Mục lục
Người dân “vườn rau Lộc Hưng” tiếp tục “khiếu nại và tố cáo khẩn cấp”
Đại diện một nhóm bà con ở khu từng được gọi là “vườn rau Lộc Hưng”, quận Tân Bình, TP.HCM hiện đang có mặt ở Hà Nội để gửi đơn “khiếu nại và tố cáo khẩn cấp”.
Theo đó, nhóm công dân này tố cáo chính quyền quận Tân Bình cưỡng chế đập phá, tháo dỡ 503 căn nhà, chiếm giữ hơn 48.000 m2 đất thổ cư và thổ vườn, hủy hoại và chiếm đoạt tài sản ước tính hơn 100 tỷ đồng của 124 hộ dân vườn rau Lộc Hưng vào ngày 4, 8/1/2019, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản và tổn thất tinh thần hết sức nặng nề, khiến cho người dân mất nhà, mất đất, mất tài sản và mất nguồn sống, phải kêu cứu, khiếu nại, yêu cầu giải quyết gần 4 năm qua chưa được giải quyết khắc phục.
Khiếu nại chính quyền thành phố Hồ Chí Minh vi phạm Luật tiếp công dân, không tổ chức tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân vườn rau Lộc Hưng trong gần 4 năm qua, bất chấp các văn bản của Trung ương và quy định pháp luật.
Người viết không lạm bàn về nội dung trên, ở đây chỉ nêu một số ý kiến liên quan về pháp lý, thủ tục cho chuyện “khiếu nại” và “tố cáo khẩn cấp”.
Dựa trên quy định của Luật khiếu nại, và Luật tố cáo có thể rút ra được một số những điểm khác biệt giữa khiếu nại và tố cáo.
Theo đó, Luật khiếu nại được áp dụng đối với việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. (Khoản 1, Điều 2, Luật khiếu nại)
Mục đích của khiếu nại là đòi lại lợi ích mà chủ thể khiếu nại cho là họ đã bị xâm phạm. Lưu ý là theo Luật khiếu nại, thì không có điều khoản nào quy định người khiếu nại chịu trách nhiệm về việc khiếu nại sai sự thật – tức họ không phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Tuy nhiên vấn đề thời hiệu ở đây là có giới hạn, nên trong vụ “vườn rau Lộc Hưng” ở trên, rất cần đến sự cân nhắc, lượng định trong việc khả thi của khiếu nại: 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hành chính, hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. 15 ngày kể từ ngày cán bộ, công chức, viên chức nhận được quyết định xử lý kỷ luật với trường hợp khiếu nại lần đầu.
Còn với Luật tố cáo, thì đó là việc công dân theo thủ tục quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức (Khoản 1, Điều 2, Luật tố cáo).
Đối tượng chịu sự điều chỉnh là hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Trách nhiệm pháp lý ở đây là người tố cáo phải trung thực, và chịu trách nhiệm về việc tố cáo sai sự thật nếu cố tình, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo quy định tại Điều 156, của Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017.
Với Luật tố cáo thì không có thời hiệu, và điều này cho thấy việc “tố cáo khẩn cấp” của nhóm công dân “vườn rau Lộc Hưng” là có căn cứ để cơ quan chức năng thụ lý hồ sơ.
***
Trích đơn tố cáo và khiếu nại khẩn cấp đề ngày 20/10/2022 của 75 hộ dân vườn rau Lộc Hưng gửi Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, Ban Nội chính Trung ương Đảng và Ban Dân nguyện Quốc hội (Ban Biên Tập VNTB: Bạn đọc có thể xem toàn bộ đơn tố cáo ở cuối bài này.):
…Nay, chúng tôi một lần nữa tố cáo và khiếu nại khẩn cấp lên Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, Ban Nội chính Trung ương Đảng và Ban Dân nguyện Quốc hội, qua các vấn đề chúng tôi trình bày sau đây:
- Cuộc cưỡng chế ngày 4, 8/1/2019 của chính quyền quận Tân Bình đối với khu đất Vườn rau Lộc Hưng là cuộc cưỡng chế kinh hoàng, tàn khốc, có một không hai, vô tiền khoáng hậu và hoàn toàn trái pháp luật, gây ra hậu quả nguy hại khôn lường, không khắc phục được…
Vào ngày 4, 8/1/2019, chính quyền quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành cuộc cưỡng chế kinh hoàng, tàn khốc, có một không hai, vô tiền khoáng hậu lên khu đất Vườn rau Lộc Hưng, Phường 6, quận Tân Bình, qua việc đập phá, tháo dỡ 503 căn nhà, chiếm giữ hơn 48.000m2 đất thổ cư và thổ vườn, hủy hoại và chiếm đoạt tài sản ước tính hơn 100 tỷ đồng của 124 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản và tổn thất tinh thần hết sức nặng nề, khiến cho người dân mất nhà, mất đất, mất tài sản và mất nguồn sống, phải liên tục khẩn thiết kêu cứu, khiếu nại, tố cáo, yêu cầu giải quyết từ Thành phố lên các cơ quan Trung ương gần 4 năm qua…
Cuộc cưỡng chế ngày 4, 8/1/2019 của Ủy ban nhân dân quận Tân Bình và các lực lượng tham gia cưỡng chế lên khu đất Vườn rau Lộc Hưng là “Cuộc cưỡng chế kinh hoàng, tàn khốc, có một không hai, vô tiền khoáng hậu” hoàn toàn không có các văn bản pháp lý như: Quyết định thu hồi đất, Quyết định xử phạt vi phạm hành chính buộc tháo dỡ nhà, Quyết định khắc phục hậu quả vi phạm hành chính, Quyết định cưỡng chế thu hồi đất, Quyết định cưỡng chế tháo dỡ nhà, các Thông báo cưỡng chế cho từng hộ dân, Biên bản giao nhận các Quyết định hành chính hoặc các Thông báo… Tóm lại, đây là cuộc cưỡng chế đập phá, tháo dỡ nhà và chiếm giữ đất quy mô lớn, mà chính quyền đã hành xử một cách trái pháp luật!
Tài liệu gần như duy nhất được đưa đến người dân trong cuộc cưỡng chế là tờ Thông báo số 159/TB-UBND-ĐT ngày 29/12/2018 của Ủy ban nhân dân Phường 6, quận Tân Bình do ông Nguyễn Thành Danh, Chủ tịch ấn ký, được dán trên bảng tin khu phố.
Theo đó, “Căn cứ kế hoạch 347/KH-UBND-M ngày 17/12/2018 của UBND quận Tân Bình về tổ chức tháo dỡ đối với các trường hợp xây dựng trái pháp luật phát sinh từ ngày 01/01/2018 tại khu đất công trình công cộng Phường 6, quận Tân Bình. Nay, UBND Phường 6 thông báo đến các hộ dân và những người có liên quan có công trình xây dựng vi phạm pháp luật tại khu đất công trình công cộng Phường 6, quận Tân Bình về thời gian tổ chức cưỡng chế dự kiến trong vòng 90 ngày (bắt đầu từ ngày 02/01/2019)”.
Thông báo có nội dung là chính quyền địa phương sẽ tổ chức cưỡng chế những hộ xây dựng trong thời gian từ 01/01/2018 đến thời điểm cưỡng chế, thực hiện trong 90 ngày kể từ ngày 02/01/2019 thế nhưng thực tế thì ngay trong ngày 08/01/2019, Ủy ban nhân dân quận Tân Bình đã huy động lực lượng khoảng 1.600 người với đủ sắc quân, cùng hàng chục xe cẩu, xe cơ giới đập phá toàn bộ nhà ở trong khu đất với trên 500 căn nhà, bao gồm cả những căn nhà được xây dựng từ rất lâu trên khu đất, dỡ bỏ những căn lều tạm dùng để cất giữ dụng cụ làm vườn và phân bón của những hộ đang canh tác trên đất…
Toàn bộ tài sản người dân chưa kịp di chuyển phần bị đập phá, phần cho hàng chục xe vận chuyển mang đi cất giấu. Khu đất Vườn rau Lộc Hưng bỗng chốc bị san bằng thành bình địa. Sau cuộc cưỡng chế, chính quyền bố trí lực lượng lập chốt, cất lều canh giữ khu đất, ngăn chặn người dân tuyệt đối không được vào khu đất bị cưỡng chế. Sau hơn 3 năm đập phá nhà, chiếm giữ đất, đuổi người dân ra khỏi khu đất, khu Vườn rau Lộc Hưng hiện nay bị bỏ hoang phế, cây cỏ mọc um tùm và một phần bị biến thành nơi đổ rác, chứa chất thải sinh hoạt và phóng uế…
Trên khu đất Vườn rau Lộc Hưng chính quyền quận Tân Bình dựng lên 3 trụ bê tông ven mặt đường Hưng Hóa và đường Chấn Hưng để niêm yết công bố “Dự án xây dựng cụm trường học công lập đạt chuẩn quốc gia”. Cách khu Vườn rau Lộc Hưng không xa, trên đường Cách Mạng Tháng Tám thuộc Phường 6, quận Tân Bình, chính quyền cho dựng một trạm thông tin để niêm yết các tài liệu về Dự án, nhưng quanh năm rào kín đường vào và khóa kín cửa trạm thông tin, nên bà con chúng tôi chưa một ai vào xem được thông tin về Dự án.
Việc niêm yết thông tin về Dự án như nêu trên cho thấy chính quyền quận Tân Bình đang làm việc khuất tất, úp úp mở mở, để mị dân, như thể đã công khai minh bạch việc làm nhưng thật ra đang che giấu thông tin với người dân chúng tôi.
