Seite auswählen

„Ngàn năm trước đã không mất thì ngàn năm sau chắc chắn sẽ không mất. Ngàn năm trước, tổ tiên từng chịu đựng những áp lực lớn, nghĩ đã thấy rợn mình. Thế mà vẫn đứng vững. Bây giờ dân mình đông hơn, ý thức dân tộc vững chắc hơn, kinh nghiệm dày dạn hơn….“

Việt Dương  

Trống đồng Đồng Sơn.

Từ đầu thập niên 2000, Việt Nam rộn lên về việc Trung Cộng lấn chiếm biên giới, biển đảo và người Tàu tràn vào Việt Nam lập thành làng qua những gói thầu quan trọng thuộc các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế trên khắp nước.

Trong cùng thời gian đó, cùng với những bài viết phê phán, lên án chính quyền nhu nhược, hèn yếu trước sự xâm lấn của Trung cộng của các ông Hà Sĩ Phu, Hà Văn Thịnh, Bùi Minh Quốc và các ông tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Đồng sĩ Nguyên, năm 2013 chúng ta thấy xuất hiện tác phẩm Đứng Vững Ngàn Năm của nhà nghiên cứu Ngô Nhân Dụng. Đây là một công trình tập đại thành đầu tiên để trả lời câu hỏi: Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc? Với nội dung đó, sự xuất hiện của Đứng Vững Ngàn Năm có giá trị như một tiếng nói trấn an dân Việt về chuyện mất nước.

Giữa năm 2022, chúng tôi rất vui khi biết Đứng Vững Ngàn Năm được tái bản. Từ niềm vui đó, chúng tôi đọc lại Đứng Vững Ngàn Năm và viết bài này để ghi lại một số cảm nghĩ qua mấy phần sau:

 

 I Về tổng quát

 A  Trung Hoa

Với Trung Hoa, ông Dụng cho chúng ta biết:

 

  1. Mục tiêu bành trướng của Trung Hoa đối với phương Nam

– Người Hán gọi trung tâm văn minh của họ là Hoa Hạ (sáng và đẹp). Còn các sắc dân chung quanh chưa văn minh bị gọi là Di (mọi rợ). Từ đó họ coi việc đồng hóa các sắc dân khác là một sứ mạng tự nhiên, và đã dùng văn minh Hoa Hạ thay đổi các giống dân man di, chiếm đất và đồng hóa những sắc dân ở phía tây và nam Trung hoa.

– Lịch sử Trung Hoa không phải là lịch sử của một dân tộc, một quốc gia. Đó là lịch sử của hiện tượng bành trướng của một nền văn minh có sức sống mãnh liệt. Trung Hoa không phải là một nước mà là một tập hợp lớn, một thế giới Trung Hoa. Các hoàng đế Trung Hoa bành trướng lãnh thổ, chinh phục các sắc dân khác, theo cách nhìn thời nay thì họ đã thành lập đế quốc. Với khái niệm thiên hạ, họ có thể che đậy, hóa trang đế quốc của họ dưới một hình ảnh khác, dựa trên tư tưởng truyền thống của người Hán, cũng không khác gì chiêu bài “khai hóa văn minh” của các đế quốc phương Tây khi đi chinh phục thế giới.

 

  1. Chính sách bành trướng

Để thực hiện việc bành trướng, người Hán đã sử dụng chính sách quân sự đi trước và văn hóa theo sau: Trước hết là dùng vũ lực chiếm thành, cướp đất, đặt quan cai trị, bắt dân phục dịch và thu cống phẩm. Họ biết chinh phục bằng quân sự là điều kiện cần, nhưng không đủ để đồng hóa các sắc dân khác. Để đồng hóa các sắc dân bị trị phải có sức mạnh văn hóa. Từ việc chinh phục đất đai tiến tới đồng hóa các sắc dân phải qua nhiều thế kỷ. Người Hán không đồng hóa các giống dân khác bằng tôn giáo như người Ả Rập hay người châu Âu khi sang chiếm châu Mỹ. Họ đã đồng hóa bằng nền nếp văn minh Hoa Hạ với hai khí cụ hữu hiệu: thứ nhất là chữ viết và thứ nhì là cách tổ chức xã hội, chính quyền với quy tắc luân lý Khổng Mạnh phổ quát dễ truyền dạy. Người Hán đã sáng chế ra chữ viết rất sớm. Nhờ chính sách của Tần Thủy Hoàng bắt dân bốn phương phải viết cùng một lối như nhau dù tiếng nói khác nhau, cho nên việc kiểm soát một đế quốc rộng lớn trở thành dễ dàng. Còn hệ thống chính trị của người Hán có 2 ưu điểm: Một là tổ chức hành chánh, quân sự, trên có vua với triều đình, quan lại, theo những nguyên tắc dùng từ nhiều đời, được một tầng lớp sĩ thực hiện. Hai là nền nếp trật tự xã hội dựa trên lễ nghĩa Khổng Mạnh, có thể áp dụng cho bất cứ sắc tộc nào.

Đạo Khổng Mạnh không đề cao chủng tộc Hán mà chỉ phân biệt trình độ văn minh của các sắc dân. Tiêu chuẩn để phân biệt là những quy tắc lễ nghi. Tư tưởng Khổng Mạnh có tính chất nhân bản và phổ quát. Chủng tộc nào cũng có thể thực hiện. Tính chất nhân bản đó mang sức hấp dẫn đối với các giống dân khác. Các triều đại nhà Hán, nhà Đường đã dùng đạo Khổng Mạnh để biện minh cho công trình khai hóa của họ khi xâm chiếm các nước chung quanh. Trong 400 năm, nhà Hán cai trị Trung cộng đã bành trướng lãnh thổ lên gấp ba lần, và sau đó hơn 1000 năm thì những giống dân phía nam Trường Giang không còn phân biệt là người Sở, người Ngô, người Mân, người Việt nữa mà đã coi mình là người Trung Hoa.

 

  1. Một ngoại lệ

Người Hán đã thành công trong việc thống nhất đế quốc Trung Hoa qua một quá trình đồng hóa “tầm ăn dâu”, chậm chắc và bền bỉ. Nhưng khi xuống đến miền sông Hồng, sông Mã thì người Hán bị khựng lại, vì dân Lạc Việt ở đó đã đề kháng đến cùng và người Hán đã thất bại. Khi nhìn vào quá trình Hán hóa cả vùng đất mênh mông này trong cùng thời gian nước Lạc Việt đô hộ thì mới thấy một nước Lạc Việt còn đứng độc lập là một hiện tượng nổi bật trên bức tranh toàn cảnh đó. Từ đó câu hỏi được đặt ra là những nhân tố nào đã giúp giống Lạc Việt thoát khỏi bàn tay của người Hán?

 

B  Lạc Việt

Để trả lời câu hỏi trên, ông Dụng cho biết một số nhân tố:

 

  1. Văn minh Lạc Việt

Yếu tố quan trọng nhất giúp tổ tiên người Việt không bị Hán hóa có lẽ là trước khi người Hán tới, dân Lạc Việt đã có một nền nếp tốt đẹp trong đời sống chung, gọi là văn minh. Tổ tiên chúng ta đã có bản sắc văn hóa đủ vững chắc nhiều đời trước khi bị chiếm đóng, đô hộ. Nhờ thế người Việt không bị hấp dẫn, không bị lôi cuốn vào nếp sống của người Hán.

Nếu coi nước Văn Lang đã thành hình từ thời Hùng Vương, sau được mở rộng khi kết hợp vói dân Âu Việt thì có thể ghi thời gian khai sinh dân tộc Việt cùng tuổi với nền văn hóa Đông Sơn, bảy thế kỷ trước Công nguyên. Còn cái nôi của dân Lạc Việt lúc khai sinh thì sử gia Trần Quốc Vượng đã xác định là “Trung tâm  chính trị của thời Hùng Vương là Mê Linh, cũng tức Phong Châu, gồm một miền đất rộng bên bờ sông Hồng, từ núi Ba Vì đến vùng Tam Đảo”. Tìm lại nơi khai sinh của dân Việt, sử gia Đinh Văn Nhật, trong tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử, đã trình bày nhiều công tình nghiên cứu về đất Mê Linh vào thời Hai Bà Trưng, cho thấy nơi đây đã có một xã hội có tổ chức từ 2000 năm trước. Đây cũng là quê hương của Hai Bà Trưng, của Phùng Hưng và Ngô Quyền sau này. Có thể coi là những vị anh hùng gốc từ miền đất tổ đó vẫn giữ được truyền thống dân tộc liên tục trong 1000 năm, nối từ nước Văn Lang cho tới khi Đinh Bộ Lĩnh thành lập nước Đại Cồ Việt.

