Mục lục
Mỹ đưa Việt Nam vào ‘Danh sách Theo dõi Đặc biệt’ vì ‘vi phạm nghiêm trọng’ tự do tôn giáo
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh, Thông cáo ngày 02/12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đưa Việt Nam vào ‘Danh sách Theo dõi Đặc biệt’ về quyền tự do tôn giáo
Ngay phần đầu của thông cáo ngày 02/12, Hoa Kỳ khẳng định những vi phạm quyền tự do tôn giáo đang gieo rắc sự chia rẽ, xói mòn an ninh kinh tế và đe dọa đến sự ổn định chính trị và nền hòa bình toàn cầu.
Cụ thể, trong thông cáo ngày 02/12/2022, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố đưa Việt Nam vào ‘Danh sách Theo dõi Đặc biệt’ (Special Watch List).
“Hôm nay tôi đưa Algeria, Cộng hòa Trung Phi, Comoros và Việt Nam vào ‘Danh sách Theo dõi Đặc biệt’ vì có tham gia hoặc chấp nhận những vi phạm nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo.”
Với các vi phạm nghiêm trọng hơn thì các nước bị Mỹ đưa vào Danh sách Quan ngại Đặc biệt (Countries of Particular Concern) gồm Trung Quốc, Cuba, Eritrea, Iran, Nicaragua, Bắc Hàn, Pakistan, Nga, Saudi Arabia, Tajikistan và Turkmenistan.
Hiện Việt Nam chưa đưa ra phản hồi chính thức về thông cáo này của chính phủ Mỹ. Trước đó, Việt Nam luôn khẳng định tự do tôn giáo là “sự thật không thể xuyên tạc”.
Hiến pháp Việt Nam năm 2013 có ba nội dung quan trọng liên quan đến quyền tự do tôn giáo:
- Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
- Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
- Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam hiện vẫn đáng lo ngại trong hồ sơ của các tổ chức nhân quyền quốc tế.
Theo Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế Việt Nam 2021 của Hoa Kỳ, chính quyền Việt Nam sách nhiễu, hành hung, bắt người, truy tố, theo dõi, từ chối hoặc không trả lời yêu cầu đăng ký và các yêu cầu xin phép khác của các tổ chức tôn giáo độc lập.
Gần đây nhất, ông Phan Văn Thu, tù nhân tôn giáo, người sáng lập Ân Đàn Đại Đạo – một tổ chức Phật giáo độc lập được chính quyền miền Nam Cộng hòa công nhận trước năm 1975 – vừa qua đời trong trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai, được cho là do một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Năm 2022 có thể thấy nổi bật nhất là việc giới chức Việt Nam bắt giữ và xét xử bốn người của Tịnh Thất Bồng Lai – một tổ chức tôn giáo độc lập ở Long An.
Kết quả, tòa đã y án đối với ông Lê Tùng Vân 5 năm tù và năm bị cáo còn lại, mỗi người từ 3 đến 5 năm tù.
Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã đưa ông Lê Tùng Vân và năm bị cáo khác vào Freedom of Religion or Belief Victims List (Danh sách Nạn nhân Tự do Tôn giáo và Niềm tin) toàn cầu.
Có tự do tôn giáo qua phiên phúc thẩm vụ Tịnh Thất Bồng Lai?
NGUỒN HÌNH ẢNH,HOÀNG NGUYÊN Chụp lại hình ảnh, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết sau phiên tòa phúc thẩm thì các thân chủ của ông đang cân nhắc khiếu nại, yêu cầu xét xử giám đốc thẩm vụ án
Ngay sau phiên xử phúc thẩm vụ Tịnh Thất Bồng Lai vào ngày 02 – 03/11 vừa qua ở Long An, Luật sư Đặng Đình Mạnh nói với BBC News Tiếng Việt:
“Trong phiên tòa ngày 02 và 03/11/2022, thì chiều ngày 02/11/2022, khi tự bào chữa, ông Lê Thanh Hoàn Nguyên có cho rằng quyền tự do tôn giáo của ông ấy không được tôn trọng.”
“Tôi nghĩ, nguyên nhân từ việc ông ấy và các thành viên của Thiền Am vốn là những người tu hành tại gia theo cách mà họ cảm nhận về đức Phật, họ không theo đạo Phật và cũng không gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhưng lại bị bên bị hại là ông Trần Ngọc Thảo, pháp danh là Thích Nhật Từ tố cáo rằng họ giả tu, giả chùa, giả sư nên bức xúc phát ngôn như thế.”
Về việc chủ tọa Hội đồng xét xử (HĐXX) liên tục ngắt lời và cắt cử công an đứng xung quanh các bị cáo khi nói lời sau cùng, Luật sư Mạnh cho rằng quyền của các bị cáo đã không được bảo đảm.
“Căn cứ theo quy định tố tụng hình sự, trong phần tranh luận, khi đối đáp thì các bị cáo được tham gia. Tuy nhiên, trong phiên tòa vào chiều ngày 03/11, vị chủ tọa tuyên bố cắt phần này, cho nên, cả năm luật sư đều đứng dậy đề nghị HĐXX tôn trọng quyền đối đáp của các bị cáo do luật pháp quy định.
“Theo đó, năm luật sư đều không có ý chống lại quyết định của chủ tọa mà chỉ đang bảo vệ quy định luật pháp và quyền của thân chủ mình mà thôi. Sau đó, đến phần nói lời sau cùng thì chủ tọa phiên tòa liên tục cắt lời của bị cáo và yêu cầu họ chỉ được nói theo gợi ý của chủ tọa. Điều này, rất tiếc, lần nữa, quyền của các bị cáo lại không được bảo đảm.”
Trả lời BBC News Tiếng Việt, liệu phiên phúc thẩm vừa qua có phải là một ví dụ về phiên tòa bỏ túi ở Việt Nam hay không, Luật sư Mạnh nhận định:
“Tôi không rõ đây có phải là phiên tòa bỏ túi hay không. Nhưng cân nhắc về thời gian nghị án và thời gian tuyên bản án rất dài như vậy, dễ làm cho người theo dõi phiên tòa cho rằng đây là một phiên tòa bỏ túi.”
