Seite auswählen
  • Joaquin Nguyễn Hòa
  • Gửi bài từ San Jose, Hoa Kỳ cho BBC

Sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, ngày 8/11/2022, khảo sát của hãng tin NBC cho biết là có 64% cử tri Mỹ gốc Á châu bầu cho các dân biểu hạ viện thuộc đảng Dân chủ, 66% bầu cho các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ.

Tuyệt đại đa số những người theo khuynh hướng cấp tiến bầu cho đảng Dân chủ Mỹ hiện nay.

Điều này thấy khá rõ là trong các ứng cử viên gốc Việt thành công trong cuộc bầu cử năm nay, chỉ có vài người thuộc đảng Cộng hòa. Ông Tri Ta của đảng Cộng hòa thắng bà Diedre Thu-Ha Nguyen của đảng Dân chủ giành một ghế tại nghị viện tiểu bang Califfornia, và bà Janet Nguyen giữ được ghế tại thượng viện của tiểu California.

Trong khi đó các ứng cử viên gốc Việt thuộc đảng Dân chủ thắng nhiều nơi hơn, như bà Tram Nguyen, giữ được chiếc ghế ở nghị viện tiểu bang Massachusetts, bà Stephanie Nguyen thắng một ghế ở nghị viện California, đại diện một khu vực gần thủ phủ Sacramento, bà Rochelle Nguyen thắng một ghế ở nghị viện Nevada.

Điều đáng kể hơn cả. Làm thành một sự kiện mang ý nghĩa toàn quốc, đó là cùng một lúc có tới 5 người Mỹ gốc Việt, các ông bà Khanh Pham, Hoa Nguyen, Thuy Tran, Daniel Nguyen, và Hai Pham, đều thuộc khuynh hướng cấp tiến, thắng cử vào nghị viện bang Oregon. Họ làm nên một nhóm các nhà lập pháp gốc Việt lớn nhất trên toàn liên bang.

Thế nhưng thắng lợi của các ứng cử viên gốc Việt thuộc khuynh hướng cấp tiến không có nghĩa là khuynh hướng bầu cử của cử tri gốc Việt đã chuyển thành cấp tiến. Ở hai khu vực mà ông Tri Ta và bà Janet Nguyên, cả hai thuộc đảng Cộng hòa, thắng cử đều có rất đông cử tri gốc Việt. Thắng lợi của họ chắc chắn có sự góp sức to lớn của đồng hương.

Thái Vũ

THÁI VŨ

Một xu thế đang hình thành

Theo phân tích của tờ New York Times, số ra trước ngày bầu cử, thì khối cử tri gốc Việt ở Mỹ đang chuyển sang khuynh hướng độc lập, hoặc nghiêng về đảng Dân chủ, nhưng có thể thấy sự chuyển hướng đó là từ từ.

Khuynh hướng bầu cho đảng Cộng hòa vẫn chiếm đa số ở các cử tri gốc Việt lớn tuổi, và họ là nhóm cư dân đông đúc tại nơi mà ông Tri Ta và Janet Nguyen thắng.

Điều này cũng có thể thấy rất rõ tại khu vực bầu cử số 45, California, cho một ghế dân biểu quốc hội liên bang. Tại đây, bà Michelle Steel, người Mỹ gốc Hàn là đại diện đảng Cộng hòa, tranh với ông Jay Chen, gốc Đài Loan, đại diện đảng Dân chủ.

Khu vực 45 này bao trùm lên Little Saigon, nơi có rất đông người gốc Việt sinh sống. Bà Steel đã thành công với chiến dịch tranh cử chụp mũ ông Jay Chen là ‘cộng sản’. Dĩ nhiên là cựu sĩ quan hải quân Mỹ Jay Chen không thể nào là ‘cộng sản’, nhưng thủ đoạn của bà Steel đã rất thành công trong việc lấy lòng cử tri gốc Việt lớn tuổi ở đây. Vào năm 2018, bà Steel đã thắng một đối thủ người Mỹ da trắng một phần cũng nhờ chụp cho ông chiếc mũ ‘cộng sản’.

Michael Bùi

MICHAEL BÙI Bà Steel chụp mũ ông Jay Chan là cộng sản

Chiến thắng của ông Tri Ta, bà Janet Nguyen, bà Michelle Steel đưa đến một khả năng rất lý thú là những chính trị gia gốc Việt có khuynh hướng cấp tiến sẽ thắng ở những nơi đa dạng sắc tộc hơn, giống với nước Mỹ cấp tiến hơn. Tại những nơi tập trung đông cử tri gốc Việt lớn tuổi, họ khó thành công hơn. Tại Oregon, 5 ứng cử viên cấp tiến gốc Việt thắng lớn ở khu vực thành phố Portland, vùng đất nổi tiếng là cấp tiến từ thời phong trào hippy chống chiến tranh Việt Nam.

Bà Khanh Pham, một trong những ứng cử viên thắng tại bang Oregon, nói với một tờ báo địa phương sau khi thắng rằng đừng chỉ nhìn (5 người) qua lăng kính sắc tộc, mà họ là đại diện cho tất cả cư dân Oregon.