Có nhiều bằng chứng cho thấy trình độ văn minh của người Lạc Việt đã khá cao từ trước thời Bắc thuộc rất lâu. Những dấu tích  đào được về thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên (2000 đến 1500 TCN) cho thấy dân vùng châu thổ sông Hồng Hà đã làm đồ gốm với kiểu khác hẳn đồ gốm sông Hoàng Hà. Nền văn hóa Đông Sơn (Thế kỷ thứ 7 TCN đến thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên) phát triển đặc biệt trong địa giới nước ta với những trống đồng biểu tượng cho quyền hành, chứng tỏ các tổ chức chính trị và tôn giáo đã thành hình năm, bảy thế kỷ trước khi người Hán tới. Nghề đúc đồng ở Lạc Việt thời Hùng Vương đã phát triển cao hơn ở Trung cộng, vì thế năm 43, khi Mã Viện thắng trận đã báo cáo lên vua Hán việc tịch thu các trống đồng, nấu ra để đúc thành ngựa đồng. Mã Viện còn báo cáo dân Việt có “hơn 10 điều Việt luật khác với Hán luật”. Người Hán ghi nhận dân Lạc Việt đã biết trồng hai mùa lúa mỗi năm, trước dân miền Hoa Nam.

 

  1. Đời sống tâm linh

Trong 1000 năm Bắc thuộc, những tín ngưỡng cổ truyền đã giúp bảo tồn một hồn tính dân tộc và nuôi dưỡng tinh thần tự tin và tự hào  về truyền thống tâm linh sẵn có từ lâu đời. Các vị thánh mà người Việt thờ phượng trước khi người Hán tới và trong hàng ngàn năm đã biến thành những vị thần hộ quốc, nuôi dưỡng óc đề kháng. Đạo Phật tới nước ta bằng đường biển trước khi vào miền nam Trung cộng. Trong một ngàn năm Bắc thuộc, đạo Phật đã phát triển về tín ngưỡng, tổ chức và tư tưởng. Dân tộc Việt Nam có thể tự hào là đã có một nền văn minh tinh thần không thua kém gì hệ thống luân lý Khổng Mạnh mà quan lại Trung hoa mang tới. Không những thế, chùa chiền còn trở thành môi trường  đào tạo lớp người có học trong xã hội Việt nam, với một lớp người biết chữ bên ngoài và biệt lập với hệ thống giáo dục do quan lại Hán lập ra. Chính những người này sẽ góp phần lãnh đạo trong các cuộc vận động khởi nghĩa cũng như trong việc quản trị việc quốc gia mỗi lần dân Việt giành được quyền tự chủ.

 

  1. Giữ tiếng nói

Hầu hết các sử gia coi ngôn ngữ là yếu tố quan trọng hàng đầu bảo vệ dân tộc Việt. Tiếng nói nói kết mọi người với nhau, gây nên ý thức mình thuộc một dân tộc. Tiếng nói là một sợi dây nối kết không khác gì tình máu mủ ruột thịt. Tiếng nói tạo ra một đường ranh giới phân biệt – Chúng ta khác với chúng nó. Chúng ta có thể tin rằng ngôn ngữ là một thành trì bảo vệ một dân tộc thoát khỏi nạn bị đồng hóa và giữ được độc lập. Tiếng nói cũng là một động cơ thúc đẩy người ta thương yêu và đoàn kết. Dùng tiếng mẹ đẻ thì đồng thời tạo và nâng cao ý thức dân tộc. Tiếng Việt Nam được tạo thành, rèn giũa và bồi đắp trong hàng chục ngàn năm là một nền tảng tạo nên sức đề kháng chắc và bền của dân tộc Việt. Nhờ giữ được tiếng nói riêng nên dân tộc Việt Nam vẫn tồn tại sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc.

 

  1. Địa dư và thủy thổ yểm trợ

Địa dư và thủy thổ đã yểm trợ Lạc Việt hai mặt:

Thứ nhất – So sánh với các sắc dân ở Hồ Nam, Lưỡng Quảng, Vân Nam, Phúc Kiến, Lạc Việt đã may mắn sống rất xa trung tâm thống trị của người Hán. Được núi non ngăn cách che chở, đất Giao Châu không chịu những áp lực về dân số của những đợt di dân như Lưỡng Quảng. Người Việt sống trong môi trường và hoàn cảnh khác dân các tỉnh phía Nam Trung cộng. Dân Việt tương đối thuần nhất hơn, địa bàn sống vừa nhỏ, chung quanh núi rừng cùng biển cả ngăn cách và bảo vệ. Trong một ngàn năm Bắc thuộc, có nhiều thời kỳ người Việt được sống tách riêng ra khỏi đế quốc Trung Hoa. Từ đó, ý thức dân tộc của người Việt có đủ không gian và thời gian để phát sinh và nuôi dưỡng. Và nhờ địa giới thiên nhiên vạch ra một vùng đất riêng có thể gọi là “nước ta”.

 

Thứ nhì – Ngoài núi non che chở, dân Việt còn sống ở một vùng khí hậu, thủy thổ không thích hợp với người Hán phương bắc. Khí hậu, thủy thổ có thể là một “thần linh phù trợ” dân tộc Việt trong quá trình đề kháng. Vì những người gốc Hán từ phương Bắc, những quan cai trị và lính viễn chinh, quen phong thổ miền khô, khí hậu lạnh lẽo. Họ không chịu được thủy thổ đất Giao Châu nóng và ẩm, các vi sinh vật sinh sôi mau chóng, gây nên nhiều thứ bệnh tật cho quân lính phương Bắc. Trong lịch sử, địa dư, thủy thổ, khí hậu đã giúp dân Việt bảo vệ nền tự chủ. Sau này trong đời Lý, một đạo quân nhà Tống 100 ngàn với 200 ngàn dân phu, sang tấn công nước ta năm 1077. Họ đã thất bại, một phần vì không quen thủy thổ. Tống Thần Tông phải rút quân và bỏ luôn giấc mộng xâm lăng, sau khi được các tướng báo cáo: “Vì nóng nực, lam chướng, quân và dân phu đã mất quá nửa, non một nửa còn lại thì đều bị bệnh”.

 

  1. Mạng lưới làng xã

Ngoài những nhân tố xã hội, văn hóa và kinh tế đã tạo nên sức mạnh của dân Việt, sức mạnh đó còn nằm trong một mạng lưới xã hội là thôn làng (người), với căn bản kinh tế phong phú (đất) và trong những tín ngưỡng (thần). Làng xã Việt Nam không phải chỉ là một tổ chức hành chánh mà còn là một mạng lưới các tổ chức xã hội, văn hóa, kinh tế. Đối với các quan cai trị thời Bắc thuộc cũng như thời Pháp thuộc, mạng lưới này gần như vô hình, vượt trên khả năng kiểm soát của họ.

Tóm lại, nước ta vẫn tồn tại sau 1000 năm Bắc thuộc nhờ những nhân tố chủ quan như tiếng nói, chủng tộc, phong tục, tín ngưỡng, tinh thần bất khuất, ý thức dân tộc, ý chí tự chủ… và những nhân tố khách quan như địa dư, khí hậu thủy thổ và mạng lưới làng xã… Con người lập làng xã, đất cung cấp tài nguyên phong phú, thần Phật tạo thành nền văn hóa vững vàng. Nhưng để tiến tới độc lập, yếu tố quyết định vẫn ý chí vững chắc, một cái nghị lực riêng muốn sống như một dân tộc, chứ không chịu sát nhập vào đế quốc Trung Hoa.

 

 II  Về ưu điểm

Đứng Vững Ngàn Năm có những ưu điểm sau:

  1. Đây là một công trình tập đại thành đầu tiên để trả lời câu hỏi: Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau một ngàn năm Bắc thuộc? Hầu hết những cuốn sử Việt Nam đều đề cập việc này, nhưng mỗi tác giả chỉ nêu lên một hai yếu tố. Chẳng hạn sử gia Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử Lược thì nhận định là người Giao Châu có một cái nghị lực riêng và cái tính chất riêng. Sử gia Lê Thành Khôi trong Histoire du Viet Nam, giải thích hiện tượng người Việt bảo tồn được tiếng nói là một sức mạnh đề kháng bền bỉ nhất. Sử gia Keith Taylor trong cuốn The Birth of Viet Nam, đồng ý về yếu tố ngôn ngữ và ghi nhận thêm sự phát triển của Phật Giáo vào thời Bắc thuộc là một nhân tố quan trọng đóng góp vào sự hình hành nước Việt Nam. Sử gia Lê Mạnh Hùng trong cuốn Nhìn Lại Sử Việt tập I, nêu thêm các yếu tố kinh tế và xã hội. Những sử gia trên khi viết về vấn đề này chỉ dùng một hai trang hay một chương. Còn ông Ngô Nhân Dụng đã xét vấn đề bằng cả một cuốn sách dày ngót 500 trang với 32 chương, mỗi chương đề cập đến một nhân tố. Vừa tổng hợp vừa kiến giải những nhân tố bằng nhiều dẫn chứng giúp chúng ta hiểu rõ vấn đề.
  2. Khi ghi lại những nhân tố góp phần vào sự tồn tại của Việt Nam, ông Dụng đã tìm hiểu ngọn ngành mỗi nhân tố bằng kiến thức uyên bác về nhân chủng, xã hội, ngôn ngữ và lịch sử và làm sáng tỏ bằng những dẫn chứng đã xảy ra trên thế giới, nhiều chỗ người đọc có thể ngộp thở với những thí dụ dẫn giải của ông. Vì thế đi vào tìm hiểu những nhân tố giúp Việt Nam tồn tại, chúng ta cũng học được nhiều vấn đề lịch sử, xã hội, chính trị trên thế giới. Chẳng hạn khi nghiên cứu về sự tồn tại của tiếng Việt, ông Dụng đã cho ta biết tiếng Việt  do nhiều tầng ngôn ngữ kết hợp. Và nền tảng của tiếng Việt đã thành hình trong mấy ngàn năm trước công nguyên, trước khi tiếp xúc với ngôn ngữ và chữ viết của người Hán. Vì thế sau một ngàn năm bị Trung Hoa đô hộ, tổ tiên chúng ta vẫn giữ được tiếng nói. Và trong việc mất, còn tiếng nói này, ông Dụng đã dẫn chúng ta vào ba tấm gương của ba dân tộc.

