Văn phòng Cao Uỷ Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc vừa công bố thư tố giác của bốn chuyên gia nhân quyền gửi chính phủ Việt Nam về nạn buôn người theo chương trình xuất khẩu lao động, trong thư nêu vấn đề công an Việt Nam đã đe dọa những người hồi hương từ Ả Rập Xê Út.
Thư tố giác số UA VNM 3/2022, ngày 26/4, của các chuyên gia nhân quyền thuộc LHQ yêu cầu chính phủ Việt Nam điều tra, làm rõ việc các nạn nhân của vụ buôn người và thân nhân của họ “sống trong môi trường đầy sự sợ hãi và đe dọa liên tục của quan chức chính quyền, đại diện các công ty xuất khẩu lao động, các nhóm buôn người và nhóm xã hội đen có liên hệ với chính quyền”.
“Đã có sự gia tăng của các hành vi đe dọa đối với những người hồi hương là nạn nhân của tội phạm buôn người và gia đình của họ. Những cáo buộc này bao gồm hành vi đe dọa, gây áp lực lên các nạn nhân và gia đình để họ ngừng khiếu nại với các tổ chức nước ngoài, cũng như việc cảnh sát giám sát một số nạn nhân”, báo cáo viên LHQ viết.
Văn thư của LHQ nêu cụ thể trường hợp của bà H’Thai Ayn, một lao động người dân tộc Ê Đê ở Ả Rập Xê Út là nạn nhân của vụ buôn người và được hồi hương về Việt Nam vào tháng 9/2021.
Các báo cáo viên LHQ lo ngại việc những nạn nhân cùng chung sống với bà H’Thai Ayn tại trung tâm xã hội Sakan ở Ả Rập Xê Út sau khi hồi hương về Việt Nam lại bị “công an thẩm vấn liên quan đến các hoạt động và các quan hệ của bà”. Ngoài ra, thân nhân của bà cũng bị công am mời làm việc, thông báo rằng bà sẽ bị khởi tố hình sự.
Các các báo viên LHQ nêu rõ rằng công an ở Việt Nam phối hợp với các công ty xuất khẩu lao động để điều tra và đe doạ một số nạn nhân đã hồi hương này vì họ đã dám đứng lên đòi công lý.
Vào tháng 6 năm ngoái, bà H’Thái Ayun, nói với VOA rằng bà bị một quan chức đại sứ quán Việt Nam ở Riyadh khiển trách sau khi đăng một video cầu cứu lên mạng xã hội vào đầu tháng 4.
Vào ngày 25/10/2021, các chuyên gia về nhân quyền của LHQ đã gửi văn thư cho chính phủ Việt Nam yêu cầu cung cấp thông tin về các trường hợp buôn người lao động sang Ả Rập Xê Út.
Ngày 4/3/2022, Việt Nam phản hồi văn thư này, nêu lên những vấn đề một cách chung chung về chính sách, về khung pháp luật của Việt Nam… Các chuyên gia LHQ lấy làm tiếc vì văn thư của Việt Nam “không trả lời một số câu hỏi, đặc biệt các câu hỏi có liên quan đến việc điều tra, khởi tố, trừng phạt các thủ phạm trong vai trò buôn phụ nữ và thiếu nữ”.
“Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với các quốc gia, bao gồm cả Ả Rập Xê-út, để ngăn chặn và đối phó với nạn buôn người liên quan đến công dân Việt Nam”, văn thư của Việt Nam viết.
Thư tố giác của nhóm công tác LHQ chỉ ra rằng chính quyền Việt Nam đã vi phạm nguyên tắc không được hăm doạ hoặc trả thù những người báo cáo vi phạm.
Liên Hợp Quốc vừa lên tiếng kêu gọi Việt Nam trấn áp nạn buôn người sau khi ghi nhận tình trạng lạm dụng phụ nữ và trẻ em gái được tuyển dụng từ Việt Nam sang Ả-rập Xê-út làm người giúp việc nhà.
Vụ việc thu hút sự chú ý gần đây sau khi VOA ghi nhận các trường hợp nữ lao động Việt Nam làm việc ở Ả-rập Xê-út báo cáo bị chủ ngược đãi dẫn tới những tổn thương về thể xác và tinh thần, trong đó có một thiếu nữ 17 tuổi tử vong sau hai năm lao động tại quốc gia Trung Đông.
