Seite auswählen

Ba nhà hoạt động (từ trái qua): Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, Lê Văn Dũng  RFA edit

Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội sẽ xét xử phúc thẩm ba nhà hoạt động nổi tiếng ở Hà Đông, Hà Nội trong hai phiên toà riêng biệt vào hai ngày 16/8 và 17/8.

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết thông tin trên trong một bài viết trên Facebook cá nhân, theo đó phiên toà phúc thẩm đối với nhà báo độc lập Lê Văn Dũng (tức Lê Dũng Vova) sẽ được tiến hành vào ngày 16/8, còn trong ngày kế tiếp là phiên phúc thẩm đối với hai nhà hoạt động về quyền đất đai Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm.

Ông Lê Văn Dũng, sinh năm 1970, bị Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội kết án năm năm tù giam và năm năm quản chế với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999 trong phiên toà hồi tháng 3.

Ông bị buộc tội làm, đăng tải lên mạng xã hội 12 clip có nội dung tuyên truyền chống phá Nhà nước, phỉ báng chính quyền, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân và xúc phạm danh dự, uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thời gian từ tháng 3/2017 đến tháng 9/2018.

Trong phiên toà, ông không phủ nhận việc đăng tải 12 video clip nhưng nói rằng nội dung của các clip ấy chỉ nói lên sự thật. Ông Dũng khẳng định mình vô tội chiếu theo Hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết.

Trong tin nhắn gửi phóng viên Đài Á Châu Tự Do, bà Bùi Thị Huệ, vợ của ông Dũng, nói bà hy vọng chồng mình sẽ được trả tự do trong phiên phúc thẩm sắp tới. Bà nói đối với các tù nhân lương tâm như chồng bà thì bản án một ngày cũng là quá nặng.

Ông Trịnh Bá Phương, sinh năm 1985, và bà Nguyễn Thị Tâm, sinh năm 1972, cùng ở xã Dương Nội, ngoại thành Hà Nội, và cũng bị bắt trong cùng ngày 24/6/2020 với cùng cáo buộc “phát tán tài liệu nhằm chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015.

Hai người này, cùng với mẹ của ông Phương là bà Cấn Thị Thêu và em trai Trịnh Bá Tư bị bắt trong cùng một ngày sau khi lên tiếng mạnh mẽ trên mạng xã hội phản đối việc cảnh sát cơ động bố ráp người dân xã Đồng Tâm trong đêm, hậu quả làm ông Lê Đình Kình và ba cảnh sát thiệt mạng.

Trong phiên toà hồi tháng 12 năm ngoái, Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội kết tội hai nhà hoạt động này, và kết án ông Trịnh Bá Phương mức án 10 năm tù giam và năm năm quản chế còn bà Nguyễn Thị Tâm phải chịu mức án sáu năm tù giam và ba năm quản chế.

Trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do, bà Đỗ Thị Thu, vợ của ông Trịnh Bá Phương nói:

Tôi vô cùng bất mãn về phiên toà sơ thẩm, bởi vì chồng tôi và gia đình chỉ lên tiếng nói lên sự thật về đất đai và sự thật về dân Đồng Tâm vậy mà họ kết án chồng tôi 10 năm tù giam còn mẹ chồng tôi (Cấn Thị Thêu) và em chồng tôi Trịnh Bá Tư tám năm tù. Bản án này rất là phi lý.

Tôi không hy vọng gì về phiên toà phúc thẩm sắp tới. Tôi cũng không mong đợi phiên toà sắp tới sẽ giảm án cho chồng tôi. Tôi chỉ mong chế độ độc tài cộng sản này sớm sụp đổ để cho nhân dân Việt Nam đỡ khổ hơn và có được tự do hơn, và khi đó chồng tôi cũng như các tù nhân khác được trả tự do.”

Ông Trịnh Bá Phương bị biệt giam kể từ khi bị bắt, không được gặp gia đình và người thân mà chỉ được gặp luật sư vài lần trong trại giam để chuẩn bị việc bào chữa.

Trong phiên toà sơ thẩm, ông tố cáo điều tra viên của công an Hà Nội tra tấn ông nhiều lần trong quá trình thẩm vấn, đánh ông vào bộ phận sinh dục khiến ông vô cùng đau đớn.

Trong khi đó, bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư đều bị mức án tám năm tù giam và ba năm quản chế trong một phiên toà sơ thẩm khác.