Ông Mạnh cũng cho biết sau phiên phúc thẩm thì các thân chủ của ông đang cân nhắc khiếu nại, yêu cầu xét xử giám đốc thẩm vụ án.
“Đối với tội danh mà tòa án đã xét xử theo điều 331 Bộ luật Hình sự (BLHS), thì thân chủ chúng tôi đang cân nhắc về việc khiếu nại, yêu cầu xét xử giám đốc thẩm vụ án.”
“Thậm chí, tái thẩm vì các chứng cứ mà luật sư nộp bổ sung trong phiên tòa phúc thẩm đã chưa được xem xét. Đồng thời, với tội danh theo điều 174 BLHS về ‘Lừa đảo’, thì chúng tôi cũng đã có sự chuẩn bị để tham gia vào quá trình điều tra vụ án.”
‘Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội’
NGUỒN HÌNH ẢNH,THÔNG TIN CHÍNH PHỦ Chụp lại hình ảnh, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 9, nhiệm kỳ 2022 – 2027
Ngày 29/11, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính khẳng định:
“Phật giáo có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc “Hộ Quốc, an Dân”; nhiều nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc mà tên tuổi, sự nghiệp gắn liền với đạo Phật. Trong những năm qua, với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.
Phát biểu tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ 9 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam bế mạc ngày 29/11, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nói về tự do tôn giáo như sau:
“Bên cạnh đó, trong những năm qua, hoạt động đối ngoại của Phật giáo ngày càng được mở rộng, đa dạng từ tham gia các tổ chức quốc tế, tới phát triển các Hội Phật tử người Việt nam ở nước ngoài, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của bà con Việt kiều, góp phần tích cực vào công tác đối ngoại nhân dân, đối ngoại tôn giáo và đấu tranh nhân quyền, khẳng định tự do tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.
Ông Phúc cũng nhấn mạnh lại đường hướng hành đạo là “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” và vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam.
“Với đường hướng hành đạo là ‘Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội’, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tiếp nối dòng chảy truyền thống, không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết các tôn giáo, khẳng định mối quan hệ gắn bó không thể tách rời giữa đạo pháp và dân tộc.”
“Giáo hội luôn là tổ chức thành viên tin cậy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có nhiều đóng góp quan trọng, xứng đáng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp tích cực trên tất cả lĩnh vực kinh tế – xã hội, chung sức, đồng lòng cùng toàn dân xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, nhân dân ngày càng có cuộc sống yên vui, hạnh phúc.”
Trong một bài viết trên BBC News Tiếng Việt vào tháng Hai năm nay, Tiến sĩ triết học Nguyễn Hữu Liêm nêu nhận định của ông về ‘Mẫu số chung giữa số phận Cộng sản và số đông tín đồ Phật giáo’ ở Việt Nam như sau:
“Về mặt quốc gia thì sự xuống cấp ở chất lượng con người, ít nhất là về bình diện đạo đức công dân, đang tạo ra khủng hoảng chính trị lớn cho Đảng cầm quyền. Như cuối thời nhà Lý và Trần gần ngàn năm trước, Phật Giáo Việt Nam đang đi vào khủng hoảng song song với sự suy thoái đạo đức chính trị của hệ thống cầm quyền.
Sự suy tàn của Phật giáo, theo đánh giá của tôi, đang đi song hành với sự suy đồi của đế chế Cộng sản của ngày hôm nay.”
BBC (04.12.2022)
Việt Nam: Hệ quả khi bị đưa vào Danh Sách Theo Dõi Đặc Biệt của Hoa Kỳ vì đàn áp tôn giáo
Cơ hội cho các cộng đồng và tổ chức tôn giáo đang bị bách hại
Ngày 2 tháng 12, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken công bố quyết định đưa Việt Nam vào Danh Sách Theo Dõi Đặc Biệt (Special Watch List, SWL). Đây hẳn là cú “sốc” lớn thứ 2 cho Việt Nam trong vòng chưa đầy 5 tháng. Ngày 19 tháng 7 vừa qua, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã xếp Việt Nam vào Hạng 3, là hạng tệ nhất, về buôn người, với nguy cơ chính phủ bị cấm vận và cá nhân các giới chức chính quyền bị chế tài.
Nguồn gốc của danh sách SWL
Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Frank Wolf, được Quốc Hội thông qua và Tổng Thống ký ban hành ngày 16 tháng 12, 2016, thiết lập danh sách SWL mà trước đó không hề có.
Đạo luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế ban hành năm 1998 chỉ có danh sách Quốc Gia Quan Tâm Đặc Biệt (Country of Particular Concer, CPC) dành cho những quốc gia vi phạm quyền tự do tôn giáo một cách có hệ thống, nghiêm trọng và vẫn tiếp diễn. Quốc gia bị chỉ định là CPC phải đối mặt các biện pháp trừng phạt mà nặng nhất là cấm vận. Việt Nam đã 2 năm bị đưa vào danh sách CPC: 2005 và 2006.
Do Việt Nam cam kết cải thiện chính sách về tôn giáo, Hoa Kỳ đã rút Việt Nam khỏi danh sách CPC năm 2007. Nhiều tổ chức tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo, kể cả BPSOS, và nhiều vị dân biểu Hoa Kỳ cho rằng Hành Pháp Hoa Kỳ thời Tổng Thống Bush (con) đã rút Việt Nam khỏi danh sách CPC quá sớm. Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (US Commission on International Religious Freedom, USCIRF), do Quốc Hội thành lập năm 1998 như một cơ quan tư vấn độc lập cho cá Hành Pháp lẫn Lập Pháp Hoa Kỳ, trong suốt 15 năm qua liên tục đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC.
Hình 1 — Đoàn Việt Nam tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, Washington DC, ngày 28/06/2022 (ảnh BPSOS)
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lập luận rằng mức độ vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam chưa đến mức phải đưa vào danh sách CPC. Và đó là khiếm khuyết lớn của đạo luật năm 1998: Chỉ có CPC hoặc không CPC, và thế nào là chạm ngưỡng CPC thì lại hoàn toàn do Bộ Ngoại Giao quyết định. Đó là lý do Việt Nam và một số quốc gia đã thoát bị chỉ định CPC dù có hành vi đàn áp tôn giáo nặng nề.