Nhận thức của chúng tôi: “Cuộc cưỡng chế kinh hoàng, tàn khốc, có một không hai, vô tiền khoáng hậu” diễn ra ngày 4, 8/1/2019 tại Vườn rau Lộc Hưng ẩn chứa mưu toan và tham vọng của một nhóm người, một nhóm lợi ích, một thế lực ngầm muốn cướp trắng khu đất xương máu có giá trị là khu đất vàng của bà con chúng tôi. Nếu là cưỡng chế để thực hiện Dự án tốt lành, đem lại lợi ích dân sinh thì cần phải được công khai và có sự đồng thuận của người dân trước khi triển khai thực hiện, không thể đánh đố và đánh úp người dân lương thiện chúng tôi như lối hành xử của kẻ cướp tài sản.
Sau khi đánh úp người dân Vườn rau Lộc Hưng vào ngày 4, 8/1/2019, chính quyền quận Tân Bình thực hiện việc hỗ trợ cho các hộ dân bằng đơn giá 7.000.000đ/m2, một số hộ dân đã nhận tiền. Chúng tôi không nhận tiền hỗ trợ vì ý thức rõ chúng tôi là người có quyền của chủ sử dụng đất, phải được đền bù theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra vì sao lại có đơn giá hỗ trợ 7.000.000đ/m2, dựa trên căn cứ quy định pháp luật nào? Nguồn tiền từ đâu ra? Có phải là có nhóm lợi ích, thế lực ngầm đã bung tiền ra ứng trước việc hỗ trợ cho các hộ dân để sớm thâu tóm khu đất vàng vào những toan tính mờ ám?
Vì mãi đến “Ngày 28/02/2022, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 568/QĐ-UBND bố trí vốn ngân sách để thực hiện dự án này” như nội dung Thông báo số 258/TB-VP-PC ngày 23/8/2022 của Văn phòng Ủy ban nhân dân quận Tân Bình (?!).
- Khu đất Vườn rau Lộc Hưng, Phường 6, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh là khu đất được người dân sử dụng hợp pháp, lâu dài và không tranh chấp, căn cứ theo Luật đất đai người dân có đủ điều kiện để được hợp thức hóa, được cấp quyền sử dụng đất nhưng suốt hơn 20 năm bà con Vườn rau Lộc Hưng đi khiếu kiện bị chính quyền cản trở, không giải quyết yêu cầu hợp pháp chính đáng, nhiều chủ đầu tư triển khai dự án trên khu đất Vườn rau Lộc Hưng mà bất thành do chưa thỏa thuận được việc đền bù và hỗ trợ, nay chính quyền áp đặt đây là “khu đất công trình công cộng”, rồi cưỡng chiếm đất, triển khai các dự án, bất chấp quyền lợi của người dân và quy định pháp luật.
Người dân Lộc Hưng chúng tôi là người theo đạo Công giáo, từ Bắc di cư vào Nam, đã trực tiếp canh tác, sử dụng đất tại khu Vườn rau Lộc Hưng, Phường 6, quận Tân Bình ổn định, liên tục và lâu dài qua nhiều thế hệ trên 60 năm qua, từ năm 1954, 1955. Bình quân mỗi nhà canh tác và sử dụng từ vài trăm mét vuông đất trở lên, tổng diện tích đất mà người dân Lộc Hưng trồng rau khoảng trên 4ha.
Về nguồn gốc, cha mẹ ông bà chúng tôi được Tòa Tổng Giám mục Giáo phận Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh) cho thuê và cho mượn đất để trồng rau sinh sống. Việc nhận và sử dụng đất này là hợp pháp và lương thiện theo quy định của pháp luật tại miền Nam lúc bấy giờ.
Sau năm 1975 thống nhất đất nước, người dân Lộc Hưng vẫn tiếp tục canh tác, sử dụng đất và đóng thuế thổ trạch.
Năm 1976, Ủy ban nhân dân phường có văn bản xác nhận chúng tôi có canh tác, sử dụng đất.
Liên tục từ năm 1982 – 1999, người dân đóng thuế sử dụng đất theo quy định tại Quyết định số 31/QĐ-UB ngày 10/4/1982 của Ủy ban nhân dân Phường 7 (sau này đổi thành Phường 6), được cấp Biên nhận và xác nhận trong Sổ đóng thuế hàng năm.
Năm 1993, Luật đất đai ra đời quy định việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho người sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 và được Ủy ban nhân dân cấp xã chứng nhận. Thế nhưng người dân Vườn rau Lộc Hưng đã không được xem xét, giải quyết.
Từ khoảng năm 2012 đến các năm 2017, 2018, do việc trồng rau và nuôi gia cầm không hiệu quả, đời sống quá khó khăn, nên bà con chúng tôi lần lượt xây dựng nhiều căn nhà trên phần đất trồng rau của gia đình để buôn bán hoặc cho thuê nhà trọ làm kế sinh nhai. Quá trình xây dựng này chúng tôi không xin phép (do chính quyền không tiếp/ không cho phép và nhu cầu xây dựng nhà để có nguồn sống là bức thiết).
Do không được xem xét giải quyết cấp Giấy chứng nhận QSDĐ theo quy định, nên liên tục từ những năm 2000 tới nay, chúng tôi đã gửi hàng trăm đơn khiếu nại, trực tiếp làm việc với rất nhiều cơ quan từ Thành phố đến Trung ương, đề nghị giải quyết và được Ủy ban nhân dân phường xác nhận quá trình sử dụng đất.
Nhưng đơn của chúng tôi cứ bị chuyển đi chuyển lại giữa các cơ quan, hoặc qua các Phiếu hướng dẫn đến Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hay Ủy ban nhân dân quận Tân Bình. Đến nay vẫn không có cơ quan nào giải quyết.
Năm 2006, ông Nguyễn Văn Đua – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản kết luận, thừa nhận quyền sử dụng hợp pháp của bà con và chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xác minh, làm rõ tình trạng pháp lý, quá trình sử dụng đất của người dân, cũng như đề nghị Ủy ban nhân dân Phường 6, quận Tân Bình xác nhận quá trình sử dụng đất của bà con.
Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường dự thảo một mẫu Tờ xác nhận quá trình sử dụng đất để Ủy ban nhân dân Phường 6 xác nhận cho từng gia đình theo mẫu chung này. Điều đáng nói là nội dung xác nhận không đúng thực tế, vô hiệu hóa quyền được cấp GCNQSDĐ cho người dân.
Cùng đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường do ông Thứ trưởng Đặng Hùng Võ có Văn bản hướng dẫn số 5201/BTNMT ngày 23/11/2006 trái với quy định tại Luật đất đai, góp phần vô hiệu hóa quyền được cấp GCNQSDĐ của người dân.
Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường do bà Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa sau khi tiếp đoàn dân oan chúng tôi tại trụ sở trong lần chúng tôi ra Hà Nội giữa năm 2019 đã chỉ đạo ra Công văn số 3525/BTNMT-TTr ngày 23/7/2019 do ông Lê Quốc Trung, Chánh Thanh tra thừa lệnh Bộ trưởng ấn ký trả lời chúng tôi, xác định văn bản do ông Đặng Hùng Võ ký trước đây “không có giá trị trong việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị của các hộ dân”.
Chính việc né tránh trách nhiệm, nhìn nhận sự việc không đúng thực tế và giải quyết không đúng quy định pháp luật của chính quyền đã dẫn đến việc chúng tôi sử dụng đất mà không có GCNQSDĐ theo quy định, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất mà lẽ ra chúng tôi được hưởng theo quy định tại Luật đất đai. Và hiện nay thực tế đã gây thiệt hại rất lớn về quyền lợi đối với chúng tôi.
Chúng tôi khẳng định hơn 60 năm qua cha ông chúng tôi khai phá, tạo dựng và lập nghiệp trên mảnh đất này. Theo Luật đất đai 1993, thì chúng tôi thừa đủ điều kiện để được cấp quyền sử dụng đất, thế nhưng việc xin giấy xác nhận quá trình sử dụng đất lâu năm không tranh chấp của chúng tôi không được giải quyết và sự chậm trễ này kéo dài hơn 20 năm nay.
Việc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao quyền quản lý, sử dụng đất cho Bưu điện Thành phố là cướp trên giấy tờ đất của chúng tôi. Chủ thể trên 4,8ha đất này là bà con chúng tôi minh chứng qua việc chúng tôi là người đóng thuế trên từng sản phẩm mà chúng tôi thu hoạch được, sau quy đổi thành tiền đã nộp cho Nhà nước.
Trong vấn đề xác định nguồn gốc đất, về tính pháp lý của khu đất Vườn rau Lộc Hưng, Tòa Tổng Giám mục Thành phố Hồ Chí Minh từng có 2 văn bản quan trọng, do Linh mục Huỳnh Công Minh, Tổng đại diện Tòa Tổng Giám mục ấn ký:
– Văn bản số I.82.2004.004 ngày 10/3/2004 gửi Giám đốc Công ty Sài Thành, đồng kính gửi các vị lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, quận Tân Bình và những cá nhân và tổ chức liên quan…
– Văn bản số I.83.2007.285 ngày 31/8/2007 gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban Tôn giáo và Dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tân Bình và Chủ tịch Ủy ban nhân dân Phường 6, quận Tân Bình, nêu quan điểm của Tòa Giám mục về quyền lợi và nghĩa vụ của các hộ dân canh tác tại khu Vườn rau Lộc Hưng, Phường 6, quận Tân Bình.
Văn bản nêu trên đã gần 20 năm, gần trùng với thời gian bà con chúng tôi đối mặt với sự dữ khi mảnh đất xương máu của mình sắp rơi vào tay Công ty Sài Thành, nhà đầu tư được phép của chính quyền dự định triển khai dự án xây căn hộ cao tầng trên mảnh đất Vườn rau Lộc Hưng.
Văn bản nêu trên của Tòa Tổng Giám mục Thành phố Hồ Chí Minh đã xác tín rằng bà con giáo dân chúng tôi được Giáo hội Công giáo giao đất một cách hợp pháp, việc sử dụng đất của bà con chúng tôi là ngay tình, đã sử dụng liên tục, lâu dài và ổn định, không tranh chấp trước thời điểm 15/10/1993 rất lâu, có đủ điều kiện để Nhà nước cấp GCNQSDĐ, được đền bù khi đất bị thu hồi…
Điều đáng nói, Công ty Sài Thành đã từng có văn bản báo cáo với các cơ quan thẩm quyền Thành phố Hồ Chí Minh và Tòa Tổng Giám mục rằng họ có phương án đền bù và hỗ trợ cho người dân Vườn rau Lộc Hưng nếu đất được thu hồi làm dự án.
Điều đáng nói nữa, chính quyền quận Tân Bình và Thành phố Hồ Chí Minh không nhất quán trong chính sách đối xử với bà con Vườn rau Lộc Hưng. Bởi lẽ từ năm 2004, đã có chủ trương đền bù về giá trị đất cho người dân khi giao đất cho Công ty Sài Thành làm dự án, vấn đề còn vướng mắc là chưa thỏa thuận được đơn giá đền bù. Nay sau gần 20 năm, chính sách kinh tế cởi mở và Luật đất đai có nhiều quy định tiến bộ, vì sao chính quyền lại ra đối sách không đền bù, chỉ hỗ trợ hoa màu cho người dân…???!!!
- Cuộc tiếp công dân ngày 18/8/2022 của Ủy ban nhân dân quận Tân Bình, phối hợp đại diện các sở, ban, ngành Thành phố với người dân Vườn rau Lộc Hưng diễn ra không đúng thẩm quyền, không thực chất, không phải là buổi đối thoại theo quy định của Luật tiếp công dân, không đạt kết quả giải quyết tố cáo, khiếu nại, cần phải được tổ chức buổi tiếp công dân để đối thoại lại.
Văn phòng Ủy ban nhân dân quận Tân Bình có Giấy mời số 315/GM-VP ngày 05/8/2022 gửi đến các hộ dân Vườn rau Lộc Hưng với nội dung: “Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc giao Ủy ban nhân dân quận Tân Bình tiếp công dân liên quan đến Khu đất công trình công cộng Phường 6, quận Tân Bình, Ủy ban nhân dân quận Tân Bình chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành Thành phố tổ chức buổi tiếp công dân đối với các hộ dân liên quan đến Khu đất công trình công cộng Phường 6, quận Tân Bình để lắng nghe và trao đổi các nội dung liên quan đến Khu đất công trình công cộng Phường 6, quận Tân Bình” vào lúc 08 giờ 30 phút ngày 18/8/2022 tại Phòng Tiếp Công dân quận Tân Bình (thực tế cuộc họp được tổ chức tại Trung tâm chính trị quận Tân Bình) do ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tân Bình chủ trì…
Cuộc họp diễn ra với sự tham dự của đại diện các sở, ban, ngành Thành phố và các phòng, ban, đoàn thể quận Tân Bình gồm gần 50 cán bộ tham dự; phía bà con Vườn rau Lộc Hưng có gần 100 người, cử ra 5 người đại diện gồm ông Trần Văn Thuật, ông Cao Hà Trực, bà Trần Thị Minh Thoa, bà Trần Thị Minh Thi và bà Nguyễn Thị Nhài cùng với nhóm luật sư hỗ trợ pháp lý.
Người dân Vườn rau Lộc Hưng sau 3 năm 7 tháng 10 ngày kể từ “Cuộc cưỡng chế kinh hoàng, tàn khốc, có một không hai, vô tiền khoáng hậu” với biết bao thiệt hại và mất mát, biết bao đau thương và bức xúc, mới được chính quyền quận Tân Bình tiếp. Nhiều vấn đề pháp lý đặt ra, nhiều vấn đề chất vấn cần được chính quyền trả lời, kể cả đại diện các sở, ban, ngành tham dự cần có tiếng nói, giải thích và trả lời…
Tuy nhiên, buổi họp diễn ra muộn, bắt đầu lúc gần 10 giờ sáng và kết thúc lúc gần 12 giờ trưa, phía Ủy ban nhân dân quận Tân Bình chỉ có ông Chủ tịch Nguyễn Bá Thành và ông Phó chủ tịch Trương Tấn Sơn thay phiên phát biểu, đại diện các sở, ban, ngành không ai có cơ hội phát biểu và buổi tiếp công dân chỉ dừng lại mức độ lắng nghe và trao đổi, người chủ trì không đưa ra ý kiến kết luận.
Điều đáng nói, đại diện Ủy ban nhân dân quận Tân Bình (ông Trương Tấn Sơn) cầm tờ giấy soạn sẵn từ trước để đọc trả lời các ý kiến của người dân đặt ra tại cuộc họp và sử dụng các thông tin số liệu từ nhiều năm trước để trả lời các chất vấn, và cố ý bỏ qua các vấn đề gay gắt mà bà con chúng tôi nêu ra…
Nội dung trả lời của ông Trương Tấn Sơn thực chất chỉ là đọc một văn bản đã được chuẩn bị sẵn với nội dung ngụy biện như trước đây hơn 3 năm những vị tiền nhiệm của họ từng phát biểu, không có bất cứ nội dung nào trả lời trực tiếp đến các phản ánh, chất vấn của chúng tôi…
Chúng tôi nhận thấy:
Buổi họp tiếp công dân của chính quyền quận Tân Bình, phối hợp với đại diện các sở, ban, ngành Thành phố đối với người dân Vườn rau Lộc Hưng diễn ra vào sáng ngày 18/8/2022 không tuân thủ đúng quy định của Luật tiếp công dân, không giải quyết các yêu cầu khiếu nại hợp pháp và chính đáng của người dân, bà con Vườn rau Lộc Hưng chúng tôi cảm nhận bị chính quyền sử dụng thủ đoạn và lừa gạt nhằm hợp thức hóa quy trình giải quyết khiếu nại, lấy đó làm cơ sở báo cáo lên lãnh đạo Thành phố và Trung ương, cung cấp thông tin và hình ảnh cho báo, đài nhằm truyền thông định hướng dư luận…
Nó cũng giống như ở thời điểm ngay sau khi diễn ra “Cuộc cưỡng chế kinh hoàng, tàn khốc, có một không hai, vô tiền khoáng hậu” ngày 4, 8/1/2019, chính quyền cho báo chí và truyền thông tuyên truyền bóp méo sự thật nhằm khỏa lấp việc cưỡng chế sai trái cực kỳ nghiêm trọng và vu khống, vùi dập bà con chúng tôi.
Thông báo số 258/TB-VP-PC ngày 23/8/2022 của Văn phòng Ủy ban nhân dân quận Tân Bình nêu ý kiến kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tân Bình tại buổi tiếp công dân ngày 18/8/2022, dài 5 trang, đề cập đến 6 nội dung, chúng tôi hoàn toàn không đồng tình qua các vấn đề:
– “Về đề nghị xác định quyền sử dụng đất”
– “Về việc vì sao Bưu điện Thành phố được cấp sổ đỏ”
– “Về việc thu tiền canh tác của UBND phường”
– “Về đề nghị bồi thường về tài sản, nhà cửa do bị cưỡng chế, đập phá không đúng pháp luật”
– “Về việc điều tra xử lý sai phạm đối với việc cưỡng chế công trình vi phạm pháp luật”
– “Muốn thực hiện dự án thì phải đúng quy định pháp luật”
– “Vì sao từ năm 2019 đến nay mới tổ chức tiếp công dân” …
Buổi họp tiếp công dân ngày 18/8/2022 với sự việc hết sức phức tạp và đông người tham dự nhưng diễn ra chỉ khoảng 2 giờ đồng hồ; chỉ có ý kiến trình bày mà không có ý kiến tranh luận; chỉ có ông Chủ tịch và ông Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tân Bình phát biểu mà hoàn toàn không có ý kiến phát biểu của đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể; nhiều ý kiến phát biểu xác đáng và bức xúc của bà con chúng tôi bị bỏ qua; các vấn đề về nguồn gốc đất không được mổ xẻ và nhìn nhận đúng thực chất; việc cưỡng chế đập phá, tháo dỡ nhà, chiếm giữ đất, chiếm đoạt và hủy hoại tài sản bị né tránh; việc thu thuế canh tác đất của người dân liên tục suốt 17 năm bị đổ lỗi và giải thích một cách vô trách nhiệm …
Cuộc họp tiếp công dân với sự chờ đợi gần 4 năm đã diễn ra một cách chóng vánh, chiếu lệ, bất chấp sự đau khổ, mất mát và chịu bao bất công của người dân chúng tôi.
Tại Thông báo số 258/TB-VP-PC ngày 23/8/2022 cung cấp thông tin: “Trong thời gian qua, Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành nhiều Nghị quyết cho chủ trương để đầu tư xây dựng Dự án xây dựng cụm trường học công lập đạt chuẩn quốc gia tại Khu đất công trình công cộng Phường 6, quận Tân Bình (tức khu đất Vườn rau Lộc Hưng, đang tranh chấp giữa người dân với chính quyền…). Ngày 28/02/2022, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 568/QĐ-UBND bố trí vốn ngân sách để thực hiện dự án này” (?!?!).
Đây là điều quá là bất ngờ và là đòn cân não với người dân chúng tôi! Cưỡng chế trái pháp luật, đập phá, tháo dỡ 503 căn nhà, chiếm giữ hơn 48.000m2 đất thổ cư và thổ vườn, hủy hoại và chiếm đoạt tài sản ước tính hơn 100 tỷ đồng của 124 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản và tổn thất tinh thần hết sức nặng nề, khiến cho người dân mất nhà, mất đất, mất tài sản và mất nguồn sống, mà từ Quận lên Thành phố không hề quan tâm đến tiếng kêu cứu của người dân, không giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân theo Luật khiếu nại và Luật tố cáo, không tiếp dân, đối thoại với người dân theo Luật tiếp công dân, không phúc đáp nhiều công văn của Ban tiếp công dân Trung ương và Trụ sở tiếp công dân Trung ương gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu giải quyết, thế mà Hội đồng nhân dân Thành phố cứ điềm nhiên ra các Nghị quyết và Ủy ban nhân dân Thành phố ra Quyết định triển khai Dự án, định đoạt mảnh đất xương máu của người dân, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi, bất chấp pháp luật và đạo lý!!!
Chính quyền quận Tân Bình là bên có lỗi, vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc cưỡng chế ngày 4, 8/1/2019 đối với khu đất Vườn rau Lộc Hưng, gây tang thương cho người dân, rồi cũng chính quyền quận Tân Bình đứng ra tiếp công dân, thì không thể có được thái độ khách quan và công tâm, không thể đi đến kết quả giải quyết thỏa đáng và đúng pháp luật!
Tại các văn bản của Ban tiếp công dân Trung ương, Ban tiếp công dân Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường… đều xác định thẩm quyền giải quyết vụ cưỡng chế khu đất Vườn rau Lộc Hưng là thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Cho nên Ủy ban nhân dân quận Tân Bình không đủ thẩm quyền và không đủ tư cách giải quyết khiếu nại vụ cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng.
Nếu nhân danh “Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc giao Ủy ban nhân dân quận Tân Bình tiếp công dân liên quan đến Khu đất công trình công cộng Phường 6, quận Tân Bình…” thì công việc của Ủy ban nhân dân quận Tân Bình cũng chỉ là người thừa hành làm một số công việc theo sự ủy nhiệm như: tiếp công dân Vườn rau Lộc Hưng “để lắng nghe và trao đổi” như nội dung Giấy mời, qua đó sàng lọc, phân loại đơn thư, xác định ai, địa chỉ, có đất tại ô, thửa nào, khiếu nại hoặc tố cáo, yêu cầu cụ thể ra sao, giải thích quyền của người dân và thẩm quyền của cơ quan nhà nước…
Trong lúc không thuộc thẩm quyền giải quyết và chưa có ý kiến của các sở, ban, ngành chuyên môn của Thành phố mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tân Bình đưa ra kết luận là một việc làm trái thẩm quyền, vô hiệu, văn bản ban hành không có giá trị pháp luật!
- Giải pháp tổ chức tiếp dân giải quyết dứt điểm tố cáo và khiếu nại của người dân Vườn rau Lộc Hưng.
Qua diễn tiến các lần tổ chức tiếp công dân của Ủy ban nhân dân quận Tân Bình: bị vỡ trận lần tiếp công dân ngày 15/3/2022 và không thực chất vào lần tiếp công dân ngày 18/8/2022, với nội dung và tính chất khiếu nại và tố cáo của người dân Vườn rau Lộc Hưng về biến cố cưỡng chế đập phá, tháo dỡ nhà, chiếm đất, hủy hoại và chiếm đoạt tài sản ngày 4, 8/1/2019 được xem là “Cuộc cưỡng chế kinh hoàng, tàn khốc, có một không hai, vô tiền khoáng hậu” mà chính quyền quận Tân Bình gây ra, với các văn bản của Ban tiếp công dân Trung ương và Trụ sở Tiếp dân Trung ương gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua, chúng tôi thiết nghĩ Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cần đứng ra tổ chức buổi gặp gỡ đối thoại với bà con Vườn rau Lộc Hưng chúng tôi để việc giải quyết tố cáo, khiếu nại, cũng là giải quyết khủng hoảng câu chuyện Vườn rau Lộc Hưng đúng thực chất, đạt hiệu quả, đúng Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật tiếp công dân và đúng pháp luật.
- Yêu cầu tố cáo và khiếu nại của chúng tôi:
Sau gần 4 năm tố cáo và khiếu nại, các yêu cầu hợp pháp và chính đáng của bà con Vườn rau Lộc Hưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, các thiệt hại nghiêm trọng và tổn thất nặng nề của bà con chúng tôi chưa được khắc phục, nội dung kết luận của ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tân Bình chủ trì buổi tiếp công dân ngày 18/8/2022 không có giá trị pháp lý, hướng giải quyết của chính quyền quận Tân Bình chưa mang lại một điều gì khả dĩ cho người dân chúng tôi chấp nhận…
Chúng tôi tiếp tục khẩn cấp yêu cầu:
– Yêu cầu quý vị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Ban Nội chính Trung ương Đảng, Ban Dân nguyện Quốc hội có ý kiến chỉ đạo giải quyết các yêu cầu, khiếu nại, tố cáo của chúng tôi liên quan đến quyền sử dụng đất tại Vườn rau Lộc Hưng, Phường 6, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh và chỉ đạo giải quyết bồi thường thiệt hại do chính quyền quận Tân Bình đập phá, tháo dỡ 503 căn nhà, chiếm giữ hơn 48.000m2 đất thổ cư và thổ vườn, hủy hoại và chiếm đoạt tài sản ước tính hơn 100 tỷ đồng của 124 hộ dân Vườn rau Lộc Hưng vào ngày 4, 8/1/2019, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản và tổn thất tinh thần hết sức nặng nề, khiến cho người dân mất nhà, mất đất, mất tài sản và mất nguồn sống, phải kêu cứu, yêu cầu, khiếu nại, tố cáo gần 4 năm qua chưa được giải quyết khắc phục.
– Yêu cầu Tổng Thanh tra Chính phủ thành lập Đoàn thanh tra “để thanh tra toàn diện Dự án khu Vườn rau Lộc Hưng, tại Phường 6, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, để sớm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hộ dân”, theo nội dung Báo cáo số 201/BC-TDTW của Trụ sở Tiếp công dân Trung ương gửi Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (xin xem Giấy báo tin số 201/GBT-TDTW ngày 20/12/2019 của Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, đính kèm).
– Yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc thực hiện chức năng quản lý đất đai trên cả nước, theo đó cần triển khai thực hiện đúng nội dung trả lời bà con Vườn rau Lộc Hưng qua Công văn số 3525/BTNMT-TTr ngày 23/7/2019 do ông Lê Quốc Trung, Chánh Thanh tra thừa lệnh Bộ trưởng ấn ký: “Thủ tướng Chính phủ đã giao Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra giải quyết theo quy định của pháp luật. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố xử lý các nội dung liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường”. (Xin xem Công văn số 3525/BTNMT-TTr ngày 23/7/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đính kèm).
– Yêu cầu Trụ sở Tiếp công dân Trung ương/ Ban Tiếp công dân Trung ương tiếp tục có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện tiếp công dân đối với người dân Vườn rau Lộc Hưng về các yêu cầu, khiếu nại, tố cáo của bà con chúng tôi từ trước đến nay đã được Ban Tiếp công dân Trung ương và Trụ sở Tiếp dân Trung ương gửi đến theo Công văn số 121/BTCDTW-XLĐ ngày 28/01/2019, Công văn số 318/BTCDTW-TD1 ngày 18/02/2019, Công văn số 1644/BTCDTW-TD1 ngày 06/6/2019 của Ban Tiếp công dân Trung ương, Công văn số 198/CV-TDTW ngày 17/12/2019 và Công văn số 63/TSTCDTW-TTCP ngày 29/8/2022 của Trụ sở Tiếp công dân Trung ương…”
LS Trịnh Vĩnh Phúc, LS Nguyễn Văn Miếng, LS Đào Kim Lân, LS Đặng Đình Mạnh, LS Ngô Thị Hoàng Anh.
Trang cuối đơn tố cáo
Cát Tường
VNTB (28.10.2022)
Ông Lê Mạnh Hà bị kết án 8 năm tù, CPJ kêu gọi phóng thích ngay lập tức
Kênh truyền hình ANTV loan tin về việc ông Lê Mạnh Hà bị bắt. Photo YouTube ANTV.
Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) có trụ sở ở Hoa Kỳ vừa kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho nhà báo độc lập Lê Mạnh Hà, người bị một tòa án ở Tuyên Quang kết án 8 năm tù và 5 năm quản chế.
Hôm 26/10, CPJ dẫn lời ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao Đông Nam Á của tổ chức này cho biết trong một thông báo: “Chính quyền Việt Nam phải trả tự do cho nhà báo Lê Mạnh Hà, người bị kết án oan, bị tuyên phạt 8 năm tù chỉ vì chỉ làm công việc của mình như một nhà báo”.
Ông Crispin nói thêm: “Việt Nam phải chấm dứt việc đánh đồng báo chí độc lập với hành vi tội phạm và thả tất cả các nhà báo mà họ giam giữ một cách sai trái sau song sắt”.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và chính quyền Tuyên Quang, đề nghị cho ý kiến về phát biểu của CPJ, nhưng chưa được hồi đáp.
CPJ cho biết đã gửi email cho Bộ Công an Việt Nam phản ánh về bản án hà khắc đối với ông Hà, nhưng chưa được phản hồi.
Ngày 25/10, Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang tuyên phạt ông Lê Mạnh Hà 8 năm tù giam và 5 năm quản chế với cáo buộc “Tuyên truyền chống phá Nhà nước”, theo Điều 117 của Bộ Luật hình sự. Nhà báo độc lập 52 tuổi này bị công an mặc thường phục ở thành phố Tuyên Quang bắt giam ngày 12/1/2022.
Bà Ma Thị Thơ, vợ của ông Hà, nói với VOA về bản án đối với chồng mình.
“Theo tôi thì bản án này quá cao so với những việc làm của anh Hà. Anh Hà chỉ nêu lên quan điểm và chính kiến của mình, chứ tôi chẳng thấy anh có tư tưởng phản động hay tư tưởng chống lại nhà nước gì cả”.
Bà Thơ, người được phép dự phiên tòa hôm 25/10, cho biết thêm rằng chồng bà không nhận tội và rằng trước tòa ông đã đưa ra kiến nghị về việc bãi bỏ điều luật buộc tội ông.
“Vào cuối phiên tòa khi nói lời sau cùng anh Hà không nhận tội và rằng anh vô tội vì anh chỉ nêu lên quan điểm và chính kiến của mình.
“Anh cũng kiến nghị với tòa luôn rằng nên bãi bỏ Điều 117 [BLHS] và Điều 16 của Luật An ninh mạng,” bà Thơ thuật lại.
Truyền thông Việt Nam cho rằng ông Lê Mạnh Hà đã biên soạn, đăng tải, chia sẻ trên các trang mạng xã hội Youtube, Facebook… nhiều bài viết, video clip “có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền Nhân dân, xúc phạm lãnh tụ Hồ Chí Minh, xúc phạm lãnh đạo Đảng, Nhà nước; phao tin bịa đặt gây hoang mang trong Nhân dân…”
Nhà báo độc lập Lê Mạnh Hà lập kênh Tiếng dân Tivi Tiếng nói của người dân Việt từ tháng 5/2018 với nhiều buổi phát trực tiếp. Kênh của ông là tập hợp tiếng nói đa dạng của những người dân không được đền bù thỏa đáng trong các tranh chấp đất đai, bức xúc trong xã hội, và lên án tệ tham nhũng.
Hôm 25/10, ông Phil Robertson, Phó giám đốc Phân ban Châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho ra tuyên bố về phiên tòa xét xử ông Hà: “Chính phủ Việt Nam sử dụng đủ loại luật hà khắc để bịt miệng những người chỉ trích chính phủ và những người bất đồng chính kiến, nhưng Điều 117 là một trong những điều họ yêu thích vì nó rất rộng nên họ có thể sử dụng nó để làm bất cứ điều gì bất hợp pháp chỉ bằng cái búng tay”.
Ông Robertson nói thêm: “Sự thật là ông Lê Mạnh Hà đã không làm gì sai khi sử dụng Internet để lặp lại những lời chỉ trích của những người khiếu kiện về quyền đất đai và những người dân khác đang phải chịu sự bất công dưới bàn tay của các quan chức chính quyền”, đồng thời kêu gọi chính quyền trả tự do cho nhà báo độc lập này ngay lập tức.
VOA (27.10.2022)
Uỷ ban Bảo vệ Ký giả: Việt Nam phải “chấm dứt đánh đồng báo chí độc lập với tội phạm!”
Nhà báo tự do Lê Mạnh Hà bị công an bắt giam hôm 12/1/2022 tuyenquang.gov
Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), một tổ chức cổ suý tự do báo chí có trụ sở ở New York (Hoa Kỳ), kêu gọi Nhà nước Việt Nam trả tự do cho nhà báo Lê Mạnh Hà và các nhà báo khác chỉ vì thực hiện công việc đưa tin đến công chúng.
CPJ đưa ra lời kêu gọi trong ngày 26/10, một ngày sau khi toà án nhân dân tỉnh Tuyên Quang kết án nhà báo tự do Lê Mạnh Hà tám năm tù giam và năm năm quản chế về tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Trong thông cáo báo chí đăng tải trên website của CPJ, ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao của tổ chức này ở khu vực Đông Nam Á, nói:
“Nhà chức trách Việt Nam phải trả tự do cho nhà báo Lê Mạnh Hà, người đã bị kết án oan và bị kết án tám năm tù chỉ vì chỉ làm công việc của một nhà báo.”
“Việt Nam phải chấm dứt việc đánh đồng báo chí độc lập với hành vi tội phạm và trả tự do cho tất cả các nhà báo mà họ giam giữ một cách sai trái sau song sắt.”
CPJ cho biết chế độ độc đảng ở Việt Nam giam giữ 23 nhà báo tại thời điểm đầu tháng 12 năm ngoái. Từ đó đến nay, thêm tám người bị bắt với cáo buộc theo Điều 117.
Về số nhà báo bị giam cầm, nếu tính theo tỷ lệ dân số thì Việt Nam vượt Trung Quốc- quốc gia cầm tù nhiều nhà báo nhất thế giới, ông Shawn Crispin nói trong email gửi cho Đài Á Châu Tự Do (RFA).
“Việt Nam là một trong những nơi đàn áp nhất ở châu Á đối với nhà báo công dân, được chứng kiến bởi một số lượng lớn các phóng viên hiện đang mòn mỏi sau song sắt.
Chế độ cộng sản độc đảng sử dụng nhiều điều luật mơ hồ để bịt miệng nhà báo nhằm ngăn chặn bất kỳ tin tức nào mà nó cho là chỉ trích chính phủ, đảng và nhà nước.
Việc lạm dụng các luật đó khiến các nhà báo độc lập gần như không thể thực hiện công việc đưa tin về các chủ đề được công chúng quan tâm, bao gồm các chủ đề về môi trường, chính trị và nhân quyền.”
Chính phủ các quốc gia dân chủ nên buộc Việt Nam ngừng đàn áp các nhà báo và cho phép tự do báo chí trước khi cung cấp viện trợ cho Hà Nội, ông khuyến cáo.
Bình luận về kết quả của phiên toà, cựu cán bộ của Tổng cục Tình báo Quân đội Vũ Minh Trí nói với RFA:
“Những người như ông Lê Mạnh Hà, Nguyễn Lân Thắng …. là những tia lửa khởi đầu cho những đốm lửa lớn trong cuộc đấu tranh tự do dân chủ nhân quyền mà có thể thiêu rụi chế độ độc tài toàn trị nên không có gì khó hiểu khi họ bị kết án nặng nề thế.”
Tuy nhiên, theo ông Trí, bản án nặng nề chứng tỏ chính quyền đang sợ hãi, đuối sức.
“Càng đàn áp các quyền tự do của người dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận, càng chứng tỏ sự sợ hãi của chính quyền và ngày cáo chung của chế độ độc tài toàn trị đang đến gần.”
Việc áp dụng những bản án nặng nề lên người hoạt động không doạ được người khác như mong muốn của nhà cầm quyền, mà ngược lại càng làm cho nhiều người bất bình hơn, cựu sỹ quan quân đội nói.
Ông Trí bày tỏ sự khâm phục của mình trước sự dấn thân của các nhà báo tự do và người hoạt động như các ông Lê Mạnh Hà, Nguyễn Lân Thắng hay Trần Huỳnh Duy Thức. Ông cũng cho rằng chế độ tù ngục không thể khuất phục được họ mà càng khiến cho họ vững vàng hơn.
Ông Lê Mạnh Hà xuất thân là một dân oan. Chính quyền tỉnh Tuyên Quang xây dựng Thuỷ điện Na Hang và buộc hơn 4.000 gia đình ở khu vực đó, trong đó có gia đình ông, phải di dời đi nơi khác nhưng lại không đền bù thoả đáng cho việc rời bỏ nhà cửa ruộng vườn của họ.
Ông tìm hiểu kiến thức về pháp luật để áp dụng vào việc đòi quyền lợi của gia đình và đồng thời giúp đỡ hàng trăm người dân khác cũng bị tịch thu đất.
Ông sử dụng mạng xã hội như Facebook và Youtube để phổ biến kiến thức pháp luật và nói lên những bất công trong xã hội bên cạnh việc phân phát bản in Hiến pháp Việt Nam cho người dân ở Tuyên Quang.
Những việc làm ôn hoà và đúng pháp luật của ông không làm hài lòng chính quyền địa phương và ông bị bắt giam vào giữa tháng 1 năm 2021 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”- một trong những điều luật thường được sử dụng để bịt miệng những tiếng nói phản biện.
Trong phiên toà kéo dài hai ngày đầu tuần qua, ông bị kết án với một bản án nặng nề trong phiên toà không tuân thủ các tiêu chuẩn về một phiên toà công bằng.
Luật sư của ông nói bản án dựa vào cáo trạng vốn được xây dựng trên sự thẩm định chủ quan của giám định viên Sở Thông tin và Truyền thông, bản thân người này lại vắng mặt trong phiên toà.