Bà Thêu cùng hai con trai được trao Giải thưởng Nhân quyền Việt Nam năm 2021 của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam vì các nỗ lực bảo vệ quyền con người của họ. 

Bà Nguyễn Thị Tâm cũng từng bị giam cầm hai lần vì đấu tranh chống lại việc thu hồi đất của chính quyền xã Dương Nội.

Lần đầu là năm 2008 về cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” và lần hai vào năm 2014 với tội danh “chống người thi hành công vụ.”

RFA (04.08.2022)

 

 

 

Giảm 18 tháng tù đối với cựu phóng viên Nguyễn Hoài Nam

Nhà báo Nguyễn Hoài Nam tại phiên toà sơ thẩm ở TPHCM hôm 5/4/2022  PLO

Án ba năm sáu tháng tù đối với cựu phóng viên Nguyễn Hoài Nam vào ngày 4/8 được tòa phúc thẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) giảm 18 tháng xuống còn hai năm.

Truyền thông Nhà nước loan tin dẫn kết quả phiên xử diễn ra trong cùng ngày như vừa nêu.

Ông Nguyễn Hoài Nam, người từng cộng tác cho các tờ báo Nhà nước gồm Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM), Thanh Niên, VTV, vào ngày 5/4 vừa qua bị tòa sơ thẩm TPHCM tuyên ba năm sáu tháng tù với cáo buộc tội ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân’.

Theo bản án sơ thẩm, vào ngày 8/10/2018, ông Nguyễn Hoài Nam cung cấp cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Bộ Công an các tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan đến một vụ tiêu cực tại Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam.

Dựa trên những tài liệu và dữ liệu điện tử mà ông Nguyễn Hoài Nam cung cấp, ba người bị xử về tội ‘lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’ và kết luận 14 người có hành vi đưa hối lộ nhưng không xử lý hình sự.

Ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng xử lý như vậy là không thỏa đáng nên không đồng tình và đăng lên Facebook cá nhân ý kiến cho rằng Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Bộ Công an ‘bao che, bỏ lọt tội phạm’.

Cơ quan chức năng rằng các bài viết của ông Nguyễn Hoài Nam đăng trên Facebook cá nhân có nội dung mà những cơ quan này cho là ‘vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức cũng như danh dự, nhân phẩm cá nhân’.

Vào ngày 2/4/2021 Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) bắt giam ông Nguyễn Hoài Nam để điều tra tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự 2015”.

RFA (04.08.2022)

 

 

Thông tin về nhiều vụ án hình sự theo điều 117 Bộ luật hình sự

Bộ luật Hình sự hiện hành quy định hai tội danh để chế tài những người có phát ngôn bị cho là vi phạm pháp luật, gồm :

– Tội danh theo điều 331 Bộ luật Hình sự “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” có mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù giam. Thời gian gần đây, tội danh này được công chúng quan tâm rộng rãi qua một số vụ án, như vụ án khởi tố bà Nguyễn Phương Hằng – CEO Đại Nam, vụ án xét xử nhóm Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ.

– Tội danh theo điều 117 Bộ luật Hình sự với tên cũ theo điều 88 Bộ luật Hình sự 1999 là “Tuyên truyền chống Nhà nước…”, thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia có mức hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù giam.

Cả hai tội danh đều có hình phạt rất khắt khe để phạt vạ miệng. Ngoài một số vụ án đã xét xử hoàn tất, thì hiện nay, cơ quan tiến hành tố tụng phía bắc đã khởi tố, xét xử một số vụ án về tội danh theo điều 117 Bộ luật Hình sự, như các ông bà TRƯƠNG VĂN DŨNG (DUNG TRUONG), NGUYỄN LÂN THẮNG, LÊ VĂN DŨNG (DŨNG VOVA), TRỊNH BÁ PHƯƠNG, NGUYỄN THỊ TÂM và PHẠM THỊ ĐOAN TRANG.

  1. Ông TRƯƠNG VĂN DŨNG (DUNG TRUONG) bị bắt tạm giam vào ngày 21/05/2022. Luật sư đã đăng ký bào chữa với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, do vụ án khởi tố tội danh thuộc nhóm tội xâm phâm an ninh quốc gia, cho nên, luật sư chỉ có thể tiếp xúc với thân chủ và tiếp cận hồ sơ vụ án sau khi kết thúc giai đoạn điều tra.