 

Thứ nhất là gương của người Mãn Châu:

Người Mãn thuộc giống Mông Cổ, có tiếng nói và chữ viết riêng. Họ rất giỏi chiến trận, đã nhiều lần xâm lấn và cai trị phần phía Bắc Trung Hoa, và lần sau cùng vào thế kỷ 17 đã chiếm cả nước Tàu. Trong 3 thế kỷ cai trị Trung hoa, các ông hoàng chỉ được kết hôn với các cô con gái Mãn để bảo đảm Hoàng gia vẫn giữ một chủng tộc thuần nhất. Vậy mà ông vua cuối cùng là Phổ Nghi đã không còn nói thông thạo tiếng Mẹ. Khi nhà Mãn Thanh sụp đổ năm 1911, ở Mãn Châu còn hàng chục triệu người nói tiếng Mãn, nhưng đến năm 2011 thế hệ những người nói tiếng Mãn đã chết dần. Tuần báo Economist viết phóng sự kể lại làng Sanjiazi, vào năm 1979 còn 50 người nói được tiếng Mãn, đến năm 2011 chỉ còn 2 người nói thông thạo, cả hai đều 86 tuổi. Không giữ được tiếng nói thì mất nước.

 

Thứ nhì là gương Israel

Nước Israel đã nêu một tấm gương nổi bật cho thấy vai trò của ngôn ngữ. Khi dân Do Thái khắp Âu châu quay về Palestine tái lập quốc gia Israel, những người nói tiếng Iddish và đủ thứ tiếng ở Đông Âu đã quyết định chỉ sử dụng tiếng Hebrew. Đó là ngôn ngữ cổ Do Thái, chỉ dùng trong kinh thánh và chỉ học giả mới dùng. Tiếng Hebrew coi như đã chết đã được vực dậy hà hơi cho tái sinh. Kết quả là tiếng Hebrew đã sống lại, những nhà ngôn ngữ học Do Thái đã sáng tạo ra nhiều từ ngữ mới và những nhà văn viết chữ Hebrew đã đoạt giải Nobel văn chương.

 

Thứ ba là gương dân tộc Phần Lan

Dân tộc Phần Lan rất nhỏ, nằm giữa hai đế quốc mạnh là Thụy Điển và Nga. Người Phần Lan sống ở phía bắc biển Baltic, nói một ngôn ngữ khác tiếng nói của hai nước láng giềng thuộc họ Ấn Âu. Dân tộc Phần Lan bị hai đế quốc láng giềng thay phiên nhau thống trị trong gần 1000 năm, không khác gì người Việt Nam bị Trung Hoa đô hộ.

Khi đế quốc hợp nhất Đan Mạch – Thụy Điển đô hộ Phần Lan từ thế kỷ 13, tiếng Thụy Điển được tôn lên làm ngôn ngữ chính thức. Khi Thụy Điển phải nhường Phần Lan cho Nga hoàng thì Phần Lan phải chịu một cuộc tấn công văn hóa khác với chiến dịch Nga hóa kéo dài trong mấy thế kỷ. Năm 1900, Nga Hoàng ra lệnh dân Phần Lan phải dùng tiếng Nga trong mọi giao dịch với guồng máy hành chánh. Nhưng trong thời gian 7 thế kỷ này, nông dân Phần Lan sống xa cách hệ thống cai trị vẫn chỉ nói tiếng mẹ đẻ. Những người Phần Lan sống ở thành thị cũng ý thức, học tiếng nói của tổ tiên. Khi phong trào dân tộc bùng lên, giới trí thức thành phố đã về nông thôn để học lại tiếng mẹ. Phong trào về nguồn này đã đưa tới cuộc vận động đòi độc lập và Phần Lan đã giành được độc lập. Hiện nay phần Lan có 6 triệu dân, trong đó nhiều người gốc Thụy Điển vẫn nói tiếng của họ. Giữa thế kỷ 18 dân số Phần Lan là 428.000 người. Như vậy thì khi bị Thụy Điển chiếm đóng từ 5 thế kỷ trước, dân số Phần Lan thấp hơn nhiều. Với dân số nhỏ như thế mà dân tộc Phần Lan vẫn giữ được tiếng nói và giữ được một quốc gia đến bây giờ. Đó là một kỳ công.

Cũng như việc dẫn giải về chuyện tiếng nói, ở những nhân tố khác ông Dụng cũng dẫn ta đi vào nhiều thí dụ trên thế giới. Bây giờ trở lại nói về ưu điểm của tập sách.

 

  1. Ưu điểm thứ ba là ông Dụng đã cho thấy sức mạnh của văn hóa lạc Việt

Vị trí của nước ta ở ngã ba châu Á, giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, giúp cho dân Việt tiếp nhận nhiều nguồn văn hóa trước khi gặp người Hán, vì thế có bản sắc vững chắc và bền bỉ đủ để tự vệ. Dân Lạc Việt đã giữ được một bản sắc lưu truyền từ nhiều đời trước, thể hiện qua phong tục tập quán, tín ngưỡng mà người Việt chia sẻ với nhiều sắc dân Đông Nam Á. Sau đó lại được nuôi dưỡng trong môi trường văn hóa Ấn Độ, trước khi tiếp xúc, học hỏi nền văn minh Hoa Hạ. Do đó nền tảng văn hóa càng vững chắc hơn.

Với Phật Giáo, dân Lạc Việt được trang bị thêm một tôn giáo với đủ nghi thức thực hành và một tư tưởng có bề sâu và có tầm vóc quốc tế. Nhờ thế người Việt  nuôi dưỡng lòng tự tin, tự hào, khi đi vào làn sóng văn hóa của nhà Hán, nhà Đường. Một điều may mắn là tự bản chất Phật Giáo không phân biệt, kỳ thị các tín ngưỡng hay trào lưu tư tưởng khác. Từ đó, dựa trên tính chất này, người Việt đã sẵn sàng đón nhận thêm hoa trái của nền văn minh Hán tộc. Khả năng hấp thụ, tổng hợp, dung hóa các trào lưu tư tưởng và tôn giáo làm phong phú văn hóa Việt, giúp người Việt đạt được một nếp sống ôn nhu, bao dung, một tiềm lực mạnh. Tính chất sống này có thể giải thích điều mà sử gia Trần Trọng Kim nhận định là người Giao Châu có một cái nghị lực riêng và cái tính chất riêng. Sức mạnh văn hóa của người Việt đã được biểu hiện cụ thể hơn là trong cả ngàn năm bị người Hán thống trị, nhưng đất việt đã Việt hóa được nhiều thế hệ người Tàu xuống Lạc Việt. Trong lịch sử hơn ngàn năm bị đô hộ, một hiện tượng đáng kể là những lớp sóng di dân từ lục địa Trung Hoa xuống Lạc Việt sau nhiều thế kỷ đã hội nhập vào cuộc sống của dân Việt. Họ trở thành người Việt và đã đóng góp vào quá trình xây dựng ý chí tự chủ của dân Việt. Sử gia Trần Gia Phụng, trong Việt Sử Đại Cương tập I, đã nhận định: “Người Hoa di cư đến cổ Việt đã được Việt hóa, nói tiếng Việt và theo tập quán  của người Việt, chứ người Việt không bị đồng hóa theo văn hóa Trung Hoa”. Những người Hoa được Việt hóa, sau nhiều đời hòa nhập vào cộng đồng người bản địa, đã đóng một vai trò chủ yếu trong xã hội Việt. Người Việt Nam đầu tiên khởi nghĩa tự xưng Hoàng Đế và chính thức đặt quốc hiệu là Lý Bôn mà tổ tiên là người Hoa đã di cư sang Giao Châu vào thời Vương Mãng, trước đó 5 thế kỷ. Tổ tiên các vua nhà Trần cũng là di dân gốc Phúc Kiến. Ông Dụng cho biết thêm nhà thơ Hồ Dzếnh gốc Quảng Tây, nhà văn Vương Hồng Sển gốc Triều Châu và nhà thơ Đông Hồ Lâm Tấn Phác gốc Phúc Kiến.

