Giáo sư Hoàng Dũng – một thành viên của Ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập Việt Nam – trả lời phỏng vấn Luật Khoa tạp chí ngày 17/11/2022 qua điện thoại.
Phóng viên: Văn đoàn Độc lập Việt Nam thành lập Ban vận động thành lập hội vào năm 2014. Từ đó đến nay, Ban vận động đã làm những công việc gì để đăng ký lập hội ở Việt Nam?
Giáo sư Hoàng Dũng: Chúng tôi không hề làm cái gì tiếp theo.
Vậy chủ trương ngay từ đầu của Ban vận động là không đăng ký với một cơ quan nhà nước nào?
Đúng đấy. Đó là lý do chúng tôi dùng từ độc lập.
Ông có thể cho biết lý do của chủ trương này?
Thực tế ở Việt Nam thì như thế này: nếu anh thành lập một tổ chức có tính chất toàn quốc thì anh phải được phép của Bộ Nội vụ, anh làm ở địa phương thì phải được phép của sở nội vụ địa phương. Người ta không những cấp phép mà còn can thiệp rất sâu.
Chẳng hạn như bầu ban chấp hành rồi ban thường vụ thì cái đó là tự do của anh, người ta không can thiệp. Tôi nói không can thiệp là nói chung chứ còn với một số hội đoàn người ta cho là quan trọng, thực ra đằng sau cũng có can thiệp cả. Tuy nhiên, sau khi anh bầu xong thì anh báo cáo đến sở nội vụ nếu ở địa phương hoặc Bộ Nội vụ ở trung ương và chỉ khi nào các cơ quan này cho phép thì những người mà anh bầu lên đó mới được chính thức đảm nhận những chức danh ấy.
Đó là chưa kể điều lệ phải có một câu khẳng định hội viên phải “nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng”. Những chuyện như thế nó phức tạp vô kể. Thế nên ở Việt Nam mà nếu anh từ chối, anh không chấp nhận cái gọi là sự lãnh đạo của đảng hay anh không chấp nhận cái việc mà anh bầu bán bị người ta can thiệp như vậy thì anh không thể đăng ký được. Đó là lý do mà chúng tôi quyết định thành lập Ban vận động mà không làm thủ tục đăng ký.
Thế thì tại sao các thành viên không ra mắt tổ chức ngay từ đầu mà lại thành lập Ban vận động?
Nếu là tổ chức ngay từ đầu tức là thành ra một cái hội, mà cái hội như thế họ có thể giải tán bất cứ khi nào một cách hợp pháp. Và như thế là pháp luật tầm bậy. Tuy nhiên, dù có tầm bậy họ cũng có cái căn cứ pháp lý để họ dẹp, chứ còn nếu như chúng tôi dừng lại ở Ban vận động thì họ dẹp vẫn được, nhưng tính chất phi lý của nó là rõ ràng bởi vì không có căn cứ pháp luật nào để dẹp chúng tôi cả. Chúng tôi không muốn tạo cái cớ cho họ bắt chúng tôi. Chúng tôi chơi với nhau cũng giống như một cái câu lạc bộ chứ không có điều luật nào mà bắt chúng tôi phải xin phép.
Trong tương lai, nếu đáp ứng được những điều kiện nhất định thì Văn đoàn Độc lập có tiến hành đăng ký tổ chức không?
Tất nhiên chúng tôi rất muốn nếu như mà luật pháp thay đổi. Nay luật pháp vẫn ràng buộc chúng tôi phải qua Bộ Nội vụ, qua sở nội vụ, phải chấp nhận cho người ta duyệt những ai là lãnh đạo của hội đoàn, những chuyện đó là không chấp nhận được.
Gọi là Hội hay gọi là Ban vận động thì bản chất nó không khác nhau gì cả, chúng tôi cũng làm ngần ấy chuyện. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong muốn có chữ “hội” là vì như thế này: điều đó nó báo hiệu xã hội Việt Nam bắt đầu thay đổi. Ngày nào mà cứ phải dừng lại ở Ban vận động thì cái đó là một thông điệp gửi đến cho mọi người biết rằng ở Việt Nam chưa có quyền lập hội đâu.
Từ khi thành lập Ban vận động đến nay thì hội đã có những hoạt động gì?
Chúng tôi làm cũng được nhiều việc.