Để điều chỉnh, DB Christopher Smith (Cộng Hoà, New Jersey) đã đưa vào đạo luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Frank Wolf năm 2016 điều khoản thiết lập danh sách SWL. Dù theo Bộ Ngoại Giao một quốc gia chưa chạm ngưỡng CPC nhưng gần chạm ngưỡng này thì phải đưa vào danh sách SWL để theo dõi một cách sát sao. Nếu sau một thời gian vẫn không cải thiện thì đó là căn cứ để bị chỉ định CPC.
Theo dõi đặc biệt nghĩa là sao?
Đối với quốc gia trong danh sách SWL, Bộ Ngoại Giao, thông qua phái bộ Hoa Kỳ ở quốc gia đó, phải theo dõi sát sao và kiểm tra các báo cáo vi phạm quyền tự do tôn giáo để phối kiểm xem:
- Các vi phạm này có đạt mức nghiêm trọng không – nghiêm trọng là các hành vi như:
- Tra tấn, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm
- Giam giữ thời gian dài không có cáo buộc chính đáng
- Bắt cóc hoặc thủ tiêu
- Khước từ quyền sống, quyền an toàn cá nhân
- Sự vi phạm có tính hệ thống, chẳng hạn như xuất phát từ chính sách nhất quán từ trung ương, hay không.
- Sự vi phạm có kéo dài và còn tiếp diễn không.
Nếu hội đủ 3 yếu tố trên thì quốc gia trong danh sách SWL sẽ bị chỉ định là CPC.
Việc chỉ định CPC này có thể xảy ra một khi việc phối kiểm hoàn tất. Chẳng hạn, chỉ định CPC có thể xảy ra chỉ vài tháng sau khi một quốc gia bị đưa vào danh sách SWL.
Báo cáo Quốc Hội
Đối với quốc gia trong danh sách SWL, Bộ Ngoại Giao hàng năm phải cung cấp cho Quốc Hội danh sách các vi phạm nghiệm trọng, danh tính của những thủ phạm đằng sau mỗi vi phạm, và biện pháp chế tài đã áp dụng đối với từng thủ phạm.
Các biện pháp chế tài này bao gồm:
- Cấm nhập cảnh thủ phạm và cả vợ, chồng, con và cha mẹ của thủ phạm vĩnh viễn. Những ai đang ở Hoa Kỳ thì bị trục xuất và vĩnh viễn không được quay trở lại Hoa Kỳ.
- Đóng băng tài sản ở Hoa Kỳ, nếu có, của thủ phạm.
Thủ phạm bao gồm giới chức chính quyền và các tác nhân ngoài chính quyền, như thành viên của các tổ chức “quần chúng tự phát” hoặc của các tổ chức tôn giáo “quốc doanh” làm công cụ đàn áp của chính quyền, hoặc các cá nhân đóng vai âm binh cho nhà nước ném đá giấu tay trong chính sách bách hại tôn giáo.
Hình 2 – Các tham dự viên Hội Nghị SEAFORB ở Bali, Indonesia, ngày 7/11/2022 (ảnh BPSOS)
Cách nào để khai thác cơ hội
Trong 7 năm qua, BPSOS đã đào tạo khoảng 2 nghìn thành viên của khoảng 200 cộng đồng tôn giáo và cộng đồng bản địa ở Việt Nam về cách viết báo cáo vi phạm quyền tự do tôn giáo và nhân quyền nói chung. Với sự hỗ trợ của BPSOS, họ đã hoàn tất hơn 500 bản báo cáo gửi LHQ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Uỷ Hội USCIRF, và nhiều toà đại sứ Phương Tây ở Việt Nam.
BPSOS cũng đã tạo cơ hội và phương tiện cho hàng trăm nhân sự của các cộng đồng này tiếp xúc các toà đại sứ và toà tổng lãnh sự ở Việt Nam và các phái đoàn quốc tế thăm viếng Việt Nam, tham gia các diễn đàn về tự do tôn giáo ở tầm vóc khu vực hoặc quốc tế, mà gần đây nhất là chuỗi hội luận trực tuyến về Đạo Cao Đài (tháng 12, 2021) và Tin Lành Tây Nguyên (tháng 3, 2022), Hội Nghị Thượng Đỉnh về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế ở thủ đô Hoa Kỳ (cuối tháng 6, 2022) và Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin Khu Vực Đông Nam Á ở Bali, Indonesia (đầu tháng 11, 2022).
Sự lên tiếng và hiện diện của chính các nạn nhân là nhân chứng đã góp phần đáng kể cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ khi quyết định đưa Việt Nam vào danh sách SWL.
Mục tiêu kế tiếp là giữ Việt Nam trong danh sách SWL và rồi bị chỉ định CPC trừ khi nhà nước Việt Nam thực sự tuân thủ các cam kết quốc tế về tôn trọng quyền tự do tôn giáo của người dân. Muốn thế, sách lược của chúng tôi bao gồm:
- Tăng đáng kể đội ngũ được đào tạo kỹ lưỡng để theo dõi tình trạng đàn áp tự do tôn giáo và báo cáo các vị phạm với LHQ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Uỷ Hội USCIRF và quốc tế nói chung.
- Lọc ra 12 – 15 hồ sơ tiêu biểu mà BNG Hoa Kỳ đã quan tâm trước đây để làm phép thử về những cam kết cải thiện của nhà nước Việt Nam.
- Tạo cơ hội và phương tiện cho nhiều hơn nữa các nạn nhân làm nhân chứng để tiếp xúc trực tiếp với quốc tế.
- Thu thập thông tin về thủ phạm, kể cả giới chức chính quyền và các “tác nhân ngoài chính quyền”, để cung cấp cho BNG Hoa Kỳ nhằm cứu xét biện pháp chế tài.
Ngoài ra, chúng tôi cũng kêu gọi các cộng đồng bị bách hại, các tổ chức tôn giáo, các cá nhân bảo vệ nhân quyền thực hiện song song với chúng tôi các sách lược kể trên.