Trong một ngàn năm sau khi nước ta tự chủ, mỗi khi bên Tàu có loạn lại có nhiều đợt di dân từ Trung cộng chạy sang nước ta tị nạn, lập lại một hiện tượng đã xảy ra trong thời Bắc thuộc. Những lớp người Hoa chạy loạn này đã lập những làng Minh Hương ở Hội An, hay khai khẩn các vùng đất mới ở Hà Tiên, Mỹ Tho, Biên Hòa. Họ đã biến thành người Việt do văn hóa bao dung của người Việt.

 

  1. Ưu điểm thứ tư là ông Dụng đã ghi lại được sự đề kháng thường trực của dân Lạc Việt trong một ngàn năm Bắc thuộc.

Trước hết là đề kháng văn hóa. Dân Lạc Việt tiếp nhận đạo Khổng Mạnh ở những điều dạy đạo lý làm người, còn giữ nguyên phong tục, tập quán đã truyền lại từ nhiều đời trước. Sự đối kháng này ngầm chảy mãi trong tâm thức cộng đồng dân tộc. Chiếm đất thì dễ, nhưng cưỡng ép dân Việt thay đổi phong tục thì rất khó. Những phong tục truyền từ đời Hùng Vương đã tạo nên nếp sống thuần hậu, có thể gọi là nền văn hiến của dân Việt. Trong thời Bắc thuộc, như Cao Hùng Trưng nhận xét trong An Nam Chí Nguyên, chỉ có những người Việt đi học làm quan ở thành thị là “được giáo hóa, biết theo phong tục Trung Hoa, còn ở những nơi xa vẫn giữ nguyên phong tục cũ không bỏ được”. Phong tục đó là nhuộm răng, ăn trầu, búi tóc, đàn bà mặc váy, áo ngắn cài nút bên tay trái… Còn tiếng nói thì tiếng Việt được tạo thành, rèn giũa và bồi đắp trong hàng chục ngàn năm. Đó là nền tảng tạo nên sức đề kháng bền bỉ của dân tộc.

Văn hóa đã thế, còn việc đề kháng bằng gươm giáo thì ông Dụng cũng ghi lại được những cuộc nổi loạn, chiếm thành, giết quan đô hộ Hán suốt dọc một ngàn năm.

– Trong những thế kỷ đầu tiên thời Bắc thuộc, hai quận Cửu Chân và Nhật Nam đã được các quan lại người Hán mô tả là nơi dân chúng hay làm loạn nhất. Vùng đất này đã trở thành nơi giữ gìn tinh thần tự chủ, ý chí đòi độc lập của dân Việt. Từ đời Hán đến cuối đời Đường, chính từ vùng này đã sinh xuất nhiều anh hùng khởi nghĩa.

– Những sách giáo khoa môn lịch sử trước đây thường không nói tới những cuộc nổi loạn nhỏ nằm giữa hai cuộc khởi nghĩa của Bà Trưng ở Mê Linh và Bà Triệu ở Nông Cống, Thanh Hóa. Vì thế chúng ta đã tưởng lầm rằng khoảng thời gian từ năm 43 đến năm 248 các quan nhà Hán được ngồi cai trị bình yên. Thực ra không phải như vậy. Chúng ta sẽ hiểu rõ biến cố Bà Triệu khi biết trước đó vẫn có nhiều cuộc nổi dậy của dân và binh lính ở Nhật Nam, Cửu Chân lan tới Giao Chỉ, một phần do di dân hoặc binh sĩ người Hoa chủ xướng. Nếu không có những cuộc nổi dậy liên tiếp trong cả ba quận thuộc Giao Châu thì chúng ta phải ngạc nhiên là tại sao 200 năm “bình trị” lại có một phụ nữ 20 tuổi như bà Triệu Thị Trinh chiêu mộ được một ngàn tráng sĩ làm thủ hạ, cùng nhau kéo từ núi về giúp anh là Triệu Quốc Đạt tấn công thành Cửu Chân, rồi cầm cự được 6 tháng mới chịu thua.

– Trong hai thế kỷ đầu, hai quận Nhật Nam và Cửu Chân cứ mỗi thế hệ lại xảy ra ít nhất một cuộc nổi loạn, như trong những năm 100, 136, 144, 157, 178 và 184. Các biến cố năm 136 và 144 là do binh lính nổi loạn. Tới năm 157 thêm Chu Đạt (gốc Hoa) nổi dậy ở Cư Phong, từ miền núi tiến xuống đánh thành Cửu Chân, giết quan đô hộ là Nghê Thức, sau bị tướng nhà Hán là Ngụy Lang đem quân tới tiêu diệt.

– Tới đầu thế kỷ thứ 4, vào lúc nhà Tấn suy vi, một người gốc Hoa là Lý Tốn đã tự chiếm chức Thứ Sử, năm 308 cùng hai con đem quân chống lại viên Thứ Sử do vua Tấn cử sang là Đằng Đốn Chi. Năm 468, Lý Trường Nhân lại nổi lên tự chiếm quyền. Sau cuộc nổi dậy của Lý Trường Nhân, lợi dụng lúc nhà Lưu Tống bên Tàu suy yếu, người em họ là Lý Thúc Hiến tự đứng ra cai trị Giao Châu trên 15 năm. Những người họ Lý này đều gốc Hoa, đã định cư nhiều đời ở nước ta nên sử Trung Hoa gọi là “thổ nhân” cũng như Lý Bôn. Đến năm 485 Thúc Hiến phải đầu hàng khi đạo quân Nam Tề mạnh hơn sang tấn công. Tuy những ông quan nổi loạn trên đây chỉ dám xưng là Thứ Sử, không quyết tâm tách khỏi các triều đình phương Bắc, nhưng họ đã tạo ra những tiền lệ khiến người Giao Châu thấy vùng đất này có khả năng tự chủ, tự lập. Hiện tượng này cho thấy khi bên Tàu có loạn thì trong miền đất Giao Châu khuynh hướng tự chủ và tự trị đã lên khá mạnh ở cuối thế kỷ thứ 4 sang thế kỷ thứ 5.

– Vào thế kỷ thứ 6, vì chính sách tàn khốc của hai triều đại Tùy (580-618), Đường (618-906) khiến dân phẫn uất. Năm 638 dân ở vùng Thanh Nghệ đã nổi loạn. Rồi tới một quan nhà Đường tăng thuế gấp đôi, nông dân đã cùng nhau chiếm thủ phủ, giết quan đô hộ năm 687. Sử gia Lê Mạnh Hùng đoán là các lãnh tụ của hai cuộc khởi nghĩa – Lý Tự Tiên và Đinh Kiến đều là gốc nông dân.

– Từ cuối thế kỷ thứ 8, bên Tàu nội chiến không ngừng, đại loạn suốt nửa thế kỷ. Tại Quảng Tây và phía Tây Quảng Đông giáp phía Bắc nước ta, các hào kiệt địa phương đã nổi lên chiếm thành, cắt đất xưng hùng. Giao thông gián đoạn, uy quyền chính thống ở trung ương bên Trung Hoa không có mặt. Nhiều viên quan ở Giao Châu đã nổi loạn vào những năm 803, 819, 828, 843, 860 và 863, Các Tiết Độ Sứ bị giết hoặc phải bỏ chạy về Tàu, tổng cộng 6 lần trong 60 năm.

– Cuối thế kỷ thứ 9, nhà Đường đang còn kiểm soát được lãnh thổ của họ thì dân ở Giao Châu sôi sục. Dân và binh sĩ nổi lên, quan đô hộ là Tăng Cổn phải bỏ chạy. Trong hơn 10 năm đất Giao Châu sống trong tình trạng không có chính quyền. Dân chúng tự động lấp vào khoảng trống chính  trị đó, và nhà phú hào vùng Hải Dương là Khúc Thừa Dụ đã được suy cử làm Tiết Độ Sứ. Họ Khúc đã nắm quyền từ năm 880 đến 930. Tuy Giao Châu chưa ly khai khỏi Trung Hoa, nhưng thời gian khá dài này có ảnh hưởng quyết định. Họ Khúc cải tổ hệ thống hành chánh từ lộ, phủ, châu xuống đến xã, trong đó có việc đổi đơn vị hương thành giáp, và cử người thu thuế theo hệ thống đó. Sau cuộc thí nghiệm tự trị của Khúc Hạo, với những cải tổ hành chánh nhằm theo sát với phong tục tập quán của người Việt, giới lãnh đạo bản xứ càng tự tin để cầm đầu những cuộc nổi dậy. Vì bên Tàu có loạn trong đầu thế kỷ thứ 10, nhiều anh hùng dân tộc nổi lên cùng một lúc. Sau đó họ còn tranh quyền gay gắt, đủ thấy đây là một phong trào toàn quốc, toàn dân sôi nổi vùng lên.

 

  1. Ưu điểm thứ 5 là ông Dụng đã xác định giá trị của Nho giáo trong thời Bắc thuộc và sau khi nước Việt đã độc lập.

