Seite auswählen
  • Mỹ Hằng
  • BBC News Tiếng Việt

Họa sỹ, nhà thơ Bùi Chát trong triển lãm Improvisation tại Alpha Art Station

BUI CHAT Họa sỹ, nhà thơ Bùi Chát trong triển lãm Improvisation tại Alpha Art Station

Giới hội họa Việt Nam vừa nhận một tin được cho là ‘chưa có tiền lệ’ từ năm 1975 tới nay: 29 bức tranh trong triển lãm Improvisation tại Alpha Art Station của họa sỹ Bùi Chát vừa có lệnh phải tiêu hủy.

Cùng với đó, họa sỹ Bùi Chát bị cơ quan chức năng mời lên làm việc và lập biên bản xử phạt 25 triệu đồng.

Quyết định xử phạt này do ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM ký, với lý do triển lãm ‘không xin phép’, dựa theo quy định tại khoản 4 điều 19 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP về xử phạt phi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt ngày 16/8, họa sỹ Bùi Chát xác nhận sự việc nói trên và cho biết ông ‘sốc’, ‘choáng váng vì không ngờ’ khi được tin phải tiêu hủy tranh.

Một số tác phẩm của họa sỹ Bùi Chát được trưng bày trong triển lãm Improvisation tại Alpha Art Station

BUI CHAT Một số tác phẩm của họa sỹ Bùi Chát được trưng bày trong triển lãm Improvisation tại Alpha Art Station

Theo họa sỹ Bùi Chát, khoảng 4-5 ngày sau khai mạc triển lãm, “có một nhóm gọi là đoàn kiểm tra chuyên ngành văn hóa giữa An ninh Văn hóa và Sở Văn hóa Thể thao, đến kiểm tra”, sau đó hơn ba tuần sau họ ra biên bản xử phạt hành chính.

Đồng thời, biên bản này yêu cầu họa sỹ Bùi Chát phải ‘khắc phục hậu quả’ bằng cách tiêu hủy toàn bộ 29 tranh trong triển lãm.

‘Đánh thức tự do’ và ‘Mở miệng’

Bùi Chát được biết đến từ lâu là nhà thơ, nhưng ông đã vẽ tranh được 10 năm nay, và đây là triển lãm đầu tiên trong sự nghiệp cầm cọ của ông.

Một số tác phẩm của họa sỹ Bùi Chát được trưng bày trong triển lãm Improvisation tại Alpha Art Station

BUI CHAT Một số tác phẩm của họa sỹ Bùi Chát được trưng bày trong triển lãm Improvisation tại Alpha Art Station

Huỳnh Lê Nhật Tấn trong một bài viết mới đây trên BBC khen tranh Bùi Chát ‘đánh thức sự tự do’.

Ngoài vẽ tranh, làm thơ, Bùi Chát là thủ lĩnh nhóm Mở Miệng, đã hoạt động khoảng 20 năm cùng với một số nhà thơ khác như Lý Đợi, “đưa ra một lối thơ khác, không giống thơ ‘định hướng’ theo quan điểm của Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương của Đảng Cộng sản hoặc Hội Nhà văn Việt Nam”.

Nhóm Mở Miệng cũng cho ra đời NXB Giấy Vụn, và một số hoạt động khác.

Có phải vì ‘đánh thức tự do’ và ‘mở miệng’ mà nay Bùi Chát bị xử phạt và tranh bị tiêu hủy?

Khánh tới thưởng thức tranh của Bùi Chát trong triển lãm Improvisation tại Alpha Art Station

BUI CHAT Khánh tới thưởng thức tranh của Bùi Chát trong triển lãm Improvisation tại Alpha Art Station

Họa sĩ Bùi Chát nói không có đủ căn cứng để phủ nhận hoặc khẳng định việc này, dù ông cho hay trong suốt 10 năm qua đã bị chính quyền cấm xuất cảnh.

‘Tôi cũng thường xuyên bị gây khó dễ trong kinh doanh làm ăn, thuê nhà cũng không ai dám cho thuê vì bị quấy nhiễu’, Bùi Chát nói với BBC.

