“Đêm Tri Ân Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Yểm Trợ Nhân Quyền tại Việt Nam” do Cơ Sở Hy Vọng, Quỹ Yểm Trợ Thương Phế Binh VNCH và Yểm Trợ Nhân Quyền tại Việt Nam tổ chức ở nhà hàng Golden Sea, thành phố Anaheim, vào tối 4 Tháng Mười Hai.
Theo ban tổ chức, hơn 10 năm qua, quý linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đã tiếp nhận sứ vụ này từ Hòa Thượng Thích Không Tánh, một trong những thành viên sáng lập Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam.
Hòa thượng từng bị nhà cầm quyền Việt Nam liên tục đàn áp và trả thù, bị bắt đi tù “cải tạo” 10 năm từ 1976 đến 1986. Vào Tháng Mười, 1992, hòa thượng lại bị kết án năm năm tù giam và năm năm quản chế với cáo buộc “lưu hành nhiều tài liệu có nội dung chống lại nhà nước” sau khi công an lục soát phòng của hòa thượng trong chùa Liên Trì và tịch thu bản sao nhiều ghi chép của Hòa Thượng Thích Huyền Quang.
Ban tổ chức cho hay, sáu năm trở lại đây, chương trình Cây Mùa Xuân cho các thương phế binh VNCH được mang tên “Bên Nhau Đi Nốt Cuộc Đời,” nhằm đi nốt cuộc đời cùng những con người đã quá đau khổ với định mệnh nghiệt ngã vì quê hương.
Tường trình Quỹ Hy Vọng, ông Nguyễn Văn Liêm, thành viên trong ban tổ chức, nói: “Mục tiêu chính của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam là trao lại cho quý ông thương phế binh VNCH phẩm giá nhân vị mà quý ông đã bị nhà cầm quyền Cộng Sản miệt thị và muốn loại bỏ. Chúng ta đau xót vì Cộng Sản đã thắng chính nghĩa Quốc Gia, để rồi những thanh niên một thời đã anh dũng bảo vệ đất nước, bảo vệ cơm no áo ấm cho người dân, gìn giữ nền dân chủ tự do đã bị đạn thù lấy đi một phần thân thể, trở thành những con người bất hạnh nhất.”
“Định mệnh khổ đau, họ đã nhận chịu thay cho sự an vui và hạnh phúc của người khác. Họ đã xông pha chiến đấu và hy sinh cho sự an vui của đồng bào mình. Cái lý tưởng mà họ theo đuổi là bảo vệ nền độc lập tự do cho đất nước được tồn tại. Tự do mãi mãi là ngọn hải đăng soi chiếu trên con đường sống cho dân tộc. Chỉ có tự do mới là sinh lộ cho đất nước hôm nay,” ông Liêm nói thêm.
Trình bày về chủ đề “Tri Ân Thương Phế Binh VNCH và Yểm Trợ Nhân Quyền tại Việt Nam,” Linh Mục Nguyễn Văn Khải, từ Roma, Ý, về nói: “Các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế giúp cho các ông thương phế binh VNCH từ Quảng Trị cho đến Cà Mau, Kiên Giang, Long Xuyên…
Các linh mục lập hồ sơ của họ rất kỹ lưỡng theo từng người một từ tên họ, số quân, đơn vị, cấp trên là ai, và trong thời chiến họ đã bị thương ngày nào trong mặt trận nào… Nói chung là các linh mục lập hồ sơ của các thương phế binh rất cẩn thận. Nhưng sau này, họ đã chết dần dần và cho đến bây giờ thì số thương phế binh còn lại chỉ khoảng 5,500 người thôi.”
Cũng theo Linh Mục Khải, các thương phế binh được giúp nhiều nhất là ở vùng Sài Gòn, khi có điều kiện để tổ chức những buổi gặp gỡ có nhiều thương phế binh có điều kiện đến dự.Nếu không thì họ cũng tổ chức ở những nhóm nhỏ khoảng vài chục thương phế binh. Trong những trường hợp các thương phế binh ở xa thành phố thì các linh mục cũng cho người mang tiền hoặc tặng phẩm đến tận tay của họ.
Có những người quá nghèo khổ và bệnh hoạn thì các linh mục cũng lo tìm bác sĩ để chữa bệnh cũng như lo mua những vật liệu để sửa nhà cho họ. Có những thương phế binh không có thân nhân, không có nhà ở thì linh mục xây nhà cho họ ở và tìm người chăm sóc. Khi các thương phế binh này qua đời thì linh mục lo phần chôn cất tử tế.
Các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam như Nguyễn Trung Thành, Hồ Đắc Tâm, Trương Hoàng Vũ, Lê Ngọc Thanh, Nguyễn Văn Cương, Lê Xuân Lộc, Nguyễn Ngọc Nam Phong, Đinh Hữu Thoại, và còn nhiều linh mục khác đã trực tiếp giúp đỡ cho các thương phế binh. Tiền bạc, thuốc men, tặng phẩm khi có ai gởi về cho thương phế binh thì các linh mục rất minh bạch công khai công bố hết trên trang nhà của Dòng Chúa Cứu Thế.
Người Việt (11.09.2022)
Linh Mục Nguyễn Văn Khải phát biểu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Ban Tù Ca Xuân Điềm trong nhạc cảnh “Việt Nam Tôi Đâu.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)