Sau 30/4/75, ở hải ngoại có một số người đã lên tiếng phê bình Nho Giáo trong văn hóa Việt Nam, trong đó người lớn tiếng nhất là ông Nguyễn Gia Kiểng. Với cuốn Tổ Quốc Ăn Năn, ông Kiểng đã hạ giá văn hóa Việt Nam, báng bổ tổ tiên và lên án Khổng Giáo là thứ văn hóa vô tổ quốc, nhà Nho là người vô tổ quốc. Đến ông Ngô Nhân Dụng, viết Đứng Vững Ngàn Năm, lại xác định giá trị của Nho Giáo trong Văn hóa Việt Nam, sự khôn ngoan của tổ tiên trong việc thu nhận văn hóa Khổng Giáo trong đạo làm người và xây dựng đất nước. Ở đây chúng tôi xin trích dẫn một số đoạn:

– Việc tiếp nhận nền giáo dục Khổng Mạnh từ thời Bắc thuộc, chắc chắn người Việt Nam vui lòng học hỏi, vì trong thời gian một ngàn năm đó hệ thống tư tưởng và nền giáo dục ở Trung Hoa đã đạt tới trình độ cao nhất so với các nước khác khắp vùng Á Đông. Vào thời đó mà không cùng nhau tìm hiểu Khổng Mạnh thì cũng giống như vào thế kỷ 20 mà không nghiên cứu khoa học, không tìm hiểu chế độ phân chia ba quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp.

– Trong thời Bắc thuộc, ảnh hưởng của Nho giáo trong dân Việt chỉ nằm trong phạm vi luân lý, đạo đức, bổ sung với đạo lý cổ truyền và Phật Giáo. Các quy tắc sử thế của Nho Giáo chỉ dựa trên con người – Chúng ta nên ăn ở với nhau có nhân có nghĩa và giữ gìn trung tín, vì chúng ta đều là người.

– Ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa cũng đem lại những kết quả tích cực, tạo ưu thế cho người Việt so với các dân tộc Đông Nam Á khác. Văn minh Hoa Hạ chú trọng tới tổ chức xã hội nhiều hơn khuynh hướng siêu hình, trừu tượng của Ấn Độ. Dân Việt tiêm nhiễm những đặc tính đó, đã dựng lên những mạng lưới xã hội và guồng máy quốc gia tương đối vững và mạnh hơn các nước ở phía nam. Nhờ sinh lực mới này mà cuộc Nam tiến thành công.

– Nền giáo dục Khổng Giáo có khả năng đào tạo ra bao  nhiêu con người như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Bùi Hữu Nghĩa, Phan thanh Giản, Phan Đình Phùng… Tổ tiên chúng ta đâu có dại dột không học lấy ngay và áp dụng ngay trong cuộc sống của mình.

– Mặc cảm đối với văn hóa Trung Hoa thời nay còn rất nặng, vì dân mình nhiệu lần bị người Hán đe dọa thôn tính, nền nếp văn hóa của mình nhiều lần bị đe dọa xóa bỏ để đồng hóa. Mặc cảm đó đã ăn sâu trong tâm lý tập thể kéo dài cả ngàn năm. Nhưng sống bên cạnh một nền văn minh rực rỡ như văn minh Trung Hoa mà không thu nhận những cái hay của họ thì thật dại dột. Các giống dân Hàn Quốc, Nhật Bản đều theo học các vị thầy từ Khổng Mạnh, Lão Trang cho tới Hàn Phi, Tôn Tử. Không tìm học thì rất uổng. Cần phải nhấn mạnh: Thu nhận văn minh Trung Hoa là một lựa chọn tự nguyện và khôn ngoan của dân Việt Nam, cũng như các dân tộc Á Đông khác.

– Người Việt Nam tiếp nhận văn minh Trung Hoa cũng giống như nước Mỹ sau khi giành được độc lập, đã tổ chức nền hành chánh và tư pháp theo tư tưởng của các triết gia người Anh, theo mẫu các tổ chức đã có sẵn bên Anh. Ảnh hưởng Trung Hoa giúp thêm cho trật tự xã hội, tổ chức chính quyền, nhờ thế nền tảng độc lập của dân Việt càng vững chắc.

– Trong bài tựa Thiền Tông Chỉ Nam, Thái Tông viết “Phương tiện để mở lòng mê muội, con đường soi rõ sự sống chết là đại giác của Đức Phật. Còn việc giữ cán cân làm tiêu chuẩn, làm khuôn phép cho đời sau là trách nhiệm nặng nề của tiên thánh vậy”. Tiên thánh, những vị thánh đời trước, là Khổng Tử, Mạnh Tử. Trong tinh thần đó, người Việt Nam tự tình nguyện học Nho Giáo vì nhu cầu quản trị nước mình, chứ không phảI vì bị ai bắt buộc.

– Dùng Nho Giáo trong việc cai trị sau khi nước ta đã độc lập là điều tự nhiên. Các quốc gia không hề bị người Hán đô hộ như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng theo mô hình quản lý xã hội của Nho Giáo. Cũng giống như các nước Mỹ, Canada, Úc và Ấn Độ, sau khi độc lập vẫn dùng hệ thống pháp luật và tổ chức hành chánh theo lối Anh Quốc.

 

III. Về Lời Khẳng định

Trong chương cuối Vang Vang Trời Vào Xuân, Ông Ngô Nhân Dụng viết: Trong thời gian cuốn sách này đang thành hình, người Việt Nam ở trong và ngoài nước đang tổ chức nhiều cuộc biểu tình chống chính quyền Trung cộng xâm phạm chủ quyền nước ta, nhất là trong vùng biển Đông. Trong không khí sôi nổi, nhiều người tỏ ý lo mình có thể “mất nước”. Ngẫm nghĩ về lịch sử thời Bắc thuộc thì phải tin là nước Việt sẽ không bao giờ mất được. Ngàn năm trước đã không mất thì ngàn năm sau chắc chắn sẽ không mất. Ngàn năm trước, tổ tiên từng chịu đựng những áp lực lớn, nghĩ đã thấy rợn mình. Thế mà vẫn đứng vững. Bây giờ dân mình đông hơn, ý thức dân tộc vững chắc hơn, kinh nghiệm dày dạn hơn. Loài người bây giờ cũng văn minh hơn và liên đới chặt chẽ với nhau hơn, không để cho nước lớn hiếp nước  nhỏ.

Ông Dụng đã nói lời khẳng định – Nước Việt sẽ không bao giờ mất – mấy lần ở  những chương khác. Mỗi lần đọc tới câu này, chúng tôi đều ngừng lại suy nghĩ và không chia sẻ với ông niềm tin này. Vì Việt Nam ở thế kỷ 20, từ việc đấu tranh giành độc lập với Thực dân Pháp, đã chia thành hai phe Quốc Cộng không đội trời chung. Từ vị thế cướp được chính quyền năm 1945, gọi là Cách Mạng Tháng 8, đảng Cộng Sản Việt Nam đã độc chiếm chính nghĩa dân tộc. Với chính nghĩa đó Cộng Sản Việt Nam đã chủ động tác động vào vận mệnh đất nước, tiến hành 2 cuộc chiến tranh kháng Pháp (1946-1954) và xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa (1960-1975). Trên đường thực hiện chiến tranh, Cộng Sản Việt Nam đã vướng vào vòng kiềm tỏa của Trung Cộng. Rồi khi thế giới Cộng Sản Nga và Đông Âu tan vỡ, vì nhu cầu sống còn, Cộng Sản Việt Nam lại thò đầu vào cái thòng lọng của Trung Cộng để Trung Cộng sai sử. Từ đó, những nhân tố giữ nước ngày xưa đã thay đổi. Ngày nay Trung cộng chỉ cần một yếu tố là có thể xâm chiếm Việt Nam mà không cần súng đạn. Xin luận giải như sau:

Cộng Sản Việt Nam và Cộng Sản Trung cộng đã kết với nhau bằng một mối duyên nợ. Duyên là chủ nghĩa Marx-Lenin, chủ nghĩa quốc tế vô sản, còn nợ là qua cái duyên chủ nghĩa, Trung cộng viện trợ Cộng Sản Việt Nam để thôn tính Việt Nam mà ông Ngô Đình Nhu trong tập sách Chính Đề Việt Nam đã nhận định: “Sự lệ thuộc chủ nghĩa và sự chia đôi lãnh thổ đã tạo hoàn cảnh cho sự chi phối và sự toan tính thống trị của nước Tàu đối với Việt Nam đã tái hiện dũng mãnh sau gần một thế kỷ vắng mặt. Các nhà lãnh đạo miền Bắc, khi tự đặt mình vào sự chi phối của Trung Cộng, đã đặt chúng ta trước một viễn ảnh nô lệ kinh khủng. Hành động của họ, nếu có hiệu quả, chẳng những sẽ tiêu diệt mọi cơ hội phát triển của chúng ta mà lại còn đe dọa đến sự tồn tại của dân tộc. Sở dĩ tới ngày nay, sự thống trị của Trung Cộng đối với Việt Nam chưa thành hình là vì hoàn cảnh chính trị thế giới chưa cho phép, và sự tồn tại của miền Nam dưới ảnh hưởng của Tây phương là một trở lực vừa chính trị vừa quân sự cho sự thống trị đó. Giả sử mà Nam Việt bị Bắc Việt thôn tính thì sự Trung Cộng thôn tính Việt Nam chỉ là một vấn đề thời gian” (Chính Đề Việt Nam – Đồng Nai xuất bản – Sài Gòn, 1964, trg 301).

