Seite auswählen
Friday, March 12, 2021

 

Mục lục

Kinh Tế Dễ Hiểu: ba mô hình kinh tế (Chương 1)

 

Đoàn Hưng Quốc

 

Ba nền kinh tế lớn nhất toàn cầu hiện là Mỹ-Trung-Âu. Theo cách hiểu thông thường thì Hoa Kỳ gắn liền với Tư Bản và thị trường tự do (free market), Âu Châu với nền Dân Chủ Xã Hội (Social Democracy) còn Trung Quốc với Chuyên Chế Tư Bản (Authoritarian Capitalism.) Ba mô hình này không chỉ đơn thuần về kinh tế mà còn liên quan đến tổ chức nhà nước và xã hội (dân chủ, độc đảng, bình đẳng v.v…), cũng như đang tranh đua ráo riết để trở thành hình mẫu chinh phục phần còn lại của thế giới chọn lựa noi theo, cho nên phần dưới đây sẽ tìm hiểu sự khác biệt giữa 3 mô hình nói trên.

***

Thị trường tự do gắn liền với tên tuổi của Adam Smith – người Tô Cách Lan (Scotland) vốn được xem như cha đẻ của bộ môn kinh tế học. Ông viết quyển sách luận bàn về Của Cải Của Các Quốc Gia (The Wealth Of Nations, 1776 tức là vào cùng năm với Hoa Kỳ tuyên bố độc lập) trong đó ông phân tích rằng một nước giàu mạnh không phải do tích trữ vàng bạc châu báu mà khi mỗi người dân có tự do để làm việc, tạo ra của cải và trao đổi hàng hóa. Mỗi người tuy sống vì tư lợi (self-interest) nhưng khi sinh hoạt tập quần trong thị trường tự do lại được một bàn tay vô hình (the invisible hand) điều phối để mang lại lợi ích và thịnh vượng chung đến cho toàn thể xã hội.

Một thí dụ của bàn tay vô hình là giữa hàng ngàn người trồng lúa và mua gạo lại dần dần đi đến một thỏa thuận chung về giá cả khiến mọi người đều hài lòng. Trái lại chính quyền không thể quy định phải trồng bao nhiêu cây lúa, mỗi gia đình được mua bao nhiêu ký gạo với giá tiền là bao nhiêu bởi vì bàn tay hữu hình (the visible hand, còn gọi là bàn tay lông lá) của nhà nước sẽ bóp méo (distort) sự vận hành của thị trường tự do. Cho nên vai trò của chính quyền chỉ giới hạn vào giám sát và an ninh (như ngăn ngừa gian lận và trộm cướp) mà không thể can thiệp vào thị trường tự do.

Xã hội Âu Châu đang công nghiệp hóa trong thời đại của Adam Smith. Ông quan sát một hảng xưởng làm kim (pin factory) để nhận xét rằng năng suất sẽ tăng khi công việc được phân phối ra cho nhiều người. Từ đó ông kết luận giữa các nước phải có tự do mậu dịch để sản xuất được phân công theo lợi thế của từng quốc gia nhằm mang đến lợi ích cho toàn thể nhân loại thay vì bị rào cản bởi thuế má, chính sách bế quan (isolationism) hay trục lợi (mercantilism.) Cho nên tên tuổi của Adam Smith ngày nay gắn liền với thị trường tự do (free market) và tự do mậu dịch (free trade.)

***

Trước khi bàn về Dân Chủ Xã Hội (Âu Châu) và Chuyên Chính Tư Bản (Trung Quốc) tưởng cũng nên nhắc đến chủ nghĩa Cộng Sản và Karl Marx bởi vì mô hình kinh tế này tuy đã lổi thời và biến mất nhưng thuyết cộng sản vẫn còn ảnh hưởng rất mạnh với các lý luận hùng hồn công kích chế độ Tư Bản.

Marx viết quyển Tư Bản Luận (Das Kapital) năm 1867 tức là gần 100 năm sau Adam Smith. Ở Âu Châu vào thời đại của Smith chỉ gồm các hảng xưởng vừa và nhỏ nhưng đến Marx đã thành hình những đại xí nghiệp thu dụng vô số công nhân từ nông thôn ra thành phố. Âu Châu ở vào giai đoạn đỉnh điểm của tiến trình công nghiệp hóa và đô thị hóa.

Marx quan sát chủ nghĩa tư bản không mang đến lợi ích đồng đều cho mọi người mà trái lại thợ thuyền sống cơ cực trong khi giới chủ ngày càng giàu sang hưởng lợi. Trái với Adam Smith, Marx nhận định không thể tách rời chính quyền ra khỏi kinh tế bởi vì nhà cầm quyền chính là công cụ đàn áp đa số bị trị nhằm bảo vệ thiểu số thống trị. Lenin sau đó tiến hành cách mạng bolshevik nhằm lật đổ Nga Hoàng; rồi đến Stalin loại bỏ thị trường tự do (free market) thay thế bằng kinh tế chỉ huy (control economy.) Nhà nước Cộng Sản nắm giữ toàn bộ các phương tiện và tương quan sản xuất với mục tiêu phân phối của cải đồng đều ra toàn xã hội. 

Nói tóm tắt thì Tư Bản tạo ra của cải (wealth creation) trong khi Cộng Sản phân phối của cải (wealth distribution.) Tư Bản sinh ra giàu nghèo và bất công xã hội nhưng Cộng Sản thất bại vì không có của cải để phân phối.

***

Mô hình Dân Chủ Xã Hội có thể được xem như con đường trung đạo nhằm bù đắp cho các thất bại của Tư Bản mà không dẫn đến Cộng Sản. Tên tuổi gắn liền với nền Dân Chủ Xã Hội là John M. Keynes, người vốn được xem là 1 trong 3 cột trụ trong kinh tế học ngang hàng với Adam Smith và Karl Marx.

Keynes sống ở Anh vào đầu thế kỷ 20 trong giai đoạn cực kỳ hổn loạn của Âu Châu. Ông chứng kiến cuộc cách mạng Nga năm 1917 và sự ra đời của nhà nước Xô Viết năm 1922 để kết luận rằng chủ nghĩa Cộng Sản mang lại nghèo đói và tước đoạt tự do. Keynes tham dự hoà đàm Versailles chấm dứt Thế Chiến Thứ Nhất nhưng ông phản đối các điều kiện nghiệt ngã do Anh-Pháp đặt ra nhằm trừng phạt nước Đức bại trận vì sẽ khiến dân Đức phẩn uất mà sau này dẫn đến trào lưu dân túy, Phát-Xít và Chiến Tranh Thế Giới Lần Thứ Hai. Keynes chứng kiến cuộc Đại Khủng Hoảng Kinh Tế Toàn Cầu năm 1929 để kết luận rằng nếu nhà nước không can thiệp để bù đắp cho các thất bại của thị trường (market failures) thì dân chúng sẽ nổi loạn để rồi dẫn đến các chủ nghĩa dân tộc, phát xít hay cộng sản, hoặc mang lại chiến tranh hay đánh mất tự do.

Keynes viết quyển Lý Thuyết Tổng Quát Về Việc Làm, Lãi Xuất và Tiền Tệ (The General Theory Of Employment, Interest And Money[1]) năm 1936. Ông nhận xét rằng kinh tế thị trường trải qua các chu kỳ thăng trầm. Khu vực tư nhân chủ động đầu tư khi tăng trưởng nhưng gặp lúc suy thoái thì đến phiên nhà nước phải chi tiêu đão chu kỳ (countercyclical spending) nhằm bù đắp cho các thiếu hụt, giúp tạo công ăn việc làm và thúc đẩy nền kinh tế tái khởi động. Ngày nay thường gọi đây là các gói kích cầu (stimulus). Thâm thủng ngân sách (deficit spending) trong khủng hoảng là bắt buộc do chi tiêu công tăng trong khi thuế má thu vào giảm cho đến khi kinh tế trở lại chu kỳ tăng trưởng thì thuế má lại tăng để lắp đầy khoảng thiếu.

Một thí dụ dễ hiểu là cổ xe kinh tế đang chạy ngày càng nhanh trên xa lộ (chu kỳ tăng trưởng) thành ra quá trớn (bong bóng) sụp ổ gà (chu kỳ khủng hoảng). Chi tiêu nhà nước là ống nhúng tự động (automatic stabilizer) giúp không gảy trục xe để rồi xe tiếp tục chạy. Chẳng hạn lúc nhiều người mất việc không tiêu xài khiến hảng xưởng lỗ lả lại sa thải thêm nhân viên. Tiến trình này tạo ra một vòng xoáy suy thoái vô cùng tác hại mà nhà nước có thể nhanh chóng giải quyết bằng trợ cấp thất nghiệp và đầu tư vào các công trình công cộng để tạo công ăn việc làm giúp phục hồi kinh tế.

Mô hình Dân Chủ Xã Hội khai triển từ Keynes với trách nhiệm của nhà nước không chỉ nhằm giải quyết khủng hoảng mà còn phải mưu cầu an sinh xã hội như bảo vệ người lao động, trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm y tế và hưu trí đến cho mọi người tức là những thứ mà thị trường tự do không cung cấp. Theo cách nhìn thông thuờng thì Mỹ theo mô hình thị trường tự do nên kinh tế tăng trưởng nhanh và năng động nhưng về an sinh xã hội lại không bằng so với nền dân chủ xã hội của Âu Châu.

Sang đến thế kỷ 21 mô hình Dân Chủ Xã Hội lại phát huy theo một khuynh hướng mới là nhà nước không những chỉ thụ động bù đắp cho các khiếm khuyết của thị trường tự do mà còn phải tích cực huy động nền kinh tế giải quyết các vấn đề lớn của thời đại (như bất bình đẳng xã hội, đại dịch toàn cầu hay biến đổi khí hậu) mà khu vực tư nhân không thể nào đảm trách nổi. Nói cách khác, vai trò của nhà nước ngày càng bành trướng, bắt đầu từ cấp cứu (khủng hoảng kinh tế) đến bao thầu (an sinh xã hội) và nay là chủ động. Chi tiêu nhà nước ngày càng tăng nên thuế má và nợ công cũng vì đó nhảy vọt.

Để tóm tắt, Adam Smith chủ trương bàn tay vô hình điều phối thị trường tự do; Karl Marx hô hào bàn tay sắt của nhà nước chỉ huy nền kinh tế; John M. Keynes đưa ra giải pháp bàn tay hữu hình của nhà nước bù đắp cho các thất bại của thị trường. Phe ủng hộ cho rằng Keynes cứu sống Tư Bản (save capitalism) còn bên chống đối tố cáo bàn tay lông lá của nhà nước rồi sẽ bóp nghẹt thị trường tự do. Nước Mỹ hiện đang chứng kiến trận chiến quyết liệt giữa hai khuynh hướng này.

***

Chuyên chế tư bản được dùng để mô tả Trung Quốc và Việt Nam là hai nước có kinh tế thị trường (cạnh tranh kinh tế) nhưng chuyên chế độc đảng (không có cạnh tranh chính trị.) Mô hình này có thể được xem như trở về áp dụng chính sách Kinh Tế Mới (New Economy Policy) dưới thời Lenin ở Nga vào năm 1921-28: nền kinh tế bao gồm tư bản và thị trường tự do nhưng dưới sự quản lý của nhà nước; còn chính các công ty quốc doanh cũng phải có lời. Mô hình này bị Stalin chấm dứt vào năm 1928 để thay thế bằng nền kinh tế chỉ huy (control economy.) 

Cách giải thích ngày nay là đảng Cộng Sản cầm quyền nhằm ổn định chính trị để phát triễn kinh tế. Cho nên “màu sắc Trung Quốc” hay “định hướng xã hội chủ nghĩa” đều mang cùng là ý nghĩa chuyên chế độc đảng. Mô hình này hiện do Bắc Kinh phô trương dựa vào thành tích tăng trưởng ngoạn mục trong gần nửa thế kỷ như một khuông mẫu cho các nước đang mở mang noi theo thay vì nền dân chủ hổn loạn giống như kiểu cách mạng hoa nhài ở Trung Đông rồi nay lan tràn sang cả Âu-Mỹ.

Theo nhiều dự đoán gần đây nhất GDP của Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ vào khoảng năm 2026-2030. Nếu quả thực vậy đây sẽ là một khúc quanh trọng đại trong lịch sử nhân loại không kém gì lúc Mỹ qua mặt Anh để trở thành siêu cường số một trong thế kỷ 20, và sẽ là một chiến thắng tuyên truyền rực rở cho Bắc Kinh hơn 100 năm sau ngày đảng Cộng Sản Trung Hoa thành hình năm 1921.

Nhiều người cho rằng mức thu nhập đầu người Hoa sẽ không bao giờ sánh bằng Âu-Mỹ cho dù GDP có vượt trội. Nhưng trên phương diện địa chính trị thì chính GDP mới thể hiện sức mạnh và trọng lượng kinh tế của một quốc gia trên thế giới. Thí dụ dễ hiểu là mức thu nhập đầu người dân Na-Uy cao hơn Mỹ nhưng Na-Uy không là một siêu cường vì tỷ trọng GDP quá nhỏ so với toàn cầu. Giữa các nước buôn bán bằng USD nên GDP (tính theo USD) càng lớn thì sức hút càng mạnh để những quốc gia còn lại rơi vào quỹ đạo kinh tế, rồi đến chính trị và văn hóa của mình.

Một nhận xét cuối cùng liên quan đến nền chuyên chế tư bản là Bắc Kinh không cần xây dựng một mô hình kinh tế toàn hảo mà chỉ cần đẩy GDP dù què quặt nhưng qua Mỹ cũng đủ  để thực hiện thế kỷ Trung Hoa (the China Century.) Hai nước đều mang nợ ngập đầu nhưng núi nợ nào sập trước thì bên đó thua.

Còn tiên đoán Trung Quốc  sẽ sụp đổ cũng giống như thầy bói đoán “anh sắp chết” rồi thì phải đúng bởi vì ai cũng sẽ chết, nhà nước nào rồi cũng lụn bại.

 

Từ đầu thế kỷ thứ 21 nhiều kinh tế gia đã nói đến một trận đại hồng thủy (titanic shift) với trọng tâm kinh tế toàn cầu di chuyển từ Tây Phương sang Đông Á với tầm ảnh hưởng đến địa cầu không khác gì giai đoạn Âu-Mỹ công nghiệp hoá để rồi dẫn đến Tư Bản, Thực Dân và Dân Chủ. Cho đến cuối thập niên đầu tiên người ta mới bắt đầu thấy các hậu quả khủng khiếp bao gồm từ sự trổi dậy của Trung Quốc, cuộc Đại Suy Thoái 2007-08, trào lưu dân túy ở Âu-Mỹ vốn dẫn đến Brexit, Trump rồi nay đão ngược sang Biden, và tương lai GDP của Trung Quốc qua mặt Mỹ không còn xa. Kinh Tế Dễ Hiểu sẽ tiếp tục trình bày các vấn đề này một cách…dễ hiểu!

TÓM TẮT:

  1. Tư Bản (Capitalism) : thị trường tự do (free market); bàn tay vô hình (invisible hand); Adam Smith; Mỹ
  2. Cộng Sản (Communism): kinh tế chỉ huy (control economy); bàn tay sắt của nhà nước vô sản (dictatorship of the proletariat); Karl Marx
  3. Dân Chủ Xã Hội (Social Democracy): bàn tay hữu hình (the visible hand, hay bàn tay lông lá) của nhà nước can thiệp bù đắp cho các thất bại của thị trường; John M. Keynes; Âu Châu
  4. Chuyên Chế Tư Bản (Authoritarian Capitalism): kinh tế thị trường nhưng chuyên chế độc đảng; cạnh tranh kinh tế nhưng không có cạnh tranh chính trị; Trung Quốc và Việt Nam

 ———

[1] Tựa đề Lý Thuyết Tổng Quát…của Keynes 1936 dựa theo tên gọi Lý Thuyết Tổng Quát về thuyết Tương Đối (General Theory of Relativity) của Albert Einstein 1915 cho thấỳ kỳ vọng của Keynes là thay đổi kinh tế học từ nền tảng của Smith và Marx cũng giống như Einstein thay đổi vật lý học từ nền tảng của Newton. Quyển Lý Thuyết Tổng Quát…của Keynes cực kỳ khó hiểu nên Nobel Kinh Tế Paul Krugman có lần nhận xét giống như miếng thịt bíp-tết thật ngon nhưng nấu chưa chính nên nhai mãi nuốt không trôi (dịch thoát ý.)

Tuesday, March 23, 2021

 

Kinh Tế Dễ Hiểu: thị trường (chương 2)

 

Nhắc lại chương 1:

Adam Smith chủ trương thị trường có tự do thì dân chúng mới hăng hái làm việc, tạo ra của cải và trao đổi hàng hóa để rồi tất cả mọi người được hưởng lợi ích từ giá trị lao động của chính mình.

Karl Marx phê bình trong chủ nghĩa tư bản giới chủ bóc lột giá trị lao động của thợ thuyền. Lenin duy trì khu vực tư nhân và thị trường nhưng kinh tế do nhà nước lãnh đạo (New Economic Policy 1921-1928.) Đến thời Stalin hoàn toàn loại bỏ thị trường tự do để thay thế bằng nền kinh tế chỉ huy.

John M. Keynes phân tích thị trường lên xuống theo chu kỳ thăng trầm nên nhà nước phải bù đắp vào những khiếm khuyết của thị trường nhằm ổn định xã hội.

Như vậy ba kinh tế gia lổi lạc mỗi người đều có một cái nhìn khác nhau về mối tương quan giữa nhà nước và thị trường. Mục tiêu phần này nhằm trình bày các trường phái tiếp nối Smith, Marx và Keynes mà không đi đến kết luận bởi vì cuộc tranh cải này sẽ còn kéo dài thêm vài trăm năm nữa (nhằm tạo công ăn việc làm cho các kinh tế gia!)

Adam Smith và Karl Marx cùng được gọi chung là kinh tế cổ điển (classical economy) tức là lao động (labour) tạo ra giá trị (value.) Khác ở chổ Smith quan niệm thị trường tự do giúp mọi người hưởng thụ giá trị lao động còn Karl Marx lên án giá trị lao động của công nhân bị tư bản bóc lột.

Vào đầu thế kỷ thứ 20 xuất hiện một cách nhìn cách nhìn đảo lộn về giá trị (value) là tùy nơi tiện ích (utility) thay vì từ lao động (labour). Thí dụ một người đang khát uống ly nước đầu thì thật ngon, ly thứ nhì vừa vừa còn ly thứ ba đầy bụng nuốt không vô, tức là giá trị của mỗi ly nước giảm khi nhu cầu tiện ích hạ thấp. Quan điểm này gọi là Giá Trị Biên Tế hay Marginal Value.

Nhà tư bản để dành tiền dùng làm vốn đầu tư (capital), tức là họ nhịn không hưởng thụ tiện ích ngay bây giờ thay vào đó chuẩn bị cho tiện ích trong tương lai mặc dù gặp nhiều rủi ro thua lổ mất vốn. Cho nên khi nhà tư bản sau này gặt hái lợi lộc từ tiền đầu tư thì không thể bị xem là bóc lột giá trị lao động của thợ thuyền mà ngồi không hưởng lợi. Thương gia tạo ra giá trị bằng cách môi giới và quảng cáo hàng hóa nhằm mang tiện ích đến cho người tiêu dụng (cho dù không trực tiếp lao động tạo ra sản phẩm) nên cũng không thể bị gọi là bóc lột giá trị lao động của công nhân.

Cho nên theo cánh Giá Trị Biên Tế (Marginalists) thì trong thị trường tự do không ai bị ép buộc phải mua hay bán nên tuy có giàu nghèo do nơi mỗi người tạo ra giá trị cao hay thấp nên không có bóc lột.

Quan điểm về thị trường tự do (Adam Smith) phối hợp với trường phái Giá Trị Biên Tế (Marginalists) được gọi chung là cánh tân cổ điển (neo-classical), nôm na là Tư Bản Mỹ. Thị trường tuy chênh lệch giàu nghèo nhưng không bất công vì giá trị tiện ích cao thấp khác nhau. Nhà nước đừng viện dẫn lý do công bằng xã hội mà thò bàn tay lông lá bẻ cong (distort) thị trường hoặc tìm cách đánh thuế (tịch thu) của nhà giàu cho nhà nghèo (bỏ tiền vào túi nhà nước.)

Nhưng như John M. Keynes nhận xét thị trường trải qua các chu kỳ thăng trầm gây ra rất nhiều xáo trộn nên cần đến bàn tay hữu hình của nhà nước can thiệp nhằm ổn định xã hội. Để trả lời cho vấn nạn này kinh tế gia Milton Friedman (Nobel 1976) chứng minh cuộc Đại Khủng Hoảng Kinh Tế 1929 do chính nơi nhà nước kém cõi tăng lãi xuất quá sớm khiến một cuộc khủng hoảng thuộc loại xoàn xoàn (garden variety crisis) trở thành một cuộc Đại Khủng Hoảng[1].  Nói cách khác nhà nước phá hỏng thị trường trước rồi sau này tự khen là cứu vớt thị trường!

Dùng thí dụ cho dễ hiểu, thị trường như cơ thể cần đến trái tim (ngân hàng) bơm máu huyết (tiền.) Thiếu máu thì suy thoái (tiền lưu hành ít khó vay mượn đầu tư); dư máu sinh lạm phát (tiền lưu hành nhiều thành ra mất giá); còn nghẹt tim (ngân hàng kẹt vốn) mà không cấp cứu thì chết! Cho nên cần một Ngân Hàng Trung Ương (NHTƯ) độc lập để giám sát hệ thống ngân hàng, để bơm hay hút tiền và kiểm soát lãi suất nhằm giúp cơ thể mạnh khỏe thay vì trông cậy vào nhà nước siết chặt không cho uống rượu, hút thuốc, v.v…bởi vì nhà nước sẽ lạm dung.

Xin lưu ý là NHTƯ Mỹ (Central Bank hay Federal Reserves – Quỹ Dự Trữ Liên Bang, gọi tắt là the Feds) tuy do Tổng Thống và Quốc Hội bổ nhiệm nhưng độc lập (ít nhất là trên nguyên tắc) với chính quyền (gồm Hành Pháp và Lập Pháp.) NHTƯ quyết định chính sách tiền tệ (monetary policy) trong khi chính quyền quyết định ngân sách (fiscal policy) và thuế khóa (tax policy.) Ngân sách và thuế khóa lại là hai quyết định chính trị (political decisions) ưu đãi phe này thiệt thòi phía kia nên chậm chạp, gặp nhiều chỉ trích và sai phạm. Ngược lại NHTƯ do một nhóm chuyên gia độc lập quyết định mà không bị áp lực của lá phiếu bầu nên đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế một cách nhanh chóng và hữu hiệu. Cho nên bàn tay hữu hình (the visibible hand, hay bàn tay lông lá) nhằm chỉ vào chính quyền thay vì NHTƯ.

(Ngược lại NHTƯ của các nước chuyên chế tư bản gồm Trung Quốc và Việt Nam không độc lập vì là cánh tay của nhà nước sai bảo cho công ty quốc doanh hay tư nhân nào vay mượn thì phải vâng lời.)

Hai trường phái Giá Trị Biên Tế (Marginalists) và Tiền Tệ (Monetarists) đặt nền tảng lý thuyết cho kinh tế thị trường và NHTƯ ở Mỹ trong suốt 40 năm từ 1981-2021. Thống Đốc NHTƯ Paul Vocker nổi tiếng nhờ cắt lượng tiền lưu hành chận đứng lạm phát phi mã năm 1979. Tổng Thống Ronald Reagan tuyên bố “Nhà nước tạo ra vấn đề thay vì giải quyết vấn đề” (Government is not the solution to our problem, government is the problem) năm 1981, tức là nhà nước không can thiệp vào thị trường tự do, đồng thời chủ trương giảm thuế để tư nhân có thêm tiền đầu tư hay tiêu xài (nghịch lý là giảm thuế nhưng vẫn tăng chi, lý do một khi nhà nước đã mập thì ngay cả Reagan cũng không dám mổ bụng hút mỡ!)

Cho nên từ 1981-2021 nước Mỹ tuy áp dụng kinh tế thị trường tự do (free market economy) nhưng vai trò của NHTƯ rất lớn. Nếu trên sân khấu thị trường tự do là cô đào thì NHTƯ là kép 1 còn chính quyền (Hành Pháp và Quốc Hội) là kép 2. Tuy nhiên vì chính sách tiền tệ và lãi xuất của NHTƯ có ảnh hưởng đến giá nhà đất, cổ phiếu và khoảng cách giàu nghèo trong xã hội (sẽ được tìm hiểu trong những chương sau) nên  NHTƯ bị chỉ trích là có bàn tay nhám nhúa táy máy sờ mó, trong khi bàn tay lông lá của nhà nước lúc nào cũng muốn bóp…mạnh hay nhẹ tùy theo đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ.

Donald Trump là vị Tổng Thống thất thường nên công khai hù dọa NHTƯ trên Twitter khi Thống Đốc Jerome Powell tăng lãi suất quá nhanh. Báo chí phản đối Trump đe dọa tính độc lập của NHTƯ (nhưng kết quả cho thấy Trump đúng Powell sai.) Dù vậy Trump vẫn thuộc cánh thị trường tự do vì bớt giám sát (de-regulation) và giảm thuế cho dù ngân sách tiếp tục tăng.

Cho đến năm 2021 khi Biden làm Tổng Thống và đảng Dân Chủ nắm Quốc Hội thì NHTƯ mới sẽ nhường chổ cho nhà nước làm kép chánh trên sân khấu, tức là Milton Friedman cùng hai trường phái Giá Trị Biên Tế và Tiền Tệ bị thay thế bởi lý thuyết John M. Keynes cùng với thuyết Tân Tiền Tệ (Modern Monetary Theory – Stephanie Kelton) Hơn thế, nhà nước không chỉ can thiệp (government intervention) mà nay phải chủ động (government activism – Mariana Mazzucato) vào nền kinh tế. Thập niên 2020 là thời đại của các kinh tế gia phụ nữ!

Xin mời đọc các chương kế tiếp.

 

TÓM TẮT

  1. Phái Cổ-Điển (Classical Economic) Adam Smith và Karl Marx: lao động (labour) tạo ra giá trị (value). Marx lên án tư bản bóc lột giá trị lao động.
  2. Phái Tân Cổ-Điển (Neo-classical Economic): giá trị (value) là do tiện ích (utility). Thí dụ lương bổng cao hay thấp do thị trường trả giá theo nhu cầu tiện ích nhiều hay ít nên không có bóc lột
  3. Phái Tiền Tệ (Monetarists): tiền trong kinh tế như máu huyết trong cơ thể. Thiếu máu thì yếu (suy thoái) còn dư máu thì căng đứt mạch máu (lạm phát.)

4 NHTƯ Mỹ (Ngân Hàng Trung Ương) độc lập với chính quyền, và kiểm soát lượng tiền (máu trong cơ thể) mà không bẻ cong (distort) thị trường như bàn tay lông lá của nhà nuớc.

  1. Cộng lại có 4 bàn tay:
  • bàn tay vô hình (the insible hand, Adam Smith) điều hợp thị trường tự do
  • bàn tay sắt trong kinh tế chỉ huy
  • bàn tay hữu hình (the visible hand hay bàn tay lông lá, John M. Keynes) của nhà nước cứu vớt hay bóp mép thị trường
  • bàn tay nhám nhúa của NHTƯ sờ soạn thị trường.

 

[1] CHÚ Ý

Hai chử rent (tiền thuê) và rent seekers (ngồi không hưởng lợi) có ý nghĩa rất quan trọng trong sách vở kinh tế Anh-Mỹ nên cần giải thích cặn kẻ dưới đây:

Rent seekers dịch theo cộng sản là thành phần hút máu mủ giai cấp công/nông dân (tư bản, địa chủ) nhờ vào vốn (capital) hay tiền thuê đất (rent) ngồi không hưỡng lợi mà không phải lao động.

Rent hiểu theo nghĩa rộng hiện giờ gồm tất cả mọi thứ cản trở thị trường tự do: bảo hộ (protectionism), độc quyền (monopoly), bản quyền (patent), tập đoàn, phe phái, v.v….

 

[1] Năm 1930-32 đồng USD còn neo theo vàng (kim bản vị.) Do khủng hoảng 1929 nên dân chúng rút tiền khiến NHTƯ sợ hết vàng trong kho phải tăng lãi xuất. Chính điều này khiến doanh nghiệp không thể dễ dàng vay mượn phục hồi khiến khủng hoảng kéo dài trầm trọng thêm.

 

Sunday, April 4, 2021

 

Kinh Tế Dễ Hiểu: bàn tay hữu hình của nhà nước dưới thời Biden (chương 3)

 

Nhắc lại chương 1&2:

  1. Adam Smith: bàn tay vô hình điều hợp thị trường nơi đó tư nhân tự do tạo ra của cải và trao đổi hàng hóa; nhà nước chỉ giữ vai trò giới hạn nhằm bảo đảm an ninh và trật tự.
  2. John M. Keynes: bàn tay hữu hình của nhà nước phải tích cực can thiệp và bù đắp các sai sót của thị trường (market failures).

Dù Smith hay Keynes thì nhà nước vẫn giữ vai trò hổ trợ dù nhiều hay ít nhưng chỉ có tư nhân mới tạo ra của cải và sự thịnh vượng. Do Keynes chú trọng đến sự can thiệp tích cực của nhà nước nên phe tán đồng cho rằng ông cứu vớt Tư Bản vì ngăn ngừa không cho những xáo trộn của thị trường dẫn đến khủng hoảng kinh tế rồi sau đó là bạo loạn, cách mạng để cuối cùng đi đến Cộng Sản hay Phát Xít. Phe chống đối cảnh giác mô hình Dân Chủ Xã Hội kiểu Keynes rồi sẽ trở thành xã hội chủ nghĩa, bởi vì bàn tay thô bạo của nhà nước mỗi ngày sẽ tăng thuế má và quyền lực để rồi bóp chết thị trường tự do, cho nên họ lên án chính sách kinh tế của Biden đang đi trên con đường thứ 2 này. Ngược lại những người ủng hộ giải thích Biden mở rộng vai trò của nhà nước chính vì những bất cập của thị trường.

Trong Tư Bản Mỹ thì tư nhân tạo ra giá trị (value) nhờ mang lại tiện ích (utility) khi sản xuất hàng tiêu dùng. Giá cả (price) lại là thước đo giá trị: hàng đắt vì giá trị cao nên nhiều người muốn mua; một người được trả lương lớn vì thỏa mãn nhu cầu tiện ích của xã hội. Quan điểm này tuy hợp lý về kinh tế nhưng lại sinh chuyện lấn cấn về đạo đức bởi vì giá trị của một người thành ra họ làm tiền nhiều hay ít (người Mỹ gọi là make money dịch sát tiếng Việt là làm tiền nên đúng cả nghĩa đen lẫn bóng.)

Nói rộng ra thì giá trị (hay tính chính đáng – legitimacy) của nhiều nhà nước như Trung Quốc và Việt Nam ngày nay đặt nơi GDP tăng trưởng nhanh hay chậm, tức là nhà nước có thành công đẩy quốc gia làm ra tiền nhiều hay ít thay vì chú trọng đến hạnh phúc, bình đẳng và an sinh xã hội (môi trường, giáo dục, y tế, v.v…)

Bên cạnh đó giá cả không phải lúc nào cũng phản ảnh giá trị thực tế bởi vì thị trường có thể bơm lên bong bóng. Những ngành nghề chuyên môn “làm tiền” như thị trường tài chánh ở Mỹ ngày nay chiếm đến gần 8% GDP mà không hề sản xuất ra một vật dụng tiêu dùng nào. Các công ty tài chánh phân bua họ mang đến tiện ích nhờ cung cấp vốn cho doanh nghiệp và cơ hội đầu tư cho dân chúng (điều này đúng) nên khi giá địa ốc và chứng khoáng bay bổng thì họ thu vào lợi nhuận khổng lồ. Nhưng ngược lại lúc các ngân hàng đầu tư cẩu thả như trong lần Đại Suy Thoái năm 2007 lại không gánh chịu trách nhiệm đã hũy hoại giá cả trên thị trường (value destruction) khiến hàng chục triệu dân chúng mất nhà mất việc và suýt làm sụp đổ nền kinh tế. Cho nên “làm tiền” không hẳn đã tạo ra giá trị.

Tài sản của 26 người giàu nhất thế giới hiện ngang bằng 50% phần còn lại của nhân loại [1]. Riêng ở Mỹ vào năm 2017 của cải của 3 nhà giàu nhất nước nhiều hơn 50% dân chúng còn lại [2]. Những tỷ phú như Jeff Bezos hay Mark Zuckerberg quả tình mang đến tiện ích cho hàng tỷ con người qua các dịch vụ trên Amazon và Facebook, nhưng khó lòng giải thích tài sản hàng trăm tỷ của họ 100% là đến từ giá trị tiện ích mà không phải nhờ các công ty này bẻ cong luật pháp và bóp méo thị trường nhằm tránh thuế và giết chết cạnh tranh.

Ở Mỹ hay nhiều nước khác ngày nay tuy không bóc lột lao động (mất việc hay không chịu đi làm thì lãnh trợ cấp nhà nước) nhưng vô cùng chênh lệch: nhiều gia đình làm việc quần quật nhưng vẫn sống chật vật với đồng lương thấp trong khi một số khác hưởng lợi to nhờ giá nhà và chứng khoán tăng vọt. Một khi quần chúng phẩn nộ cho là bất công thì mô hình kinh tế phải thay đổi, bởi vì mô hình kinh tế phải phục vụ con người chớ xã hội không thể bị bẻ cong vì lý thuyết kinh tế (trừ độc tài cộng sản!)

Cho dù thị trường tự do có những khuyết điểm như trên nhưng nhiều người e sợ bàn tay thô bạo của nhà nước một khi can thiệp để lấp bớt hố sâu giàu nghèo sẽ khiến mọi người cùng nghèo như nhau (equality = equally poor.) Tuy nhiên bài học của Nam Hàn, Đài Loan, Trung Quốc cho thấy có những trường hợp bàn tay hữu hình của nhà nước đưa quốc gia trở nên cường thịnh trong thời gian kỷ lục. Một thực tế khác nữa là các công ty Âu-Mỹ-Nhật đều không thể cạnh tranh với nhà nước Cộng Sản trong thị trường ở Trung Quốc, tức khu vực tư nhân cần đến sự hổ trợ tích cực của chính quyền trong thương mại quốc tế.

Cuối cùng, có những vấn nạn của thời đại như đại dịch Vũ Hán và biến đổi khí hậu đòi hỏi quy mô ở tầm vóc quốc gia hay quốc tế mà khu vực tư nhân không thể nào đảm trách nổi, cho nên cần đến bàn tay của nhà nước huy động nhân vật lực của cả một nước hay phối hợp toàn cầu để đối phó.

***

Những khuyết điểm nói trên của thị trường tự do ngấm ngầm làm sôi sục lên hai làn sóng phản đối, một bên cánh hữu dân túy (Brexit, Trump) và bên kia cánh tả xã hội (Bernie Sanders, Elizabeth Warren). Chính sách kinh tế của Biden thể hiện sự đắc thắng của cánh tả, ít nhất là cho đến kỳ tái đấu bầu Quốc Hội năm 2022.

Trong suốt 40 năm từ thời Reagan (1981) cho đến Trump (2020) các tổng thống Mỹ đều tránh né để không bị gọi là Big Government, tức là bóng đen của một nhà nước to lớn che phủ lên toàn bộ nền kinh tế. Ngay khi nhà nước can thiệp mạnh bạo trong lần Đại Suy Trầm (Obama, 2007-09) hay Đại Dịch Vũ Hán (Trump, 2020) thì các chính quyền cũng chỉ giải thích do nhu cầu hổ trợ nền kinh tế. Tranh cãi giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ là nơi nhà nước “lấn” nhiều hay ít vào thị trường tự do.

Đến Biden thì nhà nước không chỉ can thiệp thụ động (government intervention) mà phải tích cực chủ động (government activism) nền kinh tế vì 3 lý do:

  1. Chính sách kinh tế của nhà nước phải chủ động mang lại công bằng xã hội (equality) và bình đẳng màu da, giới tính, v.v…(racial, gender equity) tức là những điều mà thị trường tự do không giải quyết[3]
  1. Chính sách kinh tế của nhà nước phải chủ động đối phó với Đại Dịch Vũ Hán và biến đổi khí hậu vốn là những vấn đề lớn của thời đại mà khu vực tư nhân không đủ sức cán đáng.
  1. Chính sách kinh tế của nhà nước phải chủ động tạo ra tiện ích và giá trị kinh tế. 

Điểm thứ 3 là một thay đổi cực kỳ sâu rộng trong lý luận vì đi xa hơn cả John M. Keynes, tức không chỉ tư nhân mà nhà nước cũng tạo ra giá trị kinh tế. Hai thí dụ thường được nêu lên là nhà nước đã đầu tư khai sinh công nghệ bán dẫn (semiconductor) và Internet mà sau này các công ty tư nhân như Intel, Apple, Google,…khai thác làm thay đổi bộ mặt nhân loại. Cho nên theo kinh tế gia Mariana Mazzucato và các chính trị gia cánh tả như Bernie Sanders, Elizabeth Warren và Biden thì nhà nước không thể chỉ “rụt rè” hổ trợ mà phải “táo bạo” (cánh tả dùng chữ tiếng Anh là “bold”) đầu tư và điều khiển khu vực tư nhân vào những công trình làm biến đổi thế giới như năng lượng xanh (green energy), trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence) và vi sinh học (biotechnology.)[4]

Kinh tế của các nước công nghiệp gồm Âu-Mỹ-Nhật đang ở trong tình trạng đình trệ lâu dài (secular stagnation – Larry Summers) từ đầu năm 2000 cho đến nay, tức là tư nhân không đầu tư vào sản xuất để tạo công ăn việc làm trong nước mà di dời hảng xưởng sang Đông Á nhằm khai thác nguồn nhân công rẻ và các quy định kiểm soát lỏng lẽo. Thu nhập của giới công nhân và thành phần trung lưu vừa và thấp không hề tăng trong suốt 30 năm kể từ ngày toàn cầu hóa. Như vậy thị trường tự do và tự do mậu dịch đã không đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội cho nên nhà nước phải chủ động đầu tư ào ạt vào giáo dục, hạ tầng và các công nghệ tiên tiến nhằm tạo công ăn việc làm và thúc đẩy nền kinh tế cạnh tranh với đà vươn lên của Trung Quốc. Nói cách khác, chính sách công nghiệp quốc gia (national industrial policy) và tư bản dân tộc là những quan điểm cấm kỵ trong suốt 40 năm từ thời Ronald Regan (1981) nay bắt đầu xuất hiện trở lại. 

Nhà nước chủ động can thiệp nên phải…xài lớn (và xài bậy!) Chưa đầy 3 tháng từ khi nhậm chức mà Biden đã xài 1900 tỷ USD kích cầu (stimulus spending) rồi nay đề nghị thêm 2000 tỷ USD đầu tư hạ tầng (infrastructure spending). Đây là chưa kể đến những chương trình vô cùng tốn kém tiếp theo như hủy bỏ một phần nợ cho sinh viên (student loan cancellation), giữ trẻ miễn phí, y tế cho mọi người (medicare for all), giáo dục cho mọi người (education for all) và lương căn bản cho mọi người (UBI, hay Universal Basic Income.) For all dịch sang tiếng Việt là của toàn dân, tức là dân chúng đừng có no để nhà nước no. Câu hỏi ở đây là tiền đâu mà xài dữ vậy trong khi mà nước Mỹ đang mắc nợ như chúa chởm?

Câu trả lời thứ nhất là thế giới đang ngập lụt tiền tiết kiệm (savings glut – Ben Bernanke) do 4 nguyên nhân:

(1)   hố sâu giàu nghèo – tiền của tích tụ vào nhà giàu xài không hết nên còn dư để dành; 

(2) chênh lệch mậu dịch – các nước như Trung Quốc hay Việt Nam tích tụ những khoảng dự trữ ngoại tệ khổng lồ nhằm thao túng tiền tệ và đề phòng nạn tư bản tháo vốn; 

(3) trong những năm giá dầu nhảy vọt thì khối các nước sản xuất dầu như Nga, Saudi và Na Uy thu về các khoảng lợi nhuận khổng lồ (nhưng khối tiền này đang vơi dần trong những năm gần đây); 

(4) dân chúng Âu-Mỹ-Nhật để dành tiền trong các quỹ hồi hưu. 

Vì tiền tiết kiệm ngập lụt nên nước Mỹ có thể tha hồ vay mượn với lãi xuất (negative interest rate, sau khi trừ lạm phát) dại gì không mượn để đầu tư hay tiêu xài…cho sướng!

Một hệ lụy là Mỹ nợ 100% hay 150% GDP không còn quan trọng miễn là giữ tiền trả nợ hàng năm dưới 2% GDP. Vì nếu tăng trưởng hay lạm phát cũng khoảng 2% thì nợ sẽ dần dần bốc hơi biến mất (Larry Summers và Jason Furman, tức hai tay đại phù thủy kinh tế gia “hô biến” thì nợ biến mất!)

Điểm cuối cùng nhưng quan trọng là thuyết Tân Tiền Tệ (Modern Monetary Theory hay MMT – Stephanie Kelton) lý luận rằng Mỹ mượn nợ bằng USD nên không bao giờ quịt nợ vì có thể in USD trả nợ! Mỹ chỉ không mượn được nợ ngày nào thế giới “chê” đô-la vì USD mất giá (như trước đây dân Việt “chê” tiền Bác Hồ mất giá quá nhanh nên chuộng vàng và USD.) Mỹ mượn nợ ào ạt từ 6% GDP năm 2000 nay tăng vọt lên 109% GDP năm 2020 vậy mà lãi xuất thực rơi từ 4.1% xuống chỉ còn -0.1%[5] tức là ngày càng thêm nhiều người muốn cho Mỹ mượn tiền. Vì thế giá USD không giảm so với Euro, Yen, Nhân Dân Tệ (NDT) hay ngay cả Đồng Việt Nam (VND). Thí dụ cho dễ hiểu, Việt Nam hiện có khoảng 80 tỷ USD trong quỹ cộng với thu vào hàng năm trên 60 tỷ USD từ chênh lệch mậu dịch, vậy mà Việt Nam tuy dư thừa USD nhưng vẫn không “chê” USD, trái lại chỉ sợ Mỹ không chịu in tiền hay mượn tiền để mua hàng Việt Nam. Việt Nam không lo USD cao giá chỉ sợ USD mất giá!

Nước Pháp có lần tức giận gọi Mỹ được hưởng tiện nghi quá đáng (exorbitant privilege) nhờ vai trò đồng đô-la. Ngược lại nhiều chuyên viên kinh tế cho rằng Mỹ mang gánh nặng quá đáng (exorbitant burden) cũng vì USD – nhưng đây là câu chuyện sẽ bàn về sau. Còn nay trở lại với thuyết MMT thì Mỹ cứ tiếp tục in tiền hay vay tiền cho đến khi lạm phát tức là USD bắt đầu mất giá!

TÓM TẮT THỜI BIDEN

  1. Nhà nước phải táo bạo (bold) chủ động thúc đẩy nền kinh tế thoát khỏi tình trạng đình trệ lâu dài (secular stagnation) để mang lại công bằng xã hội (equality), để đầu tư vào công nghiệp xanh, trí tuệ nhân tạo hay vi sinh học nhằm đưa nền kinh tế Mỹ tiếp tục dẫn đầu so với đà trổi dậy của Trung Quốc.
  2. Nhà nước phải xài tiền cho bạo chừng nào mà Mỹ còn có thể mượn tiền gần không giới hạn do tình trạng ngập lụt tiết kiệm (savings glut), và bởi Mỹ in USD trả nợ nên không bao giờ quịt nợ (MMT).

 

[1] Word’s 26 richest people own as much as poorest 50%. The Guardian 01/20/2019

[2] The 3 richest Americans hold more wealth than botto 50% of the countrỵ Forbes 11/09/2017

[3] Chính sách kinh tế nặng về xã hội của Biden được cánh tả xem là bước thứ 3 tiếp nối The New Deal của Franklin D. Roosevelt (thập niên 1930) và The Great Society của Lyndon B. Johnson (thập niên 1960.) Khuynh hướng này suy yếu từ thời Ronald Reagan (1981) cho đến nay mới bộc phát trở lại. Các chương sau sẽ trình bày rõ ràng hơn về tiến trình kinh tế nước Mỹ.