Một là cái hoạt động lớn và chính là có một trang mạng của Ban vận động, là trang mạng Văn Việt gồm có hai địa chỉ, hoạt động đều đặn, đăng tất cả những bài vở mà chúng tôi thấy là đáng đăng và cái việc này thì không có nhà nước nào chỉ đạo được. Độc lập mà!
Thứ hai là chúng tôi có trao giải thưởng hằng năm. Trao giải thưởng về văn chương thôi, giải thưởng viết thơ, giải thưởng viết văn, giải thưởng về nghiên cứu. Có năm chúng tôi thêm giải thưởng dịch thuật.
Và cũng có in một số sách đứng tên Văn đoàn Độc lập, có khi in ở nước ngoài, chẳng hạn như cuốn “40 năm thơ Việt hải ngoại”.
Chúng ta ở trong một xã hội cực quyền đến mức độc quyền. Sự độc quyền về chính trị được hợp thức hóa bằng một cái văn bản cao nhất của luật pháp tức là Hiến pháp, ghi nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức lãnh đạo cả nước. Điều đó tất nhiên dẫn đến cái chuyện là thực chất không có quyền lập hội. Nói là quyền lập hội có nghĩa rằng là tôi có quyền thành lập một cái hội hoạt động trong khuôn khổ của luật pháp và tôi không cần anh cho phép, mà chỉ cần thông báo cho anh, thế thôi. Nhưng mà trên thực tế cái chuyện đó là không làm được. Thậm chí hội nào người ta cho là nhạy cảm thì người ta can thiệp từ đầu. Thực chất là một xã hội dân sự có tiếng nói khác nhau để cùng nhau xây dựng đất nước là không thể có được ở Việt Nam hiện nay.
Trong lĩnh vực văn học – nghệ thuật, tất cả các hội đoàn đều dưới quyền lãnh đạo của chỉ một đảng. Tôi không nói đảng xấu mà ngay cả cái đảng thông minh sáng suốt, là minh quân thánh chúa như ngày xưa đó, về nguyên lý cũng đã là xấu. Văn học, nghệ thuật vốn đa dạng, mà buộc tất cả đều nói cùng một dạng, tất cả đều phải dưới sự lãnh đạo của một tổ chức thì cái đó về nguyên lý là xấu, vì nói như Phan Khôi: “Nhược bằng bắt hết mọi người viết, phải viết theo lối với mình thì rồi đến một ngày kia, hàng trăm thứ hoa cúc đều phải nở ra cúc vạn thọ hết”. Cho dù cái đảng đó họ tốt đến mấy đi nữa thì kết quả cuối cùng vẫn xấu như thường. Thành ra chúng tôi có một cái hội đoàn chung của những anh em yêu thích văn chương muốn nói với nhau, hay là nói về mọi người, đó là tiếng nói của mình mà không ngại, không sợ ai can thiệp vào. Tôi cho rằng riêng cái sự tồn tại của một cái tổ chức như vậy nó cũng đã làm cho xã hội tốt đẹp hơn.
Hội Nhà văn Việt Nam đã phản ứng như thế nào với sự ra đời và hoạt động của Ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập?
Phải phân biệt hai cái hội nhà văn hay nói cách khác là một hội nhà văn trong hai giai đoạn khác nhau.
Giai đoạn trước, dưới sự “lãnh đạo sáng suốt” của ông Hữu Thỉnh, thì cái Ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập này bị đàn áp có thể nói là nặng nề. Mà đàn áp có văn bản hẳn hoi chứ không phải là nói miệng với nhau, như chuyện Ban Tuyên giáo cấm đưa những tác giả có chân trong Ban vận động vào sách giáo khoa ngữ văn phổ thông. Chỉ riêng cái chuyện ông Hữu Thỉnh chỉ đạo không được bầu những người tham gia Ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập mà đồng thời là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đi dự đại hội nhà văn thì đủ thấy là người ta kỳ thị đến đâu rồi. Chưa nói tới những bài vở của Hội Nhà văn Việt Nam, và cả tờ Văn nghệ của Thành phố Hồ Chí Minh, với những lời lẽ nặng nề dành cho Ban vận động.
Còn cái Hội Nhà văn của thời kỳ ông chủ tịch mới là Nguyễn Quang Thiều thì thực ra tôi chưa thấy có một cái thái độ gì gọi là kỳ thị hay là xấu với Ban vận động chúng tôi cả.