Như vậy là ông Nhu đã thấy trước sự toan tính của Trung Cộng và Cộng Sản Việt Nam cũng đã thấy như thế, bằng chứng là Cộng Sản Việt Nam đã tố cáo tham vọng của Trung Cộng trong 2 tập sách: Sự Thật Về Quan Hệ Việt Nam – Trung cộng Trong 30 Năm Qua và Vấn Đề Biên Giới Giữa Việt Nam và Trung cộng (Sách được công bố sau trận chiến xâm lăng của Tàu năm 1979). Nhưng Cộng Sản Việt Nam đã không nghĩ đến lối thoát cho dân tộc mà chỉ nghĩ đến sự tồn tại của đảng Cộng Sản và quyền lợi trước mắt của họ nên đã để lỡ mất cơ hội ngàn năm, và đã tự nguyện rước voi về giày mồ một cách nhục nhã ở Hội Nghị Thành Đô năm 1990. Ở hội nghị này, khi Giang Trạch Dân xuất hiện, Đỗ Mười đã nhào tới ôm chầm lấy Giang trước sự ngỡ ngàng của họ Giang và theo ông Dương Danh Di (nguyên Tổng Lãnh Sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung cộng) thì trong hội nghị, những người lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đã không dám đòi hỏi bất cứ một điều gì dù Cộng Sản Trung cộng đã xâm lăng Việt Nam năm 1979. Như thế là mấy ông Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười đã tới phòng hội để được chỉ đạo và nghe lệnh. Vì thế từ Hội Nghị Thành Đô (9/1990), Trung cộng đã dùng phương châm 16 chữ vàng “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng đến tương lai” và 4 tốt “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” để áp đặt và bắt đầu đòi nợ và Cộng Sản Việt Nam cũng dối dân bằng mấy chữ đó để trả nợ. Đó là cái nợ mà Trung cộng đã viện trợ trên 24 năm cho sự chiến thắng của đảng Cộng Sản Việt Nam và cái nợ mà Trung cộng giữ cho Cộng Sản Việt Nam ở ngôi vị: Với dân Việt Cộng Sản Việt Nam là kẻ thống trị, còn với Trung cộng Cộng Sản Việt Nam là kẻ bị trị.

Kết quả của hội nghị Thành Đô mà Cộng Sản Việt Nam gọi là để nối lại quan hệ ngoại giao. Còn theo ông Trần Quang Cơ, cựu Thứ Trưởng Ngoại Giao Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, trong tập sách “Hồi Ức và Suy Nghĩ” thì “Không phải là bình thường hóa quan hệ mà là phụ thuộc hóa quan hệ”. Rồi ông Cơ nói thêm: “Và từ sau Đại Hội VII, tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam- Trung cộng như cỗ máy đã được tra dầu đầy đủ, diễn biến trơn tru theo trình tự đã định… Ngày 5 đến 10/11/91, sau khi Hiệp Định về Campuchia được ký kết ở Pa-ri, TBT Đỗ Mười và Thủ Tướng Võ Văn Kiệt thăm chính thức Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa để hoàn thành việc bình thường hóa mối quan hệ trục trặc lớn từ tháng 2/1979. Nhưng trong khi lãnh đạo ta ôm kỳ vọng cùng Trung cộng “Bảo vệ xã hội chủ nghĩa chống đế quốc” thì họ đã xác định quan hệ với ta là “thân nhi bất cận, sơ nhi bất viễn, tranh nhi bất đấu” (thân nhưng không gần, sơ nhưng không xa, đấu nhưng không đánh nhau). Trung cộng nói thế song luôn luôn lấy thế nước lớn lấn chiếm lãnh thổ, lãnh hải ta, và hiểm độc nhất là không ngừng tác động vào nội bộ ta”. Trong Hồi Ức và Suy Nghĩ, ông Cơ nói đến ý đồ của Trung cộng: “Gấp rút biến biển Nam Trung Hoa thành vùng biển độc chiếm của Trung cộng, từ đó khống chế toàn bộ vùng Đông nam Á với mục tiêu khẳng định Việt Nam – Đông Dương là thuộc khu vực ảnh hưởng của Trung cộng, muốn tách Việt Nam khỏi Đông Nam Á và thế giới bên ngoài”. (Trần Quang Cơ – Hồi Ức và Suy Nghĩ – Truyền Thông số 14&15, mùa đông, mùa xuân 2005)

 Lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam biết hết, nhưng họ phải cúi đầu hướng về thiên triều và mượn cái danh Xã hội chủ nghĩa để giải quyết cái Thực của họ là thần phục Trung cộng để duy trì quyển lực, còn Trung cộng muốn sao cũng được như Nguyễn Văn Linh đã nói: “Dù bành trướng thế nào thì Trung cộng vẫn là một nước xã hội chủ nghĩa”. Với một lập trường như thế, từ Hội Nghị Thành Đô, lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đã bị Trung cộng xoay vần, tự đưa đất nước vào vòng lệ thuộc Tàu về tất cả mọi mặt chính tri, kinh tế và văn hóa.

Sự thỏa thuận ở Hội Nghị Thành Đô là những gì? Tất nhiên chỉ Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam biết. Nhưng từ đó đến nay, những sự việc thấy được thì Việt Nam đã mất nhiều. Xin ghi lại một số:

 

  1. Những cái mất

– Với Hiệp ước biên giới Việt Trung (30/12/90), Việt Nam mất thác Bản Giốc (Cao Bằng), Ải Nam Quan và trên 1000km2 cùng những cao điểm ở biên giới.

– Với hiệp ước Phân Định Vịnh Bắc Bộ (25/12/2001), Việt Nam mất trên 10.000 km2 biển.

– Với chương trình khai mỏ Bauxite, Trung cộng chiếm cao nguyên.

– Với chương trình cho thuê rừng  (hay cho không rừng như ông Trần Văn Tri, Giám Đốc Sở Kế Hoạch và Đầu Tư Quảng Nam cho biết thì công ty TNHH, một thành viên Innovgreen, được miễn 100% tiền thuê đất trong 50 năm, vì đó là quy định của chính phủ về ưu đãi đầu tư, được áp dụng trên cả nước) ở 10 tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Bình, Bình Định, Kon Tum và Bình Dương đã cho doanh nghiệp nước ngoài thuê rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm), với tổng diện tích hơn 300,000 Hectare, trong đó doanh nghiệp Trung cộng và Đài Loan chiếm trên 264 ngàn Hectare (87%) ở các tỉnh xung yếu biên giới. Theo tướng Đồng Sỹ Nguyên thì việc Trung cộng chọn thuê đất chủ yếu ở Lạng Sơn Quảng Ninh, đặc biệt ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, nơi có trục đường 7, đường 8 sang Lào, đường đi lên Tây Nguyên là có chủ đích, vì đó là những tỉnh xung yếu biên giới có những vị trí chiến lược mang tính cốt tử.

– Tỉnh Hà Tĩnh đã cấp cho Tập Đoàn Formosa Đài Loan-Trung cộng 33km2 đất cảng Vũng Áng từ năm 2008, theo dự án đầu tư của Tập Đoàn này, và chủ đầu tư đã đem vào hàng ngàn công nhân Trung cộng. Họ định cư lập làng quanh Vũng Áng, kết hôn với con gái, phụ nữ địa phương. Vũng Áng thuộc Kỳ Anh, Hà Tĩnh, là khu vực nước sâu nằm ở cửa phía nam vịnh Bắc Bộ. Từ đây có thể khống chế tàu ra vào cảng Hải Phòng, cũng như giao thông đường biển với cả miền Bắc, tiếp cận thuận lợi các mục tiêu phòng thủ chiến lược trên biển Đông như đảo Cồn Cỏ, Hòn Mê, Hòn Khói. Vị trí này nằm ở chân núi Hoành Sơn dọc quốc lộ 1, vị trí yết hầu của cả nước, có thể chia cắt giao thông Bắc Nam. (caunhattan. Worlpress.com/2012/12/13 – Hoàng Trung Hải giúp Trung cộng chiếm vị trí yết hầu của Việt Nam).

– Rồi bằng con đường kinh tế, trong 10 năm nay, chính quyền Việt Nam đã để cho nhà thầu Trung cộng chiếm tới 90% những gói thầu quan trọng thuộc các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế như điện, xi măng, hóa chất, luyện kim, cầu đường, khai khoáng… Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành thì rất ít doanh nghiệp Việt Nam lọt qua vòng sơ tuyển dự thầu. Có lẽ ông Thành không dám nói thẳng ra, nhưng ta có thể hiểu là đã có một lực hậu thuẫn từ Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam yểm trợ để các dự án thầu quan trọng rơi vào tay nhà thầu Trung cộng. Cần biết thêm một vấn đề nữa mà chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ ra là phần lớn dự án quan trọng ở lĩnh vực điện, giao thông mà phía Trung cộng đang làm nhà thầu đang sử dụng vốn vay ODA. Như vậy vốn giá rẻ mà Việt Nam đi vay, các nước khác giúp đỡ, lại được sử dụng để mua máy móc Trung cộng, làm lợi cho họ. (vnexpress.net/11/28/2012).

 

  1. Sự nhập cư ồ ạt của người Hoa

– Năm 2008, chính quyền Việt Nam đã quyết định miễn chiếu khán nhập cảnh cho người Hoa vào Việt Nam. Quyết định này là một biện pháp giúp người Hoa ở lại dễ dàng, vì họ có thể nhập vào những cộng đồng người Hoa trên khắp Việt Nam (Từ trước kia và nay là những làng người Hoa mới xuất hiện theo những dự án xây dựng kinh tế). Mỗi dự án là một làng mà nhà thầu Trung cộng đã giành được 90% các dự án thầu trọng điểm trên toàn quốc thì trong vài năm nữa Việt Nam sẽ có bao nhiêu làng người Hoa. Trước hiện tượng này, ông Hà Sĩ Phu trong bài “Từ Vụ Bauxite Nghĩ Về Vận Nước” đã nhìn sát: “Khả năng bị đồng hóa toàn diện nặng nề hơn bao giờ hết. Đã có sự nhập cư ồ ạt không thể kiểm soát  của những người Tàu không rõ lý lịch. Thông tin cho biết nhiều kẻ nhập cư lậu thuộc loại chất lượng xấu, nhưng vừa chiếm chỗ lao động, vừa lấy được 2,3 người vợ Việt Nam để sinh đẻ cho nhiều. Chẳng những bị Hán hóa mà còn lưu manh hóa và mông muội hóa để trở thành những tộc dân mọi rợ. Dân tộc bị thoái hóa thì sẽ mất nước vĩnh viễn, trở thành quận, huyện của người ta, uổng công tổ tiên nghìn đời xây đắp. (doithoai.com/27/27/2009).

– Còn ở thành phố thì nhiều Chinatown đã xuất hiện như khu đô thị Nam Hoàng I, xây dựng từ năm 2008 và hoàn thành năm 2013 ở Lạng Sơn.

Khu Chinatown Đông Đô Đại Phố ở trung tâm thành phố mới Bình Dương do công ty Becamex xây dựng. Trong tài liệu giới thiệu Website của Đông Đô Đại Phố đã viết: “Điểm gắn kết và hình thành cộng đồng người Hoa: Đông Đô Đại Phố kết hợp việc phát triển kinh tế cho cộng đồng người Hoa, với khu trung tâm thương mại sầm uất bậc nhất, một thiên đường mua sắm, giải trí và ẩm thực đặc sắc, góp phần tạo dựng và gìn giữ vẻ đẹp văn hóa sắc màu của dân tộc Việt Nam cho thế hệ mai sau”.

– Trong bài “Từ Mũi Sa Vĩ Nhìn Về Móng Cái: Trung cộng Làm chủ, Việt Nam Làm Thuê“, nhà báo Thiên Thư đã ghi lại những cái thấy, điều nghe về chuyện người Trung cộng đã chiếm Móng Cái, Trà Cổ bằng kinh tế với thân phận người Việt ở đây: “Móng Cái cũng như nhiều thành phố vùng giáp biên khác, nhiều cửa hàng, trung tâm thương mại, khách sạn, khu vui chơi giải trí được đầu tư bởi các công ty, tập đoàn lớn của Trung cộng. Hai khu giải trí, kinh doanh lớn nhất thành phố Móng Cái là của công ty Hồng Vận và công ty liên doanh Hải Ninh-Lợi Lai. Như nhiều nhà đầu tư Trung cộng khác, hai công ty này được thuê đất 50 năm với nhiều loại hình kinh doanh như sòng bạc, khách sạn, sàn nhảy, dịch vụ mua sắm hàng hiệu (nhái), cửa hàng ăn Trung cộng. Cuối tuần, khách du lịch từ Trung cộng, Hồng Kông, Đài Loan đến Móng Cái nghỉ rất đông. Các cửa hàng, khách sạn cho đến sân golf hoạt động hết công suất. Tất cả tiền của đều chảy vào túi chủ Trung cộng, chẳng có thứ gì của Việt Nam được tiêu dùng, trừ những người phục vụ là người Việt biết hai thứ tiếng. Vì thế dân ba miền Bắc Trung Nam rủ nhau về Móng Cái như trẩy hội, kẻ không ruộng nương lên đây làm cửu vạn, người có vốn lên đây đánh hàng. Một ông lão làng chài nhìn thời vận mà thốt lên: “Danh nghĩa là đất của mình, nhưng Trung cộng đã thuê 50 năm, không chỉ Móng Cái, Trà Cổ mà cả cái tỉnh Quảng Ninh này, từ sân golf, khách sạn, các khu trung tâm mua sắm, quảng trường cho đến cái quán ăn vỉa hè đều có chủ là người Trung cộng. Sống trên đất Việt, nhưng người Việt chỉ là kẻ làm thuê, lại phải tiêu dùng mọi thứ hàng của Trung cộng thì có đau không, có lo không?” (nguoiviet.com/7/29/2009)

 

  1. Mấy ông tướng Cộng Sản nói về cái mất

– Từ vụ Bauxite, chúng ta đã được đọc những lời can ngăn chính quyền ngưng dự án của các ông tướng Võ Nguyên Giáp, Đồng Sỹ Nguyên, Nguyễn Trọng Vĩnh và Lê Văn Cương. Trong đó, các vị ấy đều nói về tham vọng xâm chiếm Việt Nam của Trung cộng. Trong bài “16 Chữ Vàng Là Thật Hay Giả”, tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã xác định rõ là “16 chữ vàng mà nhà cầm quyền Trung cộng vẽ ra chỉ là trò giả hiệu. Nó chỉ là lá bùa dán vào miệng để bịt miệng Việt Nam, để ăn cướp mà Việt Nam không được la làng, xẻo thịt, cắt da Việt Nam cũng không được kêu. Đáng tiếc là những nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn “hữu nghị một chiều”.

Ông Lê Hồng Hà, một cấp lãnh đạo ngành Công An (đã về hưu), trong một cuộc phỏng vấn của Bác sĩ Phạm Hồng Sơn đã nói là Trung cộng đã và đang ráo riết thực hiện những kế hoạch dữ dội, xâm nhập, chèn ép, bao vây trên mọi lĩnh vực kinh tế, an ninh, quốc phòng, lãnh thổ, nhằm thực hiện ý đồ thôn tính Việt Nam. Còn về phía Việt Nam thì nhiều cán bộ lãnh đạo của Việt Nam lại đã và đang bị Trung cộng mua chuộc và khống chế. Tất cả những điều đó đều là một quá trình liên tục từ Đại Hội VI của đảng Cộng Sản Việt Nam đến nay”. (danluan.org/3/6/2012)

 

  1. Trí thức nói về cái mất

– Giáo sư Hà Văn Thịnh, Đại Học Khoa Học Huế, trong bài “Đất nước đang bất ổn thật rồi” có đoạn: “Dân tộc Việt Nam đang sống trong nền văn minh nào đây? Nếu nói là nền văn minh “của dân”, sao người dân khổ thế? Nếu nói rằng đây là nền văn minh của chịu đựng và nhẫn nhục thì xin hỏi, chờ đến bao giờ? Nếu nói rằng nền văn minh “hữu nghị”, của “thỏa đáng thật thà”, sao dối trá và lường gạt cứ như chuyện chợ trời? 27 tháng 5, thả ngư dân bị bắt, sau khi đã trấn lột hơn nửa tỷ dồng tài sản của ngư dân ta, ông Hồ Cẩm Đào nói rằng đã tìm được giải pháp “thỏa đáng” cho biển Đông. Lời ông nói gió chưa kịp thổi bay thì 29/5, ông ta xấc xược và côn đồ khi ngang nhiên ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông, phần lớn thuộc chủ quyền của Việt Nam, từ ngày 16/5 đến 1/8/2010. Năm ngày sau, ngày 4/5 lính Trung cộng lại bắt giữ tàu QNG-0281 với 12 ngư dân và đòi tiền chuộc 70 vạn nhân dân tệ. Đến như vậy mà còn nhắm mắt đưa chân tin vào “Năm Hữu Nghị”, thì tôi không hiểu những người lãnh đạo có trách nhiệm với dân tộc, đất nước hiện nay đang muốn làm gì khi cứ cúi đầu thấp hơn nữa? Điện Biên Phủ đâu? Hào khí Bạch Đằng, Chương Dương, Hàm Tử ở đâu, hay đang rủ nhau cùng trốn chạy trong cái góc khuất hay tăm tối đớn hèn nào đó?”

