Mục lục
‘Tôi đã muốn chết nhưng không hối hận’. Andy Huynh kể về những tháng ngày bị quân Nga giam giữ, tra tấn
Andy Huynh trở về nhà với những vết thương cả về thân thể lẫn tinh thần nhưng không hối hận về những gì đã làm khi tình nguyện chiến đấu ở Ukraine
Andy Tai Ngoc Huynh, một cựu binh Mỹ gốc Việt xung phong đi chiến đấu ở Ukraine, là một trong hai công dân Mỹ đầu tiên bị lực lượng của Nga bắt giữ. Anh và Alexander Drueke, người cùng bị quân Nga bắt giữ hồi tháng 6 khi đang chiến đấu ở miền Đông Ukraine, đã trở về nhà ở Alabama cuối tháng trước sau khi được thả tự do trong một cuộc trao đổi tù binh chiến tranh.
Dù đã được trở lại cuộc sống yên bình trong vòng tay của gia đình và những người thân, Andy cho biết anh không thể quên được những tháng ngày bị giam cầm, bị đánh đập và vẫn còn phải chịu đựng nỗi đau về thể xác và tinh thần.
“Từ sự đánh đập thể chất cho đến tra tấn về tinh thần, tất cả trong suốt 3 tháng,” cựu binh 27 tuổi nói về chuỗi ngày anh bị quân Nga bắt giữ, hỏi cung và đưa đến các nơi giam giữ khác nhau. “Tôi đã nghĩ rằng mình sẽ chết.”
‘Đánh đập và tuyên truyền’
Andy, sinh ra và lớn lên trong một gia đình di dân gốc Việt ở California, gia nhập quân đoàn quốc tế của Ukraine chống lại lực lượng Nga, theo sáng kiến của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, hồi tháng 4. Từng tham gia Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ từ 2014-2018, Andy thấy mình không thể ngồi yên khi nghe tin tức về cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine. Nhiệm vụ của anh khi tình nguyện trong quân đoàn quốc tế là trinh sát và thu thập tin tức tình báo để gửi về sở chỉ huy.
“Chúng tôi không phải xông vào trận chiến thực sự. Nhưng không may thay chúng tôi đã bị bắt hôm đó,” Andy nói về buổi trinh sát cùng nhóm quân của Ukraine bị quân Nga phục kích bên ngoài Kharkiv hôm 9/6.
Andy cùng Alex sau đó bị đưa vào lãnh thổ của Nga, nơi mà những cuộc tra tấn và hỏi cung diễn ra.
“Chúng tôi bị hỏi cung. Họ đánh chúng tôi rất nhiều,” Andy nói và cho biết người Nga muốn biết tại sao anh lại tới chiến đấu ở Ukraine và muốn xếp anh vào nhóm những người ‘lính đánh thuê được trả tiền’.”
Người phát ngôn của Điện Kremlin, Dimitriv Peskov, hồi tháng 6 nói rằng Moscow gọi các cựu binh Mỹ, trong đó có Andy, là “lính đánh thuê được trả tiền” trong khi gia đình của Andy và Alex lúc đó phản đối và khẳng định rằng họ là tù binh chiến tranh.
Trước khi lên đường đi Ukraine, Andy cho biết anh bỏ tiền túi của mình, hơn 6.000 USD, để tham gia chống lại quân nga với mục đích “giành lại tự do cho Ukraine.”
Trong 104 ngày bị quân Nga giam giữ, Andy bị chuyển qua 3 nơi khác nhau, trong đó có 1 tháng bị giam giữ ở Nga và thời gian còn lại ở các nhà tù ở Donetsk, nước cộng hòa ly khai được Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận độc lập hồi tháng 2 và tuyên bố “thuộc về Nga” hồi cuối tháng trước.
“Trong suốt thời gian bị giam giữ, những tuần đầu tiên có lẽ là thời gian tồi tệ nhất,” Andy nói và cho biết rằng đây là thời gian anh bị quân Nga đánh đập và hỏi cung.
Sau đó Andy cùng những người khác bị chuyển đến nơi mà anh gọi là “khu vực đen”, một dạng nhà tù bí mật nơi có các hoạt động giam giữ không được ai biết đến. Tại đây, Andy cho biết anh và các bạn tù bị đối xử bất nhân tính khi bị cho ăn bánh mì “thối” và nước “bẩn”.