 [4] Cái khó là chưa có cách để đo lường các “giá trị” của nhà nước tạo ra. Tư nhân đầu tư thua lỗ sẽ bị phá sản. Trái lại nhà nước thua lổ bị phá sản thì dân chúng…chết trước chớ đợi gì tới bầu cử thay đổi lãnh đạo.

[5] A Reconsideration of Fiscal Policy in the Era of Low Interest Rate. Jason Furman and Larry Summers

 

Monday, April 12, 2021

Kinh Tế Dễ Hiểu: Nhà nước và Ngân Hàng Trung Ương (NHTƯ – Chương 4)

 

Chương 2 phân biệt giữa bàn tay hữu hình của nhà nước và bàn tay Midas của NHTƯ. Tưởng cũng nên tìm hiểu thêm sự khác biệt giữa hai cơ quan chính quyền này ở Mỹ.

Nếu so sánh với nuôi con thì có 2 việc là cho ăn và dạy dỗ. Ăn uống phải đầy đủ và điều độ (không mặn, ngọt, béo v.v…) để cơ thể khỏe mạnh. Giáo dục không gò bó thì trẻ hoặc hư hay cương cường tự lập, trái lại rầy la đánh đập hay nuông chiều thì trẻ sinh ra nhút nhát, kém tự tin hoặc ỷ lại.

NHTƯ ví với bàn tay Midas nuôi dưỡng thức ăn (tiền) cho nền kinh tế, trong khi bàn tay hữu hình (hay thô bạo) của nhà nước (gồm Hành Pháp và Quốc Hội ở Mỹ) có quyền hạn thả lỏng hay siết chặc thị trường. 

Phái thị trường tự do (từ Reagan 1981 đến Trump 2020) quan niệm rằng:

  • Bàn tay Midas của NHTƯ điều chỉnh lượng tiền và lãi xuất trong nền kinh tế như nuôi cơ thể ăn uống điều độ;
  • Bàn tay thô bạo của nhà nước phải để thị trường phát triển tự do (trẻ tự lập) mà đừng can thiệp bẻ cong thị trường[1];
  • Trong khủng hoảng thì vai trò chính là của NHTƯ điều chỉnh lượng tiền cho đúng mức thì kinh tế sẽ phục hồi, cũng giống như cơ thể ăn uống điều độ sẽ mạnh khoẻ trở lại;
  • Khủng hoảng kinh tế dẫn đến xáo trộn xã hội. Do nhà nước chịu áp lực bởi tâm lý bất mãn nhất thời trong quần chúng nên các quyết định chính trị nhất thời của nhà nước nhằm thoả mản một thành phần cử tri sẽ tác hại lâu dài đến sinh hoạt của thị trường tự do.
  • Cho nên NHTƯ phải độc lập khỏi nhà nước để có những quyết định chuyên môn với mục đích duy nhất là hổ trợ cho nền kinh tế mà không bị tác động bởi chính trị.

Phái nhà nước chủ động (Biden) cho rằng thị trường đã được thả lỏng trong 40 năm đâm ra hư hỏng, nên nay phối hợp:

  • bàn tay hữu hình của nhà nước uốn nắn (hay bẻ cong – distort) thị trường để trừng trị thói hư tật xấu;
  • bàn tay Midas của NHTƯ tiếp tục điều chỉnh lượng tiền và lãi xuất như cũ;
  • thị trường tự do trong 40 năm chẳng những không giải quyết mà còn làm trầm trọng thêm bất bình đẳng và hố sâu giàu nghèo trong xã hội;
  • Hoa Kỳ mất dần ưu thế so với Trung Quốc do các công ty tư nhân tham lợi, cho nên phải đặt lại vai trò của nhà nước Mỹ đối đầu với nhà nước Trung Quốc về mậu dịch (trade) hay chính sách công nghiệp quốc gia (national industrial policy);
  • Hệ thống hạ tầng của Mỹ được xây từ thập niên 1930 nay đã hư hỏng nên cần đầu tư ồ ạt để sửa chửa và canh tân theo đà tiến của thế kỷ thứ 21
  • Nước Mỹ và thế giới đang đối đầu với những nan đề của thế kỷ như đại dịch Vũ Hán và biến đối khí hậu mà chỉ có nhà nước mới có thể huy động nhân vật lực toàn quốc để phối hợp với thế giới đối phó.
  • Đã đến lúc nhà nước táo bạo (bold) chủ động nền kinh tế với sự hổ trợ của NHTƯ.
  • (Nhà nước một khi hứa hẹn đủ điều nên coi chừng sau đó bị móc túi – chú phỉnh tôi rồi chính phủ ơi!)

Nếu thị trường là cô đào thì từ thời Reagan đến Trump NHTƯ là kép 1 còn nhà nước là kép 2. Đến Biden đổi vai trò nhà nước thành kép 1 trong khi NHTƯ là kép 2.

Nhà nước ở đây bao gồm Hành Pháp và Lập Pháp tức là chính quyền dân cử nên các quyết định chính trị thường là bị áp lực của cử tri.

NHTƯ gồm những chuyên viên kinh tế do Tổng Thống đề cử và Quốc Hội chấp thuận (tức là không do dân chúng chọn lựa) để có các quyết định đơn thuần về kinh tế.

Quyền lực nhà nước rất lớn. Bàn tay của nhà nước gọi là hữu hình (hay thô bạo) vì các chính sách về giám thị (regulations), thuế má (tax policy) và ngân sách (fiscal policy) đều có thể hổ trợ hay bóp nghẽn thị trường tự do.   

Vai trò của NHTƯ giới hạn trong kiểm soát các ngân hàng tư nhân, lãi xuất ngắn hạn và lượng tiền lưu hành. Được ví với bàn tay Midas (vua Midas sờ vật gì cũng thành vàng) do NHTƯ bấm chuột ra tiền để bơm vào hay hút ra khỏi thị trường. Tiền quan trọng trong tư bản cũng như thức ăn nuôi cơ thể:

  • ăn uống điều độ giúp cơ thể khỏe mạnh;
  • thiếu ăn (tiền lưu hành ít) thành suy nhược (kinh tế suy trầm);
  • ăn nhiều (tiền lưu hành nhiều) sanh béo phì (lạm phát);
  • áp huyết phải vừa đúng (gọi là lãi xuất tự nhiên hay natural interest rate[2]) còn nếu máu cao hay thất phải uống thuốc;
  • ngẽn tim hay đứt mạch máu (ngân hàng kẹt vốn) phải cứu cấp.

NHTƯ tuy quyền lực không bao trùm như nhà nước nhưng chỉ riêng hai việc bơm hay rút tiền cũng đủ để nền kinh tế tăng trưởng mạnh hay yếu. Bàn tay của NHTƯ chỉ đẻ ra tiền nhưng bẻ quẹo thị trường tương tự như vua Midas sờ ra vàng mà thành ra đói khi thức ăn cũng thành vàng.

Tiền bơm vào kinh tế khiến phân lời thấp (cheap money), doanh nghiệp dễ vay mượn (easy money) và mướn người nên thúc đẩy tăng trưởng.

Nhưng lượng tiền lưu hành nhiều quá thành ra mất giá (lạm phát.)

Dễ vay mượn thì kinh tế tăng trưởng nóng (bong bóng.)

Muốn hạ nhiệt phải rút bớt lượng tiền lưu hành khiến lãi xuất tăng.

Kinh tế nguội với tình trạng kéo dài của doanh nghiệp không đầu tư, tư nhân không tiêu xài.

Thị trường chứng khoán nhắm vào chính sách tiền tệ của NHTƯ mà lên hay xuống: kinh tế lên thì sàn chứng khoáng tăng; kinh tế xuống thì sàn chứng khoáng hạ.

Thị trường địa ốc cũng nhắm theo chính sách tiền tệ của NHTƯ mà tăng hay giảm: tiền lời thấp giá nhà lên vì nhiều người mua; tiền lời cao giá nhà xuống do bớt người mua.

Nước chảy vào lổ trũng còn tiền chạy đến chổ nào sinh lời. Tiền ở Mỹ do NHTƯ bơm ra không thúc đẩy sản xuất (do hảng xưởng di dời sang Đông Á để khai thác nhân lực rẻ) mà chạy sang ngành dịch vụ (service sector như du lịch, thời trang, nhà hàng…) phần còn lại bơm giá địa ốc và cổ phiếu (tiền rẻ dễ mua nhà; tiền dư mua chứng khoáng.)  Do lương bổng trong sản xuất cao hơn dịch vụ nên kết quả là thu nhập của giới lao động thợ thuyền không tăng. Trong khi đó tài sản của những người mua nhà và chứng khoán lại nhảy vọt. Kết quả là hố sâu giàu nghèo tăng không dựa vào giá trị lao động (labor value) hay giá trị tiện ích tăng giảm (marginal utility value) mà do của cải (tiền đẻ ra tiền cho nên nhà giàu càng giàu thêm.)

Rõ ràng là bàn tay Midas của NHTƯ cho dù không thô bạo nhưng vẫn bẻ cong (distort) thị trường “tự do”: giá cả không do thị trường quyết định mà tùy thuộc vào chính sách của NHTƯ. Nhiều người thắc mắc 12 ông bà bỏ phiếu trong ban lãnh đạo của NHTƯ không do dân bầu mà sao uy quyền dữ vậy?

***

NHTƯ ra đời ở Mỹ vào cuối thế kỷ 19 nhằm giám sát các ngân hàng tư nhân. Giả dụ:

  • Ngân hàng A cho vay cẩu thả nên thua lổ;
  • Tin đồn khiến dân chúng hốt hoảng kéo nhau rút tiền không những từ ngân hàng A (yếu) mà cả các ngân hàng B và C (mạnh);
  • Ngân hàng A (yếu) bị phá sản mà các ngân hàng B, C (mạnh) cũng hụt vốn[3]. Thí dụ cho dễ hiểu hàng ngày có khoảng 10% dân chúng rút tiền nên các ngân hàng chỉ dự trữ 20% tiền mặt. Gặp lúc hoảng loạn 30% dân chúng xếp hàng rút tiền nên các ngân hàng sẽ thiếu tiền mặt.
  • Ngân hàng B, C cạn tiền mặt nên thủ vốn không cho doanh nghiệp D, E, F, G vay mượn.
  • Doanh nghiệp D, E (yếu) bị phá sản; doanh nghiệp F, G (mạnh) cũng cắt bớt nhân viên sinh ra nạn thất nghiệp.
  • Ngân hàng B, C (mạnh) còn tăng vốn bằng cách bán bớt tài sản ngân hàng. Giá trị tài sản xấu lúc này đã lủng đáy nên ngân hàng B, C (mạnh) bắt buộc phải bán các tài sản tốt.
  • Giá cả tài sản tốt trên thị trường không liên quan gì đến ngân hàng A (yếu) nhưng chịu ảnh hưởng dây chuyền phải phá giá.

Khủng hoảng tài chánh (financial crisis) tai hại do lây lan nhanh như dịch cúm Tàu (ngược lại các loại khủng hoảng như bong bóng trứng cút, đuôi cắc kè, bong bóng điện toán (hi-tech bubble) chỉ giới hạn trong một khu vực nên giống như bệnh ung thư tuy nan y mà lại không lây.)   

Trở lại với thí dụ ở phần trên thì NHTƯ phải siết chặc giám sát (regulations) để các ngân hàng tư không cho vay cẩu thả; đồng thời bắt buộc các ngân hàng tư phải tăng quỹ dự trữ lên 40% để đề phòng trường hợp 30% dân chúng cuốn cuồn rút tiền. Các ngân hàng tư như vậy chỉ còn lại 60% lượng tiền cho vay ra thị trường – tức là tiền bị hút ra khỏi thị trường khi các ngân hàn tư tăng dự trữ [4].

Ngược lại khi kinh tế cần tăng trưởng NHTƯ bơm thêm tiền vào thị trường bằng cách cho phép ngân hàng tư giảm dự trữ.

***

Cách thứ hai để NHTƯ bơm tiền là in thêm tiền mới (nhà máy in bạc thuộc Bộ Tài Chánh). NHTƯ dùng tiền mới để mua vào các tài sản của ngân hàng tư. Tài sản của ngân hàng tư gồm các trái phiếu cho nhà nước và tư nhân vay mượn. Ngân hàng tư bán một số các trái phiếu này cho NHTƯ để NHTƯ cung cấp tiền mặt. Ngân hàng tư có thể dùng số tiền này để tăng quỹ dự trử hay tăng vốn cho vay tiền lưu hành trong thị trường (money expansion.)

Ngược lại NHTƯ hút tiền ra khỏi thị trường bằng cách bán ra (hoàn trả) số trái phiếu nói trên cho các ngân hàng tư mua trở lại. Các ngân hàng tư phải rút tiền về để mua lại số tài sản thế chấp – tức là lượng tiền lưu hành giảm.

Bàn tay Midas của NHTƯ quả là bấm chuột ra tiền!

***

Midas là vua nhưng ở Mỹ nhà nước mới là hoàng đế. Pháp thuật đẻ ra tiền của NHTƯ mà rơi vào tay nhà nước vô cùng nguy hiểm bởi vì trước mỗi lần bầu cử là Tổng Thống và Quốc Hội sẽ ép NHTƯ in thêm tiền cho kinh tế tăng trưởng để dụ dỗ dân chúng bỏ phiếu cho phe mình còn hậu hoạn như lạm phát thì sẽ tính sau.

Cho nên trên nguyên tắc NHTƯ độc lập đối với nhà nước. Các quyết định của NHTƯ đơn thuần về kinh tế như chống lạm phát, chống suy thoái, tạo công ăn việc làm mà không thể bị áp lực chính trị của đảng Cộng Hòa hay là Dân Chủ.

***

Trong lần Đại Khủng Hoảng Tài Chánh năm 2007-08 các ngân hàng lớn ở Mỹ cho vay cẩu thả nên khi thị trường địa ốc sụp đổ đâm ra hụt vốn. Vì là các ngân hàng lớn kẹt tiền nên nền kinh tế Mỹ như bị nghẽn tim. NHTƯ phải bơm tiền ào ạt như bơm thuốc phiện giúp người sắp chết qua khỏi cơn đau. Bệnh nhân được cứu sống nhưng đâm ra…ghiền thuốc phiện, tức là khi NHTƯ tăng lãi xuất hay rút tiền (phòng lạm phạt) thì thị trường dẫy nãy sùi bọt mép (báo chí Mỹ gọi là temper tantrum tức là con nít không được cho ăn kẹo nên làm dỗi) khiến NHTƯ hoảng hốt nuông chiều phải tiếp tục với chính sách tiền tệ dễ dãi (easy money policy.) Cho nên NHTƯ nuông chiều mà thị trường sinh ra ỷ lại. Nền kinh tế Mỹ (và của thế giới) nằm trên núi bạc…giấy do NHTƯ in ra không ai biết sẽ kéo dài đến bao giờ.

**

Cũng từ Đại Khủng Hoảng 2007-08 NHTƯ mua ồ ạt tài sản gồm các trái phiếu công và tư của các ngân hàng tư nhằm gây vốn cho ngân hàng tư. NHTƯ khi mua lại nợ công tức là NHTƯ cho nhà nước mượn tiền và như vậy đã soi mòn tính độc lập giữa NHTƯ và nhà nước, bởi vì nhà nước biết in nợ được bảo đảm có người mượn! NHTƯ khi mua lại nợ tư tức là NHTƯ can thiệp vào thị trường giúp cho nhiều công ty yếu đứng vững trong giai đoạn khủng hoảng.

Cho nên NHTƯ trong thực tế không độc lập mà còn góp sức cho nhà nước bẻ cong thị trường! Nhưng đó là câu chuyện về sau (bắt chước 1001 đêm!)

TÓM TẮT

  • Hai nhiệm vụ  (mandates) của NHTƯ là dùng chính sách tiền tệ (monetary policy) để ổn định giá cả (chống lạm phát) và tạo công ăn việc làm
  • Nhà nước ban hành các quy định giám sát (regulations), thuế má (tax policy) và ngân sách (fiscal policy)
  • NHTƯ cần phải độc lập để không bị nhà nước thúc in tiền cho các mục tiêu chính trị 

 

 

[1] Lý thuyết kinh tế phản ảnh tâm lý quần chúng: các gia đình Mỹ quan niệm con cái phải tự lập trong khi các gia đình Mỹ gốc Việt thường hay bao bọc con cái.

[2] Lãi xuất tự nhiên do thị trường định đoạt giữa chủ và con nợ mà không có sự can thiệp của nhà nước. Thí dụ kinh tế tăng trưởng nên nhiều người mượn tiền tức lãi xuất tăng, kinh tế xuống ít người vay nên phân lời thấp. NHTƯ có thể can thiệp để giữ lãi xuất tăng (cho kinh tế hạ nhiệt) hay giảm (cho kinh tế phát triển) bằng cách bơm hay rút tiền. Can thiệp dù cần thiết nhưng hậu quả sẽ bẻ cong (distort) thị trường vì phân lời không còn thể hiện mức cung cầu tự nhiên. Thí dụ lãi xuất quá rẻ khiến giá nhà đất tăng vọt vì nhiều người mượn tiền mua nhà tạo thành bong bóng địa ốc.

 

[4] Ngân hàng tư thường chỉ giữ quỹ dự trữ ở mức tối thiếu vì đây là tiền chết không được cho vay không sinh lời. Ngân hàng tư muốn có nhiều tiền cho vay để lời nhiều.

 

Friday, April 23, 2021

Kinh Tế Dễ Hiểu: Khoảng cách giàu nghèo (chương 5)

 

Mỹ là nước tư bản cho nên dân chúng không chống đối chuyện giàu nghèo cách biệt. Hố sâu giàu nghèo không phải đợi đến bây giờ mà trước đây đã có những đại tư bản như Rockfeller, Ford…đến nay là Bill Gates, Jeff Bezos hay Elon Musk tạo dựng các khối tài sản khổng lồ không kém gì vua chúa ngày xưa. Dân Mỹ chẳng những không ghanh ghét mà còn tự hào rằng mô hình tư bản tuy không hoàn thiện nhưng sản sinh ra những người làm giàu bằng năng lực và trí tuệ để đóng góp nhiều tiến bộ vượt bực làm đổi thay bộ mặt nhân loại.

Nhưng nếu tính sáng tạo và năng động trong tư bản Mỹ vẫn còn là niềm mơ ước của thế giới thì thất bại nơi đâu mà cánh tả đòi chuyển đổi mô hình kinh tế Hoa Kỳ theo hướng dân chủ xã hội kiểu Tây-Âu, còn riêng chính quyền Biden dùng bàn tay hữu hình của nhà nước để can thiệp ồ-ạt nhằm sửa đổi thị trường tự do?

Một dấu hiệu không tốt là chênh lệch giàu nghèo ở Mỹ hiện ngang bằng với khoảng thời gian trước cuộc Đại Khủng Hoảng 1929[1]. Lương bổng của giới trung lưu và lao động thợ thuyền không hề tăng (sau lạm phát) trong suốt 40 năm kể từ ngày toàn cầu hóa trong khi thu nhập của giới trí thức thành thị và các nhà đại tư bản nhảy vọt cũng vào giai đoạn này. Một số đông dân Mỹ bi quan cho rằng đời sống của thế hệ con cái họ sẽ không cải tiến so với chính họ. Cánh hữu lên án nhà nước đi sai đường vì ưu đãi giới tinh hoa (elite) mà bỏ rơi người lao động. Ngược lại cánh tả tố cáo nguyên do là nơi nhà nước thả lỏng (laissez faire) thị trường tự do – đâu là sự thật?

Nếu so sánh thì chênh lệch giàu nghèo ở Trung Quốc hay Việt Nam còn tăng vọt nhanh hơn Mỹ cũng trong 30 năm kể từ ngày toàn cầu hóa. Trong dân chúng lan tràn nổi bất mãn với tình trạng cướp nhà đất, với mạng lưới an sinh xã hội yếu kém bên cạnh tình trạng nhũng loạn quyền thế và nếp sống xa hoa đốt tiền của giới đại gia khoe khoang cho chúng ghét! Nhưng ít nhất trên bề mặt nền chính trị nơi đây không bị xáo trộn như ở Hoa Kỳ có thể vì hai nguyên do: (1) người nghèo ở các nước đang phát triển không có tiếng nói lớn mạnh như tại Âu-Mỹ; (2) mặc dù khoảng cách giàu nghèo ngày càng xa nhưng cùng lúc cuộc sống của đa số dân chúng đều được cải thiện (điện nước, đường nhựa, nhà lầu…về đến thôn quê.) Nếu so sánh với đoàn xe lửa kinh tế đang lên dốc ở Trung Quốc hay Việt Nam thì các toa đầu máy chạy ngày càng nhanh trong khi các toa cuối tuy không bắt kịp nhưng vẫn lên dốc, tức là mức sống của dân chúng tuy khổ cực nhưng đang lên và họ hy vọng thế hệ con cái sau này sẽ khá hơn. Ngược lại đoàn xe lửa kinh tế ở Mỹ cũng lên dốc nhưng các toa đầu máy bỏ xa những toa còn lại đang tuộc dốc, tức là móc xích bị cắt đứt ở giữa đoàn xe cho nên lợi tức tập trung vào giới trí thức ưu tú trong khi thu nhập của giới trung lưu và giai cấp thợ thuyền không tăng mà còn bị giảm. Họ lo âu cho đời sống con cái sẽ trở nên khó khăn hơn chính họ. Lên voi dễ hơn là xuống chó khiến trào lưu dân túy sinh phẩn nộ và bùng phát. Một nhánh theo cánh hữu tố cáo nhà nước sai lầm còn phe theo cánh tã lên án thị trường tự do bị thả lỏng (laissez-faire). Chương 5 sẽ tìm hiểu những thất bại trong mô hình Mỹ, nhưng chỉ giới hạn trong phạm vi kinh tế bởi vì còn những vấn đề lịch sữ và xã hội như nô lệ, di dân, v.v… nằm ngoài khuông khổ chương này.

***

Mác-Xít phê bình giàu nghèo do giới chủ bóc lột giá trị lao động thặng dự của thợ thuyền. Phe giá trị biên tế (marginal value theory) phân tích trong thị trường giá cả phản ảnh giá trị, còn giá trị lại được định đoạt bởi mức độ tiện ích cao hay thấp của hàng hóa hay lao động. Như vậy trong tư bản không có bóc lột vì người làm nhiều tiền nhờ đáp ứng cao nhu cầu tiện ích tăng giảm trong xã hội; hàng hóa rẻ hay mắc tùy vào nhu cầu tiện ích nhiều hay ít của quần chúng

Nhưng tiền đẻ ra tiền! Vì tiền đẻ ra tiền nên tư bản và của cải tích tụ nhanh hơn giá trị lao động hay tiện ích vốn chỉ tăng theo đường thẳng. Của cải lại thừa hưởng được trong khi lao động hay tiện ích không thể để dành cho con cái. Thí dụ giá nhà và chứng khoáng tăng nhanh hơn tiền lương nên người vừa sở hữu của cải lẫn lương bổng (lại thừa hưởng gia tài) tất nhiên giàu nhanh hơn là người chỉ sống bằng lao động.

Kinh tế gia nổi tiếng Thomas Piketty trong quyễn Vốn Tư Bản Ở Thế Kỷ Thứ 21 (Capital In The Twenty First Century) nhận xét rằng khuynh hướng tự nhiên trong một xã hội tư sản là tài sản được tích tụ và chuyền tay giữa các thế hệ (gia tài.) Vì của cải đẻ ra của cải nên trải qua một vài thế hệ như vậy sinh một giai cấp giàu vượt trội hơn hẳn số đông còn lại.

Sách báo kinh tế Mỹ gọi thành phần ăn trên ngồi trước là rent seekers, tức chủ cho thuê nhưng hàm ý thành phần tư bản hay địa chủ tích lũy tài sản của xã hội. Việt Nam có câu “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa nên quét lá đa” tức là trong xã hội có giai tầng. Giai cấp một khi ăn sâu bám rễ chính là kẻ thù của dân chủ lẫn tư bản: giai cấp vừa cản trở sự tham gia đồng đều của mọi tầng lớp dân chúng vào môi trường chính trị, lại giết chết tính cạnh tranh trong thị trường tự do.

Dùng thí dụ ở Việt Nam để thấy vào thế kỷ thứ 21 tài sản tích lũy nhanh chóng như thế nào. Trước đây một điền chủ có 10 người con đến khi chết đất đai chia manh múm ra thành 10 mãnh nhỏ nên gia tài không để lại bao nhiêu. Nhưng nay một cặp vợ chồng khá giả ở Sài-Gòn có được 2 người con và 2 căn nhà, đến khi họ chết mỗi người con hưởng gia tài 1 căn nhà trị giá trên 500 ngàn USD. Giả dụ một thanh niên từ dưới quê thật giỏi với mức lương 10 ngàn USD một năm thì mất 50 năm không ăn không xài mới mua được 1 căn nhà thành phố (chưa tính giá nhà tăng.) Thanh niên Sài-Gòn lại có điều kiện đi du học lấy bằng cấp Mỹ trong khi thanh niên ở dưới quê chỉ có mãnh bằng kém hơn ở Việt Nam cho nên thanh niên dưới quê không bao giờ bắt kịp người ở thành phố. Nói chung thì của cải, cơ hội và quyền lực ngày thêm tập trung vào thành phố.

Một nghiên cứu của giáo sư Walter Scheidel[2] thuộc đại học Stanford cho thấy trong lịch sử có 4 cách để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo: (1) đại dịch đen vào thế kỷ 14 giết chết 40% dân chúng giúp giá trị lao động tăng vọt vì thiếu người làm ruộng (2) đại chiến như chiến tranh thế giới lần thứ hai tàn phá tài sản xã hội nhưng đồng thời tạo sân chơi bình đẳng (3) cách mạng lật đổ tầng lớp thượng lưu giàu có (4) chế độ suy thoái kiểu ngày tàn của La Mã hay đời nhà Hán!

Nói cách khác, xã hội trở nên khô cằn thiếu sinh động một khi của cải và quyền lực tập trung vào giới tinh hoa – cũng giống như rừng già vì các cổ thụ bén rể giết chết cây non. Phải đợi đến cháy rừng hay thác lũ đào xới đất đai thì rừng mới non trẻ trở lại.

Chẳng ai ham bốn liều thuốc độc nói trên! Cho nên cánh cấp tiến chủ trương thay vì để mặc cho quy luật tự nhiên có ngày đào xới xã hội thì nhà nước phải dùng bàn tay hữu hình đốn cây cổ thụ trước khi chênh lệch giàu nghèo dẫn đến bạo loạn xã hội. Nhà nước phải can thiệp dùng các biện pháp như đánh thuế tài sản (wealth tax) và thuế gia tài (estate tax) nhằm ngăn chận sự hình thành của các giai tầng trong xã hội.

Nhà nước lại thường hay lạm dụng quyền lực. Đối với phái tự do và bảo thủ thì động cơ thúc đẩy con người hăng hái làm việc chính là vì tư lợi để tạo ra của cải cho dòng họ. Nay nhà nước đòi đánh thuế 1/2 tài sản tức là cướp của – nhất là khi nhà nước nói đánh thuế nhà giàu rồi những người không giàu cũng lãnh búa tạ sưu cao thuế nặng để nuôi cho đám lười biếng không chịu đi làm!

***

Một nguyên do thứ hai tạo ra cách biệt giàu nghèo vì thế kỷ 21 thuận lợi cho thành phần chuyên viên ưu tú (vốn thích ứng với toàn cầu hóa và tự động hóa)  mà thiệt hại cho giới có chuyên môn thấp. Công việc của thành phần trung lưu cấp thấp bị thay thế bởi máy điện toán trong khi giới lao động thợ thuyền mất việc khi hảng xưởng di dời sang Trung Quốc, Việt Nam…

Thành phần chuyên viên trí thức có văn bằng cao lại sống tập trung ở các đô thị lớn hai vùng ven biển (Seattle, California, Boston, New York, Washington D.C. vốn là những trung tâm thương mại toàn cầu) trong khi giới lao động người da trắng sống rải rác ở vòng đai han rỉ (rust belt) thuộc các tiểu bang nằm sâu trong nội địa. Giá nhà Cali, Seattle, Boston,…bay bổng trong khi địa ốc trong các khu vực còn lại không tăng. Lương tăng, giá nhà tăng, giới chuyên viên trí thức lại có tiền đầu tư mua chứng khoán. Hậu quả là của cải tích lũy vào 2 vùng ven biển trong khi thành phần trung lưu và công nhân sống chật vật làm ra đồng nào xài hết sạch. Cho nên chênh lệch giàu nghèo giữa 10% giới ưu tú trí thức với thành phần trung lưu và thợ thuyền nhảy vọt tạo ra rạn nứt vô cùng sâu rộng trong xã hội.

***                      

Thêm một lý do khiến tài sản tăng giá giúp nhà giàu ngày càng giàu là do NHTƯ (Ngân Hàng Trung Ương.) NHTƯ ban hành chính sách tiền tệ dễ dãi nhằm giúp cho tư nhân vay mượn đầu tư thúc đẩy kinh tế phát triển. Nhưng lãi xuất thấp nên nhiều người mượn tiền mua nhà (thay vì đầu tư tạo công ăn việc làm) khiến giá địa ốc tăng nhanh trong khi lương bổng tăng chậm giúp cho người có nhà cửa giàu nhanh hơn người ở thuê.

***

Tài sản khi tập trung ép giá lương. Nhà tư bản bỏ vốn để canh tân nhà máy hay di dời sản xuất ra nước ngoài đồng thời cắt giảm công nhân trong nước. Công ăn việc làm khó kiếm tạo áp lực đẩy đồng lương xuống thấp.

***

Tài sản khi tập trung ép giảm sức tiêu thụ. Thí dụ cho dễ hiểu nhà giàu 1 tỷ USD mua 20 chiếc xe Lamborghini thượng hạng thì phát chán! Nhưng nếu chia đều ra  cho 10000 gia đình thì mỗi nhà sẽ mua 1 chiếc xe xoàn xoàn. Sản xuất 10000 chiếc xe loại này tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn chỉ cho 20 chiếc Lamborghini. Nói cách khác, nhà giàu tiền xài không hết phải để dành trong khi nhà nghèo có bao nhiêu xài hết bấy nhiêu. Cho nên tài sản khi tập trung sẽ khiến tiêu thụ giảm, cắt giảm người làm việc và hạ thấp tiền lương.

***

Kinh tế số (digital economy) khiến tài sản nhanh chóng tích lũy. Thí dụ số người dùng Google, Facebook,… ngày càng tăng khiến các công ty này mặc nhiên trở thành độc quyền, trong khi các công ty nhỏ chỉ mong được công ty lớn thu mua do cạnh tranh quá sức khó khăn. Một trường hp khác là hợp đồng quảng cáo giày thể thao với Michael Jordan với giá cao kỷ lục vì cầu thủ bóng rổ này nổi tiếng khắp thế giới, trong khi một cầu thủ hạng nhì nhảy cao chỉ kém hơn Michael Jordan một vài phân mà không được nhiều người biết nên không tìm ra hợp đồng quảng cáo. Hiện tượng này trong kinh tế số được gọi là winners-take-all (phe thắng hốt trọn) hay winners-take-most (hốt gần hết.) 

***

Nhà giàu ở khu trường học tốt nên con cái học vấn cao hơn so với lứa đồng tuổi. Con nhà giàu lại cưới gả cho con nhà giàu. Sân chơi trở nên không bình đẳng bởi vì một trẻ em nghèo không có cơ hội vương lên, tức là nền tư bản Mỹ không còn tạo môi trường cho những kẻ khố rách mồng tơi trở thành tỷ phú (from rags to riches.)  Cho nên xã hội một khi hình thành giai tầng sẽ đánh mất đi sức sống vươn lên (upward mobility.)

***

Nhà đất ở những trung tâm kinh tế như Cali, Seattle, Boston, New York, Washington DC giá cao ngất ngưỡng nên người ở tiểu bang khác không thể dọn về. Lâu ngày xã hội mất đi tính di động (mobility) thiếu trộn lẫn nên mỗi khu vực tạo thành cách sống và quan điểm chính trị cách riêng biệt cho dù sống trong cùng đất nước dân chủ và bình đẳng. Đây là một trong những lý do mà bất bình đẳng về kinh tế đi đôi với cuộc chiến văn hoá (cultural war) giữa những tiểu bang nằm trong nội địa với các tiểu bang dọc theo bờ biển.

***

Giàu sang sinh quyền lực. Cánh tả (Bernie Sander) lẫn cánh hữu (Donald Trump) đều tố cáo nền dân chủ Mỹ bị dàn dựng (rigged). Cánh tả hô hào nhà nước phải tích cực giám sát các thế lực tư bản, đồng thời tăng thuế nhằm tạo một sân chơi bình đẳng. Ngược lại cánh hữu cho rằng chính sự giám sát của nhà nước đã kềm hảm bản năng hung hản (animal instinct) của thị trường tự do, cho nên nhà nước phải ngừng mó máy mà giảm thuế để thả lỏng (laissez faire) thị trường tự do.

***

Giới ưu tú (elite) vùng duyên hải nắm độc quyền trên báo chí dòng chính (mainstream media) và trong các đại học nên dùng đó tuyên truyền cho một nền văn hóa mới. Trước đây những người sống rãi rác ở các tiểu bang nội địa không có phương tiện để tập hợp thành một thế lực chính trị, nhưng nay Facebook và Twitter mở ra cơ hội để họ liên kết thành một tiếng nói chung bảo vệ cho nền văn hóa truyền thống. Cho nên mới xãy ra các trận đấu đá dữ dội từ năm 2016 giữa thông tin dòng chính (CNN, New York Times,…) và truyền thông dòng ngược (alternative media, chủ yếu là qua Internet nhưng sau này hình thành những cơ quan ngôn luận như Fox, Newsmax, One New Network,…)

***

Nhà nước tăng thuế má để chi tiêu giúp người nghèo. Nhưng ngược lại chính sách của nhà nước mang đến lười biếng và ỷ lại.

Một thí dụ thấy được trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt có những người lúc sống ở Việt Nam vô cùng xông xáo tự lập nhưng khi sang Mỹ xin lãnh được trợ cấp xã hội lại không một ngày đi làm trong suốt mấy chục năm. Có những thiếu nữ không chồng nhưng bắt đầu sinh đẻ từ năm 16 tuổi nên có đến 4-5 đứa con và lãnh trợ cấp xã hội trọn đời. Bàn tay hữu hình của nhà nước không những bẻ cong thị trường tự do mà còn làm thay đổi nếp sống và quan niệm sống của từng cá nhân. Cho nên cánh tự do mới tố cáo bàn tay thô bạo của nhà nước tước đoạt tự do, dù không cần đến công ăn cảnh sát nhưng vẫn giam hảm con người trong vòng ỷ lại ngữa tay xin trợ cấp xã hội nên đánh mất đi ý chí tự lập và tiến thân.

Nhiều gia đình người Mỹ gốc Việt tuy lạm dụng trợ cấp xã hội nhưng sau một thế hệ con cái của họ thành tài ra bác sĩ, luật sư, kỷ sư…với đồng lương cao đóng thuế cho xã hội. Ngược lại người da đen ở các ổ chuột nằm sâu trong đô thị (inner cities) hay da trắng tại vòng đai han rỉ (rust belt) lại không thoát khỏi vòng xoáy nghiện nghập, trộm cướp, không chồng đẻ con…từ đời cha sang đời con. Cho nên chính sách an sinh xã hội của nhà nước dựng lên hàng rào giai cấp hay là những ung nhọt mà xã hội không giải quyết được.

***

Một trường hợp khác là giới công nhân thợ thuyền da trắng mất việc ở vòng đai han rỉ (rust belt) do toàn cầu hóa nên nhận nhiều trợ cấp y tế, xã hội và giáo dục. Dù vậy số người này bỏ phiếu cho Trump thay vì bỏ phiếu cho đảng Dân Chủ để được tăng trợ cấp xã hội.

Lý do vì chỉ có công ăn việc làm mới mang lại sự tự trọng (dignity), trong khi nhàn cư vi bất thiện và bất mãn. Kinh tế gia cấp tiến Paul Krugman (Nobel 2008) có lần nhận xét là không một kinh tế gia nào biết cách xây dựng lòng tự trọng. Chính sách an sinh xã hội của nước Mỹ tạo ra hai khu ổ chuột nằm sâu trong các đô thị lớn (inner cities, đa số là người da đen) hay rãi rác ở vòng đai han rỉ (rust belt, đa số là giới công nhân thợ thuyền da trắng thấp nghiệp) mà nhà nước bỏ ra không biết bao nhiêu tiền của mà không giải quyết được. Bàn tay hữu hình của nhà nước khi thô bạo can thiệp nhằm giải quyết hố sâu giàu nghèo đã mặc nhiên sinh ra một giai cấp nghèo triền miên do lười biếng và ỷ lại.

Paul Krugman sai bởi vì nhà nước thay vì mở rộng mạng lưới an sinh xã hội phải có chính sách để tạo công ăn việc làm. Tự trọng chỉ đến từ giá trị cần lao khi mỗi người làm việc với đồng lương tốt (good salary) để tự nuôi thân và nuôi gia đình (nếu đồng lương quá thấp trở nên nghèo hèn cũng mất đi tự trọng.)

Mô hình kinh tế nước Mỹ thay vì đặt nặng tiêu thụ (consumption 70% GDP, trong khi ở Tàu tiêu thụ 40% GDP) cần chuyển trọng tâm sang đầu tư (investment) để tạo công ăn việc làm tốt. Mỹ thay vì dạy Trung Quốc nên rút tỉa kinh nghiệm này từ Bắc Kinh.   

TÓM TẮT:

  1. Tài sản tích lũy trong xã hội tư sản và kinh tế số (digital economy) sẽ sinh ra giai cấp, trong khi giai cấp lại chính là kẻ thù của dân chủ và tư bản.
  2. Trong lịch sử hố sâu giàu nghèo chỉ được xóa bỏ bởi (1) đại dịch (2) đại chiến (3) cách mạng (4) thể chế suy tàn
  3. Phe cấp tiến cho rằng để tránh 4 tai họa nói trên nhà nước phải chủ động dùng bàn tay hữu hình tái phân phối tài sản trong xã hội.
  4. Phe tự do phản đối cho rằng nhà nước sẽ lạm dụng quyền hạn và chà đạp quyền tự do tạo ra của cải và mưu cầu hạnh phúc của cá nhân
 

Sunday, May 2, 2021

 

Kinh Tế Dễ Hiểu: Giàu nghèo và Cơ hội (chương 6)

 

Mỹ là nước tư bản, ai cũng muốn giàu hơn người khác nên không đòi hỏi giàu nghèo giống nhau. Tuy nhiên dân Mỹ muốn có sân chơi bình đẳng (fairness) nơi đó mỗi người có được cơ hội đồng đều (equal opportunities) để tiến thân, còn kết quả thành công hay thất bại là do tài năng, ý chí và sức làm việc của mỗi người thay vì dựa vào thế lực, quan hệ hay giai cấp.

Nước Mỹ không thiếu trường hợp của những tỷ phú như Elon Musk, Jeff Bezos hay Bill Gates tự làm nên sự nghiệp từ hai bàn tay sinh viên. Cộng đồng gốc Việt là một thí dụ thành công khác khi đến Hoa Kỳ chưa đầy 50 năm nhưng đã đóng góp nhiều nhân tài và cho sự thịnh vượng của đất nước này. Mỹ là vùng đất của cơ hội, nhưng tại sao ngày nay xã hội bị rạn nứt với những lời tố cáo rằng cơ hội không đến đồng đều khiến nhiều người Mỹ – dù trắng, đen hay da màu – đã bị bỏ rơi? 

Nhà giàu tất nhiên có nhiều cơ hội thăng tiến hơn người nghèo! Đối với cánh tự do (libertarian) và phe bảo thủ (conservative) thì ở Mỹ có tự do và cơ hội nhưng còn tùy thuộc vào mỗi cá nhân biết nắm lại cơ hội để khắc phục nghịch cảnh (against all odds) mà vươn lên thay vì ỷ lại vào sự bảo bọc của nhà nước.

Đối với phe cấp tiến (progressive) thì xã hội quá sức chênh lệch, sân chơi bị dàn dựng (the system is rigged) cho nên nhà nước phải tích cực can thiệp để mang lại sự công bằng, bằng không cơ hội chỉ đến với thành phần ưu đãi (privilege) mà bỏ rơi giới bị thiệt thòi (underprivilege.) Tình trạng này nếu kéo dài không giải quyết sẽ sinh thành giai cấp, trong khi giai cấp lại chính là kẻ thù của nền dân chủ và thị trường tự do. Bàn tay hữu hình của nhà nước phải tái phân phối của cải xã hội một cách công bằng (equitable distribution of wealth) – nói trắng ra là tăng thuế, tăng chi nhằm tạo điều kiện cho người nghèo có cơ hội vươn lên. Cách nhìn này giống như kiểu Robin Hood trời Tây (hay thảo khấu Lương Sơn Bạc trời Đông) cướp của nhà giàu phân phát cho người nghèo.

Ngược lại cánh tự do và phe bảo thủ cho rằng phải hạn chế bàn tay thô bạo của nhà nước bởi vì chính quyền hô hào bình đẳng để rồi tước đoạt tài sản và tự do cá nhân, kết quả khiến mọi người cùng nghèo như nhau (equality = equally poor): nhà nghèo sinh ỷ lại lười biếng; nhà giàu chẳng muốn làm việc để rồi bị đánh thuế nuôi nhà nghèo.

Cuộc tranh luận này 100 năm nửa cũng sẽ không giải quyết được, nên tạm thời trở về quá khứ để thấy vai trò ngày càng to lớn của nhà nước theo dòng lịch sử.

***

Từ thời lập quốc cho đến đầu thế kỷ thứ 20 chính quyền có vai trò rất hạn chế trong nền Tư Bản Mỹ. Nhưng cuộc Đại Khủng Hoảng Kinh Tế 1929 đã khiến hàng chục triệu dân chúng thất nghiệp nên chính quyền của Tổng Thống Dân Chủ Franklin D. Roosevelt can thiệp ào ạt bằng cách ban hành luật bảo hiểm thất nghiệp (unemployment insurance) và lương hưu trí (social security act) như mạng lưới an sinh (safety net) cứu vớt khi sa cơ hoạn nạn.

Sang thập niên 1960 Hoa Kỳ bị phân hoá vì chiến tranh Việt Nam và phong trào dân quyền (Civil Rights) đòi bình đẳng cho phụ nữ và người da đen. Vai trò của nhà nước tăng vọt khi Tổng Thống Dân Chủ Lyndon B. Johnson ban hành chính sách Chống Nghèo (War on Poverty) nhằm tạo cơ hội đồng đều (Opportunity Act 1964) đến mọi người dân, chủ yếu qua các chương trình trợ cấp y tế (Medicare and Medicaid Act 1964), trợ cấp nhà ở (Housing Act 1968), trợ cấp thực phẩm (Food Stamp Act 1964) và tiền trợ cấp các gia đình nghèo có con nhỏ (AFDC hay Aids to Familes with Dependent Children 1964, tức lãnh tiền welfare.)

Mạng lưới an sinh (safety net) dưới thời Roosevelt nhằm giúp cho những người bị sa cơ thất thế sang đến Johnson trở thành nhà nước bao cấp (welfare state.) Chính sách của Roosevelt nhằm nhằm phục hồi kinh tế (economic policies) còn Johnson để thực hiện lý tưởng của phe cấp tiến (progressive ideology) đòi công bằng xã hội[1]

Tổng Thống Dân Chủ Biden được xem là nhân vật tiếp nối thứ 3 sau Roosevelt và Johnson. Nhưng thay vì tăng trợ cấp xã hội (welfare – vốn bị chống đối là phung phí, lạm dụng và tạo ra ỷ lại) nay đổi tên gọi thành đầu tư hạ tầng (infrastructure spending), vì hạ tầng không chỉ giới hạn vào đường xá, điện nước, Internet, v.v… mà nay gồm cả đầu tư trồng người (human capital) như tiền giữ trẻ và chăm sóc ông bà già để giúp đỡ các gia đình với lợi tức thấp có cơ hội tìm việc làm.