Mạch Sống, 4 tháng 12, 2022
Việt Nam bị Mỹ giám sát đặc biệt về tự do tôn giáo
Các tu sĩ của Đan viện Thiên An ở Huế thường xuyên bị “côn đồ” do chính quyền bố trí, tấn công, đe dọa đánh chết
Luật Tín ngưỡng- Tôn giáo cho phép Hà Nội quyền kiểm soát đáng kể đối với các thực hành tôn giáo theo những điều khoản mơ hồ với lý do “an ninh quốc gia” và “đoàn kết dân tộc”.
Việt Nam nằm trong nhóm các nước thuộc Danh sách Giám sát Đặc biệt (Special Watch List) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tự do tôn giáo.
Thông cáo phát đi ngày 2/12 của Ngoại trưởng Antony Blinken nêu rõ bốn nước Algeria, Cộng hòa Trung Phi, Comoros và Việt Nam thuộc danh sách Giám sát Đặc biệt vì can dự vào hay dung thứ cho những vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo.
Các nước có mức độ vi phạm nặng hơn bị liệt vào danh sách Quan ngại Đặc biệt (Countries of Particular Concerns- CPC) gồm Burma, Trung Quốc, Cuba, Eritria, Iran, Nicaragua, Bắc Triều Tiên, Nga, Ả Rập Xê út, Tajikistan và Turmekistan.
Việt Nam từng bị liệt vào danh sách CPC, tuy nhiên đến năm 2006 trước khi gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới WTO, được rút tên khỏi danh sách Các nước cần quan ngại đặc biệt về tự do tôn giáo- CPC.
Báo cáo về Tự do Tôn giáo Quốc tế 2021 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố vào ngày 2/6 vừa qua nêu rõ Hiến pháp Việt Nam qui định mọi cá nhân đều có quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng; trong khi đó Luật Tín ngưỡng- Tôn giáo lại cho phép Chính phủ Hà Nội quyền kiểm soát đáng kể đối với các thực hành tôn giáo theo những điều khoản mơ hồ với lý do an ninh quốc gia và đoàn kết dân tộc.
Nhiều vụ sách nhiễu, bắt bớ, đàn áp quyền tự do tôn giáo- tín ngưỡng tại các địa phương trên cả nước Việt Nam bị nêu rõ trong báo cáo.
Trong ngày 2/12, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) cũng công bố báo cáo mới về danh sách nạn nhân tự do tôn giáo hay niềm tin. Trong danh sách này có ông Phan Văn Thu thuộc Ân Đàn Đại Đạo, người tử vong trong nhà tù Gia Trung hôm 20/11 khi phải thụ án chung thân vì niềm tin tôn giáo của ông.
USCIRF, trong báo cáo thường niên năm 2022 công bố hồi tháng tư vừa qua, đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào lại danh sách Các Quốc gia cần Quan tâm Đặc biệt (CPC) về tự do tôn giáo.
Căn cứ cho đề nghị đó là vì Việt Nam có những vi phạm mang tính hệ thống, liên tục và quá mức quyền tự do tôn giáo.
Hà Nội luôn bác bỏ những cáo buộc về vi phạm quyền tự do tôn giáo- tín ngưỡng của người dân trong nước mà Hoa Kỳ cũng như các tổ chức theo dõi nhân quyền nêu ra.
Đất Việt (04.12.2022)
Việt Nam thuộc nhóm các nước bị Hoa Kỳ giám sát đặc biệt về tự do tôn giáo
Ảnh minh họa: Khu vực chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm bị san bằng năm 2016. quangduc.com
Việt Nam nằm trong nhóm các nước thuộc Danh sách Giám sát Đặc biệt (Special Watch List) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tự do tôn giáo.
Thông cáo phát đi ngày 2/12 của Ngoại trưởng Antony Blinken nêu rõ bốn nước Algeria, Cộng hòa Trung Phi, Comoros và Việt Nam thuộc Danh sách Giám sát Đặc biệt vì can dự vào hay dung thứ cho những vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo.
Các nước có mức độ vi phạm nặng hơn bị liệt vào danh sách Quan tâm Đặc biệt (Countries of Particular Concerns- CPC) gồm Burma, Trung Quốc, Cuba, Eritria, Iran, Nicaragua, Bắc Triều Tiên, Nga, Ả Rập Xê út, Tajikistan và Turmekistan.
Việt Nam từng bị liệt vào danh sách CPC, tuy nhiên đến năm 2006 trước khi gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới WTO, được rút tên khỏi danh sách Các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo- CPC.
Báo cáo về Tự do Tôn giáo Quốc tế 2021 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố vào ngày 2/6 vừa qua nêu rõ Hiến pháp Việt Nam qui định mọi cá nhân đều có quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng; trong khi đó Luật Tín ngưỡng- Tôn giáo lại cho phép Chính phủ Hà Nội quyền kiểm soát đáng kể đối với các thực hành tôn giáo theo những điều khoản mơ hồ với lý do an ninh quốc gia và đoàn kết dân tộc.
Nhiều vụ sách nhiễu, bắt bớ, đàn áp quyền tự do tôn giáo- tín ngưỡng tại các địa phương trên cả nước Việt Nam bị nêu rõ trong báo cáo.
Trong ngày 2/12, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) cũng công bố báo cáo mới về danh sách nạn nhân tự do tôn giáo hay niềm tin. Trong danh sách này có ông Phan Văn Thu thuộc Ân Đàn Đại Đạo, người tử vong trong nhà tù Gia Trung hôm 20/11 khi phải thụ án chung thân vì niềm tin tôn giáo của ông.
USCIRF, trong báo cáo thường niên năm 2022 công bố hồi tháng tư vừa qua, đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào lại danh sách Các Quốc gia cần Quan tâm Đặc biệt (CPC) về tự do tôn giáo.
Căn cứ cho đề nghị đó là vì Việt Nam có những vi phạm mang tính hệ thống, liên tục và quá mức quyền tự do tôn giáo.
Hà Nội luôn bác bỏ những cáo buộc về vi phạm quyền tự do tôn giáo- tín ngưỡng của người dân trong nước mà Hoa Kỳ cũng như các tổ chức theo dõi nhân quyền nêu ra.