Các ghi nhận của VOA cho thấy cách thức mà ít nhất một công ty tuyển dụng lao động ở Việt Nam đã sử dụng nhằm chiêu dụ các thiếu nữ thuộc sắc dân thiểu số từ những vùng quê nghèo hẻo lánh tham gia lực lượng lao động xuất khẩu, gồm cả một số em chưa đủ tuổi theo quy định của luật pháp Việt Nam.
“Chúng ta đang chứng kiến những kẻ buôn người nhắm vào phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam sống trong cảnh nghèo đói, nhiều người trong số họ vốn dễ bị tổn thương và bị gạt ra ngoài lề của xã hội,” các chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc nói trong một tuyên bố đưa ra hôm 4/11. “Những kẻ buôn người này hoạt động mà không bị trừng phạt.”
Theo các chuyên gia của tổ chức liên chính phủ lớn nhất thế giới, sau khi ký hợp đồng với các công ty tuyển dụng lao động tại Việt Nam, một số trẻ em gái và phụ nữ đã làm việc tại Ả-rập Xê-út và bị chủ lao động ở đây “lạm dụng tình dục, đánh đập, tra tấn và đối xử tàn bạo.” Các chuyên gia còn cho biết, những phụ nữ Việt Nam thường bị bỏ đói và không được điều trị y tế cũng như không được trả lương hoặc trả lương thấp hơn quy định trong hợp đồng của họ.
Mười ba lao động nữ người Việt tại Ả-rập Xê-út hồi tháng 6 nói với VOA rằng họ bị chủ ngược đãi dưới những hình thức khác nhau. Những phụ nữ này, thuộc nhiều dân tộc thiểu số từ các tỉnh miền Trung Tây Nguyên và miền Bắc của Việt Nam, cho biết họ hoàn tất hợp đồng giúp việc nhà nhưng chủ không mua vé cho về nước và không được trả lương sau nhiều tháng làm việc. Họ còn nói bị chủ bạo hành và bị giữ lại hành lý cùng giấy tờ tuỳ thân. Trong số đó, một phụ nữ tên Đinh Thị Ca nói với VOA rằng chị bị chủ “cưỡng hiếp nhiều lần” trong 2 năm làm giúp việc tại đây và sau đó đã bỏ trốn vì không chịu nổi “sự ngược đãi tàn tệ”.
Các chuyên gia nhân quyền của LHQ nói họ đã nhận được “những cáo buộc thực sự đáng báo động” rằng một số công ty ở Việt Nam đã tuyển dụng các thiếu nữ sang Ả-rập Xê-út làm giúp việc gia đình và giả mạo tuổi của họ trên giấy tờ tuỳ thân để che giấu sự thật họ là trẻ vị thành niên.
Tuyên bố của các chuyên gia LHQ hôm 4/11 dẫn ra trường hợp một cô gái Việt Nam 15 tuổi bị ốm vì bị chủ đánh đập và người chủ này đã bỏ đói và không chữa bệnh cho cô. Cô gái này đã chết trước khi có thể lên chuyến bay trở về Việt Nam. Do giấy tờ của cô bị đơn vị tuyển dụng làm giả nên gia đình không thể đưa được thi thể của cô về nhà.
VOA hồi đầu tháng 10 ghi nhận về trường hợp tử vong của H Xuân Siu, một thiếu nữ Việt Nam thuộc dân tộc Gia Rai đi xuất khẩu lao động giúp việc nhà ở Ả-rập Xê-út. Các tài liệu mà VOA có được cho thấy năm sinh của cô đã bị thay đổi trên hộ chiếu để làm cho H Xuân Siu lớn hơn 1 tuổi khi được công ty Vinaco chiêu dụ vào năm 2018 lúc gần 15 tuổi. Thi hài của cô được chôn ở Ả-rập Xê-út thay vì được đưa về nước theo nguyện vọng của gia đình.
Theo thống kê của LHQ trong khoảng thời gian từ 3/9 đến 28/10 năm nay, đã có gần 205 phụ nữ, nhiều trong số đó được cho là nạn nhân của nạn buôn người, đã được hồi hương về Việt Nam.
Các chuyên gia của LHQ kêu gọi chính phủ Việt Nam và Ả-rập Xê-út tiến hành một cuộc điều tra khách quan và độc lập về các vụ vi phạm nhân quyền đối với phụ nữ và trẻ em gái nhập cư, cũng như các cáo buộc rằng các cơ quan công quyền tham gia vào nạn buôn người và kêu gọi truy tố thủ phạm.
“Chúng tôi kêu gọi Ả-rập Xê-út và Việt Nam áp dụng các biện pháp và chính sách hiệu quả để phòng, chống buôn bán người và bảo vệ người lao động bị buôn bán,” các chuyên gia LHQ nói. “Chúng tôi cũng kêu gọi các chính phủ này đảm bảo sự hợp tác song phương về di cư lao động dựa trên quyền con người, trong đó bao gồm cơ chế trách nhiệm giải trình hiệu quả.”
Việt Nam chưa đưa ra phản ứng chính thức nào trước lời kêu gọi của các chuyên gia LHQ nhưng một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao ở Hà Nội vào tháng trước nói rằng bộ này đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út “phối hợp chặt chẽ” với chính quyền sở tại cũng như làm việc với doanh nghiệp xuất khẩu lao động để “tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết” khi đề cập đến trường hợp của H Xuân Siu.
VNTB – Liên Hiệp Quốc chất vấn Việt Nam về buôn người tại A Rập Xê-út
Người dịch Tiến Nguyễn Human-right-VN
Việt Nam Thời Báo
PALAIS DES NATIONS • 1211 GENEVA 10, SWITZERLAND
Báo cáo viên đặc biệt về nạn buôn người, đặc biệt phụ nữ và trẻ em; Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của di dân; Báo cáo viên đặc biệt về các hình thức nô lệ đương thời, bao gồm nguyên nhân và hậu quả; Báo cáo viên đặc biệt về tra tấn và cách đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, bất nhân hoặc hạ nhân phẩm và Báo cáo viên đặc biệt về bạo hành đối với phụ nữ, các nguyên nhân và hậu quả.
TÀI LIỆU THAM KHẢO: UA VNM 5/2021
25 tháng 10 năm 2021
Xin chào Ngài,
Chúng tôi rất vinh dự được tiếp xúc với Ngài với tư cách là Báo cáo viên đặc biệt về nạn buôn người, đặc biệt phụ nữ và trẻ em; Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của di dân;
Báo cáo viên đặc biệt về các hình thức nô lệ đương thời, bao gồm nguyên nhân và hậu quả; Báo cáo viên đặc biệt về tra tấn và cách đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, bất nhân hoặc hạ nhân phẩm và Báo cáo viên đặc biệt về bạo hành đối với phụ nữ, các nguyên nhân và hậu quả, theo các nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền 44/4, 43/6, 42/10, 43/20 và 41 /17.
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi muốn lưu ý đến thông tin Chính phủ của Quý vị mà chúng tôi nhận được liên quan đến các vụ vi phạm nhân quyền đối với một nhóm phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam là nạn nhân của nạn buôn người.
Theo thông tin nhận được:
Một số phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam đã bị các cơ quan tuyển dụng lao động khác nhau ở Việt Nam cho là đã tuyển dụng để làm giúp việc gia đình tại Vương quốc Ả Rập Xê Út.
Thậm chí, một số công ty còn tuyển dụng các cô gái chưa đủ tuổi, thay đổi tuổi của họ trên giấy tờ tùy thân. Khi đến Vương quốc Ả Rập Xê Út, nhiều phụ nữ trong số này đã lâm vào hoàn cảnh bị bóc lột. Một số phụ nữ bị cho là bị đánh đập, bị tra tấn và các hình thức đối xử tàn ác, bất nhân hoặc hạ nhân phẩm khác. Ngoài ra còn có các cáo buộc về lạm dụng tình dục và bạo lực tình dục. Một số người cũng bị cưỡng bức lao động, bị cho ăn thiếu, không được điều trị y tế và không được trả lương hoặc trả thấp hơn hợp đồng quy định.
Một số phụ nữ đã tìm cách thoát khỏi những tình huống ngược đãi này. Một số người trong số họ đã được cảnh sát đưa tại Trung tâm Dịch vụ Xã hội SAKAN ở Riyadh; những người khác đã trốn khỏi nhà của chủ nhân của họ và đến trung tâm này. Có cáo buộc là các giấy tờ tùy thân của họ đã bị trung tâm tịch thu. Phụ nữ sống tại trung tâm không được rời khỏi nơi này trừ khi được nhà chức trách Ả Rập Xê Út hoặc quan chức cơ quan đại diện ngoại giao của quốc gia nguyên quán hộ tống.
Một số nạn nhân cho biết đã tìm kiếm sự hỗ trợ của các công ty tuyển dụng họ làm việc tại Vương quốc Ả Rập Xê Út để giúp họ trở về Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn, có báo cáo rằng các công ty, thông qua đại diện của họ ở Riyadh, đã không cung cấp bất kỳ hỗ trợ nào cho những nạn nhân đã báo cáo việc họ bị lạm dụng. Trong một số trường hợp, những nạn nhân liên hệ với đại diện của các đơn vị tuyển dụng Việt Nam được cho biết là phải làm việc chăm chỉ và không phàn nàn nếu không sẽ bị phạt vì vi phạm hợp đồng lao động.
Hơn nữa, thông tin nhận được cho thấy có sự tồn tại của một đường dây buôn người, liên quan đến các công dân Việt Nam ở Vương quốc Ả Rập Xê Út, những người tiếp cận lao động Việt Nam, nhiều người trong số họ ở trong tình trạng dễ bị tổn thương, hứa hẹn là lao động sẽ được trả lương cao hơn. Một số nữ lao động tại Trung tâm Dịch vụ Xã hội SAKAN được cho là đã được tiếp cận bởi một người Việt Nam đã đưa họ ra khỏi trung tâm mà không được sự đồng ý của họ và bán họ cho những người chủ mới.
Từ ngày 3 tháng 9 đến ngày 13 tháng 10 năm 2021, 39 phụ nữ bị cho là nạn nhân của nạn buôn người đã được hồi hương về Việt Nam.
Những trường hợp cá nhân dưới đây là minh họa cho những hình thức bóc lột lớn hơn mà nhiều phụ nữ đã phải đối mặt. Cô H'Thái Ayun, được tuyển dụng bởi công ty tuyển dụng lao động Thuận An DMC, trụ sở tại tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam. Cô được cho là đã đến Vương quốc Ả Rập Xê Út vào ngày30 tháng 10 năm 2018, nơi cô bắt đầu làm công việc giúp việc gia đình.
Được biết: ngay sau khi bắt đầu làm việc, cô đã bắt đầu bị chủ nhân của mình ngược đãi. Cô cho biết đã bị cưỡng bức lao động và bị từ chối ăn.
Cô đã liên hệ với Thuận An DMC, công ty đã tuyển dụng cô để nhờ hỗ trợ nhưng cô bị Thuận An DMC cho biết rằng cô sẽ phải trả 130-150 triệu đồng vì phá vỡ hợp đồng lao động với người chủ hành hạ cô. Cơ quan tuyển dụng bị báo cáo rằng không cung cấp cho cô ấy sự trợ giúp nào nữa.
Vào cuối tháng 3 năm 2021, cô được chuyển đến trung tâm Dịch vụ Xã hội SAKAN. Vào ngày 11 tháng 4 năm 2021, cô xuất hiện trên mạng xã hội cùng với tám phụ nữ khác trong tình huống tương tự để yêu cầu các cơ quan chức năng Việt Nam hỗ trợ cho họ hồi hương về Việt Nam. Được biết, Đại sứ quán Việt Nam tại Riyadh đã đe dọa bỏ tù cô khi trở về Việt Nam.
H'Thái Ayun không về cùng với nhóm phụ nữ được hồi hương đầu tháng 9/2021, hiện cô đang tiếp tục cư trú tại trung tâm. Cô ấy lo ngại rằng việc trở về Việt Nam sẽ dẫn đến nguy cơ bị giam giữ và bỏ tù cao đối với cô ấy, do kết quả của việc kháng cáo công khai trên mạng về hoàn cảnh của cô ấy. Cô cũng lo ngại rằng mình có thể phải chịu áp lực tìm việc làm thêm ở nước ngoài thông qua một công ty tuyển dụng khác nếu trở về Việt Nam và có thể gặp rủi ro bị bóc lột thêm.
Cô Nguyễn Thị Thủy được IMSTRACO có trụ sở tại Hà Nội tuyển dụng làm giúp việc gia đình tại Vương quốc Ả Rập Xê Út theo hợp đồng có thời hạn 2 năm. Vào ngày 22 tháng 9 năm 2019, cô đã đến Ả Rập Xê Út.
Được biết là cô đã bị chủ nhân của mình đánh đập hàng ngày. Người chủ của cô đã giữ hộ chiếu, quần áo, đồ dùng cá nhân và tiền của cô. Vào ngày 7 tháng 7 năm 2021, cô bỏ trốn và bị bắt bởi cảnh sát Ả Rập Xê Út, người đưa cô đến Trung tâm Dịch vụ Xã hội SAKAN. Tại thời điểm bị bắt, trên mặt và cánh tay cô có nhiều vết bầm tím. Nguyễn Thị Thủy thuộc nhóm phụ nữ hồi hương tháng 10/2021.
Cô Đinh Thị Ca cũng được công ty xuất khẩu lao động Thuận An DMC có trụ sở tại tỉnh Thanh Hóa tuyển dụng. Cô đã đến Vương quốc Ả Rập Xê Út vào ngày 30 tháng 10 năm 2018 và bắt đầu làm công việc giúp việc gia đình.
Được biết là cô đã bị chủ nhân của mình đánh đập hàng ngày. Hậu quả của việc bị đánh đập, cô ấy bị mất thị lực một mắt, một tai không nghe được và thường xuyên bị đau đầu. Cô cũng cho biết bị chủ lao động cưỡng bức, lạm dụng tình dục và bị chủ không được điều trị y tế. Vào ngày 15 tháng 9 năm 2020, Đinh Thị Ca được cho là đã trốn đi và trình báo cảnh sát. Cô được đưa đến Trung tâm Dịch vụ Xã hội SAKAN. Cô thuộc nhóm phụ nữ hồi hương về Việt Nam nhờ sự can thiệp của Đại sứ quán Việt Nam tại Riyadh. Cô đã được nhà chức trách Việt Nam tại Đại sứ quán ở Riyadh yêu cầu rút lại đơn kiện hành chính nộp vào năm 2020 đối với người sử dụng lao động cũ của mình trước khi bay về nước. Được biết, không có cuộc điều tra về các hành vi lạm dụng thể chất do chủ nhân của cô ấy thực hiện.
Siu H Xuân được VINACO, một công ty tuyển dụng lao động có trụ sở tại Việt Nam, tuyển dụng làm giúp việc gia đình tại Ả Rập Xê Út khi mới 15 tuổi. Vào tháng 8 năm 2018, cô ấy có nghĩa vụ ký giấy thoả thuận tại đồn công an thôn để tham gia chương trình tuyển dụng lao động. Cô đã trải qua khóa đào tạo chuyên sâu về tiếng Ả Rập trong hai tháng tại Việt Nam. Trong thời gian này, cô đã nói với công ty rằng cô đã thay đổi quyết định và không muốn đi Ả Rập Xê Út. Tuy nhiên, vào tháng 10 năm 2018, cô đã đến Vương quốc Ả Rập Xê Út. Có thông tin cho rằng công ty tuyển dụng lao động đã làm giả giấy tờ tùy thân thay đổi năm sinh của cô để che giấu việc cô chưa thành niên.
Được biết là cô đã nhiều lần bị chủ đánh đập và ngược đãi, bị cưỡng bức lao động, và bị cho ăn thiếu và không được điều trị y tế. Cô bị đau đầu kinh niên do bị đánh đập vào đầu. Vào tháng 10 năm 2020, sau khi hết hạn hợp đồng lao động hai năm, cô đã liên hệ với đại diện của VINACO tại Vương quốc Ả Rập Xê Út và tại Việt Nam và bày tỏ nguyện vọng trở lại Việt Nam hoặc chuyển sang làm việc cho một chủ lao động khác. Đại diện của công ty đã nói với cô ấy rằng hãy ở lại với chủ của mình và làm việc chăm chỉ hơn. Cô ấy đã viết thư cho bạn bè của mình thông qua mạng xã hội, nơi cô ấy nhận xét rằng cô ấy có thể không sống được lâu. Cô cũng liên hệ với đại diện VINACO, nói rằng cô không nghĩ rằng mình sẽ sống sót.
Khi một chuyến bay hồi hương đã được sắp xếp, cô ấy bị ốm và qua đời trước đó vào ngày 18 tháng 7 năm 2021. Vào thời điểm qua đời, cô ấy còn là trẻ vị thành niên. Được biết, gia đình cô đã được VINACO đưa ra những lý do khác nhau về cái chết của cô. Chúng tôi lo ngại về các vụ lạm dụng đối với nhóm phụ nữ và trẻ em gái này bởi người chủ của họ, đặc biệt là các cáo buộc rằng họ bị buôn bán từ Việt Nam, bị cưỡng bức lao động, bị cho ăn thiếu và không được điều trị y tế khi họ đang làm việc cho chủ. Nếu được xác nhận, những cáo buộc này sẽ bao gồm các hành vi tra tấn hoặc đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, bất nhân hoặc hạ nhân phẩm do các tác nhân tư nhân gây ra, và bất kỳ hành vi phạm tội, tìm cách tham gia hoặc đồng lõa nào trong các hành vi đó, cũng như bất kỳ sự xúi giục, đồng ý hoặc chấp thuận nào của các quan chức nhà nước phải bị ngăn chặn, điều tra và truy tố theo các điều 2, 4 và 16 của Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, bất nhân hoặc hạ nhân phẩm con người (CAT) mà Việt Nam đã phê chuẩn vào ngày 15 tháng 2 năm 2015.
Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế (UDHR), được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10 tháng 12 năm 1948, tiếp tục đóng góp vào các tiêu chuẩn quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức nô lệ. Điều 4 quy định rằng "không ai bị buộc làm nô lệ, và buôn bán nô lệ bị cấm dưới mọi hình thức;
Lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc được định nghĩa trong Công ước về Lao động cưỡng bức của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năm 1930 (số 29), được Việt Nam phê chuẩn vào ngày 5 tháng 3 năm 2007. Theo Điều 2, khoản 1, 'lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc có nghĩa là tất cả công việc hoặc dịch vụ do người phải làm dưới sự đe dọa dùng bất kỳ hình phạt nào và người đó không tự nguyện chấp nhận làm công việc hoặc dịch vụ này '.
Chúng tôi muốn Chính phủ của Quý vị chú ý đến các nghĩa vụ được quy định trong Nghị định thư về Ngăn chặn, trấn áp và trừng phạt buôn người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Nghị định thư Palermo), bổ sung cho Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, mà quý Chính phủ đã ban hành vào năm 2012 trong các điều 6 và 9 đặc biệt quy định các nghĩa vụ đối với các Quốc gia thành viên trong việc bảo vệ và ngăn chặn nạn buôn người và hỗ trợ các nạn nhân của nạn buôn người.
Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) mà Chính phủ của quý vị đã phê chuẩn vào năm 1982, thừa nhận rằng buôn người vi phạm nhân quyền và thiết lập các nghĩa vụ của Nhà nước về vấn đề này (điều 6). Điều này được trình bày kỹ hơn trong Khuyến nghị chung số 38 của CEDAW về buôn bán phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh di cư toàn cầu, cụ thể là các đoạn 31, 38 – 41 và 100-101.
Chúng tôi cũng muốn gửi tới Chính phủ của Quý vị bản Báo cáo của Báo cáo viên Đặc biệt về nạn buôn người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, (A / HRC / 47/34). Nghĩa vụ không phân biệt đối xử trong luật nhân quyền quốc tế là rất quan trọng đối với nguyên tắc không trừng phạt và đối với việc áp dụng nguyên tắc này trên tất cả các biện pháp chống buôn người, bao gồm cả việc thực hiện theo quyết định của cơ quan tố tụng. Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng nguyên tắc không trừng phạt phải được áp dụng mà không phân biệt đối xử đối với tất cả những người bị buôn bán, bao gồm cả những người bị buôn bán xin tị nạn hoặc các hình thức bảo vệ quốc tế khác.
Chúng tôi cũng muốn Chính phủ của Quý vị lưu ý đến Điều 4 (c & d) trong Tuyên bố của Liên hợp quốc về Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, trong đó lưu ý trách nhiệm của các Quốc gia trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình để ngăn chặn, điều tra và phù hợp với luật pháp quốc gia, trừng phạt các hành vi bạo lực đối với phụ nữ, cho dù những hành vi đó do Nhà nước hay tư nhân thực hiện. Trong bối cảnh này, chúng tôi nhớ lại rằng CEDAW trong Khuyến nghị chung số 19 (1992), định nghĩa bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ là làm suy giảm hoặc vô hiệu hóa nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của phụ nữ, đồng thời cấu thành sự phân biệt đối xử theo nghĩa của điều này, cho dù được thực hiện bởi một quan chức Nhà nước hay một người dân thường, trong cuộc sống công cộng hay riêng tư.
Chúng tôi cũng muốn nêu lên Khuyến nghị chung số 35 của CEDAW về bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ, cập nhật khuyến nghị chung số 19, đặc biệt trong đó đề xuất nghĩa vụ của các Quốc gia về bồi thường.
Chúng tôi cũng muốn nêu lên Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, được Chính phủ của quý vị phê chuẩn vào ngày 24 tháng 9 năm 1982, Công ước quốc tế về Xóa bỏ mọi hình thức Phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc (CERD) được Chính phủ của Quý vị phê chuẩn vào năm 1982, Công ước về Quyền trẻ em được Chính phủ của Quý vị phê chuẩn năm 1990 và Công ước ASEAN về Chống buôn người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (ACTIP), đã đượcViệt Nam phê chuẩn.
Theo các Khuyến nghị về các nguyên tắc và hướng dẫn của Cao uỷ nhân quyền LHQ về nhân quyền và buôn người, các quốc gia có nghĩa vụ quốc tế không chỉ xác định những kẻ buôn người mà còn xác định các nạn nhân của nạn buôn người. Điều đáng chú ý là việc không xác định được chính xác người bị buôn bán có thể dẫn đến việc tiếp tục từ chối các quyền của người đó. Chúng tôi cũng muốn nêu lên Nguyên tắc 13 trong số các Nguyên tắc và Hướng dẫn được khuyến nghị này.
Chúng tôi cũng xin lưu ý đến báo cáo của Báo cáo viên đặc biệt về nạn buôn người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gửi tới Hội đồng Nhân quyền năm 2019 A / HRC / 41/46 về các mô hình đổi mới và chuyển đổi trong việc hòa nhập xã hội của những nạn nhân buôn người.
Chúng tôi muốn nhắc lại các Nguyên tắc và Hướng dẫn về bảo vệ nhân quyền của di dân trong các tình huống dễ bị tổn thương. Đặc biệt, chúng tôi muốn quý vị chú ý đến Nguyên tắc 3 về tiếp cận công lý, Nguyên tắc 7 về bảo vệ khỏi bạo lực và bóc lột. Chúng tôi cũng muốn nhắc lại rằng Việt Nam là “quốc gia mở đường” theo Liên minh 8.7 (quan hệ đối tác toàn cầu để hỗ trợ các chính phủ đạt được mục tiêu 8.7) và trong bối cảnh đó, quốc gia này đã cam kết hành động nhanh chóng trong việc thực hiện mục tiêu SDG 8.7, ngụ ý rằng các quốc gia “thực hiện các biện pháp tức thời và hiệu quả để xóa bỏ lao động cưỡng bức, chấm dứt chế độ nô lệ hiện đại và buôn người, đồng thời đảm bảo việc cấm và xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, bao gồm tuyển dụng và sử dụng binh lính trẻ em, và đến năm 2025 chấm dứt lao động trẻ em dưới mọi hình thức ”.
Toàn bộ văn bản của các công cụ và tiêu chuẩn nhân quyền được nhắc lại ở trên có sẵn trên www.ohchr.org hoặc có thể được cung cấp theo yêu cầu.
Xét về tính cấp thiết của vấn đề, chúng tôi đánh giá cao phản hồi về các bước ban đầu mà Chính phủ của Quý vị đã thực hiện để bảo vệ quyền của những người nêu trên tuân thủ các công cụ quốc tế. Chúng tôi cũng kêu gọi Chính phủ VN hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền của Vương quốc Ả Rập Xê Út để đảm bảo rằng họ được cung cấp các biện pháp bảo vệ thích hợp, chẳng hạn như tiếp cận chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc tâm lý xã hội và hỗ trợ pháp lý đầy đủ.
Vì trách nhiệm của chúng tôi, theo nhiệm vụ do Hội đồng Nhân quyền giao phó cho chúng tôi, bao gồm tìm cách làm rõ tất cả các trường hợp mà chúng tôi lưu ý, chúng tôi xin quý vị cho chúng tôi biết những quan sát của quý vị về những vấn đề sau:
- Vui lòng cung cấp thông tin chi tiết và kết quả của bất kỳ cuộc điều tra nào và các yêu cầu khác được thực hiện liên quan đến các cáo buộc kể trên, nếu có.
- Vui lòng cho biết có đơn vị tuyển dụng nào đã bị xử phạt vì hành vi buôn bán và bóc lột phụ nữ và trẻ em gái hay không, nếu có, vui lòng cho biết hình thức xử phạt nào đã được áp dụng cho bao nhiêu đơn vị sử dụng lao động.