Ông Trương Văn Dũng. Ảnh trên mạng

  1. Ông NGUYỄN LÂN THẮNG bị bắt tạm giam vào ngày 05/07/2022. Tương tự, luật sư đã đăng ký bào chữa với cơ quan chức năng và chờ kết thúc giai đoạn điều tra.
  2. Ông LÊ VĂN DŨNG (DŨNG VOVA) bị bắt giữ vào ngày 30/06/2021. Đến ngày 23/03/2022, tòa án đưa ra xét xử và tuyên mức hình phạt 5 năm tù giam. Ông LÊ VĂN DŨNG kháng cáo. TACC vừa thông báo cho luật sư quyết định đưa ông ra xét xử theo thủ tục phúc thẩm vào sáng ngày 16/08/2022.
  3. Ông TRỊNH BÁ PHƯƠNG và bà NGUYỄN THỊ TÂM bị bắt giữ cùng ngày 24/06/2020. Đến ngày 15/12/2021, tòa án tuyên xử ông TRỊNH BÁ PHƯƠNG 10 năm tù giam và bà NGUYỄN THỊ TÂM 6 năm tù giam. Sau khi tuyên án, cả ông TRỊNH BÁ PHƯƠNG và bà NGUYỄN THỊ TÂM đều kháng cáo. TACC vừa thông báo cho luật sư quyết định đưa ông bà ra xét xử theo thủ tục phúc thẩm vào sáng ngày 17/08/2022 (sau xét xử sơ thẩm đến 8 tháng ?!).

Từ trái qua: Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương và Bà Cấn Thị Thêu. Ảnh trên mạng

Được biết, trong cùng thời điểm bắt giữ ông TRỊNH BÁ PHƯƠNG và bà NGUYỄN THỊ TÂM, thì mẹ và em trai ông TRỊNH BÁ PHƯƠNG là bà CẤN THỊ THÊU và ông TRỊNH BÁ TƯ cũng bị bắt giữ và xét xử phúc thẩm hoàn tất vào ngày 24/12/2021. Theo đó, bà CẤN THỊ THÊU và con trai TRỊNH BÁ TƯ bị tuyên hình phạt như nhau là 8 năm tù giam.

  1. Bà PHẠM THỊ ĐOAN TRANG bị bắt giữ vào ngày 07/10/2020. Đến ngày 14/12/2021, tòa án đưa bà ra xét xử và tuyên mức hình phạt 9 năm tù giam. Bà ĐOAN TRANG kháng cáo. Đến nay, sau phiên tòa sơ thẩm đã là 8 tháng, nhưng TACC vẫn chưa thông báo gì cho luật sư về lịch xét xử phúc thẩm.

Đặng Đình Mạnh

Tiếng Dân (04.08.2022)

 

 

 

Thêm một tù nhân lương tâm chết tại trại giam số 6 ở Nghệ An

Trại giam số 6, ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, là nơi nhà cầm quyền CSVN đày đọa tù nhân lương tâm

Trại giam số 6 là nơi đã từng xảy ra các vụ ngược đãi tù nhân chính trị, đơn cử hồi tháng 6 năm 2019, các tù nhân chính trị đã tổ chức tuyệt thực để phản đối việc trại giam tháo dỡ hết quạt điện trong buồng giam đúng lúc thời tiết nóng nực mùa hè. 

Một nhà báo công dân Việt Nam vừa qua đời tại bệnh viện ở Nghệ An trong thời gian đang thụ án tù với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ”, tuy nhiên trại giam từ chối cho gia đình mang xác về an táng.

Người tù nhân chính trị này là ông Đỗ Công Đương, 58 tuổi, người Bắc Ninh qua đời vào tối ngày 2 tháng 8 năm 2022.

Ông Đỗ Công Đương trước khi bị bắt hồi đầu năm 2018 vẫn còn mạnh khỏe, tuy nhiên sau đó phát hiện nhiều căn bệnh trong thời gian thụ án như bệnh tim, viêm phổi, và suy hô hấp.

Gia đình nhiều lần kiến nghị cho ông đi chữa bệnh, nhưng phía giám thị trại giam vẫn từ chối, và phải đến khi bệnh tình trở nên quá nặng thì ông mới được đưa vào bệnh viện huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An để điều trị nhưng không qua khỏi.

Bà Bùi Thị Minh Hằng, một nhà hoạt động quyền đất đai từng sát cánh với ông Đỗ Công Đương trước khi ông này bị bắt, cho biết thêm thông tin:

“Trước tiên thì phải nói rằng đây là một thông tin rất sốc và đau buồn đối với tôi. Ngày hôm qua khi nhận được tin thì lúc đó anh Đương chưa mất, thì nghe được tin là gia đình đang trên đường đi vào Nghệ An bởi vì được trại giam thông báo. 

Thực sự lúc đó vẫn còn hy vọng cho nên tôi đăng bài để thông báo với mọi người, và đồng thời cũng cầu nguyện trong lòng là anh ấy sẽ vượt qua được. Thế nhưng mà chỉ mấy tiếng đồng hồ sau thôi, thì nhận được tin là anh Đương đã mất.”

Trước khi mất thì ông Đỗ Công Đương đang thụ án tại Trại giam số 6, ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Ông bị bắt hồi tháng 1 năm 2018 trong lúc quay phim một vụ cưỡng chế đất đai ở Từ Sơn, Bắc Ninh, dưới cáo cuộc “gây rối trật tự công cộng” và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.

Trong hai phiên tòa riêng biệt hồi tháng 9 và tháng 10 năm 2018, ông Đỗ Công Đương bị buộc tội và tuyên lần lượt các bản án 4 và 5 năm tù giam. Bản án 5 năm tù sau đó được giảm xuống 4 năm trong phiên tòa phúc thẩm hôm 23 tháng 1 năm 2019.

Với tổng cộng 8 năm tù giam, nhà báo công dân người Bắc Ninh này dự kiến phải ngồi tù cho đến năm 2026.

Cũng theo thông tin từ người thân cận với gia đình thì phía trại giam đã từ chối cho gia đình đưa thi hài ông Đỗ Công Đương về quê ở Bắc Ninh, mà phải tiến hành mai táng tại địa phương.

Bày tỏ thái độ trước việc một tù nhân chính trị chết khi đang thi hành án tù, bà Bùi Thị Minh Hằng, một cựu tù nhân lương tâm, cho biết thêm:

“Ngoài cái sự đau xót thì phải nói là một cái sự phẫn uất. Bởi vì tôi từng là người bị cầm tù ở trong nhà tù Cộng sản. Thì tôi thấy rằng là họ không coi cái tính mạng và sức khoẻ của con người là một cái vấn đề gì cả. 

Thậm chí tôi có suy nghĩ rằng đối với những người bất đồng chính kiến, những tù nhân chính trị, thì hình như nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam họ ngược đãi, họ cố tình để cho mọi người rời vào tình thế rất là khó khăn, rất là nguy hiểm và thậm chí là đã phải mất mạng.”

Bà cũng cho biết môi trường giam giữ trong các trại giam đối vời tù chính trị rất hà khắc, từ thực phẩm, đến vấn đề vệ sinh, thiếu thốn chăm sóc y tế, và các hình thức ngược đãi khác nhau, nên hầu hết các tù chính trị đều gặp vấn đề sức khoẻ ở trong tù.

Trại giam số 6 là nơi đã từng xảy ra các vụ ngược đãi tù nhân chính trị, đơn cử hồi tháng 6 năm 2019, các tù nhân chính trị đã tổ chức tuyệt thực để phản đối việc trại giam tháo dỡ hết quạt điện trong buồng giam đúng lúc thời tiết nóng nực mùa hè.

Đây cũng là nơi thầy giáo Đào Quang Thực qua đời vào tháng 12 năm 2019 khi đang thụ án 13 năm tù giam với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Gia đình ông Thực cũng bị từ chối đem xác người thân về an táng mà phải chôn ngay trong trại giam.

Phản ứng trước cái chết của ông Đương, bà Ming Yu Hah, Phó giám đốc cấp khu vực của tổ chức Ân xá Quốc tế nói:

“Sự tra tấn và ngược đãi mà chính quyền Việt Nam bị cáo buộc gây ra đối với ông Đỗ Công Đương, nếu đúng sự thật thì sẽ là ví dụ điển hình cho thấy chính quyền vi phạm nhân quyền một cách liên tục và trầm trọng đối với những người bất đồng chính kiến. 

Chính quyền Việt Nam cần phải nhanh chóng tiến hành một cuộc điều tra độc lập, và kỹ càng đối với cáo buộc tra tấn và ngược đãi của cán bộ của Trại giam số 6, tỉnh Nghệ An. Và đưa những kẻ chịu trách nhiệm ra trước pháp luật.”

RFA (03.08.2022)

 

 

 

Tù chính trị Đỗ Công Đương mất khi đang thụ án, bị từ chối đem thi hài về quê

Ông Đỗ Công Đương trong một bài nói chuyện về sai phạm đất đai  Ảnh chụp màn hình video.

Một nhà báo công dân Việt Nam vừa qua đời tại bệnh viện ở Nghệ An trong thời gian đang thụ án tù với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ”, tuy nhiên trại giam từ chối cho gia đình mang xác về an táng. 

Tù nhân chính trị này là ông Đỗ Công Đương, 58 tuổi, người Bắc Ninh qua đời vào tối ngày 2 tháng 8 năm 2022, ba nguồn tin thân cận với gia đình nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do. 

Ông Đỗ Công Đương trước khi bị bắt hồi đầu năm 2018 vẫn còn mạnh khỏe, tuy nhiên sau đó phát hiện nhiều căn bệnh trong thời gian thụ án như bệnh tim, viêm phổi, và suy hô hấp. 

Gia đình nhiều lần kiến nghị cho ông đi chữa bệnh, nhưng phía giám thị trại giam vẫn từ chối, và phải đến khi bệnh tình trở nên quá nặng thì ông mới được đưa vào bệnh viện huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An để điều trị nhưng không qua khỏi. 

Trao đổi với Đài Á châu Tự do, bà Bùi Thị Minh Hằng, một nhà hoạt động quyền đất đai từng sát cánh với ông Đỗ Công Đương trước khi ông này bị bắt, cho biết thêm thông tin:

“Trước tiên thì phải nói rằng đây là một thông tin rất sốc và đau buồn đối với tôi. Ngày hôm qua khi nhận được tin thì lúc đó anh Đương chưa mất, thì nghe được tin là gia đình đang trên đường đi vào Nghệ An bởi vì được trại giam thông báo. 

Thực sự lúc đó vẫn còn hy vọng cho nên tôi đăng một cái status (dòng trạng thái-PV) lên để thông báo với mọi người, và đồng thời cũng cầu nguyện trong lòng là anh ấy sẽ vượt qua được. Thế nhưng mà chỉ mấy tiếng đồng hồ sau thôi, thì nhận được tin là anh Đương đã mất.”

Trước khi mất thì ông Đỗ Công Đương đang thụ án tại Trại giam số 6, ở tỉnh Nghệ An. 

Ông Đương bị bắt hồi tháng 1 năm 2018 trong lúc quay phim một vụ cưỡng chế đất đai ở Từ Sơn, Bắc Ninh, dưới cáo cuộc “gây rối trật tự công cộng” và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. 

Trong hai phiên toà riêng biệt hồi tháng 9 và tháng 10 năm 2018, ông Đỗ Công Đương bị buộc tội và tuyên lần lượt các bản án bốn và năm năm tù giam. Bản bán năm năm tù sau đó được giảm xuống bốn năm trong một phiên toà phúc thẩm hôm 23 tháng 1 năm 2019. 

Với tổng cộng tám năm tù giam, nhà báo công dân người Bắc Ninh này dự kiến phải ngồi tù cho đến năm 2026. 

Cũng theo thông tin từ người thân cận với gia đình thì phía trại giam đã từ chối cho gia đình đưa thi hài ông Đỗ Công Đương về quê ở Bắc Ninh, mà phải tiến hành mai táng tại địa phương. 

Bày tỏ thái độ trước việc một tù nhân chính trị chết khi đang thi hành án tù, bà Bùi Thị Minh Hằng, một cựu tù nhân lương tâm, cho biết thêm: 

“Ngoài cái sự đau xót thì phải nói là một cái sự phẫn uất. Bởi vì tôi từng là người bị cầm tù ở trong nhà tù Cộng sản. Thì tôi thấy rằng là họ không coi cái tính mạng và sức khoẻ của con người là một cái vấn đề gì cả. 

Thậm chí tôi có suy nghĩ rằng đối với những người bất đồng chính kiến, những tù nhân chính trị, thì hình như nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam họ ngược đãi, họ cố tình để cho mọi người rời vào tình thế rất là khó khăn, rất là nguy hiểm và thậm chí là đã phải mất mạng.”

Bà cũng cho biết môi trường giam giữ trong các trại giam đối vời tù chính trị rất hà khắc, từ thực phẩm, đến vấn đề vệ sinh, thiếu thốn chăm sóc y tế, và các hình thức ngược đãi khác nhau, nên hầu hết các tù chính trị đều gặp vấn đề sức khoẻ ở trong tù. 