Còn bên phía chính quyền thì sao?
Theo dõi chặt chẽ. Một số thành viên bị theo dõi rất là gay gắt. Cũng có khi lỏng, có khi chặt. Những khi chặt thường là đầu tháng Ba khi mà chúng tôi tổ chức lễ trao giải. Những người được giải thậm chí bị chặn từ xa, không cho dự lễ trao giải.
Có một năm chúng tôi định tổ chức gặp nhau ở một nhà hàng và đã đặt tiền cọc. Người ta làm áp lực buộc nhà hàng đó hôm sau gọi điện cho chúng tôi từ chối, chúng tôi phải đi chỗ khác. Tới chỗ khác thì người ta lại cúp điện, cúp nước, chúng tôi không ăn được. Chúng tôi phải ngồi trong cái phòng tối, không có điện, phải dùng cái quạt giấy, xong rồi phải chuyển qua chỗ khác. Rồi anh em công an họ cũng đi theo, ngồi bàn bên kia, chúng tôi ngồi bên này cho đến lúc chúng tôi giải tán. Tóm lại không có gì họ không làm đâu, dù chưa đến mức bắt bớ. Nhưng mà họ gây khó khăn thì nhiều lắm, chẳng hạn như mời đi uống cà phê với công an thì quá nhiều không thể kể hết được.
Trong hơn tám năm qua thái độ của chính quyền với xã hội dân sự có thay đổi gì không?
Không có thay đổi gì cả. Ít nhất là đối với chúng tôi nó là một thái độ nhất quán từ đầu chí cuối, không có thay đổi gì cả.
Trong thời gian tới, Ban vận động chủ trương có những hoạt động gì?
Chúng tôi không nhắm chủ yếu vào những tên tuổi đã thành danh mà làm thế nào để cho những người trẻ họ thấy một cách làm, thấy một hướng đi và thấy có nơi mà họ có thể nói được những gì họ nghĩ. Chúng tôi vẫn có kết quả chứ không phải là không có, nhìn vào những người trẻ mà chúng tôi trao giải thưởng thì thấy. Tuy nhiên, đó vẫn là một cái mơ ước bởi vì kết quả phải nói là rất khiêm tốn.
Văn đoàn cũng có một mục đích nữa, thể hiện ngay trong tên tuổi của những cái người tham gia vào Ban vận động từ đầu. Chú ý rằng hội đoàn Việt Nam chỉ kết nạp những người có quốc tịch Việt Nam, nhưng mà cái Văn đoàn này là dành cho những ai yêu mến văn chương tiếng Việt. Anh viết văn tiếng Việt là được, còn anh quốc tịch nào kệ anh. Cho nên ngay trong Ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập ấy đa số là người [có quốc tịch] Việt Nam đã đành nhưng mà có cả những người mang quốc tịch Pháp, rồi quốc tịch Mỹ, Canada, rồi nhiều nước trên thế giới.
Và trên trang mạng Văn Việt của Ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập, chú ý sẽ thấy có hai mảng là văn học hải ngoại và văn học miền Nam 1954 – 1975. Chúng ta nói rằng hòa hợp, hòa giải dân tộc thì người ta đánh giá là đánh giá ở những cái hành động thực tiễn chứ không phải ở những lời tuyên bố. Hiện nay, về mặt thực tiễn thì văn học miền Nam 54 – 75 được in lại ở Việt Nam vẫn còn rất ít và họ dè dặt, họ kiểm tra rất kỹ. Văn học hải ngoại cũng nằm trong tình hình tương tự như vậy. Trong lúc đó, những chuyên mục của chúng tôi làm thì lên đến vài trăm số rồi. Chúng tôi muốn là cái sự hòa hợp, hòa giải đó, nếu nhà nước không mở đường thì từng người một, những người trí thức văn nghệ sĩ họ làm trước, họ đi trước. Chứ còn không lẽ cũng là ruột thịt Việt Nam cả mà chia phái này phái nọ, rồi cho đến bây giờ đã mấy chục năm trôi qua mà vết hằn nó vẫn còn.
Xin cảm ơn ông.
Nguồn: Luật khoa tạp chí, số tháng Mười Hai, 2022, tr. 17-20.