– Ông Hà Sĩ Phu, trong bài “Từ vụ Bauxite nghĩ về vận nước”, đã viết: “Trong lịch sử 4000 năm đã có bao giờ bị thất thủ mất đất, mất biển đơn giản như thế, đã có bao giờ ngoại bang cưỡi lên lưng, tóm lấy yết hầu, chi phối nhân sự dễ dàng như thế? Đã có bao giờ người cầm đầu xã hội bạc nhược đến mức không dám gọi đến tên kẻ đã đánh giết dân mình, chứ chưa nói đến có gan chống lại” (doithoai.com/7/27/2009)

Và trong bài “Giải Cộng Nhi Thoát” ông lại viết: “Phơi bày hết sự tàn bạo bất cận nhân tình không cần che đậy, tự “khỏa thân chính trị” của chế độ chuyên chính trong nước. Đồng thời, sự chuyên chính trong thế giới Cộng Sản với nhau cũng “khỏa thân” luôn không cần che đậy: Việc chính thức thành lập thành phố biển Tam Sa với đầy đủ quy chế hành chính và quân sự, việc kêu gọi đầu tư ngay trong thềm lục địa đương nhiên của Việt Nam, đưa 23.000 tàu đánh cá tràn vào vùng biển Việt Nam… đã tự lột trần cái bản mặt giả dối của chủ nghĩa quốc tế Cộng Sản đến mức không còn chút lá nho, cả những 16 chữ vàng, quan hệ 4 tốt, và cuộc thi ca khúc Việt -Trung và lời kêu gọi tri ân kẻ đã xâm lược cũng trở nên trơ trẽn, hèn hạ không thể chấp nhận….. Đến giai đoạn này thì các Blogger trong nước cũng không giữ lễ nữa: Không cần ám chỉ mà kể thẳng tên dù là thủ tướng hay tổng bí thư, hay Bộ Chính Trị. Mác-Lê không còn là điểm nhạy cảm phải kiêng, lại còn nghi ngờ rằng Đảng và nhà nước có định chống xâm lược thật không hay đã đồng tình với giặc xâm lược?, coi chính quyền chỉ là một đám cướp lớn phản động đã rõ ràng” (danchimviet.info/8/10/2012)

Trên đây là những cái mất hữu hình của đất nước vào tay Trung cộng. Còn một cái mất vô hình mà chúng ta có thể cảm được qua Bản Tuyên Bố Chung giữa Chủ Tịch Trung cộng Hồ Cẩm Đào và Tống Bí Thư Nông Đức Mạnh ngày 17/11/2006 tại Hà Nội, nhân dịp ông Hồ qua thăm Việt Nam. Bản tuyên bố bao gồm nhiều vấn đề, nhưng có một số điểm đặc biệt sau đây:

– Tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam – Trung cộng.

– Phát huy đầy đủ vai trò cơ chế hợp tác giữa các ngành ngoại giao, quốc phòng, công an, an ninh. Mở rộng hợp tác thiết thực trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục.

– Hai nước đã chính thức thành lập và tiến hành phiên họp đầu tiên của Ủy Ban Chỉ Đạo Hợp Tác Song Phương Việt-Trung. Hai bên nhất trí cho rằng sự kiện này có lợi cho việc tăng cường chỉ đạo vĩ mô, quy hoạch hợp tác và thúc đẩy toàn diện sự hợp tác trong tất cả các lĩnh vực giữa Việt Nam và Trung cộng.

– Tích cực ủng hộ và thúc đẩy doanh nghiệp hai nước hợp tác lâu dài và cùng có lợi trong các lịnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế tạo, khai thác nguồn nhân lực,năng lượng, chế biến khoáng sản và các lĩnh vực quan trọng khác. Khẩn trương bàn bạc và thực hiện các dự án như Bô-xit Đắc Nông.

Qua những điểm hợp tác toàn diện các ngành ngoại giao, quốc phòng, công an, an ninh với Ủy Ban Chỉ Đạo Hợp Tác Song Phương và tăng cường chỉ đạo vĩ mô, chúng ta có thể cảm được là đảng Cộng Sản Việt Nam đã bị Trung cộng nuốt và trở thành một thứ đảng ủy của đảng Cộng Sản Trung cộng. Vì vai trò chủ động trong các lĩnh vực này là Trung cộng chứ không thể là Việt Nam. Và ai chỉ đạo ai thì chúng ta có thể hiểu được. Như thế trên tiến trình thôn tính Việt Nam, Trung cộng đã thâu tóm được đảng Cộng Sản Việt Nam và sự việc đó đã hiện hình ở Bản Tuyên Bố này. Cộng Sản Việt Nam đã thành Đảng Ủy của đảng Cộng Sản Trung cộng thì chúng ta hiểu số phận của Việt Nam trong thế kỷ 21.

Năm 1963 ở Vũ Hán, Mao Trạch Đông đã nói với lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam: “Tôi sẽ làm chủ tịch 500 triệu bần nông, đưa quân xuống Đông Nam Á và chúng ta phải giành cho được Đông Nam Á bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaxia và Singapore. Một vùng Đông Nam Á rất giàu. Ở đây có nhiều khoáng sản, xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy.” (Bạch thơ – Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung cộng trong 30 năm qua). Trong đời Mao, Mao chưa thực hiện được giấc mộng đế quốc Đại Hán, nhưng tới thập niên 1990 thì đảng Cộng Sản Trung cộng đã có thể vận dụng lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam để tung hoành ở biển Đông và trên nội địa Việt Nam. Vì thế năm 2000 và 2006, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào qua thăm Việt Nam, nhưng đã đến Hội An tắm biển, nhìn ra Hoàng Sa và Trường Sa trước khi ra Hà Nội. Chắc hẳn Giang và Hồ không dám hay không thể làm việc này ở Nam Hàn, Phi Luật Tân, Thái Lan, Singapore hay Nhật Bản. Mà hẳn nhiên không có một nguyên thủ nào đi thăm một nước khác lại có thể đi tắm biển trước, rồi mới tới thủ đô của nước đó để được đón tiếp. Hành động của Giang và Hồ cao ngạo bất thường, nhưng hai tên này đã làm như thế để nói với thế giới là Việt Nam và Biển Đông đã thuộc quyền Trung cộng. Và đến nay thì Trung cộng đã có thể kiểm soát Việt Nam toàn diện từ biển tới rừng, cao nguyên và nội địa mà trên hết là nắm được đầu não của đảng Cộng Sản Việt Nam, một yếu tố duy nhất để thực hiện tham vọng bành trướng Đại Hán mà Mao Trạch Đông đã vạch ra từ thập niên 1960.

 

Kết luận

 Đứng Vững Ngàn Năm là một tập đại thành để diễn giải những nhân tố đã giúp Lạc Việt tồn tại hơn ngàn năm Bắc thuộc. Trước đây học sử Việt, chúng ta mơ hồ về phép lạ này. Nhưng đến nay với Đứng Vững Ngàn Năm, ông Ngô Nhân Dụng đã dùng kiến thức uyên bác về thế giới để soi rọi vào những nhân tố chủ quan và khách quan giúp chúng ta thấy và hiểu rõ ngọn nguồn những nhân tố mà tổ tiên ta đã tạo nên phép lạ. Ông Dụng viết Đứng Vững Ngàn Năm vào đầu thế kỷ 21, ở một giai đoạn việt Nam có thể rơi vào một thời kỳ Bắc thuộc lần thứ hai như ông như ông Trần Quang Cơ nhận định. Nhìn vào những sự việc đã và đang diễn ra trên đất nước mấy chục năm qua, chúng ta có thể thấy là đảng Cộng Sản Trung cộng đã sử dụng đảng Cộng Sản Việt Nam như một lực lượng nội ứng để đưa dân Tàu vào Việt Nam chiếm lĩnh những thứ mà Trung cộng cần. Trước thực trạng đó cứ hình dung là đảng Cộng Sản Việt Nam tồn tại mấy chục năm nữa thì người Tàu sẽ tràn ngập đất nước và nắm đầu dân Việt ra sao.

Phải chi ông Dụng viết thêm một, hai chương nữa về Việt Nam trong thế kỷ 20 để so sánh Việt Nam ngày xưa và Việt Nam ngày nay và luận bàn về số phận đất nước trước tham vọng của đảng Cộng Sản Trung cộng và sự ươn hèn của lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam khi phải bám vào Trung cộng để tồn tại. Ông đã không làm như thế mà chỉ nói phớt qua, rồi nói lên ước vọng: Việt Nam cần một phong trào hồi sinh văn hóa để phát triển và một giấc mơ là sẽ có ngày đất nước có tự do dân chủ. Sẽ có một ngày… Chắc hẳn người Việt nào cũng ước vọng và mơ như ông để khỏi phải tìm mọi đường ra đi. Người Việt đang ra đi chớ không về.

Có lẽ phải tạm quên đi những thảm kịch của Việt nam đang diễn ra khi ông Dụng viết Đứng Vững Ngàn Năm để ông có thể lạc quan nhìn về tương lai theo hai câu thơ của Tô Thùy Yên “Tiếng biển lời rừng nao nức giục – Ta về cho kịp độ xuân sang”.

Còn chúng tôi đã phải sống trong thảm kịch bắn giết, huynh đệ tương tàn và trong nhà tù của Cộng Sản Việt Nam nên lòng luôn mang nặng tấn thảm kịch. Từ đó, chúng tôi cảm thông với tâm trạng của nhà thơ Tô Thùy Yên cũng với hai câu trong Ta Về: Chút rượu hồng đây xin rưới xuống – Giải oan cho cuộc biển dâu này.

 

Việt Dương 

Bức tranh vân cẩu (10.12.2022)

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen