montana, nói. “Chuyến thăm của bà ấy rõ ràng làm gia tăng căng thẳng. Không có lý do về chính sách đối ngoại để bà ấy đi cả. Người Đài Loan biết rằng chúng ta ủng hộ họ.”

Trong khi đó, ông Phil Mudd, cựu quan chức FBI và CIA, hiện là nhà phân tích chống khủng bố của CNN, nói ông đồng ý rằng bà Pelosi ‘có quyền đi thăm Đài Loan. “Câu hỏi đặt ra là liệu nó có hợp lý hay không. Bà ấy có thể đi, nhưng tại sao? Lợi ích của nó là gì?” ông đặt vấn đề.

Thời điểm nhạy cảm của chuyến đi đối với Bắc Kinh càng khiến cho mọi việc thêm phức tạp, theo nhận định của nhà báo Collinson.

“Vài tháng nữa, tại kỳ Đại hội Đảng thứ 20, ông Tập đã sẵn sàng được bầu vào nhiệm kỳ thứ ba bất thường và ông không chấp nhận bị coi là yếu đuối. Và cách xử lý đáng ngờ của chính phủ ông đối với đại dịch Covid-19 – các biện pháp phong tỏa hàng loạt vẫn còn phổ biến ở các thành phố của Trung Quốc – và nền kinh tế đang chậm lại, có nghĩa là ông Tập có thể bị cám dỗ có lập trường dân tộc chủ nghĩa để che giấu những thất bại trong nước,” ông phân tích.

Ông Tập đã xây dựng nền tảng quyền lực dựa trên chủ nghĩa dân tộc hung hãn và ý mghĩ rằng chẳng sớm thì muộn Đài Loan sẽ ‘thống nhất’ với đại lục, theo giải thích của nhà báo này.

Sẽ không có chiến tranh?

Tuy nhiên, Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng bất chấp thái độ hung hăng của Trung Quốc về chuyến đi của bà Nancy Pelosi, nguy cơ căng thẳng quân sự leo thang thành chiến tranh ‘ít có khả năng’.

“Trong 1-2 năm tới thì Trung Quốc không dại gì đánh Đài Loan vì hai bên có quan hệ kinh tế rất sâu rộng,” ông cho biết và chỉ ra những hãng chip lớn nhất của Đài Loan đang sản xuất ở Trung Quốc.

Mặc dù vậy, ông cho rằng nếu có tàu bè nào đi qua eo biển Đài Loan chằng may bị trúng pháo Trung Quốc mà chìm thì ‘sẽ xảy ra những chuyện không lường trước được’.

Theo nhận định của vị giáo sư này thì mặc dù Bắc Kinh hiện phản ứng hùng hổ nhưng ‘họ sẽ tìm cách đấu dịu’.

“Tôi nghĩ tầm tháng 11 hay 12 gì đó, nội tình chính trị của họ sẽ sáng tỏ hơn thì hai bên sẽ có sự dàn xếp,” ông dự báo.