Luật sư cũng nói đại diện Viện Kiểm sát lảng tránh tranh luận với luật sư còn hội đồng xử án không quan tâm đến lời bào chữa của họ.
RFA (27.10.2022)
Facebooker Đặng Như Quỳnh bị phạt 2 năm tù
Hôm 27/10, một tòa án ở Hà Nội tuyên phạt Facebooker Đặng Như Quỳnh hai năm tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” vì cho rằng ông có hành vi đăng tải thông tin “sai sự thật, ảnh hưởng đến lợi ích của người khác”.
Truyền thông Việt Nam dẫn lời hội đồng xét xử tại phiên tòa ở quận Nam Từ Liêm cho biết hành vi của ông Quỳnh đã “ảnh hưởng” đến quyền được pháp luật bảo vệ của công dân, “gây hoang mang” trong dư luận, “ảnh hưởng xấu” đến thị trường tài chính, chứng khoán, hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp và lợi ích kinh tế của rất nhiều nhà đầu tư.
Trang Pháo Luật Online (PLO) dẫn lời ông Đặng Như Quỳnh tại tòa cho biết ông thừa nhận hành vi phạm tội nhưng cho rằng bị truy tố “hơi nặng”.
Ông Đặng Như Quỳnh, 42 tuổi, từ cuối năm 2019 sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để đăng các bài viết tự soạn thảo, nhận nhiều tương tác, chia sẻ, bình luận. Đến tháng 4/2022, tài khoản của ông có hơn 300.000 người theo dõi, theo trang VNExpress.
Ông bị bắt vào ngày 13/4 sau khi được cho là bị một số nhà đầu tư chứng khoán trong nước làm đơn tố giác, trong đó có thư tố giác của ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Gelex, đồng thời là Chủ tịch HĐQT của Tổng Công ty Viglacera.
Ngày 23/5, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác định hai bài viết của ông Quỳnh là một trong số nguyên nhân “gây ra hiệu ứng tiêu cực” với các mã chứng khoán liên quan đến doanh nghiệp của ông Tuấn.
Như VOA đã loan tin, vài tuần trước khi bị bắt, ông Quỳnh đăng một số bài trên Facebook cá nhân bàn luận về việc nhà chức trách Việt Nam bắt giữ các vị lãnh đạo của hai tập đoàn lớn là FLC và Tân Hoàng Minh, đồng thời đưa ra nhận định cá nhân rằng sẽ còn có những vụ bắt bớ tương tự ở các doanh nghiệp, tập đoàn khác.
Facebooker Đặng Như Quỳnh từng bị công an Việt Nam xử lý vì “đưa thông tin thất thiệt” trước đây. Hồi cuối tháng 3/2020, ông Quỳnh đã phải “làm việc” với công an và sau đó “phải gỡ bỏ” gần 220 bài viết bị cho là chứa thông tin “chưa được kiểm chứng” hoặc những bình luận mang tính “xuyên tạc”, “đưa tin thất thiệt” về tình hình đại dịch COVID-19 ở Việt Nam.
Gần đây, chính quyền Việt Nam sử dụng điều luật “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” (Điều 331 Bộ Luật Hình sự 2015) để xét xử hàng loạt các Facebooker, blogger, các nhà báo độc lập và người bất đồng chính kiến, điều mà các tổ chức nhân quyền quốc tế cho rằng đã vi phạm quyền tự do ngôn luận và quyền tự do báo chí.
VOA (27.10.2022)
Thêm một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam bị cấm xuất cảnh
Linh mục Trương Hoàng Vũ (phải) và hai linh mục khác tại phi trường Tân Sơn Nhất vào ngày 24/10/2022.
Linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam vừa bị nhân viên an ninh sân bay Tân Sơn Nhất chặn không cho xuất cảnh vào ngày 24/10 khi ông thực hiện chuyến đi sang Mỹ để gây quỹ giúp cho các thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà.
Kể lại với VOA, Linh mục Trương Hoàng Vũ cho biết sự việc xảy ra sau khi ông đã gửi hết hành lý và xếp hàng để đóng dấu passport chuẩn bị lên chuyến bay đi từ Tân Sơn Nhất sang Manila, Philippines, rồi từ đó bay sang Mỹ.
“Đến phiên của tôi, cái passport của tôi khi đưa vào máy thì có dấu hiệu kêu ‘tít tít’. Sau đó, một nhân viên mời tôi đi qua phòng an ninh. Vào trong đó thì họ nói tôi không được xuất cảnh, và bây giờ họ lập biên bản cấm xuất cảnh. Còn tôi có thắc mắc, khiếu nại gì thì tôi phải đến Công an thành phố Hồ Chí Minh thì tôi sẽ được giải quyết khiếu nại. Còn an ninh cửa khẩu Tân Sơn Nhất thì họ chỉ nhận lệnh từ trên thôi”.
Trong biên bản “Tạm hoãn xuất cảnh” do Thượng tá Đoàn Văn Đắc, Phó trưởng Công an cửa khẩu, ký quyết định, linh mục Trương Hoàng Vũ không được xuất cảnh vì “lý do trật tự, an toàn xã hội” theo quy định tại Điều 36 Luật Xuất nhập cảnh năm 2019, nhưng không nêu cụ thể sự việc hay nội dung vi phạm của linh mục Vũ đã dẫn đến việc ông bị xem là có nguy cơ ảnh hưởng đến “trật tự, an toàn xã hội”.
“Lý do này rất mơ hồ ở chỗ, ‘vì lý do trật tự, an toàn xã hội’, mà trong một năm qua, tôi đâu có làm gì mất trật tự an toàn xã hội”, linh mục Trương Hoàng Vũ nói với VOA.
“Tôi là người phụ trách chương trình Thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà, trước đây ở Kỳ Đồng, nơi có thể quy tụ các thương phế binh lại trong những dịp khám chữa bệnh hoặc trao quà Xuân cuối năm. Nhưng 4 năm nay, khi tôi về Cần Giờ thì không còn được quy tụ các thương phế binh lại nữa, thì cũng chẳng gây mất trật tự, an toàn gì ở khu vực nơi tôi sống. Lý do này tôi thấy rất phi lý”.
Linh mục Trương Hoàng Vũ, 45 tuổi, hiện đang phục vụ tại giáo xứ Cần Giờ. Ông cho biết đã liên hệ với Công an TP.HCM để giải quyết khiếu nại của mình.
Đây là lần đầu tiên linh mục Trương Hoàng Vũ bị cấm xuất cảnh. Ông cho biết ông đã hai lần xuất cảnh sang Mỹ và lần cuối cùng là vào năm 2019, cũng với mục đích gây quỹ giúp cho các thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà.
Nhiều người trong số các thương phế binh VNCH tại Việt Nam phải chịu nhiều đau khổ về cả vật chất lẫn tinh thần sau khi chiến tranh kết thúc. Chương trình Tri ân các thương phế binh VNCH của Dòng Chúa Cứu Thế đã hỗ trợ tài chính, khám chữa bệnh cho khoảng 6.000 cựu binh sĩ tàn tật của miền Nam Việt Nam trước đây.
Số tiền sử dụng cho chương trình là được quyên góp từ các nhà hảo tâm và các cựu quân nhân ở Mỹ và các nước khác. Chương trình phát quà Xuân năm nay dự kiến diễn ra vào đầu tháng 12 nên linh mục Trương Hoàng Vũ đã được cử đi để tìm kiếm thêm kinh phí cho chương trình.
Linh mục Trương Hoàng Vũ là linh mục thứ 6 của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam bị chính quyền cấm xuất cảnh. Tháng trước, một linh mục khác là linh mục Paul Lê Xuân Lộc, người cống hiến hết mình cho công bằng xã hội và nhân quyền, cũng bị an ninh sân bay cấm bay đến Philippines vì lý do quốc phòng và an ninh. Linh mục Lộc nói lý do cấm ông ra nước ngoài cho thấy sự tùy tiện của chính quyền độc tài.
VOA (26.10.2022)
Việt Nam đưa quyền con người vào cơ sở giáo dục quốc dân sau hơn năm năm trễ hẹn
Công an đứng canh ngoài tòa án ở TPHCM nơi xử bốn nhà hoạt động nhân quyền hôm 20/1/2010 (hình minh họa) Reuters
Theo Đài truyền hình Việt Nam (VTV), ngày 19/10, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng khẳng định sẽ khẩn trương đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục quốc dân.
Phát biểu được đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện đề án đưa nội dung quyền con người vào hệ thống giáo dục quốc dân.
Ông Thắng đưa ra khẳng định chỉ sau hơn một tuần kể từ khi Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 11/10 nhiệm kỳ 2023 – 2025. Lời khẳng định này của một lãnh đạo Đảng Cộng sản gây khó hiểu cho các thanh thiếu niên.
Một bạn trẻ (giấu tên vì lý do an ninh) đang theo học Văn Lang năm cuối, hiện đang sống ở Sài Gòn có ý kiến.
“Quyền con người ở Việt Nam được quy định trong Hiến pháp và luật, trong Tuyên ngôn cũng có đề cập. Quyền này mặc định được trao cho tất cả mọi người, từ trước giờ nó đã được quy định chứ không phải mới đây, quan trọng là mọi người được tiếp cận ít hay nhiều. Bây giờ đưa vô giảng dạy cũng tốt, nhưng tôi không hiểu là tại sao lại chọn thời điểm này?”
Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Hồ Chí Minh có viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Câu văn trên cũng có trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Một số nội dung tương tự cũng được Liên Hợp Quốc cam kết và quy định tại Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Bạn N.M.D đang làm việc tự do tại Sài Gòn chia sẻ qua tin nhắn.
‘’Tôi cảm thấy cũng tốt, giúp học sinh hiểu biết hơn về quyền và nghĩa vụ của công dân. Chứ lúc tôi còn đi học, mấy cái quyền và nghĩa vụ đó tôi chỉ được biết sơ qua ở môn giáo dục công dân, tôi hơi bị khó trong việc phổ cập kiến thức về quyền con người.”
Bạn nữ cũng chia sẻ thêm, gần đây có quan tâm về quyền con người vì thường các giáo trình Hiến pháp thường chỉ được giảng dạy ở các trường Luật. Trong một số trường đại học cũng rất ít giảng dạy, nếu có cũng khá sơ sài. Bạn cũng hy vọng quyền con người sẽ sớm được đưa vào các cơ sở giáo dục.
Theo chỉ thị số 34/CT-TTg được ký ban hành ngày 21/12/2021, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh tiến độ giáo dục quyền con người cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị, các đơn vị công lập và doanh nghiệp nhà nước.
Trước đó, vào tháng 9 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có một quyết định đưa đề án nội dung quyền con người vào chương trình trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, theo Chỉ thị, sau hơn năm năm triển khai quyết định này, “việc tổ chức triển khai đề án vẫn “còn hạn chế, một số mục tiêu đặt ra của Đề án chưa đạt được, chưa phát huy hết tác động tích cực của việc triển khai Đề án”.
Một nhà hoạt động về quyền sinh viên trong nước (anh vừa bị an ninh sách nhiễu nên không muốn nêu tên) nhận xét việc đưa quyền con người vào cơ sở giáo dục quốc quốc là động thái hưởng ứng sự thành công của Việt nam khi được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.
“Tôi hoài nghi rằng cái gọi là quyền con người khi đưa vào các cơ sở giáo dục công dân tại Việt Nam thực chất chỉ là “quyền con người định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nó là thứ quyền con người nhưng phải đi đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, nếu thực hành quyền con người mà không đúng ý Đảng thì sẽ “khó sống như một con người” ở Việt Nam”.
Nhà hoạt động nhân quyền cũng nhắc đến vấn đề về Luật Biểu tình đã bị Quốc hội khất lần nhiều năm qua:
“Quyền con người cũng đã được hiến định tại Việt Nam. Nhưng Hiến pháp là một chuyện, còn thực thi pháp luật lại là chuyện khác. Hiến pháp cho phép công dân đi biểu tình, nhưng luật pháp lại cho rằng người dân tụ tập đông người là gây rối trật tự công cộng.”
Công an trấn áp những người biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội hôm 9/12/2012. Reuters
Điều 15, Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam quy định “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội”. Tức là Đảng cộng sản Việt Nam cho rằng “quyền con người phải gắn liền với nghĩa vụ công dân”.
Theo một bài báo trên báo Công Thương – cơ quan ngôn luận của Bộ Công thương, phần lớn người dân chỉ hiểu quyền con người về mặt “quyền” mà chưa hiểu hoặc quên đi quyền con người về mặt trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người đối với người khác và xã hội.
Nhà hoạt động về quyền sinh viên này cũng bày tỏ quan điểm.
“Cho nên khi Đảng Cộng sản đưa quyền con người vào cơ sở giáo dục quốc dân, tôi thấy chưa vội mừng. Mà phải đợi xem họ dạy cái gì, dạy như thế nào và họ có cho học sinh sinh viên thực hành quyền con người không”.
Một nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền khác ở trong nước (không muốn nêu tên) cũng có ý kiến có nhận định:
“Tất nhiên trong chế độ độc tài, với kinh nghiệm từ xưa đến giờ thì chế độ sẽ diễn giải các quyền con người theo hướng mà đảng cộng sản muốn để duy trì quyền lực độc tôn, bóp nghẹt nhân quyền.
Nhưng dù sao việc học sinh Việt Nam có khái niệm về các quyền tự do cá nhân sẽ là điều kiện thuận lợi để lan truyền các tư tưởng tiến bộ như nhà nước pháp quyền để bảo vệ quyền con người”.
Một tuần trước khi Đại hội đồng LHQ diễn ra cuộc bỏ phiếu bầu thành viên Hội đồng Nhân quyền, theo báo cáo của các tổ chức gồm UN Watch, Human Rights Foundation, và The Raoul Wallenberg Center for Human Rights, đưa ra hôm 4/10: “Các vụ vi phạm nhân quyền trầm trọng của Việt Nam bao gồm: giết người trái pháp luật hoặc tùy tiện, tra tấn, điều kiện nhà tù khắc nghiệt và nguy hiểm đến tính mạng, bắt giữ tùy tiện, bắt giữ người ở các quốc gia khác vì trả thù có động cơ chính trị”.
Báo cáo cũng trích dẫn số liệu của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới cho thấy, hiện vẫn còn ít nhất 40 nhà báo đang bị chính quyền Việt Nam cầm tù.
Ngay trước cuộc bỏ phiếu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, một số tố chức nhân quyền quốc tế như Human Rights Watch, Article 19 đã kêu gọi Việt Nam phải có những cải thiện về tình hình nhân quyền để đáp ứng vai trò mới.
RFA (25.10.2022)
Đi Mỹ gây quỹ cho phế binh VNCH, một linh mục bị chính quyền VN cấm xuất cảnh
Chụp lại hình ảnh, Linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ (trái) trong một hoạt động trợ giúp thương phế binh VNCH
Linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ, tu sỹ Giáo xứ Cần Giờ, Dòng Chúa Cứu Thế, vừa bị chính quyền Việt Nam chặn tại sân bay Tân Sơn Nhất hôm 24/10 khi ông đang trên đường đi Mỹ.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 25/10, Linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ cho hay:
“Ngày 24/10, tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất để bay đi Manila, từ đó sẽ lên chuyến bay tiếp theo tới Los Angeles, Mỹ. Nhưng an ninh cửa khẩu tại sân bay đã chặn tôi lại, cấm xuất cảnh, với lý do tôi gây rối an ninh trật tự xã hội.”
“Họ không đưa văn bản giấy tờ gì cho tôi, mà chỉ lập biên bản. Trong đó nói tôi bị hoãn xuất cảnh vì lý do trật tự, an toàn xã hội, quy định tại Điều 36, Luật số 49/2019/QH19 quy định về các trường hợp bị cấm xuất cảnh.
“Họ cũng nói tôi muốn khiếu nại gì thì phải lên Công an TP Hồ Chí Minh để giải quyết. Còn công an cửa khẩu thì chỉ làm theo chỉ đạo cấp trên.”
Đây là lần đầu tiên linh lục Giuse Hoàng Vũ bị chính quyền Việt Nam cấm xuất cảnh.
Sự việc này xảy ra chỉ một tháng sau khi linh mục Lê Xuân Lộc, cũng thuộc Dòng Chúa cứu thế, bị cấm xuất cảnh khi ông dự định bay đến Manila.
Lý do linh mục Lộc bị cấm xuất cảnh là “vì lý do trật tự, an toàn xã hội, quy định tại Điều 36 Luật 49/2019/QH14”, theo biên bản của Cục Quản lý Xuất Nhập Cảnh ngày 9/9/2022 mà BBC được tiếp cận.
Như vậy, đã có tổng cộng sáu linh mục bị chính quyền Việt Nam cấm xuất cảnh trong vòng vài năm qua. Bao gồm linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ, Lê Xuân Lộc, Nguyễn Ngọc Nam Phong, Đinh Hữu Thoại, Lê Ngọc Thanh, Phạm Trung Thành.
Chụp lại hình ảnh, Biên bản cấm linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ xuất cảnh hôm 24/10/2022
Tất cả các linh mục này đều là những người nhiều năm nay đồng hành cùng Chương trình Tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng hòa (VNCH).
“Có thể điều này gây khó chịu cho chính quyền Việt Nam,” linh mục Giuse Hoàng Vũ nói với BBC.
“Tôi là người phục vụ Chúa. Tham gia vào chương trình tri ân các thương phế binh là sự dấn thân của một người tu hành. Tôi không tức tối, uất hận gì với chính quyền.
“Tôi chỉ thấy rằng Việt Nam vừa được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, trong khi sự việc cấm tôi xuất cảnh là một ví dụ về việc họ lạm dụng tùy tiện các điều luật mơ hồ để tước quyền của công dân.
“Như thế nào là ‘vì lý do trật tự, an toàn xã hội’? Tôi không uống rượu, la hét, gây rối. Tôi cũng không có thời gian để lên Công an TP Hồ Chí Minh để nghe họ giải trình vì sao cấm tôi xuất cảnh. Ít ra cơ quan quản lý cũng cần dán một thông báo lên để tôi được biết. Tôi mua vé khứ hồi, dù là loại rẻ nhất thì cũng mất cả ngàn đô. Ai bồi thường thiệt hại cho tôi?” linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ nói với BBC.
Cũng có ý kiến cho rằng sự việc này xảy ra vào thời điểm diễn ra hội nghị thường niên Dòng Chúa Cứu Thế nhằm bầu ra Hội đồng quản trị mới, và rằng chính quyền muốn gây ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử này.
Tuy nhiên linh mục Vũ nói với BBC rằng ông không nghĩ hai sự việc này có liên quan đến nhau.
Chương trình Tri ân Thương phế binh VNCH
Chương trình Tri ân Thương phế binh VNCH trước đây có trụ sở tại số 3 Kỳ Đồng, Q.3, TP Hồ Chí Minh, có mục đích hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho các thương binh từng làm việc và chiến đấu cho chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Hiện có khoảng 6.000 thương phế binh Việt Nam Cộng hòa đang tham gia vào chương trình này. Họ đến từ nhiều vùng miền của Việt Nam, chủ yếu là từ Quảng Trị đến Cà Mau.
Tuy nhiên, con số thương phế binh VNCH trên toàn Việt Nam được cho là lớn hơn nhiều, hiện khoảng hơn 20.000 người, theo truyền thông Việt Nam.
Do không có bất cứ hỗ trợ nào từ nhà nước, dù thương tật, những thương phế binh này vẫn phải tự mưu sinh, chủ yếu là bán vé số.
“Về mặt tinh thần, họ là những người bị nhà nước Việt Nam miệt thị, nói họ là ngụy quân ngụy quyền, nên mục tiêu của chúng tôi là hỗ trợ, thăm hỏi, động viên, tri ân họ. Về mặt vật chất, chúng tôi cung cấp y tế, viện phí, an táng, ma chay, thuốc men cho họ,” linh mục Vũ nói.
Theo linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ, chuyến đi Mỹ của ông theo dự kiến là nhằm kêu gọi gây quỹ cho chương trình này.
Bốn năm gần đây ngân quỹ cạn kiệt, chương trình không thể tiếp tục chu cấp về thuốc men, ma chay, viện phí như xưa. Hiện toàn bộ hỗ trợ của chương trình cho thương phế binh VNCH chỉ co lại trong một hoạt động duy nhất: Quà xuân. Trị giá 2,5 triệu VND cho mỗi thương phế binh.
“Do số lượng thương phế binh rất lớn, lại nằm rải rác cả nước, nên chương trình của chúng tôi thực hiện từ tháng 12 tới tháng Ba hàng năm.
“Các thương phế binh này đều là phế binh loại ba, rời cuộc chiến trước năm 1975. Họ đều mất tay, mất chân, mù mắt, hoàn cảnh rất đáng thương. Họ là những người bần cùng, nghèo nhất xã hội Việt Nam hiện nay.
“Hầu hết họ đều trong độ tuổi 70, thời gian còn lại cũng không còn nhiều nữa. Chúng tôi mong muốn làm được nhiều hơn nữa cho họ nhưng hiện thời đến khoản hỗ trợ duy nhất là Quà xuân cũng không chắc có thể tiếp tục.
“Có chương trình này, họ được an ủi phần nào. Có người nhờ vậy mà được giao lưu, kết nối với những chiến hữu cũ. Một số người hiện ở nước ngoài thì có cơ hội đóng góp, tri ân cho đồng đội cũ ở Việt Nam,” linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ nói.
BBC (25.10.2022)
Thư gửi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông António Guterres
Ngày 20 tháng 10 năm 2022
Kính gửi ông Mr. António Guterres
Secretary-General
United Nations
UN Headquarters, S-3800
New York, NY 10017
Về việc: thăm Việt Nam tháng 10 2022
Thưa ông Tổng thư ký,
chúng tôi viết thư này trước khi ông qua thăm Việt Nam cuối tuần này. Ông đã nhấn mạnh việc ngăn chặn biến đổi khí hậu rất quan trọng, nhưng điều này không thể đạt được nếu không có vai trò của những người bảo vệ môi trường. Tại chuyến đi của ông, chúng tôi kêu gọi ông công khai đòi chính phủ Việt Nam hãy trả tự do cho bốn nhà bảo vệ môi trường đã bị kết án vì tội “trốn thuế” hồi đầu năm nay. Những tù nhân chính trị này là những nạn nhân điển hình của làn sóng đàn áp mới ở Việt Nam, bao gồm các đe dọa và làm khó dễ họ về luật pháp, khiến việc khắc phục biến đổi khí hậu, bảo vệ nhân quyền và các Mục tiêu Phát triển Bền vững cho hòa bình, thịnh vượng (SDGs-Sustainable Development Goals) bị đình trệ.
Việc đàn áp những người bảo vệ môi trường chỉ là phần nổi của cuộc đàn áp những người bất đồng chính kiến rộng lớn tại Việt Nam. Các tổ chức theo dõi tình hình đã ghi vào tài liệu Việt Nam hiện đang bắt giữ hàng trăm tù nhân chính trị. Các cơ quan Nhân quyền của Liên hiệp quốc cũng đã ghi nhận rằng hầu hết những người bị bắt đều bị truy tố một cách mơ hồ về các tội đe dọa an ninh quốc gia, bị giam giữ bất hợp pháp và bị từ chối không cho tiếp súc với cố vấn pháp luật và không cho gia đình thăm hỏi, họ cũng thường bị bỏ mặc hoặc cố ý bị ngược đãi. Những người này bị đàn áp chỉ vì họ thực thi các quyền dân sự và chính trị. Đáng lẽ ra họ không thể bị truy tố và không thể bị giam giữ.
Liên hiệp quốc nên khẩn cấp gây áp lực với chính phủ Việt Nam phải chấm dứt các chính sách và quy tắc đàn áp nhân quyền, đồng thời nhấn mạnh rằng không thể có tiến bộ về biến đổi khí hậu và phát triển nếu không có một xã hội dân sự tích cực thực thi được các quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp. Chúng tôi kêu gọi ông nhắc nhở Việt Nam rằng, với tư cách là thành viên mới được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, Việt Nam có nhiệm vụ phải duy trì các tiêu chuẩn nhân quyền cao nhất. Cụ thể, chúng tôi mong ông:
- Công khai thúc giục Việt Nam bảo vệ, thúc đẩy và thực hiện các nghĩa vụ về nhân quyền được ghi trong các thỏa ước quốc tế về nhân quyền đã được chính phủ ký kết và phê chuẩn.
- Công khai thúc giục Việt Nam chấm dứt việc truy tố tội hình sự đối với các công việc vận động chính trị và vận động liên liên minh của xã hội dân sự. Cụ thể, Việt Nam nên thực thi khuyến cáo của các chuyên gia độc lập trong Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc về những việc ở Việt Nam được họ diễn tả là “những hạn chế quá mức đối với xã hội dân sự… vi phạm… luật nhân quyền quốc tế”.
- Công khai kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bốn nhà bảo vệ môi trường Ngụy Thị Khanh, Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương và Đặng Đình Bách.
- Công khai kêu gọi Việt Nam cam kết không bắt giữ tùy tiện bất cứ người bảo vệ môi trường nào, kể cả những người bảo vệ nhân quyền khác, bao gồm các nhà báo.
- Công khai kêu gọi Việt Nam sửa đổi một cách cơ bản Nghị định 58/2022 / NĐ-CP về các nhóm xã hội dân sự quốc tế hoạt động tại Việt Nam để đảm bảo tuân thủ các quy định trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là một quốc gia thành viên.
- Công khai thúc giục Việt Nam nêu rõ việc các tổ chức phát triển phi chính phủ có phải nộp thuế doanh nghiệp hay không và trong trường hợp nào. Cụ thể, Chính phủ Việt Nam cần giải quyết sự không rõ ràng và không thống nhất giữa Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 và Luật Quản lý thuế năm 2019 liên quan đến nhiệm vụ thuế của các tổ chức khoa học và công nghệ [phụ chú số 1]. Các quy định là một tập hợp các chính sách mâu thuẫn, dễ dàng được sử dụng để tấn công các tổ chức xã hội dân sự.
Cuối cùng, chúng tôi tin rằng Liên hiệp quốc đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này. Chúng tôi kêu gọi ông hãy thúc giục trưởng phái đoàn Liên hiệp quốc thường trú (tại Việt Nam *) và các cơ quan của Liên hiêp quốc công khai và tích cực đòi hỏi chính phủ cải thiện nghiêm túc tình hình nhân quyền tồi tệ và yêu cầu họ phải chịu trách nhiệm cho tệ trạng này. Cách tốt nhất mà Liên Hiệp Quốc có thể làm là nhận thêm nhiều trách nhiệm với xã hội dân sự Việt Nam.
Trân trọng
Các tổ chức nhân quyền:
Access Now
Amnesty International
Asia Democracy Network (ADN)
Asian Forum for Human Rights and Development (FORUM-ASIA)
ARTICLE 19
CIVICUS
Defend the Defenders
FIDH – International Federation for Human Rights
Frontline Defenders
Human Rights Watch
International Service for Human Rights (ISHR)
Legal Initiative for Vietnam
The 88 Project
Safeguard Defenders
Quê Me: Vietnam Committee on Human Rights
Phụ chú * trong bản dịch: trưởng phái đoàn LHQ thường trú tại Việt Nam
Phụ chú số [1]:
Thí dụ, Điều 143.2 (“Trốn thuế”) Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định: “Không ghi vào sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc tính thuế phải nộp”. Tương tự, điều 200.1.b (“Trốn thuế”) Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Không ghi các khoản thu liên quan đến việc xác định số thuế phải nộp trên sổ kế toán”. Tuy vậy, điều 4.7 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 lại diễn tả “Thu nhập được miễn thuế” là “các khoản hỗ trợ tài chính nhận được dùng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và các hoạt động xã hội khác tại Việt Nam”. Tương tự, Nghị định 218 (218/2013 / NĐ-CP) hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp quy định chỉ những tổ chức sử dụng không đúng mục đích hỗ trợ tài chính mới phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Nguồn (Anh ngữ):
https://www.hrw.org/news/2022/10/21/joint-letter-secretary-general-antonio-guterres