Nói với tờ Washington Post, Alex cũng cho biết anh và Andy bị giam giữ ở một trại giam có các hàng rào dây thép gai bao quanh trước khi được chuyển đến “khu vực đen” nơi họ bị đánh đập và tra tấn nhiều hơn. Sau đó, họ được chuyển đến một nhà tù truyền thống hơn ở khu vực Donetsk ở miền Đông Ukraine do lực lượng Nga hậu thuẫn.
Đại sứ quán Nga ở Washington DC không phản hồi yêu cầu bình luận của VOA. Người phát ngôn điện Kremlin, ông Peskov, hồi tháng 6 nói rằng hai cựu binh Mỹ không được Công ước Geneva bảo vệ – tức được đối xử nhân đạo phù hợp với luật chiến tranh – vì là “lính đánh thuê.”
Trong thời gian bị cầm tù ở Nga, Andy và Alex đã bị buộc phải nói những điều mà họ không muốn nói trong đoạn video mà truyền thông Nga gọi là cuộc phỏng vấn ngắn với các công dân Mỹ bị bắt. Trong đoạn video này, Andy và Alex đã nói “Tôi chống chiến tranh” bằng tiếng Nga.
“Thành thật mà nói, tôi cảm thấy bẩn thỉu,” Andy nói về việc anh bị ép phải nói những lời đó. “Những người hỏi cung và đánh đập tôi có mặt ở đó. Họ đe dọa nếu chúng tôi nói khác đi sẽ đánh chúng tôi, tra tấn chúng tôi, hay giết chúng tôi.”
‘Tôi từng muốn chết’
Sự đánh đập, theo Andy, để lại những vết thương thân thể, nhưng sự bất định về việc không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo hay những đe dọa thường xuyên về việc sẽ bị giết chết là những đòn tra tấn về tinh thần.
“Những lời đe dọa liên tục về việc bị hành quyết, những lời đe dọa liên tục về việc phải ngồi tù suốt đời là điều khó chịu nhất,” Andy nói và cho biết giữa những lần chuyển trại giam, anh và những người khác bị bịt mặt để không biết mình đang ở đâu.
Trong lần di chuyển cuối cùng từ Donetsk về lại Nga trước khi lên máy bay tới Ả rập Saudi cho vụ trao đổi tù binh, Andy và hàng chục người khác bị nhồi lên một chiếc xe tải trong khi bị bịt mắt đi hơn 20 tiếng đồng hồ. Họ đã nghĩ có thể họ bị đưa đi hành quyết, theo Andy cho biết.
“Chúng tôi thực sự đã muốn chết hơn là phải chịu đựng những gì đang xảy ra lúc đó,” Andy nói. “Chúng tôi chỉ muốn chấm dứt nó.”
Nhưng trong những tháng ngày đó, Andy cho biết một chút thông tin từ gia đình hay sự động viên lẫn nhau từ những bạn tù, đặc biệt là Alex, người hơn anh 12 tuổi và cũng là một cựu binh trong quân đội Mỹ, đã giúp anh có được chút hy vọng để tiếp tục sống.
“Có rất nhiều thứ đã giúp tôi vượt qua những tháng ngày đó trong sự giam cầm,” Andy nói. “Một trong những thứ đó là gia đình, những người tôi yêu khi nhìn lại những gì tôi muốn thấy. Alex giúp tôi rất nhiều bởi anh ấy thực sự ở đó. Chúng tôi giúp nhau lấy lại tinh thần lạc quan.”
‘Hạnh phúc nhưng áy náy’
Andy, Alex và 8 tù nhân nước ngoài khác được chọn phóng thích sau cuộc hòa giải của Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman. Anh và Alex trở về nhà trong một chuyến hay từ Ả rập Saudi qua New York tới Alabama hôm 24/9. Alex cùng sống ở tiểu bang này, nơi Andy di chuyển đến từ California để được gần vị hôn thê của anh cách đây hơn 2 năm.
“Chúng tôi không thể tin được và vô cùng biết ơn,” bà Darla Joy Black, mẹ của vị hôn thê của Andy nói về sự vui mừng của gia đình khi được đón anh trở về.
Andy cho biết anh vui mừng khi được trở về với những người thân và thấy may mắn khi là một tù nhân được trao đổi mặc dù anh còn đang bị tổn thương về tinh thần cũng như thể chất, sụt gần 10kg và mất trí nhớ ngắn hạn.
Nhưng điều mà Andy cảm thấy áy náy là khi biết rằng còn nhiều người đang bị quân Nga cầm tù, trong đó có một công dân Mỹ là thường dân bị quân Nga bắt cóc ở Kherson mà anh gặp trong thời gian bị giam giữ, trong khi anh được trở về nhà. Tuy nhiên, anh tìm được niềm an ủi khi biết rằng anh đã ở đó và trải qua sự giam cầm để cho một người Ukraine không phải chịu sự đau khổ.
“Tôi đã trải qua sự tồi tệ để họ không phải trải qua nó,” Andy nói và cho biết anh không hối hận về những gì đã làm. “Tôi sẽ làm lại tất cả những điều đó nếu lại có cơ hội.”
Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ nhiều lần cảnh báo công dân không tới Ukraine và cho rằng có nhiều cách để giúp đỡ người dân Ukraine thay vì “đặt bản thân mình vào nơi nguy hiểm giữa chiến trường.”
Andy cho biết giờ đây anh đã trở thành “kẻ thù” của quân Nga và không thể quay lại chiến đấu nhưng anh sẽ tiếp tục giúp người Ukraine bằng mọi cách có thể, như tham gia vào những hoạt động nhân đạo, cho dù là ở Mỹ hay ở Ukraine.
Nhưng trước mắt, Andy đang tìm việc trở lại và chuẩn bị cho một đám cưới dự kiến vào mùa hè năm sau với vị hôn thê của mình.
Ba tuần ở Nga với tư cách là tù nhân chiến tranh Ukraine – Điện giật, chó cắn dã man và bị đánh đập hàng ngày
Cù Tuấn, dịch
Tiếng Dân
30-10-2022
Tóm tắt: Alex đã phải chịu đựng tra tấn một cách khủng khiếp khi bị giam cầm. Trở về nhà, anh bị dày vò bởi những suy nghĩ về những người bạn tù.
Vào ngày 24 tháng 2, ngày Nga xâm lược Ukraine, Alex, một doanh nhân ở độ tuổi 40, đã nhập ngũ. Anh nhanh chóng được điều động đến một ngôi làng cách Kyiv 30 km về phía Tây Bắc, nơi thời tiết khắc nghiệt và anh đã không ăn gì ngoài bánh mì cũ trong hơn một tuần. Xe tăng Nga liên tục bắn phá vào vị trí của đại đội anh. Một nửa đại đội gồm 26 người của Alex đã bị giết; hầu hết tất cả đều bị thương. Cả hai chân của Alex đều bị mảnh đạn găm vào.
Alex, anh cả trong số các binh sĩ, đảm nhận vai trò thủ lĩnh. Anh tìm lại những ký ức thời thơ ấu và dẫn dắt mọi người cùng cầu nguyện, chuẩn bị cho những điều tồi tệ nhất. Khi có lệnh đầu hàng, Alex đã dí súng vào thái dương và bóp cò. Một người đàn ông đẩy nòng súng ra xa và viên đạn găm vào tường. “Tôi có thể sẽ tự hỏi mình về quyết định này trong suốt phần đời còn lại”, Alex nói với tôi. “Sẽ tốt hơn nếu tôi trở thành một anh hùng đã chết hay tiếp tục sống và cố gắng cứu sống những thanh niên trẻ tuổi này?“.
Những người lính Ukraine trong làng đã đầu hàng một đơn vị tinh nhuệ của quân đội Nga, những người đã “cư xử tử tế với chúng tôi”, Alex nói. Sau đó, những tù binh Ukraine bị đưa đến một căn cứ quân sự ở Belarus, nơi binh lính Chechnya đe dọa hãm hiếp và bắn họ. Họ có thể nghe thấy tiếng khóc của những tù nhân bị đánh đập ở gần đó.
Alex đã bị đưa đi thẩm vấn. Những người thẩm vấn hỏi tên và cấp bậc, nghề nghiệp của anh và công ty anh làm việc. Đánh giá Alex là một doanh nhân giàu có, họ nói anh sẽ được trả về Ukraine vào tối hôm đó nếu anh trả cho họ 20.000 đô la. Alex xem đây là một cơ hội để lấy các thông tin hữu ích. Alex hỏi anh nên thực hiện chuyển tiền cho ai và bằng cách nào. Sau đó, Alex nói với họ rằng anh không có chừng đó tiền.