Trại giam số 6 là nơi đã từng xảy ra các vụ ngược đãi tù nhân chính trị, đơn cử hồi tháng 6 năm 2019, các tù nhân chính trị bị giam ở đây đã tổ chức tuyệt thực để phản đối việc trại giam tháo dỡ hết quạt điện trong buồng giam đúng lúc thời tiết nóng nực mùa hè. 

Đây cũng là nơi thầy giáo Đào Quang Thực qua đời vào tháng 12 năm 2019 khi đang thụ án 13 năm tù giam với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. 

Gia đình ông Thực cũng bị từ chối đem xác người thân về an táng mà phải chôn ngay trong trại giam. 

Phóng viên của Đài RFA đã gọi vào số điện thoại công khai của Trại giam số 6 nhiều lần để xác minh thông tin về trường hợp của ông Đỗ Công Đương, nhưng không có tín hiệu. 

Là một nhà báo công dân, sử dụng Facebook để đưa tin về các vấn đề xã hội một cách ông hoà, cho nên khi bị bắt thì ông Đỗ Công Đương đã được các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng bênh vực. 

Phản ứng trước cái chết của tù nhân chính trị này, bà Ming Yu Hah, Phó giám đốc cấp khu vực của tổ chức Ân xá Quốc tế nói qua email như sau: 

“Sự tra tấn và ngược đãi mà chính quyền Việt Nam bị cáo buộc gây ra đối với ông Đỗ Công Đương, nếu đúng sự thật thì sẽ là ví dụ điển hình cho thấy chính quyền vi phạm nhân quyền một cách liên tục và trầm trọng đối với những người bất đồng chính kiến. 

Chính quyền Việt Nam cần phải nhanh chóng tiến hành một cuộc điều tra độc lập, và kỹ càng đối với cáo buộc tra tấn và ngược đãi của cán bộ của Trại giam số 6, tỉnh Nghệ An. Và đưa những kẻ chịu trách nhiệm ra trước pháp luật.”

Ngoài ra tổ chức này còn kêu gọi chính quyền điều tra các cáo buộc tra tấn và ngược đãi mà các tù nhân chính trị khác phải chịu, bao gồm trường hợp của những người như bà Phạm Đoan Trang, và các ông Nguyễn Ngọc Ánh, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn.  

RFA (03.08.2022)

 

 

Hai dự thảo mới về Tín ngưỡng – Tôn giáo: khắt khe hơn nhiều so với nay

Những tín đồ Phật giáo Hoà hảo độc lập bị đàn áp trong nhiều năm  Facebook

Hai Dự thảo về tín ngưỡng – tôn giáo theo kế hoạch có thể được thông qua trong kỳ họp Quốc hội tới đây. Có nhận định từ giới quan tâm cho rằng đó sẽ là một bước lùi nữa trong chính sách tôn giáo của Chính phủ Việt Nam.

Một bước lùi về chính sách tôn giáo

Hồi trung tuần tháng bảy vừa qua, Ban thường trực Mặt trận Tổ quốc tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý cho hai bản dự thảo liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, bao gồm dự thảo thay thế Nghị định số 162/2017 – quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng- tôn giáo; và Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng- tôn giáo. 

Một trong những yêu cầu quan trọng trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 162 là phải bổ sung những quy định và biện pháp để quản lý đối với hình thức sinh hoạt tôn giáo trực tuyến, nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong việc “đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người”. Hình thức sinh hoạt tôn giáo trực tuyến đã phát triển mạnh mẽ trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở Việt Nam.

Về Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, Tiến sỹ Nguyễn Đình Thắng – Giám đốc BPSOS, một tổ chức chuyên vận động, đấu tranh cho Tự do Tôn giáo Việt Nam – cho rằng Dự thảo này cho thấy một sự đi lùi rất nhiều rất đáng quan ngại về chính sách đối với các tôn giáo, đặc biệt là các tôn giáo mà không chịu sự khống chế của Nhà nước:

“Trước đây có thể có những điều vi phạm nhưng mà chưa có biện pháp xử phạt hành chính và đặc biệt là phạt tiền thì bây giờ. Với bản dự thảo Nghị định mà phía Việt Nam định thông qua sắp tới đây có những khoản ấn định mức phạt tiền rất cao. Rất nhiều các tổ chức tôn giáo sẽ không thể đủ sức để đóng tiền phạt, có nghĩa là họ sẽ không thể sinh hoạt được nữa.

Cái nữa phải thông báo trước cả năm trời. Nếu như không thông báo trước thì sẽ bị phạt. Mỗi lần vi phạm như vậy thì tiền phạt sẽ tăng lên gấp đôi, gấp ba.  Phải thông báo trước 12 tháng những sinh hoạt, sự kiện về hoạt động tôn giáo của mình thì đó là một sự quá quắt, kể cả về vấn đề hoạt động sinh hoạt trực tuyến.

Thì đó là một sự khắt khe hơn rất nhiều so với lại tình trạng hiện nay, vốn đã hết sức tắc nghẽn về vấn đề tự do tôn giáo cho rất nhiều nhóm sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam.

Hoặc là đòi hỏi những trường đào tạo mục sư hay linh mục, chức sắc của các tôn giáo thì bắt buộc phải học về lịch sử cách mạng thì đó là một sự tuyên truyền của Đảng Cộng sản, vốn là một đảng vô thần. Việc bắt buộc phải học những điều của Đảng Cộng sản nhiều khi nó lại đi ngược lại với tín lý của tôn giáo.

Đây là một bản dự thảo mà chúng tôi nghĩ là cần phải rút lại, không thể đưa ra vào kỳ họp Quốc hội sắp tới đây để thông qua.”

Các điều khoản “bóp nghẹt Tự do Tôn giáo”

Những điểm mà tiến sỹ Thắng cho ra nghiêm trọng, bóp nghẹt tự do tôn giáo, được quy định cụ thể trong dự thảo như sau:

Khoản 2 Điều 25, Phạt 10 triệu đến 20 triệu đồng nếu không tổ chức giảng dạy môn học lịch sử Việt Nam, pháp luật Việt Nam trong chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo tôn giáo.

Điều 28, khoản 1, Cảnh cáo đối với việc không thông báo danh mục hoạt động tôn giáo diễn ra hàng năm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài ra, dự thảo còn quy định mức phạt từ mười đến 20 triệu đồng đối các tổ chức không được Nhà nước cấp phép hoạt động, và buộc phải chấm dứt các hoạt động tôn giáo.

Tại điều 20 quy định xử phạt năm đến 10 triệu nếu không hủy kết quả phong phẩm hoặc suy cử người làm chức sắc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Nếu tổ chức hội nghị liên tôn giáo, hội nghị có yếu tố nước ngoài khi không được cơ quan Nhà nước chấp thuận sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.

Đối với các hoạt động quyên góp của các tổ chức tôn giáo, theo điều 39, xử phạt năm đến 10 triệu đông nếu không thông báo hoạt động quyên góp cho cơ quan nhà nước. Nếu nhận các khoản tài trợ không đúng với mục đích đã được cơ quan nhà nước chấp thuận sẽ bị phạt 20 đến 40 triệu đồng, đồng thời tịch thu tiền, hiện vật đã nhận.

Người đi lễ chùa Trấn Quốc ở Hà Nội hôm 12/2/2021. AFP

Đàn áp tôn giáo vẫn tiếp diễn

Một sư thầy muốn ẩn danh tính, thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (PGVNTN), nói với RFA rằng không chỉ riêng hai bản Dự thảo nêu trên, mà trong tất cả các văn bản luật về tín ngưỡng- tôn giáo khác đều thể hiện sự hà khắc, kìm kẹp của Chính phủ đối với các hoạt động tôn giáo:

“Tôi nhận định đây là dự thảo thừa thãi, không cần thiết. Bởi vì trong các điều luật khác nó đã vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo rồi. Bây giờ lại ra thêm một bản dự thảo này và sắp sửa được ban hành thì lại càng vi phạm nghiêm trọng hơn về vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam.”

Theo vị sư thầy này, Nhà nước luôn tìm mọi biện pháp để “thâu tóm tôn giáo một cách triệt để”. Do đó, những tổ chức tôn giáo độc lập, không chịu sự kiểm soát luôn bị coi là “cái gai” trong mắt chính quyền. Họ luôn tìm mọi cách tấn công, đàn áp để giải thể các tổ chức tôn giáo này:

“Giáo hội PGVNTN gần như bị cô lập, đàn áp và sách nhiễu mọi mặt. Luôn luôn, trong các hoạt động tổ chức hành chính hoặc hoạt động cúng lễ, các hình thức tôn giáo… chúng tôi đều bị đàn áp trực tiếp hoặc gián tiếp.”