Nhưng không phải quan điểm không phân biệt sắc tộc đều được các ứng cử viên gốc Việt đưa ra. Tại San Jose, một ứng cử viên gốc Việt thắng cử một chức vụ nhỏ (nên không gây chú ý trên truyền thông). Chính tôi nghe ông ta đi vận động cử tri gốc Việt hai lần, lần nào cũng nói rằng nếu bà con người Việt không bầu cho ông là người gốc Việt, thì người gốc Mexico sẽ lấy hết những lợi ích của thành phố. Không rõ ông này ứng cử dưới màu áo của đảng nào, nhưng ông được hai YouTubers người Việt nổi tiếng là MAGA ủng hộ (MAGA, khẩu hiệu Make America Great Again của ông cựu tổng thống Trump.)

Thế nhưng cấp tiến là gì mà những người Việt lớn tuổi không ưa?

Và tại sao họ lại bị đối thủ thuộc đảng Cộng hòa dán nhãn … cộng sản như vậy?

Michael Bùi

MICHAEL BÙI

Có thể hiểu sơ lược rằng những người cấp tiến chống sở hữu súng, ủng hộ phá thai, ủng hộ tách trường học công cộng ra khỏi tôn giáo, ủng hộ một hệ thống phúc lợi công cộng giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội…

Những điều này không đi ngược lại với lợi ích của cộng đồng người Việt tại Mỹ, nhất là vấn đề phúc lợi xã hội, vì số người nghèo trong cộng đồng người Việt tại Mỹ, sống dựa vào sự trợ giúp xã hội là khá cao.

Nhiều người Việt cho rằng chính vì Quốc hội Hoa Kỳ do đảng Dân chủ kiểm soát đã không đồng ý tiếp tục viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa, dẫn đến sự sụp đổ vào năm 1975, mà tuyệt đại đa số người Việt tại Mỹ có gốc gác từ những người tị nạn sau khi miền Nam Việt Nam sụp đổ.

Thế nhưng cũng có hai chuyện thực tế khác là vị tổng thống Mỹ quyết định đưa quân can thiệp vào Việt Nam là ông Lyndon Johnson thuộc đảng Dân chủ, và vị tổng thống chủ trương bình thường hóa quan hệ với Trung hoa lục địa cộng sản vào năm 1972 là ông Richard Nixon thuộc đảng Cộng hòa. Việc bình thường hóa này dẫn đến sự lỗi thời của thuyết domino, và vì thế vị trí tiền đồn chống cộng của Việt Nam Cộng hòa không còn quan trọng nữa.

Nhưng dù hiểu những sự kiện lịch sử như thế nào, thì cộng đồng người Việt tại Mỹ có tâm lý chống cộng rất mạnh, vì thế việc dán nhãn một đối thủ chính trị là cộng sản sẽ dễ dàng đánh đúng tâm lý của cử tri người Việt. Việc dán nhãn bất kể sự thực này hiện là một cách hành xử của đảng Cộng hòa hiện nay, mà nhà báo Jeremy W. Peters của tờ New York Times gọi là Dog-whistling, no apologies political culture (tạm dịch là văn hóa chính trị xấc xược).

Bà Sarah Pailin từng gọi ông Barack Obama là ‘khủng bố’, bà Marjorie Greene bảo ông Bill Gates “đốt rừng California bằng tia laser”, còn bà Michelle Steel hai lần bầu cử liên tục đều dán nhãn ‘cộng sản’ cho đối thủ, và đều thắng nhờ lá phiếu cử tri gốc Việt.

Hai tuần lễ sau bầu cử, tôi dự đám tang của một gia đình người Việt tại quận Marin, California. Đây là một quận được xem là cấp tiến bậc nhất California, cũng như miền bắc của tiểu bang này nói chung. Một người họ hàng của tang gia, khoảng 70 tuổi liên tục bàn chuyện chính trị.

Ông ủng hộ cựu tổng thống Trump một cách cuồng nhiệt và dĩ nhiên chống phe cấp tiến. Tôi và một người khác góp chuyện về những cuộc đình công do công đoàn tổ chức xảy ra vào ngày hôm đó, của nhân viên bệnh viện Sutter, và Cà phê Starbucks. Trước đó vài tháng là cuộc đình công kéo dài của công đoàn hãng lọc dầu Chevron. Ông ủng hộ ông Trump chụp lấy ngay: “Đó đó, đúng là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa California mà!”

Ý ông ấy nói rằng những chuyện đình công là do công đoàn giật dây, mà công đoàn tức là chống chủ nghĩa tư bản, mà chống như vậy tức là cộng sản rồi còn gì nữa. À, tôi nghĩ thầm, cũng có lý vì chả phái Karl Marx, Engels, các ông tổ chủ nghĩa cộng sản, đều ủng hộ công đoàn sao!

Thế nhưng, tôi nghĩ tiếp, tại năm quốc gia cộng sản còn lại trên thế giới là Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Lào, và Triều Tiên, đâu có…công đoàn nào tổ chức đình công như thế, vì công đoàn do nhà nước điều khiển thôi, chứ đâu phải là công đoàn của Sutter, Chevron, hay Starbucks. Nghịch lý này tuy thế khó được ông khách kia cùng những người như ông hiểu cho.