Theo công ước Geneva mà Nga đã ký kết, các tù nhân chiến tranh (tù binh chiến tranh) phải được đối xử công bằng và cân nhắc. Về lý thuyết, tù binh chỉ đơn giản là những người chiến đấu bị loại khỏi chiến trường. Trong thực tế, tù binh thường trở thành tiền tệ: đòn bẩy trong đàm phán và công cụ để tuyên truyền.
Chúng tôi không có con số chính xác về số tù binh mà người Ukraine và người Nga đã bị bắt hoặc bị mất tích. (Vào tháng 7, Ukraine thông báo rằng 7.200 binh sĩ của họ đã mất tích và gần đây Nga thông báo rằng họ có 6.000 tù binh Ukraine). Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, được trao quyền bởi các công ước Geneva, cũng không có quyền giám sát sức khỏe và sự an toàn của tù binh. “Ở cả hai phía, chúng tôi có thể thăm tù binh và cũng có lúc không thể thăm tù binh”, Achille Balthazar Despres, phát ngôn viên của Hội Chữ thập đỏ ở Ukraine, nói với tôi, cẩn thận để cân bằng thông tin đưa ra. “Những gì tôi có thể nói là chúng tôi đã đến thăm hàng trăm tù binh tù binh ở cả hai phía. Có nghĩa là có thể có hàng ngàn tù binh như vậy”. Vào tháng 7, hàng chục tù nhân Ukraine đã chết trong một vụ nổ tại một trại ở Olenivka, thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng: Chính phủ Nga đổ lỗi vụ nổ này là do các cuộc pháo kích của Ukraine, một tuyên bố khó có thể tin được.
Các tù binh phải được bảo vệ khỏi “sự tò mò của công chúng”, mặc dù cả hai bên đều đã sử dụng video về họ như một phần của cuộc chiến thông tin. Trong những tuần đầu của cuộc chiến, các quan chức Ukraine, hy vọng sẽ làm giảm bớt sự ủng hộ của công chúng Nga đối với cuộc xung đột, đã tổ chức một số cuộc họp báo với những người lính Nga bị bắt. Tại các cuộc họp báo này, những người lính Nga đã tố cáo cuộc xâm lược và xin lỗi người dân Ukraine. Nhiều quan chức Ukraine đối phó với tù binh chiến tranh nói với tôi rằng họ thấy những cảnh này thật khó xử. Các cuộc họp báo này sớm dừng lại, mặc dù Volodymyr Zolkin, một blogger người Ukraine đã được chính quyền cấp quyền tiếp cận tù binh, vẫn tiếp tục đăng video phỏng vấn những người Nga bị bắt trên kênh YouTube của mình. Anh nói rằng các video này giúp trấn an gia đình của các tù binh này rằng họ chưa chết.
Sau ba ngày ở Belarus, Alex và hàng chục tù nhân Ukraine khác bị đưa đến một nhà tù, nơi mà anh cho là ở miền trung nước Nga. Khi đến, họ phải quỳ xuống sân, chắp tay sau đầu. Trong hai giờ, họ bị đánh đập bằng nắm đấm, dùi cui, thanh kim loại và báng súng. Sau đó, họ bò vào phòng giam của họ. Một người đàn ông đã chết vào đêm đó.
Cuộc tra tấn vẫn tiếp tục. Họ bị điện giật bộ phận sinh dục. Một tù nhân bị chó cắn vào mặt. Một người khác bị bỏ ngoài trời trong nhiệt độ lạnh cóng và bị chảy máu ở chân do tê cứng. Bốn mươi tù nhân bị nhốt trong một phòng giam bẩn thỉu với chuột và rận. Họ sử dụng khăn tắm làm băng gạc, dùng nước tiểu của họ làm chất khử trùng và trong một lần, họ bị buộc phải lấy một mảnh đạn pháo ra khỏi người bằng móng tay. Vết thương của Alex bị nhiễm trùng và anh bị sốt. Trong phòng giam bên cạnh, họ nghe thấy một người phụ nữ la hét khi sinh con. Những người bạn cùng phòng với cô ấy đã kêu gọi sự giúp đỡ, nhờ một bác sĩ, một con dao để cắt dây rốn. Các lính canh hét lại: “Lấy răng mà cắn!”
Những người thẩm vấn của Alex dường như quan tâm đến việc đánh gục tâm lý các tù nhân hơn là thu thập thông tin tình báo. Các tù binh bị buộc phải hát quốc ca Nga. “Họ đã quay phim chúng tôi. Họ cười nhạo chúng tôi. Họ nói, “Ồ, nhìn kìa, thằng ấy ị cả ra quần rồi!” Mặc dù chúng tôi không có thức ăn trong bụng và không có gì để ị ra”. Các lính canh đã lột quần áo của họ và đe dọa sẽ hãm hiếp họ. Trong một lần, họ trùm kín đầu Alex bằng một chiếc túi nhựa cho đến khi anh bất tỉnh.
Các tù nhân phải cúi đầu, vì vậy Alex không bao giờ nhìn thấy khuôn mặt của những người thẩm vấn anh. Khi được hỏi liệu Crimea có phải là một phần của Nga hay không, Alex trả lời: “Thực tế là có, luật pháp là không”. Alex sau đó bị đánh vì câu trả lời rất thông minh này.
Các lính canh Nga đã quay phim Alex và các bạn tù của anh, buộc họ phải nói rằng họ đang được điều trị tốt và được chăm sóc y tế. Hai tuần sau khi Alex bị giam cầm, một trong những con trai của Alex đã nhìn thấy anh trong một video được đăng trực tuyến. Đó là cách gia đình Alex biết anh đã là tù binh.
Volodymyr Petukho, một nhà tâm lý học quân sự người Ukraine, tin rằng việc Nga lạm dụng tù binh có nguồn gốc từ việc Liên Xô đối xử với các tù nhân chính trị. Các phương pháp tra tấn tương tự đã được sử dụng vào những năm 1930. Theo ông, việc đánh gục tâm lý một tù nhân bao gồm ba giai đoạn: mở băng, tuyên truyền và đóng băng. Điều này đạt được bằng cách giữ một tù nhân trong trạng thái căng thẳng và không chắc chắn, làm suy nghĩ của họ mất ổn định với những thông tin sai lệch, sau đó kích động sự phục tùng bằng cách buộc họ hát quốc ca Nga, ca ngợi quốc kỳ Nga hoặc đọc thuộc lòng những câu thơ yêu nước – tù binh ngày nay thường đề cập đến việc phải đọc một bài thơ có tựa đề “Tha thứ cho chúng tôi, những người Nga thân yêu”. Alex đã cố gắng giảm bớt áp lực tâm lý này bằng cách khuyến khích các bạn tù tự nguyện hát quốc ca Nga – một phần để tránh bị đánh đập và một phần bởi vì, bằng cách tự nguyện hát, họ sẽ vô hiệu hóa sức mạnh cưỡng chế của những kẻ bắt giữ mình.
Khi Alex thực hiện nghĩa vụ quân sự 20 năm trước đó, anh không được đào tạo về cách phản ứng khi bị bắt làm tù binh. Sự mở rộng nhanh chóng của quân đội Ukraine kể từ tháng 2 có nghĩa là rất ít tân binh có được bài học về cách sống sót trong điều kiện bị giam cầm, chẳng hạn như các kỹ thuật quản lý phản ứng cảm xúc của họ.
Sau hai tuần, Alex được đưa lên máy bay đến Crimea và được giữ trong một hội trường lớn cùng với lính thủy đánh bộ và dân thường Ukraine. Vài ngày sau, anh lại được chuyển đi cùng với những người tù bị giam giữ khác, lần này là đến một nhà tù khác ở miền nam nước Nga. Các tù nhân được yêu cầu đứng trong sân trong ba giờ với hai cánh tay dang rộng và trán áp vào tường. Nếu họ gục ngã, lính canh sẽ đánh họ. “Và rồi tôi đã gặp may”, Alex nói với tôi. “Họ gọi tên tôi”.
Alex được đưa đến một văn phòng nơi một người đàn ông mặc đồng phục thường dân màu xanh xám ngồi sau bàn làm việc. Người này đưa cho Alex một cốc nước, một thanh kẹo và hỏi một cách lịch sự về học vấn và sự nghiệp của anh. Người đàn ông muốn thảo luận về kế hoạch kinh doanh, kinh tế, lãi suất. Alex cảm thấy nhẹ nhõm khi được trò chuyện một cách bình thường.
Sau một lúc, người đàn ông có vẻ hài lòng: “Chà, họ không nhầm về bạn”. Anh đẩy một tập tài liệu qua bàn của mình. Bên trong là một hợp đồng cho một công việc tại một công ty Nga tương tự như hợp đồng mà Alex đã làm ở Ukraine. Người đàn ông nói với Alex rằng anh sẽ được trả lương cao và được tặng một ngôi nhà. Gia đình của Alex sẽ được chuyển đi và bản thân người đàn ông này sẽ đóng vai trò là người bảo trợ cho anh. Họ sẽ trở thành bạn tốt của nhau! Đúng, Alex sẽ phải trả lời phỏng vấn của các nhà báo, nhưng anh sẽ quen với điều đó.
Khi Alex nói rằng nhà của anh là ở Ukraine, người đàn ông này trả lời rằng quê hương là một nơi có mức lương tốt. “Bạn phải hiểu”, anh nói một cách bí hiểm, “rằng tôi không thể rời khỏi đây mà không có bạn đi cùng”, Anh ta nói với các lính canh đừng đánh Alex và để Alex được đưa vào phòng tắm của lính canh, nơi có vòi sen nước nóng. Alex đã dành một phút để tận hưởng làn nước ấm. “Hãy nghĩ về lời đề nghị của tôi”, người đàn ông nói với anh. “Thực sự không có lựa chọn nào khác”.
Alex bị đưa đến một phòng giam với năm tù binh bị bầm tím và rên rỉ. Người đàn ông mặc đồng phục xám xanh đã trở lại vào đêm hôm đó. Hãy ký tên, anh ta nói, “sau đó cuộc sống của bạn có thể bắt đầu. Bằng cách này hay cách khác chúng tôi sẽ ép buộc bạn”. Alex nói với người đàn ông rằng anh đang yếu vì sốt và bất kỳ sự lạm dụng nào nữa có thể sẽ giết chết anh. Alex sau đó bị chuyển đến phòng biệt giam.
Vào buổi sáng, lính canh mở khóa phòng giam để lộ ra người đàn ông mặc đồng phục đang đứng ngoài. Nhưng thay vì hủy bỏ hợp đồng, anh ấy thì thầm: “Bạn sẽ được về nhà”. Mệt mỏi vì các trò tâm lý, Alex hầu như không biết phải nghĩ gì.
Alex được đưa đến một sân bay và bay trở lại Crimea. Tại đó, lính canh đã đưa anh vào sau xe tải cùng với một nhóm dân thường cũng đang được dùng để trao đổi. (Khoảng 1.000 tù binh từ hai bên đã được trao đổi thành nhiều nhóm kể từ tháng 2). Họ lái xe về phía bắc qua một loạt các trạm kiểm soát. Trạm cuối cùng họ đi qua trước khi đến tiền tuyến là do quân Chechnya điều khiển, họ ra lệnh cho mọi người xuống xe tải để kiểm tra. Alex là người cuối cùng leo ra ngoài. “Bạn đã nói với chúng tôi rằng chỉ có dân thường nhưng đây là một con chuột”, quân Chechnya nói khi nhìn thấy anh. “Chà, bạn chọn gì? Chúng tôi sẽ cắt mũi hay tai của bạn?”
Sốt ruột và kiệt sức, Alex nghĩ rằng mình sắp bị bắn. Anh muốn chết một cách đàng hoàng. Anh nói rằng anh ta cần đi tiểu, và người Chechnya đã hộ tống anh ta đến một bụi rậm. Sau đó, Alex nói với họ rằng anh muốn cầu nguyện. Những người lính đánh vào đầu Alex một vài lần và gọi anh là “con lợn Cơ đốc”. Thường dân đã được chất trở lại xe tải và lái đi. Alex bị bỏ lại một mình. Anh nghĩ rằng mình sẽ bị giết. Vì vậy, anh đã cầu nguyện.
Khi Alex làm như vậy, anh không còn sợ nữa. “Tôi đã nghĩ, đến đây là kết thúc. Đây ít nhất sẽ là dấu chấm hết cho sự đau khổ của tôi. Tôi đã rất hạnh phúc vào lúc này và tôi đã khóc”. Bất ngờ, một người lính Chechnya lấy đầu ngón tay lau nước mắt cho Alex và nói: “Lời nói của anh cũng trong sáng như nước mắt của anh. Hãy yêu cầu bất cứ điều gì anh muốn”. Alex yêu cầu một ít nước. Sau đó, một chiếc xe tải thứ hai chở đầy tù binh đến. Cuối cùng, Alex đã được đưa lên tàu và đưa đến chỗ trao đổi tù binh.
Tại điểm bàn giao, các tù binh Nga đi qua anh, họ trông sạch sẽ và gọn gàng, trái ngược với bộ quần áo bẩn thỉu và rách nát của Alex. Khi Alex hỏi họ có bị đánh không, họ lắc đầu. “Điều này rất quan trọng đối với tôi”, anh nói. “Chúng tôi không giống như người Nga. Chúng tôi không giống họ”.
Chính quyền Ukraine đã học cách tái hòa nhập cho các tù binh trong 8 năm qua, kể từ khi xung đột với các nước cộng hòa ly khai nổ ra ở miền đông đất nước này. Khi Olena Sek, một nhà tâm lý học quân sự người Ukraine, gặp nhóm tù binh tù binh trở về đầu tiên vào năm 2014, cô và các đồng nghiệp của mình không biết phải đối phó với họ như thế nào. Quân đội Liên Xô, trong đó người Ukraine phục vụ cho đến khi chiến tranh lạnh kết thúc, coi tù binh là kẻ phản bội hoặc nạn nhân. Khi họ quay trở lại, các quy trình yêu cầu họ phải được thẩm vấn hơn là được thông cảm.
Việc chăm sóc tâm lý khá lộn xộn đối với nhóm tù binh tù binh đầu tiên trở về. Sek nhớ lại: “Rất nhiều người có các triệu chứng kinh điển của chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý. “Họ không ngủ được, họ có những giấc mơ xấu, họ không thể tạo mối quan hệ với những người mới hoặc thậm chí là người thân và bạn bè. Có những trường hợp bị loạn thần và một số rất hung hãn. Đã có lạm dụng rượu. Chúng tôi đã có một vài vụ tự tử”.
Quân đội Ukraine từng bước phát triển các phương pháp để điều trị. Lúc đầu, các nhà tâm lý học chỉ đơn giản là để họ nghỉ ngơi. Sau đó, sau khi đến thăm các trung tâm quân y của Mỹ, các nhà tâm lý học đã tạo ra các chương trình phục hồi chức năng.
Các cựu tù binh thường không hiểu tại sao họ tiếp tục trải qua những cảm giác giống như cảm giác bị giam cầm và thường có các cơn bộc phát cảm xúc. Hiện tại các cựu tù binh sẽ được giữ lại trong bệnh viện khi họ mới được thả ra, đôi khi trong nhiều tuần. Họ có thể gọi điện cho gia đình, nhưng việc thăm khám bị cấm cho đến khi các bác sĩ tin rằng họ đã sẵn sàng.
Sek đã học được cách phát hiện các cựu tù binh. Họ hốc hác và không nhìn thẳng vào mắt bạn. “Họ xin phép để làm bất cứ điều gì – cho phép nhìn lên, để có một điếu thuốc. Và hầu hết họ đều có thương tích do bị đánh”.
Bohdan Pantiushenko, một cựu tù binh, đã trải qua 5 năm bị giam cầm ở Donetsk cho đến khi được trả tự do vào cuối năm 2019. Pantiushenko đã cho tôi xem một bức ảnh của mình khi anh lần đầu tiên trở về. Anh gầy và có một khuôn mặt góc cạnh, khá lệch lạc, không thể nhận ra được từ người đàn ông má hồng hào đang ngồi đối diện tôi. Khi Pantiushenko trở lại Kyiv, anh không thể hiểu cuộc sống bình thường có thể tiếp tục như thế nào. “Tôi muốn túm mọi người trên đường lại và hỏi: bạn đang làm gì vậy? Bạn không biết là đất nước đang có chiến tranh à! … Chỉ sau một năm, tôi mới nhận ra rằng mình đã bắt đầu cảm thấy bình thường trở lại”.
Alex gặp Sek khi anh đến một bệnh viện quân y vào đêm trao đổi tù binh. Cô ấy đưa ra quan điểm là phải chào hỏi riêng từng tù nhân trở về. Các tù nhân được tắm nước nóng và được cung cấp dầu gội đầu, kem đánh răng và quần áo mới. Sau đó, họ được kiểm tra về thể chất và tâm lý.
Trong vài ngày đầu tiên, Alex gặp ác mộng và thường hét lên trong giấc ngủ. Alex nhận thấy hầu hết mọi âm thanh đều là không thể chịu nổi đối với anh, vì vậy anh đã được trao cho tai nghe khử tiếng ồn để giúp bình tĩnh trở lại.
Các tù nhân trở về được điều trị vết thương và được bổ sung dinh dưỡng. Họ nhận được sự giúp đỡ để lấy lại các khoản tiền và yêu cầu bồi thường. Các phòng ban tình báo sẽ hỏi họ và họ tham gia các buổi trị liệu trực tiếp. “Tôi muốn nói chuyện”, Alex nói. “Tôi muốn cho mọi người biết thông tin mà tôi có. Tôi vẫn còn đầy adrenaline trong người. Quan trọng đối với tôi là tôi phải được kể câu chuyện của mình. Tôi vẫn bị sốt nhưng thậm chí không cảm thấy nó”.
Tôi đã nói chuyện với Alex trong một quán cà phê siêu thị ở ngoại ô Kyiv. Siêu thị này đã bị phá hủy trong cuộc tấn công của Nga vào thủ đô, nhưng đã được xây dựng lại và hiện đang chật ních người mua sắm. Có vẻ như khó có thể tưởng tượng rằng chiến tranh đã xảy ra ngay tại đây. Alex nói một cách dễ hiểu về thời gian bị giam cầm, kể lại chi tiết trải nghiệm của mình. Nhưng khi tôi hỏi anh về việc bây giờ anh thế nào, Alex ấp úng và nhanh chóng kể lại quãng thời gian là một tù nhân, anh đã khuyên những người trong phòng giam quét sàn nhà ba lần một ngày để giữ cho sạch sẽ hoặc học cách nhận dạng lính canh bằng dáng đi của họ. Khi Alex nói chuyện, anh xé những gói đường rỗng thành từng miếng giấy nhỏ và cuộn những mảnh giấy đó vào giữa các ngón tay của mình.
Alex đã trở lại làm các nhiệm vụ tại ngũ, gắn bó với một đơn vị ở Kyiv, “nhưng tôi không thể nói rằng tôi đã ổn hay tôi đã bỏ qua chuyện tù đày”, anh nói. Alex không còn muốn đi câu cá hay theo đuổi sở thích chụp ảnh. Anh đã trở nên hướng nội và không cảm thấy muốn gặp bạn bè của mình. Giấc ngủ của Alex bị phá vỡ và thỉnh thoảng anh bị ngất xỉu. Alex nói với tôi rằng anh có thể nhận ra những người phụ nữ mà anh biết trước khi bị giam cầm nhưng không nhận ra đàn ông, thậm chí cả anh trai và con trai của mình. Alex không thể chịu đựng được việc dành hơn vài giờ đồng hồ với vợ con trong ngôi nhà gia đình ở ngoại ô Kyiv, và đang ở trong một căn hộ thuê trong thành phố. Khi tôi hỏi về mối quan hệ của anh với vợ, Alex đã im lặng rất lâu. “Tôi không muốn giải thích điều này”, anh nói, nhìn xuống một đống các viên giấy nhỏ anh đã vo viên. “Tôi chỉ hiểu rằng tôi sẽ không quay trở lại”.
“Tôi luôn nghĩ về các chàng trai của đơn vị mình trong tình trạng bị giam cầm. Tôi muốn họ trở lại. Điều đó hoàn toàn chiếm trọn suy nghĩ của tôi. Đó là mục đích của tôi, là ước mơ của tôi. Đó là tất cả những gì tôi muốn”. Ngày nào Alex cũng gọi điện cho gia đình những người bạn tù. “Thật khó khăn và thường xuyên rơi nước mắt nhưng tôi phải giúp họ tiếp tục. Tôi đã nói dối các gia đình”, Alex thừa nhận. “Họ hỏi liệu người thân của họ có bị đánh hay không và tôi nói với họ rằng chuyện đánh đập không quá tệ. Tôi hy vọng một ngày nào đó họ sẽ tha thứ cho tôi”.
Tôi ngập ngừng hỏi Alex, liệu có điều gì khiến anh ấy cảm thấy tốt hơn không. “Chủ nhật là ngày nghỉ ngơi của tôi”, Alex nói. Nghe nhạc và nấu ăn trong căn hộ của anh mang lại cho anh cảm giác yên bình. “Có thể bạn nghĩ tôi bị điên”, anh nói, khuôn mặt rạng rỡ với một nụ cười, “nhưng khi tôi nấu ăn, tôi tưởng tượng tôi đang nấu ăn cho một trong những người bạn tù của tôi. Tôi trang trí món ăn, và mặc dù tôi không thèm ăn, nhưng tôi phải thay mặt người bạn tù đó nếm thử món ăn tôi đã nấu”.