Nói về nội dung tranh trong triển lãm, Bùi Chát nói tranh của ông “phần lớn là trừu tượng” và ông ‘không đưa ý đồ cụ thể gì vào tác phẩm mà chỉ là nghệ thuật thuần túy’.

“Tôi không có quyền nói thay tác phẩm. Người xem mỗi người tự cảm nhận, diễn giải tranh theo cách của mình. Ai nói nó có ý đồ chính trị thì cứ để họ chứng minh,” Bùi Chát nói.

‘Nghiêm trọng, chưa có tiền lệ’?

Về hình thức xử lý của cơ quan chức năng, họa sĩ Bùi Chát nói:

“Trên nguyên tắc của luật pháp, sai phạm gây hậu quả thế nào thì khắc phục hậu quả đến đó. Một triển lãm nghệ thuật chỉ có thể gây hiệu quả chứ không thể gây hậu quả được, cho nên không thể khắc phục hậu quả bằng cách tiêu hủy hết tranh.”

Một tác phẩm của Bùi Chát trong triển lãm Improvisation tại Alpha Art Station

BUI CHAT Một tác phẩm của Bùi Chát trong triển lãm Improvisation tại Alpha Art Station

Ông Bùi Chát cho rằng về mặt áp dụng luật, cơ quan chức năng có thể không sai. Tuy nhiên Nghị định 38/2021 có khả năng vi hiến và đi ngược lại các nguyên tắc về quyền con người.

Ông cũng nói hành động tiêu hủy tranh còn vi phạm đến quyền tài sản của người khác.

“Tôi lấy ví dụ một người từ nước ngoài về mang theo bộ sưu tập tranh Đông Dương quý, và mở triển lãm tại nhà, vì không biết thủ tục nên không xin phép.

“Không lẽ chính quyền đến xử phạt, lập biên bản, rồi tiêu hủy toàn bộ tranh? Trong khi đó tranh đó có thể được xem là quốc bảo và giá có thể tới vài chục triệu đô la.”

“Họ không quan tâm đến nội dung tranh là gì, giá trị ra sao, mà chỉ quan tâm đến hình thức là xử phạt. Tôi cho rằng đây là vấn đề nghiêm trọng.

“Về văn hóa, đây là một hình thức hủy hoại tương lai văn hóa, gây tội ác cho văn hóa.

Một sô tác phẩm của Bùi Chát trong triển lãm Improvisation tại Alpha Art Station

BUI CHAT Một sô tác phẩm của Bùi Chát trong triển lãm Improvisation tại Alpha Art Station

“Họ không quan tâm sau này các tác phẩm có thể có giá trị như thế nào. Có thể 10 năm sau các tác phẩm này sẽ được đánh giá về giá trị ở một mức độ khác. Họ không hiểu được điều đó.

“Nếu các tác phẩm này bị tiêu hủy, sẽ tạo ra vết nhơ trong chính quyền và vết nhơ cho văn hóa Việt Nam.

“Chưa bao giờ ở Việt Nam có trường hợp họa sĩ triển lãm tranh vì không xin phép mà mang ra tiêu hủy,” họa sỹ Bùi Chát nói với BBC.

Ông Bùi Chát cũng cho hay sẽ khởi kiện và “bảo vệ quyền lợi của mình đến cùng”.

Ý kiến từ giới họa sỹ, nghệ sỹ

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn, nhà văn Nguyễn Viện nói:

“Việc nhà thơ Bùi Chát bị lập biên bản và xử phạt cho cuộc triển lãm tranh của anh là điều khá bất ngờ.

Một tác phẩm của Bùi Chát trong triển lãm Improvisation tại Alpha Art Station

BUI CHAT Một tác phẩm của Bùi Chát trong triển lãm Improvisation tại Alpha Art Station

“Đây là một vụ việc chưa có tiền lệ. Nếu dựa vào nghị định 38 để vừa phạt Bùi Chát 25 triệu và buộc tiêu hủy tang vật gọi là để “khắc phục hậu quả”, tôi e rằng có điều gì quá đáng ở đây.

“Chỉ vì lý do cuộc triển lãm không xin phép, mà nhà nước đưa ra mức hình phạt như thế, khiến người ta có thể đặt câu hỏi: liệu những tác phẩm trong triển lãm đó “có vấn đề”?