RFA (03.12.2022)
Báo cáo dân chủ 2022 của IDEA: ‘Việt Nam vẫn gắn chặt với chủ nghĩa chuyên chế’
Nguồn hình ảnh, Getty Images/Chụp lại hình ảnh, Đánh giá về tình hình dân chủ châu Á-Thái Bình Dương, báo cáo của International IDEA nêu “không thấy dấu hiệu thay đổi nào” ở Việt Nam
Viện International Institute for Democracy and Electoral Assistance (International IDEA) đã công bố báo cáo về Tình trạng Dân chủ Toàn cầu năm 2022 vào hôm 30/11.
Tiến sĩ Kevin Casas-Zamora, Tổng Thư ký của International IDEA cho biết tương lai của nền dân chủ để đảm bảo một tương lai bền vững “không được định sẵn mà phải tìm kiếm”.
“Ở nhiều nơi, [tương lai đó] đang được tìm kiếm theo những cách khó khăn nhất. Có những người, hiện nay, đang đòi hỏi quyền lợi và tự do mà một nền dân chủ hứa hẹn, trong khi chịu rủi ro cá nhân vô cùng lớn.”
Đánh giá về tình hình dân chủ châu Á-Thái Bình Dương, báo cáo của International IDEA nêu “không thấy dấu hiệu thay đổi nào” đối với sự thay đổi chủ nghĩa chuyên chế ở Việt Nam.
Thịnh vượng kinh tế thay cho quyền dân chủ?
Bản báo cáo của IDEA cho thấy trong khu vực Đông Nam Á, thì Campuchia, Lào và Việt Nam “vẫn gắn chặt với chủ nghĩa chuyên chế mà không thấy dấu hiệu thay đổi nào”.
Trong các nhóm nước, thì IDEA xếp Việt Nam nằm ở nhóm nước theo chế độ chuyên chế (authoritarian regime).
Nội dung báo cáo 2022 có liên quan đến Việt Nam như sau:
“Việt Nam, giống Trung Quốc và Singapore đã thành công trong việc mang lại sự thịnh vượng kinh tế mà không trao quyền dân chủ, mang lại cho thể chế cộng sản một vỏ ngoài về tính chính danh trước quần chúng.”
“Ở Trung Quốc và Việt Nam, người dân có thể cảm thấy tiến trình dân chủ hiện là không khả thi hoặc quá nhiều rủi ro.”
Theo IDEA, thì nền dân chủ đang suy giảm tại châu Á-Thái Bình Dương.
Chỉ có 54% số người trong khu vực này sống trong nền dân chủ, và gần 85% số người sống trong một [nền dân chủ] yếu và đi thụt lùi. Thậm chí các nền dân chủ ở tầm cao hay tầm trung như Úc, Nhật, và Đài Loan cũng bị xói mòn.
Trước thời điểm Internation IDEA công bố báo cáo, nhận định về vấn đề dân chủ tại Việt Nam, Kian Vesteinsson, nhà nghiên cứu cấp cao từ tổ chức Freedom House nói với BBC:
“Bức tranh về tự do biểu đạt và tự do báo chí tại Việt Nam là ảm đạm. Trong năm qua, chính phủ Việt Nam đã xóa thông tin trên mạng với tốc độ đáng báo động, bỏ tù nhà báo và blogger trong thời gian lâu. Vấn đề kiểm duyệt chỉ có thể tồi tệ hơn mà thôi.”
“Các quy định về thực thi Luật An ninh mạng có hiệu lực vào tháng 10 vừa qua. Các quy định này đã cung cấp các con đường để chính phủ ngăn chặn và gỡ bỏ thông tin trên mạng, khiến người dân Việt Nam vốn ngày càng phải chịu việc kiểm duyệt vốn tìm cách hạn chế một nền báo chí độc lập và những tiếng nói bất đồng”, nhà nghiên cứu Kian Vesteinsson bổ sung.
Truyền thông độc lập và xã hội dân sự
Để có nền dân chủ tại Việt Nam, nhà nghiên cứu Kian Vesteinsson từ tổ chức Freedom House đề cập đến hai yếu tố là truyền thông độc lập và xã hội dân sự
Beh Lih Yi, Điều phối viên Chương trình châu Á từ Committee to Protect Journalists (CPJ) thì cho rằng Việt Nam có thể cải thiện vấn đề tự do báo chí nếu có ý chí chính trị thực hiện chuyện này.
“Việt Nam chắc chắn có thể cải thiện hồ sơ tự do báo chí trong ngắn hạn nếu có ý chí làm điều này. Việt Nam đang là một nền kinh tế trỗi dậy tại châu Á và hiện là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, điều này có nghĩa hồ sơ về nhân quyền, bao gồm việc đối xử với các nhà báo sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn.”
“Tuy nhiên Việt Nam lại là một trong năm quốc gia có số lượng nhà báo bị tù giam nhiều nhất trên thế giới, theo thống kê thường niên của CPJ. Một bước đi để tăng cường sức ảnh hưởng quốc tế và niềm tin kinh doanh là ngay lập tức trả tự do cho những nhà báo đã bị giam cầm một cách độc đoán, gồm nhà báo Phạm Đoan Trang. Cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục lên tiếng về vấn đề này”, cô Beh Lih Yi nói với BBC News Tiếng Việt.
Theo IDEA thì nền dân chủ toàn cầu đang bị đe dọa từ các thách thức như tính hợp pháp trong các kết quả bầu cử, giới hạn tự do trên mạng và các quyền, nạn tham nhũng rất khó kiểm soát và sự trỗi dậy của các đảng phái cực hữu.
Để có nền dân chủ tại Việt Nam, nhà nghiên cứu Kian Vesteinsson từ tổ chức Freedom House đề cập đến hai yếu tố là truyền thông độc lập và xã hội dân sự.
“Một điều quan trọng là các chính phủ dân chủ trên thế giới phải tăng cường cuộc chiến cho quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam. Một lộ trình chính là hỗ trợ nền truyền thông độc lập tại Việt Nam và xã hội dân sự thông qua tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật. Ví dụ, các chính phủ có thể cung cấp công nghệ giúp người dân Việt Nam thoát khỏi việc kiểm duyệt và giúp họ an toàn không bị theo dõi.”
