Seite auswählen
Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Chi Vương Hộ Ninh tái đắc cử gặp báo giới sau Đại hội 20 của đảng Cộng Sản Trung Quốc, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 23/10/2022. Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Chi Vương Hộ Ninh tái đắc cử gặp báo giới sau Đại hội 20 của đảng Cộng Sản Trung Quốc, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 23/10/2022. REUTERS – TINGSHU WANG

Đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20 khép lại hôm 22/10/2022 với một số bất ngờ. Nhà tư tưởng của chế độ Vương Hỗ Ninh (Wang Huning) không những tiếp tục ở lại trong Ban Thường vụ Bộ Chính Trị – cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng Sản Trung Quốc với 7 thành viên, mà còn trở thành nhân vật thứ tư của chế độ, có phần trái ngược với một số dự đoán (1).

QUẢNG CÁO

Vì sao Vương Hỗ Ninh lại là nhân vật không thể thiếu trong bộ máy cầm quyền của Tập Cận Bình nhiệm kỳ thứ ba ? Mục Theo dòng thời sự của RFI tìm cách giải đáp.

***

‘‘Nền chuyên chính mới’’ chống lại xã hội dân chủ tự do kiểu Mỹ

Truyền thông phương Tây đồng loạt ghi nhận tính cách kín đáo của nhân vật thường được mệnh danh là ”cố vấn”, ”quân sư” của các lãnh đạo tối cao Trung Quốc. Kín đáo nhưng đầy ảnh hưởng. Ông Vương Hỗ Ninh thậm chí được ví như ‘‘Kissinger của Trung Quốc’’, hay một Richelieu, tên của vị Hồng y đầy quyền lực chi phối nền chính trị Pháp thời vua Louis XIII. Vương Hỗ Ninh trưởng thành trong môi trường trí thức Trung Quốc và là lãnh đạo cao cấp duy nhất hiện nay không từng trực tiếp đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo Đảng hay chính quyền cơ sở.

Nguyên là giáo sư ngành chính trị học, luật học trong giai đoạn đầu sự nghiệp, học giả Vương Hỗ Ninh nổi tiếng say mê sách vở, và đãng trí trong cuộc sống đời thường, đã lần lượt trở thành cố vấn tin cẩn của hai đời lãnh đạo tối cao Trung Quốc, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, trước khi tiếp tục vị trí tương tự dưới thời Tập Cận Bình trong liên tiếp hai nhiệm kỳ. Vì sao học giả họ Vương được các lãnh đạo tối cao Trung Quốc tin cẩn ?

Nhật báo Pháp Le Figaro trong bài ‘‘Chine : l’irrésistible ascension de Wang Huning, l’éminence rouge de Xi Jinping’’ (Trung Quốc : sự thăng tiến không thể cưỡng lại được của Vương Hỗ Ninh, quân sư đỏ của Tập Cận Bình) nhấn mạnh trước hết đến thái độ của học giả họ Vương, lựa chọn ngay từ sớm chủ trương xây dựng một ”nền chuyên chế mới” (néo-autoritarisme) tại Trung Quốc. Lựa chọn được xác lập trong và sau các chuyến đi châu Âu và Mỹ, đặc biệt là trong chuyến thỉnh giảng và khảo sát tại Hoa Kỳ năm 1988.

Ngay sau vụ chính quyền Trung Quốc thảm sát sinh viên đòi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh năm 1989, giáo sư Vương đã tung ra một tiểu luận, được coi là một trong các xuất bản nổi tiếng nhất của ông, nhan đề America Against America (nước Mỹ chống lại nước Mỹ), chỉ trích sự nguy hiểm của ”chủ nghĩa cá nhân” tại Mỹ. Vào thời điểm đó, Vương Hộ Ninh dự đoán mô hình ”chủ nghĩa tập thể” kiểu Nhật Bản sẽ ”thách thức mô hình của Mỹ trong những thập niên tới”. Nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan nhấn mạnh : trong bài tiểu luận này, học giả Vương Hỗ Ninh ‘‘đã đưa ra một bản án mang đầy tính cách cộng sản chống lại nền dân chủ Mỹ, đồng thời khẳng định rằng chỉ có một quyền lực tập trung mới giúp vừa Trung Quốc phát triển được kinh tế, vừa trở nên hùng mạnh’’. Kể từ đó, giáo sư Vương đi theo nguyên lý về một ‘‘nền chuyên chính mới’’ sẽ đưa Trung Quốc trở thành đại cường trong kỷ nguyên toàn cầu hóa hiện nay.