“29 tác phẩm trừu tượng có thể suy diễn về nội dung của nó một cách tùy tiện chăng?

“Tôi không nghĩ tranh của Bùi Chát mang một nội hàm chính trị hay thái độ chính trị nào. Có lẽ chúng ta cũng cần lưu ý, Bùi Chát vốn là một nhà thơ, và việc vẽ tranh của anh theo lối trừu tượng là điều mà chúng ta có thể hiểu như một hứng thú hơn là một họa sĩ chuyên nghiệp.

“Vì thế, việc xử phạt anh 25 triệu cho một niềm vui đã là quá đáng, huống chi còn buộc tiêu hủy tác phẩm như một “tang vật” của hành vi sai trái, thì tôi tin chắc rằng vụ việc việc này sẽ trở thành một sự kiện mang tính lịch sử cho sinh hoạt văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam.

“Tôi xin nói thêm, việc lập biên bản đã diễn ra sau 3-4 ngày phòng tranh khai mạc, và cuộc triển lãm đã kết thúc vào ngày 30/7, nhưng đến ngày 9/8 Bùi Chát mới được thông báo đến nhận quyết định xử phạt. Đây cũng là một vấn đề.

Trên Facebook cá nhân, nhà thơ Đỗ Trung Quân chỉ ra rằng Nghị định 38 không áp dụng đối với triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh hay hoạt động trưng bày tác phẩm, hiện vật, tài liệu thuộc sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân tại trụ sở của tổ chức hoặc tại nhà riêng của cá nhân trong các hoạt động mang tính chất nội bộ.

“Tóm lại theo thiển ý thì với hành vi được cho là ‘triển lãm không có giấy phép’ 29 bức tranh của họa sỹ Bùi Chát, không thể bị xử phạt tiêu hủy theo quy định của pháp luật hiện hành,” họa sỹ Đỗ Trung Quân viết.

Nhà thơ Lý Đợi viết trên Facebook cá nhân:

“Xíu nữa là mất bảo vật quốc gia.

“Nếu áp dụng theo cái quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Bùi Chát ngày 9/8/2022 của UBND TP.HCM, thì VN trong quá khứ có nguy cơ mất nhiều Bảo vật quốc gia.

“Quyết định vừa nêu buộc Bùi Chát phải “tiêu hủy 29 bức tranh”, vì “tổ chức triển lãm tại VN mà không có giấy phép”.

Nhìn lại lịch sử. Ví dụ bức tranh “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của Nguyễn Sáng, được công nhận Bảo vật quốc gia trong đợt 2 (năm 2013). Bức này từng không được cấp phép triển lãm và vài lần lén triển lãm không có giấy phép. Rất may nó không bị buộc tiêu hủy, nếu không thì đâu còn để mà nửa thế kỷ sau công nhận Bảo vật quốc gia.

“Hoặc như bức “Hào” của Dương Bích Liên, vài lần bị cấm, tác giả bị mời viết kiểm thảo nhiều lần. Nhưng cũng rất may là không bị buộc tiêu hủy, nếu không thì Dương Bích Liên và mỹ thuật hiện đại Việt Nam đã mất đi một kiệt tác.

“Còn nếu nói Bùi Chát từng bị “sổ đen” nên dẫn đến buộc phải tiêu hủy tranh, thì càng khiên cưỡng, vô lý. Vì trong quá khứ, các thành viên trực tiếp và gián tiếp của Nhân văn – Giai phẩm đều thuộc “sổ đen” hoặc “sổ rất đen”, vậy mà sau này thì sao?

“Đa số tác phẩm của họ được tái xuất hiện, nhiều người còn được đặt tên đường, được trao giải thưởng HCM, giải quốc gia… Nếu trong quá khứ cũng áp dụng tiêu hủy tác phẩm, thì việc trao giải sau này còn ý nghĩa gì, khi mà tác phẩm không còn nữa.

“Một lãnh đạo của Hội Mỹ thuật VN (tạm giấu tên) nói rằng quyết định tiêu hủy tranh là chưa có tiền lệ tại VN kể từ 1975 đến nay.

“Từ vài cứ liệu lịch sử như vừa nêu, có thể thấy rằng cái quyết định mà Bùi Chat đang đối diện là một quyết định làm thụt lùi sự văn minh, hiện đại, công bằng, dân chủ mà cả nền hành chính đang hướng tới.