“Các nhà làm luật nên cần ủng hộ việc thả tự do vô điều kiện nhiều người đã bị tù giam không công bằng vì biểu đạt trên mạng tại Việt Nam, như Nguyễn Hóa và Phạm Đoan Trang.”
‘Xói mòn’ và ‘thụt lùi’
Báo cáo của International IDEA cho thấy một nửa số lượng nền dân chủ trên toàn cầu đang trong tình trạng suy giảm, nền tự do dân sự và pháp quyền ngày càng tệ đi. Trong khi các chính phủ độc tài thì trở nên ngày càng áp bức
Báo cáo của International IDEA cho thấy một nửa số lượng nền dân chủ trên toàn cầu đang trong tình trạng suy giảm, nền tự do dân sự và pháp quyền ngày càng tệ đi. Trong khi các chính phủ độc tài thì trở nên ngày càng áp bức.
Một số nhân tố đã dẫn đến điều này, như cuộc chiến tranh của Nga tại Ukraine, lạm phát phi mã, một cuộc suy thoái toàn cầu có thể xảy ra, biến đối khí hậu, đại dịch Covid đã mang đến những thách thức đáng kể.
“Thế giới đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, từ chi phí sống cho đến rủi ro đối đầu vũ khí hạt nhân, và cuộc khủng hoảng khí hậu tăng tốc,” IDEA nêu trong báo cáo, dựa theo số liệu thu thập từ năm 1975.
“Song song đó, chúng tôi chứng kiến nền dân chủ toàn cầu suy giảm. Đây là một sự pha trộn độc hại”, theo IDEA.
IDEA đã thực hiện bảng chỉ số Tình trạng Dân chủ Toàn cầu (Global State of Democracy Indices) dựa trên hơn 100 biến số.
Và báo cáo cũng cho thấy số lượng các quốc gia “đi thụt lùi”, những nước bị xói mòn dân chủ nghiêm trọng chưa từng cao như vậy trước đây, bao gồm Ba Lan, Hungary và Mỹ, cùng các vấn đề khi phân cực chính trị, thể chế có lỗi và các nền tự do dân sự bị đe dọa.
https://www.bbc.com (02.12.2022)
Hoa Kỳ: Việt Nam trong danh sách theo dõi đặc biệt vì đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng Bước dẫn đến bị chỉ định là Quốc Gia Cần Quan Tâm Đặc Biệt
BPSOS
Hình 1: Đoàn người Việt tại Hội Nghị SEAFORB cùng với các giới chức và viên chức USCIRF, Bali, Indonesia ngày 8/11/2022 (ảnh BPSOS)
Hôm nay, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tuyên bố đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt (Special Watch List) vì thực hiện hoặc dung dưỡng các vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo. “Đây là kết quả của công cuộc quốc tế vận kéo dài trong nhiều năm qua,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, nhận định. “Đóng góp quan trọng nhất là do chính những nạn nhân; họ đã không quản ngại hiểm nguy để lên tiếng báo cáo vi phạm với quốc tế, trong đó có Bộ Ngoại Giao và Uỷ Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ.”
Theo Ts. Thắng, tiếng nói của các nạn nhân ở nhiều diễn đàn quốc tế đã góp phần không nhỏ cho quyết định này của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, như Hội Nghị Thượng Đỉnh về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế ở thủ đô Hoa Kỳ hồi cuối tháng 6 vừa qua, Hội Nghị Cấp Bộ Trưởng ở thủ đô Anh Quốc tuần sau đó, Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin khu vực Đông Nam Á (Southeast Asia Freedom of Religion or Belief, SEAFORB Conference) đầu tháng 11.
Ngay tại Hội Nghị SEAFORB do BPSOS đồng tổ chức ở Bali ngày 7-9 tháng 11 vừa qua, nạn nhân người Hmong bị ép bỏ đạo Tin Lành là Vừ Bá Súa đã có mặt, chỉ sau 3 ngày chạy lánh nạn đến Thái Lan, để trình bày thực trạng đàn áp tôn giáo đang diễn ra ở Huyện Kỳ Sơn, Tỉnh Nghệ An.
“Lúc ấy vợ và đứa con 6 tháng tuổi của nhân chứng này còn đang lưu lạc ở miền bắc Thái Lan trên đường đến Bangkok,” Ts. Thắng cho biết.
Cuộc đối thoại nhân quyền diễn ra ở Việt Nam đầu tháng 11 cũng góp phần không nhỏ cho quyết định của Bộ Ngoại Giao. Trước đó, phái đoàn tiền trạm gồm 2 viên chức của văn phòng tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại Giao đã đến Việt Nam để tiếp xúc hàng loạt các nhân chứng, phần lớn do BPSOS giới thiệu. Liền sau buổi đối thoại, một viên chức trong phái đoàn Hoa Kỳ đã tham dự Hội Nghị SEAFORB để lắng nghe lời tường trình của thêm nhiều nhân chứng.
Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (US Commission on International Religious Freedom, USCIRF) đã liên tục đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách Quốc Gia Cần Quan Tâm Đặc Biệt (Country of Particular Concern, CPC) vì vi phạm quyền tự do tôn giáo một cách nghiêm trọng. Có tên trong Danh Sách Theo Dõi Đặc Biệt là ngấp nghé ngưỡng cửa cho CPC. Tương tự như Danh Sách Theo Dõi (Watch List) là ngưỡng cửa bị xếp Hạng 3 về buôn người. Năm nay Việt Nam bị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xếp Việt Nam vào Hạng 3 sau 3 năm trong danh sách theo dõi.
Một phái đoàn của USCIRF cũng đã tham gia Hội Nghị SEAFORB vừa qua và có nhiều cuộc tiếp xúc với nạn nhân làm nhân chứng người Việt đến từ Việt Nam và Thái lan.
“Chúng tôi hoan nghênh quyết định của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và bày tỏ sự kính phục đối với các nạn nhân làm nhân chứng,” Ts. Thắng nói. “Sự lên tiếng của họ đã có kết quả cụ thể.”
Ts. Thắng cho biết BPSOS đã lên kế hoạch để tận khai thác thành quả cụ thể này.
Thông tin liên quan:
Tuyên bố của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ: https://www.state.gov/religious-freedom-designations-2/
BPSOS (04.12.2022)
Nhân quyền Việt Nam 2022 – 10 vấn đề nổi cộm
Minh họa: thehaguepeace.org
Tình trạng vi phạm nhân quyền Việt Nam vẫn không hề sáng sủa hơn. Bản tổng kết ngắn dưới đây cho thấy bức tranh nhân quyền Việt Nam vẫn tiếp tục bi thảm.
1/ Nhà nước CHXHCN Việt Nam gia tăng việc bắt bớ, bỏ tù những công dân bày tỏ quan điểm khác biệt, hoặc chỉ trích các chính sách sai lầm của chính phủ. Đặc biệt nhằm vào các nhà hoạt động nhân quyền. Ước tính từ đầu năm 2022 đến nay, hàng chục người đã bị bắt, hoặc bị kết án bất công vì liên quan đến quyền tự do ngôn luận. Nhà nước Việt Nam nói họ không giam giữ ai vì bất đồng chính kiến, nhưng mọi điều luật hình sự được lập nên đều giăng bẫy và chụp mũ những người bất đồng chính kiến để giam hãm hoặc sách nhiễu tư pháp để xã hội bị bóp nghẹt mọi tiếng nói bất đồng.
Việt Nam nói họ chỉ có tù nhân hình sự, nhưng họ đủ tinh vi để tạo ra những điều luật chống lại con người, quyền con người và quyền tự do chính kiến.
2/ Đàn áp các tổ chức xã hội dân sự, kể các các tổ chức đã được Nhà nước cấp phép hoạt động như LIN (Trung tâm Phát triển Cộng đồng), Change (Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển- đơn vị trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cũng bị đóng cửa. Một số nhà hoạt động trong lĩnh vực môi trường, giáo dục như bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc tổ chức XHDS Trung Tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), Đặng Đình Bách – GĐ Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển Bền vững (LPSD). Mai Phan Lợi – Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Giáo dục Truyền thông (MEC) và Bạch Hùng Dương (phó GĐ) đều bị bắt và bị kết án tù một cách bất công.
Bà Ngụy Thị Khanh (goldmanprize.org)
Mục đích là nhà nước Việt Nam muốn tiêu diệt mọi tiềm năng tập hợp có thể dẫn đến sự khác biệt về quan điểm chính sách, vạch trần những mưu mô tham nhũng hoặc quyền lợi nhóm cầm quyền dựa trên các kế hoạch phát triển trên đất nước. Bên cạnh đó việc tiêu diệt mọi nhóm xã hội dân sự hiện nay, cũng là một cách để tạo thêm thời gian cho việc Hà Nội tạo dựng các nhóm xã hội dân sự giả hiệu để thao túng truyền thông và người dân.
Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương (ảnh: Nguyễn Văn Hải)
3/ Chưa ra thông tư, nghị định hướng dẫn thành lập nghiệp đoàn cơ sở như EVFTA quy định. Hà Nội hẹn sẽ cho ra luật công đoàn cho công nhân, nhưng trên thực chất là nghiên cứu để ràng buộc các nhóm công nhân độc lập với các điều luật sẽ ra mắt, tương tự như cách ra luật an ninh mạng để triệt hạ không gian dân sự.
4/ Không công nhận quyền tư hữu về đất đai. Dựa vào quy định đất đai là “sở hữu toàn dân” để chiếm đất, chiếm nhà của dân, đẩy hàng vạn người vào cảnh tay trắng, khốn cùng. Các vụ cướp đất điển hình từ năm 2019 đến nay có thể kể đến như “Vườn rau Lộc Hưng”, vụ Đồng Tâm…
Đất đai của người dân cả nước đều ở trong tình trạng có thể bị cướp đi bất cứ lúc nào, nhân danh dự án phục vụ đất nước. Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hàng năm Bộ này nhận được gần 10,000 lượt đơn tranh chấp, khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường của công dân 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó đơn thuộc lĩnh vực đất đai chiếm 98.6% tổng số đơn. Các địa phương có nhiều đơn gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường là Sài Gòn, An Giang, Cần Thơ, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Bình Thuận, Đồng Nai, Kiên Giang và Tây Ninh.
5/ Đàn áp, sách nhiễu cả những người Việt ủng hộ Ukraine, phản đối cuộc xâm lược của Nga. Thái độ hai mặt trong vấn đề công lý và hòa bình: Một mặt vẫn kết nối với Nga trong quan điểm về cuộc xâm lược, nhưng mặt khác vẫn kêu gọi luật pháp để cậy nhờ quốc tế bảo vệ trước khả năng xâm lược của Trung Quốc. Thói ứng xử hai mặt luôn diễn ra trước mọi vấn đề quan trọng luôn được ngụy trang với cái tên là “ngoại giao cây tre”, được ứng dụng chẳng hạn lên tiếng bảo vệ quyền của người đồng tính nhưng chà đạp quan điểm tự do dân chủ của phía khác.
6/ Gia tăng chính sách ngược đãi tù nhân lương tâm (TNLT) bằng nhiều hình thức như:
-Đưa các TNLT vào Bệnh viện Tâm thần trong khi họ hoàn toàn không bị bệnh, như trường hợp ông Trịnh Bá Phương, nhà văn Phạm Thành, bà Nguyễn Thuý Hạnh. Đặc biệt là trường hợp ông Lê Anh Hùng, một cộng tác viên đài VOA. Ông Hùng là nhà báo bị giam cầm lâu nhất trong Trại Tâm thần và Trại Tạm giam trước khi bị đưa ra xét xử.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh (amnesty.org)
-Không cho TNLT gặp thân nhân hoặc nhận đồ tiếp tế từ gia đình.
-Cùm chân, kỷ luật, giam trong phòng biệt giam chật chội, nơi được mệnh danh là “nhà tù trong nhà tù”.
-Một số TNLT bị ép buộc phải nhận tội. Bị cán bộ trại giam hoặc công an điều tra đánh đập, tra tấn, mạ lỵ. Hoặc bị tù hình sự (do công an xúi giục) hành hung, tra tấn tinh thần.
