RFI
Trong cuộc họp mở ra tại Luxembourg vào hôm nay, 17/10/2022, để chuẩn bị cho Hội Nghị Thượng Đỉnh Liên Hiệp Châu Âu (EU) trong hai ngày 20 và 21/10 tới, ngoại trưởng 27 nước Liên Âu có kế hoạch thảo luận một tài liệu đề xuất điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc. Nội dung tài liệu, mà nhật báo Anh Financial Times đọc được, phản ánh một đường lối cứng rắn hẳn so với trước.
Theo nhật báo Anh, ý nghĩa quan trọng của tài liệu do cơ quan đối ngoại của khối chuẩn bị cho các quốc gia thành viên và được các lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu thảo luận hôm nay, là việc thừa nhận rằng chính sách hiện tại của EU xem Trung Quốc là “đối tác-đối thủ cạnh tranh-đối thủ hệ thống” đã lỗi thời.
Tài liệu ghi nhận rằng đối với Liên Âu, quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Bắc Kinh và Matxcơva, đặc biệt kể từ khi Nga xâm lược Ukraina, là “một diễn biến đáng lo ngại… không thể bị xem nhẹ”, đồng thời cho rằng hậu thuẫn mà Bắc Kinh dành cho Matxcơva đã “đưa Trung Quốc vào thế đối đầu với các nền dân chủ phương Tây một cách trực tiếp hơn”.
Theo Financial Times, tài liệu dài năm trang chỉ bao gồm duy nhất một đoạn về các lĩnh vực có thể hợp tác, nhưng một cách hạn chế với Trung Quốc – bao gồm biến đổi khí hậu, môi trường và y tế, trái ngược hoàn toàn với chính sách hiện tại, theo đó Bắc Kinh vốn được coi là “một đối tác chiến lược của EU trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu và những thách thức quốc tế ”.
Một cách cụ thể hơn, các ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu được khuyến khích có thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và xem nước này là đối thủ cạnh tranh toàn diện. EU nên hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ, tăng cường khả năng phòng thủ không gian mạng và đối phó với các mối đe dọa hỗn hợp, đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình, thay vì chỉ dựa vào Trung Quốc. Tài liệu khuyến nghị gia tăng hơn mối quan hệ giữa EU với các cường quốc Ấn Độ-Thái Bình Dương khác.
Văn bản này cũng nhấn mạnh quan hệ EU-Trung Quốc đã xấu đi đáng kể từ khi chính sách hiện thời đối với Bắc Kinh được thông qua vào năm 2019, thể hiện qua các tranh chấp thương mại, các lệnh trừng phạt ăn miếng trả miếng và một loạt nỗ lực thất bại trong việc tìm kiếm các lĩnh vực thỏa thuận chung.
Một quan chức cấp cao của EU được Financial Times trích dẫn nhấn mạnh thêm rằng Liên Hiệp Châu Âu phải “thừa nhận rằng Trung Quốc sẽ không thay đổi”, và như vậy cần phải “chuyển sang logic của cạnh tranh toàn diện, cả về kinh tế lẫn chính trị.”
Các cuộc thảo luận trong nội bộ các nước Liên Hiệp Châu Âu về Trung Quốc được mở ra sau khi Mỹ cảnh báo rằng Trung Quốc là “thách thức địa chính trị” đáng ngại nhất của Hoa Kỳ, đồng thời đưa ra một chiến lược an ninh quốc gia, cảnh báo rằng Bắc Kinh ”đang gia tăng năng lực định hình lại trật tự quốc tế”.
Vào hôm qua, 16/10, trong bài phát biểu trước Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hô hào chống lại “sự can thiệp của nước ngoài” và “chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch” của các nước khác.