- Vui lòng cung cấp thông tin về các biện pháp tăng cường hợp tác với các cơ quan tư pháp của Vương quốc Ả Rập Xê Út và Chính phủ của Quý vị trong các vụ buôn người xuyên biên giới, bao gồm, đặc biệt là liên quan đến các công dân Việt Nam có trụ sở tại Vương quốc Ả Rập Xê Út bị cáo buộc liên quan đến đường dây buôn người.
- Vui lòng nêu rõ và giải thích rõ hơn về bất kỳ nỗ lực nào nhằm tạo điều kiện tiếp cận bảo trợ xã hội lâu dài được cung cấp vô điều kiện cho nạn nhân của sự buôn người, các hình thức nô lệ đương thời hoặc bóc lột lao động, bất kể nạn nhân có tham gia tố tụng hình sự hay không.
- Vui lòng nêu rõ các biện pháp được thực hiện để đảm bảo áp dụng nguyên tắc không trừng phạt đối với nạn nhân của tội phạm buôn người đối với bất kỳ hoạt động trái pháp luật nào do người bị buôn bán thực hiện do hậu quả trực tiếp của tình trạng buôn người của họ.
- Vui lòng nêu rõ các biện pháp đang được thực hiện để tăng cường các dịch vụ phúc lợi và hỗ trợ được cung cấp cho những phụ nữ được hồi hương, bao gồm hỗ trợ pháp lý, chăm sóc y tế và tâm lý xã hội và được vào nơi trú ẩn thích hợp.
Trong khi chờ quý vị trả lời, chúng tôi mong muốn quý Chính phủ thực hiện tất cả các biện pháp tạm thời cần thiết để ngăn chặn các vi phạm bị cáo buộc như đã được nêu lên và ngăn chặn chúng tái diễn, và trong trường hợp các cuộc điều tra cho thấy các cáo buộc là đúng, để đảm bảo trách nhiệm giải trình của những người nào chịu trách nhiệm về các vi phạm đã bị cáo buộc.
Chúng tôi có thể công khai bày tỏ mối quan ngại của chúng tôi trong tương lai gần vì theo quan điểm của chúng tôi, thông tin mà thông cáo báo chí sẽ dựa trên đó là đủ đáng tin cậy để chỉ ra một vấn đề cần được chú ý ngay lập tức. Chúng tôi cũng tin rằng công chúng nên được cảnh báo một cách rộng rãi hơn về những tác động tiềm tàng của những cáo buộc nói trên. Thông cáo báo chí của chúng tôi sẽ cho biết rằng chúng tôi đã liên hệ với Chính phủ của Quý vị để làm rõ các vấn đề được đề cập.
Thông báo này và các phản hồi nào nhận được từ Chính phủ của Quý vị sẽ được công khai thông qua trang mạng báo cáo việc quý vị và chúng tôi liên lạc trong vòng 60 ngày. Sau đó, chúng cũng sẽ được cho vào trong báo cáo thông thường để trình lên Hội đồng Nhân quyền.
Một thông báo của chúng tôi về các mối quan ngại được nêu ra trong văn thư sẽ được gửi song song đến Vương quốc Ả Rập Xê Út.
Chúng tôi kính chào Ngài.
Siobhán Mullally Báo cáo viên đặc biệt về nạn buôn người, đặc biệt phụ nữ và trẻ em
Felipe González Morales Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của di dân
Tomoya Obokata Báo cáo viên đặc biệt về các hình thức nô lệ đương thời, bao gồm nguyên nhân và hậu quả
Nils Melzer Báo cáo viên đặc biệt về tra tấn và cách đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, bất nhân hoặc hạ nhân phẩm
Reem Alsalem Báo cáo viên đặc biệt về bạo hành đối với phụ nữ, các nguyên nhân và hậu quả
_______________
Xin xem:
Xin lưu ý:
Thủ tục khi LHQ liên lạc với VN (hay bất cứ nước nào khác)
LHQ gửi văn thư nêu lên quan ngại
VN trả lời không được quá 60 ngày sau khi nhận văn thư: LHQ sẽ chưa công khai văn thư nếu LHQ thấy câu trả lời khá đúng, nhưng LHQ cần hỏi thêm
VN không trả lời được và đã hết hạn 60 ngày: LHQ công khai văn thư của LHQ.
Hoặc: sau vài lần qua lại và LHQ thấy VN trả lời đầy đủ, tuy có một số điểm không thoả đáng, LHQ công khai các văn thư của đôi bên.
Tóm lại, không khi nào LHQ không công khai mọi văn thư, chỉ là thời gian khác nhau. (Nguyễn Tiến)