Một trong những luận điểm căn bản của lý thuyết này là ‘‘bảo tồn trật tự chính trị’’ cùng lúc với phát triển kinh tế. Quan điểm của Vương Hỗ Ninh khẳng định cần bảo vệ ‘‘một chế độ xã hội chủ nghĩa tập quyền’’ đã thu hút sự chú ý của giới lãnh đạo Trung Quốc trong thập niên 1990.

Những đóng góp nổi bật của Vương Hỗ Ninh cho chế độ

Các đóng góp của học giả Vương Hỗ Ninh cho hệ thống lý luận của chế độ cộng sản Trung Quốc còn rất ít được biết đến tại Pháp. Đầu tháng 10/2022, nhà Trung Quốc học Matthew D. Johnson (đại học Pittsburgh) đã có một bài giới thiệu công phu về một số nét lớn trong quan điểm của Vương Hỗ Ninh, đặc biệt thông qua một bài viết nổi tiếng liên quan đến các biến đổi ‘‘văn hóa chính trị’’ (được dịch qua tiếng Pháp với tựa đề ‘‘La structure de la culture politique changeante de la Chine/Cấu trúc của các biến chuyển văn hóa chính trị tại Trung Quốc’’ ra đời cuối thập niên 1980) (2).Trong bài giới thiệu này, nhà Trung Quốc học Matthew D. Johnson nhấn mạnh là ‘‘các đánh giá công phu về mặt học thuật’’ của Vương Hỗ Ninh đã lấy cảm hứng từ lý thuyết hiện đại hóa của nhà chính trị học Samuel P. Huttington, để xây dựng một ”phiên bản hiện đại hóa theo kiểu Trung Hoa”.

Năm 2002, học giả họ Vương được bổ nhiệm làm giám đốc Văn phòng Nghiên cứu Chính trị Trung ương, nhóm cố vấn nội bộ của Đảng về chính trị. Giáo sư Vương đảm nhiệm cương vị này trong gần 20 năm (tới 2018). Vương Hỗ Ninh lần lượt trở thành ủy viên Trung Ương năm 2002, ủy viên Bộ Chính Trị 2007, và ủy viên Thường vụ Bộ Chính Trị năm 2017.

Theo nhà Trung Quốc học Matthew Johnson, ‘‘do sự gần gũi’’ của Vương Hỗ Ninh với các cơ quan đầu não của chế độ Trung Quốc trong suốt thời gian này, nên khó lòng bóc tách các đóng góp riêng của Vương Hỗ Ninh. Tuy nhiên, nhìn chung, Vương được coi đã có công đóng góp chủ yếu trong việc xây dựng các lý thuyết riêng của lãnh đạo mỗi thời của chế độ cộng sản Trung Quốc, đưa ra trong 20 năm qua. Từ ‘‘Lý thuyết ba đại diện’’ thời Giang Trạch Dân cho phép kết nạp doanh nhân vào Đảng, đến ‘‘Giấc mộng Trung Hoa’’ của Tập Cận Bình nhằm đối trọng lại với ‘‘Giấc mơ Mỹ’’, cũng như ‘‘Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Hoa trong kỷ nguyên mới’’, cũng của Tập Cận Bình, và kể cả dự án Con Đường Tơ Lụa Mới.

Mẫu số chung của tất cả các lý thuyết này là ‘‘sự thống trị vĩnh viễn của Đảng, và ”cần xây dựng một thế giới, nơi Trung Quốc sẽ ngày càng trở nên hùng mạnh’’.

Vì sao Vương Hỗ Ninh được tại vị ?  