Kế hoạch đầu tư hạ tầng của Biden bị lên án là một loại quái vật Frankeinsten vá víu giữa đầu tư (investment) và tiêu xài (spending). Chi phí 2000 tỷ USD đầu tư không đủ để Hoa Kỳ dẫn đầu trong các đại dự án kỷ thuật trong thế kỷ thứ 21 như năng lượng xanh, trí tuệ nhân tạo, vi sinh học, kỷ nghệ bán dẫn, v.v… bởi vì bị chia đều linh tinh vào các chương trình xã hội kém hiệu quả. Đầu tư hay trợ cấp nên phân biệt rỏ ràng để dân chúng quyết định thay vì mập mờ gian lận con đen.

Dù vậy ngân sách 2000 tỷ USD vẫn có nhiều triển vọng được Quốc Hội Dân Chủ thông qua để kết cục rồi dân Mỹ vừa gánh thêm một núi nợ lại ngày càng thụt lùi so với Trung Quốc.      

***

Tạm ngừng phê bình Biden ở đây để nhìn lại kết quả của chính sách nhà nước can thiệp. Cho đến 2014 tức là 50 năm sau Lydon B. Johnson tuyên bố Chống Nghèo (War On Poverty) Hoa Kỳ đã chi tiêu tổng cọng 2200 tỷ USD cho các chương trình trợ cấp xã hội[2]. Có những điểm son như sự thành công của cộng đồng người Mỹ gốc Việt và những thất bại như cộng đồng người da đen.

Rất nhiều gia đình Việt khi mới đến Mỹ lãnh welfare, food stamp, Medicaid, housing, con cái lại được học bổng toàn phần đổ đạc kỷ sư, bác sĩ nên chỉ sau 5-7 đã thoát ra khỏi nghèo khó tiến lên tầng lớp chuyên viên trung lưu; lại chịu khó làm ăn, mua nhà và đầu tư nên sau 15-20 năm đã có tài sản và thu nhập ở mức 10% cao nhất nước Mỹ.

Các cộng đồng thành công gồm gốc Ấn, Hoa, Việt, Đông Âu, Trung Đông… Cho dù Hiệp Chủng Quốc thu nhận đủ loại di dân hổn tạp khiến welfare bị lạm dụng và gian lận rất nhiều nhưng kết quả thành công vẻ vang góp phần làm giàu cho nước Mỹ.

(Nhiều người Mỹ bản xứ không ngữa tay nhận trợ cấp vì gọi đây là của tế bần hay tiền bố thí (handouts) trong khi các nhóm di dân mới đến không chê mà còn xin hưởng bổng lộc hay quyền lợi xã hội (entitlements).)

Ngược lại hai cộng đồng da đen nằm sâu trong các đô thị (inner cities) và giới thợ thuyền Mỹ trắng ở vòng đai han rỉ (rust belt) tuy có cùng những cơ hội nhưng không thoát ra khỏi vòng vây giam hảm của nghèo khó, tội phạm và nghiện nghập (opiod.) Trong khi người gốc Hoa-Ấn-Việt…trở thành giới trí thức ưu tú với đồng lương cao thì lợi tức của những giới lao động và các gia đình trung lưu người bản xứ không tăng trưởng trong suốt 40 năm kể từ ngày toàn cầu hóa.  Cộng thêm vào đó là 10-15 triệu người gốc Nam Mỹ hiện đang sống bất hợp pháp cùng với hàng triệu di dân khác (cũng từ Nam Mỹ) sẳng sàng vượt qua biên giới bằng đường bộ vào Hoa Kỳ.

Bức tranh xã hội vô cùng phức tạp – câu hỏi nơi đây chỉ giới hạn vào kinh tế tức là bàn tay hữu hình của nhà nước liệu có sẽ mang lại một sân chơi bình đẳng hay chỉ bóp nghẹt thị trường tự do? Hai câu trả lời dĩ nhiên là trái ngược giữa cánh cấp tiến và phe bảo thủ hay tự do, còn trong thực tế nhà nước sẽ tiêu xài khoảng 4000-5000 tỷ USD (kích cầu và đầu tư hạ tầng) chỉ riêng vào năm 2021!

TÓM TẮT: Vai trò của nhà nước bành trướng từ:

  • 1930: Chính sách kinh tế của Roosevelt gồm mạng lưới xã hội (safety net) bảo hiểm thất nghiệp và lương hưu trí;
  • 1960: Chính sách chống nghèo (War On Poverty) của Johnson: nhà nước bao cấp (welfare stare) trợ cấp nhà ở, y tế, giáo dục cho người nghèo nhằm tạo cơ hội đồng đều (equal opportunity);
  • 2020: Chính sách đầu tư hạ tầng (Infrastructure Investment) của Biden gồm cả đầu tư trồng người (human capital) như giữ trẻ và chăm sóc ông bà già nhằm giúp đỡ cho các gia đình với lợi tức có cơ hội tìm việc làm.

 

[1] Điểm đáng nói là Lyndon B. Johnson, cũng giống như Joe Biden, đều không cực đoan (ideologists) nhưng chính là 2 chính trị gia chuyên nghiệp 100%. Có thể nhờ vậy nên Johnson khôn ngoan “bốc gió” theo trào lưu Civil Rights còn Biden theo Black Life Matters để mua phiếu.

[2] The War on Poverty After 50 Years. The Heritage Foundation 09/15/2014.

Thursday, May 13, 2021

 

Kinh Tế Dễ Hiểu: Tiền (Chương 7)

 

Bàn về kinh tế không thể không nhắc đến tiền. Tiền không mua được hạnh phúc nhưng không có tiền thì…đói. Tiền mang lại tự do (có tiền mua tiên) hay biến con người thành nô lệ đồng tiền. Con nít lên 3 đã biết tiền dùng để mua bánh kẹo, vậy mà các kinh tế gia giờ này vẫn không đồng ý chuyện tiền để làm chi!

Tiền có 3 chức năng:

  1. Thước đo giá trị: hàng tốt nhiều tiền, hàng xấu ít tiền
  2. Phương tiện trao đổi: mua bán bằng tiền, chuyển tiền, đổi tiền
  3. Tích lũy tài sản: để dành tiền

Tiền không chỉ là vật thụ động mà có sức sống sinh động vì:

(1) tiền đẻ ra tiền – cho nên tích lũy của cải giàu nhanh hơn đi làm công;

(2) tiền chạy đến chổ nào sinh lời mà tránh lỗ lả – cũng giống như nước chảy xuống thấp mà tránh chổ cao.

Hỏi tiền là cái chi chi, thế gian ai cũng phải đi kiếm tiền?

  1. Tiền nhà nước (fiat money)

Mỹ in USD, Việt Nam ấn hành VND. Tiền nhà nước chỉ là…tờ giấy lộn do nhà nước phát ra nhưng lại có giá trị dùng trong mua bán, đổi chác. Vì nhà nước độc quyền in tiền nên nhà nước in…thật nhiều tiền khiến tiền mất giá, hay là lạm phát.

Để tránh lạm phát thì giá trị đồng bạc (currency) có thể bị cột neo vào vàng tức là kim bản vị. Thí dụ ngày xưa Hoa Kỳ bảo đảm 35 USD đổi ra một lượng vàng. Do lượng vàng tồn kho có hạn nên nhà nước bị trói tay không thể tùy tiện in thêm tiền. Ưu điểm nơi kiểm soát nhà nước không xử dụng bừa bải quyền lực in tiền. Khuyết điểm nơi nhà nước bị trói tay nên không dễ dàng tăng hay giảm lượng tiền lưu hành theo nhu cầu của nền kinh tế. Gặp khủng hoảng nhà nước không thể in tiền kích cầu. Khi kinh tế xuống dân chúng thường hốt hoảng đổi tiền ra vàng cho an tâm. Nhà nước sợ hết vàng phải tạm đóng cửa ngân hàng (bank holiday) hay nâng mức lời để dụ dân chúng gởi tiền thay vì rút tiền. Những biện pháp này gây tổn thương cho nền kinh tế (thị trường thiếu tiền như bị người nghẽn tim dù chỉ trong chốc lát nhưng tác hại đến toàn bộ nền kinh tế.)

Nhà nước có thể thả nổi đồng bạc thay vì cột vào vàng. Giá trị đồng tiền là do thị trường định đoạt. Thí dụ kinh tế Mỹ yếu (lẽ ra) USD xuống giá, kinh tế Việt mạnh (lẽ ra) VND tăng giá. Ưu điểm nơi nhà nước không còn bị trói tay nên nhanh chóng tăng hay giảm lượng tiền lưu hành theo nhu cầu kinh tế. Khuyết điểm vì nhà nước quen thói in tiền sinh thêm tật ăn xài khiến tiền bị mất giá tạo thành lạm phát.

Vào thế kỷ thứ 21 nhiều nước lại neo đồng bạc nội địa vào USD. Lý do vì USD là đơn vị tiền quốc tế trong khi Mỹ lại là nước mua hàng lớn nhất thế giới. Việc này dẫn đến nhiều kiểu chơi xấu như thao túng ngoại tệ (currency manipulation) nhằm tạo lợi thế xuất khẩu.

  1. Tiền điện toán (bitcoin)

 Quyền lực ấn hành tiền của nhà nước là vô hạn nên lạm dụng của nhà nước cũng vô hạn. Tiền mất giá tức lạm phát, hay tiền bốc hơi (tiền không xài mà giá trị vơi dần.)

Nếu một người trộn lẫn 5% chì vào vàng sẽ bị bắt giam về tội gian thương. Nhà nước in 100 đồng nhưng giá trị chỉ bằng 95 đồng nên gọi là chính phủ (tức chú phỉnh.)

Vì thấy bất công nên một nhân vật bí ẩn siêu phàm (chỉ biết qua tên gọi Satoshi Nakomoto mà không ai biết dung nhan) sáng chế ra bitcoin, tức là tiền điện toán. Vàng phải đào tìm từ đất, thì bitcoin cũng phải dùng máy tính điện tử để đào tìm trong không gian ảo (bitcoin mining) cứ mỗi 10 phút thì chủ một máy điện toán may mắn đẻ ra một bitcoin mới. Giá trị của bitcoin do thị trường định đoạt, bù lại số lượng bitcoin và giao dịch bằng bitcoin do các máy điện toán kiểm soát mà không qua hệ thống nhà nước hay ngân hàng. Không có hệ thống máy chủ nhưng hàng chục triệu máy điện toán tham dự đào bitcoin đều bình đẳng như  nhau (egalitarian) trong mỗi quyết định. Mỗi giao dịch bằng bitcoin được cột vào theo chuổi mã số (digital ledger hay blockchain) và được 51% trên tổng số hàng chục triệu máy điện toán này bỏ phiếu đồng ý thì mới có giá trị. Cho nên ai muốn lường gạt phải biết cách che mắt hàng chục triệu số máy điện toán này trên toàn cầu. Bitcoin được phái tự do (libertarian), những người có máu bài bạc, giới buôn lậu và chuyển tiền lậu ưa chuộng vì không bị nhà nước theo dõi mà cũng không thể bị gian lận.

  1. Tiền điện toán (digital currency)

 Bitcoin chỉ là một trường hợp đặc thù được biết đến nhiều nhất trong khi tiền điện toán nói chung có thể độc lập hay không độc lập đối với nhà nước. Các loại tiền điện toán này đang được các ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc nghiên cứu thận trọng vì sẽ mở ra một kỷ nguyên và những cơ hội mới chưa thể hình dung được trong tương lai. Riêng đối với EU và Trung Quốc thi tiền điện toán còn là một giải pháp để phá vỡ vòng kiềm toả của USD.

Trong trường hợp tiền điện toán không độc lập với nhà nước thì hai đại công ty dẫn đầu trên thế giới là Ant Financial (công ty con thuộc Alibaba) và WeChat. Cả hai đều là mạng xã hội nên thu thập đầy đủ dữ kiện của từng cá nhân, cửa hàng, hay doanh nghiệp. Ant và WeChat vừa là cửa ngỏ giao dịch (khách hàng khi mua bán chỉ cần đưa máy điện thoại cầm tay để khấu trừ vào tài khoảng trên mạng) lại có thể cho các tiểu thương vay vốn một cách cực kỳ nhanh chóng so với ngân hàng. Hai công ty này cho mượn tiền mà không cần xét điểm tín dụng (credit score) bởi vì đã biết trước mỗi doanh nghiệp (hay cửa tiệm) có được bao nhiêu khác hàng ưa chuộng v.v… qua mạng xã hội. Ant và WeChat còn thêm lợi thế phục vụ doanh nghiệp và người tiêu thụ ở những vùng nông thôn hẻo lánh không có văn phòng ngân hàng vì người dân vẫn dùng điện thoại cầm tay. Vốn cho vay có thể hợp tác với ngân hàng hay trực tiếp của tư nhân cất tiền vào tài khoảng trên mạng của Ant[1] và WeChat.

 

Trường hợp tiện điện toán độc lập với nhà nước ngoài Bitcoin còn có Libra do Facebook đề nghị. Libra là một loại tiền quốc tế mỗi đồng USD, Euro và Yen tùy giá trị lên xuống sẽ đổi ra nhiều hay ít Libra (Nhân Dân Tệ hiện chưa có trong danh sách này.) Dù là quốc gia hay tư nhân đều có thể đổi ra tiền Libra để mua bán hàng hóa trên thị trường quốc tế.

 

Libra tuy chưa được nhiều chính quyền hậu thuẫn nhưng ý niệm về một loại tiền điện toán quốc tế thay thế USD, Nhân Dân Tệ, Euro…trong thương mại toàn cầu mà không qua hệ thống ngân hàng nhà nước gây chấn động trên toàn thế giới, nhất là khi loại tiền này do một công ty tư nhân như Facebook kiểm soát.

 

[1] Do tiềm lực của Ant Financial và WeChat quá mạnh nên vào năm 2020-21 nhà nước Trung Quốc hãm phanh thắng dằn mặt Alibaba và Jack Ma để không trở thành mối đe dọa cho hệ thống ngân hàng nhà nước. Sự việc cho đến nay (05/2021) vẫn chưa rỏ ràng ngã ngủ.

  1. Thuyết Tân Tiền Tệ (Modern Monetary Theory hay MMT)

Khi nhà nước cần thúc đẩy nền kinh tế (hay xài bậy) mà thuế thu vào không đủ thì nhà nước hoặc mượn tiền hay in tiền. Nước Mỹ vay bằng USD nên có thể in USD để trả. Như vậy thiếu hụt ngân sách (deficit) cũng không sao vì Mỹ cứ tùy tiện mượn thêm tiền bù vào khoảng trống mà không bao giờ lo quịt nợ – cho đến khi USD in ra nhiều quá mất giá khiến không nước nào còn muốn cho Mỹ vay. Nhưng hàng chục năm nay Mỹ mượn tiền ào ạt mà USD không mất giá (chưa ai “chê” USD) nên vẫn còn nhiều nước cho vay mượn với lãi xuất gần âm (tức chịu lỗ cho vay) thì Mỹ cứ mượn thêm tiền để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng rồi thì nợ sẽ theo đó bốc hơi cạn dần.

Thuyết MMT thoạt nghe có vẻ ngụy biện nhưng có nhiều bằng chứng hùng hồn hậu thuẩn phía sau như nợ công Mỹ nhảy vọt từ 55% GDP năm 2000 lên 107% GDP năm 2021, vậy mà Hoa Kỳ không bị lạm phát trong khi lãi xuất tiếp tục ở mức cực thấp, tức là còn rất nhiều nước muốn cho Mỹ vay thêm tiền nên không đòi tăng mức lời. Kết luận của cánh cấp tiến (progressive) là Mỹ còn nhiều tiềm năng để mượn thêm nợ (rồi in USD trả nợ) nên chính quyền Hoa Kỳ có trách nhiệm phải vay thêm để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi, để đầu tư vào năng lượng xanh (green energy) và chi tiêu tạo công bằng xã hội (wealth equality.)

Thuyết MMT quan niệm rằng vì nhà nước độc quyền in tiền nên nhà nước có trách nhiệm in thêm tiền nhằm tạo công ăn việc làm (full employment) hay cho đến khi tiền in quá nhiều sinh lạm phát (inflation.) Trên nguyên tắc nhà nước có thể mãi mãi in tiền cho đến khi lạm phát mà không cần thu thuế; trên thực tế nhà nước thu thuế nhằm hút vào lượng tiền đã in ra để không sinh lạm phát.

Thuyết MMT rất mới, lạ và kỳ quặc nhưng Kinh Tế Dễ Hiểu xin độc giả khoan vội phán đoán mà nên tìm hiểu thêm trong tinh thần cởi mở[1] [2]. Chỉ nên nhớ một điều là đừng dại dột áp dụng vào Việt Nam vì Việt Nam mượn tiền USD nên không thể in USD trả nợ như Mỹ!

  1. Lạm phát

Lạm phát tức tiền mất giá. Lạm phát thường tăng nhanh hơn lương bổng. Năm trước 8 USD mua sáu lon bia bây giờ lên đến 10 USD, tức giá bia lạm phát 25% trong khi lương chỉ tăng 3%!

Lạm phát lợi cho kẻ mượn tiền nhưng thiệt cho người cho vay. Nếu lãi xuất cố định 3% trong 30 năm nhưng mỗi năm tiền mất giá 4% thì nợ bốc hơi cạn dần. Một cách để nhà nước trả nợ là tăng lạm phát, nhưng lại khiến cho đời sống dân chúng khó khăn hơn vì lương tăng chậm hơn lạm phát. Lạm phát dẫn đến nhiều xáo trộn xã hội như châm ngòi cho trào lưu phát-xít của Hitler nên nước nào cũng e sợ lạm phát.

Lạm phát còn nguy hiểm hơn thuế má: thuế tăng ai cũng thấy, còn lạm phát giống như nhà nước nhè nhẹ móc túi khiến tiền vơi dần mà không ai để ý.

Đừng vội tin con số chính thức về lạm phát của nhà nước. Ở Mỹ lạm phát trung bình trong suốt 20 năm chỉ dưới 4% nhưng giá nhà, tiền y tế, giữ trẻ và học phí đại học nhảy vọt 100-200%. Con số lạm phát của nhà nước chỉ gồm những thứ mà người ta muốn có (wants, như quần áo, tivi, tủ lạnh lên giá chậm) thay vì những món người ta phải có (needs, như bia rượu, nhà ở, y tế, giữ trẻ, đại học giá tăng nhanh.)

Chuyện tiền bạc còn dài dài nhưng xin để dành cho những chương sau.

TÓM TẮT

  1. Tiền nhà nước (fiat money) có thể cột vào vàng hay thả nổi cho thị trường quyết định.
  2. Nhà nước in quá nhiều tiền sinh lạm phát.
  3. Tiền điện toán (bitcoin) được ưa chuộng vì không do nhà nước ấn hành mà cũng không bị nhà nước kiểm soát bởi chẳng ai tin nhà nước.
  4. Thuyết Tân Tiền Tệ có vẻ ngụy biện nhưng đừng vội chê mà hãy tìm hiểu thêm.
  5. Lạm phát là một thứ thuế của nhà nước len lén móc hầu bao dân chúng vì tiền nằm trong túi nhưng cứ nhè nhẹ cạn dần.

 

[1] Deficit Myth. Tác giả Stephanie Kelton

[2] Modern Monetary Theory. Tác giả L Randall Wray

 

Monday, May 24, 2021

 

Kinh Tế Dễ Hiểu: Tiền Đô La Mỹ (Chương 8)

 

Bàn về tiền không thể không nhắc đến USD. Nhiều nước ghanh tức Hoa Kỳ được hưởng tiện nghi quá đáng (exorbitant privilege) nhờ vào vai trò của USD trong khi dân Mỹ tức tối họ phải mang gánh nặng quá đáng (exorbitant burden) cũng vì USD. Chính quyền Hoa Kỳ xử dụng USD như một loại vũ khí lợi hại trên bàn cờ địa chính trị quốc tế cho nên trong cuộc tranh hùng Mỹ-Trung việc phá vỡ trận đồ USD dù ít được nhắc đến nhưng quan trọng không kém so với các lãnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, kỷ thuật và quân sự.

Năm 1944 tức gần cuối Thế Chiến Thứ Hai 44 quốc gia tham dự hội nghị Bretton Woods ở Mỹ để tìm một đơn vị tiền tệ quốc tế nhằm giúp cho mậu dịch toàn cầu được suông sẻ, với hy vọng chiến tranh sẽ không xảy ra một khi thương mại được thắc chặc. Lấy thí dụ trước hội nghị nước Anh khi mua bán với Pháp phải đổi tiền Franc, mua bán với Mỹ phải dùng USD hay Yen với Nhật, cho nên thủ tục phiền toái và tốn kém. Kết thúc hội nghị Bretton Woods chọn USD làm đơn vị tiền quốc tế: giá trị USD cột vào vàng, rồi tiền Anh, Pháp, Nhật, v.v… đều neo theo USD. Như vậy hàng hóa mua bán giữa các nước dùng chung một đơn vị đo lường và hoán đổi là USD. Việc này giúp thương mại toàn cầu thuận tiện hơn là đổi tiền riêng lẻ giữa từng cặp hai quốc gia với nhau[1].

Sang đến thập niên 1960 nước Mỹ thiếu tiền vì chi tiêu quá mức vào chiến tranh Việt Nam và trong cuộc Chiến Chống Nghèo Đói (War On Poverty) của Tổng Thống Lyndon B. Johnson. Các nước lo Mỹ in thêm tiền khiến USD mất giá nên đòi đổi USD lấy vàng. Mỹ sợ hết vàng cho đến năm 1971 Tổng Thống Richard M. Nixon đơn phương tuyên bố Mỹ “tạm thời” không đổi USD ra vàng, thay vào đó thả nổi giá trị USD so với đồng Yen, Mark, Franc, v.v..do thị trường quyết định (“tạm thời” kiểu Mỹ nên 50 năm sau vẫn còn nổi lình bình!)

Năm 1979 Saudi Arabia đạt thỏa thuận với Hoa Kỳ để bán dầu nhận USD (gọi là Petrodollar.) Giá dầu trong cuối thế kỷ 20 lên xuống bất thường nên nước nào nhập cảng dầu cũng phải dự trữ USD.

Nền kinh tế Mỹ xoay chiều từ sản xuất (manufacturing) sang thiết kế (design), dịch vụ (service economy) và tiêu thụ (consumption); từ xuất cảng sang nhập cảng. Mỹ trước đây là công xưởng của thế giới tự do trong Thế Chiến Thứ Hai nay trở thành thị trường nhập cảng lớn nhất hoàn cầu. Do Hoa Kỳ thâm thủng mậu dịch nên các đối tác thương mại gồm Nhật và các con rồng Đông Á (bán hàng hoá) cùng OPEC (bán dầu hỏa) ồ ạt thu vào những khoảng lợi nhuận khổng lồ. USD lẻ ra theo đó mất giá nhưng để tiếp tục duy trì lợi thế cạnh tranh nên nhiều nước dùng biện pháp thao túng tiền tệ (currency manipulation) bằng cách tích trữ USD không cho lưu hành (cũng giống như đào hồ chứa nước vào mùa mưa: USD bị chận không cho tràn vào thị trường để không mất giá.)[2]

Năm 1998 khủng hoảng tài chánh Đông-Á bắt đầu từ Thái Lan khi tư bản ngoại quốc rút vốn USD tháo chạy khiến đồng Bhat thủng đáy lúc quỹ dự trử USD của Thái cạn sạch. Khủng hoảng nhanh chóng lây lan từ Thái Lan ra toàn vùng Đông Á rồi chạy sang Nam Mỹ và Đông Âu khiến nhiều nhà cầm quyền bị lật đổ như tại Nam Hàn, Đài Loan, Phi, Indonesia, Brazil. Rút tỉa bài học này nên các quốc gia đang phát triễn gồm Trung Quốc, Nga, Nam Hàn, Đài Loan và vùng Đông Nam Á đều quyết định hổ trợ xuất cảng để thu vào USD càng nhiều càng tốt. Các nước trong khu vực Đông-Á tích lũy quỹ dự trử ngoại tệ khổng lồ như một công hai việc: (1) thao túng tiền tệ để tạo lợi thế cạnh tranh, (2) tăng ngoại tệ dự phòng trường hợp tư bản nước ngoài tháo vốn.

Dân Mỹ sướng vì tha hồ mua hàng trả bằng USD (tiện nghi quá đáng – exorbitant privilege) trong khi các nước xuất cảng thu vào USD rồi cất đó mà không dám xài để nâng cao mạng lưới y tế, giáo dục, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường cho dân họ.

Dân Mỹ khổ vì USD giá cao nên hãng xưởng di dời ra nước ngoài khiến công nhân mất việc làm (ghánh nặng quá đáng – exorbitant burden.) Thất nghiệp mà vẫn có mua hàng xài, vậy mới hay!

Nhiều nước dự trữ USD rồi gởi tiền sang Mỹ để kiếm chút đỉnh lời vì Hoa Kỳ được xem như chốn giữ tiền an toàn (safe haven). Mỹ dễ dàng vay mượn với lãi suất thấp nên cả nhà nước lẩn dân chúng đều tiêu xài thẳng tay.

Nước nào cũng cho Hoa Kỳ vay nên nợ công của Mỹ (Treasury Bills, hay T-Bills) có giá trị tương đương USD: thí dụ Việt Nam mua T-Bills của Mỹ nhưng cần tiền mặt trước khi T-Bills đáo hạn; Việt Nam có thể bán T-Bills cho Ấn Độ đổi lấy USD. Như vậy T-Bills và USD giống nhau đến 99.9% (trừ một ngoại lệ vào dịch cúm Tàu tháng 03-2020 chỉ trong vài ngày thị trường không chịu trao đổi T-Bills mà chỉ muốn USD. Lý do trong cơn hốt hoảng cao độ ai nấy chỉ lo thủ vàng và tiền mặt.)

Câu chuyện ngược đời mỗi lần khủng hoảng kinh tế vị trí của đồng USD lại càng thêm vững chắc. Thứ nhất, Hoa Kỳ được xem là nơi gởi tiền an toàn nên gặp lúc khó khăn nhiều nước tranh nhau gởi tiền cho Mỹ với lãi suất thấp. Thứ nhì, các nhà đầu tư trên thế giới thường rút USD tháo chạy khi gặp khủng hoảng: trường hợp năm 1998 Thái Lan cạn USD khiến đồng Bhat thủng đáy là một, nhưng năm 2008 các ngân hàng Âu Châu thừa Euro mà thiếu USD vào lúc tư bản tháo vốn ra khỏi Nam Âu. Cho nên NHTƯ (Ngân Hàng Trung Ương) Hoa Kỳ phải thiết lập khẩn cấp các đường dây hoán chuyển ngoại tệ (currency swap) cung cấp USD cho NHTƯ Âu-Nhật để rồi Âu-Nhật bơm USD vào hệ thống ngân hàng tư và các nền kinh tế của Nam Hàn, Đài Loan, Mã Lai, v.v…tránh tình trạng kẹt vốn dây chuyền. Như vậy vai trò của USD mặc nhiên cũng cố mỗi lần khủng hoảng.

***

Phần trên cho thấy USD vừa là (1) tiền quốc tế cho thương toàn cầu, (2) tiền dự trữ quốc tế. Do chưa ai “chê” USD nên USD tiếp tục giữ ngôi vị thống trị. Người Mỹ gọi USD tạo thành Network Effect tức Mê Hồn Trận cột trói chằng chịt. Nga-Tàu dù tức giận nhưng vẫn chưa gỡ ra nút thắt:

Lý do chính là trong đám mù kẻ chột làm vua. Đồng Euro chưa biết có sẽ tan rã hay không. Đồng NDT (Nhân Dân Tệ, còn gọi là Ren Min Bi tức RMB) do nhà nước Trung Quốc kiểm soát chặc chẻ giá trị thay vì được quyết định bởi thị trường nên quốc tế và doanh nghiệp nước ngoài e sợ Bắc Kinh vì lợi ích riêng tư mà gây thiệt hại cho họ. USD bị Mỹ chi phối nhưng còn cơm ăn thay vì NDT bị Tàu thao túng chỉ húp cháo. Thí dụ dễ hiểu, đại gia Việt Nam gởi của cải qua Mỹ (hay Âu, Úc) chớ không dại gì chuyển tiền sang Tàu.

Trung Quốc lại là nước xuất cảng nhiều hơn nhập cảng nên ít có nước nào thặng dư mậu dịch với Tàu hòng tích lũy NDT.

USD hiện chiếm 60% kho dự trữ ngoại tệ trên toàn thế giới. 60% thương mại toàn cầu dùng bằng USD. 90% các dịch vụ đổi tiền hàng ngày dính líu đến USD. Vì đa số các giao dịch trên quốc tế ít nhiều liên quan đến USD, tức liên hệ đến ngân hàng Mỹ, nên Hoa Kỳ mới có thể đơn phong tỏa thương mại một nước như Iran: Mỹ không cấm được Tây hay Tàu buôn bán với Iran nhưng có quyền chặn không cho tiền thông qua các ngân hàng Mỹ. Điều này cũng như trong quân sự đóng chốt chận tuyến lưu thông.

***

Đồng USD quá mạnh nên Hoa Kỳ lạm dụng quyền lực này một cách bừa bãi. Các tổng thống từ Dân Chủ cho đến Cộng Hòa đơn phương dùng USD như vũ khí trừng phạt đối phương mà không cần thông qua Liên Hiệp Quốc. Vừa dễ mượn tiền lại in tiền trả nợ nên Hành Pháp lẫn Quốc Hội đều ăn xài thẳng tay, còn việc cãi nhau để cân bằng ngân sách chỉ là vỡ kịch mùa tranh cử dụ khị dân chúng bỏ phiếu cho phe mình.

Thiệt hại trước mắt là công nhân Mỹ mất việc do giá USD cao nên hãng xưởng di dời ra ngoại quốc khiến Hoa Kỳ gánh chịu lỗ lả khi mua bán với nước ngoài.

Thiệt hại trong tương lai khi nợ nần chồng chất nên thế giới đổi ý không cho vay mượn. Khi đó lãi xuất và lạm phát sẽ tăng vọt ở Mỹ. USD in ra càng nhiều càng mất giá. Nhà nước sẽ phải tăng sưu cao thuế nặng trả nợ khiến dân tình oán than, kinh tế suy sụp.

Nhà tỷ phú dầu hỏa Paul Ghetty từng nhận xét “Nếu bạn mượn ngân hàng $100 phải lo trả. Nếu bạn thiếu $100 triệu đến phiên ngân hàng năng nỉ bạn trả.” (If you owe the bank $100 that’s your problem. If you owe $100 million that’s the bank problem.) Việt Nam cũng có câu chuyện tương tự là người thiếu nợ ngập đầu than vãn với chủ kiếp này trả không xong xin chết đầu thai làm trâu ngựa trả nợ; chủ nợ nghĩ thầm mình lại phải tốn tiền mua trâu ngựa rồi nuôi cho nó ăn, thôi đành an ủi ráng sống để từ từ trả nợ.

Một ngày nào đó cả thế giới phải nhào vào cứu vớt USD vì Mỹ xập tiệm thì Tàu Việt cũng tiêu!

***

Nhung các đối thủ (Nga, Tàu) hay đối tác (Âu) không chịu thua mà tìm đủ mọi cách phá vỡ vòng kim cô USD để tránh bị phong tỏa kinh tế[3] lại điểm trúng tử huyệt của nền trật tự tự do toàn cầu (liberal world order) do Mỹ gầy dựng trên nền móng USD. Giải pháp nào sẽ hất ngã USD trong khi cả NDT lẫn Euro đều còn ít đáng tin hơn USD? Dưới đây là vài phỏng đoán thay vì dựa trên chứng cớ vững vàng.

Giữa Trung Quốc, Nga và Iran đều thiết lập những đường dây hoán đổi ngoại tệ (currency swap) mà không thông qua hệ thống ngân hàng Mỹ. Thí dụ Iran bán dầu thu vào NDT rồi dùng NDT nhập cảng máy điện toán từ Trung Quốc (với điều kiện các máy điện toán này không chứa đựng bản quyền Mỹ trong đó.) Ngân hàng Iran có thể đổi trước một lượng tiền nội địa ra NDT dự trữ giao dịch mà không cần chờ đợi phải thu NDT từ bán dầu mới mua hàng Trung Quốc.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của nhiều quốc gia nên Bắc Kinh muốn biến Đông Nam Á thành khu vực mậu dịch bằng NDT: các nước Đông Nam Á mua bán lẫn nhau và với Trung Quốc dùng NDT, còn giao thương ra thế giới bên ngoài tiếp tục dùng Euro, Yen hay USD. Mô hình này có thể lan sang cả Phi Châu và Nam Á là những khu vực mà Trung Quốc có ảnh hưởng rất mạnh. Giao thương như vậy thuận tiện vì trao đổi trực tiếp trong khu vực và với đối tác thương mại quan trọng nhất bằng một đơn vị tiền chung (NDT) mà không phải đổi ra một đồng tiền thứ ba (USD, Euro.) Một nước như Việt Nam nhập siêu với Trung Quốc (thiếu NDT) mà xuất siêu với Mỹ (dư USD) có thể đổi USD ra NDT mua bán hàng từ Trung Quốc hay các lân bang.

Ant Group (thuộc Alibaba) và WeChat là hai tập đoàn tài chánh điện toán lớn và thành công nhất thế giới nhằm cung cấp dịch vụ cho vay, mở trương mục và mua bán dùng NDT – tức là giống như ngân hàng. Vì là ứng dụng trên điện thoại cầm tay nên hai tập đoàn này thâm nhập sâu trong xã hội đến từng cửa hàng nhỏ lẻ (kể cả những người bán hàng rong) hay những người tiêu thụ ở các vùng quê hẽo lánh vốn không có chi nhánh ngân hàng. Nếu Ant Group và WeChat phát triển dùng nhãn hiệu địa phương của từng quốc gia Đông Nam Á sẽ kết nối trực tiếp 655 triệu dân chúng trong vùng với thị trường sản xuất và tiêu thụ khổng lồ ở Hoa Lục, tức là thành hình một khối mậu dịch chặc chẻ hơn cả RCEP và CPTPP với xương sống là đồng NDT nhưng qua đường dây trực tiếp hoán chuyển ngoại tệ chằng chịt theo hệ thống 4G hay 5G.

Dù vậy, khả năng đồng NDT trở thành một đơn vị tiền tệ quốc tế thay thế USD rất thấp. Lý do Trung Quốc (1) kiểm soát chặc chẻ giá trị đồng NDT, (2) không muốn nợ nước ngoài, (3) không chấp nhận thâm thủng mậu dịch cho nên không đủ NDT lưu hành ra nước ngoài để trở thành trữ lượng ngoại tệ quốc tế.

Nhưng Bắc Kinh không cần thay thế USD bằng NDT. Tiền quốc tế tuy mang đến nhiều lợi lộc (exorbitant privilege) nhưng đồng thời cũng là một gánh nặng (exorbitant burden) như đã phân tích phần trên. Trái lại Bắc Kinh chỉ cần một đơn vị tiền quốc tế nào đó – không phải là NDT – để thay thế USD cũng đủ để khiến nền kinh tế Mỹ suy yếu giúp Trung Quốc đánh bại siêu cường hàng đầu trên thế giới.

Một trường hợp có thể xãy ra là Trung Quốc, Nga và Âu Châu sẽ đề nghị một loại giỏ tiền tệ điện toán quốc tế – vừa giống Bankcor của John M. Keynes lại qua hệ thống điện toán kiểu Libra của Facebook. Ưu điểm nơi không một quốc gia nào có thể thao túng tiền tệ để tạo ưu thế cạnh tranh nên dễ được thế giới chấp nhận thay thế USD. Khuyết điểm cũng chính nơi Trung Quốc không thể thao túng tiền tệ nhằm nâng đỡ bán hàng ra ngoại quốc. Cho nên giải pháp nói trên chỉ có thể xảy đến sau khi Bắc Kinh thành công chuyển đổi trọng tâm nền kinh tế Trung Quốc từ xuất cảng sang tiêu thụ nội địa.

Kinh Tế Dễ Hiểu xin thành thật thứ lổi vì đi vào các lãnh vực phức tạp thành ra…khó hiểu.

TÓM TẮT: tiền trình quốc tế hóa USD trải qua 4 giai đoạn

  1. Năm 1944 hội nghị quốc tế Bretton Woods chọn USD làm đơn vị tiền giao thương quốc tế cột vào giá trị vàng.
  2. Năm 1971 tổng thống Richard M. Nixon thả nổi đồng USD không còn neo theo vàng.
  3. Năm 1979 Saudi Arabia nhận bán dầu bằng USD nên nước nào cần mua dầu cũng phải tồn trữ USD
  4. Năm 1998 tư bản nước ngoài tháo vốn rút USD bỏ chạy khiến đồng Bhat của Thái Lan thủng đáy. Các nước Đông Á rút kinh nghiệm từ bài học khủng hoảng tài chánh Đông Á nên đẩy mạnh xuất cảng nhằm thu về và tích lũy các khoảng dự trữ USD khổng lồ để phòng vệ.
  5. Lý do USD tiếp tục nắm giữ vị trí tiền tệ quốc tế vì trong đám mù kẻ chột làm vua: Euro không vững còn NDT bị Tàu thao túng nên nước nào cũng sợ.

 

[1] John M. Keynes trong phái đoàn Anh đề nghị một loại tiền quốc tế gọi là Bankcor thay vì dùng USD. Bankcor là một loại giỏ ngoại tệ nên không nước nào có thể nước thao túng hối đoái nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, nhờ vậy giữa các quốc gia sẽ không xảy ra chiến tranh thương mại. Thí dụ nếu dùng Bankcor Mỹ sẽ không bị thâm thủng với Trung Quốc và Việt Nam như từ năm 2000 cho đến nay. Nhưng cuối cùng hội nghị Bretton Wood chọn USD làm tiền quốc tế vì lý do chính trị: sau Thế Chiến thứ hai Mỹ là nền kinh tế sản xuất lớn nhất hoàn cầu còn các nước Âu Châu đều cần mua hàng và nhận viện trợ Mỹ để tái thiết. 

[2] Nếu đơn vị tiền quốc tế là Bancor (như John M. Keynes đề nghị) thì các nước không thể thao túng Bancor (vốn là một loại giỏ tiền tệ) như đã thao túng USD. Nhiều người cho rằng sau Thế Chiến Thứ Hai Mỹ khôn quá hóa dại.

[3] Âu châu phản đối Mỹ dùng USD đơn phương phong tỏa mậu dịch với Iran. Đức lại tức giận vì Mỹ đe dọa dùng USD phong tỏa các công ty Âu Châu tham dự đường ống dầu hỏa Nordstream II do Merkel-Putin hợp tác chủ trì.

Saturday, June 12, 2021

 

Kinh Tế Dễ Hiểu: Thị Trường Tiền Tệ (Chương 9)

 

 Người Mỹ nhìn nền kinh tế theo hai góc cạnh:

  1. Main street (khu phố chính) bao gồm công ăn việc làm và giá cả tiêu dùng hàng ngày nên liên quan đến cuộc sống thiết thực trong dân gian.
  2. Wall street (khu phố Wall) hay là thị trường tài chánh vốn ảnh hưởng đến giới đầu tư tiền và nhà đất.

Nói cách khác, khu phố chính ví như cơ bắp còn khu phố Wall như máu huyết trong cơ thể. Hai bộ phận này tuy liên hệ chặc chẻ nhưng đôi khi…chẳng ăn nhằm gì nhau: lực sĩ cho dù cơ bắp mạnh mẽ nhưng đứt mạch máu vẫn lăn ra chết!

Trường hợp dễ thấy nhất trong đại dịch Vũ Hán, tuy thất nghiệp ồ ạt nhưng giá nhà và chứng khoáng lại bay bổng ở Mỹ (và Việt Nam.) Dân chúng mất job thì tiền đâu mua nhà? Lý do được giải thích là do lãi xuất thấp và chính sách tiền tệ cởi mở của NHTƯ (Ngân Hàng Trung Ương) giúp nhiều người dễ mượn tiền mua nhà khiến giá địa ốc tăng; phân lời ngân hàng quá thấp nên giới đầu tư (bao gồm các quỹ bảo hiểm, hưu trí, tiền tiết kiệm,…) phải đổ tiền vào nhà đất và cổ phiếu để kiếm lời. Điều này cho thấy đời sống trong khu phố Wall không gần gũi với khu phố dân: thành phần có tài sản sở hữu nhà đất và chứng khoáng giàu thêm ngay trong hoàn cảnh giới lao động thợ thuyền mất việc.

Trong chính sách tiền tệ có hai cụm từ thường được nhắc đến gồm:

  1. Financial Liberalization: giải phóng (hay cởi trói) tiền tệ; và
  2. Financial Repression: ép buộc tiền tệ.

Hai chính sách này phức tạp nên Kinh Tế Dễ Hiểu chỉ trình bày qua vài thí dụ nhằm giúp người đọc có khái niệm tổng quát.

***

  1.  Cởi trói tiền tệ trong nước.

Nói đơn giản là nhà nước cắt giảm các quy định ràng buộc giới tài chánh ngân hàng (deregulation) nhằm khuyến khích tạo thêm cơ hội đầu tư mới cho dân chúng và giới kinh doanh. Chủ ý trong thị trường tự do càng có nhiều cơ hội càng dễ nắm lấy làm giàu (đồng thời cũng dễ mất vốn.)

Thí dụ tiền mua nhà để ở là tiền chết. Nhưng nếu nhà nước tháo gởi các quy định nhằm giúp ngân hàng dễ dãi cho người sở hữu địa ốc vay mượn bằng cách cầm cố nhà đất (refinance) để có vốn kinh doanh hay có tiền tiêu xài thì tiền chết lại trở thành tiền sống. Tiền không còn bị cột vào căn nhà mà được giải phóng (ngược lại nợ tăng mà tiêu xài quá mức hay kinh doanh cẩu thả sẽ…mất nhà!)

Ngân hàng trước đây cho vay mua nhà rồi thu tiền hàng tháng, tức ngân hàng chết vốn do tiền thu vào chậm chạp trong suốt 30 năm. Ngược lại nhà nước cởi trói quy định cho phép ngân hàng bán nợ củ (mortgage securitization) gây vốn mới. Ngân hàng có thêm vốn mới rồi lại tiếp tục cho vay tức là tăng số người mua nhà khiến thị trường địa ốc và kinh tế phát triễn. Nhờ ngân hàng bán nợ địa ốc cho các nhà đầu tư nên giới kinh doanh giả sử sống vùng xa xôi như Trung Đông hay Texas cũng có thể mua lại nợ và tham dự vào các thị trường địa ốc nóng hổi của Cali, Vancouver, Sydney… Ngành địa ốc được toàn cầu hóa nên bốc hỏa nhờ vốn không còn giới hạn theo từng địa phương (trước đây chỉ có dân Cali mua nhà Cali) mà vốn đến từ khắp mọi vùng trong nước và trên toàn thế giới (bây giờ nhà giàu Ấn Độ cũng đầu tư được vào địa ốc Cali.) Ngược lại chuyền tay bán nợ qua lại nhiều lần không còn biết ai là chủ nợ nên từ ngân hàng đến nhà đầu tư sinh cẩu thả bơm lên bong bóng địa ốc 2008.

Cởi trói tiền tệ đi đôi với đại chúng hóa thị trường tài chánh (democratization of finance), tức là tạo cơ hội rộng mở đến cho mọi người dù vay mượn hay đầu tư. Điều này lại đi đôi với Internet.

Trước đây chỉ các tay sừng sỏ mới tiếp cận được những thông tin “đi trước.” Nay nhờ Internet nên tin tức lan truyền nhanh chóng và tràn ngập trên Twitter, Reddit giúp cho giới đầu tư nhỏ lẻ tranh đua không thiệt thòi so với các đại gia. Sân chơi rộng mở được để thu hút đại chúng (Ngược lại khi mà chị Tư bán hột vịt lộn ở chợ Gò Vấp cũng nóng ruột theo dõi thông tin bitcoin thì bong bóng sắp vỡ tan!)