-Giam giữ ở những trại giam cách xa nhà hàng trăm, thậm chí hơn ngàn cây số khiến việc đi thăm nuôi gặp nhiều khó khăn, rủi ro và gây hao tổn về tiền bạc, thời gian và sức khỏe.
-Điều kiện giam giữ, ăn uống, sinh hoạt vô cùng khắc nghiệt khiến hầu hết các TNLT bị suy kiệt chỉ sau một thời gian bị giam cầm. Không được khám hoặc điều trị bệnh khiến một số TNLT đã phải bỏ mạng trong tù.
Ví dụ thầy giáo Đào Quang Thực, qua đời trong nhà tù Trại 6- Thanh Chương- Nghệ An vào Tháng Mười Hai 2019, chỉ sau hai năm bị cầm tù. Mới đây nhất là nhà báo tự do Đỗ Công Đương, qua đời ngày 2 Tháng Tám 2022 cũng trong nhà tù Trại 6- Nghệ An. Gia đình của cả hai TNLT trên đều xác nhận rằng khi chưa bị bắt, họ là những người khỏe mạnh. Sau khi qua đời, lãnh đạo Trại giam không cho gia đình được mang xác người quá cố về để tổ chức tang lễ mà phải chôn ở nghĩa trang thuộc nhà tù.
7/ Nhà nước một mặt hạn chế tối đa quyền tự do biểu đạt, đặc biệt kiểm soát người dùng Facebook. Mặt khác, sử dụng chính Facebook như một công cụ để truy lùng, bắt bớ các tiếng nói bất đồng chính kiến. Sau khi đã áp dụng luật an ninh mạng để bắt bớ tràn lan, nhưng có lẽ thấy chưa đủ, chính quyền lại tổ chức cho ra Nghị định 15/2020/NĐ-CP để có thể giăng lưới và kết tội tất cả những ai có những sinh hoạt bình thường trên mạng xã hội. Với cả hai đạo luật này, mọi người dân Việt Nam đều là những tù nhân dự bị.
8/ Lập và duy trì việc chặn tường lửa với những trang web, blog mang nội dung cổ xướng các giá trị tự do hoặc khác quan điểm với đảng. Tổ chức các nhóm tuyên truyền và tấn công ngôn luận trực tiếp trên các trang Facebook hay web có tương tác của các cơ quan ngoại giao, dùng những ngôn ngữ thù ghét và sỉ nhục khi những quốc gia này có ý kiến khác biệt với Hà Nội, chẳng hạn như về kết án tù nhân lương tâm. Đây cũng là một thái độ rõ nét của kiểu ngoại giao hai mặt, bất chấp sự khó chịu của công chúng trong nước.
Đặc biệt là việc áp dụng “Nghị định 53”, kể từ ngày 1 Tháng Mười 2022, đích thân Bộ trưởng Bộ Công an sẽ ký lệnh thu hồi tên miền đối với các trang web được báo cáo là vi phạm luật “An ninh mạng”.
9/ Sai lầm trong chính sách chống đại dịch Covid-19, đặc biệt là áp dụng lệnh “phong tỏa” chặt chẽ đối với Sài Gòn từ Tháng Sáu đến hết Tháng Chín 2021 gây ra một “thảm họa nhân đạo”. Hàng ngàn người bị chết vì nhiễm bệnh, vì đói khát hoặc chết vì các lý do khác mà nguyên nhân khởi đi từ chính sách chống dịch hà khắc, phản khoa học và vi phạm nhân quyền trầm trọng của nhà nước. Hàng ngàn người bị đưa đến các trại tập trung cách ly, hàng chục ngàn người rời bỏ Sài Gòn gây ra một thảm họa về nhân đạo… Truyền thông nhà nước đưa tin có hơn 16 ngàn người chết ở Miền Nam, đa số là ở Sài Gòn trong thời gian bị phong tỏa năm 2021. Nhưng con số thực tế có thể lớn hơn.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam từ khi dịch bùng phát đến ngày 31 Tháng Mười Hai 2021 là 32,394 người.
Việc đàn áp và bỏ tù nhiều người lên tiếng phản đối các chính sách sai lầm và bê trễ trong đại dịch, nhưng lại che đậy các hoạt động sai trái của bộ máy nhà nước. Một năm sau đại dịch, chính quyền thú nhận đã chưa đưa tiền hỗ trợ trong dịch Covid-19 cho gần một triệu người, nhưng ai phản đối và vạch rõ điều này trước đó, đều đã bị tù.
10/ Canh giữ thường xuyên đối với những người bất đồng chính kiến, cựu tù nhân lương tâm vào các dịp lễ hoặc các sự kiện chính trị, các chuyến thăm của phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ hoặc Âu châu tới Việt Nam. Sách nhiễu những người bị coi là có ý kiến khác biệt bằng các thủ tục hành chánh địa phương.
Nhiều người bị cấm xuất cảnh hoặc không được cấp lại passport. Gần đây nhất là vụ cấm xuất cảnh đối với linh mục Phao-lô Lê Xuân Lộc và linh mục Giu-se Trương Hoàng Vũ. Ngày 9 Tháng Chín 2022, Linh mục Lê Xuân Lộc đã bị lập biên bản “tạm hoãn xuất cảnh” tại phi trường Tân Sơn Nhất (Sài Gòn) khi ông chuẩn bị bay sang Philippines.
Linh mục Phao-lô Lê Xuân Lộc (Amen TV)
Tương tự, ngày 24 Tháng Mười 2022, Linh mục Trương Hoàng Vũ cũng bị công an cửa khẩu cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất ra quyết định “tạm hoãn xuất cảnh” và không thể thực hiện chuyến bay sang Philippines như dự định. Cả hai linh mục đều bị cấm xuất cảnh được giải thích vì “lý do trật tự, an toàn xã hội“. Cấm xuất cảnh đối với luật sư Võ An Đôn ngay cả khi ông và gia đình đã được Mỹ chấp thuận việc định cư tại Mỹ. Ông Đôn bị tước thẻ hành nghề luật sư vì dám tố cáo các sai phạm trong ngành tư pháp, bênh vực những người bị oan khuất.
Sài Gòn NHỏ (04.12.2022)