Một chuyên gia về Trung Quốc, nhà nghiên cứu David Ownby, trong một bài phỏng vấn với trang mạng Pháp Grand Continent, chuyên về địa chính trị, hồi mùa hè năm nay đã đưa ra một số nhận định đáng chú ý,  giải thích lý do Vương Hỗ Ninh được lựa chọn để tiếp tục lãnh đạo lĩnh vực ý thức hệ tại Trung Quốc. Vào thời điểm đó, chính vị chuyên gia nói trên cũng không chắc chắn là giáo sư Vương có tiếp tục ở lại trong Ban Thường Vụ Bộ chính trị đảng Cộng Sản Trung Quốc hay không. Và trong loạt bài hơn 10 kỳ chuẩn bị giới thiệu về các tư tưởng chính trị của đảng Cộng Sản Trung Quốc, cũng không có kế hoạch giới thiệu về các đóng góp riêng của Vương Hỗ Ninh.

Tuy nhiên, chính trong trong bài phỏng vấn « Hiểu các lý thuyết về Trung Quốc của Tập Cận Bình, trò chuyện với David Ownby » (3), nhà Trung Quốc học David Ownby đã nhấn mạnh đến không khí cho phép hiểu được vì sao đảng của ông Tập Cận Bình không thể bỏ rơi giáo sư Vương.  Cụ thể là, trong xã hội Trung Quốc, đông đảo giới trí thức Trung Quốc hiện nay khinh thường ý thức hệ Tập Cận Bình, mà đảng Cộng Sản Trung Quốc với nỗ lực của giáo sư Vương hơn 10 năm qua muốn nâng lên hàng « tư tưởng », không chỉ của Đảng mà còn của toàn xã hội Trung Quốc.

Đông đảo trí thức Trung Quốc khinh thường ‘‘tư tưởng Tập Cận Bình’’

Theo chuyên gia David Ownby, sau gần nửa thế kỷ mở cửa để phát triển, giờ đây, ‘‘gần như mọi trí thức Trung Quốc đã tư duy với các khái niệm, các phạm trù, hay các quy chiếu đến từ phương Tây’’. Kể cả những người ủng hộ ông Tập Cận Bình cũng sử dụng các phạm trù phương Tây, dựa vào các tác giả phương Tây.

Xuất hiện một sự chênh lệch rất lớn giữa ngôn ngữ chính thống của Đảng, với các phạm trù Macxít-Lêninit được sử dụng phổ biến với giới trí thức Tây hóa. Đối thủ của ông Tập Cận Bình kể từ khi lên nắm quyền là cả một giới trí thức đã ngày càng trở nên đa nguyên về tư tưởng. Tập Cận Bình đã cố gắng áp đặt kỷ luật ý thức hệ, tương tự như thời Mao. Nhưng thời đại đã đổi thay, nỗ lực của đảng Cộng Sản Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình không còn có khả năng kiểm soát như trước. Không kể các nhà đối lập, ‘‘rất nhiều trí thức hiện nay viết mà không cần chú ý đến tư tưởng Tập Cận Bình’’.

Báo Le Figaro, cũng giống như một số phương tiện truyền thông khác, dự báo Vương Hỗ Ninh, vào kỳ họp Quốc Hội Trung Quốc thường niên đầu năm tới, sẽ được bổ nhiệm vào chức lãnh đạo cơ quan Chính Hiệp (thường được quy sang tiếng Pháp như ‘‘Thượng Viện’’ của Trung Quốc). Trên thực tế, Chính Hiệp, hay tên đầy đủ là Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, là một tổ chức mang tính mặt trận do đảng Cộng Sản lãnh đạo, bao gồm nhiều tổ chức mang danh ‘‘chính đảng’’, nhưng thực tế là các đảng phái trung thành ở các mức độ khác nhau với đảng Cộng Sản.