Phí giao dịch (trading fee) ở Mỹ 30 năm trước là 25 USD mỗi lần mua bán chứng khoáng, nay không tốn một đồng xu nhờ vào các hãng cạnh tranh trên Internet. Thị trường tài chánh được đại chúng hóa (democratized) nên người ít tiền nay cũng tham dự giống như người nhiều tiền (ngược lại do không trả phí nên nhiều người đâm ghiền chứng khoán như ghiền bài, thay vì đầu tư đâm ra đen đỏ!)

Một cuộc cách mạng tài chánh (financial revolution) hiện đang diễn ra nhờ vào các công ty tài chánh điện toán (Fintech, hay financial technology.) Dân chúng ở  rừng núi hay thôn quê cho đến nay vẫn không tiếp cận được với các dịch vụ tài chánh vì không có chi nhánh ngân hàng ở những vùng hẻo lánh. Nhưng nay ai cũng cầm tay điện thoại thông minh nên trong tương lai gần các hảng Fintech sẽ cho phép mở trương mục và giao dịch qua điện thoại. Công ty Fintech sẽ theo dõi thương vụ của một bà bán hủ tiếu ở Cà Mau mua bán với khách hàng qua điện thoại thông minh (thay vì dùng tiền mặt) nên biết hủ tiếu bà ngon có nhiều khách hàng, công ty Fintech sẽ đề nghị cho bà vay vốn để thay vì cả đời phải gánh hàng rong nay có cơ hội khuếch trương thành cửa tiệm.

Câu chuyện này không phải giả tưởng vì Alibaba và Wechat là hai công ty hiện đang dẫn đầu thế giới trong các thương vụ nhỏ lẻ trên mạng – một thí dụ được nhắc đến là ăn mày ở Trung Quốc nay nhận tiền qua điện thoại thông minh vì  không ai có tiền mặt (không biết có thật không.) Fintech còn rất nhiều ứng dụng khác, nhưng đi đôi với microfinance (tài chánh vi mô) sẽ giải phóng tiền tệ nhằm phát huy một cuộc cách mạng tài chánh làm thay đổi bộ mặt nhân loại từ thành thị cho đến thôn quê.

***

  1. Cởi trói tiền tệ ngoài nước.

Trong Chiến Tranh Lạnh tư bản Tây Phương không thể đầu tư sang khối cộng sản để bóc lột công nhân. Nay bức màn sắt sụp đổ thì mọi quốc gia đều được khuyến khích mở cửa để vốn đầu tư tự do lưu thông giữa các nước (financial liberation) theo trào lưu toàn cầu hóa.

Vốn nước ngoài dùng đầu tư xây dựng hạ tầng, nhà máy và thuê mướn nhân công tức có lợi cho tăng trưởng GDP. Ngược lại vốn nước ngoài cũng bị lạm dụng vào những công trình đầu tư kém hiệu quả. Vốn nước ngoài còn bơm lên bong bóng trong thị trường địa ốc (khu chung cư, khu du lịch…) và chứng khoán. Đến khi lạm phát tăng, ngân hàng và giới đầu tư nước ngoài tháo vốn bỏ chạy sẽ gây ra khủng hoảng tài chánh như khủng hoảng Tequilla Mễ Tây Cơ 1994, Đông Á 1998, Nga và Đông Âu 2000, Nam Mỹ 2002 và Nam Âu 2010.

Nước tìm chỗ trũng thì tiền cũng biết chạy vòng quanh thế giới kiếm lời. Thị trường nhà đất ở Nhật bị sụp vào đầu thập niên 1990 nên tiền chạy sang Đông Nam Á và Đông Âu tìm các con rồng sắp cất cánh. Khi Đông Á và Đông Âu bị khủng hoảng vào cuối thập niên1990 tiền lại đổ vào Mỹ và Nam Âu bơm thành hai bong bóng địa ốc rồi vỡ tung năm 2007 (Mỹ) và 2010 (Nam Âu.)[1]

Một đặc điểm là tiền bạc lưu thông dễ dàng nên các cuộc khủng hoảng tài chánh lây lan nhanh như dịch cúm Tàu, chủ yếu do tâm lý hoảng loạn của giới đầu tư. Năm 1997 giới đầu cơ rút vốn từ Thái Lan, tin xấu đồn đại khiến giới đầu tư hoảng hốt đua nhau tháo chạy khỏi Nam Hàn, Indonesia, Philippines…làm toàn vùng Đông Á bị vạ lây (người Mỹ gọi là drive by shooting, tức là ở gần không can hệ gì mà vô duyên lãnh đạn.) Sang thế kỷ 21 tư bản thua lỗ trong thị trường địa ốc Mỹ (khủng hoảng tài chánh Hoa Kỳ 2007) đâm ra nhát vốn ồ ạt rút khỏi Nam Âu (khủng hoảng Euro 2010-2012.)

Tiền bạc ở đâu có mà chạy vòng quanh thế giới như vậy? Một lý do được giải thích là thế giới hiện ngập lụt tiền tiết kiệm (savings glut). Các nước Âu-Mỹ-Nhật đông người lớn tuổi lo để dành tiền hồi hưu trong những quỹ hưu trí khổng lồ. Các nước bán dầu như OPEC, Nga, Na Uy tồn trữ những khoảng tiền kết sù vào những năm giá dầu tăng vọt. Cán cân mậu dịch chênh lệch và tình trạng thao túng ngoại tệ giúp các nước Đông Á như Nam Hàn, Trung Quốc, Việt Nam…tích lũy những khoảng dự trữ USD khổng lồ. Sau cùng là tình trạng giàu nghèo chênh lệch: nhà nghèo có bao nhiêu tiền xài hết trong khi nhà giàu xài không kịp, nhờ tiền bạc lưu thông dễ dàng nên đại gia Mỹ, Nga, Trung Quốc, Việt Nam, Trung Đông, Ấn Độ dư tiền của mua nhà đất ở Cali, Vancouver, Sydney, Singapore, Sài Gòn, Thượng Hải, Hồng Kông, Mumbai,…bơm lên bong bóng địa ốc trên toàn thế giới!

Lý do thứ hai là do các Ngân Hàng Trung Ương Mỹ và EU in tiền ào ạt. Tiền bạc dư thừa nên các ngân hàng Âu-Mỹ chỉ nhận gởi tiền với lãi xuất âm, cho nên tiền phải chạy đi kiếm lời sang thị trường địa ốc và chứng khoáng ở Tây Phương hay cho các nước đang mở mang vay mượn. Một ngày nào đó khi lạm phát và lãi suất ở Tây Phương tăng thì tiền lại rút ngược về Âu-Mỹ tạo thành một cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới!

Tóm lại, IMF trước đây khuyến khích tiền lưu thông tự do giữa các nước nay đâm ra đắn đo dè dặt.

***

  1. Trói buộc tiền tệ (financial repression)

Đã có cởi trói tiền tệ thì phải có cột trói tiền tệ. Một hình thức trói buộc tiền tệ là cột giá hối đoái (currency manipulation.) Thí dụ Trung Quốc xuất cảng nhiều hơn nhập cảng với Hoa Kỳ thì lẽ ra NDT (Nhân Dân Tệ) phải lên giá so với USD (Mỹ cần đổi nhiều USD sang NDT để mua hàng Tàu.) Tuy nhiên Trung Quốc ép giá đồng NDT bằng cách nhận vào rồi tích lũy USD trong quỹ dự trữ mà không cho lưu hành nhằm ngăn không cho giá trị NDT tăng cao so với USD để tạo lợi thế cạnh tranh. Điều này cũng giống như đào hồ chứa nước chống lụt vào mùa mưa.

Thao túng hối đoái tuy đối với nước ngoài nhưng lại liên hệ chặc chẻ đến trói buộc tiền tệ trong nước. Nhà nước và công ty Trung Quốc tăng lợi nhuận nhờ vào xuất cảng lẽ ra tăng lương hay bảo hiểm xã hội cho dân chúng và nhân viên[2]. Nhưng Bắc Kinh bắt các công ty Trung Quốc gởi USD vào ngân hàng, rồi ngân hàng Trung Quốc phải tăng mức USD trong quỹ dự trữ ngoại tệ nên tiền giữ trong quỹ mà không được tiêu xài để cải thiện đời sống dân gian.

Do an sinh xã hội không được cải thiện nên dân chúng Trung Quốc phải tiết kiệm phòng khi bệnh hoạn, già yếu hay dùng trong giáo dục con cái. Giá nhà Trung Quốc cao vời vợi nên giới trẻ phải lo để dành tiền mua nhà. Nhà nước quy định mức lãi suất tiết kiệm ngân hàng rẻ mạt nhằm giúp ngân hàng có vốn cho các công ty quốc doanh và tư bản thân hữu vay với lãi xuất thấp. Do nhà nước quyết định lãi suất ngân hàng (thay vì thị trường tự do quyết định lãi xuất) nên đây là chính sách cột lãi xuất ngân hàng nhằm dùng tiền tiết kiệm của dân chúng hổ trợ cho nhà giàu (công ty quốc doanh và tư bản thân hữu) vay miễn phí [3].

Nhà nước Trung Quốc không cho ngân hàng và công ty tài chánh nước ngoài mở chi nhánh nhằm giúp các ngân hàng Trung Quốc không tăng lãi suất để cạnh tranh. Dân chúng Trung Quốc cũng không có nhiều cơ hội đầu tư đành gởi tiết kiệm vào các ngân hàng nhà nước cho dù lãi suất thấp.

Nhà nước Trung Quốc kiểm soát chặc chẻ lượng tiền USD thoát ra ngoại quốc, nhờ vậy chận được các đại gia trong nước tháo vốn bỏ chạy ra nước ngoài vào năm 2016. Đây cũng là một phương cách trói buộc tiền tệ không cho lưu thông tự do giữa các nước.

Không riêng gì Trung Quốc mà các nước Âu-Mỹ cũng có chính sách ép buộc tiền tệ. Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ giữ lãi suất thấp bằng cách in tiền mua nợ công và tư. Do phân lời ngân hàng thấp nên giới đầu tư bắt buộc phải kiếm lời bằng cách đổ tiền vào thị trường địa ốc và chứng khoán khiến giá nhà và cổ phiếu bay bổng cho dù thất nghiệp cao trong mùa dịch Vũ Hán. Chính sách của NHTƯ làm lệch lạch (distort) sự vận hành của thị trường tự do, bơm lên hai bong bóng khổng lồ mà NHTƯ đang kiếm cách xì hơi từ từ (tapering) thay vì đợi bong bóng nổ!

TÓM TẮT

  1. Giải phóng tiền tệ tạo thêm nhiều cơ hội cho dân chúng đầu tư, nhưng đồng thời cũng sinh ra nhiều rủi ro.
  2. Vốn nước ngoài lưu thông dễ dàng giúp phát triễn kinh tế nhưng cũng bị lạm dụng vào đầu tư kém hiệu quả. Đến khi giới đầu cơ rút vốn sẽ gây ra khủng hoảng tài chánh lây lan rất nhanh sang các nước lân cận.
  3. Ép buộc tiền tệ gồm cột giá hối đoái, nhà nước quy định lãi xuất thấp và không chi tiêu đủ vào an sinh xã hội. Dân chúng phải tiết kiệm bằng cách bớt tiêu thụ nên nhà nước dùng tiền tiết kiệm để hổ trợ chơ các công ty quốc doanh và giới tư bản thân hữu.

 

 [1] Trung Quốc tuy bị vạ lây nhưng tránh được các cuộc khủng hoảng nói trên nhờ kiểm soát chặc chẽ dòng tiền ra vào.

[2] Lương bổng và an sinh xã hội tuy tăng nhanh ở Trung Quốc nhưng vẫn không bắt kịp mức tăng trưởng GDP.

[3] Khuyết điểm là mô hình kinh tế Trung Quốc nặng về tiết kiệm (hổ trợ cho xuất cảng) mà kém tiêu thụ. Để tránh bớt lệ thuộc vào xuất cảng nên Bắc Kinh đang cố chuyển đổi năng mức tiêu thụ nội địa.

Thursday, June 24, 2021

 

Kinh Tế Dễ Hiểu: Khủng hoảng Tiền Tệ (Chương 10)

 

Khủng hoảng kinh tế có 2 hình thức: khủng hoảng cung cầu và khủng hoảng tài chánh. Khủng hoảng cung cầu do chiến tranh hoặc thiên tai (hạn hán, động đất, dịch bệnh,v.v…) khiến hảng xưởng bị tàn phá, mùa màng bị thất thu. Hàng hóa không cung cấp đủ cho nhu cầu nên cơ bắp của nền kinh tế trở nên yếu đuối bại hoại.

Khủng hoảng tài chánh do nơi tiền và bao gồm bong bóng, lạm phát, nợ trong nước, nợ ngoài nước và khủng hoảng ngân hàng. Tiền như máu huyết trong cơ thể nên khi nghẽn mạch máu – tức là dòng tiền bị đứt lưu thông – thì nền kinh tế sẽ bị tê liệt.

Tiền một khi được cởi trói (financial liberalization) sẽ tự do chảy tìm ngõ ngách kiếm lời. Nguồn tiền nếu dồi dào (tiền đầu tư từ nước ngoài, hoặc một mối đầu tư mới hấp dẫn thu hút tiền vào) sẽ thôi thúc giới kinh doanh hám lợi mà trở nên liều lỉnh, cẩu thả rồi dẫn đến thất thoát, đầu tư kém hiệu quả và bong bóng. Trường hợp các ngân hàng hay công ty tài chánh cho vay nhiều nợ xấu đến lúc phải ngừng cho vay, hoặc kẹt vốn đành bán tháo tài sản khiến thị trường chứng khoáng và nhà đất tụt giá. Doanh nghiệp bị ảnh hưởng dây chuyền buộc phải cắt giảm đầu tư hoặc đóng cửa. Dân chúng lo sợ mất công ăn việc làm nên bớt tiêu thụ. Thuế thu vào ít đi, nhà nước vừa giảm thu lại tăng chi cho trợ cấp thấp nghiệp cùng các gói kích cầu khiến ngân sách bị thâm thủng nghiêm trọng.

Ngược lại tiền bị cột trói (financial repression) cũng dẫn đến khủng hoảng tài chánh. Nhà cầm quyền hạn chế những cơ hội đầu tư nên dân chúng không có nhiều chọn lựa mà phải gởi tiết kiệm vào ngân hàng với phân lời thấp do nhà nước quy định. Ngân hàng thu vào tiền giá rẻ, đến phiên cho nhà nước, các công ty quốc doanh hay tư bản thân hữu vay mượn với lãi xuất ưu đãi. Quen thói làm càng nên những thành phần kinh tế nói trên sinh tật hối mại thất thoát và đầu tư kém hiệu quả. Kết quả ngân hàng rồi sẽ phải ôm đồn một khối nợ xấu.

Đến lúc kinh tế suy thoái, nhà nước tăng chi còn NHTƯ (Ngân Hàng Trung Ương) phải bơm tiền cứu vớt các ngân hàng con sẽ khiến lạm phát tăng và đồng bạc mất giá so với ngoại tệ. Tư bản nước ngoài sợ thua lỗ nên khi tháo chạy không chỉ rút vốn ra khỏi quốc gia khủng hoảng (như Thái Lan 1997 hay Hy Lạp 2010) mà ùa theo đám đông thối lui toàn bộ một khu vực (Đông Á 1997, Nam Âu 2010) khiến nhiều nước lân cận bị vạ lây – lý do vì các quốc gia trong cùng một khu vực thường phát triễn theo mô hình tương tự như nhau nên đến lúc khủng hoảng rất dễ bị lây lan. Nhiều nước nguy ngập phải cầu viện đến IMF giúp điều đình xin tư bản ngoại quốc đáo nợ, giảm nợ hay trì hoãn hạn kỳ trả nợ.

Thí dụ nói trên không tiêu biểu cho một cuộc khủng hoảng vì không có hai khủng hoảng tài chánh nào giống nhau. Mục đích nơi đây chỉ nhằm cho thấy khủng hoảng tài chánh nguy hại và lây lan nhanh không kém gì vi-rút Vũ Hán. Kinh Tế Dễ Hiểu có vài nhận xét như sau:

  1. Lý do khủng hoảng tài chánh trầm trọng và lâu hồi phục là khi tiền dồi dào dễ vay mượn thì các nhà đầu tư dùng nợ làm đòn bẩy kinh doanh (leveraging.) Thí dụ một người bỏ vốn 10 ngàn mua chứng khoáng nếu thị trường tăng 10% sẽ lời 1 ngàn. Nhưng nếu họ dùng 10 ngàn đặt cọc (deposit) làm đòn bẩy mượn tổng cộng 100 ngàn mua nhà, đến khi giá nhà tăng 10% sẽ lời 10 ngàn tức là gấp 10 lần nhiều hơn không dùng đòn bẩy. Đòn bẩy là cách mang tám lượng đẩy ngàn cân trong truyện Tàu.
  2.     Thí dụ nói trên cho thấy bong bóng nhà đất thường là một dấu hiệu đi trước khủng hoảng tiền tệ như ở Mỹ 2007 và Nam Âu 2010. Các trường hợp khủng hoảng tài chánh khác gồm sàn chứng khoáng Hoa Kỳ bị sụp vào Đại Khủng Hoảng 1929; Thái Lan vì nợ đầu tư kém hiệu quả nên bị giới đầu cơ thao thúng giá hối đoái 1997; nợ và đầu tư kém hiệu quả ở Trung Quốc và Việt Nam 2017.
  3. Khi tiền bạc càng dồi dào (easy money) thì ngân hàng dễ cho vay. Thí dụ ngân hàng lúc trước bắt người đi mượn nợ phải bỏ vốn 10% (10 ngàn), xuống 5% rồi chỉ còn 0% (không cần vốn). Ngân hàng cho vay càng nhiều càng có lời; nhiều người mượn tiền mua nhà khiến giá địa ốc tăng nhanh; giá nhà tăng nên ngân hàng dễ gọi giới đầu tư góp thêm vốn mới cho vay. Vòng xoáy cứ thể bơm lên bong bóng ngày càng phình to.
  4. Người mua dùng căn nhà thế chấp nợ nên thiếu tiền trả nợ hàng tháng thì ngân hàng tịch thu nhà mà vẫn lời (do giá nhà tăng.) Ngân hàng nắm đàng cán nên không sợ bị lỗ.
  5. Đến khi gánh nợ quá nặng thì gãy cán đòn. Dùng đòn bẩy khi giá cả tăng lời nhanh nhưng lúc xuống lỗ nặng. Ngân hàng nhát vốn không dám cho vay, doanh nghiệp lẫn tư nhân đều lo trả các khoảng nợ chồng chất trong thời gian dài – người Mỹ gọi là deleveraging – đành cắt giảm đầu tư và chi tiêu khiến nền kinh tế phục hồi chậm chạp (slow recovery.)
  6. Ở Mỹ khủng hoảng tài chánh và địa ốc năm 2007 mãi cho đến 2019 mới trở lại mức thất nghiệp 3% (nhưng ngay sau đó bị dịch cúm Tàu 2020 khiến Trump thất cử.) Tại Âu Châu khủng hoảng Euro năm 2010 cho đến giờ này chưa hồi phục. Nước Nhật chiếm kỷ lục bong bóng địa ốc vỡ vào cuối thập niên 1980 nay vẫn chưa thoát ra nạn trì trệ (Thêm vào đó là nạn lão hóa trầm trọng ở Nhật khiến kinh tế không tăng trưởng.)
  7. Ngược lại các nước Đông Á phục hồi nhanh sau khủng hoảng tài chánh so với những nước công nghiệp. Trung Quốc 1988, Nam Hàn-Đài Loan-Philippines-Indonesia 1998, Trung Quốc và Việt Nam 2017 chỉ mất 2-3 năm để trở lại mức độ tăng trưởng củ (Khủng hoảng 2007 không được liệt kê nơi đây vì lây lan từ bên ngoài thay vì do bong bóng trong nước.) Lý do vì GDP những nước Đông Á phát triển nhanh 6-10% mỗi năm trong khi các nền kinh tế trưởng thành Âu-Mỹ-Nhật chỉ tăng trưởng 1-2.5% một năm. GDP tăng nhanh nên tỷ số nợ so với GDP teo dần rồi biến mất. Thí dụ một người mới đi làm lương 50 ngàn mượn nợ 100 ngàn thấy quá lớn nhưng đến lúc lương tăng 200 ngàn thì 100 ngàn nợ củ chẳng là bao!

Kinh tế của Trung Quốc đang trưởng thành, dân chúng bắt đầu lão hóa nên tăng trưởng sẽ thụt xuống còn khoảng 3% trong vài năm nửa, tức là Bắc Kinh khó xoay sở trong các cuộc khủng hoảng tài chánh tương lai. Ngược lại Việt Nam có thể phát triển 7-8% thêm một khoảng thời gian dài cho nên lỡ bị khủng hoảng thêm 1-2 lần vẫn còn cơ hội đối phó!

  1. So với Đông Á thì các nước Nam Mỹ vỡ nợ dài dài (serial default) từ thập niên 1980 cho đến nay. Nam Mỹ lệ thuộc vào xuất cảng nguyên vật liệu (commodities) nên lúc kinh tế thế giới tăng xuất cảng nguyên vật liệu theo đó lên cao, còn gặp khủng hoảng thì nguyên vật liệu mất giá. Các nước Nam Mỹ vay mượn lúc tăng trưởng đến chu kỳ suy thoái đâm ra vỡ nợ.

Ngược lại Đông Á chú trọng xuất cảng công nông nghiệp, lại dìm giá hối đoái giúp bán hàng rẻ để thu vào và tích trữ ngoại tệ phòng khi khủng hoảng. Các nước Đông Á rút kinh nghiệm từ bài học 1998 nên bắt chước sự thành công của Nam Hàn, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc,…thu hút đầu tư nước ngoài khiến toàn vùng Đông Á trở thành khu vực kinh tế năng động và nhiều triển vọng nhất hoàn cầu từ thập niên 1970 cho đến nay.

  1. Đầu tư nước ngoài có hai hình thức: đầu tư trực tiếp (FDI hay Foreign Direct Investment) tức doanh nghiệp nước ngoài xây nhà máy hay hạ tầng, vừa tạo công ăn việc làm, vừa chuyển giao công nghệ lại khó tháo vốn, nên là kiểu đầu tư thường được ưa chuộng[1].

Ngược lại nguồn vốn nước ngoài thay vì xây cất hảng xưởng có thể đi theo dòng tiền tự do lưu thông. Tiền nước ngoài tràn vào nhanh thì rút ra cũng dễ. Tiền bơm vào địa ốc và chứng khoáng đến khi bong bóng vỡ thoát vốn tháo chạy. Các nhà đầu tư một khi rút vốn lại hùa nhau thoái lui theo từng khu vực khiến nhiều nước bị vạ lây.

Cho nên IMF trước đây cổ vỏ cởi trói tiền tệ nay cũng sinh ra dè dặt.

  1. Nợ gồm có trong nước và ngoài nước. Nợ ngoài nước thường dùng ngoại tệ (USD) trong khi nợ trong nước dùng đồng bạc nội địa.

Nếu mượn nước ngoài bằng USD phải trả bằng USD. Lỡ cạn kiệt USD nước đi vay phải xin hoãn nợ, tái cấu trúc nợ (hạ thấp lãi xuất hay kéo dài thời gian trả nợ), hoặc nhờ vã IMF cho vay bắt cầu (bridge loan) và làm trung gian điều đình với chủ nợ. Chuyện quịt nợ ít xãy ra vì chủ nợ vẫn có thể thưa kiện toà án nước ngoài để tịch thu tài sản ở ngoại quốc. Khi đồng tiền nội địa bị mất giá so với USD thì doanh nghiệp vay mượn bằng USD có nguy cơ phá sản do không đủ USD trả nợ.

Các nhà đầu tư ngoại quốc thường đòi phân lời cao (6-7% cao hơn thị trường) để bù đắp rủi ro khi cho quốc gia nợ xấu vay mượn. Họ tính toán trừ trường hợp bị quịt nợ ngoài ra đáo nợ hay tái cấu trúc nợ cũng vẫn có lời. Cho nên nhiều nước tuy vỡ nợ dài dài (serial default) mà vẫn mượn thêm được nợ.     

  1. Nợ trong nước mượn bằng tiền nội địa. Nhà nước quịt nợ bằng cách giết chết chủ nợ (tái cấu trúc nợ kiểu này xảy ra dưới thời vua chúa và cộng sản – cho nên có trường hợp con cháu mấy chục năm sau vẫn ra tòa án đòi nước Nga trả nợ sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ), đổi tiền hay đơn phương hạ mức trần lãi suất. Các biện pháp này gây rất nhiều xáo trộn xã hội nên phương pháp thường dùng là tăng lạm phát!

Nhà cầm quyền in tiền khiến tiền mất giá nên nợ cứ bốc hơi cạn dần. Bình  thường nhà nước thu thuế để trả nợ thì lạm phát là một hình thức thuế má rất thâm độc đánh lén lên dân chúng khiến tiền trong tủ sắt cứ vơi dần mà ít ai để ý biết đến.

Lạm phát vừa vừa thì dân chúng than van vật giá ngày càng đắc đỏ. Trường hợp lạm phát phi mã (hyperinflation – trên 40% một năm) trở thành khủng hoảng tiền tệ sinh nhiều ra xáo trộn xã hội. Trường hợp Venezuala năm 2020 lạm phát 10,000,000% nhưng chính quyền Malduro vẫn còn tồn tại được!

  1. Để kết luận phần này Kinh Tế Dễ Hiểu xin sơ lược trận Khủng Hoảng Tài Chánh Toàn Cầu 2007 (GFC hay Global Financial Crisis) để cho thấy mức độ lây lan và nguy hiểm của khủng hoảng tài chánh. Mức độ trầm trọng của biến cố chỉ thua cuộc Đại Khủng Hoảng 1929 (Great Depression), và ít nhiều liên quan đến khủng hoảng Euro 2010 rồi khủng hoảng tài chánh Trung Quốc 2017.

Vào đầu thế kỷ 21 Hoa Kỳ đứng trên đỉnh điểm quyền lực theo trào lưu dân chủ hóa, toàn cầu hóa, tự do mậu dịch và cuộc cách mạng điện toán. Ngành tài chánh ngân hàng ở Mỹ tưởng chừng như vững chắc như đồng: NHTƯ dưới thời Alan Greenspan khắc phục được nạn lạm phát, trong khi chính sách cởi trói tiền tệ tạo môi trường cho giới phù thủy tài chánh (financial engineering) thi thố phù phép biến hóa ra nhiều cơ hội đầu tư mới, hấp dẫn và ngoạn mục.

Do NHTƯ hạ lãi suất xuống thấp từ sau biến cố 9/11 nên dòng tiền phải đi tìm lợi nhuận. Kinh doanh địa ốc ở Mỹ vừa có lời lại an toàn không kém nợ công Hoa Kỳ (T-Bills), lý do giá nhà ở Mỹ chỉ biết tăng mà không giảm! Cho nên các quỹ đầu tư và hưu trí Tây Phương, tiền bạc của Đông Á và Trung Đông tranh nhau đổ vào ngành địa ốc Hoa Kỳ. Ngân hàng Mỹ có sáng kiến là thay vì chết vốn cho mượn tiền mua nhà trả góp trong vòng 30 năm, nay ngân hàng bán chuyền tay nợ địa ốc (mortgage securization) cho các nhà đầu tư trong hay ngoài nước.  Nhất cữ lưỡng tiện vì ngân hàng gây thêm vốn mới trong khi giới kinh doanh quốc tế có cơ hội đầu tư vào nhà đất ở Mỹ. Ngân hàng càng nhiều vốn cho vay càng có thêm người mua đẩy giá nhà lên cao; giá địa ốc tăng càng thêm nhiều người muốn đầu tư; vòng xoáy dây chuyền cứ như vậy bơm lên thành bong bóng bay lên đụng trời.

Ngân hàng ham lời nên cho vay dễ dàng, dần dần trở thành cẩu thả đến mức những người không bỏ vốn mà không đủ sức mua nhà vẫn mượn được nợ. Ngân hàng thúc giục thân chủ đi vay dùng nợ làm đòn bẩy để chỉ trả tiền hàng tháng rất ít rồi đợi đến lúc giá nhà tăng bán lại kiếm lời. Ngân hàng giảm thiểu rủi ro bằng cách pha trộn nợ tốt với nợ xấu thành từng gói nợ rồi chặt mỏng thái từng lát nợ (tranche) bán cho giới đầu tư – kiểu như bán chả lụa thịt heo trộn thịt chuột! Vậy mà giới đầu tư vẫn tranh đua mua vì những gói nợ này được các hảng tín dụng như Moody’s hay Standard&Poors cho điểm AAA+ với lý do ngành địa ốc không bao giờ thua lỗ!

Siêu đại công ty AIG lại bảo đảm thêm an toàn cho giới đầu tư bằng cách bán bảo hiểm cho các gói nợ địa ốc không bị mất giá (credit default swap.) AIG tính chỉ thu lời mà không sợ lỗ, lý do vẫn là đầu tư vào địa ốc không bao giờ thua lỗ! 

…Cho đến ngày thua lỗ trong địa ốc. Giá nhà tăng quá cao hết người mua. Người mua nhà không đủ tiền trả hàng tháng phải chịu mất nhà. Giá nhà rơi xuống thảm hại. Các ngân hàng và giới đầu tư bị đe dọa phá sản bởi những gói nợ độc hại (toxic mortgages), nhưng Bộ Tài Chánh Hoa Kỳ quyết định không cứu vớt đại ngân hàng Lehman Brothers nhằm dạy cho giới kinh tài phố Wall bài học đầu tư cẩu thả. Không ngờ khi giới tài chánh thấy một trong ngũ đại ngân hàng bị sập tiệm nên hoảng hốt xét lại sổ sách mới vỡ lẽ tất cả các ngân hàng và công ty tài chánh đều ít nhiều ôm nợ độc hại. Đáng sợ nhất do nợ xấu trộn lẩn vào nợ tốt nên sau khi buôn bán chuyền tay vài lần rốt cục không còn biết ngân hàng sắp vỡ nợ vì nắm trong tay bao nhiêu nợ xấu hay tốt!

Toàn bộ các ngân hàng sợ hụt vốn lo thủ tiền mặt nên không dám cho doanh nghiệp bên ngoài vay ngắn hạn vào đầu tháng để trả lương và thanh toán hóa đơn. Doanh nghiệp tê liệt phải đóng cửa hay sa thải nhân viên. Đại công ty AIG bị đe dọa phá sản vì lỡ bảo hiểm nhiều gói nợ độc hại. Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ ngành địa ốc lan sang tài chánh ngân hàng rồi bao phủ toàn bộ nền kinh tế.

Tin đồn các ngân hàng Âu Châu thua lỗ nợ địa ốc ở Mỹ khiến giới đầu tư Âu châu hoảng hốt rút vốn USD (do giao dịch quốc tế phần lớn dùng USD.) Ngân hàng Âu Châu (và Nhật) thừa Euro (và Yen) nhưng thiếu USD đành phải cầu cứu NHTƯ Hoa Kỳ mở các đường dây hoán chuyển ngoại tệ (currency swap) bơm USD vào hệ thống ngân hàng Âu-Nhật, rồi đến phiên ngân hàng Âu-Nhật bơm USD vào các ngân hàng Đông Âu, Nam Hàn, Đài Loan…

Ngân hàng Âu Châu thua lổ ở Mỹ khi xem sổ sách mới khám phá ra chính họ cũng đã cẩu thả cho Hy Lạp vay với lãi xuất cực rẻ, lý do vì Hy Lạp là thành viên Euro cho dù trước đó thuộc loại quốc gia nợ xấu dây chuyền (serial default.) Nhà nước Hy Lạp gian lận sổ sách trong khi bong bóng địa ốc đã bơm lên căng phòng từ năm 2000. Ngân hàng Âu Châu hoảng hốt không những tháo chạy khỏi Hy Lạp mà còn rút vốn ra khỏi 3 nước lân cận gồm Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha khiến toàn vùng Nam Âu mang họa. Khối Euro từ đó rạn nứt giữa Bắc Âu (nhà giàu hà tiện) và Nam Âu (nhà nghèo xài sang.)

Trung Quốc bị ảnh hưởng dây chuyền do nhu cầu tiêu thụ của Tây Phương co rút. Tàu không bán được hàng hóa nên ngừng mua nguyên vật liệu của Úc và Nam-Mỹ đến phiên Brazil  Argentina ngã nhào. Cuộc khủng hoảng tài chánh lây lan ra toàn cầu giống như vi-rút Vũ Hán.

Trung Quốc giờ này bị phê bình nhưng phải thành thật nhận xét Bắc Kinh có công tung ra một gói kích cầu khổng lồ 586 tỷ USD vào năm 2007 (tương đương với 16% GDP của Trung Quốc thời bấy giờ) nhờ vậy góp phần chận đứng khủng hoảng không trầm trọng thêm. Gói kích cầu này một mặt thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc tăng vọt nhưng đồng thời cho giới tư bản thân hữu vay đầu tư cẩu thả vào những khu phố ma dẫn đến cuộc khủng hoảng năm 2017 ở Trung Quốc

Khủng Hoảng Tài Chánh Toàn Cầu (2007) không những dẫn đến khủng hoảng Euro (2010) và khủng hoảng tài chánh Trung Quốc (2017) mà còn để lại nhiều ảnh hưởng vô cùng sâu đậm về chính trị và xã hội cho đến giờ này vẫn chưa thấy hết hậu quả: chính sách bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông từ sau Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008; Brexit và Donald Trump 2016; trào lưu dân túy ở Đông Âu (Tiệp, Ba Lan), Nam Mỹ (Brazil, Mexico) và Ấn Độ; tâm lý bài Tây Phương ở Nga và Trung Đông.

Khủng Hoảng Tài Chánh Toàn Cầu 2007 vừa bắt đầu qua khỏi thì thế giới bị nhồi thêm Đại Dịch Vũ Hán. Các gói kích cầu khổng lồ khiến kinh tế Mỹ hiện thời bốc hỏa nhưng chỉ là hiệp thứ nhì, còn sau này hậu hoạn kinh tế, chính trị và xã hội sẽ ra sao…Thiên Cơ Bất Khả Lậu!

TÓM TẮT

  1. Khủng hoảng tài chánh gồm có bong bóng, nợ trong nước, nợ nước ngoài, lạm phát và khủng hoảng ngân hàng.
  2. Khủng hoảng tài chánh lây lan rất nhanh do dòng tiền lưu chuyển tự do.
  3. Khủng hoảng tài chánh theo khu vực (Đông Á 1997, Nam Mỹ 2001) hay toàn cầu (Đại Khủng Hoảng 1929, Khủng Hoảng Tài Chánh Toàn Cầu 2007.)
  4. Các nước Nam Mỹ thường bị vỡ nợ theo chu kỳ kinh tế toàn cầu khiến nguyên vật liệu tăng hay giảm giảm giá.
  5. Sau khủng hoảng kinh tế Âu-Mỹ-Nhật phục hồi chậm do GDP tăng trưởng chậm. Ngược lại khu vực Đông Á phục hồi rất nhanh trong vòng 2-3 năm nhờ GDP tăng trưởng nhanh.

 

[1] Một biệt lệ là vốn đầu tư Vòng Đai Con Đường (BRI) của Trung Quốc cho vay kém minh bạch, phân lời cắt cổ, kém hiệu quả lại dùng công nhân Tàu nên không tạo công ăn việc làm cho dân chúng trong nước cho nên bị xem là liều thuốc độc.

 

Sunday, July 18, 2021

 

Kinh Tế Dễ Hiểu: thị trường và rủi ro đạo đức (Chương 11)

 

Đạo đức của thị trường không phải kinh doanh lương thiện mà chính ở chổ đầu tư khôn ngoan và chín chắn sẽ được thị trường tưởng thưởng, bằng ngược lại liều lỉnh hay lảng phí sẽ bị đào thải. Bàn tay vô hình thường xuyên tẩy sạch các sai lầm thì thị trường mới sinh hoạt tự do và lành mạnh.

Sách báo kinh tế Hoa Kỳ lại nhắc đến “moral hazard” hay là rủi ro đạo đức. Giống như cháu hư tại bà tức có can thiệp từ bên ngoài – thường là do bàn tay hữu hình của nhà nước – dung dưỡng bao che khiến thị trường trở nên ỷ lại không cải sửa thói hư tật xấu. Thị trường không tự sửa sai sẽ có ngày vấp ngã giết chết nền kinh tế.

  1. Rủi ro đạo đức toàn cầu

Tính ỷ lại của thị trường trông cậy được chính quyền nuông chiều hay bao che không chỉ giới hạn trong tư bản nhà nước kiểu Trung Quốc và Việt Nam mà cả ở nền dân chủ tư bản của Hoa Kỳ, nay lan rộng ra nhiều nước theo sự ra đời của IMF và trào lưu toàn cầu hoá. Một nghiên cứu[1] cho thấy nhịp độ vỡ nợ của các nước đang phát triển tăng nhanh kể từ ngày cầu cứu được với IMF nhất là trong hoàn cảnh IMF bị bắt bí e sợ khủng hoảng sẽ lây lan từ một nước sang cả khu vực hay toàn cầu. Điều này cũng giống như con hư về nhà vòi vĩnh đòi tiền vì biết cha mẹ không thể từ con!

Một câu chuyên rủi ro đạo đức toàn cầu khác hơi dài như sau:

  • Vào năm 2013 NHTƯ (Ngân Hàng Trung Ương) Hoa Kỳ dự định giảm bớt lượng tiền bơm vào thị trường nhằm ngăn ngừa lạm phát ở Mỹ. NHTƯ trước đó bơm tiền và hạ phân lời để thúc đẩy tăng trưởng sau trận Đại Suy Thoái 2007-08.
  • Lãi xuất ở Mỹ thấp nên giới đầu tư cho những nước đang mở mang vay mượn với phân lời cao.
  • NHTƯ Hoa Kỳ cho biết sẽ giảm lượng tiền lưu hành khiến USD tăng giá và lãi xuất ở Mỹ lên cao.
  • USD theo đó rút ngược chạy về Mỹ làm nhiều nước đang vay mượn chới với do USD tăng giá nên không đủ USD trả nợ.
  • NHTƯ Hoa Kỳ e sợ các nước đang phát triển vỡ nợ sinh ra khủng hoảng toàn cầu nên phải ngừng cắt giảm lượng tiền lưu hành nhằm tái ổn định thị trường tài chánh thế giới.
  • Ngược lại giới đầu tư nhanh chóng rút ra bài học NHTƯ Mỹ “nhát tay” (cold feet) không dám tăng phân lời.
  • Giới đầu tư từ đó ỷ lại được NHTƯ Mỹ bao che.
  • Trái lại NHTƯ Hoa Kỳ bị giới chính trị và quần chúng Mỹ từ tả sang hữu lên án không lo cho nước Mỹ trước tiên mà bao đồng gánh vác việc thiên hạ toàn cầu[2].
  • Câu chuyện này có tên gọi rất hay “taper tantrum”, tức con nít (thị trường) được cha mẹ nuông chiều cho kẹo bánh (lãi xuất thấp), đến khi cha mẹ ép bớt (taper) ăn ngọt (tăng lãi xuất) làm nư dẫy nẩy (tantrum) nín thở mặt mày tím bầm khiến cha mẹ lạnh cẳng (cold feet) chịu thua!
  1. Rủi ro đạo đức ở Mỹ

Giá nhà và chứng khoán ở Mỹ tăng liên tục từ năm 2009 cho đến nay nhờ vào chính sách tiền rẻ (easy money) của NHTƯ bơm tiền[3] và giảm lãi xuất. Nhà và chứng khoáng chiếm toàn bộ tài sản của giới trung lưu thành thị[4] cho nên NHTƯ không dám giảm lượng tiền lưu hành do sợ hai bong bóng địa ốc và cổ phiếu nổ tung! Điều này cũng giống như con bệnh ngặc nghèo (Đại Khủng Hoảng 2007-08) được bác sĩ (NHTƯ) bơm thuốc kích thích (bơm tiền và lãi xuất thấp), nay đâm ra ghiền thuốc phiện (moral hazard) mà bác sĩ (NHTƯ) nhát tay (cold feet) không dám giảm liều thuốc độc!

Dân chúng Mỹ trước đây gởi tiết kiệm vào ngân hàng. Do lãi xuất gần âm nên tiền gởi ngân hàng bị lỗ, dân chúng[5] phải đầu tư chứng khoáng cho dù tăng rủi ro. Nhiều người bơm tiền vào cổ phiếu khiến giá chứng khoáng tăng vọt, đầu tư (investment) trở thành đầu cơ (speculation.) Nay NHTƯ chỉ dọa tăng lãi xuất thì bong bóng chứng khoáng sẽ nổ, quỹ hưu bổng của giới trung lưu sụt giá sẽ khiến họ nổi giận bỏ phiếu cho đảng đối lập trong kỳ bầu cử tương lai.

Lãi xuất thấp nên dân Mỹ mượn tiền mua nhà. Nhiều người mua khiến giá nhà tăng vọt. Ngược lại NHTƯ chỉ dọa tăng lãi xuất thì thị trường nhà đất sẽ đóng băng, giới trung lưu thành thị thấy tài sản hao mòn sẽ giận dữ bỏ phiếu cho đảng đối lập trong kỳ bầu cử tương lai.

Bằng vào NHTƯ tiếp tục chính sách tiền rẻ sẽ có ngày lạm phát! Liều thuốc kích thích mất dần hiệu nghiệm vì không thể tiếp tục bơm tiền và hạ lãi xuất để thúc đẩy tăng trưởng một khi con bệnh sinh lờn thuốc.

Chính sách bơm tiền và hạ lãi xuất làm tăng hố sâu giàu nghèo vì có lợi cho người đang sở hữu tài sản (nhà đất và chứng khoáng) mà không tạo thêm công ăn việc làm hay nâng mức lương cho giới lao động (salaried workers.)

Chính sách bơm tiền và hạ lãi suất đào sâu làn ranh giữa hai thế hệ người lớn tuổi đã mua nhà và giới trẻ mới ra đời không đủ tiền mua nhà giá cả tăng vọt.

Chính sách bơm tiền và hạ lãi suất làm tăng khoảng cách giữa con cái nhà giàu thừa hưởng gia tài (nhà đất và cổ phiểu) và con cái nhà nghèo chỉ có sức lao động.

Chính sách bơm tiền và hạ lãi xuất làm tăng rủi ro đạo đức do giới đầu tư liều lĩnh tin rằng được NHTƯ bao che…cho đến lúc bàn tay vô hình trong quy luật kinh tế sẽ trừng trị nghiêm khắc cả NHTƯ lẫn thị trường về tội hư hỏng.

Trường hợp rủi ro đạo đức do chính sách bơm tiền và hạ lãi xuất của NHTƯ Mỹ là “chuyện lớn”, xin kể thêm một “chuyện nhỏ”: chính quyền Mỹ bảo đảm 250 ngàn USD cho mỗi tài khoảng gởi ngân hàng (FDIC insurance) để tránh cho các ngân hàng tư cạn vốn trong trường hợp dân chúng cuốn cuồn rút tiền (bank run) gặp lúc khủng hoảng. Nhiều ngân hàng tư dựa thế được nhà nước bao che nên liều lỉnh hứa hẹn phân lời cao nhằm thu hút tiền tiết kiệm. Dân chúng cũng an tâm được nhà nước bảo đảm nên chỉ chọn lãi xuất cao mà không cần biết đến ngân hàng tốt hay xấu.

Thí dụ sau cùng về rủi ro đạo đức là tình trạng too big to fail của các đại ngân hàng không sợ sập tiêm do lúc nào cũng được nhà nước cứu cấp, vì một đại ngân hàng vỡ nợ có thể kéo ngã toàn bộ nền kinh tế. Cho nên các đại ngân hàng ỷ thế làm liều còn lỡ bị lỗ mang ra chia đều cho dân chúng trả (tức là dùng tiền thuế.)

  1. Rủi ro đạo đức ở Trung Quốc

Trung Quốc đối mặt với một nghịch lý: kinh tế thị trường dưới sự kiểm soát của đảng cộng sản sinh ra rủi ro đạo đức là Bắc Kinh không chấp nhận mất uy tín và quyền lực nếu thị trường vạch trần và tẩy sạch những cặn bả của chế độ toàn trị.