“Nó cũng làm xấu đi hình ảnh xã hội pháp quyền, muốn thượng tôn pháp luật mà VN đang nỗ lực để có được.

Họa sỹ Lương Lưu Biên viết trên Facebook cá nhân:

“Kiểm duyệt! Tiêu huỷ 29 bức tranh” trong triển lãm của Bùi Chát (đã kết thúc triển lãm).

Nếu không có nhầm lẫn gì thì đây là một quyết định xử phạt không phép đáng kinh ngạc.Tranh trừu tượng thì có nội dung gì để suy diễn các kiểu nhỉ?

“Xưa nay chỉ cấm treo nay thì tới tiêu huỷ luôn. Thật không thể chấp nhận được!”

Sao phải tiêu hủy?

Lê Huyền Ái Mỹ

16-8-2022

Ngày 9-8, UBND TP HCM ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Bùi Quang Viễn, tức nhà thơ Bùi Chát do “tại thời điểm kiểm tra ông Bùi Quang Viễn triển lãm 29 bức tranh tại phòng tranh Alpha Art Station mà không có giấy phép theo quy định” (trích văn bản), ngoài số tiền phạt 25 triệu đồng, UBND TP “buộc ông Bùi Quang Viễn tiêu hủy 29 bức tranh triển lãm tại địa chỉ số 271/5 đường Nguyễn Trọng Tuyển, P.10, Q. Phú Nhuận theo quy định tại điểm c, khoản 8, Điều 19 Nghị định số 38/2021 của Chính phủ”.

Hồi còn làm phóng viên văn hóa, mấy bận tôi cùng theo đoàn liên ngành đi chứng kiến buổi tiêu hủy các văn hóa phẩm đồi trụy, bị tịch thu trong các đợt kiểm tra. Ôi thôi đủ sắc màu, kích cỡ; băng đĩa in sao phim đen… Nay, dù chưa xem nhưng đọc qua các nhận định của giới chuyên môn về cuộc triển lãm mang tên “Ứng tác” của Bùi Chát (15.7-30.7) không hiểu vì sao lại kèm theo cái “biện pháp khắc phục hậu quả” một cách quái gở như thế.

Theo giám tuyển, nhà phê bình Nguyên Hưng: “Không giống nhiều văn nhân băng ngang vào hội họa, thường vẽ theo lối tượng trưng hay biểu hiện. Bùi Chát nghiêng hẳn theo hướng trừu tượng – đòi hỏi sự tinh tường và tinh tế trong dụng ngôn hội họa. Và hầu hết tranh tôi đã xem đều thực sự là những tác phẩm đẹp với phong cách lyrical abstraction rất riêng”.

Theo nhà phê bình hội họa Lý Đợi: “Cũng như thơ, với nhiều tìm tòi thể nghiệm và pha trộn, trong tranh dù chọn hội họa tình huống, nhưng bản sắc pha trộn – tìm tòi của Bùi Chát vẫn vậy. Về ngôn ngữ, chúng ta có thể thấy chủ đạo là trừu tượng trữ tình (lyrical abstraction), nhưng bảng màu thì phảng phất chất dã thú (fauvism), còn tinh thần sáng tác thì pha trộn giữa ngẫu biến (fluxus) và đa đa (dadaism)”.

Là tất cả đều phát biểu công khai trên các báo.

Tại sao không thể áp dụng theo khoản 9, Điều 4 là “buộc di dời tang vật vi phạm khỏi địa điểm tổ chức triển lãm mỹ thuật hoặc tổ chức trại sáng tác điêu khắc”, dù triển lãm đã kết thúc thì cũng là một sự nhắc nhớ cho tác giả lẫn đơn vị tổ chức. Mà nghĩ cho cùng, bày biện một cuộc triển lãm nghệ thuật là mở thêm một không gian thẩm mỹ cho thành phố, “quân pháp bất vị… tình” thì phạt tiền, ai lại buộc đem tiêu hủy ngần ấy cái “trừu tượng trữ tình”, ứng xử với nghệ thuật, với văn hóa mà như thể… rác thế kia!

Chợt nhớ cái vụ một sáng mai ra, bảng hiệu Chùa Nghệ sĩ người ta cũng nhanh nhảu tháo mà không nghĩ dưới nó, trước nó, sau nó là cả một dòng chảy trăm năm, với bao tinh anh lẫn thể phách còn lưu giữ nơi ấy, cho nơi này.

Bùi Chát bảo: “Hội họa tình huống không bắt đầu và kết thúc bằng các ý tưởng, mà chỉ bắt đầu và kết thúc bằng các tình huống và cách ứng biến – ứng xử tình huống. Đối tượng của hội họa tình huống không gì khác ngoài các tình huống hội họa. Các nghệ sĩ không mô tả, thể hiện, phản ánh, hoặc hướng đến đối tượng – mà chỉ có thể xử lý, ứng biến, ứng xử với đối tượng”.

Và giờ, anh hẳn đã có một “tình huống” bất ngờ để có thể ứng biến rồi đấy!

Sao lại thế, khi một bên đang từng ngày tìm cách phục dựng, tôn tạo, chỉnh trang các công trình văn hóa, di tích lịch sử cho thành phố này thì vẫn có một kiểu quản lý văn hóa và hành xử với văn hóa rất phản văn hóa?

Hiệu ứng trái cấm

Nguyễn Phương Mai

17-8-2022

Trên đời có rất nhiều thứ trở nên hấp dẫn hoặc khiến ta tò mò chỉ vì nó là thứ bị cấm đoán.

Ví dụ, nhiều người cho rằng dân Hà Lan hẳn suốt ngày lờ đờ như con nghiện vì đất nước này cho phép vào quán mua cần sa như thể mua một điếu thuốc. Tuy nhiên cũng như phố đèn đỏ và việc mua dâm được pháp luật công nhận, người Hà Lan không bị nghiện sex hay nghiện cần. Ngược lại, họ có phần lo lắng vì nhiều dân du lịch tới đây chỉ có mục đích thoả mãn trái cấm – thứ mà chính dân bản địa không quá mặn mà, đơn giản vì nó không hề bị cấm.

Những người có thẩm quyền kiểm duyệt văn hoá ở Việt Nam có lẽ nên cẩn trọng hơn với hiệu ứng trái cấm. Vài ví dụ gần đây cho thấy sự cấm cản đôi khi có tác dụng ngược.

Khi một MV của Sơn Tùng bị tuýt còi vì khiến người xem liên tưởng đến tự tử, lượng view tăng đột biến. Khi bức tranh vẽ chiến sĩ phất cờ Điện Biên Phủ bị tuýt còi, hàng triệu người đã tìm đến bức tranh. Và giờ đây, khi những tác phẩm trừu tượng của hoạ sĩ Bùi Chát bị bắt tiêu huỷ, tên anh trở nên nổi tiếng.

Cá nhân tôi không cùng tần số âm nhạc với Sơn Tùng, không thích bức Điện Biên Phủ, và cũng không rung cảm với những bức vẽ trừu tượng của Bùi Chát. Nhưng vì những lệnh cấm liên quan mà tôi cũng như nhiều người, đã dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu.

Lệnh cấm nếu sử dụng tuỳ tiện sẽ chỉ khiến cho người ta chuyển sang super soi chính lệnh cấm, hoặc nghi ngờ và tin vào những lý do không liên quan đến nghệ thuật đằng sau lệnh cấm.

Ví dụ, vì Bùi Chát vốn có một số ý kiến trái chiều, nhiều người cho rằng đó là sự trừng phạt có động cơ chính trị. Lý do triển lãm không có giấy phép (mà trách nhiệm thuộc về nhà tổ chức) không hề tương quan với hình phạt bắt anh phải tiêu huỷ toàn bộ 29 sản phẩm nghệ thuật.

Tệ hơn, nó khiến người ta liên tưởng đến phương cách thống trị kiểu độc đoán thời xưa như đốt sách hay phá huỷ các công trình nghệ thuật (phi) vật thể để tận diệt một tư tưởng bị cho là trái chiều.

Chuyện nào ra chuyện nấy. Thật sự là không cần biến một quả táo trần tục thành trái cấm địa đàng khi nó có khi cũng chỉ là một quả táo.