Tiến sỹ Đỗ Lan Hiền, Viện trưởng Viện nghiên cứu tín ngưỡng, tôn giáo phát biểu trong hội thảo Góp ý về Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tôn giáo rằng “việc xử phạt chính là hoạt động bảo vệ tôn giáo”.

Tuy nhiên, trong năm qua, tại Việt Nam đã xảy ra nhiều vụ việc bị người trong cuộc cho là đàn áp tôn giáo. Điển hình như vụ các tín đồ tôn giáo sắc tộc ở Tây Nguyên theo đạo Tin Lành nói họ không được chấp thuận khi đăng ký nhóm họp cầu nguyện tại gia; hay là chính báo chí Nhà nước cũng báo cáo rằng đã xoá bỏ hoàn toàn đạo Hà Mòn trên toàn lãnh thổ Việt Nam… Hôm 12 tháng 7, báo Công an Nhân dân- cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam – đăng bài viết của tác giả Quỳnh Vinh với nội dung tuyên truyền về chiến dịch “xoá bỏ đạo Dương Văn Mình” ở tỉnh Bắc Kạn. 

RFA (02.08.2022)

 

 

Tín đồ Thiên Chúa giáo người H’Mong bị ngược đãi nghiêm trọng ở Việt Nam

Một nhóm phụ nữ người H’Mông.

Các trang tin tôn giáo đang đang kêu gọi cộng đồng quan tâm đến các tín đồ Thiên Chúa giáo người H’Mong tại Việt Nam sau khi tờ Morning Star News tường thuật về “các cuộc đàn áp nghiêm trọng” đang được tiến hành tại tỉnh Nghệ An nhằm vào người H’Mong theo đạo Thiên Chúa.

“Ở tỉnh miền trung Việt Nam, các quan chức thi đua với nhau một cách ‘không có lương tâm hay tình người’ để tạo ra ‘vùng không có Cơ đốc giáo’ hoạt động”, tờ Morning Star News dẫn lời các lãnh đạo tôn giáo địa phương nói.

Giới hữu trách được mô tả luôn gây áp lực mạnh lên những người thân của các tín đồ để đuổi họ ra khỏi nhà, loại họ khỏi gia đình, khỏi nguồn sinh kế và cộng đồng mà không có gì trên người ngoài bộ quần áo đang mặc.

Tờ báo cho biết một số tín đồ đã bị buộc phải chia lìa khỏi vợ/chồng và con cái, nhà cửa, ruộng đồng, đôi khi thậm chí phải trả lại cả nhẫn cưới, nếu họ kiên quyết giữ đức tin của mình. Sau khi sự việc xảy ra, các quan chức phủi bỏ trách nhiệm và nói rằng đây hoàn toàn là vấn đề của gia đình, tờ báo nói thêm.

Nhiều nhân chứng được tờ báo phỏng vấn cho biết cuộc trấn áp âm thầm này đã diễn ra trong nhiều năm và đặc biệt là tại tỉnh Nghệ An.

Các tổ chức tôn giáo nói rằng những vụ vi phạm tự do tôn giáo tồi tệ nhất đang diễn ra ở các xã Huồi Tụ và Na Ngoi thuộc huyện Kỳ Sơn.

Thậm chí, các lực lượng bao gồm quan chức địa phương và công an thường xuyên đến bắt nạt và đe dọa các tín đồ, thậm chí vào ban đêm, buộc họ phải quay lại thờ cúng thần linh, nếu không sẽ bị tịch thu gia súc, hoa màu, ruộng đồng, máy móc, công cụ sản xuất nông nghiệp, bị lục soát nhà cửa và cắt điện… một số người còn bị bắt giam.

Các lãnh đạo tôn giáo kêu gọi nhà chức trách và cộng đồng quốc tế hãy can thiệp khẩn cấp cho các tín đồ của họ, những người đang bị bắt bớ và đàn áp khắc nghiệt.

Trong phúc trình năm 2021 về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam, Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) nhận định chính quyền Việt Nam vẫn liên tục bách hại các nhóm tôn giáo độc lập, vi phạm tự do tôn giáo có hệ thống, và dùng Hội Cờ Đỏ để công kích các chức sắc tôn giáo có quan điểm khác với quan điểm của nhà nước. USCIRF cũng tái đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC).

Phản hồi về các đánh giá kể trên, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nói phúc trình còn một số nội dung, đánh giá “thiếu khách quan, không công bằng”, và Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ về các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.

VOA (02.08.2022)