Mô hình của Trung Quốc không mượn vốn nước ngoài mà dùng nguồn tiết kiệm của dân chúng trong nước[6] [7]. Nhà nước giữ lãi xuất tiết kiệm ở mức thấp; dân chúng gởi tiền vào ngân hàng; ngân hàng cho các địa phương và công ty quốc doanh vay với giá rẻ để xây dựng hạ tầng và công nghiệp nặng. Hạ tầng, lương bổng và quyền lợi công nhân thấp cộng thêm những quy định lỏng lẽo về môi trường hấp dẫn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tạo thành bàn đạp để Trung Quốc nhảy vọt lên nền kinh tế đứng hàng thứ nhì trên thế giới.

Trong lần Đại Suy Thoái 2007-08 Bắc Kinh tung ra một gói kích cầu khổng lồ. Do kinh tế Trung Quốc đã trưởng thành nên nhu cầu hạ tầng và công nghiệp nặng (sắc thép, xi măng, v.v…) ngày càng hạn chế. Dù vậy, các địa phương và công ty quốc doanh quen thói mượn tiền với giá rẻ nên tiếp tục lảng phí vào những công trình kém hiệu năng (xây cất quá nhiều phi trường, xa lộ, khu phố chết,…) tạo thành nợ xấu và tăng trưởng kém chất lượng.

Núi nợ ngân hàng ở Trung Quốc tăng vọt. Bắc Kinh nhận thấy nguy hiểm nên ra lệnh cho hệ thống ngân hàng giảm tín dụng (bớt cho vay.) Các chính quyền địa phương và công ty quốc doanh thiếu hụt do quen thói mượn tiền giá rẻ nên quay sang dùng ngân hàng địa phương làm trung gian phát hành nhiều sản phẩm đầu tư (WMP, hay Wealth Management Product) để thu hút tiết kiệm của dân chúng. WMP không bị giám sát bởi Bắc Kinh bởi vì không trực thuộc hệ thống ngân hàng trung ương. WMP có phân lời cao so với lãi suất tiết kiệm để thu hút dân chúng gởi tiền. Các địa phương cùng công ty quốc doanh dùng WMP đầu tư vào đất đai trưng dụng của toàn dân. Tín dụng dồi dào sinh đầu cơ (speculation.) Giá địa ốc tăng vọt, nhà cửa lại là phần tài sản lớn nhất của dân chúng nên Bắc Kinh không dám giảm lượng tín dụng để xì hơi bong bóng nhà đất. Giả sử bong bóng nhà đất nổ thì các chính quyền địa phương và công ty quốc doanh cũng theo đó lâm nguy.

Dân Tàu biết tiền gởi vào WMP gặp nhiều rủi ro bị chính quyền địa phương và công ty quốc doanh ăn chận và đầu tư lảng phí nhưng vẫn ồ ạt mua WMP[8] vì:

(1) lãi suất quá hấp dẫn

(2) Bắc Kinh sẽ không dám để chính quyền địa phương hay công ty quốc doanh nào vỡ nợ vì sợ mất mặt nhà nước!

Trò cù cưa tay ba giữa Bắc Kinh, các chính quyền địa phương và công ty quốc doanh cùng dân chúng là nguyên do khiến Bắc Kinh không kiểm soát được lượng tín dụng từ năm 2013 cho đến nay. Tập Cận Bình không đạt được mục tiêu lành mạnh hóa thị trường do lạnh cẳng rút lui mỗi lần bong bóng địa ốc hay chứng khoáng bị nổ, hay vì sợ chảy máu ngoại tệ. Nhiều chuyên gia tin rằng khủng hoảng tài chánh từ núi nợ khổng lồ chồng chéo mới là mối đe dọa chính thay cho Trung Quốc thay vì lão hóa hay tăng trưởng chậm.

TÓM TẮT:

  • Rủi ro đạo đức do bàn tay hữu hình (thường là của nhà nước) cản trở bàn tay vô hình không cho tẩy sạch những sai phạm của thị trường.
  • Tăng trưởng của cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều lệ thuộc vào chính sách tín dụng dễ dãi của nhà nước. Hai nền kinh tế lớn ghiền thuốc kích thích chứa hai hậu hoạn (núi nợ) khổng lồ. Nước nào sẽ trở thành siêu cường hạng nhất trong thế kỷ thứ 21 sẽ được quyết định bởi núi nợ nào sập trước.

  [1] This Time Is Different: Eight Century of Financial Folly. Tác giả Carmen M. Reinhart và Keneth S. Rogoff

 [2] NHTƯ Hoa Kỳ có 2 trọng trách được Quốc Hội giao phó gồm (1) tạo công ăn việc làm trong nước Mỹ, (2) bình ổn giá cả ở Mỹ. NHTƯ làm dâu trăm họ vì cả (1) và (2) đều bị tác động trực tiếp bởi toàn cầu hóa, nên muốn lo cho Mỹ phải lo chuyện toàn cầu nhưng lo chuyện toàn cầu không phải lúc nào cũng có lợi cho Mỹ!

 [3] Quantitative Easy hay QE (nới lỏng định lượng) nôm na là bơm tiền. NHTƯ in tiền mua nợ công (T-Bills) và nợ địa ốc (mortgage backed securities) khiến lượng tiền lưu hành trong thị trường tăng đồng thời lãi xuất giảm

 [4] Giới trung lưu thành thị đầu tư trực tiếp vào chứng khoáng bằng cách mua cổ phiếu (bao gồm stocks, ETFs và Mutual Funds) hay gián tiếp qua các quỹ hưu trí (IRA, 401K, pension funds) và bảo hiểm

 [5] Dân chúng ở đây hiểu theo nghĩa rộng bao gồm các quỹ hưu trí, 401K, IRA, quỹ đầu tư (brokerage account), quỹ bảo hiểm của mỗi người dân Mỹ

[6] Nhờ không có đầu tư gián tiếp (tức là mượn vốn nước ngoài) nên Trung Quốc tránh được tình trạng tư bản rút vốn tháo chạy.

 [7] Trung Quốc khuyến khích các công ty ngoại quốc bỏ vốn đầu tư trực tiếp xây cất hảng xưởng trong nước (khác với cho mượn vốn tức đầu tư gián tiếp)

[8] Dân Tàu không có nhiều cơ hội đầu tư: gởi tiết kiệm ngân hàng lãi xuất thấp; thị trường cổ phiếu như trạm đua ngựa; không có những gói đầu tư như ETFs, Mutual Funds để giảm thiểu rủi ro. Dân Tàu lại cần để dành tiền do mua nhà và giáo dục con cái quá đắt trong khi an sinh xã hội kém nên các WMP trở thành hấp dẫn với phân lời cao lại mặc nhiên được nhà nước bảo đảm.

Tuesday, August 10, 2021

 

Kinh Tế Dễ Hiểu: thị trường tài chánh (Chương 12)

 

Ngành tài chánh tuy là nguyên nhân của những cuộc khủng hoảng trầm trọng như tại Đông Á 1998, Mỹ 2007 và khu vực Euro 2010 nhưng đóng vai trò thiết yếu cũng giống như trái tim trong kinh tế thị trường. Nhiệm vụ của thị trường tài chánh là biến tiết kiệm trong dân chúng trở thành nguồn vốn cho doanh nghiệp. Quá trình sạn lọc mang dòng vốn đến với doanh nghiệp tốt để phát triển, kinh tế tăng trưởng thì dân chúng cũng được hưởng lợi ích đầu tư. Bài này tìm hiểu về thị trường tài chánh của Hoa Kỳ và Trung Quốc. Thị trường ở Mỹ đa dạng phong phú nhưng trải qua những chu kỳ thăng trầm. Trong khi đó ở Hoa Lục thị trường tài chánh không phát triển tự do vì chịu sự kiểm soát chặc chẻ của nhà nước; dòng vốn chảy vào các ngành nghề do nhà nước ưu đãi nên sinh ra lãng phí và lạm dụng.

Người dân sau khi tiêu xài nếu còn dư tiền còn 3 chổ để dành hay đầu tư:

  • tiết kiệm (savings tức là gởi tiền vào ngân hàng),
  • đầu tư (investment hay hùn vốn, cho vay, mua chứng khoáng, v.v…),
  • đánh bạc (gambling, gồm cả “chơi stock” theo thói đỏ đen.)

Thị trường tài chánh cung cấp nhiều dịch vụ và sản phẩm qua các ngân hàng và công ty đầu tư tùy theo nhu cầu của dân chúng. Giao dịch qua ngân hàng, trên sàn chứng khoán (stock market) hay sàn trái phiếu (bond market.)

Một người muốn kinh doanh phải gây vốn hoặc từ tiền túi, đi vay mượn (trái phiếu hay bond) hay bán phần hùn (cổ phiếu hay stock.) Nếu chỉ cần vốn ít có thể rút từ tiết kiệm, vay mượn gia đình, hốt hụi hay kêu gọi người quen hùn hạp (private equity). Vốn nhiều phải vay mượn ngân hàng hay bán phần hùn (cổ phiếu.)

  1. Ngân Hàng

Ngân hàng là nơi dân chúng gởi tiết kiệm: phân lời thấp nhưng tiền gởi vào ngân hàng bảo đảm không thua lổ; lúc nào người dân đến rút tiền cho dù là trong ngày hay theo định kỳ (3 tháng, 1 năm,…) ngân hàng phải có đủ tiền thanh toán.

Ngân hàng dùng tiền tiết kiệm của dân chúng để: 1.  cho vay mua nhà, xe; 2. cung cấp tín dụng mua sắm tivi, đồng hồ, nữ trang, v.v…;3.      cho doanh nghiệp vay.

Vì giữ tiền tiết kiệm của dân chúng nên trên nguyên tắc ngân hàng bị giới hạn chỉ được cho vay các khoảng an toàn nhằm tránh thất thoát thua lỗ. Trường hợp ngân hàng gánh nhiều nợ xấu, dân chúng sợ mất tiền kéo nhau đến rút tiết kiệm sẽ khiến ngân hàng hết sạch tiền mặt để trả gọi là bank run.

Ngân hàng mượn tiền ngắn hạn nhưng cho vay dài hạn (borrow short and lend long): tiền thân chủ gởi lúc nào rút ra cũng phải có, trong khi tiền ngân hàng cho vay mua xe trả góp 5 năm, mua nhà trả góp 15 năm. Giả sử lúc bình thường mỗi ngày có khoảng 10-15% dân chúng đến rút tiền thì ngân hàng dự trữ dư ra 20% là đủ. Gặp biến cố 40-50% dân chúng xếp hàng đòi nợ thì ngân hàng không đủ tiền mặt để trả, trong khi tiền cho vay chổ thu vào được chổ không! Ngân hàng khi đó buộc lòng phải bán đổ tháo tài sản (hay là bán nợ) để có tiền mặt. Tài sản theo đó tuột giá khiến ngân hàng rơi vào nguy cơ vỡ nợ[1]!

Ngân hàng chủ (tức Ngân Hàng Trung Ương NHTƯ) quy định mỗi ngân hàng con phải tồn quỹ dự trữ để gặp lúc biến cố tránh thiếu hụt tiền mặt (stress test.) Tiền dự trữ là tiền chết (không cho vay sinh lời) cho nên ngân hàng con thường mặc cả với NHTƯ xin dự trử chỉ vừa đủ thay vì dư ra phòng khi hoạn nạn!

  1. Công ty tài chánh

Người dân ngoài việc tiết kiệm (savings) còn có thể đầu tư (invest) hay đánh bạc (gambling.) Đầu tư chấp nhận rủi ro trong chừng mực trong khi đánh bạc tức đầu tư theo thói đỏ đen. Vài người cờ bạc mát tay lời khủng trong khi đa số bắt chước mua chứng khoáng, bitcoin nóng hổi thì phỏng tay cạn vốn.

Ở Mỹ dân chúng có thể mua cổ phiếu đơn lẻ (individual stocks) hay gián tiếp qua các sản phẩm trung gian (financial products) của những công ty tài chánh (financial institutions)[2]. Các công ty tài chánh ấn hành những bó chứng khoán (quỹ hổ tương như mutual funds, ETFs), mỗi bó gồm nhiều cổ phiếu khác nhau với giá cả hàng ngày tăng hay giảm, lâu ngày bù qua sớt lại vừa hạn chế rủi ro mà có khi còn lời hơn mua chứng khoáng đơn lẻ. Các sản phẩm tài chánh được xấp hạng từ lời nhiều (rủi ro nhiều) hay lời ít (rủi ro ít) để dân chúng chọn lựa tùy theo túi tiền, lứa tuổi hay máu đỏ đen.

Dân Mỹ còn đầu tư vào thị trường chứng khoán gián tiếp qua các quỹ hưu trí (pensions, 401K, IRA). Báo chí cánh tả thường thổi phồng rằng địa ốc và chứng khoán là của giới giàu, nhưng trong thực tế nhà đất và cổ phiếu nay chiếm phần lớn tài sản của các gia đình trung lưu. Cho nên NHTƯ và nhà nước Hoa Kỳ không thể không quan tâm đến giá nhà và giá chứng khoán.

Các công ty tài chánh có nhiều sản phẩm đầu tư hơn ngân hàng. Lý do vì ngân hàng bị ràng buộc phải cho vay an toàn trong khi các công ty tài chánh chỉ minh bạch (transparency) mà không bị trói tay nên đi tìm nhiều cơ hội đầu tư mới. Tiết kiệm trong ngân hàng không sợ hao hụt còn đầu tư với công ty tài chánh phải chấp nhận thắng thua với rủi ro cao.

  1. Giám sát, thẩm định rủi ro, sạn lọc đầu tư và tự do thông tin.

Nhà nước giám sát sự minh bạch và sòng phẳng. Các công ty tín dụng tư nhân thẩm định mức độ rủi ro nhiều hay ít. Các công ty tài chánh tư nhân sạn lọc giữa đầu tư tốt hay xấu. Báo chí thông tin trung thực và giám sát cả nhà nước lẫn tư nhân. Bốn bộ phận này phối hợp lại thì thị trường mới sinh hoạt lành mạnh, dòng vốn (từ tiết kiệm của dân chúng) mới chảy vào các doanh nghiệp mạnh mà đào thải những công ty yếu kém.

Ở Mỹ NHTƯ giám sát những ngân hàng tư nhân lớn và SEC (Security Exchange Commission) thanh tra các công ty tài chánh cùng những công ty niêm yết chứng khoán trên sàn. Sổ sách và kế toán minh bạc giúp nhà đầu tư có đủ dữ kiện đáng tin cậy để chọn lựa bỏ vốn. Nhà nước còn quy định riêng đối với các quỹ hưu bổng (pension) phải đầu tư an toàn vì là tiền già của dân chúng.

Thị trường tài chánh trông cậy vào ba công ty lớn gồm Moody, S&P và Fitch để thẩm định rủi ro đầu tư.

Những công ty tài chánh sạn lọc giữa doanh nghiệp tốt và xấu để chọn mặt gởi vàng. Kết quả lời lổ phải công khai minh bạch trước khi thu hút tiền đầu tư mới.

Báo chí cạnh tranh đăng tải những tin tức đáng tin cậy để người đọc thu thập dữ kiện chính xác nhằm chọn lựa đầu tư. Báo còn phơi bày các sai phạm dù của chính quyền hay tư nhân nhằm tạo dư luận quần chúng áp lực cải thiện.

Ngành tài chánh của Hoa Kỳ đủ những khía cạnh nói trên nên được xem như điểm son của nền tư bản Mỹ. Các công ty tài chánh đầy sáng tạo, minh bạch nhưng không chịu quá nhiều ràng buộc nên táo bạo đầu tư vào những lãnh vực có nhiều triển vọng nhưng cũng lắm rủi ro. Câu nói đầu môi của giới tài chánh Hoa Kỳ trước năm 2007 là “greed is good” tức tham lam rất tốt vì là động cơ thúc đẩy làm việc và sáng tạo. Cộng thêm vào đó chính sách tiền tệ của NHTƯ giúp kinh tế Hoa Kỳ phát triễn trong thời gian dài mà không sinh lạm phát. Giới chuyên viên quốc tế thán phục cho rằng Mỹ đã tìm ra giải pháp lèo lái thị trường nằm trong quỹ đạo an toàn gọi là “goddilock”…cho đến ngày xãy ra cuộc Đại Suy Thoái 2007-08.

Kinh tế gia Hyman Minski có câu viết nổi tiếng “Stability breeds instability” (Ổn Định sinh Bất Ổn, giống như trong Âm có Dương, trong Ngày có Đêm) tức là khi mọi việc đang yên ổn tốt đẹp thì doanh nghiệp và các nhà đầu tư sanh thói ỷ lại đi tìm rủi ro để kiếm thêm lợi lộc. Rủi ro càng nhiều lợi lộc càng lớn, các nhà kinh doanh dần dần bơm lên quả bóng căng phòng cho đến khi bóng vỡ. Khoảng khắc bóng vỡ nay mang tên gọi Minsky moment (thời điểm Minsky.) Thị trường sau đó hốt hoảng tìm chốn an toàn, tái lập ổn định để rồi lại sinh tật đi tìm rủi ro mà tiến vào một chu kỳ thăng trầm (boom and bust) mới. Cách nhìn này trái với kinh tế cổ điển (classical economic) rằng thị trường tự do rồi sẽ đạt đến một trạng thái cân đối và ổn định.

  1. Thị trường tài chánh ở Trung Quốc

Thị trường tài chánh ở Trung Quốc không tự do như ở Mỹ mà nằm dưới sự kiểm soát chặc chẽ của Bắc Kinh qua hệ thống ngân hàng nhà nước. Bắc Kinh quy định lãi xuất tiết kiệm thấp để mượn tiền dân chúng với giá rẻ nhằm cung cấp vốn ưu đãi cho địa phương cùng các công ty nhà nước. Dân Tàu có 2 chọn lựa: hoặc gởi tiền ngân hàng hay mua chứng khoán đơn lẻ (individual stock). Do thiếu thông tin minh bạch nên giá cổ phiếu đơn lẻ theo tin đồn hàng ngày trồi sụt chẳng khác gì chơi lô-tô, nhà cái nhờ có thông tin báo trước thường hay thắng lớn trong khi nhà con thua đậm. Cho nên dù chơi stock rất sôi nổi nhưng dân Tàu vẫn phải chấp nhận phân lời thấp gởi tiền phần lớn cho ngân hàng.

Các ngân hàng cho vay ưu đãi những chính quyền địa phương cùng công ty quốc doanh, một phần để thi hành chiến lược phát triển của nhà nước, phần thứ nhì do mối liên hệ thắt chặt giữa cán bộ ngân hàng và cán bộ nhà nước, cuối cùng để không sợ mất vốn hay mất chức bởi lúc nào cũng được trung ương bao che nếu thi hành lệnh trên. Bắc Kinh biết rõ hiểm họa của nạn tư bản bè phái cùng rủi ro đạo đức của thị trường ỷ lại vào trung ương nhưng không thể nào cải tổ ngành tài chánh mà tránh đổi mới chính trị.

Học kinh nghiệm bài học tư bản nước ngoài tháo vốn trong khủng hoảng tài chánh Đông Á năm 1998 nên Bắc Kinh khuyến khích tư bản Âu-Mỹ-Nhật xây cất hảng xưởng, thuê mướn nhân công và chuyển giao công nghệ mà hạn chế dòng tiền nước ngoài. Các địa phương và công ty quốc doanh mượn vốn rẻ từ tiền tiết kiệm trong nước để thi đua xây cất hạ tầng. Thành phố, xa lộ, phi trường mọc lên như nắm cộng với nguồn nhân lực rẻ để hấp dẫn đầu tư ngoại quốc. Dân chúng tuy phải gởi tiền ngân hàng với phân lời thấp nhưng vẫn hài lòng do có công ăn việc làm, lương bổng tăng và nhà đất, giao thông, điện nước, cầu cống đều được xây mới. Những khoảng tiền hao hụt, phí phạm và lạm dụng được khỏa lấp bởi đà tăng trưởng trên 10% mỗi năm.

Để đối phó với khủng hoảng kinh tế 2007-08 Bắc Kinh tung ra một gói kích cầu khổng lồ 4 tỷ NDT (588 triệu USD) hay 13% GDP lớn nhất thế giới thời bấy giờ. Điểm đáng nói là tiền không chi từ ngân sách trung ương mà do địa phương và ngân hàng huy động vốn. Các chính quyền địa phương được thả lõng nên qua hệ thống ngân hàng địa phương bơm lượng tín dụng tăng nhảy vọt, chỉ trong vòng 2 năm 2009-10 tổng số nợ lên đến 18 tỷ NDT hay 57% GDP. Tín dụng càng dồi dào, địa phương vượt chi tiêu tăng trưởng thì cán bộ mau lên chức.

Nhu cầu hạ tầng giảm dần nhưng tăng trưởng không giảm tất nhiên bên trong có nhiều khoảng đầu tư xấu. Bắc Kinh thấy nguy hạ lệnh giảm lượng tín dụng. Nhưng các công trình đang dang dở dù phí phạm cũng không thể ngừng ngay nên địa phương dùng hệ thống ngân hàng địa phương gây vốn mới bằng cách ấn hàng những sản phẩm làm giàu (Weath Management Product, hay WMP) phân lời cao hơn trương mục tiết kiệm. Dân chúng đổ tiền mua WMP. WMP không bị Bắc Kinh giám sát vì không phải tiền tiết kiệm. Lượng WMP tăng vọt trở thành dòng vốn cho hệ thống tài chánh ma (shadow banking.)

Các địa phương thành lập những công ty tài chánh địa phương LGFV (local government financing vehicle) vay tiền mà không bị trung ương giám sát. LGFV mang “đất của toàn dân” ra làm thế chân mượn nợ. Giá đất tăng, nhiều gia đình mất đất bất mãn nhưng nhìn chung thị trường địa ốc tăng vọt. Dù không chính thức là quốc doanh nhưng giới đầu tư vẫn ưa chuộng cho LGFV vay với phân lời cao do hiểu ngầm được nhà nước bao che. 

Bắc Kinh thấy lượng nợ tăng quá nhanh nên siết chặt tín dụng và giám sát các sản phẩm làm giàu. Thị trường tài chánh ở Trung Quốc thiếu máu (thiếu tín dụng) co thắt vào năm 2013. Bắc Kinh nhát tay sợ khủng hoảng nên tăng lượng tín dụng trở lại lên đến 293% GDP vào năm 2016[3].

NHTƯ Trung Quốc cố gắng kiểm soát lượng tín dụng kể từ năm 2016, nhưng đến năm 2020 tổng số nợ tăng lên 335% GDP[4]. Năm 2018 một LGFV bị cho vỡ nợ nhằm dạy cho giới đầu tư một bài học. Cái khó trên đe dưới búa của Bắc Kinh là nếu để mặc cho quy luật thị trường thanh trừng các rủi ro đạo đức thì giới tài chánh sẽ hoảng loạn dẫn đến khủng hoảng tiền tệ rồi lan đến ngành địa ốc. Nhà đất lại chiếm phần lớn tài sản của dân Tàu nên thị trường địa ốc sụp sẽ khiến dân chúng phẩn nộ. Còn nếu tiếp tục bao che thì nợ xấu ngày thêm chồng chất trong khung cảnh tăng trưởng chậm lại vì thương chiến Mỹ-Trung và nạn lão hóa, cho đến một ngày tăng trưởng không còn đủ để che dấu nợ xấu.

Ở Trung Quốc nợ phần lớn vay mượn trong nước. Trung Quốc có quỹ dự trử ngoại tệ dồi dào. Bắc Kinh có đủ uy quyền bít kín việc chảy máu ngoại tệ bằng cách ngăn cấm  tiền chuyển ra nước ngoài. Dù không sợ nạn tư bản nước ngoài tháo chạy nhưng nợ trong nước vẫn là…nợ; đến khi nợ xấu tràn ngập tức nước vỡ bờ thì tình trạng vỡ nợ sẽ ảnh hưởng đến các công ty và công ăn việc làm trong dân chúng, rồi sau đó lây lan sang ngành địa ốc. Dân chúng sẽ hạn chế tiêu thụ, công ty cắt giảm đầu tư tức là Trung Quốc tiến vào một chu kỳ suy trầm kéo dài để trả nợ (deleveraging.)

Nhiều nhà quan sát cho rằng khủng hoảng tài chánh là hiểm họa trước mắt vốn sẽ bị châm ngòi bởi các khuynh hướng lâu dài như nạn lão hóa và thương chiến Mỹ-Trung. Xuất cảng từ Trung Quốc tăng vọt trong năm 2020 nhờ vào dịch Vũ Hán giúp Tàu thu vào một số ngoại tệ khổng lồ che khuất nợ xấu, nhưng nếu Bắc Kinh lại lockdown do biến thể Delta thì hậu quả không lường trước được.

Điểm an ủi cho Tập Cận Bình vẫn là nước Mỹ Biden cũng mang một núi nợ, núi nào xập trước thì nước kia trở thành cường quốc hàng đầu trong thế kỷ thứ 21!

[1] Điểm trớ trêu là gặp lúc đột biến nợ xấu bán ra không ai mua, cho nên ngân hàng phải bán nợ tốt để có tiền mặt cho dân chúng rút tiền. Nợ tốt bị bán đổ tháo nên phá giá khiến khủng hoảng lây lan sang các khu vực mạnh trong nền kinh tế.

[2] Có 2 cách mua chứng khoáng: mua đơn lẻ theo từng công ty (thí dụ mua 100 stock IBM hay bán 300 stock Amazon) hoặc mua bán theo bó chứng khoáng. Thí dụ thị trường Hoa Kỳ có 500 công ty lớn gọi là S&P500. Công ty tài chánh Vanguard bán từng bó chứng khoáng (S&P500 mutual funds) gồm stock của toàn bộ 500 công ty để rồi sau đó chia đều cho mỗi người mua.

[3] Credit and Credibility. CSIS 10/2018

[4] China debt: how big is it and who owns it? South China Morning Post 05/2020

 

Sunday, August 22, 2021

 

Kinh Tế Dễ Hiểu: Lạm Phát và Giảm Phát (Chương 13)

 

Một gian thương trộn 10% đồng vào vàng rồi rao bán vàng nguyên chất sẽ bị bỏ tù về tội lừa đảo. Nhà nước in tờ giấy bạc 100 đồng nhưng giá trị chỉ còn lại 90 đồng nhưng lại gọi là 10% lạm phát (inflation, tức là tiền mất giá.)

Nếu bạn đọc thay vì mua tivi 32 inch năm nay chờ thêm 2 năm mua tivi 50 inch lớn hơn, đẹp hơn mà giá lại rẻ hơn thì gọi là giảm phát (deflation, tức là hàng hóa mất giá.)

Ai cũng ham thích hàng rẻ nhưng nếu mọi người cùng một lúc hoãn mua sắm tivi tủ lạnh chờ sang năm sẽ khiến cửa hàng ế ẩm, hãng xưởng cắt giảm sản xuất và nhân viên mất việc. Cho nên giảm phát nguy hiểm không kém lạm phát.

Giảm phát thường là những thứ không cần thiết (tivi, tủ lạnh,…ngày mỗi rẻ) trong khi lạm phát lại gồm những món không thể thiếu (tiền xăng, tiền chợ, tiền nhà, tiền giữ trẻ và con đi học, tiền y tế…ngày thêm đắc đỏ.) 

Lạm phát ở mỗi nước lại có ảnh hưởng khác nhau đến đời sống gia đình. Ở các nước giàu lương thực và xăng dầu chiếm khoảng 15% thu nhập nên dân chúng than phiền khi tăng giá, trong khi tại các nước đang mở mang tiền chợ và tiền xăng chiếm đến 40% tiền lương của giới lao động vốn chạy gạo hàng ngày nên tăng giá thì dân tình khốn đốn.    

***

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm phát ở Âu-Mỹ-Nhật:

  1. Nhật và nhiều nước Âu-Châu đang bị lão hóa. Người già tường bớt ăn, bớt mặc, ít mua nhà và xe mới. Nhu cầu tiêu thụ giảm khiến hàng hóa mất giá.
  2. Dây chuyền sản xuất và chuyên chở được hữu hiệu hoá nhờ điện toán và tự động hóa để hạ giá thành. Thí dụ nhà hàng trước đây cần đến 10 nhân viên chạy bàn, nay khách hàng đặt món ăn qua điện thoại cầm tay (QR code) nên chỉ mướn 3 nhân viên để hạ phí tổn. Máy bay 30 năm trước cần 5 phi hành đoàn nay chỉ còn 2 phi công chính và phụ.
  3. Toàn cầu hóa (nhất là công xưởng quốc tế Trung Quốc) khiến quần áo, giày Nike và hàng điện toán tụt giá hàng năm. Chịu khó chờ mua hàng hơi lỗi thời chỉ sau 1 năm để được 30-70% sale.

Giảm phát gây thiệt hại khiến người lao động mất việc hay không dám đòi tăng lương; doanh nghiệp nhỏ lẻ đóng cửa do không thể cạnh tranh với các siêu đại công ty Walmart, Amazon…dùng vốn đè đối phương; trí tuệ nhân tạo đe dọa công ăn việc làm của thành phần chuyên viên trí thức. Giảm phát có lợi cho những người với đồng lương vững chắc, nhờ hàng hoá ngày thêm rẻ nên sức mua ngày càng tăng. Ở Mỹ lại mua hàng Tàu hay Việt mà không có hàng Mỹ cho nên khâu buôn bán dịch vụ (service industry) tăng trong khi khâu sản xuất (manufacturing industry) không mướn thêm công nhân.

Trong hoàn cảnh lạm phát thấp (disinflation) hay là giảm phát (deflation) các Ngân Hàng Trung Ương (NHTƯ) Âu-Mỹ-Nhật xử dụng chính sách tiền rẻ (easy money) tức bơm tiền và giữ lãi xuất thấp. Mục tiêu nhằm thúc đẩy đầu tư và tiêu thụ bằng cách giúp doanh nghiệp vay vốn kinh doanh, dân chúng mượn tiền ăn xài.

Tiền rẻ khiến tiết kiệm lỗ do lãi xuất âm hay phân lời quá thấp, cho nên tiền chạy vào các khoảng đầu tư lời nhiều nhưng thêm rủi ro. Giá nhà và chứng khoáng tăng vọt vì có nguồn tiền đổ vào bơm lên bong bóng tài sản (asset inflation) cho dù thất nghiệp đang cao (trả lời cho câu hỏi thường đặt ra là ai có tiền mua nhà trong khi nhiều người mất việc.) Chính sách tiền rẻ có lợi cho người sở hữu tài sản (địa ốc, cổ phiếu) mà thiệt thòi cho giới sống bằng đồng lương (thuê mướn chổ ở tăng) làm tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Chính sách tiền rẻ có hại cho những người đang vay mượn dài hạn (vì nợ không bốc hơi) trừ phi đáo nợ (refinance, tức vay nợ mới phân lời thấp trả nợ củ lãi xuất cao.) Các tương quan tuy chằng chịt nhưng chỉ cần nhớ là tiền đẻ ra tiền: có tiền và sở hữu tài sản sẽ ngày càng giàu, bằng chỉ trông cậy vào đồng lương cứ chạy gạo dài dài; may mà thừa hưởng tài sản thì đừng bán ăn xài cho hết.  

***

Lạm phát là tiền mất giá. Tiền nhiều, hàng ít nên giá cả phải tăng (Inflation is caused by too much money chasing too few goods – Milton Friedman). Thí dụ gặp lúc kinh tế tăng trưởng, nhiều người đi làm có tiền đua nhau mua sắm khiến hàng hoá trở nên đắt đỏ. Hay ở Mỹ dưới thời cúm Tàu, tuy ở nhà nhưng nhận trợ cấp nhiều hơn đồng lương nên thêm tiền ăn xài thành ra lạm phát.

Lương bổng tăng chậm hơn lạm phát. Lương mỗi năm lên chỉ một lần trong khi tiền chợ cứ tăng hàng tuần. Cho nên một khi lạm phát đã bắt đầu thì tâm lý lo sợ lạm phát (inflation expectation) sẽ khiến lạm phát kéo dài rất khó chữa.

Thí dụ lạm phát năm rồi 5%, đến ngày tăng lương công nhân sẽ đòi  7% bù đắp cho lạm phát năm tới (cho dù không ai biết trước lạm phát năm sắp tới sẽ là bao nhiêu). Tương tự như vậy, doanh nghiệp khi kê giá hàng hoá cho năm sau phải cộng thêm 10% chuẩn bị tăng cho lương bổng và vật liệu mua vào nhảy vọt. Vì tâm lý thị trường lo sợ lạm phát nên giá cả tăng đồng đều và toàn bộ.

Người Mỹ có 2 cách tính lạm phát: lạm phát thực (headline inflation, hay giá cả tiêu dùng (consumer price) của một giỏ hàng hóa cùng các dịch vụ tiêu biểu), và lạm phát lõi (core inflation, tức lạm phát thực trừ tiền xăng và thức ăn. Lý do giá cả nhiên liệu và thực phẩm lên xuống thất thường (do chiến tranh, thiên tai, mất mùa…) cho nên lạm phát thực có thể biến động hanh chóng bất ngờ trong khi lạm phát lõi lên xuống chậm hơn. Giới kinh doanh dùng lạm phát lõi để tiên liệu giá cả hàng hóa cho nên lạm phát lõi mỗi khi đã bắt đầu rất khó ngăn chặn, đôi khi phải gặp kinh tế suy thoái và thất nghiệp mới thay đổi chu kỳ. 

Muốn chấm dứt lạm phát phải diệt trừ tâm lý dự phòng lạm phát. Nhà nước phải làm mạnh và liên tục nuốt liều thuốc đắng trong khoảng thời gian dài 1-2 năm thì thị trường mới tin.

Nếu trong giảm phát phải dùng chính sách tiền rẻ (easy money) bơm tiền và lãi xuất rẻ nhằm thúc đẩy đầu tư và tiêu thụ thì ngược lại khi lạm phát phải siết chặt tiền tệ (money tightening) bằng cách giảm lượng tiền lưu hành và tăng lãi xuất. Hậu quả là tiền khan hiếm khiến người tiêu thụ khó mượn tiền tiêu xài còn doanh nghiệp khó vay vốn kinh doanh, nên công nhân viên mất việc. Ít đầu tư tiêu xài tất giá cả hàng hóa giảm khiến hạ lạm phát.

Ở Mỹ bây giờ muốn thay đổi từ chính sách tiền rẻ sang thắt chặt tiền tệ ở Mỹ rất nguy hiểm. Lý do như đã trình bày phần trên là tiền rẻ sinh ra bong bóng tài sản (asset inflation). Tài sản của giới trung lưu lại nằm trọn trong căn nhà và chứng khoán (các quỹ hưu trí IRA, 401K đầu tư vào chứng khoán) nên siết chặt tiền tệ làm nổ bong bóng tài sản tức là bể nồi cơm và thời điểm hưu trí của giới trung lưu.

Nước Mỹ lạm phát thấp trong suốt 30 năm nhưng nay lạm phát tăng vọt do các khoảng kích cầu khùng điên của Biden (không đi làm mà vẫn dư tiền xài vì được nhà nước in tiền cho không!) NHTƯ và Biden biện hộ là lạm phát ngắn hạn (transitory inflation) do đại dịch Vũ Hán khiến dây chuyền sản xuất và vận chuyển bị trở ngại (khan hiếm chip điện tử; thiếu kiện hàng cho tàu xuyên đại dương – shipping container.)

Lạm phát ở Mỹ trước đây 1-2%, nay đột biến lên 6% nhưng theo nhiều dự đoán cũng sẽ chỉ 2.5-3.5% trong dài hạn tức là thấp hơn nhiều so với các nước khác. Nhưng lạm phát ở Mỹ nguy hiểm bốn chổ:

  1. Lạm phát chưa biết ngắn dài bao lâu nhưng chính tâm lý lo sợ lạm phát đã bắt đầu (nhân viên đòi tăng lương, doanh nghiệp chuẩn bị tăng giá hàng hóa) có thể dẫn đến lạm phát dài dài.
  2. NHTƯ bắt đầu siết chặt túi tiền để chận đứng tâm lý lo sợ lạm phát. Biện pháp này lại có thể khiến bong bóng nhà đất và chứng khoán vỡ làm bễ nồi cơm của giới trung lưu. Còn như NHTƯ nhát tay (cold feet) sợ nổ bong bóng mà tiếp tục chính sách tiền rẻ thì sẽ gặp lạm phát thiệt!
  3. Từ 20 năm nay lạm phát ở Mỹ thấp nhờ xài hàng Tàu giá rẻ. Nếu tranh hùng Mỹ-Trung trở thành chiến tranh ý thức hệ tách rời hai khối kinh tế (decoupling) lạm phát ở Mỹ sẽ nhảy vọt bởi tiền nhiều, hàng ít theo giải thích của Milton Friedman (too much money chasing too few goods.)
  4. Nếu độc trùng Vũ Hán biến thể từ Delta sang Gamma…khiến  chuổi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn lâu dài sẽ càng thêm tiền nhiều, hàng ít và thêm lạm phát.

Lạm phát nguy hiểm cho người tiết kiệm và giới hưu trí có đồng lương cố định. Tiền cất trong túi hay trong tủ sắt mà cứ tự nhiên bốc hơi vơi dần như bị móc túi.

Lạm phát có lợi cho người đang thiếu nợ (nợ bốc hơi nên teo nhỏ lại) mà thiệt thòi cho người cho vay (tiền thu vào mất giá). Nhà nước Mỹ lại ôm núi nợ lớn nhất thế giới nên lạm phát sẽ là một trong những cách nhà nước len lén móc túi dân chúng trả nợ tiêu xài phung phí.

TÓM TẮT

  1. Lạm phát hay tiền bốc hơi; độc hại ở chổ là một thứ thuế kín đáo mà nhà nước dùng để làm vơi túi tiền dân chúng mà không ai biết.
  2. Tâm lý chuẩn bị lạm phát (inflation expectation) là nguyên nhân khiến lạm phát một khi đã bắt đầu rất khó chận đứng.
  3. Giảm phát là giá hàng ngày càng rẻ do (1) người già tiêu thụ ít (2) toàn cầu hóa và điện toán hoá hạ thấp giá thành.
  4. NHTƯ chống giảm phát bằng chính sách tiền rẻ (easy money, bơm tiền và giảm lãi xuất) còn chống lạm phát bằng cách siết chặt túi tiền (money tightening, giảm lượng tiền lưu hành và tăng phân lời).
  5. Giảm phát những thứ không cần thiết (tivi, tủ lạnh…) trong khi lạm phát những món không thể thiếu (tiền nhà, tiền chợ, tiền giữ trẻ và con đi học, tiền y tế).

 

Saturday, August 28, 2021

 

Kinh Tế Dễ Hiểu: Thuế (Chương 14)

 

Thuế và ngân sách tuy được hiểu nhằm phục vụ lợi ích công cọng nhưng nhà nước dùng đó để tái phân phối tài sản quốc gia trong mục tiêu chính trị, ưu đãi một thành phần mà thiệt hại cho phe nhóm khác. Chẳng hạn thuế tài sản là một hình thức trưng thu một phần của cải nhà giàu phân phối cho nhà nghèo. Thuế rượu hay thuốc lá trừng phạt giới ghiền. Chi phí kinh doanh được miễn trừ thuế nhằm khuyến khích dân chúng đầu tư phát triển kinh tế.

Mỗi loại thuế đều va chạm đến quyền lợi phe nhóm nên chính sách thuế má gây ra nhiều tranh cãi gắt gao và thường xuyên bị thay đổi mỗi khi ngọn gió chính trị xoay chiều.  Người Việt nói sưu cao thuế nặng khiến dân tình than oán thì bên Mỹ có biểu đồ Laffer Curve[1] tuy đơn giản nhưng cho thấy khi thuế tăng cao đến một mức nào đó thì tiền thuế thu vào lại giảm vì dân chúng chán nản không còn muốn làm việc. Tranh luận giữa hai cánh tả và hữu là mức thuế đỉnh điểm nằm ở 40%, 50%, 60% hay 70% không bao giờ tìm ra câu trả lời thỏa đáng cho cả hai bên.

Người Mỹ nói “Nothing is certain but tax and death” (Không ai tránh khỏi thuế và chết). Thuế mang ý nghĩa đặc biệt vì lịch sử nước Mỹ được thành hình từ ngày dân chúng thuộc địa nổi loạn chống nhà nước bảo hộ Anh Hoàng với khẩu hiệu bất hủ “Taxation without representation is tyranny” (Bị đánh thuế mà không được có đại biểu là bạo quyền.) Cho nên mỗi kỳ bầu cử đều tranh luận gay gắt về thuế má – nhưng không chỉ là cải cọ vô bổ vì khi thành luật sẽ theo đó móc từ túi tiền của mỗi người dân nhiều hay ít.

Ở Mỹ có hai quan điểm kinh tế gọi là supply-side (trọng cung, đảng Cộng Hòa và gắn liền với tên tuổi Ronald Reagan) và demand-side (trọng cầu, đảng Dân Chủ.) Giới trọng cung chủ trương cắt giảm thuế để khuyến khích nhà giàu đầu tư qua đó tạo công ăn việc làm; đầu tư và mức cung tăng thì giá thành hạ nên đời sống dân chúng được cải thiện. Giới trọng cầu công kích gọi đây là chính sách kinh tế nhỏ giọt (trickle down economics, nhà giàu hưởng trước rồi dư thừa mới nhỏ giọt xuống cho dân nghèo), thay vào đó đánh thuế nhà giàu để tái phân phối của cải nâng đỡ dân nghèo; dân chúng có tiền tiêu thụ thì cầu tăng, qua đó thúc đẩy tư bản đầu tư.

Có đủ kiểu thuế nhưng tiêu bỉểu vài loại như sau:

  1. Thuế lợi tức (income tax) đánh vào mức thu nhập, có thể theo phần trăm nhất định (flat income tax) hay lũy tiến (progressive income tax – tức làm càng nhiều tiền phần trăm thuế càng cao.) Thuế lũy tiến trưng thu tiền nhà giàu phân phối cho nhà nghèo không chịu làm việc, nghe ra công bằng nhưng giả sử làm 1 đồng chỉ đem về 30 xu (70% thuế[2]) chẳng ai dại gì kham khổ làm việc cho cực thân. Xã hội bình đẳng khi nào mọi người đều nghèo đói như nhau (equity = equally poor.)[3] 
  2. Thuế tiêu thụ (consumption tax): có nhiều người đòi bỏ thuế thu nhập thay vào bằng thuế tiêu thụ cho công bằng – xài nhiều thuế nhiều, xài ít thuế ít. Kẹt một chổ là nhà nghèo xài gần 100% tiền lương trong khi giàu do không chịu xài, đâm ra người nghèo chịu nhiều thuế hơn nhà giàu. VAT (thuế giá trị gia tăng) là một loại thuế tiêu thụ. 
  3. Thuế tài sản (asset tax): thuế nhà, thuế xe, v.v… 
  4. Thuế gia tài (estate tax) – hay là chết vẫn còn bị thuế (death tax): người ta đi làm là để gia tài cho con cái thừa hưởng sau này. Nếu thuế gia tài nặng quá mọi người lúc còn sống sẽ ăn xài cho sướng dại gì chết để cho nhà nước chia phần. Còn nếu thuế gia tài thấp quá lại sinh thành đẳng cấp “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa” tức kẻ thù của Dân Chủ và Tư Bản[4]
  5. Thuế xa xỉ (luxury tax): trong khi dân tinh khốn đốn vì dịch bệnh mà bỏ tiền mua Lamborghini lái cho chúng ghét rất đáng bị đánh thuế xa xỉ. 
  6. Miễn thuế (tax deduction) hay khấu trừ thuế (tax credit) là những hình thức nhà nước khuyến khích dân chúng làm việc có lợi ích như mua nhà, nuôi con, để dành tiền hưu trí…miễn bị đóng thuế  

TÓM TẮT

  1. Thuế là cách thức nhà nước dùng để tái phân phối của cải trong xã hội có lợi cho nhóm này mà thiệt hại cho phe khác
  2. Sưu cao thuế nặng thì dân chúng không còn hứng thú làm việc

[1] Laffer Curve do kinh tế gia Arthur Laffer vẽ ra

[2] Ở Mỹ mức thuế liên bang thu nhập lũy tiến cao nhất hiện thời là 37% – nhưng chắc chắn sẽ tăng vọt để trả nợ cho Biden tiêu xài thẳng tay. Cọng vào đó thuế tiểu bang, thuế tiêu thụ, thuế nhà, thuế xe, đủ thứ thuế và thêm những phí phụ trội…tổng cọng lên trên 60%, tức là người đi làm $100 phải nộp cho nhà nước $60.

