Nguồn: „Russlands Reserven reichen real nur noch für ein Jahr Krieg“, WELT, 15/10/2022.
Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài
Nghiên Cứu Quốc Tế
Ít ai biết Tổng thống Nga lâu và rành rẽ như Andrei Illarionov. Trong một cuộc phỏng vấn, cựu cố vấn kinh tế hàng đầu của Putin giải thích lý do tại sao Điện Kremlin cạn tiền mặc dù doanh thu từ nguyên liệu thô tăng cao, và tại sao ông lại đánh giá sai về Trung Quốc đến vậy.
Ông từng là cố vấn kinh tế của Putin và hiện đang là nhà nghiên cứu kinh tế ở Hoa Kỳ. Trong một cuộc phỏng vấn, Andrei Illarionov giải thích điều gì đã khiến Putin leo thang chiến tranh ở Ukraine, điều mà phương Tây không chú ý đến khi nói đến dữ liệu kinh tế của Nga, và quan hệ của giới thượng lưu ở Moscow với Putin.
Hỏi: Thế giới luôn ngộ nhận, ví dụ như về hiệu quả của các lệnh trừng phạt, hoặc trong đánh giá về Putin. Hãy bắt đầu với ông ta. Ông đã làm việc với ông ta trong một thời gian dài với tư cách là cố vấn. Liệu tính cách của ông ta có thay đổi kể từ đó không?
Đáp: Có và không. Các đặc điểm chính của con người này hoàn toàn không thay đổi. Ông ấy luôn toan tính và hành động một cách hợp lý và có mục đích. Rất cẩn thận khi lên các kế hoạch hành động. Cân nhắc kỹ về tất cả các giải pháp khả thi. Ông ấy yêu thích các chi tiết và tìm lời khuyên từ các chuyên gia.
Hỏi: Nhưng trong cuộc chiến Ukraine, ông ta đã tính toán sai, như Joe Biden từng nói.
Đáp: Ở đây cũng vậy, đúng và không. Nhiều người đánh giá Putin dựa trên xã hội dân chủ, văn minh của bản thân họ. Nhưng ông ta có những tiêu chí khác. Theo quan điểm của ông ta thì ông ta vẫn đang chiến thắng. Tất nhiên, ông không giành được quyền kiểm soát toàn bộ Ukraine, một nửa cũng không. Nhưng ông ta vẫn cho rằng có thể tách Ukraine ra khỏi Biển Đen, điều này vẫn khả thi.
Những gì ông ta đã đạt được là việc sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine. Thậm chí nếu bây giờ có tin đã có 90.000 người chết, ông ta vẫn có thể tỉnh bơ và nói đầy mỉa mai họ là vật hiến tế, nhờ nó nên đã giành được một khu vực có tới sáu, bảy triệu người. Từ năm 2000, ông ta đã đề cập đến việc giải quyết vấn đề nhân khẩu học của Nga.
Hỏi: Hãy quay sang vấn đề kinh tế: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hiện nay dự báo GDP của Nga trong năm 2022 sẽ bị âm 3,4%, thay vì âm 6% như trước đó. Và cho năm 2023 sẽ âm 2,3% thay vì 3,5%. Người ta đã sai ở đâu trong việc đánh giá tiêu cực từ trước đến nay? Có phải vì đã dựa vào các chỉ số sai?
Đáp: Anh hỏi câu này rất chuẩn. Bởi vì mọi người thích nói Putin đã sai, nhưng không ai muốn thừa nhận sai lầm của chính mình. Hầu hết mọi người đều đánh giá sai, sai lớn nhất là đánh giá quá cao sự hội nhập của Nga vào nền kinh tế thế giới. Sự hội nhập này chỉ một chiều, tập trung vào cung cấp dầu mỏ và khí đốt.
Vì giá dầu cao kể từ đầu cuộc chiến, Nga đã có thu nhập ít nhất cũng ngang như trước đây. Vì vậy, mọi thứ đang diễn ra khá bình thường ở Nga. Nhưng có một thảm họa đang rình rập mà Putin đã biết nhưng không muốn đề cập đến vì nó nguy hiểm cho ông ấy. Và điều này, ngay cả ở phương Tây, hầu như không ai nhìn thấy hoặc biết đến.
Hỏi: Đó là gì?
Đáp: Tình trạng dự trữ vàng và ngoại hối. Tại đây, một thảm họa đang diễn ra đối với Putin, nó đang diễn tiến rất phức tạp. Dự trữ đã chính thức giảm 16% trong bảy tháng rưỡi của cuộc chiến. Chỉ riêng điều đó thôi đã là tồi tệ. Nhưng đó mới chỉ là một nửa bức tranh.
Hỏi: Vậy hình hài của toàn bộ bức tranh như thế nào?
Đáp: Vào ngày 18 tháng 2, sáu ngày trước khi bắt đầu cuộc chiến, số dự trữ là 643,2 tỷ đô la. Kể từ đó, nó đã giảm 102,5 tỷ đô la, tức 16%.
Nhưng con số này không bao gồm khoảng 300 tỷ đô la bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây mà Nga không thể tiếp cận. Theo đó, vào đầu cuộc chiến, Nga chỉ có 343 tỷ đô la dự trữ có thanh khoản. Nếu người ta trừ đi 102,5 tỷ, chỉ còn lại 240 tỷ, tức giảm 30%!
Hỏi: 102,5 tỷ này là để đổ vào cuộc chiến?
Đáp: Con số 102,5 tỷ tương ứng với chi phí chiến tranh, theo báo cáo của Điện Kremlin. Nhưng người ta có thể rút ra điều gì ở đây? Nếu phương Tây không đóng băng 300 tỷ đô la vào đầu cuộc chiến, thì lượng dự trữ của Nga sẽ đủ cho 47 tháng chiến tranh. Vì vậy, Putin đã tính cuộc chiến kéo dài 4 năm. Tuy nhiên, do các biện pháp trừng phạt, chúng chỉ đủ cho hai năm, và bây giờ chỉ là 17 hoặc 18 tháng.
Một vấn đề khác là một phần dự trữ còn lại là quyền rút vốn đặc biệt tại IMF, vốn không thể được sử dụng dễ dàng. Và 130 tỷ đô la, hơn một nửa, được đầu tư vào vàng, việc sử dụng chúng cũng bị tác động bởi các lệnh trừng phạt – vì vậy việc bán vàng sẽ rất khó khăn và chỉ có thể bán được với giá rẻ. Nói tóm lại: trên thực tế, lượng dự trữ chỉ đủ cho già một năm thôi.
Hỏi: Giả sử không còn dự trữ nữa, thì sẽ như thế nào?
Đáp: Nếu ngân hàng trung ương không thể cung cấp đô la cho những người muốn đổi đồng rúp lấy đô la thì đó sẽ là một thảm họa tiền tệ, và một cuộc rút tiền ngân hàng ồ ạt có thể xảy ra. Khi các ngân hàng sụp đổ, nền kinh tế có thể sụp đổ ngay lập tức, bất kỳ cuộc chiến nào cũng sẽ bị chấm dứt. Doanh thu đô la từ việc bán dầu và khí đốt sẽ vẫn còn, nhưng chi phí chiến tranh sẽ tăng rất nhiều. Và Nga không thể xuất khẩu thêm dầu và khí đốt, đặc biệt là khi các biện pháp hạn chế xuất khẩu của phương Tây đang phát huy hiệu lực.
Hỏi: Putin có thể huy động tiền bằng cách tăng thuế, thúc ép các tập đoàn như Gazprom trả cổ tức đặc biệt, như ông ta đã làm, hoặc phát hành trái phiếu chính phủ.
Đáp: Trong cả ba trường hợp, ông ta sẽ nhận được thêm tiền rúp, vì ông ấy không thể đi vay của nước ngoài trong thời gian chiến tranh. Ông ấy chỉ có rúp để chi trả, nhưng các tác nhân kinh tế lại muốn có đô la và đòi đổi những đồng rúp này. Putin sẽ cần nhiều đô la hơn, không chỉ để mua hàng hóa trên thế giới hoặc trả tiền cho các nhà ngoại giao của ông ta ở nước ngoài, mà còn để giữ sự cân bằng giữa đồng rúp và đô la trong nước.
Nếu không, có nguy cơ xảy ra tình trạng đồng rúp mất giá, lạm phát và rút tiền ồ ạt được mô tả ở trên, theo đó nhu cầu đối với đô la Mỹ tăng sẽ làm đồng rúp mất giá hơn nữa. Và điều đó cuối cùng có thể dẫn đến một thảm họa chính trị. Putin đang lo sợ trước điều này, và đó là viễn cảnh kinh dị đang đến gần. Trong hoàn cảnh chiến tranh, dự trữ vàng và ngoại hối là một chỉ số quan trọng hơn nhiều so với tình hình sức khỏe kinh tế, điều mà mọi người đều đang xem xét.
Hỏi: Với tính cách của mình Putin sẽ phản ứng như thế nào đối với nguồn dự trữ ngày càng cạn kiệt như vậy? Ông ta liệu có những hành động khó lường hơn không?
Đáp: Người ta không cần phải trông chờ bất cứ điều gì, mọi thứ đã hiển hiện rồi. Ông ta đã thực hiện một loạt biện pháp cực kỳ táo tợn, trưng cầu dân ý, động viên một phần, khủng bố bằng các cuộc ném bom, lớn tiếng gây gổ chống phương Tây, đe dọa dùng vũ khí hạt nhân… Tất cả những điều đó thể hiện sự tuyệt vọng của Putin. Ông ta muốn kết thúc chiến tranh trên thế mạnh.
Hỏi: Nhưng thiếu tiền có lẽ không phải là lý do duy nhất cho điều này?
Đáp: Còn có hai lý do khác. Một là việc nhận ra rằng cuộc chiến tranh tiêu hao, mà ông ta tiến hành từ cuối tháng Ba đến cuối tháng Tám, không chỉ không khả thi về mặt tài chính về lâu dài, mà các tổn thất về vũ khí, khí tài cũng tăng vọt. Trong khi tỷ lệ tổn thất của Ukraine so với Nga trung bình là 1 – 4 kể từ tháng Hai, và có thời điểm gần như 1 – 1, nó đã tăng lên 1 – 8 kể từ cuối tháng Tám theo hướng bất lợi cho Nga. Và điều này bất chấp thực tế là dân số Nga đông gấp 4 lần dân số Ukraine.
Hỏi: Và nguyên nhân thứ hai để Nga phải ngừng cuộc chiến tiêu hao là gì?
Đáp: Thái độ của Trung Quốc. Hồi tháng hai, Putin đã có thể ký kết “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” với Trung Quốc. Ông ta đã xây dựng mọi thứ trên cơ sở này. Phải nói rằng nếu Trung Quốc thực sự giúp đỡ, thì số phận của Ukraine đã an bài. Nhưng Trung Quốc đã không làm điều đó, mặc dù hàng tháng Putin đều cử sứ giả của mình tới Bắc Kinh chầu chực. Đó là lý do tại sao Putin đã tính đến cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 15 tháng 9 tại Samarkand.
Nhưng ông Tập đã từ chối Putin cả viện trợ kinh tế lẫn quân sự. Và giờ đây, Trung Quốc cũng đang xa lánh về mặt ngoại giao với Nga. Trong thông cáo báo chí của mình, Điện Kremlin vẫn nói về mối quan hệ đối tác chiến lược, trong khi ông Tập nói rằng mối quan hệ đối tác chiến lược chỉ giới hạn trong các cuộc tiếp xúc qua điện thoại, và chủ yếu bao gồm các lĩnh vực thể thao, văn hóa, mối quan hệ giữa các tỉnh và từng công dân. Vì vậy, nếu Putin có đánh giá sai tình hình đâu đó, thì đó là về quan hệ với Trung Quốc. Đối với ông, sự xa rời của Trung Quốc là một đòn đánh hiểm dưới thắt lưng.
Hỏi: Hệ quả là gì?
Đáp: Putin muốn nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh này. Do đó ông ta đẩy mạnh leo thang trên tất cả các mặt trận để có con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán về một thỏa thuận ít nhiều có thể chấp nhận được, kiểu như Minsk 3 hoặc Istanbul 1, hoặc bất cứ thứ gì. Ông ta đang tăng cường hù dọa Ukraine, châu Âu và Mỹ, để buộc các nước này tham gia thương lượng và đi đến một thỏa thuận.
Và bạn đã thấy những phản ứng ở phương Tây, bắt đầu từ Giáo hoàng, đến Elon Musk hoặc Orban, những người đang thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình. Joe Biden cũng đang lừa Putin bằng cách nói về một ngày tận thế sắp xảy ra. Chỉ có Thủ tướng Anh Truss cho biết tên lửa hạt nhân sẽ được đáp trả bằng tên lửa hạt nhân. Đây là cách mà đáng ra cả tập thể phương Tây phải phản ứng. Putin muốn có một cuộc gặp với Biden, vì cuối cùng ông ấy là người quan trọng nhất ở phương Tây.