Chinh phục giới trí thức ‘‘không tâm phục khẩu phục’’ 

Nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan dự đoán giáo sư Vương sẽ đóng vai trò then chốt trong việc lôi kéo giới trí thức không phải đối lập, nhưng đang tương đối thờ ơ với ý thức hệ của Đảng, nhằm thuyết phục họ tin tưởng vào ‘‘nền chuyên chính mới’’, mà đảng Cộng sản Trung Quốc muốn áp đặt hoàn toàn lên xã hội. Đông đảo giới trí thức Trung Quốc ‘‘không chống lại đảng Cộng Sản’’, nhưng ‘‘thờ ơ’’ với ý thức hệ của Đảng. Nhiệm vụ của Vương Hỗ Ninh – một học giả được coi là lý thuyết gia nổi tiếng nhất tại Trung Quốc, với hành trang khoa học dày dặn – như vậy sẽ là tranh thủ nhóm thờ ơ, và nhất là ‘‘tách những người ương bướng ra khỏi nhóm chống đối quyết liệt nhất’’.

Giáo sư Vương Hỗ Ninh cũng có khả năng trở thành nhân vật số hai của nhóm phụ trách Đài Loan. Theo Jean-Pierre Cabestan, về Đài Loan, chính quyền Bắc Kinh ”sẽ tiến lên trên cả hai mặt trận, mặt trận quân sự và mặt trận chính trị và ý thức hệ”. Về mặt chính trị và ý thức hệ, Vương Hỗ Ninh có thể được giao phó sứ mệnh ‘‘thuyết phục Đài Loan về những lợi ích của việc tái thống nhất với Hoa lục’’.

Ghi chú

1/ “Will intellect behind 3 decades of China’s policies soon exit power?”, Nikkei Asia, 19/10/2022.

2/ “La structure changeante de la culture politique chinoise selon Wang Huning”, Le Grand Continent,  08/10/2022.

3/ “Comprendre les doctrines de la Chine de Xi Jinping, une conversation avec David Ownby”, Le Grand Continent, 22/08/2022.

Vương Hỗ Ninh: ‘Đại quân sư’ của ba đời Tổng Bí thư ở Trung Quốc

Vương Hỗ Ninh ngày 23/10/2022

REUTERS Vương Hỗ Ninh ngày 23/10/2022

Năm 1986, Vương Hỗ Ninh, khi đó là giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Phúc Đán – có một báo cáo nói về nhu cầu “tập trung cần thiết” quyền lực trung ương khi cải tổ. 

Hồ Khải Lập, trợ lý của Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang, đọc và ấn tượng, chuyển báo cáo cho Hồ Diệu Bang.

Tổng Bí thư lại không thích thú, ghi chú bên cạnh ‘nhảm nhí’, và trách cứ trợ lý. Chi tiết này trích từ sách China since Tiananmen của Joseph Fewsmith (bản in 2008). 

Hai nhân vật với vai vế trên dưới khác nhau, sau đó có số phận khác nhau. 

Năm 1981, Đặng Tiểu Binh đã chọn Hồ Diệu Bang làm Tổng Bí thư. Ở chức vụ này, Hồ Diệu Bang đã thực hiện nhiều cải tổ quan trọng như nới lỏng tự do ngôn luận và nhờ đó được lòng giới trẻ.

Nhưng sau cuộc biểu tình lớn của sinh viên tại Thượng Hải vào tháng 12/1986, Đặng Tiểu Bình và các thành phần thận trọng trong Bộ chính trị lo ngại và đã áp lực Hồ Diệu Bang từ chức ngày 16/1/1987. 

Vào thời điểm đó, ít ai ngờ vị giáo sư ở Thượng Hải, Vương Hỗ Ninh, sau này sẽ trở thành một chính khách ảnh hưởng tới ba đời Tổng Bí thư: Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình.

Thời trẻ

Vương Hỗ Ninh sinh ngày 6 tháng 10 năm 1955 tại Thượng Hải.

Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1972, Vương có ba năm đi lao động, rồi theo học môn tiếng Pháp ở trường Sư phạm Hoa Đông tại Thượng Hải, tuy không phải là chương trình hệ đại học.

Ra trường năm 1977, chàng trai đi làm một năm, thì xảy ra cải cách của Đặng Tiểu Bình năm 1978. 

Trong không khí mới, Vương thuộc số thanh niên đầu tiên được quay lại khi hệ thống đại học được khôi phục sau Cách mạng Văn hóa.

Ông được nhận vào học cấp thạc sĩ ngành chính trị quốc tế ở Đại học Phúc Đán, Thượng Hải.

Học xong, Vương được giữ lại trường, với danh tiếng là học giả đọc rất nhiều sách, viết rất nhiều bài nghiên cứu. 

Năm 1985, khi vừa 30 tuổi, Vương được phong Phó Giáo sư, trở thành người có hàm giáo sư trẻ nhất tại Phúc Đán. Chỉ sau ba năm, ông được phong Giáo sư và rồi trở thành trưởng khoa.

Nhấn mạnh ‘dân chủ nhưng ổn định’

Vào cuối những năm 1980, Vương đã viết một loạt bài luận, tạo danh tiếng cho ông. Ông khẳng định: “Nếu không có hệ thống chính trị dân chủ cao, sẽ khó trở thành một quốc gia mạnh mẽ, hiện đại hóa.”

Nhưng đồng thời, Vương cũng tỏ ra thận trọng. Ông không cổ vũ dân chủ hoàn toàn phương Tây, mà có vẻ nhấn mạnh một chính phủ ổn định, hiệu năng, ra quyết định đúng đắn dựa theo sự tham vấn rộng rãi.

Ông khẳng định cải tổ chính trị rất phức tạp và rằng “cơ cấu chính trị phải phù hợp điều kiện văn hóa, xã hội, lịch sử”.

Trong tiểu luận năm 1988, “Cấu trúc của văn hóa chính trị đang thay đổi của Trung Quốc”, Vương nói: “Chúng ta phải kết hợp sự linh hoạt của giá trị truyền thống với tinh thần hiện đại.”

Phê phán Hoa Kỳ

Năm 1988, Vương nhận học bổng để sang Mỹ sáu tháng trong tư cách học giả thăm viếng. Ông đã thăm hơn 30 thành phố và gần 20 đại học tại đây.

Ông ghi lại quan sát trong hồi ký năm 1991, Nước Mỹ chống lại nước Mỹ, mang tinh thần phê phán những gì ông thấy.

Chẳng hạn, ông phản đối quan niệm rằng tham nhũng ở Mỹ thì ít hơn ở châu Á do Mỹ minh bạch hơn.

Ông kể rằng tại đại học nơi ông đến ở, quan hệ cá nhân vẫn quan trọng. Ông dẫn chi tiết một trưởng khoa trong trường này đồng ý cho nhân viên đi tham quan châu Phi, để rồi sau đó trưởng khoa lại “được mời” đi thăm nước châu Phi đó.  

Khi nói về hai đảng chính trị của Mỹ, Vương cho rằng hai đảng này chỉ tập hợp các quyền lợi và nhóm lợi ích.

‘Quân sư’ của ba Tổng Bí thư

Danh tiếng học thuật của Vương bắt đầu được giới chính trị, cùng gốc Thượng Hải quan tâm, trong đó có Tăng Khánh Hồng và Ngô Bang Quốc, những người rất thân với Giang Trạch Dân. Giang Trạch Dân từng là thị trưởng Thượng Hải năm 1985 và vào Bộ Chính trị năm 1987.

Năm 1995, sau khi đã củng cố uy quyền ở vị trí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Giang Trạch Dân mời Vương Hỗ Ninh tới Bắc Kinh, mở ra chương mới trong đời họ Vương. 

Chuyện kể rằng khi gặp nhau, Giang đùa: “Nếu anh không tới Bắc Kinh, bọn Thượng Hải (ám chỉ nhóm tâm phúc) sẽ phản tôi.”  

Báo chí sau này cũng viết Giang thích cuốn Phân tích chính trị so sánh (1987) của Vương. Năm 1998, khi Tổng thống Bill Clinton thăm Trung Quốc, Giang nhắc tên và khen ngợi Vương trước mặt Clinton, còn Clinton, đáp lại, ca ngợi Samuel Huntington.

Năm 1995, Vương được Giang sắp xếp đứng đầu Bộ phận Chính trị của Phòng nghiên cứu chính sách Trung ương của Đảng. Sau ba năm, ông được thăng chức Phó Giám đốc của Văn phòng này.  

Năm 2002, tại Đại hội 16 chứng kiến sự chuyển giao từ Giang Trạch Dân sang Hồ Cẩm Đào, Vương được bầu vào Ban chấp hành trung ương Đảng. Lúc này ông giữ chức người đứng đầu Phòng nghiên cứu chính sách Trung ương. 

Năm 2007, tại Đại hội 17, ông được thăng vào Ban Bí thư của Đảng trong lúc vẫn đứng đầu Phòng nghiên cứu chính sách Trung ương. 

Năm 2012, tại Đại hội 18, Hồ Cẩm Đào chuyển giao cho Tập Cận Bình, cũng là lúc Vương được bầu vào Bộ Chính trị.  

Sự thăng tiến của Vương Hỗ Ninh dường như cũng khiến người ngoài khó tiếp xúc với ông hơn.

Năm 2015, khi Vương đi theo Tập Cận Bình sang Mỹ, báo The New York Times tường thuật những người từng quen Vương khi ông là học giả viếng thăm Mỹ năm 1988-1989 nay không được gặp ông.

Giới chức Mỹ cũng khó được nói chuyện với ông bên lề các diễn đàn quốc tế. 

Kể từ khi lên Bắc Kinh năm 1995, Vương Hỗ Ninh cũng ngừng viết bài nghiên cứu và nói chuyện công khai.  

Tuy vậy, giới quan sát đồng ý rằng Vương Hỗ Ninh – qua ba đời Tổng Bí thư – đã đóng góp phía sau quan trọng cho nền tảng lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc. 

Tháng 10/2017, ông được bổ nhiệm làm Bí thư thứ nhất Ban Bí thư.

Với hiểu biết sâu rộng của mình, Vương cung cấp lý thuyết chính trị mà Đảng Cộng sản cần trong giai đoạn cải cách.

Trước những thách thức mới mà chủ nghĩa Marx-Lenin-Mao không giải quyết được, lãnh đạo Đảng cần một tầng lớp trí thức trung thành tìm ra cách nghĩ mới về dân chủ, phát triển và pháp trị.  

Vương Hỗ Ninh được truyền thông nhà nước xem là người đứng sau các khẩu hiệu ý thức hệ của ba Tổng Bí thư: Ba Đại diện của Giang, Quan điểm phát triển khoa học của Hồ và Trung hoa mộng của Tập. 

Năm 2000, Giang Trạch Dân lần đầu tiên phát biểu về thuyết Ba đại diện khi nói chuyện ở tỉnh Quảng Đông. 

Sách How China’s Leaders Think của Robert Lawrence Kuhn dẫn lời một nhà nghiên cứu của Đảng, Teng Wensheng: “Vương Hỗ Ninh và tôi đã viết bài nói chuyện đó. Trước khi Giang chủ tịch du nam, ông gọi tôi tới văn phòng. Ông nói chủ nghĩa Marx có nhiều lý thuyết lắm. Chúng ta cần một lý thuyết phù hợp với hiện thực Trung Quốc hiện đại và dễ nhớ.”

Có thể nói tư tưởng chính trị của Vương Hỗ Ninh đã lay động ba đời Tổng Bí thư, khi ông được cả ba người tin dùng. 

Vương cho rằng hệ thống chính trị Trung Quốc phải phù hợp lịch sử, văn hóa; cải cách không được đi quá xa; và hiện đại hóa với bộ máy quyết định ở trung ương sẽ giúp phát triển kinh tế.

Vương cho rằng nếu chính quyền trung ương suy yếu, Trung Quốc sẽ bị động loạn. Nhưng ông cũng nhấn mạnh phải tuân thủ hiến pháp, và rằng cải tổ chính trị là tất yếu vì tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa sẽ tạo ra xung đột và dẫn tới đòi hỏi dân chủ hóa.

Tại Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa bế mạc, Vương Hỗ Ninh lên đỉnh cao chính trị mới, khi được bầu vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực nhất Trung Quốc. 

Nhóm 7 người này, đứng đầu là Tổng Bí thư Tập Cận Bình. 

Trong danh sách do Tân Hoa Xã công bố, ông Tập đứng đầu, thứ hai là Lý Cường, thứ ba là Triệu Lạc Tế và thứ tư là Vương Hỗ Ninh.

Vị trí thứ tư trong Đảng Cộng sản cho thấy Vương Hỗ Ninh tiếp tục là người tâm phúc và có ảnh hưởng lớn với Tổng Bí thư Tập Cận Bình. 

Vương Hỗ Ninh có gì lạ?

Jackhammer Nguyễn
Tiếng Dân

28-10-2022

Ngày 25-10-2022, BBC có bài viết: Vương Hỗ Ninh: ‘Đại quân sư’ của ba đời Tổng Bí thư ở Trung Quốc. Thật ra những gì mà ông Vương Hỗ Ninh,  lý thuyết gia của chế độ cộng sản Hoa lục hiện nay, nói về những điều nên làm cho Trung Quốc, cũng không xa lạ gì đối với người Việt, vốn cũng nghe nói đi nói lại mãi, nào là dân chủ tập trung, nào là giữ vững ổn định…

Không có gì lạ khi báo chí đưa tin rằng ông Nguyễn Phú Trọng lật đật sang thăm ông Tập Cận Bình ngay khi ông này chính thức nắm quyền lực tuyệt đối, đối với một tỷ rưỡi người Hoa lục.

Nhưng lý luận của Vương Hỗ Ninh đặc biệt thu hút các nhà lãnh đạo Việt Nam, (có thể) dân Việt Nam và nhiều quốc gia đang phát triển khác, trong tình trạng các nền dân chủ phương Tây đang rơi vào khủng hoảng như hiện nay, mà đỉnh điểm của nó là vụ bạo loạn ngày 6-1-2021, của những kẻ ủng hộ Donald Trump muốn lật ngược kết quả bầu cử dân chủ trước đó.

Phê phán của họ Vương về các nhóm lợi ích trong hai đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ, về những quan hệ trục lợi trong xã hội Mỹ, về tham nhũng “chính sách” bằng lobby… là những nhận xét sắc sảo, không dễ có đối với một người nước ngoài. Với vị trí “The City on the Hill”, sức mạnh mềm chói lòa của nước Mỹ dễ làm cho những người ở các quốc gia nghèo bị … chói mắt.

Khó mà nói rằng chính nhờ họ Vương, mà Hoa lục duy trì chế độ hiện hành, hay là nếu không có ông ta thì đảng Cộng sản Trung Quốc cũng theo con đường đó mà đi? Tôi cho rằng, có hay không có Vương Hỗ Ninh thì cũng thế.

Lý do nằm ở hai điểm. Thứ nhất, cốt tử của các đảng cộng sản là độc tôn (họ gọi là ‘chuyên chính vô sản’). Thứ hai, sự độc tôn đó khi kết hợp với quyền lợi vật chất do kinh tế thị trường đem lại, thông qua kiểu crony capitalism (tư bản bồ bịch), càng làm cho các tay cầm quyền càng cố duy trì quyền lực của mình hơn nữa, để tiếp tục hưởng và chia chác quyền lợi.

Đó là con đường mà Trung Quốc, Việt Nam, và cả Nga đi theo, từ khi lý thuyết cộng sản chính thức sụp đổ ở Đông Âu vào năm 1989.

Nhận xét về nền dân chủ tư bản phương Tây của họ Vương không sai, và những khiếm khuyết đó ngày càng bộc lộ, gây nên sự bực tức của dân chúng, với khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng, bởi sự thống trị quá lâu của giới chủ không bị chế tài đúng mức. Tình hình càng tệ hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa, trước đại dịch, khi việc làm của dân chúng phương Tây bị đem ra nước ngoài, trong khi hệ thống an sinh không theo kịp, nhất là ở Mỹ.

Tuy vậy khủng hoảng dân chủ phương Tây có thể được vượt qua dựa trên một thiết chế mà Trung Quốc, Nga và Việt Nam không có, đó là sự cân bằng quyền lực.

Sau bước nhảy lùi ngày 6 tháng 1, nền lập pháp và tòa án Mỹ đang chạy hết công suất để duy trì sự cân bằng của chính thể dân chủ.

Hãy thử tưởng tượng các tay đại tài phiệt phương Tây, dựa trên nguồn vốn và kỹ thuật dồi dào của mình, sẽ còn lộng giả thành chân thế nào nữa, nếu như cả hai ngành lập pháp và tòa án đều nằm một mối dưới tay đảng cộng sản, hay Putin!

Trong khi đó cái gọi là “nền dân chủ tập trung” Nga, Trung Quốc, Việt Nam đã tạo được điều gì hay?

Mấy mươi năm qua, nước Nga trở thành một trạm bơm xăng không hơn không kém. Tiền bạc được đổ vào công cuộc hiện đại hóa quân đội đã đưa đến hình ảnh thê thảm của quân đội Nga, với lính tráng không có giày mà mang, trong khi các siêu du thuyền của các tài phiệt Nga rong ruổi khắp nơi.

Phải công bằng mà nói rằng, Trung Quốc, cũng như Việt Nam đã làm cho một bộ phận rất lớn nông dân thoát khỏi nghèo đói. Nhưng những người nông dân này không vươn lên được tầng lớp trung lưu, chiếm đại đa số ở các xã hội phương Tây. Xã hội Việt Nam và Trung Quốc vẫn dựa trên sự phục tùng của lớp nông dân mới hết đói chiếm đa số trong xã hội. Con đường phía trước của họ là lay lắt trên các thành phố mới phát triển, mà bản thân các thành phố này lại là những thảm họa của việc đô thị hóa đầy nhũng lạm và thất bại. Họ còn một đường nữa là trốn trong các thùng xe đông lạnh qua nước Anh, như người Việt, hay là những container tàu biển, chất đầy người Hoa lục, giạt vào bờ biển Nam California.

Anh, Hoa Kỳ… dù sao mặc lòng vẫn là “The City on the Hill”.

Xã hội tự do và cơ chế cân bằng, làm cho phương Tây có nhiều sáng tạo, rõ rệt nhất là việc chế tạo vaccine Covid dựa trên kỹ thuật di truyền mới, kịp thời đẩy lui đại dịch, trong đó Việt Nam cũng được lợi không ít do viện trợ, nhờ vào vị trí địa chính trị đắc địa của mình.

Chỉ trong thời gian ngắn, Mỹ và phương Tây, bao gồm cả Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… bắt đầu thoát khỏi sự thiếu hụt chip điện tử, trong khi đó Hoa lục đầu tư hàng tỷ Mỹ kim, với “quyết tâm chính trị” rất cao, chỉ có thể chế tạo được chip rẻ tiền, gắn vào… đồ chơi trẻ em.

Mặc dù còn nhiều biến động khó lường từ cuộc chiến Ukraine, trong đó nước Nga dùng vũ khí chất đốt để làm áp lực với phương Tây, nhưng cho đến giữa tháng 10-2022, các kho khí đốt của Đức, Pháp,… đã đầy 95%, và các quốc gia này đang khẩn trương xây dựng các đầu mối biến khí hóa lỏng nhập cảng bằng đường biển, không từ Nga, trở lại thành khí đốt.

***

Trở lại với Vương Hỗ Ninh, người ta thấy rằng từ khi ông vinh hoa phú quý vào bộ chính trị của đảng CSTQ, người ta ít bắt gặp ông trên… thực địa nữa. Và trong vở đại bi kịch đại hội đảng Cộng sản Hoa lục lần thứ 20 vừa qua, cái kéo tay người đồng nhiệm Lật Chiến Thư (đừng làm phiền chủ tịch Tập) của họ Vương đã nói lên được nhiều điều.

Nước Trung Hoa đang đi đúng đường của họ Vương vạch ra cho nó, với hy vọng kết hợp một loại vương quyền mới với thị trường tự do. Và hàng đoàn người dài dằng dặc vẫn xếp hàng (nếu không bị phong tỏa Covid) trước các cơ quan ngoại giao phương Tây để xin thị thực nhập cảnh.