[3] Xã hội chủ nghĩa = mọi người đều nghèo như nhau (socialism hiểu theo nghĩa rộng)

[4] Tư bản lành mạnh phải có cạnh tranh. Giai cấp sẽ giết chết tính cạnh tranh.

 

Friday, September 3, 2021

 

Kinh Tế Dễ Hiểu: Tâm Lý Thị Trường (Chương 15)

 

 Có hai cách nhìn về thị trường. 

  1. Theo quan điểm thứ nhất mọi người sinh hoạt trong thị trường đều không quyết định cẩu thả lợi vì đụng chạm đến lợi ích riêng tư của mình (self-interest). Mỗi cá nhân có thể đúng hay sai nhưng đến khi tổng hợp các quyết định (dựa vào những dữ kiện đang có[1]) lúc nào cũng sáng suốt cho nên gọi là thị trường hợp lý (rational market.)

Thí dụ kỷ sư A muốn đòi lương cao trong khi B chấp nhận mức lương thấp hơn. Các công ty C, D, E lại trả lương chênh lệch. Tổng hợp nhiều quyết định sẽ đi đến một mức lương chung hợp lý nhất trong thị trường lao động dựa trên dữ kiện ngay vào lúc đó là có bao nhiêu người đang tìm việc và bao nhiêu hảng cần thuê mướn nhân viên.

Trong một thí dụ khác về giá chứng khoán. Nhóm A  đồng ý mua cổ phiếu giá thấp trong khi nhóm B đòi giá cao. Sàn chứng khoán tổng hợp ước đoán của mọi phe tham dự nên quyết định giá hiệu quả nhất giá trị chứng khoán vào thời điểm lúc bấy giờ (efficient market theory.)[2],[3]

Cách nhìn thứ nhất nghe hợp lý nhưng thực tế cho thấy giá cả không phải lúc nào cũng thỏa đáng mà trong nhiều trường hợp tăng vọt một cách phi lý để rồi sau đó xì thảm hại như bong bóng.

  1. Quan điểm thứ nhì (từ John M. Keynes) cho rằng nhóm A không muốn bị vuột hay hố nên khi đưa ra giá cả đã tiên liệu một nhóm khác sẽ trả giá cao hay thấp hơn. Nói cách khác, thị trường giống như sàn đấu thầu hay trên bàn xì phé nơi đó mỗi người dò chừng đối thủ sẽ đuổi theo giá bao nhiêu, để rồi một khi “nóng máu” giá cả sẽ bay bổng lên xuống một cách phi lý bất ngờ. Khi nhận xét về thị trường trường hợp lý Keynes phát biểu “Đơi đến khi thị trường hết điên rồ thì bạn đã cháy túi” (The stock market can remain irrational longer than you are solvent.)

Nếu thị trường hợp lý giá cả sẽ đạt đến mức cân bằng tối ưu (optimal pricing) phù hợp với các dữ kiện đang có. Nếu thị trường không hợp lý tất nhiên giá cả sẽ trồi sụt thất thường. Tuy vậy hai quan điểm nói trên không đối nghịch nhưng lại bổ túc lẫn nhau như hai bộ mặt của một đồng tiền. Nhà đầu tư nổi tiếng Peter Lynch nhận xét “Trong ngắn hạn giá cổ phiếu của một công ty không liên hệ gì đến sự thành bại của công ty đó, nhưng đến dài hạn giá cổ phiếu lại phản ảnh 100% thành quả của công ty.” (Often, there is no correlation between the success of a company’s operations and the success of its stock over a few months or even a few years. In the long term, there is a 100 percent correlation between the success of the company and the success of its stock.) Nói cách khác trong khoảng vài tháng hay vài năm giá cả trồi sụt theo tâm lý thị trường nên thường khi không hợp lý, nhưng nếu kiên nhẩn chờ đợi lâu dài thì giá cả phù hợp 100% với thành quả của công ty[4] [5].

Trở lại với kinh tế vĩ mô nếu thị trường hữu hiệu (và dữ kiện không thay đổi) thì giá cả sẽ đạt đến trạng thái tĩnh cân bằng tối ưu. Mọi người đều sẽ có công ăn việc làm với đồng lương hợp lý. Giá cả và mức cung cầu đều ổn định nên không giảm phát hay lạm phát. Mọi sự can thiệp của nhà nước sẽ chỉ bóp méo thị trường. Đến khi dữ kiện thay đổi, giá cả sẽ dao động trồi sụt nhưng nhà nước không vì vậy mà can thiệp nhưng cần kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi thị trường gạn lọc các bất cập trước khi trở về trạng thái cân đối.

Ngược lại nếu thị trường không hợp lý giống như bãi đấu thầu thì giá cả sẽ có những giai đoạn hổn loạn. Nhà nước cần can thiệp để ngăn chận hay giảm thiểu tác động của khủng hoảng nhằm tránh lạm phát và thất nghiệp vốn là hai nguyên nhân dẫn đến xáo trộn chính trị và xã hội.

***

Ngành kinh tế hành vi (behavioral economics) trở nên thịnh hành kể từ sau cuộc khủng hoảng 2007-08 để trả lời câu hỏi tại sao các đại ngân hàng Mỹ vốn xử dụng những chuyên viên ưu tú nhất từ Harvard, Columbia,…lại điên rồ đua nhau bơm lên bong bóng điạ ốc và tài chánh khổng lồ để rồi khi nổ bùng làm thiệt hại đến quyền lợi của chính họ?

Nguyên do thứ nhất là do tâm lý hùa theo đám đông (herd mentalitỵ.) Tâm lý này rất tự nhiên vì bắt nguồn từ bản năng sinh tồn khi sống thành đàn mà thấy mọi người ùa nhau chạy thì phải…chạy theo không cần chờ biết do cháy rừng, sư tử hay thảo khấu[6]. Nhưng cũng chính bản năng này khi áp dụng vào thị trường lại vô cùng tai hại nếu một người hùa theo đám đông mua nhà hay chứng khoán vào lúc giá cao ngất ngưỡng để rồi bán tháo đổ lúc giá xuống thảm hại cùng với đám đông ôm đầu máu bỏ chạy.

Nhà đầu tư lừng danh Warren Buffet dạy ngược lại “Hãy hoảng sợ khi mọi người tham lam, hãy tham lam khi mọi người hốt hoảng” (Fearful when others are greedy and greedy when others are fearful) tức là mua khi giá cả tuột dốc, và bán khi giá cả tăng vọt. Cách đầu tư lề trái gọi là contrarian investing.

Nhiều trạng thái tâm lý khác khiến chết người như lòng tham (greed), tánh ghanh ghét (envious) hay sợ lỡ chuyến đò (missing the boat)!

Có những người dù biết dại dột mới nhảy vào một khi giá đã tăng lên quá cao, vậy mà vẫn mua vì họ tin sẽ bán được cho thằng khác khờ hơn – tức là Last Fool Theory. Khôn ngoan tính toán kiểu này dễ chết vì biết đâu chính mình mới là tên khờ cuối cùng!

Chu kỳ giá cả tăng hay giảm đôi khi kéo dài nhiều năm khiến nhiều người đâm ra mất kiên nhẫn và tự tin. Thí dụ từ năm 2004 ở Mỹ đã nhận xét giá nhà đã tăng quá cao. Nhưng sau đó từ 2004-2007 giá cả cứ tiếp tục nhảy vọt khiến những người vốn chậm chạp và thận trọng nhất cũng đâm ra sốt ruột để rồi nhảy vào mua lúc đỉnh điểm!

Khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ có biết là sống. Ông Buffet đã cho biết mà không ai chịu nghe (kể cả người viết!)

***

Một ngành học khác là Complexity Economics (Kinh Tế Phức Tạp.) Kinh tế không có trạng thái tĩnh vì không phải là hệ thống đóng (closed system) mà là hệ thống mở (open system.) Hệ thống mở chịu nhiều tác động bên ngoài như đại dịch Vũ Hán, biến đổi khí hậu, chiến tranh, các phát minh mới, kết quả bầu cử v.v…đều tác động lên nền kinh tế.

Nói về các phát minh có một khái niệm rất quan trọng gọi là “creative destruction” (sáng tạo trong hũy diệt) của kinh tế gia Schumpeter. Thí dụ toàn cầu hoá khiến hàng hoá giá rẻ vì chuổi cung ứng vô cùng hiệu quả nhưng lại hũy diệt hàng triệu công ăn việc làm ở Tây Phương. Mua bán trên Amazon vô cùng tiện lợi nhưng hũy diệt hàng chục ngàn cửa tiệm phá sản. Uber khiến các hãng taxi chết dỡ.

Quyền lực phe nhóm một khi đã bén rể lúc nào cũng sợ bị hũy diệt nên vì đó mà bóp chết sáng tạo và tiến bộ. Ngược lại nhà nước phải nâng đỡ thành phần bị thiệt thòi khi những phát minh mới hũy diệt công ăn việc làm để họ không bị bỏ rơi (left behind) mà sinh ra bạo loạn xã hội và chính trị.

TÓM TẮT

  1. Thị trường hữu hiệu vì tổng hợp mọi quyết định trong xã hội để đạt đến mức giá chung phù hợp nhất với các dữ kiện đang có (efficient market theory.) Ngược lại nếu giá cả do nhà nước đơn phương quyết định sẽ sai lệch.
  2. Giá cả trong thị trường, giống như bãi đấu thầu, không phải lúc nào cũng hợp lý do mỗi người dự đoán giá sẽ còn tăng hay giảm.
  3. Tâm lý hùa theo đám đông và tên khờ cuối cùng (Last Fool Theory) rất tai hại trong Kinh Tế Hành Vi (Behavioral Economics)
  4. Kinh Tế Phức Tạp (Complexity Economics) tìm hiểu những tác động từ bên ngoài như đại dịch, chiến tranh, phát minh…lên nền kinh tế.

 

[1] Thị trường sáng suốt “dựa trên các dữ kiện đang có”. Còn nếu tin tức không chính xác thì quyết định chung sẽ sai lệch. Hay khi hoàn cảnh thay đổi quyết định chung cũng phải đổi thay.

 

[2] Một thí nghiệm vui và dễ thực tập trong các buổi tiệc là đưa ra một hủ đựng kẹo bòn bon để mọi người tham gia đoán có bao nhiêu kẹo trong hủ. Mỗi người đoán mò một con số nhưng tổng hợp mọi ước đoán sẽ chính xác một cách bất ngờ. Càng nhiều người tham dự cuộc chơi thì kết quả tổng hợp sẽ càng gần với con số thật!

 

[3] Một hệ lụy là kinh tế thị trường (thị trường quyết định giá cả) hữu hiệu hơn kinh tế chỉ huy (nhà nước quyết định giá cả.)

[4] Có 2 cách đầu tư mua chứng khoán: (1) đầu tư chạy theo đà (momentum investing) tức mua khi giá đang trên đà đi lên và bán theo đà đi xuống mà không cần biết công ty tốt hay xấu; hoặc (2) đầu tư trên cơ sở (fundamental investing) tức gạn lọc các công ty có nền tảng tốt để mua cổ phiếu.

 

[5] Để ý câu nói của Peter Lynch rất phù hợp với John M. Keynes

 

[6] Quan sát nai hay chim lúc nào cũng đi theo đàn.

 

Saturday, September 11, 2021

 

Kinh Tế Dễ Hiểu: Trọng Cung hay Trọng Cầu (Chương 16)

 

Hai cụm từ trọng cung (supply-side) và trọng cầu (demand-side) thường dùng cho chính sách kinh tế trong nước Mỹ (đảng Cộng Hòa trọng cung, Dân Chủ trọng cầu) nhưng đồng thời cũng thể hiện hai mô hình phát triển của Hoa Kỳ (trọng cầu) và Trung Quốc (trọng cung). Bài viết này sẽ tìm hiểu cả hai trường hợp.

  1. Trọng Cung (đảng Cộng Hòa) và Trọng Cầu (đảng Dân Chủ) trong nước Mỹ

Trọng cung là chủ trương kinh tế của đảng Cộng Hoà từ thời Tổng Thống Ronald Reagan nhằm cắt giảm thuế má để khuyến khích người có tiền tăng gia đầu tư sản xuất. Mức cung tăng (sản xuất tăng) vừa hạ thấp giá cả hàng hóa và dịch vụ lại tạo thêm công ăn việc làm mới. Nhờ vậy mức cầu theo đó cũng tăng giúp cho kinh tế phát triển để mang lại lợi ích cho mọi thành phần trong xã hội. Giảm thuế lại thêm đồng nghĩa với hạn chế vai trò của nhà nước, tức là thu nhỏ khu vực công mà phát huy khu vực tư[1].

Phe chống đối cho rằng đây là chính sách kinh tế nhỏ giọt (trickle-down economics) giảm thuế để nhà giàu hưởng trước, phần còn lại dư thừa rơi rớt ban ơn mưa mốc xuống đến dân nghèo. Từ thập niên 1980 các doanh nghiệp lớn đưọc giảm thuế nên đầu tư máy móc hữu hiệu hóa dây chuyền sản xuất, xây cất hảng xưởng bên Tàu, Việt Nam trong khi sa thải công nhân ở Mỹ, sau đó lại dùng tiền mua quyền lực hay tìm ngõ ngách chạy trốn vào các thiên đường thuế vụ nên phần rơi rớt chẳng còn lại bao nhiêu cho dân nghèo húp cháo. Chính sách trọng cung bị lên án làm hạn chế sức tiêu thụ trong dân chúng nhằm trợ cấp nhà giàu (theo kiểu tá điền ngày xưa phải bớt ăn để nộp địa tô cho điền chủ) nên là nguyên nhân khiến hố sâu giàu nghèo tăng vọt ở Hoa Kỳ kể từ thập niên 1980.

Trọng cầu là chủ trương kinh tế của đảng Dân Chủ. Quan điểm này bắt nguồn từ John M. Keynes khi ông cho rằng có nhu cầu mới dẫn đến sản xuất. Quần chúng cần tiêu thụ nhưng gặp lúc kinh tế khủng hoảng, nhu cầu từ khu vực tư nhân giảm (doanh nghiệp ế ẩm giảm đầu tư, công nhân mất việc giảm ăn xài) cho nên nhà nước phải kích cầu qua các khoảng trợ cấp thất nghiệp, đầu tư xây cất hạ tầng, v.v…Như vậy nhà nước tạo ra nhu cầu mới để bù đắp vào khoảng trống thiếu hụt của tư nhân. Nhờ có nhu cầu trở lại nên doanh nghiệp mới tin tưởng đầu tư để tạo thêm công ăn việc làm. Đợi đến lúc kinh tế phục hồi thì nhà nước mới giảm chi, khi đó nhờ tăng trưởng nên mức thuế thu vào tăng để bù đắp vào các khoảng thiếu hụt ngân sách do những gói kích cầu. Chính sách này gọi là countercyclical fiscal policy – tức chi tiêu nhà nước tăng giảm đi ngược lại với chu kỳ suy thoái hay tăng trưởng của nền kinh tế tư nhân.

Dùng thí dụ dễ hiểu nếu cổ xe kinh tế chết máy nhà nước phải mồi xăng (kích cầu) thúc cho máy nổ. Máy đã nổ thì nhà nước phải rụt tay ra cho xe chạy. Tuy nhiên bàn tay lông lá của nhà nước một khi đã thò mò táy máy chẳng bao giờ chịu rút về.

Xin để ý là chử “cầu” trong trọng cầu (demand-side) hàm ý tiêu thụ (consumption) và đầu tư (investment). Chử “cung” trong trọng cung (supply-side) gồm tăng đầu tư và sản xuất (supply).

Phe trọng cầu bị lên án “tax and spend” tức nhà nước sưu cao thuế nặng để ăn xài phung phí[2]. Lý do vì nhà nước mập mờ đánh lận con đen giữa chi tiêu (spending) và đầu tư (investment): tiền welfare khiến quần chúng ỷ lại vào của tế bần nhà nước hay là đầu tư cho tương lai[3]? Chú phỉnh tôi rồi chính phủ ơi!

Từ John M. Keynes cho đến nay khuynh hướng trọng cầu không còn giới hạn vào chi tiêu nhà nước phải đi ngược với chu kỳ tăng trưởng. Theo lý luận hiện thời trong xã hội có một khối người nghèo không đủ cơ hội học hành tiến thân, tức năng lực của số người này bị phí phạm vì họ trở thành gánh nặng kèm hãm nền kinh tế không phát triển trọn vẹn (người kém học vấn hoặc thất nghiệp hay làm việc lương thấp khiến mức cung giảm, lại không đủ tiền tiêu xài khiến cầu giảm.) Vai trò của nhà nước là đánh thuế nhà giàu nhằm nâng đỡ nhà nghèo để tạo công bằng xã hội thì mọi người mới có cơ hội phát triển đồng đều giúp cho xã hội thăng tiến – lý luận hay và xạo hết chổ nói cổ võ cho xã hội chủ nghĩa kiểu Biden, Bernie Sander, Elizabeth Warren, Paul Krugman và Joseph Stiglitz, lý do trong xã hội lúc nào cũng có giàu nghèo cho đến khi nhà nước đánh thuế cho mọi người cùng nghèo bình đẳng như nhau.

  1. Trọng Cung (Trung Quốc) Trọng Cầu (Hoa Kỳ)

Kinh tế Trung Quốc chú trọng tiết kiệm (high-savings rate) để đầu tư (high-investment model) nhằm tăng gia sản xuất nên gọi là trọng cung. Hoa Kỳ đặt nặng vào tiêu thụ (consumption) nên phù hợp với trọng cầu. Vài số liệu tiêu biểu:

                  Hoa Kỳ                 Trung Quốc

Đầu tư (%GDP)                            21%                      44%

Tiết kiệm (%GDP)                        19%                      44%

Tiêu thụ tư nhân (%GDP)             69%                      38%

Dân Mỹ ăn xài gấp đôi dân Tàu cho nên tiết kiệm và đầu tư chỉ bằng phân nửa Trung Quốc. Tàu cung Mỹ cầu cho nên Mỹ mới thiếu nợ Tàu.

Do tiêu thụ chiếm 70% GDP ở Mỹ nên trong các thống kê thước đo về tâm lý của giới tiêu thụ (consumer sentiments) được xem là báo hiệu mức tăng trưởng của nền kinh tế, so ra còn quan trọng hơn cả số liệu sản xuất. Thí dụ nếu dân chúng lo thất nghiệp hay sợ không dám ra đường vì dịch cúm Tàu thì tâm lý của người tiêu dùng trở nên bi quan khiến dịch vụ mua bán chậm lại. Ngược lại lúc việc làm dễ kiếm và lương bổng tăng nhanh thì tâm lý của giới tiêu thụ sẽ lạc quan yêu đời tiêu xài mạnh tay.

Ngược lại tại Trung Quốc số liệu sản xuất chiếm vị trí quan trọng dự báo mức độ tăng trưởng. Cho dù đại gia Tàu (và Việt) nay ra ngoại quốc xài tiền bảnh hơn dân Mỹ nhưng nói chung đa số các gia đình Á Đông còn nhớ cảnh nghèo khó 20 năm trước nên vẫn cần kiệm nhiều hơn người da trắng. Dân Tàu (và Việt) lại để dành tiền giúp gia đình, lo bệnh hoạn, giáo dục con cái và chuẩn bị tuổi già vì mạng lưới xã hội không bằng Tây Phương. Mô hình phát triển ở Trung Quốc là ép buộc dân chúng tiết kiệm (financial repression) với lãi xuất thấp để góp vốn giá rẻ cho doanh nghiệp đầu tư. Tăng trưởng dựa vào đầu tư, lại thiếu minh bạch sinh ra lãng phí rồi dẫn đến khối nợ xấu khổng lồ. Nền kinh tế Trung Quốc (và Việt Nam) theo chính sách trọng cung nên nhỏ giọt (trickle-down economics) từ giới đại gia xuống đa số quần chúng làm tăng hố sâu giàu nghèo cho dù mang tiếng Cộng Sản. Dân tình bất mãn giúp Tập Cận Bình thừa cơ dùng chiêu bài “Thịnh Vượng Chung” (Common Prosperity) để tấn công nhằm bẻ gảy ảnh hưởng của các đại tập đoàn như Alibaba và Tencent[4].

Bức tranh trên chỉ mới sơ lược vì câu chuyện còn phức tạp hơn nhiều. Kinh Tế Dễ Hiểu xin dành loạt bài kế tiếp bàn về mô hình kinh tế Trung Quốc.

TÓM TẮT

  1. Trọng cung: cắt giảm thuế để khuyến khích tư nhân đầu tư tạo công ăn việc làm. Mức cung tăng khiến hàng hóa giá rẻ
  2. Trọng cầu: có nhu cầu mới dẫn đến sản xuất nên nhà nước phải thúc đẩy sức tiêu thụ trong nước
  3. Đảng Cộng Hoà trọng cung. Đảng Dân Chủ trọng cầu
  4. Trung Quốc trọng cung. Hoa Kỳ trọng cầu.

 [1] Thực tế là các Tổng Thống Cộng Hoà vừa giảm thu (cắt thuế) lại tăng chi (Reagan tăng ngân sách quốc phòng, Bush con tăng Medicare và Trump kích cầu cúm Tàu) để không thất cử vì dân chúng phản đối. Cho nên dưới thời Cộng Hòa ngân sách thiếu hụt rất lớn (deficit). Riêng trường hợp của Bush cha (Cộng Hòa) thất cử vì tăng thuế và vi phạm lời hứa danh dự không tăng thuế (read my lips, no new tax.)

[2] TEA PARTY bị dịch sai nghĩa như Đảng Trà. Chử TEA lấy từ 3 mẫu tự đầu của Tax Enough Already, tức thuế nặng quá rồi chịu đời sao thấu!

[3] Hạ tầng (infrastructure) thường được hiểu như đường xá, cầu cống, Internet, phi trường, hải cảng v.v… Sang thời Biden tô vẽ hạ tầng mở rộng nay gồm cả tầng dưới con người (human infrastructure) như tiền mẫu giáo, tiền nuôi ông bà già. Cho nên Biden đòi chi tiêu 1000 tỷ USD cho tầng dưới (infrastructure) rồi thêm 3500 tỷ USD cho tầng háng (human infrastructure).

[4] Tập Cận Bình nếu thật tình muốn kiến tạo Thịnh Vượng Chung phải đạp phá các tập đoàn quyền lực trong chính nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc thay vì chỉ nhắm vào các tập đoàn tư nhân.

 

Sunday, September 26, 2021

 

Kinh Tế Dễ Hiểu: Mô Hình Kinh Tế Trung Quốc (Chương 17)

 

Mô hình phát triển của Trung Quốc có thể được tóm tắt như sau: (1) hạn chế tiêu thụ trong nước để (2) gom góp tiết kiệm trong dân chúng nhằm (3) hổ trợ cho đầu tư.

Nếu so sánh cho dễ hiểu thì mô hình này cũng giống kiểu nhà nghèo bớt tiêu xài (hạn chế tiêu thụ) để dành tiền (tăng tiết kiệm) đầu tư cho tương lai (giáo dục con cái, mở cửa hàng buôn bán). Nhưng đến khi đã hết nghèo mà vẫn giữ tính hà tiện không chịu tiêu xài sanh tham lam vơ vét của cải (thặng dư mậu dịch với nước ngoài) dù trong nhà đã chứa đầy những thứ không cần thiết (nợ xấu do đầu tư quá đáng trong nước). Chính sách của Bắc Kinh đã dẫn đến tình trạng chênh lệch cán cân mậu dịch giữa Trung Quốc với toàn thế giới, rồi tiếp theo đó là khối nợ khổng lồ như hiện nay. Kinh Tế Dễ Hiểu sẽ lần lượt tìm hiểu về Tiêu Thụ, Tiết Kiệm và Đầu Tư ở Trung Quốc.

Tiêu Thụ tại Trung Quốc

Tiêu thụ tư nhân ở Trung Quốc chiếm 40% GDP tức là rất thấp so với các nước phát triển khoảng 60% và Hoa Kỳ là 70%. Bắc Kinh hạn chế tiêu thụ nhằm thu hút tiết kiệm trong dân chúng hổ trợ đầu tư.

Một lý do khiến mức tiêu thụ thấp vì người Tàu (và châu Á nói chung) ít ăn xài hơn Tây Phương, một phần do thế hệ lớn tuổi ở Trung Quốc còn bị ám ảnh bởi cảnh nghèo khó cùng cực chỉ mới 30 năm trước đây.

Bên cạnh đó là chính sách của nhà cầm quyền tạo ra 3 tầng áp lực hạn chế mức tiêu thụ của người dân:

(1) chế độ ép lương,

(2) mạng lưới an sinh xã hội yếu kém,

(3) chính sách thao túng tiền tệ của Bắc Kinh.

Công nhân Trung Quốc di cư từ thôn quê ra đô thị làm việc nhưng không được cấp phát hộ khẩu thành phố. Do tình trạng cư ngụ bán chính thức này nên công nhân không được quyền tập hợp hay tham dự công đoàn địa phương để đòi tăng lương và cải thiện chế độ làm việc. Cho dù có nhiều hảng xưởng cạnh tranh thuê mướn nhân viên khiến mức lương và quyền lợi người lao động tại Hoa Lục lên cao nhưng vẫn không tương xứng với đà tăng năng suất và nhịp độ phát triển nhảy vọt của GDP. Thí dụ GDP tăng 10% mỗi năm trong khi lương bổng chỉ tăng 7%, tức là thu nhập tuy nhảy vọt nhưng vẫn không bắt kịp với GDP. Nói cách khác, nước giàu nhưng dân chúng không được hưởng trọn vẹn thành quả lao động của mình.

Mức sai biệt giữa tiền lương và năng xuất lao động bị ăn bớt để trở thành lợi nhuận cho doanh nghiệp và nhà nước dùng tái đầu tư – tức là đúng như phê bình của Karl Marx rằng tư bản đỏ ăn chận giá trị thặng dư lao động để làm giàu trên xương máu công nhân.  Nhờ có nhiều tiền đầu tư nên hạ tầng phát triễn và hảng xưởng mọc lên như nấm, chế độ ép lương tuy tạo công ăn việc làm cho dân Tàu nhưng đồng thời đào sâu khoảng cách giàu nghèo trong xã hội do lợi nhuận bị cắt xén vào tay nhà nước và giới chủ. Hơn thế một khi nền kinh tế Trung Quốc đã trưởng thành như hiện nay, hay là nhu cầu xây cất giảm bớt nhưng đầu tư vẫn cứ tiếp tục thặng dư đổ vào thì phải sinh ra nợ xấu – nhưng đây là câu chuyện ở phần Đầu Tư dưới đây.

Do chính sách một con nên người Tàu sợ đơn lẻ lúc về già phải để dành tiền lo cho tuổi về hưu. Giáo dục và y tế tốt cho các gia đình ở những đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thẩm Quyến nhưng lại không bao gồm công nhân không có hộ khẩu thành phố. Mạng lưới an sinh vẫn còn thiếu sót ở những vùng nông thôn khiến dân chúng phải hạn chế tiêu thụ lúc mới lập gia đình để dành tiền nuôi con và phòng khi bệnh hoạn. 

Các quy định lỏng lẻo về môi trường trước năm 2012 cũng thể hiện sự yếu kém của mạng an sinh xã hội. Doanh nghiệp và nhà nước không chi tiêu bảo vệ không khí trong lành và nguồn nước sạch trong khi dân chúng tốn kém vì mất ngày làm việc, lo chữa bệnh ho, suyễn, ung thư…nên sức tiêu thụ giảm sút.

Chính sách thao túng ngoại tệ khiến đồng NDT (Nhân Dân Tệ) mất giá so với USD. Trung Quốc nhập cảng xăng dầu và lương thực bằng USD nên hàng tiêu dùng trở nên đắt đỏ. Sức mua của dân Tàu thêm một lần nửa bị hạn chế nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp khi giá trị đồng NDT bị cắt xén.

Tiết kiệm tại Trung Quốc

Tiêu thụ tư nhân tại Trung Quốc chiếm 40% GDP trong khi ở các nước phát triển là 60% còn Hoa Kỳ 70%. Chênh lệch trong tiêu thụ dẫn đến thặng dư tiết kiệm ở Hoa Lục so với Tây Phương.

Dân Tàu không có nhiều chọn lựa đầu tư mà phải bỏ tiền vào trương mục tiết kiệm tại ngân hàng với lãi suất thấp do nhà nước quy định. Thí dụ GDP tăng 7% nhưng tiết kiệm ngân hàng thấp chỉ 1.5%. Muốn lời nhiều phải đầu tư vào chứng khoán nhưng thị trường tài chánh ở Trung Quốc thiếu minh bạch nên mua bán trên sàn cũng giống như đánh bài cào, thỉnh thoảng ăn lớn nhưng thường là thua to[1]. Kết quả là người Tàu phần lớn để dành tiền trong trương mục tiết kiệm để lo cho gia đình và với mục tiêu mua nhà vì thị trường địa ốc cứ tăng đều đặn trong vòng 30 năm nay (cho dù có những giai đoạn vấp ngã như năm 2014.)

Các ngân hàng nhà nước nhận vào tiết kiệm rẻ sau đó cho địa phương, những công ty quốc doanh và các ngành công nghiệp mũi nhọn vay theo phân lời thấp. Nói cách khác, đây là chính sách ép buộc tài chánh (financial repression) thu mua tiết kiệm từ dân chúng với giá rẻ nhằm tài trợ cho doanh nghiệp và các mục tiêu tăng trưởng do Bắc Kinh đề ra, theo kiểu lấy tiền nhà nghèo giúp nhà giàu.

Vì tiết kiệm liên quan đến góp vốn nên xin bàn rộng ra về phương thức gây vốn ở các địa phương. Bắc Kinh tuy đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP cho cả nước nhưng lại không dự trữ ngân sách từ trung ương chia ra cho các địa phương thực hiện mục tiêu này. Bù lại các địa phương được rộng quyền gây vốn (nhưng không được tùy tiện tăng thuế.) Giữa các địa phương lại được khuyến khích tranh đua: nơi nào vượt chỉ tiêu tăng trưởng sẽ giữ lại nhiều lợi tức trong khi hàng ngũ cán bộ đảng viên được thăng quan tiến chức.

Rút tỉa bài học tư bản nước ngoài tháo vốn bỏ chạy khỏi Thái Lan và vùng Đông-Á năm 1998 nên Bắc Kinh quy định thêm là các địa phương không được mượn vốn. Bù lại các địa phương được quyền ấn hành tín dụng qua hệ thống ngân hàng địa phương, và được bán quyền xử dụng đất. Hai đặc quyền này là chìa khóa kho vàng để các lãnh chúa địa phương thò tay bóc hốt.

Tổng hợp các chính sách nói trên trở thành một cổ máy tăng trưởng. Các địa phương trưng dụng đất đai “của toàn dân” rồi bán quyền xử dụng đất cho các tập đoàn lợi ích với giá rẻ. Ngân hàng địa phương thu hút tiết kiệm với lãi xuất thấp để rồi ấn hành tín dụng cho các công ty quốc doanh và những ngành công nghiệp mũi nhọn vay mượn. Các công ty quốc doanh xây cất phi trường, xa lộ…trong khi tập đoàn lợi ích mua quyền xữ dụng đất và vay vốn với giá rẻ để xây cất khu đô thị, khu công nghiệp, khu nhà ở v.v… Sau đó những tập đoàn lợi ích lại cầm cố tài sản để vay mượn tín dụng mới từ các ngân hàng địa phương. Dân chúng đổ xô mua nhà vì giá địa ốc tăng, khiến tài sản cầm cố thêm giá trị để mượn vào nợ mới. Vòng xoáy vay nợ cấn nợ để vay nợ mới dựa vào quyền lực vô tận của các lãnh chúa địa phương rất hữu hiệu để làm giàu nên dễ sinh ra lạm dụng.

Đầu tư và vốn ở Trung Quốc

Tiếp tục bàn về vốn đầu tư, Trung Quốc có 2 dòng tiền: dòng vốn FDI đầu tư trực tiếp từ nước ngoài để xây cất hảng xưởng, và dòng vốn tiết kiệm trong nước.

Một cách nhìn khác là vốn FDI kém lưu động (một nhà máy đã được xây cất không dễ di dời). Loại vốn còn lại dễ lưu động dùng cho vay nợ, mua bán nợ hay mua bán chứng khoáng. Trận đại khủng hoảng tài chánh Đông Á năm 1998 khởi đầu do tài phiệt quốc tế ồ ạt rút vốn lưu động bằng cách bán nợ và chứng khoán, đổi ra USD để mang tiền rút khỏi Thái Lan khiến đồng Bhat thủng đáy. Sau đó các đồng tiền Phi Luật Tân, Nam Dương, Nam Hàn…bị lần lượt tấn công khiến những nền kinh tế này ngã nhau dẫn đến xáo trộn nhiều chính trị và xã hội.

Bắc Kinh nghiên cứu rất kỷ kinh nghiệm này (nhất là bài học của các chính quyền độc tài ở Đài Loan, Nam Hàn, Phi và Nam Dương bị lật đổ) nên chỉ khuyến khích vốn FDI (không lưu động) bằng cách chiêu dụ tư bản Tây Phương xây cất nhà máy để thâm nhập vào thị trường khổng lồ của Trung Quốc. Ngược lại dòng vốn lưu động cho vay dựa vào tiết kiệm trong nước để tránh tình trạng tư bản quốc tế tháo vốn như tại Thái Lan năm 1998.

Trong một thị trường tài chánh mở cửa (financial liberalization) thì việc cho vay, mua bán nợ và mua bán chứng khoán đều được tự do trao đổi trên sàn giao dịch giữa các tư nhân trong và ngoài nước. Trái lại dòng vốn từ tiết kiệm ở Trung Quốc không được tự do lưu thông mà bị Bắc Kinh kiểm soát chặc chẻ. Chẳng những Bắc Kinh quy định lãi xuất thấp khi dân chúng gởi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, mà dòng vốn còn được ngân hàng nhà nước ưu tiên cung cấp cho các công ty quốc doanh và những tập đoàn lợi ích vay mượn với giá rẻ. Như vậy nhà nước (thay vì thị trường) quyết định lãi suất và lựa chọn đầu tư.

Đầu tư nếu xét cho cùng chỉ nhằm 3 mục tiêu: sản xuất hàng hóa bán trong nước (tiêu thụ nội địa), bán hàng ra nước ngoài (xuất cảng) và đầu tư xây cất hạ tầng (giáo dục, y tế, đô thị, giao thông, Internet, v.v…) Do tiêu thụ nội địa bị kềm hãm ở mức 40% GDP (so với 60% ở Tây Phương và 70% bên Mỹ) nên thặng dư đầu tư bắt buộc phải đổ vào xuất cảng hay xây cất hạ tầng.

Trước năm 2008 Trung Quốc khởi đầu từ một nước chậm tiến nên cần rất nhiều các khoảng đầu tư xây cất đô thị, xa lộ, phi trường, khu công nghiệp…Nhờ mở cửa thu hút FDI từ nước ngoài, lương nhân công rẻ, hạ tầng được cải tiến cùng các quy định dễ dãi về môi trường nên Trung Quốc thu hút nhiều công ty Âu-Mỹ-Nhật-Đài Loan-Nam Hàn xây cất hảng xưởng, tạo công ăn việc làm để trở thành công xưởng sản xuất hàng hóa ra thế giới. Nói cách khác những khoảng đầu tư dùng tiền tiết kiệm trong nước đem lại lợi ích tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn đầu 1980-2008. Cho dù vốn thất thoát thành nợ xấu cũng được khỏa lấp bởi thặng dư mậu dịch và đà tăng trưởng kinh tế (tỷ lệ nợ xấu teo lại so với GDP nở to).

Đến năm 2008 cuộc Đại Khủng Hoảng Tài Chánh ở Hoa Kỳ và sau đó là Khủng Hoảng Euro bên Âu Châu khiến nhu cầu nhập cảng hàng hóa từ Trung Quốc giảm mạnh. Dù vậy Bắc Kinh không hạ thấp mục tiêu tăng trưởng GDP mà tung ra một gói kích cầu khổng lồ 13% GDP. Gói kích cầu lại không nhằm tăng mức tiêu thụ trong nước để bù đắp cho khoảng trống tiêu thụ ở nước ngoài. Tuy kích cầu nhưng tiêu thụ nội địa không tăng trong khi xuất cảng giảm nên tiền chỉ có một con đường duy nhất chạy vào xây cất hạ tầng.

Nhưng đến năm 2008 nền kinh tế của Trung Quốc đã trưởng thành. Nhu cầu hạ tầng giảm dần vì các khu đô thị, xa lộ, phi trường, xe lửa cao tốc đã mọc lên như nấm. Dân số già nua khiến nhu cầu xây cất cũng giảm xuống. Cho nên một phần lớn các khoảng kích cầu rơi vào đầu tư không hiệu quả, hay là nợ xấu do xây cất khu nhà không người ở, khu thương xá không người mua, các phi trường không khách đến.

Một yếu tố khác là khoảng kích cầu 586 triệu USD năm 2008 không phải là tiền mặt do Bắc Kinh chia cho các địa phương mà chỉ là tín dụng trung ương cho phép địa phương phát hành để đầu tư. Được thoải mái ấn hành tín dụng nên cổ máy tăng trưởng của các địa phương chạy hết ga cho dù cho vay đầu tư kém hiệu quả. Đến năm 2012 Bắc Kinh nhận thấy quá nhiều nợ xấu nên hạ lệnh các ngân hàng địa phương cắt giảm tín dụng (dù không hạ thấp chỉ tiêu tăng trưởng GDP !) Những khu nhà dù không người ở hay các thương xá vắng người qua lại nhưng đang xây cất không thể bỏ dở nửa chừng, nên các địa phương “sáng kiến” cho những ngân hàng địa phương ấn hành sản phẩm làm giàu (WMP – Wealth Management Product) với phân lời cao để thu hút tiền tiết kiệm từ dân chúng. Tiền gởi vào WMP được dùng để tiếp tục cho vay xây cất hạ tầng và tăng trưởng kinh tế tại địa phương cho vượt chỉ tiêu GDP.

Do Ngân Hàng Trung Ương lúc ban đầu chỉ thanh tra nợ xấu trong các khoảng tính dụng cho vay từ quỹ tiết kiệm của dân chúng, nên những khoảng tín dụng cho vay từ WMP không bị kiểm soát. Các WMP tuy phân lời cao nhưng ngắn hạn, tức là địa phương cứ phải ấn hành WMP (nợ mới) để trả nợ cũ. 

Từ năm 2012-2016 nợ mới cứ bồi vào nợ cũ khiến Ngân Hàng Trung Ương hoảng sợ bắt đầu kiểm soát WMP. Bắc Kinh lại quyết định cho một vài công ty đầu tư và WMP phá sản để trừng phạt giới đầu tư. Tin xấu lan nhanh khiến thị trường tài chánh và địa ốc hổn loạn làm chảy máu ngoại tệ mất 1000 tỷ USD.

Bắc Kinh hoảng hốt siết chặc không cho tiền chạy ra nước ngoài, mặc khác lại ra lệnh ngân hàng trung ương tài trợ các khoảng nợ xấu để không cho WMP và các địa phương phá sản. Nói cách khác, Tập Cận Bình lạnh cẳng (cold feet) thay vì trừng phạt nợ xấu lại phải thối lui bao che các lãnh  chúa địa phương để tránh xáo trộn chính trị. Từ đó cho đến nay Ngân Hàng Trung Ương dù tiếp tục kiểm soát các ngân hàng địa phương và WMP nhưng nợ đã lên đến 300% GDP.

Năm 2014 các khu phố không người ở mọc ra như nấm nên Bắc Kinh phải chi tiền tài trợ cho dân cư các khu ổ chuột dọn vào khu phố mới. Giá nhà đất tăng vọt vì giới kinh doanh nhận thấy đây là cơ hội mua nhà giá thấp, và cho dù có thành bong bóng địa ốc nhưng trung ương sẽ cứu vớt để các địa phương và ngành địa ốc không bị sập tiệm. Chương trình tài trợ cho dân nghèo mua nhà chấm dứt vào năm 2018, nhà đất lại bắt đầu xuống giá trong khi các tập đoàn địa ốc ngày thêm ngập nợ.Tập đoàn Evergrande lớn hàng đầu ở Trung Quốc có thể bị vỡ nợ ngay vào lúc này chính là thử thách lần thứ hai liệu Tập Cận Bình có dám cải tổ hệ thống tài chánh hay rồi chùn tay cứu vớt ngành địa ốc vì sợ khủng hoảng sẽ kéo theo xáo trộn về chính trị, xã hội và đụng chạm đến các tập đoàn lợi ích.

Dịch cúm Tàu và các gói kích cầu khổng lồ ở Mỹ bất ngờ tiếp hơi cho Bắc Kinh vì hàng Trung Quốc bán không kịp chở sang Hoa Kỳ. Xuất cảng tăng tức là khoảng bơm máu cho Trung Quốc bù đắp phần nào nợ xấu.

Vấn đề của Bắc Kinh là không thể mãi mãi dựa vào xuất cảng và đầu tư hạ tầng để tăng trưởng kinh tế. Xuất cảng chỉ có hạn vì nước ngoài – kẻ cả Hoa Kỳ – sẽ có ngày hết tiền mua hàng Tàu, nhất là trong hoàn cảnh thương chiến Mỹ-Trung và nhu cầu tạo công ăn việc làm cho giới lao động ở Tây Âu. Đầu tư hạ tầng phải chậm lại một khi đô thị, xa lộ, phi trường, xe lửa…đến mức dư thừa, trong khi nạn lão hóa giới hạn nhu cầu xây cất. Bắc Kinh đang đầu tư để cải tiến mạng lưới an sinh xã hội, chế độ hộ khẩu và lương bổng nhưng đây là một tiến trình rất gian nan. Thay đổi trọng tâm kinh tế từ tiết kiệm và đầu tư (tức là có lợi cho những tập đoàn lợi ích) sang tiêu thụ tư nhân (tức là có lợi cho đa số quần chúng) là một quyết định chính trị vô cùng gay go nếu không khéo lèo lái sẽ kéo theo thay đổi thể chế.

Hai sách lược còn lại của Bắc Kinh gồm (1) Vòng Đai Con Đường để đẩy thặng dư đầu tư ở Trung Quốc ra các nước đang mở mang (bù đắp cho khoảng thiếu hụt bán hàng sang các nước phát triễn), và (2) công nghệ xanh để vừa xuất cảng ra nước ngoài lại cải thiện môi trường trong nước.  

TÓM TẮT

  1. Mô hình tăng trưởng của Trung Quốc là: (1) hạn chế tiêu thụ trong nước (2) thu hút nguồn tiết kiệm với giá rẻ (3) hổ trợ địa phương vào doanh nghiệp đầu tư.
  2. Các địa phương bán quyền xử dụng đất đai, và ấn hành tín dụng để thúc đẩy đầu tư.
  3. Đầu tư thặng dư khi xuất cảng hàng hóa xuống trong khi tiêu thụ nội địa không tăng, thành ra nợ xấu vì xây cất tăng trong khi nhu cầu hạ tầng giảm.

 

[1] Dân Tàu có máu cờ bạc nên mua bán chứng khoán rất nhiều, nhưng thua lỗ trên sàn lại khiến giảm tiêu thụ. Cho nên thị trường chứng khoáng kém minh bạch cũng là một hình thức giảm tiêu thụ.

 

 

Friday, October 8, 2021

 

Kinh Tế Dễ Hiểu: Mô Hình Kinh Tế Trung Quốc (Phần 2 – Chương 18)

 

Sự nghiệp chính trị của đại đế Nã-Phá-Luân chẳng liên hệ gì nhiều đến Trung Quốc nên không biết tại sao ông nổi hứng tuyên bố một câu bất hủ mà giờ này có giá trị của một lời tiên tri “Hãy để Trung Hoa ngủ yên bởi vì khi tỉnh giấc nó sẽ làm rung chuyển thế giới.”

