Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Jiang Zemin was almost fired before embarking on market reforms,” Nikkei Asia, 08/12/2022
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Nghiên Cứu Quốc Tế
Bước ngoặt quyết liệt giúp Trung Quốc tăng trưởng đột biến là một bài học cho Tập.
Mười năm trước, một nguồn tin đáng tin cậy từ Trung Quốc đã tiết lộ một bí mật ít người biết về cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, người vừa qua đời vào tuần trước ở tuổi 96.
Giang được đưa lên làm lãnh đạo tối cao của đảng sau cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989. “Giang được chọn làm lãnh đạo, nhưng ngay lập tức, ông phải đối mặt với nguy cơ chịu chung số phận với người tiền nhiệm của mình,” nguồn tin chia sẻ.
Người tiền nhiệm của ông là Triệu Tử Dương, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, người đã bị thanh trừng vì cách ông xử lý các cuộc biểu tình sinh viên ở Thiên An Môn.
Vì Giang yếu về mặt chính trị, nên ông đã bị lôi kéo vào một cuộc tranh giành quyền lực, và khi đó đã đứng trên bờ vực bị sa thải, nguồn tin nói thêm.
Nhưng bằng cách lèo lái vượt qua cuộc tranh giành quyền lực khốc liệt, Giang đã bắt tay vào thực hiện một loạt chính sách thực tế giúp nền kinh tế Trung Quốc phát triển vượt bậc. Con đường của ông để lại những bài học cho nhà lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc, Tập Cận Bình, người dường như đang đưa Trung Quốc trở lại với chủ nghĩa Mao.
Sau cuộc đàn áp của quân đội đối với các sinh viên ủng hộ dân chủ vào ngày 04/06/1989, cướp đi sinh mạng của rất nhiều người, phe bảo thủ chính trị đã củng cố ảnh hưởng của họ trong giới lãnh đạo Trung Quốc. Nhưng sinh kế của dân thường đã gặp khó khăn, ngột ngạt do sự cô lập quốc tế.
Giang, nhà lãnh đạo mới, người đột ngột được đưa từ Thượng Hải đến Bắc Kinh, đã tạo thành một bộ đôi với Thủ tướng Lý Bằng, một chính trị gia bảo thủ với cơ sở ủng hộ vững chắc ở thủ đô Trung Quốc.
Tuy nhiên, bộ đôi Giang-Lý lại hoạt động không suôn sẻ. Hai người đã do dự trước việc mở cửa nền kinh tế Trung Quốc, vì phải cân nhắc đến phe bảo thủ, những người là đối thủ của nhà lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình.
Đặng dần trở nên thất vọng, lo sợ Trung Quốc sẽ sụp đổ nếu tình hình vẫn không thay đổi. Ông ra lệnh cho con trai cả của mình, Đặng Phác Phương, hiện 78 tuổi, bí mật điều tra những gì đang diễn ra trong giới chính trị và hành chính, tìm hiểu về liên hệ giữa các phe phái và cách giải quyết tình hình.
Đặng Phác Phương đã sống một cuộc đời khổ sở. Trong Cách mạng Văn hóa (1966-1976), ông bị Hồng Vệ Binh ném ra khỏi cửa sổ của một tòa nhà và bị liệt từ thắt lưng trở xuống. Ông đã phải ngồi xe lăn kể từ đó.
Hoàn cảnh khó khăn không ngăn được Đặng Phác Phương thiết lập một mạng lưới quan hệ cá nhân rộng khắp trong giới chính trị và hành chính, tận dụng địa vị là một trong những “thái tử đảng,” con của các quan chức cấp cao của đảng.
Sử dụng tất cả các mối quan hệ của mình, Đặng Phác Phương đã tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng và mang về một báo cáo gây sốc cho cha mình. Về cơ bản, báo cáo nói rằng, trừ phi có những thay đổi mạnh mẽ – trước tiên là cách chức Thủ tướng Lý Bằng, thậm chí mạnh tay hơn nữa, sa thải luôn Giang Trạch Dân – cải cách sẽ không được tiến hành và nền kinh tế sẽ bị đình trệ.
Đặng Tiểu Bình đã nghiêm túc xem xét báo cáo và bí mật bắt đầu chuẩn bị “liều thuốc mạnh” mà con trai ông kê đơn. Mục tiêu đầu tiên của ông là Lý Bằng, người đang trở thành kẻ kìm hãm cải cách. Nếu việc hạ bệ Lý không hiệu quả, Giang sẽ là mục tiêu tiếp theo.
Sợ làm mất lòng những người bảo thủ, Giang đã không thể đưa ra những quyết định quan trọng. Đối mặt với khủng hoảng kinh tế, Đặng vội vàng thực hiện các thay đổi.
Đằng sau hậu trường, Đặng Tiểu Bình đã đánh tiếng với Phó Thủ tướng Chu Dung Cơ về việc đưa ông trở thành thủ tướng tiếp theo. Vào thời điểm đó, Chu, hiện 94 tuổi, là một ngôi sao đang lên và rất thông thạo các vấn đề kinh tế.
“Không đời nào.” Người ta kể lại rằng Chu đã ngay lập tức từ chối lời đề nghị, lưỡng lự trước chiếc ghế thủ tướng vì còn có những người bảo thủ đang ngăn cản cải cách. Chu sau này trở nên nổi tiếng với biệt danh “Sa hoàng Kinh tế” của Trung Quốc, nhưng lúc đó chưa phải là thời của ông.
Nhiệm vụ bãi nhiệm Giang và Lý bất ngờ thất bại vì Đặng Tiểu Bình, khi đó đã ngoài 80 tuổi, bị ngã trong lúc tắm, khiến ông gãy xương và bị thương.
Như sau này được mô tả lại, Đặng lúc ấy cũng đang đối mặt với bệnh Parkinson. Nhà lãnh đạo tối cao cảm thấy thể lực của mình đã yếu đi nhiều và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ việc tìm cách sa thải Lý Bằng.
Đặng ưu tiên sự ổn định. Kết quả là Giang được tha.
Khi Giang biết rằng mình đã cận kề việc mất ghế đến mức nào, ông nhận ra điểm yếu trong nền tảng quyền lực của mình. Thức tỉnh, ông liền phát động một cuộc phản công.
Đầu tiên, Giang ra lệnh thanh trừng Trần Hy Đồng, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh và là thành viên chủ chốt của “Bắc Kinh phái”, lên án Trần là kẻ tham nhũng.
Đó là một động thái chiến thuật cho phép Giang giữ khoảng cách và làm suy yếu Lý Bằng, một nhân vật trung tâm của phe Bắc Kinh. Giang không cho phép mình đánh giá thấp Lý, người cũng là một thái tử đảng, con nuôi của cựu thủ tướng Chu Ân Lai.
Kịch bản công phu nhằm kiềm chế phe Bắc Kinh đã được viết sau hậu trường bởi cánh tay phải của Giang Trạch Dân là Tăng Khánh Hồng, người sau này trở thành Phó Chủ tịch Trung Quốc.
Cuộc thanh trừng Trần là một trận động đất chính trị, và Phó thị trưởng Bắc Kinh lúc bấy giờ đã vội vàng tự tử. Giữa cảnh biến động chính trị, phe của Giang bắt đầu thâu tóm quyền lực. Chính tại thời điểm này, phe của Giang, “Thượng Hải phái,” bắt đầu trỗi dậy.
Còn có một yếu tố khác đằng sau những diễn biến chính trị này: sự suy giảm sức khỏe và tầm ảnh hưởng của Đặng Tiểu Bình.
Khi Giang bắt đầu thoát khỏi ảnh hưởng chính trị của Đặng, ông đã chọn một con đường chính sách thực tế, một con đường nhấn mạnh yếu tố thị trường.
Với việc Đặng qua đời vào tháng 2/1997, Giang đã củng cố cơ sở quyền lực của mình. Tại đại hội toàn quốc lần thứ 15 của đảng, được tổ chức vào mùa thu năm đó, Giang đã tự ý loại đối thủ Kiều Thạch ra khỏi Ban Thường vụ Bộ Chính trị.
Giang lo sợ rằng Kiều là người có thể thay thế ông nếu ông bị cách chức Tổng Bí thư đảng.
Ngay sau đại hội toàn quốc năm đó, Giang đã gặp cựu Thủ tướng Nhật Bản Noboru Takeshita tại Bắc Kinh. Ông tiết lộ câu chuyện nội bộ về việc buộc Kiều phải nghỉ hưu, bằng cách thiết lập tuổi nghỉ hưu bắt buộc mới cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Cái chết của Đặng đã cho phép Giang củng cố quyền lực, và giờ đây, cái chết của Giang có lẽ cũng sẽ cho phép Tập Cận Bình đạt được điều tương tự.
Tháng 03/1998, Chu Dung Cơ chính thức được thăng chức thủ tướng, và bộ đôi Giang-Chu từ phe Thượng Hải đã giám sát việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, và tạo đà cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn.
Thuyết “Ba Đại diện” của Giang cũng đã nới lỏng đáng kể sự cứng nhắc của đất nước và thậm chí đưa các nhà tư bản, tức các doanh nhân thuộc khu vực tư nhân, vào đảng, theo đó đoàn kết những người cộng sản với “kẻ thù” của họ.
Chủ nghĩa thực tế “thị trường trước chủ nghĩa xã hội” – vốn đánh dấu nửa sau của thời kỳ cầm quyền của Giang – đã mang lại sự sung túc cho xã hội Trung Quốc.
Giang không quá nổi tiếng khi còn đương chức. Nhưng gần đây, danh tiếng của ông đã tăng lên, khi mọi người so sánh các chính sách kinh tế thân thiện với tăng trưởng của ông với các chính sách lạc hậu và cứng nhắc của Tập Cận Bình. Bây giờ Giang đã được gọi một cách trìu mến là trưởng lão (zhangzhe), bậc cao niên mang lại may mắn.
Từng sống ở Liên Xô cũ, Giang nói được tiếng Nga và cả tiếng Anh. Ông cũng là người có khiếu hài hước. Trong một chuyến thăm Mỹ, khi được hỏi về việc bảo vệ loài gấu trúc khổng lồ, Giang trả lời bằng tiếng Anh rằng ông là một kỹ sư điện nên chẳng biết gì về chuyện bảo vệ động vật.
Với một câu hỏi khác, liên quan đến bóng rổ, Giang thản nhiên trả lời rằng ông chỉ cao 1m74, tiết lộ thông tin cá nhân vốn thường được giữ kín.
Ông cũng rất khôn ngoan về mặt chính trị. Tại đại hội toàn quốc lần thứ 16 của đảng vào mùa thu năm 2002, Giang đã nhường chức Tổng Bí thư cho Hồ Cẩm Đào. Mùa xuân năm sau, trong phiên họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức Quốc hội Trung Quốc, ông đã trao chức Chủ tịch nước cho Hồ Cẩm Đào.
Nhưng Giang vẫn tiếp tục giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương và tiếp tục có ảnh hưởng to lớn. Mãi cho đến mùa thu năm 2004, Giang mới thôi giữ chức vụ cao nhất trong quân đội.
Kết quả là, mâu thuẫn đã nảy sinh giữa Giang và Hồ, bất chấp việc Hồ đi theo con đường kinh tế của Giang.
Tập Cận Bình đã có được thứ mà người Trung Quốc mô tả là “quyền lực tối thượng.” Ông đã chứng minh điều đó bằng các quyết định bổ nhiệm nhân sự tại đại hội toàn quốc của đảng vào tháng 10, khi ông đưa các đồng minh trung thành của mình vào tất cả các vị trí lãnh đạo.
Tuy nhiên, Tập đã quay lưng lại với di sản kinh tế của Đặng, Giang, và Hồ.
Ông nhấn mạnh sự cai trị tuyệt đối của Đảng Cộng sản. Ông đang đưa đất nước trở lại cội nguồn xã hội chủ nghĩa Mao Trạch Đông dưới cái tên “thịnh vượng chung.” Sự can dự trắng trợn của nhà nước vào Tập đoàn Alibaba và các công ty công nghệ hàng đầu khác của Trung Quốc là minh chứng cho điều này.
Giang đã qua đời, còn Hồ cũng không được khỏe, rõ ràng là các lực lượng chính trị có thể chống lại Tập đều đã suy yếu.
Nếu Tập quay trở lại với chính sách thực tế của Giang, điều đó không có nghĩa là một thất bại chính trị. Tập vẫn có thể và nên chuyển hướng.
Chí ít thì chính quyền của ông dường như đang làm điều này, vì họ đã nới lỏng chính sách zero-covid nghiêm ngặt của mình.
Trước áp lực từ “phong trào giấy trắng,” trong đó những người trẻ tuổi bày tỏ sự bất mãn của họ, lần đầu tiên, chính quyền cứng rắn của Tập đã phải nhượng bộ đôi chút.
Tuy nhiên, về các chính sách kinh tế và chính trị của Trung Quốc, không có dấu hiệu nào cho thấy Tập đang quay trở lại con đường thực tế của những người tiền nhiệm.
Ông sẽ đặt mục tiêu đảm bảo vị thế “lãnh đạo tối cao trọn đời” một lần nữa tại đại hội toàn quốc tiếp theo của đảng, vào năm 2027, điều mà ông đã không đạt được vào đầu mùa thu này.
Để đạt được mục tiêu đó, bằng bất cứ giá nào, ông cũng phải thể hiện những thành tựu vượt xa những thành tựu do chính sách cải cách mở cửa mà Đặng, Giang và Hồ theo đuổi.
Cái chết của Giang, người là đại diện cho cách tiếp cận thực tế, có thể giúp củng cố các chính sách của Tập hơn nữa. Nếu điều này thực sự xảy ra, sự đình trệ kinh tế dài hạn sẽ là điều không thể tránh khỏi. Không còn đảng viên lão thành có ảnh hưởng nào có thể kìm hãm các chính sách của Tập.
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.