Vào tháng 03/1978 có một sự kiện ít được biết đến nhưng bắt đầu lay thức gã khổng lồ Trung Quốc khi một hợp tác xã nông nghiệp ở Phúc Kiến xin phép được giữ lại phần sản xuất vượt chỉ tiêu để khuyến khích nông dân hăng hái làm việc. Đây là giai đoạn trước Đổi Mới nên viên thư ký đảng bộ của hợp tác xã bị phê bình kiểm điểm. Chỉ 8 tháng sau đó vào cuối năm 1978 Đặng Tiểu Bình tuyên bố cải tổ và mở cửa nền kinh tế. Đề nghị nói trên của hợp tác xã được mang ra thử nghiệm với kết quả sáng chói nên viên thư ký đảng được ban khen.

Tuyên bố của Đặng Tiểu Bình “Giàu sang là vinh quang” trở thành kim chỉ nam cho mô hình phát triển của Trung Quốc kể từ lúc đó. Nền kinh tế Hoa Lục từ lạc hậu nhảy vọt lên đứng hàng thứ nhì trên thế giới chỉ trong vòng 40 năm. Nếu so sánh với Ấn Độ (dân chủ) hay Indonesia (độc tài trước năm 2000) cũng vừa chậm tiến lại đông dân thì Trung Quốc đã bỏ xa hai nước này. Đáng kinh ngạc hơn nửa là Hoa Lục trong bước ban đầu vừa không có các định chế, luật lệ và tập quán của thị trường mà cả đến thị trường cũng không có! Trong suốt chuỗi dài phát triễn chứa đầy những mâu thuẩn giữa một nhà nước tập trung quyền lực và nền kinh tế thị trường, giữa hố sâu giàu nghèo tăng vọt, tình trạng phá hủy môi trường, tham nhũng và hối mại quyền thế…nhưng không bóp chết được tính năng động cạnh tranh mà cứ mỗi vài năm xã hội lại lung lay khi những làn rạn nứt hiển hiện trong nền móng kinh tế[1]. Nhiều nhà quan sát từng cho rằng đây là những thời điểm bắt đầu cho sụp đổ hay suy thoái để rồi lại sai[2]! Tất nhiên nếu tiếp tục bói mò kiểu “Anh sẽ chết” tất nhiên có ngày đúng vì nền kinh tế nào rồi cũng sẽ sụp đổ, nhưng một trong những vấn đề quan trọng nhất của thế kỷ 21 rằng liệu GDP của Trung Quốc có sẽ qua mặt Hoa Kỳ trong thập niên 2030 để trở thành nền kinh tế lớn nhất hoàn cầu hay không thì câu trả lời giờ này vẫn còn mù mờ 50/50.

Một trong những lý do khiến tăng trưởng ở Trung Quốc nhảy vọt vì GDP là mục tiêu tập trung mà Bắc Kinh theo đuổi[3] – so với Hoa Kỳ bị chi phối đa đoan trong vai trò siêu cường toàn cầu còn Âu Châu tìm cách cân bằng giữa phát triển và lối sống hạnh phúc (savoir-vivre). Ở Hoa Lục mỗi địa phương, đảng viên hay cán bộ nhà nước vừa bị đánh giá dựa trên thành tích tăng trưởng lại được khuyến khích bằng cách cho giữ lại phần trăm lợi nhuận. Cho nên nhà nước Trung Quốc tuy mang tiếng xã hội chủ nghĩa nhưng tổ chức gần giống như tập đoàn Mc Donald’s của Mỹ: Ban Quản Lý Công Ty (hay là Trung Ương Đảng) đề ra chỉ tiêu và công thức tăng trưởng chung; mỗi Franchise hay Cơ Sở Nhượng Quyền Thương Mại (hay từng Địa Phương) được nhiều quyền hạn rộng rãi phát huy sáng kiến quảng cáo thương vụ trong địa phận của mình miễn là không được vi phạm mẫu mực của thương hiệu (xã hội chủ nghỉa theo màu sắc Trung Quốc). Mỗi Franchise sẽ nộp X% doanh thu cho Trung Ương và giữ phần lợi nhuận còn lại, lời nhiều hưởng nhiều lời ít hưởng ít.

Tuy nhiên chính vì tập trung vào tăng trưởng GDP nên nhiều vấn đề tồn đọng trong kinh tế và xã hội không được quan tâm đúng mức sinh ra phát triễn không bền vững, khoảng cách giàu nghèo tăng vọt, môi trường bị hủy hoại và sự bùn phát của nạn tham nhũng hối lộ tràn lan trong xã hội.

Khi họ Đặng tuyên bố “Không thể nào mọi người cùng giàu một lúc” sau đó cho thành hình những đặc khu kinh tế vùng ven biển tức mặc tình chấp nhận giàu nghèo sai biệt giữa miền duyên hải (400 triệu người Hoa sinh sống) và đất đai nằm sâu trong nội địa (800 triệu còn lại.) Chính sách của Đặng Tiểu Bình đi ngược 100% với Mao Trạch Đông vì họ Mao bần cùng hóa đô thị bằng cách đưa dân chúng thành phố vào các hợp tác xã nông thôn để bình đẳng nghèo khổ như nhau (họ Mao đồng thời chuẩn bị kế hoạch phòng thủ chiều sâu lấy nội địa làm hậu cần trong trường hợp Trung Quốc bị tấn công.)

Tiếp theo cuộc thí nghiệm thành công của hợp tác xã nông nghiệp Phúc Kiến nói trên Bắc Kinh thúc đẩy phát triễn bằng cách cho phép những địa phương tăng trưởng vượt chỉ tiêu được giữ lại nhiều lợi ích kinh tế trong khu vực, còn giới lãnh đạo sẽ thăng quan tiến chức. Trong khoảng thời gian 1978-2004 Hoa Lục còn là một nước đang phát triển nên Bắc Kinh không có ngân sách trung ương dồi dào để phân phối cho các địa phương thực hiện kế hoạch tăng trưởng. Bù lại mỗi địa phương được rộng quyền phát huy sáng kiến (trong khuông khổ chính trị mà Bắc Kinh cho phép) và nhiều quyền hạn to lớn như trưng thu đất đai “của toàn dân” rồi bán lại quyền xử dụng đất. Các địa phương được phép ban hành tín dụng qua hệ thống ngân hàng địa phương để thúc đẩy đầu tư. Cho nên đất đai trở thành nguồn lợi chính còn tín dụng tức là đầu cầu tăng trưởng của từng khu vực, cả hai lại là chìa khóa mỏ vàng mà các lãnh chúa địa phương và những tập đoàn thế lực sau này năng nổ tìm đủ mọi sáng kiến khai thác.

Trong những năm đầu sau khi mở cửa kinh tế nông thôn phát triển nhanh hơn thành phố. Lý do các hợp tác xã nông nghiệp có thể nhanh chóng tăng gia sản xuất lúa gạo trong khi thành phố thiếu người có vốn và kiến thức đầu tư sau hơn 30 năm sống dưới chế độ cộng sản. Dân chúng và cán bộ đều hoang mang chưa biết khuông khổ Đổi Mới rộng hẹp thế nào để tránh vi phạm, thí dụ giá cả do nhà nước hay thị trường quyết định, sở hữu tư nhân nhiều ít đến mức nào…

Bù lại dân cư Thượng Hải và những vùng ven biển vừa mang dòng máu làm ăn lại được thêm một lợi thế mà nông thôn không thể có tức các quan hệ bà con họ hàng với Hồng Kông – Đài Loan – Mã Lai – Singapore [4]. Những vùng duyên hải tranh nhau mời mọc Hoa Kiều về nước đầu tư qua các đường dây quen biết chằng chịt thay vì tổ chức hệ thống trong khuông khổ của những Văn Phòng Phát Triễn và Đầu Tư theo kiểu Nam Hàn và Đài Loan – bởi vì lúc đó ở Trung Quốc không có tầng lớp cán bộ hay kế hoạch đầu tư nào hữu hiệu bằng kiểu “giật dây” những mối liên hệ tư nhân nói trên[5]. Nhờ vậy nảy sinh truyền thống cạnh tranh mà sau này giúp cho cán bộ và tư nhân năng động đầy sáng kiến cho dù phải sống trong mô hình chuyên chế độc đảng. Bù lại nạn tham nhũng, hối lộ, bè phái, bôi trơn bùn phát bởi vì đầu tư ngay từ lúc ban đầu đã không được quy hoạch bởi một tầng lớp chuyên viên kinh tế độc lập và khách quan.

Khoảng năm 1993 có 3 thay đổi quan trọng nhưng dính chặt với nhau: (1) quyền sở hữu tư nhân, (2) tư hữu hóa một số doanh nghiệp nhà nước và (2) thu hút đầu tư Tây Phương:

Công ty Âu-Mỹ-Nhật chỉ bỏ vốn khi quyền tư hữu được bảo đảm;

Doanh nghiệp nhà nước được tư hữu hóa bán cho các nhóm thế lực gồm cựu viên chức nhà nước “nhảy rào” làm ăn;

Những đặc khu kinh tế vùng ven biển được tư bản Âu-Mỹ-Nhật đào tạo để cho ra đời luật thương mại, quyền sở hữu tư nhân cùng các định chế đầu tư.

Dân cư vùng duyên hải trở nên giàu có, làm ăn với nước ngoài, xuất ngoại thường xuyên nên am hiểu quyền lợi và luật pháp nên không còn dễ bị bắt nạt như người sống dưới quê. Kết quả là cho đến ngày hôm nay Trung Quốc chia ra thành 2 khu vực cả về kinh tế lẫn luật pháp:

– giàu (ven biển) và nghèo (nội địa)

– luật pháp tương đối được tôn trọng (ven biển) hay luật rừng (nội địa)[6]

Khoảng cách giữa 2 vùng được ước đoán cách biệt 20-30 năm[7].

Một trường hợp điển hình là nạn quấy nhiễu (harassment) và tham nhũng vặt (petty corruption) giảm dần ở ven biển trong khi tiếp tục thịnh hành trong đất liền. Bắc Kinh quy định mức lương thấp tương đối đồng đều cho công nhân viên quan chức trên toàn quốc để tránh bị xem phân biệt đối xử. Lương ít không đủ sống ở Thẩm Quyến, Thượng Hải nên trước đây cán bộ nhà nước bắt buộc phải tham nhũng hối lộ rồi ăn chia. Đến khi kinh tế tăng trưởng, viên chức cấp nhỏ không còn dám đụng chạm đến các tập đoàn thế lực và doanh nghiệp cỡ lớn trong khi dân chúng cũng hiểu biết luật lệ để sừng sỏ gây lại. Vùng duyên hải được giữ lại phần tăng trưởng vượt chỉ tiêu nên cấp phát bổng lộc hay phần thưởng giá trị gia tăng (bonus) chia ra cho cán bộ nhân viên trong địa phương. Tăng trưởng càng cao thì phần thưởng càng nhiều khiến cán bộ nhà nước bỏ thói tham nhũng vặt và quấy nhiễu doanh nghiệp, thay vào đó hợp tác tạo cơ hội cho doanh nghiệp càng nhiều lợi nhuận thì bổng lộc càng lớn. Cho nên cán bộ địa phương thay vì “điều hướng doanh nghiệp” (theo mô hình xã hội chủ nghĩa) nay trở thành “phục vụ doanh nghiệp” (sau này sinh “cấu kết với doanh nghiệp” bằng cách cấp phát đất đai với giá rẻ, đàn áp công nhân đòi tăng quyền lợi và che dấu các vi phạm môi trường.) Bù lại ở các vùng nội địa vì tăng trưởng chậm, doanh thu thấp còn chưa thoát khỏi các tệ trạng quấy nhiễu và tham nhũng con.

Bốn vấn đề mới lại nảy sinh ra ở vùng duyên hải. Thứ nhất, tăng trưởng càng nhanh thì địa phương càng nhiều lợi tức để tưởng thưởng những cơ quan và cán bộ đạt thành tích cao. Loại cán bộ thư viện chẳng thể nào thu hoạch vẻ vang bằng cán bộ thuế vụ hay phát triễn đô thị, cho nên cùng trong cùng một ngạn ngạch mà công nhân viên chức giàu nghèo khác nhau một trời một vực!

Thứ hai là thành tích dựa trên kết quả tức thời thấy được như con số tăng trưởng. Bù lại những vấn đề về an sinh xã hội hay môi trường chỉ chi mà không thu nên bị bỏ quên cho đến khi tình trạng trở nên tệ hại đến mức trung ương phải can thiệp do dân chúng biểu tình phản đối. Trong những năm gần đây cán bộ nhà nước than phiền bị đánh giá theo quá nhiều hạn mục bao gồm tăng trưởng, môi trường, an sinh xã hội, không có tụ tập biểu tình trong khu vực v.v…cho dù những món nay bị xem là “hình thức” nhưng các phe cánh dựa vào những phụ mục nói trên để “quật” lẩn nhau khi cần thiết.

Thứ ba là trong khi đầu tư nước ngoài vào thập niên 1980 dựa vào quan hệ thân hữu nhưng đến năm 2000 thì các vùng duyên hải trở nên giàu đâm ra chọn lọc đầu tư cỡ lớn. Các tập đoàn chiến lược, nhiều doanh thu hay nhiều thế lực được ưu đãi nhằm loại bỏ các công ty con để chiếm đoạt thị trường và đất đai.  Nhưng cũng chính từ quá trình gạn lọc này giúp ra đời một đội ngũ chuyên viên kinh tế chuyên nghiệp được tổ chức theo mô hình của các Văn Phòng Phát Triển và Đầu Tư theo kiểu Nam Hàn và Đài Loan quản lý đầu tư trở thành hệ thống và lâu dài.

Thứ tư là trong khi nạn tham nhũng vặt (petty theft) và bôi trơn (grease money) giảm ở vùng duyên hải thì ngược lại tham nhũng gộc (grand corruption) và cấu kết bè phái (access money) trở nên thịnh hành nhằm tranh đoạt các thị trường địa ốc hay những khoảng thầu trị giá hàng chục hay trăm tỷ đô-la. Từ năm 2000 chính là lúc mà các thái tử đỏ và những ông hoàng đỏ (red barons) như Bạc Hy Lai (Ủy Viên Trung Ương Đảng), Chu Vĩnh Khang (Bộ Trưởng Bộ Công An) Lưu Chí Quân (Bộ Trưởng Bộ Đường Sắt) trở nên nổi tiếng như cồn mà sau này bị Tập Cận Bình triệt hạ.

Tác giả Yuen Yuen Ang so sánh tình trạng tham nhũng cấu kết (access money) hiện thời tại Trung Quốc với Thời Đại Vàng Mã (Gilded Age) ở Mỹ vào cuối thế kỷ thứ 19. Đây là giai đoạn nền kinh tế mà Hoa Kỳ tăng trưởng vượt bực song song với hố sâu giàu nghèo và bất công xã hội, lại cũng là lúc nổi lên các ông Vua Dầu Hỏa (Rockfeller), Vua Ngân Hàng (J.P. Morgan), Vua Đường Sắt (Stanford) nhiều tiền bạc cấu kết với các thế lực chính trị để tranh đoạt đất đai và các khoảng thầu đầu tư cực kỳ lớn…Thời Đại Vàng Mã ở Mỹ được tiếp nối bởi Giai Đoạn Cấp Tiến (Progressive Era) nhờ vào tự do báo chí vạch trần các tệ nạn xã hội để thúc đẩy cải tổ về luật lao động và thương mại chống độc quyền. Ngược lại Thời Đại Vàng Mã hiện thời ở Trung Quốc đi vào con đường ngược lại là kiểm duyệt ngôn luận nhằm tập trung quyền hạn để Đảng Cộng Sản (tức là Tập Cận Bình) chỉ đạo giải quyết hố sâu giàu nghèo, triệt hạ những siêu đại công ty nhiều thế lực (như Alibaba và TenCent) và lành mạnh hóa thị trường đầu tư (Evergrande) – nhưng đây là đề tài của chương kế tiếp.

Trở lại với khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng duyên hải và trong đất liền, năm 2004 là lúc mà Bắc Kinh có một ngân sách dồi dào (so với 1980-2000 ngân sách trung ương còn ít) để thực hiện kế hoạch đầu tư quốc gia bằng cách chi tiêu xây cất xa lộ, đường xe hỏa và phi trường nối liền nội địa và ven biển. Năm 1980 vùng duyên hải mời mọc Hoa Kiều hải ngoại về nước làm ăn nhưng cho đến năm 2004 chính các tài phiệt ở ven biển lại dư tiền đầu tư khai thác đất đai và công nhân giá rẻ trong đất liền.

Học kinh nghiệm khi đất đai trở thành mỏ vàng ở vùng duyên hải từ 1980-2000 cho nên các tập đoàn thế lực, đại gia và dân cư ở ven biển tranh nhau đầu cơ địa ốc trong nội địa chuẩn bị chờ giá đất “bốc” lên. Nhiều công ty và kế hoạch “ma” được hình thành chỉ nhằm được nhà cầm quyền địa phương cung cấp đất đai giá rẻ trong đất liền. Cộng thêm khối kích cầu năm 2008 giúp các địa phương bơm tín dụng hổ trợ xây cất hạ tầng – hay đúng hơn là tín dụng bơm bong bón đất đai – khiến nợ tăng lên 300% GDP mà phần lớn dính líu vào các vụ làm ăn đất đai với điển hình là khủng hoảng của tập đoàn địa ốc Evergrande ngay vào lúc này.

Chương kế tiếp sẽ tìm hiểu về mô hình kinh tế Trung Quốc trong năm 2021 – dưới thời đại Tập Cận Bình.

 

[1] Sì-căng-đanh Evergrande là một trường hợp điển hình mà nhiều nhà quan sát nhận xét làm nổi bật những yếu kém trong hệ thống tài chánh và địa ốc ở Trung Quốc

[2] Việt Nam áp dụng mô hình của Trung Quốc nên đang trở thành một con rồng kinh tế cho dù cứ mỗi vài năm lại bộc phát nhiều mâu thuẩn nội tại khiến giới quan sát lại cho rằng…sắp sụp rồi!

[3] Tăng trưởng GDP là chính yếu cho đến khi Tập Cận Bình bắt đầu thay đổi mô hình với những khẩu hiệu xã hội chủ nghĩa như Thịnh Vượng Chung (Common Prosperity) – nhưng đây là đề tài cho chương sau

[4] Kiểu giống như miền Nam Việt Nam được “viện trợ Mỹ” từ bà con họ hàng ở nước ngoài mà miền Trung và Bắc không có.

[5] Giống y chang miền Nam trong thập niên 90 gởi điện thư qua Mỹ xin gởi về vài ngàn USD lấy vốn làm ăn

[6] Điều này có thể so sánh với tình trạng giành đất – cướp đất hạn chế ở Sài Gòn – Hà Nội nhưng vẫn xãy ra thường xuyên ở thôn quê

[7] So sánh với Mỹ diện tích rộng lớn hơn Trung Quốc nhưng luật lệ áp dụng đồng đều ở mọi tiểu bang mới thấy đây là một thành tích vô cùng quan trọng

 

Saturday, October 16, 2021

 

Kinh Tế Dễ Hiểu: Mô Hình Kinh Tế Trung Quốc (Nợ – Chương 19)

 

Việc công ty địa ốc Evergrande lớn nhất ở Trung Quốc – và cũng là công ty với con số nợ khổng lồ lên đến 350 tỷ USD – có cơ nguy vỡ nợ khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu đây có sẽ là bước ngoặc báo nguy giống như khi đại ngân hàng Lehman Brothers phá sản khởi đầu cho cuộc Đại Khủng Hoảng Tài Chánh 2008 ở Mỹ? Kinh Tế Dễ Hiểu cho là chưa phải lúc, và bài này sẽ phân tích bằng cách nào Bắc Kinh trong suốt 40 năm nay đã lèo lái nhiều thách thức gay go không để lan tràn làm suy sụp nền kinh tế.

Trước hết nói về thị trường địa ốc ở Trung Quốc hiện chiến 25-30% GDP – so với 9% GDP ở Mỹ năm 2006 tức là vào lúc cao điểm trước cuộc khủng hoảng địa ốc 2007-08. Nhà đất chiếm 80% tài sản của dân Tàu (so với 40% ở Mỹ). Người Hoa không có nhiều cơ hội đầu tư vào cổ phiếu hay trái phiếu như ở Hoa Kỳ nên để dành tiền mua nhà nhất là khi giá nhà tăng liên tục từ 30 năm nay (trừ những lúc giá cả khựng lại trong ngắn hạn như vào năm 2014.)

Ngành địa ốc ở Trung Quốc nếu suy sụp trong một khoảng thời gian dài sẽ ãnh hưởng đến GDP, và trực tiếp tác động lên dân chúng vốn dựa vào giá nhà như khoảng đầu tư lớn nhất trong đời chuẩn bị cho cưới hỏi, hưu trí hay gia tài để lại con cháu[1]. Cho nên Bắc Kinh vô cùng thận trọng quản lý khủng hoảng địa ốc để không nổ bùng trở thành bất mãn xã hội như trường ở Mỹ năm 2007 vốn dẫn đến Donald Trump và Bernie Sander năm 2016 và 2020.

Khủng hoảng kinh tế nguy hiểm ở chổ từ một đốm lửa nhỏ trong chớp mắt lây lan thành trận cháy rừng, lý do nơi tâm lý hốt hoảng của quần chúng và giới đầu tư mạnh ai nấy ôm đầu máu tháo chạy! Kinh nghiệm Bắc Kinh chận đứng dịch bệnh từ thành phố Vũ-Hán năm 2020, cùng với bài học ngăn chận khủng hoảng tài chánh ở Trung Quốc năm 2016, cho thấy không một nhà cầm quyền nào trên thế giới có đủ uy quyền, hà khắc nhưng hữu hiệu tột cùng như đảng Cộng Sản Trung Hoa nhằm giết chết từ trong trứng nước một cuộc khủng hoảng trước khi lây lan – cho dù là khủng hoảng y tế, kinh tế hay là chính trị[2].

Năm 2016 Bắc Kinh chận đứng thất thoát ngoại tệ bằng cách giới hạn con số USD mang ra nước ngoài. Trung Quốc áp dụng những biện pháp chưa từng thấy như đóng cửa sàn chứng khoáng trong 3 ngày (thay vì vài giờ như ở Mỹ) để ngăn chận giá cả không sụp đổ. Tất cả mọi thông tin xấu đều bị kiểm duyệt, bưng bít và nghiêm trị. Tin dữ không thể lan tràn, tâm lý quần chúng tuy hoang mang đồn đoán xôn xao nhưng không hổn loạn. Bắc Kinh nhờ vậy có thêm vài ngày để chuyển nợ xấu về Trung Ương (dưới dạng các công ty xử lý nợ xấu) nhằm trấn an dân chúng không sợ bị mất tiền và ổn địn thị trường.

Tất nhiên nợ xấu không biến mất, nhưng khi chuyển về Trung Ương thì nhà nước có thể in tiền để trả nợ trong nước (bằng NDT hay Nhân Dân Tệ), hay dùng quỹ dự trử ngoại tệ để trả nợ nước ngoài (bằng USD). Đa số nợ trong nước tập trung vào các tập đoàn địa ốc và công ty quốc doanh ở địa phương (so với khủng hoảng ở Mỹ từ nợ tư nhân) nên việc chuyển nợ xấu tương đối nhanh chóng và dễ dàng. Nợ xấu nhờ đó bị cô lập mà không lây lan.

Bắc Kinh dùng nhiều biện pháp để thanh toán nợ xấu trong nước nhưng đơn giản nhất vẫn là in thêm một ít NDT để trả tiền lời (interest) hàng năm, còn nợ gốc (principal) tự nhiên thu nhỏ dần khi GDP tăng trưởng. In tiền tức lạm phát khiến người dân mất sức mua, nhưng khoảng tiền lời trả hàng năm trả cho nợ xấu được chia ra đồng đều theo đầu người nên không còn là gánh nặng. Riêng nhà cầm quyền và các tập đoàn lợi ích gây ra nợ xấu chỉ bị khiển trách nội bộ.

Bắc Kinh lợi dụng vụ Evergrande đang nổ bùng để làm lộ rõ nhiều manh mối tiền bạc và thế lực ở các địa phương mà chính Trung Ương cũng không biết. Nhưng nếu khủng hoảng trở thành nghiêm trọng và lây lan thì Bắc Kinh sẽ mạnh tay cô lập như vào dịp khủng hoảng tài chánh 2016 hay khủng hoảng dịch bệnh Vũ Hán 2020.

***

Tóm lại Bắc Kinh ngăn chận khủng hoảng bằng các biện pháp sau đây:

  1. Cấp Thời:

–          ngăn chận chuyển tiền ra nước ngoài

–          đóng cửa sàn giao dịch (nếu cần Bắc Kinh có thể cấm mua bán nhà trong 3 tháng để ổn định thị trường!)

–          bưng bít thông tin  

  1. Trung Hạn:

–          chuyển nợ xấu về Trung Ương[3]

–          trừng phạt riêng lẻ từng ngân hàng địa phương. Thí dụ trên sổ sách của một ngân hàng địa phương có nhiều nợ xấu thì riêng ngân hàng này phải chịu phân lời cao khi mượn tiền ngân hàng trung ương.

Bản hàng năm đánh giá thành tích cán bộ giờ đây có thêm hạng mục nợ xấu nhiều hay ít trong địa phương, cho dù là nợ từ các ngân hàng địa phương hay nợ không qua hệ thống ngân hàng (shadow banking[4].)

***

Câu hỏi đặt ra là tại sao Trung Quốc chỉ thanh toán nợ xấu trong Cấp Thời và Trung Hạn mà không thể giải quyết tận gốc ở Dài Hạn?

Cách nhìn dễ hiểu nhất là dùng thí dụ Trung Quốc đặt ra chi tiêu tăng trưởng 7% GDP[5]. Giả sử tăng trưởng thật (năng suất và tiêu dùng của quần chúng) chỉ 4% thì 3% GDP còn lại lấy đâu ra?

  1. Thứ nhất là báo cáo láo 1.5% GDP.
  2. Thứ hai là địa phương dùng hệ thống ngân hàng địa phương bơm tín dụng cho tăng trưởng giả 1.5% GDP (tức là đầu tư không sinh lời hay nợ xấu.) Bơm tiền vào địa ốc ăn vừa nhanh lại ngon nhất là khi các địa phương có quyền xử dụng đất đai “của toàn dân” cung cấp cho những công ty quốc doanh và tập đoàn thế lực cầm cố cho ngân hàng đẻ thành tín dụng.
  3. Nhưng câu chuyện chưa kết thúc vì phải trừ thêm vào đó 1.5% GDP tín dụng đầu tư cho các công ty quốc doanh vay mượn không sinh lời như than đá, thép và xi măng.
  4. Như vậy tổng số tín dụng (từ bong bóng địa ốc và các công ty quốc doanh không sinh lời) tăng lên 3% tức là gần bằng với tăng trưởng thật 4%!

Trong khoảng 1980-2000 khi Trung Quốc còn lạc hậu nên cần sắt thép, xi măng, than điện để xây cất nhà đất, hạ tầng và xí nghiệp nên khoảng đầu tư không sinh lời rất ít và bị che khuất bởi tăng trưởng thật 7-10% GDP mỗi năm. Nhưng đến nay khi GDP tăng trưởng chậm lại, nhu cầu hạ tầng và xây cất nhà đất giảm bớt thì nợ xấu mới lòi ra!

Như vậy tại sao Bắc Kinh không thúc đẩy tiêu thụ nội địa trong dân chúng tăng 3% thay vì nợ xấu đầu tư vào bong bóng đất đai và các công ty quốc doanh không sinh lời?

Thứ nhất, giá nhà tăng liên tục trong 30 năm đến nay chiếm 25-30% GDP và 80% tài sản các hộ gia đình Trung Quốc. Địa ốc tăng nhờ đầu tư tăng, nay cắt nguồn vốn khiến giá nhà sụp đổ tức là dân chúng nghèo đi và bất mãn. Bắc Kinh trong thế cỡi cọp không dám xuống.

Thứ nhì, cắt nguồn vốn từ đất đai tức là siết mạch máu các địa phương trước nay biến đất đai thành nguồn thu nhập để tăng trưởng.

Thứ ba, muốn tư nhân tăng tiêu thụ thì phải lên lương và nâng cao chi phí an sinh xã hội (để dân bớt để dành tiền lo bệnh hoạn, nuôi con và lúc về già) bằng cách bớt tín dụng và đánh thuế vào doanh nghiệp và các tập đoàn thế lực – chính sách lấy của nhà giàu phân phát cho nhà nghèo này đi ngược với mô hình tăng trưởng theo xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa từ thời Đặng Tiểu Bình.

***

Bắc Kinh có đủ uy lực, sắt thép và hữu hiệu để ngăn chận các khủng hoảng nhưng chỉ là các biện pháp vá víu ngắn và trung hạn. Nếu nợ xấu còn tăng dài hạn sẽ ra sao?

Tiếp tục đầu tư thì giá nhà còn tăng cho đến lúc bớt người mua, tập đoàn đầu tư thu vào không đủ để trả nợ thì sẽ vỡ nợ. Tâm lý thị trường ở Trung Quốc là ỷ lại (moral hazard) nhiều lần được nhà nước nhảy vào can thiệp không cho vỡ nợ nên sau đó giá nhà lại tăng. Nhiều người chờ giá nhà xuống để mua (good time to buy) nên giá nhà không thể tụt hạ.

Nhưng sẽ bớt người mua vì: (1) Trung Quốc đang tiến vào giai đoạn lão hóa (2) GDP Trung Quốc tăng trưởng chậm lại cho nên lương và tiết kiệm tăng chậm so với giá nhà tăng nhanh và quá cao 

Nợ xấu tăng mải thì đến một lúc nào đó nhà nước sẽ gãy xương sống không gánh vác nổi. Liệu nhà cầm quyền có đủ uy lực và hà khắc để tiếp tục đè nén không cho khủng hoảng bùng nổ lây lan hay không chẳng ai biết. Ở Mỹ kinh tế trì trệ sau khủng hoảng; bên Nhật tuy không khủng hoảng nhưng kinh tế vẫn trì trệ; ở Liên Xô trước đây chưa bao giờ có khủng hoảng nhưng kinh tế cứ lụn bại. Cho nên ai cũng muốn thấy khủng hoảng bùng nổ như đi coi pháo bông nhưng đây không phải là dấu hiệu duy nhất cho kinh tế suy thoái.

Liệu suy thoái sẽ xảy đến nhanh hay chậm trong vòng 5 hay 10 năm nửa chẳng ai biết. Mỹ hiện cũng đang mang một núi nợ khổng lồ. Giữa Mỹ và Tàu hai gánh nợ gánh nào gảy trước nước kia sẽ là cường quốc số một vào thế kỷ 2021. Tàu có ưu thế sản xuất hàng hóa, Mỹ có ưu thế in tiền đô-la. Kinh Tế Dễ Hiểu tiên liệu trong khoảng 5-10 năm nửa sẽ có câu trả lời (nếu không sớm hơn trước cuối nhiệm kỳ Biden.)

  [1] Dùng thí dụ Việt Nam: một gia đình ở Saigon thu nhập 30 ngàn USD nhưng căn nhà 500 ngàn USD so với một gia đình ở Mỹ thu nhập 100 ngàn USD nhưng căn nhà 300 ngàn USD, tức là dân Saigon tuy lương thấp nhưng giàu tài sản hơn dân Mỹ! Bù lại gặp khủng hoảng địa ốc thì thiệt hại nặng hơn ở Mỹ. Câu chuyện này đi sâu hơn nửa không còn dễ hiểu vì ở Mỹ mượn tiền mua nhà nên lúc khủng hoảng nhiều người bỏ nhà trong khi ở Việt Nam và Trung Quốc ít có chuyện bỏ nhà, cho nên thị trường địa ốc không thể sụp nhanh như ở Mỹ – Kinh Tế Dễ Hiểu xin dừng nơi đây.

[2] Với mức độ kiểm soát hiện thời Bắc Kinh có thể chận đứng một phong trào quần chúng trong nước không cho lây lan thành cách mạng chính trị như trường hợp Liên Xô và Đông Âu thập niên 1990 hay Cách Mạng Hoa Hồng và Hoa Nhài thập niên 2000.

[3] Nói cho cùng ở Mỹ cũng dùng các biện pháp tương tự nhưng màu mè hơn như vào năm 2007 Bộ Tài Chánh Hoa Kỳ “bảo trợ” cho ngân hàng mạnh J.P. Morgan mua Bear Stearns; hay công hữu hóa hai đại tập đoàn địa ốc Fannie Mae và Freddie Mac năm 2008.

[4] Shadow banking tức là nợ không qua hệ thống ngân hàng nên không báo cáo về Ngân Hàng Trung Ương, gồm nợ tư nhân (A cho B mượn tiền), nợ từ các tập đoàn đầu tư (trust), v.v…

[5] Việt Nam cũng đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP giống như Trung Quốc nên cùng chia sẻ vấn nạn này. Trái lại Âu-Mỹ-Nhật không có chỉ tiêu tăng trưởng nên công nhân viên nhà nước không cần đạt hay vượt chỉ tiêu, còn GDP chỉ là kết quả của đầu tư và tiêu thụ tư hay công.

 

 

Monday, October 25, 2021

 

Kinh Tế Dễ Hiểu: Mô Hình Kinh Tế Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình (Chương 20)

 

Nhiều người Hoa cho biết trước năm 2008 một số đông cán bộ, đảng viên và dân chúng Trung Hoa có cùng chung nhận xét là tăng trưởng kinh tế sẽ dẫn đến dân chủ hóa – điểm khác biệt nơi người dân muốn thấy tiến trình này xảy đến nhanh còn đảng Cộng Sản cố tình trì hoãn. Cuộc Đại Khủng Hoảng Tài Chánh 2008 tại Hoa Kỳ khởi đầu cho bước chuyển biến tư duy lớn khi Bắc Kinh kết luận rằng đồng thuận Washington (Washington consensus) và trật tự thế giới tự do (liberal world order) do Mỹ lãnh đạo không hẳn là con đường duy nhất cho phát triển và ổn định, nhất là khi so sánh với mô hình xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Hoa vừa mang 300-500 triệu người từ nghèo đói lên sung túc lại đẩy nền kinh tế nhảy vọt lên hàng thứ nhì trên thế giới vỏn vẹn chỉ trong vòng 30 năm dưới sự lãnh đạo tài tình của đảng Cộng Sản.

Bước ngoặc tư tưởng kế tiếp là sự lung lay của nền dân chủ Mỹ trải qua hai kỳ bầu cử 2016 và 2020. Chuyển biến tư duy cuối cùng khi Bắc Kinh tự hào đối phó hữu hiệu với dịch cúm Tàu năm 2020 so với xã hội Tây Phương bất lực và hổn loạn. Ba sự kiện liên tục khiến Tập Cận Bình kết luận Hoa Lục không cần phải dân chủ hóa. Thay vào đó mô hình kinh tế chỉ đạo ở Trung Quốc đã được chứng minh cho thấy có đủ năng lực cạnh tranh với nền kinh tế thị trường của Mỹ. Bài này sẽ tìm hiểu chính sách của Tập Cận Bình thắt chặt sự kiểm soát của đảng lên nền kinh tế như thế nào bắt đầu từ ý thức hệ đó.

***

Mô hình xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa hiện đang đổi màu từ vàng (xanh nhiều hơn đỏ) thời Đặng sang hồng (đỏ nhiều hơn xanh) thời Tập. Tập Cận Bình đang đối diện với 3 thử thách mà cũng là cơ hội:

  1. GDP Trung Quốc có thể qua mặt Hoa Kỳ sớm là đầu thập niên 2030, trễ là 2040-50.
  1. Dù thành quả kinh tế rực rỡ nhưng khoảng cách giàu nghèo và bất mãn xã hội đe dọa ổn định xã hội và tính chính danh của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
  2. Hoa Kỳ nay xem Trung Quốc là một đối thủ chiến lược và cố tình ngăn chận đà tiến của Hoa Lục.

Trước các thử thách đó, Tập kết luận Hoa Lục không cần phải dân chủ hóa mà cũng chẳng phải khép mình vào trật tự thế giới tự do theo Mỹ. Trái lại con đường đi tới là tái khẳng định vai trò lãnh đạo của đảng Cộng Sản nhằm mang lại bình đẳng xã hội và phục hồi Giấc Mộng Trung Hoa. Ba nét lớn trong chính sách kinh tế của Tập gồm:

  1. Khẩu hiệu “Thịnh Vượng Chung” (Common Prosperity) thời Tập đi ngược với lập trường “Không thể mọi người cùng giàu một lúc” (tức là chấp nhận giàu nghèo sai biệt) của Đặng, đồng thời đượm màu sắc xã hội chủ nghĩa thời Mao nhằm giải toả phần nào hố sâu giàu nghèo và mối bất bình trong quần chúng. 
  1. Trong kinh tế cổ điển có 4 phương tiện cấu thành sản xuất gồm Đất Đai, Lao Động, Vốn và Kinh Doanh (Land, Labor, Capital and Entrepreneur). Nay Bắc Kinh cọng thêm vào một yếu tố thứ 5 là Dữ Kiện (Data). 

Do nhà nước Cộng Sản phải làm chủ các phương tiện sản xuất cho nên nhà cầm quyền phải sở hữu mọi Dữ Kiện xã hội. Tập Cận Bình kềm chế hai tập đoàn mạng Alibaba và Tencent để thu thập những dữ kiện xã hội dưới tầm quản lý của đảng, đồng thời ngăn chận mầm móng công ty tư nhân trở thành một thế lực chính trị tác động lên quần chúng và nhà nước như trường hợp Facebook, YouTube và Twitter ở Mỹ.

Về kinh tế nhà nước thu thập các Dữ Kiện xã hội nhằm quản lý việc phân phối vốn và ngân sách, và để phát huy công nghệ chiến lược về trí tuệ nhân tạo.[1]

Về chính trị nhà nước theo dõi các Dữ Kiện xã hội nhằm kiểm soát thông tin và giám sát các mầm móng bất mãn trước khi bùn phát. 

  1. Truyền thống của nhà nưóc Cộng Sản chú trọng vào các ngành kỷ nghệ nặng như sản xuất động cơ, sắt thép, dầu hỏa, than đá v.v… Công nghiệp nặng (hay công nghiệp chiến lược) trong thế kỷ thứ 21 lại gồm Trí Tuệ Nhân Tạo, Chip Điện Tử, Năng Lượng Tái Tạo, Hàng Không và Không Gian, v.v… 

Bắc Kinh đề ra kế hoạch Made In China 2025 để Trung Quốc trước tự túc rồi sau đó dẫn đầu thế giới trong các ngành kỷ thuật chiến lược của thế kỷ thứ 21. Nhu cầu này càng trở nên cấp thiết trong hoàn cảnh tranh chấp Mỹ-Trung khi Hoa Kỳ có ý định phong tỏa Trung Quốc về công nghệ tiên tiến. 

Các mạng xã hội lại không thuộc diện “sản xuất”. Việc Bắc Kinh thất sủng hai đại tập đoàn Alibaba và Tencent là tín hiệu để khuyến khích các tài năng tinh hoa trẻ ưu tiên chọn công ăn việc làm trong những ngành công nghệ chiến lược thay vì mạng xã hội (khác với giới trẻ ở Mỹ ưa chuộng làm việc cho Google, Facebook hay liên quan đến BitCoin v.v…với mức lương và bổng lộc cao.) 

  1. Giống như Amazon ở Mỹ, hai công ty Alibaba và Tencent nắm vai trò huyết mạch trong kinh tế Trung Quốc vào thời gian phong tỏa dịch bệnh Vũ Hán do mọi mua bán đều xảy ra trên mạng. Cho nên không lấy làm lạ khi Bắc Kinh siết chặc quản lý hai công ty này vì không thể để một quyền lực rộng lớn như vậy nằm trong tay tư nhân. 
  1. Ant Financial (Alibaba) và WeChat (Tencent) là công ty và ứng dụng tài chánh mạng thành công nhất thế giới, bỏ xa Apple Pay hay Google Pay. Dân Tàu ngày nay không xài tiền mặt, thay vào đó mua bán qua điện thoại cầm tay. Dựa vào thế mạnh này nên Ant Financial và WeChat thu thập các dữ kiện mạng chuẩn bị cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn thay vì mượn tiền ngân hàng. Ant Financial còn có thêm chương trình cộng tác với đại công ty tài chánh Vanguard ở Mỹ nhằm cung cấp các dịch vụ đầu tư cá nhân cho dân chúng (thay vì dân Tàu chỉ gởi tiết kiệm vào ngân hàng với lãi xuất thấp.) 

Qua hai dịch vụ nói trên nhằm (1) thu hút nguồn vốn từ dân chúng, rồi (2) phân bổ nguồn vốn cho doanh nghiệp nên Ant Financial và TenCent trở thành đối thủ cạnh tranh với ngân hàng nhà nước, ngân hàng địa phương và các lãnh chúa địa phương trước nay độc quyền thu góp tiết kiệm giá rẻ từ quần chúng để cho các công ty quốc doanh và tập đoàn lợi ích vay mượn với phân lời thấp. Do vốn là một trong 5 yếu tố cấu thành sản xuất (xem phần trên) nên đảng Cộng Sản phải kiểm soát dòng vốn. Bắc Kinh siết chặc Ant Financial và Tencent chính là để nhà nước – thay vì thị trường – độc quyền quản lý vốn. 

  1. Cũng liên quan đến tài chánh Bắc Kinh cấm đoán mọi dịch vụ liên quan đến Bitcoin, một phần nhằm ngăn chận chảy máu ngoại tệ nhưng chính yếu vì Bitcoin không nằm dưới sự quản lý của nhà nước. Trái lại Bắc Kinh muốn đẩy mạnh loại Tiền Điện Toán do Ngân Hàng Nhà Nước (CBDC hay Central Bank Digital Currency) nên loại bỏ Bitcoin để triệt hạ một đối thủ cạnh tranh. 
  1. CBDC-TQ sẽ giúp Bắc Kinh kiểm soát dòng vốn, giảm thiểu nạn tham nhũng[2] và không bị che mắt bởi các đầu tư kém hiệu quả. CBDC-TQ có mục tiêu dài hạn là phá vỡ vòng phong tỏa của USD Hoa Kỳ một khi các đối tác thương mại nước ngoài dùng CBDC nên không phải thanh toán mua bán qua hệ thống SWIFT chuyển tiền liên quốc gia bị Mỹ chi phối. 
  1. Một lý do khiến Bắc Kinh chận đứng việc niêm yết ra nước ngoài của Ant Financial và Didi nhằm tránh việc công ty Trung Quốc phải minh bạch hoá trên sàn chứng khoán Mỹ các con số về doanh thu và dịch vụ trong nước, tức là những tin tức mà Bắc Kinh xem như thuộc lãnh vự an ninh quốc gia. 
  1. Giáo dục con cái hiện là một gánh nặng tài chánh cho các gia đình Trung Quốc. Bắc Kinh tăng cường kiểm soát ngành giáo dục mạng và giới hạn giáo viên kềm trẻ em tại tư gia nhằm xoa dịu nổi bất bình trong quần chúng. 
  1.  Bắc Kinh kiểm soát thanh thiếu niên chơi các trò chơi trên mạng không quá 3 giờ đồng hồ mỗi tuần. Cho dù quyền hạn của nhà nước lấn lướt vào gia đình nhưng nhiều cha mẹ Trung Quốc đồng ý với chính sách này do con trẻ ngày nay quá khó dạy dỗ. 
  1. Ở Tây Phương khoảng cách giàu nghèo được giảm bớt bằng cách tăng thuế nhà giàu. Trung Quốc không tăng thuế, trái lại chỉ “khuyến khích” các đại gia “đóng góp” vào các quỹ xã hội.

Ở Mỹ có Kỷ Nguyên Vàng Mạ (Gilded Age) vào cuối thế kỷ thứ 19 khi nền kinh tế được đánh bóng bởi tăng trưởng hào nhoáng bề ngoài, nhưng bên trong là hố sâu giàu nghèo và bất công xã hội. Tiếp theo là Thời Đại Cấp Tiến (Progressive Era) khi báo chí phanh phui các tệ đoan xã hội dẫn đến những cải cách về kinh tế, chính trị và luật lao động.

Nhiều tác giả nhận xét rằng Trung Quốc đang trải qua Kỷ Nguyên Vàng Mạ của chính họ. Nhưng thay vì tự do báo chí và dân chủ hóa để giải trừ các bất cập xã hội thì Bắc Kinh chọn siết chặt sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản với mục tiêu mang lại tiến bộ, thịnh vượng và công bình xã hội. Liệu sự kiểm soát của nhà nước có sẽ bóp nghẹt sức sáng tạo của thị trường, hay Bắc Kinh có thể huy động hữu hiệu nhân vật lực nhằm qua mặt Mỹ trong chặng cuối của cuộc đua? Kết quả không quá 10 năm nửa sẽ biết.

[1] Các dữ kiện trên mạng xã hội không những được dùng để theo dõi thị hiếu quần chúng, kiểm soát và lèo lái dư luận mà còn ứng dụng vào trí tuệ nhân tạo. Đảng Cộng Sản Trung Quốc xem trí tuệ nhân tạo như công nghệ chiến lược chủ lực mà Trung Hoa phải dẫn đầu trong thế kỷ 21.

[2] Thống kê cho thấy nơi nào xử dụng tiền điện toán sẽ giảm bớt tham nhũng vì sợ quả tang, nhưng còn những lối tham nhũng khác thì…chưa biết.

 

Wednesday, November 10, 2021

 

Kinh Tế Dễ Hiểu: lịch sử kinh tế nước Mỹ (chương 21)

 

 Nền kinh tế nước Mỹ chia thành 4 giai đoạn dưới ảnh hưởng của 3 kinh tế gia lổi lạc: 

  1. Lập quốc cho đến thập niên 1929: bàn tay vô hình điều hướng thị trường tự do theo Adam Smith
  2. Thập niên 1930 cho đến 1980: bàn tay của nhà nước can thiệp vào thị trường theo John M. Keynes
  3. 1980-2007: thị trường tự do theo Adam Smith nhưng với Ngân Hàng Trung Ương (NHTƯ) quản lý chính sách tiền tệ theo Milton Friedman.
  4. 2007 cho đến: nhà nước can thiệp vào thị trường theo John M. Keynes cùng với NHTƯ quản lý chính sách tiền tệ theo Milton Friedman.

Cho dù Karl Marx không hiện diện mạnh ở Mỹ nhưng tư tưởng Marx ảnh hưởng đến xã hội và kinh tế của Hoa Kỳ từ cuối thế kỷ thứ 18 (giai đọan cực thịnh của nền tư bản Mỹ) cho đến 1929 (Đại Khủng Hoảng Kinh Tế Toàn Cầu).

MỸ (1779-1929) VÀ ADAM SMITH (Luận Bàn về Của Cải Quốc Gia, 1779)

Nước Mỹ ra đời vào năm 1779 tức là cùng năm với quyển sách Luận Bàn về Của Cải của Các Quốc Gia (The Wealth Of Nations) của Adam Smith – người vốn được xem là ông tổ bộ môn kinh tế học. Smith cho rằng thị trường phải được vận hành tự do thì mọi người mới vì tư lợi mà hăng hái làm việc, tạo ra của cải và trao đổi hàng hóa khiến quốc gia trở nên thịnh vượng. Nhà nước chỉ có vai trò hạn hẹp để giữ trật tự (chống gian lận, đầu cơ, ăn cướp…) nhưng không can thiệp vào sự vận hành của thị trường tự do.  

Quan điểm về thị trường tự do và quyền tự do cá nhân của Adam Smith phù hợp với người di dân lập quốc ở Tân Thế Giới. Hoa Kỳ là mảnh đất của những kẻ trốn chạy nạn đàn áp ở châu Âu. Nước Mỹ lại vừa dành độc lập từ Vương Quốc Anh cho nên dân chúng Hoa Kỳ mang tinh thần tự lập đi khai phá những chân trời mới. Nhà nước dựng lên chỉ để bảo vệ an ninh lãnh thổ và thi hành luật pháp mà không được quấy nhiễu dân chúng tự do làm ăn. Bài nhạc nổi tiếng The Star-Spangled Banner với lời ca bất hủ “the land of the free and the home of the brave” (mảnh đất của tự do, mái nhà của những người can đảm) thể hiện tính tự hào và độc lập đó.

MỸ (1860-1929) VÀ KARL MARX (Tư Bản Luận, 1867)

Nền tư bản Âu-Mỹ tiến lên giai đoạn cực thịnh vào cuối thế kỷ 19 song song với hai trào lưu công nghiệp hóa và đô thị hóa.  Thời Đại Vàng Mã (Gilded Age[1]) từ 1860-1896 ở Mỹ là giai đoạn giàu sang hào nhoáng bên cạnh các bất công sâu sắc cùng với khoảng cách giàu nghèo tăng vọt trong xã hội. Nước Mỹ có 24 ông Trùm (robber barons) trong các ngành dầu hỏa Rockefeller, đường sắt Standford, luyện kim Carnegie và tài chánh ngân hàng J.P. Morgan vừa chi phối nền kinh tế lại khuynh đảo quyền lực chính trị.

Đây cũng chính là lúc Karl Marx cho ra đời quyễn Tư Bản Luận (1867) ở Âu Châu tố cáo giới chủ bóc lột thợ thuyền và kêu gọi cách mạng vô sản lật đổ chế độ tư bản.

Tiếp nối Thời Đại Vàng Mã là Kỷ Nguyên Cấp Tiến (Progressive Era, 1896-1920) trong đó nền báo chí tự do Hoa Kỳ (tên gọi Muckraker) phơi trần các cấu kết giữa giới tài phiệt và quan chức nhà nước nhằm thúc giục quần chúng tranh đấu đòi tổ chức công đoàn và cải tổ luật lao động. Năm 1922 Lenin thành lập Liên Bang Xô-Viết, nước Nga[2] trở thành hình mẩu cho thiên đàng vô sản. Phong trào cộng sản quốc tế trổi lên thu hút giới cấp tiến và công nhân ở Mỹ. Cho dù Marx không hiện diện trực tiếp nhưng bóng dáng của Marx lảng vảng chi phối đến các cải cách kinh tế và lao động ở Mỹ trong giai đoạn này.

MỸ (1930-1980) VÀ JOHN M. KEYNES (Lý Thuyết Tổng Quát, 1936)

Sự ra đời của Liên Bang Xô-Viết (1922) và cuộc Đại Khủng Hoảng Kinh Tế Toàn Cầu (1929) khiến chủ nghĩa cộng sản càng trở nên hấp dẫn thu hút giới công nhân thợ thuyền ở Mỹ. Ngược lại bên Âu Châu dân Đức uất ức với những điều kiện nghiệt ngã do phe thắng trận Anh-Pháp áp đặt trong Hoà Ước Versailles (1919); nạn lạm phát phi mã (1923) khiến nước Đức ngã theo Phát Xít rồi sau này đem đến Thế Chiến Thứ Hai.

Chủ nghĩa tư bản có vẽ đang sụp đổ theo đúng như lời tiên tri của Marx-Lenin. Năm 1936 John M. Keynes cho ra đời quyển Lý Thuyết Tổng Quát về Công Ăn Việc Làm, Lãi Xuất và Tiền Tệ) lập luận rằng một khi nền tư bản không tự điều chỉnh được thì bàn tay hữu hình của nhà nước phải can thiệp để tạo công ăn việc làm nhằm ổn định nền kinh tế và tránh bạo loạn xã hội vốn sẽ dẫn đến cách mạng, độc tài, phát xít, cộng sản hay chiến tranh. Keynes chủ trương nhà nước dùng các biện pháp tài chánh (fiscal policy, gồm tăng chi ngân sách và giảm thuế) để kích cầu theo kiểu mồi xăng cho máy nổ thoát ra khủng hoảng.

Năm 1932 Tổng Thống Franklin D. Roosevelt đắc cử ở Mỹ với chương trình New Deal (1933-1939) gồm:

  • nhà nước chi tiêu đầu tư xây cất hạ tầng nhằm tạo công ăn việc làm;
  • nhà nước xây dựng mạng lưới an sinh xã hội (safety net) để hổ trợ thất nghiệp và lương hưu trí;
  • nhà nước giám sát hệ thống ngân hàng (Glass-Steagall Act);
  • nhà nước cải tổ luật lao động và công đoàn;
  • nhà nước tăng thuế nhà giàu hổ trợ cho nhà nghèo.

Chi tiêu và vai trò của nhà nước tăng vọt. Mô hình kinh tế nước Mỹ biến đổi với bàn tay hữu hình của nhà nước can thiệp vào thị trường theo John M. Keynes. Phe chống đối cho rằng bàn tay nhà nước một khi đã thò dọc (government intervention) sẽ lạm quyền (government overreach) bóp méo thị trường tự do (market distortion) và xâm phạm đến quyền tự do cá nhân[3], tức là con đường trá hình đi đến xã hội chủ nghĩa.

***

Sau Thế Chiến Thứ Hai nền kinh tế Mỹ đứng hàng đầu và chiếm 40% GDP toàn thế giới vào năm 1960. Tổng Thống Lyndon B. Johnson (đảng Dân Chủ) nhậm chức phát động Cuộc Chiến Chống Nghèo Đói (War Against Poverty, 1964) cùng lúc với nước Mỹ sa lầy vào chiến tranh Việt Nam.

Johnson mở rộng mạng lưới xã hội (safety net, cho thất nghiệp và hưu trí) thời Roosevelt trở thành chế độ nhà nước phúc lợi (welfare state, bao gồm trợ cấp nhà nghèo (welfare), trợ cấp nhà ở (housing), trợ cấp thực phẩm (food stamp), trợ cấp y tế (medicare).) Safety Net là trợ cấp lúc hoạn nạn; Welfare State là nhà nước bao cấp tạo ra sự ỷ lại, lười biếng và lạm dụng. Chế độ nhà nước bao cấp bị tố cáo là nhà nước lạm quyền dùng chiêu bài bình đẳng xã hội để thò tay can thiệp bóp nghẹt thị trường tự do và tiến lên xã hội chủ nghĩa.

MỸ (1980-2007) VÀ MILTON FRIEDMAN

Chiến tranh Việt Nam và Cuộc Chiến Chống Nghèo Đói vô cùng tốn kém khiến ngân sách nước Mỹ thâm thủng nặng nề. Đồng đô-la lúc đó đổi 35 USD ra 1 lượng vàng, các nước Âu Châu sợ Mỹ hết vàng đòi rút vàng về nước. Năm 1971 Tổng Thống Richard M. Nixon tuyên bố Mỹ “tạm” ngưng neo giá trị USD vào vàng (từ bỏ kim bảng vị). Nhà nước Hoa Kỳ từ đó được rộng tay in USD tiêu xài. Lượng tiền tăng nhanh, đến năm 1973 lại thêm gặp khủng hoảng dầu hỏa khiến giá cả nhảy vọt. Lạm phát lên đến 15% năm 1980 (so với 1.25% năm 2021.)

Năm 1979 Thống Đốc Ngân Hàng Paul Vocker thắt chặt lượng tiền lưu hành bằng cách tăng lãi suất chỉ đạo lên 20% (so với 0.25% năm 2021) để kềm chế lạm phát. Tuy khuất phục được lạm phát nhưng giá đắt phải trả là nạn thất nghiệp 10% và kinh tế suy thoái 1980-1982.

Năm 1981 Tổng Thống Ronald Reagan nhậm chức với chủ trương cắt giảm vai trò của nhà nước để giải phóng sức mạnh hung hãn (animal spirit) của tư nhân và thị trường tự do không còn bị bóng dáng nhà nước che phủ. Reagan tuyên bố câu bất hủ “Government is not the solution to our problem, government is the problem” (Nhà nước không phải là lời giải đáp bởi vì nhà nước chính là gánh nặng.)

Chủ trương của John M. Keynes về bàn tay hữu hình của nhà nước can thiệp vào kinh tế mờ nhạt và bị thay thế bởi Milton Friedman. Friedman thuộc phe tự do cá nhân (libertarian) chống đối quyền lực của nhà nước đặt trên tự do cá nhân và chủ trương nhà nước không can thiệp vào thị trường tự do. Friedman lại khai triển lý thuyết tiền tệ (monetarism) cho rằng Ngân Hàng Trung Ương (NHTƯ) phải hổ trợ nền kinh tế bằng cách giám sát lãi xuất và lượng tiền lưu hành, kiểu như khi cổ xe kinh tế chạy chậm thì tài xế (NHTƯ) nhấn ga bơm xăng (bơm tiền và hạ lãi xuất) đến khi xe vọt ngon trớn lại buông ga bớt xăng (để tránh lạm phát.)

Tưởng cũng nên phân biệt giữa John M. Keynes và Milton Friedman:

  • Keynes: nhà nước tăng giảm chi tiêu nghịch chu kỳ (counter-cyclical spending) bằng biện pháp tài chánh (fiscal policy, gồm ngân sách và thuế khóa);
  • Friedman: NHTƯ tăng giảm lãi xuất và lượng tiền lưu hành nghịch chu kỳ bằng chính sách tiền tệ (monetary policy).

Nhưng NHTƯ chẳng qua chỉ là nhà nước? Khác nhau ở chổ:

  1. NHTƯ là một cơ quan chuyên môn không có quyền lực chính trị như nhà nước. Chính sách tiền tệ của NHTƯ có thể quá trớn nhưng không thể quá đà như nhà nước lạm dụng quyền lực chính trị vi phạm đến tự do cá nhân và của cải của dân chúng.
  2. NHTƯ thuần túy lo về kinh tế (lạm phát và công ăn việc làm), trong khi các vấn đề xã hội như bình đẳng màu da, giàu nghèo phải do các đại diện dân bầu quyết định.
  3. NHTƯ là một cơ quan độc lập để không bị nhà nước biến trở thành một công cụ chính trị (thí dụ nhà nước không thể thúc NHTƯ hạ lãi suất nhằm mua chuộc lá phiếu trong mùa bầu cử.)[4]

Như vậy nguyên tắc độc lập của NHTƯ không chỉ trong phạm vi kinh tế mà còn hàm ý nghĩa chính trị.

Tóm lại từ năm 1980 (Reagan) cho đến 2007 (Đại Khủng Hoảng Tài Chánh):

  • John M. Keynes (fiscal policy) rời sân khấu
  • Milton Friedman (monetary policy) thành kép chính.

Nhạc công (maestro) nổi tiếng nhất trong giai đoạn này là Thống Đốc NHTƯ Alan Greenspan điều chỉnh lãi xuất chỉ đạo. Thị trường theo dõi canh me cặp-táp ông xách đi họp, dày cộm thì hạ giá chứng khoáng (ông có nhiều chuyện bàn) còn mỏng thì tăng giá (chẳng có gì để nói.)

MỸ (2007 cho đến nay)

Từ năm 2007-2020 nước Mỹ bị 2 cú sốc gần chết nên đem cả John M. Keynes và Milton Friedman cùng lên sân khấu.

Cú sốc thứ nhất khi đầu cơ địa ốc dẫn đến Đại Khủng Hoảng Tài Chánh 2007-2008.

  • Nhà nước dùng biện pháp tài chánh (fiscal policy) tung ra gói cứu nguy (TARP 2008, 700 tỷ USD) và gói kích cầu (ARRA 2009, 831 tỷ USD);
  • NHTƯ dùng chính sách tiền tệ (monetary policy) bơm tiền (Quantitative Easing) và giữ lãi suất thấp

Cú sốc thứ nhì với Đại Dịch Vũ Hán năm 2020:

  • Nhà nước dùng chính sách tài chánh tung ra 2 gói cứu trợ (Trump 2020, 2200 tỷ USD; Biden 2021, 1900 tỷ USD);
  • Biden đang vận động đầu tư hạ tầng (Infrastructure Plan, 1200 tỷ USD) và an sinh xã hội (Build Back Better, 1750 tỷ USD);
  • NHTƯ tiếp tục bơm tiền và giữ lãi suất thấp (NHTƯ cho biết sẽ bớt bơm tiền vì lạm phát đang lên.)

Cho nên nợ công nước Mỹ tăng vọt. Năng suất không tăng mà GDP tăng (do nhà nước bơm tiền). Dân chúng không cần đi làm mà vẫn tiền dư rủng rỉnh.

Vai trò trên sân khấu của Milton Friedman không thay đổi (NHTƯ tiếp tục bơm tiền và hạ lãi suất) nhưng của John M. Keynes ngày càng lấn áp với bàn tay can thiệp của nhà nước không những để cứu vớt nền kinh tế mà còn lạm quyền dùng ngân sách và thuế khóa thò dọc cải tạo xã hội (bình đẳng màu da, giàu nghèo, đánh thuế nhà giàu…) theo kiểu xã hội chủ nghĩa. Chính ngay NHTƯ hiện giờ cũng bị áp lực chính trị để dùng biện pháp tiền tệ tạo công bằng xã hội và hổ trợ đầu tư công nghệ xanh, tức là tính độc lập của NHTƯ đang bị đe dọa.

Những kinh tế gia cánh tả như Paul Krugman thúc giục Biden đánh thuế cao và tiêu xài nhiều hơn nửa để bảo vệ môi trường và tạo bình đẳng giàu nghèo. Mỹ nợ ngập đầu nên đẻ ra một lý thuyết mới thịnh hành trong phe cấp tiến là Thuyết Tân Tiền Tệ (MMT, hay Modern Monetary Theory) lập luận nhà nước đừng lo nợ tăng, vì Mỹ mượn nợ bằng USD nên Mỹ in USD trả nợ.

Mỹ chê Tàu dởm. Tàu cười Mỹ khùng.

 

[1] Tên gọi Gilded Age khởi nguồn từ sách The Gilded Age: The Tale of Today năm 1873 của đại văn hào Mark Twain mô tả lòng tham và băng hoại trong nền chính trị Mỹ vào giai đoạn Tái Thiết (Reconstruction) sau cuộc Nội Chiến.

[2] Xem phim Reds (1981) của đạo diễn và tài tử Warren Beatty

[3] Thí dụ nhà nước đánh thuế quá cao tài sản cá nhân trên danh nghĩa công bằng xã hội, tức là nhà nước tước đoạt của cải và quyền tự do mưu cầu hạnh phúc của mỗi cá nhân.

[4] Nguyên tắc độc lập của NHTƯ (Independence of Central Bank) chỉ áp dụng ở Âu-Mỹ, còn tại Trung Quốc, Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ v.v… thì NHTƯ dưới sự điều động của nhà nước. Ngay ở Mỹ NHTƯ cũng chịu nhiều áp lực chính trị hầu vi phạm tính độc lập của mình.

 

Monday, November 29, 2021

 

Kinh Tế Dễ Hiểu: Toàn Cầu Hoá (Chương 22) & Lời Kết (Chương 23)

 

Người được xem khai sáng ngành kinh tế học Adam Smith đã cổ võ cho tự do mậu dịch giữa các quốc gia. Xã hội Âu Châu bắt đầu công nghiệp hóa trong thời đại của Smith. Ông quan sát trong một hảng xưởng sản xuất kim châm (pin factory) để thấy năng suất tăng vọt khi công việc được phân công ra làm nhiều khâu với chuyên môn khác nhau. Từ đó Smith mở rộng kết luận cho rằng giữa các quốc gia phải có tự do mậu dịch để sản xuất được phân phối theo ưu thế của từng nước nhằm mang đến lợi ích cho toàn thế giới, thay vì mỗi quốc gia dựng lên các rào cản thuế má hoặc theo chính sách bế quan (isolationism) hay trục lợi (mercantilism) để bảo vệ doanh nghiệp nội địa. Tên tuổi của Adam Smith giờ đây gắn liền với thị trường tự do (free market) và tự do mậu dịch (free trade.)

MẬU DỊCH HÀNG HÓA

Mậu dịch hàng hóa trên thế giới ngày nay khác với thế kỷ 18-20. Cho dù Adam Smith đã nhận thấy ích lợi của dây chuyền sản xuất nhưng mãi cho đến thập niên 1980 mua bán giữa các nước phần lớn gồm những sản phẩm đã hoàn tất như tivi, tủ lạnh, xe hơi…thay vì trao đổi theo chuổi cung ứng toàn cầu (supply chain) như hiện thời. Lý do thông tin liên lạc và vận chuyển hàng hóa còn đắt đỏ và bị nhiều rào cản cho đến khi Bức Màn Sắt sụp đổ vào cuối thế kỷ thứ 20, cùng một lúc với Internet và các chuyến tàu xuyên đại dương chuyên chở những kiện hàng container[1] trở nên phổ biến với giá rẻ thì việc phân phối sản xuất theo ưu thế của từng quốc gia mới bùn phát.

Lấy thí dụ về sản xuất xe hơi trong thế kỷ 21: thiết kế ở Mỹ, võ xe làm tại Việt Nam, chip điện toán ở Đài Loan, máy lạnh từ Trung Quốc…các bộ phận sau đó nhập cảng vào Mexico để sản xuất thành phẩm là chiếc ô-tô bán sang Hoa Kỳ. Mexico tuy là chặn cuối xuất cảng xe sang Mỹ nhưng phải nhập cảng 90% các bộ phận từ nhiều nước khác… Giả sử Mexico thu vào 30 ngàn USD từ Mỹ nhưng chi trả 25 ngàn USD mua phụ tùng từ Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan thì Mexico xuất siêu 30 ngàn USD với Hoa Kỳ mà chỉ giữ lại 1 ngàn USD trong nước. Trong khung cảnh phức tạp này chỉ nhắc đến mậu dịch song phương (bilateral trade) giữa hai nước chưa đủ mà cần đến cái nhìn toàn bộ về mậu dịch đa phương (multilateral trade) hay mậu dịch khu vực (regional trade). Riêng trường hợp tay bốn giữa Âu-Mỹ-Việt-Trung thì suất xiêu từ Việt Nam sang Âu-Mỹ lại tương đương với nhập siêu từ Trung Quốc vào Việt Nam; dù hàng hoá du nhập vào Việt Nam có dán nhãn từ nhiều nước Đông Á rồi sau đó bán sang Âu-Mỹ nhưng kết quả vẫn là suất xiêu từ Âu-Mỹ tuôn vào Việt Nam rồi nhập siêu đổ sang Trung Quốc. Cho nên hiểu một cách đơn giản là Mỹ tăng thuế ngăn hàng hóa Tàu thì doanh nghiệp Tàu chạy sang Việt Nam bán hàng qua Mỹ trốn thuế. Dân Tàu nhờ đông, sinh sống ở khắp nơi trên thế giới nên nền kinh tế Tàu ngày nay tổ chức như con rắn 100 đầu: chận đầu này thò đầu khác luồn lách kẽ ngõ để vào!

***

Doanh nghiệp rất ghét tồn kho vì là vốn chết nằm một chổ không sinh lời. Doanh nghiệp ngày này giảm thiểu lượng hàng tồn kho chỉ-vừa-đủ-xài (just-in-time) cho đến khi cần sản xuất hay bán hàng. Vốn không bị kẹt, dây chuyền sản xuất và phân phối hàng hóa nhờ đó được hữu hiệu hóa giúp giá thành sản phẩm được hạ thấp. Bù lại lượng hàng tồn kho chỉ-vừa-đủ-xài lệ thuộc vào các nút chận, bởi thắt nghẽn ở một nơi nào đó trên thế giới sẽ làm tê liệt toàn bộ dây chuyền sản xuất toàn cầu. Vài thí dụ gần đây gồm:

  • 2011 bão lụt lớn ở Thái Lan khiến nhiều hảng xe trên toàn thế giới bị bế tắc do thiếu bộ phận sản xuất xe. Chịu ảnh hưởng nặng nhất là Toyota của Nhật.
  • 03-2021 nghẽn kênh đào Suez khiến chuổi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn gần 2 tuần
  • 2021-2022 khan hiếm chip điện toán khiến các hảng xe và sản xuất điện thoại bị thiệt hại nặng nề hàng chục tỷ USD

Rút từ những bài học nói trên nên Hoa Kỳ và Âu Châu đang tìm nhiều giải pháp tránh thắt nghẽn như (1) đa phương hóa nguồn cung ứng (2) hồi hương ngành sản xuất về nước hay trong khu vực (3) tăng tồn kho[2]. Những biện pháp này đều tốn kém, cần nhiều thời gian cho nên trong nhiều trường hợp thiếu thực tế.

Các nút chận về mậu dịch rở thành vũ khí địa chính trị. Vài thí dụ như:

  • 2010 Trung Quốc ngưng bán đất hiếm sang Nhật để trả đủa tranh chấp quần đảo Senkaku khiến các hảng điện tử Nhật chới với.
  • 2020 Mỹ ngăn chận xuất cảng các chip điện toán sang các công ty liên hệ đến ngành quốc phòng ở Trung Quốc khiến Huawei bị thiệt hại nặng nề.

Các nhà quan sát đều cho rằng:

(1)   trong khi Mỹ tìm cách đem các ngành công nghệ chiến lược ra khỏi Trung Quốc,

(2)   ngược lại Trung Quốc đầu tư ồ ạt vào các ngành công nghệ chiến lược để không còn bị lệ thuộc vào Hoa Kỳ.

Người Mỹ gọi đây là decoupling (tách đôi Mỹ-Trung) hay là giai đoạn chạy đua nước rút quyết định tranh hùng Mỹ-Trung trong thế kỷ 21. Khó xử cho những nước còn lại nếu phải vỗ tay chọn một phe. Riêng Việt Nam khôn khéo đi hàng hai mà không bắt cá theo bên nào, chỉ đợi “trâu bò hút nhau, ruồi muỗi hút máu!”

***

Mậu dịch toàn cầu có lợi cho các địa phương nằm ven biển mà thiệt hại cho dân cư nội địa, cho dù là ở Mỹ (Cali, New York giàu hơn Trung-Mỹ), Tàu (Thượng Hải, Thẩm Quyến giàu hơn nội-Trung)[3]. Bên Tàu hay Việt Nam tuổi trẻ nông thôn di cư hàng loạt lên thành thị tìm việc làm. Nước Mỹ sau khi giàu có dân chúng mọc rễ có nhà cửa, gia đình, hàng xóm…không còn muốn tha phương cầu thực như thời đi lập quốc. Khi hảng xưởng dời ra nước ngoài thì dân Mỹ ở vòng đai han rĩ (rust bell) không cần thiết di cư hàng loạt ra vùng duyên hải tìm kiếm việc làm trong các điều kiện khắc khổ, thay vào đó sống nhờ trợ cấp welfare. Kết quả là số người thất nghiệp hay với đồng lương thấp sống tập trung vào nội địa tạo thành một lực lượng chính trị quan trọng chống toàn cầu hóa và bỏ phiếu cho Trump năm 2016-2020.

***

Tự do mậu dịch dựa trên hàng hóa được trao đổi một cách công bằng mà không bị những rào cản thuế quan hay chính sách bảo hộ ngăn cản. Mậu dịch thiếu công bằng khiến chênh lệch nghiêm trọng trong cán cân thương mại Mỹ-Trung.

Các công ty Trung Quốc đều có tổ sinh hoạt đảng chỉ cần nói miệng ưu tiên mua hàng Tàu cũng đủ để tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa nội địa mà không cần đến những văn bản thuế quan hay bảo hộ nhằm tránh thưa kiện lên WTO.

Công ty Tây Phương muốn hiện diện ở Trung Quốc bị bắt buộc phải hùn với công ty Tàu, lý do Bắc Kinh muốn tìm cơ hội đánh cắp công nghệ cho đến khi mọc đủ lông cánh rồi vắt chanh bỏ vỏ loại công ty nước ngoài ra khỏi Trung Quốc. Trong lần thương chiến Mỹ-Trung năm 2019 Trump quyết liệt đòi Trung Quốc hủy bỏ điều kiện này, nhưng Bắc Kinh cương quyết không kém chỉ đồng ý ghi trên văn bản thỏa thuận mà không quy định thành luật pháp. Cho đến năm 2020 thương chiến nguôi bớt vì dịch cúm Tàu, năm 2021 đến thời Biden không biết vụ này sẽ kết thúc ra sau.

***

Mậu dịch toàn cầu chênh lệch có thể giải thích như khoảng cách giữa tiết kiệm (nước xuất siêu) và tiêu thụ (nước nhập siêu.) Còn muốn  dễ hiểu thì dùng truyện ngụ ngôn con kiến cần cù tích trữ trong khi con ve sầu không biết lo xa cứ mãi vui chơi ca hát.

Mức tiết kiệm ở Tàu chiếm 45% GDP còn ở Mỹ chỉ dưới 10% GDP. Một phần do dân Tàu tiện tặng hơn dân Mỹ (những người lớn tuổi còn nhớ đến cảnh nghèo đói thời Mao), phần khác do nhà nước hạn chế tiêu thụ nội địa (consumption suppression) bằng cách chi tiêu thấp vào mạng lưới an sinh xã hội (giáo dục, y tế, hưu bổng và lương thất nghiệp); tiền trợ cấp ít nên dân chúng phải tự túc lo xa bằng cách để dành tiền giáo dục con cái, phòng khi bệnh hoạn, thất nghiệp hay lúc tuổi già. Nhà nước huy động nguồn tiết kiệm từ dân chúng dùng làm dòng vốn đầu tư vào hạ tầng hay cho doanh nghiệp vay mượn với giá rẻ nhằm hổ trợ xuất cảng.

Tiêu thụ ở Tàu chiếm 40% GDP còn ở Mỹ 70% GDP. Trợ cấp xã hội ở Mỹ khá hơn bên Tàu nhưng không bằng Âu Châu, tuy nhiên dân Mỹ vẫn thích ăn xài vì dễ vay mượn tín dụng. Nguồn tín dụng dồi dào đến từ các nước xuất siêu (Trung Quốc, Việt Nam, Nhật, Đức, Saudi Arabia,…) dư tiền cho Mỹ mượn để mua hàng. Thực tế này tuy nghịch lý nhưng nước sản xuất bán hàng mà không có Mỹ tiêu thụ thì…chết cứng!

Tình trạng chênh lệch mậu dịch không thể kéo dài mãi mãi. Hoa Kỳ sẽ có lúc bớt tiêu xài (thí dụ sau Đại Khủng Hoảng 2007-08) hoặc không còn ai dám cho vay nợ. Mỹ bớt nhập cảng thì Tàu thặng dư xuất cảng. Sản xuất dư thừa thì dòng vốn đầu tư ở Tàu phải mất hiệu quả do bơm vào nợ xấu hay bong bóng địa ốc.

Hai nước Mỹ-Trung không dễ thoát ra thế kẹt nói trên.  Tiêu thụ bên Mỹ chiếm 70% GDP còn địa ốc ở Tàu là 25% GDP. Muốn cắt tiêu thụ ở Mỹ, hay xì bong bóng địa ốc bên Tàu thì GDP phải thụt giảm tức là kinh tế suy thoái. Cho nên Mỹ cứ tiếp tục ăn xài còn Tàu tiếp tục bơm bong bóng – Mỹ gọi là “kick the can down the road” (hay là chuyện để cho con cháu mình lo.)

***

Chênh lệch mậu dịch còn do thao túng ngoại tệ (currency manipulation.) Mỹ nhập siêu với Việt Nam lẻ ra USD phải mất giá so với VND. Nhưng Việt Nam thu USD vào không cho lưu hành mà bỏ trong quỹ dự trữ ngoại tệ theo kiểu đấp đập chứa nước mưa. Đập cản nước khiến hạ nguồn thiếu nước cũng giống như USD bị cản trở thành khan hiếm. USD khan hiếm thì giá USD bị ngăn chận ở mức cao so với VND.

VN vay nợ nước ngoài và nhập cảng máy móc, xăng dầu dùng USD. Việt Nam cần dự trữ USD cho 3-6 tháng hàng nhập cảng phòng khi sự cố và trường hợp chảy máu ngoại tệ. Mỗi nước đều cần đến quỹ dự trử ngoại tệ cũng như mỗi gia đình giữ một ít tiền mặt. Nhưng rồi giống như ông cha hà tiện thu tiền lương của con cái đi làm rồi cất giữ trong kho bạc mà không chịu chia ra cho con cái tiêu xài, khi quỹ ngoại tệ quá lớn tức là nhà nước không chi tiêu đủ vào an sinh xã hội nhằm nâng cao mức sống dân chúng. Việt Nam kềm giá VND nhưng phải nhập cảng xăng dầu bằng USD. Xăng dầu bị mua giá cao khiến hàng hóa tiêu dùng trong nước trở thành đắt đỏ, dân chúng bớt tiêu xài. Như vậy quỹ dự trữ lớn lại cũng là một cách để nhà nước hạn chế tiêu thụ trong nước (consumption suppression) nhằm giúp doanh nghiệp tạo lợi thế cạnh tranh khi xuất cảng.

NGUỒN VỐN LƯU ĐỘNG

Tự do mậu dịch vào thời Adam Smith chỉ gồm trao đổi hàng hóa, nhưng đến thế kỷ thứ 21 còn thêm nguồn vốn lưu động luồn lách đi khắp thế giới.

Một người Pháp trước đây muốn xây cất đồn điền cao su phải dọn nhà sinh sống lâu dài ở Việt Nam chớ rất ít cơ hội sống bên Pháp mà bỏ vốn hùn hạp làm ăn ra nước ngoài. Ngày nay dân Mỹ dễ dàng đầu tư vào bitcoin, thị trường địa ốc, trái phiếu và chứng khoán ở một quốc gia khác bằng cách mua bán trực tiếp trên sàn hay gián tiếp thông qua các công ty đầu tư, bảo hiểm hay hưu trí. Giả sử mua chứng khoán Ai Cập không tăng giá thì bán ra để mua vào chứng khoán Việt Nam, cho nên dòng vốn nói trên lưu động khắp thế giới từ nước này sang nước nọ để kiếm lời cũng giống như nguồn nước luồn lách tìm chổ thấp chảy vào. Nếu nước chảy sinh ra lụt lội hay khô cạn thì nguồn vốn lưu động cũng dẫn đến nhiều bất ổn:

  • Đầu thập niên 1990 bong bóng địa ốc ở Nhật phát nổ. Giới đầu tư quốc tế chuyển dòng tiền vào Thái Lan với hy vọng nắm đuôi con rồng thứ 6 ở Đông-Á trước khi cất cánh. Tiền vô ào ạt bơm lên bong bóng ở Thái Lan cho đến lúc đồng Bhat phá giá vì bị giới đầu cơ tiền tệ tấn công. Bóng vỡ sinh ra cuộc Khủng Hoảng Tài Chánh Đông-Á 1988, rồi lan tràn đến Đông-Âu và Nam-Mỹ.
  • Sau ba vố đau nói trên giới đầu tư quốc tế đổ tiền vào ngành địa ốc ở Mỹ do tin tưởng vào tài năng quản lý tiền bạc của nền kinh tế tư bản hàng đầu thế giới trong khi giá nhà bên Mỹ chỉ tăng mà không giảm. Các tay phù thủy tài chánh Hoa Kỳ mê hoặc giới đầu tư bằng bùa phép thần kỳ như Mortgage Backed Security (MBS) và Credit Default Swap (CDS) mãi đến lúc cuộc Đại Khủng Hoảng Tài Chánh 2007-08 nổ tan tành thị trường mới thức tỉnh đang khuấy nước thành hồ. Trận địa chấn lan rộng sang Âu Châu khi các ngân hàng Đức và Bắc Âu cũng nhắm mắt đầu tư bừa bãi vào Nam Âu sinh ra Khủng Hoảng Euro 2010-12.
  • Do cuộc Đại Suy Trầm 2007-12 nên Âu-Mỹ giảm nhập cảng từ Trung Quốc khiến Bắc Kinh năm 2008 phải tung ra một gói kích cầu khổng lồ trị giá 12.5% GDP để cứu vớt nền kinh tế. Tàu lúc đó được khen là đầu máy kéo thế giới ra khỏi khủng hoảng. GDP tăng trưởng 10% nên Tàu ồ ạt nhập cảng nguyên vật liệu giúp Úc và Nam-Mỹ không bị suy thoái do khủng hoảng Âu-Mỹ. Đầu tư ở Tàu tăng nhưng xuất cảng giảm nên tiền kích cầu bơm lên bong bóng địa ốc. Từ năm 2016 Tàu bị chê là quản lý kinh tế kém khi chính gói kích cầu nói trên sinh ra núi nợ khổng lồ 300% GDP.

Trong khi nguồn vốn nước ngoài đầu tư trực tiếp (FDI) vào hạ tầng và hảng xưởng nằm chết một chổ, ngược lại nguồn vốn lưu động luồn lách từ nước này sang nước khác sinh ra bất ổn. Các nước trong cùng một khu vực thường phát triễn theo chung một khuông mẫu (thí dụ Đông Nam Á bán quần áo và đồ điện tử; Nam Mỹ xuất cảng nguyên vật liệu; Trung Đông bán dầu hỏa; Nam Âu xây nhà thu hút khách du lịch) cho nên nguồn vốn lưu động một khi tháo chạy khỏi một nước thường lây lan ra toàn khu vực khiến khủng hoảng tài chánh nguy hiểm như một đóm lửa nhỏ sinh ra trận cháy rừng. IMF trước đây cho là nguồn vốn nào cũng tốt nhưng sau nhiều bất ổn trên thế giới bắt đầu đổi ý khuyến khích FDI thay vì vốn lưu động.

Trung Quốc thu hút đầu tư trực tiếp (FDI) nhưng kiểm soát dòng vốn lưu động bằng cách (1) ít vay mượn nước ngoài, (2) kiểm soát công ty ngoại quốc hoạt động trong ngành tài chánh ngân hàng, (3) giới hạn chuyển ngoại tệ ra nước ngoài. Dòng vốn đầu tư trong nước chủ yếu từ tiết kiệm của dân chúng. Dân Tàu gởi tiết kiệm vào ngân hàng nhà nước với phân lời thấp. Ngân hàng nhà nước biến tiết kiệm thành nguồn vốn giá rẻ cho các công ty quốc doanh và tập đoàn ưu đãi vay mượn. Những tập đoàn thế lực mua lại quyền xử dụng đất đai “của toàn dân” do các chính quyền địa phương ưu đãi sang nhượng, sau đó khai thác rồi cầm cố đất đã phát triển cho các ngân hàng địa phương để vay mượn vốn mới làm ăn cú khác. Cho nên khủng hoảng tài chánh ở Trung Quốc không do tư bản nước ngoài giựt dây mà nơi chính tư bản đỏ trong nước tận dụng ưu thế độc quyền phân phối vốn và đất đai sinh ra nợ xấu và bong bóng địa ốc.

Nguồn vốn lưu động trên thế giới đến từ nhiều phía:

  • Các quỹ đầu tư, hưu trí và bảo hiểm Âu-Mỹ.
  • Khối các nước bán dầu hỏa như Nga, Na Uy và Trung Đông.
  • Thặng dư mậu dịch giữa các nước tiết kiệm (Đức, Đông Á) và những nước tiêu thụ (Hoa Kỳ, Nam Âu). Một phần tiền dùng cho dự trữ an toàn bằng cách mua nợ công của Mỹ, Nhật, Anh,…phần còn lại bỏ vào các quỹ đầu tư quốc gia (Sovereign Wealth Fund) mua bán chứng khoán, các công ty nước ngoài hoặc đầu tư địa ốc. 

Dòng vốn lưu động còn được giải thích do tình trạng dư thừa tiết kiệm (savings glut) từ 3 nguồn nói trên. Nhà nghèo có bao nhiêu tiền xài hết; nhà giàu xài không hết mới để dành tiền. Nếu tiền của chia đều ra cho mọi người đều…nghèo thì không còn dư thừa tiết kiệm tức giải quyết được dòng vốn lưu động.

LỜI KẾT

Đến đây là chấm dứt loạt bài Kinh Tế Dễ Hiểu. Tác giả sẽ chấn chỉnh và bổ túc thành quyển sách Kinh Tế Dễ Hiểu trong vài tháng tới.

Tác giả Đoàn Hưng Quốc (tên thật Đoàn Văn Tân) hiện hành nghề kỹ sư ở tiểu bang Texas, Hoa Kỳ. Học kinh tế chỉ có 1 lớp Econ 101 hơn 30 năm trước – cho đến nay thì chữ nghĩa của thầy đã trả lại thầy để thầy còn vốn mà dạy sinh viên khác. Tác giả bắt đầu quan tâm đến ngành kinh tế tài chánh vì thua lổ chứng khoán trong cuộc Đại Suy Trầm 2007-08, lúc đó làm việc liên quan đến toàn cầu hóa trong ngành sản xuất điện thoại cầm tay mà trong đầu cứ nhớ câu nói “follow the money” – phải theo dõi dấu vết của đồng tiền mới rõ tiền nhân hậu hoạn của sự việc.

Người dân Việt Nam cho đến thập niên 1980 chỉ biết đến đổi tiền và lạm phát. Cho đến thế kỷ thứ 21 một chị bán hàng rong cũng bàn về toàn cầu hóa, kích cầu, khủng hoảng tài chánh, bong bóng địa ốc, lãi xuất ngân hàng, bitcoin…Dân Việt thích uống cà phê đọc báo bàn chuyện trên trời dưới đất cho nên Kinh Tế Dễ Hiểu không ngoài mục đích góp đề tài tán gẩu…mua vui cũng được một vài trống canh.

Gọi là Kinh Tế Dễ Hiểu nhưng các đề tài tinh vi, phức tạp và hiện đại. Vì mỗi chương có thể phóng thành 1 quyển sách nên Kinh Tế Dễ Hiểu do quá ôm đồm chắc chắn nhiều thiếu sót. Nếu phê bình theo kiểu Mỹ là thiếu nghiên cứu và dẫn chứng nghiêm ngặt (rigorous) nên sai lệch và dễ bị tấn công. Nhưng nghiêm ngặt thì không còn dễ hiểu, cho nên tác giả chọn dễ hiểu hơn là nghiêm ngặt.

Giả sử người đọc phê phán “ông này viết sai” hay “cái này không biết có đúng không, để tìm hiểu thêm” thì tác giả đã hoàn tất mục đích của mình tức là kích thích óc tò mò, phê phán và tư duy độc lập (critical thinking) bởi vì trong kinh tế không có khuôn vàng thước ngọc. Người đi trước phải chấp nhận bị kẻ đi sau phê bình chỉ dạy.

Tác giả từng sống trong Thiên Đường Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, sang Mỹ lại thấy cảnh lạm dụng trợ cấp xã hội nên đâm ra dị ứng với vai trò của nhà nước lạm quyền trong kinh tế. Cho dù biết rằng vai trò của nhà nước không thể bị phủ nhận nhưng lúc cãi lý vẫn thiên về quan điểm của cánh tự do cá nhân (libertarian). Đây là khuyết điểm của tác giả, đành xin đón nhận mọi phản pháo từ độc giả.

Từ ngữ tiếng Anh dùng trong sách báo kinh tế rất linh động và phong phú. Thí dụ chử “socialism” do người Mỹ dùng hàm nhiều ý nghĩa khác biệt với xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Người viết hàng ngày đọc sách báo Mỹ nên dù viết tiếng Việt vẫn phải kèm trong ngoặc đơn các từ tiếng Anh để suy nghĩ được mạch lạc. Tác giả hy vọng độc giả Việt Nam đọc báo Mỹ cũng nhờ đó mà theo dõi được những tranh luận bên Mỹ.

Lời cuối: sách Kinh Tế Dễ Hiểu sẽ được đúc kết chấn chỉnh còn hay hơn các bài trên báo!

 

[1] Kiện hàng container có nguồn gốc từ chiến tranh Việt Nam khi quân đội Mỹ cần chở đủ thứ vật dụng lỉnh kỉnh cho hậu cần. Cách thuận tiện nhất là gom góp đủ loại món hàng lớn nhỏ vào một kiện container bằng thép, chất lên tàu lớn cùng chung với hàng trăm kiện container khác rồi chuyên chở xuyên đại dương. Khi lên bờ các kiện container nhờ kích thước giống nhau được chất lên toa xe lửa hay gắn sau xe vận tải 18-bánh để chuyên chở phân phối đến điểm đến.

[2] Doanh nghiệp có 2 nhu cầu đối nghịch: hữu hiệu (efficiency) hay lo xa (redundancy). Hữu hiệu là tồn kho chỉ-vừa-đủ-xài để không bị kẹt vốn. Dư thừa tức là lo xa dự trữ phòng thiếu hụt nhưng lại chết vốn!

[3] Nước Đức là một trường hợp đặc biệt tuy không có nhiều cảng tốt nhưng lại là cường quốc mậu dịch, cho nên Đức rất chú trọng đến EU như cửa ngỏ thoát ra thế giới.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen